Sunday, December 13, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 12/12

Tin Thế Giới

1.
Gần 200 nước đạt thỏa thuận lịch sử về khí hậu

Đại diện các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Paris hôm nay, 12/12, đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm nóng toàn cầu.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố đã đạt được thỏa thuận bước ngoặt giữa tiếng reo hò của các đại biểu từ gần 200 quốc gia, kết thúc một năm được coi là nóng nhất trong lịch sử cũng như chấm dứt 4 năm thương thảo cam go với sự dẫn đầu của Liên Hiệp Quốc.

Thỏa thuận được coi là mang tính bước ngoặt đầu tiên về khí hậu toàn cầu đã ràng buộc cả quốc gia giàu có lẫn nghèo khó phải cam kết khống chế khí thải gây ấm nóng toàn cầu cũng như đặt ra một mục tiêu dài hạn về việc phải xóa bỏ khí nhà kính do con người gây ra trong thế kỷ này.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng khuyến khích các nước tăng cường các nỗ lực tự nguyện ở trong nước nhằm ngăn chặn khí thải cũng như cung cấp thêm hàng tỷ đôla để giúp các nước nghèo tiến tới một nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường hơn.

Ông Fabius gọi thỏa thuận là một “bước chuyển lịch sử” trong nỗ lực ngăn chặn các hệ quả có thể gây ra thảm kịch từ việc ấm nóng quá tải của trái đất.

187 quốc gia đã đệ trình các kế hoạch chi tiết của nước mình về những biện pháp nhằm khống chế việc phát thải khí nhà kính, được coi là trọng tâm của thỏa thuận đạt được ở Paris.

Trong lúc ca ngợi thoả thuận khí hậu này là “một bước ngoặt lịch sử”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết kế hoạch này sẽ hạn chế sự tăng nhiệt toàn cầu thấp hơn mức 2 độ C và có thể là 1,5 độ C.

Ông cũng cho biết văn kiện này sẽ có tính chất ràng buộc pháp lý và qui định những cuộc duyệt xét 5 năm một lần đối với các kế hoạch quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Cũng theo lời ông Fabius, kế hoạch này bao gồm ít nhất 100 tỉ đô la mỗi năm để tài trợ cho các nước đang phát triển. - VOA
|
|

2.
Dow Chemical và DuPont sáp nhập thành công ty mới trị giá 130 tỉ đô la

Hai đại công ty hoá chất và nông nghiệp Mỹ, Dow Chemical và DuPont, hôm thứ sáu loan báo sáp nhập với nhau, tạo ra một công ty trị giá 130 tỉ đô la.

Hai công ty này nói việc sáp nhập là bước đầu để tiến tới một sự sắp xếp lại: (đó là) tách ra thành 3 công ty thuộc các lãnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, khoa học vật liệu và hoá chất đặc biệt.

Vụ sáp nhập sẽ tạm thời tạo ra một trong những công ty lớn nhất thế giới, ngang ngửa với đại công ty hoá chất BASF của Đức.

Kế hoạch này có phần chắc sẽ bị duyệt xét rất kỹ bởi các giới chức chống độc quyền. Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện, nói vụ sát nhập này “cần được xem xét rất nghiêm túc.” - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Thái tử Ảrập ‘khẩu chiến’ với ông Donald Trump

Một thái tử của Ảrập Saudi đã gọi ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là một “nỗi nhục của nước Mỹ”.

Thái tử Alwaleed bin Talal viết trên Twitter rằng ông Trump nên từ bỏ giấc mơ trở thành tổng thống Mỹ vì ông sẽ không bao giờ giành chiến thắng.

“Ông không những là nỗi nhục đối với Đảng Cộng hòa mà còn với cả nước Mỹ”, Thái tử Alwaleed tweet.

“Hãy rút lui khỏi cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ vì ông sẽ không bao giờ chiến thắng”.

Ông Alwaleed viết như vậy sau khi doanh nhân Donald Trump lên tiếng kêu gọi cấm tất cả các tín đồ Hồi giáo vào nước Mỹ vì lý do an ninh.

Đáp lại, ông Trump gọi Thái tử của Ảrập Saudi là “ngu xuẩn”, đồng thời cáo buộc ông muốn sử dụng “tiền của cha” để kiểm soát các chính trị gia Mỹ.

Ứng viên hàng đầu của phe Cộng hòa với những phát ngôn gây sốc nói tiếp rằng điều đó sẽ không xảy ra một khi ông được bầu làm tổng thống.

Ông Trump đã bị chỉ trích dữ dội vì lời kêu gọi cấm các tín đồ Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, sau khi xảy ra vụ bắn giết ở California, do hai tín đồ Hồi giáo mà FBI nói là đã bị cực đoan hóa, thực hiện.

Hôm thứ Năm vừa qua, Damac Properties, một tập đoàn ở Dubai xây dựng một sân golf với ông Trump, đã gỡ hình ảnh và tên của ứng viên này khỏi bất động sản của họ. - VOA
|
|

4.
Vụ cháy đền thờ Hồi giáo ở California: Hành động có chủ ý

Chính quyền đã xác định rằng vụ hỏa hoạn bùng phát tại một đền thờ Hồi giáo hôm qua, 11/12, là hành động có chủ ý và có thể là vì thù hằn.

Vụ việc xảy ra hơn một tuần sau khi một cặp vợ chồng Hồi giáo cực đoan xả súng làm 14 người chết và 22 người khác bị thương.

Cảnh sát cho biết một nghi can gây ra vụ cháy đã bị nhận diện và bị bắt ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Coachella, miền nam California.

Đám cháy gây hư hại cho sảnh đường của toà nhà không bao lâu trước lễ cầu nguyện buổi trưa. Không ai bị thương.

Năm ngoái, đền thờ này đã bị nã đạn. Không ai bị thương trong vụ việc mà giới hữu trách điều tra như một hành vi tội phạm vì thù hận.

Coachella cách San Bernardino, nơi xảy ra vụ xả súng hôm mồng hai tháng 12 giết chết 14 người và làm bị thương 22 người, khoảng 125 kilomét.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ, FBI, đang điều tra vụ việc bị coi là một hành động khủng bố này.

Sau vụ xả súng này, nhân viên công lực trên khắp nước Mỹ đã chuẩn bị  ứng phó với việc có thể xảy ra những vụ trả đũa nhắm vào người Hồi giáo. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Đài Loan khánh thành hải đăng trên hòn đảo lớn nhất Trường Sa

Đài Bắc hôm nay, 12/12, khánh thành một ngọn hải đăng và cầu cảng mới được tôn tạo lại trên đảo Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình ở biển Đông.

Đích thân Bộ trưởng Nội vụ Đài Loan Trần Uy Nhân đã tới dự lễ khánh thành trên hòn đảo có diện tích lớn nhất ở Trường Sa.

Ông Trần cùng các quan chức của Đài Loan trước đó đã đáp máy bay ra hòn đảo hiện do Đài Bắc kiểm soát này.

Các quan chức cũng đã công bố một tấm biển do đích thân Tổng thống Mã Anh Cửu ký lên, trên đó khắc dòng chữ tuyên bố rằng hòn đảo nằm ở biển Nam Trung Hoa và vùng nước lân cận là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Đài Loan”.

Trong một thông cáo, Bộ Nội vụ Đài Loan cho biết sẽ “biến Thái Bình thành một hòn đảo hòa bình, trung tâm bảo tồn sinh thái và thải ít khí CO2 nhằm thực thi “Sáng kiến Hòa bình Nam Trung Hoa” của Tổng thống Mã Anh Cửu”.

Sáng kiến công bố hôm 26/5 dựa trên nguyên tắc “bỏ qua một bên các vấn đề chủ quyền” và “cùng nhau phát triển các tài nguyên”.

Bộ này cũng cho rằng sự kiện mang tính lịch sử vì hôm nay đánh dấu 69 năm ngày Nhật Bản trao trả đảo Thái Bình cho Đài Loan.

Việt Nam chưa lên tiếng về hành động mới nhất của Đài Bắc, nhưng hồi tháng Mười vừa qua đã phản đối việc Trung Quốc xây dựng hải đăng ở Hoàng Sa, coi đó là “sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam”.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành hai ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. - VOA
|
|

6.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia thăm VN

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia dẫn đầu đoàn quân sự cấp cao thăm Việt Nam trong ba ngày (11-13/12/2015).

Đại tướng Tea Banh đã hội đàm với Đại tướng Phùng Quang Thanh vào hôm 12/12/2015, trang web Bộ Quốc phòng Việt Nam đưa tin.

Cuộc hội đàm này được mô tả là tập trung vào các lĩnh vực tuần tra chung trên biển, cất bốc, hồi hương hài cốt lính Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia qua các thời kỳ chiến tranh và tăng cường công tác phối hợp quản lý bảo vệ đường biên giới trên bộ hai nước...

"Hai bên khẳng định, hợp tác quốc phòng vừa qua đã mang lại hiệu quả thiết thực.

"Các lĩnh vực nổi bật như đào tạo nhân lực, phối hợp thực hiện Hiệp định phân giới cắm mốc, bảo vệ đường biên giới đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới giữa hai nước," trang web Bộ Quốc phòng đưa tin.

Chuyến công du của phái đoàn quân sự cấp cao do Đại tướng Tea Banh, người cũng giữ chức phó thủ tướng, tới Việt Nam diễn ra sau chuyến thăm tương tự nhưng dài ngày hơn do ông dẫn đầu tới Bắc Kinh hồi tháng Bảy năm nay.

Trong khi cả hai phía Trung Quốc và Campuchia khi đó nói chuyến thăm này không có gì "to tát" và chỉ là thăm viếng "thường xuyên" thì giới quan sát lại có nhận định khác.

Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi xảy ra một số vụ lộn xộn trên đường biên Việt Nam và Campuchia, được xem là có hệ lụy tới an ninh và chủ quyền của cả hai nước này.

Giới lãnh đạo quân sự Campuchia và Trung Quốc cam kết tăng cường liên hệ quân sự và tiếp tục hỗ trợ nhau về các vấn đề được xem là "lợi ích cốt lõi" tại hội đàm cấp cao này.

Trong khi Trung Quốc được xem đã và đang gây ảnh hưởng tới Campuchia trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông thì một trong các "lợi ích cốt lõi" của Campuchia không thể không nói tới là tranh chấp biên giới với Việt Nam, theo bài nhận định trên báo The Diplomat.

Trung Quốc là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Cambodia và quan hệ quốc phòng hai nước được tăng cường trong những năm qua.

Campuchia cũng đã tăng ngân sách quốc phòng cho năm 2016 lên hơn 17%.

Trong ngân sách quốc gia 4.6 tỉ USD được Quốc hội nước này thông qua cho năm 2016, chi tiêu quốc phòng được ấn định ở mức 383 triệu USD, tăng 17% so với năm 2015 và tương đương 2% GDP.

Cùng với khoảng 286 triệu USD cho cho an ninh quốc nội, tổng ngân sách được phân bổ cho an ninh và quốc phòng Campuchia tăng 10% theo năm.

Phe đối lập ở Campuchia bị cáo buộc sử dụng lý do tranh chấp đất đai tại những nơi chưa phân định cột mốc rõ ràng trong các cuộc vận động chính trị.

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong hồi đầu tháng Chín tuyên bố “đã giải quyết xong vấn đề bản đồ” sau buổi lễ thẩm định bản đồ Pháp cho Campuchia mượn để giải quyết tranh cãi về cắm mốc giữa Campuchia và Việt Nam.

Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) lên án chính phủ nước này trong vấn đề phân giới cắm mốc giữa Campuchia và Việt Nam.

Buổi thẩm định hôm 03/09 có đại diện của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập và đảng FUNCINPEC.

Sau ba tiếng thẩm định, ông Namhong tuyên bố câu chuyện đã xong, loại bỏ việc thẩm định thêm nữa và nói ông hy vọng bản đồ Pháp đã “mở mắt” cho những người phản đối của đảng CNRP.

Tuy nhiên các nghị sĩ đảng CNRP vẫn nói buổi thẩm định chưa chứng minh các bản đồ là đồng nhất.

Hồi tháng 10 năm nay Việt Nam và Campuchia đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng lần đầu tiên tại trụ sở Bộ Quốc phòng Campuchia ở Phnom Penh.

Tại một phiên họp của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam Campuchia vào tháng 10 năm nay, hai vấn đề được mang ra thảo luận là các biện pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền cùng quản lý biên giới; và bảo đảm các quyền chính đáng của kiều dân hai nước được làm ăn, sinh sống ổn định tại mỗi nước.

Thời gian gần đây tâm lý bài người Việt ở Campuchia cũng gia tăng, nhất là sau khi các đảng đối lập sử dụng điều này để vận động cho nghị trình chính trị của mình, theo bài tường thuật của phóng viên Hồng Nga của BBC tiếng Việt từ Kompong Chhnang, Campuchia. - BBC

No comments:

Post a Comment