Tin Thế Giới
1.
Rơi máy bay chở đội bóng Brazil Chapecoense
Chiếc máy bay chở 81 người, gồm một đội bóng đá hàng đầu của Brazil, bị rơi ở thành phố Medellin, Colombia, các quan chức cho hay.
Cảnh sát nói có năm người sống sót, nhưng những người còn lại trên khoang đều đã thiệt mạng.
Đây là chuyến bay thuê bao khởi hành từ Bolivia, chở các thành viên của đội bóng đá Chapecoense, các quan chức sân bay nói.
Theo kế hoạch, đội bóng sẽ đá trận chung kết Cúp Câu lạc bộ Nam Mỹ với đội Atletico Nacional.
Trận chung kết hiện đã bị hoãn.
Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (Conmebol) nói họ tạm ngưng 'toàn bộ các hoạt động'.
Thị trưởng Medellin Federico Gutierrez nói đây là "thảm kịch lớn".
Sân bay Jose Maria Cordova de Rionegro thông báo trên Twitter: "Xác nhận máy bay CP2933 đang chở đội @ChapecoenseReal. Dường như có những người sống sót."
Chapecoense ra thông báo vắn tắt: "Xin Chúa ở bên các cầu thủ, các quan chức, phóng viên và các vị khách đi cùng đoàn của chúng ta."
Câu lạc bộ nói sẽ không ra thêm thông cáo nào cho tới khi đánh giá được mức độ vụ tai nạn.
Tin tức nói có ít nhất hai cầu thủ của đội, là Alan Ruschel and Danilo, có thể nằm trong số người sống sót.
Được biết chiếc phi cơ chặng ngắn British Aerospace 146 do hãng hàng không Lamia của Bolivia điều hành mang theo 72 hành khách và phi hành đoàn chín người, gặp nạn ngay trước nửa đêm giờ địa phương (5:00GMT).
Theo thông cáo báo chí của sân bay, chiếc phi cơ đã báo cho đài kiểm soát là gặp trục trặc về điện.
Thành lập năm 1973.
Hiện xếp thứ 9 trong giải Serie A (Vô địch Brazil).
Đang bay đến chơi trận lượt đi chung kết Copa Sudamericana với đội Atletico Nacional dự kiến ngày 30/11.
Copa Sudamericana là giải đấu câu lạc bộ lớn thứ hai Nam Mỹ, xếp sau Copa Liberradores.
Có trụ sở tại thành phố Chapeco, bang Santa Catarina, Brazil.
Là câu lạc bộ xếp thứ 21 về thu nhập, với 13,5 triệu đôla trong năm 2015. - BBC
|
|
2.
Tổng thống Hàn Quốc 'sẵn sàng từ chức'
Tổng thống Park Geun-hye của Hàn Quốc nói bà đã yêu cầu quốc hội giúp bà tìm cách để bà từ chức.
Bà Park phải đối mặt với lời kêu gọi bà từ chức trong bối cảnh có cuộc điều tra xem liệu bà có tạo điều kiện cho một người bạn lâu năm gây ảnh hưởng đến các quyết định chính trị để tư lợi hay không.
Bà nói bà sẽ "để quốc hội quyết mọi thứ về tương lai của tôi bao gồm rút ngắn nhiệm kỳ của tôi", nhưng không muốn để lại một khoảng trống quyền lực.
Quốc hội theo dự kiến sẽ thảo luận vào thứ Sáu xem bà có phải đối mặt với thủ tục luận tội hay không.
Một số người trong đảng cầm quyền nói Tổng thống nên từ chức "trong vinh dự" trước khi diễn ra thủ tục đó. Các đảng đối lập cáo buộc bà cố tìm cách tránh bị luận tội.
Bà Park đã từng xin lỗi hai lần trước đây, và nói rằng bà "đau khổ" bởi cuộc khủng hoảng chính trị có liên quan tới mình, nhưng bà từ chối từ chức.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Ba, là lần thứ ba của mình kể từ khi truyền thông bắt đầu đưa tin về vụ bê bối, bà Park nói bà sẽ từ chức "khi các nhà lập pháp đưa ra các biện pháp để chuyển giao quyền lực theo cách giảm thiểu bất kỳ khoảng trống quyền lực và hỗn loạn trong quản trị nào".
Một phát ngôn viên của Đảng Dân chủ đối lập, Youn Kwan-suk, nói bài phát biểu là "trò lừa" và "thiếu suy nghĩ".
"Những gì người dân muốn là bà từ chức ngay lập tức, không câu giờ và né tránh trách nhiệm trước quốc hội," ông nói với hãng tin Yonhap. - BBC
|
|
3.
Thái Lan: Thái tử Vajiralongkorn sắp lên ngôi
Thái Lan bắt đầu tiến trình đề cử Thái tử Maha Vajiralongkorn lên ngôi vua.
Quốc hội Thái Lan thông qua việc gửi lời mời chính thức mà Thái tử đã chấp nhận.
Vua Bhumibol Adulyadej qua đời hôm 13/10.
Thái tử được trông đợi lên nối ngôi, nhưng các quan chức trước đó cho hay ông muốn trì hoãn việc này ít nhất một năm.
Lý do chính thức được công bố là ông muốn người dân Thái Lan có thời gian để tang vua cha trước khi ông nối ngôi.
Jonathan Head, phóng viên BBC tại Đông Nam Á nói Thái Lan đang trong tình trạng lấp lửng hiến pháp khi Thái tử phải kế vị cha mình ngay lập tức.
Quốc hội Thái Lan cho biết họ hy vọng sẽ gặp Thái tử trong vài ngày tới để chính thức mời ông. Khi Thái tử chấp nhận, việc kế vị sau đó sẽ được công bố.
Nhưng phóng viên của chúng tôi nói rằng vẫn chưa rõ thời điểm Thái tử lên ngôi.
Chế độ quân chủ đóng vai trò chủ chốt trên chính trường Thái. Cựu Thủ tướng Prem Tinsulanonda hiện đang giữ quyền nhiếp chính. - BBC
|
|
4.
Philippines: Đoàn xe tiền trạm của tổng thống bị phục kích
Bẩy thành viên trong đội cận vệ của tổng thống Rodrigo Duterte và hai quân nhân đã bị thương do bom tự chế ở miền nam Philippines ngày 29/11/2016. Vụ phục kích diễn ra chỉ một ngày trước khi tổng thống đến thăm vùng đất là nơi hoạt động của tổ chức Hồi giáo cực đoan Maute, vốn từng thề trung thành với Daech.
Phát ngôn viên quân đội Philippines, tướng Restituto Padilla, cho biết quả bom đã phát nổ khi đoàn xe tiền trạm đi qua để chuẩn bị cho hành trình của tổng thống. Vụ tấn công xảy ra ở thành phố Marawi, miền bắc đảo Mindanao. Ngoài thành viên của nhóm cận vệ tổng thống, còn có nhiều quân nhân và thành viên của bộ phận báo chí của phủ tổng thống. Tuy nhiên, không một thường dân nào bị thương.
Ngày 28/11, chính quyền thông báo cảnh sát đã vô hiệu hóa một quả bom tự chế cách sứ quán Mỹ ở Manila chỉ có 200 mét và được cho là kế hoạch khủng bố của tổ chức Maute. Tướng Restituto Padilla, phát ngôn viên của quân đội, cho rằng có thể phong trào trên cũng là tác giả vụ phục kích đoàn xe tiền trạm của tổng thống.
Bất chấp vụ tấn công, tổng thống Duterte khẳng định khi đang thăm một căn cứ quân sự ở miền bắc Philippines: "Tôi sẽ đến đó. Người ta đã khuyên tôi lùi chuyến thăm lại nhưng tôi đã trả lời "Không"". Tuy nhiên, ông không giải thích lý do đến khu vực nằm trên đảo Mindanao này.
Theo AFP, chuyến công du của tổng thống Duterte diễn ra chỉ vài ngày sau khi Philippines phát động một chiến dịch nhằm đẩy lùi tổ chức thánh chiến Maute ra khỏi tòa thị chính bị bỏ hoang và một vài địa điểm mà tổ chức này chiếm giữ ở Butig. Đây là một khu vực hẻo lánh nằm trong vùng núi cách thành phố Marawi khoảng 1 giờ đi đường.
Chiến dịch tấn công tổ chức Maute ở Butig được phát động vào tháng 10/2016, sau khi ba thành viên của nhóm trên bị cáo buộc khủng bố bằng bom ở thành phố Davao, một tháng trước đó, khiến 15 người chết. - RFI
|
|
5.
Trung Quốc giới hạn đầu tư tiền tỷ ra nước ngoài
Bắc Kinh đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn tiền được chuyển ra khỏi Trung Quốc. Lý do được nêu ra là để cứu trị giá đồng nhân dân tệ bị rơi xuống mức thấp nhất từ 8 năm nay, giảm 6% so với đôla Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2016.
Cho đến nay, tại Trung Quốc, chỉ có các nguồn vốn trên 50 triệu đôla mới phải báo cáo cho cơ quan thẩm quyền. Thế nhưng, theo Reuters, từ nay, mọi giao dịch chuyển ngân từ 5 triệu đôla trở lên đều bị cơ quan hối đoái Nhà nước SAFE kiểm soát gắt gao. Những giao dịch đã được giấy phép cũng bị xem xét lại. Các ngân hàng Trung Quốc nhận được chỉ thị mới từ thứ Hai đầu tuần cho dù về mặt chính thức, chính phủ Trung Quốc vẫn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Giới môi giới chứng khoán xác nhận từ hai hôm nay, các ngân hàng công của Trung Quốc bán đô la ra thị trường nội địa có lẽ để hỗ trợ đồng yuan.
Các biện pháp ngăn cấm đầu tư từ một tỷ đô la trở lên sắp được chính thức loan báo, nhưng theo bình luận của tờ báo đảng Nhân dân Nhật báo thì các biện pháp kiểm soát này là nhằm ngăn chận tệ nạn "tẩu tán tiền bạc được ngụy trang dưới hình thức đầu tư ra nước ngoài". - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Trump đưa người chống Obamacare vào ghế bộ trưởng y tế --- Nhiều tranh cãi về ứng viên Ngoại trưởng Mỹ --- Tại sao Trump đắc cử tổng thống Mỹ là một cơ may cho Trung Quốc?
Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, Donald Trump, chọn Tom Price, một gương mặt vốn chỉ trích mạnh mẽ chương trình cải cách y tế của Tổng thống Obama, vào vị trí bộ trưởng y tế trong chính quyền mới.
Vị dân biểu Georgia và là bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình 62 tuổi, hiện là Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của Hạ viện.
Ông sẽ đóng vai trò then chốt trong các kế hoạch của Đảng Cộng hòa trong việc thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare.
Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump nói ông sẽ quyết thay đổi Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền mà ông Obama đưa ra.
Tuy nhiên, sau đó, ông nói ông muốn giữ lại một số điều khoản nhất định.
Ông Trump nói ông Price là một "người không biết mệt mỏi trong việc giải quyết vấn đề" và là "chuyên gia trong lĩnh vực chính sách y tế".
Ông Price nói ông đang mong chờ cơ hội được phục vụ trong vị trí bộ trưởng y tế.
Ông sẽ làm việc chặt chẽ với Seema Verma, người sẽ dẫn đầu Các Trung tâm Dịch vụ Chăm sóc và Hỗ trợ Y tế (Centres for Medicare and Medicaid Services), vốn theo dõi quản lý các chương trình y tế và tiêu chuẩn bảo hiểm.
"Chủ tịch Price và Seema Verma tạo thành một nhóm hoàn hảo để cải tổ hệ thống y tế của chúng ta," ông Trump nói. - BBC
***
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm thứ Hai tiếp tục gặp gỡ những ứng viên cho những chức vụ hàng đầu trong nội các giữa lúc đấu đá nội bộ trong nhóm chuyển tiếp của ông diễn ra công khai, liên quan tới việc cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney được cân nhắc cho chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence, người đang lãnh đạo tiến trình chuyển tiếp của ông Trump, được cho là một trong những người ủng hộ ông Romney vào vị trí Ngoại trưởng. Ông Romney từng kịch liệt đả kích ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử, nhưng để mắt tới vị trí nội các này. Hai người họ đã gặp gỡ và bàn bạc với nhau trong một cuộc họp khá lâu diễn ra trước đây trong tháng này.
Những đồng minh hàng đầu khác của ông Trump, đặc biệt là người quản lý chiến dịch tranh cử Kellyanne Conway, đã phát động một chiến dịch hết sức bất thường là công khai lên truyền hình để cảnh báo Tổng thống đắc cử rằng việc đề cử ông Romney sẽ bị những người ủng hộ ông xem là sự phản bội. Những phát biểu của bà Conway khơi lên những đồn đoán rằng bà đang tìm cách dồn ông Trump vào thế phải hành động khác đi, hoặc là bà đang đứng ra làm bình phong cho việc ông Trump cuối cùng sẽ bỏ qua ông Romney.
Ba người nắm rõ nội tình nhóm chuyển tiếp nói với hãng tin AP rằng ông Trump có biết việc bà Conway định sẽ công khai phát biểu ý kiến của bà, cả trên Twitter lẫn trong những cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Họ phủ nhận tin nói rằng Trump đã rất tức giận với bà và nói rằng quyết định của ông Trump để cân nhắc những ứng cử viên khác nêu bật sức ảnh hưởng của bà.
Tướng hồi hưu David Petraeus, một ứng viên mới đang được cân nhắc cho chức Ngoại trưởng, hôm thứ Hai nói rằng ông đã dành khoảng một tiếng đồng hồ nói chuyện với ông Trump, và ca ngợi Tổng thống đắc cử về "sự hiểu biết tường tận của ông về nhiều thách thức đang tồn tại trên thế giới."
Vị cựu giám đốc CIA này vào năm ngoái đã nhận tội trước cáo buộc xử lý sai thông tin mật liên quan đến những tài liệu mà ông đã cung cấp cho người viết tiểu sử cho ông, người mà trước đó có quan hệ tình ái với ông.
Ngày thứ Ba ông Trump sẽ gặp gỡ Thượng nghị sĩ Bob Corker, người cũng đang được cân nhắc nghiêm túc cho chức vụ Ngoại trưởng, và gặp ông Mitt Romney thêm lần nữa. - VOA
***
Trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump đã không ngần ngại tố cáo Trung Quốc là nguyên nhân của mọi vấn đề tại Mỹ : Trung Quốc là kẻ thù của Hoa Kỳ, Trung Quốc đánh cắp việc làm của người dân Mỹ, đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng để Trung Quốc cưỡng hiếp Hoa Kỳ… Với những phát biểu hùng hồn như vậy, Trung Quốc buộc phải theo dõi sát sao việc Donald Trump đắc cử.
Thế nhưng, Les Echos ngày 29/11/2016, trong bài phân tích đề tựa « Tại sao Trump đắc cử là cơ may cho Trung Quốc ? » giải thích rằng thắng lợi của Donald Trump lại tạo ra một cơ hội lịch sử cho Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài lĩnh vực kinh tế và thực hiện được mục tiêu của mình là trở lại vị trí hàng đầu trên chính trường quốc tế.
Những đòn trả đũa
Trước tiên, các đe dọa tiến hành chiến tranh thương mại của ứng cử viên Donald Trump có nguy cơ vấp phải thái độ thực dụng của chính bản thân ông Trump. Không một kinh tế gia nào tin vào lời đe dọa của Trump là sẽ đánh thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đến 45%. Nếu biện pháp này được áp dụng, thì đây sẽ là một vố đau cho Trung Quốc nhưng trong thời buổi các nền kinh tế tùy thuộc lẫn nhau, thì Hoa Kỳ cũng bị thiệt hại rất nhiều.
Hoàn Cầu Thời Báo, chi nhánh của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, liệt kê danh sách trả đũa : Trung Quốc sẽ mua máy bay của Airbus thay vì đặt hàng ở Boeing, số lượng xe hơi và điện thoại Iphone của Mỹ được bán tại Trung Quốc sẽ giảm, Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Mỹ đậu nành và ngô. Tờ báo Trung Quốc nói thẳng là không bao giờ ông Trump, một doanh nhân khôn ngoan, lại ấu trĩ đến như vậy.
Ngay cả khi Donald Trump tố cáo Trung Quốc thao túng tiền tệ, thì cũng khó mà tưởng tượng được là tổng thống tương lai của Hoa Kỳ lại gây sự với Trung Quốc, một trong những chủ nợ hàng đầu của Mỹ, bởi vì Bắc Kinh nắm trong tay tới 20% tổng số nợ của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Về lập trường bảo hộ của Donald Trump, Trung Quốc chẳng có gì phải lo ngại, ngược lại còn được hưởng lợi. Nước Mỹ của Donald Trump muốn co cụm lại, thì nước Trung Hoa của Tập Cận Bình sẵn sàng lấp chỗ trống đó. Ví dụ điển hình nhất là hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP. Donald Trump tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên ông vào Nhà Trắng vì coi đây là một thảm họa tiềm tàng đối với Hoa Kỳ.
Quyết định này mở ra một con đường rộng thênh thang cho Trung Quốc : Không chỉ chôn vùi được TPP vốn được thiết kế nhằm khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Bắc Kinh giờ đây rảnh tay hành động, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác kinh tế của mình, cụ thể là dự án Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP), được ký kết với 16 nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương mà không có Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ co cụm, Trung Quốc vươn vòi
Đó là về kinh tế và thương mại. Việc Donald Trump thắng cử cũng đánh dấu sự chấm hết của chiến lược « tái cân bằng » - hay còn gọi là « xoay trục » sang châu Á được thực hiện dưới thời tổng thống Barack Obama. Les Echos trích dẫn nhận định của chuyên gia Celine Pajon, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) : Việc từ bỏ TPP là tiếng chuông báo tử một nhân tố chủ chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ.
Theo công ty tư vấn Capital Economics, « nếu Hoa Kỳ ít dấn thân hơn vào châu Á, Bắc Kinh sẽ có cơ hội kiến tạo lại tiến trình hội nhập kinh tế và chính trị theo cách của mình ». Vấn đề là phải xem liệu các đề xuất của Trung Quốc có đáp ứng các mong đợi của những nước láng giềng hay không, vì những quốc gia này luôn cảnh giác, dè chừng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nhiều tiêu chí đề ra trong RCEP thấp hơn nhiều so với các chuẩn mực của TPP.
Mặt khác, cũng không nên lầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ ra tay hành động vì Mỹ co cụm. Bắc Kinh không đợi Donald Trump đắc cử thì mới đưa ra các sáng kiến. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã liên tục vận động cho dự án « các con đường tơ lụa mới ».
Les Echos cũng lưu ý là việc Hoa Kỳ và Nga có thể cải thiện quan hệ cũng làm cho Trung Quốc lo ngại. Chủ nghĩa biệt lập của Trump chắc chắn tạo cơ hội cho Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều yếu tố bấp bênh, không rõ ràng.
Cuối cùng, theo Les Echos, chắc chắn trong lĩnh vực nhân quyền, Trung Quốc rất vui mừng khi Donald Trump đắc cử. Chuyên gia Alice Ekman và John Seaman, thuộc IFRI nhận định, "thắng lợi của Trump báo hiệu vấn đề nhân quyền và các giá trị phổ quát bị đặt xuống hàng thứ yếu, đó là những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh". - RFI
|
|
Tin Việt Nam
7.
Việt Nam tuyên bố vẫn cải cách dù có TPP hay không
Giữa lúc Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ đang chuẩn bị kết liễu hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, chính phủ Việt Nam vẫn duy trì kế hoạch thúc đẩy 30 dự luật vốn được xây dựng để tuân thủ hiệp định TPP, trong đó có các luật về lao động, kinh doanh, ngoại thương và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, phát biểu rằng “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành những gì chúng tôi có kế hoạch làm. Chúng tôi cần cải thiện công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Điều đó rất quan trọng”.
Lâu nay Việt Nam được xem là một trong những nước có thể hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, với triển vọng tiếp cận được nhiều thị trường hơn cho các loại hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, từ quần áo, giày dép cho đến hàng điện tử.
Tuy vậy khi TPP bị đình trệ, Việt Nam không mất tất cả mọi thứ. TPP đã giúp tạo đà cho những thay đổi về cơ cấu ở đất nước có hơn 90 triệu dân này.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Quốc hội, nói với Bloomberg rằng TPP đã nâng cao nhận thức của những thành phần chủ chốt như quan chức chính phủ, các chủ lao động, công đoàn, người lao động và công chúng về tác động của thương mại tự do. Các chủ doanh nghiệp dường như cũng muốn duy trì đà cải cách do TPP tạo ra.
Ông Alan Pham, kinh tế gia trưởng của VinaCapital, công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam, nói TPP có thể là một lộ trình cho Việt Nam khi đất nước hội nhập hơn vào kinh tế toàn cầu. Ông nói: “Có TPP hay không, Việt Nam sẽ vẫn cải cách. Hiệp định này rất có ích để chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam biết cần tiến hành những bước gì để thực sự trở thành một phần trong nền kinh tế toàn cầu”.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ngay cả khi TPP thất bại, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế nhiều hơn với 12 hiệp định thương mại tự do khác đã ký.
TPP gồm 12 nước trong đó có Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật, Úc và một số nước khác, nhưng không có Trung Quốc. Khối này được cho là sẽ chiếm khoảng 40% sản lượng kinh tế toàn cầu hay 30 nghìn tỷ đôla nếu hiệp định TPP có hiệu lực. - VOA
|
|
8.
Bùi Tiến Dũng được đề nghị đặc xá do bệnh ung thư
Tin cho hay cựu Tổng Giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng có tên trong danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá năm 2016.
Truyền thông Việt Nam tường thuật Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an xác nhận tin này.
Bị khởi tố, bắt giam từ năm 2006, ông Bùi Tiến Dũng, cựu Tổng giám đốc PMU 18 bị tuyên phạt tổng cộng 23 năm tù giam về ba tội danh: Đánh bạc, Đưa hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tháng 10/2016, truyền thông Việt Nam cho hay, ông Dũng "được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù 12 tháng" trong lúc đang ở trại giam Phú Sơn 4, tỉnh Thái Nguyên và "đang điều trị bệnh ung thư phổi tại một bệnh viện ở Hà Nội".
Hôm 29/11, trả lời BBC từ Hà Nội, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng nói: "Quyết định đề nghị đặc xá cho ông Bùi Tiến Dũng thể hiện tính nhân đạo của cơ quan thi hành án và là chuyện bình thường."
"Thường thì khi phạm nhân đã chấp hành án một thời gian và đang mắc bệnh hiểm nghèo thì có lý do chính đáng để được tạm đình chỉ chấp hành án hoặc đề nghị đặc xá."
"Tôi tin là không ai nói dối về việc mình bị ung thư cả."
"Tôi cũng nghĩ là người dân sẽ hoan nghênh quyết định đặc xá với trường hợp này."
Cựu Đại biểu Quốc hội từ chối bình luận thêm về ông Bùi Tiến Dũng.
Có ý kiến cho rằng ông Bùi Tiến Dũng không thể được đặc xá vì theo Khoản 4, Điều 11, Luật Đặc xá, "người có hai tiền án trở lên không được đề nghị đặc xá". Trong khi đó ông Bùi Tiến Dũng có ba tiền án là (1) Đánh bạc; (2) Đưa hối lộ; (3) Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
Có trên 4.000 hồ sơ đề nghị đặc xá năm nay và "kết quả thế nào sẽ do Chủ tịch nước quyết định", theo Dân Trí hôm 28/11. - BBC
|
|
9.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thay đổi nhân sự quan trọng
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam vừa có những thay đổi nhân sự quan trọng vào ngày hôm qua với những bổ nhiệm mới.
Ở Bộ Quốc phòng, Đại tá Phùng Quang Hải, con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã bàn giao chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty 319 cho người khác. Báo chí trong nước không đưa tin cụ thể tại sao có thay đổi này ở Bộ Quốc phòng.
Tổng công ty 319 trực thuộc Bộ Quốc phòng, chuyên lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, công trình giao thông thủy lợi, rà phá bom mìn, và bất động sản. Năm 2009, ông Phùng Quang Hải được bổ nhiệm làm Giám đốc công ty 319. Đến tháng 8 năm 2011, ông được bố của mình là Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng Công ty 319.
Tại Bộ Công An, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc, thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội làm Phó Tổng Cục trưởng tổng cục Cánh sát Bộ Công An. - RFA
No comments:
Post a Comment