Tin Thế Giới
1.
COP21: Có hy vọng đạt thỏa thuận --- Toàn cầu đòi thỏa thuận hiệu quả chống biến đổi khí hậu --- Dân Paris khổ sở với chuyện đi lại --- 24 nhà bảo vệ môi trường bị quản thúc tại gia ở Pháp
Gần 150 nhà lãnh đạo toàn cầu nhóm họp tại Paris vào ngày Chủ nhật cho phiên họp quan trọng về khí hậu của LHQ với an ninh được siết chặt.
Hội nghị, được gọi là COP21, sẽ cố đưa ra một thỏa thuận dài hạn để giới hạn lượng khí thải carbon.
Giới quan sát nói rằng các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại thủ đô nước Pháp sẽ làm tăng cơ hội đạt được một thỏa thuận mới.
Khoảng 40.000 người dự kiến sẽ tham gia vào các sự kiện được tổ chức cho đến ngày 11/12/2015.
Việc 147 người đứng đầu các nước và chính phủ nhóm họp kể như qui mô lớn hơn nhiều so với con số 115 nhà lãnh đạo đã đến Copenhagen vào năm 2009, lần cuối cùng thế giới tiến gần tới sự nhất trí cho một thỏa thuận dài hạn về biến đổi khí hậu.
Trong khi nhiều nhà lãnh đạo bao gồm cả Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình luôn có mặt để tham dự hội nghị này, các cuộc tấn công bạo lực gần đây ở Paris đã khuyến khích những nhà lãnh khác đến đây trong một biểu hiện của tình đoàn kết với nhân dân Pháp.
Không giống như ở Copenhagen, nhà tổ chức tại Pháp đã để các nhà lãnh đạo gặp nhau ngay khi khai mạc hội nghị thay vì chờ đợi cho họ đi vào lúc kết thúc, một chiến thuật có thể xem là sự thất bại lớn tại thủ đô của Đan Mạch.
Một vấn đề quan trọng là những sẽ gì tạo thành một thỏa thuận. Chẳng hạn Hoa Kỳ sẽ không cam kết vào một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý mà sẽ có rất ít hy vọng có thể thông qua được tại Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế.
Nhiều nước đang phát triển không đồng ý về cơ bản. Liên hiệp châu Âu cũng vậy.
Và trong số nhiều vấn đề khác gây tranh cãi, thì tiền gần như chắc chắn là chủ đề.
Trong khi các nước giàu và các nước khác hứa sẽ cấp 100 tỉ USD vào năm 2020 cho các nước đang phát triển từ năm 2009, quá trình giải ngân bị chậm. Ngay lúc này không có thoả thuận về những gì xảy ra sau năm 2020.
Trong khi có không khí chung của sự lạc quan và sẵn sàng để tiến tới một thỏa thuận, không ai dám chắc hội nghị sẽ thành công vào lần này.
Nhiều người tin rằng một quốc gia như Ấn Độ, với gần 300 triệu người không có điện, sẽ từ chối cam kết ký một thỏa thuận hạn chế mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. - BBC
***
Một ngày trước lễ khai mạc Thượng đỉnh khí hậu thiên niên kỷ COP21 tại Paris, dân chúng ở nhiều thủ đô trên địa cầu tổ chức những cuộc tuần hành khổng lồ. Cuộc "trường chinh" bước sang ngày thứ ba gây áp lực đòi 150 nhà lãnh đạo thế giới đạt thỏa thuận cao vọng về khí hậu, hầu tránh cho trái đất nạn diệt vong.
Từ hôm 27/11/2015, hàng chục ngàn cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp thế giới để đòi hỏi những biện pháp mạnh chống gia tăng nhiệt độ khí quyển và gây áp lực với đại diện của 195 quốc gia thương lượng tại Le Bourget, phiá bắc Paris. Thượng đỉnh COP21 trong vòng gần hai tuần kể từ ngày 30/11 được xem là cơ may cuối cùng.
Theo AFP, do vị trí địa lý, cuộc tuần hành đầu tiên trong ngày Chủ nhật 29/11/2015 huy động 45.000 người ở Sydney, hàng ngàn người đội mưa xuống đường ở Seoul. Phong trào vận động tiếp nối tại New Delhi, rồi Luân Đôn cho đến New York, Rio de Janeiro, Mexico ở châu Mỹ.
Tại Sydney, người biểu tình mang biểu ngữ kêu gọi tinh thần trách nhiệm của giới chính trị: Đoàn kết thế giới, Không có kế hoạch B, Phải tấn công vào nguồn cội….
Một thành viên của tổ chức chống nạn đói Oxfam nhận định : những người ít gây ô nhiễm nhất lại là nạn nhân đầu tiên lãnh hậu quả của hiệu ứng nhà kính. Hàng loạt quốc đảo trong vùng Thái Bình Dương có nguy cơ bị nước biển xóa tên.
Được xem là hội nghị về khí hậu có tầm mức quyết định, COP21 khai mạc vào ngày 30/11/2015 trong sự bảo vệ an ninh triệt để, hai tuần lễ sau loạt khủng bố sát hại 130 người tại Paris.
Nếu hội nghị COP21 không thông qua được một thỏa thuận cụ thể ngăn chận nhiệt độ khí quyển tăng hơn 2°C từ nay đến năm 2100 thì trái đất, con người và sinh vật sẽ trả giá đắt. Các hiện tượng đã và đang xảy ra như băng tan làm nước biển dâng cao, sinh vật hủy diệt, bão tố, hạn hán ngày càng thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. - RFI
***
Dân Paris chưa kịp trấn tỉnh với các vụ khủng bố giờ phải vò đầu bức tóc suy nghĩ phải di chuyển như thế nào trong hai ngày (Chủ Nhật 29 và thứ Hai 30/11/2015) và nhất là đi làm kể từ đầu tuần. Chính phủ Pháp liên tiếp cảnh báo những khó khăn trong việc đi lại do các biện pháp an ninh đề ra nhân lễ khai mạc Thượng đỉnh về khí hậu COP21 tại Le Bourget, phía bắc Paris.
Không sử dụng xe hơi cá nhân, tránh sử dụng phương tiện công cộng, lấy ngày nghỉ ở nhà… Đó là những chỉ thị trái chiều do chính phủ Pháp đưa ra, gây phiền phức cho cuộc sống của người dân Paris và những vùng phụ cận. Nguyên nhân là do những "biện pháp đặc biệt được đề ra để đảm bảo an ninh cho lãnh đạo các nước tham gia Thượng đỉnh" như giải thích của chính quyền Paris.
Cụ thể trong hai ngày này, nhiều trục đường cao tốc ở phía bắc (A1, A6 và xa lộ ngoại vi) nối liền trung tâm thủ đô với Le Bourget sẽ bị cấm lưu thông ở cả hai chiều để "dành đường cho xe của các phái đoàn" tham gia Thượng đỉnh. Để tiện bề cho việc đi lại của người dân, giao thông công cộng trong hai ngày 29 và 30/11/2015 là miễn phí. Chính quyền ước tính biện pháp này tốn mất 8 triệu euro.
Tuy nhiên, do e sợ "phương tiện công cộng bị quá tải", chính quyền Pháp cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, kêu gọi các doanh nghiệp có sự "linh hoạt" như khuyến khích người lao động lấy ngày nghỉ, hay làm việc tại nhà.
Vùng Ile-de-France (bao gồm Paris và các vùng ngoại ô lân cận) có hơn năm triệu người lao động. Phân nửa trong số họ đến sở làm bằng xe hơi riêng, số còn lại bằng phương tiện công cộng, tùy theo khoảng cách địa lý giữa nơi ở và sở làm.
Ngay tại thủ đô Paris và những khu ngoại ô sát với thủ đô, việc sử dụng phương tiện công cộng khá phổ biến. Hai phần ba người lao động đến sở làm bằng xe buýt, tàu điện hay tàu điện ngầm. Còn ở những vùng ngoại ô xa xôi, 3/5 người lao động sử dụng xe ô-tô cá nhân. Bên cạnh đó, hơn nửa triệu lao động sử dụng tàu nối giữa các ngoại ô với nhau.
Theo thống kê, trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu), hệ thống tàu điện ngầm Paris mỗi ngày chở 4,8 triệu lượt người, 3 triệu rưỡi vào ngày thứ Bảy và hơn 2 triệu ngày Chủ Nhật.
Công ty quản lý giao thông công cộng Paris (RATP) sẽ tăng cường thêm 10% các tuyến tàu điện nội ô, nhưng lo ngại hệ thống vận tải này bị bão hòa. Trong khi đó, từ sau vụ khủng bố 13/11, lượng hành khách sử dụng tàu điện đã giảm 10%. Ngược lại, các tuyến đường bộ hầu như sáng nào cũng bị tắc nghẽn dài hàng trăm cây số. Cho đến lúc này, phần đông người sử dụng các phương tiện công cộng vẫn chưa thật sự có ý định thay đổi thói quen của mình. - RFI
***
Tại Pháp, 24 nhà đấu tranh bảo vệ sinh thái bị xem là có xu hướng biểu tình bạo động nhân Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP21 đã bị quản thúc tại gia. Biện pháp trói buộc và phản tự do này được quyết định trong khuôn khổ "tình trạng khẩn cấp" được ban hành sau loạt khủng bố 13/11, đã bị giới hoạt động xã hội chỉ trích mạnh.
Các hiệp hội dân sự tại Pháp không thụ động, họ động viên lực lượng qua các hình thức khác như "nối vòng tay lớn". Đảng Xanh -Sinh Thái Châu Âu , qua Tổng thư ký Emmanuelle Cosse đã trực diện đối đầu với chính phủ Pháp. Bà tuyên bố là "dù cho nước Pháp được đặt trong tình trạng khẩn cấp thì các quyền tự do của công dân vẫn phải được tôn trọng".
Thông điệp này đã được trực tiếp chuyển đến Tổng thống François Hollande nhân cuộc tiếp xúc giữa chủ nhân tại Điện Elysée với đại diện các tổ chức bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu ngày thứ bảy 28/11.
Tổng giám đốc tổ chức Green Peace của Pháp, ông Jean François Julliard, đã cam đoan với Tổng thống Pháp là tất cả 24 người bị quản thúc này đều là những nhà hoạt động ôn hòa. Không có lý do gì họ bị cấm ra khỏi nhà trong 15 ngày hội nghị COP21.
Theo nguồn tin từ các hiệp hội này thì Tổng thống Pháp tỏ ra rất thông cảm và cho biết ông sẽ theo dõi, không để tình trạng này xảy ra nữa. Tuy nhiên, Bộ trưởng bộ Nội vụ Bernard Cazeneuve không thay đổi quyết định. Người đứng đầu an ninh của Pháp cho rằng trong những cuộc biểu tình trước đây, 24 nhà hoạt động này đã từng "có hành động bạo lực". Thêm vào đó, họ đã khẳng định là "sẽ không tôn trọng tình trạng khẩn cấp".
Cũng trong khuôn khổ "tình trạng khẩn cấp", cảnh sát Pháp cũng cấm biểu tình lớn trên đường phố. Do vậy, tuy Paris đón tiếp hội nghị khí hậu nhưng giới bảo vệ môi trường không thể xuống đường như ở các nước khác.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động Pháp không bó tay. Không "đi" thì họ "đứng" qua chiến dịch "Nối vòng tay lớn" chiếm đóng đường phố . Trong khi đó, một tổ chức có tên là Avaaz đưa ra sáng kiến có một không hai: chính phủ cấm "người đi biểu tình" nhưng không cấm "giầy biểu tình". Sáng hôm nay, tại quảng trường Cộng hòa, hàng ngàn đôi giày đã được bày ra trong đó có những chiếc giày bố trắng, quà tặng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho phong trào chống biến đổi khí hậu.
Chưa hết, để đường phố có thể vang dậy khấu hiệu, mỗi tối trong tuần, đúng 20 giờ, và cuối tuần lúc 12 giờ, sẽ có "tiếng loa vang". Dân chúng thủ đô được mời sử dụng điện thoại cá nhân, nhạc cụ và nồi niêu xon chảo, tham gia giúp các nhà lãnh đạo chính trị thế giới "tỉnh thức". - RFI
|
|
2.
Thổ Nhĩ Kỳ trao trả thi thể phi công Nga
Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay đưa trả thi thể của phi công thiệt mạng khi nhảy dù ra khỏi chiếc chiến đấu cơ và bị các lực lượng người Kurd bắn chết hồi tuần trước.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng thi thể của phi công này được đưa về Thổ Nhĩ Kỳ chiều tối thứ Bảy, và được làm những nghi thức theo truyền thống của Chính thống giáo.
Các lực lượng của Nga và Syria cứu được phi công thứ hai của chiếc máy bay bị bắn rơi, trong khi đó một binh sĩ Nga thiệt mạng trong nỗ lực giải cứu này.
Chiếc chiến đấu cơ rơi xuống khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở miền bắc Syria hôm thứ Ba. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không đồng ý với nhau về đường bay của chiếc chiến đấu cơ. Ankara nói chiếc máy bay đã xâm phạm không phận của họ, còn Nga quả quyết chiếc máy bay chưa bao giờ vượt ra khỏi không phận Syria.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh chế tài kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh này cấm một số sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ bán vào thị trường Nga, không cho phép gia hạn hợp đồng cho người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc ở Nga và gây ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn ở Nga.
Sắc lệnh cũng ngưng các chuyến bay thuê bao từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu các công ty du lịch Nga ngưng bán các tour du lịch có chặng dừng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó trong ngày thứ Bảy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng bày tỏ hối tiếc về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. Ông nói nước ông “thực sự đau buồn” vì sự kiện này và ước gì chuyện này đã không xảy ra.'
Nói chuyện với những người ủng hộ tại tỉnh Balikesir, ông Erdogan bày tỏ hy vọng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vụ này này không leo thang thêm và dẫn đến những hậu quả tai hại. Và ông cũng hy vọng những chuyện như thế này sẽ không xảy ra nữa.
Ông Erdogan cũng lập lại đề nghị gặp mặt trực tiếp với ông Putin vào thứ Hai tới đây bên lề hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Paris. Ông Putin chưa đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong ngày thứ Bảy, Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo dân chúng hoãn những chuyến đi không cấp bách tới Nga. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói lệnh cảnh báo du hành được đưa ra vì “những khó khăn,” mà họ không nói rõ là gì, mà du khách và cư dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga đang gặp phải.
Ông Putin nói việc bắn hạ chiếc máy bay là một hành động phản bội của một nước mà Nga lầm tưởng là một nước bạn. Ông cũng nói Hoa Kỳ biết được đường bay của chiếc chiến đấu cơ và đáng lẽ phải thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO của Mỹ.
Vụ tranh chấp này đe dọa tới mối quan hệ giữa hai nước vốn đã ở hai phía đối nghịch nhau trong cuộc nội chiến Syria. - VOA
|
|
3.
Đức Giáo Hoàng thăm Cộng hoà Trung Phi
Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi người dân Cộng hòa Trung Phi đoàn kết và đừng để khác biệt tôn giáo chia rẽ họ, khi ngài đến thăm đất nước bị cuộc xung đột giữa người Kitô giáo và các phần tử chủ chiến Hồi giáo xâu xé mấy năm qua.
Trong một phát biểu tại dinh tổng thống ở Bangui hôm nay, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài hy vọng cuộc bầu cử sắp tới sẽ cho phép đất nước "bước vào một chương mới an bình trong lịch sử."
Tổng thống Catherine Samba-Panza của Cộng hòa Trung Phi hôm thứ Bảy nói rằng công chúng nước bà xem Đức Giáo Hoàng như một thông điệp hòa bình.
"Nhiều người Trung Phi hy vọng rằng thông điệp Ngài mang đến sẽ tạo nguồn cảm hứng cho một phong trào chuyển biến và nhận thức trên cả nước rằng người dân Trung Phi học cách chấp nhận nhau, học các chung sống với nhau, và học cách hướng đến hòa bình và xây dựng đất nước," bà Samba-Panza nói.
Cộng hòa Trung Phi đã chìm ngập trong bạo động gần 3 năm qua, kể từ khi nhóm nổi dậy Seleka do người Hồi giáo chiếm đa số, lật đổ Tổng thống Francois Bozize hồi tháng 3 năm 2013. Những vụ giết chóc do nhóm Seleka gây ra đã châm ngòi cho cuộc nổi lên của nhóm dân quân có đa số là người Kitô giáo chống Balaka.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô theo trù liệu sẽ gặp gỡ với Tổng thống Samba-Panza. Chính phủ lâm thời của bà Samba-Panza sẽ hết nhiệm quyền vào tháng Giêng sắp tới. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ đến thăm một trại tị nạn và dâng một thánh lễ.
Hôm thứ Bảy, đông đảo người đón chào Đức Giáo Hoàng ở Uganda khi Ngài dâng thánh lễ ngoài trời tại một đền thờ để vinh danh 45 thánh tử đạo bị một vị vua thiêu sống trong những năm 1800 vì không chịu từ bỏ đức tin.
Đức Giáo Hoàng khuyến khích người dân Uganda tôn kính sự hy sinh của các thánh tử đạo đó bằng cách chăm sóc cho người lớn tuổi, người nghèo và những người bị bỏ rơi.
Đức Giáo Hoàng nói: “Di sản này không phải chỉ được tôn kính bằng những buổi tưởng niệm hay được tôn vinh trong một viện bảo tàng như một viên ngọc quý. Nhưng chúng ta vinh danh các thánh tử đạo và các vị thánh, khi chúng ta làm chứng về Chúa Jesus ngay tại nhà và trong khu xóm của chúng ta, tại ngay nơi làm việc của chúng ta và tại các xã hội dân sự, dù chúng ta không bao giờ rời khỏi nhà hay chúng ta đi đến tận cùng trái đất.”
Sau Thánh lễ, Ngài đến một phi trường đã ngưng sử dụng tại Kampala và được 150.000 người trẻ chào đón nồng nhiệt. Tại đây Ngài nghe phát biểu của một cô gái trẻ sinh ra dương tính với HIV sau trở thành một nhà hoạt động, và một người đàn ông bị Đội quân Kháng chiến của Thượng đế bắt cóc và trốn thoát được và sau đó lấy được một bằng đại học. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các người trẻ là đức tin có thể giúp họ vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Hoa Kỳ chấm dứt chương trình thu thập dữ liệu điện thoại
Chính phủ liên bang Mỹ sẽ chấm dứt việc thu thập rộng rãi các dữ liệu điện thoại của hàng triệu người Mỹ vào nửa đêm ngày thứ Bảy.
Động thái này được đưa ra tiếp sau những tranh cãi phát sinh bởi việc Edward Snowden, một cựu nhân viên khế ước của chính phủ, tiết lộ chương trình bí mật này.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA chịu trách nhiệm về chương trình thu thập rộng rãi các dữ liệu điện thoại trong một tuyên bố ngày thứ Sáu cho biết đang thay thế việc này bằng những phương pháp theo dõi các mục tiêu chặt chẽ hơn.
NSA sẽ chấm dứt chương trình này vào lúc 11:59 PM giờ miền đông Hoa Kỳ ngày thứ Bảy và sẽ có một hệ thống mới thay thế.
Sau đó theo Đạo luật Tự do USA, nếu chính phủ muốn thu thập các dữ liệu điện thoại, chính phủ sẽ phải yêu cầu các công ty điện thoại liên hệ kiểm tra dữ liệu của mình. Chính phủ Hoa Kỳ căn cứ yêu cầu nhắm vào một cá nhân rõ rệt, một tài khoản, địa chỉ hay máy móc theo một phương cách giới hạn việc tìm những thông tin một cách hợp lý.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia nói tiến trình mới cho phép Hoa Kỳ có thể nhận ra được những thông tin liên lạc giữa các phần tử khủng bố nước ngoài và các cá nhân tại Mỹ trong khi củng cố việc bảo vệ quyền riêng tư của tất cả công dân Mỹ. Trong một tuyên bố Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ nói “những đe dọa khủng bố hay quyền riêng tư đều không bị coi nhẹ.”
Theo chương trình thu thập dữ liệu điện thoại rộng rãi đang hết hạn, chính phủ thu thập tin tức về những cú gọi điện thoại, trong đó có thời lượng và những số điện thoại liên hệ, nhưng nội dung của các cuộc điện đàm không bị theo dõi, thu âm hay thu thập.
Tổng thống Barack Obama vào tháng Giêng năm nay nói rằng việc thu thập dữ liệu rộng rãi sẽ chấm dứt. Vào tháng 6, quốc hội chính thức bãi bỏ chương trình, nhưng cho phép thời hạn chuyển tiếp 6 tháng chấm dứt vào ngày thứ Bảy này. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Một ngư dân bị bắn chết ở Trường Sa
Ngày 29-11, ông Nguyễn Thanh Hùng- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) - cho biết tàu cá của ông Bùi Văn Cu, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, đang trên đường về đất liền sau khi xảy ra trường hợp một thuyền viên của tàu bị bắn chết ở Trường Sa.
Theo lời ông Hùng, vào ngày 28-11, trong lúc tàu cá của ông Cu đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì bất ngờ bị một tàu lạ áp sát. Một nhóm gồm 5 người trên tàu lạ nhảy sang tàu của ông Cu và dùng súng bắn chết thuyền viên Trương Đình Bảy (42 tuổi; ngụ thôn An Hải, xã Bình Châu).
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các ngư dân đã thông báo với các cơ quan chức năng và đang trên đường trở về đất liền. “Các ngư dân trên tàu vẫn còn lưu giữ 4 vỏ đạn của nhóm người trên tàu lạ sau khi tấn công các ngư dân” - ông Hùng cho biết. - nguoilaodong
|
|
6.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN: những dấu hỏi (TS. Vũ Cao Phan, Nhà nghiên cứu, Đại học Bình Dương)
Đúng một tuần trước, ngày 22/11/2015, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN họp tại thủ đô của Malaysia đã ra Tuyên bố Kuala Lumpur 2015, chính thức thành lập “Cộng đồng Kinh tế ASEAN” (AEC), có hiệu lực thực thi từ ngày 31/12 cùng năm.
Đó là một tin tốt lành. Người viết bài này dành nhiều quan tâm tới hai vấn đề là thứ nhất cộng đồng này sẽ được điều hành như thế nào và thứ hai trong 'ba trụ cột' được tuyên bố của cộng đồng này gồm 'Cộng đồng Kinh tế', 'Cộng đồng Văn hóa- Xã hội' và 'Cộng đồng Chính trị-An ninh', thì 'bộ mặt' của cộng đồng chính trị an ninh sẽ thực sự ra sao?
Trước hết là câu hỏi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được điều hành thế nào?
Tin tức báo chí cho biết, hàng chục văn kiện “ăn theo” đã được ký kết, nhưng chưa thấy nêu tên một văn kiện nào đề cập công việc tổ chức và điều hành của Cộng đồng. Chắc phải cần đến thời gian.
AEC có giấc mộng bước theo mô hình EEC (Cộng đồng Kinh tế Châu Âu) trong khi Cộng đồng này có các cơ quan mang tính lập pháp và hành pháp của mình là Hội đồng và Ủy ban.
“Cơ cấu mẹ” của AEC là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ có Ban Thư ký/Tổng Thư ký với chức năng điều phối, chắc chắn sẽ không thích hợp với cấu trúc AEC.
Dù cơ cấu tổ chức như thế nào, AEC vẫn cần có những quốc gia giữ vai trò chủ đạo.
Ở EEC, vai trò ấy được cậy vào hai quốc gia là Pháp và Đức. Một cộng đồng kinh tế nhỏ hơn là khối Mercosur gồm những nền kinh tế phát triển nhất Nam Mỹ (Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay với Venezuela là quan sát viên) cũng thấy nổi bật Brasil trong các quyết sách chiến lược.
Điều làm nên vai trò lãnh đạo, dẫn dắt là các quốc gia này tạo dựng được uy tín từ nền kinh tế hùng cường, xã hội ổn định với tư duy chính trị theo cùng thời đại và tất nhiên, có dân số nổi bật trong khối và cũng là những quốc gia sẵn sàng giữ vai trò.
Bó đũa chọn cột cờ?
Theo những tiêu chí đó thì hiện nay trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN nổi lên Indonesia. Quốc gia này có một dân số vượt trội (gấp hai lần rưỡi các quốc gia có lượng dân số lớn kế tiếp là Philippines và Việt Nam), một nền kinh tế lớn nhất (tính theo tổng sản phẩm quốc dân) nhưng sự sẵn sàng thì có vẻ chưa.
Trong thời tổng thống tiền nhiệm, nhiều nhà lãnh đạo Indonesia- nhất là các tướng lãnh quân đội - đã không ít lần đề cập vai trò này.
Và trên thực tế, Indonesia đã đôi lần thể hiện có hiệu quả. Năm 2012, Hội nghị cấp cao ASEAN đã không ra được tuyên bố chung do quan điểm khác biệt của nước chủ nhà.
Khi ấy, ngoại trưởng Indonesia đã lần lượt đến từng quốc gia vận động, thuyết phục để cuối cùng ASEAN ra được một tuyên bố dù tuyên bố ấy nằm ngoài hội nghị.
Tuy nhiên, ở đời Tổng thống đang tại nhiệm, Indonesia dường như chưa sẵn sàng.
Trong khi một AEC đã cận kề, Tổng thống Jokowi vẫn đặt mọi quan tâm vào chính sách đối nội.
Và trong khi Biển Đông đang dậy sóng, ông đầu tư tâm trí quốc gia vào một trục hàng hải với Indonesia làm trung tâm nhưng chưa cho thấy nó sẽ được hoạt động như thế nào cũng như địa lý hải hành của trục này ra sao.
Tổng Biên tập tờ The Jakarta Post, M. Suryodiningrat, mới đây nhận xét: 'Indonesia quá lớn để không thể bị bỏ qua, nhưng liệu đã đủ lớn để có vai trò trên trường quốc tế?'
Thật vậy, dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia chưa phải là một nước công nghiệp hóa với nền kinh tế tri thức đang còn manh nha, khó một mình phất cờ chỉ đạo.
Về mặt này Singapore hoàn toàn vượt trội. Singapore còn có một nền chính trị vững vàng, ổn định và là đầu tàu về nhiều phương diện trong tư cách là nước phát triển duy nhât ở khu vực. Đất nước này chỉ quá nhỏ về mặt dân số và diện tích .
Còn Việt Nam? Ít lâu nay trong ASEAN không phải không có những tiếng nói đề cập đến vai trò dẫn dắt của quốc gia này. Trong chính sách ngoại giao khu vực, Việt Nam tích cực tìm tiếng nói chung với phong cách khá uyển chuyển, hiệu quả. Một điều hiếm là Việt Nam đã lập quan hệ đối tác chiến lược và thậm chí ở trên mức này với hai phần ba các nước trong khu vực.
Với các nước còn lại – Myanmar, Malaysia , Brunei, Việt Nam giữ được mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau. Việt Nam còn là quốc gia có tính đại diện trong nhiều địa hạt: nhóm quốc gia Đông Nam Á lục địa, nhóm quốc gia gia nhập ASEAN tương đối muộn với trình độ phát triển thấp (giống như nhóm Visegrad với đại diện Ba Lan trong EU) và cũng là một trong những quốc gia sở hữu con sông lớn nhất Đông Nam Á- sông MeKong- với cả lợi ích lẫn rủi ro….
Nếu Indonesia, Singapore và Việt Nam cùng nhận thức được vai trò và vị trí của mình và tích cực tham chiếu lẫn nhau, họ hoàn toàn có thể trở thành một nhóm quốc gia hạt nhân có sứ mạng lãnh đạo Cộng đồng kinh tế này.
Ba trụ cột thế nào?
Vấn đề thứ hai chưa có gì nhiều để bàn nhưng rất đáng chú ý. Trong loạt văn kiện kèm theo Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 có “ Kế hoạch tổng thể về ba trụ cột của AEC: Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa- Xã hội và Cộng đồng Chính trị-An ninh”.
Chưa biết nội dung kế hoạch tổng thể về ba trụ cột này ra sao, nhưng việc coi “chính trị”(cùng với an ninh) như một trụ cột của Cộng đồng là rất đáng quan tâm.
Nhất là khi thiết kế ban đầu của trụ cột này chỉ đề cập đến “an ninh” nhưng cuối cùng đã được thống nhất như vậy.
Các quốc gia trong AEC hầu như mỗi nước sở hữu một chế độ chính trị: tổng thống, tổng thống“ trộn” đại nghị, đại nghị, quân chủ, quân chủ lập hiến, và cộng sản.
Chưa nói ở một số quốc gia , quân đội đôi khi giải thích dân chủ theo cách của mình, và có quyền tham chính, đảo chính tùy muốn.
Đưa được yếu tố “cộng đồng chính trị” vào ngôi nhà chung của mình chắc chắn đã phải vượt qua nhiều thảo luận, tranh luận là một cố gắng đáng trân trọng của tất cả các quốc gia trong AEC
Vậy bộ mặt của “Cộng đồng Chính trị - An ninh” sẽ như thế nào?
Câu trả lời xin dành cho tương lai nhưng ngay lúc này đã có thể nhìn thấy mục đích dân chủ và ổn định qua việc quyết tâm hình thành Cộng đồng này, ngay từ trong đa dạng thể chế của nó. - BBC
No comments:
Post a Comment