Tin Thế Giới
1.
Không có TPP ở Việt Nam, cơ hội vàng cho Trung Quốc
Một chuyên gia Việt Nam nói việc Việt Nam ‘bỏ cuộc’ trong nỗ lực tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ tuyên bố không trình lên Quốc hội để thông qua hiệp định như dự kiến, là một ‘cơ hội vàng’ cho Trung Quốc.
Hôm 18/11, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam, nhận định với VOA rằng nếu Hoa Kỳ để lại một “khoảng trống TPP” mà không có gì thay thế, chắc chắn Trung Quốc sẽ tận dụng “cơ hội vàng” này để thực hiện chiến lược đã rất thành công lâu nay trong việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam:
“Nếu TPP không được thực hiện, đấy là một cơ hội vàng của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tất cả những nỗ lực của mình để mở rộng ảnh hưởng đối với khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Nếu Hoa Kỳ để lại một khoảng trống với TPP, và khoảng trống đó chưa có ai kịp thời trám vào thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng dùng tất cả tiềm lực và khả năng của mình để làm việc đó. Đấy là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam vì Việt Nam hiện nay đã nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc”.
Các chuyên gia quốc tế cho hay sau khi TPP bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự hiện nay của Mỹ, Bắc Kinh đang ra sức để xúc tiến các hiệp định thương mại tiềm năng để cạnh tranh với TPP, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Nhưng các chuyên gia cho rằng hiệp định do Trung Quốc khởi xướng không hấp dẫn các nước bằng TPP.
Trong khi đó, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác cũng đang bắt đầu ngay vào việc tạo ra thỏa thuận thương mại mới khác mà không có sự hiện diện của Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn cho chính phủ Việt Nam, nói bà vẫn rất hy vọng Nhật Bản cùng các nước thành viên khác sẽ quyết tâm để thực hiện TPP cho dù số phận của TPP là “rất mong manh” tại Mỹ:
“Các nước khác thành viên của TPP cũng như Việt Nam đều không mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng bây giờ, Nhật Bản cũng đã thông qua TPP rồi. Tôi nghĩ với việc Nhật Bản đã thông qua TPP thì họ cũng có thể mong muốn thương lượng với các nước thành viên khác và có thể cùng nhau thực hiện TPP như chưa có Hoa Kỳ. Cũng vẫn có thể dựa trên những gì các nước đã đàm phán, đã cam kết với nhau trong suốt 5 năm đàm phán vừa qua và cũng thấy rõ lợi ích để có thể quan hệ kinh tế với nhau, để có thể tiếp tục chăng? Thực sự tôi cũng rất hy vọng điều đó. Nếu như các nước khác cũng có đủ quyết tâm tham gia cùng với Nhật Bản thì tôi nghĩ Việt Nam cũng vậy. Bởi vì lợi ích kinh tế và các mặt của TPP đối với Việt Nam là rất rõ".
Việt Nam hôm 5/11 đã ban hành Nghị quyết trung ương 4 về hội nhập quốc tế, trong đó đề cập đến việc đa dạng hóa, đa phương hóa nền kinh tế để không bị phụ thuộc vào một nền kinh tế riêng lẻ nào để tránh tăng rủi ro trên nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế nói chắc chắn Việt Nam sẽ phải sắp xếp lại các quan hệ kinh tế với các nước để tránh ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc lên nền kinh tế Việt Nam. Một trong những nỗ lực hiện nay của Việt Nam là thúc đẩy các hiệp định đối tác thương mại với các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo bà Phạm Chi Lan, dù có hay không có TPP, Việt Nam vẫn phải cố gắng tìm mọi cách thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc:
“Trong thời gian qua cũng đã thấy xuất hiện chiều hướng ví dụ như Trung Quốc có thể lợi dụng Việt Nam là thành viên của các hiệp định này khác để qua con đường của Việt Nam để xuất khẩu hàng Trung Quốc đi. Những cái đó, với TPP dù có hay không, thì Việt Nam cũng phải cố gắng để tránh điều đó".
Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc không có TPP chắc chắn sẽ có tác động lên xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam, nhưng ông cho rằng Việt Nam sẽ có các biện pháp khác để khắc phục điều này:
"Việt Nam cần phải tìm kiếm một thị trường xuất khẩu để có thể thay thế thị trường xuất khẩu rất to lớn của Hoa Kỳ. Thứ hai, Việt Nam đang rất cần vốn để đầu tư vào kết cấu hạ tầng và thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Nếu không có TPP, rất có thể luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm tốc độ. Lúc bấy giờ, Việt Nam sẽ phải nỗ lực để cải thiện các môi trường kinh doanh của Việt Nam".
TPP được xem là một đòn bẩy chính trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Nhưng khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử, hiệp định này đã bị đình chỉ không trình lên Quốc hội Hoa Kỳ.
Theo các đánh giá trước đây, nếu TPP thành công, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong hiệp định thương mại có sự tham gia của 12 quốc gia. - VOA
|
|
2.
Lithuania lại nêu lo ngại về Nga
Lithuania cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể thách thức Nato trong những tuần trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.
Ngoại trưởng Linas Linkevicius nói ông "rất lo ngại" cho các nước vùng Baltic, và thành phố Aleppo của Syria.
Lithuania tin rằng quan điểm u ám của họ về âm mưu của Nga được chứng minh nhờ vị trí địa lý và lịch sử.
Từng thuộc Liên Xô, Lithuania nay là thành viên của Nato và EU. Nước này có biên giới đất liền với Kaliningrad của Nga trên Biển Baltic.
Tại thủ đô Vilnius, đang có một bức tranh tường vẽ ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ôm nhau thắm thiết.
Chính phủ Lithuania chia sẻ quan ngại căn bản của nghệ sĩ tác giả tranh rằng ông Trump và Putin quá gần nhau.
Nga khẳng định họ không phải là đe dọa, mà nói Nato đã khuấy động căng thẳng khu vực khi tiến về phía đông và di chuyển khí tài về biên giới Nga.
Ông Linkevicius nói có nguy hiểm là ông Putin sẽ xem giai đoạn từ nay đến lúc ông Donald Trump nhậm chức vào tháng Giêng là cơ hội thử thách khả năng chuẩn bị và quyết tâm ngoại giao của liên minh phương Tây.
Lithuania đã bày tỏ lo ngại Moscow củng cố và tăng cường khí tài ở các căn cứ quân sự tại Kaliningrad.
Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius nói với BBC: "Nga không phải là siêu cường, họ là siêu vấn đề."
Lithuania xem khả năng Nga xâm lược nước này là rất nghiêm trọng.
Lithuania đã đưa trở lại chính sách tòng quân bắt buộc và xuất bản tài liệu khuyên người dân phải làm gì nếu Nga xâm lược. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ông Trump đã chọn bộ trưởng tư pháp, giám đốc FBI
Truyền thông Mỹ loan tin Tổng thống đắc cử Donald Trump đã quyết định chọn ông Jeff Sessions, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện bang Alabama, làm bộ trưởng tư pháp trong chính quyền của ông.
Nhóm chuyển tiếp của ông Trump chưa xác nhận quyết định này nhưng nhiều bản tin dẫn những nguồn tin giấu tên nắm rõ quá trình tuyển chọn cho biết như vậy. Chưa rõ liệu ông Trump đã chính thức mời ông Sessions vào chức vụ này hay chưa. Ông Sessions là một nhà lập pháp lâu năm và đã mạnh mẽ ủng hộ ông Trump. Ông đã cố vấn cho ông Trump kể từ đầu chiến dịch tranh cử.
Thượng nghị sĩ 69 tuổi này phục vụ trong Thượng viện Hoa Kỳ kể từ năm 1997 và trước đây từng là công tố viên liên bang tại bang nhà Alabama của ông.
Bộ trưởng tư pháp là công tố viên và quan chức chấp pháp cao nhất của Mỹ.
Tin cũng cho hay ông Trump đã đề cử Dân biểu Mike Pompeo làm giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Tin nói ông Pompeo, một dân biểu quốc hội ba nhiệm kỳ đến từ bang Kansas thuộc vùng trung tây, đã nhận lời mời làm việc của ông Trump.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa tại học viện quân sự West Point vào năm 1986, dân biểu 52 tuổi này từng là sĩ quan thuộc Lực lượng Kỵ binh Lục quân Hoa Kỳ.
Ông Pompeo là thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện và là người sáng lập Thayer Space, một công ty chuyên sản xuất cấu phần cho máy bay thương mại và quân sự. - VOA
|
|
4.
Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sắp tăng lãi suất
Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang, gọi tắt là Fed, bà Janet Yellen nói rằng kinh tế Mỹ đang tiến triển ổn định và có lẽ sắp đến lúc không cần phải kích thích bằng biện pháp giảm lãi suất xuống mức cực thấp nữa. Bà Yellen phát biểu tại một ủy ban trọng yếu của Quốc hội hôm thứ Năm rằng lãi suất có thể sẽ được tăng lên trong thời gian tương đối gần sắp tới, nhưng sẽ được áp dụng từng giai đoạn một. Bà nói:
"Điều kiện thích hợp cho một đợt tăng lãi suất lên mức nằm trong phạm vi được nhắm đến tiếp tục tiến triển ổn định."
Nhiều người thất nghiệp và mất nhà cửa trong thời kỳ suy thoái kinh tế, và kinh tế suy giảm khiến Cục Dự trữ Liên bang phải hạ lãi suất xuống mức gần bằng không để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp 10% vào thời điểm xấu nhất của cuộc suy thoái đã được cải thiện dần đến nay còn 4,9%.
Lãi suất thấp giúp tăng công việc làm, nhưng cũng có thể châm ngòi cho lạm phát nguy hại. Fed đã tăng nhẹ lãi suất hồi tháng 12 năm ngoái, và nhiều nhà đầu tư dự đoán lãi suất sẽ được tăng lên một đợt nữa vào tháng tới.
Bà Yellen nói rằng giữ cho lãi suất thấp quá lâu có thể khuyến khích các hình thức đầu tư nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến tình hình tài chánh ổn định. Nếu giữ cho lãi suất ở mức quá thấp, lạm phát có thể tăng đột biến buộc Fed phải chận lại bằng cách tăng nhanh lãi suất lên sẽ phá hỏng kế hoạch của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Bà Yellen cho biết:
"Nếu các ủy viên của hội đồng quản trị Fed trì hoãn quá lâu việc tăng lãi suất lên sẽ có nguy cơ đến một lúc nào đó phải tăng lãi suất lên đột ngột."
Tổng thống tân cử Donald Trump đề nghị giảm thuế và tăng chi tiêu cho các dự án xây dựng đường xá và quân sự nhằm thúc đẩy tăng trưởng công việc làm. Những người chỉ trích nói rằng các chính sách đó cũng có thể làm tăng lạm phát.
Ông Trump đã chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang, và bà Yellen hôm thứ Năm đã bị chất vấn về các chính sách của ông Trump đề suất sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào. Bà Yellen nói các giới chức điều hành Fed sẽ chờ xem:
"Khi các chính sách kinh tế thể hiện rõ nét hơn và có thể có hiệu lực, thì hội đồng quản trị sẽ phân tích cách thẩm định về những tác động lên thị trường công việc làm và lạm phát, và có thể sẽ điều chỉnh dự đoán của chúng tôi tùy thuộc vào tình hình thực tế."
Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang nói trong thời gian này thị trường công việc làm vẫn còn chỗ để mở rộng, nhất là cho người Mỹ gốc châu Phi và châu Mỹ La tinh. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Đại sứ VN lạc quan về Chính sách châu Á của ông Trump
Trong các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, từ Tổng thống Carter tới Tổng thống Reagan, không phải là tất cả những lời hứa hẹn đưa ra đều trở thành hiện thực. Theo ông Ralph Cossa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thì tới phân nửa những lời hứa hẹn của ứng cử viên sẽ không được thực hiện: “Thách thức ở đây là tìm ra phân nửa nào sẽ được thực hiện”.
Ông Cossa nói với VOA:
“Sẽ không mấy thực tế và công bằng đối với ứng cử viên nếu chúng ta tập trung quá mức vào những lời hứa hẹn to tát đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Giả thiết của tôi là mọi sự sẽ như cũ cho tới khi có ai đó thuyết phục được tôi là chính quyền mới thực sự có ý định thay đổi hiện trạng, và có khả năng để biến điều đó thành hiện thực.”
Nhưng những tuyên bố của ông Trump về chính sách đối với Châu Á xem ra vượt quá giới hạn thông thường so với các ứng cử viên Tổng thống Mỹ khác. Nhiều tuyên bố của ông là đề tài đang làm bận tâm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ông và ông Trump gặp nhau ở New York vào chiều tối ngày thứ Năm, cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống tân cử Mỹ với một nguyên thủ nước ngoài kể từ sau cuộc bầu cử.
Sau đây là một trong số những tuyên bố của tỷ phú Donald Trump về chính sách châu Á trong cuộc vận động tranh cử của ông:
Ông Trump đề nghị Hoa Kỳ nên rút binh lính ra khỏi Nhật Bản và Nam Triều Tiên trừ phi hai nước chia sẻ gánh nặng tài chính cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ trú đóng tại những nước này. Trên thực tế, Seoul và Tokyo trả phân nửa chi phí đóng quân của Mỹ.
Ông nói rằng hai quốc gia này nên tự túc về an ninh. Trong tình huống rút hết binh sĩ Mỹ mà xảy ra chiến tranh giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên thì ông Trump hồi tháng Tư nói Nhật Bản phải tự phòng vệ.
Ngoài ra, Ông Trump cũng có những phát biểu rất mạnh mẽ về chính sách đối với Trung Quốc. Ông hứa sẽ áp đặt mức thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái có thể gây ra một chiến tranh thương mại với nước này.
Ông chống đối Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, tâm điểm của các nỗ lực của Toà Bạch Ốc nhằm tái cân bằng lực lượng của Mỹ, xoay trục sang Châu Á.
Về vấn đề Bắc Triều Tiên, một quốc gia trong khu vực đang làm đau đầu cộng đồng quốc tế, ông Trump không có một thông điệp nhất quán, ông nói ông sẵn sàng thương lượng với lãnh tụ Kim Jong Un của nước này, và có lúc tỏ ý mong Trung Quốc ám sát ông Kim.
Những lời bình luận này đã gây quan ngại sâu sắc cho giới quan sát, họ cho rằng quan điểm của ông Trump hình như thể hiện một sự thay đổi căn bản trong chính sách của Hoa Kỳ về châu Á được sự đồng thuận của cả hai đảng trong nhiều thập kỷ qua.
Ông James Schoff, một nhà nghiên cứu lão thành thuộc Viện Carnegie nghiên cứu hoà bình quốc tế ở thủ đô Washington, nói:
“Trong lúc nhiều ứng viên tổng thống đề xuất thay đổi chiến lược châu Á, đa số làm như vậy trong khi vẫn trấn an các đồng minh của Hoa Kỳ là họ không muốn lật ngược trật tự thế giới sau chiến tranh thế giới thứ 2.”
Ông Katsuyuki Kawai, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản cũng là người giàn xếp cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Abe, cho biết các cố vấn của ông Trump đã nói với ông rằng: “Chúng tôi không bận tâm xét nét từng lời phát biểu của ông Trump khi vận động trước công chúng.”
Nhiều nhà lãnh đạo châu Á đang dõi theo mọi động thái của ông Trump
Tại một sự kiện ở Washington hôm thứ Tư, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ ông Phạm Quang Vinh không muốn bình luận về chính sách của chính quyền mới của Mỹ. Đại sứ Vinh nói: “Tôi không dám phán xét về những gì chưa xảy ra.” Nhưng ông tỏ ra lạc quan rằng mối quan hệ Mỹ-Việt và với khu vực sẽ không thay đổi quá nhiều. Ông nói:
“Châu Á tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với Hoa Kỳ và muốn Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực. Và chính quyền mới nên tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực.”
Nhà phân tích Cossa ở Hawaii cũng đồng ý với ý kiến của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông dự báo chính sách châu Á của Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục theo hướng đi hiện nay.” - VOA
|
|
6.
Trung Quốc phản đối Việt Nam cải tạo đường băng
Trung Quốc ngay lập tức phản đối khi nghe tin từ một cơ quan nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho biết Việt Nam đang cải tạo đường băng trên đảo Trường Sa Lớn mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu (Asia Maritime Transparency Initiative - AMTI), trụ sở tại Washington DC, nói hình ảnh từ vệ tinh mà tổ chức này có được cho thấy Việt Nam đã kéo dài đường băng trên đảo từ 760m lên 1,2km.
AMTI là một dự án thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS).
Cơ quan này cũng nói rằng đường băng kéo dài nay có thể được sử dụng cho các máy bay vận tải, tuần thám biển và chiến đấu cơ.
Ngay lập tức Trung Quốc lên tiếng phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với các nhà báo tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc "có chủ quyền không thể tranh cãi" đối với quần đảo mà nước này gọi là Nam Sa và "cực lực phản đối sự chiếm đóng trái phép của các nước khác" tại đây.
Ông Cảnh Sảng nói: "Trung Quốc một lần nữa mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia liên quan tôn trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, dừng ngay việc chiếm đóng và xây dựng trái phép, rút ngay người và cơ sở [khỏi Trường Sa]".
Chưa thấm tháp gì
Phúc trình của AMTI nói Việt Nam đã mở rộng diện tích đảo Trường Sa Lớn trong những năm qua thêm 23 hectare nhưng vẫn còn chưa thấm tháp gì so với Trung Quốc.
Trung Quốc đã cải tạo và xây dựng đường băng cho máy bay quân sự trên ba đảo nhân tạo mà nước này phát triển ở Biển Đông từ năm 2013.
Hoa Kỳ, vốn công khai chỉ trích các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc, đã tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước, nhất là Việt Nam, ở khu vực Biển Đông.
Ngoài việc mở rộng đường băng, Việt Nam cũng cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng của mình trên các đảo mà Việt Nam kiểm soát trong quần đảo Trường Sa.
Hãng tin Reuters dẫn lời Anna Richey-Allen, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có hành động giảm căng thẳng và giải quyết các khác biệt một cách hòa bình".
Cũng hãng tin này dẫn nguồn riêng cho biết hồi tháng Tám rằng Việt Nam đã điều giàn phóng hỏa tiễn ra Biển Đông nhằm tăng năng lực phòng thủ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói tin này không chính xác nhưng không cho biết thêm chi tiết. - BBC
|
|
7.
Fidel Castro tiếp Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ở Havana hôm 15/11 nhưng không gặp riêng Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Hai ông Quang và Trudeau cùng thăm chính thức Cuba tuần vừa rồi để thúc đẩy quan hệ song phương với hòn đảo Cộng sản vốn đang bắt đầu mở cửa.
Lãnh đạo Việt Nam và Canada đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng các quan chức Cuba cao cấp khác.
Báo chí Cuba đưa tin lãnh tụ cách mạng Fidel Castro, 90 tuổi, đã tiếp Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại nhà riêng ở phía Tây thủ đô Havana.
Các báo đăng ảnh ông Quang và phu nhân trao tặng Fidel bức tranh vẽ ông thời còn trẻ.
Tuy nhiên ông đã không mời Thủ tướng Canada Justin Trudeau gặp mặt, cho dù có quan hệ thân thiết với cha của ông này là cố Thủ tướng Pierre-Elliott Trudeau.
Trong những năm 1970, hai ông Trudeau cha và Fidel có quan hệ khá thân cận. Khi Trudeau qua đời năm 2000, Fidel đã tới Montreal để dự đám tang ông và được chụp hình an ủi vỗ về Justin Trudeau, khi đó còn là một cậu bé.
Cả hai phía Canada và Cuba đều không giải thích tại sao Fidel không gặp Trudeau con lần này.
Justin Trudeau nói: "Tôi rất muốn ngồi với Fidel - tôi đã có một cuộc gặp tuyệt vời với ông nhiều năm trước tại đám tang của cha tôi - thế nhưng điều đó đã không xảy ra trong chuyến thăm này".
Ông Fidel Castro đã rút lui khỏi chính trường từ năm 2006 vì lý do sức khỏe nhưng vẫn được coi là vị lãnh đạo được người dân kính trọng. Em trai ông, Raul Castro, đã kế nhiệm anh.
Bù lại, Justin Trudeau đã gặp gỡ ba người con của Fidel và xem ảnh cũng như nghe kể lại về chuyến thăm Havana năm 1976 của Thủ tướng Canada Trudeau lúc đó, vốn đã khiến Hoa Kỳ tức giận.
Justin Trudeau cũng đã có bài phát biểu tại Đại học Havana. Ông nói Canada mong muốn tiếp tục quan hệ với Cuba, bất kể thái độ của tổng thống đắc cử của Mỹ, Donald Trump, về Cuba là như thế nào.
Từ sau khi bị bệnh nặng năm 2006 Fidel Castro hoàn toàn không xuất hiện trước công chúng trong khoảng thời gian từ tháng 2/2014 tới tháng 4/2015, gây đồn đoán về sức khỏe của ông.
Thế nhưng khoảng hơn một năm nay ông bắt đầu quay lại tư gia để đón tiếp các khách quý nước ngoài. Ảnh các cuộc gặp đều do con trai ông là Alex Castro chụp. - BBC
|
|
8.
Quốc hội một Đảng thực tập chất vấn trực diện
Sau 7 tháng làm việc Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo đã thử lửa với cuộc chất vấn đầu tiên của Quốc hội kéo dài 2 ngày rưỡi từ 15 đến 17/11/2016. Toàn bộ phiên chất vấn đã được truyền hình trực tiếp và có đến 200 câu hỏi về nhiều vấn đề và lĩnh vực mà cử tri quan tâm, trong đó có 20 đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngoài ra có 35 lượt đại biểu sử dụng quyền đặt thêm câu hỏi tranh luận. Đây là điểm mới chưa từng có đối với Quốc hội một Đảng của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sau phần trả lời, đại biểu Quốc hội có thể giơ bảng tranh luận trực tiếp.
Tranh luận cần nhiều thời gian
Trả lời Nam Nguyên vào tối 17/11/2016 Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện là luật sư nhân quyền ở Saigon cho rằng, so với giai đoạn ông làm việc ở Quốc hội từ 2008 trở về trước, thì phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ này có cải tiến hơn, có truy vấn và hỏi đi hỏi lại, chứ không trả lời một chiều, câu hỏi một bộ trưởng mà liên quan đến nhiều bộ trưởng khác thì các bộ trưởng khác cũng phải trả lời. Nhận xét chung tính cách vừa nêu là tốt, tuy vậy Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh:
“Vấn đề đang đặt ra là thời gian chất vấn và thực hiện trả lời chất vấn phải được truy, phải được tranh luận kéo dài mà kéo dài bao nhiêu là do Quốc hội quyết định. Nhưng mà Quốc hội lại quyết định chỉ hai ngày rưỡi, đến hai ngày rưỡi là hết giờ do Quốc hội quyết định rồi. Đúng ra chất vấn và trả lời chất vấn ở nước ngoài, những nước mà chúng tôi đi tham quan học tập nghiên cứu thì người ta có lịch kéo dài hàng tuần chất vấn và trả lời chất vấn, khi nào hết tranh luận thì thôi. Sau phần trả lời chất vấn đó thường là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Đó là những câu chuyện của những nước dân chủ tiên tiến, còn ở Việt Nam như thế này tôi cho là tốt. Đặc biệt phần của Thủ tướng đã trả lời từng câu một, tôi cho là cách cải tiến rất tốt. Chứ không như trước đây trả lời khái quát, trả lời theo nhóm vấn đề và đây là trả lời từng câu hỏi một của từng đại biểu. Tôi cho rằng trả lời như thế sau này kiểm tra giám sát sẽ có điều kiện phát huy.”
Với quá trình từng hoạt động lâu năm trong chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tương đương với chức Phó Tổng Thư ký Quốc hội theo cách gọi mới, bản thân Luật sư Trần Quốc Thuận chú ý tới các câu hỏi và câu trả lời ở các lĩnh vực nào.
“Nổi trội lớn nhất là môi trường, Fomosa người ta cũng đặt lại vấn đề đó rất là nghiêm túc và đến lần thứ mấy rồi Thủ tướng cũng như các vị lãnh đạo đã cam kết là nếu Formosa ô nhiễm trở lại sẽ đóng cửa. Nhưng không biết ô nhiễm cỡ nào thì sẽ đóng cửa? câu chuyện đó cũng khó thực hiện được.
Vấn đề nổi trội là chống tham nhũng, dĩ nhiên là một loạt vấn đề khác về thể chế cơ chế, vụ Trịnh Xuân Thanh, vấn đề Đình Vũ rồi vụ bỏ đi nước ngoài ..v..v.. Tôi cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì về ý chí chính trị có nêu ra, nhưng rõ ràng sự làm việc giữa các cơ quan chống tham nhũng phòng chống tham nhũng chưa được phát triển một cách nhịp nhàng, đồng bộ. Và Thủ tướng nói thì nhiều, nhưng mà thử hỏi khắp nước Việt Nam là Thủ tướng có quyền cách chức không, đề nghị bãi miễn một bộ trưởng hay là đề nghị cách chức, đình chỉ một ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện hay không? Thì đó cũng là vấn đề liên quan đến cơ chế.”
Hầu hết các báo điện tử như VnExpress, VietnamNet, Dân trí, Dân Việt, Một Thế Giới, SohaNews đều có bài tường thuật chi tiết hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội Việt Nam.
Trong số 20 câu hỏi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời, người đứng đầu Chính phủ có phát biểu liên quan đến xử lý sai phạm nghiêm trọng và được các báo giật tít “ Vụ nào chìm xuồng thì đại biểu cứ báo ra Quốc hội, chúng tôi sẽ xử lý.” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời câu hỏi của đại biểu Thái Trường Giang đơn vị Cà Mau.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
Theo báo chí Việt Nam, khi trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Hoàng Ngân đơn vị TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, Việt Nam có nền kinh tế qui mô khá nhỏ, GDP chưa đến 200 tỷ USD, nợ công tỷ trọng lại cao.
Tuy vậy Việt Nam sẽ chú trọng phát triển những doanh nghiệp nội địa lớn với thương hiệu mạnh. Riêng về ngành nông nghiệp Việt Nam xác định là một lợi thế so sánh lớn mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để phát triển nông nghiệp qui mô lớn thì rào cản trước hết cần tháo gỡ là vấn đề hạn điền để tích tụ ruộng đất, sản xuất công nghiệp. Ông Thủ tướng cũng nói cần một nền tài chính tốt để có thể giải quyết vấn đề đầu tư công nghệ, vốn cho sản xuất nông nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải tái cơ cấu nông nghiệp để tạo sản phẩm lợi thế so sánh ở mỗi địa phương.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, liên quan đến sự chậm trễ của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và làm thế nào để thực hiện cải cách nông nghiệp thành công, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông Nghiệp Nông thôn từ Hà Nội nhận định:
“Rõ ràng tốc độ của nó quá chậm và quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải song song với quá trình vẫn gọi là phát triển nông thôn mới. Nghĩa là phải làm thế nào nông nghiệp tăng được năng suất lao động lên. Nhưng đồng thời kinh tế nông thôn cũng phải đa dạng lên, trong nông thôn không chỉ là thuần nông nữa. Nếu nông thôn còn thuần nông thì nông dân sẽ bỏ đi hết, dứt khoát phải chuyển sang những ngành nghề phi nông nghiệp.
Bản thân tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn, còn không nó sẽ tách rời ra hai mảng và người dân xu hướng chung là họ sẽ di cư ra khỏi nông thôn đi về thành thị. Như thế không chỉ riêng nông thôn có khó khăn mà thành thị cũng tắc nghẽn, quá tải, không thể nào phát triển bền vững được.”
Nữ giáo viên-Tiếp viên-Vui vẻ mà
Trong hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội Việt Nam từ 15 đến 17/11/2016, một câu chuyện kín liên quan đến ngành dục ở thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh, đã có lúc trở thành tâm điểm tranh luận giữa các đại biểu và Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Đó là việc 23 nữ giáo viên bị Trưởng phòng Giáo dục ký công văn liệt kê tên tuổi điều động đi làm lễ tân tiếp khách, sau buổi lễ còn phải đi nhà hàng hầu rượu quan khách vui chơi và hát karaoke.
Phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho thấy những sự việc tương tự còn xảy ra ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên ông Bộ trưởng coi việc này là không nghiêm trọng và gọi đó là chuyện vui vẻ thôi. Theo báo chí Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phê bình ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ về cách dùng hai từ “vui vẻ”.
Trả lời Nam Nguyên, ông Đỗ Việt Khoa một giáo viên đề cao sự công khai trong minh bạch từ Thường Tín Hà Nội phát biểu:
“Hành vi huy động giáo viên đi tiếp khách bia rượu như thế là hành vi sỉ nhục thầy cô giáo, phải nói rõ ra rằng sỉ nhục, thay vì nói đó chỉ là ‘vui vẻ thôi mà.’ Cụm từ ‘vui vẻ thôi mà’ đối với xã hội Việt Nam còn ám chỉ sàm sỡ con người ta một cách ‘vui vẻ’ đấy . Hôm nay chúng tôi được biết là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có phê phán ông Nhạ việc đó là sai, không được phép nói “vui vẻ thôi mà”…”
Với 200 câu hỏi nhiều bức xúc, 35 lượt đại biểu không hài lòng đưa bảng xin tranh luận, Quốc hội Việt Nam khóa 14 được cho là đã có nhiều thay đổi trong hoạt động tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với thành viên chính phủ. Tuy vậy như Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận xét, cách tổ chức có tiến bộ hơn về hình thức, nhưng điều đáng nói là cần mở rộng thời gian thay vì chỉ có hai ngày rưỡi.
Đối với ý kiến cho rằng, Quốc hội của chế độ độc đảng thì chất vấn hay tranh luận dù diễn ra theo hình thức nào, cũng vẫn chỉ là chuyện trong nhà với nhau. Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng, không đến nỗi như vậy, chất vấn và trả lời chất vấn trực diện vấn đề là điều đáng khuyến khích. Trong nhà với nhau mà dám nói mạnh dạn, kể cả nói đến chuyện tổng thống mới của Hoa Kỳ hay vấn đề TPP Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, thì chất vấn và trả lời chất vấn đã thực sự được mở rộng. - RFA
No comments:
Post a Comment