Wednesday, October 18, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 17/10

Tin Thế Giới

1.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc mở Đại Hội, Bắc Kinh đóng cửa giới nghiêm --- Đại Hội 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc có gì để xem? --- Tập Cận Bình đổi mới chiến lược khống chế Á châu --- Trước thềm Đại hội Đảng, báo đài Trung Quốc tôn vinh Tập Cận Bình

Đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc Đại hội thứ 19 vào ngày thứ Tư 18/10/2017. Để bảo đảm an ninh tuyệt đối cho điểm hẹn chính trị quan trọng được tổ chức 5 năm một lần, thủ đô Bắc Kinh được dọn dẹp sạch sẽ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Smith tường thuật :

"Một đội quân 650.000 tình nguyện viên, tay đeo băng đỏ và cờ hồng Trung Quốc, canh gác từng góc đường. Trên mỗi cây cầu, cảnh sát trang bị dùi cui theo dõi mọi hoạt động 24giờ trên 24. Ở nhà ga, các biện pháp an ninh được tăng cường, khiến hành khách phải kiên nhẫn chờ hành lý được kiểm soát.

Các biện pháp an ninh được gia tăng đến mức tối đa làm cuộc sống của người dân Bắc Kinh bị đảo lộn. Chợ bán rau quả, sân tập thể dục - thể thao bị đóng cửa. Các nhà hàng ở cạnh quảng trường Thiên An Môn được lệnh không đốt lò nướng thịt và nhiều quán giải khát phải hủy bỏ chương trình ca nhạc. Trẻ con cũng bị ảnh hưởng. Các buổi dã ngoại của các lớp mầm non bị hoãn lại. Tất cả siêu thị bị cấm bán dao.

Đối với các nhà bất đồng chính kiến, Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc đồng nghĩa với nghỉ hè bắt buộc, không được ở thủ đô. Ngay du khách cũng bị ảnh hưởng, không thể tạm trú tại thủ đô, thủ tục thuê nhà qua mạng Airbnb bị đình hoãn.

Ám ảnh an ninh không dừng lại ở ranh giới thủ đô. Chẳng hạn, tại Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông, một khách sạn bị phạt khoảng 2000 euro vì cho người Duy Ngô Nhĩ, một sắc dân ở Tân Cương theo đạo Hồi, thuê phòng."

Đại đảng Cộng Sản lần này là cơ hội để chủ tịch Tập Cận Bình, người được mệnh danh là ông hoàng đỏ, củng cố quyền lực, dọn đường lãnh đạo thêm nhiệm kỳ hai.

Trong bài xã luận, Hoàn Cầu Thời Báo, một trong các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc, khẳng định mô hình độc đảng của Trung Quốc, tham khảo ý kiến đảng viên thay vì hỏi ý dân, hiệu quả hơn và dân chủ hơn các nền dân chủ Tây phương. - RFI

***
2.287 đại biểu Trung Quốc từ ngày 18/10/2017 tề tựu về thủ đô Bắc Kinh dự Đại Hội Đảng Cộng Sản, bầu ra 205 ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương. Ban này đề cử bầu 25 ủy viên Bộ Chính Trị, cùng nhiều thành viên trong các tổ chức then chốt khác tại Bắc Kinh. Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc có gì mới ?

Thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Bắc Kinh tường trình:

"Các nhà Bắc Kinh Học" phải bói mới biết được gần 2.300 đại biểu Trung Quốc bàn thảo những gì nhân Đại Hội Đảng. Đối với ông Tập Cận Bình, Đại Hội lần này là dịp đầu tiên để thay đổi nhân sự : 5 trong số 7 ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính trị đến tuổi nghỉ hưu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chủ tịch Trung Quốc gài những người thân tín vào bộ phận then chốt này trong guồng máy Đảng.

2.287 đại biểu Trung Quốc từ ngày 18/10/2017 tề tựu về thủ đô Bắc Kinh dự Đại Hội Đảng Cộng Sản, bầu ra 205 ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương. Ban này đề cử bầu 25 ủy viên Bộ Chính Trị, cùng nhiều thành viên trong các tổ chức then chốt khác tại Bắc Kinh. Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc có gì mới ?

Thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Bắc Kinh tường trình:

"Các nhà Bắc Kinh Học" phải bói mới biết được gần 2.300 đại biểu Trung Quốc bàn thảo những gì nhân Đại Hội Đảng. Đối với ông Tập Cận Bình, Đại Hội lần này là dịp đầu tiên để thay đổi nhân sự : 5 trong số 7 ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính trị đến tuổi nghỉ hưu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chủ tịch Trung Quốc gài những người thân tín vào bộ phận then chốt này trong guồng máy Đảng.

Theo phân tích của nhà chính trị học Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), mục tiêu của ông Tập Cận Bình là nhằm xóa đi ảnh hưởng của phe phái, những người thân thuộc với Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập :

"Tập Cận Bình sẽ củng cố thêm nữa quyền lực khi đưa những nhân vật thân tín vào Ban Thường Vụ. Ông học tập được từ chính sách của Mao và tập trung quyền lực trong tay mình không thua gì Mao Trạch Đông. Trong khi đó, ông Hồ Cẩm Đào đã mặc nhiên bị ban lãnh đạo dưới thời ông ấy cầm quyền đẩy vào hàng thứ yếu. Tập Cận Bình muốn tránh lập lại sai lầm của người tiền nhiệm"

Ai được "kết nạp" vào Bộ Chính Trị ?

Trong số những ngôi sao đang lên phải kể đến ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner). Mùa hè vừa qua, nhân vật này được cất nhắc vào chức vụ bí thư thành ủy Trùng Khánh, thay thế ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) bị thất sủng.

Một câu hỏi then chốt khác, liệu rằng Tập Cận Bình có giữ được nhân vật rất trung thành với ông là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đến tuổi phải về hưu hay không ? Chính nhờ họ Vương, người đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương mà Tập Cận Bình đã loại được những đối thủ chính trị nặng ký như Bạc Hi Lai (Bo Xilai), Chu Vĩnh Khang (Zhou Yong Kang) và nhiều người khác nữa trong khuôn khổ chính sách bài tham nhũng, "đả hổ diệt ruồi". Mặt trái của chiếc mề đay là ông Tập Cận Bình cũng có lắm kẻ thủ.

Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) cho rằng, đây không phải là lúc để ông Tập hạ mức độ đề cao cảnh giác :

"Tập Cận Bình không thể thoái lui. Ông đã dằn mặt tất cả mọi thành phần, từ cánh trí thức có đường lối tự do cho tới bên các doanh nhân. Đâm lao phải theo lao. Giải pháp duy nhất là phải tiếp tục tập trung tối đa quyền lực. Nếu như uy thế của ông bị suy yếu, Trung Quốc có nguy cơ bị chao đảo. Do vậy Tập Cận Bình phải kiểm soát tất cả và đảng Cộng Sản phải vững chắc".

Liệu Tập Cận Bình có kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đảng Cộng Sản Trung Quốc?

Hiện tại ông đã là tổng bí thư, là chủ tịch nước, là tổng tư lệnh tối cao. Từ năm ngoái ông lại còn được tặng thêm danh hiệu là "hạt nhân-trung tâm" của đảng Cộng Sản Trung Quốc, một vinh dự mà tới nay chỉ dành cho cố chủ tịch Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên theo phân tích của nhà chính trị học David Kelly, Viện China Policy tại Bắc Kinh, trên con đường chinh phục quyền lực, ông Tập Cận Bình sẽ không dừng lại ở đây :

"Tập Cận Bình sẽ không chỉ hài lòng với danh hiệu "hạt nhân-trung tâm" của Đảng. Chúng ta sẽ còn nghe nói nhiều đến tư tưởng Tập Cận Bình, đến tư tưởng của ông về việc lãnh đạo một cường quốc. Ở đây mọi người chú ý tới chính sách ngoại giao hung hăng của Tập Cận Bình. Đấy là chưa kể, ông đã tranh thủ lấp chỗ trống mà nước Anh và Mỹ để ngỏ sau Brexit, sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã tự đặt mình vào tư thế của một vị cứu tinh cho cả thế giới".

Tập Cận Bình phải chăng là vị lãnh đạo mới của thế giới đang trên đà chinh phục phương Tây để thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" ? Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) phân tích :
" Xưa kia Mao Trạch Đông muốn xuất khẩu mô hình cách mạng, giờ đây ông Tập Cận Bình xuất khẩu tư bản Trung Quốc và đang xây mộng ngự trị trên một vương quốc đỏ : Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu trong thế giới toàn cầu hóa, và kinh tế Trung Quốc sẽ áp đảo thế giới, nhờ chiến lược Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21".

Putin hóa quyền lực

Người được mệnh danh là vị Hoàng Đế Đỏ dường như đã tìm được một giải pháp, để tiếp tục trụ lại nắm quyền khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm thứ nhì vào năm 2022. Chuyên gia Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) giải thích :

"Cương lĩnh của Đảng buộc Tập Cận Bình phải chỉ định người kế nhiệm, nhưng lãnh đạo Trung Quốc này lại đầy tham tham vọng và có nhiều khả năng là ông sẽ tìm cách áp đặt một thể chế tổng thống chế, toàn quyền định đoạt mọi việc. Tập Cận Bình sẽ theo gương Vladimir Putin và sẽ có nhiều mánh khóe để thay đổi luật chơi, kéo dài thời hạn cầm quyền".
Tập Cận Bình, Hoàng Đế Đỏ Trung Hoa

Là nhà lãnh đạo thế lực nhất tại Bắc Kinh trong 25 năm qua, ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, đang thâu tóm quyền lực củng cố vai trò của Đảng tránh để Trung Quốc tan rã như Liên Bang Xô Viết dưới thời Gorbatchev.

Với khuôn mặt đầy đặn, vóc dáng chững chạc, ông Tập Cận Bình đang tập trung rất nhiều quyền lực trong tay. Nhà Trung Quốc học Jean Pierre Cabestan, đại học Hồng Kông cho rằng, ông Tập là hình ảnh của một đất nước Trung Quốc vững mạnh được trọng nể.

Giấc mơ tái sinh của cả một dân tộc, sau một thế kỷ bị thua kém phương Tây chính là chìa khóa giúp Tập Cận Bình củng cố vị thế trên chính trường.

Ông xuất hiện hầu như mỗi ngày trên đài truyền hình Nhà nước, khi thì trong tư cách chủ nhà tiếp đón các lãnh đạo trên thế giới, lúc thì thăm hỏi thần dân, hay là những khi phát biểu tại các cung hội nghị trong tiếng hoan hô vang dậy.

Đấy là một sự dàn cảnh theo kiểu thời Liên Xô cũ với bộ máy tuyên truyền tinh vi. Bên cạnh hình ảnh đó là cả một mảng tối : từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013, chính sách đàn áp của Bắc Kinh trở nên lợi hại hơn. Nạn nhân của ông là những tiếng nói chống đối, là các diễn đàn trên mạng internet.

Nhà báo François Bougon, tác giả cuốn " Dans la tête de Xi Jinping, -Trong tâm tư Tập Cận Bình" -nhà xuất bản Actes Sud, đưa ra nhận định : tuy áp dụng chính sách tuyên truyền theo kiểu của Liên Xô, nhưng lãnh đạo Trung Quốc là một người trái ngược hẳn với lãnh đạo Liên bang Xô Viết cuối cùng, Mikhail Gorbatchev.

Ông Tập vẫn còn bị hình ảnh Liên Xô sụp đổ ám ảnh. Đó là động cơ khiến ông nắm chặt lấy quyền lực, và như ghi nhận của François Bougon đành rằng thân phụ của ông Tập Cận Bình có là nạn nhân của Đảng, nhưng đương kim chủ tịch Trung Quốc "muốn khẳng định ông là người đem lại một làn gió mới cho đảng Cộng Sản Trung Quốc chứ không theo đuổi mục đích trả thù Đảng". - RFI

***
Ngày 18/10/2017, đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc Đại Hội thứ 19. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất của Hoa lục. Đại hội này hợp thức hóa vai trò lãnh đạo tột đỉnh của Tập Cận Bình, tóm thâu tất cả quyền lực và mở đường cho nhiệm kỳ hai và có thể xa hơn nữa với một chiến lược rất lợi hại. Theo giới phân tích, châu Á phải dè chừng.

Trước thềm Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hàng loạt quan chức cao cấp bị thanh trừng trong chiến dịch bài trừ tham nhũng. Danh sách những người sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí chiến lược - không được thông báo trước - sẽ được gần 2.300 đại biểu thuộc các cơ cấu địa phương và quân đội biểu quyết chấp thuận.

Theo nhận định của Carly Ramsay, một chuyên gia quốc tế ở Thượng Hải, Đại Hội lần này sẽ cho thấy quyền lực của Tập Cận Bình, một người rất sợ đối trọng, đã « to lớn đến mức độ nào ».

Ngay khi lên thay Hồ Cẩm Đào vào năm 2012, ông Tập Cận Bình nhanh chóng trực tiếp kiểm sóat quân đội. Với tư cách là chủ tịch quân ủy trung ương, Tập Cận Bình thường duyệt binh trên xe chỉ huy mui trần để khẳng định ở Trung Quốc ông là tổng tư lệnh tối cao.

Để trực tiếp kiểm sóat quân đội, Tập Cận Bình dẹp bỏ cấu trúc theo lối Liên Xô phân chia ban ngành phức tạp, để thống nhất thành một bộ tham mưu liên quân theo kiểu quân đội Tây phương.

Bước thứ hai là Tập Cận Bình tung chiến dịch bài trừ tham nhũng, cách chức tổng cộng 39 tướng tá, kể cả phó chủ tịch quân ủy trung ương như Từ Tài Hậu, bị bắt quả tang buôn quan bán tước.

Theo nhà phân tích chính trị quốc tế Renaud Giraud của Le Figaro, những vị trí chỉ huy then chốt ngay lập tức được chủ tịch Trung Quốc bổ nhiệm người thân tín vào thay thế. Một trong những hệ quả của chính sách chống tham nhũng là dàn chỉ huy quân đội được « trẻ hóa » một cách ngoạn mục : trong số 300 đại biểu của quân đội tham dự Đại Hội Đảng lần thứ 19, thì tỷ lệ người mới lên đến 90%.

Chính sách cải tổ quân đội Trung Quốc được tiến hành song song với một chiến lược quân sự mới, ưu tiên phát triển hải quân. Trong số 3 triệu quân, Tập Cận Bình cho giải ngũ 600.000 nhưng không đụng đến lính biển mà còn bật đèn xanh đóng hàng không mẫu hạm thứ ba, để khống chế Biển Đông và Hoa Đông.

Để thực hiện mục tiêu này, Tập Cận Bình chứng tỏ là một chiến lược gia lợi hại. Ông thay thế một loạt tướng lãnh có tiếng là « hữu dõng vô mưu ». Từ ba tháng nay, trên biển không xảy ra một « sự cố » nào với hải quân Mỹ, Nhật, Philippinnes hay Việt Nam. Bắc Kinh còn cỗ vũ cho một « quy tắc ứng xử » ở Biển Đông, với dụng ý làm quên đi phán quyết bất lợi của Toà Trọng Tài La Haye ngày 12/07/2016.

« Đục nước béo cò »

Hành động hung hăng của « đàn em » Bắc Triều Tiên càng làm cho Trung Quốc giữ thái độ khiêm tốn tránh chọc giận Donald Trump. Thêm vào đó, Bắc kinh biết rõ, sự kiện Bình Nhưỡng đạt được tiến bộ nhanh chóng trong công nghiệp động cơ tên lửa và bom hạt nhân khiến Trung Quốc bị nghi ngờ có một phần đóng góp.

Trong bài « Trung Quốc canh tân chiến lược quân sự », nhà phân tích Renaud Giraud lý giải thêm : Tuy lên án Bắc Triều Tiên chế bom hạt nhân nhưng trên thực tế Bắc Kinh ngầm đồng ý như đã từng ủng hộ Pakistan. Trong hồ sơ bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc biết rằng về lâu về dài họ sẽ được lợi lớn. Bởi vì, cho dù Donald Trump có đe dọa trên Twitter nhưng sẽ không tấn công Bình Nhưỡng bằng quân sự.

« Bất chiến tự nhiên thành »

Chiến lược của Trung Quốc là « từng bước triển khai sức mạnh quân đội hiện đại hóa ra khắp địa bàn châu Á và chứng minh với các nước trong vùng là nước Mỹ chỉ là một con cọp giấy, sẵn sàng bỏ rơi đồng minh bất cứ lúc nào như đã đối xử với Nam Việt Nam vào năm 1975 ».

Tôn Tử, chiến lược gia đầu tiên của Trung Hoa đã ghi trong chương « bất chiến tự nhiên thành » : hãy để cho các nước đối nghịch, vì sợ hãi, mà tự nạp mình xin đầu hàng. - RFI

***
Các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng loạt đăng các bài xã luận trước thềm Đại hội Đảng trong đó nhấn mạnh vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình – một chỉ dấu cho thấy ông Tập sẽ củng cố hơn nữa quyền lực - trong khi truyền thông quốc tế nhận định ông Tập sẽ trở thành lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thế hệ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 19 vào Thứ Tư ngày 18/10. Tại Đại hội này, ông Tập sẽ được bầu vào vị trí Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Đại hội cũng bầu các ủy viên mới vào Thường vụ Bộ Chính trị, cao quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay cho năm ủy viên đến tuổi nghỉ hưu.

Đại hội dự kiến sẽ sửa đổi Điều lệ Đảng để đưa vào học thuyết mang tên Tập Cận Bình. Nếu điều này trở thành hiện thực, ông Tập sẽ đưa vị thế của mình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình – những lãnh tụ của Đảng được tôn vinh với tư tưởng và lý luận được ghi vào Điều lệ Đảng.

Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường gần như chắc chắn sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Vương Kỳ Sơn, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, theo suy đoán sẽ được giữ lại trong Thường vụ Bộ Chính trị, mặc dù ông đã đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, kể từ sau thời Đặng Tiểu Bình, không có ai ở Trung Quốc vượt qua được giới hạn về tuổi tác.

Thành phần mới của Thường vụ Bộ Chính trị sẽ hé lộ ai sẽ là nhân vật chủ chốt trong thế hệ lãnh đạo thứ Sáu, sẽ thay hai ông Tập-Lý lên lãnh đạo Trung Quốc tại Đại hội Đảng lần sau vào năm 2022.

Trong bài xã luận dưới tiêu đề: “Mở ra phương trời mới cho Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết rằng Trung Quốc đã đạt được “những kết quả quan trọng mang tính lịch sử trong cải cách mở cửa và trong hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” trong vòng năm năm qua là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Chủ tịch Tập Cận Bình là hạt nhân.

Tờ báo này cũng cho rằng nhờ vào chiến lược “Bốn Toàn diện” mà kinh tế, khoa học, kỹ thuật và quốc phòng của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong năm năm qua. Nhờ đó mà sức mạnh quốc gia tổng thể, ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc không ngừng lớn mạnh.

“Bốn Toàn diện” chính là học thuyết do chính ông Tập đưa ra và nhiều khả năng sẽ được ghi vào Điều lệ Đảng tại Đại hội lần này để ghi nhận di sản của ông Tập. Trước đây những người tiền nhiệm của ông Tập là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đưa các học thuyết “Ba đại diện” và “Phát triển khoa học” vào Điều lệ Đảng nhưng không được nêu tên như Tư tưởng Mao Trạch Đông hay Lý luận Đặng Tiểu Bình.

“Bốn Toàn diện” bao gồm xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách kinh tế-xã hội sâu sắc toàn diện, xây dựng một nền pháp trị toàn diện và thực hiện kỷ luật Đảng một cách toàn diện.
Học thuyết của ông Tập đã được Nhân dân nhật báo ca ngợi:

“Đặc biệt, các bài diễn văn, ý tưởng, tư tưởng và chiến lược mới của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Tập Cận Bình đã thúc đẩy nhận thức của Đảng về quản trị, xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển xã hội lên một tầm cao mới và đã xây dựng một hệ thống lý thuyết khoa học toàn diện.”

“Đó cũng là thành tựu mới nhất trên con đường điều chỉnh Chủ nghĩa Mác sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Trung Quốc và xây dựng một chân trời mới của Chủ nghĩa Mác trong xã hội Trung Quốc hiện đại.”

Tờ báo này cho rằng Trung Quốc “đang tiến gần đến mục tiêu sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa hơn bao giờ hết và đang có đầy đủ tự tin và khả năng để thực hiện giấc mơ đó.”

Trong khi đó, tờ Hoàn cầu Thời báo ca ngợi vai trò của ông Tập đối với sự phát triển của Giải phóng Quân Trung Quốc PLA.

Trong bài xã luận có tiêu đề “Những thành tích của quân đội Trung Quốc có lợi cho lợi ích quốc gia và trật tự quốc tế”, Hoàn cầu Thời báo cho rằng quân đội Trung Quốc “đã có tiến bộ phi thường” trong năm năm qua dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình.

“Quân ủy Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo đã trước sau như một thúc đẩy cải cách quân đội theo nguyên tắc pháp trị và gắn kết quân đội-dân sự,” tờ báo này viết.

Hoàn cầu Thời báo nêu lên một loạt thành tựu của Quân đội Trung Quốc nhờ sự lãnh đạo của ông Tập, như chống tham nhũng trong quân đội một cách không khoan nhượng, với việc trừng trị hơn 100 sĩ quan cao cấp, kể cả các phó chủ tịch Quân ủy như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng; cải tổ bốn tổng cục, sắp xếp bảy quân khu thành các quân khu Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm, cũng như đẩy mạnh sự tìm tòi sáng tạo trong công nghệ quốc phòng.

Tờ Daily Telegraph của Anh nhận định rằng tại Đại hội này, ông Tập sẽ củng cố quyền lực của mình để trở thành “lãnh đạo uy quyền nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông”.

“Sau năm năm thanh trừng các đối thủ chính trị, bóp nghẹt những lời chỉ trích và tạo dựng được sự ủng hộ của dân chúng đối với chiến dịch chống tham nhũng và phục hưng Trung Quốc, ông Tập đang ở một vị thế vững chắc để chủ trì việc sắp xếp nhân sự mới của Đảng, và đưa vào những người trung thành với ông ấy,” tờ báo này nhận định.

“Chủ tịch Trung Quốc cũng phải đưa ra kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ hai dựa trên mục tiêu lớn của ông Tập là đảm bảo chính trị ổn định và kinh tế thịnh vượng ở trong nước và đưa Trung Quốc lên địa vị siêu cường trên trường quốc tế.”

Tờ báo này cũng cho rằng hiện chưa rõ ông Tập có tiếp tục nắm quyền sau năm 2022 hay không. Chỉ dấu về việc này là liệu Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới sẽ có những gương mặt được dự định sẽ kế vị ông Tập hay không và liệu ông Vương Kỳ Sơn, một đồng minh thân cận của ông Tập, có phá vỡ quy định về tuổi tác để ở lại hay không.

“Đại hội lần này sẽ bị ông Tập và học thuyết của ông Tập bao trùm,” ông Kerry Brown, một nhà cựu ngoại giao của Anh từng làm việc ở Trung Quốc, được Daily Telegraph dẫn lời nói.

Tờ báo này cũng cho rằng ông Tập cũng đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng Trung Quốc nhờ ông thúc đẩy các mục tiêu tinh thần dân tộc và thực thi mạnh mẽ chiến dịch chống tham nhũng.

Vũ Tiểu Minh, một thương gia ở Bắc Kinh, được dẫn lời nói rằng ông “khâm phục ông Tập” vị đã giúp “nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế”.

“Trung Quốc cần một lãnh đạo mạnh mẽ. Không thể có một nền dân chủ toàn diện ở Trung Quốc bởi vì dân số của chúng tôi quá đông,” thương gia này nói.

Ông Hồ Giai, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của Trung Quốc thì cho rằng ông Tập Cận Bình giống như một vị “hoàng đế của Trung Quốc”.

“Tập thậm chí còn quyền lực hơn cả Putin, nên tôi sẽ không thấy ngạc nhiên nếu ông ấy nắm quyền thêm 10 năm nữa,” ông Hồ được Daily Telegraph dẫn lời nói.

Hãng tin Reuters thì nhận định rằng ở Trung Quốc đang có một thế hệ có thể được gọi là “thế hệ phục tùng”, không quan tâm đến chính trị mà chỉ lo việc riêng tư.

“Họ lớn lên trong sự ổn định và cuộc sống tương đối thoải mái, cộng với lúc nào cũng nghe tuyên truyền nên họ có tinh thần yêu nước sâu sắc,” hãng tin này viết.

Cô Đàm Lệ Quyên, một nhà tư vấn quản lý tài sản cao cấp, bày tỏ sự tin tưởng đối với ông Tập, người được gọi thân mật là “Tập Đại đại” có nghĩa là “Bác Tập”.

“Tôi hiểu Tập Đại đại. Ông ấy quản lý đất nước bằng cái nhìn tổng thể. Những người dân nhỏ nhoi của chúng tôi chỉ nên phục tùng... Tôi có thể chấp nhận được.”

“Ông ấy đã đạt được một số thành tựu và lợi thế trên mặt trận chính trị, chẳng hạn chúng tôi đã trở nên mạnh hơn trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước ở nước ngoài. Hiện giờ nếu ra nước ngoài, chúng tôi có thể cảm nhận rõ ràng sự tôn trọng mà các nước khác dành cho Trung Quốc. Đó là khởi đầu tốt. Khi đất nước mạnh thì người dân sẽ mạnh,” cô Đàm được dẫn lời nói. - VOA
|
|

2.
Bắc Triều Tiên: Chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào --- Tổng thống Nga ký sắc lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên --- Châu Âu tăng cường trừng phạt quân đội Bắc Triều Tiên --- Mỹ: Phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất về Triều Tiên

Theo Bloomberg, hôm nay 17/10/2017, Bắc Triều Tiên cảnh cáo chiến tranh nguyên tử « có thể nổ ra bất cứ lúc nào », trong bối cảnh Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu một trong những cuộc tập trận hải quân ở ngoài khơi bờ biển cả phía đông lẫn phía tây bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim In Ryong, phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc hôm qua 16/10 tuyên bố nước mình đã hoàn toàn trở thành « một cường quốc hạt nhân, sở hữu những phương tiện đa dạng » và cảnh báo « toàn bộ lục địa Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn » của Bình Nhưỡng. Ông cũng tự cho Bắc Triều Tiên là « một cường quốc nguyên tử có trách nhiệm ».

Phó đại sứ Bắc Triều Tiên nói thêm : « Một khi không tham gia các hành động quân sự của Mỹ chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, thì chúng tôi không có ý định sử dụng vũ khí nguyên tử hay đe dọa nước khác ».

Những tuyên bố trên cũng giống như những lời cảnh báo trong vài tháng qua của Bắc Triều Tiên, vào lúc căng thẳng gia tăng với chính quyền Donald Trump. Chế độ Bình Nhưỡng nhiều lần nói rằng cần có vũ khí hạt nhân để ngăn ngừa bị Mỹ tấn công.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia về quốc phòng Bruce Bennett nhận định : « Bắc Triều Tiên phải phóng đại tối đa, vì họ nghĩ nếu có nhiều người lo sợ, thì sẽ tránh được những hành động của Mỹ-Hàn. Vấn đề là Bắc Triều Tiên thường sử dụng những từ ngữ khoa trương, nay họ bị sốc khi thấy người Mỹ cũng dùng phương pháp tương tự ».

Ông Donald Trump từng tuyên bố giải pháp quân sự là một chọn lựa, còn ngoại trưởng Rex Tillerson hôm Chủ Nhật 15/10 nói rằng tổng thống muốn ông xúc tiến các hoạt động ngoại giao với Bình Nhưỡng « cho đến khi quả bom đầu tiên rơi xuống”. - RFI

***
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh dầy 39 trang áp đặt một số lệnh cấm đối với Bắc Triều Tiên, chiểu theo nghị quyết 2321 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, được thông qua ngày 30/11/2016, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng.

Trang web Tân Hoa Xã (Xinhua) của Trung Quốc, trích thông tin từ cổng tài liệu tư pháp của Nga ngày 16/10/2017, cho biết Matxcơva cũng sẽ tạm ngừng chương trình hợp tác khoa học và kỹ thuật với các cá nhân và cơ quan đại diện của Bắc Triều Tiên.

Cũng trong ngày 16/10, chủ tịch Thượng Viện Nga, Valentina Matviyenko, đã thất bại khi tìm cách đứng ra làm trung gian đối thoại giữa các nghị sĩ đại diện của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bên lề diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị Viện Thế Giới (IPU) tại Saint-Peterbourg.

Theo thông cáo của Thượng Viện Nga được AFP trích dẫn, các đại biểu Bắc Triều Tiên khẳng định « chưa đến lúc đàm phán với Hàn Quốc ». Tại diễn đàn trên, phó chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên, Ahn Dong Chung, cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Bình Nhưỡng là « kiểu khủng bố Nhà nước ».

Ông khẳng định : « Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ bàn về quyền có vũ khí nguyên tử của mình », chừng nào Mỹ còn tiếp tục « đe dọa tấn công nguyên tử và áp dụng chính sách hiếu chiến » đối với Bình Nhưỡng. Ông nói thêm : « Dân tộc và quân đội Bắc Triều Tiên sẵn sàng tăng cường thêm sức mạnh hạt nhân của mình”. - RFI

***
Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 16/10/2017 đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt nhắm vào quân đội Bắc Triều Tiên. Đồng thời gây áp lực lên một số nước nhằm thúc đẩy áp dụng chặt chẽ các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Việt Nam.

Thông cáo của Hội Đồng Châu Âu cho biết quân đội Bắc Triều Tiên và bộ Quốc Phòng của nước này đã được thêm vào danh sách đen, có nghĩa là tài sản tại 28 nước EU sẽ bị phong tỏa. Các biện pháp này nhằm gây thêm sức ép để Bình Nhưỡng phải tôn trọng các cam kết về giải trừ hạt nhân.

Thông cáo giải thích, Quân đội Nhân dân Triều Tiên bị cho vào danh sách đen vì đang kiểm soát các đơn vị hỏa tiễn nguyên tử và vũ khí quy ước ; cùng với bốn định chế, công ty khác của Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ tham gia các hoạt động nguyên tử. Ba cá nhân trong đó có hai lãnh đạo phụ trách đạn dược của bộ Công Nghiệp Quốc Phòng không chỉ bị phong tỏa tài sản mà còn bị cấm nhập cảnh vào EU.

Các doanh nghiệp châu Âu bị cấm xuất khẩu dầu và đầu tư vào Bắc Triều Tiên, cấm gởi tiền mặt quá 5.000 euro so với hiện nay là 15.000 euro. Các nước châu Âu nhất trí không gia hạn hợp đồng đối với lao động Bắc Triều Tiên, biện pháp này chủ yếu nhắm vào vài trăm lao động làm việc tại các xưởng đóng tàu ở Ba Lan.

Liên Hiệp Châu Âu cũng quyết định « tiến hành các bước phối hợp kể từ cuối tuần này » đối với 25 quốc gia, để các nước này áp dụng nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhằm làm cạn nguồn tài chính của Bình Nhưỡng. Trong số đó EU đặc biệt muốn gây áp lực lên Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritréa, Angola, đảo quốc Fidji.

Danh sách đen của EU hiện có 104 cá nhân và 63 định chế được cho là có liên quan đến chương trình đạn đạo và nguyên tử của Bắc Triều Tiên. - RFI

***
Một giới chức hàng đầu của Mỹ ngày 17/10 khẳng định Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu không đạt được giải pháp ngoại giao về các chương trình phát triển phi đạn và hạt nhân của Triều Tiên.

Sau cuộc họp với người đồng nhiệm Nhật Bản ở Tokyo bàn về các nỗ lực chung chống lại Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan nhấn mạnh:

“Trọng tâm của chúng ta tại Bộ Ngoại giao nhân danh Tổng thống Trump là dựa trên ngoại giao để giải quyết vấn đề xuất phát từ phía Triều Tiên, chương trình võ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của họ. Tuy nhiên, chúng ta phải, cùng với các đồng minh Nhật, Hàn và các nơi khác, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong trường hợp ngoại giao thất bại.”

Ông Sullivan ngày 18/10 tiếp tục chuyến công du sang Hàn Quốc để họp ba bên với những người đồng cấp phía Hàn Quốc và Nhật Bản. - VOA
|
|

3.
Nhà Nước Hồi giáo bị đánh bại tại cứ địa Raqqa 

Các lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cho biết họ đã chiếm được các khu vực cuối cùng còn lại của thành phố Raqqa của Syria từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo – IS.

Nói chuyện với báo chí, một phát ngôn viên của lực lượng SDF, một lưc lượng gồm các dân quân người Kurd và người Ả Rập, cho hay các cuộc giao tranh ở thành phố Raqqa đã kết thúc. Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cũng loan báo thành phố Raqqa đã được giải phóng.

Các chiến binh của lực lượng SDF xông vào một sân vận động, nơi từng là căn cứ cuối cùng của IS trong thành phố. Trước đó SDF đã chiếm được một bệnh viện, được IS dùng làm trung tâm chỉ huy.

Cuộc tấn công nhằm đẩy bật phiến quân Nhà Nước Hồi giáo ra khỏi thành phố Raqqa đã bắt đầu hồi tháng 6, chiến dịch này được sự yểm trợ của máy bay không kích và các lực lượng khác của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo hỗ trợ.

Phát ngôn viên của lực lượng liên minh, Đại uý Ryan Dillon, nói trên trang Twitter rằng 90% thành phố Raqqa đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng SDF.

Raqqa được coi như thủ đô trên thực tế của IS, nơi lên kế hoạch để thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài, đây cũng là nơi quân IS ăn mừng chiến thắng đạt được ở Iraq và Syria, và cũng là à nơi họ thực hiện các vụ hành quyết.

Nhà nước Hồi giáo vẫn kiểm soát các khu vực quanh thành phố Deir el-Zour và ở phía nam thung lũng sông Euphrates. - VOA
|
|

4.
Ba hãng tư nhân đề nghị mở lại tìm kiếm máy bay mất tích MH370

Ba công ty tư nhân đề nghị chính phủ Malaysia rằng họ sẽ mở lại cuộc tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysian Airlines bị mất tích.

Bộ trưởng Giao thông Liow Tiong Lai hôm thứ Ba 17/10 nói rằng Malaysia nhận được đề nghị của các công ty Ocean Infinity chuyên thám hiểm đáy biển có trụ sở ở Mỹ, Furgo của Hà Lan và một công ty không nêu tên của Malaysia. Ông Lai nói với các phóng viên báo chí rằng chính phủ chưa quyết định mở lại cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysian Airlines. Công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay này trên một diện tích 120.000 kilômét vuông đáy biển ở phía nam của Ấn Ðộ dương, tiêu tốn 160 triệu đôla, đã kết thúc hối tháng 1 mà không có kết quả gì.

Chiếc Boeing 777 biến mất vào ngày 8/3/2014 trong lúc đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, chở theo tất cả 239 người, gồm hành khách và phi hành đoàn. Không một dấu vết nào của chiếc máy bay được tìm thấy, ngoại trừ ba mảnh vỡ bị sóng biển đánh vào bờ tại ba nơi khác nhau ven Ấn Ðộ dương.

Các nhà điều tra đề nghị di chuyển vị trí tìm kiếm lên hướng bắc trên một khu vực rộng 25.000 kilômét vuông giáp ngay phía bắc khu vực đã được dò tìm. Đề nghị đó không được Malaysia và các nước đối tác trong cuộc tìm kiếm là Australia và Trung Quốc chấp nhận. Họ nói rằng không có bằng chứng thuyết phục nào mới về vị trí chính xác của chiếc máy bay mất tích.

Ông Lai không trả lời cây hỏi của các hãng tin Australia rằng Kuala Lumpur đã gần đi đến chỗ chấp nhận đề nghị cua các công ty tư nhân và sẽ mở lại công cuộc tìm kiếm. Ông nói chưa có quyết định nào được đưa ra cho đến khi vấn đề được thảo luận xong với các đối tác Trung Quốc và Australia. - VOA
|
|

5.
Mỹ trung lập trong cuộc đụng độ Iraq-Kurd

Hoa Kỳ, nước đang hỗ trợ các lực lượng Iraq và giúp huấn luyện chiến binh người Kurd, kêu gọi các bên hãy bình tĩnh trong cuộc đôi co về thành phố Kirkuk. Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai 16/10 tuyên bố Washington sẽ "không đứng về phía nào" trong cuộc đụng độ này. Từ Ngũ Giác Đài, thông tín viên Carla Babb của VOA tường trình thêm chi tiết.

Cuộc khẩu chiến đầy căng thẳng và các cuộc trưng cầu dân ý đã bùng phát thành một cuộc xung đột giữa hai đồng minh của Mỹ ở bắc Iraq: người Kurd và lực lượng an ninh Iraq, đang đụng độ chung quanh thành phố Kirkuk.

Theo một phóng viên của VOA có mặt ở Iraq, các đơn vị quân sự hỗn hợp được Iran hậu thuẫn hôm 15/10 đã rút ra khỏi phía nam Kirkuk vài km, cho phép một số đơn vị an ninh Iraq tiến vào trám chỗ. Ít nhất đã nổ ra một cuộc giao tranh qua đêm giữa chiến binh Peshmerga người Kurd và các lực lượng Iraq. Các giới chức Mỹ nói các chiến binh chống khủng bố Iraq đã tiến vào căn cứ không quân K1 của thành phố Kirkuk và nắm quyền kiểm soát khu vực này.
Phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, Thiếu tá Adrian Rankine-Galloway, nói:

"Giữa lúc lực lượng an ninh Iraq xông lên, chúng ta hầu như chứng kiến một cuộc rút lui có phối hợp của lực lượng Peshmerga ra khỏi những khu vực nơi mà các đơn vị Iraq đã có mặt. Có một vài tiếng súng lẻ tẻ vào sáng hôm nay, nhưng chúng tôi xem đó như một sự cố đơn lẻ."

Trong khi các quân xa của Iraq đang diễu hành mừng chiến thắng chung quanh thành phố, các giới chức Mỹ khẩn khoản cả hai bên nên duy trì hòa bình, và tập trung vào cuộc chiến hầu tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo – IS, đẩy bật chúng ra khỏi đất nước, thay vì quay sang kình chống nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói:

"Chúng tôi không đứng về bên nào, nhưng chúng tôi không thích việc hai bên đụng độ."
Các binh sĩ Mỹ hợp tác với cả lực lượng Iraq và Peshmerga và có mặt trong khu vực gần thành phố Kirkuk. Các giới chức Mỹ xác nhận rằng lực lượng Iraq tiến vào thành phố Kirkuk mới đây là lực lượng do quân đội Mỹ huấn luyện và trang bị. - VOA
|
|

6.
TT Philippines: Marawi đã được ‘giải phóng khỏi khủng bố’

Sau 5 tháng đối đầu với phiến quân Hồi giáo, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố thành phố Marawi ở miền Nam Philippines đã được "giải phóng khỏi ảnh hưởng của lực lượng khủng bố."

Ông Duterte ra tuyên bố hôm thứ Ba 17/10 trước một nhóm binh sĩ, một ngày sau khi hai thủ lãnh phiến quân, Isnilon Hapilon và Omarkhayam Maute, bị giết chết trong một chiến dịch quân sự. Ông Hapilon, người từng thề trung thành với lãnh tụ Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi, là một trong số những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất ở Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ đã treo giá 5 triệu đô la cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ ông ta.

Mặc dù tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng, các quan chức quân đội nói rằng một nhóm gồm từ 20 đến 30 chiến binh có vũ trang vẫn đang cầm giữ khoảng 20 con tin ở Marawi, thành phố có 200.000 dân trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines.

Các giới chức quân đội cho biết họ đang truy lùng Mahmud Ahmad, một cộng sự thân cận của ông Hapilon. Các chuyên gia cho biết ông Ahmad có thể sẽ thay thế ông Hapilon để ra lãnh đạo tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.

Khu vực miền Nam Philippines, đặc biệt là khu vực đảo Mindanao, vốn giàu tài nguyên nhưng nghèo đói, từ lâu đã là nơi hoạt động của nhóm Abu Sayyaf và các nhóm chủ nghĩa cực đoan khác. - VOA
|
|

7.
Airbus kiểm soát dòng máy bay C Series của Canada Bombardier

Công ty Airbus SE đồng ý mua lại phần lớn cổ phần của công ty Bombardier với dòng máy bay phản lực C Series. Giao dịch này có thể giúp nhà chế tạo máy bay của Canada né hàng rào thuế quan của Hoa Kỳ, điều mà phía Mỹ đã đe dọa sẽ áp dụng trong vụ tranh chấp thương mại với hãng Boeing của Mỹ.

Hãng tin Reuters loan tin Airbus, tập đoàn hàng không lớn nhất châu Âu, sẽ sở hữu 50,01% cổ phần trong chương trình này mà không tốn phí ban đầu, để đổi lấy việc hậu thuẫn cho một thương hiệu máy bay đã được nhiều người hâm mộ vì ít tốn nhiên liệu.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ doạ sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu 300% đối với dòng máy bay C Series sau khi Bộ Thương mại hậu thuẫn đơn khiếu nại của Boeing rằng Bombardier nhận tài trợ bất hợp pháp, và bán phá giá máy bay của họ.

Thỏa thuận này với Airbus có nghĩa là máy bay phản lực C Series có thể được chế tạo tại nhà máy lắp ráp máy bay của Airbus ở bang Alabama, và như thế lách được hàng rào thuế quan mà Hoa Kỳ áp đặt trên hàng nhập khẩu.

Ông Alain Bellemare, Giám đốc điều hành của hãng Bombardier, nói với các phóng viên tại trụ sở của Airbus ở thành phố Toulouse:

"Lắp ráp ở Mỹ có thể giải quyết vấn đề thuế vì lắp ráp ở Mỹ khiến máy bay trở thành sản phẩm nội địa.”

Ông Tom Enders, Giám đốc điều hành của Airbus, ca ngợi kết quả này là một "thắng lợi cho Canada ... và thắng lợi cho nước Anh," ý nhắc đến một nhà máy chế tạo cánh máy bay của Bombardier ở Bắc Ailen, mà từ trước đến nay cũng bị cuộc chiến thương mại từ xa Mỹ- Canada đe dọa.

Ông nói thương vụ này cũng sẽ tạo ra công ăn việc làm mới cho Hoa Kỳ.

Cổ phiếu Airbus trưa hôm 17/10 tăng 2.5%, lên tới 79 euro, là một trong những cổ phiếu blue-chip lớn nhất của châu Âu. - VOA
|
|

8.
Catalunya chuẩn bị biểu tình phản đối việc bắt hai lãnh tụ ly khai

Những cuộc biểu tình dự kiến diễn ra hôm nay 17/10/2017 tại Catalunya nhằm phản đối việc bắt giữ hai lãnh tụ quan trọng, bị tư pháp Tây Ban Nha cáo buộc tội ly khai.

Tối hôm qua, một thẩm phán đã ra lệnh bắt hai ông Jordi Cuixart và Jordi Sanchez, lãnh đạo hai hiệp hội chủ trương Catalunya độc lập là Omnium Cultural và Quốc Hội Catalunya (ANC). Hai ông bị cáo buộc hôm 20/09 đã khuyến khích hàng trăm người phong tỏa lối ra vào một tòa nhà bị quân cảnh lục soát, có liên hệ với việc tổ chức trưng cầu dân ý.

Phát ngôn viên chính quyền ly khai Catalunya cho đây là « hành động khiêu khích của chính phủ Tây Ban Nha », kêu gọi những người ủng hộ biểu tình phản đối một cách ôn hòa. Chủ tịch vùng Catalunya, ông Carles Puigdemont viết trên Twitter : « Đáng buồn thay, chúng ta lại có thêm những tù nhân chính trị ».

Trước đó, ông Jordi Cuixart, chủ tịch hiệp hội Omnium Cultural đã ghi lại một video, với lời nhắn nhủ : « Nếu các bạn nhìn thấy video này, có nghĩa là bộ máy Nhà nước đã quyết định tước đi quyền tự do của tôi. Tôi rất thanh thản », và cho biết nếu cần, hiệp hội sẽ « lui vào bí mật » nhưng hoạt động một cách ôn hòa. Ngay trong đêm hôm qua, nhiều người dân đã gõ xoong nồi để phản đối vụ bắt giữ, nhiều lời kêu gọi biểu tình lan tràn trên mạng xã hội.

Hai hiệp hội trên có thể huy động đông đảo người xuống đường, và việc tạm giữ hai thủ lãnh có nguy cơ làm nặng nề thêm cuộc khủng hoảng giữa Madrid và Barcelona.

ANC và Omnium Cultural có đến 100.000 hội viên. Omnium Cultural hoạt động từ năm 1961, nhằm bảo tồn ngôn ngữ Catalan, bị cấm đoán dưới thời nhà độc tài Franco. Còn ANC mới thành lập từ năm 2011, nhưng đã đạt được trọng lượng chính trị đáng kể trong vùng. - RFI
|
|

9.
Ukraina: Đối lập biểu tình chống chế độ chuyên quyền và tham nhũng

Tại Ukraina, liên minh các nhà đối lập với tổng thống Petro Porochenko tổ chức một cuộc biểu tình có quy mô lớn vào ngày 17/10/2017 ở trung tâm thủ đô Kiev. Gần bốn năm kể từ đầu cuộc cách mạng Maidan, phe đối lập cáo buộc chế độ chuyên quyền và tham nhũng, đồng thời tìm cách khôi phục phong trào cải cách.

Thông tín viên RFI Sébastien Gobert tường trình từ Kiev :

« Họ là những nhà đấu tranh chống tham nhũng, theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, cải cách tự do, cựu binh tham chiến ở miền Đông hoặc cựu tổng thống Georgia, Mikheil Saakachvili. Tất cả đều có một điểm chung là đối lập với ông Petro Porochenko và mong muốn khởi động lại nỗ lực cải cách từng được khơi mào từ cuộc cách mạng 2014.

Ông Serhiy Leshchenko, một nghị sĩ tự do nhận định : « Chúng tôi hiểu ra rằng chúng tôi không thể đạt được bất kỳ một tiến bộ nào trong việc áp dụng các biện pháp cải cách mà không gây áp lực theo nhiều cách. Chính quyền không hề có bất kỳ ý định chính trị nào để cải cách ».

Các biện pháp cải cách này gồm các việc : biên soạn lại luật bầu cử, hệ thống tư pháp hay thành lập một tòa án tối cao chống tham nhũng. Đúng là chính phủ của tổng thống Petro Porochenko đã thành công trong việc khôi phục nền kinh tế và kiềm chế cuộc chiến ở miền đông Ukraina, nhưng lại bị chỉ trích cả ở trong nước lẫn nước ngoài vì giả vờ tiến hành cải cách và bảo vệ các đối tượng tham nhũng.

Không dấu hiệu nào cho thấy đối lập có thể khiến tổng thống lay chuyển. Nhưng ông Porochenko có vẻ lo lắng. Tại Kiev, lực lượng Vệ binh quốc gia đã thông báo đóng cửa một phần trung tâm thành phố để ngăn biểu tình. Tuy nhiên, các nhà đối lập không vì thế mà thoái lui. Một ngày căng thẳng bắt đầu tại thủ đô của Ukraina ».

Nga : Mạng xã hội Telegram bị phạt 18.000 euro

Ngày 16/10/2017, một tòa án Nga đã tuyên án phạt 18.000 euro (800.000 rúp) đối với mạng trao đổi trực tuyến mã hóa Telegram, rất nổi tiếng tại Nga, vì từ chối cung cấp thông tin cho lực lượng an ninh.

Thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Matxcơva cho biết, trên trang Vkontakte (kiểu Facebook của Nga), ông Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram và Vkontakte, lập tức phản đối và tuyên bố không có chuyện cung cấp thông tin đời tư cho các cơ quan tình báo Nga. Theo ông, các yêu cầu của cơ quan tình báo FSB là « vi phạm » Hiến Pháp vốn bảo vệ quyền giữ bí mật thông tin. Nhà sáng lập Telegram có ý định kháng án, còn điện Kremlin khẳng định chưa có ý định « chặn » Telegram. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Nhận Huân Chương Tự do, McCain đả kích ‘chủ nghĩa dân tộc nửa mùa’

Thượng nghị sĩ John McCain tối thứ Hai 16/10 đã lên tiếng gay gắt chỉ trích những người mà ông không nêu tên, đã thúc đẩy khuynh hướng chính trị cô lập hóa, sau khi ông được trao phần thưởng dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ vì một đời phụng sự, cống hiến và hy sinh cho đất nước.

Cựu Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden là người trao giải cho ông McCain tại buổi lễ trao Huân Chương Tự Do tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia.

Tại buổi lễ, Thượng nghị sĩ John McCain nói, chối bỏ vai trò của Hoa Kỳ trong tư cách là một nước lãnh đạo thế giới là “không yêu nước.”

Thượng nghị sĩ John McCain phát biểu:

“Sợ hãi cái thế giới mà chính chúng ta đã sắp xếp và lãnh đạo trong ¾ thế kỷ, từ bỏ các lý tưởng mà chúng ta đã thăng tiến trên khắp thế giới, khước từ trách nhiệm lãnh đạo thế giới và nghĩa vụ của chúng ta, là niềm hy vọng cuối cùng, tốt nhất cho trái đất, để mà theo đuổi một thứ chủ nghĩa dân tộc nửa mùa, giả tạo, tạo ra bởi những kẻ chỉ muốn tìm người khác để đổ lỗi thay vì giải quyết vấn đề, là một hành động “không yêu nước” đi đôi với bất cứ chủ thuyết lỗi thời nào của quá khứ đã từng bị người Mỹ vứt bỏ vào sọt rác của lịch sử từ lâu.”

Thượng nghị sĩ John McCain không nêu đích danh Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên khẩu hiệu “Nước Mỹ Trên Hết” mà ông Trump nhắc đi nhắc lại như một câu thần chú dường như đang phương hại tới uy tín và thanh danh của Hoa Kỳ, đã bị đả kích nặng nề, kể cả quyết định của Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Biến đổi Khí hậu ở Paris, cũng như những phát biểu của Tổng thống Trump, không ngớt chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran được một số nước đồng minh của Mỹ hậu thuẫn. - VOA
|
|

11.
Ông Jerome Powell có thể sẽ là tân lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang

Ông Jerome Powell có thể lẽ sẽ làm chủ tịch kế tiếp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) – kết quả thăm dò của Reuters cho thấy một tỉ lệ đa số sít sao các nhà kinh tế cho ý kiến như vậy, mặc dù phần lớn nói rằng đương kim chủ tịch Fed, bà Janet Yellen sẽ là chọn lựa hợp lý nhất.

Chỉ hơn một nửa trong tổng số 40 kinh tế gia tham gia cuộc thăm dò của Reuters diễn ra trong mấy ngày qua cho rằng Thống đốc Powell của Fed sẽ được Tổng thống Donald Trump đề cử làm chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang khi nhiệm ký bốn năm của bà Yellen chấm dứt vào ngày 1/2/2018.

Ông Powell, một luật sư và là cựu lãnh đạo ngân hàng đầu tư, đã làm ủy viên của Hội đồng Thống đốc Fed từ tháng 5/2012.

Nhà phân tích Ryan Sweet của Moody nhận định rằng: “Sự tiếp tục hợp lý nhất của chức lãnh đạo Fed sẽ là từ bà Yellen sang ông Powell. Trong bối cảnh chúng ta đang ở trong chu kỳ chặt chẽ, sự ổn định sẽ được thị trường tài chính hoan nghênh.”

Ông nói tiếp rằng: “Thay đổi chế độ quản lý có thể gây ra những giao động và làm cho thị trường lo lắng.”

Một chọn lựa thứ hai sau ông Powell có nhiều khả năng sẽ là ông Kevin Warsh, một cựu ủy viên của Hội đồng Thống đốc Fed trong thời kỳ khủng hoảng tài chánh. Ông Warsh được 13 phiếu dự đoán được đề cử. Bà Yellen chỉ nhận được 4 phiếu.

Trên danh sách chọn lựa, ngoài các nhân vật có nhiều tiềm năng được để cử nêu trên còn có ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, ông Richard Davis, cựu lãnh đạo ngân hàng U.S. Bancorp, ông Glenn Hubbard của trường Columbia Business School, ông John Allison, cựu lãnh đạo ngân hàng BB&T và Giáo sư John Taylor của Đại học Stanford.

Khi được hỏi ai sẽ là chọn lựa thích hợp nhất, khoảng hai phần ba số các nhà kinh tế cho rằng Tổng thống Trump nên để cho bà Yellen tiếp tục lãnh đạo Fed, còn ông Powell đứng thứ hai, với 7 phiếu trong tổng số 37 phiếu.

Không có sự khác nhau rõ rệt nào giữa quan điểm quản lý của ông Powell và bà Yellen, và các nhà kinh tế dự đoán rằng ông Powell sẽ không thực hiện một sự thay đổi sâu rộng nào trong chính sách.

Tổng thống Trump cuối tháng trước nói rằng ông sẽ chọn chủ tịch Fed trong hai, ba tuần tới. Ông đã gặp gỡ với bốn ứng viên, nhưng chánh văn phòng của ông cho biết rằng ông chưa đưa ra một quyết định nào.

Hồi tháng 7, Tổng thống Trump nói ông có thể quyết định tái đề cử bà Yellen tiếp tục làm chủ tịch Feb nhiệm kỳ 4 năm kế tiếp, hoặc cũng có thể chuyển sang ông Cohn. Tổng thống Trump sẽ gặp gỡ với ông Taylor vào thứ Tư 18/10 để bàn về chức vụ này. - VOA
|
|

12.
Thượng Viện Mỹ đề nghị Trump hợp tác với châu Âu về Iran

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 16/10/2017 đề nghị chính quyền Donald Trump hợp tác chặt chẽ với châu Âu để hình thành một chính sách mới về Iran.

Phát biểu với các nhà báo bên lề cuộc họp đầu tiên của Thượng Viện, sau quyết định của tổng thống Trump về Iran, thượng nghị sĩ Bob Corker cho biết, nếu chính quyền tích cực hợp tác với các đồng minh châu Âu, thì hồ sơ này có thể tiến triển.

Ông Bob Corker đang chủ trì ủy ban nhằm soạn thảo một dự luật mới, xác định lại các điều kiện để Hoa Kỳ tham gia vào các hiệp ước quốc tế. Dự thảo luật đề nghị tái lập tự động các biện pháp trừng phạt, nếu Washington thấy rằng Iran có được khả năng làm giàu uranium đủ để chế tạo bom nguyên tử trong vòng không đầy một năm.

Tuy chưa soạn xong, nhưng các đường hướng chính gây ra lo ngại là Hoa Kỳ sẽ vi phạm thỏa thuận đã ký với Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu (EU). Các thượng nghị sĩ Dân Chủ nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc chung với EU. Phe Cộng Hòa tuy chiếm đa số tại Thượng Viện nhưng khoảng cách quá ngắn, nên đa số dự luật cần phải tham khảo trước ý kiến của phe đối lập.

Các ngoại trưởng châu Âu hôm qua họp tại Luxembourg đã tái khẳng định sự ủng hộ hiệp ước nguyên tử đã ký với Iran tháng 7/2015, kêu gọi Quốc Hội Mỹ không trừng phạt Teheran. Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu là bà Federica Mogherini sẽ đến Washington vào đầu tháng 11 để bênh vực cho thỏa ước « chủ chốt cho an ninh khu vực ».

Năm 2015, tất cả các đại biểu Cộng Hòa và một số thuộc phe Dân Chủ đã chống lại hiệp ước nguyên tử do chính quyền Obama thương lượng. - RFI
|
|

13.
Donald Trump cáo buộc Cuba tấn công thính giác các nhà ngoại giao Mỹ

Ngày 16/10/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc đích danh Cuba là nguồn gốc các vụ tấn công thính giác bí hiểm khiến 22 nhân viên của sứ quán Mỹ tại La Habana mắc bệnh từ cuối năm 2016. Vụ việc được tiết lộ từ tháng 8/2017, các nạn nhân đều có chung triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ và ù tai.

Từ Washington, thông tin viên RFI Anne Corpet tường trình :

« Cho đến nay, chính quyền Washington đã lưu ý không chỉ đích danh chính quyền Cuba phải chịu trách nhiệm trực tiếp về bệnh tình mà các nhà ngoại giao Mỹ tại La Habana mắc phải một cách bí hiểm.

Quyết định hồi hương một nửa số nhân viên của sứ quán được đưa ra vào cuối tháng 09/2017 để bảo vệ sức khỏe của các công dân Mỹ có liên quan. Nhưng trong bản thông cáo, bộ Ngoại Giao vẫn nhắc lại : « Chúng tôi không biết nguồn gốc cũng như cách hành động của các vụ tấn công này ».

Lần này, tổng thống Mỹ tố cáo trực tiếp Cuba. Ông nói : Tôi tin rằng Cuba phải chịu trách nhiệm. Đúng, tôi tin như vậy ! Như quý vị biết, đó là những vụ tấn công bất thường. Đúng thế, tôi tin là Cuba phải chịu trách nhiệm về việc này.

Tiến trình xích lại gần nhau mang tính lịch sử giữa Cuba và Hoa Kỳ được tiến hành dưới thời chính quyền Obama từng bị ông Donald Trump đánh giá là lựa chọn kinh khủng và bất cẩn.
Với tuyên bố mới này, tổng thống Mỹ gây nguy cơ kích động bầu không khí vốn đã căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, Nhà Trắng lại không công bố bất kỳ yếu tố mới nào để khẳng định những cáo buộc nhắm vào chế độ Cuba”. - RFI
|
|

14.
Tổng thống Trump muốn thăm Khu Phi Quân sự Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho báo giới biết đang cân nhắc khả năng ghé thăm Khu Phi quân sự Triều Tiên nhân chuyến công du 5 nước Châu Á vào tháng 11.

Truyền thông Hàn Quốc trước đó từng dự đoán rằng ông Trump sẽ tới Khu Phi quân sự Triều Tiên, dải đất hẹp chia cắt hai miền Nam-Bắc Triều Tiên.

Ông Trump không trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên rằng liệu một chuyến thăm tương tự như chuyến đi của Phó Tổng thống Mike Pence hồi tháng tư sẽ bị Bình Nhưỡng xem là hành động khiêu khích hay không.

Huy động thêm áp lực chống lại Triều Tiên phát triển võ khí hạt nhân và cổ súy các lợi ích kinh tế Mỹ trong khu vực nằm trong số các trọng tâm hàng đầu trong chuyến công du Châu Á của Tổng thống Trump vào tháng sau, bao gồm chặng dừng chân tại Việt Nam. - VOA
|
|

15.
Forbes: Tài sản Tổng Thống Trump giảm $600 triệu

Những người giàu nhất nước Mỹ có thể đang giàu hơn nữa, nhưng tài sản của Tổng Thống Donald Trump lại bị giảm $600 triệu, xuống còn $3.1 tỉ, theo danh sách 400 tỉ phú của nước Mỹ được tạp chí Forbes công bố hôm Thứ Ba.

Bản tin của hãng thông tấn AFP nói rằng người đồng sáng lập công ty Microsoft, ông Bill Gates, đứng đầu danh sách, trong 24 năm liên tục, với tài sản trị giá $89 tỉ, trong khi ông Jeff Bezos, người sáng lập công ty Amazonn, đứng hàng thứ nhì với $81.5 tỉ.

Ông Trump, đứng hàng 248, cùng vị trí với người đồng sáng lập và cũng là tổng giám đốc công ty Snap, Evan Spiegel, 27 tuổi, người trẻ tuổi nhất trong danh sách này.

Tạp chí Forbes nói rằng việc giảm sút trị giá tài sản của ông Trump là do thị trường địa ốc trong lãnh vực hàng bán lẻ và văn phòng ở New York đang suy yếu, và cũng vì có thêm các tin tức rõ ràng hơn về tài sản của ông. Ông Trump đứng hạng 156 vào năm 2016, khi được bầu vào Tòa Bạch Ốc.

Forbes nói những người trong danh sách năm thứ 36, với 400 người giàu nhất nước Mỹ, có tổng số tài sản trị giá tới $2.7 ngàn tỉ, so với con số $2.4 ngàn tỉ năm 2016. Để được Forbes kể vào trong danh sách này, một cá nhân phải có từ $2 tỉ trở lên.

Trong số 22 người mới nêu tên trong danh sách gồm có người đồng sáng lập và cũng là tổng giám đốc điều hành Netflix, ông Reed Hastings. Có 26 người bị rơi ra khỏi danh sách năm ngoái, gồm cả Bộ Trưởng Tài Chánh Wilbur Ross, bản tin AFP cho hay.

Chỉ có 50 phụ nữ trong danh sách này. Bà Alice Walton, con gái người sáng lập Wal-Mart, ông Sam Wlaton, là người đứng cao nhất, ở hàng 13.

Người có số tài sản tăng cao nhất trong danh sách của Forbes là Mark Zuckerberg của công ty Facebook, tăng $15.5 tỉ so với năm ngoái và lên tới $71 tỉ, đứng hàng thứ tư, cũng theo AFP. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

16.
Hà Nội giải trình về phát ngôn ‘vỡ đê có kế hoạch’: Vấn đề quan trí?

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội ngày 17/10 lên tiếng giải trình về phát ngôn “vỡ đê có kế hoạch” của một cán bộ chuyên môn đã gây phản ứng trong dư luận mấy ngày qua. Một nhà bình luận, quan sát tình hình thời sự Việt Nam nói câu chuyện làm nổi bật vấn đề “quan trí” và sự bất nhất trong bộ máy chính quyền.

Trước đó vào ngày 13/10, tại cuộc họp thông tin về đợt mưa lũ, khi phóng viên đặt câu hỏi về hiện tượng ngập nước ở đê Hữu Bùi (đê Bùi 2), thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội, là do tràn đê hay vỡ đê, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh nói: “Dân nhìn vào thì nói vỡ, nhưng chúng tôi nói đó là vỡ có kế hoạch, vỡ nằm trong khu thoát lũ chứ không bất ngờ”.

Đoạn video trên mạng xã hội ghi lại cuộc họp báo cho thấy cả phòng họp đã cười ồ lên sau lời giải thích của giới chức phụ trách đê điều.

Mặc dù hiện tượng ngập úng trên địa bàn huyện Chương Mỹ chỉ gây thiệt hại về nông sản, nhà cửa, không ảnh hưởng đến tính mạng người dân, nhưng có thể thấy phản ứng của công chúng khá mạnh khi đoạn video và các bài viết trên báo chí xoáy vào phát ngôn “vỡ có kế hoạch” của ông Đỗ Đức Thịnh.

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 17/10, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Hà Nội, ông Trần Thanh Nhã, đã phải lên tiếng giải trình về phát ngôn này. Ông Nhã thừa nhận không có khái niệm “vỡ có kế hoạch” trong thuật ngữ chuyên môn và đoạn đê bao Hữu Bùi có thể coi là vỡ đê, nhưng thực chất là do nước tràn vào bờ đê bao, gây xói mòn một số đoạn đê.

Một nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng đây là một sự kiện cần được giải thích rõ ràng về mặt chuyên môn, thay vì đưa ra một phát ngôn “gây phản cảm”.

Ông nói: “Những cái đê đó là đê phụ, đê quai thôi, để khi nước dâng lên một mức độ nhất định thì sẽ tràn qua đê vào khu vực dự tính để cứu những vùng khác. Đó là cái mà người ta đã dự tính từ khi thiết kế toàn bộ hệ thống đê điều thì có những vùng như thế. Khi ông Cục trưởng nói ‘vỡ có kế hoạch’, có lẽ cách dùng từ của ông ta đã không khéo, gây phản cảm đối với người nghe”.

TS. Nguyễn Quang A nói không chỉ các quan chức ở Hà Nội, mà kể cả các quan chức ở tận trung ương, thỉnh thoảng vẫn có những phát ngôn mà ông gọi là “kỳ lạ” và “ngộ nghĩnh”.

“Nào là ‘giết chết tươi’, nào là ‘nhúng chàm’, ‘củi tươi, củi khô’… Tôi nghĩ kỹ năng về truyền thông của các quan chức Việt Nam, họ không bao giờ để ý đến chuyện đó cả. Mà một trong những nhiệm vụ quan trọng của một quan chức nhà nước là trình bày sự việc, chính sách một cách rõ ràng, minh bạch cho dân chúng. Rất đáng tiếng là trình độ quan trí của Việt Nam rất thấp và biểu hiện thiếu kỹ năng truyền thông chỉ là một mặt thôi”.
Trong buổi họp “giải trình”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN cho biết thêm rằng với thiết kế hiện tại, khi nước dâng lên đến mức báo động 2 thì sẽ tự tràn quan thân đê Hữu Bùi. “Còn đê đất tràn đến đâu vỡ đến đấy là rất khó lường”, Tiền Phong dẫn lời ông Nhã.

Bắt đầu từ chiều 12/10, nhiều khu vực ở huyện Chương Mỹ đã bị ngập hoàn toàn. Theo báo cáo của huyện, có đến 92 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch và khoảng 842,4 ha cây vụ Đông bị ngập và hư hỏng. Khoảng 63,8 ha ây ăn quả và 125 ha diện tích thủy sản cũng bị chìm trong nước.

Trước mối lo của người dân về hiện tượng ngập úng kéo dài nhiều ngày, giới hữu trách địa phương lại đưa ra thông tin theo kiểu “mỗi người một phách”, người nói có vỡ đê, người bảo không, càng khiến dư luận hoang mang và phẫn nộ.

TS. Nguyễn Quang A nói điều này phản ánh sự bất nhất quen thuộc trong hệ thống công quyền ở Việt Nam.

Ông nói thêm: “Nó cũng có thể phản ánh sự quan tâm khác nhau của những nhóm lợi ích khác nhau. Một nhóm có thể bảo rằng sự kiện này là bình thường, không có vấn đề gì cả. Nhóm khác có thể bảo rằng cái này rất nguy hiểm”.

Gần 1 tuần sau khi đê Bùi 2 vỡ, báo Lao Động cho biết nhiều người dân ở một số xã của huyện Chương Mỹ vẫn phải lội nước trong cái lạnh khoảng 20oC và chèo thuyền đi lại giữa các khu vực. Nhiều người dân phải sự dụng nước ngập để sinh hoạt. Một số người còn đem cả gia súc như heo, gà… vào nhà nuôi vì chuồng trại bị ngập, gây ô nhiễm nặng cho môi trường sống. - VOA
|
|

17.
Bộ Giáo Dục bất nhất về ‘dạy theo sách giáo khoa’

Một quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vừa cải chính công văn “cấm tuyệt đối” việc dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa. Một giảng viên đại học cho rằng đó là động thái có tính “tình thế” của bộ trước những phản ứng, chỉ trích của dư luận.

Hôm 17/10, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thuộc bộ, được báo chí Việt Nam dẫn lời nói rằng công văn số 4612 ban hành ngày 3/10 đã “gây hiểu nhầm”.

Công văn do một thứ trưởng ký, chỉ đạo các trường phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học kể từ niên khóa 2017-2018, kết thúc với câu “Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”, gây nhiều tranh cãi.

Phó Vụ trưởng Thành nói với báo chí rằng cách diễn đạt như vậy “đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học”. Ông khẳng định “Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của bộ”.

Ông Thành lưu ý rằng phần lớn nội dung của công văn thực ra đề nghị “tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”.

Trước khi có giải thích của vị phó vụ trưởng, công văn này đã nhận nhiều lời chỉ trích, thể hiện trên các báo lớn của Việt Nam.

Ý kiến của nhiều giáo viên ở các địa phương khác nhau đều cho rằng coi sách giáo khoa như pháp lệnh là “không phù hợp với sự phát triển”. Họ cũng nêu ý kiến “không nên bó buộc sự tự do, sáng tạo của người dạy và người học”.

Một số nhà giáo cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “tiền hậu bất nhất”, thậm chí “mâu thuẫn” trong chỉ đạo. Họ nêu dẫn chứng là nhiều văn bản hướng dẫn của bộ trước đây cho giáo viên “có thể thoát ly” sách giáo khoa, chỉ coi đó là “một tài liệu chính trong nhiều tài liệu” để thiết kế bài giảng.

Một giảng viên đề nghị không nêu tên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận với VOA:
“Xét theo tư duy trước nay vẫn có trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa thì nó là nhất quán. Bởi vì trước nay nền giáo dục Việt Nam vẫn là theo định hướng. Họ có thể ra văn bản đó một cách rất duy ý chí, nhưng sau khi nhận được phản ứng trái chiều, bất bình của dư luận, theo đánh giá của tôi, họ cũng bắt đầu suy nghĩ lại, cho nên họ phải rút lại cái văn bản. Tôi nghĩ bây giờ tình thế đã khác. Dân trí đã nâng cao hơn, rồi người dân đã có mạng xã hội để bày tỏ ý kiến”.
Giảng viên này nói thêm việc cải chính công văn thể hiện sự “thận trọng về chính trị” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong một bài viết trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng ngày 16/10 liên quan đến sự kiện này, nhà giáo có tên Đỗ Quyên bày tỏ sự ngao ngán về việc bộ ra những chỉ đạo “cái sau đá cái trước”.

Nhà giáo nêu ra một thực trạng là bộ “liên tục chỉ đạo chuyên môn”, giáo viên “liên tục bị điều đi tập huấn, thực hành … nhưng cuối cùng thì giáo dục vẫn cứ như một mớ bòng bong, gỡ chỗ này lại dính chùm chỗ kia đến độ mất phương hướng”.

Đoạn kết của bài viết trên báo thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đặt câu hỏi “Cứ đà này, giáo dục của chúng ta biết đến bao giờ mới thật sự đổi mới được đây?”
Giảng viên không muốn nêu tên thuộc ĐHQGHN đưa ra nhận định với VOA:

“Trong thời gian ngắn tới, tôi nghĩ là các vấn đề lớn của giáo dục vẫn ở trong tình trạng ‘giải pháp tình thế’. Về tổng thể, để có sự thay đổi triệt để, tôi nghĩ là chưa có. Bởi vì sự thay đổi triệt để của bất cứ ngành nào trong xã hội Việt Nam hiện nay đều phải nằm trong sự thay đổi chung, đấy là sự thay đổi căn bản về ý thức hệ. Cho nên thời gian tới, tôi cũng không lạc quan lắm về cải cách giáo dục đâu”.

Dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp và thông tin trong ngành giáo dục, giảng viên này dự báo tới đây bộ có thể cho thí điểm “được độc lập về sách giáo khoa” ở một vài trường, thậm chí rộng hơn là ở một huyện hoặc một tỉnh.

Tuy nhiên, theo giảng viên, đó vẫn là giải pháp “tình thế và tạm thời”, không phải là giải pháp triệt để trong cải cách giáo dục. - VOA
|
|

18.
Đại sứ Ted Osius chào từ biệt thủ tướng Việt Nam

Ngày 17 tháng 10, tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đến chào từ biệt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác.
ian tới.

Thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của Đại sứ Ted Osius trong việc tổ chức nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao giữa hai quốc gia, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama hồi tháng 7 năm 2016 và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5 vừa qua cũng như chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Donald Trump.

Ông Ted Osius bày tỏ hy vọng mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ được nâng lên tầm cao mới qua chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump, nhân dịp ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới đây.
Vị tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ là ông Daniel Kritenbrink. - RFA
|
|

19.
Đoàn dân biểu Hoa Kỳ làm việc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam

Một phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ do dân biểu Ted Yono, Chủ tịch Ủy ban Châu Á- Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, làm trưởng đoàn vào chiều ngày 17 tháng 10 có cuộc làm việc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Tin cho biết tại buổi làm việc, hai phái đoàn trao đổi về đẩy mạnh hợp tác song phương trong lãnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh ở Viêt Nam. Theo đó, hai bên thống nhất đề nghị Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp vốn ODA không hoàn lại để khắc phục ô nhiễm môi trường do chất dioxin tồn lưu sau chiến tranh tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát, A Lưới-Thừa Thiên Huế, Sa Thầy-Kon Tum.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng hợp tác trong các hoạt động khắc phục hậu quả đối với nạn nhân chất da cam ở Việt Nam, bao gồm điều trị y tế lẫn giúp đỡ những nạn nhân này ổn định cuộc sống.

Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tăng cường hợp tác để sớm hoàn thành công việc tìm kiếm hài cốt và quân nhân Mỹ cũng như Việt Nam mất tích trong chiến tranh. - RFA
|
|

20.
Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ

Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 9 đạt 3,62 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2017 sang thị trường này lên xấp xỉ 31 tỉ đô la, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết số liệu thống kê vừa nêu vào ngày 16 tháng 10.

Các mặt hàng xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ trong 9 tháng qua bao gồm hàng dệt may, giày dép, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Tổng cục Hải quan Việt Nam còn cho biết cán cân thương mại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 thặng dư 24,1 tỉ đô la trong thương mại hàng hóa với Mỹ.

Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam nhiều nhất và cũng là thị trường Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ chỉ chiếm tỉ lệ 2% trong tổng số kim ngạch nhập khẩu của thị trường khổng lồ này. - RFA
|
|

21.
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn bị công an sách nhiễu

Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn tại Đà Nẵng cho biết bản thân bị công an thành phố này gửi giấy triệu tập liên lục và ngày 20 tháng 10 tới đây phải đến làm việc. Giấy mời ghi ‘làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án’; nhưng anh này hỏi vụ án gì thì không được trả lời.

Anh Khúc Thừa Sơn vào chiều ngày 17 tháng 7 cho Đài Á Châu Tự Do biết về tác động của việc bị công an mời làm việc liên tục nhưng không rõ về một vụ án nào như thế:


“Rất khó xử vì tôi từng quan tâm đến những vụ các anh em đấu tranh dân chủ bị bắt. Có trường hợp khi mời lên đồn công an làm việc khác; nhưng khi bắt thì theo lệnh khẩn cấp với điều khác như ‘chống nhà nước’ hoặc ‘vi phạm an ninh quốc gia’. Có trường hợp mời đi làm việc những giữa đường bị bắt như trường hợp anh Lê Đình Lượng ở Yên Thành, Nghệ An hoặc anh Nguyễn Văn Túc ngoài Thái Bình chẳng hạn. Ngoài ra gần đây nhiều trường hợp dân đến đồn Công an bị chết không rõ lý do hay bị đánh đập. Khi xảy ra, công an lại lẩn trách trách nhiệm. Khi có những giấy triệu tập như thế này thì tôi yêu cầu phải trả lời rõ ràng nhưng họ không đáp ứng. Do tôi không có ở nhà nên họ đến áp lực với gia đình khiến bố mẹ tôi suy sụp tinh thần.” - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9



No comments:

Post a Comment