Tin Thế Giới
1.
Putin bác bỏ việc đổi chác với Nhật về quần đảo Kuril
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 02/09/2016 đã bác bỏ ý tưởng nhượng một hòn đảo thuộc quần đảo Kuril cho Nhật Bản, để đổi lấy việc tăng cường hợp tác kinh tế với Tokyo. Tuyên bố trên được đưa ra vài giờ trước cuộc hội đàm với thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Trả lời hãng tin Bloomberg, tổng thống Nga nói : "Chúng tôi không bán đi lãnh thổ của mình, cho dù vấn đề hiệp ước hòa bình với Nhật Bản là rất quan trọng, và chúng tôi mong cùng với các bạn Nhật tìm ra được giải pháp".
Quan hệ giữa Matxcơva và Tokyo bị đầu độc bởi việc tranh chấp bốn hòn đảo của quần đảo Kuril, do quân đội xô-viết chiếm đóng ba ngày trước khi Nhật Bản đầu hàng trong Đệ Nhị Thế Chiến. Nhật Bản vẫn liên tục đòi hỏi chủ quyền, do vậy cho đến nay hai nước vẫn chưa ký kết hiệp ước hòa bình dù chiến tranh đã kết thúc từ lâu.
Việc thương lượng về bốn hòn đảo được Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc, đã bị rơi vào ngõ cụt từ khi Nga dùng vũ lực sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina hồi tháng 3/2014, và bị Nhật Bản cũng như các nước phương Tây lên án.
Ông Putin, sẽ gặp ông Abe chiều nay tại Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông Nga, cho biết ông tin rằng vấn đề này sẽ là chủ đề thảo luận với thủ tướng Nhật.
"Nhưng đây không phải là một sự trao đổi hay mua bán" - tổng thống Nga nói rõ, khi phóng viên hỏi nếu Matxcơva có sẵn sàng từ bỏ yêu sách chủ quyền một hòn đảo để đổi lấy việc tăng cường hợp tác kinh tế với Tokyo hay không. Vladimir Putin nhấn mạnh: "Đây là việc tìm kiếm một giải pháp có thể giúp cho mỗi bên không bị định kiến, không cảm thấy được lợi hay thua thiệt".
Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề vì các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Riêng thương mại với Nhật Bản đã bị sụt giảm 31% trong năm 2015. Trong chuyến viếng thăm hồi tháng Năm, thủ tướng Shinzo Abe đã đề nghị với ông Vladimir Putin một kế hoạch hợp tác 8 điểm, trong đó có năng lượng, kỹ nghệ và nông nghiệp. Về phía Nga, vào tháng Bảy đã trao cho Nhật danh sách "49 dự án đầy hứa hẹn" trong các lãnh vực trên. - RFI
|
|
2.
Bắc Kinh dựa trên G20 để tô điểm lại hình ảnh bị hoen ố vì Biển Đông
Trong hai ngày 04-05/9/2016, Trung Quốc sẽ tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ trong G20, tề tựu về Hàng Châu để tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh. Bắc Kinh hy vọng lợi dụng dịp đó để tô bóng hình ảnh "lãnh đạo" tự nhiên của mình trên sân khấu thế giới, và tái khẳng định tư thế một cường quốc "có trách nhiệm". Theo phân tích của hãng tin Pháp AFP ngày 01/09/2016, Bắc Kinh rất cần tô điểm lại hình ảnh quốc tế của mình, đã bị sứt mẻ trong thời gian qua vì nhiều vấn đề, đặc biệt là Biển Đông.
Bài phân tích trước hết ghi nhận là tại hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Biển Đông và các vấn đề địa chính trị châu Á khác sẽ chen vào các cuộc thảo luận, bất kể dụng tâm của Bắc Kinh, vốn chỉ muốn giới hạn nghị trình vào vấn đề kinh tế.
Bắc Kinh đã không tiếc tiền bạc và sự xa hoa tại Hàng Châu, một thủ phủ miền Đông Trung Quốc được biết đến qua phong cảnh hồ nước cũng như các doanh nghiệp lớn, nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn thương mại trục tuyến khổng lồ Alibaba.
Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Baptist ở Hồng Kông nhận định: "Đối với Trung Quốc, toàn bộ công việc tổ chức hội nghị G20 là một vấn đề hình ảnh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc có vị trí của mình ở trung tâm hệ thống điều hành toàn cầu."
Dĩ nhiên là uy tín của nền kinh tế thứ hai của thế giới đã bị sứt mẻ do sự sụp đổ ngoạn mục của thị trường chứng khoán Trung Quốc, sự mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ và sự suy giảm nặng nề của tỷ lệ tăng trưởng.
Vì vậy, ở Hàng Châu, Bắc Kinh sẽ xoáy mạnh hơn vào những nỗ lực trong lãnh vực môi trường, vào kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng rộng lớn ở châu Á và vào sự vươn lên của ngân hàng phát triển và đầu tư mà Trung Quốc đã tung ra để làm đối trọng với Ngân Hàng Thế Giới.
Hồ sơ Biển Đông nổi cộm bất chấp Trung Quốc?
Ông Steve Tsang, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nottingham ghi nhận rằng do việc "bản năng tự nhiên của Đảng Cộng Sản là tránh mọi bất ngờ", cho nên chính quyền Bắc Kinh đã muốn "bám chặt chủ đề các vấn đề kinh tế toàn cầu".
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tỏ vẻ tin tưởng: "Chúng tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ bơm một động lực mới vào sự phát triển toàn cầu". Nhưng ngay sau đó,nhân vật này đã nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ rằng vấn đề Biển Đông có dính líu đến G20."
Có điều là việc Trung Quốc áp đặt quyền kiểm soát của họ trên khu vực chiến lược này đã khiến các quốc gia ven Biển Đông, cũng như Hoa Kỳ lo ngại. Kết quả là Biển Đông sẽ hiện diện trong tâm trí của hầu hết mọi người tại Hàng Châu.
Bắc Kinh coi gần như toàn bộ Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc, bất chấp các đòi hỏi của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Việc Bắc Kinh càng lúc càng quân sự hóa các rạn san hô mà họ chiếm đóng ở Trường Sa, và bồi đắp lên thành đảo nhân tạo, cũng như một phán quyết gần đây của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, phủ nhận mọi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, đã góp phần làm căng thẳng gia tăng.
Vấn đề Biển Đông là một trong ba chủ đề chính mà Nhà Trắng cho biết là sẽ đề cập đến tại Hàng Châu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ thúc đẩy đồng nhiệm Trung Quốc tăng cường sức ép lên Bắc Triều Tiên, bất chấp việc hệ thống lá chắn chống tên lửa mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc làm cho Bắc Kinh phẫn nộ.
"Đừng gây rắc rối !"
Về phần thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông hiếm khi bỏ lỡ cơ hội đả kích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ở Biển Hoa Đông, nơi một quần đảo do Tokyo kiểm soát bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Tuy nhiên ông Cao Hồng, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, tin rằng Nhật Bản sẽ phải "hòa ca với các chủ đề của hội nghị thượng đỉnh" do "nước chủ nhà" quyết định, mà không "gây rắc rối".
Theo giáo sư Cabestan, "Rõ ràng là ông Tập Cận Bình sẽ cố gắng chứng minh rằng Trung Quốc là một người hàng xóm có trách nhiệm và không có kẻ thù".
Về phần mình, các nhà lãnh đạo khác trong G20 có thể tránh đụng chạm Bắc Kinh để tranh thủ Trung Quốc trên các vấn đề chiến lược khác.
Washington chẳng hạn, đã có giọng điệu ôn tồn hơn trong giai đoạn trước hội nghị thượng đỉnh, nơi ông Obama hy vọng đạt được nhiều bước tiến với Trung Quốc về hồ sơ khí hậu và về một thỏa thuận đầu tư bị ách tắc từ bao lâu nay.
Theo bà Bonnie Glaser, một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington, thì trong những tháng gần đây, "Hoa Kỳ đã cố tình giảm nhẹ áp lực trên vấn đề Biển Đông".
Ngay cả Nhật Bản, theo chuyên gia Haruko Sato, thuộc Đại học Osaka, cũng có thể tránh né chủ đề Biển Đông "vào lúc khả năng một hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Trung Quốc được gợi lên".
Còn đối với Trung Quốc, nước này sẽ tránh không gây ra sóng gió để khỏi làm lu mờ sự kiện này. Nhưng đối với ông Graham Webster, chuyên gia tại trường Luật Yale, "một khi hội nghị kết thúc, triển vọng sẽ bấp bênh hơn" ở Biển Đông. - RFI
|
|
3.
Hàng trăm ngàn người Venezuela tuần hành
Hàng trăm ngàn người tham gia cuộc biểu tình của phe đối lập tại Caracas, thủ đô Venezuela.
Những người ủng hộ phe đối lập kêu gọi hạ bệ Tổng thống Nicolas Maduro.
Họ buộc ông phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela và cáo buộc ủy ban bầu cử trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý về việc rút ngắn thời gian tại vị của ông.
Ông Maduro, nhân vật cũng có lượng người ủng hộ tập hợp với số lượng lớn, cáo buộc phe đối lập mưu toan đảo chính.
Chính phủ cho biết phe đối lập đã thất bại trong việc thu hút một triệu người tham gia tuần hành mà chính quyền gọi là "Tiếp quản Caracas".
"Quốc gia đã chiến thắng. Họ muốn hăm dọa người dân nhưng người dân ở đây," ông Maduro phát biểu tại trung tâm Caracas.
"Chúng tôi đã phá vỡ một cuộc đảo chính với mưu toan đem lại bạo lực, chết chóc khắp Venezuela và Caracas," ông nói.
'Đã nếm đủ'
Nhưng các nhà lãnh đạo phe đối lập tuyên bố rằng cuộc biểu tình của họ thu hút được ít nhất một triệu người.
"Chúng tôi đã cho thế giới thấy tầm quan trọng của Venezuela và quốc gia này đang muốn có sự đổi thay," chính trị gia đối lập Jesus Torrealba nói.
Những người biểu tình mặc trang phục trắng, hô vang: "Chúng ta sẽ hạ bệ Maduro".
Những người biểu tình cho biết họ đã nếm đủ chính sách của Ðảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela.
"Chúng tôi sẽ đánh bại tình trạng nghèo đói, tội phạm, lạm phát và tham nhũng. Họ chẳng làm được gì trong 17 năm. Giai đoạn của họ đã xong," Naty Gutierrez nói với Reuters.
Trước lúc tuần hành, một số chính trị gia đối lập đã bị bắt giữ.
Tuần trước, Daniel Ceballos, đảng Popular Will bị đưa trở lại nhà tù sau một năm bị quản chế chờ xét xử về tội bạo loạn.
Bộ Nội vụ cho biết ông thoát khỏi lệnh quản chế để thực hiện các hành vi bạo lực trong cuộc biểu tình hôm 1/9. - BBC
|
|
4.
Samsung thu hồi Galaxy Note 7
Hãng Samsung Electronics thu hồi điện thoại thông minh Galaxy Note 7 vì pin có vấn đề gây cháy nổ.
Quyết định này được đưa ra sau khi có tin loại điện thoại này "phát nổ" ở Hoa Kỳ và Nam Hàn trong khi hoặc ngay sau khi sạc điện.
Samsung nói các khách hàng đã mua Galaxy Note 7 có thể đổi lấy cái mới.
Chỉ còn một tuần nữa là đối thủ của Samsung, hãng Apple, sẽ công bố model iPhone mới.
Người đứng đầu mảng kinh doanh điện thoại của Samsung, Koh Dong-jin, thông báo: "Chúng tôi nhận được tin rằng pin của Note 7 bị nổ và đã xác nhận được là pin có vấn đề".
Samsung nói cần khoảng hai tuần để chuẩn bị các điện thoại thay thế.
Theo hãng này, loại Galaxy Note 7 đã được bán ở 10 nước thế nhưng pin lại do các công ty khác nhau cung cấp.
Pin 'phát nổ'
Trong những ngày qua, một số người sử dụng cáo giác rằng điện thoại của họ phát nổ khi sạc pin và Samsung nói đã ghi nhận 35 trường hợp như vậy.
Một người tên Ariel Gonzalez hôm 29/8 đã đăng tải trên YouTube đoạn video cho thấy chiếc Galaxy Note 7 có vỏ cao su bị cháy, màn hình hỏng.
Người này nói chiếc máy điện thoại bốc cháy sau khi tháo ổ sạc chính hãng Samsung, chỉ chưa đầy hai tuần sau khi mua.
Các hình ảnh Galaxy Note 7 bị cháy cũng được đăng trên Kakao Story, một mạng xã hội thông dụng ở Nam Hàn, hôm 30/8.
Galaxy Note 7 mới được ra mắt hôm 19/8 và nói chung được người tiêu dùng đón nhận.
Đây là model mới của Samsung, dòng phablets - tức điện thoại di động màn hình lớn và của Samsung có sử dụng bút.
Samsung cũng thêm bộ scan đồng tử mắt cho Note 7, người sử dụng có thể mở khóa bằng cách này.
Hồi tháng Bảy vừa qua, thu nhập của Samsung quý Hai đã vượt qua trông đợi nhờ vào các loại điện thoại thông minh. - BBC
|
|
5.
Hòa đàm Miến Điện: Nhóm nổi dậy lớn nhất rời hội nghị
Chính phủ, quân đội và khoảng 15 nhóm vũ trang các sắc tộc thiểu số Miến Điện bắt đầu họp tại thủ đô Naypyidaw từ ngày 31/08/2016, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng từ 70 năm nay. Tuy nhiên, ngay vào hôm qua, 01/09, ngày thứ hai của cuộc đàm phán hoà bình, sự cố đã xảy ra. Lực lượng Wa (United Wa State army, gọi tắt là UWSA), được coi là nhóm sắc tộc nổi dậy lớn nhất, đã tuyên bố rời bỏ đàm phán.
Đặc phái viên RFI Rémy Favre tường trình từ Naypidaw,
"Họ chỉ tham gia bàn đàm phán chưa đầy 48 giờ. Các đại diện của phong trào Wa, lực lượng mạnh nhất trong số các phong trào nổi dậy của Miến Điện, đã rời hội nghị hòa bình, vì cho rằng họ không được đối xử bình đẳng như các nhóm khác.
Chính phủ Miến Điện thông báo là có một sự hiểu lầm. Dường như một sai sót trong quá trình nhận thẻ vào phòng họp đã dẫn đến vụ việc nói trên.
Sự cố nói trên cho thấy: Các nhóm sắc tộc vũ trang đôi khi có những quyết định hết sức bất thường. Trước buổi khai mạc hội nghị hòa bình, phe nổi dậy Kachin cho biết họ sẽ chỉ tới nơi chỉ để quan sát các thảo luận. Tuy nhiên, cuối cùng một đại diện của nhóm này đã phát biểu trên diễn đàn sau đó.
Hồi năm ngoái, đảng của bà Aung San Suu Kyi đã phàn nàn về việc các nhóm sắc tộc có các đòi hỏi mơ hồ. Đối lập Miến Điện lúc đó đã khuyên các nhóm này nên đạt thỏa thuận giữa họ với nhau trước khi đàm phán với chính phủ.
Hiện tại ở Miến Điện có khoảng 20 nhóm nổi dậy vũ trang, các dân quân địa phương được quân đội hậu thuẫn, cùng với khoảng 100 đảng phái chính trị của các sắc tộc thiểu số. Một số lượng quá lớn như vậy có nguy cơ khiến tiến trình đàm phán tìm giải pháp hòa bình trở nên rất phức tạp"
Lực lượng vũ trang sắc tộc Wa – với khoảng 20.000 đến 25.000 binh sĩ - kiểm soát một khu vực phía bắc Miến Điện tại vùng biên giới, sát với Trung Quốc, vùng đất nổi tiếng với các hoạt động buôn lậu thuốc phiện. Người Wa duy trì nhiều mối liên hệ mật thiết về văn hóa với Trung Quốc. Lực lượng Wa chấp nhận tham gia đàm phán sau một cuộc gặp cuối tháng 7/2016 với bà Aung San Suu Kyi.
Cho đến nay, bất chấp sáng kiến hòa bình của bà Aung San Suu Kyi, với khả năng thành lập một nhà nước liên bang, chiến sự vẫn tiếp diễn giữa một số nhóm vũ trang với quân đội, đặc biệt tại các vùng của người Kachin (phía bắc) và người Shan (phía đông).
Theo AFP, chính phủ Miến Điện đang cố gắng giải quyết bất đồng với người Wa. Trong một cuộc họp báo, đại diện của chính phủ Khin Zaw Oo cho biết sẽ tìm các đại diện phong trào Wa để thuyết phục họ. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Chiến lược Châu Á của Mỹ bị cản trở vì Barack Obama bị phân tâm
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chuyến công du châu Á lần cuối cùng để ghi dấu ấn chung cuộc cho chính sách "chuyển trục" về châu Á, bảo vệ các đồng minh trước mối đe dọa của Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo siêu cường lâm vào cảnh "lực bất tòng tâm" vì hàng loạt biến động trên thế giới.
Trong bối cảnh kết thúc nhiệm kỳ trong vòng không đầy năm tháng tới đây, tổng thống Mỹ Barack Obama công du châu Á lần cuối cùng để dự hai hội nghị thượng đỉnh tại Trung Quốc (G20 ngày 03 và 04/09) và tại Lào (Đông Á ngày 05/09).
Theo phân tích của nhà báo Roberta Rampton tháp tùng ông Obama trên chuyên cơ "Air Force One", Trung Quốc vẫn là một thách thức lớn. Chủ nhân Nhà Trắng, từ 8 năm qua, vừa phải hợp tác vì là bạn hàng kinh tế vừa phải đương đầu vì là một địch thủ chiến lược.
Ngăn đê Trung Quốc với chiến lược "tái định vị" tại Châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường hải quân, củng cố liên minh với các nước bạn và đồng minh và thành lập vùng mậu dịch tự do qua hiệp định thương mại TPP là hai gọng kềm lý tưởng được tổng thống Obama thúc đẩy trong suốt hai nhiệm kỳ.
Do vậy, cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hàng Châu sẽ là "mô hình" cho người kế vị ở Nhà Trắng. Thăm viếng Lào là dịp để tổng thống Obama chứng tỏ thành quả của mối quan hệ chặt chẽ mà ông dầy công vun bồi với Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong cuộc hành trình về phương Đông và chiến lược "chuyển trục", tổng thống Obama bị nhiều vấn đề quốc tế khác làm phân tâm: tình hình kinh tế thế giới suy yếu, Luân Đôn rút chân ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu làm tăng thêm tâm lý hoài nghi xu hướng toàn cầu hóa, rồi xung đột, tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo cực đoan.
Trong những chuyến công du trước, tổng thống Obama nhiều lần để lộ việc ông bị phân tâm vì những rắc rối, biến cố ở nơi khác, đôi khi từ trong chính trường nước Mỹ. Thông điệp "Hoa Kỳ tăng cường quân sự tại châu Á và thắt chặt quan hệ kinh tế với khu vực có mức tăng trưởng cao nhất địa cầu" mất đi thực chất và làm dấy lên mối hoài nghi Washington không tính chuyện lâu dài với Á châu.
Chuyến công du cuối cùng này diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ bầu chủ nhân mới cho Nhà Trắng. Ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, một trong những kiến trúc sư của chính sách "chuyển trục", lại tuyên bố chống hiệp định TPP, gây lo ngại cho 12 nước thành viên.
Đối thủ Cộng hoà Donald Trump còn bạo phổi hơn, vừa chống TPP, vừa dọa các đồng minh của Mỹ trong vùng là Hàn Quốc và Nhật Bản phải tự lo thân hoặc phải "trả tiền" nếu muốn được bảo vệ.
Đồng minh Philippines, lãnh hải bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp, được Mỹ cam kết che chở, cũng có thái độ thiếu xây dựng làm hại cho kế hoạch liên minh ở biển Đông của Mỹ. Tháng 7 vừa qua, Washington và Manila giành được chiến thắng ngoạn mục với phán quyết của toà trọng tài La Haye. Thế nhưng, tổng thống Duterte mắng đại sứ Mỹ là "súc sinh".
Bắc Kinh sẽ theo dõi cuộc tiếp xúc đầu tiên Obama-Duterte tại Vientiane, tìm một cơ hội để "phân hóa" hai kẻ thù cho dù bản thân giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không biết đối phó như thế nào với tổng thống Philippines mà thái độ thuộc loại "nắng sớm mưa chiều".
Derek Chollet, một cựu cố vấn an ninh của tổng thống Obama không giấu bi quan. Ông cho rằng: "Các đối tác châu Á nghi ngờ kể cả lúc Mỹ nói thật. Họ cho rằng chúng ta dễ bị chia trí". - RFI
|
|
7.
Bão Hermine tấn công Florida
Bão Hermine đã đổ bộ hồi đầu ngày 2/9 dọc theo bờ biển vùng vịnh của Florida ở đông nam nước Mỹ.
Cơn bão sau đó đã suy yếu thành bão nhiệt đới khi di chuyển vào bang Georgia lân cận.
Cơn bão lớn đầu tiên tấn công Florida sau hơn một thập kỷ đã gây mất điện và ngập lụt cục bộ, với lượng mưa 50 centimet dự báo sẽ trút xuống một số khu vực của bang.
Thống đốc Rick Scott của Florida cho biết cơn bão được xếp hạng hurricane cấp 1 có thể gây ra những tình trạng "đe dọa đến tính mạng".
Một máy bay săn bão của Không lực Hoa Kỳ bay gần bão đêm 1/9 cho thấy sức gió của cơn bão vào khoảng 130 kilomet/h không lâu trước khi bão đổ bộ.
Mưa lớn đã bắt đầu trút xuống nhiều nơi ở Florida đêm 1/9, và dự báo cho thấy toàn bộ bờ biển miền Đông của Mỹ từ miền trung của Florida cho đến bang New Jersey ở phía bắc nằm ven bờ Đại Tây Dương đều nằm trong đường đi của cơn bão.
Ông Scott tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 51 quận của Florida, trong khi Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang luôn cập nhật với ông về diễn biến của cơn bão. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
8.
Ngày Độc lập, dân Việt vẫn mơ độc lập
Việt Nam hôm nay kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Truyền thông nhà nước đăng bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân Lễ Độc lập năm nay kêu gọi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu mới.
Ông Quang nói sức mạnh của đảng nằm ở mối quan hệ gắn bó với nhân dân. Ông thúc giục "mọi chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước phải hợp với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân" và, vẫn theo lời ông, phải "đi vào cuộc sống."
Phát biểu được đưa ra trong lúc ngày càng xuất hiện nhiều chỉ trích và kêu gọi nhà cầm quyền lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của người dân để thực hiện những cải cách sâu rộng, cụ thể về nhiều mặt từ kinh tế, chính trị, đến đời sống xã hội và chính sách bảo vệ chủ quyền giữa những vấn nạn về tham nhũng, tai tiếng về nhân quyền của Việt Nam và mối đe dọa từ Trung Quốc.
Anh Nguyễn Đình Hà, một nhà hoạt động trẻ tại Hà Nội, chia sẻ cảm xúc nhân ngày Quốc khánh năm nay:
“Trong tiêu đề của Việt Nam rằng ‘Độc lập-Tự do-Hạnh phúc’, cả ba điều đó tại Việt Nam hiện nay gần như không đạt được điều nào cả. Quyền tự do của công dân thì bị xâm phạm. Độc lập của đất nước thì không thật sự toàn vẹn vì lãnh thổ bị xâm chiếm, kinh tế bị lệ thuộc nước ngoài. Còn về hạnh phúc thì đời sống người dân cơ cực-đau khổ, đặc biệt là người dân ở các tỉnh miền Trung hiện nay do thảm họa môi trường. Đời sống dân hết sức khó khăn mà chính quyền không có sự quan tâm đúng mức, cần thiết.”
Từ Sài Gòn, nhà thơ Đỗ Trung Quân, một trí thức trong giới văn nghệ sĩ được nhiều người biết đến, nói Lễ Độc lập đối với phần lớn dân chúng nhìn chung chỉ là một ngày nghỉ, không mấy ai háo hức chờ đón trong ý nghĩa thiêng liêng của nó:
“Đối với tôi, ngày hôm nay như là một ngày bình thường. Chính quyền vẫn làm những buổi kỷ niệm tưng bừng. Còn người dân đa phần coi đây là một ngày được nghỉ để đi du lịch, thư giãn, giải trí. Trong tình hình đất nước như thế này, với bao nhiêu biến cố từ biển đảo cho đến vấn đề Formosa thì tinh thần người dân bị tổn thương, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng. Lễ lạc phải đi kèm với một cuộc sống sung túc thì người ta mới đón nhận được. Còn bây giờ, trong hoàn cảnh này, người dân Hà Tĩnh vẫn xuống đường và họ vẫn bị đàn áp. Như thế, rất khó có một tâm trạng ‘vui chung’. Các vấn nạn xảy ra cho xã hội như thế, người dân không hoàn toàn tập trung vào lễ lạc được.”
Trong cảm xúc chia sẻ trên Facebook, anh Paulus Lê Sơn, một nhà hoạt động trẻ ở Nghệ An, viết rằng:
“Độc lập ơi độc lập,
Sao tên người cứ mãi xa xôi
Dân nước Nam bao giờ mới thấy
Dân chủ tự do như mấy anh Tây.”
Và anh kết thúc bài viết của mình với dòng thơ: “Ngày độc lập sao ta vẫn mơ độc lập?”
Nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ với hoài bão này:
“Đó không phải là tâm trạng của một tác giả đâu. Tôi cũng mơ như thế đấy. Tôi mơ một cái độc lập thật sự, chúng ta có một chủ quyền thật sự. Chiến tranh đã quá lâu rồi, lệ thuộc quá nhiều rồi.”
Người bạn trẻ tên Hà ở Hà Nội tiếp lời:
“Em mong muốn trong tương lai, đất nước mình được thật sự dân chủ, phát triển; người dân được thật sự độc lập, tự do, hạnh phúc, chứ không chỉ là những khẩu hiệu. Mọi mặt ở đây đều gắn liền với vấn đề chính trị. Phải dựa trên cải cách về chính trị. Chính quyền phải tôn trọng quyền tự do-dân chủ của người dân. Nền kinh tế phải được là kinh tế thị trường không có sự định hướng xã hội chủ nghĩa gì cả vì hiện nay nền kinh tế Việt Nam bị rối loạn bởi sự định hướng rất sai trái và quản lý không hiệu quả. Về mặt xã hội thì bị băng hoại bởi thực trạng giáo dục. Đạo bây giờ còn bị suy thoái. Em mong muốn những khẩu hiệu [độc lập-tự do-hạnh phúc] đó phải được thực hiện dựa trên những cải cách kinh tế, chính trị, xã hội.”
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 nhấn mạnh đến một nước Việt Nam "độc lập-tự do-hạnh phúc", sáu chữ vàng mở đầu các văn bản hành chánh chính thống và là tôn chỉ trong các khẩu hiệu tuyên truyền của đảng Cộng sản cầm quyền. - VOA
|
|
9.
Một thanh niên Việt được giải thưởng xóa mù chữ của UNESCO
Một nhà hoạt động khiếm thị từng đi bộ xuyên Việt để quyên sách cho trẻ em nghèo được UNESCO vinh danh Giải thưởng Xóa mù chữ quốc tế (International Literacy Prizes.)
Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 8/9 tới đây cho anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn tại Việt Nam, một trong hai dự án đoạt giải Xóa mù chữ King Sejong của UNESCO năm nay.
Đây là thành quả sau 19 năm miệt mài nghiên cứu và áp dụng các mô hình thư viện trong cuộc hành trình có một không hai của chàng trai bị hỏng mắt nhưng phấn đấu hiện thực hóa ước mơ khai sáng dân trí, xóa mù tri thức cho các cộng đồng nông thôn chiếm đa phần dân số Việt Nam.
Từ năm 2010, anh thành lập Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng để vận động, gây quỹ, quyên sách cho các cộng đồng dân trí thấp ở thôn quê.
Sáng kiến "Sách hóa nông thôn" của anh đã giúp xây dựng trên 9.000 tủ sách các loại tại 26 tỉnh-thành, gồm Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Giáo xứ, Tủ sách hậu phương-quê hương chiến sĩ, và Tủ sách Lớp em tại nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, mang sách đến hơn 400 ngàn đọc giả ở nông thôn.
Anh chia sẻ với VOA Việt ngữ:
“Hiện tại, Bộ Văn hóa và Bộ Giáo dục đã đưa các sáng kiến của tôi vào trong các hệ thống của họ. Tôi kỳ vọng các cấp ở địa phương hiện thực hóa các chính sách vi mô mà hai Bộ đã đưa ra và hành động cụ thể.”
Anh Thạch cho biết dự kiến tới năm 2020, chương trình "Sách hóa nông thôn" sẽ được nhân rộng trên toàn quốc và anh có ý định sẽ mang sáng kiến xóa mùa chữ của mình chia sẻ với những nước khác trong khu vực. - VOA
|
|
10.
Việt Nam và Ấn Độ bắt tay 'đương đầu' với Trung Quốc?
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công du tới Việt Nam cuối tuần này, và theo các nhà quan sát, biển Đông và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nằm cao trong nghị trình.
Giới phân tích nhận định rằng trong chuyến thăm, người đứng đầu chính quyền New Delhi sẽ thảo luận với lãnh đạo cấp cao nước chủ nhà về một loạt các vấn đề quan trọng như thương mại, quốc phòng và an ninh.
Ngoài ra, theo các nhà quan sát, đôi bên cũng có thể bàn thảo về khả năng Ấn Độ tăng cường thăm dò dầu khí ở Việt Nam, nơi công ty ONGC Videsh Limited, có tham gia vào các dự án dầu khí trong nhiều thập kỷ qua.
Sau Việt Nam, ông Modi sẽ lên đường đi Hàng Châu, Trung Quốc, để dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra từ ngày 4 tới 5/9.
Giáo sư Doe Muni từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi nói rằng Hà Nội và Ấn Độ “duy trì quan hệ gần gũi kể từ giữa những năm 50”, và biển Đông sẽ là một trong các vấn đề “nổi bật” trong chuyến công du của Thủ tướng Modi.
Ông nói thêm: “Chuyến thăm của ông Narendra Modi cho thấy Ấn Độ thực sự muốn chứng tỏ quan hệ bạn hữu, đồng chí và đoàn kết với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn từ Trung Quốc”.
Ông Muni nói thêm rằng bất kỳ nước nào chịu áp lực cũng phải “tìm kiếm và vận động hậu thuẫn từ nhiều nguồn nhất có thể”.
Giáo sư từng là đại sứ và đặc phái viên ở nhiều nước Đông Nam Á cho rằng “nhu cầu tăng cường quốc phòng của Việt Nam hiện tăng lên”, và Ấn Độ “có thể không thể giúp đáp ứng mọi nhu cầu về khía cạnh đó”.
Tuy nhiên, ông nghĩ rằng Ấn Độ “sẽ không do dự, và sẽ làm hết sức trong khả năng của mình để giúp Việt Nam củng cố an ninh”. - VOA
|
|
11.
Việt Nam sẽ bỏ Điều 292 Bộ Luật Hình sự?
Luật sư đứng sau cuộc vận động bỏ Điều 292 Bộ Luật Hình sự bình luận với BBC về việc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bãi bỏ điều luật này.
Điều 292 Bộ luật hình sự 2015 bị cộng đồng start-up ở Việt Nam cho là hình sự hóa những vi phạm kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông và cũng là chính sách đối xử không công bằng so với các ngành nghề khác.
Khoảng 3 tháng trước, luật sư Trần Đức Hoàng, Giám đốc văn phòng luật EZLaw đã vận động việc bãi bỏ Điều 292 trên mạng xã hội và thu thập được hơn 6.000 chữ ký từ cộng đồng start-up trong bản kiến nghị gửi Quốc Hội và Thủ tướng Nguyễ
Hôm 1/9, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, khi cho ý kiến vào Dự luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Thủ tướng Phúc đã yêu cầu bỏ điều 292 quy định tội danh "cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông", báo Việt Nam tường thuật.
‘Cơn ác mộng’
Hôm 2/9, trả lời BBC, luật sư Hoàng nói: “Điều 292 là một cơn ác mộng cho hầu hết các start-up tại Việt Nam.”
“Đại đa số start-up Việt Nam và trên toàn thế giới tập trung vào công nghệ thông tin và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số trên mạng máy tính và mạng viễn thông.”
“Việc cung cấp dịch vụ trên Intenet là hướng phát triển bắt buộc của cả thế giới, không chỉ Việt Nam.”
“Việc bỏ hình sự hóa kinh doanh trái phép với hầu hết những ngành nghề cổ điển và truyền thống, nhưng vẫn hình sự hóa với lĩnh vực công nghệ mới là bước đi lùi của Việt Nam.”
“Điều này không khác gì việc chúng ta đang bênh vực cho những kẻ đã giàu có và phát triển sẵn, nhưng lại đì đọt và chèn ép những người yếu thế và cần phát triển”, ông Hoàng nói.
Luật sư cũng cho hay, “sau việc bỏ Điều 292, cần tiếp tục bỏ những điều luật hình sự hóa các tội danh về mối quan hệ kinh tế tại Bộ Luật Hình sự”.
Ông nói thêm: “Động thái này cho thấy Thủ tướng Phúc và ban nội các của ông là những người biết lắng nghe, hiểu người dân đang cần gì.”
“Tôi được biết, Liên đoàn luật sư cùng nhiều luật sư kỳ cựu tại Việt Nam đang tham gia rà xoát Bộ Luật Hình sự cùng Ủy ban Tư pháp của Quốc hội”.
“Quyết định gỡ bỏ Điều 292 của Chính phủ Việt Nam là đúng đắn và cần thiết. Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chứng tỏ Việt Nam đang sẵn sàng đổi mới và thay đổi”, ông Hoàng nói với BBC.
Cùng ngày, Namster Do, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty SeeSpace Inc, bình luận trên mạng xã hội: “Bãi bỏ Điều 292 là một bước tiến mới rất đáng ngưỡng mộ của chính phủ và quốc hội. Văn minh dân chủ là đây.”
“Đây là một chiến thắng của sức mạnh cộng đồng, sức mạnh của những con người sẵn sàng lăn xả vì xã hội.” - BBC
No comments:
Post a Comment