Tin Thế Giới
1.
Ông Trump sẽ rút khỏi TPP, giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria --- Mỹ bỏ TPP: Một ngày nhiều tin vui cho Trung Quốc --- Phản ứng từ lãnh đạo thế giới sau khi Trump bỏ TPP
Tổng thống tân cử Donald Trump nói ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ chính thức loan báo quyết định rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một bước trong một loạt hành động dựa trên mục tiêu của ông là “sẽ đặt nước Mỹ lên trên hết.”
Trong một thông điệp ghi lại qua video tải lên YouTube hôm qua, ông Trump miêu tả TPP là ‘một thảm hoạ tiềm tàng’ đối với Hoa Kỳ.
Ông nói thay cho hiệp định TPP, Mỹ sẽ thương thuyết lại các thoả thuận thương mại song phương mà ông nói sẽ công bằng hơn, để mang về nước việc làm và các công nghiệp đã mất.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump chống đối hiệp định TPP bao gồm 12 nước Á Châu-Thái Bình Dương. Ông tỏ ra tự tin rằng với khả năng thương lượng của ông, ông sẽ có thể đạt các thoả thuận song phương có lợi hơn cho Hoa Kỳ.
Bộ trưởng của các nước tham gia đã ký kết hiệp định TPP vào tháng Hai năm 2016, nói rằng mục tiêu chung của các nước này là “củng cố nền thịnh vượng chung, tạo công ăn việc làm, và cổ vũ cho phát triển kinh tế bền vững cho tất cả.”
Tổng thống Obama ủng hộ TPP, nhưng Quốc hội Mỹ chưa chuẩn thuận để Mỹ có thể chính thức tham gia hiệp định này.
Không có Hoa Kỳ, TPP không thể có hiệu lực vì 1 điều khoản theo đó hiệp định thương mại này phải được chấp thuận bởi tất cả 12 nước ký kết, hoặc ít nhất 6 nước với điều kiện GDP của 6 nước này chiếm 85% tổng GDP của cả 12 nước. GDP của Mỹ không mà thôi đã chiếm 60% tổng GDP của toàn khối, cho nên khó có thể đạt được 85% nếu Mỹ không tham gia.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua nói rằng hiệp định TPP sẽ vô nghĩa nếu không có nước Mỹ.
Thủ tướng New Zealand John Key tỏ ra thất vọng về lập trường của Tổng thống tân cử Mỹ, nhưng ông nói 11 nước còn lại có thể đạt một thoả thuận thương mại riêng, không có Hoa Kỳ.
Ông Key phát biểu:
“Ông Trump vận động chống TPP, nhưng Hoa Kỳ không phải là một ốc đảo. Nước Mỹ không thể ngồi yên ở đó mà tuyên bố sẽ không giao thương với phần còn lại của thế giới.”
Chính quyền Tổng thống Obama cổ vũ cho TPP, nói rằng hiệp định này sẽ có lợi cho giới lao động ở Mỹ lẫn ở 11 nước tham gia bởi vì tất cả các thành viên phải tôn trọng những tiêu chuẩn về lương bổng, điều kiện làm việc và thi hành luật chống khai thác sức lao động của trẻ em. Các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là giới tiểu thương có thể tăng xuất khẩu nhờ việc loại bỏ thuế quan, hơn nữa TPP sẽ đặt ra những tiêu chuẩn tốt hơn về tính minh bạch, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường.
Ngoài TPP, trong những lời hứa hẹn mà Tổng thống tân cử Trump lặp lại hôm thứ Hai về những gì ông sẽ làm một khi lên nhậm chức trong hai tháng nữa, không thấy ông Trump nhắc đến cam kết sẽ xây một bức tường tại biên giới với Mexico, điều mà ông nhiều lần tuyên bố là ưu tiên hàng đầu của chính phủ do ông lãnh đạo.
Ông Trump cho biết sẽ chỉ thị Bộ Lao động điều tra “những vụ chương trình cấp visa vị lợi dụng, gây phương hại cho công nhân Mỹ”, và sẽ yêu cầu Bộ Quốc phòng đề ra một kế hoạch để bảo vệ sự an toàn của cấu trúc hạ tầng thiết yếu của nước Mỹ chống các vụ tấn công mạng và mọi hình thức tấn công khác.
Ông Trump muốn hủy bỏ các quy định đối với công nghiệp năng lượng của Mỹ, kể cả việc khai thác dầu đá phiến và than sạch, là hai ngành mà ông Trump tin sẽ tạo ra “nhiều triệu công việc lương cao.”
Về kế hoạch cải cách chính phủ, ông Trump muốn giảm thiểu các quy định, ông nói rằng nếu muốn áp dụng một quy định mới, thì phải loại bỏ hai quy định có sẵn.
Ông Trump còn cho biết là tiến trình chuyển tiếp đang được xúc tiến suôn sẻ và có hiệu quả. Ông tiếp tục gặp gỡ nhiều nhân vật đang được cứu xét để giao nhiệm vụ trong chính quyền mới.
Trong số những người đến New York gặp ông Trump hôm qua, có cựu Thống đốc Texas Rick Perry, và Dân biểu Đảng Dân chủ Tulsi Gabbard, đại diện bang Hawaii. Bà Gabbard ủng hộ ông Bernie Sanders, đối thủ của bà Hillary Clinton trong các cuộc bầu cử sơ bộ trong Đảng Dân chủ, nhưng bà ủng hộ ông Trump khi ông chống việc tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria.
Ông Trump dự định sẽ rời New York trong ngày hôm nay, thứ Ba 22/11 hoặc ngày mai, để ăn mừng Lễ Tạ Ơn tại địa điểm du lịch do ông sở hữu ở Florida. - VOA
***
Chính phủ Trung Quốc vui mừng khi nghe Donald Trump nói Hoa Kỳ sẽ từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày đầu tiên ông vào Nhà Trắng.
Bắc Kinh đã nhiều năm qua phải nghe chính phủ của Obama nói hiệp định thương mại khu vực giữa 12 quốc gia này là cách Hoa Kỳ thúc đẩy vị trí lãnh đạo của mình ở Châu Á.
Trung Quốc không nằm trong hiệp định này, và Tổng thống Barack Obama đã không ngần ngại nhắc nhở các nước trongkhu vực đây không phải là chuyện tình cờ. TPP cho phép Hoa Kỳ - chứ không phải các nước như Trung Quốc - đặt ra luật lệ trong thế kỷ 21, một chiến lược vô cùng quan trọng cho Mỹ trong một khu vực năng động như Châu Á- Thái Bình Dương.
Chiến lược này cũng không phải chỉ liên quan đến các luật lệ thương mại. TPP là một phần cốt lõi trong chiến lược "xoay trục sang châu Á" của chính quyền Obama.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu Mỹ, hiệp định này còn thúc đẩy các mối quan hệ cốt yếu của Washington ở Châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực và thúc đẩy các giá trị của Hoa Kỳ.
"Thông qua hiệp định TPP cũng quan trọng đối với tôi như có thêm một tầu chiến hạm mới", ông khẳng định.
Trump hứa sẽ "đưa quyền lợi của người Mỹ lên đầu" bằng việc từ bỏ TPP.
Chẳng có gì lạ khi trước đây Bắc Kinh thấy rõ chiến lược quay trục sang châu Á của Mỹ, trong đó có TPP, là một kế hoạch ít che đậy nhằm khống chế ảnh hưởng ngày một tăng của Trung Quốc.
Mới cuối tuần qua, thông tấn xã Trung Quốc mô tả TPP là "một cánh tay kinh tế trong chiến lược địa lý chính trị của chính quyền Obama để đảm bảo Washington là bá chủ ở khu vực".
Nhưng ông Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ một phần là do cử tri Mỹ phản đối mạnh mẽ các hiệp định thương mại và toàn cầu hóa. Những người bỏ phiếu cho ông sẽ xem việc ông bỏ TPP ngay ngày đầu nhậm chức là ông thực hiện các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Dân chủ là thế.
Quốc gia Hoa Kỳ cũng có những cam kết quốc tế.
Hiệp định thương mại mà ông Trump từ bỏ cũng chính là hiệp định mà người tiền nhiệm của ông đã ủng hộ và mất hàng năm trời thúc giục các nước đồng minh tham gia theo. Bắc Kinh giờ đây sẽ khuyến khích các chính phủ trong khu vực so sánh mức độ tin cậy trong cam kết của Trung Quốc với các cam kết của Mỹ.
"Mọi người sẽ phật lòng"
Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ chỉ là một thế lực ở châu Á khi họ muốn, còn Trung Quốc sẽ là một thế lực mãi mãi ở châu Á. Như lời phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm Washington hồi tháng Tám, TPP sẽ "thử thách uy tín" của Hoa Kỳ với các đối tác trong khu vực.
"Mỗi quốc gia đều phải đương đầu với một số phản đối chính trị và các vấn đề nhạy cảm trong nước, phải trả giá về mặt chính trị để đến bàn đàm phán và ký kết hiệp định này", ông Lý nói.
"Nếu như vào phút chót, mọi người đã chờ ở nhà thờ, mà cô dâu lại không tới, thì mọi người sẽ thấy rất phật lòng".
Giờ thì các nhà ngoại giao Mỹ không muốn gì được nấy ở châu Á. Sau khi Mỹ nói với các đối tác khu vực là ký kết TPP sẽ củng cố vị trí lãnh đạo của Mỹ ở khu vực, ai cũng kết luận được là từ bỏ TPP sẽ làm suy yếu vị trí lãnh đạo của Mỹ. Và Trung Quốc đã sẵn sàng vào vị trí lãnh đạo khu vực đang bỏ trống này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Peru cuối tuần qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với các nhà lãnh đạo trong khu vực đã đến lúc các quốc gia có mối quan hệ đối tác chặt chẽ, các giải pháp mọi bên cùng thắng và các sáng kiến chiến lược.
Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài mà sẽ mở cửa rộng hơn.
Các quan chức đi cùng Chủ tịch Cận không phí thời gian và đã bắt tay ngay vào đàm phán các hiệp định thương mại ít tham vọng hơn mà Bắc Kinh ủng hộ. Đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP), và Khu Tự do Thương mại châu Á Thái Bình Dương (FTAAP).
Các động thái về lãnh đạo thương mại này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện chiến lược "Một thắt lưng một con đường" (One Belt One Road), một lộ trình nhiều năm, nhiều tỷ đô la Mỹ nhằm mở rộng ảnh hưởng chiến lược, thương mại và đầu tư của Trung Quốc ở châu Á. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cấp vốn cho một số ngân hàng cho vay trong đó có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á.
Xét về tổng thể tình hình quyền lực ở châu Á, Mỹ rút khỏi TPP mang lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc, không những chỉ vì một hiệp định thương mại do Mỹ ủng hộ tan vỡ hay việc Mỹ xoay trục sang châu Á nay không còn.
Thông báo về TPP của ông Trump đánh trúng vào tâm điểm của sự bất ổn lan rộng về chủ ý của Mỹ dưới thời tổng thống Trump. Liệu Mỹ vẫn dự định cổ súy một hệ thống dựa trên các luật lệ công bằng và hội nhập?
Hay chủ trương "đưa Hoa Kỳ lên trước" của ông Trump đồng nghĩa với việc các cam kết hợp tác theo chủ nghĩa quốc tế hóa được thay thế bởi một quan điểm hẹp hơn cổ súy lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ dựa trên cạnh tranh?
Nếu quyết định về TPP là dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Trump nghiêng về phía câu hỏi thứ hai, các đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ chờ đợi tuyên bố về an ninh của ông Trump với sự lo ngại còn lớn hơn.
Nói trắng ra, liệu các quốc gia trong khu vực còn có thể tin cậy Mỹ sẽ can thiệp giúp nếu các nước này bị đe dọa bởi một nước Trung Quốc ngày càng mạnh? Dù câu trả lời là gì đi nữa, việc các đồng minh của Mỹ bắt đầu đưa ra câu hỏi này đã là một tin vui cho Trung Quốc.
Và trước khi chúng ta rời chủ đề Bắc Kinh đang đưa tin vui từ Tòa tháp Trump, phải nói là Trung Quốc có tin vui không những là vì những điều ông Trump tuyên bố mà còn vì những gì ông không tuyên bố.
Khi lên kế hoạch của mình trong những ngày đầu vào nhiệm sở, ông tổng thống đắc cử không hề đả động đến chuyện Mỹ sẽ gọi Trung Quốc là một quốc gia chi phối tiền tệ và đánh thuế cao các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, những lời đe dọa ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Sự im lặng của ông Trump về vấn đề này cùng với đám tang cho TPP - một hiệp định Trung Quốc ghét cay ghét đắng - đúng là một ngày nhiều tin vui cho Trung Quốc. - BBC
***
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, ông Donald Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày đầu tiên ông nhậm chức. Sau đây là một số phản ứng về động thái này.
Hiệp định TPP được ký kết bởi 12 nước, chiếm 40% các nền kinh tế thế giới, nhưng hiệp định này vẫn chưa được phê chuẩn.
Cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương tại Peru vào cuối tuần vừa qua đã ra tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng hiệp định thương mại này bất chấp sự phản đối của ông Trump.
Vậy nếu Mỹ rút khỏi TPP, tương lai của TPP sẽ ra sao?
Malcolm Turnbull, Thủ tướng Úc
Thời gian sẽ trả lời liệu chính quyền và quốc hội mới có giải quyết hay không hoặc giải quyết đến mức độ nào đối với TPP hay một phiên bản cao cấp hơn của hiệp định này. Có nhiều sự ủng hộ giữa 11 nước tham gia TPP để phê chuẩn và đưa hiệp định này vào hiệu lực.
Ông Trump và Quốc hội mới của mình đưa ra quyết định vì lợi ích của nước Mỹ. Về phía Úc, một điều rất rõ ràng là hiệp định TPP phản ánh mạnh mẽ lợi ích quốc gia của chúng tôi vì nó mang đến sự tiếp cận rộng hơn cho mặt hàng xuất khẩu, hàng hóa hay dịch vụ.
John Key, Thủ tướng New Zealand
Nước Mỹ không phải là một hòn đảo. Quốc gia này không thể chỉ đứng nhìn mà không tham gia vào giao thương với phần còn lại của thế giới. Tới một thời điểm nào đó, họ cũng phải cân nhắc điều này.
Najib Razak, Thủ tướng Malaysia
Tổng thống đắc cử Donald Trump, với tư cách là người được bầu một cách dân chủ để trở thành lãnh đạo nước Mỹ, có quyền đưa ra các quyết định chính sách mà ông cho là đúng. Bản thân tôi là một người ủng hộ mạnh mẽ phát triển thương mại và hội nhập khu vực tai Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là lợi ích cho người dân đất nước tôi. Tôi mong chờ việc hợp tác tương lai với Tổng thống đắc cử Trump trên cơ sở những mục tiêu chung của hai quốc gia về củng cố an ninh và đảm bảo tăng trưởng bền vững, bao quát và công bằng.
Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á
Đây là một tin đáng buồn. Nó chấm dứt sự lãnh đạo của Mỹ về mặt thương mại quốc tế và chuyển giao trách nhiệm này sang châu Á. Trong thời điểm kinh tế phát triển chậm lại, thế giới phải ngăn chặn việc nền kinh tế lớn nhất dần trở nên biệt lập.
Simon Rabinovitch, biên tập kinh tế châu Á tại tạp chí The Economist
Đây không phải là một điều đáng ngạc nhiên sau khi quan sát những bài phát biểu tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên nó vẫn là một tin đáng thất vọng. Việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ giết chết một thương vụ kéo dài cả thập kỷ.
Điều trớ trêu là, mặc dù Trump gọi TPP là một hiệp định tồi tệ, nhưng thực tế nó rất tốt cho nước Mỹ. Hiệp định này có khả năng đem lại vị thế quan trọng trong việc quyết định luật lệ thương mại ở châu Á và Hoa Kỳ, đặt thêm trọng tâm vào quyền lao động và quyền sở hữu trí tuệ.
TPP sụp đổ đồng nghĩa với một khoảng trống quyền lực tại châu Á. Có nhiều bàn luận về việc Trung Quốc đang muốn lấp đầy khoảng trống này để trở thành người lãnh đạo khu vực trong việc định hướng các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn vì nhiều chính quyền các nước trong khu vực lo lắng về bộ máy xuất khẩu của Trung Quốc.
Jim Rogers, Nhà đầu tư
Dù tốt hay xấu, sự kiện này đã trao cho Trung Quốc và đồng minh của mình một món quà, đó chính là Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một khu vực có dân số vài tỷ người, cùng với những nền kinh tế mạnh, ít nợ và nhiều tài sản khác. Dù tương lai tiếp diễn thế nào, đây cũng là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử. - BBC
|
|
2.
Nhật Bản: Động đất mạnh ngoài khơi Fukushima
Một trận động đất mạnh 7,4° trên thang địa chấn Richter đã xảy ra vào hôm nay, 22/11/2016 ngoài khơi miền bắc Nhật Bản, không xa nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Địa chấn đã làm dấy lên những đợt sóng cao khoảng một mét gần nhà máy điện Fukushima Daiichi, vốn đã bị hư hại nặng nề trong đợt sóng thần năm 2011.
Trước mắt chưa có báo cáo về thiệt hại do sự cố hôm nay, và báo động sóng thần đã bị hủy bỏ. Thông tín viên RFI Frédéric Charles từ Tokyo cho biết thêm chi tiết:
"Địa chấn đã xảy ra với cường độ rất mạnh và kéo dài. Người dân vùng Fukushima tưởng chừng phải sống lại thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, từng gây ra tai nạn nhà máy điện hạt nhân. Lần này họ đã nhanh chóng tuân theo lệnh di tản, hàng trăm công nhân, kỹ thuật viên nhà máy điện đã ngưng làm việc.
Một ngọn sóng cao khoảng một mét đã được ghi nhận trước hai nhà máy điện ở Fukushima Daiichi và Daini. Cơn địa chấn đã làm ngưng hệ thống làm nguội ở bể nước tại lò phản ứng hạt nhân thứ 3 của nhà máy điện hạt nhân Daini, không bị hư hại trong lần địa chấn trước cách đây năm năm rưỡi. Hệ thống này đã hoạt động trở lại không đầy hai tiếng đồng hồ sau đó.
Không có dấu hiệu bất thường nào được thông báo tại hai nhà máy điện nói trên ở Fukushima, cho dù điện đã bị cắt trong vùng.
Chính quyền Nhật trong thời gian qua tìm cách cho hoạt động lại các nhà máy điện hạt nhân được đánh giá là an toàn. Tuy nhiên sự cố hôm nay có lẽ sẽ khiến ê kíp của thủ tướng Abe thận trọng hơn trước khi quyết định cho hoạt động trở lại khoảng 40 lò phản ứng hạt nhân vẫn còn bị tạm ngưng ở Nhật Bản." - RFI
|
|
3.
Philippines-TQ nhất trí biện pháp ‘giữ thể diện’ tại khu vực tranh chấp Scarborough
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp công bố một phần của bãi cạn có tranh chấp Scarborough là khu bảo tồn biển, cấm ngư dân đánh bắt cá, hành động mà văn phòng Tổng thống Philippines cho biết được Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, ủng hộ.
Ông Duterte sẽ ra tuyên bố đơn phương cấm ngư dân không được khai thác thủy hải sản tại khu vực trung tâm của nhiều năm tranh chấp giữa Manila với Bắc Kinh và cũng là cơ sở của vụ kiện Philippines chống lại bản đồ lưỡi bò Trung Quốc tại tòa trọng tài quốc tế.
Kể từ năm 2012, Trung Quốc bố trí lực lượng tuần duyên phong tỏa không cho người Philippines tiếp cận bãi cạn dù khu vực này nằm bên trong 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Nếu thành công, việc thành lập khu bảo tồn biển tại đây sẽ mang lại cho cả hai nước phương cách giữ thể diện để phá vỡ bế tắc ngoại giao mà không cần một sự đồng thuận chính trị hay chính thức nhượng bộ.
Theo kế hoạch do văn phòng Tổng thống loan báo hôm 21/11, ngư dân hai nước có thể giăng lưới bên ngoài phạm vi khu vực này, để trữ lượng cá được phục hồi.
Hành động này là cử chỉ hướng tới Trung Quốc gần đây nhất của chính sách ngoại giao Philippines dưới thời Tổng thống Duterte, người chọn làm bạn với Bắc Kinh và xa rời đồng minh lâu năm Hoa Kỳ vì điều mà ông gọi là hiếp đáp và đạo đức giả.
Theo phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines, không nước nào có quyền chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough dù tất cả các bên đều được phép hợp pháp khai thác hải sản tại đây.
Philippines nói Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, người đã gặp ông Duterte cuối tuần qua tại thượng đỉnh APEC ở Peru, đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch bảo tồn biển vừa kể.
Trung Quốc đã dịu giọng kể từ sau chuyến công du của ông Duterte sang Bắc Kinh hồi tháng 10.
Ngư dân Philippines tiếp cận gần bãi cạn cho biết lực lượng tuần duyên Trung Quốc không còn xua đuổi họ như 4 năm qua. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Ông Trump nên củng cố thỏa thuận hạt nhân với Iran
Các đại biểu của Ðảng Cộng hòa và những người lâu nay vẫn chống thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, giờ đây lại hối thúc chính quyền của ông Trump hãy củng cố thay vì huỷ bỏ thỏa thuận với Iran, mà ông Trump từng miêu tả là “thỏa thuận tồi nhất trong lịch sử.”
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump không ngần ngại đả kích thành tựu quan trọng có tính đột phá về chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Ông Trump nói: "Chưa bao giờ trong đời tôi chứng kiến một thoả thuận nào kém cỏi như thỏa thuận hạt nhân của chúng ta với Iran. Chưa từng thấy."
Đó là quan điểm mà ông Trump thường xuyên hô hào trong suốt chiến dịch tranh cử, nhưng giờ đây ngay cả những người chống đối cũng đang lo ngại bãi bỏ thỏa thuận này sẽ có hại nhiều hơn là có lợi.
Về mặt pháp lý, Mỹ có thể đơn thuần rút khỏi một thỏa thuận quốc tế không mang tính ràng buộc.
Cựu luật sư của Bộ Ngoại giao, ông Edward Swaine nói với VOA: "Sẽ không có trách nhiệm pháp lý nào nếu Mỹ thay đổi quan điểm về thỏa thuận này."
Nhưng các hậu quả về chính sách của quyết định này sẽ vô cùng lớn. Không những quyết định đó sẽ gây phẫn nộ cho các bên khác ký kết thỏa thuận, trong đó có các đồng minh châu Âu của Mỹ đang nóng lòng mở rộng quan hệ với Iran, mà nó còn dồn ép Iran tái tục chương trình hạt nhân. Những người trước đó chống đối thỏa thuận hạt nhân với Iran, giờ đang nỗ lực để thúc ép ông Trump duy trì thỏa thuận này.
Ông Orde Kittrie của Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định: "Theo tôi, những người có trách nhiệm trong Quốc hội, ở cả hai đảng, sẽ nhận thấy rằng từ quan điểm của Mỹ, thỏa thuận này đáng ra phải hữu hiệu hơn, nhưng ngay vào thời điểm này nếu phá bỏ nó thì không phải là một ý tưởng hay cho bằng nghiêm khắc thực thi những điều khoản của nó."
Các đại biểu Ðảng Cộng hòa ở Quốc hội đã không ngăn được thỏa thuận này hồi năm ngoái giờ đang hối thúc việc áp dụng những biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn với Iran với mục đích tăng lực cho chính quyền của ông Trump trong bất cứ cuộc tái thương thuyết nào với Iran trong tương lai.
Ông Orde Kittrie của Quỹ Bảo vệ Dân chủ nói tiếp: "Tôi đoán rằng điều mà chính quyền mới sẽ làm là sẽ thực thi thỏa thuận này một cách nghiêm khắc, buộc Iran phải tuân thủ thỏa thuận đầy đủ, nhưng không phá bỏ thỏa thuận bởi vì theo tôi thì điều đó không đáp ứng lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ."
Bất chấp đã kịch liệt đả kích thỏa thuận này, ông Trump chưa đe dọa sẽ xé bỏ thỏa thuận này. Các chuyên gia nói rằng chiến thuật đó sẽ cho ông thời gian mà ông cần có để duy trì thỏa thuận trong lúc tìm những biện pháp cứng rắn hơn đối với Iran. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam đứng thứ 6 về du học sinh tại Mỹ
Báo cáo Open Doors 2016 về Trao đổi Giáo dục Quốc tế, do Viện Giáo dục Quốc tế hợp tác với Vụ Giáo dục và Văn hóa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, công bố hàng năm cho thấy có 21.403 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ và rằng Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước dẫn đầu về du học sinh theo học tại Mỹ.
Theo báo cáo, sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ chủ yếu theo học ở bậc đại học. Năm học 2015 – 2016, có 67,2% sinh viên Việt Nam theo học đại học; 15,1% theo học cao học; 7,8% tham gia chương trình đào tạo thực hành không bắt buộc OPT; và 9,9% theo học các chương trình không cấp bằng như chương trình tiếng Anh, hoặc học tập ngắn hạn.
Anh Tùng Phạm, cựu Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Washington D.C, cho biết sinh viên Việt sang Mỹ có hai dạng chính, đó là có học bổng và du học tự túc. Anh nói: “Mình thấy người có học bổng thì học rất là chăm chỉ và học giỏi, còn những người học tự túc không phải là mình nói họ không giỏi mà về độ chăm chỉ nó khác. Nó ít hơn và cũng không giỏi bằng người ta. Cũng có thể khi mà phần lớn những người sang đây mà du học tự túc thì người ta phải đi làm thêm để giúp đỡ gia đình hoặc để giúp đỡ bản thân mình như tiền ăn tiền ở, cho nên người ta không có nhiều thời gian bằng những bạn khi mà sang đây du học của trường bởi vì người ta được trường chu cấp cho toàn bộ cho nên người ta có nhiều thời gian đầu tư hơn.”
Sau khi học xong, bản thân anh Tùng cũng muốn về Việt Nam để làm việc nhưng do có nhiều thay đổi trong cuộc sống nên anh quyết định ở lại Mỹ lập nghiệp. Anh nói: “Cái mục tiêu chính nhất của mình là mình muốn về Việt Nam, một phần là cống hiến cho đất nước còn quan trọng là gần gia đình. Bởi vì mình cũng muốn ở gần bố mẹ hơn bởi vì dù gì bố mẹ cũng dành thời gian cho mình nhiều nên mình muốn đền đáp.”
Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, nhiều bạn du học sinh Việt Nam đã bày tỏ lo ngại về sự thay đổi trong các chính sách sẽ khiến du học sinh gặp khó hơn trong cuộc sống cũng như cơ hội tìm việc làm để ở lại định cư sẽ bị siết chặt hơn. Cựu Phó chủ tịch Tùng Phạm cho VOA Việt ngữ biết, các sinh viên chuẩn bị ra trường rất lo lắng nhưng điều đó không gây ảnh hưởng nhiều tới việc lựa chọn Mỹ là điểm đến du học của phần lớn học sinh Việt Nam bởi vì Mỹ vẫn là quốc gia có chất lượng giáo dục tốt trên thế giới.
Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Cường Nguyễn, trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ, nói: “Theo tôi biết thì sinh viên Việt Nam không nên lo lắng gì cả. Theo chúng tôi biết thì theo đường lối của Tổng thống tương lai Trump là ông ta chỉ muốn những người qua đây theo cách đàng hoàng, nghĩa là không đi trốn như những người ở Mexico. Sinh viên Việt Nam đi du học mà có visa thì đâu có lo lắng gì đâu. Người ta qua đây học xong thì muốn ở cũng được, muốn về cũng được. Vấn đề chính sách của tổng thống Trump trong tương lai tôi nghĩ không có ảnh hưởng đến sinh viên Việt Nam nhiều.”
Giáo sư Cường nhấn mạnh, chính sách của ông Trump chỉ chú ý đến những người nhập cư bất hợp pháp, còn sinh viên Việt Nam thường ra trường với bằng cấp cao và Hoa Kỳ rất cần nhân tài nên họ sẽ được chào đón tại đây. Nhưng theo ông, vấn đề nảy sinh là điều đó sẽ gây ‘thiệt hại’ không nhỏ cho Việt Nam vì người giỏi không muốn về và nên cân bằng số lượng sinh viên về nước và ở lại làm việc bởi cũng có nhiều người quyết định đi học là để về giúp đỡ đất nước. - VOA
|
|
6.
Formosa giết chết du lịch miền Trung
Sự cố ô nhiễm môi trường trong những tháng qua đã khiến ngành du lịch ven biển miền Trung bị thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.
Tổng cục du lịch công bố tình hình hoạt động 10 tháng đầu năm cho thấy Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với mức thiệt hại vượt ngưỡng 1.500 tỷ đồng. Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Thừa Thiên-Huế cũng bị thiệt hại về du lịch do tác động của tình trạng ô nhiễm biển đã được quy cho công ty thép Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh gây ra.
Tổng cục trưởng tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn được báo chí trong nước trích lời nói: Thiệt hại trực tiếp về du lịch đối với 5 tỉnh miền Trung do sự cố ô nhiễm môi trường biển gây ra là rất nặng nề và phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể phục hồi lại được.”
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Tuấn để hỏi thêm chi tiết về việc này.
Giám đốc sở du lịch Quảng Bình Hồ An Phong không muốn bình luận về tác động của sự cố ô nhiễm môi trường biển đối với tỉnh này khi được VOA tiếp xúc:
"Vấn đề nó rất lớn cần phải nghiên cứu để trả lời cho nó tốt."
VNExpress dẫn thông tin từ cơ quan du lịch quốc gia cho biết ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa dọc theo bờ biển miền Trung hồi tháng 4 đã gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực khi doanh thu từ du lịch giảm tới 90%.
Theo nguồn tin này, phó giám đốc sở du lịch Quảng Bình Nguyễn Văn Kỳ nói tại một cuộc họp của tổng cục du lịch giữa tháng 10 rằng lượng khách du lịch tới tỉnh này đã giảm hơn 70%.
70 tấn cá chết đã dạt vào bờ dọc theo các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế và khiến khách du lịch sợ không dám đến các khu bờ biển nổi tiếng đẹp của miền Trung và cũng như không dám thưởng thức hải sản ở đây, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế địa phương và thu nhập của dân địa phương.
Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung. Các địa điểm được công nhận là di sản văn hóa như thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, kinh thành Huế hay khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng cùng những bãi biển xanh cát trắng là lý do thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhưng theo Tuổi Trẻ, nhiều khách sạn ở các tỉnh miền Trung lo rằng sự cố môi trường biển không chỉ ảnh hưởng đến mùa du lịch 2016 mà còn kéo dài trong nhiều năm nữa nếu không có những giải pháp để kích cầu ngành du lịch.
Trước những khó khăn này, tổng cục du lịch đã đề xuất một loạt giải pháp ngắn và dài hạn nhằm vực dậy hoạt động du lịch ở đây, kể cả hỗ trợ các tỉnh với các chương trình quảng cáo du lịch ở nước ngoài và xây dựng các tour du lịch với giá ưu đãi. - VOA
|
|
7.
Doanh nghiệp Việt Nam không thoát khỏi văn hóa 'bôi trơn'
Gần một nửa số doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cho biết phải hối lộ khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước.
Theo kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây cho thấy trong năm 2015, gần phân nửa các doanh nghiệp này bị buộc phải trả các khoản chi phí không chính thức để “bôi trơn” việc kinh doanh của họ.
Báo cáo “Các đặc điểm của môi trường kinh doanh Việt Nam: Bằng chứng từ một cuộc khảo sát của CIEM năm 2015” được phổ biến hôm 10/11 cho thấy mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn bị sức ép phải hối lộ các cơ quan nhà nước để công việc kinh doanh được thuận lợi.
Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nói với VOA Việt Ngữ rằng các điều tra cho thấy “tình hình chi phí ngoài pháp luật vẫn đang diễn biến rất phức tạp và chưa có chỉ dấu nào đáng tin cậy để cho thấy tình trạng đó đã có giảm bớt.”
Với số lượng gần 43% DNNVV ở Việt Nam phải chi những khoản tiền “không chính thức” vào năm 2015, điều tra cho thấy con số này không khác mấy so với 44,6% trong năm 2013 cũng do CIEM công bố.
Theo CIEM, các doanh nghiệp Việt Nam phải trả hối lộ nói các khoản phí này cho phép họ tiếp cận được với các dịch vụ công và có được các giấp phép cũng như đối phó với các cơ quan thuế và hải quan. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn nếu không “bôi trơn.” Tiến sĩ Doanh cho biết:
"Ví dụ nếu anh không bôi trơn thì container của anh ở cảng sẽ không di chuyển mặc dù có thể có cần cẩu bởi vì những nhân viên của các cơ quan nào đấy sẽ không xử lý vấn đề và container hay xe hàng hóa của anh sẽ không di chuyển được. Vì vậy các doanh nghiệp buộc phải chi hoặc phải ngoan ngoãn chi mặc dù các khoản chi đó của họ là rất lớn và (điều này) hiện nay đang gây sức ép rất là nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của Việt Nam."
Điều này thể hiện rõ nhất trong ngành dệt may khi tăng trưởng giảm mạnh từ 20%/ năm ngoái xuống còn khoảng 3-4%/ năm nay. Theo tiến sĩ Doanh, ngoài chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí ngoài pháp luật đóng vai trò lớn trong việc cản trở đà tăng trưởng.
Theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, để kiếm được 1 đồng lợi nhuận, các doanh nghiệp Việt Nam phải chi ngoài pháp luật – hay nói cách khác, là “đút lót” – từ 0,72 đồng tới 1,02 đồng.
Điều tra của CIEM kết luận rằng mặc dù không có những sự thay đổi nào đáng kể trong việc chi trả hối lộ trong các DNNVV ở Việt Nam nhưng rõ ràng là các doanh nghiệp phải trả các khoản phí này không đạt được mức độ tăng trưởng cao hơn những doanh nghiệp không chi trả các khoản phí đó.
Trong bảng xếp hạng Trace Matrix – một tổ chức theo dõi nạn hối lộ có trụ sở tại Mỹ - Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới. Trace International xếp hạng Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được điều tra về nạn hối lộ trên thế giới năm 2014. Bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng của Trace International cũng cho thấy Việt Nam nằm trong thứ hạng rất thấp ở châu Á về chống tham nhũng, với chỉ số 31 – dưới mức trung bình 41,8.
Việt Nam đã ban hành luật phòng chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua và gần đây có sửa đổi nhưng theo nhận xét của tiến sĩ Doanh tác động của luật này rất hạn chế:
"Chính phủ đã tuyên bố xây dựng một nhà nước kiến tạo, một chính phủ liêm chính và chống tham nhũng. Tuy việc việc đó, dù là được tuyên bố bởi thủ tướng chính phủ, nhưng có lẽ không phải được thực hiện một cách dễ dàng bởi vì nếu thực hiện như vậy thì các quan chức sẽ mất các khoản thu nhập ngoài pháp luật của họ và các khoản thu nhập đó là rất lớn."
Tiến sĩ Doanh cũng cho VOA Việt Ngữ biết rằng các doanh nghiệp thường “than rằng cứ sau 5 năm khi có 1 chính phủ mới ở các tỉnh và địa phương thì lại có một chính sách mới và lại gặp những khó khăn và những vấn đề mới.”
Theo khảo sát của viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, các doanh nghiệp nói rằng lượng tiền hối lộ mà họ bị buộc phải nộp sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai. Hơn 2.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh ở 10 tỉnh và thành phố, bao gồm cả Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh được phỏng vấn cho cuộc khảo sát này. - VOA
|
|
8.
Kinh tế gia Việt bình luận về quyết định của Trump bỏ TPP --- TS. Ánh: Việt Nam có thể chậm cải cách khi Mỹ rời TPP
Các chuyên gia kinh tế bình luận với BBC về thông báo của Tổng thống tân cử Donald Trump rằng ông sẽ bỏ TPP ngay trong ngày đầu vào Nhà Trắng.
Hôm 22/11, ông Trump đưa ra tuyên bố Mỹ sẽ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong một video phác thảo những gì ông dự định làm đầu tiên khi nhậm chức vào tháng 1/2017.
Hiệp định TPP được 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới ký kết.
Việt Nam và Malaysia được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này. Hai nước này đang đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ, nhưng hy vọng thuế quan với một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sẽ được xóa bỏ.
Hôm 22/11, trả lời BBC từ Hà Nội, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói: "Tôi không bất ngờ trước động thái này của ông Trump vì ông đã tuyên bố từ lúc tranh cử."
"Tuy vậy, tôi nghĩ là chúng ta phải chờ xem liệu chính phủ Mỹ có rút lui thật sự khỏi TPP hay ý của ông Trump là muốn thương lượng lại những điều khoản mà ông ấy cho rằng không có lợi cho Mỹ."
"Tôi cho rằng giới chức Việt Nam chưa vội đưa ra phản ứng về động thái này do họ còn chờ phản hồi của các quốc gia khác."
Ông cũng nói thêm rằng "Về vấn đề tham gia TPP, Bộ Công Thương có trách nhiệm trực tiếp nhưng Bộ Chính trị mới là cơ quan đưa ra quyết định sau cùng."
'Việt vị'
Cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú từ Đại học Strassbourg, Pháp, nói với BBC: "Khi hay tin thông báo của ông Trump thì tôi nghĩ Việt Nam có cảm giác như 'bị việt vị' vậy."
"Vì thời gian qua, Hà Nội đã ra nghị quyết, chứng tỏ quyết tâm vào TPP với mong muốn Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế."
"Tuy vậy, nếu không có TPP thì Việt Nam vẫn có thể thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do với các nước khác, nhất là với châu Âu."
Trump: Mỹ bỏ TPP ngày đầu ông vào Nhà Trắng
"Qua vụ việc này, theo tôi, nói chung là không nên "bỏ hết trứng vào một giỏ", chỉ phụ thuộc vào một nước hoặc là Trung Quốc, hoặc là Mỹ."
Chuyên gia nói thêm: "Nhưng cũng phải nói rằng việc không có TPP là một thất vọng cho Việt Nam."
"Vì ngoài tác động đến kinh tế, TPP có những yêu cầu cao về các khía cạnh khác như về tiêu chuẩn lao động, việc hình thành công đoàn độc lập, thị trường công…"
"Tuy nhiên, nếu Hà Nội thật sự muốn cải cách thì họ vẫn có thể tự cải cách để xây dựng các tiêu chuẩn đó."
"Ngoài ra, cũng cần lưu ý là việc tham gia các các hiệp định thương mại tự do cũng có thể có những hệ lụy lên kinh tế, nhất là khi giá thành sản phẩm từ các nước khác rẻ hơn trước thì sẽ gây khó khăn cho các mặt hàng nội địa".
"Điều quan trọng nhất là Việt Nam phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, luật pháp nghiêm minh trước đó thì mới có thể tận dụng được hết các ưu điểm của các hiệp định thương mại tự do này."
"Chúng ta nên rút bài học từ việc tham gia vào WTO để vạch ra lộ trình nâng cao tính cạnh tranh cho hàng Việt Nam. Có như vậy thì sau này chúng ta mới sẵn sàng cho một hiệp định như TPP," ông Phú nói với BBC. - BBC
***
Một giảng viên ngành thương mại ở Hà Nội quan ngại rằng cải cách ở Việt Nam sẽ chậm lại khi Mỹ rời bỏ TPP.
Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump hôm 21/11 đã công bố video cho hay một trong những việc ưu tiên của ông trong ngày đầu tiên nắm quyền ở Tòa Bạch Ốc là rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Ông Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 20/1/2017.
TPP là hiệp định về tự do hóa thương mại giữa 12 nước ven Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Hồi đầu năm nay, nhiều nước đã ký kết hiệp định nhưng nó phải được quốc hội các nước thông qua mới có hiệu lực.
Với các điều khoản chứa đựng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch, giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, cũng như thúc đẩy cải cách và công đoàn độc lập, nhiều chuyên gia và doanh nhân Việt Nam kỳ vọng TPP sẽ tăng tốc độ cải cách thể chế cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Giờ đây, khi Mỹ sẽ không tham gia TPP nữa, bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên của Đại học Ngoại thương Hà Nội, nhìn nhận đó là “một bước lùi đáng tiếc” cả về kinh tế, xã hội và chính trị đối với Việt Nam.
Nói qua điện thoại với VOA hôm 22/11, Phó Giáo sư Tiến sỹ Ánh coi việc Mỹ rời bỏ TPP là một tin không vui cho phe cấp tiến ở Việt Nam. Bà nói:
“Bất kỳ chính phủ nước nào cũng có phe cấp tiến và phe bảo thủ. Bây giờ, cán cân khi Mỹ rút ra thì đối trọng rơi vào phe bảo thủ nhiều hơn. Điều đó cũng sẽ làm cho Việt Nam chậm lại trong tiến trình cải cách của mình. Điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến địa chính trị của khu vực, cũng như ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ”.
Bà Ánh phân tích rằng thế giới và bản thân nước Mỹ đã thay đổi trong hàng chục năm qua, do vậy việc Mỹ tự thu hẹp vai trò của mình có thể gây bất lợi cho chính họ về dài hạn:
“Có thể trong ngắn hạn, nước Mỹ có thể tránh được việc phải chia sẻ lợi ích của một đất nước giàu có hơn, phát triển hơn với những nước cùng trong khu vực mà kém phát triển hơn. Tuy nhiên, không có lợi thế nào là vĩnh viễn, và như vậy Mỹ sẽ để ngỏ cửa gây ảnh hưởng đối với những nước trong khu vực cho Nhật, cho Trung Quốc. Chúng ta cũng biết là về mặt vị thế, Mỹ không có được như những năm 40, 50, 60 của thế kỷ trước. Cho nên nếu Mỹ rời bỏ cái sân đấy thì chắc chắn có nhiều người sẵn sàng nhào vào. Về dài hạn, tôi tin chắc chắn đấy là một bước lùi của Mỹ”.
Từ cách đây vài tháng, khi có những phát ngôn không ủng hộ TPP của cả hai nhân vật tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump của đảng Cộng hòa và bà Clinton của đảng Dân chủ, các nước đã chú ý nhiều hơn đến cuộc thương thảo về Hiệp định RCEP.
Với tên đầy đủ là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hiệp định này từng được coi là đối trọng của TPP. Cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do này đã bắt đầu từ năm 2012 giữa 10 nước ASEAN trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn khác ở châu Á-Thái Bình Dương, song không có Mỹ.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Tiến sỹ Ánh dự báo rằng tác động của các hiệp định thương mại khu vực khác sẽ không có tính cơ bản như TPP:
“Tôi nghĩ rằng chắc là các hiệp định sau người ta sẽ không tham vọng như TPP. Bởi vì nói chung hầu hết sẽ còn các nước châu Á thôi. Các nước châu Á nói chung cũng mang tính dĩ hòa vi quý hơn. Cho nên chắc là phạm vi của hiệp định sẽ bị thu hẹp lại, và chắc chắn nó sẽ tập trung vào kinh tế nhiều hơn. Tại vì những nước còn lại như Nhật Bản những nước đấy không quan tâm lắm đến tác động của cải cách thể chế cho các nước thành viên. Và nếu mà Trung Quốc có ý định tham gia vào thì thực tế mà nói thì cũng chưa chắc là tin hay cho Việt Nam”.
Với những điều kiện về xuất xứ của nguyên liệu trong TPP, nhiều người kỳ vọng Việt Nam sẽ giảm dần việc lệ thuộc thương mại và nhiều mặt khác vào Trung Quốc. Nay TPP trong tình trạng “chết lâm sàng” và RCEP nổi lên, một số nhà quan sát dự báo Việt Nam khó có thể giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Hồi tuần trước, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam “đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện tham gia” TPP, tuy nhiên, sau khi Mỹ “tuyên bố dừng”, Việt Nam “chưa có đủ cơ sở” trình Quốc hội thông qua việc tham gia TPP.
Ông Phúc nói thêm rằng dù có hay không tham gia TPP, Việt Nam “vẫn tham gia hội nhập sâu rộng” về nền kinh tế. Ông nhấn mạnh Việt Nam hiện tham gia 12 hiệp định tự do thương mại. - VOA
|
|
9.
Biển Đông: Việt Nam thách thức Trung Quốc
Với việc nâng cấp phi đạo duy nhất của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và xây dựng các nhà để máy bay mới tại địa điểm này, Hà Nội đáp lại việc Trung Quốc trong thời gian qua đã ồ ạt xây dựng các cơ sở quân sự tại khu vực đang tranh chấp này ở Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) công bố vào tuần trước cho thấy là Hà Nội đã mở rộng phi đạo và xây hai nhà chứa máy bay lớn trên một đảo của Trường Sa để có thể tiếp nhận những phi cơ mới của không quân Việt Nam, như máy bay giám sát biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295. Để mở rộng phi đạo, Việt Nam đã bồi đắp đảo cho lớn hơn, tương tự như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo, tức bồi đắp các đá thành những đảo thật sự.
Thật ra thì quy mô của công trình mở rộng phi đạo của Việt Nam chẳng thấm vào đâu so với các công trình của Trung Quốc ở Trường Sa, vì các chiến đấu cơ phản lực chỉ có thể sử dụng một cách hạn chế phi đạo vừa được mở rộng. Nhưng theo ghi nhận của dự án Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), thuộc trung tâm CSIS, hành động nói trên cho thấy là ngay cả khi căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc giảm bớt, Việt Nam vẫn tiếp tục hiện đại hóa quân đội và thắt chặt quan hệ an ninh với các nước Nhật, Mỹ, Ấn Độ, để chuẩn bị đối phó với những hành động khác của Trung Quốc trong tương lai nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters tháng 8/2016 tiết lộ rằng Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dàn tên lửa địa đối không ở quần đảo Trường Sa. Hà Nội đã không xác nhận thông tin này, nhưng theo nhận định của AMTI, hành động đó không có gì là đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy tiềm lực không quân rất mạnh mà Trung Quốc chẳng bao lâu nữa sẽ triển khai ở vùng Trường Sa.
Theo AMTI, Việt Nam có thể sử dụng phi đạo mở rộng và nhà để máy bay mới cho việc tuần tra khu vực Trường Sa. Cho dù tiềm lực quân sự của Việt Nam không thể so với của Trung Quốc, nhưng Hà Nội có vẻ quyết tâm nâng cao khả năng giám sát hoặc khả năng bảo vệ chủ quyền, nếu thông tin về việc triển khai tên lửa là đúng.
Hôm thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam ngưng xây dựng « trên lãnh thổ Trung Quốc », nhưng chắc là Hà Nội sẽ không làm theo yêu cầu này của Bắc Kinh.
Dầu sao thì với nguy cơ chiến tranh tái diễn với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải tiếp tục hiện đại hóa quân sự, một mặt nâng cao khả năng sẳn sàng chiến đấu của quân đội, mặt khác đầu tư phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, cùng với việc mua thêm vũ khí và thiết bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau. - RFI
|
|
10.
Hiến pháp và pháp luật: Sự nhập nhằng bên trọng bên khinh
Quốc hội Việt Nam vào ngày 18 tháng 11 vừa qua đã thông qua Luật tín ngưỡng và tôn giáo. Đồng thời, các Dự luật như Lập hội, Biểu tình và Sửa đổi Bổ sung Luật Hình sự sẽ được bàn thảo ở kỳ họp thứ ba. Vấn đề này dưới góc nhìn của các cá nhân và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự như thế nào?
Vào ngày 20 tháng 10, Hội đồng Liên tôn Việt Nam, gồm đại diện các đạo Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, và Tin Lành, cũng từng đưa ra kháng thư do 27 vị chức sắc ký tên bác bỏ dự luật Tín ngưỡng- Tôn giáo, và nêu ra một số chỉ trích về điều khoản của Dự luật Tín ngưỡng, tôn giáo mang nặng tính kiểm soát quyền tự do tôn giáo và chỉ chú trọng quản lý nhà nước.
Vào thời điểm đó, hoà thượng Thích Không Tánh, thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cũng ký vào kháng thư, tuy nhiên ngài tỏ ra không mấy hy vọng ý kiến sẽ được cơ quan chức năng lắng nghe:
“Với tấm lòng, hoài bão chúng ta cũng lên tiếng nhằm mục đích đánh động dư luận có thêm một số nhận thức, còn sự thực không hy vọng gì nhà nước này để tâm tới.”
Sự lo lắng của Hoà thượng Thích Không Tánh đã trở thành sự thật khi ngày 18 tháng 11 vừa qua, Luật tín ngưỡng và tôn giáo đã được Quốc hội thông qua do có số phiếu đồng thuận cao, 117 vị đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành.
Khống chế tôn giáo
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, từ giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho chúng tôi biết đây là một luật “rất khôi hài” vì đa số những người đưa ra và thông qua Luật tín ngưỡng và tôn giáo là những người theo chủ thuyết vô thần:
“Với bản thân tôi, tôi thấy là một sự khôi hài. Thứ nhất, Quốc hội đây là ai? Mặc dù với danh nghĩa là đại diện cho tiếng nói nguyện vọng của người dân, cũng như tham gia quyền lực của người dân vào trong chính phủ, nhưng gần như 100% những đại biểu quốc hội là Đảng viên Đảng Cộng sản, là những người sống theo chủ thuyết vô thần. Một người vô thần làm 1 luật cho tôn giáo là một sự hài hước.
Điều thứ hai, với nhà cầm quyền Việt Nam ngày hôm nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam độc tài để lãnh đạo đất nước này, họ coi tôn giáo là kẻ thù, và đặc biệt với chúng tôi là những người công giáo thì họ càng ghé bỏ nhiều hơn nữa.”
Báo mạng Dân Trí vào ngày 18 tháng 11 trích dẫn nội dung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua rằng mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
Tuy nhiên, theo Linh mục Đặng Hữu Nam, Luật Tín ngưỡng tôn giáo không phải tạo điều kiện cho những người có niềm tin tôn giáo thực thi quyền của mình, vì quyền tôn giáo là “quyền” chứ không phải “ơn huệ xin cho”:
“Ở các nước trên thế giới, những người sống trong chế độ văn minh, người ta không bao giờ đả động đến luật tôn giáo. Vì chính tôn giáo của họ có luật.
Đặc biệt sự hài hước ở đây là những người vô thần làm ra một luật cho tôn giáo. Vì thế luật tôn giáo ở Việt Nam làm ra để bóp chặt, để hạn chế, và để khống chế tôn giáo chứ không phải để mở đường cho tự do tôn giáo.”
Quyền lợi cho nhà cầm quyền
Cũng trong ngày 18 tháng 11, báo Kinh tế online cho biết có 443/460 đại biểu đồng ý chưa thông qua Luật Về hội. Lý do các đại biểu đưa ra là nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua, có những quy định còn hạn chế so với pháp luật hiện hành, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.
Và cũng trên 90% đại biểu đồng ý hoãn việc thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Điều này được Luật sư Trần Vũ Hải nhận định theo góc nhìn chuyên môn:
“Chúng tôi cho rằng luật mà còn bất lợi hơn nữa thì thà đừng có còn hơn. Những dự thảo mà hiện nay chúng tôi được biết là cuối cùng bất lợi hơn, thà không có có khi còn tốt hơn. Chúng tôi cho rằng trước mắt chúng ta nên xem các dự thảo khác nếu tiến bộ thì ủng hộ còn bất lợi thì phải lên tiếng.”
Cũng chính Luật sư Trần Vũ Hải, trên trang cá nhân của mình, có đưa ra ý kiến đề nghị nên vận động thành lập Hội Luật Hình Sự Việt nam, chúng tôi xin trích dẫn lời kêu gọi của ông nguyên văn sau đây:
“Tôi nghĩ đã đến lúc, thành lập Hội luật hình sự Việt nam để tập hợp những chuyên gia luật hình sự, tham gia bàn bạc và soạn thảo các văn bản về luật hình sự (kể cả lĩnh vực tố tụng hình sự), nghiên cứu các vụ việc hình sự được các cơ pháp luật giải quyết như thế nào, đưa ra các khuyến nghị thiết thực, đồng thời phát triển khoa học luật hình sự tại Việt nam, hoà nhập với luật lệ về hình sự quốc tế, góp phần giảm thiểu những vụ án hình sự được xử tréo ngoe, gây oan sai trong thời gian qua.”
Nhằm lên tiếng phản đối Luật Về Hội, một tổ chức có tên “Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân” đã thành lập hẳn một trang mạng có tên “Hoãn thông qua Luật Về Hội”. Trong đó ghi rõ nếu Luật về hội được thông qua thì những Hội đồng hương, Hội cựu sinh viên, Hội những người khuyết tật, Hội những người yêu môi trường…có thể trở thành bất hợp pháp, bị ngăn cản hoạt động nếu không được nhà nước cấp phép.
Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ Hà Nội cho chúng tôi biết nhận định của ông về ảnh hưởng của việc hoãn thi thành Luật Về Hội sẽ là một trở ngại đối với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam hiện tại:
“Nó là cái điều mà những nhà cầm quyền thấy rằng bây giờ ra cái luật đó thì chưa thật là có lợi cho việc quản lý, quản trị nhà nước. Cho nên có lợi là có lợi cho nhà cầm quyền, chứ không thật đáp ứng nhu cầu của các xã hội dân sự.”
Nhập nhằng
Quyền tự do lên tiếng, quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do tôn giáo…là những vấn đề cơ bản đã được ghi rõ trong Hiến pháp, là pháp luật cao nhất của nhà nước Việt Nam.
Một ví dụ cụ thể là tại Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, bên dưới Hiến pháp đó còn có Luật, Nghị định, Pháp lệnh, những văn bản vi phạm pháp luật…là những văn bản thấp hơn Hiến pháp. Linh mục Đặng Hữu Nam đưa ra chất vấn về mục đích sử dụng những văn bản có giá trị thấp hơn này trong hệ thống hành pháp:
“Đó là tìm mọi cách để hạn chế, cũng như khống chế tôn giáo cũng như các tổ chức xã hội. Ngày hôm nay, nhà cầm quyền không cho phép tổ chức, thành lập hội nhóm mặc dù Hiến pháp quy định con người được quyền như thế. Điều đó để nói rằng ở Việt Nam chúng tôi Hiến pháp, pháp luật có được coi trọng hay không?”
Như Giáo sư Chu Hảo đã có bày tỏ, ông cho rằng những chủ trương hoãn lại là chưa thật sự đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Điều này, được bạn Hoàng Thành, một thành viên của nhóm Green Trees chia sẽ rõ thêm:
“Nếu như có Luật Về hội thì nhóm Green Trees sẽ có cơ sở để dựa vào bất kể luật đó tốt hay xấu. Đó là 1 cái tin để mình chắc chắn về hội. còn nếu như họ vẫn chưa thông qua thì em nghĩ rằng con đường mục đích của các nhóm hội nói chung thì vẫn có một con đường dài để tiếp tục.”
Qua bày tỏ của những cá nhân ở các vai trò khác nhau, có thể nhận thấy rằng những luật được thông qua và những luật được hoãn lại đều nhằm vào mục đích vì quyền lợi của nhà cầm quyền. Còn các tổ chức xã hội dân sự, những người dân thì phải đặt câu hỏi giữa Hiến pháp và pháp luật, cái nào có giá trị thực sự? - RFA
No comments:
Post a Comment