Tin Thế Giới
1.
Mỹ loan báo tuần tra chung với Philippines ở Biển Đông --- Việt-Trung ‘khẩu chiến’ về chiến đấu cơ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm nay tiết lộ quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông với Philippines và đang gia tăng sự hiện diện tại đây với các lực lượng và thiết bị luân phiên.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Manila với người đồng cấp Philippine, Bộ trưởng Carter cho hay cuộc tuần tra chung ở Biển Đông đầu tiên được tiến hành vào tháng trước.
Các quan chức quốc phòng cho biết cuộc tuần tra chung thứ nhì đã hoàn tất đầu tháng này.
Một giới chức quốc phòng cho hay Philippines là nước thứ hai sau Nhật Bản mà lực lượng Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra chung trên biển.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết tại cuộc họp báo rằng ‘Các chuyên gia hoạch định của chúng tôi đang điều nghiên phương thức để biến những cuộc tuần tra chung này thành một phần trong các hoạt động thường kỳ.’
Loan báo được đưa ra giữa lúc Hoa Kỳ và các nước khác đang tỏ ra quan ngại về các hành động hung hăng của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và đã bồi đắp khoảng 1.200 hécta diện tích đảo nhân tạo trên vùng biển này. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền một phần ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố các quan ngại về an ninh hàng hải trong khu vực là do hành vi của Trung Quốc, chứ không phải do Mỹ.
Ông Ash Carter nhấn mạnh ‘Chúng tôi đang cố gắng hạ giảm căng thẳng tại đây’ và ‘việc này không nhằm khiêu khích bất cứ điều gì.’ - VOA
***
Việt Nam “mạnh mẽ phản đối” Trung Quốc sau khi có tin Bắc Kinh điều 16 máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa, trong khi Trung Quốc nói Hà Nội cho chiến đấu cơ Nga bay ngang qua Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm nay nói rằng việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu ra khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa “là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực”.
Ông Bình cũng kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này, không tái diễn các hành động tương tự”.
Phía Trung Quốc chưa có phản ứng gì trước tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trước đó, báo chí quốc tế dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa 16 chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa hôm 7/4, và đây được coi là đợt triển khai lớn nhất của Bắc Kinh ra biển Đông.
Trong khi đó, cùng ngày, tờ Nhân dân Nhật báo điện tử của Trung Quốc đưa tin Hải quân Việt Nam vừa đưa ra một số hình ảnh cho thấy máy bay chiến đấu Su-30 sản xuất ở Nga bay trên khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Tờ báo do nhà nước quản lý này nói rằng từ các hình ảnh có thể nhìn thấy rõ ràng đường băng và những tòa nhà trên đảo. Nhân dân Nhật báo cũng lên tiếng cáo buộc Việt Nam chiếm giữ trái phép một số đảo ở Trường Sa.
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội và Bắc Kinh “khẩu chiến”.
Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam nói là thềm lục địa của mình năm ngoái, đôi bên đã nhiều lần lời qua tiếng lại, không còn kiêng nể như trước.
Cũng liên quan tới biển Đông, về thông tin Việt Nam và Philippines đang bàn bạc kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết đến nay chưa có thông tin về vụ việc.
Ông Bình cho hay, hiện Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đang có chuyến thăm Philippines.
Ông nói thêm: “Với chính sách đối ngoại cũng như chính sách quốc phòng vì hoà bình, độc lập tự chủ của mình, bất cứ hợp tác nào của Việt Nam với các bên đối tác cũng nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực”. - VOA
|
|
2.
Đảng đương quyền Hàn Quốc thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội
Đảng Seanuri của Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã bị thất bại một cách bất ngờ trong cuộc bầu cử quốc hội ngày hôm qua. Đây là lần đầu tiên trong vòng 16 năm, một đảng đương quyền ở Nam Triều Tiên không chiếm được thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội. Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau đây.
Thất bại bất ngờ của đảng Saenuri cho thấy sự bất mãn của công chúng đối với các chính sách kinh tế của Tổng thống Park Guen Hye và sự chia rẽ ngày càng nhiều đối với những chính sách cứng rắn của bà nhằm chống lại mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Uỷ ban Bầu cử cho biết đảng Saenuri chỉ chiếm được 122 trong tổng số 300 ghế đại biểu quốc hội, mặc dù trước đó nhiều người tiên đoán đảng này sẽ chiếm thế đa số quá bán.
Thất bại này phát sinh một phần từ việc một số ứng cử viên của đảng ra tranh cử như ứng cử viên độc lập sau khi giới lãnh đạo đảng không ủng hộ họ trong tiến trình đề cử.
Lãnh tụ đảng Saenuri tại quốc hội, Dân biểu Kim Moo Sung hôm nay loan báo từ chức để nhận lãnh trách nhiệm.
"Chúng tôi đã có những hành động kiêu ngạo và đáng xấu hổ trong tiến trình đề cử và không huy động được sức mạnh của đảng và đã gây thất vọng cho nhiều người."
Đảng đối lập chính là đảng Minjoo giành được 123 ghế tại quốc hội độc viện. Ông Kim Jong In, lãnh tụ lâm thời của đảng này, nói rằng cuộc đầu phiếu là một sự bác bỏ đối với các chính sách kinh tế của bà Park Guen Hye – những chính sách làm cho kinh tế chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm ngoái và làm cho tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ tăng tới 12,5% vào tháng hai.
"Chính phủ Park Guen Hye và đảng Saenuri giờ đây phải hiểu rõ rằng vấn đề là nền kinh tế."
Đảng Nhân dân, là đảng tách khỏi đảng Minjoo trước cuộc bầu cử, giành được 38 ghế. Kết quả này chứng tỏ sự sai lầm của những ý kiến cho rằng sự chia rẽ của các nhóm thuộc phe tự do sẽ có lợi cho các ứng cử viên của phe bảo thủ.
Cuộc bầu cử này cũng là một chiến thắng của các tổ chức lao động từng tổ chức những cuộc biểu tình qui mô lớn hồi năm ngoái để phản đối một dự luật cải cách lao động mà Tổng thống Park Guen Hye hậu thuẫn nhằm làm cho việc sa thải công nhân được dễ dàng hơn.
Bà Park bị các đối thủ chính trị và các tổ chức nhân quyền chỉ trích vì không cấp phép cho những cuộc biểu tình đó. Cảnh sát cũng bị tố cáo là đã sử dụng vũ lực thái quá để giải tán các cuộc biểu tình và bắt giữ các nhân vật lãnh đạo biểu tình về tội xúi giục bạo động và tổ chức biểu tình trái phép.
Sau khi kết quả bầu cử được loan báo ngày hôm nay, ông Kim Jong In, lãnh tụ đảng Minjoo, phát biểu như sau.
"Chúng tôi sẽ thay đổi khung sườn của nền kinh tế đất nước thông qua dân chủ hoá kinh tế và qua việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng. Đảng Minjoo hứa tập trung nỗ lực vào việc tạo ra công ăn việc làm, tăng mức lương tối thiểu, tăng quỹ hưu trí cho công nhân nghỉ hưu, và xây thêm nhà giá rẻ cho người trẻ tuổi."
Tuy nhiên, hiện chưa rõ họ sẽ đề nghị làm như thế nào để chi trả cho các chương trình đó.
Một số cử tri đã bày tỏ lo ngại là những biện pháp cứng rắn của Tổng thống Park Guen Hye đối với Bắc Triều Tiên đã góp phần làm cho căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên và làm cho việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, Bắc Triều Tiên tiếp tục có thái độ ương ngạnh đối với những áp lực quốc tế đòi họ ngưng chỉ chương trình vũ khí hạt nhân.
Mới đây có tin nói rằng Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị để thử nghiệm, có thể là vào ngày mai, một hoặc hai phi đạn tầm trung Musudan có thể bắn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam và Okinawa.
Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên hôm nay không xác nhận là Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm phi đạn như vậy, nhưng họ nói rằng ngày mai là sinh nhật của ông Kim Il Sung, người sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên, và trong quá khứ Bắc Triều Tiên thường đánh dấu ngày này với một cuộc phô trương sức mạnh quân sự. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Máy bay Nga lượn trên tàu chiến Mỹ ở Biển Baltic
Nga tuyên bố máy bay của họ tuân thủ mọi luật lệ quốc tế khi bay ngang qua một tàu chiến Mỹ trong vùng hải phận quốc tế ở Biển Baltic mấy ngày trước.
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay loan báo các phi cơ SU-24 của Nga lúc đó đang thực hiện các chuyến bay thử nghiệm.
Đáp chỉ trích của Mỹ, Bộ Quốc phòng Nga nói các máy bay của họ chỉ quan sát tàu chiến USS Donald Cook rồi bay đi, ‘chấp hành đúng tất cả các biện pháp an toàn.’
Thông cáo của Bộ này nói lúc sự việc diễn ra, tàu chiến Mỹ đang ‘ở gần khu vực hoạt động của cở hạm đội Baltic thuộc hải quân Nga.’
Hãng thông tấn Tass của Nga loan tin tàu USS Donald Cook lúc đó cách căn cứ hải quân Nga khoảng 70 km.
Một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ hôm qua tố cáo rằng tuần này nhiều máy bay quân sự của Nga đã thực hiện một loạt các chuyến bay lượn như là tấn công gần khu trục hạm của Hoa Kỳ trong suốt hai ngày.
Sự cố đầu tiên trong hai vụ việc được quan chức Mỹ mô tả là ‘gây hấn hơn bất cứ vụ việc nào từng thấy trong suốt thời gian qua’.
Vụ này xảy ra hôm 11/4 khi hai máy bay tấn công của Nga lượn khoảng 20 vòng gần tàu USS Donald Cook, áp sát trong phạm vi 1.000 mét ở độ cao 30 mét, đủ gần để khuấy động mặt nước biển.
Ngày hôm sau, các máy bay chiến đấu Nga thực hiện thêm 11 chuyến bay lượn như kiểu tấn công với cao độ chỉ cách tàu Donald Cook 9 mét. Lần này tháp tùng các máy bay phản lực còn có một trực thăng quân sự đi theo chụp hình khu trục hạm của Hoa Kỳ.
Quan chức Mỹ cho biết cả hai sự cố xảy ra trong lúc tàu Donald Cook đang trong vùng biển quốc tế.
Vị quan chức không muốn nêu tên này cho hay các máy bay của Nga không có trang bị vũ khí trông thấy.
Vẫn theo nguồn tin vừa kể, các thủy thủ trên tàu Mỹ đã cố gắng liên lạc qua vô tuyến với các máy bay Nga nhưng không được hồi âm.
Lúc vụ việc xảy ra, tàu Mỹ đang ở ngoài khơi bờ biển Kaliningrad, một lãnh thổ của Nga trên bờ biển Baltic nằm giữa Lithuania và Ba Lan. - VOA
|
|
4.
Ứng dụng dạy kèm của người Việt gây ‘sốt’ ở Mỹ
GotIt! – một ứng dụng dạy kèm của Tiến sĩ Trần Việt Hùng hiện đang được xem là ‘ngôi sao mới’ trong kho ứng dụng của Apple.
GotIt! là ứng dụng cung cấp dịch vụ gia sư hiện đã giúp cho các sinh viên, học sinh giải hơn 1 triệu bài tập về toán và các ngành khoa học.
Chỉ cần dùng điện thoại chụp ảnh bài tập cần giúp đỡ hoặc đánh vài dòng chữ về chủ đề cần giúp và gửi vào ứng dụng, chỉ trong vòng 15 giây, sinh viên, học sinh ở Mỹ sẽ được kết nối với một gia sư chuyên về lĩnh vực đó và được hướng dẫn làm bài trong vòng 10 phút.
Trả lời Vietnam Journal of Science, TS. Trần Việt Hùng cho biết ngay khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính tại đại học Iowa của Mỹ, du học sinh Trần Việt Hùng đã cùng với bạn học mở công ty Tutor Universe với mục tiêu cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng dịch vụ gia sư. Tutor Universe là sáng kiến kết nối hai nguồn cung cầu qua mô hình online marketplace, cho phép sinh viên và gia sư ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào có thể làm việc với nhau. Universe đã thu hút được hơn 8.000 gia sư từ hơn 50 quốc gia tham gia giảng dạy hơn 4.500 môn học.
Sau thành công ban đầu của Tutor Universe, TS. Trần Việt Hùng cùng với nhóm làm việc bắt tay thực hiện GotIt! để giúp sinh viên, học sinh làm bài tập qua smartphone.
Tính đến tháng 3/2016, GotIt! đã liên tục lọt vào danh sách những ứng dụng về giáo dục hàng đầu được người sử dụng tải xuống.
Để ngăn chặn việc lạm dụng GotIt! để gian lận thi cử, các gia sư được yêu cầu phải thực hiện 3 bước bắt buộc quy định trong việc giảng giải cho sinh viên, không cung cấp đáp án nhưng phải thảo luận cặn kẽ để giúp sinh viên hiểu vấn đề.
Hiện ứng dụng chỉ dành cho người sử dụng tiếng Anh, nhưng người sáng lập GotIt! cho biết đã nhận được nhiều lời mời mở rộng ứng dụng sang các ngôn ngữ khác.
Trong tương lai, GotIt! có thể sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực khác như du lịch, sức khỏe… - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Thanh niên mặc quân phục Việt Nam Cộng hòa ra tù
Một thanh niên từng bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng” mới mãn hạn tù và tuyên bố rằng ông bị “kết án oan” vì mặc “quân phục của Việt Nam Cộng hòa” để đi “tuần hành vì cây xanh”.
Ông Nguyễn Viết Dũng, còn được biết tới với biệt danh Dũng Phi Hổ, ra khỏi trại giam hôm qua sau khi mãn hạn tù một năm.
Trả lời phỏng vấn VOA tiếng Việt, ông Dũng cho biết rằng việc “thoát khỏi nhà tù nhỏ để ra nhà tù lớn thì cảm giác không có gì khác nhau”. Ông nói thêm:
“Phiên xử sơ thẩm của tòa án nhân quận Hoàn Kiếm cũng như phiên phúc thẩm của tòa án nhân nhân TP Hà Nội dành cho Dũng hai bản án tù oan. Đó là những bản án bất công. Họ đã xử mình vì mình mặc quân phục của Việt Nam Cộng hòa cũng như mình đã thiết kế những cái áo phông cho những bạn trẻ đã mặc để đi tuần hành ôn hòa bảo vệ cây xanh hôm đó. Trong kết luận của cơ quan điều tra cũng như cáo trạng, họ xoáy rất sâu vào chi tiết Dũng mặc bộ đồ của quân lực Việt Nam Cộng hòa.”
Chính quyền Việt Nam chưa lên tiếng sau những cáo buộc bị kết án oan của người tù mới mãn hạn này.
Ông Dũng bị bắt hồi tháng Tư năm ngoái sau khi mặc bộ quân phục Việt Nam Cộng hòa để đi tuần hành chống kế hoạch cắt, chặt cây xanh ở thủ đô.
Trong phiên tòa sơ thẩm sau đó, thanh niên 30 tuổi từ Nghệ An bị kết án 15 tháng tù giam về tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Tháng trước, tòa phúc thẩm giảm 3 tháng tù cho ông Dũng.
Về dự định sắp tới, ông Dũng nói với VOA tiếng Việt:
“Sắp tới, mình dự định sẽ viết một cuốn hồi ký về nhà tù cộng sản. Thứ nhất, mình nói về quá trình của mình trong vòng một năm qua. Thứ hai, cũng để cho các bạn trẻ hay là những bạn có quan tâm đến nhà tù cộng sản sẽ biết được rằng là trại tù cộng sản vào năm 2015 – 2016 sẽ như thế nào. Về chuyện duy trì hội nhóm, hay đảng phái thì người còn, hội còn, người mất, hội mất.”
Hồi đầu năm ngoái, ông Dũng thành lập Đảng Cộng Hòa và Hội những người yêu quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Dũng từng là một học sinh giỏi và được cử tham gia cuộc đi trên truyền hình có tên gọi Đường lên đỉnh Olympia hồi đầu những năm 2000 khi còn là học sinh trung học ở Nghệ An.
Năm 2006, thanh niên này bị trường đại học Bách Khoa đuổi học với lý gọi là “lợi dụng biểu tình chống Trung Quốc để tuyên truyền, đả kích, bôi xấu chế độ”. - VOA
|
|
6.
Nhà hàng Bắc Hàn ở Việt Nam bác bỏ cáo buộc làm gián điệp
Quản lý của một nhà hàng Triều Tiên ở Việt Nam phản bác cáo buộc nằm trong mạng lưới thu thập thông tin tình báo để tuồn về Bình Nhưỡng như tố cáo của Hàn Quốc.
Các nhà hàng của chính quyền Kim Yong-un mở ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, sau khi một nhóm 13 người Bắc Hàn, gồm một quản lý và 12 nhân viên nhà hàng, đã bỏ chạy từ Trung Quốc sang Hàn Quốc qua ngả Thái Lan và Malaysia.
Theo báo chí Hàn Quốc, những người bỏ chạy này nói với các quan chức Hàn Quốc rằng họ bắt đầu cảm thấy mất lòng tin vào chế độ trong nước sau khi xem phim cũng như tìm hiểu về Hàn Quốc khi làm việc ở nước ngoài.
Trong một tuyên bố hiếm hoi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/4 nói rằng những người Bắc Hàn có hộ chiếu rời nước này một cách hợp pháp hôm thứ Tư tuần trước.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc được báo chí nước này dẫn lời cho biết Bắc Hàn hiện quản lý khoảng 130 nhà hàng ở 12 nước khác nhau, trong đó có Việt Nam và nhiều nhất là tại Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên dùng nhân viên của họ tại các nhà hàng các nước để thu thập thông tin của người nước ngoài, hầu hết là người Hàn Quốc.
Một cựu nhân viên của một trong các nhà hàng đó cho đài VOA biết rằng những nữ nhân viên phục vụ tại các nhà hàng của Bắc Hàn trên thế giới “thường lén lún thu thập thông tin của khách hàng rồi gửi những thông tin đó về nước”.
Báo chí Hàn Quốc đưa tin, có 4 nhà hàng Triều Tiên ở Việt Nam, nhưng theo Bộ Ngoại giao, hiện chỉ có hai là “Bình Nhưỡng Quán” và “Hữu nghị Quán” ở thủ đô Hà Nội.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ, ông Trung, một người quản lý nhà hàng Bình Nhưỡng ở Hà Nội, bác bỏ cáo buộc này. Ông nói thêm:
“Không, họ chỉ kinh doanh đơn thuần thôi. Họ chỉ giới thiệu và ẩm thực thôi”.
Ông Trung cho biết thêm rằng nhà hàng của Bắc Hàn mở cửa được gần 10 năm và “toàn bộ là của Triều Tiên”. Theo người quản lý này, ngoài việc tới ăn uống, các khách hàng còn có cơ hội thưởng thức ca nhạc, rồi giao lưu với các nữ tiếp viên. Ông cho hay, “50% đến 60% khách hàng của nhà hàng là người Việt Nam”.
Cùng với hàng chục nghìn công nhân xuất khẩu lao động, các nhà hàng Bắc Hàn do chính quyền Bình Nhưỡng quản lý ở nước ngoài là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của chính quyền Kim Jong-un, khoảng 40 triệu đôla một năm.
Theo báo chí Hàn Quốc, chính quyền Bình Nhưỡng thường tuyển lựa khắt khe các nữ nhân viên có khả năng ca hát và nhảy múa đi làm nhà hàng ở nước ngoài.
Chính vì lo ngại họ bị tác động bởi thế giới bên ngoài, nên các nhân viên này thường được lựa chọn từ con cái các quan chức quân sự và đảng viên cũng như các gia đình có “lý lịch tốt”.
Giống như các công nhân xuất khẩu Bắc Hàn, theo báo chí Hàn Quốc, các nhân viên nhà hàng này bị quản lý chặt, nên thường phải sống tập thể và không được tự do di chuyển, đi lại ở nước họ làm việc.
Các cô gái này thường kiếm được khoảng 150 tới 500 đôla một tháng, và so với mức sống ở Bắc Hàn, khoản thu nhập này được cho là khá cao, và là “công việc trong mơ của nhiều người trẻ tuổi”.
Nhưng những “cỗ máy kiếm tiền” này đang gặp khó khăn, nhất là sau khi chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người dân nước này ở hải ngoại tẩy chay cũng như sau khi Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng vì các vụ phóng rocket tầm xa và thử hạt nhân mới đây.
Hồi tháng Hai vừa qua, Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan xử lý các vấn đề với Bình Nhưỡng, đã kêu gọi các công dân nước mình trên thế giới không tới ăn tại các nhà hàng của Bắc Hàn.
Lời khuyến cáo này đã được gửi tới các cơ quan ngoại giao đại diện cho Seoul ở các nước, sau khi Tổng thống Park Geun-hye nhấn mạnh rằng cần phải sử dụng “tất cả các biện pháp có thể” để trừng phạt Bắc Hàn sau những hành động khiêu khích của nước này.
Về tác động của lời kêu gọi này đối với nhà hàng Bình Nhưỡng, ông Trung cho biết thêm:
“Có bị giảm bớt lượng khách của Hàn Quốc một phần nào. Hàn Quốc cũng có những cái mâu thuẫn về chính trị, những cái không bằng lòng nên người ta ít đến hơn. Năm ngoái rất là đông nhưng năm nay họ đến ít hơn một chút.”
Theo trang web của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tính tới tháng trước, có hơn 29.000 người Bắc Hàn bỏ chạy sang miền nam.
Một phúc trình của Đại hội đồng Liên Hiêp Quốc công bố hồi tháng Mười năm ngoái dẫn lời đặc sứ của cơ quan này về tình hình nhân quyền ở Bắc Hàn cho biết hơn 50.000 người Bắc Hàn hiện làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là ở Trung Quốc và Nga.
Quan chức này dẫn lại nhiều nghiên cứu, trong đó có thông tin cho biết các công nhân xuất khẩu này mang lại mỗi năm hơn 2 tỷ đôla, và nguồn tiền này, theo báo chí Hàn Quốc, bị nghi phục vụ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.
Năm ngoái, tờ Segye Ilbo của của Hàn Quốc đưa tin rằng một nhà ngoại giao Bắc Hàn ở Việt Nam đã biến mất không dấu vết, và người ta nghi là ông đang tìm cách bỏ chạy sang tị nạn tại Nam Hàn hoặc một nước thứ ba khác.
Cho tới nay, vẫn chưa rõ số phận của người đàn ông tầm 30 tuổi bị Bình Nhưỡng “truy lùng gắt gao” này. Đây không phải là lần đầu tiên người Bắc Hàn tìm cách chạy sang Hàn Quốc qua ngả Việt Nam.
Cuối năm ngoái, tin tức từ Hàn Quốc cho hay 9 người Bắc Hàn, trong đó có một sĩ quan quân đội, đối mặt với nhiều khả năng bị trục xuất về nước, sau khi công an Việt Nam bàn giao họ cho chính quyền Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên từng hỗ trợ vật chất cho ‘quốc gia anh em cộng sản’ Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul hồi đầu những năm 90.
Hơn một thập kỷ sau, năm 2004, Bình Nhưỡng cũng tỏ ý không hài lòng sau khi Hà Nội cho phép hàng trăm người Bắc Hàn sang Nam Triều Tiên tỵ nạn sau khi họ đào tẩu qua ngả Việt Nam. - VOA
|
|
7.
Báo cáo Nhân quyền 2015: VN hạn chế nghiêm trọng các quyền chính trị
Ngày 13/4, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đệ trình Báo cáo Nhân quyền 2015 lên Quốc hội. Theo quy định của Quốc hội, bản báo cáo này giúp cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như giúp Quốc hội quyết định phân bổ viện trợ nước ngoài và trợ giúp trong lĩnh vực an ninh.
Năm nay là năm thứ 40 báo cáo này được lập, ghi lại tình trạng nhân quyền ở 199 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Báo cáo năm nay chỉ rõ những vấn đề nhân quyền nổi bật nhất ở Việt Nam là chính phủ hạn chế nghiêm trọng các quyền chính trị của công dân, nhất là quyền thay đổi chính phủ thông qua bầu cử tự do, công bằng; giới hạn các quyền tự do, kể cả tự do lập hội, hội họp và biểu đạt; và không bảo vệ đúng mức các quyền về trình tự pháp lý, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi sự giam giữ tùy tiện.
Theo báo cáo, chính phủ Việt Nam hạn chế tự do ngôn luận và đàn áp sự bất đồng chính kiến, kiểm soát và kiểm duyệt báo chí, hạn chế tự do internet và tự do tôn giáo, thường theo dõi chặt chẽ các nhà hoạt động.
Các vi phạm nhân quyền khác ở Việt Nam được báo cáo nêu lên còn có việc bắt bớ và giam giữ người dân vì họ hoạt động chính trị, cảnh sát ngược đãi nghi can bị bắt hoặc bị tạm giam, và từ chối quyền được xét xử công bằng, nhanh chóng.
Về lĩnh vực lao động, báo cáo cho biết chính phủ Việt Nam duy trì các hạn chế đối với quyền của công nhân được thành lập và tham gia công đoàn độc lập.
Hiện chưa có phản ứng chính thức của nhà chức trách Việt Nam về bản báo cáo do sự chênh lệch múi giờ giữa hai nước. Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Việt Nam không đưa ra phản ứng về Báo cáo Nhân quyền 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cũng trong ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Thứ trưởng Ngoại giao Thường trực Antony Blinken sẽ thăm Hà Nội trong nửa cuối tháng 4, trong khuôn khổ chuyến công du tới châu Á, bao gồm cả các chặng dừng chân ở Tokyo, Seoul và Jakarta.
Dự kiến từ 20-21/4 tại Hà Nội, ông Blinken sẽ gặp các doanh nghiệp, giới xã hội dân sự, sinh viên và các quan chức chính phủ cao cấp. Có phần chắc nhân quyền sẽ là một trong số các chủ đề được thảo luận. Thông báo của Bộ Ngoại giao cho hay ông Blinken cũng sẽ đọc diễn văn về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước sinh viên và đội ngũ giáo viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội. - VOA
No comments:
Post a Comment