Tuesday, December 1, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 1/12

Tin Thế Giới

1.
COP21: Lãnh đạo thế giới kêu gọi cứu trái đất --- TT Obama kêu gọi hành động chung về biến đổi khí hậu --- Các công ty Mỹ cam kết hành động chống biến đổi khí hậu

Tại buổi khai mạc Hội nghị về Khí hậu COP21 ngày hôm qua 30/11/2015, các nhà lãnh đạo thế giới lần lượt kêu gọi hành động khẩn cấp để chống tình trạng trái đất đang nóng lên.

Mở đầu buổi lễ khai mạc, 150 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi… đã dành một phút im lặng tưởng niệm các nạn nhân trong loạt thảm sát tại Paris.

Tổng thống nước chủ nhà François Hollande nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu là hai thách thức toàn cầu cần phải đối mặt.

Mở đầu bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama công nhận Hoa Kỳ là nước gây ô nhiễm thứ hai thế giới (sau Trung Quốc). Tuy nhiên, ông vẫn tránh dùng từ “một thỏa thuận mang tính ràng buộc” về mặt pháp lý.

Trong khi đó, thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh ưu tiên của New Delhi tại thời điểm này là phát triển kinh tế, cung cấp điện cho 350 triệu dân. Đồng thời, cộng động quốc tế phải tạo cơ hội cho các nước nghèo tăng trưởng và không thể áp đặt việc chấm dứt sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch.

Còn Tổng thống Bolivia, ông Evo Morales, thuộc đảng xã hội, đã chỉ trích gay gắt nền kinh tế tự do kiểu mới và các chính sách của Mỹ. Ông cũng kêu gọi thành lập một toàn án về biến đổi khí hậu để xét xử những nước không tôn trọng cam kết. - RFI

***
Hôm 30/11, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “cố gắng đáp lại thách thức” trong cuộc chiến chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, khi ông phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh của LHQ về khí hậu tại Paris. Tháp tùng Tổng thống đến thủ đô Pháp, còn đang rúng động sau những vụ tấn công khủng bố ngày 13 tháng 11, thông tín viên VOA Aru Pande ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau khi đáp xuống Paris, Tổng thống Obama đã tuyên dương những người thiệt mạng khi các phần tử Nhà nước Hồi giáo nổ súng vào những người dự buổi hòa nhạc ở nhà hát Bataclan cách đây 3 tuần.

Sau đó trong ngày thứ Hai, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ca ngợi nhân dân Paris đã kiên quyết tổ chức hội nghị khí hậu của LHQ sau khi xảy ra vụ tấn công.

“Một hành động thách thức chứng tỏ rằng không có gì ngăn cản được chúng ta xây dựng tương lai mà chúng ta mong muốn cho con cháu chúng ta.”

Bàn luận về một tương lai với lượng khí carbon thấp đã chiếm ngự hội nghị, với lời ông Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đạt được một thỏa thuận dài hạn về khí hậu với các mục tiêu được cập nhật thường xuyên – chứ không phải chỉ là một giải pháp nhất thời.

“Một trong những kẻ thù mà chúng ta sẽ chống lại tại hội nghị này là sự bi quan, khái niệm cho rằng chúng ta không làm gì được để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.”

Bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông Obama đã dành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo những nước thải nhiều khí carbon nhất trên thế giới.

Tỷ như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình:

“Chúng tôi đã xác định rằng hành động là trách nhiệm của chúng tôi.”

Và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi:

“Chúng tôi đồng ý rằng Paris phải thừa nhận và bảo vệ khả năng của những nước như Ấn Độ theo đuổi các ưu tiên về phát triển, tăng trưởng, và xóa nghèo.”

Tổng thống Obama cũng đã mở các cuộc họp kín với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông lập lại sự cần thiết của việc Nga tái tập trung nỗ lực tại Syria nhắm vào Nhà nước Hồi giáo, chứ không phải phe đối lập ôn hòa.

Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia tại Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes nói:

“Trong nhiều tuần qua, chúng ta đã thấy nỗ lực của Nga nhắm mục tiêu vào ISIL, trong khi trước đó có rất ít. Tuy nhiên, chúng ta cũng tiếp tục chứng kiến các hoạt động của Nga nhắm mục tiêu vào các thành phần khác thuộc phe đối lập.”

Tổng thống Obama cũng kêu gọi xuống thang giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Ankara bắn rơi một chiếc máy bay phản lực của Nga, một điểm mà các giới chức Tòa Bạch Ốc nói là tổng thống sẽ tái khẳng định trong các cuộc đàm phán với đối tác phía Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày hôm nay. - VOA

***
Tòa Bạch Ốc cho biết 73 công ty Mỹ cam kết hậu thuẫn cho những hành động chống biến đổi khí hậu.

Các mục tiêu, được loan báo tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Khí hậu ở Paris, đòi hỏi các công ty giảm lượng khí thải 50%, giảm lượng nước tiêu thụ 80% và mua 100% năng lượng tái tạo.

Cũng trong ngày hôm nay, Tổng thống Pháp Francois Hollande loan báo nước ông sẽ viện trợ 2,1 tỉ đô la cho các nước Phi châu để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế nhiên liệu hoá thạch.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay gặp gỡ một nhóm những đảo quốc nhỏ ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bị tác động bởi biến đổi khí hậu, và ông đã nói tới việc những nước này dễ bị tổn thương vì mực nước biển dâng cao.

Ông Obama nói các đảo quốc này có thể không đông dân và không mạnh về quân sự, nhưng họ “có quyền có phẩm giá và một cảm giác về nơi chốn.” Ông nói thêm rằng thượng đỉnh Paris không thể chỉ “phục vụ cho quyền lợi của những nước mạnh nhất.”

Hôm qua, nhiều vị nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị đã tán thành những hành động bảo vệ và phục hồi rừng.

Brazil và Na Uy tuyên bố họ sẽ nới rộng chương trình hợp tác để bảo vệ rừng nhiệt đới ở Brazil, và Anh, Đức và Na Uy loan báo mục tiêu cung cấp 1 tỉ đô la mỗi năm trong 5 năm tới để khuyến khích những nước theo đuổi chỉ tiêu giảm khí thải do Liên Hiệp Quốc đề ra.

Colombia cũng loan báo họ sẽ thực thi những kế hoạch “tăng trưởng xanh” với sự trợ giúp của Anh, Đức và Na Uy. - VOA
|
|

2.
Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ quốc tế --- Giá trị quốc tế thực sự của đồng tiền Trung Quốc lệ thuộc vào cải tổ --- Kinh tế Đài Loan rơi vào suy thoái

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tham gia giỏ các đồng tiền dự trữ chính của tổ chức này.

Hiện nay chỉ có đồng đô la Mỹ, euro, yen và bảng Anh đang ở trong nhóm này.

IMF cho biết nhân dân tệ ''đáp ứng tất cả các tiêu chí hiện nay'' và nên trở thành một phần của giỏ các loại tiền tệ chính vào tháng 10 năm 2016.

Giám đốc IMF Christine Lagarde nói rằng đây là "một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc vào hệ thống tài chính toàn cầu".

Bà nói thêm đó cũng là sự công nhận các tiến bộ mà nhà chức trách Trung Quốc đã đạt được trong những năm qua trong nỗ lực cải cách hệ thống tiền tệ và tài chính của Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ sẽ tạo nên một phần của Quyền rút Vốn Đặc biệt của IMF (SDR) - một tài sản được IMF tạo ra, đóng vai trò gần như là một loại tiền tệ.

SDR được sử dụng cho các giao dịch giữa các ngân hàng trung ương và IMF, và được sử dụng để quyết định các khoản vay hỗn hợp như khi Hy Lạp nhận hỗ trợ tài chính từ IMF.

Việc thay đổi cuối cùng được thực hiện trong giỏ tiền tệ này là vào năm 2000, khi đồng euro thay thế đồng franc của Pháp và đồng mark của Đức.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ và vào năm ngoái Bắc Kinh đề nghị để nhân dân tệ trở thành một đồng tiền dự trữ. - BBC

***
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc đã được  IMF chính thức công nhận là một ngoại tệ chủ chốt của thế giới, ngang hàng với đồng Đô la Mỹ hay đồng Euro Châu Âu. Tuy nhiên,  điều đó hoàn toàn không có nghĩa là đồng Yuan -nhân dân tệ sẽ đương nhiên trở thành ngoại tệ quốc tế.

Vào hôm qua, 30/11/2015, như vậy là Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã chính thức công nhận rằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc là một ngoại tệ chủ chốt của thế giới, ngang hàng với đồng Đô la Mỹ hay đồng Euro Châu Âu… Hệ quả tất yếu của quyết định nói trên là việc sử dụng đồng Yuan làm phương tiện thanh toán ngoài Trung Quốc sẽ gia tăng, vị trí của đồng tiền Trung Quốc trong tư cách là ngoại trệ dự trữ của các ngân hàng trung ương sẽ được đôn lên. Tuy nhiên, theo giới phân tích, vai trò ngoại tệ quốc tế của đồng Yuan chỉ thực sự phát triển nếu đồng tiền này được hoán đổi tự do, và nếu Trung Quốc tiến hành các cải tổ tài chánh cần thiết.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, quyết định của IMF công nhận tính chất quốc tế của đồng nhân dân tệ sẽ khuyến khích ngân hàng trung ương của các nước, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, đẩy mạnh việc đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối của mình, bằng cách mua trái phiếu Trung Quốc, không chỉ tập trung trên Đô la hay Euro. Hiện nay, theo AFP, đã có khoảng 30 ngân hàng trung ương có thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ với Trung Quốc.

Theo ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia về chiến lược của ngân hàng Pháp Crédit Agricole: "Các ngân hàng trung ương không bị buộc phải căn cứ vào cấu tạo của giỏ tiền tệ của IMF, nhưng trong thực tế, họ thường dựa trên cơ sở đó. Trường hợp đồng nhân dân tệ có lẽ cũng như vậy".

Chuyên gia này ước tính là trong vòng sáu năm, tỷ trọng của đồng Yuan trong các kho dự trữ ngoại tệ có thể tăng từ 1,4% hiện nay lên khoảng từ 4,7% đến 10%", có nghĩa là sẽ có khoảng 110 tỷ đô la nhân dân tệ được mua vào hàng năm.

Thế nhưng, đà vươn lên của đồng Yuan trên trường quốc tế không thể diễn ra trong "một sớm một chiều", theo như nhận định của ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ANZ, vì điều đó tùy thuộc vào niềm tin của các tổ chức tài chính vào đồng tiền này.

Vấn đề đối với đồng nhân dân tệ là nó chưa hoàn toàn được hoán đổi tự do, như các ngoại tệ chủ chốt khác như Đô la, Yen hoặc Euro...Theo ông Andrew Kenningham, thuộc văn phòng tham vấn kinh tế Capital Economics thì: "Các ngân hàng trung ương, cũng như giới quản lý các loại quỹ, đều thích các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi" có thể mua bán dễ dàng trên mọi thị trường tài chánh.

Đối với chuyên gia này, khuyết điểm của đồng Yuan là không chuyển đổi được, và thanh khoản hạn chế. Bên cạnh đó còn có mối lo ngại về nguy cơ kinh tế Trung Quốc khựng lại.

Trong thực tế, đồng tiền Trung Quốc vào lúc này chưa được tự do chuyển đổi, chỉ được phép dao động trong một khoảng cách do Nhà nước Trung Quốc quy định bên trên và bên dưới một mức trung bình so với đồng Đô la Mỹ.

Mặt khác, Bắc Kinh tiếp tục áp đặt các hạn chế không cho tiền tệ thoát ra bên ngoài. Việc Bắc Kinh loan báo phá vỡ được các mạng lưới chuyển ngân trái phép hàng trăm tỷ nhân dân tệ ra nước ngoài phản ánh thái độ không khoan nhượng của nhà cầm quyền.

Tóm lại, đối với các chuyên gia, việc được IMF chính thức công nhận là ngoại tệ quốc tế hoàn toàn không có nghĩa là đồng Yuan sẽ đương nhiên trở thành ngoại tệ quốc tế. - RFI

***
Kinh tế Ðài Loan rơi vào suy thoái sau hai quý hàng hóa và dịch vụ giảm giá. Nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới này nói rằng họ mất ưu thế cạnh tranh trước trung tâm sản xuất tăng trưởng nhanh chóng là Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu chính cũng không còn tiêu thụ hàng hóa của Ðài Loan nhiều như trước đây nữa. Từ Đài Bắc, thông tín viên Ralph Jennings gởi về bài tường trình.

Nền kinh tế trị giá 500 tỉ đôla của Ðài Loan không gì khác hơn là xuất khẩu trong mấy thập niên qua. Nhưng theo định nghĩa của nhiều nhà kinh tế, đảo quốc Thái Bình Dương chuyên cung cấp các sản phẩm nhựa, máy móc và hàng điện tử này đã rơi vào tình trạng suy thoái trong quý ba năm nay. Kinh tế Ðài Loan giảm 0,3% từ tháng 7 đến tháng 9 so với mức giảm 1,14% trong quý trước. 

Văn phòng kế toán và ngân sách Ðài Loan nêu lên những nguyên do tác động từ kinh tế thế giới: giá dầu thô giảm và cạnh tranh tăng mạnh từ dây chuyền cung ứng đã trưởng thành của Trung Quốc. Kinh tế gia Thái Diệu Đức của công ty chứng khoán KGI Securities ở Đài Bắc giải thích vì sao Trung Quốc giành được ưu thế hơn.

Ông Thái nói rằng Trung Quốc từng xem hợp đồng gia công hàng xuất khẩu là một ưu tiên và nước này cũng muốn khai thác thị trường nội địa. Ông nói tiếp rằng Trung Quốc nhận thấy nếu chỉ dựa vào gia công hàng xuất khẩu với mức lời thấp sẽ không bền vững cho tăng trưởng nhanh, do đó họ dùng cách nâng cao các tiêu chuẩn công nghiệp như là một biện pháp kích thích.

Các nhà đầu tư Ðài Loan thường hợp đồng gia công hàng hóa của họ ở nước ngoài, làm hàng xuất khẩu có giá thấp ở Trung Quốc, và bán các sản phẩm đó ra nước ngoài. Nhưng nay Trung Quốc đã hình thành được một dây chuyền cung ứng đáng tin cậy và chất lượng đã cao hơn qua những năm rút tỉa kinh nghiệm từ hoạt động thanh tra nhà máy. Các nhà phân tích nói dây chuyền cung ứng kỹ thuật cao của Trung Quốc rất mạnh và nó đã cắt vào thu nhập trong ngành công nghệ trị giá 131 tỉ đôla của Ðài Loan.

Đơn đặt hàng xuất khẩu giảm liên tục mỗi tháng kể từ tháng Tư đã báo trước tình trạng suy thoái kinh tế của Ðài Loan. Xuất khẩu chiếm đến 60% kinh tế Ðài Loan và đơn đặt hàng thường tăng nhẹ hàng tháng.

Mức chi tiêu của khách hàng yếu đi tại các thị trường chính - Trung Quốc và châu Âu - đã ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu của Ðài Loan trong mọi lãnh vực. Người tiêu thụ Trung Quốc ngần ngại chi tiêu khi chính nền kinh tế của họ tăng trưởng chậm lại. Các vấn đề kinh tế và thương mại cũng ảnh hưởng đến mức chi tiêu của tại một số nước Âu châu.

Giá dầu hỏa giảm trên thế giới từ năm 2014 cũng ảnh hưởng đến các công ty hóa dầu Ðài Loan đã đặt mua dầu nguyên liệu trả tiền trước với giá cao hơn.

Ðài Loan đạt tăng trưởng kinh tế liên tục mỗi năm kể từ cuộc suy thoái năm 2009 đã kéo chậm tăng trưởng của phần lớn kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính. Các kinh tế gia dự đoán mùa lễ cuối năm tại các nước phương Tây có thể tăng lượng đặt hàng máy vi tính, điện thoại thông minh và các sản phẩm hóa dầu của Ðài Loan. Văn phòng ngân sách dự đoán tăng trưởng kinh tế trong năm tới sẽ đạt mức 2,32% cùng với mức cầu hàng xuất khẩu tăng mạnh hơn. - VOA
|
|

3.
Vụ kiện Biển Đông: Tòa quốc tế cho Bắc Kinh 1 tháng để phản biện --- Ông Tập Cận Bình đến Zimbabwe ký các thỏa thuận

Vòng điều trần thứ hai của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về vụ Philippines kiện đường lưỡi bò Trung Quốc tại Biển Đông đã kết thúc vào hôm qua, 30/11/2015 sau năm ngày nghe phái đoàn Manila trình bày luận cứ. Dù Bắc Kinh đã tẩy chay vụ kiện, và không tham gia phiên điều trần, Tòa án Trọng tài Thường trực vẫn yêu cầu Trung Quốc trả lời các cáo buộc của Philippines trong vòng một tháng.

Trong một bản thông cáo, định chế này đã tóm lược các luận cứ đã được phái đoàn Philippines trình bày trong vòng điều trần lần này, đồng thời xác định rằng Manila có thể tiếp tục bổ sung tài liệu và trả lời các câu hỏi của Tòa trong phiên điều trần dự trù vào ngày 18/12 tới đây.

Riêng đối với Trung Quốc, dù nước này tẩy chay toàn bộ vụ kiện, Tòa án Trọng tài Thường trực vẫn quyết định dành cho Bắc Kinh cơ hội viết phản biện và gởi đến định chế này trước ngày 01/01/2016.

Trong bản thông cáo báo chí, Tòa án Trọng tài Thường trực ghi nhận lập luận của Philippines theo đó tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhân danh chủ quyền lịch sử hoàn toàn trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tòa án cũng nhắc đến việc Philippines tố Trung Quốc không làm tròn bổn phận "ngăn chặn công dân của mình khai thác nguồn tài nguyên mà Philippines có chủ quyền, cũng như không tôn trọng quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough".

Bắc Kinh cũng bị Philippines tố cáo không bảo vệ môi trường biển khi sử dụng các phương pháp đánh bắt hủy diệt như dùng chất độc xyanua và chất nổ, trong khi tàu Trung Quốc trở thành mối hiểm họa trên biển.

Philippines tin trưởng vào thắng lợi

Sau năm ngày trình bày luận cứ, phản bác tất cả các luận điểm của Bắc Kinh, phía Philippines đã tỏ ý tin tưởng chắc chắn sẽ giành phần thắng khi định chế tài phán quốc tế ra phán quyết vào giữa năm tới 2016.

Trả lời hãng tin Anh Reuters, bà Abigail Valte phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines nhận định: "Chúng tôi đã có điều kiện trình bày tất cả các luận cứ của mình... để chứng minh ý tưởng chính trong đơn kiện là đường chín đoạn (của Trung Quốc trên Biển Đông) không có cơ sở trong luật pháp quốc tế".

Theo người phát ngôn của phái đoàn Philippines tại La Haye, diễn tiến vụ kiện rất thuận lợi, và sau vòng điều trần vừa kết thúc, Philippines "hy vọng sẽ bảo đảm được một quyết định của tòa án trong khoảng sáu tháng tới đây".

Đối với bà Valte, vụ kiện của Philippines không đơn thuần là về chủ quyền lãnh thổ, mà thực sự là "đứng ra bảo vệ những gì được cho là đúng trước một diễn đàn thích hợp". Theo bà, Philippines không thể đứng lên chống lại sức mạnh quân sự khổng lồ của Trung Quốc, nhưng "điều quan trọng là có được một phán quyết về mặt pháp lý". - RFI

***
Hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Zimbabwe để bắt đầu chuyến công du châu Phi trong 4 ngày, một chuyến thăm mà các nhà phân tích cho là nhắm mục đích tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh. Thông tín viên VOA Sebastian Mhofu gửi về bài tường thuật từ Harare.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được chào mừng bằng 21 phát đại bác khi đến Phi trường Quốc tế Harare hôm nay.

Ông sẽ dành suốt ngày cho đối tác Zimbabwe là ông Robert Mugabe tại trang trại của tổng thống ở bên ngoài thủ đô.

Bộ trưởng chính phủ và là cựu đại sứ Zimbabwe tại Trung Quốc, ông  Christopher Mutsvangwa cho hay hai nhà lãnh đạo dự trù ký nhiều thỏa thuận lớn. Truyền thông nhà nước tường thuật rằng các thỏa thuận sẽ bao gồm cơ sở hạ tầng và giao thông chuyên chở, cùng nhiều lãnh vực khác.

“Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới, vì thế chúng tôi hy vọng việc chủ tịch Trung Quốc viếng thăm Zimbabwe sẽ nêu bật Zimbabwe như một nước có thể là nơi đến của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó đây là một chuyến thăm rất quan trọng về mặt bơm động năng mới vào thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Zimbabwe.”

Trung Quốc là nước ngoài đầu tư lớn nhất ở Zimbabwe với các quyền lợi từ xây dựng và năng lượng cho đến viễn thông. Trung Quốc cũng đã trở thành nước nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Zimbabwe – chủ yếu là thuốc lá sợi và khoáng sản như vàng và kim cương.

Các nước Tây phương đã hạn chế thương mại với quốc gia ở Nam Phi này vì cáo buộc chính phủ vi phạm nhân quyền.

Zimbabwe đã theo một chính sách “Nhìn về Phương Đông” tập trung cụ thể vào Trung Quốc và Nga sau khi Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu áp đặt các biện pháp chế tài đối với Tổng thống Robert Mugabe và các giới chức cấp cao vào năm 2002 giữa những tin tức về gian lận bầu cử.

Từ Zimbabwe, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lên đường đi Nam Phi vào ngày mai, nơi ông sẽ gặp các giới chức Nam Phi và sau đó sẽ đồng chủ tọa một hội nghị thượng đỉnh lớn giữa châu Phi và Trung Quốc vào ngày thứ sáu. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
TT Obama kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tập trung vào 'kẻ thù chung'

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tập trung vào “kẻ thù chung”, sau khi họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị khí hậu ở Paris. Thông tín viên Aru Pande của đài VOA tường thuật từ Paris.

Một tuần sau khi căng thẳng bùng ra vì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của Nga, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi hai nước này ra sức giảm thiểu căng thẳng và thành lập một mặt trận thống nhất trong vụ xung đột ở Syria.

Tất cả chúng ta có một kẻ thù chung và đó là nhóm Nhà nước Hồi giáo. Và tôi muốn bảo đảm là chúng ta tập trung vào mối đe dọa đó. Và tôi muốn bảo đảm là chúng ta tiếp tục chú tâm tới vấn đề là cần phải có được một giải pháp chính trị nào đó ở Syria.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phát biểu như vậy ngày hôm nay sau cuộc họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu. Cuộc họp diễn ra một tuần sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga mà họ nói là xâm phạm không phận của họ.

Nga nhất mực nói rằng máy bay đó không hề bay vào Thổ Nhĩ Kỳ và Moscow đã áp dụng những biện pháp chế tài kinh tế chống lại Ankara.

Tổng thống Obama tái khẳng định sự hậu thuẫn dành cho đồng minh của nước Mỹ.

"Hoa Kỳ hậu thuẫn quyền tự vệ của Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ không phận và bảo vệ lãnh thổ. Và chúng tôi có cam kết rất mạnh đối với an ninh và chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ."

Về phần mình, Tổng thống Erdogan hô hào cho việc thông qua các phương tiện ngoại giao để giải quyết những vấn đề trong khu vực.

"Chúng tôi không muốn phí công phí sức vào những sự căng thẳng. Chúng tôi muốn tránh căng thẳng. Chúng tôi không muốn bị tổn hại và chúng tôi không muốn ai bị tổn hại. Bởi vì nếu căng thẳng gia tăng trong khu vực, tất cả các bên rốt cuộc sẽ bị thiệt hại. Chúng tôi muốn hoà bình được duy trì bằng mọi giá."

Tại cuộc họp ở Paris, Tổng thống Obama ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ về sự hỗ trợ “hào hiệp” dành cho người tị nạn và nói rằng nước Mỹ muốn tăng cường mối quan hệ giữa quân đội với quân đội để bảo đảm là Thổ Nhĩ Kỳ “được an toàn, an ninh, và để cho xung đột ở Syria có thể bắt đầu giảm bớt.”

Hôm qua, Tổng thống Obama họp kín trong vòng 30 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn về tình hình Syria. Ông Obama kêu gọi ông Putin tập trung nỗ lực vào nhóm Nhà nước Hồi giáo thay vì vào phe chống đối ôn hoà ở Syria.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng một viên phi công và một nhân viên phi hành đoàn Nga thiệt mạng trong vụ tấn công hôm 24 tháng 11 là một việc đáng tiếc. Ông hối thúc nhà lãnh đạo Nga giảm bớt căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ này.

Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Putin từ chối gặp Tổng thống Erdogan bên lề hội nghị Paris và tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga để bảo vệ cho nguồn cung ứng dầu mà ông nói Thổ Nhĩ Kỳ nhận từ nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Erdogan cực lực bác bỏ tố cáo đó và nói rằng ông sẽ từ chức nếu tố cáo của ông Putin được chứng minh là đúng sự thật. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Giới trẻ Philippines phát động sáng kiến ‘ra đảo biểu tình’ ở Biển Đông

Một nhóm tình nguyện viên trẻ Philippines có sáng kiến tổ chức biểu tình tại nhóm đảo Kalayaan (thuộc quần đảo Trường Sa) mà Philippines tuyên bố chủ quyền vào ngày thứ Ba (1/12), bất chấp sự phản đối của các giới chức quân sự và quốc phòng nước này.

Nhóm Kalayaan Atin Ito bắt đầu hành trình trên biển của họ trễ một ngày so với dự kiến vì một số thành viên của nhóm từ khu vực Visayas đến trễ do thời tiết xấu.

“Chuyến bay của một số tình nguyện viên bị hủy bỏ vì điều kiện thời tiết xấu ở Visayas. Chúng tôi phải điều chỉnh lại lịch trình. Chúng tôi sẽ đợi đầy đủ các thành viên cho tới thứ Ba”, Mariel Ipan, một thành viên của nhóm cho biết.

Nhóm trẻ tình nguyện Philippines đã lên kế hoạch “ra đảo biểu tình” từ vài tháng trước, bất chấp sự phản đối của một số giới chức quân sự và quốc phòng rằng chuyến đi “quá nguy hiểm” và rằng nó có thể ảnh hưởng đến vụ kiện trọng tài đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc.

Kế hoạch ban đầu của nhóm là ra đảo biểu tình trong 1 tháng (từ 30/11-30/12).

Chính Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã yêu cầu nhóm Kalayaan Atin Ito không tiến hành chuyến đi này vì hai lý do: thời tiết xấu ngoài biển và vụ kiện trọng tài.

Philippines đang tiến hành vụ kiện chống yêu sách chủ quyền với đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc ở tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye.

Lực lượng vũ trang Philippines cho biết họ đã cố ngăn cản các tình nguyện viên vì họ không có trách nhiệm và thời gian để chuẩn bị các công tác đảm bảo an ninh cho hành trình của nhóm bạn trẻ này.

Đại tá Restituto Padilla, phát ngôn viên của Lực lượng vũ trang Philippines, nói quân đội sẽ chỉ giám sát hành trình qua liên lạc vô tuyến với sự giúp đỡ của Cảnh sát biển Philippines.

“Họ phải tự lo liệu… Chúng tôi chỉ theo dõi họ, Lực lượng vũ trang Philippines không trực tiếp tham gia vì chúng tôi đã nói với họ là nên có những hoạt động khác thay thế tốt hơn để biểu đạt sự ủng hộ của họ thay vì đi ra đó”, ông Padilla nói.

Trước đó, nhóm Kalayaan Atin Ito cho biết có 10.000 tình nguyện viên (chủ yếu là sinh viên) từ 81 tỉnh thành của Philippines sẽ tham gia vào cuộc biểu tình kéo dài 1 tháng này.

Tuy nhiên, nhóm gặp một số trở ngại trong việc gây quỹ và hỗ trợ cho hành trình cũng như cuộc biểu tình ước tính cần ít nhất là 1 tỷ peso (hơn 21 triệu USD).

Ông Padilla cho biết ông nhận được thông tin là các bạn trẻ sẽ thuê 81 tàu (đại diện cho 81 tỉnh thành của Philippines) để đến Kalayaan, một đô thị thuộc tỉnh Palawan, để biểu tình.

“Đây không phải là thời điểm tốt để du hành. Biển rất động, đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu họ xem xét thực hiện các hoạt động thay thế khác”, ông Padilla nói thêm.

Thị trưởng của thị trấn Kalayaan cũng phản đối chuyến đi vì lý do tương tự. Ông Eugenio Bito-onon nói:

“Thật sự là rất mạo hiểm, đặc biệt là tháng 12 khi thời tiết rất xấu”.

Bất chấp những ngăn cản trên, nhóm trẻ Philippines, với thủ lĩnh là cựu phiến quân và thuyền trưởng Nicanor Faeldon, vẫn cương quyết thực hiện chuyến đi.

Abg Faeldon cho biết chuyến đi nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân Philippines về tầm quan trọng của sự đoàn kết và hợp tác trong việc giành lại phần lãnh thổ đã bị Trung Quốc chiếm giữ.

Một bản trẻ tên là Ipan nói: “Chúng tôi lạc quan là Bộ Quốc phòng và Lực lượng vũ trang Philippines sẽ hiểu và dần dần ủng hộ hành trình của chúng tôi vì đây là sự hỗ trợ cho những nỗ lực của chính phủ nhằm khẳng định chủ quyền trên vùng biển của chúng tôi.”

Cô Ipan nói thêm: “Hành trình vẫn được tiến hành. Không có luật nào cấm chúng tôi đấu tranh cho quyền lợi của mình một cách ôn hòa và trong phạm vi luật pháp cả. Đây là thời điểm để chúng tôi đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Đây là trận đánh cho toàn thể nhân dân Philippines.”

Cô Ipan cho biết nhóm sẽ tuân thủ những lời khuyên của các giới chức quân sự và địa phương.

“Chúng tôi sẽ tuân thủ theo số lượng người cho phép lưu lại ở thành phố tự trị Kalayaan vì đó là lời khuyên của thị trưởng Eugenio Bito-onon”. - VOA
|
|

6.
COP21: Việt Nam kêu gọi quốc tế giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Hôm qua 30/11/2015, bên lề Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP21 tại trung tâm hội nghị Le Bourget, ngoại ô Paris, Việt Nam đã tổ chức một đối thoại cấp cao, với các đối tác quốc tế, nhằm kêu gọi hỗ trợ và hợp tác đối phó với nguy cơ nước biển dâng cao đe dọa đồng bằng Cửu Long, một trong các vùng châu thổ có nguy cơ bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc đối thoại cấp cao. Phiên họp có sự tham gia của bà Laura Tusk, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cùng nhiều đại diện quốc gia, định chế tài trợ quan trọng cho Việt Nam như chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc Koica, Pháp, Úc, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Quỹ môi trường thế giới GEF Nhật Bản.

Phiên họp kết thúc với bản thông báo chung: "Việt Nam kêu gọi các đối tác quốc tế chung tay ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu tại châu thổ Mekong" (Viet Nam calls in international Partners to join hands to respond to challenges of climate change in the Mekong Delta).

Đồng bằng Cửu Long là một khu vực quan trọng, nơi sinh sống của gần 20 triệu dân cư và nguồn cung cấp lương thực quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn là một cơ sở của an ninh lương thực thế giới: Gạo đồng bằng Cửu Long xuất khẩu chiếm khoảng một phần năm tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Khu vực này đang bị đe dọa bởi nguy cơ kép: mực nước biển dâng cao và nạn xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng "trân trọng cảm ơn chính phủ Hà Lan, Ngân hàng thế giới và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã dành nhiều hỗ trợ, nguồn lực quý báu cho Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng". Thủ tướng Việt Nam khẳng định: "Trên thực tế nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của đồng bằng sông Cửu Long, đang được bổ sung, điều chỉnh, theo hướng cơ bản của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, đã được xây dựng trong khuôn khổ đối tác chiến lược để thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan".

Ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra một loạt ví dụ cụ thể về các phương hướng hoạt động cần thiết để bảo đảm định hướng "tổng hợp và bền vững" của dự án phát triển đồng bằng Cửu Long, như việc thích ứng với nước biển dâng cao được "gắn kết với quá trình... chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững", "tích hợp quản lý rủi ro thiên tai, và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển đô thị và sử dụng đất, phát triển hệ thống các khu dân cư... theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch, nâng cao năng lực dự báo...". Lãnh đạo Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được "các đề xuất giải pháp, phương thức hợp tác" từ quốc tế.

Hà Lan là một quốc gia đứng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đối phó với nước biển. Trao đổi với đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng trong phiên đối thoại, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định nguy cơ nước biển dâng cao đe dọa nhiều quốc gia ven bờ Thái Bình Dương và nhiều nơi khác, trong đó 18 triệu cư dân đồng bằng Mêkông Việt Nam đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề. Về đồng bằng Cửu Long, Thủ tướng Hà Lan lưu ý ba điểm chính, trong đó có việc "Việt Nam cần được chuẩn bị để sử dụng thực sự hiệu quả các quỹ hỗ trợ", và đặc biệt hợp tác với "lĩnh vực tư nhân" là rất căn bản.

Về quan hệ đối tác Việt Nam-Hà Lan tại đồng bằng Cửu Long, ông Jake Brunner - chuyên gia về môi trường và xã hội dân sự, đại diện của IUCN – Liên minh quốc tế bảo vệ tự nhiên – nhấn mạnh "có rất nhiều vấn đề Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Hà Lan, bao gồm cải cách chính trị, tăng cường sự tham gia của công chúng, công nghệ mới... Tại Việt Nam, thách thức lớn nhất là làm thế nào để các bộ, ngành, địa phương khác nhau hợp tác vì lợi ích chung..." (bài "Quy hoạch chiến lược vùng châu thổ: kinh nghiệm Hà Lan", đặc san "Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu", Tạp chí Vietnam Investment Review, tháng 11/2015).

Hợp tác Pháp-Việt về đồng bằng Cửu Long

Về quan hệ hợp tác Việt-Pháp trong lĩnh vực này, trả lời phỏng vấn RFI, bà Anne Marie Descote, Tổng giám đốc đặc trách "Toàn cầu hóa phát triển và đối tác" (Bộ Ngoại giao Pháp), cho biết:

"Tôi có mặt tại đây hôm nay để muốn nói với chính quyền Việt Nam rằng chúng tôi rất quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam và đến những gì chính quyền Việt Nam đã làm liên quan đến các vấn đề rất đặc thù của vùng châu thổ sông Mekong. Tôi cho rằng việc tổ chức hội nghị này là một ý tưởng tuyệt vời thời điểm diễn ra Hội nghị COP21.

Trong các tài liệu mà chúng tôi đã được thấy và trong phát biểu của Thủ tướng (Việt Nam), thì Mêkông thực sự là nơi có nhiều vấn đề được đặt ra cho Việt Nam và cho cả toàn vùng. Đó là những vấn đề đặc thù, đó là những nguy cơ tác động của khí hậu đến đất đai, thực vật và dân cư và đến sự phát triển, đến tình trạng nghèo đói và cả vấn đề an toàn cho các cư dân do tình trạng lũ lụt. 

Trong khuôn khổ đó, chúng tôi đã rất tích cực cùng với Cơ quan Phát triển Pháp, hoạt động bên cạnh các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt như Ngân hàng thế giới, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jika, cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc Koika ...và nhiều đối tác khác nữa. Chúng tôi cũng nghe nói Hà Lan cũng hiện diện nhiều ở đây.

Chúng tôi rất quan tâm và ủng hộ cách tiếp cận mà chính quyền Việt Nam đã chọn lựa. Đó là cách tiếp cận tổng thể, cố gắng tính đến những vấn đề một cách toàn bộ. Tổng thể không chỉ đơn giản là có sự can thiệp, quyết định của chính quyền trung ương mà còn cả với chính quyền địa phương, với các tổ chức xã hội dân sự và quan tâm lo lắng đến vấn đề của người dân".

Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp cho biết một số dự án chính của Pháp để bảo vệ châu thổ sông Mekong chống biến đổi khí hậu

"Có nhiều bên tham gia vào công việc này. Về nghiên cứu chuẩn bị thì có Viện nghiên cứu phát triển. Sau đó đến việc triển khai dự án, có Cơ quan phát triển Pháp và công ty Rhône của Nhà nước, chuyên về các vấn đề về quản lý các dòng sông. Giờ đây Cơ quan phát triển Pháp dự kiến cung cấp tài chính cho các dự án môi sinh, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu đã được thành phố Cần Thơ triển khai, qua chương trình phủ xanh bờ sông chảy qua thành phố, nhằm phòng chống lụt. Ngoài ra còn có một dự án khác trồng lại rừng sú vẹt dọc vùng duyên hải tỉnh Kiên Giang để chống lại tình trạng sói mòn đất đai gây hại cho sản xuất lúa gạo".

Bà Anne Marie Descote cho biết rõ hơn về một số đóng góp quan trọng của công ty Rhônes, của Nhà nước Pháp:

"Tôi nghĩ là công ty Rhône từng quản lý toàn bộ vùng hạ lưu sông Rhône. Ở Pháp đây là một trong những con sông lớn có nhiều nhánh cũng như có nhiều cửa sông đổ ra Địa Trung Hải. Vì thế công ty này có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề quản lý lũ lụt và lưu lượng dòng chảy của sông. Cơ quan phát triển Pháp nắm và hiểu rõ về các nước mà cơ quan đã tham gia hoạt động. Cơ quan có thể giúp Việt Nam các bài học đã tích lũy ở nhiều nước khác. Giờ đây Cơ quan phát triển Pháp dành hơn 50% dự án thông qua nguồn tài trợ, quyền góp và vốn vay cho các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là một lĩnh vực mà Cơ quan phát triển Pháp có rất nhiều hiểu biết, kinh nghiệm".

Ý nghĩa của Đối thoại quốc tế về đồng bằng Cửu Long bên lề COP21:

"Tôi cho rằng COP21 là dịp để thương lượng. Điều rất cần là đưa ra tất cả những vấn đề hiện trong dịp này. COP21 cũng là nơi để đưa ra những giải pháp. Tổng thống Pháp cũng như nhiều lãnh đạo Nhà nước khác đã nhấn mạnh: Nhân loại đang đứng trước những vấn đề nghiêm trọng, cần phải khẩn cấp hành động, nhưng cũng có những giải pháp. 

Có nhiều giải pháp tốt, như ta thấy qua ví dụ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng cần phải tập trung vào những ví dụ cụ thể đã và đang tiến hành tốt đó, để giúp cho các vùng khác cũng được thừa hưởng". - RFI

No comments:

Post a Comment