Tuesday, August 16, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 16/8

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Indonesia: Bảo vệ "từng tấc đất" tại Biển Đông --- Indonesia sẽ đánh chìm 71 tàu cá nước ngoài, gồm cả tàu Trung Quốc

Sau những vụ xung đột với hải thuyền Trung Quốc chung quanh các đảo của Indonesia ở Biển Đông, tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết với toàn dân là không để mất dù là "một tấc đất" lãnh thổ và lãnh hải quốc gia.

Trong thông điệp trước ngày độc lập của Indonesia (17/08), tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định "chủ quyền của Indonesia" ở quần đảo Natuna, nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên và cũng là nơi xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa hải quân Indonesia và hải thuyền, tàu đánh cá cũng như cảnh sát biểnTrung Quốc.

Theo tuyên bố của tổng thống Joko Widodo, Indonesia sẽ "phát triển khu vực Entikong, Natuna, Atambua để thế giới thấy rằng Indonesia là một nước lớn, mỗi tấc đất, mỗi tấc biển đều được bảo vệ thực sự". Ông cũng nhấn mạnh đến "nỗ lực" tìm một giải pháp "ôn hoà" giải quyết tranh chấp biển đảo.

Khác với Việt Nam và Philippines, chính quyền Indonesia từ lâu nay tuyên bố là không có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh, nhưng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, với đường "lưởi bò" 9 đoạn, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực Natuna.

Quan hệ hai nước căng thẳng lên từ sau nhiều vụ xung đột trong tháng sáu, giữa một bên là hải quân Indonesia và bên kia là tuần duyên và tàu cá Trung Quốc. Nhiều tàu đánh cá lớn, nhỏ của Trung Quốc bị hải quân Indonesia tịch thu, một loạt tàu cá khác bị bắn cảnh cáo. Sau các vụ xung đột hồi tháng 6, tổng thống Indonesia đích thân đến thăm Natuna bằng chiến thuyền và tiến hành kế hoạch tăng cường phòng thủ trên các đảo xa như cải tiến phi đạo, trang bị tên lửa, máy bay trinh sát…

Tổng thống Indonesia hoàn toàn không nhắc tên Trung Quốc nhưng những lời bình luận này được đưa ra nhân dịp lễ Quốc khánh vào ngày mai, ghi dấu 71 năm độc lập, với sự kiện biểu tượng là phá hủy 71 tàu đánh cá, trong đó có nhiều tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận.

Cũng trong thông điệp quốc khánh, vị tổng thống dân cử xuất thân từ xã hội dân sự nhấn mạnh đến yếu tố nhân quyền. Ông cảnh báo: "Indonesia không thể trở thành một quốc gia phát triển và thành công nếu nhân quyền không được tôn trọng".

***
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 71 ngày đất nước được độc lập, 17/08/2016, Jakarta đã loan báo kế hoạch đánh chìm 71 tàu cá nước ngoài bị tịch thu khi vào đánh bắt trộm trong hải phận Indonesia. Theo tiết lộ của hãng tin Mỹ Bloomberg, đa số tàu bị đục chìm là tàu Việt Nam, nhưng cũng có một vài tàu Trung Quốc.

Ngay từ hôm qua, 15/08, chính quyền Indonesia đã bắt đầu ra tay, khi cho đánh chìm ít nhất tám chiếc tàu cá Philippines ngoài khơi tỉnh Bắc Maluku và tỉnh Bắc Sulawesi. Cả hai vùng biển này của Indonesia nổi tiếng là nhiều cá nên thường thu hút ngư dân nước khác đến đánh bắt trộm.

Không rõ là 8 tàu cá Philippines kể trên có nằm trong số 71 chiếc mà Indonesia có kế hoạch nhận chìm nhân dịp quốc khánh hay không, một kế hoạch sẽ được thực hiện tại nhiều nơi ở Indonesia.

Theo chính quyền Indonesia, hàng năm đất nước họ bị mất khoảng 25 tỷ đô la thu nhập do nạn đánh cá trái phép, vì thế họ đã quyết định phá hủy công khai các chiếc tàu cá ngoại quốc bị bắt giữ khi xâm nhập trái phép vùng biển Indonesia.

Kể từ cuối năm 2014, đã có hơn 170 tàu cá mang quốc tịch khác nhau bị phá hủy để làm gương. Phương pháp được Jakarta sử dụng là phá nổ để nêu bật tính chất răn đe. Tuy nhiên, biện pháp đó bị đánh giá là gây tổn hại cho môi trường, cho nên lần này Indonesia dùng cách đục thủng để cho tàu chìm.

Việc đưa tàu cá Trung Quốc vào diện bị phá hủy rất được chú ý trong bối cảnh gần đây, Bắc Kinh đã không ngần ngại đưa tàu hải cảnh đến bảo vệ tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia, và sẵn sàng uy hiếp tàu chấp pháp Indonesia để đánh tháo cho các tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ.

Trung Quốc cho rằng vùng biển xung quanh quần đảo Natuna là ngư trường truyền thống của mình, điều đã bị Indonesia bác bỏ.

Tháng Sáu vừa qua, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tổ chức một cuộc họp nội các trên chiến hạm KRI Imam Bonjol, có nhiệm vụ tuần tra vùng biển Natuna để bắn đi tín hiệu cứng rắn về phía Bắc Kinh. Sau đó một tháng, đến lượt nữ bộ trưởng bộ Thủy Sản Susi Pudjiastuti xác nhận là sẽ đích thân đến Natuna để “chứng kiến việc đánh chìm nhiều tàu nước ngoài”, và tuyên bố rằng chỉ có người Indonesia mới có quyền đánh cá trong vùng biển Indonesia. - RFI
|
|

2.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ thăm Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng

Tướng Mark A.Milley, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ thăm Trung Quốc hôm nay 16/08/2016, trong bối cảnh căng thẳng với quyết định của đồng minh Hàn Quốc cho triển khai hệ thống lá chắn tên lửa hiện đại, và tranh chấp Biển Đông.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc và các lãnh đạo quân đội cao cấp khác để thảo luận các vấn đề quan tâm và "xác định những phương cách hợp tác thiết thực theo chiều sâu, trong những lãnh vực lợi ích chung, trong khi vẫn xử lý những bất đồng một cách xây dựng".

Tướng Milley cũng thăm Viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc, trao đổi quan điểm với các giảng viên và sinh viên.

Bắc Kinh đã lớn tiếng phản đối quyết định đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ tại phía nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cho rằng các radar băng tần X của hệ thống này có thể theo dõi những hỏa tiễn trong nội địa Trung Quốc. Hoa Kỳ nói rằng THAAD chỉ nhằm phá hủy những hỏa tiễn từ Bắc Triều Tiên bắn sang.

Báo chí nhà nước Trung Quốc hàng ngày vẫn đả kích Washington cũng như Seoul, và Trung Quốc còn hủy bỏ những sự kiện giải trí Hàn Quốc, không ủng hộ việc Liên Hiệp Quốc lên án chương trình hỏa tiễn Bắc Triều Tiên.

Chuyến thăm của tướng Milley diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye tháng trước ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc dựa trên đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ. Trung Quốc giận dữ không công nhận bản án, tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo – mà theo phía Mỹ thì việc này làm gia tăng bất ổn tại Biển Đông.

Sau khi làm việc tại Bắc Kinh, tướng Milley đến Hàn Quốc để gặp gỡ các đơn vị quân đội Mỹ trú đóng tại đây, thảo luận với các lãnh đạo quân sự Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa cũng như các vấn đề khác. Sau đó ông sẽ sang thăm một đồng minh khác đồng thời là địch thủ của Trung Quốc: Nhật Bản.

Tuần trước Tokyo đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối việc số lượng tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc tăng vọt tại vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ông Trump: di dân sẽ bị sàng lọc kỹ trước khi được nhận vào Mỹ

Ông Donald Trump hôm thứ Hai kêu gọi áp dụng biện pháp “thanh lọc kỹ”, kể cả về mặt ý thức hệ, để bảo đảm chỉ có những người chia sẻ các giá trị Mỹ và tôn trọng nhân dân Mỹ mới có thể di dân sang Hoa Kỳ.

Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà vạch ra các chính sách di trú và đối ngoại của ông hôm thứ Hai trước sự đồng tình của một đám đông ủng hộ ở Youngstown, bang Ohio, có lúc hô to: "Trump, Trump Trump" khiến bài phát biểu của ông nhiều lần bị gián đoạn.

Ông Donald Trump nói nếu đắc cử, ông sẽ áp dụng một chính sách di trú khắt khe. Những người muốn di dân sang Mỹ sẽ phải trải qua một tiến trình thanh lọc cực kỳ gắt gao để bảo đảm Hoa Kỳ ngăn chận những kẻ ủng hộ cố chấp và hận thù, không tin vào hiến pháp Mỹ di dân sang Hoa Kỳ.

Ông Donald Trump nói ông sẽ tạm thời đình chỉ chương trình di dân từ những khu vực mà ông mô tả là “bất ổn và nguy hiểm nhất thế giới, có quá trình ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”.

Ông nói làn sóng di dân vào Hoa Kỳ hiện nay quá lớn để có thể được “thanh lọc một cách thích đáng.”
 
Nếu trở thành Tổng thống, ông Trump nói chính sách đối ngoại của ông sẽ tập trung vào việc quét sạch sự lan truyền của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ông tuyên bố bất cứ ai chia sẻ mục tiêu đó đều là đồng minh của Mỹ.

Ông Trump liệt kê một danh sách dài các cuộc tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan Hồi giáo thực hiện tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông cam kết sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về làm cách nào đấu tranh chống “ý thức hệ của sự chết, là điều cần phải tiêu diệt.”

Ông Trump tấn công cả Tổng thống Barack Obama lẫn bà Hillary Clinton trong cương vị Ngoại trưởng, về “sự thiếu phán xét về tình hình Iraq, Syria và Libya”, theo nguyên văn lời ông.

Nhưng ông có vẻ lảng xa tuyên bố gây nhiều tranh cãi của mình, khi ông gọi ông Obama là “người sáng lập ra Nhà nước Hồi giáo - IS”. Thay vào đó ông Trump nói “những lời lẽ và hành động ngây ngô” của ông Obama đã cởi trói nhóm Nhà nước Hồi giáo, và “không còn nghi ngờ gì, đã tạo điều kiện cho nhóm khủng bố này sinh sôi nảy nở.”

Vẫn theo ông, bà Hillary Clinton thiếu “năng lực về cả tinh thần lẫn thể chất” để có thể đương đầu với Nhà nước Hồi giáo, mặc dù ông không giải thích chi tiết ý ông muốn nói gì.

Ngay trước khi ông Trump phát biểu, bà Hillary Clinton và Phó Tổng thống Joe Biden vận động tại Scranton, bang Pensylvania, tiểu bang nhà của ông Biden. Tại đây cả hai thành viên Đảng Dân chủ này đặt nghi vấn về “tính khí, trí tuệ, và những phẩm chất” mà ông Trump cần có để giành chiếc ghế trong Toà Bạch Ốc.

Ông Biden nói: “Trong lịch sử Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, chưa từng có một ứng cử viên được đề cử nào mà lại thiếu kiến thức và ít được chuẩn bị để có thể đối phó với vấn đề an ninh quốc gia của chúng ta, cho bằng ông Donald Trump.”

Bà Hillary Clinton thì chế nhạo tuyên bố của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà, nhất mực cho rằng ông biết nhiều về Nhà nước Hồi giáo và các điều kiện ngoài hiện trường ở Iraq hơn là các tướng lãnh Mỹ.

Bà Clinton sau đó viết trên trang Twitter:

“Bất cứ lúc nào nghe ông Trump đề cập tới chính sách đối ngoại, hãy tưởng tượng ông ta trong Phòng Tình hình tại Toà Bạch Ốc, làm các quyết định cho tất cả chúng ta.”

Trong khi đó tờ Wall Street Journal, một tờ báo có truyền thống bảo thủ thường ủng hộ các lý tưởng của Đảng Cộng hoà, nói ông Trump “đang trên đường đi đến thất bại trong một cuộc đua lẽ ra có thể thắng.”

Nhật báo này mạnh mẽ đả kích ông Trump trong một bài xã luận đăng hôm thứ Hai, nói rằng ông Trump thích xem các chương trình hội thoại trên truyền hình hơn là đọc các tài liệu về chính sách, và ông thích những đám đông tại các cuộc tập hợp chính trị hơn là một chương trình vận động có tổ chức, và rằng cái phong cách “nổ súng trước khi suy nghĩ” của ông đang khiến nhiều thành viên Đảng Cộng hoà và những người có chính kiến độc lập lảng xa.

Tờ Wall Street Journal nói nếu các lãnh đạo Đảng Cộng hoà không thể buộc ông Trump nhanh chóng thay đổi phong cách ấy, thì họ “sẽ không có sự lựa chọn nào khác hơn là đánh giá ứng cử viên Trump như một nhân vật không có mảy may hy vọng nào sẽ thành công”. Tờ báo nói ông Trump cần phải “ngưng quy lỗi cho mọi người khác, và quyết định liệu ông có muốn cư xử như một nhân vật thực sự muốn trở thành Tổng thống.” 

Cũng trong ngày thứ Hai, báo The New York Times tường thuật các nhà điều tra chống tham nhũng người Ukraine đang điều tra liệu Chủ tịch của chiến dịch vận động của ông Trump Paul Manafort có nhận một khoản tiền lên tới hàng triệu đôla từ chính đảng thân Nga của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hay không.

Ông Manafort từng là một cố vấn của ông Yanukovych trước khi Tổng thống bị lật đổ này chạy khỏi Ukraine trong một cuộc nổi dậy của quần chúng vào năm 2014.

Tờ The Times tường thuật rằng tên ông Manafort đã xuất hiện trong một tài liệu kế toán cho thấy 12,7 triệu đôla đã được dành riêng cho ông. Cơ quan chống tham nhũng Ukraine đang tìm hiểu xem liệu món tiền thanh toán một lần này có bị đánh cắp từ các tài sản của chính phủ Ukraine hay không.

Tuy nhiên, hiện không có chứng cớ là ông Manafort đã nhận được món tiền này, và ông miêu tả lời cáo buộc ấy là “không có cơ sở, ngớ ngẩn và phi lý.” - VOA
|
|

4.
Google ra mắt app chat bằng video

Google vừa trình làng app video chat Duo để cạnh tranh với dịch vụ FaceTime của Apple, Skype của Microsoft và Messenger của Facebook.

Duo cũng không khác mấy với dịch vụ chat bằng video của các hãng khác, nhưng cho phép người sử dụng nhìn thấy người gọi trước khi quyết định có nhận cuộc gọi hay không.

Google gọi tính năng mới này là "knock, knock" ("cốc, cốc").

App mới này, được thông báo hồi tháng Năm, được ra mắt như dịch vụ điện thoại miễn phí cho cả hệ điều hành Android và điện thoại iPhone của Apple.

Các cuộc gọi được mã hóa và chất lượng video phụ thuộc vào đường truyền internet.

Cũng giống như FaceTime trên iOS, Duo chỉ đòi hỏi số điện thoại của đối tác để kết nối.

Các dịch vụ khác cần cả hai người cùng có tài khoản mới có thể kết nối qua video.

Từ 2013, Google đã cho phép khách hàng gọi qua dịch vụ Hangouts thế nhưng nay dịch vụ này chủ yếu tập trung đối tượng là họp hành của các công ty.

Duo được quảng cáo là dễ sử dụng và chất lượng tốt.

App này sẽ được tung ra trên toàn cầu trong vài ngày tới.

Google còn chuẩn bị tung ra app nhắn tin mới tên là Allo, sử dụng trợ lý ảo có khả năng trả lời tự động cho các tin nhắn và hình ảnh. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam công khai ‘lá chắn thép bờ biển’

Kênh truyền hình của Bộ Quốc phòng Việt Nam mới cho đăng tải một đoạn clip về buổi huấn luyện chiến đấu với loại tên lửa mà báo chí trong nước còn gọi là “sát thủ diệt hạm”. 

Bản tin dài hơn 2 phút ghi lại cảnh diễn tập thực tế, sử dụng tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P do Nga sản xuất, của Lữ đoàn Tên lửa bờ 681 của Hải quân Việt Nam. 

Phóng viên thực hiện bản tin nói: “Các cuộc diễn tập như thế này đã nâng cao trình độ, khả năng và sức mạnh chiến đấu thường xuyên của lữ đoàn”. 

Trong khi đó, Thượng tá Trần Văn Dung, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 681, được trích lời nói: 

“Năm 2016, lữ đoàn tiếp tục huấn luyện sát với nhiệm vụ của đơn vị, sát với đối tượng tác chiến, sát với chiến trường, sát với phương án chiến đấu”. 

Một loạt các tờ báo trong nước cũng đã đăng lại bản tin cũng như hình ảnh do Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đăng tải hôm 11/8. 

Báo điện tử của Quốc hội Việt Nam viết: “Tổ hợp tên lửa bờ K-300P Bastion-P là hệ thống vũ khí bảo vệ bờ biển hiện đại nhất của nước ta hiện nay”.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng việc huấn luyện trên “nằm trong nỗ lực tăng cường phòng thủ của Việt Nam”. 

Cựu quan chức ngoại giao này nói thêm: 

“Việt Nam rất ít khi phô trương. Khi nào cần thiết thì mới tiến hành một cuộc tập trận như vậy. Nó mang tính tượng trưng. Quan điểm của Việt Nam là đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ ổn định an ninh phát triển của Việt Nam, đồng thời đóng góp vào ổn định của khu vực, theo phương châm của phương Đông là 'người nào biết lo cái lo ở xa thì không phải lo cái lo ở gần' đặt trong bối cảnh cuộc xung đột ở biển Đông”. 

Bản tin truyền hình ngắn có đoạn “nằm trong đội hình chiến đấu của Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn Tên lửa bờ của Vùng 2 Hải quân được trang bị những vũ khí, phương tiện hiện đại, luôn đặt ra các tình huống sát với thực tế, trong đó có các tình huống phức tạp”.

Tin tức về buổi huấn luyện được đăng tải trong bối cảnh tình hình biển Đông “dậy sóng” sau phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, và ít lâu sau khi hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng Việt Nam “bí mật” đưa các giàn rocket di động mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”.

Theo tiến sĩ Trường, các động thái mới của Việt Nam có thể là một chỉ dấu cho thế giới. Ông nói thêm: 

“Việt Nam muốn khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình. Cái này có thể là một tín hiệu gửi tới thế giới, trong đó có Trung Quốc, chứ không nhất thiết là với Trung Quốc. Nhưng mà rõ ràng vào thời điểm tế nhị này, nếu như người ta không có các đòn bẩy, thì rất dễ bị người khác lấn át, và người ta hiểu nhầm rằng thái độ xoa dịu lại là thái độ nhượng bộ hay là yếu”. 

Theo đánh giá của một dự án thuộc Viện nghiên cứu George C. Marshall ở Mỹ, Việt Nam “chú trọng nhiều tới phòng thủ duyên hải do tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở biển Đông”. 

Cơ quan này viết tiếp rằng tên lửa K-300P Bastion-P mua từ Nga cho phép hải quân Việt Nam “có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm, được thiết kế để đánh đắm tàu thuyền đối phương. Với tầm bắn lên tới 300 km, loại tên lửa này có thể đánh trúng các mục tiêu của Trung Quốc gần Đảo Hải Nam”. 

Viện nghiên cứu này viết rằng “tên lửa trên của Việt Nam có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc”. 

Việt Nam được coi là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trang bị tên lửa tấn công các mục tiêu trên bộ cho đội tàu ngầm và chiến hạm. - VOA
|
|

6.
Khách hàng có thể bị 'đổ lỗi' dù mất tiền

Ngân hàng Vietcombank nói quyền lợi của khách hàng mất 500 triệu “hoàn toàn được bảo vệ”, nếu xác định được lỗi không phải do khách hàng, thông tin chính thức từ Vietcombank cho biết.

Khách hàng tên Hoàng Thị Na Hương bị mất 500 triệu trong tài khoản vào đêm ngày 3/8 và rạng sáng 4/8 với nhiều giao dịch được thông báo qua tin nhắn điện thoại và email.

Báo chí tại Việt Nam dẫn lời Ngân hàng Vietcombank nói do khách hàng truy cập vào một website giả mạo và tự để lộ tài khoản của mình. Vietcombank cho biết đã khoanh giữ 300 triệu, còn 200 triệu đã bị rút khỏi tài khoản từ máy ATM tại Malaysia.

Vụ việc làm dư luận tại Việt Nam đặt câu hỏi về độ bảo mật khi sử dụng giao dịch ngân hàng qua mạng, cũng như quyền lợi của khách hàng ra sao khi bị mất tiền.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nghiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng nói về quan hệ ngân hàng – khách hàng khi có sự cố như vậy xảy ra: “Mọi thông tin quản lý là do ngân hàng nắm là chính.

"Nếu ngân hàng làm ăn bài bản, uy tín thì khách hàng có thể dựa vào, tin vào ngân hàng. Khi đấy ngân hàng có thể xác định lỗi chính xác là ở đâu.

"Nếu như lỗi hoàn toàn ở phía khách hàng, thì khả năng khách hàng sẽ bị chịu rủi ro rất lớn. Ngân hàng lúc đấy có thể hỗ trợ, giúp đỡ phần nào đấy thôi.

“Ngược lại nếu ngân hàng thừa nhận lỗi do mình gây nên, đương nhiên ngân hàng sẽ phải chịu bồi hoàn toàn bộ cho khách hàng.”

Nói về tính chất của việc bị mất cắp tài khoản và ứng xử của khách hàng, luật sư Đức nói những giao dịch qua mạng “rất dễ bị lợi dụng, diễn ra trong thời gian rất nhanh”.

“Bản thân khách hàng khi sử dụng các dịch vụ này cũng phải xử lý tương ứng. Chẳng hạn khi phát hiện dấu hiệu gian lận hoặc bị mất tiền thì phải ngay lập tức khóa tài khoản của mình lại nếu như sử dụng trên dịch vụ online. Còn nếu không phải báo ngay cho ngân hàng dừng, khóa và kiểm soát lại tài khoản đó," vị luật sư này nói với BBC.

'Thông tin một chiều' từ ngân hàng

"Hơn ai hết thì ngân hàng có thể ngăn chặn ngay được giao dịch tiếp theo còn sau đó mới xem lỗi thuộc về ai,” luật sư Đức nói.

“Còn nếu không thì khách hàng cũng chỉ biết khiếu nại, chỉ biết đề nghị, và cùng lắm chỉ biết đề nghị các cơ quan như ngân hàng nhà nước, cơ quan công an vào cuộc xem xét tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm ở đâu. Chứ còn là không thể kiểm soát, hoàn toàn không có những thông tin để biết được ngân hàng làm đúng sai thế nào ngoài những cái người ta công khai ra."

“Thường thông tin từ phía ngân hàng là một chiều,” luật sư này bình luận.

BBC hỏi nếu thông tin để xác định vụ việc chỉ hoàn toàn do ngân hàng cung cấp như vậy, liệu có xảy ra rủi ro khách hàng chịu thiệt không, vị luật sư này cho biết là “hoàn toàn có thể”.

Ông nói: “Có nhiều vụ việc đã có kết luận của ngân hàng hoặc ngay cơ quan pháp luật kết luận là khách hàng chịu trách nhiệm. Thế nhưng dư luận không khỏi nghi ngờ khi không có một cơ quan trung gian, không có người nào ở giữa để xác định thực sự là lỗi ở đâu cho nên khách hàng vẫn cứ nghi ngờ, kể cả khi khách hàng có lỗi đi nữa, họ vẫn không yên tâm.”

“Quan trọng nhất như trong trường hợp này, là có lẽ cần phải quy định một cơ quan nào đó có trách nhiệm trong việc phân xử, kiểm tra, giám sát hoạt động của ngân hàng để có thể đảm bảo được quyền lợi của ngân hàng cũng như là khách hàng.”

“Về lý, chỉ có sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước về an toàn ra sao, thực hiện nguyên tắc luật lệ bảo mật thông tin thế nào. Nhưng trên thực tế thì không thấy vai trò phân xử xác định rõ thế nào. Đôi khi cũng có đánh giá, nhìn nhận của Ngân hàng Nhà nước, nhưng nó cũng không mô tả rõ là đúng và sai như thế nào nên vẫn không xóa tan được nghi ngờ với người gửi tiền.”

Luật sư này cũng khuyên người gửi tiền phải “đặc biệt chú ý” nếu xảy ra sự việc như vụ mất 500 triệu của bà Na Hương.

'Đổ hết lỗi cho khách hàng'?

Ông giải thích: “Thường là quy định của pháp luật, cũng như điều khoản trong hợp đồng các ngân hàng đưa ra đều có những câu bên nào có lỗi, vô ý, cố ý để lọt thông tin để lộ bí mật dẫn đến mất tiền thì bên đấy chịu trách nhiệm.Khách hàng cũng vậy, ngân hàng cũng vậy.”

“Cho nên khách hàng phải đặc biệt chú ý khi mình để lộ bí mật thông tin thì, mặc dù theo như nguyên tắc giao dịch đảm bảo an toàn cuối cùng cho khách hàng là kể cả lộ bí mật thông tin, kẻ gian vẫn không lấy được tiền.

"Nhưng chỉ cần một vi phạm như thế thì rất có thể ngân hàng dựa vào cái lý do đó, có nguy cơ sẽ đổ hết lỗi cho khách hàng nếu như ngân hàng không thiện chí.”

'Giữ hình ảnh'

Có kinh nghiệm nhiều năm làm pháp chế ngân hàng, luật sư Đức cho biết những vụ việc tương tự như Vietcombank cũng “xảy ra tương đối nhiều” nhưng “các ngân hàng cũng hay chấp nhận bồi thường cho khách hàng vì ít nhiều cũng có lỗi và để giữ hình ảnh của mình trên thị trường.

“Cho nên bình thường cũng ít thấy xuất hiện tranh chấp như thế này,” ông bình luận.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, sáng ngày 16/8, Ngân hàng Vietcombank đã phát đi thông cáo "thay đổi dịch vụ Smart OTP" – đây cũng là dịch vụ đang ở tâm điểm của tranh luận về vụ mất 500 triệu của khách hàng.

BBC nhận được thông tin chính thức từ ngân hàng Vietcombank cho biết “vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra để nhanh chóng tìm nguyên nhân thực sự, truy tìm tội phạm và tập trung thu hồi tài sản cho khách hàng.” - BBC
|
|

7.
Các cựu tổng bí thư 'đều được bảo vệ'

Dự thảo Luật Cảnh vệ đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận quy định các nhân vật từng nằm trong "tứ trụ" đều được "bảo vệ tiếp cận".

Đó là các vị từng giữ các chức vụ Tổng bí thư Đảng CSVN, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các nhân vật đương quyền được bảo vệ tiếp cận, tức có cảnh vệ luôn đi kèm cùng nhiều biện pháp bảo vệ khác, bao gồm: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN, Bí thư Trung ương Đảng CSVN, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng, Chánh án Tòa án Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao.

Các vị này còn được cảnh vệ vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở và nơi làm việc.

Riêng "tứ trụ" đương quyền được kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, các tác nhân khác; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng.

Các lãnh đạo này "khi đi công tác trong nước, ngoài nước bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng, đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; khi đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường hộ tống bảo vệ", theo dự thảo Luật Cảnh vệ.

Sỹ quan và chiến sỹ cảnh vệ trong khi thực hiện nhiệm vụ được mang theo và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; được nổ súng trong những trường hợp cần thiết.

Bộ trưởng có được bảo vệ?

Báo Việt Nam tường thuật phiên thảo luận về Luật Cảnh vệ cho hay Bộ Công an đề xuất bên cạnh Chánh án Tòa Tối cao và Việt trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, đưa chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào danh sách các đối tượng được bảo vệ.

Lý do họ là "những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao".

Tuy nhiên, đề xuất bổ sung bộ trưởng ngoại giao vào danh sách gặp một số phản đối.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được dẫn lời nói "không nhất thiết mở rộng đối tượng cảnh vệ vì nếu đưa Bộ trưởng Ngoại giao vào nhóm các đối tượng bảo vệ thì trong hoàn cảnh khác, các Bộ trưởng khác sẽ thế nào, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao đã cơ cấu ủy viên Bộ Chính trị rồi?"

Báo Dân Trí hé lộ vị trí ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN được bảo vệ ngày đêm 24/24. Phó Chủ tịch nước Tòng Thị Phóng có hai cảnh vệ với chức danh đại tá, bảo vệ bà đã hơn 15 năm nay.

Bà Phóng được dẫn lời nói công việc của các cảnh vệ riêng "rất gian khó". Bà nói: "Riêng khoản phải uống rượu đã đủ chết, chị không uống được thì các em phải uống thay, trong khi yêu cầu công việc luôn phải tỉnh táo".

Bà Tòng Thị Phóng cũng chia sẻ nhiều khi bà và người trong gia đình phải trốn cảnh vệ để đi chợ. - BBC

No comments:

Post a Comment