Tin Thế Giới
1.
Tin nói ông Trump lộ thông tin mật cho Nga --- Trump nói tổng thống có ‘quyền tối thượng’ chia sẻ thông tin với Nga
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tiết lộ thông tin mật cho Ngoại trưởng Nga trong cuộc họp giữa đôi bên hồi tuần trước và việc này có thể gây phương hại một nguồn tin tình báo về Nhà nước Hồi giáo, Reuters dẫn tin từ Washington Post ngày 15/5 cho hay.
Phản hồi trước tin này, Thượng nghị sĩ Dân chủ Dick Durbin nói hành xử của Tổng thống Trump là ‘nguy hiểm’ và ‘khinh suất’, còn Thượng nghị sĩ Cộng hòa đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Bob Corker, nói nếu thật sự có chuyện này thì ‘cực kỳ rất đáng quan ngại.’
Washington Post trích thuật một số giới chức đương thời cũng như một số cựu giới chức nói rằng thông tin mà ông Trump tiết lộ với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga Sergei Kislyak là từ một đối tác Mỹ cung cấp, thông qua một thỏa thuận chia sẻ thông tin có tính nhạy cảm cao độ.
Đối tác này không cho phép Washington chia sẻ tài liệu đó với Moscow, và hành động của ông Trump có thể đánh mất sự hợp tác từ một đồng minh có tiếp cận với các hoạt động bên trong của Nhà nước Hồi giáo, tờ Washington Post dẫn lời một số giới chức không muốn nêu tên cho biết.
Trong cuộc họp với ông Lavrov và Kislyak ở Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump đã mô tả chi tiết về một mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo liên hệ tới việc dùng máy tính xách tay trên máy bay, các giới chức nói.
Vẫn theo nguồn tin này, trong cuộc trao đổi với giới chức Nga, ông Trump dường như đã khoe khoang hiểu biết về các mối đe dọa đang phát sinh và nói với họ rằng ông được báo cáo từ ‘những nguồn tình báo cừ khôi’ mỗi ngày.
Dù thảo luận các vấn đề mật có thể là bất hợp pháp, nhưng Tổng thống có quyền bạch hóa những thông tin mật nhà nước, cho nên, hành động vừa rồi của ông Trump có thể không phạm luật, theo Washington Post.
Cuộc họp giữa Tổng thống Trump với ông Lavrov và Kislyak tại Tòa Bạch Ốc diễn ra 1 ngày sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey, lãnh đạo cơ quan điều tra về các liên hệ có thể có giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow.
Cố vấn an ninh quốc gia McMaster, người có tham dự cuộc họp giữa Tổng thống Trump với hai giới chức Nga, nói không một nguồn tin tình báo hay cách thức tình báo ‘mật’ nào được đề cập tới trong cuộc gặp. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về nguồn tin Washington Post đăng tải. - VOA
***
Sau truyền thông báo chí loan tin Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ thông tin mật với các giới chức Nga trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã viết trên Twitter hôm thứ Ba rằng ông muốn chia sẻ “các thông tin liên quan đến khủng bố và an toàn hàng không” và yêu cầu Nga phải có thêm hành động chống Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Trump nói thêm rằng trong tư cách tổng thống, ông có “quyền tuyệt đối” chia sẻ những thông tin đó.
Nhiều hãng tin của Mỹ nói rằng Tổng thống Trump đã tiết lộ những thông tin được xếp loại có độ bảo mật cao cho Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Ðại sứ Nga Sergey Kislyak trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hồi tuần trước.
Nhật báo Washington Post bình luận rằng ông Trump dường như muốn khoe khoang kiến thức của ông về mối đe dọa sắp tới đối với ngành hàng không.
Còn tờ New York Times thì nói rằng các thông tin vốn được xem là đặc biệt nhậy cảm đó thậm chí còn không được chia sẻ rộng rãi trong nội bộ chính phủ Mỹ hay với các đồng minh.
Hai nhật báo lớn này và các hãng tin khác cón nói thêm rằng các thông tin đó được tiết lộ có thể sẽ đặt ra một mối nguy hiểm cho các nguồn cấp thông tin tình báo về Nhà nước Hồi giáo và cách thức thu thập các thông tin tình báo đó.
Tổng thống Mỹ có quyền giải mật hầu như mọi thông tin, do đó việc Tổng thống Trump làm sẽ không bị xem là bất hợp pháp. Nhưng các giới chức tình báo được các hãng tin trích lời bày tỏ lo ngại rằng việc tiết lộ thông tin tình báo được một chính phủ đối tác của Mỹ cung cấp đó có thể gây phương hại đến các mối quan hệ trọng yếu của Mỹ với các đồng minh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông H. R. McMaster và các giới chức khác trong chính quyền Tổng thống Trump phủ nhận tính chính xác của các bản tin trên truyền thông báo chí.
Ông McMaster nói với các phóng viên báo chí tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai rằng tin tức này đầu tiên do báo Washington Post loan tải là “tin thất thiệt.” Ông nói tiếp rằng: “Không có một nguồn tin tình báo hay cách thức thu thập tin tình báo nào được mang ra thảo luận, và tổng thống không tiết lộ bất cứ cuộc hành quân nào chưa được công bố.”
Ông McMaster kết luận: “Tôi có mặt tại cuộc họp. Không có chuyện đó xảy ra.” Thông báo xong, ông McMaster quay lưng bước vào Cổng Tây của Tòa Bạch Ốc và không trả lời bất cứ câu hỏi nào của các phóng viên.
Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson cũng dự cuộc họp hôm 10/5 với Ngoại trưởng và Ðại sứ Nga. Ông Tillerson bênh vực phát biểu của ông McMaster và trong một thông báo nói rằng “rất nhiều đề tài trong nhiều lãnh vực được mang ra thảo luận, trong đó có các nỗ lực chung và những mối đe dọa chung liên quan đến việc chống khủng bố.”
Cả hai giới chức này đề phủ nhận việc tiết lộ thông tin bảo mật.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Ba cũng bác bỏ tin này vào nói rằng đó là “tin thất thiệt.”
Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) từ chối bình luận khi VOA liên lạc.
Ngay từ những ngày đầu của chính quyền ông Trump, vị tổng thống này dường như tỏ ra sẵn lòng làm việc với Nga đã khiến cho một số đồng minh của Mỹ cảm thấy không an tâm.
Một giới chức ngoại giao không muốn nêu tên nói với đài VOA rằng: “Đó là mối lo ngại chính. Nga là nước thường phá hoại.”
Nhưng một số cựu giới chức tình báo cho rằng ảnh hưởng từ cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc trong tuần qua, nếu có thì cũng sẽ không lớn.
Ông Michael Pregent, một cựu giới chức tình báo hiện đang cộng tác với viện nghiên cứu Hudson ở Washington, nhận định rằng: “Sẽ chẳng có thiệt hại gì cả. Chẳng có nguồn tin hay cách thu thập tin tình báo nào bị tiết lộ.”
Ông Pregent, người từng làm việc với ông McMaster ở Iraq, nói rằng ông Cố vấn An ninh Quốc gia chắc không thể để cho tổng thống vượt qua lằn ranh nguy hiểm.
Theo ông Pregent, thì ngược lại cuộc họp của các giới chức Nga tại Tòa Bạch Ốc có thể là một cơ hội cho Washington.
Ông nói: “Chia sẻ thông tin với Nga và kêu gọi họ thực hiện những hành động chưa được thực hiện để chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria.” - VOA
|
|
2.
'Vành đai, Con đường': dấu ấn Trung Quốc trên thương mại quốc tế --- OBOR: Mô hình "toàn cầu hóa" kiểu Trung Quốc
Trung Quốc nói gần 30 nguyên thủ quốc gia đến dự diễn đàn “Một vòng đai, Một con đường” đã cùng Bắc Kinh ký một thông cáo chung, cam kết chống chính sách bảo hộ kinh tế và bảo đảm tự do thương mại toàn diện. Trung Quốc cũng nhân dịp này tìm cách trấn an các nước khác về quy mô cũng như mục tiêu của sáng kiến đầy tham vọng của họ. Thông tín viên Bill Ide của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây từ Bắc Kinh.
Khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát động sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” cách đây hơn 3 năm, trọng tâm của sáng kiến này về phần lớn xoay quanh thương mại và sự nối kết.
Mặc dù thương mại và nối kết vẫn được đặt ở trọng tâm của dự án, tuy nhiên tại diễn đàn hai ngày vừa diễn ra ở Bắc Kinh, dự án này có quy mô lớn hơn như vậy rất nhiều.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói:
“Chúng ta đang ra sức nối kết những trục lộ trên bộ với các bến cảng và thiết lập những hệ thống hạ tầng cơ sở cho các tuyến đường bộ và hàng hải. Chúng ta cũng sẽ tăng cường những nối kết mềm, chẳng hạn như chia sẻ thông tin, công nhận các quy định hỗ tương, và tương trợ nhau trong việc thực thi pháp luật… hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, đấu tranh chống nạn tham nhũng, nghèo đói và giảm thiểu hậu quả thiên tai.”
Thông qua sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, Trung Quốc muốn ghi đậm dấu ấn độc nhất vô nhì của họ trên tiến trình toàn cầu hóa và thương mại quốc tế.
Thế nhưng không phải là tất cả các nước, đều đồng ý tham gia sáng kiến. Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries phát biểu:
“Trong tư cách một quốc gia, nước Đức không yêu cầu tham gia sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, tuy nhiên các công ty Đức cũng muốn tham gia. Rõ ràng điều hợp lý là phải biết những gì sẽ được xây dựng, và liệu những thủ tục để tham gia có đồng đều cho tất cả mọi công ty và mọi nước hay không?”
Cam kết của Trung Quốc sẽ đấu tranh chống chính sách bảo hộ kinh tế, cỗ vũ cho thương mại tự do, tương phản hẳn với những sự hạn chế mà nước này đã áp đặt lên nhiều công ty nước ngoài. Và vì thế rất nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của nước này.
Hơn 100 quốc gia và tổ chức tham gia các buổi họp này, kể cả một phái đoàn từ Hoa Kỳ và một phái đoàn đến từ Bắc Hàn.
Tổng Thống Nga Vladimir Putin có mặt trong số người tham dự được nhiều người chú ý tại hội nghị.
Trong một động thái khác thường, ông Putin chơi dương cầm trong khi chờ tới lúc gặp ông Tập, trong cùng ngày Bắc Hàn thực hiện vụ phóng phi đạn mới nhất.
Trung Quốc nói các nước tham gia hội nghị “Một vành đai, Một con đường” đã thỏa thuận về một kế hoạch hành động, liệt kê 270 mục tiêu, và buổi họp kế tiếp đã được ấn định vào năm 2019. - VOA
***
Trong hai ngày 14-15/05/2017, Thượng đỉnh "Con Đường Tơ Lụa Mới - OBOR (One Belt, One Road)" đã diễn ra tại Bắc Kinh. Le Monde nhận xét : « Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình trải thảm ‘những con đường tơ lụa’ ». Trong bài diễn văn khai mạc hôm Chủ Nhật, chủ tịch Trung Quốc khẳng định đây là một « dự án thế kỷ » và kêu gọi « xây dựng một khối cộng đồng lớn cùng chia sẻ các lợi ích ».
Thế nhưng, theo quan điểm của Les Echos, « Trung Quốc đang tìm cách áp đặt quan điểm của mình về toàn cầu hóa ». Bởi vì, theo nhận xét của nhật báo, ngoài những lợi ích kinh tế từ Con Đường Tơ Lụa Mới này, thì Bắc Kinh dự định sử dụng dự án trên như là một bàn đạp trên bình diện địa chính trị cho phép Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và gây được nhiều áp lực hơn trong việc điều hành thế giới.
Les Echos trích phân tích của ông Christian Deseglise, giáo sư đại học Columbia và chuyên gia về thị trường mới trỗi dậy thuộc ngân hàng HSBC, cho rằng : « Kể từ giờ Trung Quốc muốn có một vai trò lãnh đạo trên chính trường quốc tế. Với dự án Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR, Trung Quốc có những phản ứng trước những chỉ trích về hiện tượng toàn cầu hóa và việc từ bỏ hệ thống Bretton Woods, một hệ thống mà ở đó các nước mới trỗi dậy cảm thấy chưa được đại diện một cách thỏa đáng ».
Hệ thống Bretton Woods này được ký kết vào năm 1944, tại một hội nghị diễn ra tại Bretton Woods, New Hampshire, quy tụ hơn 730 đại biểu đến từ 44 lãnh đạo quốc gia. Hệ thống này thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Chế độ Bretton Woods quy định một ounce vàng có giá 35 đôla Mỹ. Hệ thống Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971.
Như để thuyết phục các đối tác Bắc Kinh đã cam kết một gói hỗ trợ về mặt tài chính trị giá 113 tỷ euro để phát triển nhiều công trình hạ tầng ở những nơi dự án OBOR đi qua (từ cầu cảng, đường bộ, cho đến đường sắt…), vốn tập trung đến hơn 60% dân số thế giới và chiếm đến 1/3 tổng thu nhập toàn cầu.
Tuy biết rằng đó là « một tham vọng quá khổ » nhưng đối với Bắc Kinh « dù chỉ là một phần dự án được thực hiện có hiệu quả, tiến bộ có được cũng sẽ rất là to lớn », như nhận định của ông Jean-François Di Meglio, chủ tịch Trung Tâm Cố Vấn Asia Centre.
Mặc dù cố sức bảo vệ « một sáng kiến đôi bên cùng có lợi» dựa trên sự « hợp tác » và đảm bảo mang lại « hòa bình và thịnh vượng », nhưng chủ tịch Tập Cận Bình vẫn không dỡ bỏ được mọi sự kháng cự của một số nước. Nhiều quốc gia láng giềng lo ngại chính sách bành trướng khu vực này của Trung Quốc, nhất là Ấn Độ và Nhật Bản.
Về phần mình, nhiều nước châu Âu cũng đã từ chối ký vào bản thông cáo chung do Trung Quốc soạn thảo khi cho rằng bản thông cáo này chưa đề cập đầy đủ những mối bận tâm của châu Âu trên phương diện minh bạch hóa thị trường công hay những chuẩn mực về xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, về điểm này, Le Figaro có bài viết của nhà báo Renaud Girard chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu đang thiếu một chiến lược trước đà tiến của Trung Quốc. Tác giả lưu ý là trên phương diện thương mại, Hoa Kỳ đã có một hình thức chiến lược riêng của mình là theo chủ nghĩa cơ hội. Nghĩa là tùy theo từng lợi ích tức thì mà Hoa Kỳ có thể luân phiên thay đổi mầu áo : tự do trao đổi mậu dịch hay bảo hộ mậu dịch. - RFI
|
|
3.
Bắc Triều Tiên bị nghi là tin tặc WannaCry?
Bằng chứng kỹ thuật của các chuyên gia điện toán cho thấy Bắc Triều Tiên có dính líu trong vụ tin tặc WannaCry tấn công các mạng điện toán trên toàn thế giới xem ra còn rất mong manh, nhưng Bình Nhưỡng có khả năng cao về điện toán và có động cơ thúc đẩy họ tấn công tin tặc để tống tiền nhằm bù đắp cho nguồn thu nhập bị thiệt hại vì các lệnh chế tài kinh tế.
Từ thứ Sáu, phần mềm chứa virút máy tính WannaCry xâm nhập hơn 300.000 máy tính tại 150 nước, gây tê liệt hoạt động của nhiều nhà máy, ngân hàng, cơ quan chính phủ, bệnh viện và hệ thống giao thông vận tải tại nhiều nơi trên khắp thế giới.
Các chuyên gia an ninh điện tóan của hãng Symantec và Kaspersky Lab nói rằng một số mã trong một phiên bản trước đây của phần mềm WannaCry cũng xuất hiện trong các chương trình của Lazarus Group – là nhóm mà các chuyên gia điện toán xác định là một tổ chức tin tặc do Bắc Triều Tiên điều hành.
Ông Eric Chien, chuyên gia của Symantc nói: “Đến thời điểm này, chúng tôi mới tìm được một vài mã mà chúng tôi xem là những chỉ dấu chưa rõ ràng hay những liên hệ còn mong manh giữa WannaCry với nhóm tin tặc trước đây được gọi là Lazarus. Nhóm Lazarus đứng sau các vụ tấn công tin tặc vào hãng phim Sony và các ngân hàng của Bangladesh. Nhưng các chỉ dấu đó hoàn toàn chưa đủ để xác định Lazarus chính là thủ phạm.”
Buereau 121
Symantec xác định Lazarus thực hiện các vụ tin tặc nhắm vào các ngân hàng ở châu Á trong mấy năm gần đây, trong đó có vụ đánh “cướp ngân hàng bằng kỹ thuật số” lấy đi 81 triệu đôla của ngân hàng trung ương Bangladesh hồi năm ngoái.
Chính phủ Mỹ quy cho Bắc Triều Tiên đã tấn công điện toán hãng phim Sony Pictures Entertainment khi hãng này tiết lộ những thông tin gây thiệt hại cho uy tín cá nhân và Bình Nhưỡng đe dọa sẽ “có biện pháp giáng trả không thương tiếc” nếu Sony phát hành một phim hài về vụ mưu sát ông Kim Jong Un. Nam Triều Tiên cũng tố cáo Bình Nhưỡng tìm cách tấn công tin tặc nhắm vào các ngân hàng, hãng truyền thông, các nhá máy điện và nhiều mục tiêu khác.
Bình Nhưỡng được cho là có hàng ngàn chuyên viên điện toán giỏi trong đơn vị chiến tranh điện toán Bureau 121 thuộc Tổng cục Trinh sát, một cơ quan tình báo tinh nhuệ của quân đội. Có tin nói rằng Lazarus là một chi nhánh của Bureau 121. Bắc Triều Tiên cũng từng bị cáo buộc dính líu vào các vụ tấn công mạng của một khách sạn ở thành phố Thẩm Dương của Trung Quốc gần biên giới với Triều Tiên.
Ông Choi Sang-myung, giám đốc công ty an ninh điện toán Hauri Inc. ở Seoul, nhận định: “Đa số trường hợp, họ tấn công trực tiếp, nhưng họ cũng tấn công các nước khác trước rồi chuyển dữ liệu sang đó. Do đó có nhiều nước khác nhau xuất hiện trong quá trình chúng tôi truy tìm, nhưng sau cùng một địa chỉ IP chính được xác định nằm tại Bình Nhưỡng.”
Tiền chuộc
Hiện chưa rõ liệu mục tiêu của WannaCry là để tống tiền hay để phá hoại trên diện rộng.
Các tên tin tặc WannaCry đã đòi các nạn nhân trả tiền chuộc, khởi sự khoảng 300 đôla để được giải mã, nếu không toàn bộ dữ liệu điện toán trong máy tính nhiễm virút sẽ bị hủy. Ông Tom Bosert, một cố vần về an ninh nội địa của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói rằng cho tới giờ mấy tên tin tặc đã thu được gần 70.000 đôla.
Theo tin của công ty an ninh điện tóa Avast, các nước bị thiệt hại nặng nhất trong vụ tin tặc WannaCry tính tới giờ là Nga, Ðài Loan, Ukraine và Ấn Ðộ.
Khốn đốn với các lệnh chế tài kinh tế trừng phạt các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cho nên không có gì ngạc nhiên khi Bắc Triều Tiên tìm cách bù đắp thu nhập bằng tấn công tin tặc để tống tiền. Nhưng phần mềm đòi tiền chuộc WannaCry tối tân hơn những phần mềm tin tặc mà Bắc Triều Tiên từng có trước đây.
Chuyên gia Choi nhận định tiếp: “Các phiên bản trước đây của phần mềm tin tặc tống tiền yêu cầu người dùng nhấp chuột vào một hồ sơ đính kèm trong email hoặc truy cập một trang web có cài virút, nhưng lần này, máy tính có thể bị nhiễm virút khi mới kết nối Internet mà không cần phải tải email hoặc truy vập vào một trang web.”
FireEye Inc., một hãng an ninh điện toán lớn khác, cho biết họ cũng đang điều tra nhưng thận trọng trong việc kéo Bắc Triều Tiên vào vụ tin tặc này.
Bắc Triều Tiên, ngoài những cáo buộc tấn công tin tặc còn bị cáo buộc làm bạc giả tờ 100 đôla trong vụ “siêu đôla” mà gần như không thể phát hiện ra một chi tiết giả mạo nào. - VOA
|
|
4.
Trung Quốc cho Philippines vay tiền mua võ khí
Chính phủ Trung Quốc đề nghị cho Philippines vay 500 triệu đô la để mua trang bị quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tiết lộ hôm 14/5.
Bên lề Diễn đàn Vành đai-Con đường ở Bắc Kinh, ông Lorenzana nói Philippines có thể mua trang bị quốc phòng của Trung Quốc.
Loan báo này được đưa ra sau khi đại diện của công ty chế tạo vũ khí Trung Quốc Poly Technologies Inc. thăm xã giao Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
“Chúng tôi không nói sẽ mua hay không vũ khí của họ, nhưng nếu chúng tôi cần thứ gì của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, chúng tôi sẽ mua sử dụng khoản vay mà họ đề nghị cho chúng tôi vay,” ông Lorenzana nói.
Ông Lorenzana cho biết là số tiền vay của chính phủ Trung Quốc sẽ để sẵn và Philippines sẽ chỉ sử dụng khoản tiền này một khi quỹ hiện đại hóa quân đội cạn kiệt.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines cho biết Lục quân, Không quân và Hải quân sẽ chọn các trang bị mua từ nhà sản xuất Trung Quốc.
Ông Lorenzana nói vũ khí của nhà sản xuất Trung Quốc đáp ứng những qui định của NATO. - VOA
|
|
5.
Pháp: Thực tế ngoại giao cản trở cao vọng châu Âu của tổng thống Macron --- Pháp: Thành lập nội các hòa hợp, thử thách của tân tổng thống --- Tại Berlin, tân tổng thống Macron đề cao quan hệ Pháp-Đức
Với chuyến công du nước ngoài đầu tiên ngay sau khi ông nhậm chức được dành cho nước Đức vào hôm qua, 15/05/2017, tân tổng thống Pháp Macron rõ ràng là sẽ ưu tiên cho châu Âu trong chính sách đối ngoại của mình, với mục tiêu là tạo dựng một châu Âu gắn kết chặt chẽ hơn. Ông Macron cố cho thấy là ông sẽ kiên quyết trong ngoại giao, nhưng theo giới phân tích, các thực tế nghiệt ngã của ngoại giao thế giới rất có thể sẽ khiến ông phải trở về với lối cũ.
Trong một bài phân tích đăng tải hôm qua, hãng tin Anh Reuters ghi nhận là trong quá khứ, Pháp thường bị các đồng minh xem là một nước ngoan cố, thích tự ý hành động, như đã can thiệp quân sự vào Libya, Trung Đông và vùng Sahel. Bản thân tổng thống Macron thì muốn hợp tác an ninh sâu hơn với châu Âu, nhưng rất có thể là ông sẽ cảm thấy là khó mà phá vỡ cái khuôn của các người tiền nhiệm như François Hollande và Sarkozy.
François Heisbourg, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, đồng thời là một cố vấn của ông Macron nhìn nhận : « Chúng tôi biết là trong thế giới này, không phải là tổng thống áp đặt đường lối đối ngoại, mà đường lối đối ngoại tự nó áp đặt lên tổng thống ».
Khi đến Berlin gặp thủ tướng Đức Angela Merkel để thêm hơi sức mới cho quan hệ Pháp, ông Macron đã tỏ hy vọng là Đức và Pháp, trong vòng vài tuần tới đây, sẽ đưa ra được một lộ trình tăng cường hơn nữa sự hội nhập châu Âu. Ông còn nói là việc cải tổ các hiệp ước trong khối Liên Hiệp Châu Âu không còn là điều cấm kỵ ở Pháp.
Kế tục hơn là đoạn tuyệt
Cho dù vậy, một nhà ngoại giao Pháp nhận định rằng sẽ không có thay đổi lớn lao trong chính sách ngoại giao Pháp. Trả lời Reuters, nhân vật này cho rằng sẽ không có một sự đoạn tuyệt quan trọng nào đối với quá khứ. Tất cả những chủ đề lớn vẫn sẽ tiếp tục.
Theo ông François Heisbourg, tổng thống Macron muốn được đánh giá trên chính sách châu Âu của ông. Để bảo đảm thành công ông đã chọn cố vấn chính trị là Philippe Etienne, nguyên đại sứ Pháp ở Đức đồng thời thông thạo tiếng Nga. Trong chính phủ, ông có thể chỉ định một nhân vật có uy thế trong vấn đề châu Âu vào ghế ngoại trưởng.
Mong muốn hợp tác chặt chẽ, sâu hơn với châu Âu là điểm khác biệt giữa ông Macron với hai người tiền nhiệm François Hollande và Nicolas Sarkozy. Giới ngoại giao cho là ông Macron muốn châu Âu ra được một đường lối chung về các vấn đề từ nhập cư cho đến Syria, từ Donald Trump đến Vladimir Putin.
Một nhà ngoại giao nhận định : « Cứ lấy ví dụ Nga. Ngoài việc đồng ý về trừng phạt, thì mỗi nước đều nhìn sự việc một cách khác nhau ». Đối với Donald Trump cũng thế, một quan điểm chung thực thụ của châu Âu về tổng thống Mỹ cũng rất quan trọng vì quan hệ này ảnh hưởng đến rất nhiều chính sách, thương mại cho đến chống khủng bố hay Syria.
Đối với các nhà quan sát, tổng thống Macron sẽ vẫn là một đồng minh đáng tin cậy đối với Washington, nhưng sẽ không gần gũi Nhà Trắng như ông Sarkozy hay ở mức độ thấp hơn François Hollande. Một người thân cận với ông Macron từng khẳng định : « Chúng tôi sẽ không nhận lệnh từ Washington hay Matxcơva hay từ bất cứ nơi nào khác ».
Tân tổng thống hứa là Pháp sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống những thành phần Hồi Giáo cực đoan, cho biết sẽ quyết định can thiệp quân sự trên cơ sở xem xét từng trường hợp một.
Theo giới ngoại giao, tổng thống Pháp muốn làm hơn hiện nay để giúp phát triển các nước đang bị chiến tranh:
« Macron sẽ không thỏa mãn với việc chỉ dội bom quân khủng bố, mà sau đó không có chính sách hỗ trợ rộng lớn hơn cho các quốc gia này. Và đó là một thay đổi so với chính sách hiện hành". - RFI
***
Tổng thống trung dung Emmanuel Macron và thủ tướng cánh hữu ôn hòa Edouard Philippe hôm nay 16/05/2017 gặp nhau bàn bạc thành phần tân chính phủ với tiêu chí : tập hợp cả cánh tả lẫn cánh hữu và đưa ra những gương mặt mới. Thời điểm công bố các thành viên chính phủ mới đã phải lui lại vào ngày mai (17/05), theo thông cáo của phủ tổng thống Pháp.
Tân nội các phải phù hợp với chủ trương của ông Emmanuel Macron là có những nhân vật mới, có số lượng nam nữ đồng đều, và quân bình giữa cánh tả và cánh hữu, với hy vọng giành được đa số trong kỳ bầu cử Quốc Hội tháng Sáu tới.
Từ đầu tháng Năm, Emmanuel Macron đã tuyên bố là ông sẽ chọn lựa các bộ trưởng « dựa trên kinh nghiệm, năng lực và những gì đã làm được, chứ không phải vì đại diện cho phe nào và sức nặng chính trị của từng người ». Tân thủ tướng mới được bổ nhiệm hôm qua, ông Edouard Philippe, hứa hẹn sẽ là một chính phủ « tập hợp những tài năng », nhưng điều này không dễ dàng trước những điều kiện được đặt ra.
Với một nội các rút gọn gồm 15 bộ trưởng, sẽ không có chỗ cho tất cả mọi người, kể cả những người đã ủng hộ ông Emmanuel Macron từ đầu hay mới đây. Do tổng thống và thủ tướng là nam giới, cần phải có những nữ bộ trưởng. Bên cạnh đó là những người mới, xuất thân từ xã hội dân sự, chiếm khoảng một phần ba. Cân nhắc đồng đều giữa các chính khách cánh tả và cánh hữu cũng là công việc hết sức tế nhị.
Khả năng tập hợp được cả hai phe tả hữu truyền thống là thử thách cho tân tổng thống, vào thời điểm chỉ còn một tháng nữa là đến kỳ bầu cử Quốc Hội.
Khoảng ba chục nhân vật cánh hữu và cánh trung hôm qua kêu gọi đáp ứng lời mời gọi của tổng thống tân cử, trong số này có những tên tuổi được cho là có thể trở thành bộ trưởng.
Đối với cánh hữu ôn hòa, đây là dịp để không phải đứng ở phía đối lập thêm năm năm nữa. Tuy nhiên nhiều chính khách cánh hữu cho rằng nếu ra ứng cử Quốc Hội dưới màu cờ của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, có nguy cơ làm tan rã đảng của mình. Còn theo ứng cử viên Benoît Hamon của Đảng Xã Hội thì chuyện cánh tả làm việc trong một liên minh do một thành viên cánh hữu lãnh đạo là « không nghiêm túc ».
Tổng thống Emmanuel Macron đòi hỏi các tân bộ trưởng phải có chương trình hành động rõ ràng, và hiệu quả sẽ được đánh giá hàng năm. Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố, với nhiệm vụ nặng nề trước mắt, ông không nghĩ rằng « những người muốn phục vụ nước Pháp » có thể đi nghỉ mát dài hạn trong mùa hè này. - RFI
***
Hôm qua, 15/05/2017, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Berlin và gặp thủ tướng Đức Angela Merkel, trước khi nước Pháp có chính phủ mới. Qua chuyến công du ngoại quốc đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Macron muốn nhấn mạnh, ưu tiên của Paris là châu Âu và quan hệ Pháp-Đức. Thủ tướng Merkel đánh giá cao biểu tượng này.
Từ Berlin, đặc phái viên Valerie Gas tường trình :
Angela Merkel đã đón tiếp Emmanuel Macron ở sân trụ sở chính phủ và đội quân nhạc của bộ binh Đức đã cử hành quốc ca Pháp La Marseillaise. Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của Emmanuel Macron và cũng là thời điểm đầu tiên mang đầy tính biểu tượng về quan hệ đối ngoại.
Sau cuộc hội đàm khoảng một giờ, Angela Merkel cảm ơn Emmanuel Macron đã dành cho nước Đức một niềm vinh hạnh to lớn khi chọn Berlin là nơi ông tới thăm trong chuyến công du chính thức đầu tiên.
Thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đã thể hiện sự thân mật gần gũi và Emmanuel Macron muốn đưa ra những bảo đảm về thiện chí của Pháp. Ông nói : "Chương trình hành động trong những tháng tới của Pháp là tiến hành cải cách, trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và giáo dục. Pháp làm việc này không phải vì châu Âu đòi hỏi mà bản thân nước Pháp cần phải làm".
Khi được hỏi về ý nghĩa của việc bổ nhiệm một thủ tướng thuộc cánh hữu Pháp, ông Edouard Philippe, tổng thống Pháp trả lời rõ ràng : "Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ tuân thủ kỷ luật là khi ở nước ngoài thì sẽ không nói về chính trị nước Pháp. Tôi chỉ muốn nói một câu đơn giản và đây sẽ là câu trả lời duy nhất : việc sắp xếp lại bàn cờ chính trị nước Pháp mà tôi đã tiến hành cách nay nhiều tháng và đã cho phép tôi thắng cử tổng thống, sẽ được tiếp tục, công việc này sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ của tôi và đó chính là điều mà người dân Pháp đã mong muốn ».
Angela Merkel cũng không nói về chính trị Pháp và chỉ chúc Emmanuel Macron gặp may mắn trong cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới. - RFI
|
|
6.
Singapore khai mạc Triển Lãm-Hội Thảo quốc tế về an ninh biển
Hôm nay, 16/05/2017, Triển Lãm và Hội Thảo về an ninh biển quốc tế hai năm một lần mang tên IMDEX Asia 2017 đã mở ra tại Singapore và kéo dài 3 ngày, với sự tham gia kỷ lục của gần 30 nước trên thế giới, 230 tập đoàn công ty chế tạo vũ khí, 28 chiến hạm đến từ 20 quốc gia, và các quan chức Hải Quân của hơn 40 nước.
Theo truyền thông Singapore, IMDEX Asia 2017 bao gồm hai vế, vế thương mại với cuộc triển lãm các loại thiết bị Hải Quân từ chiến hạm, vũ khí, cho đến các loại công nghệ học tiên tiến khác, và vế hội thảo bàn về các vấn đề an ninh trên biển.
Ngay từ hôm qua, nhân lễ kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng hải quân, Singapore đã tổ chức một buổi lễ phô diễn hải quân quốc tế, với sự tham gia của 16 chiến hạm Singapore, 28 tàu chiến khác đến từ 20 nước khác. Có đến 30 tư lệnh và phó tư lệnh hải quân, tư lệnh lực lượng cảnh sát biển và hơn 40 tướng lĩnh từ 44 quốc gia về Singapore quan sát sự kiện này. Việt Nam đã cử tàu hộ vệ trang bị tên lửa dẫn đường Lý Thái Tổ đến tham gia phô diễn.
Trong số các nước Đông Nam Á, Hải Quân Singapore luôn được xếp vào hàng mạnh nhất. Vào hôm nay, nước chủ nhà đã loan báo đặt mua thêm hai tàu ngầm tấn công của Đức để bổ sung cho hạm đội tàu ngầm của mình, hiện đã có 4 chiếc đang hoạt động, 2 chiếc đang được đóng. Dù là quốc gia không có tranh chấp trên Biển Đông, Singapore rất cần đến một lực lượng Hải Quân hùng hậu nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải được cho là có giá trị sống còn đối với Singapore.
Tư lệnh Hải Quân Mỹ muốn có thêm tàu để đối phó cạnh tranh
Có mặt tại Singapore để tham gia các sự kiện, đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ vào hôm nay đã xác định rằng trước tình hình tranh đua ngày càng tăng giữa các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc, Mỹ cần phải cấp tốc tăng cường lực lượng Hải Quân của mình.
Theo hãng tin Anh Reuters, tuyên bố của ông Richardson được đưa ra một hôm trước khi Hoa Kỳ công bố Sách Trắng về Tương Lai Hải Quân Mỹ, trong đó nêu bật nhận định : « Những nước thách thức lợi ích của Mỹ đang tiến với tốc độ nhanh hơn. Để duy trì được sức cạnh tranh, Mỹ phải hành động ngay, phải có một hạm đội to lớn hơn và hiện đại hơn ngay trong thập niên 2020, chứ không phải là chờ đến thập niên 2040". - RFI
|
|
7.
Hàn Quốc: Không có tuần trăng mật cho tân tổng thống Moon Jae In
Chống tham nhũng, đem lại việc làm và niềm tin cho giới trẻ Hàn Quốc là những mục tiêu chính trong nhiệm kỳ của tân tổng thống Moon Jae In. Với công luận Hàn Quốc, vế kinh tế quan trọng hơn đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trên bàn cờ thương mại, Seoul bị kẹt giữa Washington và Bắc Kinh.
Pháp và Hàn Quốc cách nhau đến nửa vòng trái đất, nhưng sứ mệnh của hai vị tân tổng thống Emmanuel Macron và Moon Jae In lại gần giống nhau : Đem lại niềm tin cho một phần công dân đang bị mất hướng tại hai quốc gia này, chủ yếu là những người bị gạt ra ngoài thị trường lao động. Phát biểu đầu tiên ở cương vị tổng thống, cả hai ông Macron và Moon cùng nói đến "những khó khăn vô cùng to lớn" mà họ sẽ phải đối mặt.
Ngày 09/05/2017 ứng cử viên Moon Jae In cánh trung tả, 64 tuổi, đắc cử vẻ vang. Chiêu bài kinh tế của ông có sức thuyết phục cử tri hơn hẳn chiến lược khai thác nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên để kiếm phiếu.
Trên quảng trường Gwanghwamun, ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố hàng triệu người dân Hàn Quốc đã tìm lại nụ cười. Cũng trên quảng trường này trong nhiều tháng ròng rã hàng triệu, hàng chục triệu người, đã tập hợp về đây đòi bà Park Geun Hye phải ra đi sau tai tiếng "tham nhũng, lạm dụng quyền lực, móc ngoặc, tiết lộ bí mật quốc gia".
Hơn 40 % cử tri Hàn Quốc đã bỏ phiếu cho ông Moon Jae In với hy vọng ông thực sự tiến hành một "cuộc cải cách sâu rộng cho đất nước" để "đem lại một luồng sinh khí mới" cho nền kinh tế thứ tư của châu Á. Kỷ lục về số phiếu nói trên vừa là một thắng lợi, vừa là áp lực rất lớn đối với tân lãnh đạo Hàn Quốc.
Trả lời ban Việt ngữ RFI, bà Juliette Morillot, chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, đồng tác giả cuốn « 100 câu hỏi chung quanh Bắc Triều Tiên – La Corée du Nord en 100 questions », nhà xuất bản Tallendier ra mắt công chúng năm 2016 phân tích về hai yếu tố tối quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc lần này là kinh tế và địa chính trị.
Trước hết, bà Morillot phác họa ra toàn cảnh kinh tế đang chờ đợi tổng thống thứ 12 của xứ Hàn :
Juliette Morillot : Hàn Quốc là nền kinh tế thứ tư châu Á, nhưng ông Moon Jae In lên cầm quyền vào lúc tăng trưởng đang bị chựng lại. Tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức 2,6 %. Tuy nhiên thách thức lớn nhất chờ đợi tân tổng thống Moon là cải tổ sâu rộng hệ thống kinh tế và xã hội tại quốc gia này. Cốt lõi vấn đề liên quan trực tiếp đến các đại tập đoàn công nghiệp, chaebol.
Như đã biết, chính các đại tập đoàn này đưa Hàn Quốc vươn lên để trở thành một con rồng của châu Á. Những chaeobol đó trong tay một vài đại gia đình. Gần như một phần lớn đời sống kinh tế và xã hội của Hàn Quốc tùy thuộc vào những đại đại gia đình này. Đó chính là điểm khởi đầu của rất nhiều những hình thức lạm dụng. Tôi muốn nói tới nạn tham nhũng, đến những vụ hối mại quyền thế. Trong nhiều thập niên, công luận Hàn Quốc chấp nhận mô hình này.
Nhưng với loạt biểu tình đã nổ ra hồi tháng 10/2016 và kéo dài cho tới tháng Giêng năm nay, thì rõ ràng là người dân Hàn Quốc không chấp nhập mô hình đó nữa.
Hệ quả rõ rệt nhất là tổng thống Park Geun Hye đã bị truất phế, bà đang phải ngồi tù. Lực đẩy chính của cỗ xe kinh tế Hàn Quốc là các tập đoàn chaebol cũng ít nhiều bị tai tiếng và uy tín của một vài gia đình gần như là nắm trọn vận mệnh kinh tế quốc gia đó cũng đã bị sứt mẻ. Điều này ảnh hưởng đến một phần lớn trong xã hội Hàn Quốc.
RFI : Vậy chương trình cải tổ sâu rộng của tân tổng thống Moon Jae In gồm những gì ?
Juliette Morillot : Mục tiêu cải tổ các tập đoàn chaebol là một ưu tiên trong chương trình vận động của ông Moon Jae In, theo hướng bảo vệ các cổ đông nhỏ trước áp lực của gia đình sáng lập ra tập đoàn đó. Thí dụ như trong trường hợp của Samsung, con trai của chủ nhân tập đoàn, là ông Lee Jay Yong đang bị cầm tù và tất cả các thành viên trong gia đình này đều đứng sau lưng ông.
Với tân tổng thống Moon tình trạng đó phải chấm dứt. Thế lực tuyệt đối của những dòng tộc đó sẽ bị thu hẹp lại trong khuôn khổ tất cả các hội đồng quản trị. Ông cũng muốn là việc tuyển dụng nhân viên và nhất là lãnh đạo các chaebol phải được thực hiện một cách công bằng, tạo cơ hội cho tất cả những người tài giỏi có thể được tuyển dụng. Không nhất thiết đó chỉ là những thành viên trong gia đình của người đã sáng lập ra công ty, hay là bạn bè, thân thuộc của họ. Tôi nghĩ đây là một thách thức rất lớn.
RFI : Xã hội Hàn Quốc đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng đó hay chưa ?
Juliette Morillot : Vâng tôi, nghĩ là họ đã sẵn sàng đi theo con đường ông Moon Jae In đang bắt đầu vạch ra. Công luận kỳ vọng rất nhiều vào khả năng cải tổ, vào chương trình kinh tế, vào một cái nhìn mới về xã hội của tân tổng thống Hàn Quốc. Giới trẻ đang hy vọng rất nhiều.
Dân số Hàn Quốc đang bị lão hóa. Tỷ lệ thất nghiệp lại cao ở mức kỷ lục : 11,6 %, thanh niên Hàn Quốc không có việc làm. Thành thử tân lãnh đạo Hàn Quốc phải nhanh chóng đem lại niềm tin cho giới trẻ, đẩy lui nạn tham nhũng. Ông có hứa tạo thêm 800.000 việc làm trong 5 năm tới.
Theo tôi, đem lại niềm tin cho giới trẻ sẽ không dễ, bởi phần lớn là những người có rất nhiều bằng cấp, nhưng họ lại không có việc làm, và về mặt tinh thần, thì thanh niên xứ này đang bị bảy căn bệnh trầm kha, đó là bảy cái « Không » : không còn thiết yêu đương, không có nguyện vọng lập gia đình, không muốn có con, không đủ sức mua nhà, không có việc làm, không có hy vọng và không muốn giao tiếp với ai.
RFI : Về phương diện xã hội mà nói thì đây là thất bại rất lớn của Hàn Quốc. Thế còn về mặt thương mại : xuất khẩu là động lực kinh tế của Hàn Quốc và nước này lệ thuộc vào ba đối tác lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, mà quan hệ giữa Seoul với ba quốc gia nói trên đều đang gặp trở ngại.
Juliette Morillot : Trên phương diện này, Hàn Quốc đang trong tình huống hết sức tế nhị, bởi vì vế thương mại và địa chính trị thường gắn liền với nhau. Ở đây tôi muốn nói tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và ngay cả giữa Seoul với Washington. Có thể nói một cách ngắn gọn rằng an ninh của Hàn Quốc tùy thuộc vào Mỹ, nhưng sự thịnh vượng kinh tế của nước này lại lệ thuộc vào Trung Quốc.
Với Mỹ thì từ khi lên cầm quyền, tổng thống Trump không ngừng tuyên bố xét lại tất cả các hiệp định tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ với các đối tác còn lại trên thế giới trong đó có Hàn Quốc. Chính Donald Trump từng tuyên bố "hiệp định thương mại Mỹ-Hàn làm tổn hại nhiều đến quyền lợi của Hoa Kỳ" Washington đang đòi đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Seoul.
Với Trung Quốc, tình thế càng phức tạp hơn. Trung Quốc rất gần với Hàn Quốc, là đối tác thương mại lớn nhất của xứ này. Từ một năm nay, quan hệ song phương đã nguội lạnh trước việc Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Bắc Kinh coi đây là một mối đe dọa trực tiếp. Để đáp trả, Trung Quốc liên tục tìm cách trừng phạt Hàn Quốc qua nhiều ngả, từ chuyện tẩy chay các sản phẩm văn hóa của xứ Hàn vốn rất được người Trung Quốc ưa chuộng, đến việc cấm công dân Trung Quốc du lịch Hàn Quốc, hay trừng phạt tập đoàn Lotte…
Trên thực tế các biện pháp trừng phạt đó không đáng là bao. Điều khiến Hàn Quốc lo ngại là nguy cơ Trung Quốc cũng đòi xét lại thỏa thuận tự do mậu dịch song phương, đã được đôi bên ký kết từ 2014.
Yếu tố thứ ba trên bàn cờ thương mại của Hàn Quốc là Nhật Bản : hiện có hai cái gai trong quan hệ Tokyo Seoul. Đành rằng cả hai đều là đồng minh của Mỹ, nhưng Nhật Hàn vẫn chưa thanh toán xong quá khứ lịch sử trên hồ sơ gái giải sầu. Bên cạnh đó là tranh chấp chủ quyền trên hòn đảo Dokdo/Takeshima.
RFI : Chúng ta không thể nói tới Hàn Quốc mà quên yếu tố Bắc Triều Tiên.
Juliette Morillot : Đúng như vậy. Nhưng ngay sau khi đắc cử tổng thống Moon Jae In đã khẳng định quyết tâm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, thậm chí là tiếp tục đi theo chính sách Vầng Thái Dương được cố tổng thống Kim Dae Jung khởi xướng. Thậm chí ông Moon Jae In còn mạnh dạn tuyên bố sẵn sàng đến tận Bình Nhưỡng gặp Kim Jong Un, nếu điều kiện cho phép.
Một quyết định quan trọng khác mà ông sẽ chóng đưa ra là khởi động lại khu vực công nghiệp Kaesong trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Các hoạt động tại đây bị gián đoạn từ năm 2016, sau khi Bình Nhưỡng thử bom nguyên tử. Doanh nhân Hàn Quốc đầu tư vào Kaesong đã thua lỗ nhiều. Chính ý muốn trở lại khu vực công nghiệp này vừa là một bài toán trắc nghiệm về quan hệ song phương, vừa gây rất nhiều tranh cãi tại Seoul. Nhưng đây là một trọng tâm khác trong cương lĩnh tranh cử của ông Moon Jae In mà tôi nghĩ là ông sẽ đi tới cùng.
(Juliette Morillot, chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, đồng tác giả cuốn « 100 câu hỏi chung quanh Bắc Triều Tiên – La Corée du Nord en 100 questions », nhà xuất bản Tallendier ra mắt công chúng năm 2016). - RFI
|
|
8.
Dân Venezuela biểu tình chống chế độ khiến thủ đô tê liệt
Người dân Venezuela phản kháng chống chế độ đang đưa ra đường tất cả những gì có thể trưng dụng được, từ ghế xếp, dù cắm ngồi ở biển, thùng đá, cho cuộc biểu tình ngồi được tổ chức trên toàn quốc.
Cuộc “biểu tình ngồi chống độc tài” là điều mới nhất xảy ra trong các cuộc biểu tình phản kháng trên đường phố từ một tháng rưỡi qua nhắm vào chế độ của Tổng Thống Nicolas Maduro.
Nhiều cửa hàng ở thủ đô Caracas đóng cửa hôm Thứ Hai và các tài xế tắc xi cũng không chạy vì biết đường xá thủ đô sẽ bị tê liệt.
Các nhà lãnh đạo đối lập đang đòi hỏi phải có cuộc bầu cử tổng thống ngay lập tức.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số dân Venezuela muốn ông Maduro từ chức trong lúc tình trạng tội phạm bạo động tăng cao và quốc gia đi vào phá sản kinh tế.
Khối EU cũng kêu gọi có bầu cử mới tại Venezuela. Các ngoại trưởng EU hôm Thứ Hai nói rằng “bạo động và việc sử dụng võ lực sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Venezuela.”
Chính phủ Mỹ cũng cho hay vô cùng lo ngại về sự suy thoái của các giá trị dân chủ ở quốc gia vùng Nam Mỹ này. - nguoiviet
|
|
Tin Việt Nam
9.
Vụ Formosa: Thỉnh nguyên thư 200.000 chữ ký trao cho LHQ, châu Âu --- Linh mục Đặng Hữu Nam bác bỏ cáo buộc của chính quyền
Phái đoàn các linh mục thuộc giáo phận Vinh đang đi châu Âu vận động quốc tế và trao thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa.
Thông cáo báo chí cho biết trong tuần này, Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển thuộc Giáo phận Vinh đã trao thỉnh nguyện thư cho các tổ chức quốc tế về việc giải quyết thảm hoạ môi trường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa-Hà Tĩnh gây ra.
Phái đoàn do Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, dẫn đầu đã trao thỉnh nguyện thư và tiếp xúc với LHQ, Liên hiệp Châu Âu, Bộ Ngoại giao các nước châu Âu, cũng như các tổ chức thuộc Giáo hội Công giáo và một số tổ chức xã hội dân sự với mong muốn cùng nhau hỗ trợ tích cực hơn cho các nạn nhân.
Sau thảm họa Formosa vào tháng 5 năm ngoái, Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển Giáo phận Vinh đã khởi xướng thỉnh nguyện thư nhằm đưa vấn đề ra trước công luận quốc tế. Thỉnh nguyện thư này có chữ ký của gần 200.000 người, hầu hết là các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm họa Formosa, theo thông cáo của Giáo phận Vinh.
Ngoài ra một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, bảo vệ môi sinh, nhân quyền, chính giới, đồng bào trong và ngoài nước cũng ký tên với tư cách là những người ủng hộ, đồng hành với các nạn nhân.
Tại Geneva, Thụy Sĩ, đoàn đã nộp thỉnh nguyện thư cho Chương Trình Môi Sinh LHQ (UNEP) & Cơ quan Phản Ứng Thảm Hoạ Môi Sinh LHQ (OCHA).
Đoàn đã trao thỉnh nguyện thư cho Văn Phòng Đối Ngoại EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ; Văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) và Tổ chức Quyền Phổ Quát (Universal Rights Group) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Linh mục Nguyễn Đình Thục thuộc giáo phận Vinh, người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư, cho VOA Việt ngữ biết ông kỳ vọng thỉnh nguyện thư sẽ giúp gây áp lực lên chính phủ Việt Nam, cũng như tăng sức ép đối với công ty Formosa:
“Họ cũng sẽ có tiếng nói để giúp cho vấn đề đấu tranh chống lại Formosa. Các tổ chức như tổ chức nhân quyền hay LHQ thì có thể bằng cách nào đó có thể gây áp lực đối với chính phủ, với công ty Formosa. Điều mà tôi nghĩ chúng ta cần là một tòa án quốc tế có thể nhận đơn kiện của chúng ta. Đó là điều mà chúng tôi rất mong muốn.”
Thông báo báo chí hôm 13/5 trên trang thamhoaformosa.com viết: “một năm sau, Formosa vẫn chưa có động thái khôi phục môi trường biển và giải pháp đền bù thiệt hại công bằng, thoả đáng. Trong khi đó, nhiều nỗ lực đi đòi công lý của các nạn nhân qua các kiến nghị, những cuộc xuống đường, tuần hành, hay khởi kiện đều bị nhà cầm quyền ra sức cản trở, thậm chí đàn áp bằng bạo lực.”
Linh mục Đặng Hữu Nam, cũng thuộc giáo phận Vinh cho VOA biết lý do thực hiện thỉnh nguyện thư như sau:
“Uỷ ban hỗ trợ ngư dân đã thực hiện một kiến nghị để gửi lên các cơ quan quốc tế cũng như quốc hội Đài Loan để yêu cầu can thiệp một cách rốt ráo về thảm họa Formosa tại biển miền trung Việt Nam, đi tìm công lý và nhất là giải quyết thảm họa để sau này khỏi ảnh hưởng đến tương lai, đến dân tộc.”
Theo linh mục Nam, trong gần một năm qua, chính quyền Việt Nam quay lưng lại lợi ích của người dân trong sự cố Formosa, người dân đệ đơn lên tòa án thì bị ngăn cản, bức hại, sách nhiễu.
“Formosa gây họa tại Việt Nam, người dân là nạn nhân trực tiếp của thảm họa này. Suốt ba tháng trời mặc dù người dân phản ứng bằng cách biểu tình khắp nơi, từ Hà Nội đến Sài gòn, nhưng nhà cầm quyền đàn áp một cách dã man, rồi chối tội cho Formosa, còn thảm họa thì nhân dân phải gánh chịu. Trong một hoàn cảnh như vậy, Ban hỗ trợ ngư dân, các linh mục trong giáo phận Vinh trợ giúp cho người dân, không chỉ là xuống đường biểu tình, lễ cầu nguyện, mà còn ký thỉnh nguyện thư xin can thiệp từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền, bảo vệ môi trường lên tiếng để góp phần làm minh bạch cũng như giải quyết thảm họa Formosa.”
Liên quan đến việc chính quyền Việt Nam bắt giữ và truy nã các nhà hoạt động vì môi trường trong tuần này, linh mục Nguyễn Đình Thục chia sẻ:
“Tôi cũng không thể khẳng định được là do động cơ, lý do nào mà họ thực hiện việc truy nã anh Bạch Hồng Quyền cũng như là bắt anh Hoàng Đức Bình. Nhưng tôi nghĩ rằng những người bị bắt như anh Hoàng Đức Bình hay anh Nguyễn Văn Hóa, hay trước đó có một vài người nữa thì đều liên quan đến vấn đề đấu tranh Formosa. Qua đó cho thấy rằng họ cương quyết giữ lại Formosa bất chấp Formosa gây thiệt hại rất nặng nề cho người dân, bất chấp sự bức xúc, phẫn nộ của người dân về vấn đề này.”
Ngày 15/5, báo VietnamNet đưa tin Công an tỉnh Nghệ An đã bắt tạm giam Hoàng Đức Bình về hành vi ''chống người thi hành công vụ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân'' quy định tại điều 257, 258 bộ luật Hình sự.
Linh mục Nguyễn Đình Thục đặt nghi vấn rằng vấn đề Formosa có liên quan đến động cơ chính trị của chính quyền, khi họ muốn dùng sự kiện Formosa để “đổi chác lòng dân:”
“Chính phủ này chẳng quan tâm đến ích lợi, nguyện vọng của người dân. Họ chỉ lo cho lợi ích, hay là vì một lý do, động cơ chính trị chăng? Vì nếu chỉ vì lý do kinh tế thì tôi nghĩ không đến nỗi mà họ đổi chác lòng dân như thế, cũng như thiệt hại của người dân đến mức độ như thế? Vì lợi nhuận mà Formosa mang lại nếu đem so sánh thì không thể cân bằng được. Theo tôi nghĩ là có động cơ chính trị chăng? Là công ty Formosa, vấn đề Formosa không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà là vấn đề liên quan đến chính trị.”
Báo VietnamNet đưa tin rằng anh Hoàng Đức Bình đã xúc tiến, thành lập Hiệp hội ngư dân miền Trung với “ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân miên Trung tham gia vào tổ chức, tìm chọn hạt nhân kích động biểu tình, phá rối an ninh.”
Cũng theo báo này, ngày 2/4, Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền đã vào “kích động quần chúng” giáo xứ Trung Nghĩa (Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh) “bao vây, tấn công” tổ tuần tra của Công an huyện Lộc Hà và Công an xã Thạch Bằng...
Truyền thông Việt Nam cho biết Công an tỉnh Hà Tĩnh ngày 12/5 đã ra quyết định truy nã toàn quốc Bạch Hồng Quyền về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại điều 245 Bộ Luật Hình sự.
Ngày 15/5, Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Thái Văn Dung về tội “Không chấp hành án”, quy định tại Điều 304 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Báo Công an Nhân dân nói Thái Văn Dung từng là “đối tượng có nhiều hoạt động kích động gây rối an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thường xuyên đăng tải, phát tán các hình ảnh, thông tin tuyên truyền, xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.” - VOA
***
Những 'hành vi sai trái' mà giới chức cáo buộc đã xảy ra tại Nghệ An trong thời gian năm tháng đầu năm 2017 đều bắt nguồn từ việc các linh mục sát cánh, dẫn dắt người dân đấu tranh phản đối Formosa, linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC Tiếng Việt.
Là một trong hai người bị Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu nêu đích danh là "các đối tượng cực đoan đội lốt tôn giáo", linh mục Đặng Hữu Nam nói giới chức đã "sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng để xuyên tạc và bôi nhọ" ông và linh mục Nguyễn Đình Thục.
"Thời gian qua cho đến ngày hôm nay, trên khắp địa bàn các xã ở tỉnh Nghệ An, vào các thời điểm đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều, loa truyền thanh của các địa phương đều phát đi các tin vu cáo, xuyên tạc sự thật nhằm bôi nhọ, kết án chúng tôi, nhằm ngăn cản việc chúng tôi lên tiếng phản đối Formosa phá hại môi trường biển Việt Nam," linh mục Đặng Hữu Nam nói.
"Chống Formosa là chống Đảng, chống nhà nước"?
"Họ quy việc chúng tôi chống Formosa thành chống Đảng, chống nhà nước."
"Họ coi chúng tôi là phản động. Không chỉ chúng tôi mà bất cứ ai ở đất nước này nếu nói cho người khác biết sự thật, phản đối sự giả dối, thì đều bị coi là phản động, là kẻ thì của chế độ."
"Nếu họ nói rằng tôi bôi nhọ Đảng và nhà nước thì họ hãy chỉ ra những điều tôi nói sai. Tôi chỉ nói lên hiện tình đất nước, điều mà ai cũng thấy và chính bản thân họ cũng thấy."
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị trực tuyến ngày 15/5, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu nói thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng có sự "câu kết của các thế lực phản động ngoài nước với các đối tượng cực đoan đội lốt tôn giáo", báo Nghệ An viết, đồng thời đề xuất chính phủ cho áp dụng các 'chiến lược nhằm sớm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn'.
Báo Nghệ An cũng dẫn lời tướng Cầu nêu đích danh hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục "liên tục có các hành vi nói xấu chế độ qua việc rao giảng trên nhà thờ; bôi nhọ lãnh đạo Đảng và nhà nước; móc nối với các đối tượng xấu tổ chức biểu tình gây bất ổn xã hội".
Trong khi đó, linh mục Đặng Hữu Nam nói giới chức đã bóp méo sự thật. Ông cáo buộc giới chức đã 'cắt xén' lời nói của ông, và so sánh việc này với trường hợp một vị khác của Giáo hội Việt Nam trước kia từng gặp phải.
"Rất giống với việc họ cắt xén lời Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt [nói về cuốn hộ chiếu Việt Nam] trước kia. Người ta cắt xén để diễn dịch thành ý nghĩa khác," ông nói.
Tại cuộc họp, tướng Cầu cho rằng cần áp dụng các biện pháp chiến lược, cụ thể là phải "quyết liệt xử lý các thành phần cực đoan", trong lúc giới truyền thông phải "vào cuộc quyết liệt hơn nữa" nhằm "vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngoài nước và các linh mục cực đoan".
Ông Cầu cũng đề xuất việc "áp dụng các biện pháp mạnh tay" trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật.
Đề xuất được Giám đốc Công an Nghệ An nêu trong cuộc họp truyền hình trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức trung ương với lãnh đạo địa phương ở 63 tỉnh thành vào sáng 15/5/2017.
Cuộc họp diễn ra diễn ra hầu đồng thời với vụ bắt giữ nhà hoạt động Hoàng Bình, người đang đi cùng xe với linh mục Nguyễn Đình Thục ở Nghệ An, dẫn tới việc nhiều người dân biểu tình phản đối tại Diễn Châu trong ngày hôm qua.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình được báo Nghệ An dẫn lời theo đó yêu cầu phải xử lý nghiêm "các đối tượng lợi dụng tôn giáo câu kết với các tổ chức phản động" và "các đối tượng chống đối Đảng, nhà nước một cách công khai".
Ngành công an phải tăng cường lực lượng trong lúc Bộ Quốc phòng "phối hợp để bổ sung tăng cường lực lượng, phối hợp với Bộ Công an" nhằm "ứng phó với mọi tình huống", báo Nghệ An dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu kết luận trong cuộc họp. - BBC
|
|
10.
Báo cáo về hacker Việt Nam ‘không gây khủng hoảng’
Một số chuyên gia, nhà quan sát nhận định với VOA rằng báo cáo mới đây của FireEye về nhóm hacker “làm việc cho chính phủ Việt Nam” ít khả năng gây ra tai tiếng hay khủng hoảng đối với Việt Nam.
Reuters và nhiều báo lớn phương Tây hôm 15/5 đưa tin công ty an ninh mạng FireEye ở Mỹ nói các hacker “làm việc cho chính phủ Việt Nam” hoặc “thay mặt chính phủ” đã đột nhập vào các máy tính của các công ty đa quốc gia hoạt động trong nước. Đây là một phần của chiến dịch gián điệp trên mạng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Nhóm này, được FireEye đặt tên là APT32, cũng có liên quan trong các cuộc tấn công mạng nhắm vào các nhà báo, các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến và các blogger ở Việt Nam.
Một nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhanh chóng bác bỏ báo cáo này.
Đồng quan điểm với người phát ngôn, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD), nói với VOA rằng Việt Nam “không có chủ trương, chính sách” tham gia vào các cuộc tấn công mạng. Vị cựu đại sứ bổ sung thêm là Việt Nam “không quá mạnh” trong lĩnh vực kiểm soát, thao túng không gian mạng.
Tuy nhiên, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh nói với VOA ông tin vào báo cáo của FireEye.
Ông Chênh dẫn chứng là tuyên bố hồi năm 2010 của trung tướng công an Vũ Hải Triều tại một hội nghị báo chí rằng “bộ phận kỹ thuật” của công an đã “đánh sập” 300 trang mạng và blog cá nhân “có nội dung xấu”.
Blogger từng nhận giải thưởng Công dân mạng năm 2013 của Phóng viên Không Biên giới và Google nói thêm:
“Tôi tin rằng bộ máy tin tặc được nhà nước bảo trợ là có thật. Và nhiều bạn bè tôi than phiền bị mất password, mất tài khoản, bị xâm nhập thì rất nhiều. Bản thân tôi thì thỉnh thoảng trên tài khoản Facebook cũng có báo động về cái chuyện người ta [cố] đột nhập vào tài khoản của mình, nhưng vì đã được ngăn chặn hai lớp, ba lớp nên họ cũng chưa lấy được”.
Từ Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) nói với VOA báo cáo của FireEye là sự xác nhận về một bí mật mà ai cũng biết:
“Bản thân tôi cũng đã từng nhiều lần gặp phải các cuộc tấn công như vậy, nên tôi nghĩ rằng đấy là sự xác thực đối với những thông tin lâu nay người ta có đồn đoán hay có đề cập tới. Tuy nhiên rất là khó để đưa những bằng chứng để chỉ ra được mối liên hệ giữa chính phủ Việt Nam với các cuộc tấn công này”.
Ông Trần Trúc ở Texas, một kỹ sư vi tính có 25 năm kinh nghiệm tại một hãng vi tính lớn ở Mỹ, giải thích với VOA qua email lý do vì sao FireEye nhận dạng rằng các hoạt động của APT32 xuất phát từ Việt Nam, song công ty lại không khẳng định nhóm này do chính quyền Việt Nam chỉ đạo:
“Nhận định của FireEye dựa trên những hoạt động hacking của APT32 từ năm 2013 dùng cùng phương pháp và dùng malware [phần mềm gây hại] có dạng giống nhau, và trong một số trường hợp thì malware có dạng riêng biệt chỉ xuất hiện trong những đợt tấn công xuất phát từ Việt Nam. Báo cáo của FireEye nhận định là những đối tượng bị tấn công đều nằm trong tầm ngắm của chính quyền: đó là một số chính quyền nước ngoài, thứ hai là các công ty ngoại quốc có hoạt động ở VN, và ba là những nhóm đối lập chính trị Việt Nam ở Đông Nam Á và Úc. Dù báo cáo không nói rõ, người đọc có thể hiểu là IP [địa chỉ giao thức internet] và server [máy chủ] dùng trong những hoạt động tin tặc này không thuộc chính quyền Việt Nam, vì vậy không thể quả quyết nhóm APT32 trực thuộc chính quyền Việt Nam”.
Về cách thức APT32 tấn công, kỹ sư Trúc nói tin tặc sử dụng thủ đoạn giả làm một người hoặc một công ty quen gửi kèm một văn bản dạng ‘.doc’ đến cho nạn nhân. Theo kỹ sư, nếu thiếu cảnh giác, nạn nhân sẽ mở tệp tin đính kèm, hành động này sẽ kích hoạt malware mở cửa sau (backdoor) của máy và gửi IP của nạn nhân cho tin tặc xâm nhập.
Với bề dày kinh nghiệm của mình, ông Trúc nhận xét rằng phương pháp xâm nhập của APT32 “tương đối dễ tránh” nếu người sử dụng có kinh nghiệm vi tính và cẩn thận với các tệp tin đính kèm trong email.
Ông cảnh báo rằng nếu bị xâm nhập, điều đáng sợ đối với các nạn nhân là thông tin của họ có thể bị chính quyền sử dụng vào những mục đích riêng của chính quyền, nhưng ông không nói cụ thể hơn.
Báo cáo của FireEye, được Reuters, CNBC, Bloomberg và một số hãng tin lớn khác đăng tải, nói APT32 tiếp tục đe dọa phong trào hoạt động chính trị và tự do ngôn luận ở Đông Nam Á và khu vực công trên toàn thế giới.
Theo báo cáo, “các chính phủ, nhà báo và những người trong cộng đồng Việt kiều có thể tiếp tục bị nhắm làm mục tiêu”.
Nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh nói thông tin của FireEye sẽ tác động tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam:
“Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nhà nước Việt Nam. Nó sẽ tạo ra môi trường không thuận lợi cho việc đầu tư vào Việt Nam, cũng như là cái thiện cảm của các tổ chức quốc tế, của các doanh nghiệp, của các nhà nước trên thế giới đối với nhà nước Việt Nam. Còn đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự, thì nhà nước đã công khai đối xử rất tồi tệ rồi. Không cần đến an ninh mạng ngấm ngầm, mà ngay cả tổ chức côn đồ được nhà nước bảo trợ hay [công an] giả danh côn đồ đã tấn công, đã đánh đập, đã xông vào nhà bất hợp pháp, chặn người đi đường bất hợp pháp để đánh đập, để hành hung, để bắt bớ, bắt cóc, v.v… thì quá sức mất uy tín rồi”.
Trong khi đó, với góc nhìn từ Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp bình luận rằng báo cáo của FireEye sẽ không gây ra vấn đề gì lớn đối với Việt Nam về pháp lý hay quan hệ quốc tế:
“Không chỉ chính quyền Việt Nam mà chính phủ nhiều quốc gia đều có chương trình thu thập thông tin tình báo trên mạng như vậy, kể cả các nước phương Tây, trong đó có cả chính quyền của Mỹ. Về cơ bản, một khi anh đã xâm nhập vào mạng máy tính của người khác trái phép thì đấy là hành động trái pháp luật. Tuy nhiên, thông tin của FireEye đưa ra chỉ tạo một hiệu ứng về mặt nhận thức thôi. Còn về các hậu quả, các tác động trên thực tế, thì tôi nghĩ sẽ không có tác động nhiều. Và tôi nghĩ sự việc cũng sẽ nổi lên song sẽ lắng xuống, không có các khủng hoảng hay các vấn đề xảy ra tiếp theo sau này”.
Nhà nghiên cứu thuộc ISEAS cho rằng về lý thuyết các nạn nhân có thể khiếu kiện, nhưng họ sẽ gặp khó khăn lớn trong việc chứng minh thủ phạm và thiệt hại do các vụ tấn công mạng. Bên cạnh đó, nhiều người và các công ty cũng lo sợ việc khiếu kiện sẽ dẫn đến các trở ngại cho cuộc sống hay công việc kinh doanh của họ, theo tiến sĩ Hiệp.
Với bề dày kiến thức ngoại giao, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường thuộc CSSD cho rằng nếu các công ty hay cá nhân nước ngoài khiếu nại lên chính phủ Việt Nam về các cuộc tấn công mạng tình nghi có liên quan đến chính phủ, Việt Nam sẽ hành động theo thông lệ quốc tế:
“Việt Nam sẽ hợp tác với các cơ quan, các công ty liên quan, các cơ quan chức năng của các nước liên quan. Và trên bình diện quốc tế sẽ tham gia vào những hoạt động với các nước để thực hiện việc bảo vệ quyền sở hữu cá nhân, sở hữu trí tuệ, chống [vi phạm] an ninh mạng, bây giờ là trở thành vấn đề toàn cầu, vấn đề tương đối bức thiết. Một mình Việt Nam không giải quyết được vấn đề này. Tôi không nghĩ Việt Nam là nước có tiềm năng lớn, một tay chơi lớn trong cuộc chơi này”.
Khi được đề nghị bình luận về “đẳng cấp” của nhóm hacker bị quy là có liên kết với chính phủ Việt Nam, kỹ sư Trần Trúc nhận xét thận trọng khi trao đổi qua email với VOA: “Thật khó đánh giá được khả năng của nhóm APT32 vì chúng ta chỉ biết được một phần nổi của họ … Những nhóm hacker ‘đẳng cấp’ khác giờ vẫn còn nằm trong bóng tối”.
Trong khi đó, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh thẳng thắn đánh giá:
“Cái hệ thống tin tặc này trước hết là nó hoạt động như vậy là sai pháp luật rồi. Tôi không đánh giá cao tài năng của tin tặc [liên quan đến chính phủ] ở Việt Nam. Bởi vì họ giỏi thì đã [không có chuyện] mấy lần các trang an ninh mạng của sân bay Tân Sơn Nhất bị xâm nhập từ các nhóm tin tặc ở nước ngoài. Nếu cái đám an ninh mạng của Việt Nam tốt, thì họ sẽ ngăn chặn được điều này”.
Tại một cuộc tọa đàm ở Việt Nam về mối quan hệ giữa an ninh mạng và nền kinh tế hồi tháng 9 năm ngoái, các chuyên gia nói hơn 300 website Việt Nam bị tấn công hàng tháng.
Trong năm 2016 đã xảy ra nhiều hack đình đám, bao gồm vụ hãng Vietnam Airlines đã bị tấn công và lộ dữ liệu của 400.000 khách hàng; hệ thống màn hình công cộng ở hai sân bay lớn nhất của đất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị chiếm quyền điều khiển, thể hiện những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về Biển Đông; và nhiều ngân hàng, kể cả Vietcombank để xảy ra mất tiền trong tài khoản. - VOA
|
|
11.
‘Giải cứu heo’ trong nghị trình cấp cao Việt – Trung
Đích thân Chủ tịch Trần Đại Quang kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường cho thịt heo (thịt lợn) của Việt Nam, trong khi đang có chiến dịch “giải cứu” nông dân đang “điêu đứng” vì mặt hàng này.
Truyền thông trong nước đưa tin, trong cuộc gặp với các quan chức cấp cao của quốc gia được cho là tiêu thụ thịt heo nhiều nhất trên thế giới, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, nguyên thủ của Việt Nam đã “đề nghị” Trung Quốc “tiếp tục mở cửa”, “tạo thuận lợi cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam”, trong đó có “mặt hàng chiến lược” là thịt lợn.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài từ ngày 11 đến 15/5 xuất hiện trong bối cảnh đang có chiến dịch kêu gọi “nhà nhà ăn thịt lợn, người người ăn thịt lợn” để hỗ trợ các nông dân đang gặp khó khăn vì sản phẩm này rớt giá do cung vượt quá cầu, sau khi Trung Quốc “đóng cửa”.
Ông Lê Quang Đức, quan chức khuyến nông của Huyện Sóc Sơn ở Hà Nội, cho VOA Việt Ngữ biết rằng “trong hơn chục năm nay, đây là lần giá rơi xuống thấp nhất”.
Ông nói thêm: “Hồi xưa thương lái nó vào nó mua. Bây giờ nó trả rẻ quá. Nó bảo Trung Quốc không nhập, cho nên giá nó mới xuống. Với giá này, đương nhiên bà con phải khó khăn, chăn nuôi thì lỗ. Bà con kêu chết dở”.
Ông Đức cũng cho rằng người nông dân chạy theo “bầy đàn”, “mấy năm trước làm ăn được nên làm ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu”.
Về hiện trạng này, giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp làm việc nhiều với nông dân đồng bằng sông Cửu Long, nói với VOA Việt Ngữ: “Cái này, truy ra, thì nguyên một hệ thống có lỗi hết. Cái nào mà trúng, có kết quả thì nói là do đảng lãnh đạo, còn cái nào mà không có hiệu quả thì nói là do dân tự phát”.
Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng trước được cổng thông tin chính phủ dẫn lời chỉ đạo “đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn, nhất là ở khu công nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang; tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt lợn trong mùa hè; giảm quy mô đàn lợn nái...”
Chiến dịch “giải cứu heo Việt” xuất hiện sau khi giá sản phẩm này rớt xuống “mức kỷ lục”, mà một phần, theo giới quan sát, là “do Trung Quốc ngưng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam”.
Dân Việt, báo điện tử của Hội Nông dân Việt Nam đầu tháng này dẫn lời một đại diện của Bộ Công Thương cho biết rằng “phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý mở cửa thị trường chính thức với thịt lợn nhập khẩu từ Việt Nam do Việt Nam vẫn nằm trong vùng dịch lở mồm, long móng”.
Giáo sư Xuân cho rằng đây là một “thảm họa”, và nhận xét thêm rằng “người nông dân không biết thị trường nằm ở đâu, mà cứ đâm đầu vào sản xuất theo sự kêu gọi của mấy thương lái người Việt, trong khi thương lái Trung Quốc lạm dụng, phá mình”.
Ông nói tiếp: "Nói thiệt chứ, người Trung Quốc đôi khi cũng có ý đồ. Dường như nó phá mình. Nó mua những cái thứ mà mình không ngờ nó mua. Nó bỏ ra số tiền lớn để mà nó mua trong giai đoạn đầu, thì thương lái mình thấy rằng cái này có lời quá. Cho nên mới bắt nông dân hùa nhau sản xuất. Khi người ta hùa nhau sản xuất một số đông lớn rồi thì Trung Quốc không mua nữa. Làm gì được nó?"
Ông Xuân dẫn ra tình trạng thừa mứa và mất giá dưa hấu hay thanh long ở Việt Nam sau khi Trung Quốc ngừng mua để chứng minh cho ý kiến của mình.
Ông cũng cho rằng thương lái Trung Quốc và Việt Nam thích mua bán qua đường tiểu ngạch trên biên giới vì “có lợi nhiều hơn”, trong khi “cả nhà nước và nông dân bị thiệt”.
Trao đổi với phía quan chức quốc gia đông dân nhất thế giới vừa qua, theo VOV, Chủ tịch Quang cũng kêu gọi Trung Quốc tạo điều kiện cho các mặt hàng, trong đó có thịt lợn, “thâm nhập thuận lợi vào thị trường Trung Quốc, và không chỉ đưa hàng vào các tỉnh dọc biên giới mà thậm chí sâu hơn vào các tỉnh bên trong”.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định rằng “Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với Việt Nam”, và “chính phủ hai bên phải ký kết” các thỏa thuận cụ thể.
“Các doanh nghiệp Việt Nam mình phải đi qua Trung Quốc tìm thị trường, tìm đối tác, lấy đơn đặt hàng của người ta để mà về phía nhà mình tổ chức, sản xuất, bán một cách chính thức, chứ không phải bán qua tiểu ngạch”, chuyên gia nông nghiệp này nói. - VOA
|
|
12.
Formosa: Giải pháp giữ GDP?
Đưa Formosa vào vận hành là một trong ba giải pháp chính mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Việt Nam vừa đề xuất nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng (GDP) 6,7% của năm 2017. Động thái này diễn ra giữa lúc đang có nhiều bất ổn xã hội liên quan đến vụ ô nhiễm do tập đoàn Đài Loan gây ra ở khu vực miền Trung.
Với mức tăng trưởng chỉ đạt 5,1% trong quý I, Bộ KHĐT đưa ra một báo cáo dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp ngày 22/5. Theo báo Dân Việt, nội dung báo cáo bao gồm 3 giải pháp ngắn hạn chính nhằm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. Thứ nhất, tăng khai thác dầu thô. Thứ hai, bám sát kế hoạch sản xuất của các nhà máy Samsung vì tập đoàn này dự kiến tăng doanh thu xuất khẩu năm 2017 lên 20% so với năm ngoái. Thứ ba, giao cho các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường để xem xét cho phép nhà máy của Formosa đi vào vận hành.
Theo Bộ KHĐT, nếu Formosa được vận hành lò cao số 1 trong tháng 5 này, với công suất 3,5 triệu tấn thép/năm, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 0,16 điểm % cho tăng trưởng GDP.
Tuần trước, trong thông báo tăng thêm 1 tỷ đôla đầu tư vào nhà máy thép ở Hà Tĩnh, tập đoàn Formosa ở Đài Loan cho biết kế hoạch sản xuất của nhà máy dự kiến bắt đầu từ hồi năm ngoái đã bị trì hoãn liên tục vì vụ ô nhiễm môi trường và các cuộc biểu tình của người dân.
Vụ ô nhiễm do Formosa gây ra ở vùng biển miền Trung từ tháng 4/2016 được xem là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Cho tới nay, nhiều người dân địa phương vẫn đang gánh chịu hậu quả nhiều mặt của thảm họa này.
Các cuộc biểu tình chống Formosa diễn ra ở địa phương đã lan sang các tỉnh, thành và các nước khác.
Trong bối cảnh nhà hoạt động Hoàng Đức Bình vừa bị bắt hôm 15/5, nhiều nhà hoạt động khác đang bị truy nã và các linh mục Công Giáo bị tấn công vì liên quan đến vụ ô nhiễm Formosa, việc chính quyền Việt Nam ưu tiên giúp cho tập đoàn này vận hành nhà máy để đạt được chỉ tiêu kinh tế, theo TS. Vũ Quang Việt-một cựu kinh tế gia của LHQ, là một “suy nghĩ ngắn hạn”, mang nhiều nguy cơ tạo thêm bất ổn xã hội.
“Ngắn hạn thì rất dễ. Là nhà kinh tế, tôi có thể nghĩ ra đủ trò để tăng GDP lên một cách nhanh chóng, sau đó nó đi xuống thì chuyện đó để người khác lo”.
TS. Vũ Quang Việt cho rằng nếu chính quyền Việt Nam vẫn cương quyết tiếp tục với dự án Formosa, thì “cần phải có cái nhìn dài lâu”.
Ông nói: “Nếu minh bạch, rõ ràng, người dân có thể kiểm soát được thì cũng có thể người ta sẽ bỏ qua những lỗi lầm để cho công việc được tiếp tục. Còn nếu không, tôi nghĩ họ sẽ phải đối phó với những bất ổn xã hội trong tương lai”.
Theo cựu chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc, ngay cả khi việc sản xuất của Formosa diễn ra suôn sẻ, thì Việt Nam vẫn cần phải xem xét lại hiệu quả thực sự của việc tự sản xuất thép trong nước.
Theo ông, mặc dù nhu cầu về sắt thép để xây dựng trong nước là có thực, nhưng Việt Nam chỉ nên tự sản xuất thép khi việc này thực sự mang lại hiệu quả về kinh tế và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Ông nhấn mạnh: "Làm sao phải bảo vệ môi trường. Thứ hai là giá thành phải thấp. Còn nếu không thì làm làm gì? Trong trường hợp như tôi tính toán hiện tại bây giờ thì giá quá cao, không thể đi vào thị trường thế giới được. Vừa rồi họ không nghĩ đến vấn đề bảo vệ môi trường. Do đó, giá sắt thép sản xuất ở Việt Nam rất cao. Theo tôi tính, khi chưa có [chi phí] bảo vệ môi trường mà giá đã gần bằng với giá trên thế giới rồi. Nếu bảo vệ môi trường thật sự, như những quy định ở bên Mỹ, thì đương nhiên lỗ”.
Ngoài ra, TS. Vũ Quang Việt còn cảnh báo về nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị quốc tế “tẩy chay” vì những tai tiếng về ô nhiễm môi trường.
“Trong tương lai, họ làm sắt thép mà có xuất đi, trừ xuất đi Trung Quốc, mà Trung Quốc thì không cần thép, còn xuất ra nước ngoài thì có thể sẽ có phong trào chống lại việc mua sắt thép của Formosa không chừng. Chưa chắc họ giải quyết được vấn đề mà còn tạo ra nhiều vấn đề hơn”.
Hôm 10/5, khi chủ trì buổi họp của một Hội đồng giám sát liên ngành đối với việc khắc phục ô nhiễm biển miền Trung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định Formosa đã đáp ứng “hoàn toàn” các yêu cầu của Bộ và Hội đồng đề ra, đủ điều kiện để đưa Lò cao số 1, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ đi vào vận hành thử nghiệm. - VOA
|
|
13.
Các hãng tư vấn đánh giá vụ Đinh La Thăng
Hai cơ quan tư vấn kinh doanh quốc tế đặt tại Anh đưa ra nhận định ban đầu về sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam cảnh cáo ông Đinh La Thăng và buộc ông ra khỏi Bộ Chính trị.
IHS Global Insight hôm 15/5 nhận định tương lai chính trị của ông Đinh La Thăng "vẫn là dấu hỏi vì nhiều vụ điều tra hình sự PetroVietnam còn đang diễn ra". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói: "Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm, các vụ khác cũng đang làm."
'Quyết tâm của Đảng'
Hãng này cho rằng việc giáng chức ông Thăng "thể hiện quyết tâm của Đảng có hành động với quan chức đảng cao cấp và là sự cải thiện trong cuộc chiến chống tham nhũng".
Hãng này đã giảm bớt 0,1 trong điểm tham ô của Việt Nam xuống còn 3,2, đặt Việt Nam ngang với mức rủi ro như Thái Lan và Philippines.
Tuy vậy, IHS cũng cho rằng việc giáng chức ông Thăng, cũng như việc buộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghỉ hưu đầu năm 2016, "có lẽ cũng thể hiện nỗ lực chống tham nhũng có liên hệ đấu đá trong đảng, ở đó phe bảo thủ nhắm vào phe đổi mới thân thị trường, vì vậy nỗ lực này không phải là chống tham nhũng triệt để không phân biệt".
Ngoài ra, IHS nói "không có dấu hiệu nhà nước định giải quyết các vấn đề cấu trúc mà sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả chống tham nhũng về lâu dài".
Cụ thể, các vấn đề này là sự kiểm soát của Đảng với tòa án và công an, thiếu tự do truyền thông.
IHS cũng chỉ ra Ban phòng, chống tham nhũng trước đây do Thủ tướng đứng đầu, nhưng sau được chuyển từ Chính phủ sang Đảng chỉ đạo.
"Không có dấu hiệu là ban này sẽ được chuyển thành một cơ quan độc lập mà sẽ giúp tăng khả năng chống tham nhũng của Việt Nam," theo IHS.
'Cảnh cáo mạnh mẽ'
Trong khi đó, Economist Intelligence Unit (EIU), thuộc tạp chí The Economist, hôm 9/5 cho rằng việc Đảng kỷ luật ông Thăng "trên thực tế chấm dứt sự nghiệp chính trị hứa hẹn" của ông.
EIU nói: "Về ngắn hạn, có rủi ro là các nhân vật to khác sẽ là đối tượng bị điều tra và kỷ luật trong khi ông Nguyễn Phú Trọng cố gắng phục hồi uy tín và đạo đức của Đảng."
"Tuy vậy, nói chung, EIU không cho rằng đây sẽ khởi đầu một cuộc thanh lọc lớn hơn, mà chỉ là cú cảnh cáo mạnh mẽ cho những đối thủ chính trị của ông Trọng."
Trong một dự báo khác công bố hôm 12/5, EIU nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ "dẫn dắt một giai đoạn tiếp tục giải phóng về kinh tế".
"Nhịp độ của các nỗ lực này sẽ được cân đo để tránh lặp lại những bất cân đối trong kinh tế vĩ mô trong những năm theo sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09."
EIU chỉ ra vai trò của các hiệp định thương mại quốc tế
Việc thực hiện thỏa thuận Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế Á Âu và hiệp định với EU sẽ diễn ra trong 4, 5 năm tới.
Những hiệp định này sẽ càng quan trọng cho Việt Nam sau khi TPP thất bại với việc Mỹ rút ra. - BBC
|
|
14.
Thành lập đoàn kiểm tra luân chuyển cán bộ đảng
Bộ chính trị vừa công bố quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra về quy hoạch và luân chuyển cán sự đảng.
Tin Việt Nam ngày 16/5 cho biết các đoàn này cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo đó 12 tổ chức đảng sẽ được kiểm tra.
Bản tin trích dẫn lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ trong thời gian qua đã đạt được những bước tiến nhất định.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khuyết điểm cần khắc phục chẳng hạn như việc quy hoạch chưa xuất phát từ năng lực thực tiễn của người cán bộ, việc luân chuyển cán bộ chưa dựa trên đánh giá hay việc giới thiệu cán bộ ứng cử còn mắc nhiều sai phạm.
Được biết, các đoàn này sẽ kiểm tra 10 tỉnh và 5 bộ, ngành Trung ương. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment