Tin Thế Giới
1.
Hội nghị khí hậu tại Paris --- Hơn 150 lãnh đạo của thế giới khai mạc Hội nghị khí hậu quốc tế COP21
Hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu đã khai mạc tại Paris nhằm đặt ra thỏa thuận lâu dài giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hơn 150 lãnh đạo các nước, gồm cả Thủ tướng Việt Nam, đã có mặt cho cuộc họp hai tuần, có tên COP21.
Cuộc họp lần trước năm 2009 đã thất bại. Nhưng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, chủ trì hội nghị, nói nay sẽ có thỏa thuận.
Đa số thảo luận tập trung vào một đề nghị hạn chế ấm nóng toàn cầu ở mức 2C.
Christiana Figueres, người đứng đầu đàm phán thay đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, phát biểu khai mạc.
“Chưa bao giờ trách nhiệm to lớn thế lại ở trong tay ít người như vậy,” bà nói.
“Thế giới mong đợi quý vị.”
Lãnh đạo các nước như Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có mặt.
Các điểm tranh luận gồm:
Hạn chế: Liên Hiệp Quốc muốn hạn chế ấm nóng toàn cầu ở mức 2C vào cuối thế kỷ này. Nhưng hơn 100 nước nghèo hơn, và các đảo nhỏ muốn mục tiêu cao hơn là 1.5C.
Công bằng: Các nước đang phát triển nói các nước công nghiệp phải làm nhiều hơn để giảm khí thải. Nhưng các nước giàu nói phải chia sẻ gánh nặng.
Tiền: Tại hội nghị 2009 ở Copenhagen, các nước giàu cam kết góp 100 tỉ đôla mỗi năm để giúp các nước nghèo từ 2020 phát triển công nghệ và xây hạ tầng giảm khí thải. Nhưng vẫn không rõ tiền đến từ đâu và chia như thế nào. - BBC
***
Với sự tham dự của 150 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ cùng với 196 đoàn đại biểu của các nước, các tổ chức quốc tế gồm khoảng 10.000 người và số lượng phóng viên báo chí tương đương, Hội nghị Quốc tế về Khí hậu - COP21, hôm nay 30/11/2015 đã chính thức khai mạc tại Le Bourget, ngoại ô phía bắc thủ đô Paris.
Hội nghị lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần này đặt mục tiêu là đưa ra được một thỏa thuận lịch sử để hạn chế quá trình tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2°C.
Diễn ra trong bối cảnh thủ đô Paris vừa trải qua loạt khủng bố đẫm máu khiến 130 người chết và hơn 300 người bị thương, vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu.
Đặc phái viên RFI Thanh Phương từ Bourget tường trình:
"Gần như toàn bộ khu vực xung quanh hội nghị bị phong tỏa hoàn toàn và một lực lượng an ninh rất hùng hậu đã được bố trí ngay từ trạm xe lửa Le Bourget, nơi mà từ đó, các phóng viên và quan sát viên được chở đến trung tâm hội nghị.
Tổ chức hội nghị được coi là sự kiện ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay ở Pháp không phải đơn giản, vì có đến 10.000 đại biểu và một số lượng tương đương quan sát viên và phóng viên đến Le Bourget.
Ngay từ sáng sớm, Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã đến Le Bourget để đón tiếp 150 lãnh đạo thế giới đến dự hội nghị COP21. Trong ngày, lãnh đạo các nước sẽ thay phiên lên phát biểu, mỗi người khoảng 3 phút.
Tuy hội nghị khai mạc hôm nay, nhưng ngay từ chiều qua, đại diện các nước đã bắt đầu đợt thương thuyết cuối cùng để cố gắng đạt được một thỏa thuận tại hội nghị về việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, qua đó, hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 2°C. Bắt đầu làm việc trước một ngày, các chuyên gia hy vọng đúc kết được thỏa thuận đúng như dự kiến, tức là vào ngày 09/12, để văn bản có thể được thông qua vào 11/12, ngày kết thúc hội nghị.
Rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trong dịp này, đã lập những gian nhà hoặc phòng triển lãm, giới thiệu những nỗ lực của nước mình trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Riêng Việt Nam, vào chiều nay, sẽ tổ chức cuộc đối thoại cấp cao với các đối tác quốc tế về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, với sự tham gia của đại diện nhiều nước như Úc, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Pháp và đại diện các tổ chức như UNDP, Ngân hàng Thế giới".
Mục tiêu của hai tuần hội nghị là soạn thảo được bản thỏa thuận đầu tiên, theo đó toàn thể cộng đồng quốc tế cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đến lúc này toàn thế giới đều đã nhận thức được một trong những nguyên nhân khiến khí hậu trái đất ấm lên là phát thải từ sử dụng năng lượng hóa thạch, phương thức sản xuất nông nghiệp, phá rừng gia tăng.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Paris lần này, 183 trên tổng số 195 quốc gia đã công bố kế hoạch cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hội nghị COP21 sẽ phải đưa ra được các cam kết có ràng buộc. Tiến trình thương lượng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi vấn đề chống biến đổi khí hậu đụng chạm đến vấn đề kinh tế.
Từ tối qua, lãnh đạo các nước đã lần lượt đến Paris. Phần đông các nguyên thủ quốc gia đều giành thời gian đến đặt hoa trước nhà hát Bactaclan viếng các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 13/11.
COP21 diễn ra hơn hai tuần sau loạt vụ tấn tại Paris, nước chủ nhà đã phải huy động tối đa phương tiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho một hội nghị quốc tế lớn nhất từ trước tới nay tại Pháp. Giao thông bị đảo lộn vì nhiều tuyến đường trong và ngoài thủ đô bị cấm. Người dân được khuyến cáo nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại.
Trước đó, vào ngày hôm qua, do đang trong tình trạng khẩn cấp, mọi cuộc biểu tình bị cấm. Tuy nhiên, tại quảng trường La République ở Paris, hôm qua, một nhóm gồm khoảng vài trăm người chống COP21 vẫn biểu tình và đã xảy ra xô xát với lực lượng giữ gìn trật tự. Kết quả là hơn một trăm người đã bị câu lưu. - RFI
|
|
2.
Miến Điện: Bà Aung San Suu Kyi gặp Tổng thống và Tư lệnh quân đội
Bốn tuần sau cuộc bầu cử lịch sử đem lại chiến thắng áp đảo cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), lãnh đạo đảng Aung San Suu Kyi sẽ gặp Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội vào ngày 02/12/2015 tại thủ đô hành chính Naypyidaw.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử chính thức, theo đó, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành được 80% số phiếu, bà Aung San Suu Kyi đã đề nghị được gặp các nhân vật chủ chốt trong chính quyền mãn nhiệm chuẩn bị cho việc tiếp nhận quyền lực trên tinh thần "hòa giải dân tộc".
Đến giờ, giải Nobel Hòa bình mới có cuộc làm việc với ông Shwe Mann, Chủ tịch Hạ viện, diễn ra cách đây hơn một tuần.
Hôm nay, Tổng thống Thein Sein và Tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing, thông qua trang Facebook cá nhân đã khẳng định cuộc gặp với nhà đối lập sẽ diễn ra vào thứ Tư 02/12 tại Naypyidaw.
Cả hai nhân vật chủ chốt của chính quyền hiện nay cũng hứa chuyển giao quyền lực cho đảng của bà Aung San Suu Kyi. Cuộc chuyển giao này đang rất được mong đợi ở Miến Điện.
Năm 1990, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cũng đã từng giành thắng lợi trong bầu cử. Ngay sau đó chính quyền quân sự đã không thừa nhận kết quả và thậm chí còn ra lệnh quản thúc tại gia lãnh đạo đảng bà Aung San Suu Kyi. Phải đợi đến năm 2010, chính quyền của tổng thống Thein Sein vừa chuyển tiếp sang dân sự mới trả tự do cho lãnh tụ đối lập. - RFI
|
|
3.
Đức Giáo Hoàng: Người Công giáo và Hồi giáo là anh em
Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô hôm nay nói rằng những người theo Cơ đốc giáo và những người Hồi giáo là anh em khi Ngài phát biểu tại đền thờ chính của những người theo đạo Hồi tại thủ đô của Cộng hoà Trung Phi. Thông tín viên Chris Stein của đài VOA tường thuật từ Bangui.
Nhà lãnh đạo Toà Thánh Vatican hôm nay chuẩn bị kết thúc chuyến viếng thăm ba nước Phi châu với việc cử hành thánh lễ tại sân vận động ở thủ đô của Cộng Hoà Trung Phi, là nước bị hoành hành trong nhiều năm qua bởi xung đột chính trị và những vụ bạo động giữa người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo.
Đức Giáo Hoàng một lần nữa lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo động, nhất là những vụ bạo động lợi dụng danh nghĩa của tôn giáo.
Trước đó trong ngày hôm nay, Đức Giáo Hoàng đã đến thăm đền thờ chính của những người theo đạo Hồi ở Bangui và nói rằng chuyến viếng thăm của Ngài đến Trung Phi sẽ không đầy đủ nếu không có cuộc gặp gỡ với cộng đồng Hồi giáo ở nước này.
Những mối quan tâm về an ninh đã tạo ra những tin đồn cho rằng Đức Giáo Hoàng có lẽ sẽ huỷ bỏ chuyến đi Trung Phi, nhưng hàng vạn người đã đứng dọc theo con đường tới phi trường để nghênh đón Ngài.
Trong số những người này có ông Guy-Junior Siopiakoa.
"Nếu tôi có thể nói chuyện với Đức Giáo Hoàng tôi sẽ nói với Ngài là mọi người ở quốc gia này ai nấy cũng đều mong muốn hoà bình và muốn được Đức Giáo Hoàng chúc phúc."
Trong lúc đến thăm một trại tị nạn ở Bangui, Đức Giáo Hoàng nói Trung Phi cần tới tình thương, hoà bình và sự cảm thông để chấm dứt vụ khủng hoảng hiện nay.
Thông điệp đó đã được Đức Giáo Hoàng nhắc lại trong thánh lễ tại nhà thờ chánh toà Bangui.
Ông Alain Gokassa, một người dự lễ, cho biết ông hy vọng thông điệp hoà bình của Đức Giáo Hoàng sẽ góp phần làm thay đổi tình hình.
"Rất nhiều người đã rủ nhau ra đường để nghên đón Đức Giáo Hoàng. Ngài đã nói tới tình thương và sự cảm thông giữa các cộng đồng và tôi hy vọng tình hình sẽ thay đổi."
Mặc dầu vậy, những vụ bạo động tôn giáo vẫn tiếp diễn ở Bangui. Một cư dân ở đây cho đài VOA biết rằng hai người theo đạo Hồi đã bị giết hại hôm chủ nhật gần PK5, một khu xóm của người Hồi giáo mà Đức Giáo Hoàng đến thăm hôm thứ hai.
Bạo động đã hoành hành ở Cộng Hoà Trung Phi trong gần 3 năm nay kể từ khi Selaka, một nhóm nổi dậy mà hầu hết thành viên là người Hồi giáo, lật đổ Tổng thống Francois Bozize hồi tháng 3 năm 2013. Những vụ giết chóc của Seleka đã khích động cho sự trỗi dậy của nhóm dân quân có tên là nhóm chống-Balaka. Phần lớn thành viên của nhóm dân quân này là người Cơ đốc giáo. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Hai thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi lập lực lượng đa quốc chống IS
Ngày 29/11, Hai thượng nghị sĩ Mỹ nói Hoa Kỳ phải tham gia lực lượng đa quốc gia tại Iraq và Syria để đánh bại Nhà nước Hồi Giáo và làm áp lực để buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad rời bỏ quyền hành. Thông tín viên Đài VOA Victor Beattie tường trình về những nhận xét này tiếp sau một bài tiểu luận của một học giả về chính sách ngoại giao Mỹ cho rằng phải cần đến 50.000 binh sĩ Mỹ vào lúc đầu để đối phó với Nhà nước Hồi Giáo và thành lập một vùng an toàn cho người tị nạn Syria.
Hai Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa ngày hôm qua từ Baghdad nói với đài truyền hình CBS trong chương trình Face the Nation là Hoa Kỳ phải tham gia lực lượng đa quốc. Ông McCain, chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, nói lực lượng này có hai mục tiêu chính:
“Trước hết, đương nhiên là chúng ta phải tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo, nhưng đồng thời phải thiết lập một vùng cấm bay để gởi một thông điệp đến cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad là ông ta cần phải ngưng thả bom thùng và tàn sát đàn ông, đàn bà, trẻ em vô tội và đẩy hàng triệu người lâm vào hoàn cảnh tị nạn, một hoàn cảnh mà chúng ta đang phải đối phó.”
Thượng nghị sĩ Graham, cũng là một thành viên của Uỷ ban Quân vụ, cho biết như sau khi được hỏi về việc liệu dân chúng Mỹ có sẵn sàng cho việc đưa binh sĩ tác chiến trên bộ tiếp sau những cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan hay không:
“Người Mỹ cần phải chuẩn bị sẵn sàng về việc này vì nếu chúng ta không tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo tại Syria, đại bản doanh của họ, thì chúng ta sẽ bị tấn công ngay tại nước Mỹ. Vùng này sẵn sàng chiến đấu. Vùng này căm ghét Nhà nước Hồi Giáo. Họ đang tấn công các quốc gia Ả Rập Sunni và Thổ Nhĩ Kỳ cũng căm ghét Nhà nước Hồi Giáo. Toàn vùng muốn Tổng thống Assad ra đi. Do đó giới lãnh đạo Mỹ có cơ hội làm hai việc: Đó là tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo trước khi nước Mỹ bị tấn công và cũng lật đổ ông Assad và tôi không thể không nhắc đến ảnh hưởng của Iran. Chúng ta có mặt tại đây một cách nửa vời trong khi Iran có mặt hoàn toàn tại Iraq. Iran đã điền vào khoảng trống khi chúng ta rời khỏi Iraq và toàn thể khu vực này cảm thấy rất lo ngại về việc Iran cũng như Nhà nước Hồi Giáo chế ngự khu vực này.”
Cả hai ông McCain và Graham đều cho rằng lực lượng cần phải có có thể lên đến 100.000 người, nhưng ông Graham nói lực lượng này phải bao gồm hầu hết là các binh sĩ trong vùng.
“Lực lượng mà ông John McCain và tôi nói đến có 10% là thuộc các cường quốc phương Tây. Lực lượng chúng tôi nói đến thuộc về các quân đội trong vùng. Có những đội quân lớn của vùng này. Ả Rập Xê-út, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ đều có quân đội tầm cỡ khu vực. Họ sẽ chiến đấu nếu chúng ta đặt lá bài Assad lên bàn. Do đó, hầu hết những cuộc giao tranh đều do quân đội trong vùng thực hiện.”
Ông Graham nói khoảng 3.500 binh sĩ Hoa Kỳ tại Iraq không đủ để đánh bại Nhà nước Hồi Giáo.
Ông McCain nói ông tin là tỉnh lị Ramadi của Iraq hiện nằm trong tay Nhà nước Hồi Giáo sẽ sớm được chiếm lại.
“Tuy nhiên, đây chỉ là phần đầu. Còn có Fallujah, Mosul và những nơi khác nữa. Chúng ta cần có sự hiện diện mạnh mẽ và ông Bashar al-Assad là nguyên nhân chính khiến cho người tị nạn tràn ngập châu Âu và tạo nên sự kinh hoàng tại Mỹ. Một vùng cấm bay sẽ cung cấp nơi ẩn náu cho một số người tị nạn này.”
Ông Zubair Iqbal, một học giả thuộc Viện Trung Đông thấy có những trở ngại trong việc thành lập một lực lượng đa quốc như vậy.
“Làm thế nào huy động được một lực lượng lớn như vậy trong một vùng được xem như không có một chính sách thống nhất, đó là điều thứ nhất, điều thứ hai là những nước này chỉ theo đuổi những lợi ích rất nhỏ hẹp và sẽ không thể nào hợp tác với nhau, và luôn luôn có vấn đề là ai sẽ lãnh đạo lực lượng này. Vấn đề thứ hai thực sự quan trọng, là chúng ta sẽ làm gì sau khi đánh bại Nhà nước Hồi Giáo? Chúng ta đã có một chiến lược hay chưa, một chương trình một khi hòa bình được tái lập và những lực lượng khiến cho Nhà nước Hồi Giáo lớn mạnh có biến mất hay không? Do đó có nhiều vấn đề quan trọng.”
Ông Iqbal nói nếu trước tiên không hiểu được những nguyên nhân làm cho Nhà nước Hồi Giáo lớn mạnh thì một lực lượng đa quốc như vậy chỉ làm cho vấn đề thêm phức tạp vì nó sẽ làm tăng thêm sự tuyên truyền của nhóm Nhà nước Hồi Giáo là Hồi Giáo đang bị phương Tây tấn công.
Trong khi đó học giả về chính sách ngoại giao của Viện Brookings, ông Robert Kagan, viết trên tờ Wall Street Journal số ra ngày thứ Bảy, cảnh báo là Nhà nước Hồi Giáo không chỉ hoạt động tại Trung Đông. Ông nói cuộc tấn công ngày 13 tháng 11 tại Paris chứng tỏ rằng tổ chức này vừa có khả năng hoạt động vừa có khả năng tồn tại lâu dài.
Ông nói nhóm Nhà nước Hồi Giáo đe dọa sự đoàn kết của châu Âu và cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. Ông Kagan nói cần có một lực lượng Mỹ với quân số lên đến 50.000 để thành lập một vùng an toàn tại Syria trong khi hỗ trợ cho các lực lượng địa phương để đánh bại Nhà nước Hồi Giáo. Ông hy vọng cuối cùng các binh sĩ Mỹ sẽ được các lực lượng châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út và các nước Ả Rập khác thay thế. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Lãnh đạo Brazil 'hủy thăm VN vì ngân sách'
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hoãn công du tới Nhật Bản và Việt Nam để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước.
Trước đó Tổng thống Dilma Rousseff ra lệnh ngưng chi tiêu trong ngân sách 10 tỉ reais (2,60 tỷ USD), nhằm tuân thủ luật trách nhiệm tài chính sau khi khi Quốc hội nước này không thông qua được vào tuần trước nhằm để cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho năm nay.
Theo luật, chính phủ phải khống chế chi tiêu để đáp ứng mục tiêu tiết kiệm tài chính đã đưa ra từ ban đầu.
"Đây không phải là vấn đề về tài chính mà là ngân sách," một phát ngôn viên tổng thống nói với các phóng viên. "Bắt đầu từ tháng 12 chính phủ không được chi tiêu tùy ý bất kỳ khoản mới nào ngoại trừ chi cho việc cần thiết cho hoạt động của nhà nước."
Đối mặt với suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, bà Rousseff đang chật vật nhằm ổn định ngân sách của đất nước sau nhiều năm chi tiêu công quá nhiều.
Thực trạng bội chi đã và đang bào mòn niềm tin của các nhà đầu tư trong nền kinh tế một thời bùng nổ.
Bà Rousseff cũng là áp lực phải tuân theo luật ngân sách sau khi Tòa án Liên bang ra phán quyết rằng bà xào nấu báo cáo tài chính công của nước này trong năm 2014.
Đối thủ chính trị của bà nói Quốc hội cần luận tội bà vì đã vi phạm luật pháp.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Brazil được truyền thông Nhật dẫn lời xác nhận việc Tổng thống Brazil hủy chuyến công du được lên lịch vào đầu tháng 12 này.
Truyền thông đưa tin Tổng thống Rousseff vẫn sẽ dự hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris được khai mạc vào ngày thứ Hai 30/11. - BBC
|
|
6.
Manh mối hung thủ bắn chết ngư dân ở Trường Sa
TPO - Sáng 30/11, tàu QNg 95861 chở thi thể ông Trương Đình Bảy (1970, trú tại thôn An Hải, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị bắn chết ở vùng biển Trường Sa cùng 13 ngư dân khác vẫn còn cách đất liền còn hơn 100 hải lý. Không khi đau thương kèm theo uất ức bao trùm xóm nhỏ miền biển này. Dự kiến khuya đêm nay hoặc sáng mai (1/12) tàu cá mới cập bờ.
Căn nhà của ông Bảy nằm sâu trong ngõ nhỏ của xóm biển An Hải, đông kín người. Từ chiều tối 26/11, khi hay tin ông Bảy bị bắn chết trên vùng biển Trường Sa, bà con lối xóm tập trung ở nhà ông để động viên vợ con ông và lo chuyện hậu sự khi tàu cá cập bờ. Sáng ngày 30/11 rạp được dựng lên. Bên trong tiếng khóc than của người nhà, không ai cầm được nước mắt.
Bà Mai Thị Long (vợ ông Bảy), ôm đứa cháu nội mới được 3 tháng tuổi nằm bệt giữa nền nhà. Mấy ngày qua, bà Long đã khóc cạn nước mắt khi hay tin dữ. Mới cách đây đúng 10 ngày, ông Bảy hôn tiễn biệt cháu nội để theo tàu cá QNg 95861 để làm phụ bếp. Chiều ngày 26/11, tin dữ báo về khiến bà đổ sập.
Bà và ông Bảy lấy nhau tròn 25 năm có với nhau 3 mặt con, 2 trai một gái. Gia đình làm nông, chồng và 2 người con trai ngày nông nhàn thường theo tàu cá của ngư dân trong vùng đi bạn ở biển Hoàng Sa – Trường Sa kiếm tiền nuôi con.
Ngày 21/11, ông Bảy và con trai Trương Đình Đệ (21 tuổi) theo tàu cá QNg 95861 do ông Bùi Văn Cu (1970, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) đi đánh cá.
Ông Bảy theo tàu để lo chuyện bếp núc, hậu cần cho anh em trên tàu. Riêng Đệ đây là chuyến thứ 6 em theo tàu để học nghề đánh bắt.
Anh Trương Đình Huynh (24 tuổi) - con trai đầu của ông Bảy, cho biết: Chiều tối 26/11, ông Bùi Văn Tẩn (anh trai của chủ tàu Bùi Văn Cu) vào báo tin cho gia đình biết rằng ông Cu điện về báo bố em đã bị bắn chết.
Cả nhà hoảng loạn, mẹ em ngất xỉu khi hay tin giữ. Lập tức người nhà liên lạc với tàu cá bằng Icom để hỏi tình hình. Lúc đó, em trai em chỉ kịp nói cha đã bị bắn chết rồi ngất xỉu. Giờ cả nhà đang ngóng tàu vào để biết rõ thực hư thế nào.
Theo đơn trình bày của ông Bùi Văn Tẩn (52 tuổi) với cơ quan chức năng: tàu cá QNg 95861 có công suất 710 CV xuất bến Sa kỳ ngày 21/11 đi khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa.
Đến chiều ngày 26/11 tàu đang neo đậu tại tọa độ 9o21’506’ N – 115o27’790’E để thả ca nô đi khai hải sản, còn lại trên tàu hai thuyền viên là ông Cu và ông Bảy. Khoảng 18h15 ông Cu phát hiện hai chiếc ghe, trên ghe có 8 người và 2 khẩu súng.
Một chiếc tiếp cận và ba người có mang theo súng bước lên tàu của ông Cu tấn công và uy hiếp hai thuyền viên trên tàu. Ông Cu hô ông Bảy chạy về trước mũi tàu để chặt dây neo bỏ chạy, nhưng ông Bảy bị bắn liên tiếp 2 phát đạn vào người ngã gục trên boong. Nhóm người này còn bắn liên tiếp nhiều vết đạn lên cabin của tàu cá. Sau khi ông Bảy chết nhóm người này bỏ đi.
Cũng theo ông Tẩn, sau khi xảy ra sự việc, ông Cu phát tín hiệu gọi anh em đang khai thác hải sản bằng ca nô về tàu để lo sơ cứu cho ông Bảy, nhưng ông Bảy đã chết ngay sau đó.
Sau đó, tàu QNg 95861 chạy về đảo Đá Nam (Trường Sa) báo cáo sự việc, rồi di chuyển vào bờ. Hiện nay, tàu cá còn giữ 4 vỏ viên đạn làm bằng chứng. Những thông tin trên ông Tẩn nắm được qua liên lạc bằng hệ thống icom với anh em trên tàu QNg 95861.
Ông Phùng Bá Vương, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: ngày 30/11 UBND xã nhận được đơn của ông Trương Đình Huynh báo cáo nội dung sự việc ông Trương Đình Bảy bị bắn chết và đang trên đường về cảng Sa Kỳ.
Hiện nay, Công an xã đang phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng tiếp tục điều tra xác minh và làm rõ nội dung vụ việc khi phương tiện vào bờ. - tienphong
No comments:
Post a Comment