Tin Thế Giới
1.
LHQ: Châu Á-Thái Bình Dương đối mặt nhiều thảm họa
Thiên tai sẽ tàn phá nhiều hơn tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi một người dân bị ảnh hưởng nhiều hơn cư dân các khu vực khác gấp 5 lần, theo cảnh báo từ Liên hiệp quốc ngày 10/10.
Liên hiệp quốc kêu gọi các nước trong khu vực đầu tư vào các kế hoạch phục hồi.
Là nơi cư ngụ của 60% dân số thế giới, châu Á-Thái Bình Dương là vùng dễ xảy ra thiên tai nhất trên toàn cầu.
Năm ngoái, lụt lội, bão và thời tiết khắc nghiệt đã làm 4.987 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới khoảng 34,5 triệu người, theo Phúc trình Thảm họa châu Á-Thái Bình Dương 2017.
Những quốc gia nghèo và có lợi tức trung bình thấp là những nước ít có khả năng chuẩn bị đáp ứng với những thiệt hại do thời tiết gây ra, có tỉ lệ tử vong do thảm họa thiên tai cao gấp 15 lần các nước giàu trong cùng khu vực châu Á, theo phúc trình do Ủy ban Kinh tế Xã hội của Liên hiệp quốc phụ trách khu vực châu Á (ESCAP) công bố.
Thảm họa có thể có “những ảnh hưởng sâu rộng lên đời sống” và gây thêm những bất lợi cho những người vốn dễ bị tổn hại, nhiều người sống tại những vùng nông thôn, làm cho nhiều người rơi vào cảnh nghèo khó, vẫn theo phúc trình.
Thêm vào những thiệt hại về nhân mạng, nghiên cứu của ESCAP cho thấy từ năm 2015 đến 2030, 40% thiệt hại kinh tế toàn cầu do thảm họa sẽ xảy ra tại châu Á-Thái Bình Dương.
“Nghiên cứu cũng cho thấy là thiên tai trong tương lai có thể có khả năng hủy hoại lớn hơn nữa,” ESCAP nói.
Vẫn theo Ủy ban, nguy cơ xảy ra thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra chắc chắn sẽ gia tăng tại châu Á.
Các nguy cơ thảm họa đó bao gồm các đợt nóng đe dọa đến tính mạng con người, lụt lội và hạn hán tệ hại hơn nữa, bão nhiệt đới mạnh và thường xuyên hơn, cùng những trận mưa mùa lớn tại Đông Á và Ấn Độ.
Người đứng dầu ESCAP, bà Shamshad Akhtar, thúc đẩy các nước san bằng các khoảng cách trong kế hoạch đối phó với thảm họa thiên tai
Theo phúc trình, những nước đối mặt với những thiệt hại về kinh tế lớn nhất do thảm họa gây ra là những nền kinh tế lớn nhất trong vùng như Nhật Bản và Trung Quốc.
Tuy nhiên những nước kém phát triển và những đảo quốc nhỏ có thể bị tổn hại nặng nề nhất, mất khoảng từ 2,5% và 4% tổng sản lượng nội địa hàng năm.
ESCAP nói xây dựng khả năng phục hồi thảm họa mau chóng vào những kế hoạch phát triển nông nghiệp rất quan trọng vì các cuộc nghiên cứu cho thấy hầu hết người nghèo tại châu Á-Thái Bình Dương là nông dân tại những khu vực nông thôn.
“Điều thiết yếu là cải thiện đời sống và giảm bớt nghèo đói,” phúc trình nói. - VOA
|
|
2.
Bắc Hàn 'đánh cắp kế hoạch chiến tranh của Mỹ-Nam Hàn' --- Bắc Triều Tiên: LHQ cấm 4 tàu cập bến cảng trên thế giới
Các tin tặc từ Bắc Hàn đã đánh cắp một lượng lớn các tài liệu quân sự của Nam Hàn, bao gồm kế hoạch ám sát lãnh đạo Kim Jong-un.
Rhee Cheol-hee, một nhà lập pháp Nam Hàn, nói thông tin trên là từ Bộ Quốc phòng của nước này.
Các tài liệu bị tấn công bao gồm các hoạch định chiến tranh dự phòng của Mỹ và Hàn Quốc.
Chúng cũng bao gồm các báo cáo để gửi đến các chỉ huy cấp cao của phe đồng minh.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho đến nay vẫn từ chối bình luận về vụ việc này.
Các kế hoạch cho các lực lượng đặc công của Nam Hàn đã bị thu thập, cùng với thông tin về các nhà máy điện và các cơ sở quân sự quan trọng ở miền Nam.
Ông Rhee thuộc đảng cầm quyền của Nam Hàn, và ở trong Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội.
Ông nói rằng khoảng 235 gigabyte tài liệu quân sự đã bị đánh cắp từ Trung tâm Dữ liệu Tích hợp Quốc phòng và 80% trong số đó vẫn chưa được xác định.
Vụ tấn công mạng diễn ra vào tháng Chín năm ngoái. Hồi Tháng Năm, Hàn Quốc cho biết một lượng lớn dữ liệu đã bị đánh cắp và Bắc Hàn có thể đứng đằng sau cuộc tấn công này - nhưng không cung cấp thêm chi tiết về vụ việc.
Bắc Hàn đã bác bỏ cáo buộc này.
Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc cho biết Seoul trong nhiều năm gần đây đã liên tiếp bị người hàng xóm cộng sản tấn công mạng, trong đó có nhiều trang web và cơ sở của chính phủ.
Bắc Hàn được cho là có các tin tặc được đào tạo đặc biệt ở nước ngoài, cả ở Trung Quốc.
Bắc Hàn cáo buộc Hàn Quốc "bịa đặt" ra các cáo buộc này.
Tin tức Bình Nhưỡng dường như thu thập được các hoạch định của Seoul-Washington về một cuộc chiến toàn diện với Bắc Hàn không hề làm dịu căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. - BBC
***
Trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, Liên Hiệp Quốc đã xác định được 4 tàu chở hàng cấm và đã lần đầu tiên đã ra quyết định cấm những tàu này cập các bến cảng trên toàn thế giới.
Thông tin nói trên vừa được ông Hugh Griffiths, điều phối viên các chuyên gia đặc trách hồ sơ Bắc Triều Tiên, loan báo hôm qua, 09/10/2017, sau một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc.
Hiện giờ, chưa rõ chủ thật sự của những tàu này là nước nào, của Bắc Triều Tiên hay của nước nào khác, tuy rằng người ta đã biết tên, số hiệu. Ba trong số bốn chiếc tàu này treo cờ Comores, Saint Kitts và Bắc Triều Tiên. Chiếc thứ tư không rõ là treo cờ nào. Theo một nguồn tin thông thạo về hồ sơ này, bốn tàu nói trên chở than đá, sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên, tức là những mặt hàng bị cấm trong khuôn khổ các lệnh cấm vận mới nhất của LHQ.
Trong nghị quyết được thông qua ngày 05/08, Hội Đồng Bảo An ra lệnh cấm xuất khẩu than, hải sản và sắt của Bắc Triều Tiên và dự trù là những tàu nào chở các mặt hàng cấm sẽ không được phép cập bất cứ bến cảng nào trên thế giới.
Trong cuộc họp của LHQ hôm qua, ông Hugh Griffiths cho biết là Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục xuất khẩu than đá, bất chấp trừng phạt của quốc tế. Chủ tịch Uỷ ban theo dõi các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên, Inigo Lambertini, cho biết là cuộc họp hôm qua chính là nhằm thúc đẩy các nước thành viên LHQ thi hành đầy các nghị quyết trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng.
Ngày 11/09 vừa qua, LHQ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt khi cấm xuất khẩu hàng vải sợi Bắc Triều Tiên, hạn chế nhập khẩu dầu của Bắc Triều Tiên và cấm các quốc thành viên LHQ tham gia các liên doanh với Bắc Triều Tiên. - RFI
|
|
3.
Mexico cảnh báo Mỹ về động thái ngưng Nafta
Chấm dứt Hiệp định Mậu dịch Bắc Mỹ (Nafta) sẽ làm hỏng quan hệ giữa Mexico và Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mexico cảnh báo.
Ông Luis Videgaray nói như vậy trước khi Hoa Kỳ, Mexico và Canada tiến hành vòng đàm phán thương mại mới trong tuần này.
Các cuộc đàm phán là để cập nhật thỏa thuận năm 1994 vốn ngày càng trở nên căng thẳng khi các nhóm doanh nghiệp Mỹ và Mexico nói rằng những đề xuất của Hoa Kỳ sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới mậu dịch.
Tuần này, Tổng thống Donald Trump đã tái khẳng định lời đe dọa ông nói trước đó là sẽ hủy bỏ hiệp định mậu dịch này.
Ông nói thâm hụt thương mại với Mexico là không công bằng đối với Hoa Kỳ. Chính quyền của ông nói rằng họ đang tìm cách giảm bớt thâm hụt mậu dịch và kêu gọi "đại tu" thỏa thuận này.
Lãnh đạo Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Thomas Donahue, cảnh báo rằng việc hủy bỏ thỏa thuận sẽ làm ảnh hưởng tới 1 ngàn tỉ USD thương mại hàng năm.
Ông Videgaray cho biết Mexico đang chuẩn bị cho "các kịch bản khác nhau" để đàm phán và sẽ không tham gia hiệp định nếu đất nước của ông không có lợi.
Ông cảnh báo rằng việc chấm dứt hiệp định mậu dịch khu vực sẽ làm tổn thương mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Mexico và gây thiệt hại cho sự hợp tác của họ trong các vấn đề khác như đấu tranh chống buôn bán ma túy và ngăn chặn di dân lậu qua biên giới phía nam Hoa Kỳ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ gặp ông Trump hôm thứ Tư và các cuộc thảo luận của họ dự kiến sẽ tập trung vào hiệp định Nafta. Gần đây, Mỹ đã áp thuế các hãng Bombardier và xuất khẩu gỗ của Canada.
Ông Trudeau sau đó sẽ bay đến Mexico để thảo luận với Tổng thống Enrique Pena Nieto. - BBC
|
|
4.
Thái Lan ấn định ngày bầu cử vào tháng 11/2018
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 10/10 cho biết sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/ 2018. Đây là thông tin cụ thể nhất về cuộc bầu cử kể từ khi ông Chan-ocha lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Chan-ocha cho biết ngày giờ chính xác sẽ được thông báo vào tháng 6/ 2018. Cho tới nay, chính quyền quân sự Thái Lan đã tuyên bố ngày bầu cử ít nhất hai lần, để rút lại sau đó, viện lý do là các quan tâm về thay đổi hiến pháp và vấn đề an ninh.
Ông Chan-ocha, một cựu tư lệnh quân đội Thái Lan, là người cầm đầu cuộc đảo chính vào tháng 5/2014 và từng bị nhiều nước phương Tây chỉ trích. Ông nói đảo chính là điều cần làm vì cần phải chấm dứt một thập kỷ biến động chính trị và bài trừ tham nhũng.
Vào tháng 4, Quốc vương Thái Maha Vajiralongkorn ký thành luật một hiến pháp được sự ủng hộ quân đội, để khởi động tiến trình bầu cử, điều mà chính quyền quân sự đã hứa sẽ làm để khôi phục nền dân chủ.
Bản hiến pháp mới đưa ra một hệ thống bỏ phiếu theo tỷ lệ có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của các đảng chính trị lớn. Các nhà phê bình cho rằng thay đổi này là nhằm củng cố vai trò của quân đội.
Các nhà phân tích dự đoán các hoạt động chính trị sẽ dần dà tái tục sau lễ tang của Quốc vương Bhumibol Adulyadej trong tháng này, kết thúc một năm quốc tang dành cho một nhà vua mà nhiều thần dân xem như một vị cha già dân tộc.
Ông Kan Yuenyong thuộc tổ chức tư vấn chính sách Siam Intelligence Unit nói:
"Ông Chan-ocha muốn trì hoãn bầu cử nhưng ông biết rằng sau lễ hỏa táng của quốc vương, sẽ có áp lực để tổ chức bầu cử.”
Ông Yuenyong nói với Reuters:
"Loan tin bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 11 năm tới giúp làm giảm bớt áp lực đó, bởi nếu không, có thể sẽ có biểu tình phản đối."
Chính phủ Thái Lan đã đối mặt với áp lực ngày càng tăng đòi dỡ bỏ lệnh cấm các hoạt động chính trị được áp dụng ngay sau cuộc đảo chính năm 2014. - VOA
|
|
5.
TT Trump thăm khu phi quân sự giữa Nam-Bắc Triều tiên?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể đi thăm khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền của bán đảo Triều Tiên khi ông đến Hàn Quốc vào tháng tới, theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, dẫn một nguồn tin quốc phòng.
Nguồn tin này được dẫn lời nói rằng Toà Bạch Ốc vào cuối tháng 9 đã phái một toán tiền trạm để thăm dò các địa điểm có thể được chọn cho “hoạt động đặc biệt” của ông Trump tại Hàn Quốc.
Dự kiến ông Trump sẽ gửi đi một thông điệp quan trọng tới Triều Tiên, hoặc bằng lời lẽ hoặc qua các kênh khác, trong chuyến công du đầu tiên của ông tới bán đảo Triều Tiên trong cương vị Tổng Tư Lệnh quân đội.
Nguồn tin tiết lộ rằng làng đình chiến Bàn Môn Điếm và chốt quan sát tại đó, cả hai đều nằm trong khu vực phi quân sự, là hai trong số các địa điểm mà ông Trump đang cứu xét để tới thăm.
Hãng tin Yonhap không cho biết thêm chi tiết, và Toà Bạch Ốc cũng không bình luận gì về tin này.
Ông Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un mới đây đã trao đổi những lời hung hăng hiếu chiến, khi ông Trump gợi ý rằng giải pháp quân sự là lựa chọn duy nhất để chặn đứng các chương trình hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên.
Một chuyến thăm tới khu phi quân sự, theo chân vị Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama và Phó Tổng Thống Mike Pence, có phần chắc sẽ đươc Triều Tiên coi như một hành động khiêu khích, và sẽ đưa ông Trump tới địa điểm gần nhất, chỉ cách các binh sĩ Triều Tiên có vài mét, nơi mà binh sĩ hai miền vẫn trực diện đối đầu với kẻ thù của mình.
Trong mấy tuần lễ gần đây, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa bay ngang qua Nhật Bản, đồng thời thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân thứ 6, trong một động thái nhằm thách thức các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Triều Tiên đang nhanh chóng hướng tới mục đích mà họ không hề dấu giếm là phát triển một phi đạn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể vươn tới tận lục địa Mỹ.
Về phần mình, ông Trump nhiều lần khẳng định ông không mấy hứng thú với giải pháp đối thoai với Triều Tiên. Tuần trước, ông Trump bác bỏ ý kiến đàm phán với Triều Tiên chỉ là “mất thời giờ, vô ích”, một ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson nói Washington vẫn để ngỏ những kênh liên lạc với chế độ của Kim Jong Un.
Tổng thống Trump hôm thứ Hai 9/10viết trên Tweeter:
“Đất nước chúng ta đã thất bại, không giải quyết được vấn đề Triều Tiên trong suốt 25 năm qua, cho không Bình nhưỡng hàng tỉ đôla mà không nhận lại được bất cứ điều gì. Chính sách không hữu hiệu!”
Trên bán đảo Triều Tiên, miền Bắc bị cô lập và miền Nam giàu có và dân chủ, trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi vì vụ xung đột giữa hai miền kéo dài từ năm 1950 tới năm 1953 kết thúc trong một cuộc đình chiến chứ không phải bằng một hòa ước.
Miền Bắc thường xuyên đe dọa sẽ tiêu diệt miền Nam và đồng minh chủ yếu của miền Nam, là Hoa Kỳ.
Theo chương trình ấn định, từ ngày 3/11 sắp tới, ông Trump sẽ đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. - VOA
|
|
6.
Catalonia 'muốn đối thoại để giành độc lập'
Người đứng đầu vùng Catalonia, Carles Puigdemont và các lãnh đạo cấp vùng khác đã ký tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha.
Tuyên bố viết: "Chúng tôi kêu gọi mọi nhà nước và tổ chức quốc tế công nhận cộng hòa Catalonia là nhà nuớc độc lập có chủ quyền."
Nhưng họ nói sẽ chưa tiến hành trên thực tế trong vài tuần tới để diễn ra đàm phán với chính phủ ở Madrid.
Ông Puigdemont nhấn mạnh với nghị viện rằng "ý chí của nhân dân" là tách khỏi Madrid nhưng ông muốn "giảm" căng thẳng.
Ông nói nghị viện hãy tạm thời chưa chính thức tuyên bố độc lập để có đối thoại.
Trưng cầu dân ý hôm 1/10 tại tỉnh đông bắc này với kết quả ủng hộ độc lập đã bị Tòa hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố không hợp lệ.
Trong hôm thứ Ba, ông Puigdemont nói với nghị viện Catalonia ở Barcelona rằng vùng này đã giành được quyền độc lập nhờ cuộc bỏ phiếu.
Không rõ triển vọng đối thoại chính trị với Madrid sẽ là thế nào, vì chính phủ ở Madrid đã tuyên bố không chấp nhận cuộc bỏ phiếu.
Chính phủ Tây Ban Nha sẽ họp ngày thứ Tư để ra phản ứng trước tuyên bố của ông Puigdemont.
Ada Colau, thị trưởng Barcelona là người chỉ trích cả hai phe, đã kêu gọi giảm căng thẳng.
Bà thị trưởng cảm ơn ông Puigdemont trên Twitter vì lựa chọn "đối thoại".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã kêu gọi ông Puigdemont không tuyên bố độc lập.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chối lời kêu gọi của ông Puigdemont muốn EU làm trung gian, nói rằng Madrid có thể giải quyết vấn đề.
Chính quyền Catalonia nói 90% người bỏ phiếu đã ủng hộ độc lập, nhưng tỉ lệ đi bầu chỉ là 43%.
Catalonia là một trong những vùng giàu có nhất của Tây Ban Nha, chiếm 1/4 sản lượng xuất khẩu của cả nước.
Catalonia, một vùng khá giả với dân số 7,5 triệu người tại đông bắc Tây Ban Nha, có ngôn ngữ và văn hóa riêng.
Là khu vực có quyền tự trị cao, nhưng Catalonia không được công nhận là một quốc gia độc lập theo hiến pháp Tây Ban Nha.
Hiện Catalonia đã có lực lượng cảnh sát riêng, 'Mossos d'Esquadra', có quy chế truyền thanh truyền hình riêng và một số sứ bộ ngoại giao như là 'sứ quán mini' ở nước ngoài để thúc đẩy thương mại.
Nhưng hiện nay công tác kiểm soát biên giới, hải quan, quan hệ quốc tế, quốc phòng và ngân hàng trung ương là do chính quyền Tây Ban Nha kiểm soát. - BBC
|
|
7.
Tòa yêu cầu Fukushima bồi thường hàng triệu đôla cho cư dân
Một tòa án Nhật ra phán quyết yêu cầu bồi thường hàng triệu đôla cho hàng ngàn cư dân sống gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau khi họ mất nhà cửa và sinh kế trong cuộc khủng hoảng bức xạ năm 2011 do sóng thần gây ra.
Tòa án yêu cầu chính phủ và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), điều hành nhà máy Fukushima, phải trả 4,5 triệu đôla cho 3.800 nguyên đơn vì công ty này không thực hiện các biện pháp cải tiến về an toàn, mặc dù giới lãnh đạo biết nguy cơ xảy ra sóng thần lớn có ảnh hưởng đến nhà máy.
Phán quyết này kết thúc vụ kiện tập thể lớn nhất từ trước đến nay do thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima gây ra. Hàng chục vụ kiện tương tự liên quan đến 12.000 người vẫn đang chờ giải quyết.
Tòa án ủng hộ lập luận của các nguyên đơn, cho rằng thảm họa có thể tránh được nếu TEPCO chuyển các máy phát điện diesel khẩn cấp đặt ở tầng hầm đến một vị trí cao hơn và củng cố các tòa nhà chứa lò phản ứng để nước không thể thoát ra, dựa trên một cuộc nghiên cứu năm 2002, đề nghị nhà máy nên tuân thủ những đề nghị thay đổi đó.
Trận sóng thần năm 2011 đã làm hư hại hệ thống làm mát lò phản ứng hạt nhân và các máy phát điện dự phòng lụt mà nếu không bị hỏng, có thể giữ cho nhà máy hoạt động sau khi sóng thần ập vào tiếp theo sau trận động đất.
Phản ứng trước phán quyết của tòa án, ông Kazuhiro Okuma, người phát ngôn của Cơ quan Quản lý Hạt nhân nói ông không chắc chính phủ có kháng cáo phán quyết này hay không.
Phán quyết này theo sau một quyết định tương tự của Toà án hồi tháng 3, buộc chính phủ và công ty TEPCO phải trả 336.000 đôla cho 62 người từng cư ngụ tại Fukushima. Trong một phán quyết khác vào tháng trước, tòa ra lệnh cho TEPCO trả 3,4 triệu đôla cho khoảng 45 cựu cư dân Fukushima. - VOA
|
|
8.
Đài Loan 'tăng cường quân sự vì tự do'
Nhân Quốc khánh Trung Hoa Dân quốc, Tổng thống Thái Anh Văn nói Đài Loan sẽ tiếp tục "bảo vệ nền dân chủ và tự do" của hòn đảo.
Đồng thời, chính quyền của phái từng ủng hộ độc lập Đài Loan nay nói họ sẽ tăng cường quân bị giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc vẫn cao.
Cần hiện đại hóa quân sự
Đọc diễn văn tại cuộc duyệt binh ngày 10/10/2017, là Quốc khánh Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan), bà Thái Anh Văn cũng nói chính phủ của bà "sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự".
"Trước thách thức hiện đại hóa, chúng ta cần đảm bảo rằng quân đội của thế hệ mới tập trung vào chất lượng, không phải số lượng."
Năm 2015, Dân Tiến Đảng của bà Thái Anh Văn nói chính sách quốc phòng của đảng này sẽ tạo ra thu nhập 13,2 tỷ đô la Đài Loan và 8000 việc làm.
Bà Thái Anh Văn cũng nói Đài Loan muốn "đảm bảo an ninh và hòa bình" ở eo biển Đài Loan, trong quan hệ với Trung Quốc.
Đài Loan sẽ thể hiện "thiện chí" đối với Trung Quốc, bà nói trước các đại diện ngoại giao nước ngoài và quan chức chính quyền, quân đội Đài Loan.
Ngày 10/10/1911 là ngày thành lập Trung Hoa Dân quốc của Tôn Trung Sơn, thể chế do Quốc Dân Đảng lập ra, nhưng sau bị lực lượng cộng sản của Mao Trạch Đông đánh bại trong Nội chiến năm 1949.
Đài Loan nhận là quốc gia kế thừa của Trung Hoa Dân quốc nhưng ngày càng bị mất sự công nhận quốc tế.
Sau khi Panama tuyên bố cắt quan hệ với Đài Loan để công nhận Trung Quốc, Đài Loan chỉ còn quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với 20 quốc gia.
Bà Thái Anh Văn đang tiếp tục chính sách Hướng Nam, tập trung đầu tư vào quan hệ với 10 nước ASEAN và chừng 8 quốc gia vùng châu Á - Thái Bình Dương. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Cháy rừng ở bắc California, ít nhất 10 người chết
Lãnh đạo sở cứu hỏa bang California nói rằng cháy rừng đang diễn ra làm ít nhất 10 người chết tại địa hạt sản xuất rượu vang nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Các quận Napa, Sonoma và Yuba, đang trong tình trạng khẩn cấp, nơi một số người đang gặp nguy hiểm.
Cảnh sát trưởng quận Sonoma, ông Rob Giordano nói:
"Các nhân viên cứu hỏa giỏi đang tích cực làm nhiệm vụ để bảo vệ an toàn cho mọi người. Hiện nay chúng tôi đang tích cực cứu mọi người.”
Hơn 1.500 ngôi nhà và doanh nghiệp đã bị hỏa hoạn phá hủy; rất nhiều người bị thương và mất tích khi 14 đám cháy lớn đã bùng phát chủ yếu ở ba quận miền bắc California.
Hai mươi nghìn người đã được di tản, bao gồm hàng trăm người ở các bệnh viện khu vực.
Giới hữu trách đang điều tra nguyên nhân gây hỏa hoạn bắt đầu hôm Chủ nhật 9/10. - VOA
|
|
10.
Tổng thống Trump có mấy đệ nhất phu nhân?
Người vợ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump là bà Ivana và người vợ thứ ba của ông hiện tại là bà Melania hôm thứ Hai đã công khai “lời qua tiếng lại.”
Truyền thông Mỹ tường trình rằng với mục tiêu quảng bá cho cuốn sách sắp xuất bản, nhan đề “Nuôi con Trump,” kể về chuyện nuôi dạy ba người con lớn của ông Trump, bà Ivana hôm thứ Hai 9/10 đã trả lời phỏng vấn trong chương trình truyền hình “Good Morning America” với những phát biểu mà chắc chắn khiến cho người phụ nữ đang giữ vai vợ chính thức của Donald Trump “điên tiết.”
“Cơ bản, tôi là vợ cả của Trump, đúng không,” bà Ivana nói. “Tôi mới chính là đệ nhất phu nhân.”
Bà Ivana ra vẻ an ủi bà Melania rằng: “Tôi thông cảm cho cuộc sống thật kinh khủng của bà Melania ở Washington.”
Tờ Chicago Tribute bình luận rằng bà Ivana cũng có lời xách mé người vợ thứ hai của ông Trump là bà Marla Maples khi gọi bà Maples là “một diễn viên để khoe sắc mà không cần tài.”
Bà Melania Trump thay vì để im cho những chuyện đó trôi qua, đã chọn kiểu phản ứng đặc trưng của ông Trump đó là “mạnh tay đánh lại kẻ đã gây sự,” theo bình luận của báo Chicago Tribune.
Ông Stephenie Grisham, phát ngôn viên của bà Melania, phổ biến một thông báo phản hồi nói rằng phát biểu của bà Ivana chẳng qua là để “gây sự chú ý” thường thấy của một người đang ra sức bán một cuốn sách. Thông báo khẳng định rằng bà Melania Trump chưa bao giờ không thích cuộc sống ở Washington.
Phản hồi của phát ngôn viên Grisham nói tiếp rằng: “Bà Trump đã biến Tòa Bạch Ốc thành tổ ấm cho [con trai út] Baron và tổng thống. Bà thích sống ở Washington DC và bà vinh dự giữ vai trò đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ. Bà dự định sẽ dùng vai trò và chức danh của bà để giúp cho trẻ em, chứ không phải để bán sách.”
Đoạn kết của thông báo phản hồi nói: “Phát biểu của người vợ trước chẳng có ý nghĩa thực chất gì. Đáng tiếc đó chỉ là một sự ồn ào để gây sự chú ý cho mục đích cá nhân.”
Hồi ký của bà Ivana Trump sẽ được phát hành trong ngày thứ Ba 10/10. Trong lúc Tổng thống Trump đang gặp những rắc rối trong chính quyền của ông, bà Ivana tuyên bố rằng bà có đường dây điện thoại trực tiếp với Tòa Bạch Ốc và với chồng cũ của bà, nhưng bà không sử dụng đường dây đó, vì sợ rằng bà Trump hiện tại có thể hiểu lầm.
Bà nói: “Tôi không muốn điện thoại cho ông Trump bởi vì ở đó có bà Melania. Và tôi không muốn gây ra ghen tuông hay những chuyện như vậy, vì cơ bản tôi là vợ cả của ông Trump, đúng không. Tôi mới chính là đệ nhất phu nhân.”
Bà Ivana nói tiếp với nội dung được cho là để chê bai bà Melania: “Tôi có thể bình ổn Nhà Trắng trong vòng 14 ngày hay không? Chắc chắn là được. Tôi có thể phát biểu 45 phút mà không cần máy ‘nhắc tuồng’ hay không? Dư sức. Tôi biết đọc hợp đồng không? Tôi biết đàm phán không? Hoàn toàn thừa sức. Nhưng tôi thực sự không muốn ở đó. Tôi muốn tự do.”
Hồi ký sắp phát hành của bà Ivana kể về chuyện bà sinh ra và lớn lên dưới chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc cũ, rồi bà kết hôn với người sẽ trở thành tổng thống Mỹ, và quá trình nuôi dạy ba đứa con – Donald Jr., Ivanka và Eric Trump.
Trong điều bà nói “muốn tự do,” bà còn ám chỉ đến việc bà từ chối đề nghị của tổng thống Cộng hòa Czech muốn bà là đại sứ Mỹ ở Czech.
Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình ”Good Morning America,” bà Ivana nói: “Donald điện thoại cho tôi và nói nếu tôi muốn chức vụ đó, thì ông ấy sẽ trao cho tôi chức vụ đó, nhưng tôi nói ‘không, Donald à. Tôi muốn tự do.” - VOA
|
|
11.
Nhiều quan chức Mỹ bị điều tra về phí di chuyển tốn kém
Hôm nay 10/10/2017, Ủy ban giám sát Hạ Viện Hoa Kỳ công bố các chi tiết về phí tổn đi công tác của khoảng 20 lãnh đạo cơ quan chính phủ. Yêu cầu này được đưa ra sau vụ bộ trưởng Y Tế phải từ chức do đã chi gần một triệu đô la cho những chuyến đi bằng máy bay riêng hoặc phi cơ quân sự. Có ít nhất năm quan chức cao cấp Mỹ đang bị điều tra về tiêu tốn những số tiền lớn cho việc di chuyển.
Thông tín viên RFI tại Washington Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
« Tổng thống Mỹ đã khẳng định là các tranh luận đã dẫn đến việc bộ trưởng Y Tế phải từ chức sẽ không tái diễn. Nhưng nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền vẫn luôn là đích nhắm.
Ông Rick Perry, bộ trưởng Năng Lượng ; ông Ryan Zinke, bộ trưởng Nội Vụ ; và ông Scott Pruitt, người lãnh đạo Cơ quan bảo vệ môi trường, đang bị điều tra hành chính về những vụ di chuyển tốn kém.
Bản thân phó tổng thống cũng không tránh được những phê phán. Chuyến đi của ông Mike Pence hôm Chủ nhật giữa Las Vegas và Indianapolis để dự khán một trận bóng đá, mà ông chỉ ở lại có vài phút rồi lại đi Los Angeles, đã tổn phí trên 240.000 đô la.
Những chi phí không thể chấp nhận được của một chính phủ gồm nhiều tỉ phú, có nguy cơ đào sâu thêm hố ngăn cách giữa ông Donald Trump và lớp cử tri bình dân của ông. Tổng thống đã nhiều lần hứa hẹn sẽ ngăn chận nạn lãng phí công quỹ. Nhà Trắng còn cẩn thận nhắc lại những quy tắc mà các viên chức chính phủ phải tuân theo : phải ưu tiên đi những chuyến bay thương mại bình thường khi nào có thể". - RFI
|
|
12.
TT Trump ngụ ý thông minh hơn Ngoại Trưởng Tillerson
Tổng Thống Donald Trump, trong cuộc phỏng vấn đăng tải hôm Thứ Ba nói rằng nếu quả thật ông Tillerson có gọi ông là “kẻ ngốc,” như truyền thông loan tải, thì hai người nên có cuộc tỉ đấu “chỉ số thông minh” (IQ).
“Và tôi có thể nói ngay rằng ai sẽ là người chiến thắng,” ông Trump cho tạp chí Forbes hay.
Mối quan hệ căng thẳng giữa ông Trump và ông Tillerson bùng ra trước công chúng hồi tuần qua.
Một bản tin của NBC News nói rằng Phó Tổng Thống Mike Pence vài tháng trước đây phải khuyên can ông Tillerson bỏ ý định từ chức ngoại trưởng, và ông Tillersonn có lần gọi ông Trump là “kẻ ngốc” trong một cuộc họp với các giới chức an ninh quốc phòng ở Ngũ Giác Đài.
Sau khi bản tin này được loan ra, Ngoại Trưởng Tillerson nhanh chóng triệu tập cuộc họp báo, cho hay ông không hề có ý định từ chức, nhưng lại không bác bỏ hoặc thừa nhận nguồn tin cho rằng ông tỏ ý coi thường ông Trump.
Sau đó, một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao cho hay ông Tillerson không bao giờ dùng loại ngôn ngữ này.
Tổng Thống Trump nhiều lần có vẻ tìm cách xen vào trong lúc Ngoại Trưởng Tillerson đưa ra các thông điệp liên quan đến những thử thách an ninh quốc gia hệ trọng nhất của Mỹ, gồm cả vấn đề Iran và Bắc Hàn.
Ông Tillerson cũng từng công khai than phiền rằng Tòa Bạch Ốc ngăn cản không để ông bổ nhiệm nhân sự vào các chức vụ quan trọng trong Bộ Ngoại Giao.
Tuy vậy, tuần qua ông Trump nói với báo chí rằng ông “hoàn toàn tin tưởng” vào vị ngoại trưởng của mình.
Ông Trump cùng ông Tillerson có bữa ăn trưa ngày Thứ Ba tại Tòa Bạch Ốc với Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
13.
Phiên xử cựu Đại biểu Quốc hội: Tín hiệu âm thanh bị mất ‘đúng quy trình’
Tín hiệu âm thanh từ phòng xử án ngày 9/10 mất đột ngột đến 2 lần khi cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và luật sư nói về 12 tỷ đồng “chạy” dự án. Cộng đồng mạng gọi đây là sự cố “tắt đúng quy trình”, trong khi một luật sư từ Việt Nam cho đây là điều “rất không hay” cho hình ảnh của tòa án Việt Nam.
Theo Tiền Phong, trong phiên xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua dự án B5 Cầu Diễn, khi cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga khai đến số tiền “chạy” ghế đại biểu quốc hội, tín hiệu âm thanh từ phòng xử sang phòng báo chí bị tắt đột ngột, chỉ còn lại phần hình ảnh. Đáng ngạc nhiên là tín hiệu âm thanh lại tiếp tục “mất lần hai” khi luật sư nói đến 12 tỷ đồng “chạy” dự án.
Một trong những nhân chứng có mặt trong phòng xử, Luật sư Trương Anh Tú, nói với VOA rằng ông không hay biết gì về chuyện này.
“Bản thân tôi là người bào chữa trong phiên tòa thì thấy không khí diễn ra một cách bình thường. Hội đồng xét xử rất dân chủ. Không gian để luật sư làm việc trong vụ này tương đối thoải mái. Còn ở phía ngoài thì tôi không rõ tình huống xảy ra thế nào”.
Trong khi đó, Luật sư Trần Vũ Hải, người theo dõi sát và có nhiều ý kiến được quan tâm về vụ án, diễn giải sự việc:
“Các nhà báo ngồi ở phòng khác. Còn các luật sư ngồi ở phòng có bị cáo. Cho nên cho dù có hay không thì mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, người ta sẽ lập luận rằng vấn đề kỹ thuật này chỉ xảy ra đối với phòng có các nhà báo thôi. Đó là vấn đề kỹ thuật, còn việc xét xử chúng tôi vẫn làm đầy đủ”.
Theo cáo trạng, bà Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản để thực hiện một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn và chi hoa hồng cho môi giới, chi hơn 80 tỷ đồng cho mục đích cá nhân và hoạt động của công ty Housing Group do bà đứng đầu. Ngoài ra, Housing Group còn thực hiện một số dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tin cho hay bà cựu đại biểu Quốc hội đã thu của khách hàng hơn 377 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án xây dựng ở Hà Nội. Trong đó, có 157 tỷ sử dụng không có chứng từ. Theo Vietnamnet, bà Nga khai ngoài số tiền đã chi cho 2 nguyên Phó Tổng Giám đốc Housing Group, bà đã chi 47,7 tỷ đồng để “chạy” dự án và để được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13.
Trong một video đăng trên trang mạng của Zing ngày 10/10, bà Nga đã đề nghị “làm rõ vấn đề tội danh” và "trong bản án có những vấn đề chưa khách quan". Bà nói: “Tôi khẳng định tôi cùng tất cả 9 bị cáo ở đây, chúng tôi không lừa đảo, chúng tôi không chiếm đoạt tài sản, nên tôi đề nghị Hội đồng Xét xử làm rõ giùm tôi thực chất vấn đề này là gì”.
Trong phiên xử trước đó vài ngày, khi bà Châu Thị Thu Nga xin khai về số tiền 30 tỷ đồng (tương đương 1,5 triệu đôla) mà bà “chạy” chức bà nghị, tín hiệu âm thanh trong phòng báo chí cũng bị mất.
Trên mạng xã hội, một số người nói tín hiệu âm thanh trong phòng xử bà Nga đã “tắt đúng quy trình”, trong khi nhiều người khác tỏ ý nghi ngờ về những chi tiết “nhạy cảm” của vụ án có thể đã bị ngăn chặn để tránh hậu quả lớn.
Từ Hà Nội, LS. Trần Vũ Hải cho rằng đây là một điều “rất không hay” cho hình ảnh của tòa án Việt Nam.
Ông nói: “Vụ này khiến người ta nhớ lại nhiều vụ án khác nhạy cảm hay liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng. Phải chăng người ta ngại rằng có những thông tin nào đó nhạy cảm lọt ra ngoài, các nhà báo sẽ đăng lên Facebook hoặc trên báo chí thì sẽ là phốt. Tức là chúng ta suy đoán rằng có sự lo ngại về vấn đề đấy, nhưng chúng ta không có bằng chứng. Tuy nhiên nếu việc này xảy ra nhiều, người ta sẽ nghi ngờ rằng phía tòa án đã có lệnh của ai đó, không muốn thông tin đầy đủ của vụ án bị đưa ra ngoài”.
Hội đồng Xét xử vụ án nói lý do không để bà Nga và luật sư đề cập đến số tiền 157 tỷ đã sử dụng là vì hết thời hạn điều tra.
LS. Trương Anh Tú giải thích thêm về yếu tố “vướng” này:
“Thời hạn điều tra trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như thế này thì cũng chỉ được phép diễn ra hơn 1 năm thôi. Mà vụ án này đã điều tra đến hai năm, họ không thể ngâm hồ sơ mãi đến 3, 4, 5 năm rồi mới giải quyết được. Cho nên xét về mặt hình thức, một số nội dung có thể được tách ra để giải quyết trong một vụ án khác để tránh việc xâm phạm thời hạn điều tra trong tố tụng hình sự. Còn về mặt nội dung thì nói chung là phức tạp”.
Trong khi đó, LS. Trần Vũ Hải cho rằng việc tách riêng nội dung có liên quan đến việc “chạy” dự án và ghế Quốc hội là không đúng.
“Đúng ra phải có cái quyết định tách của ban điều tra. Nhưng theo tôi được biết, không có quyết định tách này. Quyết định bằng văn bản ra quyết định tách, căn cứ theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự, hoặc khởi tố vụ án khác về vụ đưa nhận hối lộ là không có. Cho nên việc thẩm phán dựa vào các văn bản của cơ quan điều tra mà lại không đúng theo trình tự thủ tục tố tụng thì theo tôi là không đúng”.
Theo ông, các luật sư và các bị cáo có thể khiếu nại về việc này.
Trong bài viết trên trang Facebook cá nhân, LS. Trần Vũ Hải nói “việc bà Nga chạy dự án (cùng việc chạy ghế bà nghị) cũng liên quan mật thiết đến vụ án này, để xác định nguyên nhân, sự thật của vụ án”.
Theo ông, lời khai của bị cáo, vốn là người trong cuộc, cần phải được tôn trọng, nhất là khi Đảng và Nhà nước Việt Nam đang “kêu gào chống tham nhũng, đặc biệt trong chạy chức, chạy dự án”. - VOA
|
|
14.
Châu Âu ‘ngầm’ gây áp lực lên Việt Nam?
Nhiều đại sứ quán các nước châu Âu tỏ ra hậu thuẫn Đức trong nỗ lực buộc Việt Nam phải “xin lỗi” vì “phá vỡ lòng tin”, gây lo ngại về hệ lụy kinh tế với một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội.
Các phái đoàn ngoại giao của nhiều nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) như Pháp, Thụy Điển, Italia, hay Bỉ mới đây đã đồng loạt đăng lại một tuyên bố từ trang Facebook của cơ quan đại diện ngoại giao của Đức ở Hà Nội, trong đó Berlin nêu ra một loạt các yêu cầu sau vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh như “cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai”, nhưng không được Việt Nam đáp ứng, buộc chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel “tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” cũng như “trục xuất thêm” một nhà ngoại giao.
Trên Facebook, đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội hôm 22/9 đã đăng lại dòng trạng thái này, kèm theo bình luận: “Tuyên bố mạnh mẽ của Đức về mối quan hệ song phương, và với vai trò là một thành viên của EU, Thụy Điển ủng hộ những quan ngại hợp pháp của Đức, thúc giục Việt Nam tìm một giải pháp mang tính xây dựng”.
Bà Victoria Rhodin Sandström từ Đại sứ quán Thụy Điển sau đó nói với VOA tiếng Việt rằng “là một thành viên của Liên hiệp châu Âu, việc đại sứ quán Thụy Điển chia sẻ thông tin từ các đại sứ quán EU khác ở Hà Nội là lẽ tự nhiên”.
Bà nói thêm rằng “Thụy Điển là một đối tác và bạn hữu truyền thống vững mạnh của Việt Nam, và điều quan trọng đối với chúng tôi là khuyến khích chính phủ Việt Nam tìm ra một giải pháp liên quan tới các vấn đề song phương giữa Đức và Việt Nam”.
“Chúng tôi cảm thấy khích lệ vì có một cuộc đối thoại tiếp diễn giữa Việt Nam và Đức”, bà Sandström nói.
Tới tối ngày 10/10, cả phía Việt Nam và Đức chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về các bước đi tiếp theo, sau tuyên bố hôm 22/9 của Berlin mà chính phủ của bà Angela Merkel khẳng định “bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác”.
Trong một diễn biến mới nhất, trang Facebook của Đại sứ quán Đức hôm 7/10 đăng toàn văn bài trả lời phỏng vấn với tờ Vietnam Investment Review (VIR) của ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ kiêm Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Tờ VIR dường như đã bỏ không in đoạn cuối, trong đó ông Manig nói về việc hai chính phủ hiện “đối mặt với một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng xuất phát từ việc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế, và vì thế, vi phạm các giá trị cơ bản của châu Âu”.
Người phỏng vấn cũng đặt câu hỏi về việc Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), vốn đang trong giai đoạn cuối rà soát pháp lý, chuẩn bị hướng tới ký kết và phê chuẩn, ảnh hưởng ra sao tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức ở Việt Nam.
Động thái trên của các nước châu Âu khiến một số nhà quan sát cho rằng nhiều khả năng châu Âu cũng sẽ vào cuộc trong vụ Trịnh Xuân Thanh, nhất là liên quan tới EVFTA.
Nhưng tháng trước, báo Tuổi Trẻ trích lời nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, trả lời báo chí trong nước ở Hà Nội rằng Hiệp định thương mại VN - EU “không chịu áp lực chính trị nào”.
Theo thông tin từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, năm 2016, EU là một trong những thị trường ngoài nước quan trọng nhất của Việt Nam (EU xếp thứ hai sau Mỹ). EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Phái đoàn này cho rằng “khoản thặng dư thương mại liên tục gần 22,9 tỷ USD mà Việt Nam có được trong giao thương với EU giúp cân bằng đáng kể thâm hụt thương mại khổng lồ của Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc và dẫn tới kết quả thặng dư thương mại khoảng 2,68 tỷ USD” nên “2016 đánh dấu một năm nữa mà trong đó Việt Nam có được thặng dư thương mại kỷ lục với EU”. - VOA
|
|
15.
Việt Nam-Singapore đối thoại quốc phòng
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Singapore vừa có buổi Đối thoại Chính sách Quốc phòng trong 2 ngày, 9 và 10/10, tại Hà Nội, theo tin từ TTXVN. Trong buổi đối thoại, Việt Nam cam kết sẽ ủng hộ và hợp tác với Singapore khi nước này nắm chức vụ Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới.
Đứng đầu đoàn Việt Nam là Thứ trưởng Quốc phòng-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Đoàn Singapore do Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Chan Yeng Kit dẫn đầu.
Hai bên đã trao đổi về tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đồng ý tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược qua các hoạt động trao đổi và kế hoạch hợp tác giữa hai quân đội. Đại diện quân sự của hai nước cũng đồng ý sẽ “ủng hộ lẫn nhau” trên các diễn đàn đa phương và củng cố tình đoàn kết trong khối ASEAN.
Năm tới, Singapore sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Phía Việt Nam cam kết sẽ phối hợp và ủng hộ Singapore trong chức vụ này.
Thời gian gần đây, dưới quyền Chủ tịch của Philippines, ASEAN biểu lộ nhiều bất đồng trong khối, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.
Hồi tháng 8, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết trong khi Singapore đang chuẩn bị để nắm giữ chức Chủ tịch ASEAN, Trung Quốc đang gây áp lực lên nước này để đảm bảo Bắc Kinh không phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mới về hành động của họ ở Biển Đông.
Các nhà ngoại giao cho rằng Bắc Kinh thường sử dụng ảnh hưởng của mình trên các quốc gia nắm chức Chủ tịch để xoa dịu lập trường của khối 10 nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông.
Mặc dù Singapore không phải là một bên tranh chấp, nhưng theo Reuters, Bắc Kinh lo ngại Singapore có thể sử dụng chức Chủ tịch luân phiên ASEAN để “quốc tế hóa” chuyện Biển Đông, trong khi Trung Quốc chỉ muốn giới hạn vấn đề này giữa các nước có liên quan trực tiếp.
Singapore và Việt Nam bắt đầu có quan hệ ngoại giao từ 1/8/1973.
Về mặt an ninh, quốc phòng, hai bên đã ký Văn bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng vào tháng 9/2009. Theo đó, cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng và Nhóm làm việc chung đã được tổ chức thường xuyên. - VOA
|
|
16.
Air France và Việt Nam Airlines liên doanh bay chặng dài
Hãng hàng không Air France KLM SA vừa ký một thỏa thuận với Công ty Cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), theo đó hai hãng sẽ phối hợp lịch bay để cung cấp các chuyến bay kết nối tốt hơn cho khách hàng, theo tuyên bố chung do hai hãng hàng không công bố hôm thứ Ba 10/10.
Hai bên cho biết thỏa thuận mới sẽ bắt đầu từ tháng 11, xây dựng thêm từ các chuyến bay liên danh (còn gọi là codeshare) đã có từ năm 2010. Hai hãng hàng không sẽ phối hợp lịch bay để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ông Franck Terner, Tổng Giám đốc Air France nói:
"Hiện vẫn còn áp lực về giá cả trên các tuyến bay về hướng đông. Liên doanh với Vietnam Airlines sẽ giúp chúng tôi củng cố vị thế của mình và giảm bớt áp lực về giá cả."
Hãng Air France cũng đang điều đình để hợp tác chặt chẽ hơn với hãng hàng không Ấn Độ Jet Airways, là hãng cũng có các chuyến bay liên danh với Air France từ năm 2016.
Công ty mẹ của Air France-KLM, Air France, đang tìm cách củng cố vị thế của mình trên các thị trường có chặng bay dài, để có thể cạnh tranh với các hãng hàng không vùng Vịnh.
Hãng vừa tung ra một đường bay giá rẻ, Joon, bay những chặng ngắn và dài, và vào tháng 7 hồi phục liên minh Bắc Đại Tây Dương trong một hợp đồng ba bên với hãng Delta và Virgin Atlantic. - VOA
|
|
17.
Báo VN cắt phần Phó Đại sứ Đức nói về 'khủng hoảng lòng tin'
Bộ Ngoại giao Đức tiếp tục khẳng định các hồi đáp của chính phủ Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh là 'vô căn cứ và không đầy đủ', trong lúc Phó Đại sứ Wolfgang Manig nói quan hệ Việt - Đức 'khủng hoảng lòng tin sâu sắc'.
"Chính phủ Đức đã nêu rõ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh là vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và quốc tế, và điều này sẽ không được chấp nhận. Chúng tôi đã chuyển các yêu cầu của phía Đức đến Chính phủ Việt Nam vài lần và nói rõ rằng chúng tôi bảo lưu quyền đưa ra những biện pháp phù hợp," một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Đức nói với BBC Tiếng Việt hôm 9/10.
"Cho tới nay, các hồi đáp của chính phủ Việt Nam là vô căn cứ và không đầy đủ. Vì thế, quan điểm của chúng tôi là không thay đổi," nguồn tin này tái khẳng định chủ trương Đức tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Cũng trong ngày 9/10, tờ báo bằng tiếng Anh Vietnam Investment Review (VIR) đăng bài phỏng vấn ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ kiêm Tham tán Kinh tế Đại Sứ quán Đức tại Hà Nội.
Tuy nhiên, VIR bỏ không đăng đoạn cuối về căng thẳng ngoại giao Việt -Đức.
Trong bài phỏng vấn, ông Phó Đại sứ Đức trả lời nhiều câu hỏi về quan điểm của các công ty Đức về Việt Nam, vốn coi đây là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Ông Manig cũng nói về Hiệp định Tự do Thương mại EU -Việt Nam (EVFTA).
Tuy nhiên, phần trả lời cho câu hỏi cuối cùng, trong đó ông Manig nhắc tới "cuộc khủng hoảng sâu sắc về lòng tin" giữa chính phủ hai nước Đức -Việt, đã bị cắt bỏ hoàn toàn khỏi bài đăng trên VIR.
Phần hỏi - đáp này sau đó đã được đăng trọn vẹncùng các nội dung khác của cuộc phỏng vấn trên trang Facebook của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Trước câu hỏi "Ông có khuyến nghị gì cho chính phủ Việt Nam để các nhà đầu tư Đức có thể hoạt động tốt hơn ở Việt Nam?", ông Manig nói:
"Tôi không phải đưa ra khuyến nghị cho chính phủ Việt Nam. Mỗi nước phải phát triển một hệ thống mà người dân nước họ có thể chấp nhận được. Tôi không thể áp đặt một mô hình nước ngoài. Nhưng chúng tôi, Liên hiệp Châu Âu và các nước thành viên trong đó có Đức hết sức quan tâm đến việc Việt Nam tiếp tục là một đối tác năng động và luôn luôn thịnh vượng."
"Hiện nay, chính phủ Đức và chính phủ Việt Nam đang đối mặt một cuộc khủng hoảng sâu sắc về lòng tin xuất phát từ việc vi phạm luật quốc tế và do đó vi phạm những giá trị cốt lõi của Châu Âu. Chúng tôi trông đợi rằng chính phủ Việt Nam, cùng với Đảng [Cộng sản Việt Nam] sẽ có những hành động cụ thể để thuyết phục phía Đức rằng Việt Nam vẫn là một đối tác đáng tin cậy."
"Tôi chắc rằng, khi lòng tin đã được phục hồi, điều đó sẽ có kết quả tích cực đến hoạt động của các công ty Đức tại Việt Nam và các đối tác thương mại Việt Nam tại Đức."
Hôm 22/9, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo báo chí, tuyên bố Berlin "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam.
Cho đến nay, đã có hai nhà ngoại giao tại Đại Sứ quán Việt Nam ở Berlin bị trục xuất sau cáo buộc của Đức theo đó nói Việt Nam đã tiến hành vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn EVFTA vào năm 2018.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, sau khi chính quyền Đức liên tiếp công khai các tuyên bố trừng phạt Việt Nam, gồm cả việc "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" thì tương lai của EVFTA đang bị đặt câu hỏi.
VIR là tờ báo bằng tiếng Anh ra đời năm 1991, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư hiện nay là ông Nguyễn Chí Dũng. - BBC
|
|
18.
Bầu cử lãnh đạo UNESCO: Ứng cử viên VN ít phiếu nhất
UNESCO vừa tiến hành cuộc bầu cử lãnh đạo mới vào đầu tuần này, với bảy ứng cử viên từ các nước Ai Cập, Azerbaijan, Libăng, Pháp, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy được báo chí truyền thông Việt Nam đánh giá cao sau cuộc phỏng vấn ứng tuyển hồi tháng Tư, Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam chỉ giành được 2 phiếu bầu, thấp nhất cùng hạng với Azerbaijan.
Sau vòng bầu cử đầu tiên, không ứng cử viên đạt đủ số phiếu quyết định tức 30/58 phiếu. Hội đồng sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng hai vào cuối buổi họp hôm 10/10.
Trong số bảy ứng cứ viên, đại diện của Qatar, Hammad bin Al-Kawari dành số phiếu cao nhất với 19 phiếu.
Ứng cử viên của Pháp được 13 phiếu, Ai Cập theo sau với 11 phiếu, Libăng được 8 phiếu và Trung Quốc được 5 phiếu.
UNESCO là một tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, vốn được biết đến với việc cấp chứng chỉ di sản thế giới cho các địa danh nổi tiếng. Theo phóng viên Imogen Foulkes của BBC ở Geneva, UNESCO vốn đang bị chỉ trích là quản lý kém và bị chính trị hóa.
Tổng giám đốc hiện tại, bà Irina Bukova sẽ nhượng chức sau khi hoàn thành hai nhiệm kỳ 4 năm.
Khi được hỏi những phẩm chất quan trọng nhất mà người kế nhiệm bà cần phải có là gì, bà nói: "Khả năng gây quỹ và đoàn kết các thành viên."
Tờ France24 nhận định, việc đứng đầu một tổ chức danh giá như UNESCO sẽ giúp một quốc gia nâng cao uy tín và mở rộng sự ảnh hưởng lên các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc.
Trong lịch sử 72 năm của UNESCO, chưa một quốc gia Trung Đông nào nắm vị trí lãnh đạo. Nhưng trong đợt bầu cử lần này, hai nước từ Trung Đông là Ai Cập và Qatar cho rằng đã "đến lượt" họ.
Theo France24, hai đại diện của hai quốc gia này và Đường Kiền của Trung Quốc là ba ứng cử viên "được yêu thích nhất". Tuy nhiên, việc ứng cử của Trung Quốc gây ra nhiều nghi vấn cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng sự thiếu vắng của Hoa Kỳ để gia tăng mức ảnh hưởng ở Liên Hiệp Quốc nói chung, không chỉ UNESCO.
Tuy nhiên bài báo này của France24 không đề cập đến ông Sanh Châu cũng như triển vọng của ông trong cuộc bầu cử này.
Hồi tháng Tư, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về Việt Nam có một ứng cử viên vào vị trí Tổng giám đốc UNESCO. Truyền thông trong nước đánh giá cao phần trả lời của ông Phạm Sanh Châu trong phần phỏng vấn ứng tuyển.
Tuy nhiên, phần dự thi của ông được nhiều cư dân mạng chú ý hơn về chuyện có sản phẩm đồ uống của một doanh nghiệp Việt Nam được đặt trên bàn, bên cạnh chai nước mà ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn cho các ứng viên.
Theo báo Dân Trí, ông Đại sứ giải thích rằng ông "muốn giới thiệu cái gì đó của Việt Nam trong phần thi nhưng khó chọn quá".
"Đầu tiên ông định chọn áo dài truyền thống nhưng không được phép vì ban tổ chức cho rằng nó sẽ tạo ra ấn tượng quá nổi bật. Cuối cùng ông chọn hai chai nước trà xanh và trà thanh nhiệt ông mang theo trong suốt chuyến công tác," báo Dân Trí viết. - BBC
|
|
19.
Chống tham nhũng và đấu đá nội bộ
Ngày 4/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 của đảng cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội. Theo truyền thông trong nước, hội nghị này sẽ bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, dân số, y tế, và không thể thiếu vấn đề nhân sự nội bộ đảng.
Kỷ luật quá nhẹ
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6 của đảng cộng sản Việt Nam, một loạt “đại án” tham nhũng được đem ra xét xử, nhiều bị can bị bắt giữ thêm và hàng loạt quan chức các cấp bị kỷ luật đảng vì nhiều sai phạm, trong đó có bí thư thành ủy và chủ tịch thành phố Đà Nẵng.
Theo nhà văn Nguyễn Nguyên Bình – một cán bộ đã nghỉ hưu, vấn nạn tham nhũng đã có hàng chục năm nay, gây bức xúc trong nhân dân và giới lão thành cách mạng, gây nên nhiều hệ lụy cho đất nước. Bà Nguyên Bình cho rằng, để chống tham nhũng cần phải đạt được ít nhất hai mục tiêu. Thứ nhất, là phải trừng phạt được những quan chức tham nhũng và thứ hai, là phải thu hồi được số tài sản bị thất thoát do tham nhũng. Tuy nhiên, bà đánh giá cả hai mục tiêu này cho đến nay đều không đạt được:
“Một là những hình thức kỷ luật các ông ấy là quá nhẹ, thậm chí về mặt đảng thì cũng chưa ai khai trừ đảng. Đáng lẽ những tội ấy phải chịu trách nhiệm hình sự và truy tố thì không thấy ai bị truy tố cả. Thế thì những cái ấy không có tác dụng răn đe gì cả, những người chưa tham nhũng thì họ cũng chẳng sợ. Cái thứ hai là tịch thu tài sản mà họ đã tham nhũng, thì chưa thấy báo chí nói đã tịch thu đồng nào để đưa vào ngân sách cả."
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết, nguyên trưởng ban Dân vận của đảng cho rằng, các cơ quan chống tham nhũng của Đảng được lập ra và hoạt động không dựa trên bất cứ cở sở pháp lý nào; công cuộc chống tham nhũng là “đánh trống bỏ dùi”, “nửa vời”:
“Phải thay đổi cơ cấu, cơ chế về luật pháp, phải có tòa án độc lập, phải thật sự có một ngành công an tài đức dụng, thì mới chống tham nhũng được. Còn nhà báo viết bài chống tham nhũng thì bị bỏ tù thì làm thế nào chống tham nhũng được.”
Bà Nguyên Bình nhận định, cuộc chiến chống tham nhũng hay kỷ luật trong nội bộ đảng có liên quan đến sự đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe cánh trong đảng, đặc biệt được sử dụng trong các hội nghị trung ương:
“Anh nào cũng tham nhũng, nhưng mà không phải phe của mình thì mới chống, mới đánh. Ví dụ một vụ rất lớn là vụ thuốc giả ở Bộ y tế làm ảnh hưởng cộng đồng thì chưa thấy nói gì cả. Trong khi đó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chỉ vì tội dùng bằng giả và một số tội khác, chẳng biết tội ai nặng hơn ai, nhưng mà ông Xuân Anh lại bị đánh.”
Theo bà Nguyên Bình, kết quả của Hội nghị Trung ương 6 lần này khó dự đoán, bởi đây là sự cạnh tranh về quyền lực và lợi ích giữa các phe, chứ không phải về vấn đề tư tưởng và quan điểm:
“Trước kia, trong nội bộ cấp cao của đảng cũng có một vài phe phái, nhưng người ta cảm nhận được nó rõ và nó ít thôi. Và cái sự đấu tranh của người ta cũng còn kín đáo, thế nhưng đến gần đây thì tôi cảm nhận là cò rấ nhiều phe và họ đấu tranh với nhau có vẻ cũng lộ liễu. Nhưng mà cũng như dân gian nói là không biết mèo nào cắn miểu nào? Có người họ nói phe này mạnh, có người nói phe kia mạnh. Có người lại nói anh này trước ở phe này nhưng giờ lại chạy sang phe kia. Có nhiều biến đổi nên khó dự đoán.”
Kịch bản thỏa hiệp
Tuy khó dự đoán về kết quả, nhưng theo nhà văn Nguyên Bình, có một kịch bản thỏa hiệp giữa các phe trong nội bộ đảng có thể sẽ diễn ra trong hội nghị lần này:
“Thường thường, bao nhiêu cuộc đấu tranh thì nó cứ đấu tranh đến đoạn lưng chừng thì lại thỏa hiệp, từ trước đến nay chưa có cuộc đấu tranh nào đến nơi đến chốn cả. Hai bên đánh nhau như là giết nhau đến nơi, nhưng rồi lại thỏa hiệp thì chịu, không thể dự đoán được.”
Trước Hội nghị trung ương 6, ông Nguyễn Trung – cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, đã có một bản kiến nghị cải cách chính trị gửi tới các lãnh đạo cấp cao của Đảng. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận định, nếu như đảng cộng sản không “tỉnh ngộ”, nghe theo các kiến nghị cải cách về thể chế, chính trị, pháp luật, xây dựng xã hội dân sự thì sẽ “mua dây buộc mình”, mất lòng tin của người dân. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai không tin rằng hội nghị này sẽ lắng nghe những ý kiến như của ông Nguyễn Trung:
“Cho nên có người hoan nghênh Nguyễn Trung, nhưng cũng có người người chê, nói ông tầm phào, không thấy sự thật. Nhiều cán bộ lão thành cách mạnh, kể cả cưu ủy viên bộ chính trị nói với tôi rằng ‘nói với họ như nói với đầu gối’ họ không có nghe đâu.”
Trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước như chiếc lò đang nóng hừng hực với công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, sự cạnh tranh trong nội bộ đảng, bên cạnh là những yếu tố về kinh tế, quan hệ ngoại giao với Đức và EU, theo bà Nguyên Bình đánh giá, những điều này tác động xấu đến tình hình đất nước:
“Bởi vì tình hình đất nước đứng trước hai nguy cơ, một là kinh tế tụt hậu, hai là nguy cơ ngoại xâm. Nhưng họ không tập trung giải quyết hai nguy cơ đấy mà lo tranh quyền đoạt lợi lẫn nhau thì làm sao mà không ảnh hưởng đến đất nước.”
Bà Nguyên Bình nhắc lại đề nghị từng được nhiều người đưa ra là để chống được cả ngoại xâm và tham nhũng, Việt Nam cần phải dân chủ hóa đất nước, đổi mới chính trị, tôn trọng sự đa nguyên, áp dụng tam quyền phân lập, và thực sự tôn trọng các quyền của công dân. - RFA
|
|
20.
Biểu diễn thời trang nhạo báng tôn giáo: Nên hay Không?
Một buổi biểu diễn thời trang tại Fame Club, ở Hà Nội vào gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng Công giáo và dư luận vì bị cho là có hành vi xúc phạm tôn giáo một cách nghiêm trọng.
Phỉ báng tôn giáo
Buổi trình diễn thời trang vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club, ở quận Hòan Kiếm, Hà Nội do một nhóm thanh niên nam nữ biểu diễn với trang phục hở hang kèm theo các biểu tượng của Công giáo. Họ đeo chuỗi mân côi, đội khăn giống nữ tu, nhưng phô bày thân thể trong trong các bộ đồ nội y, thậm chí có “người mẫu” nam đính hình cây Thánh giá bên phần hông trái, ngay cạnh bộ phận nhạy cảm của cơ thể.
Đài RFA ghi nhận rất nhiều giáo dân Công giáo lẫn cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ trước những hình ảnh trong buổi trình diễn thời trang vừa nêu vì họ cho rằng đây là một sự khiêu khích và nhục mạ trắng trợn đối với những người có niềm tin vào Thiên Chúa.
Linh mục Giu-se Đinh Hữu Thoại từ Sài Gòn cho biết sự phẫn nộ của dư luận bởi lẽ:
“Rõ ràng ngay cả những người không phải Ki-tô giáo cũng phẫn nộ với những hình ảnh đó; huống chi là những người theo đạo Ki-tô. Đối với niềm tin của họ thì thánh giá và các tu phục của người tu hành là những cái thiêng liêng, không thể nào đem ra đùa giỡn được. Còn ở đây, họ không chỉ đùa giỡn mà họ còn phỉ báng bằng cách là họ cố tình sử dụng các biểu tượng của Ki-tô giáo: thánh giá, chuỗi mân côi và các phẩm phục của tu sĩ nam nữ. Cái lúp của các soeur thì họ đội trên đầu, nhưng áo thì họ mặc với kiểu bikini rất phản cảm rồi còn nhảy nhót. Những hình ảnh như vậy không thể nào chấp nhận được.”
Trên các trang mạng xã hội, nhiều giáo dân Công giáo kêu gọi chính quyền phải xử lý vụ việc đến nơi đến chốn. Vì nếu như không thì đó là bằng chứng của bước tiếp theo nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng hình thức tấn công nhắm vào Công giáo bằng tư tưởng và văn hóa sau các đợt côn đồ mang danh “Cờ Đỏ” gây rối, đập phá, đe dọa các linh mục, nhà thờ và giáo xứ như ở Giáo hạt Đông Tháp, tỉnh Nghệ An hay Giáo xứ Thọ Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, một giáo dân Công Giáo viết trên Facebook rằng “Việt Nam đã ký kết vào Công ước Quốc tế và có các điều luật chống việc xâm phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng. Tuy nhiên, trong thực tế thì tình trạng kỳ thị và hạn chế quyền tự do tâm linh lại phổ biến đến mức được bảo kê”.
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trong mấy ngày qua, rất nhiều người lên tiếng đề nghị yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi phỉ báng tôn giáo như thế của nhóm thanh niên “người mẫu” trong buổi biểu diễn vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club.
Đâu là tự do biểu đạt?
Báo Phụ Nữ Online vào ngày 10 tháng 10 dẫn lời của Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội, ông Tô Văn Động cho biết đã nắm được thông tin vụ việc và hiện đang chờ báo cáo kết quả kiểm tra nơi xảy ra sự việc. Ông Tô Văn Động nói rằng nếu như buổi trình diễn thời trang đúng như những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội thì Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội sẽ xử lý thỏa đáng và nghiêm khắc.
Mặc dù Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội nhanh chóng phản hồi trước sự bức xúc của cộng đồng giáo dân Công giáo cũng như của dư luận, một số người quan tâm thông tin vụ việc cho rằng không ủng hộ Sở Văn Hóa-Thông tin Hà Nội xử lý hành chính đối với hành vi này, một khi có kết quả điều tra xác đáng. Facebooker Phạm Lê Vương Các đăng tải chia sẻ trong ngày 10 tháng 10 trên tài khoản cá nhân, với bài viết có tựa đề “Đâu là ranh giới giữa tự do biểu đạt và sự phỉ báng tôn giáo?”, đã nhấn mạnh chức năng “thẩm định tư tưởng và cấp phép hoạt động nghệ thuật” của các cơ quan quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam bị lên án do trái với tiêu chuẩn của quyền tự do, vì thế không nên áp dụng “tiêu chuẩn kép” yêu cầu Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội tiếp tục dùng chức năng “thẩm định và cấp phép” để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng qua vụ việc liên quan buổi trình diễn thời trang tại Fame Club.
Facebooker Phạm Lê Vương Các viết rằng hy vọng vụ việc này sẽ có những tranh luận mạnh dạn, bình đẳng và cởi mở trên tinh thần dân chủ, không chỉ trên cộng đồng mạng mà ở cả tòa án, nhằm taọ nên một tiền lệ tốt trong việc đặt ra ranh giới rõ ràng hơn giữa quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo.
Một số những linh mục và giáo dân mà RFA tiếp xúc cũng có đồng quan điểm với Facebooker Phạm Lê Vương Các. Họ tin rằng tiếng nói của các tổ chức tôn giáo phản đối hình thức biểu diễn xúc phạm nghiêm trọng đến tín ngưỡng, tâm linh sẽ được mạnh mẽ hơn bằng việc khởi kiện các buổi biểu diễn nghệ thuật như thế.
Trong khi đó, không ít người theo dõi vụ việc khẳng định với Đài Á Châu Tự Do họ ủng hộ quyền tự do biểu đạt, đặc biệt trong tự do tư tưởng biểu diễn nghệ thuật, nhưng cần phải tuân thủ tiêu chuẩn chung của văn hóa Việt, như ý kiến của một cô giáo nghỉ hưu:“Dù rằng họ được sự cho phép muốn làm gì thì làm, nhưng họ phải dựa theo tiêu chuẩn chung; đó là đảm bảo mỹ quan, thuần phong mỹ tục và tôn trọng đối với tín ngưỡng của người khác.” - RFA
|
|
21.
Công an, quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng
Hai lực lượng công an và quân đội tại Việt Nam thường được ví như là ‘thanh kiếm, lá chắn’ bảo vệ đảng và chế độ.
Ban Chỉ đạo Xây dựng Đề án ‘tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả’ do Ban Bí Thư đảng cộng sản Việt Nam lập nên từ tháng 11 năm ngoái vừa qua có gợi ý với Quân Ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương có báo cáo tại Hội Nghị Trung ương 6 về việc bảo đảm cơ chế lãnh đạo và chấp hành sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng đối với quân đội và công an.
Giáo sư Zachazy Abuza, một chuyên gia Việt Nam thuộc trường đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, có nhận định liên quan về vai trò của đảng đối với hai lực lượng công an và quân đội ở Việt Nam hiện nay:
Tôi nghĩ cần phải hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay công an Việt Nam có rất ít quyền lực trong bộ Chính trị. Chỉ có ba thành viên của bộ Chính trị xuất thân từ Bộ Công an. Nhiều đối thủ của ông Tổng Bí thư nằm trong số này. Trong đó có cựu Thủ tướng người không còn nằm trong Bộ Chính trị hay Ủy ban Trung ương nhưng tay chân của ông ấy vẫn có nhiều ảnh hưởng với chính trị. Và ông Tổng Bí thư đã áp dụng cuộc chiến chống tham nhũng để bài trừ tay chân của ông này.
Về phía quân đội, giáo sư Zachary Abuza nói rằng không có bằng chứng rõ rằng về đối thủ chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng trong quân đội. Tuy nhiên, ông chỉ ra một nhân tố quân đội có thể tác động đến đương kim Tổng bí thư đó là việc quân đội khẳng định nhiệm vụ là bảo vệ quốc gia chứ không phải chế độ:
Vài năm trước, từng xuất hiện lời kêu gọi rằng quân đội phải bảo vệ đất nước chứ không phải bảo vệ Đảng. Trong khi đó lẽ ra quân đội Nhân dân Việt Nam phải giống Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là phải bảo vệ Đảng. Ấy vậy mà, Chính điều này đã làm nhiều lãnh đạo cao cấp lo lắng.
Từ Pháp, cựu đại tá Bùi Tín, người từng là đảng viên Đảng cộng sản hơn 4 thập niên và có 37 năm góp mặt trong Quân đội Nhân dân cho rằng việc Đảng muốn kiểm soát chặt chẽ công an và quân đội liên quan đến 3 chuyện đó là chiến dịch chống tham nhũng, việc thoát khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc và vấn đề công an đàn áp người dân. Trước hết ông phân tích về đề nghị “thoát Trung” của quân đội:
Vừa rồi ý kiến của quân đội và Đảng nói rằng ít nhất phải tách dần ra khỏi Trung Quốc, hay còn gọi là “thoát Trung” thế nhưng hiện nay chính sách của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là dính liền với Trung Quốc một cách chặt chẽ nhất và phụ thuộc vào Trung Quốc, để Trung Quốc chiếm đất đai, boxit, cao nguyên,… Người Trung Quốc cũng nhập vào Việt Nam rất đông đảo khắp các nơi. Các nhà máy lớn đều do Trung Quốc thầu hết mà làm thì không đến nơi đến chốn.
Gần đây trong dư luận xuất hiện nhiều ý kiến lên án việc Chính phủ Hà Nội quá nhún nhường Trung Quốc, đặc biệt là trong vụ việc công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng khoan thăm dò khí tại khu vực tranh chấp ở biển Đông. Nguyên nhân được giới lãnh đạo Repsol cho biết là Trung Quốc dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò.
Một nguyên nhân khác nữa, đại tá Bùi Tín cho rằng chiến dịch chống tham nhũng không được làm đến nơi đến chốn cũng gây bất bình trong giới công an, quân đội:
Chiến dịch chống tham nhũng của ông ấy cũng làm dở dang. Tất cả các đại án gần hết năm rồi mà chưa ra gì cả. Quân đội và công an dù sao cũng theo lòng dân, rất xao xuyến.
Vụ Trịnh Xuân Thanh cũng gây ra rắc rối với quốc tế nữa.
Giáo sư Abuza cũng nhắc đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh như một trường hợp Đảng không thể kiểm soát được các hoạt động và mối quan hệ của lực lượng an ninh:
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà ông ấy trốn khỏi đất nước được? Có ai đó mách nước cho ông ta không? Có quan chức an ninh nào thuộc Bộ Công an giúp đỡ ông ta hay không? Và mối quan tâm được nêu ra là chuyện những quan chức tham nhũng lợi dụng kết nối quan hệ để trốn khỏi đất nước.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị cho là đã làm thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng khi giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây lắp dầu khí PVC. Sau đó ông này trốn sang Đức xin tị nạn và bị Việt Nam cho người sang bắt cóc đưa về nước. Hành động này gây ra căng thẳng ngoại giao Việt – Đức, tuy nhiên Việt Nam khẳng định rằng ông Thanh về nước tự thú.
Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng có khi nào công an và quân đội có dấu hiệu vượt khỏi sự kiểm soát của Đảng hay không, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho biết:
Tôi nghĩ ngay lúc này đây chưa có một cơ sở hay hiện tượng nào để có thể nói như thế. Bởi vì Đảng đang nắm chặt hai lực lượng này, luôn luôn nắm chặt từ trước đến nay và hiện nay cũng vậy thôi.
Một yếu tố quan trọng khác được cựu đại tá Bùi Tín chỉ ra, đó là chuyện giới công an ngày càng tăng cường đàn áp người dân, đặc biệt là các nhà đấu tranh dân chủ. Ông cho rằng điều này gây mâu thuẫn nặng nề trong xã hội, vì thế khiến Tổng bí thư “lo lắng”:
Gần đây quá nhiều người dân bị tra tấn và chết trong các trụ sở công an. Và vào thời của ông Nguyễn Phú Trọng, tức hai ba năm trở lại đây, số người bị bắt và bị tù là nhiều lắm. Nhiều hơn tất cả các thời kỳ trước.
Một số đơn vị công an ngày 9/10 cho biết suốt hai năm nay ngành công an Việt Nam không tuyển thêm người từ bên ngoài. Đồng thời theo các nguồn tin thì Bộ Công an Việt Nam đang nghiên cứu một đề án kéo dài trong hai năm về hiệu quả công việc liên quan đến bộ máy nhân sự. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment