Tin Thế Giới
1.
Anh: Khủng bố tại Manchester, ít nhất 22 người chết --- Bom được chế để gây sát thương tối đa trong vụ tấn công ở Manchester
Anh Quốc một lần nữa bị khủng bố tấn công. Đa số nạn nhân là thanh thiếu niên, trẻ em tham dự buổi trình diễn của nữ ca sĩ nhạc pop Mỹ Ariana Grande, ở Manchester. Thủ phạm chết tại chỗ. Thủ tướng Anh Theresa May lên án « vụ khủng bố kinh hoàng ». Chiến dịch vận động bầu cử Quốc Hội bị đình hoãn. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Anh Quốc từ 12 năm qua.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm chi tiết :
"Ít nhất 22 người chết và 59 người bị thương trong vụ đánh bom tự sát ở Manchester tối hôm qua ở sân vận động Arena. Thông báo của cảnh sát cho biết kẻ tấn công sử dụng bom tự chế và chết ngay tại chỗ, sau tiếng nổ lớn khiến 21.000 khán giả hoảng loạn, mà đa số là thanh thiếu niên là fan hâm mộ đi tham gia đêm nhạc của ca sĩ người Mỹ Ariana Grande.
Cô sẽ có tiếp các đêm diễn ở Luân Đôn và cho biết sẽ tiếp tục diễn bình thường. Ariana Grande lên mạng chia sẻ nỗi buồn từ sâu thẳm trong tim, còn cảnh sát xác nhận có nhiều trẻ vị thành niên trong số người chết và bị thương.
Các đài truyền hình Anh sáng nay nhắc nhở các em hãy cân nhắc trước hiện tượng được mô tả là fake news, tức là lan truyền tin giả trên mạng xã hội để gây chú ý, khiến cho người khác lo sợ hoang mang, vì nghĩ là người thân của mình bị thiệt mạng hay thương tích trong vụ tấn công.
Hiện chưa có tổ chức nào nhận đã tổ chức vụ tấn công được coi là khủng bố này, nhưng giới chuyên gia an ninh cho biết các mạng lưới của Daech - tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - thể hiện sự hoan hỉ về sự kiện này. Họ đánh giá Manchester ở Anh và đêm nhạc của ca sĩ nổi tiếng người Mỹ là mục tiêu mang tính quốc tế, vì rất nhiều người biết đến trên thế giới.
Thái độ của người dân Manchester là sáng nay vẫn đi làm bình thường bên ngoài khu vực bị phong tỏa, thể hiện thái độ không khuất phục trước khủng bố. Các nhà hoạt động xã hội cũng nhanh chóng kêu gọi người dân đoàn kết và vượt qua đau thương để tiếp tục cuộc sống và nỗ lực xóa bỏ hận thù, hàn gắn vết thương đau lòng này.
Thủ tướng Anh tổ chức cuộc họp khẩn cấp về an ninh, mang tên "Cobra", từ hồi nửa đêm. Cũng như nhiều chính trị gia khác, bà Theresa May sẽ tạm ngừng tất cả mọi hoạt động vận động chính trị để đối phó khủng bố. Bộ trưởng Nội Vụ Amber Rudd nói phe khủng bố đã nhắm đúng vào điểm yếu của nước Anh.
Cảnh sát Manchester cho biết những người bị thương đang được điều trị tại 8 bệnh viện lớn ở Manchester và cảnh sát mang súng đi tuần tra trên đường phố, nối tiếp lực lượng 400 cảnh sát đã được triển khai làm nhiệm vụ từ đêm qua.
Thủ tướng Anh tổ chức cuộc họp khẩn cấp về an ninh mang tên Cobra từ hồi nửa đêm. Cũng như nhiều chính trị gia khác, bà tuyên bố sẽ tạm ngừng tất cả mọi hoạt động vận động chính trị để đối phó khủng bố. Bộ trưởng Nội Vụ Amber Rudd nói phe khủng bố đã nhắm đúng vào điểm yếu của nước Anh. Trong ngày hôm nay cũng có thêm nhiều cảnh sát mang súng tuần tra ở thủ đô Luân Đôn để sẵn sàng phản ứng và trấn an dân chúng.
Thủ tướng Anh Theresa May mô tả vụ tấn công là hành động hèn nhát nhắm vào trẻ em vô tội không có điều kiện tự vệ, mà lẽ ra phải được giải trí trong một sự kiện văn hóa, đồng thời khen ngợi phản ứng của lực lượng cứu hộ. Nước Anh đang được đặt trong mức độ nghiêm trọng về nguy cơ bị tấn công ».
Trong số các phản ứng quốc tế đầu tiên, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ « nỗi hãi hùng » với Anh Quốc. Cựu tổng thống François Hollande lên án « những kẻ hèn nhát tấn công vào tuổi trẻ ». Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước Đức « sát vai với dân Anh ». Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án vụ « tấn công thâm độc » và đề nghị hợp tác với Anh « chống khủng bố ».
Tổng thống Donald Trump đang thăm Israel, cũng như thủ tướng Benjamin Netanyahu, « cực lực » lên án vụ khủng bố tại Luân Đôn. - RFI
***
Cảnh sát nói kẻ đánh bom đại nhạc hội của ngôi sao nhạc pop Mỹ Ariana Grande ở bắc thành phố Manchester của Anh tối thứ Hai 22/5 đã âm mưu gây sát thương tối đa nhắm vào đám đông khán giả trong đó có nhiều thanh thiếu niên lẫn trẻ em. Ít nhất 22 người thiệt mạng và 59 người bị thương trong vụ tấn công.
Quả bom miểng kim loại nổ khi buổi trình diễn vừa tan, lúc khán giả bắt đầu rời Manchester Arena, một trong những khu biểu diễn trong nhà lớn nhất châu Âu.
Những người chứng kiến gần đó nói quanh chỗ bom nổ đầy miểng đinh ốc. Các nhân viên cấp cứu y tế tại hiện trường mô tả cảnh tượng thật hãi hùng khi họ chữa cho các nạn nhân với những vết thương bị miểng kim loại sắc cắt .
Các nhà phân tích nói hộp đêm, nhà hàng, quán bar, bãi biển nghỉ mát và tụ điểm ca nhạc luôn là những mục tiêu tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở phương Tây, hoặc là trực tiếp hoặc là bị nhóm Nhà nước Hồi giáo khuyến dụ.
Cách chuyên gia chống khủng bố nói rằng những mục tiêu đó một phần là do dễ tiếp cận. Chẳng hạn như các nhà ga, các đại nhạc hội và hộp đêm thì việc canh phòng an ninh không quá chặt chẽ mà lại có đông người, do đó càng có nhiều cơ hội tốt cho bọn khủng bố gây sát thương tối đa như trong vụ tấn công tối thứ Hai ở Manchester Arena, hay như trong vụ tấn công hồi tháng 11 năm 2015 tại nhà hát Bataclan chật kín người ở thủ đô Paris của Pháp, giết chết hơn một trăm người.
Các nhà phân tích nói những kẻ vạch chiến lược và những tên tuyên truyền Hồi giáo cực đoan thích gây kinh hoàng khi tấn công các đại nhạc hội. Những tên tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố rõ rằng bọn chúng đã “chọn chính xác” buổi trình diễn ca nhạc của nhóm the Eagles of Death Metal để làm mục tiêu cho ba kẻ đánh bom tự sát tấn công bởi vì đó là văn hóa đồi trụy.
Nhà nước Hồi giáo tuyên bố sau vụ tấn công ở Paris rằng: “Các mục tiêu tấn công, trong đó có nhà hát Bataclan là một điển hình, nơi hàng trăm kẻ dị giáo tụ tập xem lối ca nhạc đĩ điếm và những thứ đồi bại.”
Ông Olivier Guitta, giám đốc công ty tư vấn rủi ro địa chính trị và an ninh GlobalStrat, nói: “Manchester Arena hôm tối thứ Hai là một ‘mục tiêu lý tưởng’ của những kẻ thánh chiến Hồi giáo. Ở đó vừa có ca nhạc, cái thứ mà các phần tử cực đoan căm ghét, vừa có một ca sĩ Mỹ, vừ có thanh thiếu niên và trẻ em.”
Ông Guitta lưu ý rằng trong khoảng một năm rưỡi qua, các tụ điểm ca nhạc và các hộp đêm đã bị các phần tử Hồi giáo cực đoan nhắm tấn công bốn lần – “Nhà hát Bataclan, hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida, rồi hộp đêm Reina ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và bây giờ là Manchester Arena.”
Có thể đã có thêm những vụ tấn công khác nếu các cơ quan an ninh phương Tây không kịp thời phá vỡ hoặc ngăn chặn. Hồi tháng 2 năm 2016, một nhóm những kẻ đi theo Nhà nước Hồi giáo bị bắt ở Pháp khi đang âm mưu tấn công các hộp đêm.
Chưa có kẻ hoặc phe nhóm nào đứng ra chính thức nhận đã thực hiện vụ tấn công ở Manchester, kể cả nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng những kẻ ủng hộ Nhà nước Hồi giáo đã nhanh chóng ăn mừng trên các mạng xã hội ngay sau vụ tấn công ở Manchester. Bọn chúng nói rằng đây là một chiến thắng trong cuộc chiến chống những kẻ “thập tự chinh” phương Tây.
Các hoạt động mừng vui của IS cũng xuất hiện trên Telegram, một ứng dụng nhắn tin trên mạng xã hội. Ông Michael Smith, một nhà phân tích chống khủng bố nhận định rằng đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy vụ tấn công này có dính líu đến Nhà nước Hồi giáo. IS thường tuyên bố đã thực hiện các vụ tấn công trên các kênh truyền thông không chính thức, thường là không ngay tức khắc, mà khoảng trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Các nhà hát là những mục tiêu trong danh sách dài được Nhà nước Hồi giáo khuyến khích trong tạp chí Rumiyah phát hành hồi gần đây.
Đây là vụ tấn công khủng bố khủng khiếp nhất tại Anh trong hơn một thập niên. Ngày 7/7/2015, bốn kẻ đánh bom tự sát đã giết chết 52 người khi bọn chúng tấn công hệ thống giao thông công cộng ở London. Sau vụ tấn công đó, chính phủ Anh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc mua bán các chất liệu có thể dùng để tự chế chất nổ.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd lưu ý rằng hành động dã man của vụ đánh bom “cố tình nhắm vào một trong những chỗ dễ tấn công nhất trong xã hội của chúng ta, đó là một đại nhạc hội có nhiều thanh thiếu niên và trẻ em tụ tập.” Bà nói tiếp rằng “Tôi xin chia buồn và hiệp lời cầu nguyện cùng các gia đình nạn nhân.”
Oliver Jones, 17 tuổi, đi xem trình diễn ca nhạc với chị gái 19 tuổi của em, nói với nhật báo Guardian: “Tiếng nổ làm rung chuyển hội trường và mọi người chạy tán loạn.”
Erin McDougle, 20 tuổi, người Newcastle, nói: “Có một tiếng nổ lớn khi đại nhạc hội tan. Đèn trong hội trường đã bật sáng, do đó chúng tôi biết đó không phải là âm thanh của buổi trình diễn. Ban đầu chúng tôi nghĩ đó là tiếng bom. Khói bốc lên mù mịt. Mọi người bắt bắt đầu chạy tán loạn. Khi chúng tôi ra được bên ngoài thì thấy nhiều xe cảnh sát và xe cứu thương. - VOA
|
|
2.
Tại Bethlehem, Donald Trump kêu gọi Israel và Palestine thỏa hiệp hòa bình --- Công du Israel, ông Trump công kích Iran hiếu chiến
Tiếp tục chuyến viếng thăm vùng Cận Đông, hôm nay 23/05/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump từ Jerusalem đi sang vùng Cisjordanie chiếm đóng, để gặp gỡ tổng thống Palestine. Ông kêu gọi người Israel và Palestine thỏa hiệp về kế hoạch hòa bình, đưa ra « những quyết định khó khăn », nhưng cần thiết.
Đây cũng là dịp để tổng thống Mahmoud Abbas một lần nữa bày tỏ về giấc mơ độc lập của người Palestine, với một tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa có kế hoạch gì cụ thể.
Thành phố Bethlehem, nơi Chúa Giêsu hài đồng sinh ra, có trại tị nạn Palestine lớn nhất Cisjordanie mang tên Dheisheh. Nhiều người sống trong trại tị nạn quá tải này tỏ ra nghi ngờ về kết quả chuyến viếng thăm chớp nhoáng của ông Trump.
Từ Bêlem, đặc phái viên RFI Marine Vlahovic gởi về bài phóng sự :
"Đứng ở lối vào trại Dheisheh, Muhannad Al Qaissi bĩu môi khi nghe nói đến chuyến viếng thăm Bethlehem của ông Donald Trump, mà theo ông thì vô tích sự. Ông nói : « Bởi vì ông ấy sẽ không thấy người dân ở Palestine sống ra sao, ông đi qua phía bên kia bức tường chia cắt mà không nhìn thấy họ. Ông Trump đến đây cứ như chúng tôi đang sống trên thiên đường, như chúng tôi không sống trên một lãnh thổ bị chiếm đóng, và như vậy chuyến thăm của ông sẽ không giúp ích được gì cho chúng tôi ».
Với những con ngõ hẹp bao quanh các tòa nhà với những bức tường cắm đầy mảnh chai, Dheisheh là một mê cung bằng bê-tông màu xám có diện tích một cây số vuông, trong đó 13.000 dân sống chen chúc, đối mặt với nạn thiếu nước sinh hoạt và thiếu điện.
Salah Abu Laban, một người khoảng 60 tuổi, kể ra danh sách các tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã thất bại trong việc tìm kiếm hòa bình và giải thích thêm, một thực tế khác của cuộc xung đột. Ông than thở : « Trước ông Trump, ông Obama đã đến thăm Cisjordanie, còn trước đó là ông Clinton, nhưng chẳng làm được gì cả. Bây giờ Donald Trump đến, có thể nói là chúng tôi có chút hy vọng, nhưng về cơ bản thì thất vọng ».
Họ thất vọng, ngay cả trước khi nghe các bài phát biểu của ông Donald Trump và Mahmoud Abbas. Cả hai nhà lãnh đạo đều quyết định tái thúc đẩy tiến trình hòa bình, nhưng người Palestine rất ít hy vọng vào điều này". - RFI
***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công kích sự hiếu chiến và tham vọng quân sự của Iran khi ông đến Israel vào hôm thứ Hai. Đây là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tới quốc gia Do Thái này.
Ông Trump nói: "Thời khắc lịch sử hiện nay kêu gọi chúng ta nên tăng cường hợp tác vì cả Israel và Mỹ đều phải đối mặt với những mối đe doạ chung từ Nhà nước Hồi giáo - ISIS và các nhóm khủng bố khác mà Iran bảo trợ, cung cấp tài chính và gây ra bạo lực khủng khiếp - không chỉ ở đây – mà còn trên toàn thế giới. Chúng ta có thể làm việc cùng nhau để chấm dứt tai hoạ bạo lực đã giết chết nhiều sinh mạng ở Israel và trên toàn thế giới.”
Ông Trump nói thêm: "Quan trọng nhất, Hoa Kỳ và Israel có thể đồng thanh tuyên bố rằng Iran không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân - không bao giờ - và phải ngừng việc tài trợ, đào tạo và trang bị cho những kẻ khủng bố và phiến quân. Iran phải chấm dứt hành động này ngay lập tức."
Ông Trump đã gặp gỡ Tổng thống Israel Reuven Rivlin ở Jerusalem trước khi hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đến thăm các biểu tượng quan trọng của Do Thái giáo và Kitô giáo.
Tổng thống Mỹ đã đến Israel sau chuyến thăm hai ngày tới Ả-rập Xê-út, nơi ông nói rằng Vua Salman bảo đảm với ông rằng vương quốc Sau-đi muốn có hòa bình giữa người Israel và Palestine và nên tạo ra những rào cản chống lại các mối đe dọa từ Iran.
Ông Trump nói: "Một điều dễ nhận biết trong số các nước láng giềng Ả rập cho thấy rằng các quốc gia này có cùng một lý do với Ả-rập Xê-út về mối đe doạ của Iran và không còn nghi ngờ gì nữa, đó thực sự là một mối đe dọa.” - VOA
|
|
3.
Mỹ dùng Hồi Giáo chống Hồi Giáo trong chiến lược Trung Đông --- "Hai nước Iran"
Chiến lược cân bằng của Barack Obama trong thế giới Hồi Giáo đã bị sang trang. Từ thứ Bảy 20/05/2017, tại Ryad, ngày đầu tiên chuyến công du Trung Đông, tổng thống Donald Trump công khai dựa vào Ả Rập Xê Út, đứng đầu hệ phái Sunni và đồng minh Israel để cô lập Iran, ngọn cờ của hệ phái Shia. Quan điểm bạn thù đơn giản này đặt Trung Đông trước một ngả rẽ : hoặc mở đầu cho một cuộc thương thảo toàn diện, hoặc toàn vùng lao vào cuộc chiến triền miên.
Trên bàn cờ địa chính trị ở Trung Đông, thay vì tìm đối thoại với Iran, cường quốc Hồi Giáo Shia đang lên, tổng thống Mỹ Donald Trump dứt khoát đứng về một phía : đó là các đồng minh Ả Rập Sunni. Tổng thống Mỹ gọi đích danh Iran là một đối thủ nguy hiểm, không kém gì hai tổ chức Sunni khủng bố là Al Qaida và Daech.
Khi lấy sáng kiến đối thoại với Iran, cựu tổng thống Barack Obama nhắm hai mục đích : đạt được thỏa thuận hạt nhân với Teheran và hy vọng chính quyền Hồi Giáo chừng mực hơn trong chính sách Trung Đông, nhất là trong hồ sơ Syria. Tuy nhiên, trên thực tế, Iran vẫn không thay đổi : vẫn bảo vệ chế độ Bachar al Assad từ quân sự đến hậu cần, vẫn cung cấp vũ khí cho phong trào Shia Hezbollah-Liban, vẫn yểm trợ cho dân quân Shia nước láng giềng Irak. Teheran vẫn theo đuổi chương trình cải tiến tên lửa ngày càng mạnh và triển khai một mạng lưới ảnh hưởng ở Trung Đông, tạo thành một trục quân sự với Nga và Syria từ ngày ký thỏa thuận hạt nhân với quốc tế (tháng 07/2015).
Có lẽ vì thế, nhưng không phải chỉ có thế, tổng thống Doanld Trump đã chọn phe Sunni, mà quyền lợi bị ảnh hưởng của Iran đe dọa. Khi lên án đích danh Iran là đồng minh của khủng bố, chủ nhân mới tại Nhà Trắng trở lại chiến lược cũ, trước thời Obama. Không chỉ trấn an các đồng minh Ả Rập Sunni, Donald Trump còn muốn đi xa hơn, biến vương quốc Ả Rập Xê Út thành một cường quốc quân sự trong vùng, với 110 tỷ đôla hợp đồng vừa ký kết. Trong khi người tiền nhiệm lưu tâm đến trách nhiệm của mỗi bên xung khắc, từ ý thức hệ đến kinh tài nuôi dưỡng thánh chiến đe dọa nhiều khu vực trên địa cầu, kể cả châu Âu, thì tổng thống Donald Trump phân tích một cách đơn giản hơn. Ông chỉ kêu gọi các nước Ả Rập Sunni « đánh đuổi khủng bố ra khỏi các thánh đường và đất nước » trong khi Iran bị xem là kẻ thù « trang bị, tài trợ, huấn luyện cho khủng bố », cần phải cô lập.
Thật ra, tổng thống doanh nhân cũng lắm mưu cơ. Chặng dừng chân của Donald Trump tại Ryad vỏn vẹn 48 giờ, nhưng các tập đoàn công nghiệp Mỹ ký được hàng loạt hợp đồng khổng lồ, từ năng lượng đến vũ khí, trị giá tổng cộng 380 tỷ đôla. Trước khi bay sang Jerusalem, tổng thống Mỹ không quên vận động các nguyên thủ Ả Rập tái lập quan hệ ngoại giao với Israel và củng cố đường hướng chiến lược của Tel Aviv. Israel cũng như Ả Rập Xê Út không xem thánh chiến, dù là Daech hay Al Qaida, là mối đe dọa nguy hiểm nhất. Chính sách bành trướng của Iran mới là kẻ thù số một.
Trong bài phân tích « Washington thay đổi ưu tiên tại Trung Đông », Le Monde, nhật báo có uy tín tại Pháp, cho rằng tổng thống Donald Trump sắp xếp ván cờ Trung Đông theo lăng kính chiến tranh lạnh : một bên là khối Ả Rập theo hệ phái Sunni, Israel và Hoa Kỳ, còn bên kia là Iran, Syria và Nga.
Đây là khúc nhạc dạo đầu báo hiệu một tiến trình thương lượng toàn diện, nhưng cũng có thể là chiến tranh sẽ tiếp diễn và tàn phá cả khu vực.
Trước mắt, chiến lược bao vây Iran của Washington có thể sẽ làm suy yếu tổng thống Hassan Rohani đại diện của phe cải cách và cởi mở ở Teheran, mới tái đắc cử vẻ vang hôm thứ Sáu tuần trước. Chiến thắng này không được giáo chủ Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao Iran, hài lòng. - RFI
***
Le Monde và La Croix ngày 23/05/2017, có bài tổng kết về chuyến đi Ả Rập Xê Út của tổng thống Mỹ. Trước đông đảo đại diện và lãnh đạo của khoảng 50 quốc gia Hồi Giáo, tổng thống Mỹ khẳng định cuộc chiến chống khủng bố là một cuộc chiến đấu khó khăn giữa cái « Thiện » và « Ác ».
Việc Donald Trump vạch ra một « trục tội ác mới », bao gồm Daech – Iran cho thấy Washington đang thay đổi chiến lược của mình tại Trung Đông, như nhận định của bài xã luận trên Le Monde. Nhưng với La Croix, khi chỉ định Iran là kẻ thù chính cho các đồng minh của Mỹ tại Trung Cận Đông, phớt lờ kết quả bầu cử tổng thống khách quan tại Iran, tổng thống Mỹ như đang cho thấy trên thế giới tồn tại « hai nước Iran ».
Một Iran khủng bố, cần phải được cô lập với thế giới. Bởi vì Teheran ủng hộ Hezbollah tại Liban và Hamas tại Palestine…Nước Iran này can thiệp vào các nước khác trong khu vực, như Syria, Irak và Yemen… Donald Trump đặt Iran ngang hàng với những tổ chức thánh chiến quốc tế như Al-Qaida hay Daech. Phê phán Iran, nhưng tránh chỉ trích Ả Rập Xê Út, Qatar hay Thổ Nhĩ Kỳ, vốn dĩ cũng làm điều tương tự… Nói tóm lại, tại Riyad, tổng thống Mỹ đã đơn giản hóa chính sách Trung Đông của ông như sau : Tất cả đều chống Iran và lợi ích của Mỹ sẽ được bảo vệ.
Nhưng tổng thống Mỹ cũng quên rằng còn có một quốc gia Iran khao khát được mở cửa với thế giới. Điều đó được thể hiện rõ nét qua việc ông Hassan Rohani, người có tư tưởng Hồi Giáo ôn hòa tái đắc cử tổng thống vẻ vang ngay trong vòng một bầu cử, trước đối thủ có lập trường đóng cửa là ông Ebrahim Raissi.
Lãnh đạo Tối cao Ali Khamenei, người đảm bảo sự sinh tồn của hệ thống chính trị thần quyền do giáo chủ Khomeyni xây dựng trong những năm 1980, dù không hề có chút tư tưởng dân chủ nào nay buộc phải nghĩ đến những khát vọng của người dân.
Do đó, La Croix cho rằng tại một vùng Trung Đông phức tạp, nơi mà những trào lưu cấp tiến đang củng cố lẫn nhau, nước Pháp của Emmanuel Macron nên có những chính sách khôn khéo. Paris có lẽ nên tăng cường các mối hợp tác trao đổi – văn hóa, kinh tế, du lịch… với Teheran, kể cả trong lĩnh vực y tế, giáo dục, truyền thông. Nói một cách rộng hơn, Pháp không nên ủng hộ một phe nào (Ả Rập và hệ phái Sunni) để chống lại phe nào (Iran và hệ phái Shia).
Trump mơ màng đến hòa bình cho Cận Đông
Báo chí Pháp tiếp tục theo dõi sát sao chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại chặng dừng thứ hai, sau Ả Rập Xê Út, Les Echos cho biết « Chính quyền Israel trải thảm đỏ đón Trump ». Một chuyến thăm « lịch sử » đối với thủ tướng Benyamin Netannyahu. Bởi vì, « trước đây chưa có một tổng thống Mỹ nào đã xếp Israel vào trong hành trình công du ngoại quốc đầu tiên », theo như lời thủ tướng Israel.
Về phần mình, Le Figaro thấy rằng « Donald Trump muốn thúc đẩy chính sách Cận Đông ». Sau Israel, tổng thống Mỹ cũng đến vùng lãnh thổ Palestine. Ông muốn đóng vai trò người kiến tạo hòa bình trong cuộc xung đột Israel – Palestine. Ngay khi đặt chân xuống phi trường quốc tế tại Tel Aviv, tổng thống Mỹ đã không quên nhấn mạnh đến một « cơ hội hiếm hoi cho an ninh, sự ổn định và hòa bình» trong khu vực.
Tuy nhiên cả hai nhật báo đều nhận thấy chính sách tìm kiếm hòa bình cho Cận Đông của Donald Trump vẫn chưa rõ ràng. Điều này khiến La Croix lo lắng đặt câu hỏi « Liệu Donald Trump có thể đạt được hòa bình ở Cận Đông hay không?" - RFI
|
|
4.
Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ra tòa vì tội tham nhũng
Cựu tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun Hye hôm nay, 23/05/2017, lần đầu tiên ra tòa tại Seoul. Bà bị cáo buộc 18 tội danh : tham nhũng, lạm dụng quyền lực, làm thất thoát bí mật Nhà nước, và lập danh sách đen 10.000 nghệ sĩ bị cho là hay chỉ trích chính phủ. Vụ bê bối này đã gây ra những cuộc biểu tình khổng lồ, dẫn đến việc bà bị truất phế hôm 10/3, và nay có nguy cơ lãnh án từ 10 năm tù cho đến chung thân.
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tường trình :
« Bà Park Geun Hye ra trước tòa với đôi tay bị còng, khuôn mặt ủ rũ, số tù dán trên ngực áo. Một nhóm người ủng hộ đứng vẫy cờ chờ đợi bà. Ngồi ở hàng ghế bị cáo, nữ tổng thống bị truất phế không hề nhìn đến một bị cáo khác ngồi ngay bên trái, đó là bà Choi Soon Sil, cố vấn trong bóng tối, người đã gây ra vụ bê bối.
Park Geun Hye là tổng thống Hàn Quốc thứ ba phải đối mặt với các thẩm phán. Hai tổng thống đầu tiên vốn là hai vị tướng – hai ông Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo – bị xét xử vì vai trò trong vụ đảo chính năm 1979.
Phiên xử bà Park rất được chờ đợi, cũng nhắm vào các tập đoàn gia đình, tức là các « chaebol » : cựu tổng thống và người cố vấn tâm phúc của bà bị cáo buộc đã hưởng lợi 47 triệu euro do các công ty lớn « trao tặng ». Bà Park Geun Hye đã bác bỏ toàn bộ những cáo buộc này trong phiên đầu tiên.
Trong khuôn khổ vụ án, phó chủ tịch và là người thừa kế của tập đoàn điện tử Samsung đã bị tạm giam. Vụ bê bối này cho thấy người Hàn Quốc ngày càng khó chấp nhận sự thông đồng đã thành truyền thống giữa chính phủ và các chaebol". - RFI
|
|
5.
Ðức Giáo Hoàng và TT Trump sẽ nối lại quan hệ?
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và phu nhân Melania đến Vatican gặp gỡ Ðức giáo hoàng Phanxicô và các lãnh đạo của Giáo hội Công giáo La Mã trong buổi tiếp kiến dự định dài 20 phút vào thứ Tư này, sẽ không có những nghi lễ tiếp đón ông long trọng như ở Ả Rập Xê-út cuối tuần trước.
Phái đoàn của Tổng thống Trump sẽ được đón rước vào Điện Vatican ở cổng Parta del Perugino bên hông của Tòa thánh, theo đề yêu cầu của Ðức giáo hoàng để không gây gián đoạn Lễ Thăng thiên ở Quảng trường Thánh Phêrô. Theo dự trù Ðức giáo hoàng xuất hiện trước giáo dân ở quảng trường Thánh Phêrô sau cuộc họp với Tổng thống Trump.
Các nhà quan sát bình luận rằng việc giảm nhẹ nghi thức nghênh đón đó phản ánh mức độ trông mong của cuộc gặp gỡ này ở cả Tòa Bạch Ốc lẫn Tòa thánh Vatican. Các giới chức của các hai bên rất lo lắng trong thời gian chuẩn bị cho cuộc gặp này.
Hai nhà lãnh đạo chưa từng trực tiếp gặp nhau trước đó, nhưng đã từng có những công kích qua lại. Hồi tháng 2 năm ngoái, ông Trump tố cáo Ðức giáo hoàng để cho chính phủ Mexico dùng hình ảnh của ngài như một con cờ chính trị trong vấn đề di dân. Nhà lãnh đạo Vatican đáp lại bằng câu hỏi về đức tin Công giáo của ông Trump lúc đó còn là một ứng cử viên, và nói rằng kế hoạch của ông Trump xây tường thành biên giới phía nam không có một căn cứ nào trong Phúc âm. Ðức giáo hoàng Phanxicô đã nói với các phóng viên báo chí khi trên đường đến thăm Mexico rằng: “Một người lúc nào cũng nghĩ đến xây tường thành ngăn cách, mà không nghĩ đến chuyện bắt cầu hiệp thông thì không phải là tín đồ Công giáo.”
Đáp lại phát biểu đó, ông Trump đã gay gắt trả miếng bằng một tuyên bố dài ba đoạn với đại ý rằng ông cảnh báo Vatican sẽ bị Nhà nước Hồi giáo tấn công khủng bố, và rồi các nhà lãnh đạo Giáo hội sẽ phải mang ơn ông nếu ông vào Tòa Bạch Ốc, và “một nhà lãnh đạo tôn giáo hỏi về đức tin của một người là đáng hổ thẹn.”
Từ lần đó, hai bên không trực tiếp tranh cãi với nhau nữa, nhưng Ðức giáo hoàng, lãnh tụ tinh thần của 50 triệu tín đồ Công giáo ở Mỹ, đã tỏ rõ bất đồng với Tổng thống Trump về làng loạt các vấn đề, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, người tị nạn và vũ khí hạt nhân.
Hồi đầu tháng này, Ðức giáo hoàng Phanxicô đã phát biểu hoà hoãn hơn rằng chuyến thăm Vatican sắp tới của Tổng thống Trump mở ra một cơ hội để hai bên lắng nghe nhau. Ngài nói: “Tôi không bao giờ xét đoán một người khi chưa được lắng nghe người đó. Tôi sẽ nói lên suy nghĩ của tôi và ông ấy sẽ nói lên suy nghĩ của ông ấy.”
Trong mấy tuần qua đã có những cuộc thảo luận căng thẳng về nghị trình cho cuộc họp, và một giới chức của Vatican nói với đài VOA rằng họ tìm cách tránh những “rủi ro” và cố tạo sự hòa giải giữa Ðức giáo hoàng và Tổng thống Trump. Về phía Tòa Bạch Ốc, một chuyến thăm Điện Vatican tốt lành sẽ giúp đẩy mạnh việc xây dựng hình ảnh Tổng thống Trump như là một nhân vật tích cực đoàn kết ba tôn giáo, là Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo với nhau trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Các trợ lý của Ðức giáo hoàng nói với nhật báo Corriere della Sera hôm Chủ nhật rằng “Cuộc gặp gỡ sẽ tốt đẹp.” Mặc dù nhật báo này bình luận rằng liệu đó là một dự đoán, một mong ước hay một lời nguyện cầu. Một giới chức nói rằng việc tham dự của bà Melania Trump được các trợ lý của Ðức giáo hoàng xem là hữu ích, vì có thể sẽ giúp ngăn tránh những đối kháng trở nên quá căng thẳng. - VOA
|
|
6.
Trung Quốc chưa định khai thác Nam cực
Trung Quốc có kế hoạch mở rộng nghiên cứu khoa học tại Nam cực trong thời gian tới giữa những quan ngại về biến đổi khí hậu tại khu vực này, nhưng không có kế hoạch tức thì khai thác những tài nguyên thiên nhiên có thể bị ảnh hưởng khi khu vực băng giá của Nam cực thu hẹp lại, giới chức chính phủ Bắc Kinh loan báo ngày 22/5.
Trung Quốc ngày càng quan tâm đến lục địa băng giá này và sự chú ý này càng lộ rõ khi Bắc Kinh tổ chức cuộc họp với hơn 40 quốc gia giám sát việc quản lý Nam cực theo một hiệp ước vào năm 1959.
Hoạt động của con người tại Nam cực bị chi phối bởi những thỏa thuận chỉ định vùng này là một vùng bảo tồn thiên nhiên. Những nghị định thư này cũng cấm thiết lập các căn cứ quân sự và khai thác tài nguyên thiên nhiên, dù có những lời đồn đoán là Trung Quốc một ngày nào đó có thể tìm cách khai thác các trữ lượng khoáng sản của Nam cực để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nước nhà.
Trung Quốc ký hiệp ước Nam cực vào năm 1983 và kể từ đó đã thiết lập 4 trạm nghiên cứu. Trung Quốc cũng có kế hoạch bắt đầu xây một sân bay vào cuối năm nay và một trạm nghiên cứu thứ 5 vào năm 2018, và đang đóng một tàu phá băng để tăng cường cho chiếc Xue Long, một tàu phá băng do Ukraine chế tạo hiện được sử dụng cho những công tác tại Nam cực.
Ông Lin Shanqing, Phó Trưởng Cục Hải dương Quốc gia ngày 22/5 loan báo Trung Quốc muốn “góp phần vào việc sử dụng Nam cực ôn hòa, có tránh nhiệm, trong cương vị là một nước lớn.”
Ông Lin nói “Trong giai đoạn này, việc thám hiểm và nghiên cứu Nam cực của Trung Quốc phần lớn chú trọng vào tăng cường hiểu biết về vùng Nam cực và để bảo vệ tốt hơn môi trường Nam cực. Theo tôi biết hiện nay, Trung Quốc không có kế hoạch khai mỏ tại Nam cực.”
Khoảng 400 đại diện của 42 nước và 10 tổ chức quốc tế sẽ tham dự hội nghị Hiệp ước Nam cực lần thứ 40 kéo dài đến ngày 1/6. Phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ và ông Dương Khiết Trì, cố vấn cao cấp về chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình, dẫn đầu.
Sự tham dự của hai giới chức này cho thấy Trung Quốc đặt nặng vào việc gia tăng nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó phải kể đến việc đổ bộ một xe tự hành xuống mặt trăng vào năm 2013, gia tăng canh tân quân đội và trong tháng này tiến hành chuyến bay đầu tiên của một máy bay phản lực chở khách do Trung Quốc chế tạo
Tại hội nghị Nam cực, các giới chức Trung Quốc hy vọng sẽ ký một thỏa thuận hợp tác vùng cực với Hoa Kỳ, Nga và Đức, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Biến đổi khí hậu và du lịch cũng sẽ nằm trong nghị trình. - VOA
|
|
7.
Lỗ nặng, Cathay Pacific cho 600 nhân viên nghỉ việc
Công ty hàng không dân sự Cathay Pacific Airways hôm Thứ Hai cho hay sẽ cho nghỉ việc khoảng 600 nhân viên ở văn phòng trung ương, trong vụ giảm nhân sự lớn nhất của công ty từ hai thập niên qua, do gặp nhiều cạnh tranh và điều kiện làm ăn khó khăn.
Công ty Cathay, có trụ sở chính đặt tại Hồng Kông, nói rằng họ sẽ cho nghỉ việc khoảng 190 người ở chức vụ quản trị, tức khoảng 25% tất cả các chức vụ quản trị điều hành của công ty.
Cathay cũng cắt giảm khoảng 400 nhân viên ở các nhiệm vụ khác.
Trong bản thông cáo gửi tới báo chí, Cathay nói rằng các nhân viên trực tiếp liên hệ tới khách hàng như phi công và phi hành đoàn, “sẽ không bị ảnh hưởng”, nhưng “cũng sẽ được yêu cầu làm việc hữu hiệu hơn và năng suất cao hơn.”
Công ty hàng không lớn nhất Hồng Kông này hiện đang có cuộc tái cấu trúc lớn nhất kể từ năm 1998, khi cho gần 800 người nghỉ việc, vào thời điểm có cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu.
Cathay phải giảm người sau khi lỗ $76 triệu trong năm 2016, năm đầu tiên lỗ lã kể từ 2008 tới nay.
Công ty Cathay, với khoảng 16,500 nhân viên tại Hồng Kông, dự trù hoàn tất việc giảm nhân sự trước cuối năm nay. - nguoiviet
|
|
Tin Hoa Kỳ
8.
Ông Trump từng yêu cầu tình báo bác tin về liên hệ Nga-Trump
Tổng thống Donald Trump hồi tháng 3 thúc giục hai giới chức tình báo cao cấp công khai lên tiếng bác bỏ tin nói rằng có bằng chứng về sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga, Washington Post ngày 22/5 dẫn nguồn tin từ hai cựu quan chức cho biết.
Hai giới chức tại chức và hai cựu quan chức được tờ báo trích thuật nói rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Michael Rogers đã từ chối tuân thủ đề nghị của ông Trump vì cho rằng đề nghị đó là không thích hợp. - VOA
|
|
9.
Bộ Tư pháp yêu cầu Thẩm phán xem lại phán quyết chống Trump
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ngày 22/5 yêu cầu một thẩm phán liên bang xem lại phán quyết ngăn cản nỗ lực của Tổng thống Donald Trump muốn cắt ngân quỹ liên bang đối với các thành phố dung chấp di dân bất hợp pháp.
Tháng trước, Thẩm phán William Orrick III tại San Francisco đã ra lệnh chống lại chính sách của ông Trump trước khi vụ việc được đưa ra tòa xét xử.
Bộ Tư pháp nói lý do Thẩm phán Orrick đưa ra lệnh này trái ngược với hướng dẫn pháp lý mới ban hành từ Bộ trưởng Tư pháp hôm nay, 22/5. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
10.
Đụng độ Biển Đông: Việt Nam bắt giữ quan chức Indonesia --- Thêm 23 ngư dân Việt bị bắt ở Malaysia
Hôm 23/5, Indonesia nói nhiều tàu đánh cá Việt Nam đã chạy ra khỏi lãnh hải nước này sau một màn biểu dương lực lượng của cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông.
AP dẫn nguồn Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia nói Việt Nam đang cầm giữ một giới chức ngư nghiệp Indonesia trên một trong những chiếc tàu của Việt Nam, trong khi phía Indonesia bắt giữ 11 thuyền viên người Việt.
Indonesia cho biết vụ xung đột xảy ra hôm Chủ nhật ở phía bắc chuỗi đảo Natuna, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp của Indonesia nói 5 tàu đánh cá Việt Nam đã bị tàu tuần duyên Indonesia chặn lại. Các tàu này nằm dưới sự kiểm soát của Indonesia cho tới khi tàu của cảnh sát biển Việt Nam tới, đâm thủng tàu cá có quan chức Indonesia trên đó, làm chìm tàu. Indonesia cho biết không có ai bị thương.
Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết tàu của họ đã rút lui sau khi màn hình radar cho thấy có thêm nhiều tàu cảnh sát biển Việt Nam đang tiến gần, trong khi tàu chiến Indonesia ở cách đó đến 30 phút.
Thi hành chính sách tăng cường kiểm soát vùng lãnh hải rộng lớn của quần đảo, Indonesia trong 2 năm qua đã đánh đắm hàng trăm tàu đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển nước này. Trong số đó, rất nhiều tàu treo cờ Việt Nam.
AP dẫn lời ông Rifky Effendi Hardjianto, Tổng thư ký Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia, nói tại một cuộc họp báo rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia đã gặp Đại sứ Việt Nam. Vụ va chạm này sẽ được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao thông thường. Cả hai phía đều đồng ý sẽ tìm cách để tránh tái diễn xung đột. - VOA
***
Liên quan đến sử dụng tài nguyên môi trường biển, 23 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở Malaysia vì bị tình nghi đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước này.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin như vừa nêu vào ngày 23 tháng 5.
Trước đó, ngày 22 tháng 5, Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia thông báo 23 ngư dân trong độ tuổi từ 23 – 64 bị bắt giữ ở vị trí cách Kuala Tok Bali, bang Kelantan, khoảng 68 hải lý, lúc đang sử dụng lưới rà để đánh bắt hải sản.
Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết hiện đang làm việc với cơ quan chức năng để xác định thông tin và xử lý.
Cùng ngày 23 tháng 5, một buổi hội thảo mang tên “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái pháp luật” được đưa ra trong buổi hội thảo tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại buổi hội thảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết từ 1-1-2013 đến 31-3-2017 đã có 134 tàu với hơn 1.000 ngư dân của tỉnh bị bắt ở lãnh hải nước khác do xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái pháp luật.
Trong đó, 132 tàu với 997 ngư dân bị bắt giữ ở Indonesia. Hai tàu khác bị bắt ở Malaysia.
Nguyên nhân được đưa ra trong buổi hội thảo là nguồn tài thuỷ sản trong vùng biển trong nước bị cạn kiệt. - RFA
|
|
11.
Lý do Thủ tướng Phúc nên đi Mỹ càng sớm càng tốt
Giữa lúc tình hình Biển Đông đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và hình ảnh Việt Nam mờ nhạt trong bức tranh chính sách của chính quyền Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên tới Washington càng sớm càng tốt để “tham gia cuộc chơi ngay từ đầu”, theo ý kiến của một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington.
Theo nhà nghiên cứu Murray Hiebert, cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, chuyến đi Mỹ đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc có vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ.
“Thực sự có những lý do lớn về quan hệ song phương khiến ông ấy [Nguyễn Xuân Phúc] muốn và nên đến đây. Ông ấy cần đến để chốt lại chuyện ông Trump sẽ đến tham dự thượng đỉnh APEC, điều mà giờ ông Trump đã đồng ý nhưng trước đây thì không khi Việt Nam mới đưa ra đề nghị. Họ cũng sẽ có nhiều vấn đề cần bàn về thương mại, bao gồm Hoa Kỳ sẽ làm gì sau khi bỏ TPP, Việt Nam bị xếp vào danh sách 16 nước ‘gian lận thương mại’ đối với Mỹ có hàm ý gì và chích sách của Trump xử lý việc này thế nào, và Việt Nam cũng muốn nghe từ chính quyền Trump về Hiệp định Thương mại song phương Mỹ-Việt”.
Vấn đề Biển Đông là lý do tiếp theo mà Việt Nam cần phải đưa lên bàn nghị sự trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo nhà nghiên cứu Murray Hiebert.
“Họ cần phải bàn về vấn đề Biển Đông và quan điểm của Việt Nam về vấn đề này. Vì lợi ích của chính mình, Việt Nam cần phải nói cho Mỹ biết Việt Nam mong muốn gì, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Đông Nam Á và Trung Quốc cũng như việc các nước này luôn mong Hoa Kỳ sẽ giữ vai trò cân bằng với Trung Quốc và ủng hộ họ trong những vấn đề như tự do hàng hải, ngăn chặn Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Trường Sa”.
Theo nhận định của chuyên gia CSIS, Trung Quốc hiện đang có khuynh hướng làm nhẹ đi các vấn đề Biển Đông vì hai lý do: sự xuất hiện của tân chính quyền Trump và Đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19 sẽ diễn ra ở Bắc Kinh vào cuối năm nay.
Chính vì vậy, đây là lúc mà “Việt Nam cần phải tìm cách, ngay lúc này, có thể là cùng với Singapore, Malaysia và những nước có quan tâm đến chuyện gì đang xảy ra ở Biển Đông, giữ cho vấn đề này tiếp tục nóng để khi có chuyện gì xảy ra thì có sự đồng lòng và ủng hộ”.
Ngoài ra theo đánh giá của chuyên gia Hiebert, mối quan hệ “rất phức tạp” giữa Washington và Bắc Kinh vào thời điểm này là một yếu tố tiếp theo khiến Việt Nam nên tiếp cận với chính quyền Trump càng sớm càng tốt.
Theo ông Hiebert, Tổng thống Trump hiện đang cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, vốn là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay. Vì vậy, về phương diện nào đó, Hoa Kỳ cần hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hai cường quốc sẽ gạt bỏ hay gây khó khăn cho ASEAN, như lo ngại của một số người rằng Hoa Kỳ có thể sẽ hy sinh lợi ích ở Biển Đông để đổi lấy sự hợp tác từ Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ chúng ta rồi sẽ thấy trong thời gian tới, có thể là vài tháng, Trump sẽ vô cùng thất vọng vì Trung Quốc không thể làm gì hơn nữa trong vấn đề Bắc Triều Tiên”.
Chuyên gia Hiebert cho rằng để có thể xuất hiện trong bức tranh chính sách còn chưa hoàn toàn thành hình của chính quyền Trump, Việt Nam “không nên chờ đến một thời điểm hoàn hảo để tới đây, mà phải tới đây ngay bây giờ để trở thành một phần trong cuộc đối thoại”.
Ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ và nội dung cụ thể của chuyến thăm đang được hai bên thu xếp.
Một số nguồn tin nói Tổng thống Trump sẽ tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng này. Nhưng đến tối 22/5, Tòa Bạch Ốc xác nhận với VOA rằng “Hiện không có chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài nào được thông báo vào thời điểm này”. - VOA
|
|
12.
Bình luận về Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ
BBC ghi nhận ý kiến của giới quan sát về cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 21 diễn ra tại Hà Nội hôm 23/5.
Bà Virginia Bennett, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ trong lúc phía Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, đứng đầu.
Thông cáo do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phát đi cho hay: "Việc thúc đẩy nhân quyền là phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là khía cạnh chủ chốt trong cuộc đối thoại liên quan đến chiến lược hợp tác toàn diện Việt - Mỹ".
Hôm 23/5, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà báo Phạm Thành nói: "Tôi không tin là Hà Nội thực lòng muốn đối thoại về nhân quyền mà chỉ muốn tìm cách che đậy bộ mặt phi dân chủ của họ thôi."
"Cứ nhìn vào cách hành xử của chính quyền với những tiếng nói đối lập thì thấy."
"Bản thân tôi và các nhà hoạt động khác ở Hà Nội như nhà báo tự do Đoan Trang đã bị canh nhà từ hôm kia đến nay."
"Từ thời Hoàng Minh Chính đến các nhà hoạt động, blogger bị bắt gần đây như Thúy Nga, Mẹ Nấm đều là những tiếng nói phản biện ôn hòa nhưng lại bị tống giam."
"Thậm chí có trường hợp như luật sư Nguyễn Văn Đài đã quá thời hạn tạm giam nhưng vẫn chưa đưa ra xét xử."
"Ngoài ra là việc chính quyền không muốn trao cho người dân quyền biểu tình khi luật Biểu tình cả chục năm vẫn không được thông qua."
Chủ blog Bà Đầm Xòe cũng cho biết thêm: "Nhưng tôi tin là chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây áp lực thật sự cho Hà Nội về vấn đề nhân quyền, vì ông ấy là nhà chính trị, nhà kinh tế thực dụng."
"Nhất là trong bối cảnh lòng tin của người dân đang giảm sút, thượng tầng chính trị Việt Nam đang đấu đá và cả thế giới đều đưa điều kiện nhân quyền khi Hà Nội muốn hợp tác thương mại."
'Nhiều vi phạm'
Ông Thomas J. Reese, S.J., Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) bình luận với BBC: "Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam là một trong những công cụ song phương nhằm đảm bảo rằng các quyền như tự do tôn giáo được coi trọng."
"Với việc chính phủ Việt Nam nói họ sẵn sàng rõ ràng để Hoa Kỳ và các bên quốc tế khác tham gia về quyền tự do tôn giáo và các quyền con người, chính phủ Hoa Kỳ nên tiếp tục khuyến khích điều này trong bối cảnh Đối thoại Nhân quyền và các diễn đàn khác."
"Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới của Việt Nam dù có những cải tiến nhưng vẫn còn thiếu sót và chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế."
"Vì nó chưa được thực thi, nhiều tổ chức tôn giáo và tín đồ vẫn hoài nghi và quan ngại về việc luật sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc họ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng."
"USCIRF nhận thấy rằng có nhiều vi phạm về tự do tôn giáo ở nhiều địa phương tại Việt Nam."
"Vì những lý do này, Báo cáo thường niên năm 2017 của USCIRF một lần nữa đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC [Các quốc gia đặc biệt đáng quan ngại] vì những vi phạm tự do tôn giáo "có hệ thống, liên tục và trầm trọng".
"Một khía cạnh đáng quan tâm của cuộc đối thoại năm nay là thiếu vắng Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và chỉ có sự tham gia của một đại diện Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ."
"Việc này gửi tín hiệu sai trong bối cảnh Hoa Kỳ cần nhất quán khuyến khích Việt Nam tiếp tục thực hiện cải tiến tự do tôn giáo."
Trong khi đó, bà Hiền Vũ, từ Viện Liên kết toàn cầu (Institute for Global Engagement - IGE) đặt ở Mỹ, tỏ ra lạc quan hơn khi nói với BBC.
"Nếu cả chính phủ Mỹ và Việt Nam công nhận rằng có quan hệ trực tiếp giữa tiến bộ nhân quyền và tiến bộ trong thương mại, đầu tư và hợp tác quân sự, và họ hành động, thì tôi tin sẽ có tác động tích cực và cụ thể."
Trả lời BBC, ông Josef Roy Benedict, Phó Giám đốc Văn phòng Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Amnesty (Tổ chức Ân xá Quốc tế) cho hay: "Bên cạnh Mỹ, Việt Nam cũng có các cuộc đối thoại với Úc, EU, Na Uy và Thụy Sỹ. Tuy Hà Nội sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại, họ vẫn chưa cho thấy rõ cam kết cải cách thật sự về các chính sách để đưa nó phù hợp với luật nhân quyền quốc tế."
"Việt Nam đã ký kết các công ước quốc tế về quyền con người. Nhưng thực tế thì các nhà bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động môi trường, tôn giáo tại nước này đang bị sách nhiễu và khủng bố."
"Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính hiện có khoảng 90 tù nhân lương tâm ở Việt Nam đang bị cầm tù vì thực hiện các quyền tự do ngôn luận."
"Nhiều người trong số này bị biệt giam, khước từ việc được điều trị y tế."
"Hoa Kỳ phải đảm bảo rằng Việt Nam sẽ có những bước cụ thể về việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm và cam kết công khai về việc chấm dứt tình trạng hình sự hóa, sách nhiễu và hăm dọa và các nhà hoạt động nhân quyền."
Liên quan đến việc bắt giữ những nhà hoạt động và blogger, Việt Nam luôn khẳng định "tôn trọng nhân quyền" và chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật. - BBC
|
|
13.
Hoa Kỳ bàn giao sáu tàu tuần duyên cho Việt Nam
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius hôm qua, 22/05/2017, đã chính thức bàn giao sáu tàu tuần duyên Metal Shark cho Cảnh Sát Biển tỉnh Quảng Nam. Đây là một động thái nhằm đẩy mạnh hợp tác an ninh giữa hai quốc gia trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực Biển Đông hiện đang có tranh chấp.
Theo hãng tin ABC News, trong một thông cáo, đại sứ quán Hoa Kỳ hôm nay 23/05 cho biết việc bàn giao cho thấy hai nước ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn trong thực thi luật hàng hải và hỗ trợ nhân đạo trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius phát biểu trong lễ bàn giao: "Sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào môi trường hàng hải ổn định và bình yên. (…) Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cũng được hưởng lợi từ sự ổn định trong khu vực. Đó là lý do vì sao chúng tôi ở đây hôm nay, và đó cũng là lý do vì sao chúng tôi rất vui mừng được làm việc cùng với Lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam."
Các tàu tuần tra này sẽ hỗ trợ Cảnh Sát Biển Việt Nam trong việc tuần tra và chống buôn lậu, chống cướp biển, cướp tàu thuyền có vũ trang và chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
Ngày 23/05/2016, Nhà Trắng thông báo cung cấp cho Lực Lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam 18 tàu tuần duyên Metal Shark, hỗ trợ huấn luyện, cung cấp các thiết bị tăng cường thực thi pháp luật. - RFI
|
|
14.
Điều trần tại Hạ viện Mỹ về Nguyễn Hữu Tấn, chết trong khi bị câu lưu ở Vĩnh Long
Ngay trước khi Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Donald Trump vào cuối tháng này, Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ mở một buổi điều trần vào ngày 25/5, về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo, nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam.
Dân Biểu Christopher Smith thuộc đảng Cộng Hoà, đại diện bang New Jersey, cho biết lý do điều trần trong một thông cáo: “Chính quyền cộng sản Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, và Uỷ ban Tự Do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), vừa khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt nam trở lại danh sách Quốc gia phải Quan tâm Đặc biệt –CPC.”
Dân biểu Smith nói: “Khi Thủ Tướng Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ cuối tháng này, chính quyền Tổng thống Trump sẽ có một cơ hội để khẳng định: người dân Hoa Kỳ sẽ không tài trợ việc đàn áp nghiêm trọng các nhóm tôn giáo, các nhà tranh đấu dân chủ, các blogger và các nhà báo.”
Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS Nguyễn Đình Thắng cho biết chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn, một tín hữu Hòa Hảo chết trong khi bị tạm giam ở Vĩnh Long, sẽ từ thành phố Atlanta, bang Georgia, tới Washington dự buổi điều trần này.
Chị Mỹ Phượng, định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1999, cho VOA biết chị và chồng sẽ có mặt ở thủ đô Washington vào ngày 25/5 để dự buổi điều trần do các dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức.
Chị Phượng cho biết sẽ cố gắng đòi công lý cho người em đã chết oan tại đồn công an tỉnh Vĩnh Long hôm 3/5:
“Em rất lo lắng cho gia đình, vì đang sống trong sự đe đọa: một người anh và một người em hiện đang gặp tình trạng rất nguy hiểm, gia đình, ba mẹ của em rất là sợ, ủy quyền cho em để đòi công lý cho đứa em chết oan. Gia đình của em rất sợ hãi, không dám lên tiếng gì hết.”
Chị Mỹ Phượng nói trong những tuần qua gia đình ở Vĩnh Long đã bị công an áp lực và đe doạ nặng nề như tịch thu tất cả các máy điện thoại “có thể lưu trữ chứng cớ đi ngược với lời giải thích của công an về cái chết của Nguyễn Hữu Tấn.”
Theo chị Phượng, chính quyền còn đe doạ sẽ bắt giam anh trai và em trai của anh Tấn.
Trước đó, anh Nguyễn Hữu Tài, em trai của anh Tấn nói với VOA-Việt ngữ rằng gia đình không tin anh Nguyễn Hữu Tấn, người bị tạm giam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, chết do tự cắt vào cổ.
Anh Trần Thanh Hùng, chồng của chị Phượng, nói với VOA-Việt ngữ rằng công an tỉnh Vĩnh Long đã chiếu cho gia đình xem hai đoạn video khác nhau, theo đó công an cho rằng người cầm dao tự sát là anh Nguyễn Hữu Tấn.
Anh Hùng nói rõ sự khác biệt giữa video chiếu ngày 3/5 với video chiếu ngày 6/5 như sau:
“Lần đầu tiên mà ông già đến đồn công an và công an cho xem video, thì con dao cầm bên tay trái, hai tay không có bị còng, nhưng lại mặc đồ tù, chỉ thấy ngang vai, phớt qua thôi, cầm dao rạch hai, ba cái, rồi té xuống. Còn video họ đem ra chiếu lần thứ hai thì lại khác video lần thứ nhất mà ông già thấy. Trong video lần thứ hai thì hai tay bị còng, cầm dao rạch qua rạch lại mười mấy lần.”
Cũng theo anh Hùng, thông qua một nhà sư ở cùng chùa, công an địa phương đã gây áp lực với cha của anh Tấn, là một tu sĩ theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, phải chấp nhận lời giải thích là anh Tấn đã dùng dao rọc giấy để tự cắt cổ cho đến chết trong đồn công an ngày 3/5.
Truyền thông trong nước đưa tin rằng ngày 6/5, Công an tỉnh Vĩnh Long đã công bố đoạn phim “ghi lại toàn bộ quá trình làm việc giữa cán bộ an ninh điều tra với Nguyễn Hữu Tấn và hành động tự sát của Nguyễn Hữu Tấn tại phòng hỏi cung của Trại tạm giam - Công an tỉnh.”
Báo VietnamNet nói rằng “sau khi xem đoạn phim trên, người thân, cha ruột và vợ của Nguyễn Hữu Tấn cùng các vị chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, đoàn thể và người dân địa phương đã công nhận việc Nguyễn Hữu Tấn tự sát là đúng sự thật, còn những thông tin khác trên các trang mạng xã hội hiện nay là bịa đặt, vu khống.”
Thông cáo của dân biểu Chris Smith cho biết tham gia buổi điều trần tại Hạ viện, còn có tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ BPSOS, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch tổ chức Yểm trợ Cao trào Nhân bản, và ông T. Kumar, Giám đốc phân ban Quốc tế của Ân Xá Quốc Tế.
Theo trang Machsongmedia, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng sẽ trình bày về các hành vi đàn áp nhắm vào các cộng đồng Phật giáo Thống nhất và Phật giáo Khmer Krom, các hội thánh Tin Lành Tây Nguyên và Tin Lành Hmong, các xứ đạo Công giáo Đông Yên và Cồn Dầu, các cộng đồng Cao Đài và Phật Giáo Hoà Hảo Độc Lập. - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment