Wednesday, October 4, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 4/10

Tin Thế Giới

1.
Oxford tước giải nhân quyền của bà Aung San Suu Kyi

Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi vừa bị thành phố Oxford tước giải thưởng nhân quyền. Bà từng là nghiên cứu sinh ở thành phố này.

Hội đồng Thành phố Oxford đã bỏ phiếu trong tuần này nhất trí đề xuất thu hồi lại giải thưởng Nền Tự do của Thành phố từng trao cho bà Suu Kyi, họ nêu lý do là những quan ngại sâu sắc về sự đối xử với người Hồi giáo Rohingya xảy ra khi bà nắm quyền.

Hơn 500.000 người thiểu số Rohingya ở Myanmar đã chạy qua biên giới sang Bangladesh kể từ cuối tháng 8, khi các cuộc tấn công của người Rohingya đã dẫn tới cuộc đàn áp bạo lực của quân đội.

Nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Suu Kyi, trước đây nổi tiếng vì hoạt động nhân quyền, đã bị nhiều nơi chỉ trích vì bà đã không lên tiếng về vấn đề này.

Một giải thưởng tương tự cũng đang bị hội đồng thành phố Sheffield ở phía bắc nước Anh cân nhắc thu hồi, sau khi người dân nộp kiến nghị vào tháng trước.

Trường cao đẳng St Hugh thuộc Đại học Oxford, trường cũ của bà Suu Kyi, đã gỡ bỏ bức chân dung của bà hồi tuần trước, trong khi Unison, nghiệp đoàn lớn thứ hai của Vương quốc Anh, tuyên bố hồi tháng trước rằng họ sẽ đình chỉ tư cách thành viên danh dự của bà. - VOA
|
|

2.
Catalonia có thế sớm tuyên bố độc lập

Khu vực Catalonia, nơi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Tây Ban Nha hôm Chủ nhật bị cảnh sát mạnh tay trấn áp, có thể sẽ tuyên bố độc lập nội trong tuần này hoặc đầu tuần sau.

Ông Carles Puigdemont, thủ lãnh của khu vực, nói với hãng tin BBC rằng chính phủ khu vực có thể hành động ngay khi có kết quả kiểm phiếu chung cuộc.

Ông Puigdemont dự tính sẽ ra một thông báo vào chiều tối thứ Tư 4/10.

Giới hữu trách Catalonia nói 90% số người đi bỏ phiếu hôm Chủ nhật muốn tách khỏi Tây Ban Nha và tuyên bố độc lập. Cử tri có nhiều lúc phải đối đầu với cảnh sát liên bang, khi lực lượng cảnh sát dùng vũ lực đóng cửa các phòng phiếu không cho người Catalonia bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý mà trước đó tòa tối cao Tây Ban Nha tuyên bố là bất hợp lệ.

Giới hữu trách địa phương nói khoảng 900 người bị thương trong các cuộc đối đầu với cảnh sát. Việc cảnh sát trấn áp ở Catalonia ngay lập tức bị cộng đồng quốc tế lên án và kêu gọi đối thoại giữa Madrid và chính quyền khu vực.

Người lao động đình công và các cuộc biểu tình đã làm tê liệt dịch vụ giao thông vận tải và hoạt động kinh doanh buôn bán trên khắp Catalonia hôm thứ Ba 3/10, trong lúc quốc vương Tây Ban Nha khiển trách chính quyền khu vực “hành động vô trách nhiệm,” gây nguy hại cho sự ổn định ở Catalonia và Tây Ban Nha.

Hôm thứ Tư, Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha loan báo đang điều tra hai giới chức của lực lượng cảnh sát Catalonia bị tố cáo nổi loạn liên quan đến các cuộc biểu tình bạo động hồi tháng 9. Lực lượng cảnh sát Catalonia bị cáo buộc là đã không nỗ lực hạ giảm bất ổn khi cảnh sát liên bang bố ráp các văn phòng của chính phủ khu vực trong nỗ lực chặn đứng phong trào đòi độc lập.

Một người phát ngôn của tòa án cho biết các thủ lãnh của hai nhóm dân sự ủng hộ độc lập cũng bị điều tra về những cáo buộc tương tự. - VOA
|
|

3.
Nhà lập pháp đối lập Campuchia chạy ra nước ngoài tránh lệnh bắt --- Phân nửa dân biểu đối lập Campuchia phải trốn đi

Một nhà lập pháp đối lập hàng đầu của Campuchia đã chạy ra nước ngoài sau khi bị cảnh cáo có thể bị bắt vì dính líu đến cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ.

Bà Mu Sochua, phó chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia, rời khỏi Phnom Penh hôm thứ Ba 3/10, một ngày sau khi Thủ tướng Hun Sen cảnh báo sẽ có hành động đối với những ai tham gia âm mưu lật đổ chính phủ như bị cáo buộc.

Thủ lãnh Đảng Cứu quốc Campuchia, ông Kem Sokha bị bắt tại nhà hôm 3 tháng 9 và bị truy tố tội phản quốc. Chính phủ nói rằng các cáo trạng căn cứ vào những phát biểu của ông Sokha trong video được thực hiện hồi năm 2013, trong đó ông Sokha nói có nhận sự trợ giúp của Hoa Kỳ để thành lập phong trào dân chủ ở Campuchia.

Ông Kem Monovithya, một giới chức cấp cao của Đảng Cứu quốc Campuchia, viết trên Twitter chiều hôm thứ Ba rằng bà Mu Sochua đã chạy ra nước ngoài sau khi bị một giới chức cấp cao của chính phủ cảnh cáo. Gần một nửa số nhà lập pháp thuộc Đảng Cứu quốc Campuchia đã bỏ ra nước ngoài kể từ khi ông Kem Sokha bị bắt. - VOA

***
Hơn phân nửa số dân biểu đối lập ở Campuchia đã phải ra nước ngoài trong vòng tháng qua để chạy trốn chiến dịch đàn áp nhắm vào đảng của họ. Một dân biểu đối lập thuộc Đảng Cứu quốc Campuchia, cho báo chí biết như vậy vào hôm 4/10.

Chiến dịch đàn áp của Thủ tướng Hun Sen đã gia tăng vào tháng trước khi lãnh đạo đảng đối lập Kem Sokha bị bắt vào tù với cáo buộc phản quốc. Theo dân biểu Mao Monyvann của Đảng Cứu quốc, sau vụ bắt giữ ông Kem Sokha, đã có hơn 20 chính trị gia đối lập khác đã phải bỏ nước ra đi. Hiện đảng cứu quốc có 55 ghế tại quốc hội Campuchia.

Ông Monyvann nói với hãng tin AFP rằng hiện vẫn còn khoảng hơn 10 dân biểu khác còn ở trong nước. Ông cho biết phần lớn những người bỏ đi đến Mỹ hoặc các nước châu Âu nơi họ có gia đình hoặc có quốc tịch.

Người mới phải rời Campuchia gần đây là bà Mu Sochua, 63 tuổi, lãnh đạo đảng cứu quốc sau khi ông Kem Sokha bị bắt.

Nói với hãng tin Reuters hôm 3/10, bà này cho biết bà được báo là bà đang mằm trong danh sách sẽ bị nhắm tới trong cuộc đàn áp. Bà cũng không muốn tiết lộ nơi mình ở hiện tại vì mối lo an ninh.

Bà Mu Sochua cũng kêu gọi quốc tế phải có hành động cụ thể đối với Campuchia thay vì chỉ đưa ra những tuyên bố. Bà nói rằng đây là lúc phải có cấm vận, ngưng các trợ giúp về mặt kỹ thuật cho chính phủ Campuchia vì vấn đề khẩn cấp của dân chủ. Cấm vận được bà Sochua đưa ra bao gồm hạn chế cấp visa cho các quan chức chính phủ, nhưng không nhắm vào xuất khẩu may mặc vào các nước Mỹ và EU.

Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan hôm 4/10 lên tiếng phản bác lại những tuyên bố của bà Sochua, nói rằng không có lý do gì để các nước cấm vận Campuchia vì nước này vẫn cam kết hòa bình, đa đảng và pháp quyền. Ông cũng nhấn mạnh Campuchia có chủ quyền và sẽ bảo vệ chủ quyền của mình.

Chính phủ cáo buộc đảng đối lập đang lên kế hoạch lật đổ Thủ tướng Hun Sen, người đã lãnh đạo Campuchia suốt 3 thập kỷ qua kể từ khi chế độ Khme đỏ bị lật đổ.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) nói sự ra đi hàng loạt của các dân biểu đối lập ở Campuchia đã làm dày thêm đám mây cái chết của nền dân chủ ở Campuchia dưới tay của Thủ tướng Hun Sen.

Ông Hun Sen sẽ tiếp tục tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm tới 2018. Theo người đại diện của HRW thì dường như ông Hun Sen đã có kế hoạch sử dụng đe dọa và sự sợ hãi để dành chiến thắng ngay cả trước khi bầu cử diễn ra. - RFA
|
|

4.
Nhật Bản sắp tái khởi động nhà máy điện hạt nhân

Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản vừa cấp phép sơ bộ cho việc tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân mà đã bị ngưng hoạt động sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản hôm thứ Tư biểu quyết nhất trí rằng hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa do Công ty Điệc lực Tokyo vận hành đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới rất gắt gao được ban hành sau thảm họa Fukushima. Nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa, đặt tại tỉnh Niigata, là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới, và là lớn nhất của Nhật Bản.

Trận động đất mạnh 9 độ vào tháng 3 năm 2011 đã gây ra sóng thần làm 20.000 người thiệt mạng, gây tan chảy 3 lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, miền đông bắc nước Nhật, gây ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Thảm họa Fukushima đã buộc chính phủ Nhật Bản đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, và cho đến nay rất nhiều người dân Nhật vẫn chống đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Nhưng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực khôi phục dần công nghiệp năng lượng hạt nhân của nước này. TEPCO đang nỗ lực tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân để có tiền đền bù cho hàng ngàn cư dân phải di dời vì tai nạn Fukushima.

Có thể phải mất nhiều tháng nữa TEPCO mới nhận được giấy phép chung cuộc để tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa. - VOA
|
|

5.
Putin chưa quyết định có tranh cử 2018 không

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 4/10 rằng ông vẫn chưa quyết định có tranh cử vào tháng 3/2018 hay không.

"Không chỉ là tôi chưa quyết định tranh cử với đối thủ nào, mà tôi còn chưa quyết định có tranh cử hay không", ông Putin nói, khi được hỏi ông sẽ chạy đua với đối thủ nào trong cuộc bầu cử.

Nếu Putin quyết định tranh cử, nhiều người tiên liệu ông sẽ giành chiến thắng vang dội trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, vì ông sẽ không đối mặt với đối thủ mạnh nào.

Một tòa án Nga hôm 2/10 đã kết án tù đối với lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny lần thứ ba trong năm nay.

Án tù giam 20 ngày hiện tại đồng nghĩa là ông ấy sẽ không thực hiện được cuộc mít tinh vận động tranh cử dự định diễn ra ở quê nhà của ông Putin, St Petersburg, vào ngày 7/10 - ngày sinh của nhà lãnh đạo Nga.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Navalny sẽ thua thậm trước ông Putin nếu ông ấy tranh cử. - VOA
|
|

6.
Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel hóa học

Các ông Jacques Dubochet, Joachim Frank và Richard Henderson giành giải Nobel hóa học vì công lao của họ dẫn đến đơn giản hóa và cải thiện việc ghi lại hình ảnh các phân tử sinh học.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải thưởng này cùng với khoản tiền thưởng 1,1 triệu đôla hôm 4/10.

Ba nhà khoa học kể trên đã phát triển cách thức để tạo ra các hình ảnh ba chiều của các phân tử, theo Viện hàn lâm, điều đó đã đưa ngành hóa sinh "vào một kỷ nguyên mới".

Viện hàn lâm nói: "Các nhà nghiên cứu giờ đây có thể đóng băng các chất hóa sinh giữa chừng chuyển động và nhìn các quá trình mà họ chưa bao giờ thấy trước đó, điều này có tính quyết định đối với cả sự hiểu biết cơ bản về hóa học của cuộc sống lẫn đối với việc phát triển dược phẩm". - VOA
|
|

7.
Hai nhà vật lý đoạt giải Nobel khuyến cáo chớ vì chính trị mà bác bỏ khoa học

Hai trong số ba khoa học gia được loan báo đoạt giải Nobel Vật Lý hôm Thứ Ba vì mở ra thời đại mới cho ngành thiên văn học do đo được ‘gravitational waves’ (sóng hấp dẫn), lên tiếng cho hay họ hy vọng điều này sẽ khiến giúp bớt có tình trạng bác bỏ các nhận định chung của khoa học vì mục đích chính trị.

Ba nhà nghiên cứu là Rainer Weiss ở Massachusetts Institute of Technology (MIT), và Kip Thorne cùng Barry Barish thuộc đại học California Institute of Technoglogy (Caltech) đoạt giải Nobel Vật Lý 2017 cho công trình nghiên cứu kéo dài cả nửa thế kỷ nay nhằm xác nhận sự hiện hữu của các giao động trong không gian và thời gian như đã từng được Albert Einstein tiên đoán.

Giáo Sư Clifford Will tại đại học University of Florida cho hay “gravity waves” cho cách mới để quan sát vũ trụ chứ không chỉ có ánh sáng và vật thể.

Đây là giải Nobel thứ nhì mà các khoa học gia Mỹ được trao trong tuần này, diễn ra trong khi chính phủ Donald Trump muốn cắt giảm tài trợ cho nghiên cứu khoa học và tỏ ý nghi ngờ về sự hiện hữu của tình trạng thay đổi khí hậu

Điều đó cũng phản án sự nghi ngờ của công chúng tại Mỹ, nơi ngày càng có thêm nhiều người sẵn sàng bác bỏ các kết quả nghiên cứu khoa học về nhiều vấn đề, từ việc phải chăng thay đổi khí hậu là do con người tạo ra, cho tới sự an toàn của các thuốc chủng ngừa.

“Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự suy nghĩ và kết luận hợp lý dựa trên các chứng cớ rõ ràng không được mọi người chấp nhận, mà thực ra đang bị đe dọa. Đây là điều khiến tôi vô cùng lo ngại,” theo lời ông Rainer Weiss, một cựu giáo sư vật lý tại đại học MIT, và là một trong ba người được vinh danh hôm Thứ Ba.

“Nếu việc trao giải này cho những người khác có lý do để tin tưởng hơn vào dữ kiện khoa học thì đó là điều tốt,” theo ông Weiss, người được hưởng một nửa số tiền thưởng $1.1 triệu. Hai người kia chia nhau nửa còn lại.

Ông Barry Barish, một cựu giáo sư ở Caltech, cũng có phát biểu tương tự, nói rằng đây là điều tốt “trong thời buổi mà nhiều vấn đề bị xuyên tạc vì người ta không để ý đến tất cả dữ kiện thật sự.” - nguoiviet
|
|

8.
Hoa Kỳ và Thái Lan kêu gọi giải pháp hòa bình cho Biển Đông

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha hôm 03/10/2017 tại Washington khẳng định cam kết duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, đang bị Trung Quốc áp đặt chủ quyền.

Nhấn mạnh đến sự quan trọng của một Biển Đông yên ổn, hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Thái Lan tái khẳng định đôi bên cùng chia sẻ quan điểm cần một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp.

Thông cáo chung Hoa Kỳ và Thái Lan đòi hỏi cần tôn trọng các tiến trình luật pháp và ngoại giao, phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hai nước hoan nghênh việc thông qua bộ khung Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) và kêu gọi sớm hoàn thành bộ quy tắc này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Thái Prayut Chan-O-Cha cùng nhất trí về nhu cầu hợp tác với nhau để đảm bảo một Biển Đông hòa bình, ổn định và bền vững. Đồng thời, lãnh đạo hai nước bày tỏ quan ngại về số lượng các vụ thử hỏa tiễn và nguyên tử cao chưa từng thấy của Bắc Triều Tiên trong năm qua, cũng như tình hình tại bang Rakhine của Miến Điện.

Là quốc gia không yêu sách Biển Đông, năm 2016, Thái Lan đã tuyên bố « ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc » về duy trì hòa bình tại vùng biển chiếc lược này, sau khi Philippines công bố hình ảnh các tàu Trung Quốc đi vào bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Hôm 17/08/2017, nhân chuyến thăm của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Chan-O-Cha cũng cho biết « tiếp tục ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC". - RFI
|
|

9.
Cần hơn 400 triệu đô la giúp người tị nạn Rohingya

Các tổ chức trợ giúp nhân đạo cho người Hồi giáo Rohingya ở Bangladesh hôm 4 tháng 10 cho biết họ cần 434 triệu đô la trong vòng 6 tháng tới để giúp 1,2 triệu người, phần lớn là trẻ em.

Hiện ước tính có khoảng 809.000 người Rohingya ở Bangladesh. Đây là những người chạy trốn chiến sự và đàn áp ở Myanmar. Hơn 500.000 người mới đến Bangladesh kể từ ngày 25/8 vừa qua.

Ông Robert Watkins, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Bangladesh cho biết hiện người Rohingya ở trại tị nạn Cox’s Bazar đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhiều người trong số họ đã trải qua những trấn thương nặng nề và đang phải sống trong điều kiện cực kỳ khó khăn.

Theo ông Watkins, có khoảng nửa triệu người cần trợ giúp về thực phẩm, trong khi 100.00 người khác cần chỗ ở khẩn cấp. Hơn nửa triệu người là trẻ em và 24.000 người là phụ nữ đang có thai và cần có các dịch vụ chăm sóc thai sản.

Thông báo của các tổ chức trợ giúp nhân đạo ở Bangladesh nhấn mạnh họ cần những trợ giúp ở mức độ lớn và ngay lập tức vì nếu không có nước sạch và vệ sinh ngay bây giờ thì dịch bệnh sẽ bùng phát.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc hôm 4/10 cũng lên tiếng thúc giục chính phủ Myanmar phải dừng ngay lập tức tình trạng bạo lực ở bang Rakhine.

Các cơ quan về quyền của phụ nữ và trẻ em của Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố nói rằng họ đặc biệt quan ngại về số phận của những người phụ nữ và trẻ em Rohingya đang phải đối mặt với những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, baog gồm giết hại, hãm hiếp và bị bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa. Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh những vi phạm này có thể là những tội chống lại loại người . Liên Hiệp Quốc đặc biệt lo ngại trước sự thất bại của chính phủ địa phương trong việc chấm dứt những vi phạm nhân quyền do quân đội và lực lượng an ninh Myanmar thực hiện.

Trước đó Liên Hiệp Quốc đã gọi chiến dịch của quân đội Myanmar ở bang Rakhine là một cuộc thanh lọc sắc tộc nhắm vào người Hồi giáo Rohingya. Chính phủ Myanmar đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. - RFA
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Ngoại trưởng Mỹ nói chưa bao giờ cân nhắc thôi chức

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson bác bỏ tin tức cho rằng ông sắp rời khỏi chức vụ.

Ông phát biểu: "Xin nói về vài điều cụ thể - phó tổng thống chưa bao giờ phải thuyết phục tôi ở lại vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi chức vụ này".

Ông Tillerson đã đưa ra tuyên bố hôm 4/10 với các phóng viên chuyên theo dõi Bộ Ngoại giao, trong cùng ngày NBC News đưa tin là vị ngoại trưởng "suýt nữa" từ chức hồi đầu năm nay, sau nhiều tháng có những căng thẳng và chán nản về Tổng thống Donald Trump, và ông còn giữ chức vụ chỉ vì có lời kêu gọi của Phó Tổng thống Mike Pence.

Tin của NBC News cho biết ông Tillerson đã gọi ông Trump là một "thằng ngốc" sau một cuộc gặp với các quan chức hàng đầu khác tại Ngũ Giác Đài hồi tháng 7. - VOA
|
|

11.
Mattis: Chính quyền Mỹ nhất quán về chính sách Bắc Triều Tiên

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis ngày 03/10/2017 đã cố gắng trấn an về sự nhất quán của chính quyền Trump trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tuyên bố « hoàn toàn ủng hộ » các nỗ lực ngoại giao của ngoại trưởng Rex Tillerson.

Phát biểu trước Ủy an Quân vụ của Thượng Viện, bộ trưởng Mattis cho biết như trên, đồng thời nhấn mạnh việc quân đội Mỹ « tập trung nỗ lực cho quốc phòng Hoa Kỳ và các đồng minh ».

Với việc bênh vực ngoại trưởng Tillerson, có vẻ như bộ trưởng Quốc Phòng đã nói ngược lại với tổng thống Donald Trump. Hôm Chủ nhật 01/10, ông Trump trong một loạt tin Twitter, đã cho rằng « vị ngoại trưởng tuyệt vời »chỉ phí thời gian khi muốn thương lượng với Little Rocket Man - từ ngữ mà ông dùng để chỉ Kim Jong Un.

Được hỏi về vấn đề này, ông James Mattis khẳng định trong chính quyền Mỹ « không có nhiều bất đồng như một số người đã nghĩ » về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ông nói : « Các chỉ thị mà tổng thống Trump đã đưa ra cho ông Tillerson và tôi rất rõ : chúng ta phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, với những sáng kiến khác nhau tiến hành cùng với Trung Quốc, và thúc đẩy trừng phạt ».

Khi một thượng nghị sĩ thắc mắc, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trả lời : « Việc tổng thống gởi ngoại trưởng Tillerson đến Bắc Kinh cách đây vài ngày để chuyển các thông điệp đến các lãnh đạo Trung Quốc (…) là lời đáp chính xác nhất cho câu hỏi". - RFI
|
|

12.
CIA tăng cường điệp viên ra nước ngoài thu thập tin tức

Giám Đốc CIA Mike Pompeo hôm Thứ Tư cho hay ông muốn có hệ thống thu thập tin tức nhanh chóng hơn trên toàn thế giới, và nói rằng ông đang gửi thêm nhiều nhân viên ra ngoài và cho giới chỉ huy ở cấp thấp hơn có thêm quyền hành nhằm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia tốt hơn.

Ông Pompeo nói muốn giảm bớt tình trạng hành chánh quan liêu và tạo tinh thần hoạt động ở CIA theo đó “nếu trong hệ thống làm việc mà không đóng góp được gì thì hãy tránh ra.”

Trong bài diễn văn đọc trong một cuộc hội thảo về tình báo tại đại học George Washington University, ông Pompeo nói rằng “sự nguy hiểm do không uyển chuyển và đối phó nhanh chóng là điều mà cơ quan chúng tôi không thể chấp nhận. Đây cũng là điều mà nước Mỹ cũng không thể chấp nhận.”

Ông Pompeo, thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình di dân gốc Ý, lớn lên ở thành phố Santa Ana và tốt nghiệp trường trung học Los Amigos ở Fountain Valley, tiểu bang California, trước khi vào Học Viện Quân Sự West Point, được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm vào chức vụ giám đốc CIA hồi Tháng Giêng, ở thời điểm có các cuộc tấn công của Hồi Giáo quá khích, đe dọa từ Bắc Hàn, các hành vi hung hãn từ Nga, cũng như sự căng thẳng giữa Tổng Thống Trump và cộng đồng tình báo Mỹ.

Ông không cho biết có thêm bao nhiêu nhân viên được gửi ra nhưng nói rằng điều quan trọng là phải có nhân sự gần nơi kẻ thù của Mỹ đang huấn luyện và chuẩn bị tấn công Mỹ. Trước đây ông Pompeo từng cho hay là muốn tản quyền để CIA có phản ứng nhanh nhẹn hơn.

Theo Giám Đốc Pompeo, ông nhiều lần nhấn mạnh với các giới chức CIA rằng cần phải để cho các trưởng nhiệm sở và căn cứ CIA trên khắp thế giới có quyền quyết định càng nhiều càng tốt vì họ thường là những người nắm vững tình hình hơn ai hết. - nguoiviet
|
|

13.
"Tấn công thính giác": Mỹ trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba

Vụ « tấn công thính giác » đầy bí ẩn đối với ngoại giao đoàn Mỹ ở La Habana kể từ hôm 03/10/2017 đã biến thành khủng hoảng ngoại giao : Hoa Kỳ trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba ở Washington. Chính quyền Cuba phản đối, cho rằng đây là quyết định mang tính chính trị.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba, nhưng quyết định trục xuất là « do Cuba không có được những biện pháp thích hợp để bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ », đồng thời « bảo đảm cân bằng »về sự hiện diện ngoại giao của đôi bên.

Các nhà ngoại giao Cuba bị trục xuất có bảy ngày để rời khỏi Hoa Kỳ, tuy nhiên không có ai bị coi là persona non grata (tạm dịch « nhân vật không được hoan nghênh », hình thức cấm đoán cao nhất trong ngôn ngữ ngoại giao).

Từ La Habana, ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cho rằng đây là một quyết định « bất công, vô căn cứ và không thể chấp nhận được ». Ông nói với báo chí : « Với hành động mang động cơ chính trị và thiếu suy nghĩ này, chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự xuống cấp hiện này và có thể trong tương lai của quan hệ song phương ». Ngoại trưởng Cuba kêu gọi « ngưng chính trị hóa chủ đề này, có thể gây căng thẳng ngoài ý muốn ».

Từ cuối năm 2016 đến tháng 8/2017, đã có 22 nhà ngoại giao Mỹ tại La Habana bị các thương tổn quan trọng như mất đi thính lực, bị chóng mặt, nhức đầu, có các vấn đề về nhận thức, giữ thăng bằng hoặc bị mất ngủ. Một số đã được đưa về Hoa Kỳ chữa trị. Có năm gia đình Canada cũng bị ảnh hưởng tương tự.

Cuộc điều tra chưa tìm ra nguyên nhân, phương pháp hoạt động và thủ phạm của các vụ được cho là « tấn công thính giác », diễn ra trong khu vực đại sứ quán và các khách sạn mà người Mỹ thường lưu trú. Hoa Kỳ không lên án Cuba trực tiếp nhúng tay vào vụ này, nhưng quy trách nhiệm về việc giữ an ninh cho ngoại giao đoàn ở La Habana. Thứ Sáu 29/09, Washington đã triệu hồi « hơn phân nửa » nhân viên ngoại giao ở thủ đô Cuba về nước và kêu gọi công dân Mỹ tránh đến đảo quốc này. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

14.
Hội nghị Trung ương 6 bàn vấn đề ‘cấp bách’, ‘nhạy cảm’

Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 4/10 khai mạc hội nghị trung ương 6 với trọng tâm giải quyết nhiều vấn đề ‘cấp bách’ và ‘nhạy cảm.’

Truyền thông trong nước loan tin gần 200 lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã tập hợp ở thủ đô Hà Nội bắt đầu hội nghị kéo dài một tuần để giải quyết nhiều vấn đề “rộng lớn,” vừa “cơ bản” vừa “cấp bách” và “nhạy cảm” trong đó có bàn việc “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn.”

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo độc lập Quang Hữu Minh nhận định rằng, dù phiên khai mạc do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì không đề cập cụ thể nhưng hội nghị nói ‘tinh gọn’ có nghĩa là sẽ gộp hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước thành một:

“Tôi kỳ vọng kỳ này Hội nghị Trung ương 6 sẽ tiến hành nhất thể hóa. Đảng đã bàn nhất thể hóa hai chức danh này lâu rồi, và cũng đã nhắc lại ở Hội nghị Trung ương 4 và 5.”

Trong suốt thập niên qua, có một vài lần Hà Nội đã nêu lên vấn đề nhất thể hóa. Hiện nay một số địa phương đang thí điểm mô hình nhất thể hóa ở cấp huyện, và cấp tỉnh. Theo báo Nhân dân, có nơi nhận được 95% sự ‘đồng tình’ của người dân, ví dụ như ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Gần đây nhất, vào tháng 6 vừa qua, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có bài trên trang Tia Sáng đề nghị giải pháp "nhất thể hóa" ở cấp quốc gia để lập ra chức tổng thống.

Trong bài "Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính," ông Dũng đề cập đến các nguyên tắc chung về hai thể chế mà quốc tế gọi là tổng thống chế và mô hình đại nghị. Ông cũng đề nghị người đứng đầu nhà nước là tổng thống. Tuy nhiên, bài báo này nay không còn truy cập được nữa.

Ông Minh phân tích các mặt tích cực của việc nhất thể hóa:

“Trước nhất là khắc phục trình trạng lãng phí tiền thuế của dân. Các sự trùng lắp về ban bệ của Đảng cũng giảm đi. Thứ hai là tập trung về một người lãnh đạo nên hình thành cơ chế quy trách nhiệm rõ hơn – giảm việc đổ thừa qua lại giữa bí thư và chủ tịch. Nhất thể hóa cũng giúp dễ dàng đổi mới chính trị hơn, vì độc tài cá nhân dù sao cũng dễ thay đổi hơn độc tài tập thể. Đó là 3 cái lợi mà nhất thể hóa có thể mang lại tức thì.”

Dù không nêu trong phiên khai mạc, nhưng việc thảo luận hình thức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ diễn ra trong hội nghị này, ông Minh cho biết thêm:

“Đương nhiên Hội nghị Trung ương 6 sẽ tiến hành kỷ luật giống như đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nhưng Đảng muốn rằng việc này không ồn ào quá trong dư luận sau một thời gian quá ồn ào và gây nên hiệu ứng ngược – bản thân người bị kỷ luật cũng không phục, còn dư luận thì cho rằng đây là cuộc thanh trừng phe phái chứ không phải chống tham nhũng. Trong phát biểu diễn văn khai mạc, ông Tổng bí thư không đề cập đến để sự việc giảm nhẹ đi, nhưng chắc chắn phải có xử lý.”

Hôm 29/9 Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Bộ Chính trị, ban chấp hành trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh, do “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe hơi do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai căn nhà của doanh nghiệp.”

Từ Hà Nội, blogger Lê Anh Hùng chia sẻ nhận định của ông về hội nghị này:

“Theo quan sát của tôi, bầu không khí đang hết sức phức tạp và căng thẳng, các vụ bắt bớ, án tham nhũng… cho thấy việc đấu đá nội bộ đang lên cao trào. Sắp tới chắc sẽ có nhiều diễn biến quan trọng bên trong dàn lãnh đạo Việt Nam.”

Nhiều khả năng hội nghị cũng sẽ bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị, do vào tháng 5/2017 ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo và hiện khuyết một trong số 19 ghế ở cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng.

Truyền thông quốc tế nhận định rằng Đảng Cộng sản do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đang tạo thêm sức mạnh và thắng thế kể từ khi cơ quan an ninh Việt Nam thâu tóm thêm quyền lực từ cuộc đấu đá nội bộ hồi năm ngoái khi ấy cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị hất cẳng. Cụ thể là các quan chức dưới quyền của ông Dũng lần lượt ra đi như trường hợp ông Đinh La Thăng.

Tuy nhiên, trong một bài viết gửi cho VOA gần đây, nhà báo Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng đảng của ông Trọng chỉ có thể “diệt ruồi” nhỏ cỡ như Nguyễn Xuân Anh, chứ có thể chẳng đụng được “con hổ” nào. - VOA
|
|

15.
Mục sư Thân Văn Trường bị cấm xuất cảnh sang Hoa Kỳ

Hôm 3/10 mục sư Tin lành Thân Văn Trường bị công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra lệnh cấm xuất cảnh sang Hoa Kỳ vì lý do “an ninh.”

Từ thành phố Hồ Chí Minh, mục sư Thân Văn Trường cho VOA biết:

“Tôi đáp máy bay đi Mỹ, đi đến sân bay làm thủ tục thì phía an ninh họ ách lại, không cho đi. Họ nói lý do rằng tôi có thể xâm phạm đến an ninh quốc gia.”

Trong biên bản cấp cho mục sư ngày 3/10, công an cửa khẩu chỉ nói rằng họ “phát hiện ông Thân VănTrường là người thuộc diện chưa được xuất cảnh vì lý do an ninh.” Tuy nhiên, biên bản này không nêu cụ thể lý do an ninh gì.

Mục sư Trường nói ông được cấp thị thực du lịch Hoa Kỳ cùng vợ ông và bà thông gia, nhưng hai người kia thì không gặp trở ngại khi rời Việt Nam.

Là mục sư theo Tin lành Baptist, năm nay 68 tuổi, ông Trường nói rằng đây là lần thứ hai ông bị cấm ra nước ngoài.

Mục sư cho biết thêm rằng 10 năm trước, hộ chiếu của ông đã bị thu, do ông lên tiếng cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ông cuối cùng cũng được giao trả lại hộ chiếu sau 8 năm miệt mài gõ cửa nhiều cơ quan công quyền. Tuy nhiên vào năm ngoái, ông đã bị cấm xuất cảnh trong một chuyến mục vụ sang Campuchia.

“Hồi năm ngoái tôi có đi Campuchia theo lời mời của một vị mục sư bên đó để họp mặt thờ phụng Chúa ở thủ đô Phnom Penh. Tôi đã mua vé đi tới Mộc Bài thì họ cũng cấp cho tôi một biên bản tương tự như vậy.”

Mục sư cho rằng nguyên nhân chính quyền Việt ngăn cản việc tự do đi lại của ông là do ông từng lên tiếng cho tự do tôn giáo và cho sự thật:

“Tôi nghĩ là vì họ không thích tôi. Họ không thích những điều mà tôi có ý kiến, những điều tôi nói thật. Họ canh nhà tôi. Anh em có nhóm họp thì họ ngăn chặn, họ phá rất nhiều. Chúng tôi không dám công khai nhóm của mình, nhưng chúng tôi cố gắng duy trì hoạt động trên khắp lãnh thổ Việt Nam.”

Mục sư Trường hiện đang sinh hoạt tôn giáo trong một nhóm tự do, không công khai, chuyên làm công việc truyền giáo, nhưng không có đăng ký với nhà nước.

Bộ ngoại giao Hoa kỳ trong báo cáo Nhân quyền Việt Năm 2016 nói rằng các nhà tranh đấu, những người bất đồng chính kiến, các chức sắc tôn giáo, thường xuyên bị chính quyền Việt Nam cấm đi lại, cấm xuất cảnh, điển hình như mục sư Phạm Ngọc Thạch, luật sư Lê Công Định.

Vào hồi tháng 6 năm nay, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc phòng Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, cũng bị cấm xuất cảnh tại sân bay Nội Bài vì "lý do bảo vệ an ninh quốc gia."

Theo một nghị định năm 2015 của Bộ Công an Việt Nam, “lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” là một trong 7 lý do công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh. - VOA
|
|

16.
Indonesia trục xuất 239 ngư dân Việt

Nhà chức trách Indonesia trục xuất 239 ngư dân Việt từ đảo Riau hôm 4/10. Chính phủ Việt Nam đã điều tàu cảnh sát biển đến đưa các công dân về nước.

Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia nói để thực hiện việc trục xuất, bộ phối hợp với một loạt các cơ quan nhà nước Indonesia, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Nhân quyền, hải quân và cảnh sát, cũng như với Đại sứ quán Việt Nam ở Jakarta.

Quyền Tổng cục trưởng giám sát nguồn lợi ngư nghiệp Nilanto Perbowo nói với báo giới hôm 4/10 rằng Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cũng như Đại sứ quán Việt Nam nhất trí về việc trục xuất các ngư dân không thuộc diện nghi phạm.

Ông cho biết những ngư dân đó đã bị bắt trong một loạt các cuộc ra quân chống hoạt động đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia.

Theo ông, những người bị trục xuất là những nhân chứng của các vụ tội phạm, không phải là các nghi phạm.

Đây là đợt trục xuất thứ hai năm nay. Hồi đầu tháng 6, nhà chức trách Indonesia đã trục xuất 695 ngư dân Việt Nam.

Hồi tháng 8, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam thăm Indonesia, các lãnh đạo hai nước đã thảo luận về hàng hải và thủy sản, cùng với những chủ đề khác. Hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn trong những vấn đề quan trọng này, bao gồm cả việc tìm cách giải quyết nạn khai thác trái phép. - VOA
|
|

17.
Tàu dầu Việt Nam, chiến hạm Đài Loan hư hại sau va chạm

Tàu chở dầu thành phẩm Everrich 3 va chạm với khu trục hạm Tả Doanh sáng 3/10 tại cảng Cao Hùng, Đài Loan, khi tàu dầu rời cảng.

Everrich3 - trọng lượng không tải gần 20.000 tấn - thuộc về chủ tàu là hãng Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc, Việt Nam. Sau vụ va chạm, con tàu mang cờ Panama đã bị bẹp mũi tàu và có thể bị thủng.

Tàu khu trục của Hải quân Đài Loan bị bẹp sâu và thủng phần đuôi tàu bên mạn trái. Tàu Tả Doanh được Hải quân Đài Loan mua từ Mỹ năm 2003. Trước đó tàu có tên USS Kidd, đóng năm 1979, choán nước 7289 tấn. Tàu trang bị tên lửa, pháo, ngư lôi và các trực thăng.

Vụ va chạm không làm ai bị thương. Tàu dầu Việt Nam đã bị giữ lại để điều tra, theo một thông cáo của Hải quân.

Trong cùng ngày 3/10, chưa đầy một giờ trước vụ va chạm kể trên, một tàu hải quân khác của Đài Loan, cùng loại với chiếc Tả Doanh, đã va chạm với một tàu cá khi tàu hải quân trở về cảng Tô Áo ở đông bắc Đài Loan. Cũng không có ai bị thương trong vụ này.

Ngoài ra, tàu hải quân không bị hư hại trong khi tàu cá bị hư hại nhẹ, theo thông cáo của Hải quân Đài Loan. - VOA
|
|

18.
Hà Giang: 3 người chết, 48 người ngộ độc trong tiệc ăn hỏi

3 người chết và 45 người đang được cấp cứu tại bệnh viện do ngộ độc thức ăn tại một đám hỏi ở tỉnh Hà Giang.

Truyền thông Việt Nam cho hay ngày 1/10, gia đình ông Lý Seo Hỏa, thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, tổ chức tiệc ăn hỏi cho con trai với khoảng 60 khách mời. Các món ăn được phục vụ trong tiệc gồm: thịt lợn xào, canh xương nấu đu đủ, cơm tẻ và rượu gạo.

Đến sáng ngày 3/10, một số khách mời bắt đầu bị chóng mặt, hoa mắt, đau bụng… và nôn ra thức ăn có kèm dịch lẫn máu. Khi được đưa đến đi cấp cứu, 3 người đã tử vong tại bệnh viện. Hàng chục khách mời khác cũng lần lượt nhập viện vì các triệu chứng ngộ độc tương tự.

Theo Sở Y tế tỉnh Hà Giang, tính đến đến 9 giờ sáng 4/10, đã có 48 người nhập viện trong vụ ngộ độc này. Ngoài 3 người tử vong, các nạn nhân khác được cho biết có biểu hiện nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng.

Sở Y tế Hà Giang yêu cầu bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên lấy mẫu thức ăn và bệnh phẩm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc. - VOA
|
|

19.
Bất ngờ nghe tin Tướng Trương Giang Long nghỉ

Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang bày tỏ sự ngạc nhiên về thiếu tướng công an Trương Giang Long vừa nhận quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí.

Quyết định cho ông Long về nghỉ được truyền thông Việt Nam đăng tải rộng rãi.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 04/10/2107, một ngày sau khi Thiếu tướng Long nhận quyết định theo thông báo của Bộ Công an, Đại tá Quang đưa ra một số bình luận về tính thời điểm của sự kiện này.

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng đưa ra nhận định đánh giá năng lực của Tướng Long (sinh năm 1955) và đề cập một số điểm mà ông cho là 'bất thường', gây 'ngạc nhiên'.

Ông Quang cũng nói về thời điểm công bố quyết định cho ông Long về 'nghỉ chờ hưu' trước Hội nghị Trung ương 6 của Ban chấp hàng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tá Quang đặt câu hỏi về việc Tướng Long phải nghỉ công tác chờ hưu trí so với chế độ của một vị tướng mà không được lưu nhiệm dù có chức danh giảng dạy giáo sư và học vị tiến sỹ theo luật định trong ngành công an của Việt Nam hiện nay.

Tướng Trương Gia Long từng là Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

Ông Nguyễn Đăng Quang là cựu đại tá an ninh, từng được biệt phái sang ngành ngoại giao của Việt Nam và có trên 40 năm công tác trong ngành công an. - BBC
|
|

20.
Đá thúng ở Krông Ana là hành vi 'phản cảm'

Dư luận Việt Nam đang xôn xao về đoạn video clip lan truyền trên mạng hôm 3/10 về một cán bộ công an có hành động lật, đá, ném các thúng hàng của người dân tại một khu chợ ở Đắk Lắk.

Anh Đ. V. Long, người quay clip trên cho BBC biết anh là một người hàng rong qua khu chợ Quảng Điền, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana vào tầm trưa 3/10 thì thấy các cán bộ công an xử lý việc lấn chiếm lòng đường.

"Tôi thấy cán bộ chửi bới rồi đá đồ người ta. Hành động này không có văn minh. Không có nét cao đẹp của những cán bộ để noi gương cho dân làm theo…," anh Long nói.

Báo Tuổi Trẻ xác nhận với chánh văn phòng UBND xã Quảng Điền, người đàn ông mặc áo trắng đá thúng hàng trong video clip là trưởng công an xã Lê Tấn Thịnh.

Ông Phạm Quang Hùng, chánh văn phòng nói với báo này rằng, "Đây chỉ là hành động bộc phát do việc xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường khu vực chợ Quảng Điền nhiều lần nhưng người dân tái phạm, có lời nói thách thức."

Tuy nhiên ông Hùng có thừa nhận hành động của ông Thịnh là "phản cảm".

Một cán bộ ngành công an ở huyện Krông Ana nói với BBC rằng, tình thế này là tiến thoái lưỡng nan.

"Người dân thì cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Còn hành động của cán bộ đó là vì trách nhiệm. Tuy nhiên hành động đó là phản cảm, không đúng chuẩn mực.

"Theo chính sách pháp luật là phải tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người ta trước. Nhưng nhiều lần người ta không chấp hành thì phải cưỡng chế.

Theo báo Tuổi Trẻ, bà Giáo, một người bán cá đồng đánh bắt trên sông - người bị ông Thịnh đá thau cá thừa nhận lấn chiếm vỉa hè là sai.

"Tuy nhiên nếu ông Thịnh nhắc nhở, chúng tôi cũng sẽ dẹp vào trong. Ông bất ngờ đến đá thau cá, cái cân văng xa, tôi không kịp phản ứng" - bà Giáo nói với Tuổi Trẻ.

Theo bà Giáo, đây là "mùa nước lũ" trên sông Krông Ana nên người dân đi đánh bắt được con cá, con tôm thì đưa ra chợ bán.

"Không có chỗ bá trong chợ nên bà con mới lấn ra lòng, lề đường. Rất mong xã tạo một khoảng trống trong chợ để những người buôn bán nhỏ này không phải lấn chiếm lòng, lề đường," báo Tuổi Trể dẫn lời bà Giáo.

Viên cán bộ thì nói với BBC rằng:

"Có rất nhiều chỗ cho họ buôn bán nhưng tâm lý là cứ thích mặt tiền. Cán bộ đến nhắc nhở thì họ dẹp vô, nhưng cán bộ đi rồi thì họ lại kéo hàng ra, gây mất trật tự, ảnh hưởng an toàn giao thông." - BBC
|
|

21.
Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu nổ ra xung đột Triều Tiên

Nếu căng thẳng về hạt nhân Bắc Triều Tiên tiếp tục leo thang và cuối cùng dẫn đến xung đột trên bán đảo Triều Tiên, không chỉ riêng Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, mà cả một số nước khác cũng bị tác động lây, nặng nhất là Việt Nam và Nhật Bản. Đó là dự báo mà công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s đưa ra ngày 03/10/2017. Ngân Hàng Thế Giới hôm 04/10 cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

Theo Moody’s, nếu xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, nạn nhân đầu tiên dĩ nhiên sẽ là Hàn Quốc, nhưng một số quốc gia khác cũng sẽ bị tác động dây chuyền, trong đó có Việt Nam. Đơn giản chỉ là vì nhiều tập đoàn của miền nam Triều Tiên như Samsung hay LG đã đưa Việt Nam vào dây chuyền sản xuất của họ, qua việc xây nhiều nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh và hàng điện tử tại Việt Nam, lợi dụng giá nhân công còn rất thấp.

Riêng tập đoàn Samsung hiện là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, đóng góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. « Ông lớn » này mà« sổ mũi » thì kinh tế Việt Nam cũng bị « hắt hơi » lây. Chẳng hạn như năm 2016, do sự cố Galaxy Note 7 mà tập đoàn Samsung đã bị thiệt hại nặng và kinh tế Việt Nam lúc đó cũng đã bị sụt giảm theo. Năm 2017, phần lớn cũng nhờ Samsung khởi sắc trở lại mà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 3 ước tính đạt được đến 7,46%.

Theo lời ông Martin Petch, đặc trách về tín dụng của Moody’s, Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương nhất nếu dây chuyền sản xuất toàn cầu bị rối loạn do sản xuất ở Hàn Quốc bị ngưng trệ hay suy giảm. Hiện giờ, khoảng 20% hàng hóa bán thành phẩm nhập khẩu của Việt Nam là từ Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc cũng chiếm hơn 5% tổng sản phẩm nội địa GDP.

Cũng theo lời ông Petch, các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam sẽ đối đầu với những thách thức to lớn trong việc đề ra và thi hành các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả để đối phó với khủng hoảng. Ông báo động là rủi ro cao hơn dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến các hệ số tín nhiệm của Việt Nam.

Trong khi đó, Ngân Hàng Thế Giới, ngày 04/10, vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương. Báo cáo đưa ra dự báo khả quan là mức tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ đạt 6,4% năm 2017, một phần là nhờ tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn là dự báo ban đầu.

Tuy nhiên, Ngân Hàng Thế Giới cũng cảnh báo về những nguy cơ có thể tác động đến viễn cảnh tích cực đó, mà hàng đầu là mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, có thể leo thang thành xung đột vũ trang, gây rối loạn trao đổi mậu dịch và kinh tế. Đây là lần đầu tiên Ngân Hàng Thế Giới nhấn mạnh như thế đến Bình Nhưỡng và các mối đe dọa địa chính trị trong một báo cáo kinh tế quan trọng.

Tại Jakarta ngày 03/10, bộ trưởng Tài Chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cũng đã bày tỏ quan ngại về tác động của khủng hoảng Bắc Triều Tiên đến nền kinh tế của các nước ASEAN. Bà Indarwati cho rằng những yếu tố giúp cho các nước Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, chẳng hạn sức mua ngày càng tăng của thành phần trung lưu, có thể sẽ « thay đổi hoàn toàn » do những nguy cơ về an ninh và địa chính trị. - RFI
|
|

22.
Việt Nam sẽ già trước khi giầu?

Việt Nam vẫn được coi là một nước có dân số trẻ. Đây là một lý do thường được các nhà kinh tế học đưa ra như một dấu hiệu đảm bảo cho đầu tư tài chính. Tuy nhiên, theo tác giả David Hutt, trên trang The Diplomat (02/10/2017), dường như nhận định này không hoàn toàn đúng thực tế (ít nhất là trong vài thập kỷ tới).

Độ tuổi trung bình ở Việt Nam hiện nay là 32 tuổi và khoảng 55% dân số dưới 34 tuổi. Số người thuộc nhóm từ 15-64 tuổi, được cho là nằm trong độ tuổi « lao động », chiếm 68% dân số, tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với thế kỷ trước và cao hơn nhiều nước khác ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, số người trẻ dưới 15 tuổi bị giảm dần từ vài thập kỷ qua và hiện chiếm 23% dân số, thấp hơn mức 40% vào năm 1989. Ngoài ra, tỉ lệ sinh cũng giảm xuống mức trung bình 1,95 con đối với mỗi phụ nữ, so với 5 con/phụ nữ vào năm 1980 và 3,55 con vào năm 1990. Điều này đồng nghĩa với việc dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động sẽ giảm trong những thập kỷ tới, và hậu quả « có lẽ sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng bình quân đầu người trong những năm 2020 đến 2050 », như nhận định của một bài viết đăng năm 2017 trên blog của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).

Theo một biểu đồ của IMF, tỉ lệ dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động đạt đỉnh vài năm trước, khi thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Mức thu nhập này chưa bằng một nửa so với thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc, bằng 1/3 so với Thái Lan và chỉ gần bằng 1/10 so với thu nhập ở Nhật Bản khi tỉ lệ người ở độ tuổi lao động của các nước này ở mức cao nhất. Nói theo một cách khác như bài viết trên blog của IMF, « Việt Nam có nguy cơ già trước khi trở nên giầu ».

Việt Nam là một trong những nước già nhanh nhất thế giới

Tổ chức Y Tế Thế Giới hiện coi Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ dân số già nhanh nhất thế giới. Hiện tại, số người già chiếm ít nhất 4% dân số Việt Nam, tương đương với khoảng 10 triệu người hơn 65 tuổi. Tuy nhiên, con số này được dự đoán tăng lên gần 7% và thậm chí hơn 10% vào năm 2025. Thêm vào đó, Việt Nam có tuổi thọ trung bình cao thứ hai ở Đông Nam Á, khoảng 75 tuổi.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu đảng Cộng Sản Việt Nam có thể làm được gì để giảm bớt những khó khăn trong tương lai khi tỉ lệ dân số già tăng, còn tỉ lệ người trong độ tuổi lao động lại giảm, thêm vào đó là chi phí của nhà nước dành cho bảo hiểm y tế, trợ cấp, mức đánh thuế thu nhập thấp và sự suy giảm về sản lượng kinh tế.

Bộ Y Tế Việt Nam đã trình bày kế hoạch hành động từ năm 2017 đến 2025. Theo đó, mọi người cao tuổi sẽ có thẻ bảo hiểm y tế vào khoảng năm 2025. Chính phủ từng nói rằng tình trạng dân số già không phải là một mối bận tâm lớn lắm vì theo chính phủ, giới trẻ Việt Nam chăm sóc người già, giúp Nhà nước bớt nhiều trách nhiệm về chăm sóc người cao tuổi.

Tuy nhiên, giống như những gì đang diễn ra ở Nhật Bản và Thái Lan, hai nước cũng có dân số già, truyền thống chăm sóc người cao tuổi đang dần phai mờ. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là tình trạng đô thị hóa (hiện ở mức 2,59% hàng năm ở Việt Nam) và sự điều chỉnh đời sống gắn liền với cuộc sống hiện đại. Có nghĩa là người dân có xu hướng sống với vợ/chồng và con nhỏ, chứ không còn sống với bố mẹ hay với ông bà. Vì vậy, cuối cùng, Nhà nước có lẽ sẽ phải đối mặt với phần lớn chi phí chăm sóc.

Một số cải cách đã được đề nghị. Việt Nam có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu, hiện đang là 60 tuổi đối với nam giới và 55 tuổi đối với nữ giới (thêm 5 tuổi đối với công chức). Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đã được đảng cân nhắc vào năm 2016, tiếp theo là vào tháng 06/2017, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu các sửa đổi trong bộ luật Lao Động có được thông qua hay không.

Tăng độ tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài dân số trong độ tuổi lao động thêm vài năm nữa, đồng thời giảm bớt cho Nhà nước gánh nặng về trợ cấp và bảo hiểm y tế trong thời gian này. Nhưng chắc chắn người dân sẽ bực bội đón nhận thông tin này như sự tăng tuổi nghỉ hưu đang diễn ra trên khắp thế giới.

Quỹ anh sinh xã hội Việt Nam bắt đầu bị thâm hụt

Khi cải cách hệ thống lương hưu được công bố vào năm 2015 - quy định mới này ngăn cản người chuẩn bị nghỉ hưu có thể lĩnh một lần các khoản thanh toán bảo hiểm xã hội khi họ nghỉ việc - hàng nghìn công nhân đã đình công, buộc chính phủ phải giảm bớt những thay đổi này. Vào thời điểm đó, Tổ chức Lao Động Quốc Tế cho rằng Việt Nam đang tiến đến một cuộc khủng hoảng lương hưu ngay từ năm 2021, khi quỹ an sinh xã hội của nước này bắt đầu bị thâm hụt. Và đến năm 2034, quỹ này có thể bị cạn kiệt hoàn toàn.

Chính phủ cũng có thể tăng thuế, như đã bắt đầu làm. Cho đến nay, tỉ lệ tăng lại khá khiêm tốn, nhưng cũng khiến người dân giận dữ. Tác giả bài viết cho biết khi còn sống ở Hà Nội vài tháng trước đây, nhiều người nói với ông rằng họ ghét tăng thuế vì các khoản « tiền bôi trơn », cụm từ được một số người dân địa phương sử dụng để nói về « hối lộ », hiện cũng gia tăng.

Lấy ví dụ về kế hoạch tăng thuế xăng dầu của bộ Tài Chính từ 3.000 đồng thành 8.000 đồng/lít. Chính phủ gọi đó là « thuế môi trường » nhưng nhiều người dân không tin điều này : họ cho đó là một cách để tăng ngân sách Nhà nước, chứ không phải để bảo vệ môi trường. Theo tác giả, đây có thể là một nhận xét đúng. Hơn nữa, giá xăng dầu ở Việt Nam đã cao hơn so với ở Malaysia và Indonesia, và nếu tăng thêm thuế thì một lít xăng có thể chiếm đến 1/6 thu nhập trung bình hàng ngày của người lao động. Thực vậy, nhiều người cho rằng mức thuế theo kế hoạch đang tăng nhanh hơn nhiều so với thu nhập.

Tác giả bài báo cho rằng việc lập kế hoạch giải quyết vấn đề người cao tuổi trong tương lai đòi hỏi nhiều đóng góp của người dân hiện nay. Trong bối cảnh này, Việt Nam vẫn còn dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản cầm quyền, trong nhiều thập niên, đảng đã từ chối cho người dân được hưởng những điều sơ đẳng nhất về dân chủ. Hiện tại, sự phản đối chính phủ ngày càng nhiều và sự trấn áp cũng gia tăng.

Khó khăn giảm thâm hụt ngân sách của Nhà nước

Cùng lúc, kho bạc Nhà nước cũng đang trong tình trạng xấu. Nợ công hiện chiếm đến 64,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), điều này có nghĩa là cần thực hiện chính sách « thắt lưng buộc bụng ». Cũng trong thời điểm này, thâm hụt ngân sách nhà nước từ 5% GDP vào năm 2000 tăng thành 6,5% vào năm 2016. Chính phủ có chủ trương giảm mức thâm hụt ngân sách xuống còn 3,5% vào năm 2020, một tham vọng mà theo đánh giá của tác giả bài viết là dường như khó đạt được.

Thực vậy, để nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhiều chuyên gia thẩm định Việt Nam sẽ phải chi ít nhất 480 tỉ đô la Mỹ trong vòng bốn năm tới vào các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng các sân bay mới, đường sắt và đường bộ.

Nhưng chính phủ đã không có đủ khả năng cho các việc đó, như trường hợp chậm tiến độ thi công tuyến tầu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh. Và chính phủ cũng có vẻ khó đạt được mục tiêu giảm đáng kể chi tiêu của Nhà nước. Đầu tư từ lĩnh vực tư nhân có thể là một con đường nên theo, nhưng hiện nay, lĩnh vực này mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng đầu tư của các dự án cơ sở hạ tầng. Và nếu tỉ lệ này tăng, chính phủ sẽ phải áp đặt nhiều biện pháp cải cách kinh tế hơn so với những gì muốn làm.

Tác giả David Hutt nhắc lại, tính chính đáng của đảng Cộng Sản Việt Nam trong con mắt của người dân phần lớn phụ thuộc vào khả năng duy trì tăng trưởng nền kinh tế và cải thiện mức sống của người dân. Một số khác chấp nhận nguyên trạng vì, chí ít trong quá khứ, đảng đã có thể cung cấp các dịch vụ cơ bản như giáo dục và bảo hiểm y tế. Nhưng ngay cả điều này hiện cũng đang được kêu gọi xem xét. Tình trạng tham nhũng gia tăng là một dấu hiệu tự nhiên về tình trạng nhu cầu lớn hơn mức sẵn có. Và theo báo cáo của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế được công bố năm 2017, Việt Nam hiện là nước có tình trạng hối lộ đứng thứ hai châu Á. 65% người dân cho biết từng đút lót hoặc trả « tiền bôi trơn ». Hiện tượng này gồm cả tình trạng đút lót để con cái được nhận vào trường tốt hay có chỗ trong các bệnh viện.

Vì vậy, nếu đảng Cộng Sản không thể chu cấp được các dịch vụ cơ bản cho đông đảo người dân nữa, cũng như không bảo đảm được việc cải thiện mức sống, có nhiều khả năng một bộ phận lớn người dân sẽ bắt đầu chất vấn về mục tiêu của đảng. Điều quan trọng hơn, ngoài những hình thức truyền thống về tính chính đáng của đảng, nhiều người sẽ bắt đầu tự hỏi những người lãnh đạo họ là ai. Khi vấn đề lão hóa dân số - và việc này phải được chuẩn bị từ giờ - được thêm vào bài toán, thì mọi việc có vẻ còn mù mờ hơn đối với đảng Cộng Sản Việt Nam. - RFI
|
|

23.
Quan chức vi phạm lại được cử làm thanh tra Formosa

Một quan chức Việt Nam bị cách chức trong thảm họa môi trường Formosa hồi năm 2016 lại được làm phó đoàn kiểm tra về môi trường tại nhà máy Formosa.

Đó là ông Lương Duy Hanh, từng làm Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, thuộc Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Vào tháng Sáu năm nay, 2017, ông Hanh bị Bộ Tài Nguyên & Môi Trường kỷ luật cách chức với lý do là thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra dự án Formosa, để cho Formosa xả thải gây cá chết hàng loạt tại miền Trung vào tháng Tư, 2016.

Tuy nhiên sau đó, vào tháng Bảy, ông Hanh lại được Tổng cục Môi trường bổ nhiệm làm Phó đoàn kiểm tra hệ thống xử lý môi trường tại nhà máy Formosa.

Bình luận về phát hiện này với báo chí Việt Nam, đại diện Tổng cục môi trường nói rằng do những tai tiếng xảy ra ở Cục kiểm soát bảo vệ môi trường nơi ông Hanh làm Cục trưởng trước đây, nay Tổng cục Môi trường chỉ mời ông Hanh tham gia đoàn với tư cách chuyên gia mà thôi. - RFA
|
|

24.
80% sân bay VN hoạt động dưới 5% công suất

80% các sân bay Việt Nam hoạt động với công suất thấp hơn 5%, trong đó có đến 8% các sân bay làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có các cụm cảng biển đầu tư nhiều nhưng công suất sử dụng dưới 2%.

Đó là các số liệu được đưa ra tại buổi Công bố Báo cáo đánh giá chi tiêu công tại Việt Nam, diễn ra vào sáng ngày 3 tháng 10.

Chuyên gia giao thông cao cấp của Ngân hàng Thế giới-World Bank, bà Jung Euth Oh chỉ ra rằng Việt Nam sẽ có hệ thống cảng nước sâu và hệ thống sân bay nhiều nhất thế giới so với quy mô của nền kinh tế, trong trường hợp bao gồm tất cả các dự án sân bay và cảng nước sâu được phê duyệt.

Tuy nhiên dựa theo các số liệu báo cáo, bà Oh cho là hiệu quả đầu tư trong lãnh vực này không đạt yêu cầu, chưa kết nối tốt với hệ thống giao thông nội địa cũng như ngân sách cho duy tu bảo dưỡng còn thấp. Đặc biệt, quỹ bảo trì đường bộ chỉ đạt 50% yêu cầu cần thiết.

Báo cáo cũng cho biết chi tiêu giao thông của Việt Nam chiếm 23% chi tiêu của Chính phủ, chiếm 8% ngân sách và tổng nhu cầu đầu tư cho giao thông của Việt Nam là 8 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Ngân hàng Thế giới đề nghị Việt Nam trong thời gian tới cần đầu tư vốn cho các lĩnh vực giao thông có chiến lược, đặc biệt là đầu tư công.

Một dự án đang được dư luận quan tâm là kế hoạch xây dựng Sân Bay Long Thành. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc làm không cần thiết, vì nếu mở rộng Sân Bay Tân Sơn Nhất hiện nay vẫn có thể đáp ứng nhu cầu. - RFA
|
|

25.
Dịch lở mồm-long móng bùng phát tại lò mổ heo

Lãnh đạo Trạm Thú y huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh cho biết lò mổ Xuyên Á là nơi đang bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng.

Theo trạm Thú y này vào ngày 3 tháng 10 vừa tiến hành tiêu hủy hơn 1300 con heo bị chích thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Số heo này có những triệu chứng như sùi bọt mép, xuất hiện bọng nước ở miệng, lở loét móng, rơi móng…

Số lượng heo vừa bị tiêu hủy nằm trong tổng số gần 4000 con của 13 thương lái bị phát hiện chích thuốc an thần chờ giết mổ ở lò mổ Xuyên Á.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến vào ngày 2 tháng 10 yêu cầu phải tiêu hủy toàn bộ số heo vừa nêu, đồng thời xử phạt và tạm ngưng hoạt động của lò mổ Xuyên Á.

Đối với vụ việc bơm thuốc an thần cho heo trước khi đưa đi giết mổ để cung cấp cho thị trường, giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3 tháng 10 cho rằng đó là tội ác.

Cơ quan chức năng Thú Y thành phố này đã đình chỉ chức vụ gần 20 người liên quan. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment