Tin Thế Giới
1.
Khắp nơi tuần hành vào ngày Quốc tế Lao động 1/5 --- Trung Quốc: giới công đoàn không diễu hành nhân Ngày Quốc Tế Lao Động --- Tại Mỹ, Ngày Quốc Tế Lao Động 01/5 trở thành "ngày vì dân nhập cư"
Thứ Hai 1/5 là ngày mà người lao động và các nhà hoạt động tuần hành và tề tựu tại các trung tâm đô thị lớn để tôn vinh người lao động trên toàn cầu.
Ngày lễ này còn được gọi là Ngày Quốc tế Lao động hay Ngày Lao Động.
Cảnh sát ở thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng chục người biểu tình, những người đang cố chống lại lệnh cấm tổ chức sự kiện Ngày Quốc tế Lao động tại quảng trường Taksim mang tính biểu tượng của thành phố này. Đây là năm thứ ba liên tiếp, quảng trường này đã bị chặn. Tuy nhiên, các nhóm nhỏ đại diện cho nghiệp đoàn đã được phép đặt vòng hoa tại một di tích nơi có 34 người thiệt mạng trong ngày Quốc tế Lao động vào năm 1977.
Các công đoàn Hy Lạp kêu gọi đình công trên toàn quốc 24 giờ vào ngày lễ 1/5 khi chính phủ nước này dự định tăng thêm các biện pháp kiệm ước do các tổ chức cho vay để cứu nguy kinh tế bắt buộc.
Các công nhân và các thành viên công đoàn ở Philippines trong ngày 1/5 đã tuần hành trên các đường phố ở thủ đô Manila. Các nhóm vận động nhân quyền và công đoàn cũng đã lên kế hoạch tuần hành khắp Manila.
Hôm thứ Hai, các công nhân Indonesia đã xuống đường ở thủ đô Jakarta. Hàng ngàn công nhân dự kiến sẽ tham dự cuộc biểu tình vào cuối ngày.
Các đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp - nhà lãnh đạo phe trung dung Emanuel Macron và lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen - sẽ tổ chức các cuộc mít- tinh vào ngày thứ Hai. Cũng sẽ có những cuộc biểu tình phản đối cả hai ứng cử viên này.
Tại Hoa Kỳ, tiêu điểm của ngày Lễ Lao động đã chuyển từ người lao động sang người nhập cư. Hàng chục ngàn người từ thành phố New York đến thành phố Los Angeles dự kiến sẽ kỷ niệm này lễ này để phản đối việc chính sách trục xuất người di dân của Tổng thống Donald Trump. Các tổ chức đã kêu gọi người nhập cư đình công ở một số thành phố để cho người Mỹ thấy hậu quả một ngày mà không có người di dân sẽ như thế nào.
Cuba kỷ niệm ngày 1/5 lần đầu tiên mà không có Chủ tịch Fidel Castro, người đã qua đời vào tháng 11 năm ngoái. Ngày lễ 1/5 năm nay là ngày Lễ Lao động cuối Cuba có Chủ tịch Raul Casto, người đã hứa sẽ từ chức vào tháng 2 năm tới.
Hàng trăm ngàn người thường đánh dấu ngày 1/5 ở Quảng trường Cách mạng Havana với cờ Cuba và chân dung của Fidel Castro. - VOA
***
Trên lịch phổ thông Trung Quốc, ngày mồng một tháng Năm được ghi là ngày « bắt đầu mùa hè », không có diễu hành do đảng Cộng Sản cầm quyền tổ chức, không có các mít tinh. Đây chỉ là một ngày nghỉ đối với giới trung lưu mới tại Trung Quốc : Hàng ngàn người tranh thủ nghỉ cuối tuần, « bắc cầu » sang thứ Hai. Không có chuyện biểu tình, diễu hành, biểu thị đấu tranh giai cấp nữa. Những ai đấu tranh bảo vệ quyền của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, cản trở.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Smidth tường trình :
"Tất cả những người Trung Quốc nào dám lên tiếng đòi cải thiện điều kiện làm việc đều có thể gặp nhiều rủi ro, như trường hợp Tằng Phi Dương (Zeng Feiyang), Thang Hoàng Hưng (Tang Huanxing) và Chu Tiểu Mai (Zhu Xiamei). Cả ba người này đã đấu tranh ủng hộ những người lao động từ nông thôn lên thành thị. Họ bị kết án tù với cáo buộc là đã tổ chức đình công tại một nhà máy sản xuất giầy dép.
Lo sợ sự xuất hiện một phong trào công nhân, chính quyền Bắc Kinh cấm mọi công đoàn lao động độc lập. Ngay cả khi lương của 220 triệu công nhân đến từ các vùng nông thôn đã tăng 6,6% trong năm ngoái, thì thu nhập của họ vẫn không vượt qua ngưỡng 435 euro mỗi tháng.
Do động lực kinh tế suy giảm và chi phí sản xuất gia tăng, giới chủ Trung Quốc chịu sức ép và những người lao động bị đe dọa sa thải. Theo tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin, hàng triệu lao động đã bị mất việc làm trong ngành xây dựng và chế biến. Các doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ có biện pháp tương tự : trước nguy cơ dư thừa nhân lực, Bắc Kinh đã thông báo hủy bỏ 1,8 triệu việc làm trong các ngành khai thác mỏ và luyện thép.
Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc vẫn chỉ dao động xung quanh 4%, đó là vì những người lao động từ nông thôn lên thành thị không được tính trong số liệu thống kê chính thức." - RFI
***
Trong ngày hôm nay, 01/05, các cuộc biểu tình được tổ chức ở nhiều thành phố Mỹ. Một số cửa hàng đóng cửa để chứng minh rằng người nhập cư không giấy tờ là một nguồn nhân lực cần thiết cho đất nước, trong lúc ngày càng có nhiều người trong tình cảnh này, tuy không phạm tội gì, nhưng vẫn bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio gửi về bài tường trình :
"Theo các số liệu của cơ quan nhập cư Mỹ, trong tháng Hai vừa qua, đã có 680 người bị trục xuất, tăng 30% so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Một số nhà hoạt động bảo vệ người nhập cư, trước đây đã ví Barack Obama là « thủ lĩnh trục xuất », thế nhưng giờ đây, họ đã hoảng sợ với chính sách của Donald Trump. Bởi vì trong tháng Hai, một nửa những người không có giấy tờ định cư đã bị trục xuất cho dù họ không phạm tội ác gì hoặc chỉ là vi phạm luật giao thông…Từ trước đến giờ, đó không phải là lý do để trục xuất. Thế nhưng, John Kelly, bộ trưởng An Ninh Quốc Nội vẫn bảo vệ quan điểm này.
Ông nói : Cảnh sát không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những người vi phạm pháp luật. Ban đầu, chúng tôi chú ý tới những người nhập cư bất hợp pháp, rồi đến những người vi phạm pháp luật. Nhưng đối với những người tình cờ bị bắt giữ, chúng tôi không có lựa chọn nào khác là áp dụng các quy định của pháp luật.
Những người nhập cư không giấy tờ hợp lệ phải tránh mọi tiếp xúc với cảnh sát. Bởi vì, việc kiểm tra giấy tờ tùy thân theo như thông lệ cũng có thể dẫn đến việc trục xuất. Các doanh nghiệp không để cho những lao động nhập cư bất hợp pháp lái xe giao hàng nữa và điều này đã tác động đến các hoạt động dịch vụ.
Chính vì thế mà hôm nay, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp đã đóng cửa để tỏ tình đoàn kết với những người nhập cư không giấy tờ và những thành phố bị coi là thánh địa của người nhập cư hiện đang chịu sức ép của chính quyền Donald Trump." - RFI
|
|
2.
Trump nói Kim Jong-un 'cứng cỏi khôn ngoan' --- TT Trump cấp tập hội kiến đồng minh về Bắc Hàn --- Hàn Quốc: Mỹ ‘gánh’ chi phí phòng thủ tên lửa --- TT Trump cương với Hàn Quốc, nhưng nhu với Trung Quốc --- Giám đốc CIA tới Hàn Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả nhà lãnh đạo trẻ của Bắc Hàn Kim Jong-un như một tay "khá cứng cỏi khôn ngoan."
Giữa những căng thẳng đang leo thang vì chương trình nguyên tử của Bắc Hàn, ông Trump nói ông "không biết" liệu ông Kim có bình thường hay không.
Vị lãnh đạo Bắc Hàn đã hành quyết chú của mình hai năm trước, sau khi Kim Jong-un nhậm chức, và được nghi là đã ra lệnh ám sát người anh cùng cha khác mẹ gần đây.
Tổng thống Trump được hỏi ông nghĩ gì về nhà lãnh đạo Bắc Hàn, trả lời:
"Nhiều người nói rằng: 'Anh ta có bình thường không vậy?' Tôi thật sự không biết… nhưng anh ta là một gã trẻ, tầm 26, 27 tuổi… khi cha anh ta qua đời. Anh ta cũng đang phải đối phó với những kẻ rất ghê gớm, nhất là những tay tướng lĩnh và những kẻ khác."
"Ở một độ tuổi trẻ như vậy, anh ta đã có thể thâu tóm quyền lực. Rất nhiều người, tôi chắc chắn, đã cố gắng chiếm đoạt quyền lực đó, cho dù đó là chú anh ta hay ai khác. Nhưng anh ta vẫn làm được. Vì vậy rất rõ ràng, hắn là một kẻ cứng cỏi khôn ngoan."
Buổi phỏng vấn được phát sóng trên chương trình Face the Nation sau khi Bắc Hàn có cuộc thử tên lửa đạn đạo thất bại lần thứ hai trong hai tuần. Tên lửa nổ tung vài phút sau khi rời bệ phóng hôm 29/4. - BBC
***
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/4 điện đàm với lãnh đạo Singapore và Thái Lan về mối đe dọa tàn phá hạt nhân của Bắc Hàn đối với khu vực châu Á.
Tin này được chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus tiết lộ trên chương trình “This Week” của kênh truyền hình ABC, theo Reuters.
“Chúng tôi cần sự hợp tác ở một mức độ nào đó với càng nhiều đối tác trong khu vực càng tốt để dàn xếp tốt đẹp mọi chuyện”, ông Priebus nói.
Theo Reuters, trong cuộc trao đổi riêng rẽ, Tổng thống Donald Trump đã mời cả Thủ tướng Singapore và Thái Lan tới thăm Nhà Trắng.
Quan chức Nhà Trắng này nói thêm rằng Tổng thống Trump đã điện đàm với người đồng nhiệm Philippines hôm 29/4, và rằng việc trao đổi với các lãnh đạo trong khu vực nhằm mưu tìm sự hậu thuẫn về một kế hoạch hành động nếu tình hình ở Bắc Hàn xấu đi.
Ông Priebus nói thêm rằng ông Trump thường xuyên liên lạc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cũng như trở nên “rất gần gũi” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chánh văn phòng Nhà Trắng nói rằng hiện ở khu vực không có gì lớn hơn mối đe dọa từ Bắc Hàn.
Ông nói tiếp rằng các cuộc thảo luận giữa ông Trump và các đối tác được tiến hành vì “nguy cơ tàn phá hạt nhân trên diện rộng ở châu Á”, và rốt cuộc ở Mỹ. - VOA
***
Hàn Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã tái khẳng định sẽ “gánh” khoản chi phí triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở quốc gia Đông Bắc Á này.
Thông báo được đưa ra ít ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng Seoul sẽ phải trả cho hệ thống trị giá 1 tỷ đôla để phòng thủ trước Bắc Hàn.
Reuters dẫn lời văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói rằng, trong cuộc điện đàm hôm 30/4, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, H.R. McMaster, đã trấn an người đồng nhiệm Hàn Quốc Kim Kwan-jin, rằng liên minh giữa Mỹ với Hàn Quốc là ưu tiên hàng đầu của Washington ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cuộc điện đàm này được tiến hành một ngày sau khi Bình Nhưỡng lại phóng thử tên lửa đạn đạo nhưng thất bại.
Việc triển khai THAAD đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, cũng như của người dân địa phương ở Seonjgu ở miền nam vì họ cho rằng hệ thống này sẽ biến họ trở thành mục tiêu của các tên lửa của Bắc Hàn.
Khoảng 300 người dân đã tuần hành hôm 30/4. Tin cho hay, 800 cảnh sát đã có mặt. Hai người bị thương trong vụ xô xát giữa đôi bên.
Cả Hàn Quốc và Mỹ đều tuyên bố rằng mục đích duy nhất của THAAD là để bảo vệ trước tên lửa Bắc Hàn. - VOA
***
Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây chỉ trích Hàn Quốc về vấn đề THAAD và thương mại có thể dẫn đến rạn nứt trong liên minh Seoul-Washington, đặc biệt là như xu hướng hiện nay, nếu ứng cử viên cấp tiến Lee Jae-in giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tuần tới.
Hôm Chủ Nhật, ông H. R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, dường như đã làm nhẹ đi yêu cầu mới đây Tổng thống Trump là Hàn Quốc phải trả 1 tỷ đô la Mỹ cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) đang được triển khai ở phía đông nam bán đảo Triều Tiên .
Chia sẻ chi phí quốc phòng
Vào Chủ nhật, ông McMaster trao đổi với ông Kim Kwan-jin, Trưởng Văn phòng An ninh Quốc gia tại Hàn Quốc, về sự phản đối mạnh của chính phủ Seoul đối với thỏa thuận về THAAD năm ngoái, theo đó Hoa Kỳ sẽ triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD và còn Hàn Quốc phải cung cấp địa điểm triển khai, cơ sở hạ tầng và cả chịu chi phí hoạt động.
Theo một tuyên bố của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hai cố vấn an ninh quốc gia "tái khẳng định" rằng thỏa thuận THAAD vẫn không thay đổi nhưng ông McMaster giải thích yêu cầu của ông Trump việc Hàn Quốc phải trả 1 tỷ đô la chi phí THAAD là "phù hợp với mong đợi của công chúng Mỹ về việc chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng với các đồng minh."
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, ôngTrump đã chỉ trích mạnh mẽ Hàn Quốc và các đồng minh khác vì đã chi trả ít hơn mức chi phí an ninh hợp lý, trong khi đó hưởng lợi an ninh nhiều hơn từ các lực lượng Mỹ đóng tại nước họ.
Theo Hiệp ước về quy chế các lực lượng Mỹ-Hàn (SOFA), chi tiêu quốc phòng sẽ đươc gia hạn vào năm 2019. Theo quy định của SOFA hiện này thì Seoul trả hơn 866 triệu đôla/ năm cho chi phí của hơn 28.000 lính Mỹ trú đóng tại Hàn Quốc, bao gồm các căn cứ quân sự, hệ thống vũ khí tiên tiến triển khai trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về việc liệu Seoul có sẵn sàng tăng đáng kể khoản đóng góp quốc phòng để đáp ứng yêu cầu 1 tỉ đô la của ông Trump khi đàm phán hiệp ước SOFA mới vào năm tới.
Khen ngợi Trung Quốc
Ngoài việc yêu cầu Hàn Quốc trả 1 tỷ đô la cho hệ thống THAAD, tuần trước ông Trump cũng phàn nàn trong một cuộc phỏng vấn về thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn mà ông gọi là "khủng khiếp", và cho biết "chúng ta sẽ đàm phán lại hoặc chấm dứt thỏa thuận đó".
Những lời chỉ trích của ông Trump về một đồng minh quan trọng trong khu vực tương phản với lời khen ngợi của ông về việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế để kiềm chế Bắc Triều Tiên không thực hiện các cuộc thử hạt nhân tiếp theo. Tổng thống Trump cũng nói rằng ông sẽ thưởng cho việc hợp tác của Bắc Kinh bằng cách bãi bỏ tuyên bố khi vận động tranh cử của ông rằng Trung Quốc nước thao túng tiền tệ.
Ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Face The Nation của đài truyền hình CBS: "Bạn có thể tưởng tượng nếu tôi nói [với Trung Quốc]: Này, tình hình với Bắc Triều Tiên thế nào rồi? Chúng tôi sẽ tuyên bố rằng quý vị là một tay thao túng tiền tệ vào ngày mai đấy nhé."
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Tổng thống đã gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một "tay thông minh", có khả năng kiểm soát quyền lực của một chế độ đàn áp trong khi tuổi còn trẻ. - VOA
***
Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên, báo chí Hàn Quốc cho biết giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA hôm nay, 01/05/2017, đang có mặt tại Seoul để tham gia « một cuộc họp nội bộ » với đại sứ quán Hoa Kỳ.
Nhật báo Hàn Quốc, tờ Chosun Ilbo cho hay, lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ Mike Pompeo đã tới Hàn Quốc trong kỷ nghỉ cuối tuần, và đã có một số buổi làm việc riêng với đồng nhiệm Hàn Quốc Lee Byung-ho và các đại diện của Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc.
Dẫn một số nguồn tin có quan hệ chặt chẽ với ngành tình báo, tờ Chosun Ilbo khẳng định giám đốc CIA đã thông báo với phía Hàn Quốc về chính sách Bắc Triều Tiên của chính quyền Trump và tình hình nội bộ Bắc Triều Tiên. Nhật báo Hàn Quốc cũng cho biết thêm là ông Mike Pompeo cũng trao đổi về các viễn cảnh của quan hệ Mỹ-Hàn sau cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc 09/05/2017.
Tuy nhiên, theo AFP, một giới chức đại sứ quán Mỹ xác nhận chuyến công du của giám đốc CIA Mike Pompeo, nhưng lại nói rằng ông Pompeo chỉ có cuộc gặp với lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và ban lãnh đạo đại sứ quán. Nguồn tin nói trên cũng khẳng định giám đốc CIA sẽ không có cuộc làm việc nào với các giới chức phủ tổng thống Hàn Quốc hay các ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc.
Chuyến đi của lãnh đạo CIA diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa bắn thử hỏa tiễn hôm thứ Bảy, 29/04, và có thể đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Điều mà Bình Nhưỡng vừa tái khẳng định hôm nay.
Theo trang mạng quân sự Mỹ Stripes and Stars, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã khởi sự cuộc tập trận phối hợp tại vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của nhóm tàu tấn công Mỹ, do tàu sân bay USS Carl Vinson làm chủ lực, trong ngày thứ Bảy, chỉ vài tiếng đồng hồ sau vụ thử hỏa tiễn thất bại của Bình Nhưỡng.
Cuộc tập trận lần thứ hai trong tháng có sự tham gia của tàu Carl Vinson, được Hải Quân Mỹ mô tả là « một hoạt động tập luyện bình thường, theo kế hoạch tại vùng Tây Thái Bình Dương". - RFI
|
|
3.
Nhà Trắng bảo vệ quyết định mời Tổng thống Philippines
Nhà Trắng hôm 30/4 bảo vệ quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc mời người đồng nhiệm Philippines tới thăm Washington, nói rằng sự cần thiết phải củng cố một liên minh ở châu Á để đối phó với mối đe dọa quân sự đang gia tăng của Bắc Hàn mang sức nặng hơn cả các mối quan ngại về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông Duterte ở Philippines.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus nói trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC: “Hiện giờ đất nước này [Mỹ] và khu vực [châu Á] không đối mặt với điều gì lớn hơn những gì đang xảy ra ở Bắc Hàn”.
Ông nói thêm răng “dù họ là người tốt hay xấu, điều đó không quan trọng” mà “ta phải cùng quan điểm” về Bắc Hàn.
Lời phát biểu của ông Priebus được đưa ra một ngày sau khi Nhà Trắng thông báo về lời mời, và sau khi một phát ngôn viên của Tổng thống Duterte tiết lộ rằng ông Trump nói với nhà lãnh đạo Philippines rằng ông muốn thúc đẩy “một mối quan hệ công việc nồng ấm”.
Một thông cáo của Nhà Trắng nói rằng cuộc điện đàm hôm 29/4 giữa hai nhà lãnh đạo “rất thân thiện”, và mối quan hệ “đang đi theo hướng rất tích cực”.
Tuy nhiên, thông cáo không đề cập tới mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông Duterte, khiến hàng nghìn người chết.
Trước khi trao đổi qua điện thoại với ông Trump, Tổng thống Philippines nói tại Manila rằng Hoa Kỳ nên kiềm chế và không nên bị cuốn vào “trò chơi” của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Hôm 29/4, Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa đạn đạo, nhưng bất thành, và tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Philippines hiện là quốc gia giữ vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN, tổ chức gồm nhiều thành viên trong đó có Việt Nam.
Theo Reuters, Nhà Trắng không cho biết các chi tiết về thời gian diễn ra cuộc gặp ở Washington, nhưng nói rằng ông Trump nóng lòng tới thăm Philippines vào tháng 11 để tham dự hai hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các quốc gia châu Á.
Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, dự kiến sẽ diễn ra ở Đà Nẵng. - VOA
|
|
4.
Thủy quân lục chiến Mỹ quay lại tỉnh Helmand, Afghanistan
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã quay lại tỉnh Helmand ở miền nam Afghanistan.
Ba năm sau khi NATO chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của họ ở Afghanistan, thủy quân lục chiến giờ đây quay lại ở tỉnh có trồng cây thuốc phiện và nhiều bất ổn.
Thủy quân lục chiến và lực lượng NATO đã dự một buổi lễ hôm thứ Bảy đánh dấu việc chuyển giao bộ tư lệnh Helmand.
Lần này, thay vì chiến đấu, Thủy quân lục chiến đã được huy động để huấn luyện, cố vấn và trợ giúp lực lượng an ninh Afghanistan, những người đang chiến đấu để đánh bật phiến quân Taliban.
Việc họ quay trở lại diễn ra chỉ một ngày sau khi Taliban tuyên bố khởi động cuộc tấn công mùa xuân, là lúc các phần tử hiếu chiến gia tăng cuộc chiến.
Hồi đầu tháng này, lực lượng an ninh Afghanistan đã phải gánh chịu một cuộc tấn công tàn khốc khi các lính tự sát Taliban cải trang bằng quân phục Afghanistan giết chết 135 lính chính phủ ở một thành phố miền bắc.
Taliban đang kiểm soát phần lớn tỉnh Helmand. Hoạt động phiến loạn của họ có nguồn tiền phần lớn từ thuốc phiện được trồng trên quy mô rất lớn. - VOA
|
|
5.
Trung Quốc ra mắt thủy phi cơ ‘lớn nhất thế giới’
AG600, chiếc thủy phi cơ được coi là lớn nhất thế giới, đã bay thử chuyến đầu tiên hôm 29/4.
Sản phẩm hoàn toàn “made in China” này được thiết kế để dập các đám cháy rừng cũng như tiến hành các hoạt động cứu hộ trên biển.
Reuters dẫn lại Tân Hoa Xã nói thêm rằng chiếc thủy phi cơ này “có thể được sử dụng để giám sát và bảo vệ đại dương”.
Chuyến bay thử được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng củng cố, khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, nơi nước này đã xây đảo nhân tạo và triển khai thiết bị quân sự.
Theo Reuters, Trung Quốc đang trong tiến trình rầm rộ hiện đại hóa quân sự, từ việc thử nghiệm các tên lửa lẫn chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình cùng thiết kế một chiếc hàng không mẫu hạm hoàn toàn được sản xuất nội địa.
Tân Hoa Xã hồi tháng Ba từng đưa tin rằng AG600 sẽ bay thử chuyến đầu tiên vào cuối tháng Năm. - VOA
|
|
6.
Đài Loan tức giận nếu không được mời dự hội nghị WHO
Đài Loan sẽ phẫn nộ đối với Trung Quốc nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do các đồng minh của Bắc Kinh kiểm soát, ngăn không cho Đài Loan dự hội nghị thường niên trong tháng này, bất chấp Đài Loan nỗ lực vận động hành lang.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã yêu cầu Bắc Kinh, một trong 192 thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới, tránh ngăn cản việc mời Đài Loan tham dự hội nghị từ ngày 22 đến ngày 31 tháng 5 của WHO. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm Đài Loan đều được mời tham dự.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/ 2016 cho đến nay, bà Thái không có quan hệ tốt với Bắc Kinh, và vấn đề mời dự hội nghị này mới nổi lên.
Trang mạng của văn phòng tổng thống Đài Loan hôm 27/4 trích phát biểu của bà Thái trong một cuộc phỏng vấn mới rằng: "Chúng tôi lập lại rằng việc Đài Loan có được mời làm quan sát viên của Hội nghị Y tế Thế giới năm nay hay không là một chỉ dấu rất quan trọng đối với quan hệ xuyên eo biển Đài Loan. Nếu quyết định của Trung Quốc cho thấy bất kỳ sự sai lệch nào, tác động đối với mối quan hệ qua eo biển là rất lớn."
Theo Thông tấn báo chí Trung ương Đài Loan, Ngoại trưởng Đài Loan nói vào tháng 3 rằng ông "không thấy có dấu hiệu lạc quan" và sẽ áp dụng "các biện pháp dự phòng " nếu đến cuối tháng 4 mà WHO không gửi thư mời.
Các nhà phân tích nói Đài Loan có lẽ sẽ không trả đũa Trung Quốc hoặc cơ quan y tế của LHQ. Nhưng Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một phản ứng dài hạn của công chúng Đài Loan, đó là Đài Loan đã mệt mỏi đối mặt với những hạn chế trong vai trò của đảo quốc này ở các tổ chức quốc tế, và tổ chức phi chính trị.
Giáo sư chính trị quốc tế thuộc đại học quốc gia Chung Hsing, ông Tsai Ming-yan nói rằng việc tham gia hội nghị y tế một năm nữa "sẽ giúp cải thiện quan hệ xuyên eo biển Đài Loan". - VOA
|
|
7.
Macron nói EU phải cải cách hoặc đối mặt với 'Frexit'
Người đang dẫn điểm trước trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp nói với BBC rằng EU phải cải cách bằng không sẽ đối mặt viễn cảnh "Frexit" (Pháp tách ra khỏi Liên minh châu Âu).
Emmanuel Macron, người ủng hộ EU đã đưa ra nhận xét khi ông và đối thủ của ông, Marine Le Pen dự các buổi vận động tranh cửa vào cuối tuần qua.
Cử tri Pháp sẽ đi bầu vào ngày Chủ nhật 8/5 để quyết định lựa chọn một trong hai ứng viên này.
Tại một cuộc vận động ở một vùng ngoại ô của Paris, bà Le Pen nói rằng ông Macron chẳng có gì mới mẻ.
Bà Le Pen đã tận dụng tâm lý bài EU, và hứa hẹn một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp.
Tại Pháp dự kiến có các cuộc xuống đường vào ngày Quốc tế Lao động. Năm tổ chức công đoàn lớn đã kêu gọi các thành viên của họ không bỏ phiếu cho bà Le Pen, mặc dù ba tổ chức mới chỉ dừng lại ở mức không ủng hộ ông Macron.
"Tôi là người ủng hộ châu Âu, trong cuộc bầu cử này tôi đã và đang liên tục bảo vệ ý tưởng của châu Âu và các chính sách của châu Âu bởi vì tôi tin rằng điều đó là cực kỳ quan trọng đối với người Pháp và cho đất nước chúng ta trong bối cảnh toàn cầu hóa," ông Macron nói với BBC.
"Nhưng đồng thời chúng ta phải đối mặt với tình hình, lắng nghe người dân của chúng ta và lắng nghe thực tế rằng họ đang cực kỳ tức giận vào lúc này. Thực trạng thiếu kiên nhẫn và cỗ máy EU hoạt động kém cỏi là thực trạng hết sức đáng lo ngại.
"Vì vậy, tôi cho rằng nhiệm vụ của tôi, sẽ đồng thời cải cách sâu rộng Liên minh châu Âu và dự án châu Âu của chúng ta."
Ông Macron nói thêm rằng nếu ông để EU tiếp tục hoạt động như trước thì đó sẽ là một "sự phản bội".
"Và tôi không muốn làm như vậy," ông nói. "Bởi vì thế có nghĩa là chúng ta sẽ có một Frexit hoặc chúng ta sẽ có lại Mặt trận Dân tộc của [bà Le Pen]."
Ứng viên 39 tuổi hiện dẫn đầu cuộc thăm dò khoảng 20% và sẽ cố giành thêm ủng hộ của cử tri khi ông nói chuyện ở phía đông bắc Paris vào hôm nay. - BBC
|
|
8.
Bầu cử tổng thống: Lao động Pháp phân tán lực lượng trước đảng cực hữu
Thay vì đoàn kết thành một khối như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 để cản đường đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, lần này giới công đoàn Pháp lại chia năm xẻ bảy trước một rủi ro cao gấp đôi. Người thì kêu gọi « đánh bại » Marine Le Pen, kẻ thì muốn dồn phiếu cho Emmanuel Macron, trong khi một bộ phận khác thì đòi… tẩy chay cả hai ứng cử viên. Vì sao nên nỗi ?
Vòng hai bầu tổng thống Pháp với trận đấu quyết định diễn ra trong sáu ngày tới, Chủ Nhật 07 tháng 05. Ngày Quốc Tế Lao Động 01 tháng 05 lẽ ra là cơ hội để tất cả công đoàn tỏ tình đoàn kết, như cách nay 15 năm, biểu dương lực lượng, chống lại Mặt Trận Quốc Gia cùng ứng cử viên Jean Marie Le Pen bị xem là « kẻ thù » của nền dân chủ và chế độ cộng hoà. Hơn một triệu người đã xuống đường vào thời điểm đó.
Cũng như mọi năm, Ngày Quốc Tế Lao Động năm nay cũng có tuần hành trên khắp nước Pháp, nhưng tại thủ đô Paris, hình ảnh chia rẽ lộ rõ hơn hết. Ứng cử viên Marine Le Pen, tuy vẫn bị xem là nguy hiểm và nguy hiểm hơn người cha, thế nhưng phản xạ chống phát-xít trong giới công đoàn lao động không còn vũ bão như cách nay 15 năm.
Trong phe hữu, đã có lãnh đạo hai đảng nhỏ « vượt rào đạo đức », một người kêu gọi ủng hộ bà Le Pen, một người ký thỏa hiệp để lấy ghế thủ tướng. Thế mà, lực lượng công đoàn, nòng cốt chống chính trị cực đoan, lại đối nghịch nhau.
Trong lực lượng công nhân, Liên Đoàn Dân Chủ Lao Động Pháp CFDT, thân với đảng Xã Hội và Tổng Liên Đoàn Lao Động CGT có xu hướng cộng sản, là hai công đoàn lớn nhất. CFDT còn được xem là « phe cải cách » trong khi CGT được gọi là « phản kháng ».
Tại Paris, đoàn tuần hành thứ nhất do hai nghiệp đoàn CFDT, Unsa và Liên Hội Sinh Viên Paris ủng hộ ứng cử viên trung tả Emmanuel Macron, xuất hành lúc 11 giờ sáng. Đoàn thứ hai, gồm CGT, FSU, Solidaires và FO khởi hành từ một địa điểm khác vào lúc 14 giờ 30. Nhóm này kêu gọi « cản đường Marine Le Pen », nhưng không dứt khoát kêu gọi thành viên bầu cho Emmanuel Macron.
"Khẩu hiệu bất đồng" là lý do được hai bên đưa ra để giải thích vì sao không tuần hành chung. Với nhận định Mặt Trận Quốc Gia là một tổ chức có quan điểm « phản động và kỳ thị », CFDT kêu gọi bầu cho Macron. Lãnh đạo CFDT lý giải, bầu cho Macron không phải là chấp nhận toàn bộ chương trình hành động của ứng cử viên trung tả. Lực lượng công đoàn sẽ tranh đấu, không muộn, khi có bất đồng với chính sách của điện Elysée.
Mặt Trận Quốc Gia xâm nhập giới lao động
CGT bác bỏ phân tích này vì cho rằng chính « tình trạng suy thoái về xã hội » mà cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron cũng có phần trách nhiệm, đã dọn đường cho Mặt Trận Quốc Gia lên điểm. Thật ra, từ khi đảng Cộng Sản Pháp suy yếu, không còn đóng vai trò lá chắn bảo vệ người lao động, phe cực hữu bài ngoại rộng đường xâm nhập giới công nhân với lập luận đơn giản : dân nhập cư chiếm việc làm của người Pháp. Hệ quả là 15% trong số 680.000 thành viên của CGT trở thành « cảm tình viên » của Mặt Trận Quốc Gia.
Ý thức thái độ lưng chừng của CGT, không chỉ đạo bầu cho Macron vì có thể làm mất uy tín của tổ chức, tổng thư ký Philippe Martinez vội vàng lên tiếng, « CGT dứt khoát chống cực hữu, không một phiếu cho Marine Le Pen, Mặt Trận Quốc Gia là đảng phát-xít, kỳ thị, khinh phụ nữ và chống quyền lợi người lao động ».
Tình trạng « khó xử » của giới công đoàn Pháp một phần vì hai ứng cử viên vào chung kết nằm ngoài dự kiến của họ. Theo nhà sử học Stéphane Sirot, một chuyên gia về phong trào công đoàn, thì hiện tượng chia rẽ này cũng không khác chi tình trạng phân hóa trong giới chính trị.
Cho dù thời thế đã đổi thay, một bộ phận dân Pháp kể cả công đoàn và đảng phái, trước nguy cơ cực hữu nắm quyền, vẫn « không chấp nhận được một giải pháp mới » thay thế lối mòn tả hữu truyền thống. - RFI
|
|
9.
Trung Quốc sửa đổi luật về bản đồ để củng cố thêm yêu sách chủ quyền
Trung Quốc ngày 27/04/2017 thông qua một đạo luật về bản đồ đã được sửa đổi để củng cố thêm và làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời quy định những hình phạt mới nặng nề hơn để "hù dọa" những người nước ngoài dám thực hiện công việc khảo sát mà không có sự cho phép chính quyền. Văn bản sửa đổi này được Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc chuẩn y với mục tiêu là bảo toàn các thông tin địa lý Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy một loạt luật lệ mới trong lãnh vực bảo toàn an ninh và bí mật quốc gia vốn đã bị rất nhiều quy định chi phối. Trong số các luật lệ mới này, có luật đặt các tổ chức phi chính phủ dưới quyền kiểm soát của bộ Công An và một bộ luật về an ninh mạng, như đòi hỏi các doanh nghiệp phải lưu trữ các dữ liệu quan trọng tại Trung Quốc.
Các đạo luật này đã bị quốc tế phê phán là nhằm trao cho Nhà Nước Trung Quốc quyền hạn rộng rãi trong việc cấm các công ty nước ngoài vào hoạt động trong những lãnh vực mà Bắc Kinh cho là "trọng yếu", hoặc để trấn áp đối lập trong nước.
Theo phát ngôn viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc, việc điều chỉnh luật về bản đồ nhằm giúp cho chính người Trung Quốc hiểu rõ hơn về lãnh thổ của mình. Đối với nhân vật này, những bản đồ đã "vẽ sai biên giới", ví dụ như xem Đài Loan là một quốc gia hay không thừa nhận đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông, là "những vấn đề đã tác hại một cách khách quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc". Chính quyền Bắc Kinh luôn luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, và còn coi hầu như toàn bộ Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc từ nghìn xưa.
Phát ngôn viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội cho biết thêm là bộ luật mới được điều chỉnh cho phép tăng cường việc kiểm soát dịch vụ bản đồ trên mạng, đòi hỏi là bất cứ ai muốn đăng hay công bố bản đồ quốc gia phải tuân theo chuẩn mực của Nhà Nước Trung Quốc.
Theo ông Tống Triều Chế (Song Chaozhi), phó cục trưởng cục Khảo Sát và Bản Đồ Trung Quốc, cơ quan ngoại quốc nào muốn vẽ bản đồ hay tiến hành khảo sát địa lý ở Trung Quốc đều phải làm rõ là họ không đụng chạm vào bí mật quốc gia hay gây nguy hại đến an ninh quốc gia Trung Quốc.
Còn phó chủ tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Nhạc Trung Minh (Yue Zhongming) thì đe dọa : Cá nhân hay nhóm nước ngoài vi phạm luật có thể bị phạt đến 1 triệu yuan – 145.000 đô la, một khoản tiền phạt to lớn nhằm mục tiêu răn đe. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
10.
Trump: 100 ngày nắm quyền "đầy hứng khởi và hiệu quả"
Nói đến 100 ngày làm việc đầu tiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra một danh sách các hành động, ông cho rằng thời gian làm việc của ông cho đến nay thực sự "đầy hứng khởi và hiệu quả", bao gồm đưa các thợ mỏ trở lại làm việc, bảo vệ các công nhân ngành thép và nhôm, "loại bỏ các quy định làm mất công ăn việc làm". Ông cũng nhấn mạnh cam kết xây dựng bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico.
Ông Trump đã phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Harrisburg, Pennsylvania hôm Thứ Bảy, trước10.000 người. Cử tọa ủng hộ và chào mừng ông với tiếng reo hò "USA! USA! USA!" (Hoa Kỳ, Hoa Kỳ, Hoa Kỳ)
Tổng thống Mỹ nói: “Chúng ta cần bức tường để ngăn chặn ma túy và nạn buôn người. Chúng ta cần bức tường. Chỉ trong 100 ngày, chúng tôi đã có những bước đi lịch sử để bảo vệ biên giới của chúng ta, áp đặt việc kiểm soát nhập cư cần thiết mà quý vị chưa bao giờ thấy, có phải vậy không? Và rà soát, kiểm tra đúng mức đối với những người muốn nhập cảnh vào nước ta. Họ sẽ đến vì họ yêu mến đất nước chúng ta. Nếu không, chúng ta không tiếp nhận họ. Chúng ta đang vận hành theo một nguyên tắc rất đơn giản, đó là hệ thống nhập cư của chúng ta cần phải đặt các nhu cầu của người lao động Mỹ, các gia đình Mỹ, các công ty Mỹ, và các công dân Mỹ lên trên hết".
Tổng thống bày tỏ rằng ông thấy nhẹ nhõm khi không phải tham dự tiệc tối của phóng viên chuyên theo dõi Tòa Bạch Ốc, một sự kiện từ thiện hàng năm ở Washington, diễn ra cùng lúc với cuộc mít tinh của ông.
Đám đông đã hò reo khi ông Trump nêu tên một vài mạng lưới truyền hình mà ông gọi là "đưa tin thất thiệt". Ông nói ông đánh trượt giới truyền thông về việc họ đưa tin về 100 ngày đầu tiên của ông.
Ông Trump nói Mỹ là một phần của "một hệ thống toàn cầu hoang phí và trục trặc mà Mỹ phải gánh các chi phí" và ông hứa sẽ đưa ra một "quyết định lớn" về Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu trong hai tuần tới. - VOA
|
|
11.
Trung Quốc ‘hack’ email của Đảng Dân chủ?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng Trung Quốc có lẽ đã tấn công vào email của các quan chức Đảng Dân chủ nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, trái với quan điểm của giới tình báo Mỹ về việc Nga dàn dựng vụ tấn công mạng.
Theo Reuters, trong cuộc phỏng vấn hôm 30/4, ông Trump không nêu ra bằng chứng nào để củng cố cáo buộc của mình, mà ông lần đầu tiên đưa ra trước cuộc bầu cử ngày 8/11, rằng Bắc Kinh co thể đã “hack” email của đảng đối thủ của mình.
“Nếu ta không bắt tận tay một kẻ tin tặc, khó có thể nói ai là kẻ tấn công mạng”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Face the Nation” của kênh truyền hình CBS.
Tổng thống Mỹ nói tiếp: “Có thể là Trung Quốc, có thể là rất nhiều nhóm khác nữa”.
Ông Trump đã bác bỏ tuyên bố của các quan chức tình báo Mỹ rằng Moscow “hack” các email để giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Giống như Nga, Trung Quốc là một đối thủ lâu nay của Mỹ trên không gian mạng.
Trong những tuần gần đây, ông Trump đã dịu giọng hơn đối với Bắc Kinh, nhất là về các chính sách thương mại, trong khi Washington mưu tìm sự hậu thuẫn của Trung Quốc nhằm hóa giải điểm nóng Bắc Hàn. - VOA
|
|
12.
Quốc Hội Mỹ đạt thỏa thuận về tài trợ hoạt động liên bang
Các nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ hôm qua 30/04/2017 đã đồng thuận về một văn bản cho phép bảo đảm tài chính cho chính phủ Hoa Kỳ cho tới cuối năm tài khóa - ngày 30/09/2017.
Reuters cho biết để tránh xảy ra việc các cơ quan các bang bị ngưng cấp tài chính, từ nay cho tới thứ Sáu 05/05, Hạ Viện và Thượng Viện sẽ phải bỏ phiếu thông qua văn bản trên rồi đệ trình lấy chữ ký của tổng thống Donald Trump.
Các nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ đã thương lượng suốt nhiều tuần qua về dự thảo luật tài chính liên bang. Ngân sách dự kiến 918 tỉ đô la sẽ cho phép chính phủ chi trả hàng loạt các chương trình của liên bang, từ an ninh trong các sân bay và tại các khu vực biên giới, tiền lương của quân nhân cho tới nghiên cứu y tế, tài trợ quốc tế, khám phá không gian và giáo dục...
Luật này cũng sẽ cho phép các cơ quan liên bang không phải rơi vào tình trạng như hồi tháng 10/2013. Khi đó, hàng trăm ngàn công chức liên bang đã phải nghỉ việc hai tuần vì chính phủ không có kinh phí hoạt động. Nếu mọi chuyện diễn ra đúng như dự kiến, đây sẽ là luật đầu tiên được Quốc Hội thông qua kể từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ ngày 20/01/2017. - VOA
|
|
13.
Nhiều bang ở Mỹ bị lốc xoáy, ít nhất 14 người chết
Ít nhất 14 người chết vì lốc xoáy và bão lướt qua các tiểu bang Texas, Arkansas, Missouri và Mississippi ở miền nam Hoa Kỳ.
Khu vực đông Texas bị tàn phá nặng nhất, với hàng loạt trận lốc xoáy làm ít nhất 4 người chết và để lại "thiệt hại to lớn", theo nhận định của các quan chức.
Giới hữu trách nói cả 4 người thiệt mạng đều ở khu vực phía đông của thành phố Dallas. Sở cứu hỏa địa phương cho biết ít nhất 50 người khác bị thương.
Theo các quan chức ở bang Arkansas lân cận, có ít nhất 5 người chết.
Theo cảnh sát, một phụ nữ 65 tuổi bị cây ngã đè chết ở thành phố DeWitt, bang Arkansas. Trong cộng đồng thành phố Springdale, một bé gái 10 tuổi bị lũ cuốn trôi chết.
Cảnh sát cũng đang tìm kiếm hai đứa trẻ mất tích, có thể đã bị lũ cuốn trôi khi bị kẹt trong một chiếc xe hơi.
Cảnh sát bang Missouri cho biết hai ông bà cụ trong một chiếc xe bị lũ cuốn trôi hôm thứ Bảy, và bà cụ 72 tuổi đã chết đuối.
Tại thành phố Durant, bang Mississippi, cây đổ vào nhà làm một người chết.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp bang Mississippi nói bão xảy ra tại bang này vào cuối tuần đã làm 23.000 người không có điện sinh hoạt. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
14.
Ông Huan bị bỏ mặc nhiều giờ trước khi chết ở trại giam Nhật
Người đàn ông Việt Nam chết vì đột quỵ tại một trung tâm giam giữ người tị nạn ở Nhật đã bị bỏ mặc nằm trên sàn nhà hàng giờ đồng hồ trước khi quản giáo gọi xe cứu thương, Reuters dẫn nguồn tài liệu của chính phủ Nhật cho thấy những thiếu sót trong khâu giám sát của hệ thống giam giữ tại Nhật.
Cái chết của ông Nguyen The Huan (còn có tên khác là Nguyen The Hung), 47 tuổi, là vụ tử vong thứ 13 trong các trại giam giữ người nhập cư ở Nhật Bản kể từ năm 2006, gây ra nhiều chỉ trích về điều kiện giam giữ tại các trại này.
Một tuần trước khi chết, ông Nguyen đã rên rỉ, than phiền về những cơn đau đầu và cổ, Reuters dẫn báo cáo của Trung tâm Di trú miền Đông Nhật Bản cho biết. Sau đó, ông Nguyễn đã được đưa đến một phòng giam riêng để theo dõi.
Vào ngày 24/3, các quản giáo nghe thấy tiếng ông Nguyen rên rỉ qua máy bộ đàm nên đã tới kiểm tra và thấy ông nằm trên sàn nhà giống như đang ngủ. Sáu tiếng sau, khi thấy tư thế của ông Nguyen không hề thay đổi, các quản giáo mới vào phòng và phát hiện ông Nguyen đã bất tỉnh và tắt thở, nên họ bắt đầu thực hiện cấp cứu tim và gọi xe cứu thương.
Reuters nhận định những tình tiết mới trong vụ này cho thấy ông Nguyen đã chết trong một tình huống tương tự như cái chết của một người Sri Lanka đã chết tại trung tâm vào năm 2014. Reuters đã điều tra về vụ này và phát hiện các quản giáo đã không gọi xe cứu thương sau nhiều giờ người này lên cơn đau tim vì nghĩ rằng ông đang ngủ.
“Vụ tử vong này cũng y hệt (như người Sri Lanka), cả hai đều chết vì bị bỏ mặc một mình”, thành viên của một cơ quan giám sát đọc bản báo cáo nội bộ và cho biết: “Các quản giáo đã không hề rút kinh nghiệm”.
Thành viên từ chối tiết lộ danh tính vì sự nhạy cảm của vụ án nói cần phải có một hệ thống theo dõi liên tục các dấu hiệu sinh tồn của người bị giam giữ mắc bệnh. Và ít nhất, các quản giáo nên gọi hỏi xem người bệnh có ổn không.
Ông Daisuke Akinaga, một giới chức tại Trung tâm Di trú miền Đông Nhật Bản, từ chối bình luận chi tiết về cái chết của ông Nguyen, nhưng nói rằng trung tâm không nghĩ rằng phản ứng của họ trong vụ này là có vấn đề. Ông cho biết thêm rằng Bộ Tư pháp đang điều tra vụ việc. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Nhật trả lời với Reuters rằng họ không thể bình luận về phản ứng của trung tâm trong lúc cuộc điều tra đang diễn ra.
Từ tháng 4, tại Trung tâm Di trú miền Đông Nhật Bản bắt đầu có một bác sĩ làm việc toàn thời gian vào những ngày thường trong tuần, nhưng tại đây vẫn không có bác sĩ trực cả ngày. Vẫn theo ông Akinaga, các quản giáo tại trung tâm đều được huấn luyện cấp cứu y tế hai lần một năm.
Ông Nguyen đến Nhật Bản xin tị nạn vào những năm 1990, theo lời một ni cô người Việt nói với Reuters. Ông đã bị giam giữ vì ở lại quá thời hạn visa và vì tội buôn lậu ma túy. - VOA
|
|
15.
ASEAN họp về Biển Đông ‘bất lợi’ cho Việt Nam
Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN kết thúc với những diễn biến có lợi cho Trung Quốc, nhưng bất lợi cho Việt Nam, theo phân tích của một số báo quốc tế.
Thông cáo được đưa ra sau hội nghị hôm 30/4 tỏ ra "dễ dãi với Trung Quốc" sau khi không đề cập đến việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo quân sự, theo Reuters.
Bản thông cáo chính thức đã bỏ đi dòng chữ "xâm chiếm đất đai và quân sự hóa" vốn được đề cập trong bản thông cáo năm ngoái và vốn có ghi trong bản dự thảo mà Reuters có được trước đó.
Trong bản thông cáo đề cập đến "phát triển sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc," nhưng không nhắc đến "căng thẳng" và "hành động leo thang" như trong bản thông cáo ra sau hội nghị năm ngoái.
'Không ai dám gây áp lực với Trung Quốc'
Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) hồi tháng Bảy năm ngoái phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và ra phán quyết có lợi cho Philippines, Bắc Kinh đã tiến hành vận động hành lang với Manila.
Có vẻ như hành động của Trung Quốc đã đem lại kết quả.
Hôm 27/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hiện đang là chủ tịch khối ASEAN, nói sẽ không có ích gì trong việc thảo luận về các hoạt động trên biển của Trung Quốc, "bởi vì dù sao cũng không ai dám gây áp lực với Bắc Kinh", Reuters tường thuật.
Trung Quốc đã cho phép tàu đánh cá của Philippines trở lại bãi cạn Scarborough sau bốn năm cản trở.
Mười nước trong khối vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung trong việc đàm phán với Trung Quốc về vùng biển đang tranh chấp, nhất là khi gặp sự phản đối của Campuchia và Lào, vốn coi Trung Quốc là đối tác thương mại và kinh tế quan trọng.
'Việt Nam sẽ là bên thua thiệt nhất'?
Cuộc thương thảo giữa Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN được các nhà phân tích cho là sẽ tạo tiền đề cho Quy tắc Ứng xử COC, dự kiến sẽ được ký trong năm nay hoặc 2018.
Trong bài viết đăng trên Forbes ngày 27/4, tác giả Ralph Jennings bình luận rằng nếu Việt Nam không đề cập đến Hoàng Sa trong Quy tắc COC thì điều này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc bành trướng các đảo nhỏ này, nơi nước này đang xây dựng một thành phố và các dự án quân sự.
Nhưng nếu như Quy tắc COC này được ký kết, Việt Nam sẽ vẫn là kẻ thua cuộc lớn nhất, tác giả viết.
Phía Trung Quốc hẳn sẽ không muốn nhắc tới Hoàng Sa trong bộ quy tắc này, "bởi vì tôi nghĩ đối với Trung Quốc, Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa nước này và Việt Nam," theo đánh giá của ông Collin Koh, nghiên cứu sinh an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore.
"Một số nước trong ASEAN cũng sẽ không muốn Hoàng Sa ở trong bộ Quy tắc này, vì nó sẽ là một nhân tố phức tạp," ông Koh nói thêm.
Trung Quốc sẽ không để Việt Nam hay bất kì ai đưa tàu vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và sẽ phản đối lại bất cứ quy tắc ứng xử nào đưa ra từ trong khu vực.
Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia quốc phòng Úc, thì "Điều tốt nhất Việt Nam có thể làm là gửi hồ sơ ra trọng tài quốc tế," như tòa án quốc tế tại The Hague, ông Thayer được Forbes dẫn lời.
Trung Quốc rồi cũng sẽ phải đối phó với áp lực từ Hoa Kỳ về việc nước này xâm chiếm vùng biển lãnh thổ trong khu vực Biển Đông trong một thập kỷ qua.
Nhưng hiện tại, Bắc Kinh vẫn dùng kế sách hỗ trợ kinh tế và đầu tư để "lấy lòng" như Brunei, Malaysia và Philippines. - BBC
|
|
16.
Cá chết bốc mùi hôi thối tại Đại Lộc, Quảng Nam
Cá chết dày tạo thành những mảng lớn dọc khu vực khe Đá Mài thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Tường thuật tại chỗ của phóng viên báo Dân Trí cho biết, nước tại khe Đá Mài hiện có màu đen đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều loại cá rô phi, trắm, mè… chết trắng hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Không chỉ có cá nhỏ, nhiều loại cá có trọng lượng gần 1kg cũng bị chết và đang trong quá trình phân hủy, mà chưa rõ nguyên nhân. Hiện tượng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh hoạt của người dân địa phương và cũng gây lo ngại khi nước khe chảy ra sông Thu Bồn xuống vùng đồng bằng rộng lớn tỉnh Quảng Nam.
Trả lời báo Dân Trí, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng thôn Xuân Nam cho biết, hiện tượng cá chết bất thường bắt đầu diễn ra từ ngày 26/4 vừa qua. Chỉ sau một ngày cá bắt đầu chết hàng loạt, nổi trắng khu vực khe Đá Mài với số lượng lớn, kéo dài gần 3km, hiện tượng cá chết vẫn chưa dừng lại.
Theo nhận định của người dân, việc nước Khe Mài đen ngòm dẫn đến cá chết hàng loạt có thể liên quan đến hoạt động xả thải của các nhà máy cách đó hơn 10km, nơi đầu nguồn khe nước.
Được biết, thôn Xuân Nam có 197 gia đình, phần lớn người dân sống dọc theo khe nước Đá Mài. Lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm, bà con đã chuyển sang mua nước bình sử dụng.
Hiện chưa có kết luận từ cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết tại khu vực này. - RFA
|
|
17.
Hải Phòng: Các thế lực phản động sử dụng thiết bị bay để gây rối an ninh
Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng vừa ban hành chỉ thị, yêu cầu tăng cường quản lý các thiết bị bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Báo trong nước ngày 1/5 loan tin, chính quyền thành phố Hải Phòng cho rằng các thiết bị này tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không và trật tự xã hội, tạo điều kiện cho các "thế lực thù địch" lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh chính trị như thả truyền đơn, tờ rơi, chất cháy, chất nổ, quay phim, ghi hình, thu thập thông tin trái phép.
Tin cho biết thêm rằng hiện tại các phương tiện bay siêu nhẹ, đặc biệt là flycam được sử dụng rất thường xuyên, tự phát trong các dịp sự kiện hoặc lễ hội.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã yêu cầu bộ chỉ huy quân sự thành phố, công an thành phố, sở công thương, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng, cục hải quan, và cơ quan phòng không quân khu III cùng phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, quản lý các hoạt động có liên quan đến các phương tiện này.
Cụm từ ‘thế lực thù địch’ thường xuyên được các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng để chỉ những người có chính kiến khác với đảng và nhà nước Hà Nội. - RFA
|
|
18.
Bắc Kinh lại ngang ngược áp đặt lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông
Trung Quốc bắt đầu lệnh cấm đánh cá dài nhất từ trước đến nay trên Biển Đông bất chấp các lời phản đối của Việt Nam.
Năm nay, theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc ngang ngược áp đặt lệnh cấm đánh cá trên khu vực Biển Đông từ ngày 1/5/2017 đến ngày 16/8/2017. Những năm trước, lệnh này kéo dài từ ngày 1/5 đến 1/8. Lệnh cấm của Trung Quốc kéo dài từ 12 độ vĩ độ Bắc đến khu vực biển giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực một phần vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough mà Phi Luật Tân cũng tuyên bố chủ quyền..
Tân Hoa Xã thuật tin từ Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc cấm cả tàu của ngư dân Trung Quốc cũng như tàu của ngư dân các nước khác dù các khu vực họ cấm chồng lấn với chủ quyền của các nước khác. Họ từng đe dọa tăng cường hoạt động tuần tra giám sát để thi hành lệnh cấm.
Mỗi khi Bắc Kinh loan báo lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông, Hà Nội đều lên tiếng phản đối, lập lại lời tuyên bố chủ quyền biển đảo “có những bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi” nhưng Bắc Kinh lờ đi, coi như không có.
Từ tháng Tư năm ngoái đến nay, ngư dân Việt Nam đã khốn đốn vì nhà máy gang thép Formosa thải hóa chất độc hại ra biển, cá tôm chết dạt trắng bờ. Nay lại còn bị ảnh hưởng bởi cái lệnh cấm của Bắc Kinh. - nguoiviet
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment