Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc tức giận vì Mỹ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan --- TQ nổi giận với hiệp ước Nhật-Ấn về Biển Đông
Chính phủ Mỹ hôm thứ tư loan báo ý định bán các loại vũ khí tối tân cho Đài Loan. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho quốc hội về kế hoạch này đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt ở Đài Bắc, nhưng bị Bắc Kinh đả kích dữ dội. Thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tường thuật từ Đài Bắc.
Mỹ sẽ bán cho Đài Loan hai chiếc khu trục hạm trang bị phi đạn điều hướng, 36 chiếc xe đổ bộ tấn công và hơn 1.200 phi đạn. Những trang thiết bị đó nằm trong thương vụ mua bán vũ khí trị giá 1,83 tỉ đô la. Quốc hội Mỹ có 30 ngày để xét duyệt kế hoạch. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã bày tỏ sự cảm kích và chấp thuận trong lúc Bộ Ngoại giao ở Đài Bắc ra thông cáo để hoan nghênh kế hoạch của Mỹ. Đảng Dân Tiến thuộc phe đối lập cũng bày tỏ sự ủng hộ.
Tuy nhiên, phó bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã triệu một đặc sứ Mỹ tại Bắc Kinh để bày tỏ sự chống đối kịch liệt. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và yêu cầu các nước trên thế giới không bán vũ khí cho Đài Loan.
Mặc dầu vậy, nhiều nhà quan sát dự kiến Trung Quốc sẽ không trả đũa Washington trong dài hạn.
Ông Thái Cẩm Long, một nhà lập pháp cấp cao của Đài Loan cho rằng Bắc Kinh biết rõ là Đài Loan muốn có những mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.
"Ổn định và hoà bình trong mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc Đại lục là một mục tiêu mà hai bên cùng theo đuổi. Đài Loan không muốn gây chiến mà chỉ muốn bảo vệ cho sự an toàn của mình. Tuy Trung Quốc lên tiếng phàn nàn nhưng họ sẽ không có những hành động kịch liệt để đặt nền tảng cho những sự việc nghiêm trọng hơn trong tương lai."
Trung Quốc đã tạm ngưng các chương trình hợp tác quân sự và an ninh với Mỹ sau khi Washington đồng ý bán cho Đài Loan 6,4 tỉ đô la vũ khí năm 2010. Và từ đó cho tới mãi tuần này, Washington đã không đồng ý bán thêm vũ khí cho Đài Loan trong lúc Hoa Kỳ mưu tìm sự hợp tác của Trung Quốc về kinh tế, biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh toàn cầu. Để ứng phó với tình thế đó, Đài Loan đã bắt đầu chế tạo các hệ thống vũ khí của riêng họ. Quân đội Đài Loan hiện nay xếp hạng 15 trên thế giới trong khi Trung Quốc chiếm vị trí thứ 3.
Trung Quốc và Đài Loan đã tách khỏi nhau trong cuộc nội chiến hồi thập niên 1940. Phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan sau khi bị phe Cộng Sản của Mao Trạch Đông đánh bại. Quan hệ giữa đôi bên đã được cải thiện khá nhiều từ năm 2008, nhưng Bắc Kinh chưa rút lại lời đe dọa là sẽ sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan trong trường hợp cần thiết.
Các nhà phân tích chính trị nói rằng chính phủ Mỹ lựa chọn thời điểm này để loan báo kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan để tránh một phản ứng thái quá từ Bắc Kinh. Loan báo được đưa ra sau chuyến viếng thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington hồi tháng 9 và cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ông Tập Cận Bình với Tổng thống Mã Anh Cửu tại Singapore hồi tháng trước.
Tuy nhiên vụ mua bán này được loan báo trong lúc chưa đầy một tháng nữa là tới ngày bầu cử tổng thống ở Đài Loan. Ông Mã Anh Cửu không được tái tranh cử vì giới hạn nhiệm kỳ, và ứng cử viên của đảng ông đang bị tụt hậu khá xa so với ứng cử viên của đảng Dân Tiến đối lập, là đảng có chủ trương cứng rắn đối với Hoa Lục.
Các nhà phân tích nói rằng chính phủ Mỹ không có ý định dùng vụ mua bán vũ khí này để gia tăng cơ hội đắc cử của đảng đương quyền ở Đài Loan. Hôm thứ tư, Hội đồng Thương nghiệp Hoa Kỳ-Đài Loan nói rằng vụ mua bán nay là một tín hiệu để báo cho Trung Quốc biết là Washington muốn có một cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm ở Đài Loan và Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ cho nền dân chủ của đảo quốc này. - VOA
***
“Đằng sau quan hệ đối tác đặc biệt này là tham vọng của hai quốc gia muốn trở thành cường quốc khu vực và thậm chí là cường quốc toàn cầu”, bài viết trên báo nhà nước Trung Quốc Hoàn Cầu Thời Báo, nhận định về thỏa thuận “Đối tác Chiếc lược Đặc biệt Toàn cầu” giữa Nhật Bản và Ấn Độ vừa đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gần đây.
Hai nước Nhật Bản và Ấn Độ đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác, trong đó có việc sử dụng dân sự năng lượng hạt nhân và Nhật Bản tài trợ tàu cao tốc đầu tiên cho Ấn Độ với khoản vay mềm 12 tỷ đôla.
Hai bên cũng đề cập đến bản tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến hàng hải ở Biển Đông đối với an ninh năng lượng khu vực và thương mại, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động có thể gây căng thẳng trong khu vực.
The Economic Times trích nhận định của Hoàn Cầu Thời Báo nói “qua việc hợp tác nói trên, chính quyền của ông Abe hy vọng có quan hệ quốc phòng và an ninh gần gũi với Ấn Độ để thiết lập ‘chuỗi hạt kim cương’ (một nhóm các nước hợp tác về an ninh) mà ông ấy không ngừng theo đuổi”.
Tờ báo nói tiếp: “Ông Modi đã đáp trả. Tuyên bố chung với ông Abe lần đầu tiên đề cập tới Biển Đông cho thấy sự ủng hộ của ông ta đối với sự can dự của ông Abe trong tranh chấp ở Biển Đông”.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 14/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho thấy sự bất bình sâu sắc về sự hợp tác này: “Chúng tôi hy vọng các quốc gia ngoài khu vực tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, thay vì làm ngược lại”.
Người đại diện Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định: “Các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc thực hiện tại những bãi đá và các đảo ở Biển Đông là thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.
Cả hai quốc gia Nhật Bản và Ấn Độ đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Những thỏa thuận mới đây được xem là phản ứng chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Nhật Bản đã từng tránh hợp tác hạt nhân với Ấn Độ, nước không phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân, nhưng các nhà phân tích nói Tokyo đã dịu lại trong lập trường của mình.
Việc Nhật Bản tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar với Ấn Độ và Mỹ gần đây cũng đã khiến Trung Quốc tức giận. - VOA
|
|
2.
Các nước Hồi giáo nghi ngờ kế hoạch chống khủng bố của Ả rập Xê út
Nhiều nước trên thế giới đã tỏ ý ngạc nhiên và nghi ngờ sau khi Ả rập Xê út loan báo kế hoạch thành lập liên minh 34 nước Hồi giáo để chống khủng bố. Thông tín viên Sirwan Kajjo của đài VOA gửi về bài tường thuật.
Tuy kế hoạch của Ả rập Xê út đã nhận được một số ý kiến thuận lợi từ những thành viên của liên minh mới, vẫn còn nhiều nghi vấn về mức độ của sự hợp tác và vẫn chưa rõ các thành viên có đóng góp về mặt quân sự hay không, và nếu có, thì đóng góp ở mức độ nào.
Bên cạnh đó, một số người vẫn hoài nghi về động cơ của Ả rập Xê út và những mối liên hệ chặt chẽ của vương quốc này với một hệ phái Sunni bảo thủ mà những người chỉ trích nói là làm mạnh thêm những phong trào thánh chiến, như nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ả rập Xê út nằm trong liên minh mà đa số thành viên là các nước Tây phương do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng sự tham gia của nước này trong liên minh rất hạn chế.
Các giới chức Ả rập Xê út cho biết liên minh mà họ loan báo hôm 15/12 có mục đích chống lại chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, nhưng họ không cho biết chi tiết liên quan tới những hoạt động của liên minh.
Các cơ quan truyền thông nói rằng loan báo này làm cho các giới chức Mỹ và Nga cảm thấy bất ngờ vì họ chỉ biết được việc này qua báo chí.
Trong cuộc họp báo mới đây tại Moscow với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói: "Chúng tôi mong nhận được thông tin chi tiết từ những người bảo trợ tiến trình này."
Một số nước có tên trong danh sách thành viên của liên minh cho biết họ ngạc nhiên khi thấy tên nước họ trong đó.
Thứ trưởng Ngoại giao Pakistan Aizaz Chaudhry nói với các nhà báo rằng ông ngạc nhiên khi đọc những tin tức cho rằng Ả rập Xê út nêu tên Pakistan như một thành viên của liên minh này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan, ông Qazi Khalil Ullah, nói với đài VOA rằng nước ông chưa quyết định có tham gia liên minh hay không.
Trong khi đó, các giới chức Pakistan đã xác nhận với nhiều cơ quan truyền thông rằng chính sách của Islamabad là không triển khai binh sĩ ở nước ngoài, ngoại trừ trường hợp tham gia các sứ mạng của Liên Hiệp Quốc.
Tại Indonesia, quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới, phát ngôn viên bộ ngoại giao Arrmanatha Nasir nói rằng nước ông cũng ngạc nhiên về loan báo của Ả rập Xê út. Ông Nasir cho báo chí biết rằng bộ trưởng ngoại giao Ả rập Xê út đã tiếp xúc với bộ trưởng ngoại giao Indonesia hôm 11/12 để thông báo một quyết định nhằm "thiết lập một trung tâm điều hợp để chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố, chứ không phải là một liên minh quân sự." Indonesia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với liên minh này, nhưng chưa phải là một thành viên.
Các giới chức Bangladesh cho biết nước họ chưa biết rõ sẽ nắm giữ vai trò như thế nào trong liên minh vừa được đề nghị.
Tại Kabul, các giới chức Afghanistan hoan nghênh việc thành lập một liên minh của các nước Hồi giáo để chống khủng bố. Một phát ngôn viên Bộ Nội vụ hôm 16/12 nói rằng Afghanistan đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có cuộc chiến đấu mới đây chống lại Nhà nước Hồi giáo. Các giới chức Afghanistan cho biết Ả rập Xê út đã mời Kabul tham gia và đang xem xét đề nghị này.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, phát ngôn viên bộ ngoại giao Tanju Bilgic cho biết tại một cuộc họp báo rằng liên minh này muốn điều hợp những nỗ lực về quân sự, tình báo và ý thức hệ trong cuộc chiến đấu chống chống khủng bố. Ông Bilgic nói "Các nước đối mặt với nạn khủng bố có một tiếng nói chung là rất quan trọng," và "chúng tôi nghĩ rằng hội nghị này là một bước quan trọng để tiến tới theo chiều hướng đúng."
Tại khu vực người Kurd ở miền bắc Iraq, nơi các chiến binh người Kurd nắm giữ vai trò then chốt trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhiều người tỏ ý hoài nghi về liên minh mới.
Ông Jabar Qadir, một nhà phân tích ở Irbil, nói với đài VOA rằng "Liên minh này chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn." Ông cho rằng liên minh Hồi giáo chống nhóm Nhà nước Hồi giáo có phần chắc sẽ không hoạt động hữu hiệu "vì nó được thúc đẩy bởi những động cơ giáo phái và nó là một cách để ứng phó với sự bành trướng của Iran và của những nhóm dân quân của Hồi giáo Shia trong khu vực."
Liên minh 34 nước chỉ bao gồm những nước Hồi giáo Sunni.
Các nhà phân tích cho biết Iran, một nước Hồi giáo Shia, đã bày tỏ sự nghi ngại đối với sáng kiến của Ả rập Xê út.
Tuy nhiên, tại Ai Cập, Viện al-Azhar, Học viện Hồi giáo có uy tín nhất thế giới, đã hoan nghênh quyết định của Ả rập Xê út và hối thúc tất cả các nước Hồi giáo tham gia liên minh này. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Mỹ tăng lãi suất, thị trường toàn cầu phản ứng tích cực --- VN gặp 'thách thức' vì Fed tăng lãi suất
Các nhà đầu tư trên toàn cầu hôm 17/12 đã hoan nghênh việc ngân hàng trung ương Mỹ lần đầu tiên nâng lãi suất kể từ khi bùng ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Quỹ Dự trữ Liên bang hôm 16/12 đã nâng lãi suất chính lên 0,25%, tức là tăng so với tỷ lệ gần ngưỡng 0 trong suốt 7 năm qua. Bước đi này đã được giới quan sát kỳ vọng từ lâu.
Chủ tịch Quỹ này, bà Janet Yellen, nói rằng các nhà hoạch định chính sách quyết định tăng lãi suất trong khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với "mức độ vừa phải". Bà nói rằng việc tăng tỷ lệ lãi suất trong tương lai sẽ được tiến hành "từ từ".
Nhiều nhà đầu tư ở Á châu, khu vực chứng kiến sự tăng điểm của các thị trường chứng khoán hôm 17/12, nhìn nhận rằng việc tăng lãi suất là dấu hiệu cho thấy lòng tin vào nền kinh tế Mỹ.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 2% trong khi chỉ số Hằng Sinh tăng gần 1%.
Các thị trường ở Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Đài Loan và New Zealand cũng tăng.
Trong khi đó tại châu Âu, các thị trường cũng phản ứng tích cực với bước đi của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Các thị trường ở Paris và Frankfurt đều tăng hơn 2%, trong khi London tăng 1,6% trong phiên giao dịch đầu ngày.
Đồng đôla Mỹ cũng tăng nhẹ so với hầu hết các đồng tiền chính khác. - VOA
***
Việt Nam có thể gặp 'thách thức' trong việc điều hành tỷ giá năm 2016 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006.
Quyết định của Fed đã khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng lên trong khoảng 0,25 -0,5%.
Cổ phiếu Châu Á đều tăng hôm thứ Năm 17/12
Thị trường chứng khoán Úc là nơi đầu tiên trong vùng mở cửa giao dịch sau khi thông tin này được công bố, và các nhà đầu tư đã ăn mừng.
Chỉ số S&P/ASX 200 ở Sydney tăng 1,69% trong phiên giao dịch buổi sáng.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng tăng 2,15% lên 19.460,20 sau khi cũng đã có sự gia tăng cao nhất hai tháng qua vào hôm thứ Tư 16/12.
Đồng đôla cũng mạnh lên so với đồng yen Nhật, tỷ giá hối đoái nay là 1 đôla ăn 122,38 yen trên thị trường châu Á. Đồng yen yếu hơn sẽ tốt cho các nhà xuất khẩu lớn của Nhật.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,25% lên 1.974,1.
'Thách thức' với Việt Nam
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành – cán bộ giảng dạy chương trình Kinh tế Fulbright tại Việt Nam nhận định việc điều chỉnh lãi suất này “không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn vào Việt Nam’’.
Lý do có thể giải thích cho việc này là: “So với các nước khác Việt Nam không lệ thuộc quá nhiều vào dòng vốn vay ngoại tệ ngắn hạn từ nước ngoài. Dòng vốn đầu tư chứng khoán ngắn hạn từ nước ngoài vào Việt Nam cũng không phải nhiều vì lý do lãi suất thấp trong thời gian qua ở Hoa Kỳ”
Tuy nhiên ông Thành cũng nói với BBC Tiếng Việt việc điều chỉnh tỷ giá này của Fed có thể sẽ tạo “thách thức cho Việt Nam trong việc điều hành tỷ giá trong năm 2016" vì đợt điều chỉnh tỷ giá này của Fed có thể "chỉ là đợt đầu tiên trong nhiều đợt điều chỉnh sắp tới."
Ông Thành cho biết: "Trước mắt Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam có thể quản lý tỷ giá theo hướng can thiệp lên thị trường bằng cách sử dụng dự trữ ngoại tệ.
Nhưng nếu định hướng thời gian sắp tới, có thể Ngân hàng nhà nước sẽ phải điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, cho tỷ giá biến động theo áp lực cung cầu ngoại tệ trên thị trường."
Quyết định tăng lãi suất của Fed đã được trông đợi một thời gian và các nhà phân tích nói điều này cho thấy dấu hiệu lạc quan từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư, kinh tế gia trưởng của Quỹ đầu tư AMP ở Sydney, nói: “Việc tăng lãi suất cho thấy sự tự tin vào nền kinh tế Mỹ trong quá trình hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính.”
Ông cũng nói thêm: “Với nguy cơ giảm phát và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, việc tăng lãi suất trong tương lai của Fed nếu có sẽ cẩn trọng và từ từ."
“Sau quyết định của Fed, cổ phiếu toàn cầu có vẻ như đang tăng trưởng trở lại nhưng cổ phiếu Mỹ tăng chưa nhiều.”
Ban đầu đồng đôla Úc sụt giá trước đồng đôla Mỹ nhưng sau đó đã tăng lại, hiện là 1 đôla Úc ăn 72,12 cent Mỹ. Úc trông đợi đồng nội tệ sẽ yếu đi trong vài tháng tới.
Ông Oliver nói lãi suất của Mỹ tăng sẽ giúp duy trì áp lực kiềm chế đồng đôla Úc trong năm 2016.
Ăn mừng Giáng sinh
Các nhà phân tích nói việc Fed có thể nâng tỷ lệ lãi suất cho thấy nền kinh tế Mỹ cuối cùng cũng đã có thể chịu được ảnh hưởng.
Ông Angus Nicholls từ công ty IG Markets nói: “Rất nhiều nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi là liệu đà tăng trưởng này của thị trường chứng khoán có đi lên đến đỉnh điểm trước lễ Giáng sinh và đến cuối năm hay không?”
“Có lẽ sẽ không có quyết định gây ảnh hưởng gì lớn tới thị trường trong thời gian tới và Fed cũng dè dặt về chính sách trong tương lai nên cơ hội cho đợt tăng đỉnh điểm này là có.”
Thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng tích cực hôm thứ Năm 17/12. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng 0,83% lên 21.881,97 và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,95% lên 3.549,66.
Sáng thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Hong Kong đã tăng lãi suất chiết khấu thêm 0,25 lên mức 0,75%.
“Lãi suất tăng có thể tác động đến giá bất động sản – sẽ trở nên đắt đỏ hơn cho những người vay tiền để mua nhà. Động thái này đến sau khi Fed tăng lãi suất qua đêm,” - phóng viên kinh tế châu Á của BBC Karishma Vaswani giải thích.
Ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia có thể sẽ có phản ứng trước quyết định của Fed trong ngày thứ Năm 17/12, tuy giới phân tích không cho rằng sẽ có biến động gì mạnh ở các nước này.
Phóng viên Vaswani nói thêm: “Các nước này đang ở thế khó là phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng đồng thời cũng không được giảm quá nhanh vì đồng tiền sẽ bị yếu đi.” - BBC
|
|
4.
Tổng thống Obama họp với nhóm cố vấn về an ninh quốc gia
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay gặp nhóm cố vấn về an ninh quốc gia tại Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia ở ngoại ô Washington để “duyệt xét lại các nỗ lực của toàn chính phủ nhằm ngăn chặn các vụ tấn công và bảo vệ đất nước”. Ông Obama dự kiến sẽ phát biểu sau cuộc gặp này.
Tổng thống Obama gần đây đã nhiều lần phát biểu nhằm trấn an người dân Mỹ sau vụ tấn công chết người ở San Bernardino, California, hồi đầu tháng này, do một cặp vợ chồng nguyện trung thành với Nhà nước Hồi giáo thực hiện, cũng như sau khi xảy ra một vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris hồi tháng 11.
Hôm thứ Hai, trong chuyến đi hiếm hoi tới Lầu Năm Góc, Tổng thống Obama nói rằng ông “tự tin” rằng liên minh do Mỹ lãnh đạo sẽ chiến thắng Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Obama cũng nói thêm rằng nhóm cực đoan này đang mất đi quyền kiểm soát một số khu vực, và lãnh đạo của IS không còn chỗ dung thân.
Trong khi đó, người phụ trách về an ninh nội địa của Mỹ, Jeh Johnson hôm qua đã công bố hệ thống cảnh báo khủng bố mới được cải tiến.
Hoa Kỳ đã chấm dứt sử dụng hệ thống cảnh báo khủng bố bằng việc sử dụng màu sắc năm 2011, và thay vào đó là các thông báo công khai về các mỗi đe dọa “dâng cao” hoặc “sắp xảy ra”.
Hiện giờ chính phủ Mỹ cũng có kế hoạch công bố “các bản tin” định kỳ, theo đó sẽ mô tả “các xu hướng rộng hơn hoặc chung chung hơn” về các mối đe dọa khủng bố, hoặc tình thế mà chính phủ không cho là dâng cao hoặc sắp xảy ra. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Việt Nam tăng cường tiềm lực quân sự để đối phó với Trung Quốc
Trước nguy cơ xảy ra xung đột với Trung Quốc, Việt Nam hiện đang tăng cường tiềm lực quân sự để có thể đẩy lùi các cuộc tấn công từ láng giềng phía Bắc ở bất cứ mặt trận nào.
Trong một bài viết phát ngày 17/12/2015, hãng tin Reuters cho biết như trên, dựa theo tuyên bố của các sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam và của những người thân cận với các sĩ quan này.
Một quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam, xin được giấu tên, nói với Reuters: "Chúng tôi không muốn xảy ra xung đột với Trung Quốc và vẫn tin tưởng vào hiệu quả của chính sách ngoại giao của chúng tôi. Nhưng chúng tôi biết rằng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".
Sự chuẩn bị của Việt Nam hiện nay không còn ở trong giai đoạn dự kiến nữa, mà nhiều đơn vị chủ chốt nay đã được đặt trong tư thế "sẵn sàng chiến đấu cao", trong đó có sư đoàn tinh nhuệ 308 (được thành lập từ năm 1955), đang trấn giữ miền núi phía Bắc Việt Nam.
Trên biển, Hà Nội cũng đang xây dựng một lực lượng "ngăn chận từ xa" với 6 tàu ngầm hạng Kilo mua của Nga. Chiếc đầu tiên trong số này trong những tháng qua đã bắt đầu tuần tra ở Biển Đông, theo xác nhận của các quan chức quân sự Việt Nam và ngoại quốc.
Thật ra, khi nói chuyện với Reuters, một sĩ quan cao cấp của Việt Nam không hề nhắc đến tên "Trung Quốc". Nguy cơ xung đột với Trung Quốc thường được nêu lên bằng nhóm từ "tình hình mới".
Để nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội trước "tình hình mới", các tướng lãnh Việt Nam nay đang tìm thêm đối tác chiến lược. Ngoài hai nguồn cung cấp truyền thống là Nga và Ấn Độ, Hà Nội cũng đang tìm mua vũ khí từ Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Philippines, cũng như từ Châu Âu và Israel.
Theo Reuters, Việt Nam đang muốn mua thêm oanh tạc cơ phản lực của Nga và hiện đang thương lượng với các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ và Châu Âu để mua các chiến đấu cơ, các phi cơ tuần tra trên biển và máy bay giám sát không người lái. Hà Nội gần đây cũng đã nâng cấp và mở rộng lực lượng phòng không, với việc trang bị hệ thống radar báo động sớm của Israel và dàn tên lửa địa đối không tối tân S-300 của Nga.
Theo thẩm định của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong thập niên qua, chi tiêu quân sự của Việt Nam vượt hơn các nước láng giềng Đông Nam Á. Ông Tim Huxley, chuyên gia về an ninh khu vực, làm việc tại văn phòng Singapore thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, được Reuters trích dẫn, cũng nhìn nhận rằng: "Họ làm thế không phải chỉ để diễu binh quốc khánh, mà họ đang xây dựng khả năng quân sự thật sự".
Nhưng theo Reuters, nói chuyện với khách ngoại quốc đến tham quan, các tướng lãnh Việt Nam nhìn nhận rằng khả năng của họ rất hạn chế. Sau hai thập niên tăng ngân sách quốc phòng trên 10% mỗi năm, Trung Quốc nay có một quân đội hùng mạnh hơn nhiều. Các tùy viên quân sự ngoại quốc thì cho biết họ đang cố thẩm định khả năng thật sự của quân đội Việt Nam và tìm hiểu xem Việt Nam tiếp thu như thế nào các vũ khí mới phức tạp. Nhưng cho tới nay, họ được tiếp cận rất ít các thông tin này.
Tại một hội nghị vào tháng trước ở Singapore, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho biết các chiến lược gia Việt Nam đã nói với ông rằng, nếu xảy ra xung đột giữa hai nước, Hà Nội có thể sẽ đánh vào các tàu chở hàng và tàu chở dầu mang cờ Trung Quốc trên Biển Đông.
Tấn công như vậy không phải là nhằm phá vỡ thế thượng phong của quân đội Trung Quốc, mà là nhằm gây thiệt hại vật chất và tác động tâm lý đủ để khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và khiến tiền đóng bảo hiểm tăng vọt. Nhưng theo Reuters, bộ Ngoại giao Việt Nam đã từ chối bình luận về thông tin nói trên. - RFI
|
|
6.
Quốc tế phản ứng mạnh về vụ bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài
Vụ bắt giữ luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài chứng tỏ rõ ràng những cam kết giả dối của Việt Nam về cải thiện nhân quyền, theo tố cáo của các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên thế giới.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Đài, người vừa bị bắt khởi tố về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ lần thứ hai hôm 16/12, một ngày sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt Nam-Châu Âu tại Hà Nội.
Sự việc xảy ra không lâu sau khi Việt Nam nhất trí với các thỏa thuận của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu, trong đó bao gồm nhiều cam kết về tôn trọng nhân quyền.
Ông Phil Robertson thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch phát biểu với VOA Việt ngữ:
“Vụ luật sư Đài xảy ra ngay sau thỏa thuận TPP và trước đại hội đảng sắp tới cho thấy những áp lực Hà Nội đang phải đối mặt với quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, về thành tích nhân quyền và với quốc nội trước những nhu cầu của dân chúng đòi hỏi nới lỏng tự do-dân chủ ngày càng tăng.”
CPJ, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, cho rằng trường hợp của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài là một thông điệp rõ ràng cho thế giới thấy Việt Nam không hề thay đổi trong các chính sách nhân quyền hà khắc và bất dung đối lập.
Ông Bob Dietz Điều phối viên khu vực Châu Á trong CPJ:
“Sự việc chứng tỏ Hà Nội không hề có bước tiến nào, vẫn nằm ngoài lề của thế giới văn minh-tiến bộ về nhân quyền. Tin tưởng những thỏa thuận đổi chác quyền lợi thương mại sẽ thúc đẩy nhân quyền Việt Nam là hoàn toàn sai lầm. Các làn sóng đàn áp, trù dập nhân quyền sẽ tiếp diễn tại Việt Nam cho tới khi nào chúng ta động được tới lương tâm của những nhà lãnh đạo độc tài.”
Ông Dietz nhấn mạnh thế giới sẽ không thấy một đất nước Việt Nam tôn trọng nhân quyền nếu không đẩy mạnh những áp lực buộc Hà Nội phải có những cải cách căn cơ từ luật lệ, thể chế, và chính sách cai trị.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ khuyến cáo Hà Nội không thể dùng mãi những chiêu trò đã cũ rằng chỉ nhượng bộ nhân quyền khi cần để đổi lấy các quyền lợi thương mại rồi sau đó lại tiếp tục mọi chuyện vì cộng đồng quốc tế hiểu rất rõ những gì đang diễn ra tại Việt Nam.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp ca ngợi luật sư Đài là một nhà hoạt động dũng cảm, kiên trì tranh đấu cho nhân quyền, người bất chấp rủi ro để nâng cao nhận thức nhân quyền cho dân chúng và phản ánh cho thế giới thấy thực trạng tại Việt Nam.
Ông Ismail nói Ông Benjamin Ismail, người đứng đầu khu vực Châu Á thuộc RSF, nói vụ bắt giam luật sư Đài khiến quốc tế thêm lần nữa phẫn nộ về thành tích nhân quyền Việt Nam.
“Nhà cầm quyền Việt Nam phải hiểu là đàn áp, bắt bớ kiểu này chỉ mang lại hiệu ứng ngược vì một blogger bị bắt sẽ có hàng chục blogger khác đứng lên, và cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ-nhân quyền của người dân Việt Nam sẽ ngày càng quật cường hơn từ những chính sách hà khắc như thế này. Đã tới lúc người dân Việt Nam không thể câm lặng.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài là một cựu tù nhân lương tâm được quốc tế biết tiếng, người thành lập Ủy ban Nhân Quyền tại Việt Nam hồi năm 2006.
Từ 2007 đến 2011, ông thọ án tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ sau các hoạt động cổ súy dân chủ bao gồm tổ chức các lớp học miễn phí về nhân quyền cho giới trẻ.
Sau khi ra tù, ông lập Hội Anh em Dân chủ vào tháng 4 năm 2013 và tiếp tục các nỗ lực giáo dục ý thức dân chủ-nhân quyền cho người dân trong nước.
Nhà hoạt động Phạm Bá Hải thân cận với ông Đài nói luật sư Đài bị bắt cùng với người cộng sự Lê Thu Hà và hiện chưa rõ tung tích bà Hà ở đâu.
Ông Hải cho biết cơ quan an ninh còn khám xét nhà và tịch thu một số tài sản:
“Số tài sản bị tịch thu khá nhiều gồm 4 thùng các-tông cùng laptop, điện thoại di động, USB, đĩa CD, sách vở liên quan tới nhân quyền, một số áo có in logo nhân quyền, và 4 bao thư tiền Đài hoạt động nhân đạo giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm.”
Báo chí nhà nước loan tin luật sư Đài nhận tiền từ nước ngoài để hoạt động chống đối nhà nước. Nhà hoạt động Bá Hải bình luận:
“Những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam thường bị cắt các nguồn kinh tế không có công ăn việc làm. Các tổ chức xã hội dân sự trong nước không có nguồn tài chánh vì không phải là những tổ chức lợi nhuận. Họ hoạt động thuần túy nhờ sự tin tưởng của xã hội và sự ủng hộ tài chánh của các cá nhân trong và ngoài nước. Cho nên, việc Đài nhận tiền của các cá nhân hay tổ chức là việc đương nhiên, bình thường.”
Về cáo buộc ‘nhận tiền từ nước ngoài’, luật sư Hà Huy Sơn, người từng tham gia các vụ án xét xử các nhà bất đồng chính kiến, nhận định:
“Bộ Luật Hình sự Việt Nam không có quy định nào cấm công dân nhận tiền từ nước ngoài. Về mặt pháp lý, tôi có thể hiểu người ta muốn đưa ra chứng cứ để nói số tiền đó là phương tiện để thực hiện hành vi mà họ cho là vi phạm pháp luật. Theo pháp luật, việc này cũng không phải là một tình tiết tăng nặng tội mà phía Viện kiểm sát muốn dùng nó để chứng minh cho cáo buộc của họ là có sức thuyết phục.”
Mười ngày trước khi bị bắt, luật sư Đài bị một nhóm an ninh mật vụ và côn đồ hành hung sau khi ông tổ chức một buổi hội thảo về nhân quyền tại Nghệ An. Sự việc đã được phía EU nêu lên trong cuộc đối thoại nhân quyền với Hà Nội hôm 15/12 và là trường hợp mới nhất trong loạt các vụ hành hung nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong 18 tháng qua tại Việt Nam mà Liên hiệp quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. - VOA
No comments:
Post a Comment