Friday, November 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 4/11

Tin Thế Giới


1.

Tòa Bạch Ốc hối thúc Quốc hội thông qua TPP


Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngày 3/11 vừa ra khuyến cáo cảnh báo về các mối nguy nếu Quốc hội không thông qua Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nói rằng hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ có thể  bị rủi ro nếu một hiệp định đối phương do Trung Quốc dẫn đầu được thực thi.


Trong nỗ lực gia tăng thúc đẩy lần cuối để thuyết phục Quốc hội chuẩn thuận TPP trong hai tháng tiếp sau cuộc bầu cử 8/11, các giới chức cao cấp của chính quyền tuyên bố 35 lĩnh vực công nghiệp Mỹ sẽ mất sân so với các nhà cạnh tranh từ Trung Quốc chỉ riêng tại thị trường Nhật.


Trong cuộc khảo sát mới đây, Hội đồng Cố vấn Kinh tế Tòa Bạch Ốc ước tính rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECAP) do Trung Quốc dẫn đầu có phần chắc sẽ hạ giảm thuế của Nhật đánh vào hàng hóa Trung Quốc từ 5 đến 10 điểm phần trăm. Nếu TPP không được thông qua, các công ty Mỹ sẽ bị vướng với thuế suất của Nhật trung bình cao gấp đôi so với các nhà cạnh tranh từ Trung Quốc.


Giới chức chính quyền Obama lâu nay lập luận rằng nếu TPP thất bại, Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh vai trò lãnh đạo kinh tế tại châu Á và hạ thấp các quy định giao thương trong khu vực này. Cuộc nghiên cứu của Tòa Bạch Ốc tìm cách lượng hóa lập luận này thông qua đo lường hiệu ứng của việc Nhật giảm thuế suất nhập khẩu với RECEP.


Trung Quốc đang thương lượng RECEP với 16 nước châu Á. Bảy nước trong số này cũng ký kết thỏa thuận TPP bao gồm Nhật, Australia, New Zealand, Việt Nam, Malaysia, Singapore, và Brunei. - VOA

|

|


2.

Biển Đông: Trung Quốc và Malaysia chống can thiệp từ bên ngoài --- Thủ tướng Malaysia chơi lá bài Bắc Kinh chống lại Washington --- Việt Nam không ủng hộ thương thuyết song phương về biển Đông


Hành động "can thiệp" từ bên ngoài vào Biển Đông sẽ không giúp ích gì cho việc giải quyết tranh chấp. Tuyên bố này được ghi trong thông cáo báo chí chung công bố ngày 03/11/2016, sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh giữa thủ tướng Malaysia Najib Razak và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Trong bản thông cáo, cả hai bên cũng nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông nên giải quyết bất đồng một cách hòa bình, thông qua đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế như Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển - UNCLOS.


Thông cáo ghi rõ: "Tất cả các bên phải tự kiềm chế và tránh những hành động làm phức tạp vấn đề hoặc làm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông".


Một điểm khác là cả Malaysia lẫn Trung Quốc đều cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các nước được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Nhìn chung, bản thông cáo báo chí trên không khác gì mấy so với những phát biểu trước đây của hai bên liên quan đến vấn đề Biển Đông, ngoại trừ nội dung theo đó hai bên cho rằng bên ngoài không nên can thiệp vào Biển Đông, một ám ngữ thường được Bắc Kinh sử dụng để đả kích việc Mỹ dấn thân vào hồ sơ này.


Bên cạnh đó, việc hai bên nhắc đến nhu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển rất đáng chú ý trong bối cảnh Trung Quốc đã cực lực đả phá phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, đã dựa trên Công Ước về Luật Biển để bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh.


Thủ tướng Malaysia sẽ kết thúc chuyến công du Trung Quốc vào ngày 05/11. Đây là lần thứ ba ông đi thăm Trung Quốc từ ngày nhậm chức vào năm 2009, nhưng chuyến đi này rất được chú ý xem Kuala Lumpur có lại ngả theo Bắc Kinh hay không giống như nước láng giềng Philippines mới đây đã tỏ thái độ xa rời đồng minh Mỹ để đi theo Trung Quốc.


Chính trong bối cảnh đó, nhận định mới đây của ông Najib Razak trên báo Trung Quốc China Daily ngày 02/11, theo đó các nước thực dân cũ không nên "lên lớp" các cựu thuộc địa, đã bị xem là một lời đả kích phương Tây vào lúc Kuala Lumpur xích lại gần Bắc Kinh.


Trong một cuộc họp báo vào ngày 03/11, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á Daniel Russel đã giảm nhẹ mức độ quan trọng của tuyên bố đó khi cho rằng ngôn từ của đương kim thủ tướng Malaysia không có gì mới, và cũng giống như lời lẽ của người tiền nhiệm của ông Razak là cựu thủ tướng Mahathir Mohamad.


Đối với ông Russel, sự kiện Kuala Lumpur đặt mua 4 chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc không phải là dấu hiệu về việc Malaysia xoay trục sang Trung Quốc, mà chỉ là một thỏa thuận thương mại bình thường. - RFI


***

Sau Philippines, phải chăng đến lượt Malaysia sẵn sàng chuyển hướng sang Trung Quốc và có thể gây thêm khó khăn cho chiến lược « xoay trục » sang châu Á của Hoa Kỳ ? Nhân chuyến công du Bắc Kinh của thủ tướng Najib Razak, báo Le Monde ngày 04/11/2016 có bài: "Thủ tướng Malaysia chơi lá bài Bắc Kinh chống lại Ứahington".


"Malaysia và Trung Quốc quyết định mở một thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác song phương" là tuyên bố của thủ tướng Malaysia nhân chuyến công du Trung Quốc. Một loạt hợp đồng có ý nghĩa biểu tượng cao, đặc biệt là việc Kuala Lumpur mua bốn tàu tuần duyên đã được ký kết. Đây là lần đầu tiên, Malaysia mua thiết bị quân sự của Trung Quốc vì cho đến nay, Kuala Lumpur thường mua của phương Tây. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) hoan hỷ: điều này phản ánh lòng tin cậy chính trị giữa hai nước.


Theo Le Monde, Trung Quốc đã thành công hai việc: Trước tiên, việc hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa hai nước đánh dấu sự thành công của Trung Quốc trong việc thực hiện dự án "con đường tơ lụa hàng hải", xây dựng các cơ sở hạ tầng cho phép nối liền Trung Quốc với các nước xung quanh.


Thứ hai là Malaysia chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, thay vì đàm phán đa phương như mong muốn của một số nước Đông Nam Á có tranh chấp với Bắc Kinh.


Câu hỏi đặt ra: Vì sao sự "chuyển hướng" của Malaysia lại xảy ra vào thời điểm hiện nay? Le Monde trích dẫn phân tích của một số chuyên gia cho rằng đây là một trong những hậu quả từ sự bực bội của thủ tướng Najib đối với Hoa Kỳ trong vụ bê bối tài chính 1MDB. Tháng Bẩy vừa qua, tư pháp Mỹ đã tịch biên một tỷ đô la tài sản của Malaysia, do bị nghi ngờ là biển thủ từ quỹ 1MDB và được "rửa" tại Hoa Kỳ.


Mặt khác, vụ tai tiếng này đã làm cho nhiều đồng minh truyền thống của Malaysia phải giữ khoảng cách, thậm chí tỏ ra khinh miệt. Thủ tướng Malaysia Najib không còn lựa chọn nào khác là phải quay sang Trung Quốc, vì lý do kinh tế và ngoại giao. Trung Quốc giờ đây là nhà đầu tư số một tại Malaysia, trong lúc đầu tư trực tiếp vào nước này tụt giảm mạnh, vì có nhiều đối tác ngần ngại làm ăn với Kuala Lumpur.


Thế nhưng, sự chuyển hướng của Malaysia gây lo ngại. Dân biểu Charles Santiago, thuộc phe đối lập cảnh báo: "Ông Najib coi Trung Quốc là một người bạn thực sự, một đối tác chiến lược. Chủ tịch Trung Quốc nói Trung Quốc và Malaysia gần gũi nhau như môi với răng. Nhưng hãy cẩn thận vì một ngày nào đó Trung Quốc sẽ cắn Malaysia", rằng Malaysia có nguy cơ bị buộc phải đáp ứng các đòi hỏi của Trung Quốc.


Sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra những tuyên bố muốn giữ khoảng cách với Hoa Kỳ, thậm chí còn dọa xem xét lại quan hệ liên minh quốc phòng với Washington, phải chăng Malaysia sẽ lại là "chiến lợi phẩm" của Trung Quốc tại châu Á? Le Monde cho rằng còn quá sớm để đưa ra nêu ra những hậu quả cuối cùng.


Chuyên gia Lance Jackson, thuộc trung tâm nghiên cứu chiến quốc tế, nhận định: "Malaysia luôn tỏ ra thực dụng, quan tâm đến việc giữ quan hệ cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc". - RFI


***

Sau khi Trung Quốc và Maylaysia nhất trí thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua đối thoại và đàm phán song phương, Việt Nam đã lên tiếng phản đối.


Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm 3/11 khẳng định việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông cần phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hòa bình.


Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình được truyền thông trong nước trích lời nói tại một cuộc họp báo thường niên tại Hà Nội rằng: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề tranh chấp ở biển Đông liên quan đến song phương thì giải quyết qua kênh song phương, còn các vấn đề liên quan đến đa phương, có nhiều bên thì phải giải quyết thông qua nhiều bên.” Ông Bình, khi trả lời câu hỏi của VNExpress trong cuộc họp báo, nói Việt Nam giữ vững lập trường trong việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Việt Nam và Malaysia nằm trong số các nước trong khu vực tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc trên biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên 80% vùng biển giàu tài nguyên này, và đòi giải quyết các tranh chấp một cách song phương.


Trong vụ kiện ra tòa trọng tài quốc tế của Philippines, tòa án tại La Haye bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức vào cuối tháng 6, tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte, lật ngược chính sách của người tiền nhiệm Benigno Aquino, xích lại gần hơn với Trung Quốc, kể cả trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo.


Giống như Philippines, Malaysia cũng đang xích lại gần hơn với Trung Quốc và đây được coi là một nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Tổng thống Philippines trong chuyến thăm tới Bắc Kinh tháng trước đã tuyên bố “chia tay” với Mỹ và xoay sang Trung Quốc và Nga.


Theo hãng tin Reuters, Malaysia hôm 2/11 đã ký thỏa thuận mua 4 tàu hải quân của Trung Quốc và cam kết sẽ cùng với Bắc Kinh xử lý song phương tranh chấp trên biển Đông. Đây là thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên của Malaysia với Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông gia tăng.


Gần đây, Mỹ đã đưa tàu khu trục hạm USS Decatur tới biển Đông nhằm thách thức “những tuyên bố chủ quyền hàng hải quá đáng” của Trung Quốc. Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh nói rằng “Việt Nam ủng hộ Mỹ cũng như các đối tác khác can dự vào khu vực” nếu sự can dự ấy phục vụ cho hòa bình và ổn định khu vực.


Năm ngoái, Mỹ đã chi gần 260 triệu đô la để giúp các nước trong đó có Việt Nam đảm bảo an ninh biển. Tuy nhiên với quyết định của Philippines và Malaysia xích gần hơn với Trung Quốc, chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại. - VOA

|

|


3.

Hàn Quốc: Triển khai lá chắn THAAD vào giữa 2017


Hoa Kỳ sẽ bố trí hệ thống lá chắn diệt tên lửa THAAD tại Hàn Quốc trong 8 tháng tới đây. Trên đây là tuyên bố của tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks cho dù dự án này bị Trung Quốc và Nga phản đối. Áp lực từ Seoul buộc Washington phải nhanh chóng thực hiện.


Theo bản tin ngày 04/11/2016 của AFP từ Seoul, tướng Vincent Brooks, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cho biết quyết định của Washington và Seoul triển khai hệ thống tên lửa chống tên lửa THAAD sẽ được hoàn tất trong vòng từ 8 đến 10 tháng tới đây. Hệ thống này quy mô hơn dàn lá chắn đang được bố trí tại đảo Guam, một căn cứ quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương.


Tiếp theo một loạt thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhiều tiếng nói trong chính quyền Hàn Quốc đòi trang bị vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, theo tướng Vincent Brooks, giải pháp trang bị vũ khí hạt nhân sẽ làm cho tình hình châu Á Thái Bình Dương "phức tạp thêm".


Hệ thống THAAD có khả năng ngăn chận tên lửa đạn đạo đối phương từ trên thượng tầng khí quyển hoặc ngay sau khi mới xuyên vào.


Kế hoạch này đã bị Trung Quốc và Nga phản đối mạnh. Theo Bắc Kinh, mục đích thật sự của Mỹ là phô trương sức mạnh và kềm chế khả năng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Matxcơva cũng lên án Mỹ muốn biểu dương lực lượng trong khu vực. - RFI

|

|


4.

Cảnh sát Jakarta dùng khí cay đối phó biểu tình


Cảnh sát Indonesia đã dùng khí cay để đối phó khi hàng chục ngàn người Hồi giáo tuần hành phản đối thống đốc Jakarta.


Những người biểu tình đã tiến tới quá gần dinh tổng thống, cảnh sát nói. 


Hàng chục ngàn người Hồi giáo cứng rắn biểu tình đòi trừng phạt thống đốc Jakarta vì tội báng bổ.


Basuki Tjahaja Purnama, một người Công giáo, là người gốc Hoa đầu tiên giữ chức thống đốc thủ đô của Indonesia, có đa số là người Hồi giáo.


Người biểu tình đã tập trung ở nhà thờ Hồi giáo Istiqlal và sau đó tập trung bên ngoài dinh tổng thống.


Năm 1998, làn sóng chống người Hoa đã khiến đám đông cướp và đốt các cửa hàng và nhà của người Hoa. 


Người gốc Hoa chiếm khoảng 1% dân số 250 triệu ở Indonesia.


Chừng 20.000 nhân viên an ninh được điều động đối phó cuộc biểu tình. Cảnh sát nói ước tính 50.000 người tham gia biểu tình.


Cuộc biểu tình làm trung tâm Jakarta tê liệt, theo phóng viên BBC Rebecca Henschke tại hiện trường. 


Một số người biểu tình mang biểu ngữ kêu gọi giết ông Purnama, nhưng đám đông nói chung hòa bình và không khí có lúc mang tính lễ hội.


Ông Purnama, thường được gọi là "Ahok", đang có kế hoạch tranh cử nhiệm kỳ đô trưởng thứ hai vào tháng 2/2017.


Nhưng một số nhóm Hồi giáo kêu gọi người dân không bỏ phiếu cho ông này, trong lúc trích dẫn một câu trong kinh Koran.


Người biểu tình giận dữ về điều gì?


Một số người diễn giải câu này với ý cấm người Hồi giáo sống dưới sự lãnh đạo của một người không phải Hồi giáo. Những người khác nói bối cảnh của câu này là trong thời chiến và vì thế không nên hiểu theo nghĩa đen.


Ngày 28/9, ông Purnama bình luận rằng những người dùng câu này nhằm chống lại ông ta là "dối trá".


Lời bình luận của ông khiến công luận phẫn nộ vì họ xem đấy là lời chỉ trích câu kinh Koran.


Ông Purnama sau đó đã xin lỗi nhưng các nhóm Hồi giáo khiếu kiện ông tội phỉ báng. Ông hiện đang bị điều tra.


Năm 2014, ông Purnama là đô phó dưới thời Joko Widodo. Khi ông Widodo được bầu làm tổng thống, Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) - nhóm đứng sau cuộc biểu tình hiện tại - không muốn ông Purnama ngồi vào vị trí đô trưởng.


Họ cho rằng không nên để một người Công giáo điều hành một thành phố mà người Hồi giáo chiếm đa số.


Chiến dịch phản đối ông từ thời điểm đó cộng hưởng với làn sóng chống Trung Quốc.


Cảnh sát Jakarta cho hay có những "thông tin và hình ảnh kích động" trên mạng xã hội kêu gọi mọi người dùng bạo lực chống lại ông Purnama, gồm cả lời kêu gọi giết ông ta.


Một số chủ doanh nghiệp người gốc Hoa ở Jakarta quan ngại trước cuộc biểu tình.


"Chúng tôi lo ngại rằng sẽ có các bạo loạn nhỏ gây nguy hiểm", Tommy, một chủ cửa hàng bán TV, nói với BBC Tiếng Indonesia.


"Chúng tôi cầu nguyện cho tình hình được kiểm soát và an toàn", ông nói từ Glodok - khu vực có nhiều người gốc Hoa mở cửa hàng điện tử.


Trong cuộc bạo loạn năm 1998, khu vực này bị thiệt hại nặng nề bởi cướp bóc, ngoài những vụ hiếp dâm tập thể bị ghi nhận trong báo cáo. - BBC

|

|


5.

Quân Iraq tiến sâu hơn vào Mosul


Quân chính phủ Iraq đã vượt qua hàng phòng thủ của IS để chiếm thêm một khu vực nữa của Mosul, thành phố đã nằm trong tay IS hơn hai năm.


Quân đội đã tiến vào quận phía đông al-Zahra, và nói họ đã kiểm soát 90% quận này.


Quân chính phủ và lính người Kurd, có Mỹ hỗ trợ, đã tấn công từ ngày 17/10.


Các ngôi làng, thị trấn quanh Mosul đã được lấy lại.


Mỹ nói IS 'sử dụng lá chắn sống' ở Mosul


Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại cho an toàn của khoảng 1,5 triệu dân thường trong Mosul, giữa lúc có tin tức về các vụ giết người hàng loại, và người dân bị IS dùng làm lá chắn. 


Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu cung cấp thêm bằng chứng về vi phạm nhân quyền trong và quanh Mosul. 


Họ nói IS đã bắt 50 lính vì đào ngũ hôm thứ Hai, và có thể 180 nhân viên chính phủ cũng đã bị nhóm này giết.


Hơn 1.000 người dân nghe nói bị bắt đi từ thị trấn Hamam al-Alil để đến Tal Afar, có thể để làm lá chắn.


Các gia đình ở Hamam al-Alil được yêu cầu nộp con, đặc biệt bé trai trên chín tuổi, dường như để bắt làm lính trẻ em. - BBC

|

|


6.

Thỏa thuận thay đổi khí hậu Paris có hiệu lực


Thỏa thuận Paris về thay đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực.


Chính phủ các nước đã đồng ý giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 2 độ C trên mức nhiệt độ của thời tiền công nghiệp, và càng tốt nếu đạt mức tăng chỉ 1,5 độ C.


"Đây là thời điểm đáng ăn mừng," người phụ trách vấn đề khí hậu của Liên hiệp quốc, Patricia Espinosa nói với hãng tin Reuters.


Các phái đoàn từ gần 200 quốc gia sẽ họp tại Marrakech vào tuần tới để cân nhắc các bước triển khai tiếp theo.


Thỏa thuận được chốt lại tại thủ đô nước Pháp gần một năm về trước theo đó chính phủ các nước cam kết sẽ giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch.


Hôm thứ Năm, chương trình rà soát của Liên hiệp quốc về cam kết của các nước trong việc cắt giảm khí thải carbon nói kết quả vẫn chưa đạt được mức cần thiết để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2 độ C.


Các nhóm bảo vệ môi trường và các chuyên gia đã thúc giục các chính phủ phải làm nhiều hơn nữa.


Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nói thậm chí với những cam kết đã được đưa ra tại Paris và việc dũng cảm hành động, thì "chúng ta sẽ vẫn không đạt được khát vọng giới hạn mức độ nóng ấm tăng thêm 1,5 độ C, trừ phi chúng ta hành động nhanh chóng hơn và ở quy mô cần thiết."


"Khi các lãnh đạo thế giới có mặt (trong cuộc họp) ở Marrakesh, chúng ta cần phải nhận thức trở lại mức độ cấp bách mà chúng ta đã từng nhìn thấy hồi mấy năm về trước," ông nói. - BBC

|

|


7.

Bộ Ngoại giao Mỹ quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực


Một phúc trình của Ban Cố vấn An ninh Quốc tế (ISAB) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực.


Hội đồng gồm các chuyên gia an ninh quốc gia kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chú ý nhiều hơn đến tác động từ các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực đối với an ninh khu vực.


Nhìn chung, ISAB thúc giục Mỹ tiếp tục vai trò lãnh đạo trong các vấn đề Bắc Cực, đồng thời nêu bật quan ngại về ‘lợi ích, chính sách và hoạt động của Nga’ tại các vùng cực bắc của thế giới. Tuy nhiên, Hội đồng cũng xem xét các hoạt động của Trung Quốc và các nước khác không gần Bắc Cực mà ngày càng quan tâm đến việc phát triển vùng này.


Các nhà khoa học được dẫn lời trong ‘Báo cáo về chính sách Bắc Cực’ lưu ý rằng hiện tượng băng tan chảy ở Bắc Cực do biến đổi khí hậu khiến nhiều nước muốn đóng vai trò trong việc phát triển Bắc Cực, để được tiếp cận với các trữ lượng dầu khí trong khu vực.


Trung Quốc, về mặt địa lý cách xa Bắc Cực, nhưng tự tuyên bố là một quốc gia cận Bắc Cực để phù hợp với mục tiêu chiến lược dài hạn hầu theo đuổi phát triển kinh tế và tăng trưởng ở Bắc Cực, báo cáo của ISAB nói.


Tuy nhiên, nghiên cứu của ISAB nói thêm rằng việc Trung Quốc theo đuổi các nguồn năng lượng mâu thuẫn với nỗ lực đa quốc nhằm bảo vệ môi trường và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.


Các hoạt động của con người trong thập niên qua đã tăng gần 400%, theo ước tính của Hội đồng ISAB, xét về lĩnh vực vận chuyển, khai thác, thăm dò năng lượng, đánh bắt và du lịch.


Trung Quốc đã nhanh chóng tăng đầu tư ở Bắc Cực trong những năm gần đây, đóng thêm tàu phá băng và thực hiện các bước khác để chuẩn bị cho sự phát triển khu vực trong tương lai.


Báo cáo cũng lưu ý đến sự hợp tác của Trung Quốc với Nga trong việc phát triển các mỏ khí tự nhiên ở bán đảo Yamal, vùng Siberia, thuộc Bắc Cực. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


8.

Mỹ cảnh báo về nguy cơ du khách bị bắt cóc ở Philippines


Một số "nhóm khủng bố" đang có kế hoạch bắt cóc người trên các đảo du lịch ở miền trung Philippines: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila đã đưa ra lời cảnh báo trên đây vào ngày 03/11/2016.


Lời báo động này đã làm tăng nỗi lo ngại là các nhóm Hồi Giáo cực đoan chuyên bắt cóc để đòi tiền chuộc mạng tại miền nam Philippines đang muốn mở rộng địa bàn hoạt động.


Trong một thông cáo lưu ý du khách Mỹ, sứ quán Hoa Kỳ tại Manila đã kêu gọi công dân nước này tránh đến khu vực phía nam đảo Cebu, nơi có những địa điểm du lịch rất được ưa chuộng. Thông điệp của sứ quán Mỹ nói rõ là các toán khủng bố có dự tính thực hiện những vụ bắt cóc ở những nơi du khách nước ngoài thường lui tới, cụ thể là 3 nơi: Dalagete và Santander ở Cebu và đảo Sumilon ngay bên cạnh.


Lời cảnh báo được đưa ra sau một loạt những vụ bắt cóc do Abu Sayyaf thực hiện ở miền nam Philippines, nhưng không nêu rõ nhóm khủng bố nào đứng sau các âm mưu bắt cóc nói trên. Miền nam Philippines hiện đã trở thành hang ổ của nhiều tổ chức Hồi Giáo cực đoan đã tuyên bố thần phục Daech.


Theo AFP, chính phủ Philippines ngày 04/11 đã xác nhận rằng cảnh sát nước này đã được thông tin về các dự tính bắt cóc người, và đã tăng cường các biện pháp an ninh. - RFI

|

|


9.

Tổng thống Obama ráo riết vận động cho bà Clinton --- Tòa bác yêu cầu giám sát bầu cử của Đảng Cộng hòa --- Quan ngại về chính sách kinh tế của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ


Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chứng tỏ mình là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton, khi ông đả kích ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump rằng ông ta "hoàn toàn không đủ tư cách trở thành tổng thống."


Ông Obama nói như vậy trước tiếng reo hò của những người ủng hộ bà Clinton ở bang miền nam Florida. Florida, cùng với North Carolina, là hai bang ven bờ Đại Tây Dương mà cả bà Clinton lẫn ông Trump đều xem là trọng yếu để họ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống toàn quốc diễn ra vào thứ Ba tuần sau.


"Nếu chúng ta thắng ở Florida thì chúng ta sẽ thắng trong cuộc bầu cử này," ông Obama nói tại Miami, thành phố du lịch nổi tiếng và là nơi sinh sống của hàng ngàn cử tri nói tiếng Tây Ban Nha. Họ ủng hộ bà Clinton và chống đối kế hoạch chống nhập cư cứng rắn của ông Trump.


Sau đó, ông Obama đi tới thành phố lớn nhất của Florida là Jacksonville ở phía bắc bang này, nơi mà ông Trump cũng tới vận động hôm thứ Năm.


Ông Trump cáo buộc bà Clinton "dính líu vào những hoạt động phạm tội" vì bà đã không xử lý thích đáng những tài liệu an ninh quốc gia trong những email của bà suốt nhiệm kỳ bốn năm mà bà làm bộ trưởng ngoại giao của Mỹ.


"Bà ta sẽ còn bị điều tra dài dài," ông Trump nói.


Trong những ngày cuối cùng ráo riết vận động tranh cử, ứng cử viên Đảng Cộng hòa cũng định tổ chức những buổi vận động ở bang Pennsylvania thuộc miền đông và hai buổi vận động khác ở bang North Carolina. Vợ của ông Trump, bà Melania, cũng xuất hiện vận động tranh cử cho chồng lần đầu tiên kể từ đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào tháng 7, phát biểu trước những người ủng hộ ở ngoại ô thành phố Philadelphia, là thành phố lớn nhất của Pennsylvania.


Trong khi đó, bà Clinton đang tập trung vào bang North Carolina, nơi bà tổ chức hai sự kiện vận động tranh cử.


Hai cuộc khảo sát toàn quốc lớn mới cho thấy bà Clinton đang dẫn trước ông Trump trong số những cử tri sẽ đi bỏ phiếu. Cuộc khảo sát của The New York Times/CBS News cho thấy bà dẫn trước với tỉ lệ 45-42 phần trăm, trong khi cuộc khảo sát của The Washington Post-ABC News cho thấy lợi thế của bà là 47-45 phần trăm.


Những cuộc khảo sát này bao gồm những cuộc phỏng vấn với cử tri diễn ra mấy ngày sau khi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang James Comey loan báo cơ quan chấp pháp hàng đầu của Mỹ này sẽ duyệt lại cuộc điều tra những email của bà Clinton khi bà còn là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước từ năm 2009 đến năm 2013. Những nhà điều tra đã tìm thấy hàng ngàn email có liên quan tới bà trên máy tính của người chồng đã ly thân của Huma Abedin, phụ tá chính của bà Clinton. - VOA


***

Một thẩm phán Hoa Kỳ ngày 3/11 tuyên bố giữ nguyên luật của bang Pennsylvania có thể khiến các ủng hộ viên của ứng viên Cộng hòa Donald Trump khó theo dõi hoạt động bầu cử trong ngày bỏ phiếu tại những khu vực nghiêng về đảng Dân chủ.


Ông Trump nhiều lần tuyên bố cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11 có thể bị gian lận và kêu gọi ủng hộ viên để mắt những dấu hiệu bầu cử gian lận ở Philadelphia và các vùng đông cử tri Dân chủ khác.


Phe Dân chủ e rằng tuyên bố này có thể khuyến khích các ủng hộ viên của ông Trump sách nhiễu những cử tri gốc Latin, gốc Phi, và gốc thiểu số tại tiểu bang có thể quyết định ông Trump hay ứng viên Dân chủ, Hillary Clinton, thắng cử.


Luật bang Pennsylvania quy định các giám sát viên phòng phiếu thi hành nhiệm vụ trong quận hạt mà họ đăng ký đi bầu.


Cho nên, ông Trump khó tuyển mộ giám sát viên tại những vùng như Philadelphia, nơi phe Dân chủ áp đảo phe Cộng hòa với tỷ lệ 8:1. Thành phố này có 1.685 địa điểm bỏ phiếu.


Đảng Cộng hòa ở Pennsylvania tìm cách ngưng chỉ yêu cầu đó, cho phép giám sát viên phòng phiếu có thể đến từ bất cứ nơi nào trong tiểu bang, để phe Cộng hòa có thể điều động các ủng hộ viên từ các vùng lân cận và ngoại ô, nơi ông Trump được ủng hộ mạnh hơn.


Tuy nhiên, thẩm phán khu, Gerald Pappert, đã bác yêu cầu này với lý do sẽ rất trở ngại nếu thay đổi luật trước ngày bầu cử chỉ vài hôm.


Đảng Cộng hòa bang Pennsylvania chưa hồi đáp tức thì yêu cầu bình luận. - VOA


***

Ông Donald Trump kêu gọi cắt giảm thuế triệt để, giảm bớt luật lệ, và tăng sản lượng dầu hỏa và than đá. Ông nói các hiệp định thương mại ký với nước ngoài có nhiều khuyết điểm đã khiến ngành sản xuất của Mỹ mất đi hàng triệu công ăn việc làm.


Ông hứa sẽ tăng thuế đánh trên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico và sẽ thương thuyết với các đối tác thương mại để giành các hiệp định có lợi hơn cho Mỹ.


"Chúng ta phải thương thuyết lại các hiệp định thương mại."


Nhưng các kinh tế gia cảnh báo rằng Trung Quốc và Mexico sẽ trả đũa bằng cách tăng thuế quan, khiến cho giao thương và tăng trưởng chậm lại. Kinh tế gia Marcus Noland của Viện Ngiên cứu Peterson về Kinh tế Quốc tế nhận định rằng hậu quả là Mỹ lại mất công ăn việc làm.


"Kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái nhẹ, và Mỹ sẽ mất đi khoảng 4,8 triệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân."


Ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton khi còn làm bộ trưởng ngoại giao đã ủng hộ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP. Giờ đây, cả hai đối thủ chính trị đều chỉ trích Hiệp định này.


Lập trường của bà Clinton phản đối hiệp định TPP lập tức bị chỉ trích, bà bị coi là một người theo cơ hội chủ nghĩa, mặc dù bà giải thích rằng hiệp định TPP mà bà từng ủng hộ không giống với những điều kiện trong thoả thuận TPP cuối cùng, mà bà nói là không phục vụ người lao động Mỹ đúng mức.


"Tôi sẽ không ủng hộ bất cứ thỏa thuận nào trừ phi nó tạo ra công việc làm tốt và lương cao cho người lạo động Mỹ."


Ông Peter Thiel, một tỉ phú ngành công nghệ ủng hộ ông Trump, nói rằng bà Clinton xa rời giới lao động Mỹ.


"Tất cả những thành phần ưu tú của chúng ta đều rao giảng tự do thương mại. Những người học cao hiểu rộng hoạch định chính sách nói rằng hàng nhập khẩu rẻ có lợi cho mọi người theo các học thuyết kinh tế. Nhưng trên thực tế, chúng ta đã mất đi hàng chục ngàn nhà máy và hàng triệu công ăn việc làm trong các hoạt động giao thương với nước ngoài."


Phân tích gia Joel Prakken nói với VOA rằng các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về ông Trump nhiều hơn là với bà Clinton.


"Xác suất bà Clinton thắng cử càng lên cao, ít nhất là dựa trên kết quả các cuộc thăm dò, thì chúng ta thấy giá cả trên thị trường chứng khoán tăng, trong khi xác suất ông Trump thắng càng lên cao, thì giá cả chứng khoán trên thị trường càng giảm."


Những bất đồng về chính sách kinh tế khác là vấn đề thuế khóa. Những người chỉ trích nói rằng đề xuất cắt giảm thuế của ông Trump chỉ có lợi cho người giàu và làm tăng khối nợ công.


Bà Clinton đề xuất tăng mức lương tối thiểu, tăng thuế đánh vào người giàu và cải cách luật thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp giữ công ăn việc làm ở Mỹ.


Tuy nhiên những người chỉ trích bảo thủ nói tăng thuế có nghĩa là giảm tăng trưởng kinh tế.


Đối phó với khối nợ công khổng lồ của Mỹ lại là một vấn đề khác. Ủy ban Ngân sách Liên bang lưỡng đảng nói rằng cả hai ứng cử viên đều không đưa ra một kế hoạch thực tiễn nào để bảo đảm thuế và công chi đi theo đúng hướng để có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên ủy ban này kết luận rằng chính sách kinh tế của ông Trump xem ra tệ hơn chính sách của bà Clinton. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


10.

Việt Nam cần 480 tỷ đô la để tái cơ cấu kinh tế khi nợ công sắp chạm trần


Trong bối cảnh nợ công Việt Nam gần chạm ngưỡng 65% GDP, Việt Nam dự định chi hơn 10 triệu tỷ đồng – tức là gần 480 tỷ đô la – cho kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.


Bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng vừa báo cáo với quốc hội về đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Ông cho biết kế hoạch này cần khoảng 480 tỷ đô la. Truyền thông trong nước đưa tin, kế hoạch này đang gây ra những tranh luận trái chiều và về liệu số tiền lớn như vậy sẽ được huy động từ đâu khi ngân sách quốc gia hạn hẹp do nợ công tăng cao.


Phương án tái cơ cấu kinh tế được đề ra vào năm 2013 nhưng theo tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh kế hoạch này đã không được thực hiện hiệu quả do không có đủ phương tiện, và đụng chạm tới các nhóm lợi ích.


Theo tiến sĩ Doanh, tái cơ cấu là chuyển đổi số vốn được đầu tư từ lĩnh vực không hiệu quả sang lĩnh vực khác và chủ yếu là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Việc cồ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh trong tháng qua sau khi chính phủ quyết định bán toàn bộ cổ phần trong 2 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực đồ uống - Sabeco và Habeco. Theo tiến sĩ Doanh, nhà nước đã thu được hơn 6.500 tỷ đồng từ cổ phần hóa Sabeco, Habeco và Vinamillk và nếu tiếp tục thực hiện như vậy thì phương án tái cơ cấu kinh tế là khả thi.


Tuy nhiên tiến sĩ Doanh đã chỉ ra những khó khăn và trì trệ của việc thực hiện đề án này trong những năm qua.


"Khó khăn và trì trệ có liên quan tới lợi ích nhóm ở các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước này có các lợi ích nhóm và họ không muốn cổ phần hóa. Nếu họ cổ phần hóa rồi họ cũng rất chậm không chịu ghi danh lên thị trường chứng khoán vì lên thị trường chứng khoác đòi hỏi có tiêu chuẩn về công khai minh bạch và người ta sẽ giám sát chặt chẽ hơn."


Theo tiến sĩ Doanh, lợi ích nhóm không chỉ có trong những doanh nghiệp đó mà nó là “một đường dây mà có câu kết với các quan chức ở các bộ ở trên và không chỉ có một bộ. Năm 2013, thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng đã đề ra phương án đầy tham vọng cổ phần hóa 435 doanh nghiệp nhà nước trong vòng 2 năm nhưng không thực hiện được, và theo ông Doanh “điều đó chứng tỏ rằng lợi ích nhóm và các trở lực vẫn rất là lớn.”


"Vì vậy cho nên việc tái cơ cấu này sẽ phải gắn liền với việc cải cách thể chế chính trị và việc phải công khai minh bạch và phải giám sát chặt chẽ quá trình quản trị của nhà nước."


Khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên thay ông Dũng đã tuyên bố rằng “người nào không cổ phần hóa thì người đó sẽ bị thay thế." Tiến sĩ Doanh cho đây là một dấu hiệu tốt cho sự đổi mới.


"Chứng tỏ rằng là ở đây sẽ có các biện pháp tôi hy vọng là sẽ có hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn để tác động đến cái lợi ích nhóm đấy."


Một trong 3 mục tiêu của đề án tái cơ cấu kinh tế là tái cơ cấu đầu tư công nhưng theo tiến sĩ Doanh quá trình đầu tư công ở Việt Nam bị gắn với các lợi ích nhóm trong nhiều ngành và nhiều dự án công nên đã không hiệu quả.


"Cho nên cái đó phải có sự công khai minh bạch tức là phải có 1 luật đầu tư công mới và phải có sự giám sát độc lập và quy trách nhiệm. Nhược điểm lớn nhất của Việt Nam hiện nay là quá trình đó thường được quyết định bởi một nghị quyết tập thể. Những cái gì khó khăn thì người ta đưa ra quyết định tập thể. Và đấy là một điều rất là không rõ ràng và thiếu trách nhiệm ở cơ chế hiện nay. Và đấy là điều cần phải sửa trong thời gian sắp tới."


Một trong những đề xuất về việc huy động nguồn vốn cho đề án tái cơ cấu kinh tế của chính phủ là kiều hối. Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân tại phiên họp quốc hội hôm 3/11 đã đề xuất “phát huy tốt nguồn vốn nước ngoài thì trong đó kiều hối rất đáng quan tâm.” Theo kết quả nghiên cứu của CIEM công bố đầu năm 2015, lượng kiều hối Việt Nam nhận trong 14 năm là trên 90 tỷ đô la, dòng vốn lớn thứ 2 chỉ sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và lớn gấp đôi vốn viện trợ phất triển ODA. Tuy nhiên tiến sĩ Doanh cho rằng điều này là không khả thi bởi huy động kiều hối không theo cơ chế thị trường.


"Điều đó là không tưởng. Nếu như vận dụng biện pháp như vậy (huy động hành chính) thì sẽ rất không có hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng."


Với lượng kiều hối 12 tỷ đô la chảy vào Việt Nam mỗi năm, chiếm khoảng 8% GDP, nó được coi là nguồn lợi nhuận dòng từ nước ngoài gửi về. Nhưng theo đánh giá của các nhà kinh tế và tài chính, kiều hối sẽ trở áp lực cho nền kinh tế khi nền kinh tế không có khả năng hấp thụ nó. Và nhà nước hiện không kiểm soát được kiều hối về Việt Nam vì không được đầu tư theo định hướng. - VOA

|

|


11.

Thêm một cựu lãnh đạo VN trốn ra nước ngoài?


Sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh, báo chí Việt Nam hôm 3/11 đưa tin thêm một cựu lãnh đạo của Bộ Công thương “đi nước ngoài chữa bệnh” mà không được sự chấp thuận của Bộ này. Một chuyên gia của Việt Nam nhận xét việc các lãnh đạo Việt Nam trốn ra nước ngoài là một “hiện tượng” tương tự như ở Trung Quốc.


Bộ Công thương Việt Nam hôm 3/11 xác nhận ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex), thuộc Bộ Công thương, đã vắng mặt nhiều ngày tại cơ quan mà không có sự cho phép của lãnh đạo tập đoàn.


Tin từ tờ Lao Động cho hay ông Duy đã vắng mặt từ đầu tuần trước, tức khoảng ngày 24/10 và 2 ngày sau có gửi giấy phép xin nghỉ ốm. Đến ngày 31/10, ông Duy lại gửi giấy xin nghỉ và nói có thể phải đi nước ngoài chữa bệnh. Bộ Công thương nói chỉ mới biết tin ông Duy “đi nước ngoài chữa bệnh” vào ngày 2/11 và hiện chưa biết ông Duy đang ở nước nào.


Trả lời trên báo chí hôm 3/11, Bộ Công thương cho biết không chấp nhận đơn xin nghỉ để đi chữa bệnh của ông Duy và yêu cầu công ty chủ quản của PVtex là Vinachem phải xem xét, xử lý ông Duy theo quy định của nhà nước.


Tiếp theo vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cũng là một cựu quan chức thuộc Bộ Công thương và nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bỏ trốn với lý do “đi nước ngoài chữa bệnh” mà cho đến nay vẫn chưa xuất hiện, việc thêm một cựu lãnh đạo Việt Nam lại “đi nước ngoài chữa bệnh” khiến dư luận đặt câu hỏi liệu đây có phải là con đường dọn sẵn cho các lãnh đạo bị cáo buộc phạm tội.


Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia về chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét với VOA rằng đây là một “hiện tượng” tương tự như ở Trung Quốc. Ông nói:


“Hiện tượng các quan chức sau khi vi phạm kỷ luật, thậm chí là những tội cố ý làm trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, hay tham nhũng, rồi trốn chạy, thì cái này tiền lệ rất rõ ở Trung Quốc rồi. Cho nên với cơ chế, thể chế tương đồng thì cách làm cũng gần tương tự nhưng nó ở quy mô nhỏ hơn và thấp hơn, thì dư luận cũng đang phán xét theo hướng đó. Nghĩa là trong một thời gian anh buông lỏng quản lý cán bộ, cho nên rất nhiều những người có chức có quyền đã chuẩn bị sẵn một hậu phương ở một nước nào đó, ý nói là tiền, cơ sở vật chất, thậm chí tài sản ở một nước nào đó. Sau đó mà có bị động thì họ chạy ra nước ngoài”.


Hôm 3/11, báo Dân Trí cũng dân một nguồn tin riêng cho biết Bộ Công thương đang tập hợp tư liệu để báo cáo cho cơ quan chức năng về việc một số cá nhân đã lợi dụng chuyến đi “xúc tiến thương mại” của Bộ này để trốn sang Đức. Chuyến đi được cho biết diễn ra từ ngày 17/11 đến ngày 23/11/2015.


Riêng đối với vụ bỏ trốn của ông Trịnh Xuân Thanh, việc các giới chức Việt Nam liên tục phát biểu về quyết tâm bắt bằng được ông Thanh qua lệnh truy nã, phối hợp quốc tế, và sau đó kêu gọi ông này ra đầu thú, khiến dư luận cho rằng Việt Nam “bị động” và lúng túng trong việc xử lý trường hợp này.


Trong khi đó, TS. Phạm Quý Thọ cho rằng dù để “lọt lưới” một số trường hợp, nhưng các lãnh đạo Việt Nam vẫn muốn gửi đi những thông điệp nhằm “răn đe” các quan chức đã, đang và có ý định trốn ra nước ngoài thông qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh.


“Cũng có những người, trước cũng từng ở tập đoàn dầu khí này, cũng đã đi từ năm 2012 nhưng đến giờ này người ta vẫn chưa bắt được. Nhưng đáng chú ý là hôm nay (4/11), Thứ trưởng Bộ Nội vụ là ông Quý Vương có nói rằng dù thế nào đi chăng nữa thì người ta cũng bắt đưa về, bởi vì thời hạn truy cứu trách nhiệm là vô hạn đối với những tội nghiêm trọng. Thế thì có nghĩa là người ta cũng thấy rằng không chỉ những người đã trốn và bị bắt, những người đang trốn chưa bị bắt mà còn răn đe cả những người có nguy cơ ra nước ngoài như vậy”.


Một trong những vụ gây chú ý trước đây là cuộc “đào tẩu” của ông Dương Chí Dũng, cựu Cục trưởng Hàng hải, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Ông Dũng bị cáo buộc làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng trước khi lệnh truy nã của Bộ Công an Việt Nam được phát đi, ông Dũng đã được tổ chức để đi qua Mỹ thông qua ngả Campuchia. Tuy nhiên, ông này đã không xin được nhập cảnh vào Mỹ và đã bị bắt tại Campuchia.


Theo TS. Phạm Quý Thọ, việc ngày càng có nhiều quan chức Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài chắc chắn sẽ dẫn tới những thay đổi trong quy định pháp luật trong việc đối phó với các trường hợp này. Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng, Việt Nam khó làm mạnh tay được như Trung Quốc.


"Nếu mà nó thành một cái phổ biến, có lẽ đến lúc nào đó trên bàn nghị sự của chính quyền, của pháp luật phải đặt vấn đề đó ra để ngăn chặn. Tuy nhiên, rất khó ở Việt Nam bởi vì cách làm, pháp luật cũng không xử lý mạnh mẽ như của Trung Quốc trong thời gian Tập Cận Bình nắm quyền. Hiện nay, trong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng vừa mới tổ chức đại hội, mới củng cố xong, nên tôi nghĩ [Việt Nam] chưa thể làm mạnh đến mức độ như Trung Quốc được”.


Trường hợp của ông Vũ Đình Duy hiện cũng bị quy trách nhiệm trong những thất thoát, thua lỗ của PVtex. Ông Duy, 41 tuổi, từng giữ các chức vụ Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công thương).


Ông Duy giữ chức Tổng Giám đốc PVtex từ tháng 7/2009 đến tháng 2/2014, sau đó ông bị giáng chức xuống làm Tổng Giám đốc PVtex.


Báo cáo tổng kết năm 2015 của PVtex cho thấy công ty này đã thua lỗ 1.255 tỷ đồng. - VOA

No comments:

Post a Comment