Tuesday, September 6, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 6/9

Tin Thế Giới

1.
Tổng thống Philippines hối tiếc về phát ngôn thô tục nhắm vào ông Obama

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 6/9 tỏ ý hối tiếc về một phát biểu mà ông đưa ra sử dụng ngôn ngữ thô tục, bị nhiều người hiểu là một lời công kích cá nhân nhắm vào Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông nói trong một thông cáo: "Mục đích chính của chúng tôi là vạch ra một chính sách đối ngoại độc lập đồng thời thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với tất cả các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, nước mà chúng tôi đã có mối quan hệ đối tác từ lâu."

Trước khi khởi hành đến dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Lào hôm 5/9, ông Duterte cảnh báo ông Obama chớ giáo huấn ông về một chiến dịch trấn áp những người buôn ma túy đã dẫn tới hơn 2.000 vụ giết người kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 6.

"Ông phải tôn trọng người khác. Đừng có hỏi này nọ," ông Duterte nói. Sử dụng cụm từ trong tiếng Tagalog có nghĩa là "đồ chó đẻ," ông nói tiếp: "Putang ina, tôi sẽ chửi thề vô mặt ông ở cái diễn đàn này."

Ông Obama ban đầu phớt lờ phát biểu của ông Duterte, nói với báo giới rằng: "Rõ ràng, ông ta là người có cá tính gây chú ý." Nhưng Tòa Bạch Ốc sau đó nói rằng ông Obama đã hủy bỏ một cuộc hội kiến đã được lên lịch với ông Duterte và thay vào đó sẽ hội đàm với nhà lãnh đạo của Hàn Quốc.

Thông cáo của ông Duterte bày tỏ sự hối tiếc rằng phát biểu của ông đã gây nên "nhiều tranh cãi" và nói rằng ông mong muốn "loại bỏ những khác biệt."

Ông Duterte vận động tranh cử tổng thống Philippines dựa trên lời hứa sẽ xóa bỏ hoạt động ma túy bất hợp pháp ở đất nước này. Cuộc trấn áp chết người của ông đã khiến một loạt những tổ chức nhân quyền bày tỏ lo ngại. Ông Duterte đã lên tiếng bênh vực những vụ giết người, nói rằng ông đang làm theo ý nguyện của những người bỏ phiếu cho ông. - VOA
|
|

2.
Tổng thống Obama đối mặt với những vấn đề nhức nhối ở Lào

Trong chuyến thăm dấu mốc đến Lào, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mang theo một nhiệm vụ đầy thách thức trong việc giải quyết những tổn thất mà quốc gia Đông Nam Á này đã phải gánh chịu từ thời chiến tranh Việt Nam. Hàng triệu quả bom bi mà Hoa Kỳ thả xuống cách đây nửa thế kỷ vẫn còn nằm rải rác khắp quốc gia không giáp biển này. Bất chấp những nỗ lực giúp Lào rà phá bom mìn chưa nổ, các quả bom bi còn sót lại tiếp tục gây thiệt mạng và thương tật cho những nạn nhân mới. 

Các chuyên gia rà phá bom mìn đang nỗ lực mở rộng diện tích đất đai được dọn sạch bom mìn để người dân có thể trồng trọt lương thực. Nhưng đôi khi đã quá trễ.

Chuyên viên chỉnh hình Khamsouk Phimsimmavong cho biết:

“Anh này đang đốt cỏ trong vườn thì một quả bom chùm nằm trong đất ở gần đó phát nổ, khiến anh ấy mất đi cánh tay”.

Trong những năm 1960 và 1970, cuộc chiến từ Việt Nam đã lan sang nước láng giềng Lào, khi Hoa Kỳ hậu thuẫn chính phủ miền Nam Việt Nam chống cộng sản. Trong hơn một thập niên, các lực lượng của Hoa Kỳ đã dội hơn 2 triệu tấn bom đạn xuống Lào. Ước tính khoảng 1/3 trong số đó chưa nổ, để lại nhiều bom đạn chưa nổ nguy hiểm chết người dưới lòng đất. Những quả bom còn sót lại đã gây thiệt mạng hoặc thương tích cho khoảng 20.000 người. Bất chấp những hướng dẫn, lúc nào cũng có các nạn nhân mới. Trong những năm gần đây, hầu hết các nạn nhân là trẻ em ở độ tuổi dưới 15.

Ông Thoummy Silamphan, người sáng lập của tổ chức phục hồi Chất lượng Cuộc sống cũng là một nạn nhân của một vụ nổ khi ông chỉ mới 8 tuổi, cho biết:

“Trong năm 2015, tổ chức chúng tôi tiếp xúc với 46 người bị thương vì bom mìn trước đó, và chưa người nào nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. Những người này cần sự hỗ trợ và chăm sóc dài hạn”.

Hoa Kỳ lâu nay hỗ trợ tài chính và phát triển cho Lào, nhưng vẫn cần nhiều viện trợ hơn để khảo sát về quy mô của vấn đề và hạn chế nguy hiểm tối đa.

Ông Neil Arnold của tổ chức tư vấn về mìn nói:

“Các ước tính cho thấy thực hiện khảo sát trên toàn quốc sẽ mất 5 năm, và dọn sạch tất cả bom mìn sẽ mất thêm 20 năm nữa. Khoảng thời gian này có thể rút ngắn nếu việc khảo sát và dọn bom mìn được thực hiện cùng một lúc”.

Lào vẫn là nơi có lượng bom mìn tính bình quân trên đầu người nhiều nhất thế giới. Lâu nay, Hoa Kỳ đã nỗ lực xây dựng lại các quan hệ với nước cựu thù từ chiến tranh Việt Nam, nhưng ông Obama là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Lào.

Bà Bounlanh Phayboun của một trung tâm chỉnh hình tại thủ đô Viêng Chăn nói:

“Bạn biết đấy, chúng tôi là những người vị tha. Chúng tôi không phải là những người hay căm tức. Chúng tôi phải hướng đến tương lại, chứ không sống mãi với quá khứ”.

Tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, Tổng thống Obama đang gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và các nhà lãnh đạo của các đối tác chủ chốt của hiệp hội là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. - VOA
|
|

3.
Kinh tế Nga khó khăn đẩy hàng triệu người dân vào nghèo túng --- Tại sao Putin lại 'bênh Trung Quốc'?

Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Nga đã đẩy hàng triệu người dân vào tình trạng nghèo túng trong lúc đồng tiền Nga mất giá và lạm phát tăng cao. Trong tình hình vật giá leo thang, nhiều người Nga ở các làng quê tập trung vào trồng hoa mầu trong vườn tược quanh nhà để kiếm sống thêm. Từ Moscow, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA tường trình về một sáng kiến chia sẻ thực phẩm đang được nhiều người tham gia.

Vào lúc khan hiếm lương thực, thực phẩm thời Xô Viết, tự trồng hoa mầu trong vườn tược quanh nhà ở nông thôn Nga trở thành một việc thiết yếu.

Nhưng trong tình trạng kinh tế đang bị suy thoái ngày nay, ngay cả nhiều gia đình ở Moscow cũng phải nhờ vào rau quả, hoa mầu trồng trong vườn nhà của ông bà họ.

Cô Irina Bulozhenko, nhân viên kế toán ở Moscow, cho biết:

"Bà ngoại tôi có vườn ở nông thôn để trồng được rất nhiều thứ như bắp cải, củ cải. Tôi đang nấu món súp bằng củ cải và cà rốt mà bà của tôi trồng. Hành tây cũng do bà trồng. Nhờ vậy mà chúng tôi tiết kiệm được khá từ hoa mầu tự trồng trong mùa hè. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi cảm thấy đỡ chật vật hơn."

Với những gia đình khó khăn như bà Tatyana, tự trồng thêm hoa mầu cũng vẫn chưa đủ.

Những người tình nguyện Nga tổ chức một chương trình chia sẻ thực phẩm bằng cách đi thâu gom thực phẩm dư ở các nhà hàng và phân phối đến những nơi thiếu. 

Bà Tatyana Golubyeva cho biết:

"Với gia đình tôi, chương trình chia sẻ thực phẩm giúp ích rất nhiều. Hiện chúng tôi chi tiêu cho thực phẩm ít hơn rất nhiều so với trước đây, khi chúng tôi chưa biết về chương trình chia sẻ thực phẩm để tham gia. Nay gia đình tôi hy vọng không những được chia sẻ bánh mì mà còn các loại thực phẩm khác nữa."

Với bà Tatyana, việc cho tặng thực phẩm đã giúp gia đình bà giảm được chi tiêu cho thực phẩm rau quả xuống một nửa.

Bà nói: "Tôi nghĩ rằng chương trình chia sẻ thực phẩm sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai ở Nga. Vấn đề chính là phải nói cho công chúng về chương trình này, để mọi người biết đó là gì, và cần phải làm gì. Theo tôi, rất nhiều người sẽ tham gia."

Trong khi đó, người dân Nga hy vọng nền kinh tế sớm hồi phục để việc lo lắng đối phó với tình trạng giá thực phẩm leo thang không còn là một gánh nặng ngày càng tăng nữa. - VOA

***
Hôm 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ngạc nhiên khi tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines.

“Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của tòa [PCA].” 

Phát biểu tại cuộc họp báo 5/9 sau khi hội nghị G20 kết thúc ở Trung Quốc, ông Putin cũng nói can thiệp của các nước ngoài khu vực Biển Đông chỉ gây hại cho tình hình.

Đây là lần đầu tiên Nga công khai ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề liên quan tới tòa trọng tài quốc tế.

Ông Putin giải thích rằng lập trường của ông "hoàn toàn mang tính chất pháp lý, chứ không phải chính trị".

"Mọi thủ tục trọng tài cần do các bên liên quan tranh chấp đề xuất, và tòa trọng tài nên nghe luận điểm và lập trường các bên liên quan tranh chấp. Trung Quốc đã không ra Tòa Trọng tài The Hague và không ai ở đó nghe lập trường của họ."

BBC đã hỏi một số chuyên gia về Biển Đông về phát ngôn bất ngờ và gây tranh cãi của Tổng thống Putin.

Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow:

"Phần đầu trong tuyên bố của Putin chỉ là lặp lại lập trường lâu nay của Nga, rằng chúng tôi không có ý kiến gì về tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và các nước láng giềng, nhưng chúng tôi cực lực phản đối các thế lực ngoài khu vực (ám chỉ Hoa Kỳ) can thiệp vào vấn đề này.

Phần thứ hai thì quan trọng hơn. Đây là lần đầu tiên ông Putin tuyên bố Nga không thừa nhận phán quyết của tòa trọng tài PCA.

Phát biểu của Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc. Bắc Kinh đã rất nỗ lực để kêu gọi ủng hộ của quốc tế nhưng cho tới nay mới chỉ có một số quốc gia, đa phần không có biển, lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Bắc Kinh cũng vận động Moscow một thời gian rất dài nhưng không có kết quả.

Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraine.

Hồi cuối tháng Tám, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay Ukraine đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa Trọng tài PCA theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crimea.

Khiếu nại có thể bao gồm các vùng biển Azov, Biển Đen và Eo biển Kerch cùng tài nguyên tại các vùng biển đó.

Bởi vậy, lập trường của Trung Quốc về phán quyết của tòa theo UNCLOS đâm ra lại trở nên có lợi cho Nga."

TS Ian Storey, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute) ở Singapore:

"Trước đây Nga luôn kiềm chế không giữ lập trường mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông vì muốn duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam, hai đối tác chính của Nga ở Á châu. Thế nhưng nay Putin dường như đã bước hẳn sang phía Trung Quốc với tuyên bố không thừa nhận phán quyết của Tòa PCA.

Trong khi tinh thần của phán quyết này là có lợi cho Việt Nam, chắc chắn Hà Nội sẽ rất tức giận.

Tuy nhiên phát biểu của Putin cho thấy ông ta không hiểu biết lắm về quá trình phân định trước khi đưa ra phán quyết.

Ông ta nói rằng Trung Quốc không có điều kiện trình bày quan điểm của mình nhưng thực ra không phải vậy. Trung Quốc đã có nhiều cơ hội, nhưng họ từ chối không làm." - BBC
|
|

4.
G20: Trung Quốc tránh được vấn đề Biển Đông và nhân quyền --- Bắc Kinh cảnh cáo các tân dân biểu Hồng Kông đòi độc lập

Hội nghị thượng đỉnh G20 Hàng Châu kết thúc ngày 05/09/2016. Nước chủ nhà Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp gỡ giữa 20 lãnh đạo các nước giàu có nhất hành tinh. Trước khi khai mạc Bắc Kinh đã xem đây là một hội nghị "lịch sử".

G20 Hàng Châu có phải là một thành công của Trung Quốc ? Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Heike Schmidt phân tích:

"Rốt cuộc bầu trời vẫn không xanh trong, dù hàng trăm nhà máy đã bị buộc phải đóng cửa. Các vấn đề chính trị mà Bắc Kinh muốn tránh né đã trở thành những bóng mây xám phủ lên hội nghị thượng đỉnh được giữ an ninh nghiêm ngặt.

Hồ sơ Syria một lần nữa lại được nêu ra ở G20, nhưng cuộc thương lượng giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Barack Obama không đạt đến một thỏa thuận nào. Hai nhà lãnh đạo này tuy vậy suýt nữa đã chiếm mất vai trò nổi bật của ông Tập Cận Bình. 

Chủ tịch Trung Quốc muốn chứng tỏ với thế giới và nhân dân trong nước là ông xứng đáng đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế, tương đương với đồng nhiệm Mỹ. 

Ông Tập Cận Bình đã gây được sự chú ý ngay trước lúc G20 chính thức khai mạc, khi loan báo phê chuẩn hiệp ước khí hậu cùng với tổng thống Barack Obama. 

Một điều khiến Bắc Kinhhài lòng : trong thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh, vấn đề sáng tạo và tài chính phục vụ môi trường chiếm vị trí quan trọng, như động cơ mới cho mục tiêu tăng trưởng bền vững. Ngoài ra ông Tập Cận Bình còn thành công trong việc tránh được những chủ đề gây bối rối: sự lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông hay vấn đề nhân quyền. Cả hai đề tài này đã không được bàn đến nhiều trong hội nghị G20 lần này". - RFI

***
Trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông ngày 04/09/2016, lần đầu tiên 5 ứng cử viên có chủ trương Hồng Kông tự trị hay độc lập với Hoa lục, lọt vào nghị viện. Ngay lập tức, Bắc Kinh lên tiếng cấm các tân dân biểu này "vận động độc lập cả ở trong lẫn ngoài nghị trường".

Ngày 05/09/2016, tức ngay sau khi có những kết quả bầu cử đầu tiên, phát ngôn viên Văn phòng Hồng Kông và Macao sự vụ dọa trước là không tha thứ "bất kỳ ai đề cập đến độc lập bên trong cũng như bên ngoài viện Lập Pháp".

Theo Tân Hoa xã, Bắc Kinh "cực lực chống lại mọi hoạt động có liên quan đến (chủ trương) Hồng Kông độc lập dưới mọi hình thức, bên trong cũng như bên ngoài Hội Đồng Lập Pháp" và "ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Hồng Kông để trừng phạt (những dân biểu vi phạm) theo quy định của pháp luật".

Trung Quốc lo ngại các dân biểu trẻ tuổi Hồng Kông xuất thân từ phong trào cách mạng Dù Vàng sẽ biến nghị trường thành diễn đàn tranh đấu sau khi chiến dịch chiếm đóng đường phố gây áp lực chính trị vào năm 2014 thất bại trước thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh.

Bản thông cáo lên án các ứng cử viên "lợi dụng bầu cử để cỗ vũ công khai" cho xu hướng đòi độc lập. Hành động này, theo quan điểm của Bắc Kinh là "đi ngược lại quyền lợi" của tất cả người dân Kồng Kông, vi phạm Hiến pháp Trung Quốc và Hồng Kông, theo như trích dẫn của Tân Hoa xã.

Theo AFP, cuộc bầu cử hôm Chủ nhật xảy ra trong bối cảnh người dân địa phương ngày càng nghi ngờ Bắc Kinh muốn giới hạn mọi quyền tự do tại nhượng địa cũ của Anh Quốc. Cử tri đi bầu đông đảo đạt mức kỷ lục 58%.

Cho dù chính quyền thân Trung Quốc đã cấm 6 ứng cử viên có xu hướng đòi độc lập tranh cử nhưng phe đối lập vẫn giành thêm ghế và củng cố thiểu số có quyền phủ quyết nhất là các dự luật được xem đi ngược lại các quyền tự do. - RFI
|
|

5.
Nhật hỗ trợ phương tiện cho Philippines

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Ba đồng ý sẽ cung cấp hai tàu tuần tra cỡ lớn và cho Philippines mượn tới năm phi cơ giám sát, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Nhật nói.

Cả hai quốc gia hiện đều có những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Ông Abe và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đồng ý với nhau tại Vientiane, Lào, là sẽ tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo đưa ra giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông, phó chánh văn phòng Nội các Nhật Koichi Hagiuda nói.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi có những tuyến hải hàng quan trọng với trị giá hàng hóa hơn 5 nghìn tỷ đô la được vận chuyển qua lại mỗi năm.

Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng vùng tại Biển Đông.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague hồi tháng Bảy đã bác các yêu sách của Trung Quốc trong vụ kiện do Philippines đệ đơn, nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của PCA.

Quan hệ giữa Nhật với Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi tranh cãi lâu nay về chủ quyền đối với khu vực quần đảo mà phía Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Nhật đã đồng ý cung cấp 10 tàu tuần tra cỡ nhỏ cho Philippines.

Philippines hôm Chủ Nhật đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và đòi Đại sứ Trung Quốc phải giải thích về việc mà Manila nói là đã có tình trạng gia tăng các tàu Trung Quốc tới gần bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc gọi là bãi Hoàng Nham, ở Biển Đông, Reuters nói.

Đây là nơi hai nước đang tranh chấp với nhau.

Phía Philippines nói một phi cơ quân sự của họ bay trên khu vực này hôm thứ Bảy đã phát hiện thấy lượng tàu Trung Quốc đông hơn bình thường ở đây, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói.

Những phản ứng này của Philippines có thể sẽ làm khuấy động bầu không khí tại kỳ họp thượng đỉnh Asean đang diễn ra tại thủ đô của Lào, nơi lãnh đạo các nước trong khối Asean cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ gặp nhau. - BBC
|
|

6.
Thổ Nhĩ Kỳ và phe tiếp tục tấn công ở miền bắc Syria

Hôm qua, 05/09/2016, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đề xuất với tổng thống Mỹ Obama và tổng thống Nga Poutine về việc thiết lập một "vùng cấm bay" ở miền bắc Syria. Cũng trong ngày hôm qua, Daech đã tiến hành nhiều cuộc tấn công khủng bố - tự sát ở nhiều thành phố của Syria trong bối cảnh Hồi Giáo cực đoan liên lục thất thế ở nước này. Ankara và Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria khẳng định Daech đã bị đẩy lùi khỏi biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc phái viên RFI Tarek Kai cho biết thêm chi tiết:

"Chiến dịch "Lá chắn Euphrate" với các cuộc tiến quân về phía Bắc Syria của quân nổi dậy Syria, được sự hậu thuẫn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đã bước sang ngày thứ 12. Sau khi giải phóng khu vực biên giới khỏi tay Daech, giờ đây, quân nổi dậy đang tiến về phía Nam, ở Al-Bab, nơi Daech chạy tới và về phía Đông, ở Minbej, nơi tập trung các chiến binh người Kurdistan. 

Ông Yaser Ibrahim, thành viên Ban Chính trị của nhóm nổi dậy Noureldine el-Zinki, thuộc lực lượng Quân Đội Syria Tự Do giải thích: "Cuộc chiến đấu của chúng tôi ở miền Bắc Syria nhắm vào Daech nhưng cũng nhắm vào cả đảng Liên Minh Dân Chủ và đảng ly khai người Kurdistan YPG. Bước tiếp theo là nhằm quét sạch chúng ra khỏi miền Đông, từ thị trấn Aleppo cho tới đập Techrine. Cho dù là ở Minbej hay al-Bab, chúng tôi cũng hướng tới sự thống nhất trên lãnh thổ Syria. Chúng tôi dự báo sẽ vấp phải sự phản công ở al-Bab. Nhưng chúng tôi đã có kế hoạch, với các phương tiện tốt, và chúng tôi quyết tâm giải phóng vùng này trong thời gian tới đây".

Giải phóng vùng này trong thời gian tới đây, đó cũng là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng. Ankara hy vọng sẽ tạo ra một vùng đệm ở phía Bắc Syria. Trong khi chờ đợi, Ankara sẽ tiếp tục xây dựng một bức tường ở khu vực biên giới đã được giải phóng nhằm ngăn chặn các cuộc xâm nhập từ lãnh thổ Syria. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Tổng thống Mỹ họp báo về các vấn đề quan trọng ở Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông đã có cuộc hội đàm "hiệu quả" với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về Syria, nhưng hai bên chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn để mở đường cho viện trợ nhân đạo được chuyển thêm đến đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Ông Obama phát biểu như vậy hôm thứ Hai, 5/9, tại cuộc họp báo về nhiều vấn đề khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo khối G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, sau cuộc gặp với ông Putin.

Tổng thống Mỹ nói giữa Mỹ và Nga vẫn còn "khoảng cách về lòng tin", nhưng cả hai ông Obama và Putin đều đề nghị các nhà ngoại giao hàng đầu của họ tiếp tục làm việc tiến tới một thỏa thuận trong những ngày tới.

Về vấn đề Ukraine, ông Obama cho biết Hoa Kỳ sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga vì những hành động của họ ở Ukraine cho đến khi nào thỏa thuận Minsk giữa Nga và Ukraine được thực hiện.

Ông Obama cho hay ông và ông Putin đã thảo luận về an ninh mạng, nhưng không bàn về các cuộc điều tra cụ thể đang diễn ra về các vụ xâm nhập. Hai nhà lãnh đạo cho rằng mục đích đối với các nước là không nên vội vàng lao vào một kỷ nguyên leo thang tấn công mạng giống như cuộc chạy đua vũ trang đã xảy ra ở các khu vực khác.

Về kinh tế, Tổng thống Hoa Kỳ nói các quốc gia trong khối G20 phải làm việc cùng nhau nhiều hơn để duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Ông cũng phát biểu rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ đi một con đường gây tranh cãi tới một thỏa thuận thương mại. Ông có kế hoạch để làm cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được thông qua và tin rằng hiệp định này sẽ tốt hơn cho các cá nhân và doanh nghiệp so với những gì hiện có.

Chuyển sang các vấn đề khác, tổng thống Mỹ nói nếu có thể gặp và khi ông gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Obama sẽ nêu ra những vấn đề cần thiết về cách tiếp cận đối với cuộc chiến chống buôn bán ma túy theo cách thức "phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản".

Trước chuyến thăm Lào, ông Obama cho biết có nhiều việc có thể làm để giải quyết “các vấn đề có tính di sản”, trong đó có vấn đề bom mìn chưa nổ vẫn còn ở Lào. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

8.
Tổng thống Pháp công du Việt Nam và kêu gọi tăng cường hợp tác kinh tế

Từ Hàng Châu, Trung Quốc đến Hà Nội vào giữa đêm qua, sáng nay,06/09/2016, tổng thống Pháp François Hollande đã bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước ở Việt Nam nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, được thiết lập vào năm 2013. Chuyến viếng thăm của tổng thống François Hollande chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế.

Từ Hà Nội, đặc phái viên Thanh Phương tường thuật:

"Vào khoảng hơn tám giờ sáng, khi trời Hà Nội chuẩn bị đổ mưa, tổng thống Hollande đã được chủ tịch nước Trần Đại Quang đón tiếp long trọng tại Phủ Chủ tịch Việt Nam với đầy đủ nghi thức dành cho một chuyến viếng thăm cấp Nhà nước. Sau cuộc hội đàm, hai vị nguyên thủ quốc gia Pháp -Việt đã chứng kiến lễ ký kết nhiều hiệp định hợp tác song phương, như hiệp định dẫn độ, tương trợ và hợp tác tư pháp, đào tạo cán bộ, nông nghiệp, giảng dạy tiếng Pháp, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đặc biệt, trong dịp này, các hợp đồng hoặc thư ngỏ ý bán máy bay Airbus cho các hãng hàng không Việt Nam cũng đã được ký kết, với trị giá tổng cộng 6,5 tỷ đôla.

Trong cuộc họp báo chung sau đó của lãnh đạo hai nước Pháp Việt, tổng thống Hollande đã kêu gọi tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam. Ông tuyên bố muốn thúc đẩy đầu tư của Pháp vào Việt Nam, có thêm nhiều hiệp định thương mại giữa hai nước. Về phần chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết đã cùng với tổng thống Hollande đã thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực mà cả hai đều quan tâm. Ông đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự tương đồng về quan điểm của Việt Nam và Pháp trên vấn đề Biển Đông.

Về điểm này, tổng thống Pháp Hollande nói rõ : "Chúng tôi có những nguyên tắc và từng nhắc lại những nguyên tắc này. Đó là tôn trọng quyền tự do hàng hải, tôn trọng Công ước Liên hiệp quớc về luật biển... Chúng tôi cũng muốn hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ vùng biển của mình. Chúng tôi cũng nhận thức được vai trò của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, tham gia vào các chiến dịch trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc".

Chuyến viếng thăm của tổng thống François Hollande chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế giữa hai nước. Nhưng hợp tác văn hóa, giáo dục và Pháp ngữ, đã có từ lâu giữa hai nước, cũng là một trọng tâm của chuyến viếng thăm này. Cho nên, tổng thống Hollande đã có một bài phát biểu ở Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề "Tương lai chung của Pháp và Việt Nam", trình bày những định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thế kỷ 21. - RFI
|
|

9.
Việt Nam mua thêm 40 máy bay Airbus

Ba hãng hàng không của Việt Nam đặt mua máy bay của Airbus, Pháp với tổng giá trị hợp đồng dự tính khoảng 6,5 tỷ USD.

Thỏa thuận mua bán được ký kết hôm 06/09, trong chuyến thăm Việt Nam chính thức hai ngày của Tổng thống Francois Hollande.

Tổng cộng phía Việt Nam mua 40 máy bay, trong đó Vietnam Airlines mua 10 chiếc A350, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific mua 10 chiếc A320 và VietJet Air đặt 20 chiếc loại A321.

Ông Hollande là vị Tổng thống Pháp thứ ba tới Việt Nam, nói thỏa thuận mua máy bay này “cực kỳ quan trọng” và trong nỗ lực nhằm thiết lập quan hệ kinh tế “trên cơ sở chuyển giao công nghệ”giữa hai quốc gia.

Đây là động thái mới nhất của hàng không Việt Nam nhằm tăng số lượng máy bay và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng lớn của tầng lớp trung lưu ở cả trong nước và quốc tế, AFP phân tích.

Mua loại máy bay thân rộng của Airbus có thể giúp Vietnam Airlines phát triển các tuyến bay dài, bắt đầu bằng dịch vụ bay nối thành phố Hồ Chí Minh với Los Angeles, Hoa Kỳ, theo Reuters.

VietJet Air được cho là đã chiếm 40% thị phần nội địa Việt Nam, và có thể sẽ vượt qua Vietnam Airlines trong năm nay, trở thành hãng hàng hàng không cung cấp dịch vụ nội địa lớn nhất của Việt Nam.

Hồi tháng 5/2016, VietJet Air cũng đã ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD đặt mua 100 chiếc 737 MAX 200 của Boeing, trong chuyến Tổng thống Obama tới Việt Nam.

Hãng tin Reuters đánh giá ở thời điểm đó rằng, VietJet Air sẽ trở thành một trong hai hãng hàng không giá rẻ duy nhất trong khu vực sử dụng cả máy bay Airbus A320 và Boeing 737, mà giới chuyên gia cho là tốn kém hơn nhiều so với việc chỉ dùng một loại. - BBC
|
|

10.
1.000 học sinh Kỳ Anh không đến trường

Hiệu trưởng một trường mầm non ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nói với BBC về chuyện cả ngàn học sinh tại địa phương này không đến trường trong năm học mới.

Kỳ Anh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thảm họa cá chết và đổ chất thải do công ty Formosa gây ra.

Báo Hà Tĩnh hôm 5/9 tường thuật hơn 1.000 học sinh Kỳ Anh không dự ngày khai giảng “do phụ huynh ngăn cấm”.

Hôm 6/9, trả lời BBC từ Kỳ Anh, bà Lê Thị Hợi, hiệu trưởng trường Mầm Non Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, nói: “Trong ngày khai giảng năm học mới này, riêng trường tôi thiếu đến 200 học sinh, hầu hết là con của các gia đình người Công giáo.”

“Các phụ huynh cho biết nguyên do là họ không đủ tiền đóng học phí cho con.”

“Mức học phí tại trường là 1.700.000 đồng/năm, được chính quyền trợ giúp 400.000 đồng còn 1.300.000 đồng nhưng họ vẫn không kiếm ra tiền vì hầu hết làm nghề muối và đánh bắt hải sản.”

Bà Hợi cũng cho biết thêm: “Sau khi vụ cá chết xảy ra, phụ nữ ở địa phương vào miền Nam hái cà phê thuê, đàn ông thì đi làm thuê làm mướn nhưng hiện tại họ vẫn không đủ tiền cho con đến trường.”

Theo bà, nhà trường đã đến vận động, thăm hỏi các gia đình khó khăn có con ở tuổi học mầm non nhưng “trước mắt không có giải pháp nào”.

'Ngăn cản'

Cùng ngày, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người từng tham gia điều tra điều tra độc lập vụ cá chết tại Hà Tĩnh, nói với BBC: "Tôi đã đến xã Kỳ Hà ở Kỳ Anh và thấy nơi này rất nghèo, do người dân chủ yếu sống nhờ nghề làm muối."

"Việc người dân không cho con họ đến trường là muốn yêu sách về vấn đề học tập chứ không nhằm tạo sức ép đòi bồi thường thiệt hại kinh tế nói chung do nạn cá chết."

"Họ nói với tôi rằng chỉ muốn chính quyền miễn hoàn toàn học phí và các khoản phí khác cho học sinh tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại."

Ông Tuấn cũng nói thêm rằng tình trạng thiếu niên nghỉ học phải vào miền Nam kiếm sống "đang lan rộng ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình" trong bối cảnh chính quyền chưa có động thái khắc phục.

Trước đó, báo Hà Tĩnh hôm 1/9 viết: “Người dân Kỳ Hà ngăn cản con em đến trường là vi phạm pháp luật!”.

Ông Trần Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Hà được báo này dẫn lời: “Ngoài số phụ huynh kiên quyết không cho con mình đến trường thì có một bộ phận phụ huynh đồng tình, muốn cho con em đến trường nhưng bị một số đối tượng ngăn cấm, cô lập nên không dám”.

VnExpress hôm 5/9 cho hay "xã Kỳ Hà ở Kỳ Anh là một trong 54 thôn xóm trên địa bàn chịu thiệt hại bởi sự cố môi trường biển. Chính quyền đang nỗ lực để thực hiện công tác đền bù, tuy nhiên một số người dân ở đây vẫn chưa hợp tác để kiểm kê, kiểm đếm thiệt hại".

Hôm 1/9, nhiều người đã tham gia biểu tình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với yêu cầu đóng cửa Formosa và chi tiền đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết. - BBC

No comments:

Post a Comment