Wednesday, December 23, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 23/12

Tin Thế Giới

1.
Điểm nhấn Việt Nam, thế giới năm 2015

Năm 2015 đang khép lại và năm 2016 sắp mở ra, BBC và các khách mời cùng điểm lại và bình chọn những sự kiện được cho là đáng chú ý nhất trong năm nay.

Khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS đứng đầu trong các sự kiện thế giới của năm, trong khi chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cùng việc Chủ tịch Trung Quốc thăm Việt Nam và phát biểu tại Quốc hội nước này ở Hà Nội là hai sự kiện hàng đầu với Việt Nam được các khách mời của BBC bình chọn.

Các khách mời gồm có Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chiến lược Quốc tế (IISS) và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) - nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền và nhà báo Nguyễn Giang, Phó Chủ biên vùng châu Á, BBC World Service.

Các khách mời tại cuộc Tọa đàm Bàn tròn tuần này của BBC Việt ngữ được đề nghị chọn ra 5 sự kiện cho Việt Nam và Thế giới.

Quốc tế và khu vực

Có năm sự kiện chính được các khách mời của BBC nêu ra như là những lựa chọn tập trung nhất tại tọa đàm, với thứ tự quan trọng nhất xếp từ trước tới sau, là: IS tấn công khủng bố Paris, Khủng hoảng di cư, tị nạn ở châu Âu, Bầu cử dân chủ tự do ở Myanmar (8/11), Mỹ và Cuba bắt đầu quá trình 'bình thường hóa' quan hệ và Giá dầu thế giới sụt giảm kỷ lục.

Về sự kiện tổ chức khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công Paris hôm 13/11/2015, nhà báo Nguyễn Giang của BBC bình luận:

"Tôi nghĩ nó làm thay đổi toàn bộ tư duy về an ninh ở châu Âu, từ Đông Âu, từ Hungary, từ Ba Lan sang đến Tây Ban Nhà và Pháp, sau đó là Anh Quốc. Có thể nói đấy là một cú đánh thức tỉnh về mặt an ninh đối với châu Âu khi mà người ta thấy những hiểm họa, gần như một dạng nội thù của những nhóm có thể nói sinh ra, lớn lên ở đây.

"Nhưng mà những thanh niên đó đi theo một cái gọi là chủ nghĩa cực đoan và đem vũ khí từ các nơi về để tấn công lại chính những điểm dân sự, tại vì nếu người ta tấn công vào những điểm công sở hay tấn công, chẳng hạn, có những binh sĩ Anh đã bị giết giữa London đơn lẻ, thì người ta còn hiểu được, tấn công mang tính chiến binh.

"Nhưng đây tấn công vào những mục tiêu hoàn toàn dân sự như là rạp hát, quán ăn, bất kể trong đấy là người gì, trong đó có những người là Hồi giáo, là Do Thái, là châu Âu, là châu Á, hoặc là một phần gốc Việt..., tức là tấn công bất kể mục tiêu là gì, thì đấy là một sự chấn động vô cùng lớn với tất cả những người ở châu Âu và có thể nói thay đổi toàn bộ chính sách của các nước châu Âu này. Như là ở Anh Quốc, người ta nói là có thể kéo dài cả 30 năm nữa," nhà báo Nguyễn Giang nói.

Về cuộc bầu cử tại Myanmar với thắng lợi về tay Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyu, mà chính quyền Myanmar do phe quân đội hậu thuẫn đã thừa nhận kết quả và chấp nhận chuyển giao quyền lực, về sự quan tâm của giới lãnh đạo ở Việt Nam, nhà phân tích chính trị, TS. Hà Hoàng Hợp nói:

"Sự kiện Myanmar thì cả thế giới quan tâm, ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam quan tâm rất là kỹ và rất là thật lòng.

"Tôi biết rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng quan tâm hết sức sâu sắc và có nhiều suy nghĩ về vấn đề đó, về sự kiện ấy."

Về sự kiện Mỹ và Cuba 'bình thường hóa' quan hệ, PGS.TS. Phạm Quý Thọ bình luận: "Đây đặt ra rất nhiều bài học trong bình thường hóa quan hệ giữa các nước với nhau, đặc biệt trước kia là thù địch."

Cũng về sự kiện này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói: "Có thể nói là trong nhiều cựu thù, mà đặc biệt là ba cựu thù mà Mỹ xếp vào hàng đầu là Cuba, Bắc Triều Tiên và Iran, thì hiện nay Mỹ đã bình thường hóa quan hệ với Cuba, đã giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, thì chỉ còn một cựu thù nữa thôi."

Ngoài ra các vị khách mời của BBC Việt ngữ còn nhắc tới một số sự kiện quốc tế, khu vực khác (được xếp không theo thứ tự nào) như: Nga tấn công IS ở Syria, B52 và tàu chiến Mỹ di chuyển qua các khu đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông, Động đất ở Nepal làm hơn 9.000 người thiệt mạng, Nổ nhà máy hóa chất ở Thiên Tân, Trung Quốc.

Tiếp theo là Philippines giành lợi thế trong vụ kiện Trung Quốc sai về đường lưỡi bò trên Biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh bồi đắp, xây cất đảo nhân tạo ở Hoàng Sa 'thách thức an ninh Biển Đông', Khủng hoảng Putin - Erdogan hay Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xung khắc, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sang Anh và Mỹ để bày tỏ 'quyền lực mềm'.

Sự kiện với Việt Nam

Năm sự kiện đáng chú ý nhất của năm 2015 đối với Việt Nam được các khách mời của Bàn tròn Thời sự cuối năm hôm 22/12 đưa ra gồm có các sự kiện: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ (7/2015), Việt Nam hoàn tất đàm phán kỹ thuật về TPP (5/10), ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, thăm Việt Nam, phát biểu tại Quốc hội (6/11), ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương ĐCSVN, qua đời (13/2) và Nợ công cao chọc trần và ngân sách cạn kiệt.

Ngoài ra, các vị khách mời cũng lựa chọn một số sự kiện khác nữa với Việt Nam trong năm (không theo thứ tự nào) như: ông Huỳnh Văn Nén được minh oan, Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á thành lập cộng đồng kinh tế Asean (AEC), thay thế nhân sự lãnh đạo ở một số tỉnh thành với lãnh đạo mới được cho là 'con ông cháu cha'.

Tiếp theo là ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, thăm một nhà thờ họ Phan ở Việt Nam, Kết án 7 năm tù với một bị cáo trong vụ án 'con ruồi Tân Hiệp Phát', Quốc Hội bỏ bớt nhiều 'án tử hình', Việt Nam nhận toàn bộ số tàu ngầm mua từ Nga.

Về sự kiện Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ và được Tổng thống Mỹ Obama tiếp tại Nhà trắng (hôm 7/7), Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận:

"Chuyến thăm của người đứng đầu Đảng Cộng sản (VN) đến Hoa Kỳ và đàm phán với Tổng thống Hoa Kỳ tại Phòng Bầu dục, thì nó cho chúng ta thấy những tín hiệu rất mới mà tín hiệu ấy theo tôi nó có thể được gói gém ở trong câu thơ Kiều mà Phó Tổng thống Biden đã đọc trong buổi tiệc để tiếp đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời", tôi cho ông Biden chọn được một câu cực kỳ hay, nó thể hiện đúng tín hiệu mà có thể rút ra từ cuộc viếng thăm này."

Về sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và phát biểu trước Quốc hội hôm 6/11, Giáo sư Thuyết, nói:

"Có thể nói hai nước ở gần nhau, thì việc bang giao nên khuyến khích, nhưng mà qua cuộc thăm của ông Tập Cận Bình, tôi thấy là ông ấy đã cho chúng ta thấy ông ấy là người như thế nào và Trung Quốc là như thế nào. Tức là tôi thấy qua đây chúng ta không nên tin những gì mà Trung Quốc nói.

"Bởi vì ông ấy vừa mới nói rất tử tế ở Việt Nam, thì ông ấy sang đến Singapore một cái, ông ấy đã nói ngược rồi, thế thì chúng ta thấy chuyến thăm ấy quan trọng ở cái chỗ cho thấy Trung Quốc là như thế nào. Dĩ nhiên là ông Tập Cận Bình đã được đón tiếp rất là nồng hậu bởi các nhà lãnh đạo Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là người có thể được coi là cứng rắn nhất trong những phát biểu đối với Trung Quốc, thì ôm hôn ông Tập Cận Bình tới ba lần.

"Điều đó chứng tỏ cái đón tiếp rất là nồng hậu, nhưng mà ông (Tập Cận) Bình xử sự một cách theo tôi nó không đàng hoàng, nó không phải là người lãnh đạo của một nước lớn," nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam nói với BBC. - BBC
|
|

2.
'Không kích của Nga gây tử vong cho 200 thường dân Syria'

Hội Ân xá Quốc tế thêm lời chỉ trích nhắm vào chiến dịch không kích của Nga ở Syria bằng một bản phúc trình mới hôm nay nói rằng các vụ oanh kích đã gây thiệt mạng cho ít nhất 200 thường dân ở các tỉnh Homs, Idlib và Aleppo.

Tổ chức nhân quyền này nói các cuộc không kích của Nga đã trúng vào nhà cửa và bệnh viện, và cuộc nghiên cứu của tổ chức cho thấy không có chiến binh hay mục tiêu quân sự nào ở gần đó.

Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của tổ chức, ông Philip Luther nói, “Những vụ tấn công như thế có thể lên tới mức độ tội ác chiến tranh.”

Hội Ân xá Quốc tế cũng cho biết họ có bằng chứng là Nga đã dùng các loại bom chùm và bom không có hướng dẫn bị cấm chỉ. Moscow chưa đáp lại bản phúc trình của Hội.

Chiến dịch Syria

Nga phát động một chiến dịch không kích lớn trên không phận Syria hồi cuối tháng 9 trong khuôn khổ một nỗ lực ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Nga nói họ nhắm mục tiêu vào Nhà nước Hồi giáo, nhưng đã bị nhiều người chỉ trích là các cuộc không kích nhắm mục tiêu phần lớn vào các địa điểm của nhóm đối lập Syria.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua tuyên bố chiến dịch quân sự của Nga ở Syria phần lớn nhắm mục tiêu vào các địa điểm dân sự và phe đối lập ôn hòa của Syria.

Trong một cuộc họp với các nhà lập pháp, thủ tướng Davutoglu cũng lên án điều ông gọi là những vụ tấn công của không lực Nga hôm chủ nhật nhắm vào thành phố Idlib do phe nổi dậy chiếm đóng.

Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cao hồi cuối tháng trước sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một phản lực cơ của quân đội Nga mà Ankara nói là đã bay lạc vào không phận của họ gần biên giới Syria. Nga phủ nhận lời cáo buộc này.

Tuy nhiên, các nhóm đối lập Syria, cũng đổ lỗi cho Nga về những vụ tấn công ở Idlib, mà họ nói đã gây thiệt mạng cho 40 người, nhiều người là thường dân.

Một liên minh riêng do Hoa Kỳ lãnh đạo, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhắm mục tiêu vào Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Khi đề cập đến trách nhiệm được cho là của Nga đối với những vụ tấn công gây chết chóc ở Idlib, một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói điều tra những khiếu nại về thiệt hại vật chất do máy bay Nga gây ra không phải là việc của Hoa Kỳ và liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Giới chức này nói, “Người Nga phải bình luận về những gì họ đang làm, những gì họ đang đánh trúng, những gì họ không đánh trúng.”

Giới chức này nói thêm rằng giới hữu trách Hoa Kỳ có bằng chứng cho thấy một số các cuộc không kích của Nga đã không “mấy chính xác” và đã nhận được “những cáo giác đáng tin cậy” về những vụ tấn công của Nga trúng vào các cơ sở như bệnh viện và trường học và gây thương vong cho những người vô tội.

Ông Daniel Serwer, một giáo sư về xử lý xung đột tại trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao của Đại học Johns Hopkins, nói: “Tôi tin là phía Nga không cố ý nhắm mục tiêu vào một địa điểm dân sự. Đó là một tội ác chiến tranh.” Tuy nhiên ông nói thêm rằng Nga không mấy quan tâm về thiệt hại vật chất ở Syria.

Ông Serwer nói tiếp: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là họ không quan ngại về việc đánh trúng thường dân ở Syria nhiều như người Mỹ.”

'Cáo buộc đáng tin cậy'

Mặc dầu Nga và Hoa Kỳ can dự vào những chiến dịch không kích riêng rẽ trên không phận Syria, cả hai nước đều thuộc Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria, vẫn tìm cách theo đuổi một cuộc chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Thứ sáu tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận một kế hoạch của nhóm này. Kế hoạch bao gồm những cuộc đàm phán do LHQ điều giải giữa chính phủ Syria và phe đối lập ôn hòa, một cuộc ngưng bắn và thành lập một chính phủ chuyển tiếp, sau đó là các cuộc bầu cử trong vòng 18 tháng.

Những vụ không kích của Nga, như những vụ đã xảy ra ở Idlib, có thể kéo chậm đà của tiến trình do LHQ dẫn đầu này, theo nhận định của ông Mark Katz, thuộc trường Chính sách, Chính quyền và các Vấn đề Quốc tế của Đại học George Mason.

Ông Katz nói: “Nếu họ chủ trương hay thậm chí bị cho là chủ trương việc ấy, thì tôi nghĩ các bên khác sẽ nêu thắc mắc về tính nghiêm túc của sự cam kết mà Nga dành cho tiến trình của LHQ.”

Phản ứng của Nga

Tuần trước, Bộ Quốc Phòng Nga đã đề cập đến những lời chỉ trích chiến dịch không kích của họ ở Syria.

Trong một thông cáo hôm thứ tư tuần trước, Bộ nói rằng họ đã liên tục bị chỉ trích bởi “nhiều đại diện của cái gọi là “liên minh chống ISIS.”

Bộ này nói, các cuộc không kích của Nga càng “chính xác” hơn thì người ta lại càng nhận thấy các nguồn truyền thông đại chúng nước ngoài làm “ầm ĩ” hơn. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Ngân sách ngoại viện tập trung vào chống khủng bố, viện trợ nhân đạo

Các đại biểu quốc hội Hoa Kỳ đã họp hôm thứ sáu tuần trước để thông qua một đề nghị chuẩn chi cuối năm nhằm cung cấp ngân quỹ cho chính phủ - trong đó có ngoại viện. Phần trong ngân sách dành cho các hoạt động của Bộ Ngoại giao và nước ngoài tập trung nhiều vào các nỗ lực chống khủng bố, giải quyết tình trạng bất ổn ở Trung Đông, bảo vệ các nhà ngoại giao và cơ sở của Mỹ ở nước ngoài, và cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người cần đến.

Tin vui cho những người ủng hộ phát triển là toàn bộ khoản dự chi dành cho Hoạt động của Bộ Ngoại giao và nước ngoài tổng cộng lên tới khoảng 53 tỷ đôla – tăng thêm gần 3,5 tỷ đôla so với ngân sách năm 2015.  Khoản tiền này sẽ được cấp cho Bộ Ngoại giao, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và một số các chương trình quốc tế khác, trong đó có đài Tiếng nói Hoa Kỳ.

Các ngân khoản dành cho cuộc chiến chống khủng bố

Một số chuyên gia về phát triển nói họ lấy làm vui mừng về mức tăng này, nhưng lo ngại về tình trạng dựa quá nhiều vào một tài khoản được thiết lập để cấp ngân cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu – gọi là Tài Khoản Dự phòng Nước ngoài, hay OCO. Một chương trình truyền thông của cộng đồng viện trợ phát triển là Devex, nói rằng những người ủng hộ ngoại viện lo ngại là một sự lệ thuộc nặng nề vào tiền của OCO có thể hữu dụng trong ngắn hạn, nhưng có thể gây nguy cơ dài hạn cho các chương trình của họ khi các hoạt động chống khủng bố giảm bớt. Đối lại với khoản tăng chi cho OCO là sự giảm bớt phần dành cho các “chuẩn chi cơ bản,” là khoản cấp ngân đã trang trải cho các chương trình viện trợ quốc tế từ nhiều năm.

Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện nói việc cấp ngân cho OCO là để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và các kẻ thù khác của Hoa Kỳ. Chủ tịch Ủy ban, ông Hal Rogers thuộc đảng Cộng Hòa nói dự luật này vượt quá mức yêu cầu của Tổng thống Barack Obama dành cho an ninh ở các đại sứ quán và cung cấp ngân khoản để ngăn chặn và bảo vệ trước các vụ tấn công khủng bố, tình trạng bất ổn và các hành động bạo lực trong tương lai. Sở dĩ có sự gia tăng ngân sách dành cho an ninh đại sứ quán là để đáp lại những vụ tấn công xảy ra năm 2012 nhắm vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi, Libya đưa đến cái chết của Đại sứ Christopher Stevens và 3 người Mỹ khác.

Dự luật cấp viện cho các đồng minh chính: Israel, Jordan, Ukraine

Ông Rogers nói dự luật chuẩn chi cũng bao gồm viện trợ cho các đồng minh và đối tác chính như Israel, Jordan, và Ukraine.

Dự luật dành 658 triệu đôla cho Ukraine, cao hơn 145 triệu đôla so với yêu cầu của Tổng thống Obama. Không có ngân khoản nào dành cho chính phủ Nga. Dự luật dành 1 tỷ 275 triệu đôla cho Jordan và 141 triệu 900 ngàn đôla cho Tunisia. Dự luật bao gồm 24 tỷ đôla viện trợ cho các nước ngoài. Ưu tiên cấp ngân dành cho việc hỗ trợ y tế toàn cầu và viện trợ nhân đạo.

Viện trợ dành cho người tỵ nạn

Dự luật giữ nguyên mức của tài khóa 2015 dành cho di trú và viện trợ người tỵ nạn. Dự luật ghi rõ rằng có các ngân khoản bổ sung nếu cần để đáp lại những vụ khủng hoảng nhân đạo ở nước ngoài, nhưng không dành cho chương trình tái định cư người tỵ nạn của tổng thống. Ngoài ra, 2 tỷ 800 triệu đôla được dành cho chương trình Viện trợ Tai họa để cung cấp cứu trợ dành cho những người bị ảnh hưởng của các thiên tai và bị thất tán vì xung đột ở những nơi như Syria và Ukraine.

Một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với đài VOA rằng Bộ thừa nhận những trao đổi khó khăn mà Quốc hội phải thực hiện để thông qua dự luật chuẩn chi năm 2016 như họ lấy làm hài lòng với mức cấp ngân toàn diện dành cho các vấn đề quốc tế.

Ngoài việc cấp ngân, phần ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao và các hoạt động ở nước ngoài cũng có một số điều khoản về chính sách. Nó bao gồm một điều kiện là Bộ Ngoại giao phải báo cáo lên Quốc hội về những thỏa thuận với các nước khác để chấp nhận những người bị giam giữ ở Vịnh Guantanamo bên Cuba. Nó cũng quy định rằng sẽ không cấp ngân khoản để giảm nợ cho các nước ngoài. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

4.
Hội nghị Trung Ương đảng CSVN chưa giải quyết vấn đề nhân sự

Hội Nghị Trung Ương 13 của đảng CSVN kết thúc hôm 21/12 đã không giải quyết dứt điểm vấn đề nhân sự cấp cao, và vì vậy quyết định này đã được hoãn lại cho tới tháng Giêng năm tới, theo một thông cáo chính thức phổ biến vào cuối ngày thứ Hai.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Trung Ương Hoàng Bình Quân, hơn 1,500 đại biểu sẽ tham dự Đại Hội Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng Giêng 2016, từ ngày 21/1 tới 28/1 ở Hà Nội.

Các hãng tin quốc tế dường như đều chú ý tới tin này trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng, và đang đối mặt với những vấn đề đối nội như cải cách kinh tế, và đối ngoại như những căng thẳng trong các quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.

Hãng tin AFP hôm 22/12 nói việc chọn người vào các chức vụ quan trọng nhất nước như Chủ tịch nước, Thủ Tướng, Tổng Bí Thư...là vấn đề có tính cách quyết định đối với hướng đi tương lai của Việt Nam.

Bản tin của AFP vẽ ra một bức tranh toàn cảnh:

Đối nội:

Về kinh tế, GDP Việt Nam tăng nhanh hơn dự kiến bất chấp những vấn đề khó khăn liên quan tới ngân hàng và các công ty quốc doanh, là lĩnh vực cản trở tính sáng tạo và đà phát triển của Việt Nam, trong khi là cái nôi nuôi dưỡng nạn tham ô. Về vấn đề nhân quyền, các tổ chức bênh vực nhân quyền lên án chính sách cứng rắn của Đảng Cộng sản đối với giới chỉ trích chính sách của nhà nước, kể cả tống giam các blogger và các luật sư, trường hợp mới nhất là Luật sư Nguyễn văn Đài, bị bắt cách đây 1 tuần.

Đối ngoại:

Về vấn đề đối ngoại, vụ tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc đang đặt Việt Nam trong vị thế khó xử, trong khi quan hệ song phương xấu đi sau khi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan dầu nước sâu vào các vùng biển thuộc khu đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tháng 5/2014.

Một số chuyên gia cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không có gì thay đổi sau Đại hội Đảng.Trong bài viết đăng trên tờ The Diplomat, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng, Đại học New South Wales của Australia nói Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách cân bằng đa cực- đa dạng hoá và đa phương, thay vì theo đuổi một chính sách hạn chế hơn, là cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong nhiều năm nữa tiếp theo sau Đại Hội Đảng thứ 12.

Vấn đề nhân sự chưa giải quyết được, theo các chuyên gia cho thấy là cuộc đấu đá và tranh giành quyền lực vẫn chưa ngã ngũ giữa phe Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và phe Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. - VOA
|
|

5.
Giám đốc điều hành Google gặp 'cha đẻ' của Flappy Bird 

Trong một thỏa thuận bất thường, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai đã gặp người sáng tạo trò chơi Flappy Bird Nguyễn Hà Đông tại một quán trà chanh vỉa hè Hà Nội, Việt Nam.

Ông Sundar Pichai, người đảm nhận vai trò giám đốc điều hành hồi tháng Mười sau việc tái cơ cấu tập đoàn Google, đã đăng trên tài khoản mạng xã hội Tweeter về cuộc gặp với anh Nguyễn Hà Đông, và nhận định rằng các nhà phát minh lớn có thể xuất thân từ bất cứ nơi nào trên thế giới.

Anh Đông coi đây là một vinh dự khi được gặp người mà anh nói là “Giám đốc điều hành của công ty internet nhiều quyền lực nhất”.

Nguyễn Hà Đông trở thành người nổi tiếng thế giới khi Flappy Bird, một trò chơi trên điện thoại đơn giản nhưng cực khó, được nhiều người ưa chuộng hồi tháng Hai năm 2014, ít lâu sau khi phát hành. Tuy nhiên, sau khi được chú ý và vấp phải những chỉ trích vì tính gây nghiện của trò chơi, Hà Đông đã gỡ trò chơi này khỏi kho ứng dụng dành cho điện thoại di động.

Nhà phát triển game này đã tập trung vào việc tạo ra trò chơi khác như Swing Copters 2, được phát hành tuần trước, với đội ngũ 6 người tại DotGears Studio.

Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, người Ấn Độ, đã có cuộc gặp gỡ với các nhà khởi nghiệp tại Việt Nam chiều ngày 22 tháng 12.

Trước đó vào buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi gặp mặt vị CEO này. Thủ tướng đề nghị Google hợp tác với Việt Nam bảo vệ an ninh quốc gia cũng như các giá trị văn hoá trên mạng Internet. - VOA
|
|

6.
Hàng ngàn học sinh nghỉ học, mang cờ, trống đi biểu tình ở Ninh Hiệp

Hôm nay (23/12), hàng ngàn học sinh Trường tiểu học Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, tiếp tục nghỉ học và mang cờ, trống đi biểu tình phản đối việc tịch thu bãi giữ xe để xây trung tâm thương mại ở xã Ninh Hiệp. Khánh An tìm hiểu chi tiết.

23/12 đã là ngày thứ 4 học sinh Trường tiểu học Ninh Hiệp nghỉ học để đi biểu tình.

Một đoạn trong video clip được người dân đưa lên mạng xã hội cho thấy nhiều học sinh mang cờ, trống đi đòi ‘trả đất cho dân’.

Đài Tiếng Nói Việt Nam dẫn lời hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Hiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Minh, cho biết học sinh đã bắt đầu nghỉ học rải rác kể từ ngày 18/12, và đỉnh điểm vào ngày 21/12 chỉ có 117 trong tổng số 1.646 học sinh đi học.

Một tiểu thương chợ Ninh Hiệp cho biết nguyên nhân sự việc:

“Thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi bãi xe của chợ truyền thống, chợ Nành – chợ truyền thống cũ, để xây trung tâm thương mại mới. Mà Ninh Hiệp đã có 2 trung tâm thương mại rất to và 2 chợ, một chợ truyền thống và chợ Baza bán dọc theo trục đường làng, tức là quy mô chợ Ninh Hiệp đã rất lớn và mạnh rồi, mà 2 trung tâm thương mại kia thì mới ngồi hết tầng 1, còn từ tầng 2 đến tầng 5 thì vẫn chưa ai sử dụng đến. Nó gây ra sự thừa thãi và bất hợp lý. Đã quá thừa trung tâm thương mại rồi mà lại xây thêm trung tâm thương mại nữa không biết để làm gì?!"

Sau khi sự việc được người dân Ninh Hiệp đưa lên các trang mạng xã hội, báo chí trong nước hôm nay bắt đầu đăng tải các bài viết về vụ việc này và cho rằng người dân 'cho tiền', 'xúi giục', 'bắt con em nghỉ học' để gây áp lực cho chính quyền.

“Trường học thì bộ giáo dục, sở giáo dục của huyện, giáo viên chủ nhiệm rất kêu gọi con em đi học, nhưng căn bản Ninh Hiệp là một làng quê, thành ra tất cả hầu như ai cũng biết ai, rồi móc xích nhau. Khi có sự bất công thì dân tự phát, chứ không phải là do phụ huynh hay do các cháu, nhưng kiểu như do tâm tưởng của người dân”.

Lực lượng công an đã được huy động đến để 'giải tỏa' vụ biểu tình của các em. Một số đoạn video trên mạng còn cho thấy cảnh công an xô xát với các em học sinh.

Tiểu thương chợ Ninh Hiệp cho biết người dân đã 'quá mất lòng tin' và 'chẳng còn biện pháp nào khác' nên mới phải biểu tình để bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình.

“Bà con đấu tranh mấy năm nay, gửi đơn kêu cứu lên lên hết các cơ quan đoàn thể rồi trung ương, bây giờ không ai giải quyết, trong khi đó bên nọ bên kia, bên đầu tư cũng tung tiền ra mua chuộc này khác, nói chung lằng nhằng lắm.”

Việc chính quyền tịch thu bãi giữ xe đã khiến cho tiểu thương, khách hàng không thể vào chợ thực hiện giao dịch. Tất cả tiểu thương đã đồng lòng đình công, đóng cửa để phản đối.

“Bà con bảo nhau là tất cả không ai đi chợ, hàng hóa để nguyên trong chợ, không động chạm gì hết.”

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, ông Dương Dũng, trả lời báo chí trong nước rằng dự án xây dựng hạ tầng ở xã Ninh Hiệp là 'nằm trong quy hoạch sử dụng đất và đề án nông thôn mới của thành phố'.

Báo VNExpress cho biết UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương dự án xây dựng các công trình hạ tầng và hạ tầng xã hội tại xã Ninh Hiệp với số tiền 180 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số cư dân mạng truyền nhau văn bản Thông báo khởi công công trình và bình luận về số tiền 'khủng' có thể lọt vào túi các quan chức, nhà thầu và những người liên quan đến công trình.

Theo dự kiến, dự án bãi giữ sẽ được hoàn thành vào tháng 8/2016. - VOA
|
|

7.
Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi đưa các thương phế binh VNCH sang Mỹ định cư

Một nhóm Dân biểu vừa đưa ra lời kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tái định cư thương phế binh VNCH.

Trong thư đề ngày 17/12/2015,  năm vị Dân biểu Hoa Kỳ gồm các Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Quốc hội Hoa Kỳ, Dân biểu Alan Lowenthal, Dân biểu Christopher Smith, Dân biểu Gerald Connolly và Dân biểu Zoe Lofgren đã kêu gọi Ngoại trưởng John Kerry xem xét về việc có thể dùng các luật lệ hiện hành để tái định cư các Cựu quân nhân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại tại Việt Nam.

Trong thư các Dân biểu nhấn mạnh, đây là những chiến sĩ can trường đã chiến đấu sát cánh với quân nhân Hoa Kỳ và rất tiếc, họ đã bị bỏ sót lại trong bóng tối, khi chương trình tái định cư quen gọi là H.O được khai triển.

Dân biểu Alan Lowenthal nêu trong thông cáo báo chí, là đã đến lúc cần đưa họ ra ánh sáng và dành cho các thương phế binh này cơ hội được tái định cư tại Hoa Kỳ.

5 vị Dân biểu Hoa Kỳ nhấn mạnh, những sĩ quan cũng như thương phế binh VNCH cùng gia đình họ hiện còn lưu lại Việt Nam, hiện đang sống trong cảnh nghèo nàn với nhiều vấn đề sức khỏe không được quan tâm đúng mức và phải đối diện với những sự phân biệt đối xử vì quá khứ phục vụ của họ trong quân đội VNCH.

Được biết Hội H.O Cứu trợ Thương Phế Binh VNCH đã lập hồ sơ của hơn 500 cựu sĩ quan Thương Phế Binh VNCH có thể xem xét cho chương trình tái định cư. - RFA

No comments:

Post a Comment