Tin Thế Giới
1.
Biển Đông: Trung Quốc, ASEAN muốn hoàn tất bộ khung cho COC vào năm tới --- Bộ trưởng Đài Loan đến đảo Ba Bình, tái khẳng định chủ quyền
Hãng tin Reuters dẫn báo chí chính thức Trung Quôc hôm nay 17/08/2016 cho biết Trung Quốc và các nước ASEAN đặt mục tiêu hoàn tất vào giữa năm tới bộ khung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.
Theo nhật báo Anh ngữ China Daily, trong một cuộc họp tại Mãn Châu Lý, vùng Nội Mông, ngày 16/08/2016 ở cấp thứ trưởng ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, hai bên đã nhất trí giữa năm 2017 sẽ hoàn tất xây dựng được bộ khung cho Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Hai bên cũng đã thông qua những đường hướng căn bản cho việc thiết lập đường điện thoại nóng dùng trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra trên vùng Biển Đông.
Theo China Daily, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, Lưu Chấn Dân đã cho biết các văn kiện về đường điện thoại nóng và về việc xử lý các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển đạt được tại cuộc họp lần này sẽ được trình lên hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào đầu tháng tới để thông qua.
Ông Lưu được tờ báo trích dẫn nói : “Chúng tôi đã đạt được đồng thuận rộng rãi về việc thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông….và cố gắng hoàn tất bộ khung cho COC vào giữa năm tới”. Đây cũng là cuộc họp lần thứ 3 trong năm về COC.
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh : “ Tình hình Biển Đông đang ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là với sự can thiệp từ bên ngoài, các nước ASEAN và Trung Quốc nhận thức được rằng chúng ta phải tự tay nắm lấy chiếc chìa khóa giải quyết vấn đề Biển Đông”.
Bắc Kinh vẫn thường xuyên tố cáo Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản hay Úc can dự vào các tranh chấp Biển Đông, làm tình hình thêm căng thẳng.
Từ năm 2010, Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN đã bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm xây dựng và hoàn tất Bộ Quy tắc này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đi đến kết quả cụ thể nào, chủ yếu là do Bắc Kinh không tích cực tham gia.
Tháng trước, trả lời đơn kiện của Philippines, Tòa Trọng Tài Thường Trực la Haye đã phủ nhận hầu hết các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khiến Bắc Kinh rất tức giận. Tuy nhiên từ đó đến nay, dường như Trung Quốc bắt đầu thay đổi chiến lược, quay sang hướng vận động ngoại giao nhiều hơn. - RFI
***
Bộ trưởng Nội Vụ Đài Loan Diệp Tuấn Vinh (Yeh Jiunn Rong) ngày 16/08/2016 đã dẫn đầu một đoàn quan chức và nhà nghiên cứu Đài Loan đến đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình) để tái khẳng định chủ quyền tại hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 17/08, trong cuộc họp báo sau chuyến thăm một ngày, bộ trưởng Nội Vụ phát biểu: "Như tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) từng phát biểu trong cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngày 19/07, Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan) khẳng định lập trường các đảo ở Biển Đông là một phần lãnh thổ vốn có của đất nước".
Ông nói tiếp: "Đài Loan bảo vệ mọi quyền lợi trên các hòn đảo thuộc chủ quyền của mình tại Biển Đông và vùng biển xung quanh phù hợp với luật pháp quốc tế và công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Chúng ta không có những đòi hỏi quá đáng, nhưng chúng ta cũng sẽ không để mất bất kỳ quyền lợi nào".
Ông Diệp Tuấn Vinh cùng với phái đoàn gồm bộ trưởng đặc trách Hải Cảnh Lý Tông Vĩ (Lee Chung Wei), phó thị trưởng thành phố Cao Hùng Trần Tiến Đức (Chen Chin De) và nhiều nhà nghiên cứu có liên quan đến các dự án hải ngoại của bộ Khoa Học và Công Nghệ Đài Loan.
Theo bộ trưởng Nội Vụ Đài Loan, chuyến đi nằm trong quá trình chuẩn bị biến đảo Ba Bình thành một cơ sở nghiên cứu về biến đổi khí hậu và hệ sinh thái biển. Ông cũng cho biết Cơ Quan Thủy Văn Trung Ương sẽ lập một trạm quan sát khí tượng tự động và hệ thống đo thủy triều, đồng thời kêu gọi sự hợp tác quốc tế vào những dựa án trên.
Vẫn theo Taiwan Today, nhiều biện pháp khác cũng sẽ được thực hiện, như sản xuất một bộ phim tài liệu về cuộc sống của công chức đang làm nhiệm vụ trên đảo Ba Bình và tổ chức một hội nghị về các chính sách của Đài Bắc liên quan đến Biển Đông.
Đây là loạt hoạt động được nêu lên nhân lễ kỷ niệm 70 năm Đài Loan chiếm được Ba Bình ngày 12/12/1946 sau Thế Chiến II. Từ tháng 06/1956, Đài Bắc liên tục cử quan chức chính phủ đến hòn đảo này. - RFI
|
|
2.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phóng thích 38.000 tù nhân
Thổ Nhĩ Kỳ dự định sẽ phóng thích 38.000 tù nhân còn chưa đầy hai năm nữa là mãn án tù. Loan báo này là một phần trong một sắc luật được công bố hôm 17/8, để dọn chỗ cho hàng ngàn người bị bắt giữ trong những tuần gần đây vì bị cáo buộc tham gia vào cuộc đảo chính bất thành.
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag loan báo lệnh này trong một loạt những dòng tin đăng trên Twitter vào sáng hôm 17/8. Ông cảnh báo rằng những người được thả không phải là được ân xá mà là thả có điều kiện.
"Biện pháp này không phải là ân xá. Hình phạt sẽ được thi hành bên ngoài thông qua sự phóng thích có giám sát," ông Bozdag nói trên Twitter. "Tôi hy vọng rằng sự sắp xếp này có lợi cho tù nhân, người thân của họ, người dân của chúng ta và đất nước của chúng ta.''
Ngoài những tù nhân còn chưa đầy hai năm nữa là mãn án tù, những tù nhân đã thi hành hơn phân nửa bản án của họ sẽ hội đủ điều kiện để được thả trước thời hạn. Sắc luật này sẽ không áp dụng với những tù nhân bị giam giữ về cáo buộc giết người, khủng bố, bạo hành trong gia đình hoặc tấn công tình dục.
Vào ngày 15 tháng 7, ít nhất 270 người đã thiệt mạng trong cuộc đảo chính bất thành mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói là do giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen, người đang sinh sống ở Mỹ, chủ mưu và do hàng ngàn cảnh sát và nhân viên quân sự thực hiện. Sau cuộc đảo chính bất thành, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bắt đầu lùng bắt những người bị buộc tội âm mưu đảo chính.
Tổng cộng hơn 35.000 người bao gồm những thẩm phán, học giả và nhà báo đã bị câu lưu để thẩm vấn, với hơn 17.000 người trong số này bị bắt giữ chính thức.
Ông Bozdag không nêu rõ bất kỳ lý do đặc biệt nào đằng sau quyết định này, nhưng hành động này có thể sẽ dọn chỗ trong những nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ để giam giữ những người bị kết án trong cuộc đảo chính bất thành.
Ông Bozdag công bố một sắc luật thứ hai hôm 17/8, sẽ loại bỏ hơn 2.300 nhân viên khỏi lực lượng cảnh sát, cũng như 136 sĩ quan quân đội và 196 nhân viên chính phủ khỏi cơ quan công nghệ thông tin của nước này.
Nỗ lực trấn áp của chính phủ sau cuộc đảo chính bất thành đã khơi lên chỉ trích từ một số nước châu Âu và những tổ chức nhân quyền đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Ông Trump: Đảng Dân chủ không giúp gì người Mỹ gốc Phi --- Trump thay đổi nhân sự vận động
Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump hôm thứ Ba vận động sự ủng hộ của người Mỹ gốc châu Phi, nói rằng đối thủ của ông, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, lên giọng kẻ cả với các nhóm thiểu số và chỉ coi cộng đồng da đen như những lá phiếu mà thôi.
Phát biểu trước những người ủng hộ ông tại bang Wisconsin ở miền Bắc nước Mỹ, ông Trump nói:
“Chúng ta bác bỏ những thành kiến hẹp hòi của bà Hillary Clinton.”
Ông Trump nói Đảng Dân chủ nói chung đều xem thường những đóng góp của người Mỹ gốc Phi, vốn phần lớn đã ủng hộ các ứng cử viên Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử hồi gần đây, kể cả số cử tri đông đảo đã từng bỏ phiếu cho Tổng thống Barack Obama.
Ông quy lỗi cho các chính sách của Đảng Dân chủ là tạo ra thêm “nhiều tội ác, nhiều gia đình tan vỡ và tăng nghèo đói.”
Nhưng ông Trump phải đối mặt với thách thức lớn nhất khi vận động để được các lá phiếu của cộng đồng Mỹ gốc Phi. Các cuộc thăm dò thực hiện trong tháng này cho thấy mức ủng hộ dành cho ông Trump trong số cử tri Mỹ gốc Phi đăng ký đi bầu hiện chỉ ở mức một con số.
Một cuộc thăm dò do báo Los Angeles Times thực hiện cho thấy bà Hillary Clinton dẫn trước ông xa trong cộng đồng người Mỹ da đen với mức ủng hộ dành cho bà là 89% so với chỉ có 5% dành cho ông Trump.
Ông Trump còn miêu tả bà Clinton là người không bênh vực cảnh sát Mỹ, nói rằng “cuộc chiến chống các nhân viên cảnh sát của chúng ta phải chấm dứt.”
Ông nói: “vấn đề trong các cộng đồng nghèo nhất của chúng ta không phải là bởi vì chúng ta có quá nhiều cảnh sát tại đó, mà vấn đề là, chúng ta không có đủ nhân viên cảnh sát. Tăng thi hành công lực, mời gọi sự tham gia của cộng đồng, tạo điều kiện cho cảnh sát thi hành nhiệm vụ hữu hiệu hơn là điều mà đất nước này đang cấp thiết cần đến.”
Doanh nhân Trump theo dự kiến sẽ dự phiên họp chính thức đầu tiên để được báo cáo về tình hình an ninh quốc gia trong ngày hôm nay tại New York.
Các buổi báo cáo này là nhằm đảm bảo tân Tổng thống phải có đầy đủ thông tin khi lên nắm quyền vào tháng Giêng tới đây.
Một số người quan tâm rằng lối ăn nói theo ngẫu hứng của ông Trump có thể rò rỉ thông tin mật mà ông nhận được trong các phiên báo cáo này.
Tuần trước, Tổng thống Obama nói: “Nếu họ (tức các ứng cử viên) muốn trở thành Tổng thống, thì phải bắt đầu hành động như một Tổng thống.”
Ông Obama nói thêm: “Điều đó có nghĩa là có khả năng nhận được những báo cáo về an ninh mà không mang các thông tin ấy ra chia sẻ với mọi người chung quanh.”
Các kế hoạch về an ninh quốc gia của ông Trump bao gồm điều mà ông miêu tả là “biện pháp thanh lọc triệt để” những người có ý định di dân sang Hoa Kỳ để bảo đảm họ tôn trọng hiến pháp Mỹ, nhân dân và các giá trị của người Mỹ. Hôm qua, ông Trump nói rằng Hoa Kỳ chỉ nên mời những người ủng hộ các giá trị khoan dung, ủng hộ hiến pháp và yêu người dân Mỹ.
Một số nhà phân tích nói những lời bình luận đó của ông Trump không có ý nghĩa gì ngoài việc gói ghém lại những mong muốn mà ông đã thể hiện trước đó, là hạn chế những người Hồi giáo di dân sang Mỹ.
Ông Donald Trump còn cam kết sẽ quét sạch nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng không đưa ra chi tiết nào về kế hoạch thực hiện cam kết đó, và ông quy lỗi cho ông Obama và bà Hillary Clinton là đã tạo điều kiện cho phép nhóm chủ chiến này phát triển mạnh.
Phản bác lời cáo buộc đó trong khi đang vận động ở Philadelphia hôm thứ Ba, bà Hillary Clinton nói:
“Thật là hết sức kinh ngạc khi nghe ông Trump tìm cách thảo luận vấn đề an ninh quốc gia.”
Sau đó bà bổ túc thêm trên trang Twitter: “Không phải chỉ vì ông Trump không biết ông đang nói gì khi bàn về an ninh quốc gia. Mà những lời lẽ của ông rất nguy hiểm và phương hại tới chúng ta.”
Nhưng bà Hillary Clinton không nêu chính xác những lời nào của ông Trump mà bà chống đối. Thay vào đó, bà kêu gọi đám đông hãy đăng ký đi bầu và đừng tỏ thái độ tự mãn, mặc dù bà đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò và các chuyên gia dự đoán Đảng Dân chủ sẽ thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm nay.
Ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton tuyên bố: “Tôi không xem thường sự đóng góp của bất cứ một ai.” - VOA
***
Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump đã lại thay đổi nhóm thực hiện chiến dịch bầu cử, là lần thứ hai trong vòng hai tháng trở lại đây, với nhà quản lý và giám đốc điều hành mới.
Chuyên gia về thăm dò dư luận Kellyanne Conway trở thành quản lý chiến dịch và Stephen Bannon của Breibart News nhận vị trí giám đốc điều hành. Ông Paul Manafort vẫn giữ chức chủ tịch chiến dịch.
Ông Trump thấy số ủng hộ giảm xuống kể từ khi diễn ra đại hội đảng hồi tháng trước.
Lần thay đổi mới nhất này diễn ra khi chỉ còn 82 ngày trước bầu cử.
Mặc dù ông Manafort vẫn giữ nguyên vị trí, các phân tích gia cho rằng việc bổ nhiệm mới này cho thấy ông dường như đã bị giáng cấp.
Nói với hãng tin AP về ông Bannon và bà Conway, ông Trump nói: "Họ là những người tuyệt vời, những người chiến thắng, nhà vô địch, và chúng tôi cần thắng lợi."
Hãng tin AP nói chi tiết về các vị trí mới được vạch ra trong một cuộc họp giữa các nhân viên cấp cao ở Tháp Trump hôm thứ Ba 17/08, và những ngày tới sẽ có thêm các vị trí mới được bổ nhiệm.
Một số thành viên Đảng Cộng hòa đã kêu gọi ông Trump chừng mực hơn trước những tuyên bố đầy khiêu khích, khi mà hai tuần qua ông liên tiếp đưa ra những bình luận gây tranh cãi, gây ra kết quả thấp khi thăm dò dư luận.
Nhưng có vẻ như ông Trump muốn bảo vệ cách thực hiện chiến dịch đã giúp ông giành được vị trí ứng viên của Đảng Cộng hòa.
Ông nói hôm thứ Ba: "Quý vị biết đấy, tôi là tôi. Đó là tôi. Tôi không muốn thay đổi.
"Mọi người nói, 'Ôi, rồi ông sẽ xoay chiều thôi, ông sẽ làm vậy'. Tôi không muốn xoay chiều. Ta phải là chính ta. Khi bạn xoay chiều tức là bạn không trung thực với mọi người. - BBC
|
|
4.
Ông Biden chia buồn với gia đình những người chết vì không kích của NATO
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gửi lời chia buồn đến gia đình của những người thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh trên bán đảo Balkans, bao gồm những người thiệt mạng trong các cuộc không kích của NATO nhắm vào Serbia vào năm 1999.
Hành động này của ông Biden diễn ra trong ngày đầu tiên của chuyến công du của ông tới Serbia và Kosovo. Mục đích chuyến đi là để khuyến khích hai quốc gia Balkans này làm lành với nhau.
Phó Tổng thống Mỹ phát biểu: "Trong ba thập kỷ qua, tôi đã xem Croatia và những nước láng giềng còn lại của các bạn, như Kosovo, Montenegro là một phần thiết yếu của điều mà tôi nghĩ là cần thiết cho một khu vực châu Âu lần đầu tiên được trọn vẹn, tự do và thống nhất. Serbia là nền tảng cho điều đó. Nếu Serbia phát triển về kinh tế và ổn định về chính trị thì cả khu vực này cũng phát triển và ổn định."
Chiến dịch ném bom do Mỹ dẫn đầu vào năm 1999 đã ngăn chặn cuộc trấn áp của Serbia nhắm vào thành phần ly khai sắc dân Albania, kết thúc sự cai trị của Belgrade đối với tỉnh Kosovo cũ.
Lúc đó là một thượng nghị sĩ, ông Biden đã ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch không kích của NATO nhắm vào Serbia trong những năm 1990. Ông từng nói rằng những việc làm của ông nhằm kết thúc chiến tranh Nam Tư là một trong những "khoảnh khắc đáng tự hào nhất '' trong sự nghiệp chính trị lâu dài của ông.
Ở Belgrade, hàng trăm người Serbia mang tư tưởng dân tộc cực đoan đã đón tiếp ông Biden bằng những khẩu hiệu ủng hộ ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Dù người Kosovo rất quý trọng Hoa Kỳ, được coi là cứu tinh của họ, song thái độ thù ghét hãy còn cao ở Belgrade về những cuộc không kích của NATO.
Serbia không công nhận Kosovo là một quốc gia có chủ quyền, Kosovo trước đây là một tỉnh của Serbia nằm ở phía nam nước này, nhưng sau này Serbia đã đạt một loạt thỏa thuận do Liên minh châu Âu làm trung gian điều giải, để cố gắng quản lý mối quan hệ với Kosovo. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam bất ngờ hủy lễ kỷ niệm trận Long Tân
Theo dự kiến ngày mai, 18/08/2016, sẽ diễn ra lể kỷ niệm 50 năm trận Long Tân ngay tại địa điểm này, với sự tham dự của cả ngàn cựu chiến binh Việt Nam của Úc. Thế nhưng chiều ngày 16/08, chính quyền Hà Nội đã thông báo cho phía Úc quyết định hủy lể tưởng niệm này mà không đưa ra một lời giải thích nào, gây phản ứng thất vọng từ phía Canberra.
Long Tân là trận đầu tiên và cũng là trận duy nhất mà binh lính Úc đơn phương đối đầu với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong hai ngày 18 và 19/08/1966 tại một khu rừng cao su gần xã Long Tân, phía Nam Vũng Tàu. Trong trận này có 18 binh sĩ Úc tử trận. Phía quân Giải phóng thì có 30 người bỏ mạng tại chiến trường. Từ năm 1989, hàng năm các cựu chiến binh Việt Nam của Úc vẫn kéo đến Long Tân để kỷ niệm trận này, nhưng năm nay là kỷ niệm 50 năm, cho nên phía Canberra muốn làm một lễ lớn.
Ngoại trưởng Julie Bishop và bộ trưởng bộ Cựu chiến binh Dan Tehan hôm nay, 17/08, đã ra một tuyên bố chung cho biết là chính phủ Úc "vô cùng thất vọng về quyết định này và về cách thức mà quyết định được đưa ra, vào lúc sắp diễn ra lễ kỷ niệm".
Theo lời bà Bishop và ông Tehan, quyết định hủy lễ kỷ niệm trận Long Tân là một tin "gây thất vọng lớn" cho hơn 1000 ngàn người Úc, gồm các cựu chiến binh và thân nhân của họ, đã đến Việt Nam để dự lễ "nhằm tưởng niệm và vinh danh những người đã hy sinh ở cả hai phía trong cuộc chiến Việt Nam". Bản tuyên bố chung của hai vị bộ trưởng Úc nhấn mạnh, đối với nhiều cựu chiến binh, đây sẽ là lần đầu tiên họ trở lại Việt Nam.
Về phần thủ tướng Malcolm Turnbull thì đang yêu cầu hội đàm khẩn cấp với thủ tướng Việt Nam về quyết định nói trên, một quyết định mà mà chính phủ Úc xem là "một vố rất đau".
Cũng trong ngày hôm nay, theo báo chí Úc, công an địa phương đã chặn ngõ vào địa điểm diễn ra lể kỷ niệm 50 năm trận Long Tân, không cho phóng viên của đài truyền hình ABC đi vào đây.
Theo lời bộ trưởng Cựu chiến binh Tehan, phía Úc đã làm việc với chính phủ Việt Nam từ 18 tháng qua về việc tổ chức lễ kỷ niệm này và đã cố làm sao cho lễ kỷ niệm được diễn ra một cách "có chừng mực". Ông Tehan cho biết quyết định hủy lễ kỷ niệm trận Long Tân là do chính quyền trung ương của Việt Nam đưa ra và phía Úc tin rằng quyết định này "không có liên quan gì đến bất cứ phương diện nào của quan hệ giữa hai quốc gia". - RFI
|
|
6.
Chính quyền đánh đập Giáo dân biểu tình phản đối Formosa?
Sáng ngày 15/8/2016 vừa qua, hơn 4.000 Giáo dân xứ Quý Hòa đã tuần hành biểu tình từ nhà thờ xứ đi đến thị xã Kỳ Anh để yêu cầu chính quyền minh bạch về việc hỗ trợ đền bù cho ngư dân bị tác hại bởi thảm họa môi trường do Formosa gây ra.
Yêu cầu chính quyền minh bạch
Hơn 4.000 Giáo dân xứ Quý Hòa mang theo rất nhiều biểu ngữ như: “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Hãy chung tay bảo vệ môi trường”,… đã tuần hành biểu tình đến trụ sở Ủy ban Nhân dân thị xã Kỳ Anh để yêu cầu minh bạch việc hỗ trợ, đền bù cho người dân ở trung tâm vùng thảm họa.
Tuy nhiên khi vừa đi đến đầu xóm đã bị công an xã, lực lượng cảnh sát cơ động của thị xã ngăn chặn.
Chị Phượng, một giáo dân tham gia cuộc biểu tình hôm 15/8 cho biết, chính quyền địa phương vẫn im lặng kể từ khi công ty Formosa nhận trách nhiệm và đã đền bù 11.500 tỉ đồng cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung, nên họ quyết tâm tuần hành biểu tình lên Ủy ban Nhân dân Thị xã để yêu cầu giải trình.
Cũng theo chị Phượng, giáo dân ở đây đã nhiều lần muốn tuần hành biểu tình đến Ủy ban Thị xã Kỳ Anh, nhưng lần nào cũng thất bại, vì chính quyền luôn ngăn chặn khi giáo dân vừa đi đến đầu xóm. Chị cho biết quyết tâm của người dân:
“Dân muốn lên tận ủy ban nhân dân của thị xã, muốn họ trả lời chi tiết và chính xác để dân hiểu, nhưng bị cản không đi được. Ngày hôm qua dân quyết định đi, nhưng vừa lên tới đường của xóm thì công an xã điện lên cho cơ động của Thị xã, sau đó các múi đường chính lên đường quốc lộ bị chặn hết”.
Ông Nguyễn Thành Lạng, trưởng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Quý Hòa cho biết, Linh mục quản xứ đã đi vắng từ những ngày trước đó, nên ngày hôm qua bà con đã tự tổ chức biểu tình, Giáo dân rất bức xúc việc công ty Forrmosa đã lén lún chôn rác thải trong lòng đất ở khắp nơi trong Thị xã Kỳ Anh và có thể là ở nhiều tỉnh trên cả nước.
Theo ông đây cũng là nguyên nhân khiến cho hơn 4.000 Giáo dân quyết tâm biểu tình. Ông kể lại:
“Ngày hôm qua thì dân đi được khoảng 4 km so với nhà xứ thì không có chuyện chi, nhưng từ 3 km tiếp theo thì bị cản trở rất nhiều, họ không cho đi. Thậm chí công an còn đánh đập một số dân ở đây, một người bị gãy tay, còn một số bị thương nhẹ, đến bây giờ nạn nhân đó còn đang nằm tại bệnh viện thị xã Kỳ Anh”.
Công an ngăn chận, đánh đập
Chị Phượng cũng xác nhận rằng, trong ngày hôm qua có khoảng 200 công an, cảnh sát cơ động được điều đến để ngăn chặn người dân đi biểu tình. Công an đã cướp hết băng rôn, biểu ngữ, loa phóng thanh của giáo dân, và họ lập hàng rào để chặn không cho dân bước qua.
Trước việc lực lượng công an đánh một số giáo dân khi họ cố gắng vượt qua hàng rào để tiếp túc biểu tình, giáo dân đã phải ‘tự vệ’. Chị Phượng cho biết:
“Dân vượt qua cái rào cản đó, nhưng họ không cho. Lực lượng của họ đông, có dùi cui và các vũ khí phòng vệ nhưng dân thì tay không, dân muốn qua nhưng không làm sao qua được. Giáo dân cũng đông, dân xông lên muốn vượt qua cái rào cản của họ, thì họ dùng dùi cui để đánh dân, có nhiều người bị đánh nhưng có một bà không may bị bong gân hay bị gì đó, công an bồng lên xe nhưng dân không cho, rồi có 2 người chở bà ấy đi bệnh viện, tiếp đó người dân mới bùng lên.”
Chị Phượng nói thêm, mặc dù bị cản trở nhưng giáo dân vẫn tiếp tục tuần hành lên Ủy ban thị xã Kỳ Anh, chỉ tiếc là tất cả băng rôn, biểu ngữ, loa phóng thanh đã bị cướp hết. Khi đến nơi thì chính quyền lại đóng cửa trụ sở, nên giáo dân đành kéo nhau trở về trong không khí bực bội.
Chị Hoa, con gái của bà Nhơn – một giáo dân bị công an đánh gãy tay trong ngày hôm qua kể về sự việc:
“Hôm qua dân đi biểu tình, thì bị công ăn chặn lại, thế là công an đập gục xuống, khi bà bắt đầu nằm xuống thì nó lại đạp bà 1 gậy nữa, tiếp theo nó đập vào chân. Khi anh công an đánh, bà liền ôm vào chân anh ấy, và anh ấy kéo lê lê bà đi 3 mét. Khi đó bà ngất xỉu nên họ bế bà vào viện. Vào đến bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh thì bác sĩ siêu âm… và kết quả là bà bị bể xương ống”.
Chị còn cho biết, khi sự việc xảy ra, chính công an xã đã đưa mẹ của chị đến bệnh viện, họ chi trả những khoản viện phí cho việc điều trị. Chính quyền xã có đến hỏi thăm, nhưng viên công an đánh mẹ của chị bị gãy tay thì không thấy đến.
Chúng tôi liên lạc với một nhân viên công quyền ở xã Kỳ Hà để tìm hiểu về sự việc người dân biểu tình và một số người bị công an đánh đập trong ngày hôm qua, thì được ông cho biết:
“Công an có đánh dân đâu, do xô lấn nhau rồi bà tự ngã gãy tay thôi, chứ làm gì có ai đánh. Sau khi bà cụ bị gãy tay, thì có anh công an, cán bộ đưa đi bệnh viện. Ngày hôm qua dân đi biểu tình có mang băng rôn, loa đài, rồi hát,… đại ý như là nói xấu cán bộ, nói xấu nhà nước. Họ đòi hỏi sự minh bạch rồi, việc đền bù không thỏa đáng”.
Hiện trạng cuộc sống ngư dân
Người dân ở xã Kỳ Hà sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và làm muối, nhưng từ ngày thảm họa ô nhiễm môi trường biển xảy ra, họ không có bất kỳ thu nhập nào để trang trải cho cuộc sống. Có chăng là sự hỗ trợ từ phía nhà thờ, các nhà hảo tâm.
Còn phía chính quyền thì chỉ được 5 triệu đồng đối với những thuyền có công suất lớn hơn 90 Cv, còn thuyền múng thì được 3 triệu đồng một chiếc, và một người nhận được 15 kg gạo/tháng. Nhưng số gạo hỗ trợ có chất lượng cực kỳ kém. Chị chia sẻ:
“Từ khi bị thảm họa đến giờ là không muối không biển, thì người dân lấy chi sống. Từ đó đến giờ gần 4 tháng trời rồi mà họ chỉ hỗ trợ 1 nhân khẩu là 15kg gạo 1 tháng, mà số gạo người ta cấp cho mình đó không ăn được, gạo quá khô không ăn được, chỉ dùng làm bún, làm bánh được thôi. Mà 15kg gạo 1 tháng đó ăn với cái gì? Và cũng chẳng có một lời động viên nào từ phía chính quyền.”
Lo ngại về việc hơn 1.000 học sinh tại giáo xứ có thể chưa được đi học trong năm học mới, ông Lạng cho biết, giáo viên các trường cấp I, II, III đã mời bà con đi họp phụ huynh để chuẩn bị cho năm học mới nhưng có lẽ các em học sinh sẽ khó có thể đến trường trong thời điểm này, vì gia đình không có tiền để đóng các khoản học phí. Ông tiếp lời:
“Các cô, thầy ở nhà trường cũng về để động viên, rồi lên kế hoạch cho năm học mới, nhưng dân ở đây bảo không có tiền để đóng các khoản đầu năm học mới. Nếu giả sử nhà trường giảm toàn bộ thì sẽ cho con em trở lại trường, còn nếu nhà trường chỉ giảm được mấy phần trăm đó, thì chắc chắn năm học mới này, con em ở Giáo xứ Quý Hòa thực sự chưa thể vào học được”.
Những giáo dân ở xứ Quý Hòa mà chúng tôi tiếp xúc sau cuộc biểu tình đều mong muốn, chính quyền địa phương cần triển khai nhanh việc hỗ trợ, đền bù cho người dân trong vùng thảm họa. Cần ưu tiên việc miễn tiền học phí, để các em có thể đến trường, đồng thời phải đóng cửa công ty Forrmosa, bởi nếu công ty còn hoạt động thì rác thải sẽ lại bị công ty này lén lút thải đi khắp nơi trên cả nước. - RFA
|
|
7.
Phản kháng xã hội dẫn đến Thủ tướng xin lỗi về xe đi vào phố cấm
Trong một hội nghị hôm 17/8 ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã xin lỗi nhân dân về việc đoàn xe của ông hồi tuần trước đã đi vào một phố cấm ở Hội An.
Báo chí Việt Nam trích lời Thủ tướng Phúc phát biểu tại hội nghị về cải cách hành chính như sau: "Thủ tướng đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ôtô vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm".
Sự việc làm thủ tướng Việt Nam phải xin lỗi diễn ra vào chiều muộn ngày 8/8 khi ông Phúc ghé thăm khu phố cổ ở thành phố du lịch Hội An trước khi dự một hội nghị về phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Nam.
Thủ tướng đã đi bộ và trò chuyện với nhiều người ở khu phố cổ. Sau chuyến thăm, trên mạng xã hội đã xuất hiện các bức ảnh và một số đoạn video cho thấy một đoàn xe có cảnh sát hộ tống được cho là của thủ tướng đã chạy trên phố đi bộ.
Những hình ảnh này đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến đông đảo công chúng bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, trong đó đa số phê phán việc đoàn xe đã đi sâu vào khu phố chỉ dành cho người đi bộ. Họ cho rằng điều đó cho thấy nhiều quan chức Việt Nam thích đứng trên pháp luật cũng như thiếu tế nhị trong việc tôn trọng di sản.
ông đề cập trực tiếp đến sự việc cũng như phản ứng của người dân. Mặc dù vậy, ít ngày sau khi có những ý kiến ồn ào trên mạng xã hội, báo chí dẫn lời vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam xác nhận rằng đoàn xe của thủ tướng có đi vào khu vực nội thành Hội An, và địa phương nhận thấy “có sơ suất, khuyết điểm của các cơ quan phối hợp, vì sự thay đổi đột xuất về lịch trình”.
Các nhà quan sát nhận định rằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 17/8 đưa ra lời xin lỗi về một hoạt động công vụ là điều hiếm có và là một tín hiệu tốt. Từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị ở Việt Nam, nói với VOA:
“Tôi nghĩ đấy là thể hiện tinh thần cầu thị và cũng rất là chân thành của thủ tướng. Và từ trước đến nay, sự kiện như vậy xuất hiện ý kiến ở trên mạng, chúng ta thấy là ít khi người đứng đầu của chính phủ Việt Nam lại có ý kiến xin lỗi trong một cuộc họp chính thức như vậy. Và tôi nghĩ đây là một biểu hiện tiến bộ và đáng hoan nghênh trong quan hệ giữa nhà cầm quyền và các người dân bình thường”.
Nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang ở Hà Nội cũng đánh giá rằng hành động của Thủ tướng Phúc là “một việc rất tốt”. Bà Trang cho rằng phản ứng đón nhận tích cực của công chúng với lời xin lỗi có thể làm cho các quan chức lạm dụng việc xin lỗi sau này. Mặc dù vậy, bà Trang vẫn cho rằng việc giới chức chính quyền có thái độ cầu thị hơn với dân là một bước tiến lớn. Bà nói:
“Cái tiền lệ này nếu mà bị phát huy nhiều quá, đến mức lạm dụng lại thành ra mị dân thì nó cũng không phải là tốt. So với các quan chức khác, so với các chính quyền khác, nội các khác từ trước tới giờ, thì nhiệm kỳ này ông Phúc nổi bật lên hơn hẳn. Bởi vì tôi cũng có chứng kiến các quan chức nhà nước Việt Nam từ cấp sở trở lên làm việc với người dân rất nhiều. Và họ không bao giờ có khái niệm là họ phải xin lỗi, chưa bao giờ có chuyện xin lỗi cả, không bao giờ họ sai cả. Cho nên lần này được ông thủ tướng xin lỗi thấy là quá khác luôn, đã là tốt quá, tích cực quá so với từ trước đến nay”.
Nhiều nhà hoạt động dân chủ có hàng nghìn người quan tâm trên mạng xã hội đã đăng các bài viết chỉ trích Thủ tướng Phúc liên quan đến sự việc ở Hội An. Tuy nhiên, sau khi ông Phúc xin lỗi, họ đã tuyên bố xóa các bài chỉ trích của họ.
Một số nhà hoạt động và nhà quan sát cho rằng lời xin lỗi cho thấy chính phủ và quan chức Việt Nam ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực hơn từ công luận và dường như họ bắt đầu thay đổi để thích nghi. Nhưng cũng vẫn còn sự hoài nghi rằng một lời xin lỗi chưa báo hiệu gì nhiều về sự thay đổi bản chất. Bà Trang nhận xét:
“Trong một nền văn hóa, bối cảnh chính trị mà quan coi thường dân, và dân tự coi thường mình, tự hạ thấp mình, cái điều này cũng không đủ, nó giống như một cánh én không làm nên mùa xuân. Cái điều này không làm nên thay đổi gì cả. Tôi chỉ hy vọng nó thành tiền lệ. Nhưng để nó thành tiền lệ được, chúng ta những nhà hoạt động xã hội và người dân cũng phải xúm vào và đẩy nó lên nữa chứ không phải như vậy là thành tiền lệ ngay được”.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đồng ý với nhận định rằng việc thay đổi có tính căn bản sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực. Ông nói:
“Cái việc thay đổi bản chất một chế độ, một mối quan hệ lâu nay đã được hình thành từ rất lâu và có liên quan đến rất nhiều vấn đề về hành chính, về quy định, về việc thực hiện pháp luật, thì những điều đó theo tôi cần phải có nỗ lực lâu dài hơn, và phải có sự cố gắng bền bỉ hơn”.
Về những ý kiến bày tỏ sự hứng khởi rằng các quan chức Việt Nam giờ đây phải chú ý đến hình ảnh của họ trong con mắt công chúng hơn vì phản kháng trên mạng xã hội thật sự có tác dụng, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nêu ra ý kiến thận trọng:
“Đây là chủ đề khá là an toàn nên là rất nhiều người dân thể hiện quan điểm như vậy, và có kênh nào đó đã truyền thông tin đến tai thủ tướng. Tôi không tin là với các chủ đề khác thì họ sẽ có phản ứng như vậy”.
Bà Trang nhắc lại rằng hồi năm ngoái, khi chính quyền Hà Nội có kế hoạch thay thế hàng nghìn cây xanh, gây nhiều bức xúc trong dư luận, và đây cũng là chủ đề “an toàn”, song sự phản ứng của người dân kể cả trên mạng xã hội đã không đủ mạnh và không buộc được chính quyền phải đưa ra lời xin lỗi nào. - VOA
|
|
8.
Bộ Ngoại giao VN thêm hai thứ trưởng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thêm hai thứ trưởng cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, nâng số thứ trưởng hiện tại lên 7 người.
Trong khi đó, Luật Tổ chức Chính phủ, có hiệu lực từ 1/1/2016, quy định số lượng thứ trưởng ở các bộ không quá 5. Riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6.
BBC hiểu rằng điều này là vì trong thời gian tới, một hoặc hai thứ trưởng ngoại giao hiện nay dự kiến sẽ được điều động sang vị trí mới.
Trong quyết định mới công bố, ông Nguyễn Bá Hùng, Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao kiêm Giám đốc cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích, được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Một thứ trưởng mới nữa là ông Nguyễn Quốc Dũng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Ngoại giao.
Năm thứ trưởng ngoại giao đã bổ nhiệm trước đó là các ông: Bùi Thanh Sơn, Lê Hoài Trung, Hà Kim Ngọc, Vũ Hồng Nam, và Đặng Đình Quý.
Trước đây, hai thứ trưởng ngoại giao khác, Nguyễn Phương Nga và Đặng Minh Khôi, đã đi công tác nhiệm kỳ nước ngoài.
Bà Nguyễn Phương Nga làm Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc từ tháng 11/2014.
Ông Đặng Minh Khôi đảm nhiệm vai trò Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ tháng 11/2015.
Luật tổ chức chính phủ
Theo Luật tổ chức chính phủ Việt Nam, có hiệu lực từ 1/1/2016, Số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6.
"Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định," Điều 38 qui định thêm.
Theo thông tin của BBC, trong thời gian tới, ít nhất một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam hiện nay sẽ được điều động sang vị trí mới.
Tại Hoa Kỳ, chức Đại sứ do ông Phạm Quang Vinh, nguyên là Thứ trưởng Ngoại giao, đảm nhiệm từ tháng 7/2014.
Hồi năm 2014, trước câu hỏi vì sao số thứ trưởng ngoại giao có 8 người, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi đó, Nguyễn Văn Nên, trả lời vì có những người sắp nghỉ hưu.
“Khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, có lúc không phải chờ đến lúc người trước nghỉ thì mới thay đổi, bổ sung,” ông Nên khi đó giải thích.
Năm 2015, khi Quốc hội Việt Nam bàn về dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), số lượng thứ trưởng cũng được nhắc tới.
Nhắc đến Bộ Ngoại giao, một đại biểu Quốc hội, Chu Sơn Hà, cho rằng nên “ghi mềm” vì số lượng thứ trưởng của Bộ Ngoại giao phụ thuộc vào quan hệ quốc tế.
Ông Hà giải thích Việt Nam cần bố trí một số người hàm thứ trưởng để làm đại sứ ở một số nước hay tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, vì thế không nên quy định chỉ có 6 thứ trưởng.
Tuy nhiên Luật tổ chức chính phủ sau khi được thông qua vẫn giữ quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6 thứ trưởng. - BBC
No comments:
Post a Comment