Saturday, September 24, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 24/9

Tin Thế Giới

1.
Thủ tướng Ấn Ðộ: Pakistan ủng hộ khủng bố gây bất ổn cho châu Á

Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi gay gắt chỉ trích Pakistan là nước xuất khẩu khủng bố và lên án nước láng giềng Nam Á này cố tình gây bất ổn cho châu lục, và ông tuyên bố sẽ kiên quyết cô lập Pakistan trong cộng đồng quốc tế.

Đây là những phát biểu công khai đầu tiên của ông Modi kể từ vụ tấn công khủng bố nhắm vào một căn cứ quân sự của Ấn Ðộ đã khiến cho tình hình căng thẳng giữa hai nước tăng cao. Ông Modi phát biểu như vậy tại một cuộc mít tinh của Đảng Bharatiya Janata diễn ra hôm thứ Bảy tại thành phố Kozhikode ở miền nam Ấn Ðộ.

Ông Modi nói: “Nhân dân Pakistan nên hỏi nhà lãnh đạo của nước họ là tại sao sau khi hai nước đã cùng nhau giành lại tự do, giờ đây Ấn Ðộ xuất khẩu phần mềm máy tính cho thế giới, còn Pakistan thì xuất khẩu những kẻ khủng bố.”

Ám chỉ Pakistan, ông nói rằng trong lúc tất cả các quốc gia châu Á đang nỗ lực để đảm bảo rằng thế kỷ thứ 21 thuộc về Á châu, duy chỉ có một quốc gia đang tìm cách bảo đảm ngược lại rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Ông Modi nói Afghanistan và Bangladesh là hai nước trong khu vực phải gánh chịu khủng bố phát xuất từ Pakistan.

Nhà lãnh đạo theo chủ trương cứng rắn của Ấn Ðộ này chịu nhiều áp lực phải đáp trả cứng rắn đối với cuộc tấn công đã giết chết 18 binh sĩ tại một căn cứ quân sự của Ấn gần biên giới Kashmir. Ấn Ðộ quy vụ tấn công này cho nhóm phiến quân Hồi giáo Jaish-e-Mohammad có căn cứ ở Pakistan. Islamabad cực lực bác bỏ bất cứ dính líu nào và nói rằng New Delhi không đưa ra được bằng chứng hậu thuẫn cho cáo buộc của Ấn Ðộ.

Trong lúc nhà lãnh đạo Ấn Ðộ dùng lời lẽ cứng rắn nhắm thẳng vào Pakistan và tuyên bố dứt khoát không chịu thua khủng bố, ông cũng tìm cách hạ giảm tranh luận của một số thủ lãnh trong đảng Ấn giáo theo chủ trương dân tộc của ông nêu lên câu hỏi về tăng cường quân sự giữa hai nước thù nghịch.

Ông Modi nói rằng ông sẽ đẩy mạnh chiến dịch vận động cô lập hóa ngoại giao Pakistan trên trường quốc tế.

Trong phát biểu rằng ông muốn “nói chuyện với nhân dân Pakistan,” ông Modi nói “nếu hai nước tuyên chiến, thì chúng ta hãy tiến hành cuộc chiến chấm dứt nghèo đói, thất nghiệp và mù chữ -- xem ai thắng.”

Các nhà phân tích nói rằng Ấn Ðộ muốn tránh chạy đua quân sự một phần là vì tình hình bất ổn ở khu vực Kashmir do Ấn kiểm soát, nơi chính phủ Ấn Ðộ phải đối mặt với trình trạng bất ổn dân sự lan rộng trong hai tháng qua.

Pakistan cũng cảnh cáo sẽ trả đũa bất cứ cuộc tấn công nào trên lãnh thổ của họ.

Ấn Ðộ quy cho các nhóm phiến quân có căn cứ bên Pakistan xúi giục bạo động ở Kashmir và tăng mạnh tấn công khủng bố ở Ấn Ðộ, còn Pakistan thì tố cáo các lực lượng an ninh Ấn Ðộ vi phạm nhân quyền tràn lan ở Kashmir. - VOA
|
|

2.
Bắc Triều Tiên triển lãm hàng không, bất chấp trừng phạt quốc tế --- Mỹ: Lá chắn tên lửa là không thể bàn cãi

Chỉ vài tuần sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm, ngày 24/09/2016, lần đầu tiên Bắc Triều Tiên tổ chức triển lãm hàng không dân dụng và quân sự. "Festival Hàng không Hữu nghị Quốc tế", kéo dài hai ngày, diễn ra tại sân bay Kalma, nguyên là một sân bay quân sự, vừa mới được tu bổ lại vào năm 2015 để thúc đẩy du lịch tại vùng chung quanh thành phố cảng Wonsan, miền Đông Bắc Triều Tiên.

Cuộc triển lãm này đã được dự trù trước khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm ngày 09/09/2016, khiến quốc tế lên án và dọa ban hành những biện pháp trừng phạt mới đối với quốc gia này.

"Festival Hàng không Hữu nghị Quốc tế" bắt đầu với màn bay biểu diễn của chiếc trực thăng quân sự Hughes MD-500 của Mỹ, một trong những chiếc mà Bắc Triều Tiên mua từ thập niên 1980 qua một nước thứ ba để tránh các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Tiếp theo đó là màn bay biểu diễn của chiến đấu cơ tối tân nhất của không quân Bắc Triều Tiên, chiếc Mikoyan Mig-29 Fulcrum do Liên Xô chế tạo. Các chiến đấu cơ còn lại bao gồm các loại Mig-17, Mig-19 và Mig-21.

Bình thường các sân bay Bắc Triều Tiên được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ, nhưng hôm nay sân bay Kalma được mở cửa cho khách tham quan Triều Tiên, báo chí nước ngoài và vài trăm khách từ 20 nước đến tham dự.

Sau vụ thử hạt nhân thứ tư ngày 06/01/2016, ngành hàng không của Bắc Triều Tiên đã được vào danh sách những ngành bị cấm vận chiếu theo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, được thông qua sau vụ thử hạt nhân nói trên. Nghị quyết này quy định là các nước thành viên Liên Hiệp Quốc không được bán hoặc cung cấp cho Bắc Triều Tiên các nhiên liệu cho máy bay.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của quốc tế, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 23/09/2016, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên tuyên bố là nước này sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân, vì đối với Bình Nhưỡng, đây là phương tiện duy nhất để tự vệ trước những mối "đe dọa" của Hoa Kỳ. - RFI

***
Việc triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc là không thể bàn cãi, trong khuôn khổ một thỏa thuận trừng phạt Bắc Triều Tiên thử nguyên tử. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Daniel Roussel ngày 23/09/2016 tuyên bố như trên.

Trung Quốc, một trong những đồng minh cuối cùng của chế độ Bình Nhưỡng kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ triển khai THAAD nhằm bảo vệ hai phần ba lãnh thổ Hàn Quốc trước sự đe dọa của Bắc Triều Tiên. Được hỏi về khả năng thương lượng vấn đề này, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Roussel trả lời hãng tin Reuters là: "Không thể được, hai nước đã quyết định rồi".

Thương thảo về việc tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng đang diễn ra, và các nhà quan sát cho rằng tất cả còn lệ thuộc vào thái độ của Trung Quốc.

Tại Đại hội đồng Liên HIệp Quốc, ngoại trưởng Hàn Quốc khẳng định chương trình nguyên tử và đạn đạo của Bắc Triều Tiên là "mối đe dọa hiện hữu trực tiếp", và Seoul không có cách nào khác là phải có "những biện pháp tự vệ cần thiết".

Về phía ngoại trưởng Nga nói rằng việc bố trí lá chắn tên lửa là "không thể chấp nhận được", tố cáo đây là "một cái cớ để quân sự hóa hàng loạt tại Đông Bắc Á". Bắc Triều Tiên thì cho rằng việc tăng cường năng lực nguyên tử là nhằm "tự bảo vệ". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Xả súng bừa bãi tại một trung tâm mua sắm Mỹ: 5 người thiệt mạng

Các giới chức tại bang Washington ở vùng Tây-Bắc Hoa Kỳ nói nạn nhân thứ 5 đã thiệt mạng tiếp theo sau một vụ xả súng bừa bãi tại một trung tâm mua sắm vào chiếu tối hôm qua, thứ Sáu ngày 24/09.

4 phụ nữ và 1 người đàn ông đã bị giết chết trong vụ xả súng bên trong cửa hàng Macy’s.

Trung sĩ Mark Francis của Đội cảnh sát tuần tra bang Washington nói rằng kẻ xả súng hiện vẫn đang tại đào, và lần cuối được trông thấy đang đi về hướng một xa lộ, đi xa khỏi khu thương xá Cascade ở Burlington, nằm cách thành phố Seattle khoảng 100 km về hướng bắc.

Nhà chức trách đã công bố lên mạng xã hội hình ảnh của người đàn ông bị tình nghi đã thực hiện vụ xả súng gây tử vong.

Trung sĩ Francis mô tả người đàn ông này là một người gốc Châu mỹ La tinh mặc áo sơ mi màu đen.

Thương xá Cascade Mall nằm trong một trung tâm thương mại trong đó có các cửa hàng lớn như JC Penney, TJ Maxx, và Macy's, nhiều nhà hàng ăn và một rạp chiếu bóng. - VOA
|
|

4.
Ted Cruz ủng hộ Trump --- Hai ứng viên TT Mỹ sẽ gặp Thủ tướng Israel trước cuộc tranh luận 26/9

Ted Cruz, ứng viên Cộng hòa thua cuộc bày tỏ sự ủng hộ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Thượng nghị sĩ bang Texas đã thua ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ với những cuộc công kích cá nhân.

Ông Cruz cho biết sẽ thực hiện lời hứa bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa và rằng việc bầu cho Hillary Clinton là "hoàn toàn không thể chấp nhận".

Tại Hội nghị Quốc gia của đảng Cộng hòa tháng 7/2016, ông bị la ó vì không ủng hộ ông Trump.

Ông Cruz thông báo trên Facebook: "Cuộc bầu cử năm nay không giống bất kỳ cuộc bầu cử nào trong lịch sử nước Mỹ.”

“Sau nhiều tháng cân nhắc cẩn thận và cầu nguyện, tôi quyết định rằng trong ngày bầu cử, tôi sẽ bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa Donald Trump."

Ý kiến này cho thấy ông Cruz đã đảo ngược quan điểm về ông Trump, khi trước đó gọi tỷ phú là một "kẻ nói dối bệnh lý" và không đáng tin.

'Dè chừng'

Ông Trump phản hồi rằng ông "rất vinh dự" khi nhận được sự ủng hộ từ "một đối thủ đáng gờm".

Nhưng một số người ủng hộ Cruz phê phán ý kiến của thượng nghị sĩ, gồm cựu phát ngôn viên chiến dịch của ông, Rick Tyler.

Trong khi đó, quản lý chiến dịch của Trump, Kellyanne Conway, người trước đây từng làm việc cho chiến dịch ủng hộ Cruz, bày tỏ sự nhẹ nhõm trên mạng xã hội.

Phóng viên BBC Anthony Zurcher tại Washington phân tích: “Với tuyên bố ủng hộ Donald Trump bây giờ, ông Cruz dường như thừa nhận thực tại:

Đầu tiên là ông Trump thực sự có khả năng giành chiến thắng mà không cần sự ủng hộ từ ông Cruz.

Thứ hai là chủ nghĩa Trump là tương lai của đảng Cộng hòa - và nếu muốn là một phần của điều đó, ông Cruz sẽ phải bày tỏ sự ủng hộ Trump.

Với bình luận mới nhất, ông Cruz thể hiện sự linh hoạt chính trị đáng chú ý.

Bây giờ, có vẻ như mối giao hảo Trump - Cruz đã được nhen nhóm nhưng chí ít là ứng viên Cộng hòa sẽ phải dè chừng người đứng cạnh mình". - BBC

***
Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump sẽ tạm dừng những sự chuẩn bị cho cuộc tranh luận vào ngày thứ Hai 26/9 để lần lượt gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một đồng minh chủ yếu của Mỹ ở Trung Đông.

Văn phòng ông Netanyahu không trả lời câu hỏi về địa điểm sẽ gặp hai ứng cử viên tổng thống Mỹ. Cuộc hẹn với ông Trump đã được giàn xếp khi ban vận động của Đảng Cộng hoà gọi điện thoại cho văn phòng Thủ tướng Israel sau khi phát hiện lịch trình làm việc của ông Netanyahu bao gồm một cuộc gặp với ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump.

Ông Netanyahu đã có mặt ở thành phố New York trong tuần qua để dự phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Ông đã hội kiến cùng Tổng thống Barack Obama tại Liên hiệp quốc hôm thứ Tư, trong lần gặp có lẽ cuối cùng giữa hai nhà lãnh đạo.

Hai ông Netanyahu và Obama kết thúc cuộc gặp mặt với thái độ thân thiện sau 7 năm quan hệ căng thẳng vì những bất đồng liên quan tới nhiều vấn đề như thoả thuận hạt nhân với Iran và tiến trình hoà bình Trung Đông, là những vấn đề mà người đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm nay, sẽ phải đối mặt.

Trước khi lên lịch cuộc gặp với ông Netanyahu vào ngày Chủ nhật 25/9, bà Clinton đã dự định đến thăm thành phố Charlotte của bang North Carolina, nơi đã chứng kiến các cuộc biểu tình kéo dài nhiều đêm liên tiếp để phản đối vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông Mỹ gốc Phi, một sự cố gây nhiều tranh cãi.

Bà Hillary Clinton hoãn lại chuyến đi, theo yêu cầu của Thị trưởng Charlotte Jennifer Roberts, người đã bày tỏ nguyện vọng muốn dùng toàn bộ các tài nguyên của thành phố để bình thường hoá sinh hoạt thường ngày.

Tin cho hay ông Trump cũng dự định đến thăm Charlotte hôm thứ Ba, nhưng cũng quyết định hoãn lại chuyến đi.

Mặt khác ông Trump cảm thấy được khích lệ phần nào trước khi bước vào cuộc tranh luận với bà Clinton vào ngày thứ Hai sắp tới, khi bất ngờ nhận được sự ủng hộ của ông Ted Cruz, cựu đối thủ của ông Trump trong Đảng Cộng hoà.

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz nói:

“Sau nhiều tháng cân nhắc, cầu nguyện và tự vấn lương tâm, tôi đã quyết định là trong ngày bầu cử, sẽ bầu cho ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hoà, Donald Trump.”

Hai ông Cruz và Trump đã từng dùng những lời gay gắt để chỉ trích lẫn nhau trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hoà. Ông Cruz có lần gọi ông Trump là “một kẻ nói dối bệnh hoạn” và “hoàn toàn vô đạo đức.” Trong khi ông Trump liên tục tố cáo cựu đối thủ của mình là kẻ nói dối, đặt cho ông Cruz biệt danh “Lyin’ Ted”- tức ‘Ted nói dối’.

Quyết định của ông Cruz được nhiều người diễn giải là một cố gắng nhằm đoàn kết Đảng Cộng hoà vào thời điểm chỉ còn chưa tới 7 tuần nữa là tới ngày bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông Trump và bà Hillary Clinton đang tạm thời giảm bớt các cuộc vận động để chuẩn bị cho cuộc tranh luận vào ngày thứ Hai sắp tới. Theo lịch trình, ông Trump sẽ xuất hiện ở bang Virginia để vận động cử tri, trong khi cuộc vận động của bà Hillary Clinton không được lên lịch cho tới ngày 5/10.

Khán giả theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, cuộc tranh luận đầu tiên trong tất cả 3 cuộc tranh luận, lần đầu tiên sẽ thấy hai ứng cử viên tổng thống Mỹ cùng xuất hiện trên một sân khấu.

Cuộc tranh luận được truyền hình sẽ thu hút hàng chục triệu khán giả theo dõi, những người đang cẩn thận xem xét cả hai ứng cử viên tổng thống để tìm ra những ưu và khuyết điểm của mỗi người.

Với khẩu hiệu sẽ ‘làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’, ông Trump hy vọng sẽ nắm lấy cơ hội để thu hẹp khoảng cách với bà Hillary Clinton, vốn đã duy trì được vị thế dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò toàn quốc, bất chấp mức độ ủng hộ dành cho bà đang giảm thiểu. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh: Tình hình Biển Đông đe dọa hòa bình thế giới.

Hôm nay 24/09, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hiệp quốc. Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Bình Minh thể hiện rõ quan điểm và lập trường của Việt Nam là đa phương hóa, đa dạng hóa, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về việc các qui tắc cũng như luật pháp quốc tế đang bị đe dọa, khi nhiều nước có những hành động đơn phương, áp đặt, sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế.

Không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc và các nước liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam chỉ ra rằng tranh chấp Biển Đông là một trong những nguy cơ an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương “có thể đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực và quốc tế”.

Chỉ ít ngày trước khi ông Phạm Bình Minh đến New York, Trung Quốc và Nga đã tiến hành tập trận trong hơn 1 tuần ở Biển Đông, dù địa điểm cuộc tập trận cách xa nơi có nhiều tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines hàng trăm hải lý. Còn hồi đầu tháng 9, nói về phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng thống Nga Putin tuyên bố nước ông “ủng hộ lập trường của Trung Quốc” và “không công nhận quyết định mà tòa đưa ra”.

Ông Minh đề cập đến tình hình an ninh Châu Á, với hai điểm nóng là Bán đảo Triều Tiên và khu vực Biển Đông, nhấn mạnh rằng các bên liên quan phải hành xử kiềm chế, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982. Ngoài ra, ông Minh còn kêu gọi các bên làm đúng theo Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng tới hoàn thiện Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Việt Nam cam kết theo đuổi Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Sau đây là trích đoạn ông Phạm Bình Minh nói về vấn đề Biển Đông trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc:

"Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mặc dầu vậy, ẩn chứa nhiều nguy cơ xung đột, đặc biệt tại Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông, tất cả đều có khả năng đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, tuyệt đối tôn trọng các qui tắc ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng tới hoàn thiện Qui tắc ứng xử Biển Đông (COC)." 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói “sự đa phương, luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác và phát triển” là những yếu tố chủ chốt để xây dựng “một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Trên bình diện quốc tế, ông Minh nhấn mạnh “Luật phát quốc tế vẫn là then chốt của một cấu trúc an ninh quốc tế ổn định và một hệ thống đa phương mạnh”. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng “chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế vẫn là một mối đe dọa với hòa bình và an ninh quốc tế”, mặc dù ông không nêu cụ thể nước nào có những động thái kể trên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói tình hình quốc tế hiện nay buộc các nước phải làm việc cùng nhau để “thúc đẩy sự đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.

Ông phát biểu rằng Việt Nam tin rằng phải tăng cường sự đa phương và phải cải thiện hoạt động của các định chế đa phương, nhất là Liên hiệp quốc. Ông nói: “Liên hiệp quốc, kể cả Hội đồng Bảo an, phải cải tổ để bảo đảm công bằng, dân chủ và minh bạch nhiều hơn”.

Ông Minh cho biết Việt Nam đã quyết định ứng cử làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An nhiệm kỳ 2020-2021 và sẽ tiếp tục gia tăng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

Việt Nam từng là ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2008-2009 và đã cử 12 sỹ quan tham gia 2 phái bộ gìn giữ hòa ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. - VOA
|
|

6.
Truyền thông mạng đang đi trước báo chí

Truyền thông mạng xã hội, truyền thông 'lề dân' hay 'lề trái' đang 'đi trước' báo chí chính thống của nhà nước và loại hình truyền thông này thực sự đang phát huy được sức mạnh 'giám sát, phản biện', theo ý kiến của chuyên gia và khách mời Bàn tròn trực tuyến của BBC.

Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm về chủ đề 'Truyền thông dân và phản ứng quan' hôm 22/9/2016, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) từ Hà Nội, nói:

"Mạng xã hội ngày nay đang ngày càng trở thành một kênh thông tin để cho các vị lãnh đạo, các cơ quan thực thi công vụ, những cơ quan công quyền của nhà nước tham khảo, nó càng ngày càng trở nên một kênh thông tin để tham khảo và hành động.

"Việc hai vị bí thư ở hai tỉnh phải có phản hồi ngay lại dư luận ở trên mạng xã hội bắt đầu phản ánh việc các vị hành động, cũng như chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phản hồi lại dư luận xã hội trên mạng về đoàn xe hộ tống của Thủ tướng đi vào Hội An cho thấy không chỉ là nghe...

"Tôi tin rằng từ trước đến bây giờ nguồn thông tin ở trên mạng vẫn được tham khảo, vẫn được nghiên cứu, có thể nói rất là kỹ, nhưng để phản hồi, để có những hành động, thì bắt đầu từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tiếp đây là hai ông bí thư với tư cách là những vị lãnh đạo cấp cao.

"Ngoài ra, mạng xã hội cũng là nguồn thông tin mà tôi thấy hiện nay rất thú vị ở chỗ rằng những thông tin từ mạng xã hội lại đi trước báo chí và nó trở thành nguồn dinh dưỡng, hay nguồn cung cấp thức ăn rất phong phú cho báo chí.

"Nhiều khi báo chí lại đến sau mạng xã hội. Ví dụ như chuyện chở tử thi ở Sơn La chẳng hạn, có một ai đó chụp được một cái ảnh đưa lên và lúc đó báo chí đưa vào và mạng xã hội cũng lên tiếng rất là mạnh mẽ và cuối cùng chính quyền tỉnh Sơn La, Bệnh viện Lao ở tỉnh Sơn La và ngành y tế đã phải vào cuộc.

"Tôi thấy rằng mạng xã hội hiện nay thực sự đang phát huy được sức mạnh của nó, sức mạnh giám sát, sức mạnh phản biện, sức mạnh cung cấp thông tin và chia sẻ thông tin ngày càng rộng rãi hơn và tôi cũng xin chia sẻ với nhà báo Trương Duy Nhất cũng như chị Mạc Việt Hồng (khách mời tại Bàn tròn) rằng chính quyền, các nhà lãnh đạo đã bắt đầu có những phản hồi tích cực hơn với những thông tin từ mạng xã hội.

"Bằng chứng là việc hai ông Bí thư (Tỉnh ủy) phải thanh minh, rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý xin lỗi việc làm của đoàn xe hộ tống của ông, cho thấy rằng bây giờ không phải lúc người ta có thể bỏ qua mạng xã hội nữa rồi, mà phải sử dụng nó, đấy là một cách phản ứng rất thông minh, một cách phản ứng rất sáng suốt, tôi cho là như vậy," Tiến sỹ Xã hội học Khuất Thu Hồng nói với BBC.

'Chuyên nghiệp hơn nhiều'

Phóng viên Lan Phương của BBC Việt ngữ từ Bangkok, trong tư cách khách mời, chia sẻ với Bàn tròn một nhận định về chất lượng của truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam: 

"Lý do mà các quan chức (Việt Nam) đã phản hồi rất nhanh trước sự kiện này cho thấy có một yếu tố mà chúng ta quên nhắc đến đó là trình độ của chính độc giả và những người tạo ra thông tin trên mạng đã tăng lên rất nhiều so với trước đây.

"Có thể lấy một ví dụ là trước đây chúng ta đọc thấy một tin trên mạng xã hội thì nó có thể chỉ là một vài cái hình, có rất nhiều cảm tính, bình luận, vì tôi nghĩ rằng người đọc và người tạo thông tin trên mạng xã hội thời điểm đó chắc chắn ban đầu không phải là những nhà báo chuyên nghiệp.

"Họ viết một cách bản năng, viết những cảm giác của họ và họ chưa thuyết phục được độc giả vào thời điểm đó, nhưng đến thời điểm này họ đã càng ngày càng chuyên nghiệp hơn.

"Ví dụ, khi một sự việc nào đó xảy ra thì họ bật máy và làm 'live-stream' (trực tiếp), sau đó họ gọi điện đến các cơ quan để xác minh, sau đó họ đối chiếu thông tin với những trang chính thức của chính phủ.

"Tôi lấy ví dụ việc ông Bí thư Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh, có nhiều người thân làm các vị trí, thì các trang đó đã đi tìm thông tin của ông ở trên các trang chính thức của nhà nước, sau đó họ đối chiếu lại rồi mới đăng bài.

"Tức là họ có đi qua quá trình xử lý thông tin như nhà báo chúng tôi, họ không còn dừng lại ở mức mô tả thông tin nữa, họ đã xử lý thông tin. Rồi lấy ví dụ ông Nguyễn Xuân Phúc đi vào phố cổ, rất nhiều ý kiến nói là Thủ tướng 'trăm công, nghìn việc' nên không thể đi bộ vào được.

"Thế nhưng có những người đã đo khoảng cách con phố đó để nói rằng con phố đó rất là ngắn và lẽ ra để tỏ ra văn minh thì Thủ tướng có thể đi bộ vào. Thế tức là sự phản biện của cư dân mạng đã tăng trình độ, điều đó khiến cho nhà nước cảm thấy rằng không thể nào dừng ở mức độ im lặng được nữa.

"Và họ phản ứng lại, họ đang đối thoại với những thông tin ngày càng có uy tín hơn, chứ không phải là đối thoại như những cuộc tranh cãi lộn xộn ở ngoại chợ ngày trước nữa," nhà báo Lan Phương nói với Tọa đàm.

Tác động xã hội

Từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồngbình luận với bàn tròn về vai trò và tác động xã hội của truyền thông mạng xã hội ở nước này, bà nói:

"Tôi nghĩ rằng mạng xã hội này đối với bất kỳ nước nào, tùy theo mô hình chính trị của mỗi nước có thể có những tác động khác nhau, nhưng ở bất kỳ mô hình xã hội nào thì nó đều có những tác động tích cực nhất định.

"Ở Ba Lan, người ta có quyền tự do hội họp, tự do biểu tình, có điều gì đó bất bình với chính phủ, gần đây nhất là cuộc 140 nghìn người kéo đi biểu tình, thì những cuộc biểu tình đó người ta đều hô hào trên mạng xã hội.

"Và cái đó mạng xã hội có thể biến thành các cuộc biểu tình, ở Việt Nam quyền biểu bình vẫn còn bị ngăn chặn, cho nên mạng xã hội ở một mặt nào đó chưa có một tác động trực tiếp như đối với ở Ba Lan mà chỉ sau một cuộc kêu gọi, chỉ sau một, hai, ba ngày, một trăm nghìn người có thể xuống đường ngay.

"Ở Việt Nam, vì những lý do mà ai cũng biết, chúng ta chưa thể có được những sự kiện như thế," nhà báo Mạc Việt Hồng nói với BBC.

Cũng tại cuộc Tọa đàm, nhà báo Trương Duy Nhấtcho hay ông đánh giá cao hành động của các quan chức ở Việt Nam khi họ có phản hồi với mạng xã hội, ông nói:

"Tôi đánh giá cao sự phản ứng trả lời lại của phía các quan chức, bởi vì nếu anh không trả lời, anh tạo một hình ảnh xấu, hành vi xấu cho các quan chức đó.

"Ví dụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc..., nếu mà ông không trả lời chuyện đó, thì nó tạo ra một hình ảnh rất xấu của Thủ tướng, nhưng khi ông chọn cách đối thoại như thế, thì ông lại lấy điểm rất nhanh và lấy điểm rất sáng trong cách nhìn của người dân, của bạn đọc."

Nhân đây, blogger từ Đà Nẵng cũng đưa ra một bình luận mang tính so sánh giữa tính chất của truyền thông mạng xã hội và báo chí chính thống nhà nước qua một sự kiện thời sự là vụ xét xử phúc thẩm blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và động sự:

"Ngày nay đang xét xử Ba Sàm, thì có một câu nhận định là báo chí chính thống toàn nói chuyện Ba Sàm, nhưng trang Ba Sàm thì toàn nói chuyện chính thống," nhà báo Trương Duy Nhất nói với BBC. - BBC

No comments:

Post a Comment