Monday, November 16, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Hai 16/11

Tin Thế Giới

1.
Nhà nước Hồi giáo đe dọa tấn công thủ đô Hoa Kỳ --- Pháp xác định kẻ chủ mưu vụ tấn công Paris, bắt giữ 23 người --- Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo Pháp hai lần về kẻ tấn công Paris

Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm nay tuyên bố rằng các nước tham gia vào các cuộc không kích ở Syria sẽ chịu chung số phận như Pháp, đồng thời đe dọa tấn công thủ đô Washington của Hoa Kỳ.

Đoạn video, xuất hiện trên một trang web thường được IS sử dụng để truyền tải các thông điệp của tổ chức này, bắt đầu bằng các hình ảnh về vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm thứ Sáu tuần trước làm ít nhất 129 người chết.

Thông điệp gửi tới các quốc gia liên quan tới điều được gọi là “chiến dịch của kẻ thập tự chinh’ được một người đàn ông mặc quần áo rằn ri và đội khăn xếp được xác định là Al Ghareeb, công dân Algeria.

“Ta muốn nói với các nước tham gia chiến dịch thập tự chinh rằng, với sự chứng giám của Thượng đế, rồi sẽ đến lượt các người, theo ý của Thượng đế, sẽ giống như Pháp, và với sự chứng giám của Thượng đế, ta  đã đánh vào trung tâm nước Pháp ở Paris, và ta thề sẽ đánh vào trung tâm của Hoa Kỳ ở Washington”, người đàn ông trong đoạn video nói.

“Al Ghareeb” còn cảnh báo Châu Âu rằng sẽ xảy ra thêm các vụ tấn công khác nữa.

“Ta muốn nói với các nước Châu Âu rằng ta sẽ tới, mang theo bom mìn và thuốc nổ, đai đeo gài thuốc nổ, súng giảm thanh và các người sẽ không thể ngăn chặn ta vì ta mạnh hơn trước,” hắn ta nói.

Hiện chưa thể ngay lập tức kiểm chứng tính xác thực của đoạn video được coi là sản phẩm của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Salhuddine của Iraq, nằm ở phía bắc Baghdad.

Trong khi đó, chính phủ Pháp coi các vụ tấn công ở Paris là một hành động gây chiến, và tuyên bố sẽ không ngưng các cuộc không kích vào Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq.

Hiện chưa thể xác nhận được tính xác thực của đoạn video này.

Nhà nước Hồi giáo hôm 14/11 đã tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công làm hơn 120 người thiệt mạng ở Paris.

Trong một tuyên bố chính thức, tổ chức này nói rằng các chiến binh được trang bị súng máy và mang theo thuốc nổ đã thực hiện các vụ tấn công tại nhiều địa điểm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng ở trung tâm Paris.

Theo IS, các vụ tấn công nhằm mục đích cho Pháp thấy rằng nước này vẫn là một mục tiêu hàng đầu nếu tiếp tục các chính sách hiện thời.

Tuyên bố nhận trách nhiệm được đăng trên mạng bằng tiếng Ả-rập và tiếng Pháp và được phổ biến bởi các ủng hộ viên của tổ chức khủng bố này.

Tuyên bố của Nhà nước Hồi giáo không cho biết quốc tịch của những kẻ tấn công, nhưng các hãng thông tấn dẫn lời các quan chức cảnh sát Pháp cho biết một hộ chiếu Syria đã được tìm thấy trên thi thể của một trong những kẻ đánh bom tự sát nhắm vào sân vận động quốc gia Pháp. - VOA

***
Giới hữu trách Pháp đã câu lưu 23 người trong những vụ đột kích trên khắp nước sau vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm thứ 6. Họ cũng xác định kẻ chủ mưu vụ tấn công gây nhiều chết chóc này. Thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA gởi về từ Paris

Một người Bỉ gốc Marốc, tên Abdelhamid Abaaoud, đã được nêu tên như nghi can hàng đầu của những vụ tấn công giết chết 129 người. Giới hữu trách Bỉ hồi đầu năm nay đã truy lùng nghi can này vì một âm mưu tấn công cảnh sát.

Tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve hôm nay cho biết gần 170 vụ lục soát của cảnh sát đã được thực hiện trong đêm vừa qua. Bên cạnh những người bị câu lưu còn có hơn 100 người bị quản chế tại gia.

Trong những vụ đột kích, diễn ra ở Toulouse, Grenoble, Jeumont, Lyon và khu Bobigny ở ngoại ô Paris, giới hữu trách đã tịch thu một số vũ khí, trong đó có một khẩu súng phóng lựu, một khẩu AK và những chiếc áo giáp.

Đột kích ở Bỉ

Những vụ đột kích cũng được thực hiện tại khu Molenbeek của thành phố Brussels ở Bỉ, nơi giới hữu trách đang truy lùng Salah Abdeslam, là người mà họ tin là đã cùng với hai người anh em của y tiếp tay cho việc thực hiện những vụ tấn công ở Paris.

Cảnh sát Pháp hôm qua công bố một tấm hình của Abdelslam. Tin tức báo chí cho biết các giới chức Pháp đã chặn Abdelslam lại vài giờ sau vụ tấn công tối thứ 6. Họ chặn xe của nghi can này, trên đó có hai người khác, trên một con đường gần biên giới Bỉ, thẩm vấn ba người này rồi thả ra.

Người anh em của Abdelslam, tên Salah Ibrahim, đã nổ bom tự sát tại hí viện Bataclan trong vụ tấn công giết chết hơn 80 người. Giới hữu trách Bỉ đang câu lưu người anh em thứ ba của nghi can này.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết Pháp “đã tránh được vài vụ tấn công”, nhưng có thể sẽ có thêm những vụ tấn công “trong những ngày sắp tới, trong những tuần sắp tới.” Ông nói ông không muốn làm cho dân chúng sợ hãi, nhưng ông nói thêm rằng “chúng ta đang sống với, và sẽ sống trong một thời gian dài, với mối đe dọa khủng bố này và chúng ta cần chuẩn bị để ứng phó với những vụ tấn công khác nữa.”

Cũng trong ngày hôm nay, Pháp đã cử hành phút mặc niệm vào giữa trưa để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố tại 6 địa điểm ở Paris, gây tử vong cho 129 người.

'Hành vi chiến tranh'

Hôm qua, chiến đấu cơ Pháp đã thực hiện một cuộc không kích qui mô lớn nhắm vào Raqqa, cứ địa của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria, phá huỷ một cơ sở chỉ huy và một trại huấn luyện.

Các chiến đấu cơ Pháp cất cánh từ Jordan và Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập và phối hợp hoạt động với các lực lượng Hoa Kỳ.

Một thông cáo của quân đội Pháp cho biết 10 chiến đấu cơ đã được dùng để thả 20 quả bom xuống các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Đây là vụ không kích lớn nhất của Pháp nhắm vào Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi vụ tấn công hôm thứ 6 ở Paris là 'một hành vi chiến tranh'.

Điều tra

Tuy giới hữu trách tin là chỉ có 8 kẻ tấn công thực sự, họ nghĩ rằng vụ này có sự dính líu của khoảng 20 người. Các công tố viên Pháp hôm nay nói rằng một kẻ nổ bom tự sát đã được nhận diện là Samy Amkimour, một công dân Pháp 28 tuổi bị truy tố trong một cuộc điều tra khủng bố năm 2012. Nghi can này được đặt trong tình trạng giám sát tư pháp, nhưng đã mất dạng và một trát truy nã quốc tế đã được đưa ra để bắt giữ y.

Các công tố viên nói 3 người trong gia đình của Amkimour đã bị câu lưu sáng sớm hôm nay.

Các công tố viên cho biết một kẻ nổ bom tự sát khác được phát giác với một hộ chiếu Syria mang tên Ahmad Ali Mohammad, một người 25 tuổi, sinh ra ở thành phố Idlib. Văn phòng công tố nói rằng dấu tay của kẻ tấn công này trùng với một người đã đi qua Hy Lạp hồi tháng 10.

Một kẻ tấn công khác được xác định là Bila Hafdi, người Bỉ. Tay khủng bố này nằm trong số những kẻ nổ bom tự sát tại sân vận động.

Cảnh sát Pháp hôm qua đã thẩm vấn những người bà con gần của Omar Ismail Mostefai, tay khủng bố đầu tiên được nhận diện trong vụ tấn công.

Cha của Mostefai, cùng với người anh em và chị em dâu của y, nằm trong số 6 người bị giới hữu trách câu lưu. Mostefai là một trong 7 kẻ tấn công, tất cả đều mặc áo gắn bom tự sát. 6 kẻ tấn công tự kích nổ bom trên người và tay khủng bố thứ 7 bị bắn chết trong vụ chạm súng với cảnh sát.

Công tố viên Pháp, ông Francois Molins, nói Mostefai được cảnh sát biết tới như một kẻ phạm tội vặt, nhưng chưa bị cho là thủ phạm trong một cuộc điều tra hoặc dính líu tới khủng bố. Mostefai, 29 tuổi, sống ở Chartres, gần Paris.

Nhận trách nhiệm

Trong tuyên bố nhận trách nhiệm, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã chỉ trích các nước tìm cách chống lại kế hoạch của nhóm này nhằm thành lập “một quốc gia Hồi giáo” ở Syria và Iraq, và cho biết Pháp tiếp tục “nằm ở hàng đầu” trong danh sách các mục tiêu mà nhóm này muốn tấn công.

Một thông cáo của Nhà nước Hồi giáo phổ biến trên mạng hôm thứ bảy nói rằng những vụ tấn công ở Paris là để đáp lại những vụ không kích của Mỹ và liên minh nhắm vào chiến binh của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria trong hơn một năm nay.

Trong thông cáo này, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nêu rõ tên nước Pháp và nói rằng “mùi hôi của chết chóc sẽ không rời khỏi mũi” của các nhà lãnh đạo nước này.​ - VOA

***
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã thông báo với Pháp hai lần vào tháng 12 năm 2014 và tháng Sáu năm 2015 về một trong những kẻ gây ra các vụ đánh bom tự sát và xả súng ở Paris làm 129 người thiệt mạng, một quan chức cấp cao của chính phủ Ankara cho biết như vậy hôm thứ Hai. 

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mới nhận được yêu cầu cung cấp thông tin về Ismael Omar Mostefai sau các vụ tấn công hôm thứ Sáu tuần trước, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói. 

Mostefai đã nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013, nhưng trong hồ sơ không ghi nhận thông tin ông này đã xuất cảnh, quan chức này nói. 

Mostefai, 29 tuổi, sống tại tây nam Paris, là nghi can duy nhất đã được cảnh sát ở Pháp chính thức nhận dạng. Nhân vật này được phát hiện nhờ mẫu vân tay trên một trong các ngón tay bị đứt lìa khi chiếc áo chứa thuốc nổ mà ông ta mặc nổ tung. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được đề nghị tìm hiểu thông tin về 4 nghi can khủng bố từ Pháp ngày 10/10/2014, nhưng trong quá trình điều tra đã phát hiện ra nghi can thứ năm là Mostefai. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần thông báo cho Pháp về kết quả điều tra này, nhưng chỉ nhận được hồi đáp của Pháp sau các vụ tấn công xảy ra thứ Sáu tuần trước.

Quan chức cấp cao của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Mostefai nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013, và không có hồ sơ về việc xuất cảnh của ông này. 

Dưới áp lực của các đồng minh phương Tây nhằm tăng cường cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa các căn cứ không quân cho lực lượng liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo hồi tháng Bảy và đã tăng cường tuần tra biên giới để ngăn chặn các chiến binh nước ngoài gia nhập IS. 

Nhưng chính quyền Ankara lâu nay vẫn phàn nàn về việc thiếu chia sẻ thông tin tình báo giữa các đồng minh, đồng thời thúc giục phương Tây cung cấp thông tin về các nghi can khủng bố. 

“Bây giờ không phải là lúc để đổ lỗi cho nhau, nhưng chúng tôi buộc phải chia sẻ thông tin này để làm sáng tỏ những nơi mà Mostefai đã đi qua”, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói. 

“Vụ việc của hắn ta cho thấy rõ là việc chia sẻ thông tin tình báo và trao đổi hiệu quả là điều cần thiết trong chiến dịch chống khủng bố”, quan chức này nói. - VOA
|
|

2.
Cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo đứng đầu nghị trình G20 --- Nhóm hacker Anonymous tuyên chiến với Nhà nước Hồi giáo

Những vụ tấn công khủng bố ở Paris là đề tài chính tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo của 20 nước giàu nhất thế giới. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cam kết tăng cường nỗ lực để chấm dứt vụ khủng hoảng ở Syria và giúp nước Pháp tìm ra thủ phạm của vụ tấn công có phối hợp hôm thứ Sáu. Thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA tường thuật từ địa điểm hội nghị tại thành phố du lịch Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ

Các nhà lãnh đạo đến dự hội nghị để bàn về các vấn đề thương mại, năng lượng và biến đổi khí hậu, nhưng đứng đầu nghị trình thảo luận là vụ tấn công khủng bố ở Paris và cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm nay ở Syria.

"Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi những nỗ lực của mình."

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tuyên bố nước Mỹ một lòng đoàn kết với nước Pháp, và sẽ giúp truy lùng những thủ phạm của vụ tấn công khủng bố ở Paris và ra sức giải quyết vụ khủng hoảng Syria.

"Cũng giống như những vụ tấn công khủng khiếp ở Ankara, vụ giết hại những người vô tội dựa trên một ý thức hệ méo mó này là một vụ tấn công không chỉ nhắm vào nước Pháp, không chỉ nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, mà là một vụ tấn công nhắm vào thế giới văn minh."

Tại phiên họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, một phút mặc niệm đã được cử hành để tưởng nhớ tất cả các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố.

Vụ tấn công ở Paris khiến cho các nhà lãnh đạo gác sang một bên những ý kiến bất đồng để dồn nỗ lực cho mục tiêu chung là chiến đấu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Obama đã tiến hành một cuộc họp không loan báo trước với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị.

Hai nhà lãnh đạo đã bàn về những cách thức để giải quyết vụ xung đột Syria và đồng ý với nhau rằng đây là một việc đã trở nên cấp bách hơn lúc nào hết sau vụ khủng bố ở Paris. - VOA

***
Nhóm hacker Anonymous tuyên bố chuẩn bị tiến hành một loạt các vụ tấn công mạng nhắm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi xảy ra các vụ tấn công ở Paris tuần trước làm hơn 120 người thiệt mạng. 

Trong một đoạn video đăng trên mạng, một người đàn ông đeo mặt nạ nói rằng các chiến binh Hồi giáo nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công ở Paris là “ký sinh trùng”, và tuyên bố rằng Anonymous sẽ triệt hạ bọn chúng. 

“Các vụ tấn công như thế không thể không bị trừng phạt”, một người đàn ông nói bằng tiếng Pháp trong đoạn video. 

“Chúng tôi sẽ mở một chiến dịch lớn nhất nhắm vào các người. Hãy chờ đợi nhiều vụ tấn công mạng. Cuộc chiến đã bắt đầu. Hãy sẵn sàng”, người đàn ông nói, nhưng không cho biết rõ là các cuộc tấn công sẽ diễn ra như thế nào. 

“Chúng tôi không tha thứ và sẽ không quên”, người xuất hiện trong đoạn video nói thêm. 

Anonymous là một mạng lưới các hacker quốc tế, từng tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện nhiều vụ tấn công mạng. - VOA
|
|

3.
Bà Aung San Suu Kyi dự phiên họp kín quốc hội Miến Điện

Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi đã tham dự phiên họp bế mạc của quốc hội Myanmar hôm thứ Hai. 

Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà mới đây đã giành chiến thắng vang dội trước Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên hiệp (USDP) được chính phủ và quân đội hậu thuẫn, và giành thế đa số tuyệt đối tại quốc hội mới của nước này. 

Tập đoàn quân nhân nắm quyền năm 2008 đã đưa vào bản hiến pháp hiện thời một qui định, theo đó bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống vì hai con trai và người chồng quá cố của bà đều là công dân ngoại quốc mang quốc tịch Anh. 

Tuy nhiên, bà từng tuyên bố rằng nếu đảng của bà giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử mới đây, bà sẽ là người chỉ đạo cho tân tổng thống do quốc hội bầu ra. 

Phiên họp quốc hội diễn ra hôm 16/11 là phiên họp cuối cùng dưới thời của Tổng thống đương quyền Thein Sein mà đảng của ông đã bị NLD đánh bại. 

Tuần trước, trong khi chúc mừng cả Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo NLD về “cuộc bầu cử lịch sử” ở Myanmar, Tòa Bạch Ốc nói rằng đất nước này cần phải tiến hành thêm các bước đi dân chủ, trong đó có việc thay đổi hiến pháp để bà Aung San Suu Kyi có thể trở thành tổng thống. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Trường đại học Harvard di tản sau đe dọa đánh bom

Trường đại học nổi tiếng ở Mỹ đã phải ra lệnh di tản sinh viên trong nhiều tòa nhà vào trưa thứ Hai 16/11 sau khi nhận được email đe dọa đánh bom.

Vào khoảng 12:30 trưa thứ Hai, trường Harvard đã đăng lên trang web lời cảnh báo cho biết: “Đã nhận được một đe dọa đánh bom chưa được xác nhận. Các tòa nhà Trung tâm Khoa học, Sever, Emerson và Thayer đã phải di tản. Thông tin sẽ được cập nhật”.

Ngay sau đó vào khoảng 1 giờ chiều, Harvard tiếp tục thông báo:

“Như hầu hết chúng ta đã biết, chúng tôi nhận được một đe dọa đánh bom chưa được xác nhận, ảnh hưởng đến các tòa nhà Trung tâm Khoa học, Sever, Emerson và Thayer trong khuôn viên trường Cambridge. Các tòa nhà đã được di tản và các giới chức công lực đang ở hiện trường. Lối vào khuôn viên đã bị cấm. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin ngay khi có tin tức mới.

Khoảng 15 phút sau, Đại học Harvard cho biết các tòa nhà đang được lục soát và phải mất nhiều giờ để hoàn tất công việc này.

Không chỉ riêng Harvard, nhiều nơi khác trong khu vực hôm thứ Hai cũng đã nhận được những đe dọa đánh bom. Trường Đại học Fitchburg sáng sớm thứ Hai cũng đã phải di tản và Đại học Cộng đồng Cape Code phải hủy các lớp buổi sáng vì những đe dọa đánh bom.

Trong lá thư gửi cho phụ huynh hôm thứ Hai, giám thị các trường công Cambridge cho biết cảnh sát đang điều tra về thông tin nặc danh đe dọa mà nhiều người đang lo lắng rằng đang có kế hoạch “đánh bom hàng loạt các trường Cambridge trong thành phố”. Nhà trường cho biết đã tăng cường an ninh vào ngày thứ Hai.

Hiện cảnh sát chưa xác nhận liệu những đe dọa đánh bom trên có liên quan với nhau hay không. - VOA
|
|

5.
Tàu hải quân Mỹ đến TQ sau những căng thẳng ở Biển Đông

Một chiến hạm của Hải quân Mỹ cập bến Thượng Hải hôm nay, 16/11 trong một dấu hiệu cho thấy quân đội Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục giao lưu, bất chấp những cẳng thẳng liên quan tới cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Chuyến đi thăm của tàu khu trục USS Stethem diễn ra sau khi Trung Quốc đả kích quyết định của Washington triển khai tàu khu trục trang bị phi đạn hướng dẫn USS Lassen áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc mới xây tại bãi đá Subi.

Hoa Kỳ vẫn duy trì lập trường là các đảo nhân tạo không được coi là đảo thực sự và do đó Trung Quốc không có quyền coi vùng biển quanh đó là thuộc chủ quyền của họ.

Nói chuyện với các nhà báo, người chỉ huy Khu trục hạm Stethem, Hạm trưởng Harry Marsh, tuyên bố các hoạt động để bảo vệ quyền tự do hàng hải của Mỹ là những hoạt động thường lệ, không làm phức tạp hoá quan hệ với các lực lượng quân sự của bất cứ nước nào.

Hạm trưởng Marsh nói “đôi khi các nước có thể có những bất đồng với nhau, nhưng hải quân của hai bên vẫn có thể hoạt động an toàn trên biển.”

Khu trục hạm lớp Arleigh-Burke USS Stethem ghé thăm Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, sau chặng dừng chân ở cảng Thanh Đảo, ở miền Bắc.

Trong khi đó, tình hình Biển Đông dự kiến sẽ nằm cao trong nghị trình của các cuộc họp cấp cao khu vực tổ chức trong tuần này, giữa lúc Nhật Bản, Australia và Malaysia đều bày tỏ quan tâm về các vụ tranh chấp biển đảo vào cuối tuần rồi.

Một phụ tá của Thủ Tướng Nhật cho hay hôm thứ Bảy Thủ Tướng Shinzo Abe và Thủ Tướng Australia Malcolm Turnbull đã trao đổi với nhau về những quan tâm về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc trong Biển Đông bên lề Hội nghị G-20 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo chương trình, cả hai nhà lãnh đạo Úc-Nhật sẽ tham gia hội nghị APEC tại Manila vào ngày thứ Tư và thứ Năm, cũng như Hội nghị ASEAN và các hội nghị liên quan ở Kuala Lumpur vào cuối tuần này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Sam Rainsy mất ghế dân biểu Campuchia

Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy mất ghế dân biểu và bị tước quyền miễn trừ theo một quyết định của Quốc hội Campuchia.

Ông Rainsy dự định từ Nam Hàn về nước khoảng 10 giờ tối nay, giờ địa phương. Nếu đặt chân xuống Campuchia ông có thể bị bắt.

Tin mới nhất chúng tôi nhận được là ông đã hoãn quay về nước, chưa biết cho tới bao giờ.

Ông Sam Rainsy vừa đăng status trên trang Facebook của mình, viết: "Sau khi tham vấn các đồng nghiệp ở Campuchia và một số tổ chức dân chủ quốc tế, những người khuyến cáo rằng tôi nên về Phnom Penh vào ban ngày và có thời gian cho can thiệp ngoại giao nhằm đạt giải pháp hòa bình cho tình trạng gia tăng bạo lực gần đây ở Campuchia, tôi sẽ không tới sân bay Quốc tế Phnom Penh vào lúc 22:20 giờ tối nay như đã định mà sẽ quay về Campuchia trong vài ngày tới".

Tòa án Phnom Penh hôm 13/11 ra trát bắt đối với ông Rainsy vì một tội bị kiện từ 7 năm trước.

Năm 2008, Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong kiện ông Rainsy ra tòa về tội phỉ báng, khiến ông bị kết án hai năm tù năm 2011. Ngoài ra ông Rainsy còn bị án tù vì cáo buộc liên quan đến việc nhổ mốc cắm ở biên giới với Việt Nam.

Tuy nhiên ông đã được ân xá khi trở về Campuchia và không phải ngồi tù.

Nay với trát bắt mới, dường như lãnh đạo đảng Cứu quốc (CNRP) đối lập phải đương đầu với nguy cơ bị bỏ tù.

Sứ quán Hoa Kỳ tại Campuchia đã ra cảnh báo cho công dân của họ rằng có khả năng sẽ có biểu tình lớn gần các sân bay quốc tế ở Phnom Penh và Siem Reap tối ngày 16/11 và có thể cả trong ngày 17/11.

Mất mọi quyền lợi

Sáng thứ Hai 16/11, ủy ban thường vụ Quốc hội Campuchia có phiên họp bàn về trường hợp ông Sam Rainsy.

Chủ tịch Heng Samrin sau đó đọc thông báo về việc tước quyền dân biểu của ông Rainsy.

Theo đó, ông Sam Rainsy mất toàn bộ quyền và tư cách dân biểu tỉnh Kompong Cham.

Quyết định này có hiệu lực tức thì.

Đảng CNRP sẽ có cuộc họp khẩn để thảo luận về tình hình mới.

Nếu bị bắt, đây sẽ là lần đầu tiên ông Rainsy, người có quốc tịch Pháp, bị giam giữ ở Campuchia.

Mới đây đảng Nhân dân cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen và CNPR đã mở đối thoại sau một năm phá vỡ bế tắc chính trị.

Tuyên bố của hai đảng ra hồi tháng Năm nói họ sẽ tôn trọng, thành thật với nhau và không nhục mạ nhau.

Tuy nhiên tình hình thực sự xem ra chưa hết căng thẳng. - BBC

No comments:

Post a Comment