Tin Thế Giới
1.
Hàng chục ngàn người biểu tình đòi tổng thống Hàn Quốc từ chức
Ngày 05/11/2016, chính quyền Hàn Quốc huy động 20.000 nhân viên cảnh sát, tăng cường an ninh vào lúc có khoảng 40.000 người biểu tình tại trung tâm thủ đô đòi bà Park Geun Hye từ chức sau vụ tai tiếng nghiêm trọng. Tổng thống Hàn Quốc đang bị lôi vào một trận bão chính trị vô tiền khoáng hậu, liên quan đến bà Choi Soon Sil, một người bạn lâu năm và cũng là vị "quân sư" của bà.
Những lời xin lỗi quốc dân và cam kết đồng ý trả lời tư pháp của tổng thống Park Geun Hye không xoa dịu công luận Hàn Quốc. Hãng tin Pháp AFP đưa ra con số 20.000 nhân viên cảnh sát và 40.000 người biểu tình trong cuộc đọ sức trên đường phố Seoul sáng 05/11. Cảnh sát Hàn Quốc cấm tuần hành trên các trục lộ chính của thành phố, nhưng không loại trừ khả năng đoàn biểu tình sẽ tập hợp trước dinh tổng thống.
Công luận Hàn Quốc lo ngại bà Choi Soon Sil, một người bạn thâm niên và cũng là cố vấn của tổng thống Park Geun Hye, đã can thiệp vào một số các hồ sơ thuộc phạm trù "bí mật quốc gia", trong khi bà Choi không có thẩm quyền và chức vụ chính thức để làm những việc đó. Với một số người biểu tình, việc bà Choi Soon Sil hành xử như một "nhiếp chính vương" hay làm lung lạc tổng thống Hàn Quốc là điều không thể chấp nhận được.
Đảng Dân Chủ thuộc phe đối lập đã kêu gọi tổng thống Park Geun Hye từ chức và dọa mở chiến dịch vận động để bà phải ra đi. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ít có khả năng nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc từ chức một năm trước khi mãn nhiệm. Có điều trong năm cuối nhiệm kỳ, uy tín của bà sẽ bị suy yếu, chẳng những vì tai tiếng mà báo chí gọi là vụ "Choi Gate" mà còn do kinh tế Hàn Quốc đang bị chựng lại, thất nghiệp gia tăng và căng thẳng quân sự giữa Seoul và Bình Nhưỡng. - RFI
|
|
2.
Tổng thống Indonesia hoãn đi Úc do bạo động trong nước --- Indonesia quyết không nhượng bộ chủ quyền Biển Đông
Ngày 05/11/2016, chính phủ Indonesia thông báo là tổng thống Joko Widodo đã hoãn chuyến viếng thăm nước Úc theo dự kiến bắt đầu từ ngày 06/11/2016, sau cuộc biểu tình bạo động của người Hồi Giáo chống đô trưởng Thiên Chúa Giáo của Jakarta.
Khoảng 50.000 người đã tuần hành ở Jakarta ngày 04/11 để phản đối những bình luận bị xem là xúc phạm đạo Hồi của đô trưởng Thiên Chúa Giáo Basuki Tjahaja Purnama. Đô trưởng Purnama đã xin lỗi về những lời bình luận đó, nhưng những người chống đối ông tiếp tục kêu gọi bắt giam ông chiếu theo luật của Indonesia về báng bổ đạo Hồi.
Ban đầu diễn ra một cách ôn hòa, cuộc biểu tình đã biến thành bạo động, xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Theo cảnh sát Jakarta, một người biểu tình đã chết do lên cơn suyễn, nhưng theo một số trang mạng ở Indonesia thì nạn nhân đã thiệt mạng do hơi cay. Cảnh sát cũng cho biết có 8 binh lính và sĩ quan bị thương nặng, 3 xe quân đội và xe cảnh sát bị đốt cháy, 18 chiếc khác bị hư hại do gạch đá. Mười người bị xem là kích động bạo lực đã bị bắt giữ.
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Widodo đã đến Úc vào năm 2014 để dự thượng đỉnh nhóm G20, nhưng chuyến đi dự trù diễn từ ngày 06 đến 08/11 mới thật sự là chuyến viếng thăm song phương chính thức đầu tiên của tổng thống Indonesia tại Úc.
Theo thông báo của bộ Ngoại giao Indonesia, đích thân tổng thống Widodo đã gọi điện cho thủ tướng Úc Malcolm Turnbull để báo tin hoãn chuyến đi. Trong một tuyên bố, thủ tướng Turnbull đã đáp lại rằng ông "lấy làm tiếc" là không được đón tiếp tổng thống Indonesia ngày 06/11, nhưng cho biết rất hiểu rằng ông Widodo cần có mặt trong nước lúc này. - RFI
***
Tổng thống Indonesia ông Joko Widodo nói rằng nước ông sẽ “không nhượng bộ” trong vấn đề chủ quyền trên vùng tranh chấp tại Biển Đông, trước chuyến thăm Úc, một nước đồng minh của Hoa Kỳ.
Những bình luận này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Julie Bishop, tuyên bố hôm thứ Ba rằng hai nước đang xem xét khả năng tiến hành các cuộc tuần tra hải quân chung trên những vùng biển tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, tuyến hàng hải quốc tế nơi qua lại của lượng hàng hoá trị giá 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Việt Nam và Indonesia đều có tuyên bố chủ quyền trên một số khu vực của vùng biển này.
“Về vấn đề chủ quyền của Indonesia, tôi không thỏa hiệp. Tôi quyết không thỏa hiệp.” ông Widodo nói trên sóng của đài ABC hôm thứ Bảy.
Tháng trước, Indonesia tiến hành tập trận qui mô xung quanh quần đảo Natuna, nơi hải quân Indonesia thường xuyên đụng độ tàu cá Trung Quốc trong khu vực giàu tài nguyên khí đốt nằm ở phía cực nam của Biển Đông này.
Trung Quốc, tuy không thách thức chủ quyền của Indonesia tại quần đảo Natuna, nhưng đã khiến nước này nổi giận khi nói hai nước có “tuyên bố chồng lấn” trên vùng biển gần quần đảo, nơi mà người Indonesia gọi là Biển Natuna.
Nước Úc trước đó cũng bị Trung Quốc chỉ trích sau khi triển khai các chuyến bay do thám trên các hòn đảo đang tranh chấp tại Biển Đông, và vì lập trường ủng hộ Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực này. - VOA
|
|
3.
Trung Quốc phóng rocket mới có lực đẩy mạnh
Truyền thông nhà nước cho biết Trung Quốc đã phóng rocket mới Trường Chinh 5 có sức đẩy mạnh, chuyển một khối lượng lớn lên quỹ đạo trái đất trong một nỗ lực mới tăng tiến chương trình thám hiểm không gian của nước này.
Việc phóng diễn ra sau khi Trung Quốc bắt đầu một phi vụ vào không gian có người điều khiển dài nhất trong tháng qua bằng cách gửi hai phi hành gia lên một phòng thí nghiệm không gian và cư ngụ tại đây trong một tháng. Việc này nằm trong khuôn khổ của một kế hoạch rộng lớn hơn thiết lập một trạm không gian thường trực có người điều khiển sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022.
Tân Hoa Xã nhà nước nói rocket này, lớn hơn những phiên bản trước của rocket Trường Chinh của Trung Quốc, được phóng vào tối thứ Năm tại một bệ phóng thuộc tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc. Việc phóng này nhằm kiểm tra thiết kế và hoạt động của rocket.
Chương trình không gian tiên tiến là ưu tiên của Trung Quốc và Bắc Kinh cho rằng chương trình này nhằm mục đích hòa bình. - VOA
|
|
4.
Philippines: Một cựu thị trưởng bị bắn chết trong tù --- Ông Duterte tiếp tục chỉ trích Hoa Kỳ và tỉ phú Soros
Cảnh sát Philippines ngày 05/11/2016 thông báo, Rolando Espinosa, nguyên thị trưởng thành phố Albuera, tỉnh Leyte, bị bắn chết trong tù. Tháng 08/2016, ông này và con trai Kerwin bị cáo buộc tội buôn ma túy. Đây là lần thứ nhì một quan chức địa phương Philippines có liên quan tới các hoạt động ma túy bị giết chết trước khi được đem ra xét xử.
Theo hãng tin AFP, ông Rolando Espinosa đã bị tổng thống Rodrigo Duterte nêu đích danh có liên quan đến các mạng lưới buôn ma túy. Cảnh sát địa phương cho biết hai cha con ông Espinosa có tên trong danh sách những ông trùm « bao che cho các tay môi giới ». Khi bị bắt vào tháng 10/2016, thị trưởng thành phố Albuera đã không hề kháng cự và yêu cầu được bảo vệ tính mạng.
AFP nêu lên một chi tiết : Tổng thống Duterte liệt kê ra một danh sách gồm nhiều quan chức địa phương, trong ngành cảnh sát và cả bên tư pháp, có liên quan tới các hoạt động mua bán ma túy và ông kêu gọi số này ra đầu thú. Riêng trong trường hợp của thị trưởng thành phố Albuera và con trai, tổng thống Philippines đã ra lệnh "cứ thẳng tay bắn chết" nếu họ kháng cự.
Sáng sớm ngày 05/11, cảnh sát tỉnh Leyte cho biết là ông Espinosa đã bị bắn hạ trong nhà tù vì đã dùng súng bắn vào nhân viên cai ngục. Cảnh sát Philippines thông báo sẽ điều tra thấu đáo về cái chết của cựu thị trưởng Albuera.
Cuối tháng 10/2016, một thị trưởng khác của Philippines cũng đã bị sát hại trong một đợt bố ráp. Cảnh sát Philippines phát hiện ma túy trên xe của đương sự và đoàn tùy tùng.
Chiến dịch bài trừ ma túy tại Philippines được tổng thống Duterte tiến hành từ cuối tháng 06/2016 tới nay làm hơn 4.000 người thiệt mạng. - RFI
***
Ngày thứ Sáu,Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói cuộc chiến chống ma túy của ông đã cắt giảm việc cung cấp ma túy ở mức “rất thấp” và cám ơn Trung Quốc vì đã hỗ trợ việc truy quét ma túy của ông, nhưng ông liên tiếp nguyền rũa đồng minh Hoa Kỳ vì đã chỉ trích cuộc chiến này.
Ông Duterte nói chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông đã thành công trong việc làm sụt giảm nguồn cung cấp ma túy, nhưng ông thừa nhận là có những dấu hiệu cho thấy các tội phạm đã quay sang bắt cóc, một vấn đề khác mà ông đã có kế hoạch ngăn chặn.
Trong một bài diễn văn truyền hình ông nói “Hiện có lượng cung cấp ma túy rất thấp. Nhưng những tên ngu ngốc này đang chuyển sang bắt cóc. Đây là một trò chơi mới nên hãy cẩn thận. Hãy cho tôi thời gian để nói chuyện với Đức Chúa Trời.”
Cựu Thị trưởng chống tội phạm của thành phố Davao có thời vô luật pháp tuần trước cho biết ông đã nói chuyện với Đức Chúa Trời và đã hứa ông sẽ không còn dùng những lời lẽ thô tục nữa.
Tuy nhiên lời hứa của ông không giữ được lâu. Ngày thứ Sáu ông lại giận cựu cường quốc thuộc địa Washington vì những quan ngại về những vụ giết hại vẫn tái diễn và so sánh lập trường của Mỹ khác biệt với Trung Quốc là nước tài trợ cho một trung tâm cai nghiện khổng lồ.
Ông nói “Hiện nay ai giúp chúng ta? Trung Quốc. Còn người Mỹ họ nói gì? ‘Ông Duterte hãy chấm dứt việc giết hại không đưa ra xét xử. Chúng tôi qui trách cho ông.’”
Là một người ở một tỉnh bên ngoài Manila trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 5 năm nay, ông Duterte dùng những lời xấc xược và tục tĩu để củng cố hình ảnh của ông trước công chúng. Được gọi là “người trừng phạt” và “Duterte Harry”, ông đắc cử với đa số áp đảo.
Việc đắc cử này cũng nhờ vào lời hứa chiến đấu chống ma túy đã làm 2.300 người thiệt mạng trong vòng 4 tháng.
Ngày thứ Sáu, ông cũng nhắm vào tổ chức Human Rights Watch mà ông nói đã tấn công yêu cầu ông biện minh cho số tiền hiến tặng 100 triệu đôla trong vòng 10 năm mà nhà từ thiện George Soros đã hứa cách đây 6 năm.
Việc ông Duterte liên tục tấn công Washington đã làm đồng minh lớn nhất của Philippines ngạc nhiên nhưng việc này không được người dân và những cộng đồng doanh thương Philippines phản ánh. Những người này đã bày tỏ lo ngại về chính sách của ông Duterte.
Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy dân chúng Philippines tin vào Hoa Kỳ hơn là Trung Quốc là nước mà ông Duterte đang mạnh mẽ ca ngợi và ve vãn.
Ông Duterte yêu cầu người dân Philippines biểu tình phản đối nếu họ không đồng ý với ông. - VOA
|
|
5.
Brexit: Thủ tướng Anh tuyên bố "giữ nguyên" lịch trình ra khỏi EU
Luân Đôn vẫn khởi động thủ tục Brexit trễ nhất là vào cuối tháng 03/2017 như dự kiến. Thủ tướng Anh, Theresa May, đã khẳng định như trên vào ngày 04/11/2016, trong một loạt các cuộc điện đàm với các đối tác châu Âu. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau sau phán quyết của Tòa Án Cấp Cao Luân Đôn buộc chính phủ phải tham khảo ý kiến của Nghị Viện trước khi tiến hành thủ tục chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.
Ngày 03/11, Tòa Án Cấp Cao Luân Đôn quyết định, việc khởi động thủ tục ly dị với Bruxelles phải được đem ra biểu quyết tại Nghị Viện. Nhưng nội các của bà Theresa May đã lập tức phản công, đòi chống lại phán quyết nói trên và đòi đưa vụ việc ra trước Tối Cao Pháp Viện. Trên nguyên tắc, vào đầu tháng 12/2016, Tòa Án Tối Cao của Anh bắt đầu xem xét hồ sơ này và sẽ đưa ra quyết định sau cùng vào tháng Giêng 2017.
Nếu như Tối Cao Pháp Viện đồng ý với phán quyết của Tòa Án Cấp Cao Luân Đôn, thủ tục chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sẽ được đem ra thảo luận tại Nghị Viện. Điều đó có nghĩa là tiến trình Brexit sẽ kéo dài, bởi lý do đơn giản là cả Nghị Viện lẫn Viện Quý Tộc (House of Lords) đều muốn nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Đây cũng chính là lý do vì sao bà May không muốn thủ tục "Brexit" phải có được đồng thuận của Nghị Viện Anh.
Dù sao, trước mắt, phán quyết của Tòa Án Cấp Cao Luân Đôn cách nay hai ngày cũng cho thấy, ngay trong nội bộ đảng Bảo Thủ, nữ thủ tướng Theresa May đang bị cô lập hơn bao giờ hết. - RFI
|
|
6.
Myanmar: Tự do ngôn luận bị đe dọa
Các quan sát viên nhân quyền nêu quan ngại về tự do báo chí tại Myanmar sau khi một ký giả tại một nhật báo tiếng Anh cho biết bà bị sa thải sau khi chỉ trích chính phủ về những vụ cưỡng hiếp do binh sĩ Myanmar gây ra.
Bạo động tại tiểu bang Rakhine nhiều xáo trộn ở miền bắc, khởi sự bằng những cuộc tấn công chết người tại các chốt cảnh sát biên phòng ngày 9 tháng 10 vừa qua, đã gây nên cuộc khủng hoảng lớn nhất cho nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi sau 7 tháng cầm quyền.
Quân đội đổ vào vùng này sau những cuộc tấn công mà chính phủ nói rằng do những người Hồi giáo thiểu số có liên hệ với những phần tử hiếu chiến Hồi giáo nước ngoài thực hiện.
Hoạt động của quân đội đã làm tăng thêm căng thẳng giữa chính quyền dân sự của bà Suu Kyi và quân đội vốn đã cai trị đất nước trong nhiều thập niên và vẫn còn giữ những quyền hành trọng yếu kể cả việc kiểm soát các bộ chịu trách nhiệm về an ninh.
Uỷ ban bảo vệ Ký giả quốc tế cho hay các phóng viên nỗ lực tường trình về xáo trộn tại Rakhine đang bị cản trở và quấy nhiễu.
Nhà cầm quyền Myanmar không cho phép ký giả nước ngoài đến khu vực này và truyền thông quốc tế không được mời tháp tùng với các nhà ngoại giao cao cấp đến thăm nước này trong tuần, cho dù truyền thông nhà nước được tiếp cận hoàn toàn.
Ông Zaw Htay, phát ngôn viên của Tổng thống Htin Kyaw, nói tin tức về bạo động tình dục, giết hại không qua xét xử, và bắt bớ tùy tiện do binh sĩ thực hiện là do những người âm mưu với phe nổi dậy ngụy tạo ra.
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả đặc biệt quan tâm đến phản hồi của ông Zaw Htay về một bản tin ngày 27 tháng 10 trên báo Myanmar Times cáo buộc về nhiều vụ hiếp dâm tập thể của binh sĩ Myanmar.
Reuters cũng đưa tin về những cáo buộc này và phỏng vấn 8 phụ nữ tố cáo bị binh sĩ hiếp dâm.
Ông Zaw Htay than phiền về tin này và chỉ trích biên tập viên điều tra đặc biệt Fiona MacGregor trên trang Facebook của ông.
Ngày thứ Sáu, bà McGregor nói với Reuters là vài ngày sau đó bà được ban quản lý tờ báo cho biết bà bị đuổi vì làm tổn hại đến thanh danh của tờ báo
Trong khi đó, ông Zaw Htay nói chính phủ không có gì phải che dấu cả.
Báo Myanmar Times không trả lời yêu cầu đưa ra bình luận nhưng kể từ đầu tuần tới nay, tờ báo này không đăng bất cứ tin tức gì về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine cả. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
33 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm bầu tổng thống --- Cảnh báo về nguy cơ khủng bố quanh ngày bầu cử --- Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ dưới con mắt của cử tri
Những con số bầu cử mới công bố cho thấy 33 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu bầu chọn tổng thống kế tiếp, và con số này giúp những nhà phân tích đoán biết được ứng cử viên nào có thể đang có lợi thế trong cuộc đua ngày càng sít sao.
Con số này có nghĩa là khoảng một phần tư tổng số phiếu bầu đã được cử tri đi bỏ, ngay cả khi hai ứng cử viên và những người ủng hộ có tiếng của họ tỏa ra khắp nước để tranh thủ vận động trong những giờ phút cuối cùng trước ngày bầu cử chính thức là ngày thứ Ba này.
Những nhà phân tích chính trị nhận định rằng sự gia tăng số cử tri đi bỏ phiếu sớm ở các bang Colorado, Nevada và Virginia có lợi cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Tại những nơi này Đảng Dân chủ có nhiều nhân viên vận động tranh cử trên thực địa hơn để thúc giục cử tri tiềm năng đi tới phòng phiếu. Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy bà Clinton gặp trở ngại ở những nơi khác thuộc vùng trung tâm của đất nước, bao gồm bang Ohio, nơi mà số người đi bỏ phiếu sớm ít hơn so với cuộc bầu cử tổng thống bốn năm trước.
Mỗi bang trong số 50 bang đặt ra quy định của riêng mình cho việc bỏ phiếu sớm và khi nào thì có thể bắt đầu bỏ phiếu sớm.
Chỉ còn ba ngày vận động tranh cử nữa trước khi hầu hết người Mỹ đi bỏ phiếu, những cuộc khảo sát cho thấy cuộc đua đang trở nên sít sao giữa bà Clinton và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Kết quả trung bình tất cả những cuộc khảo sát của RealClear Politics cho thấy bà Clinton dẫn trước một chút với tỉ lệ ủng hộ 46,6 phần trăm, so với 44,8 phần trăm dành cho ông Trump. Cách biệt dẫn đầu của bà ở một số bang chiến trường trọng yếu cũng đã thu hẹp.
Cách biệt của bà Clinton thu hẹp sau khi FBI tuần trước loan báo rằng họ vẫn đang điều tra việc bà sử dụng máy chủ email riêng tư. Ông Trump nói bà Clinton bị vướng sâu vào những vấn đề pháp lý tới mức nếu bà đắc cử thì việc này sẽ đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Nhưng Kyle Kondik, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Virginia nhận định những tiết lộ mới nhất của FBI khó có thể làm nhiều cử tri đổi ý và việc những cuộc khảo sát cho thấy cuộc đua trở nên sít sao trong những ngày cuối cùng không phải là điều bất thường.
Cả hai ứng cử viên đã lên lịch xuất hiện tại những buổi vận động trong ngày thứ Bảy ở bang Florida, nơi mà những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy cuộc đua về cơ bản là ngang ngửa.
Bà Clinton theo lịch trình sẽ tổ chức một buổi nhạc hội với ngôi sao nhạc pop Katy Perry vào ngày thứ Bảy ở thành phố Philadelphia. Ngày thứ Hai, ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử, ứng cử viên Đảng Dân chủ sẽ quay trở lại thành phố này để cùng vận động với Tổng thống Barack Obama, đệ nhất phu nhân Michelle Obama và chồng bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton. Bà Clinton hy vọng sẽ huy động được người ủng hộ bà trong thành phố được coi là trọng yếu để giành chiến thắng ở Pennsylvania, một trong những bang chiến trường quan trọng nhất của cuộc bầu cử. - VOA
***
Trong khi chỉ còn 3 ngày vận động chót trước khi cử tri Mỹ đi đầu phiếu để bầu chọn vị Tổng thống kế tiếp, chính quyền liên bang đã cảnh báo các giới chức ở New York, Texas và Virginia về những mối đe doạ không được xác định rõ từ al-Qaida quanh ngày bầu cử.
Chính quyền liên bang đã gửi thông báo tới các giới chức địa phương và tiểu bang để cập nhật những thông tin mới nhất. Tại New York, cảnh sát đang thẩm định mối đe doạ, vốn không có chi tiết cụ thể, nhưng cảnh sát đã tăng cường lực lượng để bảo vệ cuộc chạy đua marathon thường niên sẽ được tổ chức vào ngày mai, Chủ nhật 6/11. Cuộc đua này vẫn thu hút hàng chục ngàn người tham gia, và khán giả.
Thống đốc các bang Virginia và Texas cho hay họ đang giám sát tình hình. - VOA
***
“Thành thực” và “đáng tin cậy” không phải là những từ ngữ mà cử tri Mỹ dùng để miêu tả hai ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hoà.
Trong một cuộc thăm dò do Viện Gallup thực hiện trong tuần này, chỉ có 32% cử tri Mỹ dùng những từ vừa kể để miêu tả bà Hillary Clinton, trong khi 36% miêu tả ông Trump bằng những từ ngữ đó.
Các con số này không thay đổi bao nhiêu từ sau cuộc thăm dò tháng 9 vừa rồi, theo đó 34% cử tri được thăm dò tin rằng bà Clinton là người thành thật và đáng tin cậy. Về phần ông Trump con số này là 33%.
Tuy vậy, Viện Gallup cho biết rằng 50% người Mỹ tin là bà Clinton “có khả năng phán đoán tốt trong một cuộc khủng hoảng”, so với chỉ có 36% tin tưởng ông Trump có óc phán đoán tốt trong tình huống ấy.
Nhiều cử tri Mỹ tỏ ra kinh ngạc vì khoảng cách biệt quá gần giữa hai ứng cử viên Tổng thống cho thấy cuộc đua rất sít sao ngay tại thời điểm này. Theo lẽ thông thường thì chính khách có nhiều năm kinh nghiệm phải bỏ xa ông tỷ phú có tính tự cao tự đại, nhưng những vụ tai tiếng về vấn đề email bên bà Clinton, và những phát biểu khiếm nhã của ông Trump về phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, người Châu mỹ La tinh, người tàn tật và cả những người trong đảng Cộng hoà của ông, dường như vẫn gây nghi ngại nơi cử tri, khiến cho nhiều người phải xét lại sự lựa chọn ban đầu của mình.
Cả hai ứng cử viên hôm nay (thứ Bảy 5/11) đều đi vận động ở Florida, một trong những tiểu bang quan trọng có thể quyết định kết quả bầu cử.
Theo chương trình đã định, ông Trump lẽ ra sẽ xuất hiện ở New Jersey cùng với Thống đốc Chris Christie trong ngày thứ Bảy, nhưng sự kiện này đã bị huỷ bỏ sau khi hai phụ tá hàng đầu của ông Thống đốc Christie bị kết án về tất cả các tội danh bị cáo buộc về vai trò của họ trong vụ tai tiếng đóng làn xe trên cầu George Washington.
Bà Clinton sẽ chủ trì một chương trình âm nhạc với nữ ca sĩ Katy Perry ở Philadelphia. Ứng cử viên của đảng Dân chủ sẽ trở lại thành phố này vào ngày thứ Hai để tham gia cuộc mít tinh có sự có mặt của 3 nhân vật mà hợp lại là một sự ‘hội tụ hoàn hảo’ để có thể thuyết phục cử tri. 3 nhân vật đó là Tổng Thống Obama, Đệ nhất Phu nhân Michelle và cựu Tổng thống Bill Clinton.
Hôm thứ Sáu bà Clinton xuất hiện trên sân khấu ở Trung tâm Wolstein của Cleveland với ngôi sao hip hop Jay Z và vợ, nữ danh ca Beyonce. Tại đây bà Hillary Clinton nói với đám đông:
“Chúng ta có những công việc cần phải hoàn tất, nhiều rào cản phải tháo bỏ, và với sự giúp đỡ của quý vị, bứt phá những giới hạn không cho phép phụ nữ tiến lên, lần này, để mở ra con đường cho tất cả.”
Nữ ca sĩ Beyonce nói cô muốn con gái mình “lớn lên và chứng kiến một phụ nữ lãnh đạo đất nước, và biết rằng bé có thể thực hiện bất cứ điều gì mà không gặp phải hạn chế nào”.
Tại cuộc tập hợp đó, Jay Z nói những phát biểu của ông Trump gây chia rẽ và đó là lý do mà theo danh ca hip hop này, “ông Trump không thể trở thành Tổng thống của chúng ta”
Trước đó tại một cuộc tuần hành ở Hershey, bang Pensylvania, ông Trump chế giễu đối thủ khi nói với đám đông: “Tôi không phải mang theo Jennifer Lopez hay Jay Z. Tôi tới đây một mình.”
Ông Trump nói bà Clinton đang bị các vấn đề pháp lý vây bủa, và nếu bà đắc cử, nước Mỹ có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Về phần mình, bà Clinton nói nếu đối thủ của bà bên Đảng Cộng hoà thắng cử, thì kết quả đó sẽ tạo ra một tình trạng bất định nguy hiểm trên khắp thế giới, thay vì một tương lai đầy hy vọng mà bà đã vạch ra cho đất nước.
Trong khi còn chưa đầy 100 giờ đồng hồ nữa trước ngày bầu cử, các cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách biệt giữa ứng cử viên dẫn đầu và đối thủ đang thu hẹp dần. Bà Clinton vẫn dẫn trước ông Trump đôi chút trên toàn quốc, nhờ khối ủng hộ viên nữ và thuộc các nhóm sắc tộc.
Phân tích chi tiết vị thế hiện nay của hai ứng cử viên tại các bang chiến trường, nơi mà số phiếu cử tri đoàn có thể quyết định ai thắng ai thua sau khi đã kiểm tất cả các phiếu vào khuya ngày thứ Ba tới, tờ The Washington Post kết luận: “Bản đồ bầu cử rõ rệt đang nghiêng về hướng ông Trump.” - VOA
|
|
Tin Việt Nam
8.
Thảm họa Formosa và thảm họa BP: So sánh để học kinh nghiệm
Thảm họa môi trường biển chưa từng thấy trước nay tại Việt Nam do Formosa gây ra hồi tháng 4 khiến người ta nhắc nhớ thảm họa môi trường biển lớn nhất lịch sử Mỹ trong vụ tràn dầu của công ty BP cách đây 6 năm.
Cả hai cùng là khủng hoảng do con người gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế, sức khỏe, đời sống của nhiều thế hệ và tương lai môi trường.
Tuy nhiên, có những khác biệt rất rõ nét về cách giải quyết giữa hai vụ việc, dẫn đến những kết cục khác nhau.
Một nhà hoạt động pháp lý từng tích cực hỗ trợ vô số ngư dân gốc Việt tại các bang duyên hải bị ảnh hưởng trong vụ tràn dầu BP tại Mỹ năm 2010 phân tích những điểm khác biệt này để nêu lên những cách xử lý Việt Nam nên học hỏi, áp dụng vào sự cố Formosa.
Ngoài việc giúp đỡ pháp lý cho hàng trăm người Mỹ gốc Việt trong thảm họa môi trường BP, luật sư Phan Quốc Cường còn tham gia vận động chính sách và điều trần tại Quốc hội, kêu gọi bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân bị thiệt hại.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh niên VOA, vị luật sư trẻ dấn thân vì cộng đồng nhìn lại vụ tràn dầu BP để chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong nước nhân thảm họa Formosa.
LS Quốc Cường: Chúng ta có thể thấy rằng, thứ nhất, phản ứng của chính quyền rất khác biệt. Sau vụ tràn dầu tại Louisiana, chính phủ Mỹ ngay lập tức cho lực lượng cứu hộ tham gia. Hai, ba tháng sau, họ vận động hàng trăm ngàn người tham gia vào lực lượng cứu hộ, làm sạch môi trường. Thông tin báo chí, tự do báo chí giúp người dân cả nước biết rõ về những diễn biến mới nhất. Còn tại Việt Nam, báo chí cấm đả động tới hoặc bị bưng bít. Một số bài tường thuật nêu lên một số ý kiến về luật pháp hoặc bảo vệ người dân đòi thiệt hại thì ngay lập tức bị áp lực lấy xuống. Cần hiểu rõ vụ tràn dầu ở Louisiana là một sự bất cẩn và tắc trách. Hệ thống họ sử dụng bất thình lình không hoạt động đúng mới xảy ra sự cố này. Hoàn toàn không có sự biết rõ của chính phủ hay dự tính của công ty đổ chất độc ra biển. Hai cách cư xử rất khác nhau vì hệ thống tư pháp và cách hành xử của chính phủ hai nước cũng rất khác nhau. Một bên có luật bảo vệ môi trường rất nghiêm ngặt. Còn một bên biết rõ hoặc cố tình để cho công ty đó xả thẳng chất độc ra biển. Đó chính là hành vi mang tính hình sự. Một hành vi bất cẩn bên Mỹ cũng đã khiến cho hãng dầu BP chịu trách nhiệm về hình sự lẫn dân sự, phải bồi thường cho chính phủ rồi chịu trách nhiệm trực tiếp với mỗi người dân, doanh nghiệp trên khắp 5 tiểu bang bị ảnh hưởng và trên toàn nước Mỹ. Nếu so sánh, thật sự sự cố tình vi phạm của Formosa và sự hợp tác của chính phủ Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với lỗi của BP.
Trà Mi: Trở lại vụ BP 6 năm trước, lúc đó chính phủ Mỹ có vụ kiện riêng và những người dân bị ảnh hưởng có những vụ kiện riêng, thưa luật sư?
LS Quốc Cường: Đúng vậy. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chính thức khởi đơn kiện BP. Song song đó, họ cũng truy tố hãng BP ra tòa về trách nhiệm hình sự. Sau đó, BP phải gấp rút chi ra hàng chục tỷ đô la bồi thường cho các cấp từ thành phố, thị xã, tiểu bang cho đến liên bang. Rất nhiều cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã kiện BP. Cho đến thời điểm này, 6 năm sau, vẫn còn một số vụ chưa giải quyết xong.
Trà Mi: Đó là tổng cộng chi phí họ phải tiêu tốn 54 tỷ đôla ?
LS Quốc Cường: Mình nghĩ số đó sẽ tiếp tục tăng vì tới hôm nay quá trình kiện tụng vẫn tiếp diễn, và dĩ nhiên, thảm họa vẫn còn hậu quả kéo dài. Ngoài ra, còn chi phí mà họ phải làm sạch dầu trong mấy chục dặm biển cũng rất tốn kém.
Trà Mi: Trong vụ đó, ông đã can thiệp và hỗ trợ cho những thành phần nào và các vụ kiện đó thành quả ra sao?
LS Quốc Cường: Sự tham gia của mình trong hai vai trò, trong hai thời gian khác nhau. Thứ nhất, một-hai tuần sau vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon ngày 20/4, khoảng đầu tháng 5, BPSOS, một tổ chức của người Mỹ gốc Việt, cử mình trong tư cách một luật sư cộng đồng xuống dưới đó giám sát tình hình. Rất đông cộng đồng Việt Nam ở các làng duyên hải trên khắp các tiểu bang từ Texas, Louisiana, Mississippi, Florida, tới Alabama. Ở 5 tiểu bang này, số ngư phủ Việt tại các làng duyên hải lên tới hàng chục ngàn người. Chúng tôi, một tổ chức cộng đồng, có tổ chức những nỗ lực trực tiếp kéo dài từ tháng 6 đến hơn 1,5 năm về sau. Mình đưa phẩm vật thiện nguyện từ khắp nơi về, đưa các kế toán viên về đó giúp bà con tiến hành việc bảo vệ quyền lợi về pháp lý và tài chính. Mình cũng giúp đưa những các chuyến thực phẩm cứu trợ bằng cách hợp tác với các cơ quan chính phủ Mỹ và các tổ chức thiện nguyện Mỹ, đưa các phái đoàn y bác sĩ về đó giúp bà con. Mình cũng vận động chính sách tại các cấp Thống đốc và dân cử địa phương. Mình cũng tổ chức các phái đoàn của người Mỹ gốc Việt lên tận Washington DC để điều trần tại Quốc hội Mỹ về quyền lợi và cuộc sống của người dân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào. Sau này, khi tôi ra hành nghề tư nhân, trong tư cách luật sư tư nhân, mình đại diện cho bà con và các doanh nghiệp nhỏ bị thiệt hại để đòi bồi thường. Tới lúc này, phần lớn bà con ngư phủ mà tôi đại diện đã được bồi thường qua nhiều đợt, bây giờ vào giai đoạn cuối.
Trà Mi: Trong vụ Formosa ở Việt Nam, chính phủ đã nhận 500 triệu đôla bồi thường, chưa nói đến phí tổn dọn dẹp, phục hồi bao nhiêu, chưa kể đến bao nhiêu người bị thiệt hại đã bị trả đơn kiện. Trong lúc này, những nạn nhân bị ảnh hưởng đó có thể làm gì?
LS Quốc Cường: Chính quyền Việt Nam vội vã tiến hành dàn xếp, thỏa thuận ngầm với Formosa để khỏa lấp vụ này. Một chính phủ được tạo ra để phục vụ dân, nhưng khi họ không hiểu hoặc quay mặt với quyền lợi của tập thể nhân dân, thì chính người dân phải đứng lên đòi công lý cho mình. Họ, các luật sư trong nước và người Việt khắp nơi trên thế giới cần phải tạo sự đồng nhất, hỗ trợ cho nhau để đòi quyền lợi cho các nạn nhân trực tiếp, không để chính phủ quyết định mọi chuyện mà bỏ rơi đi quyền lợi của dân. Họ phải sử dụng hệ thống tư pháp hiện tại, dù hệ thống đó không phải là độc lập. Đây là cơ hội để giới luật sư trẻ trong nước và thế hệ trẻ, vì quyền lợi người dân, đứng lên mở ra một mặt trận về pháp lý, truyền thông. Những người dân bé nhỏ với một hệ thống công lý và tư pháp không màng đến quyền lợi của họ trước một tập đoàn kinh doanh đa quốc như Formosa với sức mạnh kinh tế và quyền lực chính trị cùng với nền truyền thông bị kiểm duyệt bởi chính phủ và đảng, dân chỉ còn cách dựa vào nhau tạo ra sức mạnh và tiếng nói cho quyền lợi của mình.
Trà Mi: Trở lại vụ BP, lúc thảm họa xảy ra có các tập đoàn luật sư và giới chuyên môn tới giúp khảo sát thiệt hại ra sao?
LS Quốc Cường: Đã có rất nhiều phái đoàn luật sư thiện nguyện, Mỹ có, Việt có. Riêng tổ chức chúng tôi đã tổ chức trên 20 buổi hội thảo pháp lý miễn phí để các luật sư tham gia cùng nghiên cứu các luật lệ liên quan đến thảm họa này và cung cấp thông tin, giúp người dân hiểu rõ quyền của họ ra sao. Khi họ hiểu được quyền và cách đòi quyền lợi cho mình thì sự tự tin của họ cũng tăng lên kèm theo sự tin tưởng. Những buổi hội thảo pháp lý đó cộng với các phương tiện truyền thông độc lập, với vận động chính phủ. Bên này, chính phủ đáp ứng nhanh chóng trước áp lực quần chúng. Còn bên Việt Nam, đòi hỏi bà con phải can đảm và kiên nhẫn, phải dám chấp nhận sự trừng phạt, cô lập, hay đàn áp của chính phủ.
Trà Mi: Các tổ chức luật sư thiện nguyện bên Việt Nam, dù họ muốn giúp đỡ, nhưng khả năng hạn hẹp, không đủ kinh phí cũng là một trở ngại. Luật sư nghĩ sao?
LS Quốc Cường: Do đó cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là cộng đồng người Việt ở hải ngoại, giúp họ vượt qua trở ngại này. Ví dụ, các luật sư ngoài nước liên kết với các luật sư trong nước, cung cấp tài liệu pháp lý liên quan. Cũng có thể tạo ra những đợt gây quỹ. Nếu truyền thông trong nước cô lập, thì hôm nay chúng ta có Facebook và internet khuyếch trương tiếng nói của các xã hội dân sự đang đại diện cho bà con.
Trà Mi: Trong vụ BP, khi khảo sát, thống kê thiệt hại có biết bao nhiêu nạn nhân mà lực lượng thiện nguyện thì có giới hạn, làm thế nào xoay sở?
LS Quốc Cường: Mình thường xuyên theo dõi các cuộc điều tra do chính phủ và các ủy ban độc lập họ tiến hành. Lúc đó có rất nhiều cơ quan chính phủ, hành pháp, họ tiến hành điều tra độc lập, song song với nhau. Bên lập pháp cũng có những ủy ban độc lập do Quốc hội lập ra. Về phía tư nhân, cũng có rất nhiều tổ chức thiện nguyện trong xã hội dân sự họ tham gia điều tra. Thậm chí các tờ báo lớn có khả năng, họ cũng tiến hành các cuộc điều tra riêng của họ. Cho nên, về thông tin, rất rõ ràng. Ngoài ra còn có nhiều cơ quan, hội nhóm bảo vệ môi trường tham gia. Khi các cuộc điều tra khảo sát kết thúc với kết quả rõ ràng, chính phủ mới có dữ kiện đầy đủ để minh bạch với quần chúng số tiền đòi bồi thường và trừng phạt là bao nhiêu. Khi chính phủ chấp nhận số tiền đó rồi, cũng không thể cấm đoán người dân theo đuổi những vụ kiện riêng của họ. Ở Việt Nam, cá chết trắng các tỉnh duyên hải, ngư dân không có việc làm, mà họ còn nói không đủ bằng chứng thiệt hại thì mình không hiểu đâu là bằng chứng về tư cách đạo đức, về trách nhiệm phục vụ công lý và phục vụ quyền lợi nhân dân. Hy vọng ngày càng có nhiều người nhận thức được sự thật chua chát đó mà hành động, khiến chính phủ phải thay đổi tích cực. Mọi thảm họa hay thử thách đi kèm với cơ hội, cơ hội tạo nội lực sức mạnh, cơ hội hội tụ xung quanh những người có năng lực, gầy dựng lại với nhau tạo tiếng nói đòi công lý. Cho nên, trong thời gian tới, đáp án không nằm nơi chính quyền Việt Nam. Sự thay đổi phải đến từ xã hội dân sự. Các tổ chức luật sư đoàn cần lên tiếng. Chúng ta cần thấy sự phát triển ngày càng mạnh của xã hội dân sự, nhất là trong vụ Formosa. Sự ủng hộ của người Việt khắp nơi và của các luật sư đoàn quốc tế cũng hết sức quan trọng, mang lại những ủng hộ tinh thần, vật chất cần thiết cho các luật sư trong nước.
Trà Mi: Nếu người dân Việt Nam kiện Formosa tại Việt Nam không thành, họ có thể kiện ở Đài Loan, quê nhà Formosa, hay kiện ra tòa quốc tế chăng?
LS Quốc Cường: Cũng cần giới luật sư Đài Loan tư vấn xem có thể tiến hành kiện tại Đài Loan hay không. Cũng có một số tòa án quốc tế giải quyết các vấn đề tranh chấp về thiệt hại kinh tế, tuy nhiên, cần sự hợp tác và ý thức của chính phủ Việt Nam vì phần lớn các tranh chấp môi trường ở quốc tế là giữa các chính phủ với nhau.
Trà Mi: Chân thành cảm ơn luật sư Phan Quốc Cường về những thông tin vừa chia sẻ. - VOA
|
|
9.
'Sầu nữ' Út Bạch Lan qua đời
Nghệ sĩ Út Bạch Lan, một trong những tên tuổi nổi bật nhất của cải lương miền Nam, qua đời tại nhà riêng ở TP. Hồ Chí Minh, sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư.
Người được mệnh danh là 'sầu nữ' và là một trong những "cây đại thụ của cải lương Việt Nam" hưởng thọ 81 tuổi.
Tên thật của bà là Đặng Thị Hai, sinh ra tại tỉnh Long An.
Giữa thập niên 1950, Út Bạch Lan được báo chí Sài Gòn và giới mộ điệu cải lương biết đến qua vở dã sử Đồ Bàn Di Hận trên sân khấu Thanh Minh.
Hơn 60 năm gắn bó cùng sân khấu, tên tuổi của bà gắn liền với những vở: Nửa Đời Hương Phấn, Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ...'.
Những năm cuối đời, bà ăn chay trường, thường tham gia những chuyến đi hát và trao quà từ thiện cho người nghèo tại những vùng hẻo lánh.
Tin cho hay, ngày 24/10, dù đang đau ốm, bà vẫn lên sàn tập vở 'Mẹ ngồi sàng gạo' để diễn quyên tiền trao học bổng cho con em nghệ sĩ nghèo.
'Không màng danh hiệu'
Hôm 5/11, trả lời BBC từ TP. Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Kim Tử Long nói: "Trong giới cải lương từ độ tuổi của tôi trở xuống đều gọi nghệ sĩ Út Bạch Lan là má Út và xem bà là tấm gương về nghề nghiệp và nhân cách sống."
"Bà qua đời là mất mát lớn cho sân khấu cải lương vì theo tôi, không diễn viên nào qua được bà khi thể hiện vai người mẹ nhân hậu."
"Điều tôi quý nhất ở má Út là sự hiền hậu, sống cuộc đời đơn giản, không màng danh hiệu và những hào nhoáng của sự nổi tiếng."
"Dù được được chính quyền đề nghị nộp đơn xin danh hiệu 'nghệ sĩ nhân dân' nhưng bà khước từ và nói rằng chỉ muốn mãi làm 'sầu nữ' trong lòng khán giả mộ điệu."
Trên website Sân Khấu Cải Lương có một bài viết kể chuyện nghệ sĩ Út Bạch Lan nuôi bốn đứa con rơi của chồng, nghệ sĩ Thành Được.
Bài báo dẫn lời bà: "Phần hậu vận, tôi có đóng góp ở chùa, nên mai sau chết đi, việc tang chế cũng chẳng lo lắng gì. Tôi có dặn các con, khi má chết nhớ đem thiêu rồi mời thầy, thuê ghe ra sông rắc tro và tuyệt đối không được làm đám giỗ cho tốn kém. Mỗi ngày khi ăn cơm, nếu nhớ má thì để chén đũa riêng ra, mời má về ăn cơm cùng tụi con, thế là má vui lắm rồi". - BBC
|
|
10.
Cách chức ông Vũ Huy Hoàng chỉ mang tính biểu tượng
Ban Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, bằng cách cắt chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương của ông. Việc ông Hoàng bị cách chức sau khi đã nghỉ hưu đặt ra nhiều câu hỏi. Một số người cho rằng “đánh chuột khi nó đã ra khỏi bình” thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, nói với VOA:
“Tôi thấy người ta làm một cái trò vô cùng kỳ quặc. Một người không còn chức đấy, đã đi về hưu bao nhiêu tháng trời, gần cả năm rồi, mà bây giờ họ bảo là cách chức mà ông ta đã từng giữ. Tôi nghi là người ta muốn kỷ luật ông ấy ở mức cao hơn. Để về sau, khi mà nói đến ông ta, người ta không còn phải nhắc đến ông ấy nguyên là bí thư của một đảng bộ nào đấy. Bởi vì như thế nó ô danh cho đảng Cộng sản Việt Nam”.
Ông Vũ Huy Hoàng bị cáo buộc là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc phân bổ nhân sự khi còn tại chức. Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương bị quy trách nhiệm về việc bổ nhiệm con trai ông, Vũ Quang Hải, vào Hội đồng quản trị Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và hàng loạt quyết định bổ nhiệm tai tiếng khác, kể cả vụ ông Trịnh Xuân Thanh, một giới chức đang bị Việt Nam truy nã quốc tế.
Trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội hôm 4/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng cho biết sau khi bị cách chức về mặt đảng, ông Vũ Huy Hoàng cũng sẽ bị xử lý tương xứng về mặt chính quyền.
Dư luận đang theo dõi xem quyết tâm xử lý “không có vùng cấm” như trong trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng sẽ đi đến đâu.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên viên Chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc cách chức cựu lãnh đạo của Bộ Công thương chỉ mang tính biểu tượng.
“Việc xử lý như thế này nó có tính chất biểu tượng nhiều hơn. Nghĩa là người ta cho rằng cần đánh giá lại nhiệm kỳ của ông ấy là từ năm 2011 – 2016, đánh giá lại tất cả những việc mà ông ấy làm là không xứng đáng với chức vụ đó. Việc cách chức chỉ có tính chất biểu trưng như thế, chứ nó cũng không còn ý nghĩa thực tế nữa”.
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói quyết định cách chức ông Vũ Huy Hoàng là “chưa có tiền lệ” ở cấp cao như vậy. Nhiều trường hợp trước đây sau khi xử lý về mặt đảng thì vụ việc rơi vào im lặng. Nhưng riêng trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, vì là quan chức cấp cao và có liên quan đến nhiều vụ việc được cho là nghiêm trọng khác, nên TS. Thọ cho rằng Việt Nam có thể sẽ có những cách xử lý khác tiếp theo sau khi kỷ luật về mặt đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng. - VOA
No comments:
Post a Comment