Tin Thế Giới
1.
Thế giới hoan nghênh thỏa thuận Paris về khí hậu --- COP21: Vì sao Hiệp định khí hậu Paris mang tính lịch sử?
Vào lúc 19 giờ 30 tối ngày 12/12/2015 tại trung tâm Hội nghị Le Bourget, trước cử tọa hơn 2000 người gồm các bộ trưởng, các chuyên gia, các quan sát viên quốc tế, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius chính thức thông báo thông qua thỏa thuận "lịch sử" chống biến đổi khí hậu.
Là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên lên tiếng chào mừng thỏa thuận Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá đây là "cơ hội tốt nhất để cứu hành tinh trước đe dọa biến đổi khí hậu". Chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh đến "khúc quanh lịch sử", khi tất cả các quốc gia đã có cùng một tiếng nói trước thách thức khí hậu. Vẫn theo Tổng thống Barack Obama, "Thỏa thuận Paris không cho phép giải quyết tất cả mọi vấn đề nhưng đây là một cơ sở cần thiết và mang tính lâu bền để đối phó với khủng hoảng khí hậu".
Hoa Kỳ là quốc gia thải khí carbon nhiều nhất, làm hâm nóng trái đất. 56 % công luận Mỹ ủng hộ một thỏa thuận về khí hậu mang tính ràng buộc. Ngược lại, đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ Viện và nhiều ứng cử viên muốn đại diện cho đảng này ra tranh cử Tổng thống năm 2016 thì lại xem thỏa thuận Paris là một mối đe dọa cho công việc làm của người dân Mỹ.
Nhìn sang Ấn Độ, nền kinh tế gây ô nhiễm thứ 4 trên toàn cầu, từ New Delhi, Thủ tướng Narendra Modi tỏ ra hài lòng về văn bản cuối cùng vừa được thông qua. Theo ông Modi "Không có người thắng, hay kẻ thua. Phần thắng đã thuộc về Công lý... Thành quả có được tại Paris là nhờ sự khôn ngoan tập thể của các nhà lãnh đạo trên thế giới để giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây nên".
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ quan niệm là quốc tế vừa "viết nên một trang sử mới, đem lại hy vọng cho 7 tỷ người trên hành tinh". Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến tính chất "lịch sử của thỏa thuận Paris cho những thế hệ mai sau".
Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh với thỏa thuận vừa đạt được, toàn thế giới cùng "bảo đảm tương lai cho các thế hệ sau này". Riêng Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà kêu gọi cộng đồng quốc tế "bắt tay ngay vào việc để hàng tỷ người trên trái đất được sống trong những điều kiện an toàn hơn". - RFI
***
Hiệp định chống biển đổi khí hậu được toàn thể 195 nước tham gia đàm phán chấp thuận ngày 12/12/2015 trong niềm phấn khởi và được ca ngợi là lịch sử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tất các các chính phủ hợp tác với nhau bảo vệ môi trường và tương lai trái đất với một mục tiêu cao vọng.
Có ít nhất ba điểm trọng yếu nhất trong hiệp định từ nay có thể gọi là Hiệp định Paris thay thế Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1997.
Thứ nhất là vào lúc mọi người lo ngại không đạt được chuẩn mực giới hạn 2°C thì mục tiêu cao vọng hơn 1,5°C được ghi vào thỏa thuận. Chiến thắng bất ngờ này nhờ vào đòi hỏi kiên định của các nước nghèo ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và các quốc đảo Thái Bình Dương, rồi cuối cùng được Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ tán đồng, đẩy tới kết quả chung cuộc.
Điểm thứ hai là từ nay "toàn thế giới" cùng nhau hợp tác, chia sẻ trách nhiệm chung. Những nước giàu phải tài trợ 100 tỷ đô la hàng năm cho các nước đang phát triển để đối phó với hệ quả của biến đổi khí hậu và chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Ngân sách này sẽ được xem xét lại vào năm 2025.
Điểm thành công thứ ba là lần đầu tiên cuộc tranh đấu dài hơi của các tổ chức phi chính phủ, của phong trào xã hội công dân đã kích động giới chính trị phải có hành động, không thể viện lý do lợi ích kinh tế trước mắt để hy sinh tương lai của các thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, cho dù nhấn mạnh đến sự thành công lịch sử của hội nghị COP21, giới khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường tỏ ra dè dặt và đòi phải có những nỗ lực bổ sung.
Theo nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc GIEC, để duy trì nhiệt độ khí quyển tăng không quá 2°C từ nay cho đến cuối thế kỷ thì lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030 không được quá 40 tỷ tấn. Thế nhưng, các cam kết của các nước cộng lại không thể xuống dưới 55 tỷ tấn mà thôi.
Do vậy theo hiệp hội môi trường Pháp Fondation Nicolas Hulot, nếu các nước ký kết hiệp định không xem xét lại mục tiêu cam kết tại Le Bourget vào năm năm tới đây, thì mục tiêu 1,5°C sẽ không bao giờ đạt được. - RFI
|
|
2.
Bắt Quách để đánh phái Thượng Hải?
Báo Anh, tờ Sunday Times 13/12 cho rằng vụ bắt tỷ phú Quách Quảng Xương là cách phe của Chủ tịch Tập Cận Bình 'siết chặt vòng vây' với phái Thượng Hải của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Bài của Michael Sharidan cho rằng ông Quách đã bị đưa đi khi hạ cánh xuống Thượng Hải sau chuyến bay từ Hong Kong về.
Ông là bạn của Giang Miên Hằng (sinh năm 1951), con trai ông Giang Trạch Dân, người xuất thân từ Thượng Hải.
Bài báo cũng nêu tên một loạt doanh nhân có tiếng của Thượng Hải và một cựu phó thị trưởng trong số những người đã bị bắt giữ để 'điều tra' trong chiến dịch 'chống tham nhũng' do ông Tập khởi xướng.
Đồn đoán về sự biến mất của ông Quách Quảng Xương xảy ra trong bối cảnh nhiều vụ doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc 'mất tích'.
Vào giữa năm 2015, Bắc Kinh đã mở một loạt điều tra các công ty môi giới bị nghi hưởng lợi từ sự sụt giá của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Một số người thuộc giới tài chính Hong Kong và Trung Quốc tin rằng đây là một phần chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh nhằm làm trong sạch kinh tế Trung Quốc.
Nhưng cũng có ý kiến cho là bức màn khói chống tham nhũng được dùng vào việc triệt hạ đối thủ chính trị ở Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 12 này, cựu doanh nhân, tỷ phú Từ Minh đã 'đột tử trong tù' ở Vũ Hán chưa đầy một năm trước hạn được thả.
Từng là người thân cận với ông Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Từ chết và bị thiêu xác ngay mà không có khám nghiệm gì, theo báo Sunday Times.
Mất tích hay bắt giữ?
Trước đó, tin tỷ phú Trung Quốc, ông Quách Quảng Xương, bị coi là ‘mất tích’ đã gây xôn xao dư luận.
Người có tên trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes với tài sản trên 7 tỷ USD đã biến mất không ai biết ở đâu.
Tạp chí Caxin ở Trung Quốc cho hay nhân viên tập đoàn Fosun International mà ông Quách làm chủ, không thể nào liên lạc với ông từ thứ Năm.
Nhưng tin rằng không ai liên lạc được ông đã có từ vài ngày qua trong lúc có lời đồn ông bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ.
Cổ phiếu của Fosun bị ngưng giao dịch tại Hong Kong sau khi có tin ông Quách ‘mất tích’.
Mạng xã hội Trung Quốc lan truyền tin nói ông Quách Quảng Xương (có bản dịch là Quách Nghiễm Xương) xuất hiện lần cuối ở Thượng Hải.
Tin đồn vài ngày trước cũng nói ông có thể tìm cách ra sân bay.
Nguồn tin gần với ông Quách mới đây cho BBC hay “rất có thể ông bị nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu cộng tác trong một vụ điều tra nào nhưng bản thân ông không bị điều tra”.
Ông Quách bị cho là có liên quan đến một vụ xử án tham nhũng hồi tháng 8.
Tập đoàn của ông Quách đầu tư ở nhiều nước, gồm cả ở Club Med, một mạng nhà nghỉ nổi tiếng ở Pháp.
Ngoài mạng lưới đầu tư rộng khắp đem lại cho ông 'biệt danh' là Warren Buffet của Trung Quốc, ông còn từng có phát biểu mạnh mẽ về hệ thống tài chính ngân hàng. - BBC
|
|
3.
Bà Aung San Suu Kyi đi nhặt rác ở ngoại ô Yangon
Lãnh tụ Liên minh Toàn quốc Ðấu tranh cho Dân chủ của Myanmar, đảng giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng trước, đi lượm rác tại quận quê nhà của bà.
Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi làm gương cho các đồng sự của bà, những nhà lập pháp của Liên minh Dân chủ Toàn quốc vừa được bầu chọn sau khi bà nói với họ rằng họ phải thực sự giữ cho địa hạt bầu cử của họ sạch sẽ. Bà kêu gọi các phóng viên báo chí đi theo bà thôi chụp hình mà hãy cùng nhặt rác.
Myanmar, hay Miến Ðiện, không có hệ thống thu gom rác thường nhật và cũng không có bãi rác được quy hoạch. Các nhà lập pháp làm những người đi lượm rác là một động thái nhằm nhấn mạnh đến cam kết của Liên minh Toàn quốc Ðấu tranh cho Dân chủ phục vụ cho công chúng và giữ cho Myanmar sạch rác.
Theo hiến pháp của nước này, quân đội nắm giữ 25% số ghế quốc hội, và kiểm soát các bộ ngành quan trọng, như bộ quốc phòng, nội an và an ninh biên giới.
Nhiều người lo rằng quân đội sẽ làm ngơ trước kết quả bầu cử hồi tháng trước và tiếp tục bám giữ quyền hành, giống như họ đã làm hồi năm 1990, khi họ bỏ sang một bên chiến thắng áp đảo của đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc và quản thúc tại gia bà Aung San Suu Kyi suốt gần 20 năm sau đó.
Nhưng tổng thống đương nhiệm và tư lệnh quân đội đã hứa tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử hồi tháng 11 vừa qua.
Hiến pháp Myanmar không cho phép bà Suu kyi, 70 tuổi, làm tổng thống, bởi vì người chồng đã mất của bà, và hai người con trai của bà mang quốc tịch Anh. Như bà đã gợi ý rằng bà sẽ điều hành thông qua người được ủy nhiệm. - VOA
|
|
4.
Khởi công xây đường ống dẫn khí đốt 10 tỉ đôla từ Turkmenistan
Dự án đường dẫn ống ngầm 10 tỉ đôla nhiều kỳ vọng để dẫn khí đốt từ Turkmenistan sang Afghanistan, Pakistan, và Ấn Ðộ vừa được khởi công xây dựng hôm nay, sau 25 năm kể từ khi ý tưởng của dự án này được đặt ra.
Dự án đường ống Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Ðộ, gọi tắt là TAPI, theo dự trù sẽ vận chuyển 33 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ Turkmenistan qua đường ống dài 1.800 kilometer.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, và Phó Tổng thống Ấn Ðộ Hamid Ansari cùng với Tổng thống Turkmenistan, ông Gurbanguly Berdimuhamedoy dự lễ khởi công dự án ở thành phố Mary thuộc miền trung Turkmenistan.
Phát biểu tại buổi lễ hôm Chủ nhật, Thủ tướng Sharif của Pakistan nói dự án TAPI không chỉ là một sáng kiến vận chuyển khí đốt nối khu vực Trung Á giàu năng lượng với với khu vực Nam Á thiếu năng lượng, nhưng nó còn mở ra cánh cửa hợp tác và hội nhập kinh tế lớn hơn cho khu vực.
"Ý nghĩa quan trọng của dự án dấu mốc này là nó sẽ mở ra một chương mới và sẽ làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân của chúng tôi, biến TABI thành một biểu tượng của chia sẻ thịnh vượng và cùng phát triển kinh tế xã hội," ông Sharif nói.
Các nhà quan sát từ lâu đã gọi dự án này là một "đường dẫn hòa bình cho khu vực" một khi hoàn thành, bởi vì nó có thể tiến xa đến chỗ mang hai nước thù địch truyền kiếp là Ấn Ðộ và Pakistan lại gần với nhau và góp phần mang lại ổn định cho đất nước Afghanistan bị chiến tranh dày xéo.
Các chuyên gia nói rằng TAPI tạo ra một cơ hội hợp tác cho khu vực ở mức độ chưa từng thấy, nối kết các nền kinh tế của 4 nước lại với nhau và thúc đẩy buôn bán năng lượng giữa Turkmenistan, Ấn Ðộ, Pakistan và Afghanistan.
Ấn Ðộ sẽ trả 250 triệu đôla phí vận chuyển khí đốt đến Pakistan, và Pakistan cũng sẽ trả một khoản phí tương đương để vận chuyển khí đốt đến Afghanistan.
Dự án này được xem là một cơ hội trọng yếu để giúp giải quyết tình trạng thiếu năng lượng ngày càng tăng ở Ấn Ðộ và Pakistan. Các giới chức Turkmenistan dự trù đường ống sẽ đi vào hoạt động đầy đủ trước cuối năm 2019.
Các giới chức Pakistan cũng nói họ trông đợi sẽ nhận được khí đốt từ dự án TAPI vào năm 2019.
Nhưng bảo đảm an ninh cho đường ống này vẫn là một thách thức vì đường ống đi qua những khu vực thường bị các phần tử chủ chiến tấn công ở Afghanistan và Pakistan. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Hải quân Trung Quốc lại tập trận bắn đạn thật tại Trường Sa
Bằng một động thái khẳng định chủ quyền trong quần đảo Trường Sa, tàu chiến Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận "thường kỳ" theo thông báo của Bắc Kinh.
Theo phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc, Hải quân của "Giải phóng quân trong những ngày qua đã tiến hành một cuộc tập trận trong vùng biển Nam Trung hoa trong khuôn khổ chương trình tập trận định kỳ của quân đội Trung Quốc".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không cho biết chi tiết nhưng theo hãng tin Reuters, các trang mạng điện tử của báo chí nhà nước đưa nhiều hình ảnh tàu chiến Trung Quốc bắn đạn thật mà không ghi chú chính xác nơi nào.
Cũng theo nhận định của Reuters, Trung Quốc thường xuyên tập trận tại Biển Đông nơi họ tranh giành chủ quyền với Việt Nam và Philippines để chứng tỏ họ có quyền làm gì thì làm tại khu vực này.
Trong bối cảnh con đường hàng hải quan trọng hàng đầu của thế giới bị Trung Quốc đe dọa, Hoa Kỳ gần đây đã đưa thêm chiến hạm và máy bay dọ thám vào khu vực.
Động thái mới nhất của Washington là bố trí máy bay do thám P8 Poseidon tại Singapore. Chính quyền Bắc Kinh lên án Hoa Kỳ âm mưu "quân sự hóa" Biển Đông. - RFI
|
|
6.
Kêu gọi lãnh đạo 'đổi tên đảng, tên nước'
Trong một động thái được cho là 'vô tiền khoáng hậu', hơn một trăm nhân sỹ, trí thức, cựu lãnh đạo trung cao cấp và các nhà hoạt động xã hội hàng đầu ở Việt Nam đã gửi thư ngỏ tới Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu đổi tên đảng, đổi tên nước, từ bỏ chủ thuyết Mác-Lênin và thay đổi triệt để vì 'tương lai dân tộc'.
Bức thư ngỏ đề ngày 09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW Đảng CSVN khóa XI, các đại biểu dự Đại hội 12 và toàn thể đảng viên của Đảng, được ít nhất 127 người ký tên, trong đó có các nhân vật như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Chu Hảo, Đại sứ Nguyễn Trung, Giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm v.v..., kêu gọi:
"Đại hội XII là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có trách nhiệm, vừa có thẩm quyền đề xướng cuộc cải cách chính trị trong hòa bình, với tinh thần khép lại quá khứ, không hồi tố, phát huy dân chủ với tất cả sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc.
"Ý chí quyết tâm chuyển đổi thể chế chính trị của Đại hội XII cần được biểu thị bằng những hành động cụ thể như đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa); trả lại tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam giữ; chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp.
"Đó là những việc có thể làm ngay, quy tụ được lòng người, khơi dậy niềm tin và khí thế đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với công cuộc đổi mới chính trị và kinh tế ở tầm cao hơn."
Mạnh mẽ 'chưa từng có'
Thư ngỏ 9/12 có những lời lẽ được công luận trong đó có dư luận mạng cho là mạnh mẽ, thẳng thắn 'chưa từng có', trong đó có đoạn nói về Đảng Cộng sản và việc lãnh đạo của đảng này ở Việt Nam.
"Sự phát triển của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm nay dẫn dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin.
"Trên con đường đó, trong vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam bám giữ thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo thuận lợi cho tệ tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao túng của các nhóm lợi ích bất chính.
"Đường lối sai lầm theo ý thức hệ cùng với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc để có đối sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống mưu đồ và hành vi bành trướng của Trung Quốc.
"Thực tiễn của nước ta cũng như trải nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm và thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong nhiều năm qua về thực chất đã từ bỏ những nguyên lý cơ bản về xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác-Lênin.
"Vậy mà các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nhấn mạnh lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa, đặt độc lập dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường phải gắn với chủ nghĩa xã hội."
Bầu trực tiếp TBT
Về công tác nhân sự của Đại hội, bức thư ngỏ đề nghị Đại hội được bầu trực tiếp chức Tổng bí thư với các ứng cử viên 'không chỉ một người', bức thư viết:
"Công tác nhân sự tại Đại hội XII phải thật sự dân chủ. Các đại biểu Đại hội, với cương vị và trách nhiệm là thành viên của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cần làm đúng quyền hạn của mình, bãi bỏ những quy định của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự không đúng Điều lệ đảng dẫn tới sự chi phối, thậm chí áp đặt của cấp ủy sắp mãn nhiệm đối với nhân sự của cơ quan lãnh đạo nhiệm kỳ mới; yêu cầu Đại hội được bầu trực tiếp Tổng bí thư, và danh sách đề cử không chỉ có một người.
"Đại hội XII phải bầu được Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đủ sức đưa đất nước vượt qua những khó khăn thách thức để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.
"Kiên quyết không giao phó trọng trách cho những người mang nặng tư tưởng bảo thủ, giáo điều, đặt lợi ích riêng lên trên vận mệnh dân tộc, tham nhũng hoặc tài sản giàu có bất minh, thiếu bản lĩnh, không có khả năng xử lý những vấn đề do thực tiễn của cuộc sống đất nước đặt ra."
Đặc biệt, bức thư ngỏ kiến nghị viết lại 'Báo cáo Chính trị' dự kiến trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 mà theo kế hoạch có thể diễn ra vào tháng 1/2016 tới đây.
Thư ngỏ viết: "Tuy đối mặt với những thách thức mới rất gay gắt, nhưng với sự cổ vũ và bài học chuyển đổi thể chế độc tài sang dân chủ một cách hòa bình ở nhiều nước, đặc biệt là ở Myanmar mới đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đang có cơ hội thuận lợi hơn bao giờ hết để đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
"Khi chuẩn bị Đại hội VI, dù thời gian họp đã cận kề, cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thời ấy đã kiên quyết viết lại báo cáo chính trị theo tinh thần đổi mới, mở đường cho đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và có bước phát triển mới.
"Bài học đó cần được vận dụng để thay đổi cách chuẩn bị và tiến hành Đại hội XII đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong đợi của nhân dân. Đó là trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và toàn thể các đại biểu dự Đại hội XII trước vận mệnh của dân tộc," bức thư ngỏ đề ngày 9/12 viết. - BBC
No comments:
Post a Comment