HAPPY THANKSGIVING TO ALL
Tin Thế Giới
1.
TQ quyết thúc đẩy các hiệp định thương mại bất kể tương lai TPP, RCEP --- Vỡ mộng vì Mỹ, APEC trông đợi Trung Quốc
Trung Quốc nói sẽ tích cực tham gia vào các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, với mục tiêu cải cách sâu rộng và mở cửa nền kinh tế, bất kể tương lai của Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Đối tác (TPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) do Bắc Kinh hậu thuẫn sẽ đi về hướng nào.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump nói ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định thương mại đa quốc gia và không có Trung Quốc - TPP. Điều này khiến cho RCEP, một hiệp định đối trọng không có Hoa Kỳ, vượt lên hàng đầu trong các hiệp định thương mại tự do mới trong khu vực.
Khi được yêu cầu làm rõ về chi tiết cụ thể kế hoạch cải cách, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng đây là cuộc cải cách kinh tế bao quát và “toàn diện”.
Cũng theo lời ông Shen, Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng tốc các cuộc đàm phán RCEP để có thể kết thúc sớm, với sự tôn trọng hoàn toàn vị thế cốt lõi của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thỏa thuận này.
Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ mở cửa nền kinh tế hơn nữa, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang tìm kiếm lựa chọn các hiệp định thương mại tự do mới sau khi ông Trump đắc cử. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump hứa sẽ hủy bỏ hoặc tái đàm phán các hợp đồng thương mại.
RCEP, bao gồm các nước Australia, Ấn Độ và hơn một chục quốc gia khác, được xem là con đường có thể duy nhất dẫn đến Hiệp định Thương mại Tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) mà APEC mong muốn.
Theo tờ báo nhà nước China Daily, nhiều nhà bình luận Trung Quốc đang say sưa về sự sụp đổ của TPP, gọi đây là một hiệp định “quá phức tạp” và “yểu mệnh ngay từ đầu”. - VOA
***
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần như bị khai tử. Các nước trong khối APEC và những nước tham gia đàm phán TPP cảm thấy hụt hẫng. Với thắng lợi của ông Donald Trump, Trung Quốc như từ trong bóng tối bước ra trước “ánh đèn sân khấu”. Trên đây là nhận định của tờ Nikkei Asian Review trong một bài phân tích đăng ngày 24/11/2016.
Khi tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ngay ngày đầu tiên làm tổng thống, ông Donald Trump đã làm cho chính sách “xoay trục” sang châu Á của tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama “tan thành mây khói”.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á nhắc đến chiến lược châu Á của Mỹ với một cảm xúc thất vọng pha lẫn sự châm biếm. Đối với nhiều quốc gia, chính sách này giờ chẳng khác nào như là một “chiếc thùng rỗng”. Một không khí hoài nghi bao trùm trên toàn bộ khu vực.
Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng bắt đầu ngờ vực khả năng Hoa Kỳ tiếp tục duy trì các chiến dịch tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ cái nguyên tắc gọi là tự do lưu thông hàng hải, đồng thời ngăn chặn đà tiến của Trung Quốc trong khu vực.
Cảm giác hẫng hụt như tăng lên gấp bội khi nói đến TPP, vũ khí kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á của. Phải mất đến 5 năm thương thuyết dài dăng dẳng và gay gắt theo một loạt các yêu cầu của Mỹ để các bên đi đến ký kết một thỏa hiệp, với mong muốn duy nhất có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Mỹ.
Để rồi sau đó, Hoa Kỳ thông báo tạm ngưng quy trình phê chuẩn TPP tại Quốc Hội. Các nước tham gia như có cảm giác ai đó bất ngờ rút thảm dưới chân. Họ cảm thấy “mệt mỏi vì Hoa Kỳ”, như lời than thở của Bộ trưởng Thương mại Malaysia, tại thượng đỉnh ASEAN.
Thế giới của Trung Quốc
TPP bị Úc và Việt Nam xếp xó, trong khi các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan hay Indonesia hầu như “im hơi lặng tiếng”, ngay sau khi người dân Mỹ mở cánh cổng Nhà Trắng cho một người mang tư tưởng bảo hộ mậu dịch. Động lực cho tự do thương mại sụt giảm thê thảm.
Ảnh hưởng suy yếu của Hoa Kỳ trái ngược với một Trung Quốc tràn đầy sinh lực. Hoa Kỳ thời Donald Trump muốn xem xét lại các thỏa thuận tự dao mậu dịch. Trung Quốc của Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự cần thiết của một Khu vực Tự do Mậu dịch châu Á – Thái Bình Dương.
Bắc Kinh giờ không còn giấu giếm ý định, cho rằng chỉ có thị trường Trung Quốc rộng lớn, đầy tiềm năng mới là đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ. Ngay cả tổng thống Pedro Pablo Kuczynski của Peru, nước chủ nhà thượng đỉnh APEC, còn nhắm đến một TPP mới với Nga và Trung Quốc là đầu tàu, thay thế TPP của Hoa Kỳ đang chết yểu.
Gió đổi chiều
Có thể nói gió đang xoay chiều. Trong thượng đỉnh APEC 2015, diễn ra trên một hòn đảo nhỏ của Philippines, Trung Quốc bị cô lập vì những căng thẳng với tổng thống Philippines tiền nhiệm, Benigno Aquino xung quanh các tranh chấp trên Biển Đông. Khi đó, Mỹ và Nhật Bản là trung tâm của cuộc họp.
Thắng lợi của Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đã nâng cao vai trò của Trung Quốc, vậy Bắc Kinh sẽ kiến tạo thương mại thế giới ra sao? Trung Quốc có thể sớm đàm phán, ký kết thoả thuận đầu tư song phương vào năm tới, và đây là niềm mơ ước của giới công nghiệp Mỹ từ lâu nay. Cho dù cả hai bên đều chính thức nói rằng các đề nghị đàm phán đang trong giai đoạn bế tắc, nhưng Bắc Kinh đang chuẩn bị kế hoạch thương lượng với tân chính quyền Hoa Kỳ. Và điều này sẽ cho phép Trump thuyết phục rằng các nhượng bộ của Trung Quốc là một thắng lợi của Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản có lẽ đã cố thuyết phục ông Trump thay đổi ý định và phục hồi TPP đang trong cơn hấp hối trong cuộc gặp đôi bên tại New York, trước khi đến dự thượng đỉnh APEC, nhưng dường như nỗ lực của lãnh đạo Nhật đã bất thành. Giờ chỉ còn biết “Chờ và đợi xem”, theo như lời nhận định của bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo với báo nhật Nikkei Asian Review. - RFI
|
|
2.
Sập giàn giáo nhà máy điện ở TQ, ít nhất 67 người thiệt mạng
Báo chí Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết lực lượng cứu hộ nước này đã nỗ lực hết sức để kéo một công nhân bị mắc kẹt ra ngoài, sau khi giàn giáo xây dựng tại một nhà máy điện bị sập, giết chết ít nhất 67 người.
Năm công nhân bị thương đã được đưa tới bệnh viện ngay trong sáng thứ Năm.
Những vụ tai nạn chết người tương đối phổ biến ở các khu công nghiệp tại Trung Quốc. Công chúng đang ngày càng tức giận về những tiêu chuẩn lỏng lẻo tại đây. Ba thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này đã bị phá hỏng bởi các sự cố khác nhau, từ thảm họa khai thác mỏ cho đến những vụ cháy nhà máy.
Trung Quốc tuyên bố sẽ cải thiện an toàn tại các nhà máy. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói chính quyền ông sẽ học những bài học được trả bằng máu sau khi xảy ra những vụ nổ hóa chất ở thành phố cảng Thiên Tân, giết chết hơn 170 người hồi năm ngoái.
Sau các vụ nổ này, lãnh đạo Cục Quản lý nhà nước về An toàn Lao động Yang Dongliang đã bị cách chức và sau đó bị buộc tội tham nhũng. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
New York dùng xe tải chở cát để bảo vệ cuộc diễu hành Lễ Tạ ơn --- Ông Trump kêu gọi đoàn kết trong lời cầu nguyện Lễ Tạ ơn
Cảnh sát New York sẽ sử dụng những xe tải chở đầy cát, các máy dò bức xạ, chó đánh hơi bom và lực lượng vũ trang để bảo vệ cuộc diễu hành Lễ Tạ ơn lần thứ 90 của Macy diễn ra vào ngày thứ Năm. Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã khuyến khích các tín đồ của mình tấn công cuộc diễu hành này.
Các giới chức Mỹ dự kiến có khoảng 3,5 triệu người tụ tập trên tuyến đường diễu hành dài 2,5 dặm (4 km) ở Manhattan mỗi năm. Cuộc diễu hành được truyền hình trực tiếp trên toàn nước Mỹ, khởi động mùa mua sắm bằng những trái bóng bay khổng lồ có hình dạng các nhân vật hoạt hình.
82 xe tải chở cát của Cục Vệ sinh Môi trường sẽ được sử dụng để chống lại mối đe dọa Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này từng nói cuộc diễu hành là một “mục tiêu tuyệt vời”.
Nhà nước Hồi giáo đã khuyến khích những độc giả của tạp chí trực tuyến Rumiyah của nhóm là hãy sử dụng xe máy để giết người và gây thương tích, tương tự như cách mà kẻ tấn công gốc Tunisia đã giết chết hơn 80 người tại Lễ Bastille ở Nice, Pháp.
Những xe tải nặng 16 tấn và có trọng lượng gấp đôi khi đổ đầy cát sẽ rất khó di chuyển ngay cả khi bị xe tải cỡ lớn đâm vào.
Cảnh sát cũng đã sử dụng những chiếc xe tải cát để bảo vệ Tháp Trump gần đó. Đây cũng là nơi ở và trụ sở chiến dịch chính của Tổng thống đắc cử Donald Trump. - VOA
***
Trong khi đang hình thành nội các mới, Tổng thống đắc cử Donald Trump trong ngày Lễ Tạ ơn đã cầu nguyện cho sự đoàn kết của nước Mỹ, sau chiến dịch tranh cử dài và đầy tổn thương.
Trong đoạn video công bố vào đêm trước Lễ Tạ ơn, ông Trump nói: “Cảm xúc và căng thẳng không lành lặn chỉ qua một đêm”. Ông tiếp tục, “Lời nguyện của tôi trong Lễ Tạ ơn này là chúng ta bắt đầu hàn gắn sự chia rẽ và tiến lên như một quốc gia đoàn kết, được củng cố bởi mục tiêu và quyết tâm chung”.
Ông Trump đang tụ họp với gia đình trong ngày thứ Năm, tại khu dinh thự của ông ở Palm Beach, bang Florida. Ông dự kiến sẽ nghỉ một ngày sau hai tuần vất vả bắt đầu định hình chính quyền non trẻ của mình.
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức trong vòng chưa đầy 60 ngày nữa. Ngoài nội các, ông còn phải bổ nhiệm hàng trăm vị trí quản lý cấp cao khác.
Tổng thống tân cử Mỹ dự kiến sẽ ở lại khu dinh thự Mar-a-Lago tại Florida cho đến hết cuối tuần này. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
Giáo Hoàng Francis tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Đức Giáo Hoàng Francis tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Vatican hôm 23/11 trong diễn tiến mới của quan hệ song phương.
Cuộc gặp diễn ra trong 15 phút
Theo Vatican Radio, Giáo Hoàng Francis gặp với Chủ tịch Trần Đại Quang "trong một không gian riêng".
Thông cáo từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết, "Trong cuộc họp thân mật, quan hệ tốt đẹp giữa Tòa thánh và Việt Nam được nhắc nhớ, duy trì trên tinh thần đối thoại và tìm kiếm cách thức tiến triển".
Hôm 24/11, trả lời BBC từ tỉnh Quảng Nam, Linh mục Đinh Hữu Thoại, Giáo xứ Tiên Phước, nói: "Tôi nghĩ rằng qua cuộc gặp này, lãnh đạo Hà Nội muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ có thiện chí trao đổi về tự do tôn giáo nhưng thực tế thì không có biến chuyển tích cực gì sau những cuộc gặp giữa Vatican và Việt Nam."
"Bằng chứng là tòa Khâm sứ ở Việt Nam chưa có, Hà Nội vẫn chỉ chấp nhận cho người của Vatican thường trú."
'Bước lùi'
"Có thể nói, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mới được Quốc hội thông qua là một bước lùi so với những nghị định về tôn giáo trước đó, dù các vị chức sắc tôn giáo đã góp ý nhiều và đề nghị hoãn lại nhưng tiếng nói của họ không được ghi nhận."
"Tôi cũng quan ngại về xu thế đàn áp tôn giáo tại Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng chứ không hề giảm đi."
Đề cập về khả năng Giáo Hoàng Francis thăm Việt Nam có thể xảy ra trong thời gian tới, Linh mục Thoại cho hay: "Tôi chưa thấy có tiền lệ Đức cha thăm một quốc gia mà Vatican chưa có bang giao như Việt Nam, dù rằng Ngài luôn muốn đến thăm một nước có khó khăn về tôn giáo."
Cùng ngày, BBC đã liên hệ Ban Tôn giáo Chính phủ nhưng ông Dương Văn Khá, Chánh Văn phòng từ chối trả lời.
Hôm 24/11, Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin, "Giáo hoàng cho biết Tòa thánh đánh giá cao việc Việt Nam lấy ý kiến xã hội rộng rãi trước khi thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo".
Trước chuyến thăm của ông Trần Đại Quang, nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam những năm gần đây đã thăm Vatican, kể cả thủ tướng, tổng bí thư và chủ tịch Quốc hội. - BBC
|
|
5.
Việt Nam chưa buông TPP --- Mỹ có nên theo đuổi TPP song phương với Việt Nam?
Việt Nam vẫn tiếp tục chờ đợi diễn biến ở chính trường Mỹ và cùng các nước trong khu vực bàn bạc về tương lai của Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương nếu Mỹ rút.
Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nói như vậy với các phóng viên hôm 22/11. Truyền thông trong nước dẫn lời ông Phúc nói tại một cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp vừa qua của Quốc Hội rằng: “Ông Trump chưa chính thức trao đổi với phía Việt Nam; bên cạnh đó quá trình vận động bầu cử và sau khi đắc cử vẫn có sự thay đổi nên chúng tôi vẫn chờ đợi.”
Đầu tuần này, tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại tự do được 12 nước trong vành đai Thái Bình Dương ký kết cuối năm ngoái sau hơn 5 năm thương thảo. Ngay sau tuyên bố của ông Trump, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng TPP sẽ không còn ý nghĩa gì nếu không có Mỹ. Trước đó quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn TPP với mong muốn điều đó sẽ làm ông Trump thay đổi.
Hôm 15/11, Quốc hội New Zealand cũng đã thông qua TPP và cho phép chính phủ nước này tham gia vào hiệp định gói gọn 40% thương mại toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại Todd McClay được Radio New Zealand trích lời nói dù có những rào cản nhưng New Zealand sẽ cho chính phủ mới của Mỹ thời gian để hoàn toàn xem xét nghị trình thương mại.
TPP phải có ít nhất 6 thành viên phê chuẩn và phải chiếm ít nhất 80% lượng GDP của khối. Với việc Mỹ chiếm 65% GDP của toàn khối, TPP sẽ không có hiệu lực nếu Mỹ không tham gia. Do đó, sau khi ông Trump tuyên bố rút lui khỏi hiệp định này, các thành viên đã ký kết TPP đang có các bất đồng về việc liệu có nên xúc tiến hiệp định thương mại này mà không có sự tham gia của Mỹ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 23/11 cũng đã bày tỏ sự thất vọng trước việc ông Trump rút Mỹ ra khỏi TPP.
Australia, một thành viên tham gia TPP, cũng đang cân nhắc một hiệp định thương mại không có Mỹ. Đầu tuần này, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói ông hy vọng ông Trump sẽ thay đổi ý định và ủng hộ TPP hoặc hiệp định này sẽ được duy trì dưới một dạng nào đó theo ý của tổng thống kế tiếp của Mỹ.
Việt Nam được coi là nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP nếu được thông qua. Theo đánh giá của các kinh tế gia, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 5.4% - tương đương với $6.1 tỷ đô la.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được VNExpress trích lời nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 22/11 rằng: “Việt Nam mong muốn tham gia TPP và đã rất nỗ lực.” Ông Phúc cho biết vừa qua có nước đã phê chuẩn hiệp định; với Việt Nam sau khi chủ tịch nước báo cáo kết quả tham dự Hội nghị APEC 2016 và cuộc gặp cấp cao TPP tại Peru, Quốc hội sẽ xem xét cụ thể vấn đề.
Chính phủ Việt Nam đã hoãn phê chuẩn TPP tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc tại Hà Nội vì muốn chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Cũng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và sẽ tiếp tục phát triển kinh tế. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã nói dù có TPP hay không thì các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, thuỷ sản và giầy dép sẽ tiếp tục giữ thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. - VOA
***
Sau khi hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được coi là ‘chết lâm sàng’ khi tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút lui, một chuyên gia cho rằng Mỹ nên theo đuổi các hiệp định song phương với các đối tác trong khu vực này.
Luật sư Sesto Vecchi của hãng luật quốc tế Russin & Vecchi trong 1 bài viết cho tờ The Hill có trụ sở ở Washington DC nói Mỹ nên tập trung vào một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam với các điều khoản đã được thương lượng về cắt giảm thuế và bảo hộ lao động trong TPP.
Ông Vecchi, với hơn 35 năm kinh nghiệm hành nghề luật ở Việt Nam cho rằng quốc gia Đông Nam Á này là một trường hợp đặc biệt để Mỹ xem xét trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách theo đuổi một hiệp định thương mại khác với các nước trong khu vực để thay thế TPP.
TPP là một trong 3 hiệp định thương mại và đầu tư lớn nhất mà Mỹ từng thương lượng trong kỷ nguyên hậu chiến tranh. Hiệp định này xóa bỏ 18.000 loại thuế đối với các mặt hàng và dịch vụ của Mỹ và do đó sẽ làm tăng lượng hàng xuất khẩu và đầu tư của Mỹ vào châu Á, theo bài viết của ông Vecchi trên tờ báo chính trị chuyên đưa tin tức về Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng.
Theo lập luận của luật sư hàng đầu của hãng luật có trụ sở chính ở Washington và nhiều văn phòng trên toàn cầu, Việt Nam là một thị trường phát triển nhanh nhất đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Năm 2015, lượng hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam có mức tăng 24%/năm với tổng doanh thu lên tới 7.1 tỷ đô la và với các các loại thuế bảo hộ được xóa bỏ, theo các điều kiện thương lượng trong TPP, thì con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Hơn thế nữa, Mỹ là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Luật sư Vecchi đã trả lời câu hỏi về việc tại sao chính phủ Việt Nam đồng ý với các điều kiện nghiêm ngặt trong TPP về các tiêu chuẩn cao hơn về lao động và chi phí lớn hơn về môi trường và cho phép một dòng chảy hàng hóa và dịch vụ của Mỹ vào Việt Nam? Đó là vì Việt Nam muốn xuất khẩu nhiều hơn các mặt hàng quần áo và giày dép vào thị trường Mỹ tiềm năng.
Việt Nam xuất khẩu gần 16 tỷ đô la hàng may mặc và giày dép vào Mỹ năm 2015 với các nhãn hàng nổi tiếng của Mỹ như Nike, Ralph Lauren và Calvin Klein. Mặc dù phải chịu mức phí lớn hơn do tiêu chuẩn về môi trường và lao động cao hơn, như các điều kiện của TPP đã được thương thảo giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ có những lợi ích lớn khi được hưởng thuế suất thấp hơn vào Mỹ và gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Trường Thủy của Viện Nghiên Cứu Biển Đông cho rằng với một hiệp định thương mại song phương, Việt Nam sẽ không có nhiều lợi ích như Mỹ. Trên trang Twitter của mình, ông Thủy viết khi phản ứng về nhận định của luật sư Vecchi rằng: “Một TPP song phương sẽ làm thay đổi quan hệ thương mại Mỹ theo hướng là chỉ có lợi cho người Mỹ.”
Còn trong bài viết của mình, luật sư Vecchi nói một hiệp định thương mại song phương sẽ làm thay đổi mối quan hệ thương mại Việt-Mỹ theo hướng sẽ có lợi cho cả 2 bên nhưng cũng có những cái bị thiệt thòi. Theo phân tích của ông, công nhân Mỹ sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất vì hàng nghìn việc làm với mức lương cao sẽ được tạo ra nhờ vào việc xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trong tương lai và Việt Nam sẽ có được những tiêu chuẩn bảo vệ cao hơn cho môi trường và người lao động trong nước. Còn người bị thiệt thòi nhất, theo ông Vecchi là các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vì họ sẽ mất đi thị phần và công việc do sự cạnh tranh tăng cao của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong nước Mỹ, nhiều người dân và các chính trị gia phản đối các hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả TPP, bởi họ cho rằng các hiệp định này lấy đi công ăn việc làm của họ. Bà Hillary Clinton, khi tranh cử tổng thống đã thay đổi quan điểm trước đây của bà từng ủng hộ TPP vì muốn giành các lá phiếu từ cử tri. Theo The Hill ghi nhận, Tổng thống Barack Obama cũng đã ngừng tìm kiếm sự phê chuẩn của quốc hội đối với TPP trong thời gian cuối nhiệm kỳ trước khi Tổng thống Đắc cử Donald Trump lên nhậm chức.
Còn theo ông Vecchi, một hiệp định TPP song phương sẽ làm mối quan hệ Việt-Mỹ sâu sắc hơn. Còn nếu không có TPP, tín nhiệm của Mỹ ở Việt Nam và khu vực sẽ dần mờ nhạt trong sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc. - VOA
|
|
6.
Hiện tượng hành khách TQ ăn cắp trên các chuyến bay VN
Hành khách Trung Quốc đang là tâm điểm của các vụ ăn cắp trên các chuyến bay nội địa của Việt Nam trong thời gian gần đây.
Theo truyền thông trong nước đưa tin, trong những tháng gần đây nhiều vụ ăn cắp của khách Trung Quốc trên các chuyến bay phần lớn là nội địa của Vietnam Airlines đã bị phát hiện.
Vụ việc mới nhất, theo nguồn tin báo Người Lao Động ngày 24/11, một hành khác Trung Quốc bị tạm giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị bắt quả tang đang cắt dây khóa vali bên trong có 5 bọc vàng nữ trang lớn trên chuyến bay từ Đà Nẵng tới thành phố Hồ Chí Minh. Một tiếp viên trên máy bay đã quay lại được video clip bằng điện thoại khi người đàn ông này đang thực hiện hành vi cắt dây khóa vali của một hành khách khác trên chuyến bay mang số hiệu VN107. Theo ảnh chụp từ hộ chiếu của hành khách Trung Quốc có hành vi ăn cắp trên máy bay được đăng tải trên báo Người Lao Động, người đàn ông này có tên Min Liyong, 44 tuổi và nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ông Liyong đã bị cơ quan chức năng tạm giữ sau đó.
Cũng theo báo Người Lao Động, một hành khách Trung Quốc tên Wang Qing Jian, 52 tuổi, cũng đã bị bắt giữ sau khi bị phát hiện ăn cắp 400 triệu đồng (hơn 17.000 đô la Mỹ) từ một túi xách của hành khách khác trên chuyến bay mang số hiệu VN104 từ thành phố HCM tới Đà Nẵng. Trước đó trên chuyến bay VN164 từ Đà Nẵng đi Hà Nội, hành khách quốc tịch Trung Quốc có tên Yang Yong, 47 tuổi, cũng đã bị phát hiện khi đang thực hiện hành vi ăn cắp đồ của vị khách ngồi kế bên.
Theo truyền thông trong nước đưa tin, đã có 5 vụ việc khách Trung Quốc ăn cắp trên máy bay bị phát hiện và bắt quả tang chỉ riêng trong tháng 11. Một chuyến bay của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng đi Hà Nội hôm 6/11 đã bị khởi hành trễ 1 tiếng đồng hồ chỉ vì một hành khách Trung Quốc bị phát hiện lục túi xách của một hành khách khác trên cùng chuyến bay. Từ tháng 4 năm nay, truyền thông trong nước đã đăng tin về các vụ ăn cắp của hành khách Trung Quốc chủ yếu trên các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines.
Từ đầu năm 2015, theo ghi nhận của Thanh Niên, người đứng đầu bộ phận an toàn bay và an ninh của Vietnam Airlines Phạm Chí Cường đã cảnh báo sự gia tăng của các vụ ăn cắp trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia này. Vietnam Airlines ghi nhận một lượng lớn các vụ ăn cắp trên chuyến bay của hãng với con số 12 trường hợp trong năm 2013 và tăng lên 20 trong năm 2014.
Theo Người Lao Động, các vụ việc trước đây chỉ dừng ở mức độ trục xuất người vi phạm về nước mà không có bất cứ hình thức xử phạt nào do các cơ quan chức năng, cho rằng hành vi của khách chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Sau vụ việc xảy ra hôm 24/11, đại diện Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã đề nghị Cục Hàng Không Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng này. - VOA
|
|
7.
Kinh tế Venezuela và duyên nợ Việt Nam
Đây là tờ 100 bolivar của Venezuela, tờ bạc mệnh giá cao nhất nước này.
Trị giá hiện tại khoảng 10 xu Mỹ, 100 bolivar gần như không mua được gì. Một chai nước uống 500ml ở ngoài chợ cũng có giá 600 bolivar.
Venezuela không in tiền mệnh giá cao hơn, có nghĩa là nếu muốn trả tiền cho một bữa ăn 10.000 bolivar (10 đôla), bạn sẽ phải đếm một cọc 100 tờ bạc; còn nếu mua món hàng xa xỉ nào đó như bộ váy thời trang, bạn sẽ phải mang theo một va-li tiền.
Thế nhưng 100 bolivar lại có thể mua cho bạn hơn 10 lít xăng, vì giá xăng là khoảng dưới 10 bolivar/lít, rẻ hơn nước lọc.
Nghịch lý này phản ánh thực trạng kinh tế ở quốc gia từng có thời giàu có thuộc loại nhất Mỹ Latin.
Khi Hugo Chávez lên cầm quyền năm 1999, thu nhập từ dầu lửa đang ở mức cao được ông dùng để trợ giá cho các mặt hàng chính yếu như gạo, đường, thuốc men..., xây nhà cho người thu nhập thấp và một số chương trình xã hội khác.
Chavez qua đời năm 2013, kế nhiệm ông là Nicolás Maduro, cựu tài xế xe buýt và lãnh đạo công đoàn.
Năm 2014 giá dầu thế giới bắt đầu sụt mạnh, tới nay đã giảm 60%. Nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào giá dầu, ỷ lại và mất tính cạnh tranh, nay dần bộc lộ các khiếm khuyết của nó.
'Khó tốt lên trước 2019'
Một số chính sách dân túy từ thời Chávez, nay vẫn đang tiếp tục được Maduro thực hiện, như nhu yếu phẩm giá rẻ hay nhà ở cho người thu nhập thấp, ngay cả khi lạm phát lên tới 500%-600%.
Cũng bởi vậy mà nhiều người cho rằng chính sách kinh tế của nhà nước không có gì sai, mọi vấn đề là do đế quốc Mỹ, tư bản nước ngoài và phe đối lập tạo ra.
Paulo Giménez là kinh tế gia, giảng viên khoa kinh tế chính trị Đại học Tổng hợp Venezuela tại Caracas. Ông Giménez nói khủng hoảng kinh tế Venezuela phải được đặt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các thay đổi về địa chính trị.
Hoa Kỳ luôn muốn chi phối các nước Mỹ Latin trong kế hoạch giành ảnh hưởng của mình, theo ông Giménez.
Tuy nhiên ông thừa nhận: "Chúng tôi đã nhận ra các bất cập của hình mẫu kinh tế quá phụ thuộc vào dầu lửa và đang tìm cách thay đổi cơ cấu".
Chuyên gia này lạc quan cho rằng, nếu như giá dầu tăng 50%-60% trong thời gian tới thì chỉ trong vòng hai năm kinh tế Venezuela hồi phục về mức trước khủng hoảng.
Ông Giménez cũng nói sự phát triển ở Việt Nam hay Trung Quốc cho thấy điều chỉnh chính sách kinh tế có thể mang lại các thay đổi nhanh chóng và thần kỳ.
Việt Nam là một trong các nước làm ăn lâu nay với Venezuela và giới chức Việt Nam cho hay vẫn đang tiếp tục trợ giúp Venezuela để "xốc lại" nền kinh tế.
Theo Đại sứ quán Việt Nam ở Caracas, nhiều đoàn chuyên gia Việt Nam đã được điều sang "giúp bạn" kinh nghiệm về tăng cường phát triển nông ngư nghiệp, giảm phụ thuộc vào dầu khí.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã vào thị trường Venezuela nhiều năm nay, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác dầu và sản xuất hàng tiêu dùng cũng như tham gia dự án phát triển hạ tầng. Thế nhưng dường như họ không lạc quan cho lắm về triển vọng kinh tế tại nơi đây.
Có đánh giá rằng tình trạng của Venezuela khó có thể tốt lên, ít nhất cho đến hết năm 2019.
'Dấu ấn Đinh La Thăng'
Ít người biết đương kim Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, khi còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), là một trong những người tiền khởi quan hệ hợp tác Việt Nam - Venezuela trong lĩnh vực dầu khí.
Việt Nam bắt đầu quan tâm đến thị trường Venezuela từ năm 2006, trên cơ sở "đề xuất ưu tiên mối quan tâm chính trị kinh tế giữa hai nước", đặc biệt là trong các lĩnh vực thăm dò khai thác và chế biến dầu khí.
Theo một nguồn tin từ PVEP, phía Việt Nam có giai đoạn ba năm đánh giá và chuẩn bị đầu tư. Đến tháng 6/2010, hai bên chính thức ký hợp đồng thành lập Công ty Liên doanh PetroMacareo mà phía Việt Nam góp vốn 40% để phát triển khai thác, nâng cấp dầu nặng tại lô Junin 2 thuộc vành đai dầu Orinoco, một trong những vùng trầm tích có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuy các bên cho hay hoạt động dầu khí vẫn đang tiếp tục được triển khai đến thời điểm hiện tại, nhưng thực chất chỉ cầm chừng duy trì cơ quan đại diện, sau khi Chính phủ và PetroVietnam chỉ đạo PVEP tạm dừng việc khai thác thử tại mỏ Junin 2 từ năm 2013.
Tổng cộng PetroVietnam đã đầu tư 1,8 tỷ đôla vào hoạt động của mình ở Venezuela, và có thể không khó đoán các nhà đầu tư đang lo lắng như thế nào trước viễn cảnh kinh tế không lấy gì sáng sủa ở quốc gia cách một vòng trái đất này.
Có cáo buộc rằng trong hợp đồng ký hồi tháng 6/2010 giữa Việt Nam và Venezuela, có điều khoản Việt Nam cam kết tiền "bonus" cho Venezuela trên số lượng thùng dầu trữ lượng dự đoán ở mỏ Junin-2. Có lẽ đây là khoản tiền giúp "xúc tác" cho dự án mà Việt Nam từng hy vọng sẽ giúp bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trước khi giới chức Venezuela chấp thuận hợp tác.
Phía Việt Nam dường như thua thiệt khá nhiều khi phải dừng hoạt động khai thác, quyết định được đưa ra sau khi phân tích các khó khăn trong môi trường đầu tư ở Venezuela.
Các khó khăn này, theo một người làm việc trong ngành dầu khí , có thể tóm tắt như sau: Thể chế chính trị đặc thù, bất ổn; Đảng phái chính trị tập trung tranh giành quyền lực, thiếu quan tâm đến phát triển kinh tế ở giai đoạn hiện nay; Chính phủ không kiểm soát được vấn đề an ninh an toàn; Quản lý tỷ giá phức tạp và đặc thù, gây thiệt hại về kinh tế cho nhà đầu tư; Chính sách liên quan đến đầu tư thiếu ổn định: thuế, phí, quản lý tỷ giá; Rủi ro cao về liên quan đến các vấn đề bất khả kháng như quốc hữu hóa, thay đổi thể chế, …; Phương thức làm việc đặc thù, văn hóa làm việc không theo chuẩn thế giới; Xã hội bất ổn, thiếu thốn nên ảnh hưởng đến vấn đề nguồn lực; Lạm phát hàng năm quá cao; Thiếu vốn đối ứng...
Yếu tố ý thức hệ
Ngần ấy khó khăn chắc hẳn đủ làm nhụt chí bất cứ nhà đầu tư nào. Doanh nghiệp Việt Nam còn ở lại Venezuela, ngoài lý do đã đâm lao phải theo lao, liệu có còn lý do nào khác?
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Venezuela Carlos Figuera nói rằng không thể không tính đến nét tương đồng về ý thức hệ giữa hai quốc gia theo lý thuyết đều theo xã hội chủ nghĩa.
Đảng Cộng sản không phải đảng cầm quyền ở Venezuela, nhưng đảng Liên minh Xã hội Chủ nghĩa (PSUV) cầm quyền do ông Hugo Chávez sáng lập cũng là đảng cánh tả, thậm chí còn tự nhận là theo định hướng tân Mác-xít.
Bản thân ông Chávez đã thăm Việt Nam năm 2006, năm hai bên ký hợp đồng hợp tác dầu khí và thiết lập đại sứ quán ở Hà Nội và Caracas. Các lãnh đạo Việt Nam từ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đều đã thăm Venezuela.
Tổng Bí thư Figuera nói: "Chúng tôi yêu mến và cảm phục Việt Nam từ thời cuộc chiến chống Mỹ, nay lại khâm phục Việt Nam hơn vì các thành tựu kinh tế. Chúng tôi muốn học bài học Việt Nam".
"Hasta la victoria siempre! (Chúng ta nhất định thắng!)," ông Carlos Figuera nhắc lại câu nói bất hủ của Che Guevara.
Thế nhưng có lẽ không một ai, kể cả ông, có thể tiên đoán bao giờ thì xã hội chủ nghĩa chiến thắng ở đất nước Venezuela đang kiệt quệ trong khủng hoảng kinh tế hiện thời. - BBC
|
|
8.
Việt Nam 'đầu bảng về kiểm duyệt internet'
Một bài viết mới đăng trên tạp chí Forbes đánh giá Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng về kiểm soát người dùng internet tại khu vực Đông Nam Á.
Freedom House, một tổ chức nghiên cứu phi chính phủ, có trụ sở ở Hoa Kỳ, vừa mới công bố bản báo cáo thường niên về tự do internet (Freedom of the Net) vào tuần trước và cho thấy tình hình khá bi quan.
Nhìn chung, trong vòng sáu năm liên tiếp, tự do internet trên thế giới ngày càng tệ đi do chính phủ các nước tăng cường kiểm duyệt và kiểm soát các ứng dụng về tin nhắn. Đông Nam Á vẫn là vùng hạn chế về tự do internet, mặc dù vẫn còn những nơi tệ hơn như Arab Saudi hoặc là Bangladesh- khi viết blog về tự do tôn giáo.
Bản báo cáo thường niên dày hàng ngàn trang, công bố năm quốc gia có tình trạng tự do internet tệ nhất tại Đông Nam Á. Bản báo cáo cho năm 2016 này cũng chỉ xem xét tình trạng tự do internet của 65 quốc gia, nhưng không có Myanmar, vì nước này đã được vào danh sách của năm 2015.
Trong số 5 quốc gia ở Đông Nam Á bị cho là kiểm duyệt internet, Campuchia ở vị trí thứ năm.
Bài viết của Forbes nhắc tới trường hợp Kong Raya, 26 tuổi, là người sử dụng Facebook bị án tù 18 tháng do kêu gọi 'một cuộc cách mạng màu thay đổi thể chế của Campuchia'. Tuy nhiên, những nội dung tiếng Anh có vẻ nhưng không bị quản lý chặt, trong đó có tài khoản Twitter của Thủ tướng Hun Sen và tờ Cambodia Daily.
Một điều cần phải chú ý là nếu bị bắt ở Campuchia sẽ bị giam giữ nhiều tháng trước khi bị đưa ra xét xử, và một khi đã ra tòa thì có thể sẽ bị kết án mà không cần bằng chứng, hoặc bị xử vắng mặt, nếu người bị xét xử là thành phần đối lập của chính phủ.
Đánh giá: Chỉ tự do một phần.
Indonesiađứng thứ 4: Theo báo cáo, đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới không có thiện cảm với những nội dung trên mạng về chủ đề người đồng tính, điển hình như vụ gây áp lực với ứng dụng tin nhắn LINE gỡ bỏ những nội dung liên quan người đồng tính hồi năm 2014.
Cùng năm này, một đạo luật được ban hành cho phép nhà cung cấp dịch vụ internet quyền từ chối những nội dung vi phạm giá trị đạo đức hoặc an ninh quốc gia Indonesia, khiến những tên tuổi như Netflix, Reddit, Imgur và VIMEO bị cấm vì nhiều lý do khác nhau.
Hiện có 144 trường hợp vẫn đang bị xét xử do đăng tải nội dung bị cấm đoán trên internet.
Đánh giá: Chỉ được tự do một phần.
Malaysiaở vị trí thứ 3: Tình trạng tự do internet của Malaysia giảm sút nhiều sau khi chính phủ bắt đầu kiểm duyệt tin tức, báo cáo và thông tin về vụ bê bối liên quan đến Thủ tướng Najib Razak- chưa rõ có biển thủ hàng triệu đôla từ một quĩ đầu tư hay không.
Các trang như Malaysian Insider, Malaysia Chronicle, Asian Sentinel đều bị chặn do đăng tải nội dung liên quan đến vụ bê bối của Thủ tướng. Viết blog hoặc các bài báo có nội dung chỉ trích hoặc chế giễu Hồi giáo đều gây phiền phức cho người sử dụng internet và mạng xã hội.
Báo cáo nói Malaysia chặn 1.263 trang mạng trong năm 2015 và 399 trang trong hai tháng đầu năm 2016.
Đánh giá: Chỉ tự do một phần.
Thái Lan: Báo cáo của Freedom House cho thấy Thái Lan kiểm duyệt internet ít hơn Việt Nam, nhưng đó là khi chưa có sự kiện Quốc vương Bhumibol qua đời vào hôm 13 tháng Mười và không có các câu chuyện xung quanh Thái tử Maha Vajiralongkorn, bị nghiêm cấm bởi đạo luật không cho phép xúc phạm đến Hoàng gia. Kể cả những hãng tin tức quốc tế, chỉ được phép đưa tin về quãng thời gian Quốc vương còn khỏe mạnh, chứ không phải thời gian lâm bệnh và sắp qua đời.
Bên cạnh đó, những đăng tải trên Facebook, Twitter hay tin nhắn cá nhân có nội dung chỉ chính chính quyền quân sự của Thái Lan đều có thể khiến người sử dụng internet bị bắt giữ và chịu án tù.
Đánh giá: Không có tự do.
Việt Namđứng đầu bảng: Việt Nam không có tự do internet do quốc gia chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản- được cho là không chấp nhận sự chỉ trích hoặc chế giễu. Báo cáo nói trong năm 2015, có 15 blogger đang chịu án tù và có thêm ba người khác bị kết án. Những người sử dụng internet ở Việt nam thường tự phải để ý và tránh các chủ đề nhạy cảm, trong khi Facebook và một số trang đôi lúc bị chặn, tùy theo từng thời điểm.
Báo cáo của tổ chức Quan sát Nhân quyền nói có 40 blogger và nhà hoạt động nhân quyền bị cảnh sát mặc thường phục sử dụng vũ lực trong năm 2015.
Đánh giá: Không có tự do. - BBC
|
|
9.
Tại sao đàn áp trở nên mạnh hơn?
Liên tục trong một thời gian ngắn, nhiều tiếng nói bất đồng chính kiến, nhiều nhà hoạt động dân sự bị bắt giữ, kể cả những người được cho là không có tầm ảnh hưởng lớn. Lý do vì sao?
Nguyên nhân của việc đàn áp
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự sống ở Hà Nội nhận xét:
“Có xu hướng cứng rắn lên của nhà cầm quyền sau khi đại hội đảng cộng sản Việt Nam kết thúc, và giới lãnh đạo mới lên nắm quyền. Và việc ấy được thể hiện trong các cuộc đàn áp, bố ráp, cường độ tăng lên trông thấy. Nguyên nhân đằng sau nó là gì, mình khó có thể biết một cách chính xác, nhưng mà có thể suy đoán được, họ trong một thế rất là lo, sợ đủ mọi thứ. Trong lúc sợ như thế thì cách tốt nhất là nhốt mọi người lại. Và họ nghĩ rằng đấy là một cách hiệu quả.”
Ông Nguyễn Quang A cũng nói rằng trong các kết luận của đại hội toàn quốc của đảng cộng sản, cũng như hội nghị trung ương lần thứ tư của đảng, chuyện chống tự diễn biến đều được nêu lên. Tự diễn biến là từ được đảng cộng sản dùng để ám chỉ sự thay đổi ý thức hệ của xã hôi, của những đảng viên cộng sản.
Một nhà hoạt động dân sự từng làm cho cơ quan tuyên truyền ý thức hệ của đảng cộng sản là ông Nguyễn Vũ Bình giải thích lý do tại sao trong thời gian qua có nhiều cuộc bắt bớ.
“Nếu mà nói có cái lý do đặc biệt nào thì mình không biết được. Nhưng có hai điểm là: càng thế cuối năm thì bắt người nhiều hơn. Thứ hai là càng cuối giao đoạn của chế độ thì nó càng hung hãn. Đó là một mô thức rất thông thường thôi. Chứ còn bảo vì một lý do đặc biệt nào thì rất là khó nói.”
Ông Huỳnh Công Thuận, người tích cực tham gia các hoạt động dân sự cũng như luật pháp tại Sài Gòn cho biết lý do cụ thể của sự đàn áp là nhà cầm quyền không muốn những thông tin bất lợi cho họ trong vụ bê bối môi trường Formosa Vũng Áng tiếp tục được phân tích và mổ xẻ.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, tại Sài Gòn lại có thêm một góc nhìn khác:
“Đối với một vài trường hợp bắt bớ của công an thì theo kinh nghiệm và trực giác của tôi, tôi thấy có mùi tranh chấp phe phái trong đó.”
Một số nhà quan sát cũng có cái nhìn này. Họ cho rằng khi các phe phái trong đảng cộng sản tranh chấp nhau, họ cũng có thể đàn áp các tiếng nói đối lập để tăng cường hình ảnh bảo vệ chế độ của mình. Về quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sự việc cũng có thể xảy ra như vậy nhưng không chắc:
“Cái đấy cũng có thể, nhưng tôi nghĩ chuyện có tính nhân quả như thế, nó dẫn đến chuyện đàn áp xã hội dân sự thì cũng không phải hoàn toàn. Chắc chắn có liên quan với nhau nhưng nếu nói cái này dẫn đến cái kia thì chưa chắc.”
Ông Nguyễn Vũ Bình cũng cho rằng chuyện tranh chấp nội bộ có thể có ảnh hưởng đến việc đàn áp những hoạt động dân sự và dân chủ trong nước nhưng không nhiều,
“Chúng ta cũng phải biết trong giai đoạn cuối này thì sự sát phạt trong nội bộ rất là lớn, hơn trước rất nhiều, mà sát phạt thì muôn hình muôn vẻ. Phong trào dân chủ tương tác với nhà cầm quyền cũng ảnh hưởng bởi những chuyện đó. Thứ nhất là kinh tế suy sụp rồi, thứ hai là sát phạt trở nên rất mạnh mẽ.”
Đàn áp thể hiện điều gì? Có tác động ra sao?
Ông Huỳnh Công Thuận nói rằng không nên vì những hành động đàn áp mà chùn bước không tiếp tục những hành động đấu tranh cho một xã hội dân sự có luật pháp:
“Lo ngại của mình không thay đổi được cái gì, cá nhân mình nếu lo ngại, càng sợ, thì càng bị uy hiếp tiếp. Mình lo cũng không thay đổi được cục diện của mình, của xã hội dân sự này. Thành ra mình cứ làm mạnh hơn, ngay cả đối với luật pháp của cộng sản đưa ra mà thấy đúng thì mình cứ làm tới. Điều đó có lợi hơn, mặc dù trước mắt có thể một, hai người, một hai tổ chức, bị đánh, nhưng những tổ chức khác tiếp tục lên. Cái đó mới khó đỡ hơn cho nhà cầm quyền này, chứ còn nếu sợ mà né hết thì lọt vô cái ý muốn của người ta.”
Tuy không nói rằng sự cai trị của đảng cộng sản đang ở giai đoạn cuối như ông Nguyễn Vũ Bình, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng sự đàn áp của bộ máy cầm quyền đối với những tiếng nói đối lập là biểu hiện của sự yếu kém:
“Tôi nghĩ đấy là biểu hiện của một chính quyền không phải thực sự là mạnh. Nếu nó mạnh, nó tự tin, thì nó hành xử một cách đường hoàng hơn nhiều, thay cho cái việc đàn áp bắt bớ.”
Theo ông Nguyễn Quang A thì đáng ra sự thay đổi mà đảng cộng sản sợ hãi phải được khuyến khích, cũng như một xã hội lành mạnh thì cần có các tiếng nói đối lập. Trong khi đó thì đảng cộng sản lại dường như xem các tiếng nói đối lập đó là nguy cơ có thể dẫn đến sự lật đổi quyền thống trị của họ. - RFA
No comments:
Post a Comment