Tin Thế Giới
1.
Thái Lan phê chuẩn hiến pháp được quân đội hậu thuẫn
Hôm 7/8, dân chúng Thái Lan đã biểu quyết chấp thuận một hiến pháp được tập đoàn cầm quyền hậu thuẫn mà các nhà lãnh đạo quân sự nói sẽ mở đường cho các cuộc bầu cử mới, nhưng giới chỉ trích coi như là một cách hợp thức hóa vai trò của quân đội trong chính phủ trong nhiều năm sắp tới.
Phải nhiều ngày nữa mới có kết quả chung quyết, nhưng kết quả sơ khởi hôm 7/8 cho thấy 62 phần trăm cử tri chấp thuận bản hiến pháp.
Cử tri được yêu cầu trả lời hai câu hỏi – có hay không – để ủng hộ dự thảo hiến pháp và cũng cho phép việc bầu ra một vị thủ tướng mới thông qua một Thượng viện 250 thành viên được bổ nhiệm và một Hạ viện với 500 thành viên được bầu lên.
Giới chỉ trích cho rằng một phiên họp chung để bầu ra một nhà lãnh đạo mới mở đường cho một vị thủ tướng không do dân bầu trong một chính phủ sau này.
Cuộc tranh luận được chính phủ kiểm soát chặt chẽ trước khi bỏ phiếu dẫn tới việc bắt giữ hàng chục nhà vận động và sinh viên, được sự hỗ trợ của các luật lệ và hình phạt gắt gao với những án tù lên tới 10 năm.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh “những vụ vi phạm nhân quyền phổ biến,” tạo ra “một bầu không khí ghê rợn.”
Cử tri chỉ trích tình trạng thiếu thông tin và thảo luận về hiến chương dẫn tới tỷ lệ cao các cử tri “do dự” trong các cuộc thăm dò công luận trước bầu cử.
Trong một thông cáo xế ngày hôm 7/8, văn phòng thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói cuộc trưng cầu dân ý “đã được tiến hành với sự minh bạch và cởi mở ở mức độ cao về phía chính phủ.”
Tại một trạm bỏ phiếu ở Bangkok, ông Yosporn Limpaphan nói ông ủng hộ hiến chương bởi vì ông muốn nhìn thấy đất nước đi tới.
“Tôi đến đây hôm nay để bỏ phiếu chấp nhận dự thảo hiến pháp ngõ hầu đất nước không quay trở lại tình trạng giống như trước đây. Nếu dự thảo hiến pháp được thông qua, tôi sẽ yêu cầu thủ tướng ở lại nắm quyền để có thể thúc đẩy đất nước đi tới.”
Nhiều người Thái sinh sống ở các thành phố chính trở về các thị trấn và làng mạc ở tỉnh để bỏ phiếu tại một trong 95 ngàn trạm bỏ phiếu khắp nước, với khoảng 50 triệu cử tri hội đủ điều kiện đi bầu.
Xáo trộn chính trị
Nếu được thông qua, đây sẽ là hiến pháp thứ 20 kể từ khi Thái Lan trở thành một nước quân chủ lập hiến vào năm 1932, và là kết cục của một thập niên xáo trộn chính trị.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ mới nhất, phản đối chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra được bầu lên vào năm 2013, đã dẫn tới cuộc đảo chính quân đội vào tháng 5 năm 2014 do tư lệnh quân đội và hiện là thủ tướng Prayut Chan-ocha cầm đầu, cũng là người đứng đầu tập đoàn cầm quyền, gọi là Hội đồng Hòa bình Trật tự Toàn quốc, tên tắt là NCPO.
Kể từ khi lên cầm quyền, NCPO đã siết chặt vòng kiểm soát, dẫn tới những lời chỉ trích về thành tích nhân quyền và hạn chế các quyền tự do chính trị.
Bà Noi, một giới chức chính phủ yêu cầu không nêu tên đầy đủ, nói bà muốn nhìn thấy ông Prayut ở lại trong chính quyền cho đến khi bầu cử dự kiến vào năm 2017.
“Tôi thích ông Prayut Chan-ocha vì thế tôi đồng ý với ông. Đất nước cần đến ông trong một thời gian. Sau khi ông đã hoàn tất mọi việc một cách hoàn hảo, chúng ta có thể tổ chức bầu cử.”
Nhắm mục tiêu vào tham nhũng
Tawan Laopeth, một người dân tại thành phố Chiang Mai miền bắc, bày tỏ hy vọng bản hiến pháp mới sẽ nhắm mục tiêu vào các vấn đề như tham nhũng.
“Ai cũng muốn nhìn thấy Thái Lan phát triển trong mọi hướng về kinh tế, xã hội, và chính trị. Chúng ta không muốn nhìn thấy đất nước đi giật lùi trở về thời kỳ đen tối với sự tham nhũng và dân chúng chống lại nhau.”
Các cử tri khác, như diễn viên nổi tiếng Willy Mcintosh, nói có sự lo ngại về triển vọng chính trị.
“Hiện nay, chúng ta mất đi đất nước của những nụ cười vì có vấn đề về tham nhũng không thể giải quyết được và nhiều thứ khác, và dân chúng mất tin tưởng vào chính quyền.”
Những người ủng hộ thủ tướng Yingluck bị lật đổ dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống Độc tài UDD – còn được gọi là phe áo đỏ, nằm trong số những người vận động bỏ phiếu “không đồng ý.” Các chính đảng lớn, trong đó có đảng Pheu Thai của bà Yingluck và nhà lãnh đạo đảng Dân chủ ông Abhisit Vejjijiva, cũng ủng hộ lá phiếu “không.”
Theo hiến chương mới, các chính đảng lớn sẽ có một vai trò bị giảm thiểu, mở đường cho các chính phủ liên minh yếu và nhỏ hơn.
Lãnh tụ UDD Tida Thavornseth nói số cử tri đi bỏ phiếu dưới mức 80 phần trăm mà giới hữu trách bầu cử đã hy vọng, và các giới chức an ninh hô hào dân chúng ủng hộ hiến chương.
“Tại nhiều trạm bầu cử, chỉ có vài người đến bỏ phiếu, rất ít. Nhưng ở một vài nơi, một số lớn quân nhân đến bỏ phiếu. Song tôi e là con số dân chúng đến bỏ phiếu hôm nay có thể khoảng 50 phần trăm – tôi cũng không rõ – trung bình khoảng 50 phần trăm.”
Nhưng ông Titpol Phakeewanich, một nhà khoa học chính trị ở đại học tỉnh Ubon Ratchathani miền tây bắc, nói một số người ủng hộ phe áo đỏ sẽ bỏ phiếu “ủng hộ” vì bất mãn trước việc NCPO ở lại nắm quyền và trông đợi các cuộc bầu cử mới. Ông nói:
“Có cơ hội lớn là cuộc trưng cầu dân ý sẽ được thông qua bởi vì nhiều người trong phe áo đỏ mà tôi đã nói chuyện, một số nói họ sẽ bỏ phiếu đồng ý. Nhưng tôi không nói ‘đồng ý’ là một hình thức ủng hộ NCPO nhưng một sự ‘đồng ý’ của phe áo đỏ chỉ là một khát vọng trở lại thể chế dân chủ bởi lẽ chính phủ và NCPO đã tìm cách thuyết phục rằng nếu bỏ phiếu ‘đồng ý’ là chúng ta đang quay trở lại với thể chế dân chủ.”
Quân đội từng tuyên bố nếu hiến chương mới nhất bị bác bỏ thì họ sẽ tìm cách phác thảo một hiến chương mới, mà không tranh luận, và tiến tới các cuộc bầu cử mới vào năm tới.
Các nhà khoa học chính trị cho rằng việc quân đội kiểm soát một Thượng viện được bổ nhiệm và một quốc hội yếu hơn có thể dẫn tới tình trạng quân đội bành trướng ảnh hưởng trong ít nhất 5 năm, theo các điều khoản chuyển tiếp. - VOA
|
|
2.
Đặc sứ Philippines tới Trung Quốc bàn chuyện biển Đông --- Biển Đông: Máy bay chiến đấu Trung Quốc tuần tra các đảo tranh chấp
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos sẽ lên đường sang Trung Quốc vào ngày 8/8 để tham dự các cuộc họp sơ bộ với chính quyền Bắc Kinh nhằm giải quyết tranh chấp lãnh hải.
Ông Ramos được tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cử làm đặc sứ tham gia giải quyết tranh chấp ở biển Đông sau phán quyết mang tính lịch sử của Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc hôm 12/7 mà Trung Quốc bác bỏ.
Ông Ramos, 88 tuổi, là một cựu nguyên thủ được kính trọng ở châu Á, và hiện vẫn duy trì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Trung Quốc kể từ khi rời chức Tổng thống Philippines năm 1998.
Một nhân vật thân cận với ông Ramos nói rằng vị đặc sứ này đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi, và dự kiến, một nhóm nhỏ, trong đó có người cháu trai có thể nói tiếng Hoa của ông, sẽ tháp tùng cựu nguyên thủ này.
Chuyến công tác này diễn ra trong bối cảnh không quân Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom và chiến đấu cơ “tuần tiễu tác chiến” gần các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, một số máy bay ném bom H-6 và chiến đấu cơ Su-30 đã bay tuần tra và trinh sát cũng như huấn luyện tiếp nhiên liệu quanh quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, có tranh chấp với Philippines.
Báo chí Trung Quốc dẫn lời quan chức cấp cao của không quân nước này nói rằng đây là một nỗ lực nhằm bình thường hóa các cuộc diễn tập như vậy, đáp trả các mối đe dọa về an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Tuy nhiên, truyền thông quốc gia đông dân nhất thế giới không cho biết các cuộc tuần tiễu trên diễn ra khi nào. - VOA
***
Bản tin tờ Thời báo Đài Bắc ngày 08/08/2016 cho biết cách đây hai ngày, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tuần tra tại khu vực có tranh chấp trên Biển Đông để cải thiện năng lực chiến đấu của lực lượng không quân.
Thông tin trên được không quân Trung Quốc thông báo ngày 06/08/2016 nhưng không nêu rõ thời gian cụ thể. Trong một tuyên bố trực tuyến, phát ngôn viên Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đại tá Thân Tiến Khoa (Shen Jinke), cho biết không quân nước này đã tiến hành hoạt động tuần tra nhằm “cải thiện năng lực chiến đấu đối phó với nhiều mối đe dọa an ninh khác nhau” và để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải.
Theo nhật báo của Đài Loan, Bắc Kinh đã điều các loại máy bay ném bom, chiến đấu cơ, máy bay cảnh báo sớm, máy bay do thám và máy bay tiếp nhiên liệu tham gia tập trận. Địa điểm thực hiện là trên không phận xung quanh quần đảo Trường Sa, Scarborough Shoal (Hoàng Nham Đảo) và một số khu vực xung quanh trên Biển Đông. Đây cũng là khu vực đang xảy ra các tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Đây là lần thứ hai Bắc Kinh tiến hành tuần tra trên Biển Đông, sau phán quyết bất lợi của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye không công nhận các cơ sở pháp lý của Trung Quốc về Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc khẳng định sẽ “thường xuyên tiến hành các đợt tuần tra” như vậy tại các khu vực này.
Tuần trước, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã chỉ trích Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc "thổi bùng ngọn lửa" căng thẳng trong khu vực. Cả ba quốc gia này trong một tuyên bố chung đã hối thúc Bắc Kinh không nên tiếp tục xây dựng các tiền đồn quân sự hoặc có những yêu sách chủ quyền tại các vùng lãnh hải tranh chấp.
Cũng theo tờ Thời báo Đài Bắc, tại Philippines cũng trong ngày 06/08, khoảng 300 người Việt Nam và Philippines đã biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, kêu gọi nước này tôn trọng các phán quyết của Tòa Trọng Tài. - RFI
|
|
3.
Ngoại trưởng Suu Kyi thăm Trung Quốc
Bà Aung San Suu Kyi sẽ có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trên tư cách Ngoại trưởng của Myanmar vào cuối tháng Tám 2016, theo lời phát ngôn viên chính phủ Myanmar xác nhận vào hôm Chủ nhật 07/08.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gửi lời mời đến bà Aung San Suu Kyi tại Hội nghị các nước ASEAN tổ chức tại Lào vào cuối tháng Bảy vừa qua.
Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi đã nhận lời mời và lên lịch thăm Trung Quốc vào giữa tháng Tám 2016, theo lời U Kyaw Zeya, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Myanmar. Chuyến thăm sẽ diễn ra trong bối cảnh Myanmar chuẩn bị tổ chức Hội thảo Panglong Thế kỷ 21, được cho là nền tảng cho quá trình đàm phán hòa bình của nước này.
Tuy nhiên, phát ngôn viên U Kyaw Zeya từ chối cung cấp thông tin về các vấn đề Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi sẽ bàn thảo với Trung Quốc và thời gian cụ thể về chuyến đi.
“Phía chúng tôi (Myanmar) sẽ chuẩn bị đầy đủ cho các vấn đề và nếu họ (Trung Quốc) sẵn sàng thảo luận, chúng tôi luôn sẵn sàng,” phát ngôn viên U Kyaw Zeya nói.
Bà Aung San Suu Kyi đã đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng Sáu 2015, gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng với tư cách là lãnh đạo của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ. Cũng không có nhiều thông tin về chuyến đi này của bà Aung San Suu Kyi.
Chuyến thăm sắp tới của bà Aung San Suu Kyi diễn ra trong lúc chính phủ Myanmar đang thương lượng với ba lực lượng quân sự ở khu vực Kokang- Quân đội Liên minh Dân chủ Dân tộc Myanmar, Quân đội Tự do Ta’Ang và Quân đội Arakan. Ba nhóm này đang có giao tranh với quân đội chính phủ Myanmar(Tatmadaw) tại khu vực có biên giới chung với Trung Quốc.
Các cuộc xung đột vào năm ngoái khiến hàng chục ngàn thường dân phải chạy sang phía bên kia biên giới, trong khi Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật dọc theo khu vực biên giới này, như một lời cảnh báo với quân đội chính phủ Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi chính thức làm Ngoại trưởng Myanmar vào ngày 30 tháng Ba 2016, sau khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ do bà lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào hồi tháng 11/2015.
Theo hiến pháp Myanmar, bà Aung San Suu Kyi không thể làm Tổng thống do có chồng và có con mang quốc tịch nước ngoài. Mặc dù vậy, chính phủ Myanmar đã lập ra chức vụ mới là cố vấn chính phủ, cũng do bà Aung San Suu Kyi nắm giữ vào ngày 02/04/2016. - BBC
|
|
4.
Xuất khẩu của TQ giảm gây lo ngại chung
Xuất khẩu của Trung Quốc bị sụt giảm thêm nữa trong tháng bảy, gây lo ngại thêm về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu giảm 4,4% so với một năm trước đó, ở mức sự cải thiện chút ít so với mức giảm 4,8% trong tháng Sáu nhưng vẫn tồi tệ hơn so với mức các nhà phân tích dự đoán.
Nhập khẩu yếu hơn so với dự kiến, giảm 12,5%.
Vì Trung Quốc là động lực quan trọng của nền kinh tế trên toàn cầu, dữ liệu này được xem như là bức tranh hiện tại của triển vọng kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu của nước này đã giảm trong 12 trên tổng số 13 tháng qua.
Bất ổn toàn cầu thể hiện từ giá nguyên nhiên liệu cho tới với cuộc khủng hoảng nợ của EU, Anh bỏ phiếu rời EU và các hoạt động kinh tế trên thế giới chững lại.
Số liệu này "không tốt cho tình trạng nhu cầu toàn cầu, mặc dù xuất khẩu Trung Quốc được hưởng lợi từ việc đồng tiền yếu hơn," Louis Kuijs từ Oxford Economics đã viết trong một bình luận.
"Nhìn về tương lai, chúng tôi mong đợi số liệu mậu dịch vẫn còn yếu trong những tháng tới, với triển vọng của về đà thương mại toàn cầu kém khởi sắc và thực trạng nhu cầu nội địa của Trung Quốc."
Xét về giá trị tính bằng đô la Mỹ, xuất khẩu giảm xuống còn 184.7 tỉ USD trong khi nhập khẩu giảm xuống còn 132.4 tỉ USD, tức là Trung Quốc vẫn xuất siêu 52.31 tỉ USD.
Nhu cầu trong nước chậm là chỉ dấu cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tiêu dùng để kích thích tăng trưởng vẫn chưa hữu hiệu.
Tuy nhiên số liệu mới có được sau khi Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế tốt hơn dự kiến trong quý Hai.
Tổng Sản phẩm Quốc nội tăng 6,7% trong ba tháng tính đến tháng Sáu so với một năm trước đó, Cục thống kê Trung Quốc thông báo vào tháng trước. - BBC
|
|
5
Iran xử tử nhà khoa học hạt nhân làm gián điệp cho Mỹ
Iran đã xử tử một nhà khoa học hạt nhân người bị kết tội cung cấp thông tin tối mật về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran cho Mỹ.
Vụ xử tử Shahram Amiri đã được cơ quan thông tấn chính thức của Iran, IRNA, khẳng định hôm 7/8. Phát ngôn viên ngành tư pháp Gholamhosein Mohseni Ejehi nói: "Thông qua sự kết nối của ông ta với Mỹ, Amiri đã cung cấp thông tin quan trọng về đất nước cho kẻ thù".
Ông Ejehi nói tòa án đã kết án tử hình Amiri, Tòa án Tối cao của Iran đã giữ nguyên bản án này.
Amiri đã đi tới A-rập Xê-út hồi năm 2009 rồi đi đến Mỹ một năm sau đó. Các quan chức Mỹ cho biết họ đã trả Amiri khoảng 5 triệu đôla để rời khỏi Iran và cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân của Iran.
Một quan chức Hoa Kỳ nói hồi năm 2010 rằng Mỹ đã nhận được "thông tin hữu ích" từ Amiri. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Tàu chiến Mỹ thăm TQ, lần đầu tiên kể từ phán quyết về Biển Đông
Khu trục hạm mang hỏa tiễn điều hướng USS Benfold của Mỹ đã cập cảng Thanh Đảo ở miền bắc Trung Quốc hôm 8/8. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một chiến hạm Mỹ đến Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh bày tỏ phản ứng phẫn nộ trước phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Thanh Đảo là cảng nhà của hạm đội phương bắc của Trung Quốc. Trong chuyến thăm, chiến hạm Mỹ đã diễn tập về tín hiệu với Hải quân Trung Quốc.
Hạm trưởng Just L Harts nói với báo giới rằng chuyến thăm có mục đích “xây dựng quan hệ” với các đối tác trong Hải quân Trung Quốc. Khi được hỏi về căng thẳng ở Biển Đông, ông đề nghị phóng viên liên lạc với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii.
Đô đốc Scott Swift, sỹ quan đứng đầu Hải quân Mỹ ở châu Á, dự kiến sẽ gặp báo giới hôm 9/8 ở Thanh Đảo.
Khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, Trung Quốc đã bác bỏ. Đồng thời, họ cũng chỉ trích Mỹ mạnh mẽ về việc Mỹ đã khuyến khích Philippines, một đồng minh của Mỹ, tiến hành vụ khiếu nại cũng như vì Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Người dân nhiều tỉnh biểu tình đòi đóng cửa Formosa
Hơn 5000 giáo dân đồng thời cũng là ngư dân từ các giáo xứ khác nhau thuộc giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An, hôm 7/8 đã biểu tình ôn hòa để tiếp tục bày tỏ sự bất bình về thảm họa môi trường biển do hãng Formosa của Đài Loan gây ra gần đây.
Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ Giáo xứ Phú Yên, cho VOA Việt Ngữ biết rằng đa phần những người tham gia biểu tình đến từ giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên và Mành Sơn. Ngoài ra, theo ông, còn có những đoàn đến từ một số giáo xứ khác cách Vinh hàng chục kilomet.
Về thông điệp chính của cuộc biểu tình, Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam nói:
“Thứ nhất là nói lên tiếng nói, nguyện vọng của người dân đối với thảm họa môi trường biển. Đó là yêu cầu đóng cửa Formosa, yêu cầu Formosa phải đền bù một cách thích hợp, và yêu cầu Formosa phải cải tạo môi trường, trả lại biển lành cho người dân. Rồi về phía nhà nước, chúng tôi yêu cầu khởi tố Formosa và khởi tố những người, những cá nhân, những tổ chức cộng tác và tiếp tay cho Formosa để sát hại môi trường và gây ra thảm họa tại đất nước này”.
Đoàn người biểu tình dài tới 1 kilomet đã tuần hành bằng xe máy đi qua nhiều xã ở khu vực Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Linh mục Đặng Hữu Nam cho hay, để chuẩn bị cho cuộc biểu tình, ông đã thông báo từ trước cho chính quyền địa phương về ngày giờ và hành trình, đề nghị họ giúp đỡ đảm bảo an ninh.
Theo linh mục, nhà chức trách đã điều hàng ngàn cảnh sát cơ động và hàng trăm nhân viên công an mặc thường phục tới giám sát cuộc biểu tình. Nhưng đã không có xung đột hay sự cố đáng tiếc nào. Ông nói:
“Cái không khí rất là căng thẳng trước giờ khởi hành, nhất là ngày và đêm trước khi biểu tình nổ ra, tức là từ ngày đến tối thứ Bảy thì rất là căng thẳng. Không khí rất là căng. Nó như một thùng thuốc súng. Nhưng mà vào buổi sáng mà chúng tôi làm thì người dân đi biểu tình rất là ôn hòa. Những người làm công quyền họ chứng kiến thôi chứ còn họ không có thái độ nào khác. Và cuộc tuần hành thành công và cũng không có đụng độ nào”.
Chính quyền Quỳnh Lưu, Nghệ An, chưa lên tiếng xác nhận về việc rầm rộ triển khai lực lượng an ninh.
Trong ngày 7/8, ngoài cuộc biểu tình lớn ở Nghệ An do Linh mục Đặng Hữu Nam tổ chức, còn có các cuộc biểu tình quy mô vài trăm người ở Quảng Bình và Hà Tĩnh. Mặc dù cảnh sát hiện diện đông đảo quanh các cuộc biểu tình đó, song cũng như ở Nghệ An, đã không có đụng độ nào.
Trong số những cuộc biểu tình nhỏ hơn, đáng chú ý là việc khoảng 700 ngư dân và cũng là giáo dân giáo xứ Đông Yên cũ đã tìm cách kéo đến trước cổng Formosa Hà Tĩnh để bày tỏ thái độ. Các ngư dân đã mặc đồng phục in hàng chữ “yêu cầu Formosa cút khỏi VN” và mang theo nhiều biểu ngữ đòi đóng cửa vĩnh viễn Formosa.
Tin cho hay, giới chức địa phương đã “gây khó khăn, ngăn cản người biểu tình” đến gần Khu công nghiệp Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nhưng họ vẫn đi đến được khu công nghiệp này. Người biểu tình đã mô tả lại và đăng ảnh trên mạng xã hội cho thấy rất nhiều cảnh sát cơ động đứng trước cổng Formosa và đông đảo nhân viên công an mặc thường phục “để bảo vệ cho Formosa”.
Sau khi các cuộc biểu tình kết thúc và thông điệp đã được phát đi, liệu nhà chức trách và Formosa đã có hồi đáp gì với những người biểu tình? Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam cho hay:
“Cho đến ngày hôm nay thì phía chính quyền cũng chưa có một vị nào liên hệ với tôi, còn đối với Formosa lại càng không nữa. Chưa có một cái cơ quan nào, một cấp chính quyền nào liên hệ trực tiếp hay gián tiếp để mà nói lên cách thức giải quyết nguyện vọng của người dân”.
Vụ Formosa xả chất thải độc ra biển đã xảy ra cách đây hơn 4 tháng, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình. Tuy nhiên, dường như tiếng nói của những người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được lắng nghe. Nhiều người trong đó có cả giới luật sư đã nêu ý kiến rằng những người bị ảnh hưởng có thể cân nhắc kiện Formosa. Đây là điều mà những ngư dân ở giáo phận Vinh cũng đang chuẩn bị. Linh mục Đặng Hữu Nam nói rõ hơn:
“Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện Formosa bởi vì chính người dân của chúng tôi đang bị thiệt hại về kinh tế một cách trầm trọng. Và khi đã hoàn thiện thì chúng tôi sẽ tổ chức đi khiếu kiện, yêu cầu nhà nước phải can thiệp”.
Hồi cuối tháng 6, Formosa đã nhận trách nhiệm về việc gây ra thảm họa ô nhiễm biển ở miền trung Việt Nam, đồng thời chấp nhận đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla để khắc phục. Nhưng đến nay, chưa ngư dân nào ở vùng bị ảnh hưởng được nhận đền bù từ số tiền này.
Mới đây, trong một cuộc gặp gỡ cử tri, Thủ tướng Việt Nam đã nói nhà chức trách không khởi tố vụ Formosa vì “nếu khởi tố thì 30 năm sau chưa đền bù được, lấy được tiền đền bù của họ rất phức tạp”. - VOA
|
|
8.
Chủ nghĩa dân tộc lan sang thể thao Việt Nam?
Tấm huy chương vàng đầu tiên của Việt Nam tại một kỳ Olympic mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được trước hai vận động viên gốc Hoa khiến mạng xã hội “dậy sóng”.
Rạng sáng 7/8, giờ Hà Nội, xạ thủ mang quân hàm đại tá Hoàng Xuân Vinh đã phá kỷ lục Olympic ngay trong ngày thi đấu đầu tiên của Thế vận hội ở Brazil.
Anh trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng tại đấu trường Olympic, sau khi vượt mặt nhiều đối thủ mạnh khác, nhất là một vận động viên Brazil gốc Hoa và một xạ thủ người Trung Quốc.
Sau khi quân nhân Vinh lên ngôi vô địch, trong vài giờ đồng hồ, Việt Nam tạm đứng ở top đầu cùng với một số đội tuyển quốc gia khác như Mỹ hay Trung Quốc.
Cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại nhiều kỳ thế vận hội, ông Nguyễn Hồng Minh, cho VOA Việt Ngữ biết ông “hết sức bàng hoàng và cảm động” khi xạ thủ này giành được chiếc huy chương vàng lịch sử cho thể thao Việt Nam.
Ông nói thêm:
“Điều đầu tiên tái hiện lại trong đầu tôi là tất cả những kỷ niệm của nhiều năm qua gắn bó với các vận động viên, trong đó có Hoàng Xuân Vinh. Cảm xúc của tôi muốn trào nước mắt, bởi lẽ tất cả những gì đã qua tái hiện rất nhanh. Trong lịch sử 36 năm của phong trào Olympic, thể thao thành tích cao Việt Nam quá gian khổ để tiến tới đỉnh cao của Olympic. Thể thao Việt Nam phấn đấu mãi trên con đường đấu trường Olympic bây giờ mới có một chiếc huy chương vàng. Có cảm giác như là mình ở trong một giấc mơ, chứ không phải là hiện thực”.
Trên mạng xã hội của Việt Nam, tên của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở nên “hot” nhất. Độc giả tên Nguyễn Thịnh viết trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ: “Nói đến Hoàng Xuân Vinh, quân Tàu sẽ phải rùng mình khiếp sợ. Chắc là không dám lảng vảng ở biển Đông nữa đâu!”
Còn một độc giả khác tên Phạm Nhật Mai viết: “Giỏi quá. Vượt cả mấy anh cường quốc. Mong sao nhiều vận động viên ở các bộ môn giỏi như anh cho rạng rỡ Việt Nam”.
Trong khi đó, báo chí Việt Nam ngay lập tức cũng đăng tải nhiều bài viết về thành tích của xạ thủ Vinh với các tiêu đề như “Bảng tổng sắp huy chương Olympic 2016: Việt Nam xếp trên Trung Quốc”, “Bắt vận động viên Trung Quốc phải thua tâm phục, khẩu phục, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh nhận ngay ít nhất 3,2 tỷ đồng tiền thưởng”, hay “Dư luận Trung Quốc nói về sự kiện VĐV Hoàng Xuân Vinh ‘qua mặt’, giành HCV Olympic”.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng truyền thông trong nước “đưa tin rất đa dạng” về chiếc huy chương vàng mà vận động viên Vinh giành được. Cựu quan chức thể thao Việt Nam nói: “Tựu chung lại rất là vui mừng”.
Còn tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, từng nhiều lần chỉ trích Việt Nam, cũng đưa tin về sự kiện mang tính lịch sử của thể thao trong nước.
Tờ báo này viết rằng xạ thủ Vinh đã “vượt qua mọi áp lực” để giành chức vô địch ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam trước hai đối thủ gốc Hoa.
Trong bài viết có tựa đề “Dư luận Trung Quốc nói về sự kiện VĐV Hoàng Xuân Vinh 'qua mặt', giành HCV Olympic”, tờ Viet Times của Hội Truyền thông số Việt Nam viết rằng “có người lại tỏ ra lo ngại cho rằng lão tướng Việt Nam (Hoàng Xuân Vinh) là quân nhân, do đó quân đội Trung Quốc cần 'chú ý'. Trung Quốc ngay cả súng bắn hơi cũng không làm được thì chả làm được gì”. Tuy nhiên, tờ báo này không cho biết rõ nguồn gốc của câu bình luận này.
Cựu quan chức thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh nhận định thêm:
“Bình luận của các hãng tin ở trong nước của Trung Quốc nói vận động viên Việt Nam vượt qua Trung Quốc thì cái đó họ phản ảnh hiện thực nhưng cũng có một ý sâu xa. Theo tôi suy nghĩ, họ muốn nhắc nhở các vận động viên Trung Quốc phải nỗ lực, chứ không phải lúc nào cũng có thể chiến thắng được, cho dù là một vận động viên ở Việt Nam, xuất phát từ một đất nước còn nhỏ bé, và với một nền thể thao chưa mạnh như đất nước của họ”.
Ít lâu sau khi xạ thủ Vinh giành được tấm huy chương vàng mang tính lịch sử, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam viết: “Thành tích mà vận động viên Đoàn Thể thao Việt Nam vừa giành được đã mang lại vinh dự cho tổ quốc, sự tự hào cho cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và những người hâm mộ thể thao cả nước”.
Trong khi đó, theo báo chí trong nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cũng gửi thư chúc mừng và quyết định trao thưởng 100 triệu đồng cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. - VOA
No comments:
Post a Comment