Tin Hoa Kỳ
1.
Mỹ hủy hành quân 'tự do hàng hải' đã lên kế hoạch ở Biển Đông
Một nguồn tin chính phủ nói với tờ Wall Street Journal rằng Mỹ đã hủy một cuộc hành quân “tự do hàng hải”, gọi tắt là FONOP, đã lên kế hoạch ở Biển Đông.
Vùng biển này chứng kiến tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng hơn trong những năm gần đây giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số nước khác.
Tin được Wall Street Journal đăng tối 26/4 cho hay để “giảm nhiệt” ở Biển Đông trong khi vẫn thể hiện quyết tâm đối với việc Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động gần bãi Scarborough, Mỹ lựa chọn không thực hiện hành quân tự do hàng hải, FONOP, mà thay vào đó đã tiến hành các cuộc tuần tiễu trên không gần Scarborough.
Biên tập viên Ankit Panda chuyên về an ninh và chính trị của The Diplomat đưa ra nhận định rằng tuy không có đủ thông tin đầy đủ về bối cảnh xung quanh việc hủy cuộc FONOP, song có phần chắc Mỹ muốn quản lý những diễn biến tiêu cực về ngoại giao với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thay vì một cuộc FONOP nữa, có thể gây ra phản ứng tiêu cực của bộ ngoại giao Trung Quốc, như các hoạt động trước đây ở Biển Đông đã gây ra, chính quyền của ông Obama đã lựa chọn việc phát đi tín hiệu ủng hộ Philippines. Điều này thể hiện qua chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter.
Tin tức của tờ Wall Street Journal cho biết với việc hủy FONOP, Washington đã chuyển sang thực hiện “3 cuộc tuần tiễu trên không gần Scarborough trong những ngày gần đây”.
Biên tập viên Panda của The Diplomat cho rằng việc hủy FONOP đã lên kế hoạch làm xói mòn những cam kết của các quan chức cấp cao Mỹ, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Carter, rằng các cuộc tuần tra sẽ diễn ra thường xuyên ở Biển Đông. Động thái này cũng báo hiệu vẫn đang có những căng thẳng giữa Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc về việc Mỹ chấp nhận một cái giá như thế nào đối với Biển Đông so với tổng thể quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Panda đánh giá rằng từ góc nhìn của Washington, việc hủy FONOP không hẳn hoàn toàn xấu. Cuộc tuần tiễu trên không gần Scarborough cũng có tác dụng tương tự như FONOP đối với Trung Quốc trong khi tiếp tục trấn an Philippines, một đồng minh quan trọng của Mỹ.
Bãi Scarborough đã rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc trên thực tế từ năm 2012, sau khi các tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu nhau căng thẳng quanh nơi này.
Mặc dù vậy, biên tập viên Panda nêu ra quan điểm rằng việc hủy FONOP có thể tai hại về lâu dài hơn so với hình dung của chính quyền của ông Obama. Về bản chất, FONOP là hoạt động thường lệ và có tính toàn cầu, không nhắm vào Trung Quốc, trên thực tế, các cuộc FONOP gần đây đã phản bác những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc và cả các bên khác ở Biển Đông. Hủy cuộc FONOP làm xói mòn tính chất thông điệp và tín hiệu của các hoạt động như vậy. - VOA
|
|
2.
Bầu cử sơ bộ Mỹ: Ông Trump, bà Clinton thắng lớn
Ông Donald Trump của Ðảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ giành chiến thắng lớn hôm thứ Ba trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Ông Trump thắng toàn bộ năm tiểu bang - Connecticut, Delaware, Maryland, Pennsylvania và Rhode Island. Bà Clinton thắng bốn trong năm bang và thua ông Bernie Sanders ở bang Rhode Island. Thông tín viên Jim Malone của đài VOA tường trình từ Washington.
Ông Donald Trump tiến thêm một bước nữa tới gần chỗ được Ðảng Cộng hòa đề cử tranh chức tổng thống qua việc giành phần thắng trong tất cả năm cuộc bầu cử, chiếm được phần lớn của 172 phiếu đại biểu của các bang này.
"Chúng ta sẽ giành lại đất nước. Chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Và tôi muốn nói với qúy vị ở năm bang hôm nay rằng tôi thật vinh dự. Đối với tôi đây là đêm trọng đại nhất bởi vì nó cho thấy sự ủng hộ hết sức đa dạng."
Ông Trump nói giờ đây ông tự xem ông là người chắc chắn sẽ được Ðảng Cộng hòa đề cử, và hai đối thủ Ted Cruz và John Kasich nên rút khỏi cuộc đua.
Ông Cruz đi vận động ở bang Indiana cho cuộc bầu sơ bộ vào thứ Ba tới. Có lẽ đó là cơ hội cuối cùng của ông Cruz để làm chậm lại bước tiến của ông Trump.
Ông Cruz gọi ông Trump là người không đáng tin tưởng.
Ông Trump nói ngày mai ông ấy có thể là một người khác với chính con người ông ấy hôm nay. Cho phép tôi nói với qúy vị điều này. Tôi luôn là chính tôi, giống như tôi ngày hôm qua và tôi cũng sẽ giống y như vậy ngày mai khi tôi làm tổng thống.
Ở cuộc đua bên Ðảng Dân chủ, ứng cử viên dẫn đầu là bà Hillary Clinton giành được những chiến thắng quan trọng tại các bang Pennsylvania, Maryland, Connecticut và Delaware, để tiến thêm một bước nữa đến chỗ giành quyền đề cử của đảng.
"Chúng ta sẽ tưởng tượng đến một ngày mai khi sự làm việc cần cù được vinh danh, gia đình được nâng đỡ, đường phố được an toàn, cộng đồng được vững mạnh và là nơi mà yêu thương đánh bại hận thù."
Chiến thắng của bà Clinton tăng thêm áp lực cho đối thủ của bà là ông Bernie Sanders, khiến ông phải suy tính đến chiến thuật kế tiếp, tuy ông thắng tại bang Rhode Island.
Ông Sanders nói với những người ủng hộ ở bang West Virginia rằng ông sẽ là một ứng cử viên mạnh hơn trong cuộc tổng tuyển cử.
"Điều chúng tôi thấy được từ các cuộc thăm dò toàn quốc là chúng tôi dẫn trước ông Donald Trump từ 15 đến 20 điểm, hơn bên bà Clinton nhiều."
Kết quả các cuộc bầu sơ bộ hôm thứ Ba củng cố vị trí dẫn đầu của hai ứng cử viên của cả hai đảng, và rất có thể họ sẽ là đối thủ của nhau trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11. - VOA
|
|
3.
Apple giảm doanh thu lần đầu từ 2003
Apple hôm 26/4 báo giảm 13% doanh thu trong quý hai, trong lúc doanh số bán iPhone giảm mạnh.
Hãng công nghệ khổng lồ nói doanh số quý này đạt 50,56 tỷ đôla, giảm so với mức 58 tỷ hồi năm ngoái, là lần sụt giảm đầu tiên của công ty kể từ 2003 tới nay.
Apple đã bán ra 51,2 triệu chiếc iPhone trong quý, giảm so với mức 61,2 triệu cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là nơi giảm mạnh nhất, với doanh số đi xuống 26%. Đồng đôla mạnh lên cũng làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của hãng.
Cổ phiếu của Apple rớt giá gần 20% trong vòng 12 tháng qua.
Lợi nhuận quý của Apple giảm từ 13,5 tỷ đôla xuống 10,5 tỷ.
Tuy nhiên, hãng công bố sẽ chi 50 tỷ đôla cho các cổ đông thông qua việc tăng mức mua lại cổ phần và tăng 10% lãi cổ tức quý.
Doanh số bán chững lại
Hồi tháng 1/2016, hãng cảnh báo là đang gặp tình trạng đơn đặt hàng mua iPhone tăng chậm chưa từng thấy, và nói điều đó sẽ ảnh hưởng tới doanh thu quý hai.
Doanh số bán điện thoại thông minh đi xuống gây ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghiệp này, và các hãng đang phải vật lộn tìm hướng đi mới trong lĩnh vực sáng tạo, đổi mới công nghệ.
Điểm sáng cho Apple là bộ phận dịch vụ của hãng, gồm các mảng tải app xuống từ App Store, dịch vụ thanh toán Apple Pay, và dịch vụ âm nhạc Apple Music.
Bộ phận này đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng ở mảng này đang có nguy cơ bị đe dọa bởi một luật mới mà Trung Quốc mới thông qua hồi tháng Ba, theo đó đòi hỏi tất cả những nội dung hướng tới người dùng Trung Quốc đều phải được lưu trên các máy chủ đặt tại Trung Hoa lục địa.
Luật mới khiến dịch vụ sách điện tử iBooks và dịch vụ xem phim iTunes của Apple đã bị đóng cửa tại nước này.
Apple nói họ hy vọng là việc tiếp cận vào các dịch vụ đã đóng sẽ sớm được phục hồi trở lại.
Cuộc chiến giữa Apple và FBI
Apple gần đây đã có cuộc đối đầu với chính phủ Hoa Kỳ quanh chuyện liệu hãng có buộc phải giúp FBI bẻ khóa một chiếc điện thoại iPhone hay không.
FBI muốn Apple viết chương trình nhằm bẻ khóa chiếc iPhone của tay súng trong vụ San Bernardino, Syed Rizwan Farook.
Apple từ chối và nói yêu cầu của chính phủ là vi phạm quyền của hãng. FBI cuối cùng đã quay sang nhờ tin tặc bên ngoài bẻ khóa chiếc điện thoại. - BBC
|
|
4.
Ông Kissinger nói gì việc Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc?
Cựu Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố “không có thỏa thuận nào” với Trung Quốc về Hoàng Sa hơn 40 năm trước, giữa cáo buộc Mỹ làm ngơ để Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng hòa.
Ông Henry Kissinger nhấn mạnh như vậy hôm 26/4 tại Hội nghị Thượng đỉnh về Chiến tranh Việt Nam ở Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas.
Sau khi bị một người tham dự cáo buộc là người đã đồng ý “về mặt chiến thuật” để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, người từng làm cố vấn an ninh cho tổng thống Mỹ nói: “Mỹ từ trước tới nay không đưa ra quan điểm ủng hộ chủ quyền của bất kỳ nước nào đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, giữa lúc xảy ra vụ Watergate và cuộc chiến ở Trung Đông, tôi có thể dám chắc với quý vị rằng Hoàng Sa không trong tâm trí của chúng tôi".
Ông nói tiếp: "Nhưng không hề có thỏa thuận nào trao cho Trung Quốc quyền chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trung Quốc chưa từng đưa ra tuyên bố nào như vậy. Không có cuộc đàm phán cụ thể nào [về vấn đề này]”.
Giới quan sát cho rằng đây là lần đầu tiên cựu ngoại trưởng Mỹ 93 tuổi lên tiếng trực tiếp về vấn đề vẫn còn gây nhức nhối này.
Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau trận hải chiến làm 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng ngày 19/1/1974.
Một số người Mỹ gốc Việt cho rằng Washington có thể đã có thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh trong vụ này vì quyền lợi của mình.
Ban tổ chức cho biết rằng đây có thể là lần cuối cùng ông Kissinger phát biểu về Chiến tranh Việt Nam, nên ông đã yêu cầu được trao đổi với người nghe một cách thẳng thắn và “không hạn chế”.
"Phản bội đồng minh"
Sau khi một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa kể lại câu chuyện phải ngồi tù nhiều năm sau Hiệp định Paris, và hỏi rằng nước Mỹ học được gì từ việc “phản bội” và “bỏ rơi” đồng minh Việt Nam Cộng hòa, ông Kissinger nói: “Tôi thực sự cảm thông với những người Việt Nam. Ngày phải di tản Sài Gòn là một trong những ngày đau buồn nhất cuộc đời tôi cũng như của tất cả những người đã chứng kiến sự cống hiến của người Việt Nam [Cộng hòa] cũng như các binh sĩ Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Tôi thực sự cảm thông".
Ông nói thêm: "Tôi hy vọng không một nhà lãnh đạo Mỹ nào trong thời đại này sẽ lại nhận được câu hỏi như vậy nữa. Thất bại lớn nhất, đó chính là sự chia rẽ tại đất nước chúng ta”.
Ông Kissinger có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại Mỹ trong những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.
Năm 1973, ông trở thành người đầu tiên sinh ra ở nước ngoài đảm nhận cương vị ngoại trưởng Mỹ. Ông từng nắm giữ ngành ngoại giao Mỹ dưới cả thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.
"Chính người Mỹ tự gây ra"
Trong một cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao tổ chức năm 2010 về chủ đề “Kinh nghiệm của Mỹ tại Đông Nam Á trong thời kỳ 1946 – 1975”, ông Kissinger nói rằng thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam là do chính người Mỹ tự gây ra, và trước hết là đã đánh giá thấp sự kiên trì của giới lãnh đạo Bắc Việt.
Vị cựu cố vấn về chính sách an ninh của Mỹ cũng lên tiếng tán dương ông Lê Đức Thọ, đối thủ của ông trong cuộc hòa đàm Paris. Ông Kissinger nói: “Ông ấy đã mổ xẻ chúng tôi như một bác sĩ giải phẫu với con dao mổ – với sự khéo léo vô cùng”.
Washington và Hà Nội đã ký kết một hiệp định hòa bình vào tháng giêng năm 1973, và trong năm đó ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã được trao giải Nobel Hòa bình vì vai trò của họ trong cuộc hòa đàm. Tuy nhiên, quan chức Việt Nam từ chối không nhận giải.
Trong khi đó, cũng liên quan tới vấn đề biển Đông, khi được hỏi liệu có phải yếu tố Trung Quốc đã khiến Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau không, ông Tom Johnson, Cựu trợ lý điều hành cho Tổng thống Lyndon B. Johnson, một trong các diễn giả của Hội nghị Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ:
“Tôi không thể nói thay cho Washington hoặc Hà Nội. Tôi biết là có người cho rằng Mỹ cần phải tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tôi cũng biết là hiện có các quan ngại về việc Trung Quốc củng cố quốc phòng và xây dựng các đảo nhân tạo [trên biển Đông]. Nhưng tôi nghĩ rằng đôi bên cũng nhận thấy tầm quan trọng của thương mại”.
Ông Johnson nói ông hy vọng rằng ví dụ về sự cải thiện quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ về mặt thương mại và kinh tế sẽ tốt đẹp hơn nữa cả về mặt chính trị.
Đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 27/4, và dự kiến sẽ đề cập tới mối quan hệ từ thù thành bạn giữa Hà Nội và Washington. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam
Tạp chí The Diplomat dựa trên các nguồn tin Mỹ và Việt Nam đưa ra nhận định Mỹ có thể cân nhắc một động thái lịch sử là dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, phù hợp với chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào tháng sau.
Một bài viết ngày 27/4 của The Diplomat cho biết một nguồn tin Việt Nam nói việc dỡ bỏ cấm vận đang được cả hai bên “bàn thảo” vào lúc ông Obama chuẩn bị thăm Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm châu Á.
Về mặt công khai, các quan chức quốc phòng Mỹ không hé một lời về động thái này vì việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đòi hỏi phải có một quyết định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp sau các thảo luận liên bộ cũng như tham vấn với Quốc hội. Quyết định đó sẽ căn cứ vào một số yếu tố trong đó có cải thiện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Ông David McKeeby, phát ngôn viên của Vụ Chính trị-Quân sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với The Diplomat: “Chúng tôi đã nói rõ là tiến bộ về nhân quyền thật quan trọng đối với Mỹ để cân nhắc việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm chuyển giao các mặt hàng quốc phòng sát thương”.
Lúc này, Mỹ và Việt Nam vẫn đang hoàn tất những điều có thể đi đến thỏa thuận, ký kết trong chuyến thăm.
Các quan chức quốc phòng Mỹ từ chối bình luận công khai về động thái này. Nhưng trong các cuộc nói chuyện cá nhân, họ cho biết Việt Nam tiếp tục thúc đẩy để có quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với Mỹ mà phần nhiều vì sự lấn át của Bắc Kinh trong tranh chấp ở Biển Đông, nơi Việt Nam cũng là một bên tranh chấp.
Một quan chức Mỹ nói với The Diplomat: “Các nước ở Đông Nam Á đang đến với chúng tôi, khuyến khích chúng tôi can dự mạnh mẽ ở khu vực và giao tiếp mạnh mẽ với chính họ, và điều đó cũng đúng về trường hợp Việt Nam. Điều đó giúp họ có đối trọng với Trung Quốc”.
Các quan chức Mỹ và Việt Nam thành thạo vấn đề quan hệ quốc phòng vẫn cho rằng cho dù có việc dỡ bỏ cấm vận, các hợp đồng và việc chuyển giao quy mô lớn sẽ phải mất thời gian vì còn tùy thuộc vào một số yếu tố, trong đó có việc Việt Nam phải làm quen dần với quy trình mua sắm với Mỹ.
Không nghi ngờ gì, việc dỡ bỏ sẽ mang tính lịch sử và thời điểm cũng có ý nghĩa nếu diễn ra trong chuyến thăm của Tổng thống Obama. Một quan chức Việt Nam nói với The Diplomat rằng động thái diễn ra vào năm chuyển tiếp của cả hai nước, khi Việt Nam có Đại hội Đảng Cộng sản còn Mỹ có bầu cử tổng thống. - VOA
|
|
6.
Việt Nam ra thông báo chính thức về vụ cá chết
Sau cuộc họp kín kéo dài nhiều giờ đồng hồ của các lãnh đạo ở 7 Bộ ngày hôm nay, giới hữu trách Hà Nội cuối cùng đã cho hàng trăm phóng viên của các báo đài Việt Nam vào hội trường cho buổi họp báo trực tiếp thông báo kết quả điều tra nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung trong những ngày qua.
Khoảng hơn 8 giờ tối 27/4, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp báo.
Theo thông báo của giới chức Việt Nam, có 2 nguyên nhân chính gây ra cá chết hàng loạt: một là do tác động của độc tố hóa học của con người trên đất liên và trên biển; hai là do hiện tượng dị thường của thiên nhiên, kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng ‘tảo nở hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’. Nhưng giới chức này cho biết chưa có bằng chứng khẳng định có sự liên hệ giữa nhà máy Formosa ở Vũng Áng – Hà Tĩnh với tình trạng cá chết hàng loạt.
Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân kêu gọi mọi người bình tĩnh, khách quan và khoa học, đồng hành với các cơ quan nhà nước để tìm ra nguyên nhân và biện pháp xử lý. Theo ông Nhân, việc điều tra có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có kết quả ‘bài bản’, ‘đúng luận cứ khoa học’. Giới chức này dẫn chứng có nhiều nước thậm chí phải mất ‘nhiều năm’ mới tìm ra nguyên nhân.
Một số nhà báo cho biết họ khá hụt hẫng khi buổi họp báo kết thúc quá nhanh sau thông báo của ông Võ Tuấn Nhân, trong khi họ đã phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ theo thông báo lúc đầu về buổi họp báo sẽ diễn ra vào lúc 3 giờ chiều, theo tin của phóng viên báo Thanh Niên.
Hiện tượng cá chết hàng loạt, liên tục trôi giạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung bắt đầu xảy ra vào ngày 6/4 ở khu vực Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau phát hiện của một ngư dân về đường ống nước xả thải ngầm chôn dưới đáy biển nối với nhà máy Formosa Hà Tĩnh, dư luận nghi ngờ đây chính là nguyên nhân gây ra thảm họa về môi trường chưa từng có trước đây tại Việt Nam.
Mối nghi ngờ càng tăng khi có một thợ lặn biển của công ty làm hợp đồng Formosa đã đột ngột tử vong sau khi lặn xuống biển, trong khi 5 thợ lặn khác cũng phải nhập viện vì xuất hiện các triệu chứng tức ngực, khó thở…
Tin tức hôm nay (27/4) cũng cho biết hai tuyển thủ của Việt Nam là Công Vinh và Văn Hoàn vừa cho biết đã bị ngộ độc cá biển ở Đà Nẵng, với các triệu chứng nôn ói, choáng váng…sau bữa ăn của đội bóng, khiến thực đơn của đội phải được điều chỉnh lại và tuyệt đối không có cá biển. - VOA
|
|
7.
Kêu gọi ‘xuống đường vì môi trường
Mạng xã hội lan truyền kêu gọi ‘xuống đường vì môi trường’ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hôm 1/5 sau vụ cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh.
Một nhà hoạt động cho BBC biết hôm 27/4 là sự kiện này do “anh em chung cùng lên tiếng, chứ không đứng tên hội nhóm hay cá nhân nào”.
Thư ngỏ kêu gọi “mọi người tập hợp vào 9:00 sáng ngày 1/5 tại Nhà hát lớn (1 Tràng Tiền, Hà Nội) và Công viên 30/4 (Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh)”.
Ngoài ra, “mọi người ở bất cứ nơi nào có thể biểu thị với một biểu ngữ trong tay và một tài khoản Facebook”.
“Chưa khi nào Việt Nam phải đối mặt cùng lúc với nhiều thảm họa về môi trường đến như thế. Vì nhiều lý do như: đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, thay đổi khí hậu… Và nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu sự quan tâm của chính mỗi người dân đến môi trường sống của mình”, thư ngỏ viết.
Các khẩu hiệu được gợi ý trong sự kiện này là: “Hãy lên tiếng để bảo vệ môi trường sống”, “Hãy cứu lấy môi trường sống”...
‘Môi trường và thể chế’
Hôm 27/4, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Hoàng Đức Minh, Giám đốc tổ chức Hành động vì Tương lai (Action4Future) nói: “Tôi nghĩ sự kiện này là cần thiết để có thêm nhiều người dân bày tỏ sự quan tâm đến môi trường. Bây giờ là lúc người ta nhận ra vấn đề môi trường có liên quan tương đối đến chính trị và thể chế”.
“Đơn cử như trong vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung được cho là có liên quan đến công ty Formosa, người ta phải đặt vấn đề về việc cấp phép cũng như công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng. Khi vụ cá chết xảy ra, điều khiến dư luận chưa an tâm là phản ứng của chính phủ quá chậm”, ông Minh cho hay.
Nhà hoạt động xã hội cũng cho rằng việc chính quyền có làm khó những người tham gia sự kiện hôm 1/5 hay không còn tùy vào những biểu ngữ mà họ đưa ra.
“Những biểu ngữ khó khả thi như đòi ‘đa đảng’ hoặc ‘từ chức’ sẽ khó nhận được sự đồng thuận của chính quyền trong một sự kiện môi trường. Thay vào đó nên là những biểu ngữ yêu cầu đòi thanh tra, trợ giúp những ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng”, ông Minh nói thêm.
Từ góc độ khác, hôm 27/4, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học Ngoại Thương, Hà Nội, nói với BBC rằng bà sẽ không tham dự cuộc xuống đường hôm 1/5 vì ‘bận việc’.
“Điều quan trọng bây giờ là tìm ra bằng chứng để biết ai hoặc tổ chức nào chịu trách nhiệm gây cá chết. Còn bây giờ mọi người rủ nhau đi tuần hành là để phản đối ai. Trong vấn đề này, theo tôi, chính phủ chưa hẳn là người có lỗi”.
Trước đó, bà viết trên mạng xã hội: “Đám đông sáng suốt vì không chỉ Formosa, mọi nhà máy đều xả thải ra biển. Formosa là của Đài Loan, cứ cho là có sử dung lao động Trung Quốc thì cũng không có bằng chứng là họ chủ tâm phá hoại Việt Nam vì Đài Loan và Trung Quốc được cho là không ưa nhau. Nên nhớ số lao động Việt Nam ở Trung Quốc, Đài Loan nhiều hơn lao động nước ngoài ở Vũng Áng nhiều, đừng gây hấn vì kẻ yếu hơn chắc chắn thiệt hơn”.
“Vụ bạo loạn 2014 đã làm Việt Nam thua thiệt quá nhiều, mọi người rút kinh nghiệm đi”. - BBC
No comments:
Post a Comment