Tin Thế Giới
1.
Việt-Pháp mong đợi gì ở nhau?
Tổng thống Pháp Francois Hollande đến Hà Nội tối 5/9, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài đến 7/9.
Đây là lần thứ ba một tổng thống Pháp đến Việt Nam. Cũng đã 12 năm trôi qua, một tổng thống Pháp mới quay lại Việt Nam từ khi Tổng thống Jacques Chirac đến thăm hồi 2004.
Chuyên cơ của ông Hollande dự kiến đáp xuống sân bay Nội Bài vào lúc nửa đêm hôm 5/9.
Theo chương trình, tại Hà Nội hôm 6/9, ông sẽ gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam trước khi có bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về quan hệ Việt - Pháp trong tương lai.
Tại TP. Hồ Chí Minh, dự kiến ông Hollande sẽ có cuộc gặp với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
'Chỉ dấu'
Hôm 5/9, nhà báo tự do Võ Trung Dung, từ Pháp bay về Hà Nội để tường thuật về chuyến thăm của ông Hollande cho báo Pháp, nói với BBC: “Theo tôi, đây là chuyến đi nhiều lý thuyết hơn thực tế.”
“Nhìn vào quy mô của chuyến thăm của một nguyên thủ, người ta sẽ thấy chỉ dấu về mức độ quan trọng.”
“Việt Nam có thể cần đến chuyến thăm của Tổng thống Pháp hơn ngược lại.”
“Trong phái đoàn của ông Hollande chỉ có một gương mặt đáng lưu ý là Bộ trưởng Kinh tế Pháp nhưng lại thiếu vắng Bộ trưởng Quốc phòng Pháp.”
“Tuy vậy, người ta cũng chờ đợi ông Hollande nhắc đến Biển Đông trong bài phát biểu trước sinh viên,” ông Dung cho biết thêm.
“Ngoài ra là việc ký kết hợp đồng mua máy bay của VietJet Air và ký hiệp ước dẫn giải tội phạm giữa hai nước trong chuyến thăm này.”
Nhà báo Võ Trung Dung cũng nhận định: “Việt Nam có vẻ muốn kéo Pháp và châu Âu vào thế đối trọng với Trung Quốc.”
Trong khi đó, ông Trần Bằng, thành viên Nhóm Biển Đông tại Pháp, nói với BBC về khả năng hợp tác an ninh, quốc phòng Việt-Pháp, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông, từ chuyến đi này.
“Chắc chắn vấn đề an ninh quốc phòng sẽ được bàn thảo ở mức độ nhất định, trong đó có vấn đề an ninh biển,” ông Trần Bằng nhận xét về những nội dung sẽ được hai bên nhắm tới trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp.
Chuyên gia từ Nhóm Biển Đông nói rằng Pháp có thể cung cấp cho Việt Nam ba điều trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, gồm trợ giúp về chính trị, hợp tác huấn luyện cũng như cách thức vận hành trong quân đội, và trang bị khí tài, “tùy thuộc vào yêu cầu của Việt Nam”.
Trong các lĩnh vực khác, ông Trần Bằng nhận xét: “Ngân sách văn hóa Pháp dành cho Việt Nam thuộc loại cao trong khu vực. Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Pháp khá mờ nhạt.”
“Gần đây, Pháp mong muốn tham gia vào ba lĩnh vực, gồm hạ tầng cơ sở, môi trường và năng lượng. Giới quan sát sẽ chờ xem trong chuyến đi tới đây của ông Hollande, Pháp sẽ phát huy được năng lực cạnh tranh ở những lĩnh vực nào.”
Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).
Kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 4,3 tỷ đôla. Về đầu tư, Pháp là nước đứng thứ ba châu Âu, và đứng thứ 16 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD. - BBC
|
|
2.
Đảng của bà Merkel thua bầu cử cấp vùng
Các đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi bà thay đổi lập trường về người tị nạn sau khi đảng CDU đương quyền của bà đã thua một đảng có chính sách chống nhập cư trong cuộc bầu cử cấp vùng.
Đảng AfD cánh hữu, chỉ mới ra đời cách đây ba năm, đứng thứ hai trong tiểu bang quê hương của thủ tướng là Mecklenburg, Tây Pomerania, với 21% phiếu.
Một nhân vật cao cấp của đảng CDU đổ lỗi cho làn sóng những người tị nạn không có giấy tờ.
Khoảng 1,1 triệu người tị nạn và người di cư vào Đức trong năm 2015.
Nhiều người trong số họ vào Đức sau khi chính phủ quyết định nới lỏng kiểm soát biên giới cách đây hơn một năm.
Nhà lãnh đạo AfD ở Mecklenburg, Tây Pomerania, Leif-Erik Holm, cho rằng "có lẽ đây điểm khởi đầu cho sự kết thúc đối với ghế thủ tướng của bà Angela Merkel".
AfD (Lựa chọn thay thế cho Đức) nay có ghế ở 9 trong 18 tiểu bang tại Đức.
"Đó là một thất bại cho bà Angela Merkel và chính sách về tị nạn của bà," Edmund Stoiber, Chủ tịch danh dự của CSU đóng tại Bavaria, đảng liên kết với CDU, nói.
Ông biện luận rằng chỉ trích cử tri của AfD là không đủ và nói thêm rằng CDU phải hiểu tại sao người dân mất niềm tin vào các chính sách của đảng này.
Ông Stoiber kêu gọi áp dụng giới hạn về số lượng người vào Đức.
CDU đang liên minh trên toàn quốc với SPD, và với cả Mecklenburg-Tây Pomerania ở cấp vùng, mặc dù nay có thể thay đổi.
Wolfgang Bosbach từ đảng CDU cho biết sự xuất hiện của hàng trăm ngàn người di cư không có giấy tờ đã "thổi gió vào cánh buồm để AfD lướt sóng".
Tổng thư ký CSU Andreas Scheuer đề xuất điều cần làm là đưa ra mức trần cho số người tị nạn cũng như việc hội nhập và hồi hương người tị nạn không hội đủ tiêu chuẩn ở lại Đức một cách tốt hơn.
Bà Angela Merkel đến thăm bang đông bắc này hai lần trong những ngày gần đây trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy đảng của bà sẽ hứng chịu kết quả tồi tệ nhất chưa từng có của họ tại đây.
Bà đã trả lời phỏng vấn với lập trường kiên định về chủ trương xuất nhập cảnh. Bà nhấn mạnh sự thay đổi đó không phải là một điều xấu và rằng "nước Đức sẽ vẫn là Đức theo đúng nghĩa".
Mặc dù thăm dò cho thấy sự ủng hộ đối với thủ tướng giảm trên toàn quốc, bà vẫn đạt mức 45% và bà vẫn chưa quyết định liệu có muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử vào tháng 9 năm 2017 hay không.
"Merkel có thể chịu đựng được thêm bao nhiêu thảm họa bầu cử nữa?" báo lá cải Bild giật tít và dự đoán rằng sự chống đối tạm thời đang nguôi đối với lập trường của bà Merkel bên trong khối bảo thủ của bà có thể sẽ bùng phát ở mức tối đa.
Trên thực tế, ông Markus Soeder, một thành viên cao cấp của đảng Bavaria anh em với đảng Dân chủ Thiên chúa của bà Merkel, đã kêu gọi "thay đổi lập trường" khi bình luận với với tờ Bild.
Một bài viết trên Sueddeutsche Zeitung dự đoán một "mùa thu nổi loạn” dành cho thủ tướng, trong khi Die Welt nghĩ nhiều người chỉ trích bà bấy lâu sẽ xuất đầu lộ diện.
Tuy nhiên, một bài bình luận trên trang tin Der Spiegel tin rằng trong khi cuộc bầu cử là một "thất bại" cho bà Merkel, ghế của bà chưa bị lung lay.
Một số người nghĩ rằng mọi chuyện không hẳn chỉ hoàn toàn về bà Merkel.
Một bài bình luận trên Frankfurter Allgemeine Zeitung lập luận rằng các cử tri đang giận "gần hết" các đảng dòng chính, chứ không chỉ là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, chủ yếu vì thực trạng toàn cầu hóa và "chính trị dựa vào thỏa hiệp". - BBC
|
|
3.
Nathan Law sắp giành ghế Hội đồng Lập pháp Hong Kong --- Hồng Kông: Nhiều ứng viên đòi độc lập đắc cử Quốc hội
Một thế hệ mới của các nhà hoạt động chống Trung Quốc giành được ghế tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong, kết quả sơ bộ cho thấy.
Trong số họ có Nathan Law, một trong những thủ lĩnh trẻ của phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2014, đang tiến tới giành được một ghế.
Đây là lần đầu tiên thủ lĩnh của phong trào biểu tình nắm được quyền lực chính trị thực sự.
Nhưng các chính trị gia ủng hộ Bắc Kinh tiếp tục giữ đa số ghế, một phần do hệ thống bầu cử.
"Tôi nghĩ rằng người Hong Kong thực sự muốn thay đổi", ông Law được AFP dẫn lời. "Những người trẻ cảm thấy cấp bách khi bàn đến tương lai."
Với 90% số phiếu được kiểm, ông Law, 23 tuổi, nhận được lượng phiếu cao thứ hai và điều đó có nghĩa là ông sắp có ghế tại Hội đồng Lập pháp.
Ông là một thành viên của đảng Demosisto, được các thủ lĩnh sinh viên thành lập và tổ chức các cuộc biểu tình đòi quyền tự quyết cho Hong Kong.
Việc kiểm phiếu đang được tiến hành sau khi Hong Kong tổ chức sự kiện bầu cử lớn đầu tiên kể từ sau đợt biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2014.
Lượng cử tri đi bầu đạt cao nhất từ khi lãnh thổ này được bàn giao cho Trung Quốc năm 1997, dẫn đến việc chậm trễ công bố kết quả.
Khoảng 58% của 3,8 triệu cử tri đăng ký đi bầu, so với 45,2% năm 2008.
Cuộc tranh đua giữa các đảng được phân chia theo lập trường của họ về mối quan hệ với Bắc Kinh.
Dòng người xếp hàng dài bên ngoài các điểm bỏ phiếu và đến gần bốn giờ sau khi cuộc bầu cử đã chính thức đóng cửa, một số người vẫn không thể bỏ phiếu.
Trao đổi với báo South China Morning Post, nhiều người phản ánh công tác bầu cử không ổn.
Paul Moss, phóng viên BBC News tại Hong Kong cho hay:
Kết quả cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hong Kong bị chậm trễ, đó là dấu hiệu của việc đông đảo cử tri đi bầu - điều đó cho thấy sự quan tâm hết mức của người dân địa phương.
Một điểm bỏ phiếu phải vẫn mở đến 3:00 trong lúc người dân địa phương vẫn đang xếp hàng để bỏ phiếu.
'Khiếu nại'
Các ứng viên, nhà hoạt động và các nhà báo đang ngóng đợi kết quả tại Trung tâm kiểm phiếu, đặt tại Asia World Expo Centre gần sân bay Hong Kong.
Đã có hàng trăm khiếu nại về cách tổ chức bầu cử, từ việc poster đặt tại các khu vực cấm đến những cáo buộc nghiêm trọng hơn về chuyện cử tri và ứng viên bị đe dọa.
Cử tri sẽ chọn 35 nhà lập pháp dựa theo khu vực địa lý và 35 người khác dựa theo các ngành thương mại.
Thành phố Hong Kong có hệ thống dân chủ không đầy đủ và không phải mọi cử tri đều có thể bầu toàn bộ các ghế.
30 ghế sẽ được chọn bởi nhóm 6% dân số.
Cuộc bầu cử này không chọn ra Trưởng đặc khu Hong Kong.
Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng kết quả cuộc bỏ phiếu có thể tác động liệu Trung Quốc có cho người giữ chức vụ hiện nay Lương Chấn Anh nhiệm kỳ thứ hai hay không. Avery Ng, nhà hoạt động cấp tiến, đã bị cảnh sát khống chế khi ông ném một chiếc bánh sandwich vào ông Lương khi ông này đi bỏ phiếu.
Trong suốt hai tháng năm 2014, những người biểu tình đòi ông Lương từ chức khi các phong trào Occupy chiếm giữ phần lớn các khu vực trong thành phố và kêu gọi quyền trực tiếp bầu lãnh đạo. - BBC
***
Nhiều nhà đấu tranh trẻ tuổi chủ trương dứt khoát chia tay với Bắc Kinh, lần đầu tiên được bầu vào "Quốc hội" Hồng Kông hôm nay 05/09/2016, hai năm sau phong trào biểu tình đòi dân chủ quy mô đã gây tiếng vang lớn năm 2014.
Cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp (LegCo), tức Quốc hội Hồng Kông diễn ra hôm Chủ nhật 4/9, vào lúc nhiều cư dân cựu thuộc địa Anh cảm thấy Bắc Kinh muốn tăng cường kiểm soát thành phố bán tự trị này trên các lãnh vực từ chính trị, văn hóa cho đến giáo dục.
Đoàn kết chống lại đảng Cộng sản Trung Quốc
Trên 2,2 triệu người - tức gần 60% cử tri có đăng ký – một con số kỷ lục, đã đi bỏ phiếu cho đến tối mịt. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên có sự tham gia của những ứng cử viên đòi độc lập cho Hồng Kông. Việc kiểm phiếu kết thúc vào trưa nay, với kết quả là bốn ứng cử viên đòi ly khai với Trung Quốc đắc cử. Một ứng cử viên thứ năm cũng đang tràn trề hy vọng bước vào Quốc hội.
Trong số đó có La Quán Thông (Nathan Law), 23 tuổi, mà vào mùa thu 2014 là một trong những khuôn mặt lãnh tụ phong trào "Cách mạng Dù" - những cuộc biểu tình đông đảo đã làm một số khu phố ở Hồng Kông bị tê liệt toàn bộ.
Về nhì tại đơn vị bầu cử của mình, sau một ứng cử viên thân Bắc Kinh, La Quán Thông chắc chắn giành được một ghế tại LegCo. Phong trào Demosisto (Hương Cảng Chúng Chí) của anh đòi hỏi tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập cho Hồng Kông, nhấn mạnh đến quyền của người dân Hồng Kông được chọn lựa tương lai của mình.
La Quán Thông vui mừng nói: "Tôi rất xúc động. Chúng tôi thừa hưởng tinh thần của phong trào Cách mạng Dù, và tôi hy vọng có thể tiếp tục trong tương lai. Người Hồng Kông thực sự muốn thay đổi. Chúng ta phải đoàn kết lại để cùng chiến đấu chống đảng Cộng sản Trung Quốc".
Một ứng cử viên đòi độc lập khác là cô Du Huệ Trinh (Yau Wai Ching) của đảng Youngspiration (Thanh niên Tân chính) mới thành lập cũng đã giành được một ghế. Cô gái trẻ cho rằng "Hồng Kông có quyền thảo luận về chủ quyền của mình".
Một ứng cử viên khác của đảng Youngspiration là Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) vốn công khai ủng hộ Hồng Kông độc lập, cũng tràn trề hy vọng đắc cử, lúc kiểm phiếu sắp kết thúc.
Ngược lại sáu ứng cử viên khác hồi tháng Bảy đã bị cấm tranh cử, với lý do họ đòi độc lập cho Hồng Kông. Ủy ban bầu cử buộc mỗi ứng cử viên phải ký một bản tuyên bố theo đó Hồng Kông là một bộ phận "không thể tách rời" của Trung Quốc.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy của Reuters, Bắc Kinh đã trực tiếp ra lệnh cho chính quyền Hồng Kông phải loại các ứng cử viên này. Lương Thiên Kỳ (Edward Leung) - một trong sáu người bị loại sau đó đã vận động tranh cử cho người thay thế mình - tuyên bố: "Chúng tôi không muốn thế hệ sắp tới trở thành nô lệ cho đảng Cộng sản Trung Quốc".
Đối lập vẫn giữ được khả năng ngáng chân phe thân Bắc Kinh
Mặc dù đã phong tỏa đường phố được hơn hai tháng, phong trào "Cách mạng Dù" năm 2014 đã thất bại, không đạt được bất kỳ nhượng bộ nào của Trung Quốc về cải cách chính trị.
Trên đống tro tàn của cuộc cách mạng này, đã sinh ra phong trào chủ trương độc lập để bảo vệ bản sắc Hồng Kông, tìm cách giữ khoảng cách với Hoa lục. Ngày nay, một thế hệ mới đòi hỏi thẳng thừng Hồng Kông độc lập, trong khi những người khác đấu tranh đòi quyền tự trị cho vùng lãnh thổ đã được Anh quốc trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Một số người lo ngại rằng sự vươn lên của phe đòi độc lập sẽ tạo ra nghịch lý là càng giúp tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong Hội đồng lập pháp, vì làm yếu đi phe đối lập truyền thống được gọi là phe "dân chủ", vốn không ủng hộ phe "độc lập".
Tuy vậy kết quả kiểm phiếu sơ khởi sáng nay cho thấy phe đối lập "dân chủ" vẫn giữ được túc số có quyền ngăn chận các đạo luật trong Quốc hội mới. Như vậy là rất tốt đối với họ.
Cơ chế bầu cử ở Hồng Kông đặc biệt phức tạp, khiến việc phe dân chủ chiếm được đa số trong Quốc hội hầu như là bất khả thi.
Có 35/70 dân biểu được bầu lên bằng phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Nhưng phân nửa số ghế còn lại được phân bổ một cách rối rắm, đảm bảo cho khối thân Bắc Kinh chắc chắn chiếm được đa số.
Nhiều người dân Hồng Kông lo sợ những quyền tự do có được cho đến nay, nhờ thỏa thuận với Anh lúc trao trả cho Bắc Kinh, ngày càng bị xói mòn. Vụ các nhân viên nhà sách Hồng Kông chuyên xuất bản những cuốn sách nói về hậu trường chính trị Trung Quốc bị mất tích, rồi tái xuất hiện ở Hoa lục với lời "tự thú" vào mùa đông vừa rồi, là một ví dụ điển hình.
Một thông điệp mạnh mẽ cho Bắc Kinh
Chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam) nhận định, cử tri đã chọn lựa những khuôn mặt mới để "gởi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh". Ông nói với AFP: "Bắc Kinh sẽ rất buồn lòng vì kết quả bầu cử, và hoàn toàn có thể sử dụng việc này làm cái cớ để chèn ép Hồng Kông nhiều hơn nữa".
Đối với nhà phân tích Hồng Kông Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), "cuộc bầu cử này có đặc điểm là sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo chính trị".
Hồng Kông đã được trao trả cho Trung Quốc theo nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ", bảo đảm quy chế bán tự trị và những quyền tự do "không mơ thấy nổi" tại Hoa lục, ít nhất cho đến năm 2047. Tuy nhiên, nhiều thanh niên Hồng Kông tin rằng lời hứa này sẽ không được thực hiện.
Hôm Chủ nhật 4/9, các ứng cử viên tiếp tục dùng loa phóng thanh kêu gọi người dân Hồng Kông đi bỏ phiếu để tránh việc Hội đồng lập pháp nghiêng về phía Bắc Kinh.
Do số người đi bầu đông kỷ lục, một số phòng phiếu phải mở cửa đến tận 2 giờ 30 sáng thứ Hai 5/9, bốn tiếng đồng hồ sau thời điểm mà trên nguyên tắc phải đóng cửa. Trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp năm 2012 trước đây, tỉ lệ cử tri đi bầu là 53%.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh (Leung Chunying) khẳng định khi bỏ lá phiếu vào thùng, cuộc bầu cử này là "dân chủ".
Nhiều nhà đối lập đã biểu tình trước phòng phiếu này. Một trong số đó quăng một chiếc bánh mì sandwich cá thu cho nhà lãnh đạo Hồng Kông, cho biết đây là tượng trưng cho tình cảnh những người già không còn có khả năng trả tiền cho bữa điểm tâm, trong thành phố mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng đào sâu. Đối với nhiều cử tri, vấn đề chính yếu là tiền thuê nhà cao ngất ngưởng, mà đồng lương thì không nhích lên nổi.
Theo một cuộc thăm dò dư luận của trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, được công bố hồi tháng Bảy, cứ sáu người dân Hồng Kông hiện nay thì có một người ủng hộ độc lập trước Trung Quốc. Một điều trước đây là cấm kỵ, nay đã trở thành khát vọng có thể nói công khai, với việc các dân biểu trẻ tuổi đối lập với Bắc Kinh đã đặt chân được vào Quốc hội Hồng Kông. - RFI
|
|
4.
Bắc Triều Tiên bắn tên lửa vào lúc G20 đang họp tại Trung Quốc
Vào lúc G20 diễn ra tại tại Hàng Châu, Trung Quốc, chính quyền Bắc Triều Tiên hôm nay 05/09/2016 lại có hành động khiêu khích. Bình Nhưỡng bắn ba tên lửa đạn đạo vào vùng biển Nhật Bản từ căn cứ Hwangju phía tây nam thủ đô Bình Nhưỡng. Là đồng minh của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc khó xử.
Theo thông cáo được bộ Quốc Phòng Hàn Quốc công bố vào sáng nay, vụ bắn tên lửa xẩy ra vào lúc 3 giờ sáng nay giờ quốc tế. Cả ba đã rơi xuống biển Nhật Bản. Có nhiều khả năng tên lửa được bắn đi là loại Rodong tầm trung, có thể tấn công các mục tiêu cách xa 1.000 cây số.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết thêm, Tokyo không được Bình Nhưỡng thông báo trước về vụ bắn tên lửa lần này. Seoul cho là chế độ Kim Jong Un đã “trực tiếp vi phạm nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm chứng minh về khả năng phát triển tên lửa và hạt nhân vào lúc đang diễn ra thượng đỉnh G20".
Tokyo cho biết, mảnh vỡ của hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Nhật trong thông cáo báo chí bày tỏ “ mối quan ngại sâu sắc ”của chính quyền trước vụ thử tên lửa vừa qua và coi đây là một" mối đe dọa nghiêm trọng ” đối với an ninh quốc gia.
Phái đoàn Mỹ tại Hàng Châu lên án hành động “nguy hiểm", của Bắc Triều Tiên qua vụ bắn tên lửa sáng nay đối với “hàng không dân sự và giao thông trên biển trong khu vực". Trong cương vị nước chủ nhà G20, Trung Quốc chưa chính thức lên tiếng.
Bắc Triều Tiên bắn tên lửa Rodong vài giờ trước hai cuộc họp song phương của tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề thượng đỉnh G20 Hàng Châu. Trọng tâm của cả hai buổi làm việc này là an ninh trong vùng Đông Bắc Á.
Hãng tin Reuters nhắc lại cách nay hai năm, đúng vào lúc Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ họp tại La Haye, Hà Lan để bàn về cách đối phó với chính sách hạt nhân của Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên khi đó cũng đã bắn đi hai tên lửa Rodong tầm trung. Năm 2003 trong lúc hội nghị APEC mở ra tại Bắc Kinh, Thái Lan, Bắc Triều Tiên cũng đã có hành động khiêu khích tương tự. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Cử tri Mỹ có thể bầu tổng thống trong tháng 9
Còn hai tháng nữa mới đến ngày bầu cử ở Hoa Kỳ, nhưng cử tri ở một số bang có thể bắt đầu bỏ phiếu trong tháng này – thậm chí trước khi hai ứng viên chính thực hiện cuộc tranh luận đầu tiên của họ.
Hơn 2/3 trong số 50 bang của Mỹ cho phép cử tri đích thân đi bỏ phiếu trước ngày 8 tháng 11, và tất cả các bang đều cho phép cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện nếu người ta không thể đến nơi bỏ phiếu vào ngày hôm đó.
Hầu hết các bang có bỏ phiếu sớm bắt đầu quy trình đó trước cuộc bầu cử 2 hoặc 3 tuần. Tuy nhiên, cử tri ở một vài bang nộp lá phiếu của họ sớm nhất là vào ngày 23/9.
Một đồ thị mô tả cuộc đua giữa bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa trong năm qua cho thấy bà Clinton thường dẫn điểm trước tới 4 hoặc 6 tuần, sau đó ông Trump có một cuộc mít tinh vận động cử tri làm cho mức điểm của họ gần như bằng nhau.
Lần tăng điểm gần đây nhất của ông Trump hiện đang xảy ra lúc này sau khi bà Clinton đã đạt mức điểm cao nhất vào cuối tháng 8, dẫn trước 6% so với ông Trump. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy bà Clinton dẫn trước khoảng 4% trên toàn quốc, mặc dù bà vẫn chỉ dẫn trước chút ít ở một số bang quan trọng có nhiều khả năng sẽ quyết định ai chiến thắng vào tháng 11. - VOA
|
|
6.
Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ thảo luận về việc dẫn độ giáo sĩ Gülen
Cuộc gặp tại G20 hôm 04/09/2016 là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tổng thống Mỹ và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/07 và cuộc thanh trừng trên diện rộng tại nước này.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anna-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết:
"Cuộc gặp song phương giữa tổng thống Barack Obama và tổng thống Erdogan diễn ra khi quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng. Những nhận xét của Nhà Trắng và bộ Ngoại Giao Mỹ về vụ trấn áp của Ankara sau vụ đảo chính hụt đã khiến Ankara không hài lòng. Và việc Washington phớt lờ yêu cầu dẫn độ Fetullah Gülen đe dọa mối quan hệ đối tác của hai nước này trong khu vực, mối quan hệ mà Mỹ cho là rất quan trọng.
Chắc hẳn là Barack Obama hứa giúp Ankara đưa những người chủ mưu đảo chính ra trước pháp luật, nhưng cuộc phỏng vấn phát trên kênh CNN cho thấy ông Obama không tiến xa hơn. Ông nói: Chúng tôi không cảm thấy là việc này tác động tiêu cực lên mối quan hệ an ninh giữa hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh vững chắc trong khối NATO. Nhưng trên tinh thần bạn bè, chúng tôi đưa ra ý kiến trung thực, khi chúng tôi thấy rằng các biện pháp mà Ankara áp dụng không có lợi cho họ về lâu dài, và cho cả mối quan hệ đối tác hai bên.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo tỏ ra vui vẻ, nhưng trên thực tế, Barack Obama vẫn giữ nguyên lập trường. Đối với ông, các quyền cơ bản của người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải được tôn trọng, và tiến trình dẫn độ Fetullah Gülen phải diễn ra theo đúng trình tự thông thường ở Mỹ: Ankara phải đệ trình hồ sơ với đầy đủ chứng cớ, rồi Mỹ sẽ thẩm tra hồ sơ. Hiện nay, chưa có gì chứng tỏ quy trình này sẽ được thúc đẩy nhanh chóng".
|
|
Tin Việt Nam
7.
Lào không còn là ‘sân sau’ của Việt Nam? --- Tổng thống Mỹ tới Lào, trấn an các nước Đông Nam Á
Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tới Vientiane đang thu hút sự chú ý tới quốc gia nhỏ bé nằm kẹt giữa nhiều nước, giữa lúc có ý kiến cho rằng Lào giờ không còn là “sân sau” của Việt Nam như trước.
Quốc gia giáp ranh với một số quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc trong tuần này sẽ tổ chức hai sự kiện lớn liên quan tới các nước Đông Nam Á và Đông Á, trong bối cảnh được cho là đang chịu nhiều chi phối của Bắc Kinh.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ về việc Lào có phải là “sân sau” của Việt Nam hay không:
“Nói chung, đấy là một cách nói ví von thôi. Việt Nam cũng không coi Lào là sân sau mà là nước láng giềng rất quan trọng ở phía tây của mình. Trong nửa sau của thế kỷ 20, hai nước chung lưng đấu cật, thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng, và tạo nên mối quan hệ đặc biệt. Khi hai nước tiến vào một giai đoạn phát triển mới của kinh tế thế giới và toàn cầu hóa thì hai nước đều có những thách thức riêng. Lào là nước lục địa, không có lối ra. Lào rất khó khăn về kinh tế. Trong hoàn cảnh đấy, các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc nhảy vào. Trung Quốc có 400 cây số đường biên giới với Lào, và tiếp cận Lào như là lối ra của Đông Nam Á. Họ đầu tư vào Lào với quy mô chưa từng có và đặt Lào vào tình thế khó khăn”.
Với việc đầu tư như hiện nay của Trung Quốc, theo ông Trường, Lào có thể “bị lấn át”, “bị biến thành sân sau của Trung Quốc” và “đó là thách thức lớn nhất đối với Lào”.
Theo tiến sĩ Trường, Việt Nam cũng đầu tư vào Lào, nhưng không thể “đối trọng lại với sự xâm nhập về kinh tế của Trung Quốc ở Lào”.
Một số quốc gia nhận nhiều viện trợ của Bắc Kinh như Campuchia, Miến Điện và Lào thời gian qua bị coi là trở ngại khiến khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể đạt được đồng thuận về biển Đông.
Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao của Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường nhận định:
“Không nên nói rằng Lào rơi vào vòng tay của Trung Quốc. Việt Nam rất hiểu hoàn cảnh của Lào khi đã có ảnh hưởng lớn của Trung Quốc, [nhận] viện trợ lớn của Trung Quốc. Việt Nam rất hiểu lập trường của Lào. Vấn đề biển Đông chỉ là một trong toàn bộ bức tranh chung. Điều đó không ảnh hưởng đến quan hệ đa dạng, phong phú, nhiều mặt và rất quan trọng giữa Việt Nam và Lào”.
Ông Trường nói thêm rằng chuyến đi của Tổng thống Obama “là dịp để tạo cho Lào có một chỗ dựa về mặt tinh thần và chính trị”.
Lào hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN và tuần này sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối này cũng như khối Đông Á với sự tham dự của nhiều đối tác lớn trên thế giới.
Trong khi đó, tại Việt Nam, cô Hồ Cẩm Giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á ở TP HCM cho VOA Việt Ngữ biết rằng “hiện vẫn có những người quan tâm tới Lào và tiếng Lào, dù không nhiều”.
Cô nói thêm:
“Những người học tiếng Lào họ muốn học, thứ nhất, để đi buôn bán, và thứ hai để đi làm công nhân bên đó và thứ ba là muốn định cư bên đó, có người thân bên đó”.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Vientiane, tháng trước, quan chức Việt Nam và Lào đã thực hiện nhiều chuyến thăm lẫn nhau, và theo Đài tiếng nói Việt Nam, hai nước nhấn mạnh rằng “đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào là tài sản chung vô giá”. - VOA
***
Tổng thống Barack Obama đang cố gắng trấn an các quốc gia ở Đông Nam Á rằng Mỹ quyết tâm theo đuổi chính sách tái cân bằng của mình về khu vực này trong chuyến thăm lịch sử của ông đến thủ đô Vientiane của Lào trong tuần này.
Việc ông Obama đến Lào hôm nay, 5/9, sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm đất nước này.
Ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hội nghị thượng đỉnh Đông Á, nơi ông sẽ tìm cách tăng cường hơn nữa các mối quan hệ và gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Obama sẽ tìm cách thăng tiến mối quan hệ Hoa Kỳ - Lào trong bối cảnh có sự chú trọng nhiều hơn đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và mục tiêu của Mỹ là làm đối trọng trước vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Nhà lãnh đạo của Mỹ sẽ gặp Chủ tịch nước của Lào, Bounnhang Vorachit, tại phủ chủ tịch vào ngày thứ Ba, 6/9. Đảng Cộng sản Lào đã bầu nhà lãnh đạo mới vào đầu năm nay.
Lào, nước vẫn bị chỉ trích về thành tích nhân quyền, hiện đang giữ chức chủ tịch khối ASEAN.
Giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc hội kiến song phương tiếp tục chính sách của chính quyền Obama là chủ động tiếp xúc với những nước mà Mỹ có quan hệ kém thuận lợi.
Sau đó, ông Obama sẽ có bài diễn văn về chính sách Châu Á của mình và tác động của nó trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn về An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cho biết: "Ông ấy sẽ nói về chặng đường mà chúng tôi đã đi qua trong việc định hình một cơ cấu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương để Mỹ lãnh đạo và tham gia vào bàn hội đàm tại các diễn đàn như Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á."
Ông Obama sẽ nói rằng chính sách của ông hình thành là nhờ sự gia tăng những mối quan hệ thương mại, kinh tế, an ninh, và sẽ kêu gọi nhiều mối quan hệ đối tác hơn nữa trong khu vực để đối phó với những vấn đề nhạy cảm như an ninh hàng hải.
Trong bài diễn văn, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ trình bày những luận điểm cho việc phê chuẩn Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại to lớn đang hứng chịu chỉ trích kịch liệt tại Mỹ. Những người chỉ trích nói rằng thỏa thuận này sẽ “cướp mất” công ăn việc làm ở Mỹ.
Thỏa thuận này, với sự tham gia của 12 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương, là một cấu phần kinh tế trọng yếu trong chính sách Châu Á của ông Obama. Ông đã bày tỏ tin tưởng rằng ông có thể thuyết phục được Quốc hội Mỹ phê chuẩn hiệp ước này trong một phiên họp sau cuộc bầu cử tổng thống trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Nếu không có TPP, chiến lược của ông Obama bị suy yếu đáng kể, theo nhận định của giới chuyên gia.
Ông Douglas Paal, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói: "Chúng ta có một thỏa thuận an ninh mạnh mẽ, chính thức với những nước đồng minh và không chính thức với những nước đối tác khác trong khu vực, nhưng nó không thể tự đứng vững nếu không có nền tảng kinh tế."
Sự chống đối thỏa thuận thương mại này đang khơi lên mối hoài nghi ở Châu Á về cam kết của Mỹ đối với chính sách tái cân bằng, theo lời những chuyên gia.
Trên đường phố thủ đô Vientiane, người dân đã bày tỏ hy vọng dè dặt về tương lai, sau khi Tổng thống Obama rời đi và những hội nghị thượng đỉnh bế mạc.
Bà Sompaseuth Kounnavong, chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ gần địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh, cho biết rất nhiều người lấy làm hào hứng về chuyện ông Obama tới đây.
Bà nói trong ngắn hạn thì chuyện này có lợi cho việc buôn bán, nhưng chủ cửa hàng này từ chối đưa ra dự đoán xa hơn, chỉ nói thêm rằng "chúng tôi muốn thấy mọi thứ thay đổi."
Ông Mek Boubong, một người làm việc trong ngành du lịch, tỏ ra lạc quan hơn. "Tôi hy vọng chuyến thăm của ông ấy sẽ giúp đất nước phát triển. Mọi thứ đang thay đổi,” ông nói với nụ cười rạng rỡ.
Trong chuyến thăm, ông Obama sẽ tổ chức một buổi hỏi đáp trực tiếp với những người trẻ tuổi, tham quan những địa điểm văn hóa và tập trung vào những nỗ lực của Mỹ nhằm rà phá bom mìn chưa phát nổ ở Lào. Khoảng một phần ba số 2,2 triệu tấn bom mà lực lượng Mỹ thả xuống Lào trong một hoạt động bí mật kéo dài 9 năm thời Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa phát nổ. Vấn đề này đã làm chậm lại sự phát triển của đất nước.
Ngoài việc tham dự những hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Obama cũng sẽ gặp gỡ những nhà lãnh đạo khác của khu vực trước khi rời đi vào ngày thứ Năm, đánh dấu kết thúc chuyến công du thứ mười một và cũng là cuối cùng của ông tới Châu Á trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ. - VOA
|
|
8.
Biển Đông: Thượng đỉnh ASEAN sẽ tránh nêu phán quyết của Tòa Trọng Tài
Một nguồn tin ASEAN, ngày hôm qua, 04/09/2016, cho Kyodo biết là thông cáo của chủ tịch ASEAN sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần này, sẽ không đề cập đến các phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, liên quan đến hồ sơ Biển Đông.
Hôm nay, tại Vientiane, thủ đô Lào, ASEAN bắt đầu một tuần lễ hoạt động ngoại giao, với đỉnh điểm là thượng đỉnh lần thứ 28 và 29 của khối này, thượng đỉnh Đông Á và các cuộc họp ASEAN với các đối tác. Cũng nhân dịp này, ASEAN và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 25 năm đối thoại song phương.
Theo dự thảo tuyên bố do Lào, hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN soạn ra và Kyodo có được, thì lãnh đạo 10 ASEAN sẽ không đề cập đến các phán quyết ngày 12/07 của Tòa Trọng Tài Thường Trực, trong hồ sơ Biển Đông, bất lợi cho Trung Quốc. Cũng giống như các văn kiện trước đây, ASEAN chỉ dừng lại ở mức nhắc lại các quan ngại về những diễn tiến gần đây tại Biển Đông mà không nêu đích danh Trung Quốc.
Cụ thể, trong dự thảo tuyên bố, ASEAN "bày tỏ hết sức quan ngại về những diễn tiến gần đây và ghi nhận những quan ngại của một số lãnh đạo các nước về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực".
Dự thảo văn kiện này cũng sẽ nhắc lại tầm quan trọng của việc thực thi Tuyên bố chung về ứng xử tại Biển Đông, và kêu gọi sớm ký kết bộ quy tắc ứng xử COC, không tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông…
Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi tháng Bẩy cũng đã tránh đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài, do có sự phản đối của một số nước thân Trung Quốc như Cam Bốt. - RFI
No comments:
Post a Comment