Tin Thế Giới
1.
Nga: Cần phải duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm thứ Sáu 6/10 nói ông hy vọng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có một quyết định “hài hòa” về việc liệu Mỹ có tiếp tục tham gia hiệp ước quốc tế nhằm khống chế chương trình hạt nhân của Iran hay không.
Ông Lavrov nói với các phóng viên báo chí trong lúc đi thăm Kazakhstan: “Điều hết sức quan trọng là phải duy trì tình trạng như hiện nay và tất nhiên việc Hoa Kỳ tham gia hiệp ước là một yếu tố thiết yếu.”
Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý giới hạn chương trình hạt nhân để đổi lại được tháo dỡ phần lớn các lệnh chế tài của quốc tế mà trước đó đã làm suy sụp nền kinh tế của họ.
Một giới chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm nói rằng Tổng thống Trump theo dự liệu sẽ sớm loan báo rút lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, một động thái có thể sẽ dẫn đến việc làm tan rã hiệp ước hạt nhân ký năm 2015 giữa các cường quốc thế giới với Iran.
Tổng thống Trump từng gọi hiệp ước này là một sự “vụng về” và là một “thỏa thuận tồi chưa từng thấy.” Ông đang cân nhắc liệu hiệp ước này phục vụ cho lợi ích an ninh của Mỹ hay không trong lúc thời hạn chót để thông qua việc Iran tuân thủ thỏa thuận là ngày 15 tháng 10 đang tiến đến gần.
Nếu Tổng thống Trump không thông qua việc Iran tuân thủ hiệp ước, các nhà lãnh đạo của Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định liệu có lập lại các biện pháp chế tài đối với Tehran mà đã được rút lại theo thỏa thuận hạt nhân này hay không. - VOA
|
|
2.
Hoa Kỳ bán hệ thống Thaad cho Ả rập Saudi
Chính phủ Hoa Kỳ vừa chuẩn thuận việc bán cho Ả rập Saudi hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân trị giá 15 tỉ đôla.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thỏa thuận bán Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad) làm tăng thêm mối quan tâm an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Thỏa thuận này sẽ củng cố an ninh của Ả rập Saudi và Vùng Vịnh chống lại các mối đe dọa của Iran và các sự đe dọa khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói thêm.
Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Ả rập Saudi đồng ý mua hệ thống phòng không của Nga.
Thỏa thuận này sẽ không làm thay đổi sự cân bằng quân sự trong khu vực, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết.
Hệ thống Thaad được triển khai ở Nam Hàn để tự vệ trước khả năng Bắc Hàn tấn công Nam Hàn bằng tên lửa.
Hệ thống THAAD là để chặn và phá các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn cuối khi tên lửa đang bay.
Nhưng nhiều người Nam Hàn đã phản đối và lo ngại rằng Thaad sẽ trở thành một mục tiêu và gây nguy hiểm tới mạng sống của những người sống gần các địa điểm đặt hệ thống này.
Trung Quốc cũng phản đối hệ thống này và nói rằng nó sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng an ninh khu vực.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ nói với giới lập pháp trong tháng Sáu rằng họ có kế hoạch triển khai hơn 50 hệ thống THAAD cho Quân đội Mỹ trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2017 tới tháng Chín năm 2018.
Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad)
Có khả năng bắn rơi tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn sắp tiếp đất
Sử dụng công nghệ bắn để tiêu diệt, trong đó động năng được dùng để phá hủy đầu đạn phóng tới
Có tầm che phủ 200km và đạt độ cao 150km
Hoa Kỳ từng triển khai Thaad tại Guam và Hawaii, cũng nhằm đối phó đe dọa từ Bắc Hàn. - BBC
|
|
3.
Triều Tiên chuẩn bị thử phi đạn tầm xa?
Triều Tiên đang chuẩn bị thử một phi đạn tầm xa mà họ tin là có thể vươn tới bờ tây của Mỹ, một nhà lập pháp Nga vừa trở về từ một chuyến thăm Bình Nhưỡng được dẫn lời nói hôm thứ Sáu.
Anton Morozov, một thành viên của ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga, và hai nhà lập pháp khác của Nga đã đến thăm Bình Nhưỡng từ ngày 2 tới ngày 6 tháng 10, hãng thông tấn RIA của Nga đưa tin.
"Họ đang chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa mới. Họ thậm chí còn cho chúng tôi xem những tính toán toán học mà họ tin là chứng minh được phi đạn của họ có thể đánh trúng bờ tây của Mỹ," RIA dẫn lời ông Morozov nói.
"Theo chúng tôi hiểu thì họ dự định phóng thêm một phi đạn tầm xa nữa trong tương lai gần. Nhìn chung thái độ của họ khá hiếu chiến."
Căng thẳng đã gia tăng trong những tuần gần đây liên quan tới các chương trình phi đạn và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng thử nghiệm một số phi đạn và thực hiện điều mà họ nói là một vụ nổ thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch, trong khi quốc gia cộng sản này tiến tới mục tiêu phát triển một phi đạn hạt nhân có thể bắn trúng lục địa của Mỹ.
Lời tường thuật của ông Morozov chưa thể được kiểm chứng một cách độc lập, và ông không nói rõ quan chức Triều Tiên nào đã cung cấp cho ông thông tin về vụ thử nghiệm được hoạch định.
Tại Washington, một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm phi đạn vào khoảng ngày 10 tháng 10 kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên đang cầm quyền và một ngày sau ngày lễ Columbus ở Mỹ.
Quan chức này, phát biểu trong điều kiện giấu tên, không tiết lộ loại phi đạn nào có thể được thử nghiệm và cảnh báo rằng Triều Tiên trước đây từng không thực hiện những vụ phóng dù có những dấu hiện cho thấy họ sẽ làm vậy. - VOA
|
|
4.
Huấn luyện quân sự Đài -Sing vẫn được duy trì, bất chấp áp lực từ TQ
Quyết định của Singapore trong tuần này, duy trì chương trình huấn luyện quân sự được thực hiện hơn 40 năm nay với Đài Loan, bất chấp áp lực từ Trung Quốc, là một trong những thắng lợi ngoại giao hiếm có của Đài Loan ở Châu Á.
Các giới chức ở Đài Bắc cho biết Singapore sẽ tiếp tục Dự án huấn luyện quân sự Starlight, bất chấp chuyến đi thăm Trung Quốc hồi tháng trước của Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long.
Trung Quốc vẫn coi đảo tự trị Đài Loan là một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc, và không khuyến khích chính quyền các nước xây dựng các quan hệ ngoại giao và quân sự với Đài Loan.
Singapore và Đài Loan đã khởi sự chương trình huấn luyện Starlight vào năm 1975 dưới quyền của Thủ Tướng lập quốc Lý Quang Diệu và bạn của ông, là ông Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo), Thủ Tướng Đài Loan lúc bấy giờ. Ông Tưởng Kinh Quốc là con trai của Tưởng Giới Thạch và sau này trở thành Tổng Thống của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).
Singapore chọn Đài Loan làm địa điểm huấn luyện bởi vì đảo quốc Singapore nhỏ bé không có địa điểm thích hợp cho các cuộc huấn luyện quân sự quy mô.
Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Minh Truyền (Ming Chuan) của Đài Loan, ông Nathan Liu, nói:
“Tôi tin rằng Singapore tìm cách, hoặc ít nhất, giả vờ trung lập dù nước này cảm nhận sức ép từ Trung Quốc. Mối quan hệ được nuôi dưỡng từ lâu với Đài Loan không thể bị đình trệ, hoặc gián đoạn.”
Singapore có thể tìm cách duy trì cân bằng giữa Trung Quốc với Đài Loan, một mục tiêu mà ít nước theo đuổi, vì Trung Quốc nói chung muốn có quan hệ tốt đẹp với Singapore, đảo quốc mà một số người ở Bắc Kinh cho là một tấm gương để cai trị một nền kinh tế thịnh vượng, với sự đóng góp của cộng đồng thiểu số người Hoa, hoạt động hiệu quả dưới quyền một chính đảng duy nhất.
Các học giả tin rằng Singapore đã trấn an Trung Quốc rằng huấn luyện quân sự với Đài Loan sẽ không dẫn tới các quan hệ chính thức cấp nhà nước với Đài Loan.
Ông Andrew Yang, Tổng Thư Ký Hội đồng Trung Quốc, một think-tank của Đài Loan, chuyên nghiên cứu các vấn đề chính sách, nói:
“Vấn đề này đã được Bắc Kinh liên tục nêu lên, tôi nghĩ rằng chính phủ Singapore trong thời gian qua cũng xác định rõ rằng họ vẫn có quan hệ chính thức với Trung Quốc.”
Ông Yang cho rằng chương trình huấn luyện quân sự này là một cơ hội cho Đài Loan duy trì mối quan hệ đặt trên sự tin cậy với một nước Đông Nam Á hiện đại, có một diễn đàn thường trực để trao đổi quân sự.
“Việc Đài Loan vẫn duy trì các quan hệ đặc biệt với Singapore và giữ được lòng tin lẫn nhau có thể được coi như một cách khẳng định cho các lực lượng vũ trang Đài Loan.”
Năm 2013, Singapore và Đài Loan ký một thỏa thuận thương mại tự do, rất thuận lợi cho các nhà xuất nhập cảng, nhưng là điều gây lo lắng cho Trung Quốc bởi vì đây là một thỏa thuận chính thức. Đài Loan hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Singapore.
Từ năm 1970 tới nay, Trung Quốc đã dùng quyền lực kinh tế của mình để vận động các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, khiến hiện giờ đảo quốc này chỉ còn quan hệ ngoại giao chính thức với 20 nước, không có nước nào ở Châu Á, so với hơn 170 nước thừa nhận Bắc Kinh. Trung Quốc còn yêu cầu các đồng minh coi Đài Loan là một phần thuộc lãnh thổ thuộc Trung Quốc.
Hồi năm ngoái, có lẽ để tăng sức ép đối với Singapore, đặc khu Hong Kong của Trung Quốc đã hoãn lại 2 tháng việc vận chuyển 9 xe thiết giáp về lại Singapore sau một chương trình huấn luyện quân sự ở Đài Loan.
Một số bản tin ở Singapore đồn đoán rằng chuyến đi của Thủ Tướng Lý Hiển Long sang thăm Trung Quốc có tính cách hòa hoãn hồi tháng trước, có thể dẫn tới việc hủy bỏ chương trình huấn luyện quân sự với Đài Loan, tuy nhiên Ngoại Trưởng Đài Loan David Lee nói ông đã được cho biết là chương trình này vẫn được xúc tiến như thường lệ.
Bộ Ngoại giao Singapore hôm thứ Sáu không trả lời yêu cầu bình luận của VOA. - VOA
|
|
5.
Đại hội Đảng TQ: Vương Kỳ Sơn sẽ đi hay ở?
Tương lai của ông Vương Kỳ Sơn, nhân vật thực thi chiến dịch chống tham nhũng gắt gao của Trung Quốc, người thường được xem là nhân vật quyền lực thứ hai của nước này, đang trở thành một trong những chủ đề được dư luận quan tâm trong lúc Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đến gần. Hiện đang có những tin tức trái ngược nhau về tương lai của ông Vương.
Theo quy luật bất thành văn của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “7 vào, 8 ra” (67 tuổi ở lại, 68 tuổi về hưu) thì ông Vương, 68 tuổi, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng và là thành viên xếp hàng thứ sáu của Thường vụ Bộ Chính trị, đã quá tuổi để có thể ở lại Thường vụ Bộ Chính trị thêm một nhiệm kỳ nữa. Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, không có ai ở Trung Quốc có thể vượt qua quy định này.
Tuy nhiên, vai trò tối quan trọng của ông Vương Kỳ Sơn trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình khiến nhiều người đồn đoán rằng ông Tập sẽ tận dụng ảnh hưởng của ông trong Đảng để vận động giữ ông Vương ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Hơn nữa, kinh nghiệm về kinh tế của ông Vương – ông Vương là một nhà kinh tế được các nước phương Tây kính trọng và từng là phó thủ tướng trước khi chuyển sang làm kỷ luật Đảng – có thể giúp ông được Đảng giữ lại để giao nhiệm vụ về kinh tế.
Không những thế, việc ông Vương đi hay ở còn có quan hệ mật thiết với tương lai chính trị của ông Tập Cận Bình. Mặc dù là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, nhưng ông Tập cũng bị ràng buộc bởi quy định “7 vào, 8 ra”. Nếu như ông Tập có thể phá vỡ quy định về tuổi tác để giữ ông Vương ở lại lần này, thì bản thân ông Tập cũng có thể tiếp tục cầm quyền sau năm 2022, cho đến chừng nào mà ông muốn.
Sau khi hội nghị không chính thức quy tụ các lãnh đạo và nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Đới Hà kết thúc, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật hồi cuối tháng 8 đã dẫn ‘một nguồn tin có liên quan’ cho biết các lãnh đạo Đảng đã quyết định để cho ông Vương về hưu.
Ngoài ra nhật báo Nhật này cũng dẫn ‘một nguồn tin nội bộ Đảng và có liên hệ với chính quyền và các nguồn tin ngoại giao’ cho biết hội nghị Bắc Đới Hà đã quyết định những ai được vào Thường vụ Bộ Chính trị mới – cơ quan lãnh đạo tối cao của Trung Quốc sẽ được bầu tại Đại hội 19.
Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ ở lại một nhiệm kỳ nữa, năm thành viên còn lại của Thường vụ Bộ Chính trị đã đến tuổi về hưu và cần được thay thế.
Cũng theo danh sách mà tờ báo này có được, thì danh sách các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mới sẽ gồm Hồ Xuân Hoa, Bí thư Quảng Đông và là người được cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bảo trợ, Trần Mẫn Nhĩ, người thân cận với ông Tập Cận Bình vừa được cất nhắc làm Bí thư Trùng Khánh, phó Thủ tướng Uông Dương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lật Chiến Thư, trợ lý thân cận của ông Tập, và Hàn Chính, Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Theo đó, Uông Dương sẽ được phân công làm Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội), Hàn Chính sẽ được điều về phụ trách Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (tức Chính hiệp), Hồ Xuân Hoa làm phó Chủ tịch nước, Lật Chiến Thư làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương còn ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ làm trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.
Theo danh sách này thì cơ cấu của Thường vụ Bộ Chính trị sẽ là 4/3 nghiêng về ông Tập (Trần Mẫn Nhĩ, Lật Chiến Thư, Hàn Chính và ông Tập) còn ba người còn lại (Lý Khắc Cường, Hồ Xuân Hoa và Uông Dương) đều thuộc Đoàn phái, tức đi lên từ Đoàn Thanh niên cộng sản, của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Nếu danh sách của tờ Yomiuri Shimbun đưa ra là chính xác thì ông Hồ Xuân Hoa, 54 tuổi, và Trần Mẫn Nhĩ, 56 tuổi, sẽ trở thành hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ sáu của Trung Quốc sau khi các ông Tập và ông Lý về hưu. Ông Hồ Xuân Hoa đã được quy hoạch từ lâu còn ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ vượt hai cấp từ Trung ương nhảy thẳng vào Thường vụ Bộ Chính trị mà không thông qua Bộ Chính trị. Đây là việc rất hiếm khi xảy ra.
Như vậy thì danh sách này, theo Yomiuri Shimbun đã được sự thỏa thuận giữa các ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, không có tên ông Vương Kỳ Sơn. Tuy nhiên, rất khó kiểm chứng thông tin này do tính chất khép kín của chính trị Trung Quốc. Cho đến nay thì ngoài tờ báo của Nhật này ra chưa có nguồn nào đưa ra danh sách tương tự.
Tuy nhiên, việc ông Vương Kỳ Sơn, người ít khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi ông đảm nhiệm công tác chống tham nhũng, mới đây có những cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Steve Bannon, người từng là chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ở Bắc Kinh để bàn về kinh tế đã làm dấy lên những đồn đoán rằng ông sẽ ở lại trong Thường vụ Bộ Chính trị, và sẽ được giao nhiệm vụ về kinh tế, thậm chí sẽ thay ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng Quốc vụ viện.
Mới đây nhất, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong hôm 4/10 đã dẫn lời một số nhà phân tích dự đoán khả năng ông Vương ở lại hay ra đi.
Giáo sư Andrew Nathan thuộc Đại học Columbia ở New York thì cho rằng số phận của ông Vương hiện đang nằm trong tay ông Tập.
“Ông Tập dường như có đủ uy quyền trong tay để thay đổi luật lệ nếu muốn,” GS Nathan phân tích, “Theo như những gì tôi biết thì ông Tập vẫn tiếp tục tin tưởng ông Vương trong chiến dịch chống tham nhũng và điều đó khiến ông Vương trở thành một nhân tố quan trọng trong cơ sở quyền lực của ông Tập. Do đó tôi nghĩ rằng Tập muốn Vương tiếp tục tại vị.”
Còn Giáo sư Trang Đức Thủy ở Đại học Bắc Kinh thì cho rằng Vương Kỳ Sơn nghỉ hưu khi đến tuổi mới hợp lý hơn về chính trị.
“Xem toàn bộ cuộc chiến chống tham nhũng là công việc của một người là không công bằng,” giáo sư Trang được dẫn lời nói, “Chiến dịch sẽ vẫn tiếp diễn dù có còn ông Vương hay không – chỉ là nó không diễn tiến nhanh được như khi ông Vương cầm trịch thôi.”
“Cho dù ông Vương có năng lực như thế nào đi nữa thì một ngày nào đó ông ấy cũng phải về hưu. Chúng ta phải tôn trọng quy luật của tự nhiên. Mao Trạch Đông là người tài nhưng nếu ông ấy chịu từ bỏ quyền lực sớm hơn thì ông ấy có thể đã gây ra ít sai lầm hơn,” ông nói thêm.
Giáo sư Trần Đạo Anh thuộc Đại học Thượng Hải nhận định rằng việc ông Vương tiếp tục ở lại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công việc chống tham nhũng vì ông Vương từng nói chống tham nhũng ‘phải trị triệu chứng trước rồi mới từ từ trị dứt bệnh sau’.
Tuy nhiên, giáo sư Trần cũng cho rằng việc ông Vương ở lại cũng có những tác động tiêu cực.
“Chiến dịch chống tham nhũng đã leo thang trở thành chiến dịch bảo vệ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản và nó đã lan đến mọi ngõ ngách của đời sống,” ông Trần nói. “Cho dù ông Vương có cố ý hay không thì cách làm của ông đã tạo ra một bầu không khí đàn áp trên khắp đất nước.”
Bên cạnh việc thanh trừng các quan chức tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương dưới thời ông Vương còn tìm cách củng cố sự ủng hộ của dân chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng. Hai năm trước, cơ quan này còn thậm chí cấm các đảng viên có ‘bình luận vô trách nhiệm’ về lãnh đạo Đảng, ngay cả những bình luận riêng tư.
Ba năm trước, sau khi một số luật sư đòi hỏi các quan chức bị điều tra tham nhũng phải có người đại diện pháp lý để làm việc với cơ quan kiểm tra, ông Vương đã viết trên Nhân dân Nhật báo là đảng viên có nghĩa là phải tự nguyện từ bỏ các quyền dân sự để đảm bảo lòng trung thành với Đảng.
Khả năng ông Vương thay ông Lý Khắc Cường làm thủ tướng ít có khả năng xảy ra hơn nhưng lại được cộng đồng trí thức và doanh nghiệp Trung Quốc ủng hộ do những hiểu biết sâu rộng của ông Vương về kinh tế và trước những thách thức kinh tế mà Trung Quốc đang đối mặt.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson, người từng làm việc nhiều lần với ông Vương, mô tả ông là “người rất có năng lực”. Ông Paulson từng nói với tờ Wall Street Journal: “Ông Vương hiểu thị trường. Ông ấy hiểu con người. Ông ấy cũng biết cách giao tiếp.”
Ông Vương Kỳ Sơn còn được xem là người chuyên xử lý các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người xem ông là ứng cử viên lý tưởng để giải quyết các vấn đề từ tăng trưởng giảm sút, năng suất công nghiệp dư thừa và các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ cho đến sự chống đối cải cách của các nhóm lợi ích.
Trong những năm 1980, ông là người giúp thúc đẩy cuộc cuộc cải cách nền kinh tế nông thôn vốn được các học giả cho là một trong những cuộc cải cách thành công nhất của Trung Quốc, vì đã giúp hàng triệu nông dân thoát khỏi đói nghèo.
Vương Kỳ Sơn được bổ nhiệm làm phó Thủ tướng vào năm 2008 và đã tận dụng những hiểu biết kinh tế của mình để lãnh đạo một tổ công tác của Quốc vụ viện có nhiệm vụ giúp Trung Quốc tránh bị thiệt hại bởi cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu.
Giáo sư Viên Cương Minh thuộc Đại học Thanh Hoa nói rằng trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc thì ông Vương Kỳ Sơn “là người nổi bật với những am hiểu về kinh tế”.
Ông Viên nói ông Vương chịu ảnh hưởng của các học thuyết kinh tế cổ điển củaPreviewphương Tây và ông có quan điểm thân thiện với thị trường hơn hầu hết những nhà lãnh đạo khác của Quốc vụ viện, kể cả cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, người từng dẫn đầu nỗ lực cải cách kinh tế của Trung Quốc trong những năm 1990. Theo ông Viên thì ông Vương là người ở tuyến đầu của công cuộc cải cách và mở cửa theo kinh tế thị trường của Trung Quốc.
“Tôi hy vọng rằng ông Vương sẽ lên làm thủ tướng nhưng tôi cho rằng khả năng không cao lắm,” Giáo sư Viên được dẫn lời nói. “Nếu ông ấy làm thủ tướng thì kinh tế Trung Quốc sẽ không hỗn loạn như vậy.”
Ông Vương còn có biệt danh là “đội trưởng đội cứu hỏa” của Trung Quốc do khả năng của ông trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp. Hồi năm 2003, khi còn là thị trưởng Bắc Kinh, ông đã điều phối các nỗ lực chống lại dịch SARS vốn làm cho 190 người chết ở Bắc Kinh. Sau đó, ông được giao cho nhiệm vụ chuẩn bị cho Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008.
Ông Vương còn được cho là có giao tình thân thiết với ông Tập Cận Bình. Tình bạn giữa hai ông được cho là có từ thời Cách mạng Văn hóa khi cả hai ông đều được đưa về nông thôn để học tập. - VOA
|
|
6.
Chính quyền Hun Sen tìm cách giải tán đảng đối lập CNRP
Chính quyền Campuchia đang có những động thái hướng tới việc giải tán đảng đối lập chủ yếu ở trong nước.
Một người phát ngôn của Bộ Nội vụ nói rằng Đảng Nhân dân Campuchia đương quyền đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao nhắm mục đích giải tán Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia (CNRP). Đảng cầm quyền tố cáo CNRP là có dính líu trong một âm mưu nhằm lật đổ chính phủ.
Phân nửa các nhà lập pháp của đảng CNRP đối lập đã chạy ra khỏi nước sau khi lãnh đạo đảng Kem Sokha bị bắt giữ hồi tháng trước vì tội bội phản.
Vụ bắt giữ ông Sokha xảy ra trong bối cảnh môt chiến dịch quy mô của chính quyền, đàn áp các cơ quan truyền thông độc lập và các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Tờ Cambodia Daily, một trong những tờ báo độc lập cuối cùng ở trong nước, đã đóng cửa sau khi nhận giấy đòi tiền thuế còn thiếu rất lớn mà nhà xuất bản cho là ngụy tạo.
Giới quan sát nói rằng chiến dịch đàn áp này hình như là là một âm mưu của Thủ Tướng Hun Sen nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng trước cuộc bầu cử vào năm tới. Mục đích là để kéo dài thời gian ông Hun Sen nắm quyền lực trong tay trong suốt 3 thập niên qua.
Chính quyền của ông Hun Sen suýt nữa đã bị lật đổ trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2013, trong khi sự ủng hộ dành cho đảng đối lập, đặc biệt trong giới trẻ Campuchia, đang gia tăng.
Ông Mu Sochua, một nhà lập pháp đối lập, nói với hãng tin AFP từ Bangkok trước khi chạy sang Châu Âu:
“Tôi không dự tính khoanh tay ngồi yên để bị bắt. Tôi sẽ không ngồi đó chờ một tòa án ngụy tạo xét xử chúng tôi trong một vụ án hoàn toàn là một trò hề.”
Ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc đặc trách vùng Châu Á của Human Rights Watch, nói thế giời đang nhắm mắt làm ngơ trước chiến dịch đàn áp của ông Hun Sen.
Ông nói với Reuters:
“Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ bảo vệ các quyền làm người và nền dân chủ Campuchia khi họ đặt bút ký vào Hiệp định Hòa bình Paris, thay vào đó giờ đây họ nhắm mắt làm ngơ, để mặc cho giấc mơ hòa bình ấy mai một.”
Ông Robertson nói Thủ Tướng Campuchia, ông Hun Sen, về mặt thực tế, đang chấm dứt nền dân chủ Campuchia. - VOA
|
|
7.
Tin nói Iran sẵn lòng đàm phán về chương trình phi đạn
Iran đã gợi ý với sáu cường quốc thế giới là họ có thể sẵn lòng đàm phán về chương trình phi đạn đạn đạo của mình, nhằm tìm cách giảm bớt căng thẳng liên quan tới chương trình gây tranh cãi này, các quan chức Iran và phương Tây biết rõ về những nỗ lực này nói với Reuters.
Tehran đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển điều mà họ gọi là năng lực phi đạn phòng thủ thách thức chỉ trích của phương Tây. Washington nói rằng lập trường của nước Cộng hòa Hồi giáo vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc.
Nhưng các nguồn tin cho hay, vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa từ bỏ thỏa thuận đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, Tehran gần đây đã tiếp cận các cường quốc về các cuộc đàm phán khả dĩ về một số "khía cạnh" của chương trình phi đạn của mình.
"Trong cuộc họp của họ bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng trước, Iran đã nói với thành viên của các cường quốc rằng họ có thể thảo luận về chương trình phi đạn để loại bỏ những mối lo ngại," một nguồn tin Iran biết về cuộc gặp gỡ này nói với Reuters trong điều kiện giấu tên.
Các quan chức Mỹ và phương Tây không xác nhận vấn đề đã được thảo luận tại cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng ngoại giao của Iran và Mỹ. Nhưng hai quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Iran gần đây đang "giữ cho vấn đề được chú ý" bằng cách nhả tin cho một số bài báo nhất định và thông qua các bên thứ ba như Oman.
Một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters các nỗ lực tiếp cận của Iran đã vươn tới Washington trong những tuần gần đây.
"Iran thăm dò bằng việc nói rằng họ sẵn lòng thảo luận về chương trình phi đạn đạn đạo của mình và đang sử dụng các mối liên lạc với những quan chức còn 'trụ lại' từ chính quyền Obama," cựu quan chức này nói.
Nỗ lực tiếp cận này của Iran diễn ra sau khi ông Trump gọi thỏa thuận hạt nhân là "đáng xấu hổ" và là "thỏa thuận tệ hại nhất từng được thương thuyết." Ông dự kiến sẽ sớm loan báo thu hồi thỏa thuận này, một quan chức cao cấp của chính quyền cho biết hôm thứ Năm.
Một bước đi như vậy có thể làm đổ vỡ thỏa thuận có tính đột phá mà những người ủng hộ xem là thiết yếu để ngăn chặn chạy đua vũ trang ở Trung Đông và giảm căng thẳng trong khu vực, vì nó hạn chế khả năng tinh chế uranium của Iran trong khi đổi lại Iran được giảm bớt các biện pháp trừng phạt. - VOA
|
|
8.
EU: Chiến tranh có thể nổ ra ở Catalonia --- Tây Ban Nha: Cảnh sát trưởng Catalunya bị truy tố tội phản loạn
Thủ quân của câu lạc bộ bóng đá lừng danh Barcelona ở Catalonia, nơi đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha, kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị ở Madrid và ở thủ phủ của Catalonia bắt đầu đối thoại với nhau về tương lai tỉnh miền đông bắc đang bất ổn ở Tây Ban Nha này.
Andres Iniesta, thủ quân của Barcelona, viết trên Facebook: “Trước khi chúng ta gây thiệt hại thêm cho chính chúng ta, những người có trách nhiệm cần phải đối thoại với nhau. Hãy hành động vì tất cả chúng ta. Chúng tôi xứng đáng có cuộc sống hòa bình.” Iniesta cũng xin lỗi là đã lên tiếng kêu gọi cho một “tình hình vốn đã hết sức phức tạp.”
Iniesta viết lời kêu gọi này trên Facebook trong lúc một giới chức hàng đầu của EU hôm thứ Năm 5/10 cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng bị những người chủ trương ly khai đẩy mạnh lên qua việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp hôm Chủ nhật có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
Ông Gunther Oettinger, ủy viên Đức của EU, phát biểu tại một sự kiện ở Munich: “Tình hình rất đáng báo động. Nội chiến đang nhen nhóm ở đó, ngay giữa lòng châu Âu.”
Ủy ban EU, cơ quan quản lý Liên hiệp Âu châu, sợ rằng Catalonia tách ra độc lập có thể sẽ khuấy động phong trào ly khai tại những nơi khác trên toàn châu Âu. Ông Oettinger và Ủy ban EU kêu gọi Madrid và Barcelona bắt đầu đối thoại với nhau và tránh leo thang khiêu khích. Nhưng có ít dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ diễn ra. Cả hai bên đều tỏ ra kiên quyết trong cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất của Tây Ban Nha tính từ âm mưu đảo chánh năm 1981.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy dọa sẽ ngưng quy chế bán tự trị cho Catalonia, và sẽ áp dụng chế độ cai trị trực tiếp từ Madrid. Ông nói không thể có đối thoại khi các thủ lãnh ly khai Catalan dọa sẽ tuyên bố độc lập tiếp theo cuộc trưng cầu dân ý không được phép hôm Chủ nhật.
Trong cuộc trưng cầu mà Madrid xem là bất hợp pháp đó, 90% cử tri bỏ phiếp đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha, nhưng tỉ lệ người đi bỏ phiếu thấp hơn 50% tổng số cử tri. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy số người Catalan ủng hộ việc tiếp tục ở lại với Tây Ban Nha chiếm tỉ lệ cao hơn.
Trong tối thứ Sáu, các nhà hoạt động Catalan đăng lên mạng Internet các video cho thấy có nhiều xe quân đội tiến vào khu vực đông bắc – một số xe trông giống như xe chở xe tăng, nhưng không thấy có xe tăng trên đó. - VOA
***
Bốn nhân vật lãnh đạo phe ly khai ở Catalunya, trong đó có cảnh sát trưởng bị truy tố về tội phản loạn, ba ngày trước khi chủ tịch vùng tự trị dự kiến tuyên bố độc lập với Tây Ban Nha và rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Theo AFP, sáng ngày 06/10/2017, cảnh sát trưởng Catalunya Josep-Lluis Trapero và chủ tịch hai tổ chức ly khai bị toà án đặc biệt ở Madrid truy tố về tội phản loạn. Phụ tá của Josep-Lluis Trapero cũng bị truy tố sau khi trả lời thẩm vấn qua hệ thống video.
Tư pháp Tây Ban Nha cáo buộc bốn nhân vật nói trên đã không giúp tránh xảy ra bạo động, mà còn có trách nhiệm trực tiếp trong những vụ bạo loạn, xảy ra sau khi những người tổ chức trưng cầu dân ý bị bắt hôm 20 và 22 tháng 10. Nhân viên công lực bị lãnh đạo hai tổ chức ly khai bao vây không cho ra khỏi các cơ quan họ đến lục soát.
Tuy bị truy tố, bốn nhân vật được xem là đầu não này không bị tạm giam và không bị kiểm soát tư pháp. Theo AFP, có lẽ chính quyền trung ương muốn tránh xảy ra những cuộc xuống đường mới từ sau cuộc trưng cầu dân ý và bạo lực cảnh sát hôm Chủ Nhật 01/10.
Trong bầu không khí đầy rủi ro này, sáng nay, chủ tịch vùng tự trị Carles Puigdemont loan báo dời sang thứ ba, thay vì thứ hai như dự kiến, thông điệp đọc tại nghị viện địa phương. Phe ly khai dự trù sẽ đơn phương tuyên bố Catalunya độc lập trong phiên họp này. Chiều ngày 05/10, Toà Bảo Hiến Tây Ban Nha ra quyết định đình hoãn phiên họp của nghị viện Catalunya dự trù vào thứ hai. - RFI
|
|
9.
Nobel Hòa Bình 2017 về tay tổ chức ICAN
Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 2017.
Phát biểu vào lúc loan báo tin này, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen nói:
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nguy cơ vũ khí hạt nhân được mang ra sử dụng tại thời điểm này, cao hơn so với bất cứ lúc nào trong một thời gian dài vừa qua.”
Quyết định của Ủy ban Nobel trao giải cho liên minh vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân được công bố giữa lúc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa Iran và Triều Tiên về khả năng hạt nhân của hai nước này.
Nhà lãnh đạo Mỹ có khả năng hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, một thỏa thuận mà ông miêu tả là “tệ hại nhất từng được thương thuyết.”
Ông Trump mới đây còn tuyên bố trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng ông có thể bị dồn vào thế phải “hoàn toàn tiêu diệt” Triều Tiên về chương trình hạt nhân của họ.’
“Bây giờ là một thời điểm khi mà căng thẳng trên toàn cầu đang rất cao, khi mà những lời lẽ nảy lửa có thể dễ dàng dẫn chúng ta tới thảm kịch không sao diễn tả bằng lời, một cách không sao tránh khỏi. Bóng ma của một cuộc xung đột hạt nhân một lần nữa lại bao trùm thế giới. Nếu có một thời điểm để các quốc gia tuyên bố lập trường dứt khoát, rõ ràng chống đối vũ khí hạt nhân, thì thời điểm đó là bây giờ”, trang Facebook của ICAN viết.
Ủy ban Nobel nói trong một bản tuyên bố rằng ICAN đoạt giải Nobel quốc tế “nhờ các nỗ lực của mình nhằm thu hút sự chú ý của thế giới chú tâm vào các hậu quả thảm khốc về mặt nhân đạo của bất cứ quyết định nào sử dụng vũ khí hạt nhân, và nhờ các cố gắng của mình để thực hiện các thỏa thuận dựa trên hiệp định cấm vũ khí hạt nhân.”
ICAN là một liên minh các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại hơn 100 quốc gia nhằm cỗ vũ cho việc tuân thủ và thực thi Hiệp ước cấm phổ biện vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước toàn cầu này đã được phê chuẩn tại New York vào ngày 7/7/2017. Tuy nhiên thỏa thuận này không bao gồm các quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp. - VOA
|
|
10.
TQ đưa phim Chiến Lang 2 đi tranh giải Oscar
Phim Chiến Lang 2 đề cao tinh thần dân tộc Trung Hoa dưới lá cờ đỏ của Đảng Cộng sản đã được Trung Quốc chọn để tranh giải Oscar năm 2018.
Bộ phim (Zhan Liang hay Chiến binh Chó Sói - Wolf Warrior 2) đã thu về 851 triệu USD tại Trung Quốc với vai chính của Ngô Kinh, người cũng là đạo diễn phim hành động - phiêu lưu ra mùa hè năm nay.
Dù Chiến Lang 1 không tạo ấn tượng tốt về nghệ thuật và chỉ thu về trên 80 triệu USD, bộ phim thứ nhì đã thành công vượt mức mong đợi.
Nay Trung Quốc gửi phim này đi dự tranh giải Oscar trong hạng mục 'phim tiếng nước ngoài hay nhất' của năm sau, theo tin từ Hollywood 06/10/2017.
Đạo diễn, diễn viên Ngô Kinh là một diễn viên võ thuật nhưng phim Chiến binh Chó Sói đi xa hơn các phim của Thành Long hay Lý Liên Kiệt đóng.
Nhân vật chính trong phim, Vương Lãnh Phong (biệt danh Chiến Lang, trong vai của Ngô Kinh) thực hiện một sứ vụ tại một nước châu Phi không nói tên.
Bắn hạ người Phương Tây
Chống lại một nhóm lính đánh thuê, Lãnh Phong đã thể hiện hình ảnh quân nhân dũng mãnh "như sói" của quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Trong phim, người anh hùng Trung Quốc bắn hạ liên tiếp người Phương Tây, mà trong phim này là một bọn đánh thuê, để "cứu nhân dân châu Phi".
Thông điệp ái quốc đã khiến không ít người xem ở Trung Quốc ứa nước mắt, và tình yêu lá cờ đỏ sao vàng của Trung Quốc cũng được đề cao trong phim, theo như một bài trên BBC News mô tả.
Phim cũng đánh vào tâm lý mong chờ đang dâng lên ở Trung Quốc về các hình ảnh "anh hùng" dân tộc vượt lên người Phương Tây.
Trên thực tế, đã có các sứ vụ quân Giải phóng thực hiện ở nước Thế giới thứ ba, như tuần tra biển vùng Đông Phi.
Trong phim có cảnh Lãnh Phong tiêu diệt một nhóm cướp biển, và cả một chiếc tàu hỗ trợ khác của chúng để bảo vệ chiếc tàu Trung Quốc. - BBC
|
|
11.
Tình báo Mỹ: Trung Quốc sẽ xây nhiều căn cứ ở nước ngoài
Căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, đặt tại Djibouti, một quốc gia nhỏ bé ở châu Phi, rất có thể sẽ là khởi đầu cho nhiều căn cứ quân sự khác mà Trung Quốc sẽ thiết lập khắp thế giới và điều này có thể gây các xung đột lợi ích với Hoa Kỳ. Đó là cảnh báo của các quan chức tình báo Mỹ hôm qua, 05/10/2017, theo hãng tin Bloomberg.
Các quan chức tình báo Mỹ, xin được giấu tên, nhấn mạnh Trung Quốc hiện có một quân đội được hiện đại hóa nhanh nhất thế giới, bên cạnh Hoa Kỳ. Trong chiều hướng đó, tháng 7/2017, quân đội Trung Quốc loan báo thiết lập một căn cứ hỗ trợ hậu cần ở Djibouti, để phục vụ cho các chiến dịch nhân đạo, duy trì hòa bình và hộ tống trên biển ở vùng châu Phi và vùng tây châu Á, cũng như hỗ trợ cho các cuộc thao dượt quân sự và di tản khẩn cấp.
Tuy nhiên, theo nhật báo South China Morning Post ngày 01/10, các hình ảnh vệ tinh và các báo cáo không chính thức, tại căn cứ này có nhiều cơ sở hạ tầng quân sự, như trại lính, các đơn vị bảo trì, nhà kho và các bến tàu có thể tiếp nhận hầu hết các tàu của hạm đội Trung Quốc. Nói cách khác, căn cứ ở Djibouti có thể sẽ được Trung Quốc dùng để tung lực lượng ra vùng bắc châu Phi, cũng như củng cố vị thế của họ ở vùng Ấn Độ Dương.
Theo các quan chức tình báo Mỹ nói trên, giới lãnh đạo Trung Quốc xem cái trật tự thế giới do Mỹ đứng đầu, nhất là hệ thống các liên minh với Mỹ và việc cổ súy cho các giá trị Mỹ trên toàn cầu, là những yếu tố ngăn chận việc Trung Quốc trỗi dậy và thay đổi trật tự thế giới cho phù hợp hơn với nhu cầu của Bắc Kinh.
Tình báo Mỹ ghi nhận là trên con đường bành trướng thế lực quân sự và kinh tế, Bắc Kinh tỏ ra ngày càng cứng rắn hơn về tranh chấp chủ quyền Biển Đông, về quan hệ với Đài Loan và đang đẩy mạnh sáng kiến « Một Vành Đai, Một Con Đường » để tăng cường quan hệ thương mại với thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á. Nói chung, tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách làm suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới.
Những cảnh báo nói trên được đưa ra vào lúc chủ tịch Tập Cận Bình đang củng cố thế lực trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, diễn ra trong tháng 10 này và trước chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Donald Trump vào tháng 11/2017.
Tuy đạt được đồng thuận trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, giữa Washington và Bắc Kinh còn nhiều bất đồng trên những vấn đề khác, như tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Syria và nhất là thương mại, chủ yếu do thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ với Trung Quốc còn rất lớn.
Đặc biệt, vấn đề đang gây quan ngại hiện nay đó là việc chuyển giao công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc. Cựu cố vấn của tổng thống Trump, ông Steven Bannon từng xem đây là vấn đề kinh tế lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông Bannon cảnh báo rằng nếu không giải quyết vấn đề này, nước Mỹ sẽ bị Trung Quốc đánh gục về kinh tế.
Theo lời các quan chức tình báo Mỹ, Bắc Kinh cũng ý thức được rằng những tham vọng của họ đang gây quan ngại, cho nên đang cố chứng minh rằng việc thâu tóm công nghệ của Mỹ không phải là mối đe dọa đối với kinh tế của Mỹ và những nước khác. - RFI
|
|
12.
Mỹ-Phi: Manila "nâng cấp" tập trận Mỹ trong năm 2018
Mua súng Trung Quốc, nhưng tập trận trở lại với Mỹ. Sau một năm nhiều căng thẳng, hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines được thắt chặt và sẽ gia tăng. Tổng cộng 261 hoạt động, kể cả tại Biển Đông, sẽ được tổ chức trong năm 2018.
Chương trình tập trận chung được tham mưu trưởng quân đội Philippines loan báo ngày 05/10/2017 tại Manila, trong buổi lễ « tiếp nhận 3000 khẩu súng » của Trung Quốc. Theo tuyên bố của tướng Edouardo Ano : « Philippines và Mỹ sẽ gia tăng các cuộc tập trận chung trong năm 2018 theo đúng tuyên bố của tổng thống Duterte, cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, đồng minh số một của Philippines ».
Cụ thể, quân đội hai nước sẽ tổ chức 261 hoạt động chung từ tập trận, hợp tác chỉ huy, đánh trên sa bàn cho đến cứu trợ nhân đạo, xây dựng cầu đường và trường học … trong năm 2018. Theo bình luận của tướng Edouardo Ano, nếu so với 258 hoạt động chung trong năm 2017, thì hợp tác quân sự Mỹ-Philippines được « nâng cấp » theo nghĩa tái lập những cuộc tập trận trước đây đã bị hủy bỏ vì Manila muốn xoa dịu Trung Quốc.
Trong chương trình 2018, lực lượng Mỹ-Phi sẽ tiến hành các cuộc tập trận « bảo vệ lãnh thổ » tại Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây. Cuộc tập trận quan trọng nhất hàng năm Balikatan sẽ tiếp tục. Theo báo chí ở Manila, chưa rõ là khi nào diễn ra các cuộc tập trận bảo vệ lãnh thổ. Năm 2017, hai chiến dịch thuộc loại quan trọng bị hủy bỏ là cuộc diễn tập đổ bộ Phiblex của Thủy Quân Lục Chiến và CARAT của hải thuyền.
Theo AFP, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như muốn tái lập quan hệ nồng ấm với Washington, sang trang giai đoạn cư xử khiếm nhã đối với tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của Donald Trump. Tuần trước, ông cam kết xây dựng quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ, trong lúc tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Edouardo Ano đến Hawai hội kiến với đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương.
Quan hệ Mỹ-Phi bị suy giảm một phần do lời tuyên bố của tổng thống Duterte « muốn ly khai » với Mỹ nhân chuyến công du Bắc Kinh vào năm 2016. - RFI
|
|
13.
Quan hệ Nga-Ả Rập Xê Út nồng ấm hơn nhờ các hợp đồng thương mại
Nhân chuyến thăm Matxcơva lần đầu tiên, quốc vương Ả Rập Xê Út Salman và tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 05/10/2017 đã ký kết nhiều thỏa thuận về năng lượng và vũ khí, đánh dấu cho việc xích lại gần nhau hơn giữa Nga và đồng minh truyền thống của Mỹ. Đây là một bước ngoặt giữa hai quốc gia mà quan hệ lâu nay vẫn lạnh giá.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Danie Vallot tường trình :
« Giọng nói của quốc vương Salman vang vọng tại một trong những phòng khách thếp vàng của điện Kremlin. Đây là lần đầu tiên một nhà vua Ả Rập Xê Út chính thức công du Matxcơva.
Đối với ông Vladimir Putin, chuyến viếng thăm này là một chiến thắng ngoại giao. Cách đây hai năm, việc Nga can thiệp quân sự vào Syria để yểm trợ cho Bachar al Assad đã gây phẫn nộ cho Ả Rập Xê Út. Dưới mắt của tổng thống Nga, bây giờ là lúc để hai nước giảng hòa.
Ông Putin nói : « Đó là một cuộc hội đàm rất súc tích và cụ thể, đầy tin tưởng lẫn nhau. Tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp quốc vương Ả Rập Xê Út, và tin rằng chuyến viếng thăm này sẽ mang lại một xung lực mới cho sự phát triển quan hệ song phương ».
Sau cuộc gặp, hai nước đã ký kết khoảng 15 thỏa thuận hợp tác trong lãnh vực năng lượng cũng như vũ khí. Ryad thậm chí còn muốn mua hệ thống phòng không S-400 nổi tiếng. Một chủ đề đồng thuận khác nữa là dầu lửa. Matxcơva và Ryad tái khẳng định ý muốn giảm lượng vàng đen sản xuất ra để làm tăng giá dầu ».
Trước đây Liên Xô từng là Nhà nước đầu tiên công nhận Ả Rập Xê Út vào năm 1926, nhưng chưa có lãnh đạo nào của vương quốc này đến thăm Matxcơva, và ông Vladimir Putin cũng chỉ công du Ả Rập Xê Út lần đầu tiên vào năm 2007. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
14.
Đa số dân chúng không tin Mỹ đang đi đúng hướng
Chỉ 24% người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đang đi đúng hướng với những gì đang diễn ra bao gồm lời đe dọa của Tổng thống Trump với Triều Tiên về chiến tranh, những phàn nàn chỉ trích chính quyền Trump về hoạt động cứu trợ thiên tai và những phát biểu của Tổng thống liên quan đến những thành phần cực đoan xem người da trắng là ưu việt.
Tỷ lệ này giảm 10% so với cuộc khảo sát hồi tháng 6, theo thăm dò của AP và Trung tâm Nghiên cứu NORC.
Hồi tháng sáu, 60% những người theo đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đang đi đúng hướng. Giờ đây số này chỉ là 44%.
Gần 70% người Mỹ được hỏi cho rằng ông Trump không bình tĩnh, đa số cho rằng ông là một nhà lãnh đạo không thành thật, không mạnh mẽ.
Hơn 60% không tán đồng cách Tổng thống đang xử lý các mối quan hệ về chủng tộc, chính sách đối ngoại và di trú, cùng nhiều vấn đề khác.
Tổng thể, 67% người Mỹ không hài lòng với trách vụ Tổng thống của ông Trump. 1/3 trong số này là bên đảng Cộng hòa.
Những kết quả này được đưa ra sau một mùa hè đầy ‘biến động’ đối với ông Trump, với những xáo trộn về nhân sự trong bộ máy chính quyền kể cả những sự ra đi và những cú sa thải.
Trong tất cả các vấn đề được thăm dò trong cuộc khảo sát của AP-NORCl, Tổng thống Trump được điểm hơi khá trong lĩnh vực kinh tế; nhưng mặc dù vậy, tỷ lệ tán thành cách lãnh đạo của ông về mặt kinh tế là 42%, còn tỷ lệ không bất đồng là 56%.
Cuộc khảo sát hỏi thăm ý kiến của 1.150 người trường thành được thực hiện từ ngày 28/9 đến 2/10. - VOA
|
|
15.
Chính quyền Trump rút lại quy định về bảo hiểm ngừa thai của Obamacare
Chính quyền Trump nói rằng họ sẽ mở rộng phạm vi của một điều khoản trong Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng, cho phép các tổ chức phi lợi nhuận và các công ty có cổ phần đại chúng ngừng cung cấp bảo hiểm ngừa thai trong chương trình bảo hiểm mà họ cung cấp cho nhân viên của mình.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ công bố một tập hợp những quy định mới vào ngày thứ Sáu, có hiệu lực ngay lập tức, mở rộng đặc quyền mà trước đây cấp cho các công ty thuộc sở hữu tư nhân nói rằng họ có những phản đối về mặt tôn giáo đối với việc ngừa thai.
Những quy định được công bố vào ngày thứ Sáu trong Đăng bạ Liên bang, nơi lưu trữ công cộng những tài liệu chính thức của chính phủ, mở rộng đối tượng những chủ lao động được phép không tham gia cung cấp bảo hiểm ngừa thai nếu họ có "những phản đối tôn giáo hoặc đạo đức chính đáng." Quy định này sẽ buộc phụ nữ làm việc cho các công ty này tự trả tiền cho thuốc và dụng cụ ngừa thai của mình.
Các quan chức của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh nói với các phóng viên rằng họ dự liệu sẽ không có nhiều công ty tận dụng những quy định mới này - có lẽ chỉ khoảng 200 công ty đã đệ đơn kiện chống đối quy định cung cấp bảo hiểm ngừa thai của Obamacare.
Thông báo hôm thứ Sáu theo sau một sắc lệnh hành pháp hồi tháng Năm tuyên bố sẽ "bảo vệ và quảng bá mạnh mẽ tự do tôn giáo." Tổng thống Trump đưa ra sắc lệnh này để đáp lại một vụ kiện của hội tôn giáo The Little Sisters of the Poor, là đoàn thể đã đệ đơn kiện dưới thời chính quyền Obama, khi Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng hay Obamacare có hiệu lực.
Đạo luật này bắt buộc bảo hiểm y tế do chủ lao động cung cấp phải bao gồm chăm sóc y tế ngăn ngừa, bao gồm ngừa thai sử dụng tất cả các biện pháp tránh thai được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Liên bang chấp thuận. - VOA
|
|
16.
Hoa Kỳ: NRA thực sự muốn gì sau vụ thảm sát Las Vegas?
Tại Mỹ, vụ thảm sát 58 người ở Las Vegas ngày chủ nhật 01/10/2017 đã ít nhiều tác động đến cuộc tranh luận triền miên về quyền trang bị súng đạn. Những khẩu AR 15 bán tự động của Stephen Craig Paddock được cải tiến để sát thủ bắn thật nhanh giết thật nhiều.
Chính điểm này có thể làm luật pháp thay đổi. Tuy bị cử tri bảo thủ trói buộc, nhiều dân biểu Cộng hoà tuyên bố sẵn sàng xem xét vấn đề này. Ngay cả hiệp hội NRA, chuyên gây áp lực hành lang về quyền mang vũ khí, cũng đồng ý thắt chặt kiểm soát. Thực hư ra sao ? Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier tường thuật:
"Sau vụ thảm sát, đa số dân Mỹ đã bàng hoàng khi nghe nói đến từ mới « bump stock ». Bump stocks là bộ phận cho phép cải tiến khẩu súng bán tự động thành tự động liên thanh.
Trái lại, khi biết tin này, một số người mê vũ khí đổ xô vào các cửa hàng vũ khí để mua dự trữ. Bộ phận lắp thêm này, được bán hợp pháp trong khi súng liên thanh tự động đã bị cấm từ năm 1986, từ nay có thể sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn.
Thật vậy, quy mô vụ thảm sát Las Vegas bằng súng cải tiến đã khiến phe đa số Cộng Hoà ở Nghị Viện, được Nhà Trắng hậu thuẫn, phải nhìn nhận là cần phải có biện pháp đối phó.
Tuy vậy, mọi người đều biết, ở nước Mỹ, trong vấn đề vũ khí, phần lớn quyền quyết định nằm trong tay hiệp hội NRA, tổ chức gây sức ép hành lang đầy thế lực và cứng rắn.
Thế nhưng, hôm thứ Năm, NRA tuyên bố cần phải gia tăng kiểm soát « bump stock ». Lời tuyên bố tích cực không ngờ này, thật ra là nhằm khóa chặt một lần nữa, mọi tranh luận liên quan đến chuyện kinh doanh vũ khí tại Mỹ." - RFI
|
|
17.
ICE sẽ bắt di dân lậu ngay nơi làm việc hoặc chỗ ở tại California
Trong một chỉ dấu mới về sự gia tăng căng thẳng giữa chính phủ Trump và tiểu bang California, viên chức đứng đầu Sở Cảnh Sát Di Trú (ICE) hôm Thứ Sáu nói rằng cơ quan của ông không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc đến bắt di dân bất hợp pháp ở nơi làm việc và khu xóm họ ở.
Nhân viên ICE cũng sẽ phải đưa người bị bắt tại đây vào các trung tâm tạm giam bên ngoài California, theo quyền giám đốc ICE Thomas Homan.
Lời phát biểu của ông Homan được đưa ra một ngày sau khi Thống Đốc Jerry Brown ký ban hành Đạo Luật SB54, được gọi là luật về Tiểu Bang Trú Ẩn cho di dân bất hợp pháp.
Kể từ ngày 1 Tháng Giêng năm tới, cảnh sát ở California sẽ không được hỏi người dân về tình trạng di trú của họ hay tham dự vào các hoạt động khám xét di dân bất hợp pháp.
Các giới chức nhà tù chỉ được phép chuyển giao tù nhân cho giới chức di trú liên bang nếu người này phạm một số tội nào đó.
Thống Đốc Brown, khi ký ban hành SB54, nói rằng ICE không bị cấm hoạt động ở California chỉ vì ông ký luật này.
Văn phòng của ông không bình luận gì về phát biểu của ông Homan hôm Thứ Sáu.
Tiểu bang California hiện có khoảng 2.3 triệu di dân bất hợp pháp. - nguoiviet
|
|
18.
Google giới thiệu điện thoại mới cạnh tranh với Amazon, Apple
Google vừa giới thiệu điện thoại, loa thông minh và các dụng cụ điện tử mới khác, với kỹ thuật thông minh nhân tạo (AI), hy vọng có thể cạnh tranh với các đối thủ cao cấp như Amazon và Apple.
Điện thoại Pixel thế hệ thứ nhì của Google được ra mắt hôm Thứ Tư có màn hình lớn và sáng hơn, chiếm hầu hết mặt trước của điện thoại, những đổi thay mà Apple cũng đang làm với iPhone X, dự trù tung ra vào tháng tới.
Cả điện thoại Pixel XL 6 inch và Pixel 5 inch đều không cần đến chỗ cắm tai nghe (headphone jack), điều mà Apple đã thực hiện với iPhone 7 hồi năm ngoái.
Google cũng tăng cường thêm cho camera chất lượng cao vốn đã có sẵn với điện thoại Pixel, mà công ty khoe là chụp hình còn đẹp hơn của iPhone.
Điện thoại Pixel kích thước nhỏ hơn sẽ được bán với giá $650, $50 rẻ hơn so với iPhone 8.
Pixel XL sẽ bán khoảng $850 hay $50 mắc hơn so với iPhone 8 Plus.
Một iPhone X có giá khởi đầu là $1,000.
Google cũng loan báo tai nghe không dây có tên gọi là Pixel Buds. Ngoài việc truyền âm thanh từ điện thoại, tai nghe cũng có thể thông dịch ngôn ngữ đang đàm thoại ngay tức thì, nhờ nhu liệu thông dịch có sẵn trong điện thoại Pixel. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
19.
Hai thành viên mới Ban Bí thư có gì đặc biệt?
Ban Bí thư, cơ quan chỉ đạo công việc hàng ngày của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa có hai thành viên mới.
Tại buổi họp trung ương ngày 6/10, đã diễn ra việc bầu bổ sung Uỷ viên Ban Bí thư khoá XII.
Kết quả, ông Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, được bầu vào Ban Bí thư.
Theo quy định của Đảng Cộng sản, Ban Bí thư gồm một số Uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Uỷ viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
Cơ quan này có nhiệm vụ chỉ đạo công việc hàng ngày của Đảng, quyết định một số vấn đề về tổ chức cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương.
Đứng đầu Ban Bí thư là Tổng Bí thư, với người thứ hai là Thường trực Ban Bí thư phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư.
Trưởng ban Nội chính Trung ương
Ông Phan Đình Trạc được Bộ Chính trị bổ nhiệm, từ chức Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương lên giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào tháng 2/2016.
Ông vốn là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An quân hàm Đại tá, sau đó trở thành Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An rồi làm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.
Tại lễ trao quyết định bổ nhiệm khi đó, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ca ngợi ông Trạc là "ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Sinh năm 1958 tại Nghệ An, ông Phan Đình Trạc đã là Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 11, 12.
Hiện tại ông cũng là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương được thành lập lại vào cuối năm 2012.
Về chức năng, đây là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Trong một lần tiếp xúc cử tri ngày 28/4, ông Phan Đình Trạc phát biểu: "Ai tham nhũng cũng phải xử lý, song cần chọn những vụ việc, vụ án trọng điểm để xử lý trước. Thời gian qua, Tòa án đã xét xử và tuyên 8 án tử hình về tội tham nhũng; phạt tù và nhiều biện pháp khác đối với các tổ chức, cá nhân làm thất thoát tài sản của Nhà nước."
Trường đào tạo cao cấp nhất của Đảng
Sinh năm 1957 tại Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Thắng có học hàm Phó Giáo sư rồi Giáo sư, học vị Tiến sĩ kinh tế.
Theo tiểu sử, ông từng làm nghiên cứu sinh ở Nga tại Viện MEMO thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong hơn 5 năm, rồi làm cộng tác viên khoa học cho Viện này trong 3 năm.
Năm 1995, ông về lại Việt Nam, làm việc ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Từ 2001, ông làm Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Năm 2016, ông giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngôi trường đào tạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản.
Tại đây, đào tạo cao cấp lý luận chính trị được xem là nhiệm vụ then chốt, với mục tiêu trực tiếp là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Trong một bài viết năm 2016, ông Nguyễn Xuân Thắng đánh giá: "Tự thân kinh tế thị trường không đưa đến chủ nghĩa xã hội, nhưng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công dứt khoát phải phát triển kinh tế thị trường."
Ông nói "đặc trưng riêng" của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ là: "Phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHXN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vì lợi ích của đại đa số nhân dân, hướng vào con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, mọi người được tham gia và mọi người được hưởng lợi."
Danh sách Ban bí thư khóa XII gồm 12 thành viên:
1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy T.Ư
2. Ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
3. Ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, tham gia Thường trực Ban Bí thư trong thời gian ông Đinh Thế Huynh điều trị bệnh kể từ ngày 1/8/2017
4. Ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư
5. Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư.
6. Bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận T.Ư
7. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế T.Ư
8. Ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
9. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư
10. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao
11. Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư
12. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. - BBC
|
|
20.
Nguyễn Xuân Anh mất chức bí thư Đà Nẵng, ủy viên trung ương
Ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, theo thông cáo từ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 6/10.
Thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho hay ông Xuân Anh còn bị “cho thôi giữ chức” Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12. Ông cũng bị cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ và Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định ông Xuân Anh phải “chịu trách nhiệm chính” về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, đồng thời cả về những vi phạm, khuyết điểm “nghiêm trọng” của cá nhân ông.
Thông cáo của Ban chấp hành không đưa ra các chi tiết, chỉ nói ông Xuân Anh đã mắc một loạt vi phạm đối với “nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng”, “quy định về những điều đảng viên không được làm”, “quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” và “tiêu chuẩn cấp Ủy viên”.
Cách đây vài tuần, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ĐCSVN thông báo hôm 18/9 nói Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 có những sai phạm lớn trong công tác nhân sự, quản lý đất đai và nhận quà biếu.
Riêng về ông Xuân Anh, Ủy ban Kiểm tra khẳng định ông “thiếu gương mẫu” trong việc nhận và sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp tặng, và “gây dư luận xấu trong xã hội” khi vị bí thư Đà Nẵng sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp.
Ủy ban cũng nêu ra việc ông bí thư “có biểu hiện áp đặt” khi quyết định một số nhân sự, ngoài ra còn “trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền”.
Ông Nguyễn Xuân Anh, 41 tuổi, là con trai cả của ông Nguyễn Văn Chi, cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng từ năm 2002 đến 2011.
Ông đã thăng tiến nhanh từ tháng 4/2014 khi được bầu làm phó bí thư thành ủy Đà Nẵng, và hơn 1 năm sau, tháng 10/2015, trở thành bí thư thành ủy, chức vụ quyền lực nhất trên thực tế tại thành phố được cho là phát triển ngoạn mục nhất ở Việt Nam.
Việc kỷ luật ông Xuân Anh diễn ra trong bối cảnh công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng do Tổng bí thư ĐCS Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đang được đẩy mạnh từ đầu năm đến nay.
Hồi đầu tháng 8, trong một phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Trọng nhận xét rằng “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế”.
Cũng trong cuộc họp hôm 1/8, vị tổng bí thư dùng hình ảnh đốt lò để liên hệ đến hiệu ứng lan tỏa của các hoạt động chống tham nhũng.
Ông nói: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”.
Phát biểu của ông Trọng đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng và lan truyền rộng rãi. Trên mạng xã hội, mỗi khi có quan chức nào bị kỷ luật hay truy tố, nhiều người thường nói ví von rằng lại có thêm “củi” được cho vào “lò”.
Người đứng đầu Đà Nẵng bị cách chức khi chỉ còn khoảng hơn 1 tháng Hội nghị cấp cao APEC sẽ diễn ra ở thành phố. - VOA
|
|
21.
Vietnam Airlines tăng 110 chuyến bay phục vụ APEC
Vietnam Airlines sẽ tăng thêm 110 chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách trong dịp hội nghị APEC diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, theo Tân Hoa Xã.
Ngày 6/10, truyền thông Việt Nam trích lời ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết hãng này sẽ tăng 110 chuyến bay, tương ứng hơn 20.000 ghế trên các đường bay từ thủ đô Hà Nội và TP.HCM tới Đà Nẵng, trong thời gian từ ngày 5/10 đến ngày 3/11.
Trong đó, đường bay Hà Nội - Đà Nẵng tăng thêm 64 chuyến và đường bay TP.HCM - Đà Nẵng tăng thêm 44 chuyến.
Vietnam Airlines thông báo sẽ bảo đảm việc nối chuyến và di chuyển của các quan chức, đại biểu từ 21 nền kinh tế trong APEC và khách du lịch đến Đà Nẵng tham gia các hoạt động bên lề, cũng như các nhân sự chuẩn bị cho sự kiện từ trước đó.
Báo Tuổi trẻ nói hãng Vietnam Airlines là đối tác đặc biệt và là nhà vận chuyển chính thức của Hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam.
Báo này trích lời ông Dương Trí Thành nói: "Để mang đến sự chuyên nghiệp và dịch vụ đẳng cấp 4 sao, Vietnam Airlines chủ động điều chỉnh kế hoạch bảo dưỡng máy bay và đào tạo phi công, tiếp viên."
Vào hồi đầu tuần, khi tiếp ông Kevin Mc Allister, Chủ tịch của công ty Boeing, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi hãng máy bay hàng đầu của Hoa Kỳ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. - VOA
|
|
22.
Viên chức Bộ KH-CN bị nghi ăn cắp ở siêu thị Nhật
Cảnh sát tại một địa phương ở Nhật Bản tạm giữ một viên chức thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vì nghi ông này ăn cắp trong siêu thị, theo tin trên các trang Dân Trí, VietnamNet và Người Lao Động hôm 6/10.
Tin không nói cụ thể thời gian và địa điểm xảy ra vụ việc, cũng như không nêu tên viên chức liên quan.
Dẫn các câu trả lời từ Bộ KH-CN, các báo cho hay người đàn ông có tên viết tắt là T.Q.H “được mời đến làm việc tại cơ quan cảnh sát” do gặp “sự cố” khi đi mua sắm.
Tin cho hay sau khi “trao đổi, giải trình”, ông T.Q.H, hiện là một phó phòng thuộc Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân của bộ, đã “được cho về và tiếp tục chuyến công tác” của ông.
Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân nói vị phó phòng có mặt ở Nhật để dự một hội thảo nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Theo các báo, trước hôm 5/10 đã xuất hiện thông tin về việc ông T.Q.H bị giữ lại tại Nhật Bản vì bị nghi có liên quan đến trộm cắp trong siêu thị.
Hôm 5/10, ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, cho báo chí biết cục này ở thời điểm đó vẫn đang trong quá trình làm rõ thông tin và họ có phối hợp với phía Nhật về việc này.
Trong vài năm gần đây, đã xảy ra nhiều vụ người Việt trộm cắp ở Nhật Bản nói riêng và nhiều nước ngoài khác nói chung.
Sử dụng từ khóa “người Việt ăn cắp ở Nhật Bản” hoặc “người Việt ăn trộm ở Nhật Bản” đều cho ra trên 300.000 kết quả tìm kiếm trên Google.
Trong số các kết quả là hàng loạt bài báo trên báo chí chính thống trải dài trong nhiều năm với các hàng tít như “Nhật bắt 3 người Việt nghi trộm cắp liên hoàn hàng triệu đô”, “Nhật Bản bắt giữ 7 người tình nghi trộm mỹ phẩm”, “Cảnh sát Nhật bắt 9 du học sinh Việt ăn trộm đồ thể thao”, “Trộm dưa lưới ở Nhật, 6 người Việt bị bắt”, “Bốn người Việt bị bắt giữ ở Nhật vì ăn cắp sữa bột”.
Một số báo dẫn thông tin từ cảnh sát Nhật cho hay năm 2015 họ đã bắt 2.488 vụ ăn trộm có người Việt Nam. Tính trung bình, mỗi ngày có 8 vụ ăn trộm dính dáng đến người Việt. Chưa có số liệu cho năm 2016 và 2017.
Ngay sau khi có tin về phó phòng T.Q.H bị tạm giữ ở Nhật Bản mới đây, hôm 6/10, luật sư Lê Luân, một người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội viết trên trang Facebook cá nhân rằng đây là “sự cố nhục nhã”.
Luật sư đưa ra nhận định giáo dục có liên quan đến vấn đề này. Ông viết: “…cán bộ cấp Bộ đi công tác sang một đất nước được coi là văn minh nhất châu Á và cũng là cường quốc thế giới mà còn giở thói trộm cắp ở nơi công cộng thì không còn gì để nói về kết quả trồng người của mấy chục năm (nửa thế kỷ) qua nữa”. - VOA
|
|
23.
Đàm Vĩnh Hưng được chọn vào danh sách đề cử giải MTV châu Âu 2017
Ban tổ chức lễ trao giải âm nhạc MTV châu Âu (MTV EMA) ngày 4/10 ra thông báo nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ đại diện Việt Nam tham dự hạng mục Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc, theo tin của Tân Hoa Xã.
Truyền thông Việt Nam cho biết sau khi chiến thắng vòng bình chọn tại Việt Nam và trở thành đại diện quốc gia tham gia MTV EMA 2017, Đàm Vĩnh Hưng sẽ phải đối đầu với các đại diện khác trong khu vực Đông Nam Á.
Đàm Vĩnh Hưng sẽ phải đối đầu với 6 đối thủ xuất sắc khác trong khu vực để giành chiến thắng, đó là ca sĩ Isyana Sarasvati của Indonesia, Faizal Tahir của Malaysia, James Reid của Philippines, nhóm The Sam Willows của Singapore, Slot Machine và Palitchoke Ayanaputra đều của Thái Lan.
Báo Tuổi trẻ nói nam ca sĩ đang dồn toàn bộ tâm sức cho cuộc đua bình chọn này và ráo riết chuẩn bị cho những chiến lược kêu gọi bình chọn của riêng mình.
Báo này cho biết trong suốt 5 năm qua, Việt Nam đã liên tục có đại diện tham gia giải MTV EMA và là quốc gia đã có ba lần đăng quang tại vòng bình chọn Đông Nam Á của giải thưởng âm nhạc quốc tế MTV EMA, với những ca sĩ đại diện là Mỹ Tâm, Sơn Tùng và Đông Nhi.
Trước đó, ca sĩ Đông Nhi chiến thắng giải thưởng âm nhạc MTV EMA 2016 ở Hà Lan.
Lễ trao giải MTV EMA 2017 sẽ diễn ra vào tối ngày 12/11 tại Wembley, thủ đô London của Anh.
Lễ trao giải MTV châu Âu là sự kiện thường niên, do kênh MTV Networks châu Âu tổ chức, nhằm vinh danh sự đóng góp của các nghệ sĩ với làng nhạc thế giới. - VOA
|
|
24.
Đô đốc Swift, đại sứ Mỹ Osius kính trọng nỗ lực độc lập của VN
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift và đại sứ Ted Osius hôm 6/10 bày tỏ lòng kính trọng về nỗ lực bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam trong quá khứ.
Trên trang Facebook chính thức của mình, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam viết ông và Đô đốc Swift đã thăm khu di tích bãi cọc Bạch Đằng ở Hải Phòng để tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam và tỏ lòng kính trọng đối với những vị anh hùng vĩ đại đã giữ nền độc lập và chủ quyền của đất nước.
Trang tin hàng đầu VNExpress của Việt Nam dẫn lời Đô đốc Swift nói ông “rất phấn khởi” về sự tăng cường hợp tác giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Mỹ. Ông khẳng định: “Quan hệ này sẽ xuyên suốt qua các đời chính quyền và lãnh đạo của mỗi nước. Đây là mối quan hệ được phát triển tự nhiên, bởi chúng ta đang đối mặt với những mối lo ngại và đe dọa chung, cũng như sự bất ổn trong khu vực".
Đô đốc Mỹ cũng cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường ổn định khu vực, nhằm đem lại sự phồn thịnh cho Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung, VNExpress trích lời ông cho hay.
Đại sứ Mỹ nói với các phóng viên rằng việc tìm hiểu quá khứ Việt Nam là “vô cùng quan trọng”, theo trang Zing News. Ông Osius ca ngợi Việt Nam đã sử dụng “những chiến lược khôn ngoan” để nhiều lần đánh bại các kẻ thù hùng mạnh hơn.
Phát biểu tại khu di tích Bạch Đằng, đại sứ Mỹ nói tinh thần yêu nước và quyết tâm của nhân dân Việt Nam được phản ánh rất rõ qua các công trình kỷ niệm lịch sử và thể hiện sống động, mạnh mẽ trong người dân ngày nay.
Tinh thần ấy, theo lời vị đại sứ, gợi cho ông nhớ đến bài thơ Nam quốc sơn hà của danh tướng Lý Thường Kiệt. Đại sứ Mỹ Ted Osius đã đọc bài thơ bằng tiếng Việt tại khu di tích. Video ghi hình ông đọc thơ đã được chia sẻ nhiều trên mạng. - VOA
|
|
25.
Việt Nam cho bắt thêm người với cáo buộc hoạt động lật đổ
Ông Đào Quang Thực, một facebooker và là giáo viên tiểu học về hưu, bị Công an Tỉnh Hòa Bình bắt khẩn cấp vào tối ngày 5 tháng 10 với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Con gái của người bị bắt, cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, một ngày sau khi người cha bị bắt, cho Đài Á Châu Tự Do biết là lực lượng công an phong tỏa khu vực nhà của ông Đào Quang Thực tại xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; khi tiến hành biện pháp bắt khẩn cấp như vừa nêu.
Vào ngày 6 tháng 10, người thân của ông Đào Quang Thực cũng bị công an mời đến để thẩm vấn. Con gái ông Đào Quang Thực kể lại rằng cơ quan công an hỏi cô xoay quanh tài khoản Facebook có tên Đào Quang Thực.
Tuy nhiên cô này nói không biết gì nhiều về trang facebook đó.
Ông Đào Quang Thực sinh năm 1960. Ông từng là giáo viên tiểu học suốt 30 năm và hiện đã nghỉ hưu.
Thông báo của Cơ quan An Ninh Điều Tra thuộc Công an tỉnh Hòa Bình gửi cho vợ ông Đào Quang Thực ghi ông bị tạm giữ tại Trại giam Công an Tỉnh Hòa Bình.
Như vậy ông Đào Quang Thực là người bị bắt mới nhất tại Việt Nam. Người bị bắt trước ông Đào Quang Thực gần nhất là cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng. Anh này bị bắt gần giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào ngày 27 tháng 9 vừa qua. Cáo buộc đối với anh này là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, gần 20 nhà hoạt động, cựu tù chính trị tại Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment