Tin Thế Giới
1.
Ðông Nam Á bi quan với chính quyền Trump
Bất chấp những nỗ lực mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vươn đến các nước Ðông Nam Á, một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy niềm tin vào mối quan hệ này đang ở mức thấp.
Cuộc nghiên cứu trên mạng nhan đề “Các nước Ðông Nam Á cảm nhận về chính quyền Trump như thế nào?” do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore thực hiện. Trung tâm này nhận được phúc đáp từ 300 giới chức của các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả và ký giả ở ASEAN.
Khoảng 43% trả lời nói rằng chính quyền của Tổng thống Trump “không quan tâm” đến Ðông Nam Á, và 37% trả lời là “có quan tâm.” Tương tự như vậy, khoảng 43% cho rằng giao tiếp và hợp tác của Mỹ trong khu vực sẽ giảm đi và Mỹ sẽ “không còn trách nhiệm” như là một đồng minh giống như trước đây 4 tháng nữa.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã tìm cách trấn an những lo lắng đó bằng nhiều nỗ lực vươn đến khu vực này. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson lần đầu tiên mời các bộ trưởng ngoại giao và các quan chức cấp cao của 10 nước ASEAN đến họp tại thủ đô Washington.
Hội nghị đã bàn về các vấn đề thương mại, Bắc Triều Tiên, và Biển Đông.
100 ngày đầu của tân chính quyền Tổng thống Trump bị đánh giá là thiếu sự giao tiếp với một khu vực từng có các mối quan hệ mạnh mẽ với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama dưới chính sách “xoay trục sang châu Á.”
Trước cuộc họp với của Ngoại trưởng Tillerson với các quan chức ASEAN, Tổng thống Trump đã ngỏ lời mời các nhà lãnh đạo Singapore, Thái Lan và Philippines đến thăm Tòa Bạch Ốc, và ông cũng dự định sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh khu vực vào tháng 11.
Nhưng cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% tin là Tổng thống Trump “chắc chắn” sẽ đến dự hội nghị ở khu vực, 38% nghĩ là “có khả năng,” và 32% nói là “sẽ không xảy ra.”
Một kết quả không gây ngạc nhiên là với nhận thức Mỹ giảm bớt sự hiện diện thì Trung Quốc sẽ tăng ảnh hưởng lên trong khu vực, 44% đồng ý rằng Ðông Nam Á “ổn định và an inh hơn khi có các hoạt động của Mỹ,” và hơn 51% tin rằng Mỹ đã đánh mất cơ sở chiến lược vào tay Trung Quốc kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, và 73% tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại Ðông Nam Á. Chỉ có 3,5% nói Mỹ vẫn giữa danh hiệu đó.
Đa số các trả lời được gởi đến từ Myanmar, Philippines và Việt Nam, mặc dù cuộc thăm dò nhắm đến cả 10 nước ASEAN. - VOA
|
|
2.
Trump duyệt cấp vũ khí cho người Kurd Syria --- Syria: Hàng ngàn người từ Trung Quốc chiến đấu cho các nhóm chủ chiến
Tổng thống Donald Trump đã chuẩn thuận kế hoạch cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Syria, họ cùng với lực lượng dân quân Ả-rập là một phần trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang tiến tới thành phố Raqqa hiện nằm trong tay Nhà nước Hồi giáo. Quyết định này được đưa ra bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với lực lượng người Kurd có tên là YPG. Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là một nhóm khủng bố.
Theo báo New York Times, một đoàn cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ đang thăm Washington đã được cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Trung tướng H.R. McMaster, thông báo về quyết định hôm thứ Hai.
Các quan chức Mỹ nói việc cung cấp vũ khí, đạn dược sẽ có giới hạn, và sẽ thu hồi các trang thiết bị dư thừa sau khi giành lại Raqqa. Ngũ Giác Đài nói lực lượng dân quân Ả-rập, không phải lực lượng YPG, sẽ lãnh đạo cuộc chiến và người Ả-rập địa phương sẽ nắm trách nhiệm chiếm đóng thành phố. Quan chức Kurd ở Syria Ilham Ahmed đã khen ngợi rằng quyết định của Mỹ cũng hợp pháp hoá nhóm này.
Những chiến thắng của người Kurd ở Syria làm Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ rằng người Kurd có thể tiến tới thành lập một chính thể và có thể liên kết với những người Kurd đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng trước, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục tiêu vào người Kurd ở cả Syria lẫn Iraq.
Tư lệnh Mỹ ở Trung Đông, Tướng Joseph Votel, nói đánh bật Nhà nước Hồi giáo khỏi Raqqa có tầm quan trọng quyết định nhằm làm suy yếu khả năng của nhóm khủng bố này trong việc lập âm mưu, chỉ đạo và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố đánh vào phương Tây. - VOA
***
5.000 người Uighurs từ vùng Tân Cương cực tây Trung Quốc đang chiến đấu cho nhiều nhóm chủ chiến khác nhau tại Syria, đại sứ Syria tại Trung Quốc loan báo hôm 8/5, đồng thời khuyến cáo Trung Quốc nên chú ý việc này.
Trung Quốc lo ngại người Uighurs, phần lớn theo Hồi Giáo và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến Syria và Iraq để chiến đấu cho các phần tử hiếu chiến tại đây và đã di chuyển qua các nước Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm trong vụ sát hại một con tin Trung Quốc vào năm 2015, nêu bật những lo ngại của Trung Quốc về người Uighurs đang chiến đấu tại Trung Đông.
Hàng trăm người đã thiệt mạng tại Tân Cương trong vài năm qua, hầu hết trong các vụ đụng độ giữa người Uighurs và sắc tộc đa số người Hán. Chính phủ nói những xáo trộn này là do các phần tử hiếu chiến Hồi Giáo muốn thành lập một quốc gia riêng rẽ có tên là Đông Turkestan.
Đại sứ Syria tại Bắc Kinh, Imad Moustapha, nói với Reuters bên lề một diễn đàn doanh nghiệp rằng dù một số người Uighurs chiến đấu với Nhà nước Hồi Giáo, nhưng đa số họ chiến đấu “dưới danh nghĩa riêng” để quảng bá cho lý tưởng ly khai của họ.
Trung Quốc chưa bao giờ nêu con số những người Uighurs đang chiến đấu tại Trung Đông, nhưng nhiều lần cảnh báo là đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Không thể kiểm chứng độc lập về số thống kê người Uighurs tại Syria.
Các tổ chức nhân quyền và những người Uighurs lưu vong nói nhiều người Uighurs đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đơn giản là tránh sự đàn áp của Trung Quốc tại quê nhà, một cáo buộc mà Trung Quốc phủ nhận.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hong Kong vào tháng 3 năm nay, ca ngợi “hợp tác quan trọng” giữa tình báo Syria và Trung Quốc chống lại những phần tử hiếu chiến Uighurs. Ông nói các quan hệ với Trung Quốc đang “tăng tiến.”
Syria đang nỗ lực thu hút trở lại đầu tư của Trung Quốc.
Đại sứ Moustapha cho biết sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh “Con đường Tơ lụa” mới của Trung Quốc vào tuần tới nhằm mở rộng sự liên hệ giữa châu Á, châu Phi và châu Âu với hàng tỉ đô la đầu tư về hạ tầng cơ sở. - VOA
|
|
3.
Trung Quốc bắn thử tên lửa mới gần Triều Tiên --- Trung Quốc sắp xây căn cứ phi đạn ở Biển Đông
Theo hãng tin AP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói quân đội nước này đã bắn thử thành công một loại tên lửa mới vào vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Cuộc bắn thử diễn ra giữa lúc Trung Quốc tức giận về việc Mỹ triển khai ở Hàn Quốc một hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi. Bắc Kinh phản đối việc này vì radar của hệ thống có khả năng sục sạo vào sâu trong Trung Quốc để phát hiện các cuộc phóng tên lửa và các hoạt động của máy bay.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng trước nói họ sẽ đáp trả bằng cách tiếp tục thử nghiệm các loại vũ khí mới mô phỏng các điều kiện thực chiến.
Một tuyên bố ngắn trên trang web của bộ hôm thứ Tư cho biết cuộc thử đã diễn ra mới đây ở Vịnh Bột Hải và đạt được kết quả như dự định. Tuyên bố không tiết lộ loại tên lửa hoặc các chi tiết khác.
Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Theo hãng tin AFP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hôm thứ Ba rằng tên lửa được bắn thử là loại có điều hướng.
Thông cáo của bộ được đưa ra vào lúc người Hàn Quốc bầu cựu luật sư nhân quyền thiên tả Moon Jae-In làm tổng thống trong cuộc bầu cử được tổ chức sau một vụ scandal dẫn đến việc phế truất nhà lãnh đạo trước đó của Hàn Quốc.
Cuộc thử cũng diễn ra khi Trung Quốc, Hoa Kỳ và hai miền Triều Tiên mắc kẹt vào các diễn biến ngoại giao phức tạp liên quan đến việc Bình Nhưỡng phóng các tên lửa và có thể thực hiện các vụ thử hạt nhân mới.
Quân đội Hoa Kỳ đã lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc để ngăn chặn Bắc Triều Tiên, nhưng Trung Quốc coi việc triển khai này là mối đe dọa đối với sự cân bằng an ninh khu vực và đối với năng lực tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.
Tuần trước, các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc nói THAAD đã hoạt động, có khả năng đánh chặn tên lửa của Bắc Triều Tiên, khiến Bắc Kinh yêu cầu đình chỉ ngay việc triển khai hệ thống này.
Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối khi bay.
Bắc Kinh đã áp đặt một loạt các biện pháp được xem là để trả đũa kinh tế đối với Hàn Quốc về việc triển khai THAAD, trong đó bao gồm lệnh cấm đi du lịch theo đoàn.
Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc đã chịu áp lực từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đòi Trung Quốc tác động đến Bắc Triều Tiên để nước này kiềm chế tham vọng hạt nhân của họ.
Trong những năm gần đây, với Trung Quốc ngày càng bực tức bởi những chống đối của Bắc Triều Tiên về vấn đề hạt nhân, Trung Quốc cũng rất lo ngại về một cuộc khủng hoảng khu vực.
Vào tháng 2, Bắc Kinh tuyên bố đình chỉ nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên cho đến hết năm, đây là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng đối với Bình Nhưỡng.
Thứ Năm tuần trước, hãng Thông tấn Trung ương của Bắc Triều Tiên (KCNA) đã đưa ra lời lên án gay gắt hiếm hoi đối với Bắc Kinh.
Một bài xã luận của KCNA có đoạn: "Trung Quốc nên cân nhắc về những hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra do việc nước này liều lĩnh phá đi trụ cột của quan hệ Triều-Trung”. - VOA
***
Trung Quốc chuẩn bị xây dựng căn cứ phi đạn trên một đảo chiến lược ở Biển Đông, theo hình ảnh vệ tinh do công ty ImageSat International (ISI) Eros B chụp được ngày 8/5.
Hình ảnh có độ phân giải cao vừa tiết lộ cho thấy những thay đổi gần đây tại Căn cứ Hải quân Yulin của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại mũi của đảo Hải Nam trong vùng tranh chấp Biển Đông. Trong vòng chưa đến hai tháng, quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều dàn phóng phi đạn tại phía tây của căn cứ. Nhà phân tích hình ảnh vệ tinh Amit Gur kết luận đây là những phi đạn chống chiến hạm.
Ông Gur nói những hệ thống tương tự đã xuất hiện trong các kho dữ liệu vệ tinh cách đây 2 năm nhưng đã được di dời trong những tháng gần đây để thích nghi với việc nâng cấp hạ tầng cơ sở tại địa điểm này. Hình ảnh vệ tinh ISI chụp ngày 15/3 cho thấy một vùng bằng phẳng trống rỗng, nhưng tới ngày 8/5, công ty này thu được hình ảnh rõ ràng về hạ tầng cơ sở được tráng nhựa mới và nhiều vị trí phóng phi đạn.
Theo các hình ảnh này, có lẽ đáng chú ý hơn cả là những diễn tiến ở phía đông Yulin. “Giờ đây, chúng tôi thấy xuất hiện việc xây dựng hạ tầng cơ sở mà trước kia không thấy có và giống như họ đang chuẩn bị cho các phi đạn từ bờ biển bắn ra các chiến hạm, giống như ở phía tây Yulin, ông Gil Or, phát ngôn viên của công ty cho biết.
Ông Gur nói thêm rằng việc mở rộng căn cứ Yulin củng cố chiến lược tam giác của Bắc Kinh về những căn cứ tiền phương, để với những căn cứ này, lan tỏa sức mạnh của Trung Quốc vượt xa các nước láng giềng Việt Nam và Philippines. - VOA
|
|
4.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN sắp khai mở
Giới chức Campuchia và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bày tỏ hy vọng Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tổ chức tại Phnom Penh trong tuần này sẽ thu hút 700 đại biểu từ 10 quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Phnom Penh sáng 9/5, ông Justin Wood, người đứng đầu WEF khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết trong số các đại biểu có hơn 90 nhân vật nổi tiếng đại diện 10 nước ASEAN, bao gồm Thủ tướng Hun Sen của Campuchia, Thủ tướng Lào Thongloun Sisolith, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Ngoài ra, hơn 200 tổ chức truyền thông sẽ tường trình về diễn đàn này, ông Wood cho biết thêm.
Ông Sun Chanthol, Bộ trưởng Công chánh và Giao thông đồng thời là Chủ tịch của WEF chuyên trách Ủy ban Tổ chức ASEAN 2017, nói đây là một vinh dự và cơ hội đối với Campuchia được tổ chức WEF lần thứ 26 bàn về ASEAN.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN diễn ra từ 10-12/5 với chủ đề “Thanh niên, Công nghệ và Tăng trưởng: Phát huy các lợi thế của ASEAN về nhân khẩu học và công nghệ số.”
Trước hội nghị, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cùng với chính phủ Campuchia mời sinh viên và công chúng tham dự Diễn đàn Mở rộng hôm 10/5.
Diễn đàn Mở rộng thành lập từ 2003 nhằm thu hút công chúng toàn cầu tham dự và chia sẻ rộng rãi những ý kiến, kinh nghiệm và những câu chuyện về các vấn đề khẩn cấp và tranh cãi, giúp sinh viên và công chúng có cơ hội tương tác trực tiếp với các lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ. - VOA
|
|
5.
Bắc Triều Tiên gửi phái đoàn tới thượng đỉnh Con đường Tơ lụa
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết Bắc Triều Tiên sẽ cử một phái đoàn đến tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới về dự án Con đường Tơ lụa đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Lãnh đạo từ 28 quốc gia sẽ đến tham hội nghị “Một vành đai, một con đường” diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 14 đến 15 tháng 5. Đây là sự kiện nhằm thúc đẩy tham vọng của ông Tập trong việc mở rộng liên kết giữa châu Á, châu Phi và châu Âu với việc đầu tư hàng tỷ đôla cho cơ sở hạ tầng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Theo tôi được biết, phía Bắc Triều Tiên sẽ cử một phái đoàn chính thức đến tham dự các sự kiện liên quan của Diễn đàn hợp tác quốc tế ‘Một vành đai, một con đường’ sắp diễn ra”, nhưng ông Cảnh không cho biết thêm chi tiết.
Bất chấp sự tức giận đối với các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn là hậu thuẫn kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên, ngay cả khi Bắc Kinh đã ký vào các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã cố dỗ dành Bắc Triều Tiên vào những cải cách kinh tế theo hướng xuất khẩu, thận trọng, hơn là các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhưng không mấy hiệu quả. - VOA
|
|
6.
Tân tổng thống Hàn Quốc sẵn sàng thăm Bắc Triều Tiên
Tân tổng thống cấp tiến Hàn Quốc Moon Jae In của đảng Dân Chủ vừa tuyên thệ hôm nay 10/05/2017, trong bài diễn văn nhậm chức đã cho biết sẵn sàng đến Bình Nhưỡng để đối thoại. Thái độ cởi mở với Bắc Triều Tiên cho thấy việc ông Moon lên nắm quyền là một bước ngoặt ngoại giao trong khu vực.
Từ Séoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias cho biết thêm chi tiết :
"Không phải chờ đợi lâu : vừa mới đắc cử, ông Moon Jae In đã tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nếu hoàn cảnh cho phép. Ông cũng nói sẽ bay sang Washington, Bắc Kinh và Tokyo nếu cần.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae In đã nhắc đi nhắc lại là ông muốn tái lập đối thoại với Bình Nhưỡng, cũng như các dự án hợp tác kinh tế chung đã trở thành con số không sau 10 năm phe bảo thủ cầm quyền tại Séoul.
Về điểm này, ông Moon có thể xung đột với Hoa Kỳ, vốn đòi hỏi tăng cường chính sách trừng phạt. Vấn đề gai góc là việc bố trí hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ tại Hàn Quốc cũng có thể gây căng thẳng.
Nhưng dù sao đi nữa Moon Jea In vẫn có thể tìm được một điểm chung với Donald Trump : tổng thống Mỹ mới đây tuyên bố sẽ « hân hạnh » gặp Kim Jong Un « nếu các điều kiện được hội đủ ». Tân tổng thống Hàn Quốc đã trả lời rằng ông hoan nghênh « cách tiếp cận thực dụng này » để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ».
Tổng thống tân cử đã bổ nhiệm Lee Nak Yon, nguyên là nhà báo và cựu dân biểu vào chức vụ thủ tướng. Tân giám đốc cơ quan tình báo là Suh Hoon, người từng đóng vai trò chủ chốt trong việc chuẩn bị hai cuộc họp thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007. Theo hãng tin Yonhap, ông Moon Jae In sẽ có cuộc điện đàm đầu tiên với tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay.
Về đối nội, ông Moon phải đối mặt với nhiều thách thức, mà trước hết là hậu quả của xì-căng-đan tham nhũng đã khiến người tiền nhiệm là nữ tổng thống bảo thủ Park Geun Hye bị truất phế. Vụ này đã đưa ra ánh sáng quan hệ mờ ám giữa chính quyền và các đại tập đoàn đang thống trị nền kinh tế thứ tư châu Á. Trong bài diễn văn hôm nay, ông Moon Jae In có nhắc đến chủ đề này và hứa hẹn một xã hội « bình đẳng về cơ hội ». Ông cũng hứa : « Tôi lên cầm quyền với bàn tay trắng, và tôi cũng sẽ ra đi với đôi bàn tay trắng". - RFI
|
|
7.
Mỹ sẽ đem hỏa tiễn Patriot đến các nước vùng Baltic
Hoa Kỳ sẽ gởi một giàn hỏa tiễn địa-không Patriot đến các nước vùng Baltic để tập trận với NATO trong mùa hè này. AFP hôm nay 10/05/2017 dẫn lời các viên chức quốc phòng Mỹ tại Vilnius cho biết như trên.
Việc triển khai hệ thống phòng không Patriot được tiến hành trong khuôn khổ cuộc tập trận đa quốc gia, nằm trong bối cảnh căng thẳng với Nga.
Phía Matxcơva đã lên kế hoạch tập trận quan trọng vào tháng Chín tới tại Belarus, ở vùng Kaliningrad, nằm giữa Litva và Ba Lan. Các cuộc tập trận này được đặt tên là « Zapad » (Phương Tây), sẽ là dịp để giới thiệu các loại vũ khí mới và hiện đại hóa các phương tiện hiện có tại quân khu miền tây của Nga.
Năm ngoái, Nga đã triển khai tại Kaliningrad các hỏa tiễn Iskander có thể mang đầu đạn nguyên tử, gây lo ngại cho các nước láng giềng là thành viên của NATO.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis hôm nay có mặt tại Litva để gặp gỡ các quân nhân một tiểu đoàn đa quốc gia do Đức lãnh đạo, gồm có các binh sĩ Bỉ và Hà Lan. Trong cuộc họp báo chung với nữ tổng thống Litva Dalia Grybauskaite, ông nói : « Tất cả việc tăng cường lực lượng chiến đấu của Nga trong một khu vực mà họ biết – và chúng ta đều biết – là họ không bị đe dọa (…) đơn giản là làm bất ổn tình hình ».
Tướng Mattis từ chối cho biết Vilnius có yêu cầu triển khai hỏa tiễn Patriot thường trực hay không.
Giàn hỏa tiễn địa-không do tập đoàn Mỹ Raytheon sản xuất mang tính cơ động, nhằm bắn chận các hỏa tiễn đạn đạo, tên lửa hành trình và phi cơ.
Chuyến đi đến Litva của tướng Mattis là chuyến viếng thăm Đông Âu đầu tiên từ khi ông nhận nhiệm vụ tại Lầu Năm Góc. Cuộc hội kiến với tổng thống Grybauskaite vốn không ngần ngại chỉ trích đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, có thể coi là một thông điệp gián tiếp gởi đến điện Kremlin. - RFI
|
|
8.
Hiệp định TPP có thể vận hành dù không có Mỹ?
Khi Donald Trump ký lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định TPP, nhiều người cho rằng văn kiện phải thương thảo gay go giữa 12 nước Thái Bình Dương trong đó có Mỹ, Nhật và Việt Nam... đã bị khai tử. Thế nhưng trong bài viết mang tựa đề « Liệu Hiệp định TPP có thể vẫn được thúc đẩy mà không cần Mỹ hay không ? Can TPP go ahead without America ? » dưới một tiểu tựa « Trở về từ cõi chết – Back from the dead », tuần báo Anh The Economist, số 04/05/2017 đã cho rằng dù không có Mỹ, hiệp định vẫn có lợi cho 11 nước còn lại.
The Economist nhắc lại bối cảnh : Chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức, Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định tự do mâu dịch với 12 thành viên mà người tiền nhiệm Obama muốn để lại như di sản của ông ở châu Á. Khi làm như vậy, ông Trump chỉ thực hiện lời hứa lúc vận động tranh cử...
11 nước còn lại bị chấn động, không chỉ là vì thái độ của tân tổng thống Mỹ, thù ghét vai trò truyền thống của Hoa Kỳ vốn cổ vũ cho một trật tự thương mại mở rộng, dựa trên quy tắc pháp luật, mà nhờ đó vùng Châu Á-Thái Bình Dương đã hưởng lợi nhiều nhất. Các nước còn bị sốc là vì nếu không có Mỹ, tập trung 3/5 GDP của cả khối, thì TPP đúng là, theo từ ngữ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, « không có ý nghĩa gì cả ».
Nói cho cùng thì sau khi phải đổ biết bao công sức và vốn liếng chính trị để đạt được thỏa thuận được ký kết vào cuối năm 2015, mà chỉ có Nhật Bản là đã phê chuẩn, thì lúc tổng thống Trump ký lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP, gần như mọi người đều đồng ý là Hiệp Định đó chỉ đáng được chôn vùi.
Cuộc họp hồi sinh
Nhưng 3 tháng sau, tình hình quả là đã khác hẳn. Tại Toronto, trong tuần qua (hai ngày 02-03/05), 11 quốc gia còn lại trong TPP –Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc, Việt Nam – đã gặp nhau để thảo luận về phương cách thúc đẩy hiệp định đối tác mà không có Mỹ. Vào cuối tháng 5, các quốc này sẽ gặp lại nhau ở Hà Nội để bàn thảo sâu hơn. The Economist tin chắc rằng ở Hà Nội, TPP sẽ được hồi sinh.
Đối với tuần báo Anh, điều này, thoạt nhìn có vẻ kỳ quặc. Nhưng, cho dù ông Trump tự cho là TPP bất lợi cho Mỹ, chính những nước khác trong hiệp định đã phải ‘nhượng bộ’ nhiều nhất trong việc mở cửa thị trường của mình. Họ làm như vậy vì trọng lượng to lớn của thị trường Mỹ. (Bản thân mức thuế mà họ dựng lên cũng không tốt cho những người tiêu dùng của họ, nhưng điều đó chưa bao giờ là mối quan tâm chính trị của các nước đó.)
Một số nước, như Nhật Bản chẳng hạn, còn xem TPP là một dấu ấn thể hiện quyết tâm chiến lược của Mỹ, can dự vào châu Á trước một Trung Quốc ngày càng vươn lên. Cho nên họ hứa hạ thấp hàng rào thuế quan, mở cửa công nghiệp dịch vụ cho đầu tư và cạnh tranh, tăng cường bảo vệ tác quyền và thắt chặt chuẩn mực môi trường. Và như một số người thúc đẩy hiệp định nhận định, đó là thực sự là một thỏa thuận có « chuẩn mực thượng đẳng ».
Dù không có Mỹ, với TPP Việt Nam vẫn được lợi
Deborah Elms thuộc trung tâm Asian Trade Centre, một nhóm tham vấn thương mại tại Singapore, đánh giá là 11 nước còn lại trong hiệp định vẫn có lợi to lớn khi tham gia khối này, cho dù không có Mỹ... Những nước nghèo nhất như Việt Nam cũng được lợi, công ty may mặc, giày dép với nhân công rẻ, sẽ được lợi khi thâm nhập thị trường các thành viên khác giàu hơn.
Bà Elms nêu ví dụ Úc đánh thuế 9,5% trên quần áo tắm. Nếu tính mỗi một người ưa thích biển có ít ra 3 hay 4 bộ áo tắm, thì chỉ riêng Úc thôi đã là một thị trường béo bở đối với các chiếc bikini hay quần bơi khác của Việt Nam.
Một số khía cạnh của việc thực thi một thỏa thuận không có Mỹ có thể còn dễ dàng hơn. Ví dụ như Việt Nam, một nước Cộng Sản, đã bị buộc phải chấp nhận một bản phụ lục với Mỹ về những chuẩn mực lao động cao hơn, kể cả việc cho phép các công đoàn lao động độc lập. Nay Mỹ rút đi, điều không mấy được Việt Nam ưa thích cũng bi bỏ đi theo.
Nhưng đa số quốc gia đã ngần ngại, không muốn bị xem là đi đầu trong việc làm sống lại TPP – chỉ có New Zealand luôn là nhà vô địch kiên trì của tự do mậu dịch. Đối với một số nước, Malaysia, Singapore, Việt Nam, mối quan ngại lớn là câu lạc bộ được hồi sinh này không bị xem là một sáng kiến chống lại Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, ngược lại thì đây là điểm cốt yếu, tuy rằng Tokyo chưa bao giờ công khai thừa nhận. Mối quan ngại lớn đối với Nhật, nước lệ thuộc vào Mỹ trong lãnh vực an ninh, là làm sao để không bị xem là chống lại Trump.
Nhật Bản năng nổ trong việc khôi phục TPP
Chuyến đi đánh golf của ông Abe tại Mar-a-Lago với tổng thống Mỹ vào tháng Hai vừa qua đã rất có lợi. Thông cáo chung hai bên sau đó khẳng định Nhật « tiếp tục thúc đẩy tiến bộ khu vực trên cơ sở những sáng kiến hiện hữu ». Nói cách khác, ông Trump « ban phép lành » cho Nhật thúc đẩy TPP tiếp tục đi tới.
Cuộc họp ở Hà Nội là sáng kiến của Tokyo. Phần lớn thành viên khác, sau khi được trấn an là một TPP hồi sinh sẽ không chống Trung Quốc, mà cũng không chống Trump, đã sẵn sàng đi theo.
Một loạt đàm phán đa phương khác đang được tiến hành để tự do hóa mậu dịch ở Châu Á trong khuôn khổ khối Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực gọi là RCEP, mà một số người, theo The Economist, đã nhầm tưởng là một sáng kiến của Trung Quốc và tỏ ra nghi kỵ.
Thực ra, như đại sứ lưu động Singapore Bilahari Kausikan đã nhấn mạnh, RCEP là sáng kiến của 10 quốc gia Đông Nam Á ASEAN, và dự kiến sẽ hòa nhập vào những thỏa thuận mà ASEAN có với sáu đối tác khác. Trong đó dĩ nhiên là có Trung Quốc, nhưng 4 nước khác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và nước thứ sáu là Ấn Độ, một nước mà ông Kausikan cho là « khó có thể bị xem là con rối của Trung Quốc ».
Mặt khác thì phạm vi của TPP và RCEP có thể gần sát nhau hay « hòa nhập » vào nhau vì có chung 7 thành viên. Tuy nhiên RCEP không thuộc diện có « chuẩn mực thượng đẳng ». TPP sẽ mở cửa tất cả dịch vụ cho tất cả các thành viên, trong lúc khi cuộc thương lượng về RCEP, hiện chỉ đi những bước chậm chạp, từ một cơ sở thấp. Bà Elms từng nêu một ví dụ: các bên trong RCEP đã xem như một bước đột phá lớn khi thành viên ASEAN đồng ý với nhau về việc cho phép nước ngoài cạnh tranh trên thị trường giao hàng ăn bằng xe hai bánh !
Tuy nhiên còn phải làm nhiều việc trước khi TPP vươn lên trở lại. Ê kíp 11 nước còn lại cần phải tìm ra từ ngữ để giải quyết việc thỏa thuận năm 2015 liên quan đến 12 thành viên. Điều này cũng có thể tìm ra.
Nhiều nước còn hy vọng là một chính quyền tương lai ở Washington sẽ nhìn thấy những thiệt hại mà ông Trump gây ra cho uy tín của nước Mỹ khi rút lui khỏi TPP, và sẽ quan tâm trở lại đến thương mại Châu Á.
Trong phần kết luận, tác giả bài viết nhìn thấy hớm hỉnh : ‘ Cho đến lúc này, trong lúc chuẩn bị thúc đẩy lại hiệp định, 11 nước trong TPP có thể tự an ủi là nếu không có sức ép của Mỹ trong các thương lượng lúc ban đầu, thì lúc này sẽ không có thỏa thuận nào để làm sống lại. - RFI
|
|
9.
Facebook công bố chức năng ‘dịch thuật’
Facebook loan báo toán chuyên gia nghiên cứu của công ty vừa khám phá phương thức mới dùng trí thông minh nhân tạo giúp chuyển ngữ các tài liệu trên Facebook nhanh hơn, chính xác hơn.
Như vậy, người sử dụng Facebook có thể xem mọi nội dung trên trang xã hội này được chuyển ngữ ngay lập tức sang ngôn ngữ của họ, không chỉ nội dung bài viết, tin nhắn, mà cả nội dung video nữa.
Facebook đã dịch các tin đăng lên Facebook sang hơn 45 thứ tiếng nhưng ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg , khẳng định ‘còn nhiều việc phải làm nữa.’
Hiện nay, Facebook công bố công khai nghiên cứu và phương pháp của họ để các nhà phát triển và mọi người có thể sử dụng để xây dựng các công cụ chuyển ngữ hay các công cụ ngôn ngữ.
Ngoài công dụng chuyển ngữ, công nghệ này còn có thể được dùng cho các chatbots, chẳng hạn như cho các nhiệm vụ khác liên quan đến ngôn ngữ. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey --- TT Trump gửi tweet: Dân Chủ, Cộng Hòa ‘phải cám ơn việc giải nhiệm giám đốc FBI’
Tổng thống Donald Trump, trong công văn gởi ông Comey hôm thứ Ba 9/5, nói thẳng thừng rằng: “Ông theo đây bị ngưng chức và phải rời khỏi nhiệm sở, với hiệu lực tức khắc.” Tổng thống nói thêm rằng ông Comey “không còn khả năng lãnh đạo hiệu quả Cục Điều tra Liên bang.”
Các giám đốc FBI thường phục vụ nhiệm kỳ 10 năm. Ông Comey, 56 tuổi, được bổ nhiệm làm Giám đốc FBI vào tháng 9 năm 2013 bởi cựu Tổng thống Barack Obama, tức là cách nay chưa đầy 4 năm.
Ông Comey đang nói chuyện với một nhóm nhân viên FBI ở California khi hay tin ông bị cách chức. Truyền thông đưa tin rằng ông thấy trên TV đề cập đến việc cách chức ông, nhưng thoạt đầu ông nghĩ rằng đó là tin tức đùa. Cho đến giờ, ông Comey chưa đưa ra một bình luận công khai nào.
Lý do cách chức ông Comey được nêu rõ trong hai công văn của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Thứ trưởng Rod Rosenstein. Hai lãnh đạo của Bộ Tư pháp cáo buộc ông Comey thao túng luật lệ.
Ông Rosenstein viết trong công văn rằng ông Comey “phạm lỗi nghiêm trọng” trong việc giải quyết kết luận điều tra vụ email của bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, cáo buộc giám đốc FBI lấn quyền của bộ trưởng tư pháp khi ông Comey kết luận không nên truy tố bà cựu bộ trưởng ngoại giao.
Hiện không rõ liệu hành động vào lúc này của ông Trump có phải liên quan đến những chuyện đã xảy ra mấy tháng trước khi ông chiến thắng cuộc bầu cử tháng 11 hay không.
Một đảng viên Cộng hòa của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, nói rằng “với nhiều vấn đề tranh cãi mới đây xoay quanh giám đốc FBI, tôi tin rằng một khởi động mới sẽ phục vụ FBI và đất nước tốt hơn.”
Nhưng một số đảng viên Cộng hòa khác trong Quốc hội cho rằng hành động của tổng thống là một sự vi phạm.
Ông Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Tình báo của Thượng viện, nói rằng ông Trump “rắc rối về vấn đề thời điểm và lý do” sa thải ông Comey. Ông Burr nói vụ cách chức này là “một thiệt hại cho FBI và cho đất nước.”
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, thành viên của Ủy ban Chính phủ và An ninh Nội địa của Thượng viện, nói trong một thông báo rằng “mặc dù tổng thống có thẩm quyền pháp lý để sa thải giám đốc FBI, tôi cảm thấy thất vọng về quyết định của tổng thống sa thải ông James Comey.”
Một thượng nghị sĩ Cộng hòa khác, ông Jeff Flake, viết trên Twitter rằng “ông cố tìm ra một lý do hợp lý để giải thích cho thời điểm sa thải ông Comey suốt mất tiếng đồng hồ qua, nhưng không tìm được.”
Các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư Pháp Thượng viện gọi việc Tổng thống Trump sa thải ông Comey là “một hành động Nixon” – ám chỉ việc Tổng thống Richard Nixon sa thải các giới chức điều tra ông trong vụ Watergate đầu thập niên 1970.
Các thượng nghị sĩ Dân chủ kêu gọi chỉ định một công tố viên đặc biệt để tiếp tục cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về những cáo buộc liên hệ giữa cuộc vận động tranh cử của ông Trump với Nga hồi năm ngoái.
Tại hội trường Thượng viện, ông Dick Durbin, một đảng viên Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp, nói rằng bất cứ một hành động nào nhằm ngăn chặn hay làm lu mờ cuộc điều tra của FBI về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử “sẽ đề ra những vấn đề nghiêm trọng về hiến pháp.”
Thủ lãnh khối thiểu số Dân chủ ở Thượng viện, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho biết ông đã nói với Tổng thống Trump rằng “ông phạm một sai lầm lớn” trong quyết định sa thải ông Comey giữa lúc các cuộc điều tra liên quan đến cuộc vận động tranh cử năm 2016 đang được tiến hành.
Thượng nghị sĩ Schumer nói thêm “tại sao là vào thời điểm này?” “Công chúng có nghi ngờ âm mưu che giấu gì không?” “Chắc chắn là có.”
Vài giờ sau khi ông Comey bị sa thải, đài truyền hình CNN đưa tin rằng đại bồi thẩm đoàn thành phố Alexandria của bang Virginia vừa tống đạt các trát cho phép cuộc điều tra của FBI về Nga thu thập hồ sơ dữ liệu kinh doanh của những người hay doanh nghiệp có liên hệ với ông Michael Flynn, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump đã bị sa thải hồi cuối tháng 2.
Các trát này được xem là hành động đáng kể đầu tiên được biết đến của cuộc điều tra tìm hiểu những mối liên hệ khả nghi giữa cuộc vận động tranh cử của ông Trump với Nga.
Trước đó trong ngày thứ Ba, FBI thông báo với Quốc hội rằng ông Comey đã báo cáo con số cao hơn mức có thực của kết quả tìm được trong cuộc điều tra về vụ email của bà Hillary Clinton trong cuộc điều trần trước quốc hội hồi tuần trước. FBI nói rằng ông Comey đã đưa ra con số không chính xác khi báo cáo với ủy ban điều tra của Quốc hội rằng bà Huma Abedin, trợ lý của bà Clinton, đã gởi “hàng trăm, hàng ngàn” email của bà Clinton trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013 khi bà làm ngoại trưởng cho chồng đã ly thân của bà Abedin là cựu dân biểu thất sủng Anthony Weiner. Các giới chức nói con số thực thấp hơn con số được báo cáo đó xa.
Phó giám đốc Andrew McCabe đảm nhận vị trí Quyền Giám đốc FBI. - VOA
***
Tổng Thống Donald Trump, trong một loạt tweet gửi ra ngày Thứ Tư, tìm cách bênh vực cho quyết định bất ngờ giải nhiệm Giám Đốc FBI của mình, nói rằng cả phía Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều sẽ phải cám ơn ông.
Tổng Thống Trump không đề cập gì tới ảnh hưởng của việc giải nhiệm này với cuộc điều tra về mối quan hệ giữa thành viên ủy ban vận động tranh cử năm 2016 của ông với Nga.
Ông cho hay sẽ đề cử người thay thế “làm việc tốt hơn nhiều, đưa trở lại tinh thần và uy tín của FBI.”
Tuy nhiên, việc bất ngờ giải nhiệm hôm Thứ Ba tạo ra các câu hỏi về tương lai của cuộc điều tra nhắm vào nghi ngờ liên quan giữa ủy ban tranh cử Trump và phía Nga, đồng thời cũng gây những lời bình luận cho rằng có thể đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc điều tra.
Ông Trump chế diễu cuộc điều tra là “chuyện bịa” và bác bỏ mọi quan hệ với Nga.
Phía Dân Chủ nói rằng vụ Tổng Thống Trump giải nhiệm ông James Comey cũng không khác gì việc cố Tổng Thống Richard Nixon giải nhiệm ông Archibald Cox, công tố viên đặc biệt có trách nhiệm điều tra vụ Watergate, dẫn đến việc từ nhiệm phản đối của những người khác và được gọi là “Cuộc Thảm Sát Tối Thứ Bảy—Saturday Night Massacre”, khởi sự một giai đoạn đen tối trong lịch sử chính trị Mỹ.
Phía Dân Chủ nay đòi phải bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt, trong khi một số giới chức cao cấp Cộng Hòa cũng công khai bày tỏ sự không hài lòng về việc giải nhiệm ông Comey, ít ra là về thời điểm.
Thượng Nghị Sĩ Richard Burr (Cộng Hòa, North Carolina), chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, nói rằng ông có sự quan ngại về “thời điểm và lý do giải nhiệm Giám Đốc Comey.”
Đây là vụ giải nhiệm giám đốc FBI thứ nhì trong lịch sử cơ quan này. Tổng Thống Bill Clinton giải nhiệm ông William Sessions năm 1993 khi có các tố cáo về liêm chính của ông này. - nguoiviet
|
|
11.
Sập đường hầm chứa chất thải hạt nhân ở Mỹ
Tại bang Washington, miền tây nước Mỹ, hàng trăm công nhân tại một khu chứa vật liệu hạt nhân hôm thứ Ba đã nhận lệnh phải trú ẩn, sau khi xảy ra vụ sập một đoạn đường hầm có các toa xe chở đầy chất thải phóng xạ.
Các quan chức không phát hiện hiện tượng phóng xạ tại Khu Tồn trữ Hạt nhân Hanford. Không có công nhân nào trong đường hầm khi nó sập xuống. Chưa rõ nguyên nhân của vụ này.
Khu vật liệu hạt nhân Hanford từng được sử dụng để sản xuất plutonium cho quả bom đã kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Lò phản ứng cuối cùng của nó đã đóng cửa hồi năm 1987, nhưng có hàng triệu lít chất thải được chứa trong các thùng tại khu này.
Vụ sập được phát hiện trong một đợt kiểm tra định kỳ. Nó xảy ra trong một cuộc dọn dẹp lớn được thực hiện kể từ những năm 1980, có chi phí lên đến hơn 2 tỉ đôla/năm.
Công tác thu dọn này dự kiến diễn ra cho đến năm 2060 và tiêu tốn hơn 100 tỉ đôla.
Khu Hanford đã xảy ra rò rỉ từ một thùng chứa chất thải hạt nhân lớn hồi năm 2016. Một nhân viên cũ mô tả vụ đó có tính “thảm họa”. - VOA
|
|
12.
Trang web của Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ bị tấn công
Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) hôm thứ Hai cho biết trang web của cơ quan này đã bị tấn công từ đêm Chủ nhật.
Ban đầu, sự cố được cho là do diễn viên hài John Oliver gây ra khi ông yêu cầu khán giả để lại bình luận trên trang web về kế hoạch của FCC là xem xét lại quy tắc trung lập về mạng Internet.
Quy tắc trung lập về mạng được áp dụng vào năm 2015, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải đối xử bình đẳng với mọi giao dịch. Tân Chủ tịch FCC, Ajit Pai, nói ông sẽ xem xét quy tắc này và lập luận rằng chúng đang “kiềm chế đầu tư, đổi mới và tạo công ăn việc làm”.
FCC là cơ quan quản lý về truyền thông giữa các tiểu bang và quốc tế bằng radio, truyền hình, wire, vệ tinh và cáp. FCC cho biết trang web của cơ quan này đã bị tấn công bằng hình thức phối hợp từ chối dịch vụ, chứ không phải tăng lưu lượng truy cập.
Giám đốc thông tin David Bray của FCC cho biết: “Kẻ tấn công không cố để lại bình luận, mà chỉ làm cho việc bình luận hợp lệ trở nên khó khăn hơn và khó truy cập vào FCC hơn”. Ông nói: “Mặc dù hệ thống bình luận vẫn tiếp tục hoạt động và chạy đều, nhưng tấn công từ chối dịch vụ đã chặn các máy chủ khiến chúng không phản hồi lại cho người gửi bình luận”.
Trong chương trình Last Week Tonight, diễn viên Oliver nói: “Tất cả các nhóm Internet cần tụ họp với nhau... các game thủ, những người nổi tiếng trên YouTube, những người mẫu trên Instagram, Tom của MySpace nếu bạn vẫn còn sống, chúng tôi cần tất cả các bạn”.
FCC sẽ bỏ biểu quyết về quy tắc trung lập mạng vào ngày 18 tháng 5. - VOA
|
|
13.
Tòa Bạch Ốc đã được cảnh báo Tướng Flynn có thể bị Moscow điều khiển
Cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates nói rằng bà đã cảnh báo Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Trump rằng cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn có thể bị Moscow hăm dọa và điều khiển.. Bà Yates nói với một ủy ban của Thượng viện rằng bà đã cảnh báo Tòa Bạch Ốc hơn hai tuần lễ trước khi Tổng thống Trump sa thải ông Flynn vì đã nói dối về các cuộc tiếp xúc của ông với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump đã sa thải ông Michael Flynn hồi giữa tháng 2 sau khi truyền thông báo chí loan tin rằng cố vấn an ninh quốc gia đã nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence. Bà Sally Yates nói với các thượng nghị sĩ rằng bà đã cảnh báo cố vấn pháp lý của Tòa Bạch Ốc về thông tin này hồi cuối tháng 1, sau khi Phó Tổng thống Pence tuyên bố sai sự thật rằng ông Flynn không tiếp xúc với đại sứ Nga.
Bà Yates nói: "Phó tổng thống và các giới chức khác có quyền được biết thông tin mà họ đưa ra cho công chúng Mỹ là không đúng sự thật… Nga cũng biết về những gì Tướng Flynn làm, và Nga cũng biết Tướng Flynn đã cố vấn sai cho phó tổng thống... Chuyện đó dẫn đến tình huống có thể bại lộ thông tin, một tình huống mà người Nga có thể dùng để hăm dọa để điều khiển cố vấn an ninh quốc gia."
Các giới chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc trước đó nói cảnh báo của bà Yates là chỉ là "khuyến cáo mơ hồ," không đặt ra một lo ngại ngay lập tức.
Và giờ trước cuộc điều trần của bà Yates, truyền thông báo chí lại loan tin rằng cựu Tổng thống Barack Obama trước đó đã cảnh báo ông Trump về mức độ trung thực của ông Flynn, trong một cuộc họp chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử tháng 11. Tòa Bạch Ốc đã xác nhận điều đó.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Sean Spicer nói:
“Tổng thống Obama lên tiếng rằng ông thực sự không phải là người ủng hộ Tướng Flynn. Nếu Tổng thống Obama thực sự lo ngại về Tướng Flynn thì tại sao ông không hoãn việc thông qua lý lịch an ninh của ông Flynn lại. Lý lịch an ninh của ông Flynn đã được thông qua một tháng trước đó."
Nhiều ủy ban của Thượng viện đang điều tra về một vấn đề lớn hơn.
Thượng nghị sĩ Lindsy Graham của Ðảng Cộng hòa hỏi bà Yates:
“Bà có bất cứ bằng chứng nào gợi ý bất cứ ai trong nhóm vận động tranh cử của ông Trump năm 2016 câu kết với chính phủ Nga hay các cơ quan mật vụ Nga không?"
Bà Yates nói:
“Để trả lời câu hỏi đòi hỏi tôi phải nói ra những thông tin mật, và do đó tôi không thể trả lời câu hỏi đó.”
Nhưng theo cựu lãnh đạo ngành tính báo, ông James Clapper, thì rõ ràng là Nga chủ ý phá cuộc bầu cử của Mỹ:
“Nếu có bất cứ một hồi chuông nào cảnh báo rằng cần phải đề cao cảnh giác và phải có hành động chống lại mối đe dọa đối với hệ thống chính trị dân chủ của chúng ta, thì đó chính là diễn biến này."
Ông Clapper nói rằng thành công của Nga hồi năm ngoái sẽ khiến Nga tiếp tục đẩy mạnh việc can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ và những nơi khác trên thế giới. - VOA
|
|
14.
Không lực Mỹ có nữ tân bộ trưởng
Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Hai chuẩn thuận cho bà Heather Wilson, một cựu dân biểu của đảng Cộng hòa được Tổng thống Donald Trump đề cử, làm Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ.
Kết quả bỏ phiếu với tỷ lệ 76-22 ủng hộ bà Wilson trở thành người lãnh đạo lực lượng không quân. 22 phiếu chống đều là của Đảng Dân chủ.
Tại phiên điều trần hồi tháng 3, bà Wilson đã ca ngợi chiến đấu cơ tàng hình F-35 của tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin, một nhận xét cho thấy bà sẽ trở thành người bênh vực cho hệ thống vũ khí đắt tiền nhất này của Ngũ Giác Đài.
Tốt nghiệp Học viện Không quân danh tiếng của Mỹ và là cựu học giả Rhodes, bà Wilson, 56 tuổi, là hiệu trưởng của Trường Kỹ thuật và Mỏ của bang South Dakota từ năm 2013. Bà trở thành dân biểu của Hạ viện từ năm 1998 đến năm 2009. Ngoài ra, bà còn phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George H.W. Bush. - VOA
|
|
15.
Đảng viên cộng sản sẽ có thể làm công chức California?
Là đảng viên Cộng sản sẽ có thể không còn là lý do đuổi việc công chức tiểu bang California, theo một dự luật vừa được Hạ Viện tiểu bang California thông qua.
Dự luật AB-22 sẽ còn gửi lên Thượng Viện California chờ thảo luận và biểu quyết.
Nhiều người Mỹ gốc Việt tại tiểu bang đang phản đối việc này.
Luật ở tiểu bang California được đưa ra trong bối cảnh hồi thập niên 1940 có lo ngại phe cộng sản xâm nhập và lật đổ chính phủ Mỹ.
Nay, theo sửa đổi được hạ viện bang thông qua, ám chỉ 'cộng sản' được bỏ đi. Tuy vậy công chức vẫn có thể bị sa thải nếu là thành viên của những tổ chức muốn lật đổ chính phủ Mỹ bằng bạo lực.
Dân Biểu Rob Bonta (đảng Dân Chủ) đưa ra dự luật này, nói rằng luật cũ đã lỗi thời.
Nhưng dân biểu Cộng hòa Travis Allen nói: "Cộng sản đại diện cho những gì mà Hoa Kỳ chống lại."
Thượng nghị sĩ của bang Janet Nguyễn (đảng Cộng Hòa), đại diện Ðịa Hạt 34, bày tỏ sự chống đối dự luật này.
Bà nói: "Dự Luật AB-22 là một sự xúc phạm đáng kinh ngạc đối với hơn 500,000 người Mỹ gốc Việt gọi California là quê hương thứ hai của họ và đối với các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã chiến đấu và tử trận chống lại chế độ Cộng sản tại Việt Nam, một chế độ đã giết hàng triệu người Việt Nam, như gia đình tôi."
Ông Phát Bùi, phó thị trưởng Garden Grove, kiêm chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California, nói: "Tôi cực lực chống đối dự luật này. Ðây là sự mở đầu cho Cộng sản sang đây, thâm nhập vào guồng máy hành chánh tiểu bang."
Dự luật này nay sẽ do Thượng viện bang California xem xét tiếp. - BBC
|
|
16.
Apple trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có trị giá $800 tỷ
Apple Inc. trở thành công ty đầu tiên trên thế giới vượt qua mức trị giá $800 tỷ sau khi giá cổ phiếu tăng hồi đầu tuần này.
Cổ phiếu của Apple Inc., được coi là công ty giá trị nhất thế giới, tăng trên thị trường chứng khoán Nasdaq vào giữa ngày Thứ Hai, lên tới mức $153.70 một cổ phiếu.
Nếu nhân số tiền này với 5.21 tỉ cổ phiếu lưu hành, trị giá của công ty Apple vượt hơn $800 tỷ, dù chỉ trong thời gian ngắn, theo bản tin của hãng thông tấn UPI.
Vào cuối ngày, giá cổ phiếu Apple ở mức $153.01, nghĩa là trị giá $797.77 tỷ.
Theo UPI, mức gia tăng 2.7% của Apple xảy ra hôm Thứ Hai sau khi có nhận định lạc quan của nhà phân tích Brian White thuộc công ty đầu tư Drexel Hamilton, vốn cho rằng giá cổ phiếu Apple có thể lên tới khoảng từ $185 đến $202.
Nếu lên được đến mức $202, giá trị của công ty này sẽ vượt qua mức $1,000 tỷ.
Ông White cho rằng giá trị cổ phiếu của Apple không vượt lên cao được trong mấy năm qua vì các nhà đầu tư lo ngại rằng công ty sẽ vấp phải các lỗi lầm trong thị trường điện tử như các công ty khác.
Nhưng ông White nói rằng công ty Apple “chứng tỏ sự bền bỉ của mình qua việc phát triển các máy móc, nhu liệu, và dịch vụ đặc thù, có khả năng phối hợp chặt chẽ với nhau,” cũng theo UPI.
Alphabet, công ty mẹ của Google Inc., có trị giá $653 tỷ, đứng hàng thứ nhì. Microsoft Inc. đứng hàng thứ ba với $532 tỷ. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
17.
Hội nghị Trung ương 5 bế mạc trong ‘bế tắc’ --- Ông Nguyễn Thiện Nhân trước ‘nhiệm vụ to lớn’
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 đã bế mạc vào chiều ngày 10/5, nhưng nhiều vấn đề lớn vẫn còn “bế tắc.”
Báo Tuổi trẻ đưa tin “sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.”
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã “thống nhất cao” thông qua các nghị quyết, bao gồm việc “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.”
Ông Quang Hữu Minh, một nhà báo độc lập ở Sài gòn, cho rằng trong giới lãnh đạo Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ về lý luận khi đưa ra các nghị quyết này. Và ông Minh nhấn mạng rằng nếu “nếu còn vấn đề về lý luận thì lý luận sẽ không ổn.”
“Nghị quyết mới nhưng cái bình cũ thì không giải quyết được gì cả. Chúng ta hãy nhớ khi nhậm chức thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng Việt Nam chỉ có kinh tế thị trường, chứ ông ấy không hề nhắc gì đến khái niệm theo định hướng XHCN. Nhưng mà nghị quyết mới vẫn là tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường theo đi định hướng XHCN. Thì rõ ràng là ngay trong nhận thức của những lãnh đạo cấp cao của Đảng đã có vấn đề về việc chọn mô hình phát triển kinh tế.”
Việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, theo ông Minh, Việt Nam đã “kêu gào” trong ba năm qua nhưng cũng không thực hiện được vì lý do như sau:
“Vì cơ bản, nếu không còn lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, không còn hệ thống tập đoàn doanh nghiệp nhà nước thì bản sắc của chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Việt Nam cũng sẽ nhạt nhòa đi, và nhiều người không muốn điều đó. Do đó, tôi không kỳ vọng nhiều vào Hội nghị 5 này.”
Nhà báo Hữu Minh kết luận rằng lãnh đạo Hà Nội vẫn còn“lúng túng” về vấn đề đinh hướng mô hình kinh tế:
“Tôi nghĩ rằng sau Hội nghị Trung ương 5, mọi thứ vẫn sẽ còn lúng túng về đường lối, về kinh tế, chứ không chỉ riêng vấn đề chính trị.”
Liên quan đến vấn đề nhân sự, nhà báo Hữu Minh nói rằng việc chọn ông Nguyễn Thiện Nhân làm tân bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/5 thay cho ông Đinh La Thăng cho thấy sự miễn cưỡng và có phần bế tắc của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dù ông Nhân nhận được 100% phiếu tán thành:
“Tôi nghĩ rằng việc chọn ông Nguyễn Thiện Nhân là một sự lựa chọn hơi miễn cưỡng. Cũng có người không muốn có sự xáo động về nhân sự ở kỳ này, nhưng cuối cùng buộc lòng phải như thế. Thành ra việc lựa chọn ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy cũng có phần bế tắc vì rõ ràng là ông Nguyễn Thiện Nhân ít phù hợp hơn ông Đinh La Thăng. Ông Nguyễn Thiện Nhân thì đỡ bảo thủ hơn những người khác một chút. Tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào sự đổi mới (của ông Nhân). Nhưng tôi cũng thấy vui vì ít ra (ổng) đỡ bảo thủ hơn.”
Trước đó, vào ngày 7/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và đồng ý cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết trên 90%.
Rõ ràng việc Hội nghị Trung ương 5 thu xếp cho ông Thăng tự rút lui chưa mở ra hướng chống tham nhũng hiệu quả, so với hàng ngàn tỉ đồng mà ông Thăng đã làm thất thoát trước khi làm bí thư thành phố lớn nhất nước.
Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook rằng: “Cuối cùng thì trận chiến "đả hổ diệt ruồi" phiên bản Việt Nam cũng đã kết thúc tốt đẹp như một vở kịch có hậu.”
Ông Chênh nhận định rằng chủ trương "diệt chuột nhưng không để vỡ bình" của ông Trọng “đã bộc lộ rõ ra qua chuyện dàn xếp cho Đinh La Thăng chức phó ban kinh tế ngay sau khi bị lấy lại hai chức được cho trước đây để y vui vẻ nhận tội, để chuyện chống tham nhũng chỉ dừng ở ruồi mà không dẫn lên đến hổ, để chuôt bị diệt mà không ảnh hưởng đến bình.”
Nhà báo Hữu Minh cũng có cùng nhận định với ông Chênh:
“Tôi không kỳ vọng lắm vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng. Ngoài việc ông Thăng mất ghế bí thư thành ủy và ra khỏi Bộ Chính trị ra thì cũng không có một hướng xử lý nào để thu hồi về một phần tài sản tham nhũng về cho ngân sách quốc gia. Việc kỷ luật ông Thăng chưa giải quyết vấn đề này. Thứ hai, hệ thống pháp luật của Việt Nam có vấn đề, không thượng tôn pháp trị, chỉ xử lý sai phạm theo hướng vụ nào ồn ào mới làm, vấn đề đảng nhỏ trong đảng to…Những vấn đề đó đều núp dưới vỏ bọc chống tham nhũng.”
Ông Chênh kết luận trên Facebook về Hội nghị Trung ương 5: “Tóm lại vở kịch đả hổ diệt ruồi theo kiểu Tập Cận Bình, phiên bản Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc win-win (các bên đều thắng). Chỉ có nhân dân mãi làm khán giả và bị thất bại thảm hại.” - VOA
***
Đúng như các thông tin rò rỉ, ông Nguyễn Thiện Nhân hôm 10/5 chính thức được Bộ Chính trị cử thay thế ông Đinh La Thăng, đảm nhiệm vị trí bí thư thành ủy Sài Gòn, trong sự kỳ vọng của nhiều người.
Nhận định về vị trí mới của ông Nhân, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói rằng quan chức từng được đào tạo ở Đức và Mỹ này “đã có một thời gian dài hoạt động ở TP HCM và có những người cộng sự ở đấy”.
Ông Doanh cho rằng “đây là một cơ hội để ông Nguyễn Thiện Nhân có thể phát huy tốt kiến thức, kinh nghiệm lãnh đạo của mình”.
Về các thách thức đặt ra đối với tân bí thư thành ủy Sài Gòn, kinh tế gia này nói tiếp: “TP HCM đứng trước một nhiệm vụ hết sức là to lớn, bởi vì TP HCM cần phải hiện đại hóa và cần phải thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề, từ úng lụt, kẹt xe, cho đến việc tạo công ăn việc làm và các tham vọng về Hòn Ngọc Viễn Đông và cạnh tranh được với các trung tâm kinh tế lớn của châu Á – Thái Bình Dương. Tôi nghĩ đó là điều người ta hy vọng ông Nguyễn Thiện nhân có thể làm được”.
Theo nhận định của kinh tế gia từng cố vấn cho thủ tướng Việt Nam, ông Thăng “đã thể hiện sự gần dân, đi rất sâu sát”, và đấy cũng là “một tiền lệ tốt” mà ông Nguyễn Thiện Nhân “sẽ kế tục và phát huy”.
Trả lời VOA Việt Ngữ trước khi quyết định chính thức được công bố, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về chính trường Việt Nam, nhận xét: “Ông Nhân giờ sẽ được tạo cơ hội để thể hiện nhằm được cân nhắc các chức vụ cao hơn nếu ông thành công ở miền nam”.
Một chuyên gia kinh tế khác từ trong nước, ông Võ Trí Thành, nói với VOA Việt Ngữ về điều ông mong chờ từ tân lãnh đạo đảng bộ Sài Gòn: “Cái mà tôi luôn luôn kỳ vọng ở TP HCM là thành phố đi đầu về phát triển và cải cách ở Việt Nam và biểu tượng đó rất là rõ vào những năm 90. Đấy là điều tôi kỳ vọng nhất, dù ai làm lãnh đạo của TP HCM”.
Báo chí trong nước dẫn lời ông Nhân nói sau khi được giao “trọng trách” rằng “hôm nay là một ngày rất đặc biệt đối với bản thân tôi vì được trở về thành phố lần thứ hai”.
“Tôi rất suy nghĩ và có lo lắng. Thành phố rất lớn, phát triển mạnh mẽ. Mình phải bắt đầu từ đâu? Tiền chắc không có thêm. Tôi nghĩ có lẽ bắt đầu từ những giá trị truyền thống của thành phố mà đã đúc kết qua nhiều năm. 300 năm lịch sử, mở mang phía Nam của đất nước, quy tụ những con người từ mọi miền đất nước. Đoàn kết, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, sống có nghĩa tình là những giá trị làm cho thành phố ngày càng phát triển", tân bí thư nói tiếp trong một đoạn video đăng trên mạng. - VOA
|
|
18.
Việt Nam vay Trung Quốc 300 triệu đô la làm đường cao tốc
UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ tham mưu vay 300 triệu Mỹ kim từ Trung Quốc để làm đường cao tốc từ Đồng Đăng, Lạng Sơn đến cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng.
Tin tức trong nước ngày 10/5 cho biết Bộ giao thông Vận tải đã phản hồi rằng bộ này không phải là đối tượng được vay lại, nên đề xuất Thủ tướng để UBND tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn đảm nhiệm việc vay.
Ngoài ra bộ này cũng đề nghị rằng việc để 2 doanh nghiệp là Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long vay lại khoản tiền này là không khả thi vì cả hai doanh nghiệp đều không đủ khả năng.
Tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng đến cửa khẩu Trà Lĩnh ước tính dài khoảng 144 km với kinh phí đầu tư khoảng 2 tỷ 16 o triệu đồng. Theo UBND tỉnh Cao Bằng hồi đầu tháng giêng năm nay Thủ tướng đã duyệt dự án này và dự tính triển khai trong giai đoạn 2016-2020 với sự hỗ trợ từ khoản tín dụng ưu đãi 300 triệu USD của Trung Quốc.
Tuyến đường này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cho là có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh thế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho địa phương. - RFA
|
|
19.
Formosa được phép thử nghiệm lò cao số 1
Hội đồng giám sát liên ngành của Việt Nam hôm 10 tháng 5 công bố quyết định cho phép nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm lò cao số 1, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ trong thời hạn 6 tháng.
Báo chí trong nước loan tin đây là quyết định được đưa ra sau khi cơ quan chức năng Việt Nam xem xét và đánh giá quá trình khắc phục sự cố môi trường của nhà máy gang thép, cho là Formosa đã kiểm soát được tình hình.
Hội đồng giám sát liên ngành gồm 11 bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và một số nhà khoa học trong nước.
Ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường , cho biết việc cho Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1 sẽ phát sinh thêm 300 đến 500 mét khối nước thải sinh hóa từ lò luyện cốc hoạt động ngày và đêm. Số phát sinh hiện nay là 1900 mét khối nước thải.
Về mặt khí thải khi cho vận hành lò cao số 1 là sẽ phát sinh một số loại khí như NOx, CO, Sox. Chất thải rắn thì có loại thông thường, chất thải sinh hạt và cả bùn thải nguy hại.
Nhà máy gang thép Formosa từng xả thải gây ô nhiễm môi trường biển khiến ngư dân miền Trung điêu đứng từ tháng Tư năm ngoái. - RFA
|
|
20.
Chủ tịch Việt Nam trả lời phỏng vấn báo Trung Quốc
Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục phát triển các biện pháp mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các lĩnh vực hợp tác.
Đó là nội dung được Thông tấn xã Việt Nam tóm lược về cuộc trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với báo chí Trung Quốc hôm thứ Tư, 10 tháng 5.
Cuộc phỏng vấn diễn ra ngay trước chuyến đi của ông Trần Đại Quang sang thăm Trung Quốc và tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế ‘Một Vành đai- Mộtcon đường’.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh thêm giữa hai nước đã có nền tảng hợp tác tốt đẹp và cả những điểm tương đồng rất cơ bản, chẳng hạn cả hai đều kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, có cùng lợi ích gìn giữ môi trường ổn định và phát triển đất nước.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong chuyến thăm này, chủ tịch nước sẽ cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cao cấp khác trao đổi về phương hướng, biện pháp thúc đẩy các vấn đề hai bên đang cùng quan tâm.
Riêng về diễn đàn ‘Một Vành đai- Một Con đường’, chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng đây là cơ hội tốt để các nước cùng trao đổi tăng cường hội nhập quốc tế. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment