HAPPY MOTHER'S DAY
Tin Thế Giới
1.
Macron nhậm chức tổng thống Pháp
Ông Emmanuel Macron lên nắm quyền tổng thống Pháp hôm Chủ nhật trong một buổi lễ nhậm chức lớn tại dinh tổng thống, còn gọi là Điện Elysee, ở Paris.
Ông Macron chính thức trở thành tổng thống khi ông Laurent Fabius, Chủ tịch Hội đồng Bảo Hiến và cũng là cựu thủ tướng, đọc kết quả cuộc bầu cử ngày 7/5, trong cuộc bầu cử này, ông Macron đã đánh bại nhà lãnh đạo cánh hữu Marine Le Pen.
Ông Macron nói ông sẽ làm mọi điều cần thiết để chống khủng bố và độc tài chuyên chế cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng di dân của thế giới.
Ông phát biểu: "Sứ mệnh của Pháp trên thế giới vô cùng quan trọng. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm ứng phó thích hợp với cuộc khủng hoảng lớn, hiện đại khi cần thiết, dù đó là khủng hoảng di dân, những thách thức nảy sinh từ biến đổi khí hậu, những cám dỗ về chuyên chế, sự thái quá của chủ nghĩa tư bản thế giới, và tất nhiên là chủ nghĩa khủng bố nữa".
Khi đến tham gia buổi lễ tại cung điện có từ thế kỷ 18, ông Macron, 39 tuổi, cựu lãnh đạo ngân hàng đầu tư và từng là bộ trưởng kinh tế, đã họp riêng với tống thống mãn nhiệm Francois Hollande, người của đảng Xã hội, về các vấn đề nhà nước, kể cả việc chuyển giao quyền truy cập các mã phóng tên lửa hạt nhân của nước Pháp.
Ông Macron trở thành nhà lãnh đạo hậu chiến trẻ nhất của Pháp và lãnh đạo đầu tiên sinh ra sau năm 1958 khi Tổng thống Charles de Gaulle lập nền đệ ngũ cộng hòa. - VOA
|
|
2.
Nhật, Việt, Philippines thao dượt chung vào tháng 6
Nhật Bản sẽ thao dượt chung với Việt Nam và Philippines vào tháng 6 tới. Đây là một biện pháp để Nhật tăng cường nỗ lực trợ giúp các nước đang đối mặt với các bước tiến hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc thao dượt sẽ diễn ra ngày 3/6 ở Davao, miền nam Philippines. Năm 2016, Nhật Bản cung cấp một tàu nhỏ dài khoảng 40 mét cho lực lượng tuần duyên Philippines. Tàu này sẽ được sử dụng trong cuộc thao dượt về cách chống hải tặc. Tuần duyên Philippines cũng sẽ được hướng dẫn cách vận hành các xuồng cao su cao tốc mà tàu mang theo.
Tàu Echigo 3.100 tấn có khả năng mang theo trực thăng của Nhật Bản sẽ tham gia thao dượt.
Sau đó, ngày 16/6, tàu Echigo và các nhân viên tuần duyên Nhật sẽ đến Đà Nẵng để thao dượt chung. Một tàu nhỏ do Nhật cung cấp cho cảnh sát biển Việt Nam năm 2015 sẽ cùng thao dượt với tàu Echigo. Trong khuôn khổ chương trình, cảnh sát biển Việt Nam sẽ được huấn luyện cách xử lý các tàu cá hoạt động bất hợp pháp.
Việt Nam và Philippines đều có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc ở Biển Đông trong khi Nhật có tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông.
Hồi mùa xuân năm nay, lực lượng tuần duyên Nhật đã lập một chức vụ mới là trưởng ban hợp tác quốc tế về tuần duyên, chuyên trách cung cấp trợ giúp cho các nước Đông Nam Á.
Cuộc thao dượt chung với Philippines là lần đầu tiên quan chức này nắm trách nhiệm phụ trách một cuộc huấn luyện.
Trước đây, đã có các cuộc thao dượt chung với Việt Nam và Philippines, sử dụng những tàu nhỏ hơn, liên quan đến tìm kiếm, cứu nạn. Đây là lần đầu 3 nước dùng các tàu lớn hơn để chống các hoạt động bất hợp pháp.
Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu tuần duyên ở Biển Đông kèm theo việc xây các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo.
Dùng các tàu hải quân để ngăn chặn có thể dẫn đên xung đột quân sự, vì vậy Việt Nam và Philippines tìm cách hợp tác với tuần duyên Nhật vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với các hành vi xâm nhập lãnh hải.
Hồi năm 2013, chính phủ Nhật thông báo họ sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra mới dài 40 mét. Kể từ đó, Nhật đã công bố kế hoạch cung cấp cho Philippines 2 tàu tuần tra lớn mới dài 90 mét, cho Malaysia 2 tàu tuần tra lớn đã sử dụng dài 90 mét, và cho Việt Nam 6 tàu mới. - VOA
|
|
3.
Mỹ, các nước lên án Bắc Hàn thử tên lửa --- Tên lửa Bắc Hàn ‘không đe dọa Nga’
Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa hôm Chủ nhật có đường bay đạn đạo ở tầm cao khác thường cho thấy nó có thể là một loại tên lửa mới gồm 2 tầng dùng nhiên liệu lỏng có khả năng bay tới 4.500 kilômét.
Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, cần phải coi vụ thử này "như lời kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Bắc Triều Tiên".
Trước đó, Nhật Bản và Hàn Quốc nhanh chóng lên án hành động của Bắc Triều Tiên, gọi đó là mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực và vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về các chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, mới tuyên thệ nhậm chức cách nay chỉ vài ngày, đã lên án việc vụ phóng này, gọi nó là "sự khiêu khích liều lĩnh" của Bình Nhưỡng. Trong cuộc họp ở Seoul với các cố vấn hàng đầu của ông, ông Moon nói thời điểm phóng hết sức đáng tiếc, nó xảy ra ngay sau khi ông nhậm chức, cũng như sau cam kết của ông về cải thiện mối quan hệ với miền Bắc.
Theo văn phòng của Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã ra lệnh cho chính phủ "chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra".
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nói với các phóng viên ở Tokyo: "Việc phóng tên lửa đạn đạo này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo hòa bình và an ninh của đất nước".
Bà cho rằng tên lửa được thử có thể là một loại mới phóng đi theo quỹ đạo góc cao, đạt đến độ cao hơn 2.000 km và bay ngang 700 km trong 30 phút, trước khi xuống biển Nhật Bản.
Theo chính phủ Nhật Bản, điểm rơi của tên lửa cách bờ biển phía đông của Bắc Triều Tiên khoảng 400 km.
Trung Quốc đã kêu gọi kiềm chế để tránh căng thẳng gia tăng trong khu vực trong khi Bộ Ngoại giao bày tỏ sự phản đối về việc Bình Nhưỡng vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh là đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên và đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng.
Theo một phát ngôn viên Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại về vụ thử tên lửa và tình trạng căng thẳng leo thang. Ông Putin đang ở Bắc Kinh dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, có trụ sở tại Hawaii, đã xác nhận vụ phóng tên lửa nhưng họ nói tên lửa chưa rõ là loại gì dường như không đủ lớn để đứng vào hàng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa - một vũ khí mà Bắc Triều Tiên đang phát triển.
Một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster đã thông báo với Tổng thống Donald Trump về vụ phóng của Bắc Triều Tiên qua điện thoại.
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói rằng "Bắc Triều Tiên là mối đe dọa rõ rệt trong thời gian quá dài". Tuyên bố dường như cũng đưa ra lời kêu gọi gián tiếp gửi đến Moscow về hợp tác chặt chẽ hơn nữa để chống lại Bình Nhưỡng.
Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc được gửi ra tối thứ Bảy, “với việc tên lửa rơi rất gần đất Nga, gần với Nga hơn là so với Nhật Bản, Tổng thống Mỹ không hình dung rằng Nga lại hài lòng”. - VOA
***
Bộ Quốc phòng Nga nói rằng đường bay của quả tên lửa đạn đạo mà Bắc Hàn phóng đi hôm 14/5 khá xa lãnh thổ Nga và không đe dọa gì tới nước này.
Reuters dẫn một thông cáo của Bộ này nói rằng hệ thống cảnh báo tên lửa của Nga phát hiện vụ phóng vào gần nửa đêm (giờ địa phương) hôm 13/5, và theo dõi trong vòng 23 phút trước khi nó rơi xuống Biển Nhật Bản, cách duyên hải Nga khoảng 500 km.
Trong khi đó, hãng tin Anh cũng dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng quả tên lửa rơi cách phía nam vùng viễn đông Vladivostok của Nga khoảng 97km.
Một phát ngôn viên của điện Kremlin trước đó nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin, hiện thăm Bắc Kinh, “quan ngại” về vụ phóng trên.
Lên tiếng tại nơi ông Putin đang tham dự một sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm của Trung Quốc, phát ngôn viên của nhà lãnh đạo Nga nói rằng ông Putin đã thảo luận tình hình bán đảo Triều Tiên với Chủ tịch nước chủ nhà, ông Tập Cận Bình.
Tin cho hay, vụ phóng tên lửa cũng nằm trong cuộc thảo luận và hai nhà lãnh đạo đã thể hiện “các mối quan tâm chung” về căng thẳng hiện thời.
Tổng thống Nga đang thăm Bắc Kinh để dự hội nghị thượng đỉnh về hợp tác quốc tế. Các phái đoàn của Mỹ, Hàn Quốc và Bắc Hàn cũng có mặt.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cho rằng vụ phóng là một thông điệp mà Bắc Hàn muốn gửi tới Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ít ngày sau khi ông nhậm chức. - VOA
|
|
4.
7 nước vào ngân hàng được Trung Quốc ‘chống lưng’ --- G7 ‘không thảo luận vấn đề bảo hộ thương mại’
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), vốn được Trung Quốc hậu thuẫn mạnh, hôm 13/5 đã chấp thuận thêm 7 thành viên mới, một ngày trước khi diễn ra sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Bắc Kinh trong năm 2017.
Lãnh đạo từ 29 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ tham dự một diễn đàn về Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh vào ngày 14 và 14/5.
Đây là một sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa nhiều nước ở châu Á, châu Phi và châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình, với việc đổ hàng tỷ đôla vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo Reuters, các quốc gia thành viên mới là Bahrain, Bolivia, Chile, Síp, Hy Lạp, Romania, và Samoa, đưa số thành viên của ngân hàng này lên 77 nước, trong đó có Việt Nam.
13 thành viên tiềm năng của AIIB từ khắp thế giới đã được thông qua vào tháng Ba vừa qua.
Thoạt đầu, Hoa Kỳ phản đối định chế tài chính đa phương, vốn được coi là đối thủ của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, do phương Tây thống trị, nhưng sau đó vẫn thu hút được các đồng minh của Mỹ, trong đó có Anh, Đức, Australia và Nam Hàn.
Trong một diễn biến mới nhất, Truyền hình Việt Nam đưa tin hôm 11/5 rằng trong khi tiếp Chủ tịch AIIB Kim Luật Quần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “nhu cầu về vốn của Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng đang rất lớn” và kêu gọi “tài trợ vốn cho Việt Nam”. - VOA
***
Các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương từ khối 7 quốc gia phát triển G7 “không thảo luận về nguy cơ từ chính sách bảo hộ thương mại”.
Bộ trưởng Kinh tế Italia Pier Carlo Padoan được hãng tin Reuters dẫn lời cho biết như vậy hôm 13/5.
Trước một câu hỏi về sự quan ngại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các thỏa thuận thương mại tự do đa phương, ông Padoan nói rằng “vấn đề bảo hộ không được thảo luận cả thẳng thắn lẫn ngấm ngầm”.
Quan chức Italia này nói rằng “việc phá vỡ hệ thống không giúp ích cho bất kỳ ai”, theo Reuters.
Trong một diễn biến riêng rẽ khác, thống đốc Ngân hàng Italia Ignazio Visco nói rằng không ai trong cuộc họp G7 đã nêu lên các mối quan ngại liên quan tới tình hình chính trị ở Italia trước các cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2018.
Italia hiện nắm vị trí chủ tịch G7 và cuộc họp của các quan chức kinh tế của khối lần này diễn ra ở Bari. - VOA
|
|
5.
Tổng thống Nga trổ tài đánh piano ở Trung Quốc
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện khả năng đánh piano trong khi chờ thảo luận song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 14/5.
Theo Reuters, trước đó trong ngày, nhà lãnh đạo Nga đã phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc.
Ông sau đó đã tới khu nhà khách Điếu Ngư Đài để gặp và thảo luận với ông Tập và các nhà lãnh đạo khác.
Trong khi đợi để thảo luận song phương với ông Tập, theo Reuters, ông Putin đã chơi một vài đoạn nhạc.
Theo hãng thông tấn TASS và đài truyền hình quốc gia Nga, nhà lãnh đạo này đã thể hiện một vài đoạn trong các bài hát từ thời Xô Viết về thành phố Moscow và St Petersburg.
Reuters cho biết rằng nhà lãnh đạo Nga 64 tuổi từng phô diễn khả năng đánh piano trong quá khứ, trong khi ông thường thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ.
Báo chí từng đăng tải hình ảnh ông Putin cưỡi ngựa ở Siberia, lái máy bay dập lửa hay lặn xuống hồ Baikal và Biển Đen ngoài khơi Crimea. - VOA
|
|
6.
Trung Quốc chi mạnh cho Con đường Tơ lụa mới --- Bắc Hàn ‘phủ bóng’ diễn đàn Con đường Tơ lụa
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/5 cam kết chi 124 tỷ đôla vào kế hoạch Con đường Tơ lụa mới, đồng thời kêu gọi chấm dứt mô hình hợp tác cũ dựa trên sự tranh giành quyền lực ngoại giao.
Theo Reuters, ông Tập sử dụng hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của nhiều nhà lành đạo và các quan chức hàng đầu thế giới, trong đó có Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, để củng cố vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên thế giới.
Chính sách củng cố thương mại tự do với sự tham gia của nhiều nước được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy chiến lược “Nước Mỹ đầu tiên”, đồng thời đặt dấu hỏi về các thỏa thuận thương mại tự do trên thế giới.
Phát biểu khai mạc diễn đàn kéo dài hai ngày ở Bắc Kinh, ông Tập nói: “Chúng ta cần phải xây dựng một nền tảng hợp tác mở và duy trì cũng như mở rộng một nền kinh tế mở trên thế giới”.
Trung Quốc coi sáng kiến với tên gọi chính thức là “Vành đai và Con đường” là một cách thức mới nhằm củng cố phát triển.
Ông Tập công bố kế hoạch này năm 2013 nhằm mở rộng sự hợp tác giữa châu Á, châu Phi và châu Âu với hàng tỷ đôla đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng thế giới cần phải tạo ra "các điều kiện thúc đẩy phát triển và khuyến khích việc xây dựng các hệ thống luật lệ và thương mại đầ tư toàn cầu công bằng, hợp lý và minh bạch”.
Vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc, Bắc Hàn lại phóng thử một quả tên lửa đạn đạo, trắc nghiệm sự kiên nhẫn của Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng.
Hoa Kỳ hôm 12/5 đã gửi công hàm ngoại giao tới Bắc Kinh, phản đối sự tham dự của Bắc Hàn tại hội nghị thượng đỉnh. - VOA
***
Trung Quốc hôm 13/5 nói rằng nước này chào đón mọi quốc gia tới tham dự một diễn đàn về kế hoạch Con đường Tơ lụa vào cuối tuần này, sau khi Hoa Kỳ cảnh báo Bắc Kinh rằng sự tham gia của Bắc Hàn có thể ảnh hưởng tới sự tham dự của các nước khác.
Reuters dẫn hai nguồn thạo tin nói rằng Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã gửi công hàm ngoại giao tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong đó nói rằng việc mời Bắc Hàn dự diễn đàn phát đi một thông điệp sai lầm, trong khi cả thế giới tìm cách gây áp lực lên Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Hãng tin này nhận định rằng bất đồng Mỹ - Trung về Bắc Hàn có thể phủ bóng lên sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm.
Khi được Reuters hỏi về công hàm trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi trả lời bằng một tuyên bố ngắn, trong đó nói Bộ này “không hiểu về tình huống này”.
“Sáng kiến Vành đai và Con đường để ngỏ và bao gồm nhiều bên. Chúng tôi hoan nghênh các phái đoàn của mọi quốc gia tới tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường”, thông cáo có đoạn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần này cho biết rằng Bắc Hàn cử một phái đoàn tới hội nghị thượng đỉnh, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Trong khi đó, một phái đoàn của Mỹ, do cố vấn Nhà Trắng Matt Pottinger dẫn đầu, cũng tới tham dự.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang ngày 11/5 bắt đầu chuyến công du Trung Quốc cho tới ngày 15/5 để tham dự diễn đàn “Vành đai và Con đường”. Nhân dịp này, ông Quang đã gặp một loạt các quan chức cấp cao nước chủ nhà.
Tân Hoa Xã đưa tin rằng diễn đàn hợp tác này sẽ được tổ chức từ ngày 14 tới 15/5 tại Bắc Kinh, và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phát biểu lễ khai mạc và chủ trì hội nghị bàn tròn với lãnh đạo tới tham dự.
Hãng tin này cũng cho biết, theo lời mời của ông Tập, 28 nguyên thủ các nước sẽ tới tham dự sự kiện. Ngoài lãnh đạo Việt Nam còn có quan chức các nước châu Á khác như Campuchia, Lào, Philippines, Indonesia, Malaysia và Miến Điện. - VOA
|
|
7.
Philippines đề xuất 'khai thác ba bên' ở Trường Sa? --- Biển Đông: Philippines và Trung Quốc khởi sự đối thoại song phương
Đặc phái viên Philippines chuyên về đối thoại liên văn hóa đề xuất việc khai thác tài nguyên ba bên, giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, tại khu vực Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, hãng tin Reutes tường thuật.
Ông Jose de Venecia nêu vấn đề tại Bắc Kinh, nơi đang có diễn đàn thượng đỉnh nhằm thảo luận về dự án đầy tham vọng của Trung Quốc, theo đó muốn nối liền châu Á, châu Âu và châu Phi bằng những tuyến đường trên bộ và trên biển.
Ông De Venecia nói rằng nỗ lực khai thác ba bên sẽ thúc đẩy hòa bình và phát triển kinh tế.
Bắc Kinh và Manila sẽ bắt đầu tham vấn song phương về các bất đồng trên Biển Đông vào tuần này, hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Philippines tại Bắc Kinh nói, vào lúc Manila đang muốn làm giảm căng thẳng với quyền lực kinh tế hàng đầu của Á châu.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hiện đang có mặt tại Bắc Kinh, tham dự diễn đàn Một Vành đai Một Con đường.
Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi sáng kiến còn được coi là Con đường Tơ lụa mới này là bước đi đúng đắn hướng tới một tương lai "hạnh phúc, hòa bình và hòa hợp", và nhằm kết nối chiến lược các kế hoạch đang có, gồm các kế hoạch với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ và Việt Nam, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng tường thuật.
Hiện ông Duterte đã chọn cách theo đuổi Trung Quốc nhằm đạt được các khoản đầu tư, kinh doanh của Bắc Kinh và tránh những tranh cãi chủ quyền mà các lãnh đạo tiền nhiệm của ông để lại.
TQ và Philippines tham vấn song phương về Biển Đông
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, Jose Santiago Santa Romana nói với các phóng viên vào cuối ngày thứ Bảy rằng việc tham vấn giữa hai quốc gia sẽ được thực hiện tại Trung Quốc.
Ông nói thêm rằng tranh cãi giữa hai nước "không thể giải quyết chỉ sau một đêm".
"Phiên tham vấn đầu tiên sẽ diễn ra trong tuần tới, nhưng đây sẽ là phiên họp được thực hiện hai năm một lần. Nó sẽ là cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về vấn đề Biển Đông," ông đại sứ được hãng tin AFP dẫn lời.
Hồi cuối tháng Ba vừa qua, trang tin philstar.com đã đưa tin về việc Trung Quốc và Philippines sẽ bắt đầu có các cuộc thảo luận trực tiếp về tranh chấp ở Biển Đông vào tháng Năm.
Trang tin này dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Trung Quốc theo đó nói Bắc Kinh đã mời các quan chức ngoại giao Philippines tới đàm phán về một cơ chế tham vấn song phương đối với chủ đề Biển Đông, và đề nghị hai bên bắt đầu có cuộc họp tham vấn trong tháng Năm.
Tuy nhiên, tới nay phía Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về việc này, Reuters nói.
Ông Duterte đã bị một số người cáo buộc là có quan điểm chịu thất bại trước Trung Quốc và trong việc bảo vệ chủ quyền của Philippines. Ông coi cách tiếp cận của mình là thực tiễn, và nói việc thách thức Trung Quốc sẽ chỉ đẩy tới nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Đại sứ Santa Romana nói rằng việc ông Duterte có mặt tại diễn đàn Một Vành đai, Một Con đường không nên bị coi là việc Philippines từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của Manila tại Biển Đông.
Chính phủ Philippines hồi 2013 đã đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA), và tới 7/2016 đã được cơ quan này ra phán quyết có lợi trong tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Duterte sau đó đã xếp lại nội dung phán quyết và nói ông sẽ quay trở lại xem các nội dung đó vào cuối nhiệm kỳ.
Trung Quốc lâu nay tuyên bố chủ quyền với hầu hết các vùng biển giàu tài nguyên ở Biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng trị giá 5 ngàn tỷ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm.
Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần ở nơi này. - BBC
***
Manila và Bắc Kinh sẽ chính thức đối thoại song phương về các tranh chấp tại Biển Đông kể từ tuần tới. Trên đây là thông báo của đại sứ Philippines tại Trung Quốc ngày hôm qua, 13/05/2017. Theo đại sứ Philippines, với cuộc đối thoại này, « một chương mới » mở ra trong quan hệ hai nước.
Theo báo chí Philippines, cuộc đối thoại sẽ diễn ra bên lề một hội nghị cấp thứ trưởng ngoại giao giữa ASEAN và Trung Quốc tại miền nam Trung Quốc. Trả lời kênh truyền hình Philippines ABS-CBN, đại sứ Jose Santa Romana cho biết cuộc đối thoại đầu tiên này là dịp mở đầu cho một « cơ chế tham vấn song phương » lâu dài, dự kiến sẽ diễn ra với nhịp độ hai lần một năm. Cơ chế này trước hết giúp cho hai phía trao đổi các quan điểm riêng, vốn rất khác biệt, của mình về vấn đề Biển Đông.
Đại sứ Philippines giải thích việc mở ra cuộc đối thoại song phương là kết quả của chính sách ngoại giao mới của tổng thống Rodrigo Duterte, « tách biệt » các tranh chấp Biển Đông với các quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa với Trung Quốc, khác với chính sách đối đầu của tổng thống tiền nhiệm.
Theo đại sứ Jose Santa Romana, « nếu đặt các tranh chấp Biển Đông ở trung tâm và chọn cách đối đầu làm chính, hệ quả là các quan hệ hợp tác sẽ bị cản trở, bởi các tranh chấp không thể được giải quyết một cách nhanh chóng ».
Đại diện ngoại giao Philippines cho rằng việc ngư dân Philippines trở lại hoạt động bình thường trong những tháng gần đây tại khu vực xung quanh bãi cạn Scarbourough, vốn bị Trung Quốc kiểm soát, là một dấu hiệu thành công cụ thể của chính sách ngoại giao mới.
Manila không từ bỏ các thắng lợi pháp lý tại La Haye
Tuy nhiên, đại sứ Philippines nhấn mạnh, tách các tranh chấp tại Biển Đông sang một bên không có nghĩa là Manila từ bỏ các đòi hỏi chủ quyền của mình tại khu vực này. Báo Philippines Inquirer dẫn lời đại sứ Jose Santa Romana, theo đó Manila sẽ « không từ bỏ » các thắng lợi về pháp lý, đạt được với phán quyết hồi tháng 07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, trong vụ kiện chống lại Trung Quốc.
Cho đến nay, các tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh tại hầu hết Biển Đông, con đường hàng hải huyết mạch thế giới, không những gây lo ngại rất lớn cho các nước láng giềng trực tiếp có tranh chấp với Trung Quốc, mà còn là một trong những hồ sơ quốc tế nóng bỏng nhất, đặc biệt với việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và gia tăng quân sự hóa khu vực này.
ASEAN đang nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC), để ngăn ngừa xung đột bùng phát.
Ngoại trưởng Indonesia khuyến nghị nhanh chóng hoàn tất COC
Trong cuộc hội kiến với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Bắc Kinh, hôm qua 13/05, ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đề nghị Trung Quốc thực sự nỗ lực để thực thi cam kết thông qua dự thảo khung của Bộ Quy Tắc Ứng Xử COC vào giữa năm nay.
Theo báo Singapore Straits Times, mong muốn của phía Indonesia là cùng với việc thông qua dự thảo khung nói trên, Bắc Kinh cần thông báo rõ lộ trình hoàn tất COC trong thời hạn sớm nhất.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte hiện có mặt tại Bắc Kinh để tham dự thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới, do Trung Quốc tổ chức hai ngày 14-15/05. - RFI
|
|
8.
Phi trường LAX thay đổi lớn, Delta và 14 hãng hàng không dời vị trí
Sau gần một năm hoạch định, Delta Airlines, hãng hàng không đầu tiên trong số 15 hãng vào đêm Thứ Sáu, bắt đầu công việc chưa từng có trước đây, đó là dời địa điểm hoạt động tại khu vực trung tâm tiếp nhận hành khách bận rộn của phi trường quốc tế Los Angeles (LAX).
Theo báo Los Angeles Times, nỗ lực kéo dài sáu ngày của hãng Delta Airlines là dời từ Terminal 5 và 6 sang Terminal 2 và 3, đồng thời 14 hãng hàng không khác điền vào chỗ trống đó.
Việc thay đổi trạm lớn nhất trong lịch sử LAX sẽ giúp cho Delta mở rộng thêm hoạt động, bằng cách mở thêm bảy cổng cho hành khách lên máy bay, cũng như sự đi đến dễ dàng hơn tại trạm Tom Bradley International Terminal đối với Delta và các hãng cộng tác Aeromexico, Virginia Atlantic và WestJet.
Hiện Delta đã dời hằng chục xe đẩy và máy điện toán quầy vé sang Terminal 2 và 3. Nhiều hãng hàng không khác gồm Hawaiian và JetBlue cũng đã đưa thiết bị của họ sang địa điểm mới.
Bảng báo thay đổi trạm được dựng lên khắp nơi. Tại lối vào LAX, bích chương của Delta loan báo: “Chúng tôi dời sang Terminal 2 và 3 bắt đầu từ ngày 13 Tháng Năm.” Những bảng báo khác được đặt ở khắp Terminal 2, 3, 5 và 6.
Hệ thống liên lạc công cộng của LAX cũng lập đi lập lại thông báo dời trạm và khuyên hành khách nên tham khảo với các trang mạng của phi trường và hãng hàng không để biết thêm chi tiết.
Nhân viên của Delta và LAX cũng sẽ giúp hành khách để không bị trễ chuyến bay. Trong một vài trường hợp, hành khách có thể kiểm tra vé tại trạm này nhưng lên máy bay ở trạm khác.
Hành khách được khuyên hãy đến phi trường sớm hơn thường lệ, tải xuống trước vé lên tàu, kiểm soát tình trạng chuyến bay và tham khảo trang mạng của hãng. Thông tin có thể tìm thấy tại trang mạng của LAX và app của Delta.
Để Delta dọn vào Terminal 2 và 3, có 20 hãng khác phải dọn ra gồm American, Air Canada, Avianca, Copa, Hainan Airlines, Hawaiian Air, Interjet, Qatar Airways, Sun Country, Thomas Cook, Volaris, XL Airways France, Allegiant Air, Boutique Air, Frontier, JetBlue, Southwest (international), Spirit, Virginia America và Virgin Australia. - nguoiviet
|
|
Tin Hoa Kỳ
9.
Ít người Mỹ ủng hộ vụ sa thải giám đốc FBI --- Trump tuyên bố nhanh chóng bổ nhiệm giám đốc FBI mới
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy lượng người Mỹ phản đối việc Tổng thống Donald Trump sa thải giám đốc FBI James Comey chiếm số đông hơn.
Theo khảo sát của New York Times/Wall Street Journal trong những ngày gần đây, chỉ có 29% số những người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc ông Trump sa thải ông Comey. Ông Comey ở thời điểm đó đã là giám đốc Cục Điều tra Liên bang được 4 năm trong nhiệm kỳ 10 năm. Trong khi đó, 38% phản đối. Những người còn lại nói họ không nắm rõ nên không có ý kiến.
Nhưng trong số những người theo dõi sát sao tin về vụ sa thải bất ngờ ông Comey, 53% nói rằng họ phản đối và 33% ủng hộ.
Ông Trump đã sa thải ông Comey hôm thứ Ba, lúc đầu nói rằng ông chấp nhận các khuyến nghị từ Tổng Chưởng lý Jeff Sessions và vị phó của ông là Rod Rosenstein, đề xuất rằng ông Comey đáng bị bãi nhiệm vì vai trò của ông hồi năm ngoái trong cuộc điều tra về đối thủ tranh cử tổng thống của ông Trump bên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton và cung cách bà quản lý tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia trên máy chủ email cá nhân của bà.
Nhưng đến cuối tuần, ông Trump nói rằng ông tự đi đến quyết định sa thải ông Comey bất chấp các lời khuyến nghị và ông đã nghĩ đến "chuyện liên quan đến Nga" khi ông quyết định sa thải ông Comey. Cựu giám đốc của FBI đã chỉ đạo cục của ông điều tra về kết luận của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và có thể có sự thông đồng giữa các phụ tá tranh cử của ông Trump và các quan chức Nga. - VOA
***
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy nói rằng ông sẽ xúc tiến nhanh chóng để đề cử một giám đốc FBI mới, sau khi ông gây ra cơn bão lửa chính trị bằng việc sa thải người đang điều tra điều có thể là sự thông đồng giữa Nga và ban vận động tranh cử của ông Trump.
Ông Trump nói với các phóng viên rằng ông thậm chí có thể đưa ra quyết định về việc ai nên kế nhiệm ông James Comey để lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang trước khi ông rời đi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông vào cuối tuần sau.
"Ngay cả việc đó cũng có thể xảy ra," ông Trump phát biểu trên chuyên cơ Air Force One trước khi khởi hành đến thành phố Lynchburg bang Virginia, nơi ông phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Liberty.
"Tôi nghĩ rằng quá trình này sẽ diễn tiến nhanh chóng," ông nói thêm rằng các ứng viên được xem xét đều là những người được nhiều người biết tới. "Về cơ bản họ đã được thẩm xét lý lịch cả đời. Nhưng là những người rất có tiếng, rất được nể trọng, thực sự có tài. Và đó là điều mà chúng tôi muốn cho FBI."
Những người chỉ trích đã đả kích ông Trump vì đột ngột sa thải ông Comey, người khi đó đang dẫn đầu cuộc điều tra của FBI nhắm vào điều được nói là sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, và những mối liên hệ có thể có giữa Moscow và ban vận động tranh cử của ông Trump. Nga bác bỏ những tuyên bố này và Tòa Bạch Ốc nói không có sự thông đồng.
Một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết ông Trump đang cân nhắc 11 người thay thế ông Comey. Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn, Thẩm phán Tòa án Phúc thẩm New York Michael Garcia và cựu Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Alice Fisher sẽ được phỏng vấn vào ngày thứ Bảy cho chức vụ này. - VOA
|
|
10.
Tillerson tự tin về quan hệ với Trump
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói ông không lo lắng về vị thế của mình với Tổng thống Donald Trump sau vụ ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey.
Ông Tillerson nói với chương trình Meet the Press (Gặp gỡ Báo chí) của đài NBC News hôm Chủ nhật: "Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với tổng thống. Tôi hiểu những mục tiêu của ông là gì. Khi tôi không rõ về những mục tiêu của ông, chúng tôi thảo luận về điều đó".
Ông Tillerson phát biểu như vậy vào lúc ông Trump chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống. Hôm thứ Sáu, ông lên đường đi Ả-rập Xê-út để hội đàm với Quốc vương Salman, và tới Israel để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bàn về những bất ổn và các mối đe dọa an ninh đang diễn ra ở khu vực Trung Đông nhiều bất ổn. Sau đó, ông Trump sẽ thăm Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican, tiếp đến sẽ gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới tại NATO cũng như tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế G7.
Ông Tillerson nói: "Tôi tận tâm giúp Tổng thống đạt được các mục tiêu của ông, giúp ông thành công. Và tôi hiểu rằng hàng ngày tôi phải giành được sự tin tưởng của ông về cách tôi giải quyết những vấn đề đó cũng như cách tôi tiến hành các hoạt động của Bộ Ngoại giao nhất quán với đường hướng ông lãnh đạo đất nước".
Thứ Ba tuần trước, ông Trump đã sa thải ông Comey khỏi chức giám đốc Cục Điều tra Liên bang.
Ông Tillerson nói cuộc tranh luận chính trị ở Washington về vụ sa thải ông Comey không ảnh hưởng đến ông và mối quan hệ của ông với ông Trump. - VOA
|
|
11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hủy bỏ họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng
Việc tổng thống Donald Trump bất ngờ cách chức giám đốc FBI James Comey và những lời giải thích đầy mâu thuẫn của Nhà Trắng đã tạo nên một con bão truyền thông tại Mỹ. Tức giận với các phóng viên, ngày 12/05/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết tin nhắn đe dọa chấm dứt truyền thống họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng. Hôm 13/05, trong một buổi phỏng vấn truyền hình, Donald Trump khẳng định ý muốn trên, cho rằng truyền thông thù ghét ông
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier cho biết thêm chi tiết :
Tuần qua, các phát ngôn viên của Nhà Trắng ngày nào cũng phải ê chề chịu trận trước các các nhà báo. Vì thế, Donald Trump cho biết phải chống trả « các tin giả ». Theo ông, các phương tiện truyền thông không hiểu gì về việc ông làm và dành thời gian để « vạch lá tìm sâu ».
Đối với Donald Trump, giải pháp chống lại có thể là hủy bỏ các buổi hỏi/đáp theo truyền thống với báo chí, như ông viết trên mạng Tweeter hôm thứ Sáu.
Không chỉ viết trên mạng xã hội, tổng thống đã phát triển ý này trên truyền hình ngày thứ Bảy 13/05. Theo ông, các phóng viên rất thích gây gổ, họ chỉ tập trung vào một số chủ đề và có thể giật một tít lớn khi ông mới chỉ nói một vài từ, chưa hết cả câu.
Ông Trump nói : « Đơn giản là chúng ta hủy bỏ các buổi họp báo. Trừ khi tôi muốn họp báo hai tuần 1 lần, và chính tôi làm việc đó, còn thì hủy bỏ hết. Tôi nghĩ rằng đây là một ý hay. Ở đó, tôi thấy có sự thù hằn không tới mức thể tin được. Sarah Huckabee là một phụ nữ trẻ duyên dáng, còn Sean Spicer là một người tuyệt vời, rất đáng mến. »
Hai phát ngôn viên trên chắc chắc sẽ hài lòng khi thấy ông chủ khen họ đáng mến. Nhưng Donald Trump lại chẳng nhắc gì đến năng lực của hai người này và tỏ ra không dứt khoát về tương lai của họ. Nhất là Donald Trump không thực sự bênh vực họ khi giải thích rằng, bản thân ông cũng rất năng động nên có nhiều ý tưởng xuất sắc nảy ra trong đầu, vì thế họ rất khó theo kịp ông.
Đối với Donald Trump, các phóng viên có thể sẽ phải tự bằng lòng với các bản thông cáo khi làm việc, trong khi chờ đợi các buổi họp báo được tổng thống tổ chức 15 ngày 1 lần.
Cho dù thường được coi là mang tính chất « màu mè » hơn là thực chất, các phát biểu của ông Trump lại rất ăn khách. Ông Donald Trump không ngại nhắc lại rằng lượng khán giả xem các buổi họp báo của ông trên truyền hình cao ở mức lịch sử.
Liên quan tới chức giám đốc FBI, theo AFP, hôm qua tổng thống Donald Trump cho biết muốn nhanh chóng bổ nhiệm một người vào chức vụ này. - RFI
|
|
12.
‘Cản trở công lý,’ cựu cảnh sát trưởng LA County lãnh 3 năm tù
Ông Lee Baca, cựu cảnh sát trưởng của Los Angeles County, nhân vật một thời được nể trọng, hôm Thứ Sáu bị tuyên án ba năm tù tại nhà tù liên bang vì có vai trò trong âm mưu cản trở cuộc điều tra của FBI về việc ngược đãi tù nhân trong các nhà tù của quận hạt.
Theo Los Angeles Times, Chánh Án Liên Bang Percy Anderson loan báo về số phận của ông Baca tại tòa án ở trung tâm thành phố, nơi đông nghẹt những người ủng hộ bị cáo, nhân viên FBI và các ủy viên công tố.
Ông Baca, 74 tuổi, người đang bị bệnh Alzheimer’s thời kỳ đầu, không bày tỏ cảm xúc nào khi nghe đọc quyết định.
Vị cựu cảnh sát trưởng này được lệnh phải trình diện với giới chức nhà tù liên bang trước ngày 25 Tháng Bảy, mặc dù ông dự tính xin được tiếp tục tự do tạm qua việc đóng tiền tại ngoại trong khi đang tiến hành thủ tục chống án.
Không rõ yêu cầu của ông Baca có được chấp thuận hay không vì Chánh Án Anderson từng từ chối đòi hỏi tương tự đối với ông Paul Tanaka, giới chức cảnh sát cao cấp thứ nhì, sau ông Baca, và đang thọ án 5 năm tù.
Chưa có quyết định ông Baca sẽ thi hành án tại nơi nào. Luật sư biện hộ xin cho ông được giam tại nhà tù ở Taft, California, hay ở Oregon.
Sau thời gian tù, ông Baca phải chịu thêm một năm quản chế. Ngoài ra ông còn phải đóng phạt $7,500.
Ông là người thứ chín trong Sở Cảnh Sát Los Angeles County bị truy tố và lãnh án tù vì âm mưu cản trở công việc của các nhân viên FBI khi họ đang thu thập chứng cớ cho cuộc điều tra của một đại bồi thẩm đoàn về những tố cáo tình trạng ngược đãi tù nhân lan tràn tại các nhà tù trong quận hạt do sở cảnh sát này quản lý.
Bị cáo âm mưu thứ 10 là cựu đại úy cảnh sát William “Tom” Carey, người nhận có tội khi thỏa thuận thương lượng với phía công tố và khai chống lại ông Baca. Ông Carey sẽ bị tuyên án nội trong tháng này.
Nhiều nhân viên cảnh sát đã bị kết tội trong một loạt những vụ xử về hành vi đánh đập tù nhân hoặc góp tay để bao che việc ngược đãi. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
13.
Việt Nam, Trung Quốc sẽ 'củng cố tình đồng chí'
Lãnh đạo và các quan chức cao cấp của Trung Quốc hai ngày qua đã gặp riêng rẽ với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, cam kết củng cố “mối quan hệ đồng chí và anh em”, theo Tân Hoa Xã.
Thủ tướng Lý Khắc Cường được hãng tin nhà nước nói rằng Trung Quốc sẵn lòng duy trì mối quan hệ song phương đi theo đường hướng đúng đắn, cũng như thúc đẩy hợp tác cả trên bộ lẫn trên biển với Việt Nam.
Ông Quang được Tân Hoa Xã nói rằng Hà Nội sẵn sàng “củng cố mối quan hệ hữu nghị anh em và đồng chí Việt – Trung để đảm bảo mối quan hệ song phương lâu bền, ổn định và lành mạnh”.
Theo báo Nhân Dân, trong cuộc gặp này, Chủ tịch Việt Nam bày tỏ “mong muốn các bộ, ngành và địa phương Trung Quốc sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, thủy hải sản, thịt lợn của Việt Nam”.
Cuộc khủng hoảng thịt lợn ở Việt Nam hiện nay được cho là xuất phát từ việc “phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý mở cửa thị trường chính thức với thịt lợn nhập khẩu từ Việt Nam”.
Trước cuộc gặp với ông Lý, theo VnExpress, “Trung Quốc bắn 21 phát đại bác chào đón” ông Quang trong lễ đón với sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hà Nội cũng từng bắn đại bác chào đón ông Tập tới Việt Nam năm 2015.
Ông Quang thăm Trung Quốc từ ngày 11 tới 15/5 để dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường, được coi là sự kiện ngoại giao lớn nhất của Bắc Kinh trong năm 2017.
Ngoài thảo luận với quan chức nước chủ nhà, theo VPG News, ông Quang hôm 14/5 còn gặp “Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Toshihiro Nakai”. - VOA
|
|
14.
Trầm trọng, khủng hoảng lợn ở Việt Nam
Lần đầu tiên đích thân bộ trưởng Nông Nghiệp Phát triển, rồi đến thủ tướng và cả bộ máy nhà nước của chế độ Hà Nội lên tiếng kêu gọi giúp giải cứu thịt lợn.
Thịt heo hơi ở các tỉnh trọng điểm chăn nuôi như Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai… có giá thấp bằng một ly cà phê đá vỉa hè (khoảng 12,000 đồng), thấp hơn cả 1kg khoai lang, khoai tây. Trong khi giá lợn hơi thị trường cuối năm 2016 trên 30,000 đồng.
Nhiều ngày qua, ngày nào hệ thống tuyên truyền chế độ cũng ra rả điệp khúc, “giải cứu thịt lợn” và một trong những nơi tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất là Sài Gòn, người dân vẫn không thể bỏ các món ăn quen thuộc như rau, cá, đậu để ăn toàn thịt lợn.
Dạo một vòng Sài Gòn, người ta ghi nhận các điểm bán cơm tấm, một món ăn khoái khẩu với món sườn lợn nướng, thịt heo kho tàu… giá vẫn không tuột theo giá thịt lợn hơi. Ở các chợ và siêu thị lớn nhỏ, giá thịt lợn bán ra chỉ giảm chút ít để lấy lòng khách hàng nếu họ thắc mắc.
Vậy vụ khủng hoảng thừa thịt lợn làm bà con chăn nuôi chết đứng, chết ngồi hiện nay có nguyên nhân từ đâu? Một lần nữa người ta lại nghe điệp khúc lập đi lập lại hàng chục năm nay. Trung Quốc không ăn dưa hấu, dưa thúi, không ăn dừa, dừa khô, không ăn lợn, lợn sình… Có thể không cho đây là các cú đòn kinh tế mà Trung Quốc đánh vào dân Việt nam, nhưng có lý do để tin rằng hệ thống điều hành kinh tế của chế độ Hà Nội hiện nay kém cỏi nhất và vô trách nhiệm nhất.
Để chứng minh điều này, nếu ở Sài Gòn, bạn chỉ cần ghé một điểm bán gà nướng, gà chiên bình dân, cầm trên tay những cái đùi gà to béo thơm ngon, bạn sẽ choáng khi biết giá một ký lô đùi gà công nghiệp nhập cảng được cho là gà Mỹ, gà Ba Tây có giá 7,000 đồng, chưa bằng một tô hủ tiếu mì gõ.
Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, chuyện các loại thịt nhập cảng tràn vào như thác lũ, như hiện nay. Một nhà báo am hiểu thị trường nói “Xứ mình có giống gà đi bộ dư sức ‘kháng chiến’ chống sự xâm lăng của gà công nghiệp nhập cảng, nhưng ‘đường cách mệnh’ của loại heo siêu trọng, siêu nạc coi như tiêu vong.”
Sau hơn hai tuần lễ chế độ Hà Nội la làng giải cứu thịt lợn. Tin cho biết vẫn còn hơn hàng chục ngàn tấn thịt lợn hơi chưa tiêu thụ được, dù công an, bộ đội,… bếp ăn tập thể của cả hệ thống cầm quyền đã ăn hết mức và đã hết kho chứa thịt lợn. Viễn cảnh không biết lùa đàn lợn thừa đó đi đâu là có thật, bởi vì nếu đưa vô lò giết mổ thì không đủ hệ thống kho đông lạnh đúng tiêu chuẩn dự trữ thịt.
Trên một số tờ báo mạng, báo in lề đảng đã xuất hiện lời kêu gọi tiến hành ngoại giao xin Trung Quốc giải cứu thịt lợn. Trên thế giới từng có việc hai nước Mỹ – Trung ngoại giao bóng bàn, gần nhất là chuyện ngoại giao đánh Golf,… nếu có chuyện ngoại giao thịt lợn giữa Hà Nội và Bắc Kinh thì cũng là việc xưa nay hiếm.
Nhưng nạn nhân chính của khủng hoảng thị lợn này chính là hàng triệu gia đình sống bằng chăn nuôi. Họ bị phá sản, nhà, đất thế chấp ngân hàng bị siết, con cái không tiền đóng học phí… trước mắt họ đâu thể nhìn đàn lợn tới thời điểm xuất chuồng mà khóc là yên chuyện bởi vì lúc này lợn hơi bán không ai mua, tiền mua thức ăn để nuôi sống đàn lợn thì không còn… Một số nơi như Văn Giang – Hưng yên, Hoài Ân – Bình Định, Thống Nhất, Định Quán, tỉnh Đồng Nai, người chăn nuôi lâm vào cảnh cùng cực đành bỏ mặc cho lợn đói, bịnh đến chết. - nguoiviet
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment