Saturday, August 20, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 20/8

Tin Thế Giới

1.
Chiến đấu cơ Hoa Kỳ chặn phi cơ Syria

Phi cơ chiến đấu của Hoa Kỳ được huy động tới thành phố Hassakeh để bảo vệ lực lượng đặc nhiệm trên mặt đất của Mỹ khỏi không kích của quân chính phủ Syria, quan chức quân đội Mỹ cho biết.

Ngũ Giác Đài thông báo máy bay của Syria đã quay đi khi chiến đấu cơ của Hoa Kỳ tới.

Người dân ở thành phố phía Đông Bắc Syria nói phi cơ chiến đấu của chính quyền tấn công vào các khu vực của người Kurd trong hai ngày qua. Hàng ngàn người được cho là đã đi di tản.

Hassakeh chủ yếu vẫn dưới sự kiểm soát của dân quân người Kurd (YPG).

Điều gì đã xảy ra?

Thứ sáu 20/08 là ngày thứ hai máy bay chiến đấu của chính quyền Syria ném bom vào các khu vực có người Kurd sinh sống ở Hassakeh.

Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ nhanh chóng cho triển khai máy bay chiến đấu nhằm bảo vệ một số lính đặc nhiệm trong khu vực này, nhưng không tấn công do phi cơ của Syria đã quay đầu và rời đi sau khi phía Hoa Kỳ xuất hiện.

Đa số các khu vực ở Hassakeh vẫn chịu sự kiểm soát của dân quân người Kurd, YPG.

Lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ là những ai và đang làm gì ở Syria?

Lực lượng đặc nhiệm là đội quân chống khủng bố tinh nhuệ, với các kỹ năng đặc biệt, thường hoạt động bí mật. Hoa Kỳ có 300 quân đặc nhiệm ở Syria, đa số được điều động trong vài tháng gần đây.

Lực lượng này hỗ trợ dân quân địa phương, trong đó có YPG, nhằm đấu tranh chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Vì sao chuyện này quan trọng?

Cả Hoa Kỳ và Syria không nổ phát súng nào, nhưng vụ việc cũng đủ nghiêm trọng để trở thành mối đe dọa đối với lực lượng của Hoa Kỳ trên mặt đất, khiến bộ máy quân sự của quân liên minh lập tức hành động. Tuy nhiên, đây được cho là lần đầu tiên sự việc này xảy ra.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, ông Jeff Davis nói theo những gì ông được biết, nhiệm vụ hôm thứ Năm là lần đầu tiên phi cơ của liên minh quần thảo ở khu vực nhằm phản hồi một vụ việc liên quan tới đợt thả bom của chính phủ Syria.

Hoa Kỳ đã không liên lạc không lưu với phi cơ Syria.

Ông Davis nói với phóng viên rằng Hoa Kỳ đã cảnh báo Syria qua các kênh liên lạc với Nga về việc sẽ bảo vệ các toán quân liên minh.

Ông cho biết, các vụ không kích “không ảnh hưởng trực tiếp tới lực lượng của chúng tôi” nhưng cũng “đủ để khiến chúng tôi phải tạm dừng”.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thông qua việc điều động quân đặc nhiệm tới Syria nhằm hỗ trợ dân quân trong cuộc chiến chống IS, nhưng ông cũng nhiều lần từ chối gửi bộ binh tham chiến.

Trong thông cáo trên truyền hình Syria vào tối thứ Sáu, tổng chỉ huy của quân đội Syria cáo buộc lực lượng người Kurd “tấn công các cơ quan nhà nước, lấy trộm dầu khí và bông, ngăn trở thi cử, bắt cóc dân thường không vũ trang và gây bất ổn, lộn xộn.”

Những hành động này cần được quân đội phản ứng, thông báo viết.

Một phóng viên người Kurd ở Hassakeh, ông Heybar Othman nói với BBC rằng, đây là lần đầu tiên chính quyền Syria dùng tới sức mạnh không quân ở thành phố này.

“Lúc này trong thành phố không có điện, không có bánh mỳ,” ông nói.

“Chúng tôi chưa có số liệu cụ thể về tổn thất nhân mạng, nhưng khoảng 12 dân thường đã thiệt mạng và hơn 33 người bị thương.”

YPG nổi lên là lực lượng chiến đấu chính ở Bắc Syria từ hai năm qua, trở thành đồng minh chính của liên minh do Hoa Kỳ dẫn dắt chống lại IS.

Người Kurd chiếm 7% – 10% của 24,5 triệu dân Syria, trước khi diễn ra cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad cách đây năm năm.

Tuy những người này không được hưởng quyền cơ bản và bị đàn áp chính trị trong suốt nhiều thập kỷ dưới chế độ chính quyền của người Ả Rập, đa số người Kurd vẫn tránh chọn đứng về bất kỳ phe nào khi làn sóng biểu tình lan rộng khắp cả nước.

Khi lực lượng chính quyền rút khỏi các khu vực của người Kurd để tập trung vào chiến đấu chống quân nổi dậy ở những nơi khác, giai đoạn giữa năm 2012, dân quân người Kurd do YPG dẫn dắt đã nắm kiểm soát trong một thời gian ngắn. - BBC
|
|

2.
Xung đột sắc tộc Miến Điện: Aung San Suu Kyi nhờ Bắc Kinh giúp

Hôm qua 19/08/2016, trong chuyến công du Trung Quốc, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi đã gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bà Aung San Suu Kyi yêu cầu chính quyền Trung Quốc hỗ trợ trong việc tìm ra giải pháp chấm dứt các xung đột với nhiều sắc tộc tại vùng biên giới, giáp với Trung Quốc.

Thông tín viên Rémy Favre tường trình từ Rangoon:

"Trong chuyến công du mang tính chuẩn bị này, Aung San Suu Kyi cần được hậu thuẫn. Hiện tại, nhiều nhóm sắc tộc nổi dậy Miến Điện đang chống lại quân đội tại các vùng biên giới, đặc biệt là phía bắc, suốt dọc theo biên giới với Trung Quốc. Một số thủ lĩnh nổi dậy thậm chí còn ẩn náu trên đất Trung Quốc. Kể từ đầu tháng đến nay, các đụng độ giữa lực lượng nổi dậy Kachin và quân đội, tại các khu vực không xa đất Trung Quốc, đã buộc khoảng 1.500 người phải bỏ nhà ra đi. Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi biết rằng chìa khóa để giải quyết các xung đột này một phần do Bắc Kinh quyết định. 

Sự ủng hộ mà bà Aung San Suu Kyi tìm kiếm trong chuyến công du tuần này ở nước láng giềng hùng mạnh lại càng trở nên quan trọng hơn, vào lúc Aung San Suu Kyi vừa khởi động tiến trình hòa bình trong tháng 8 này. Mười ngày nữa sẽ diễn ra một hội nghị lớn về hòa bình, với các bên tham gia là các nhóm nổi dậy tại Miến Điện, quân đội và chính phủ. 

Về phần mình, chủ tịch Trung Quốc hứa hẹn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Đại sứ Trung Quốc tại Miến Điện cũng đã cam kết ủng hộ về tài chính và vật lực cho các nỗ lực hòa bình tại Miến Điện".

Trong chuyến công du của ngoại trưởng Miến Điện, Trung Quốc một mặt tuyên bố ủng hộ tiến trình hòa bình tại Miến Điện, mặt khác cũng gây áp lực để chính phủ Miến Điện phải cho khởi động lại dự án xây đập thủy điện khổng lồ Myitsone, bị đình chỉ từ năm 2011, do sự phản đối mạnh mẽ trong công luận Miến Điện. AFP hôm nay, 20/08, trích nhận định trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc, theo đó, "việc tái khởi động dự án này chỉ còn là vấn đề thời gian".

Đập Myitsone: Trung Quốc gây áp lực 

Nếu được xây dựng, dự án đập Myitsone, công suất 6.000 MW – dự kiến cung cấp 90% lượng điện sản xuất sang Trung Quốc – sẽ làm ngập hơn 700 km², ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân, chưa kể các tác động hết sức lớn đến địa chất, làm tăng nguy cơ động đất, núi lở. Nhiều phương tiện truyền thông Miến Điện gần đây cảnh báo: Chấp thuận dự án Myitsone là hành động "tự sát về chính trị" đối với tân chính quyền Miến Điện. Trong chuyến công du vừa qua tại Trung Quốc, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tuyên bố một ủy ban sẽ xem xét dự án đập Myitsone, nhưng không cho biết cụ thể.

Theo Reuters, hôm qua 19/08, một nhóm gồm 60 tổ chức xã hội dân sự Miến Điện tại Rangoon đã gửi thư đến chủ tịch Trung Quốc, thông qua đại sứ quán Trung Quốc tại Miến Điện. Bức thư nhấn mạnh với phía Trung Quốc rằng, kể từ khi dự án đập thủy điện khổng lồ nói trên được xây dựng, nhân dân Miến Điện "đã chưa bao giờ thực sự được hỏi ý kiến". - RFI
|
|

3.
Bắc Triều Tiên ráo riết truy lùng quan chức đào thoát ở châu Âu --- Quan chức Bắc Triều Tiên đào tẩu với 400 triệu đô la

Chỉ hai ngày sau khi có tin nhân vật số hai của đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Luân Đôn đào thoát, hôm qua 19/08/2016 báo chí Hàn Quốc lại loan tin một quan chức cao cấp khác của chế độ Bình Nhưỡng bỏ trốn. Quan chức này làm việc ở châu Âu và dường như đặc trách về nguồn tài chính cho chế độ Kim Jong Un. Bắc Triều Tiên đang ráo riết truy lùng quan chức này.

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình:
"Cuộc đào thoát này là một vố đau mới đối với chế độ Kim Jong Un và nguồn tài chính của chế độ này. Theo báo chí Hàn Quốc, kẻ đào thoát đã làm việc ở châu Âu từ 20 năm nay, cụ thể là làm việc cho "Phòng 39", một cơ quan bí mật của đảng cầm quyền ở Bắc Triều Tiên, đặc trách việc cung cấp ngoại tệ cho các lãnh đạo Bình Nhưỡng.

Nhật báo DongA Ilbo khẳng định là quan chức cao cấp nói trên đã đào thoát vào tháng 6, mang theo hàng trăm triệu đôla, cho nên chế độ Bình Nhưỡng đang ráo riết săn lùng nhân vật này khắp nơi. Kẻ đào thoát dường như đang tỵ nạn tại một nước châu Âu chưa được xác định, cùng với hai con trai.

"Phòng 39" đã bị Mỹ cáo buộc tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp như buôn ma túy. Cuộc đào thoát của một trong những nhân viên của cơ quan này là một dịp may hiếm có đối với các cơ quan tình báo phương Tây.

Sau khi bị các biện pháp trừng phạt mới của quốc tế vào tháng Ba, Bắc Triều Tiên nay lại gặp tình trạng các nhà ngoại giao đua nhau đào thoát. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, vào năm ngoái, 10 người trong số họ đã chạy sang miền Nam Triều Tiên, và từ đầu năm đến nay, số nhà ngoại giao đào thoát cũng tương đương."

Trong khi đó, hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay khẳng định rằng nhà ngoại giao đào thoát sang Hàn Quốc là một "tên tội phạm", đã bỏ trốn để tránh những hình phạt do nhiều tội khác nhau, trong đó có tội hiếp dâm trẻ em. Tuy KCNA không nêu tên nhà ngoại giao này, nhưng hôm thứ tư vừa qua Seoul cho biết tham tán đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Luân Đôn Thae Yong Ho đã đào thoát và đến Hàn Quốc cùng với gia đình. - RFI

***
Tiếp theo vụ tham tán sứ quán Bắc Triều Tiên tại Anh chạy sang Hàn Quốc, truyền thông Hàn Quốc, ngày 19/08/2016, loan tin thêm một giới chức nước này đào nhiệm, mang theo một lượng tiền lớn.

Theo báo chí Hàn Quốc, giới chức Bắc Triều Tiên nói trên làm việc tại Liên Hiệp Châu Âu, có nhiệm vụ quản lý một quỹ đen ngoại tệ mạnh. Báo Dong-A Ilbo cho biết nhân vật này đã biến mất hồi tháng 06/2016 cùng với 400 triệu đô la và Bình Nhưỡng đang tổ chức chiến dịch săn lùng quy mô lớn.

Theo báo Hàn Quốc, nhân vật nói trên thuộc văn phòng 39, một tổ chức bí mật của đảng cầm quyền Bắc Triều Tiên, có nhiệm vụ quản lý quỹ đen để phục vụ các lãnh đạo cao cấp của chế độ. Vẫn theo báo Dong A-Ilbo, nhân vật đào tẩu hiện đang được chính quyền một nước châu Âu "bảo vệ".

Trong khi đó, theo Yonhap, giới chức này đã mất tích hồi năm 2015. Cả Dong A-Ilbo và Yonhap đều cho biết lãnh đạo quỹ đen của Bình Nhưỡng đã làm việc tại châu Âu từ 20 năm nay. Theo Yonhap, người này từng xin tị nạn tại Mỹ, nhưng bị từ chối.
|
|

4.
7 người Campuchia kiện các công ty hải sản Mỹ vì bị 'lừa để sống như nô lệ lao động'

Một thẩm phán ở California đã ra lệnh cho các luật sư đại diện cho hai công ty hải sản Mỹ ra hầu toà sau khi đơn khởi tố được đệ nạp thay mặt cho 7 người Campuchia khiếu kiện việc “họ bị lừa đảo để phải sống cuộc đời như nô lệ lao động trong các công ty đánh bắt cá nước ngoài” cung cấp sản phẩm cho hai công ty bị khiếu kiện.

Các nạn nhân gồm 5 người đàn ông và hai phụ nữ, đã đâm đơn kiện các công ty đăng ký hoạt động ở Mỹ là Rubicon Resources and Wales & Co. Universe, và các công ty Thái Lan Phatthana Seafood Co. và S.S. Frozen Food Co. vào ngày 15/6. Trong hồ sơ kiện, bên nguyên đơn nói họ đã bị lừa đảo để vào làm việc cho các công ty vừa nêu và đã trải qua hai năm bị “cưỡng bức lao động, nô lệ” trong những năm từ 2010 tới 2012.

Theo đơn kiện, tập đoàn Walmart có trụ sở ở Mỹ có tên trong danh sách các khách hàng mua tôm xuất khẩu của công ty Thái Lan Phatthana.

Thẩm phán John F. Walter ra lệnh cho các luật sư phải ra hầu toà vào ngày 19/9 để trình lập luận của họ, chưng ra chứng cứ và giải trình trường hợp này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Trump với cử tri Mỹ gốc Phi: 'mất mát gì khi bầu cho tôi?'

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump hôm thứ Sáu đã tìm cách thuyết phục cử tri Mỹ gốc Phi hãy ngoảnh mặt với bà Hillary Clinton, nói rằng các chính khách Đảng Dân chủ như bà Clinton xem thường cử tri da đen bởi vì họ cầm bằng như đã nắm chắc lá phiếu của họ trong tay.

Đọc diễn văn tại Dimondale, bang Michigan, ông Trump đơn cử thành phố Detroit, nằm cách Dimondale khoảng 150 km về hướng Đông, như một thí dụ về cách thức mà Đảng Dân chủ đã bỏ rơi các khu vực thành thị như thế nào.

“Hãy nhìn vào những sự gian khổ mà các cộng đồng Mỹ gốc Phi đã phải chịu đựng dưới quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ,” ông Trump nói. Ông cho rằng 40% cư dân thành phố Detroit đang sống trong cảnh nghèo túng và phân nửa thành phố này đang lâm vào cảnh thất nghiệp. Ông nói cách duy nhất để thay đổi tình trạng này là phải thay đổi lãnh đạo.

Ông phát biểu:

“Đối với những người đang gánh chịu hậu quả, tôi sẽ nói: quý vị mất mát gì khi thử một điều gì đó mới, chẳng hạn như (bầu cho tôi), Trump?”

Ông nói tiếp:

“Quý vị đang sống trong nghèo túng, các trường học của không tốt, quý vị không có việc làm, 58% giới trẻ thất nghiệp, thử hỏi quý vị mất mát gì chứ?”

Ông Trump quy lỗi về những khó khăn kinh tế phần lớn cho các hiệp định thương mại tự do, một chủ đề thường xuyên được đề cập trong các bài diễn văn vận động của ông.

Ông còn tố cáo bà Hillary Clinton là muốn trao công việc làm ăn cho những người tị nạn thay vì cho thanh niên da đen, thành phần mà theo ông Trump “đã trở thành những người tị nạn ngay trên đất nước của họ.”

Bà Hillary Clinton phản ứng bằng cách tải lại một trích đoạn trong bài diễn văn của ông Trump, rồi kèm theo bình luận “những lời lẽ này thiếu hiểu biết đến mức làm ta kinh ngạc.”

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump còn phải cố gắng rất nhiều để làm lành với cử tri da đen, bởi vì mức độ ủng hộ dành cho ông trong thành phần dân số này xê dịch nhưng không bao giờ vượt quá một con số.

Hôm thứ Sáu ông Trump hứa rằng vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông, “bảo đảm ông sẽ chiếm được 95% phiếu của cử tri Mỹ gốc Phi”.

Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump đã từ chức, theo một  thông báo công bố hôm qua, (thứ Sáu 19/8).

Vai trò của ông Manafort đã suy giảm trong tuần sau khi ông Trump mướn một Giám Đốc và quản trị viên mới để điều hành chiến dịch tranh cử hầu có thể lật ngược sự tuột dốc trong mức ủng hộ dành cho ông Trump đã khiến các lãnh đạo Đảng Cộng hoà vô cùng lo lắng.

Ông Manafort còn là nhân vật chính trong các bản tin tường trình về việc làm của ông giúp cựu Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych mà theo cáo buộc, có liên quan tới các khoản chi trả bí mật lên tới hàng triệu đôla. Manafort đã bác bỏ cáo buộc cho rằng ông đã nhận bất cứ khoản tiền mặt nào không được ghi trong sổ sách kế toán.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết chính ông Manafort đã đề nghị từ chức và ông Trump chấp nhận đề nghị đó.

Ông Trump ngỏ lời cảm ơn sự giúp đỡ của ông Manafort trong Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hoà, và ca ngợi ông Manafort “thực sự là một nhà chuyên nghiệp”.

Sáng sớm hôm qua, ông Donald Trump đi thăm các khu vực bị ngập lụt ở bang Louisiana ở miền Nam nước Mỹ trong ngày thứ Sáu. Ông Trump và người đứng chung liên danh Đảng Cộng hoà, ứng cử viên Phó Tổng thống Mike Pence tiến vào các khu vực bị lụt tàn phá bên ngoài thành phố Baton Rouge, thủ phủ bang Louisiana. Video quay chuyến tham quan của hai ông chiếu cảnh ông Trump tiếp tay dỡ các gói hàng cứu trợ xuống từ một xe tải.

Thống đốc Luoisiana, John Bel Edwards, một đảng viên Đảng Dân chủ, nói ông không được báo về chuyến thăm của ông Trump và hy vọng rằng Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà không có mặt trong thành phố chỉ vì cơ hội được chụp ảnh ở đây.

Đối thủ của ông Trump, bà Hillary Clinton cho hay bà cũng đã tiếp xúc với ông Edwards và kêu gọi các ủng hộ viên hãy đóng góp tiền bạc cho các nỗ lực cứu trợ ở Luoisiana.

Nạn lụt tệ hại chưa từng thấy đã làm thiệt mạng 13 người, hàng trăm ngàn người phải sơ tán. Ước lượng 40,000 căn nhà đã bị hư hại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Video ca nhạc bị Việt Nam đề nghị kiểm tra

Video ca nhạc của một nữ ca sỹ tại Việt Nam bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra văn bản đề nghị kiểm tra vì có nội dung “trái thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Ca sỹ Hương Giang, thường được biết đến với nghệ danh Hương Giang Idol, dự định phát hành video ca nhạc "Em không hối tiếc" hôm 24/8 trên kênh YouTube của cô.

Báo Zing hôm 20/8 dẫn lời nữ ca sỹ: “Tôi phải xin lỗi các bạn nào chưa đủ 18 tuổi sẽ không được xem MV [video ca nhạc]. Vì trong đó 90% là những cảnh nóng”.

Văn bản của Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch do Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương ký hôm 18/8, gửi Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh viết:

“Cục tiếp nhận thông tin phản ánh về việc ca sĩ Nguyễn Hương Giang quay, phát hành video ca nhạc ‘Em không hối tiếc’ với nội dung, hình ảnh trái với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

“Cục đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở pháp lý của việc phổ biến, lưu hành bản ghi hình nói trên và có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định hiện hành”.

'Tuýt còi'

Hôm 20/8, BBC liên hệ với ca sỹ Hương Giang nhưng một trợ lý của cô cho hay cả êkip đang bận họp xử lý vụ việc nên chưa trả lời báo chí.

Các báo Việt Nam tường thuật về vụ việc này trong cùng ngày, viết rằng video ca nhạc của Hương Giang bị "sờ gáy, tuýt còi".

"Thuần phong mỹ tục" là khái niệm thường được cơ quan quản lý văn hóa tại Việt Nam áp dụng trong nhiều trường hợp với các nghệ sỹ, người mẫu nhưng gây tranh cãi về mức độ thế nào là được cho là vi phạm.

Mới đây, Sở Văn hóa - Thể Thao Hà Nội xử phạt một siêu thị điện máy 6 triệu đồng vì "đưa người mẫu vào lồng kính để quảng cáo điện thoại gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục".

Tháng 5/2016, nhân viên một siêu thị điện máy tại Hà Nội cũng bị Sở Văn hóa - Thể thao phạt 40 triệu đồng vì “vi phạm quảng cáo trái với thuần phong mỹ tục” khi thuê 5 cô gái mặc bikini đón khách và tiếp thị sản phẩm tại siêu thị. - BBC

No comments:

Post a Comment