Tin Thế Giới
1.
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức thảo luận về kinh tế, khủng bố
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa đến Đức. Ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thảo luận về kinh tế toàn cầu, khủng bố, an ninh xuyên Ðại Tây Dương và nhiều vấn đề khác trong chuyến thăm Đức hai ngày của nhà lãnh đạo Mỹ.
Ông Obama sẽ họp với bà Merkel trong mấy giờ tới sau khi đáp máy bay từ Anh đến Hannover hôm nay, Chủ nhật. Tại Anh, Tổng thống Obama đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có thương mại.
Sau khi nói chuyện với truyền thông báo chí, Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel sẽ chính thức khai mạc Hannover Messe, được quảng cáo là hội chợ thương mại hàng đầu thể giới về công nghệ. Các nhà tổ chức dự trù sẽ có 6.500 nhà trưng bày và hơn 200.000 khách từ 70 nước tham dự hội chợ.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng sự kiện này cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác Mỹ-Đức trên nhiều lãnh vực, trong đó có thương mại.
Hai nhà lãnh đạo hy vọng sẽ tăng thêm ủng hộ cho thỏa thuận Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Ðại tây dương, gọi tắt là TTIP. Thỏa thuận tự do thương mại này đang trong vòng đàm phán giữa Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes nói ông Obama thấy cần thiết phải đi thăm Đức trong năm cuối của nhiệm kỳ bởi vì bà Merkel là một “đối tác thân cận trong suốt thời gian ông làm tổng thống.”
Nghị trình của Tổng thống Obama bao gồm liên minh trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo và hợp tác chống khủng bố, sau các vụ tấn công tại Brussels và Paris trong mấy tháng gần đây.
Ông Charles Kupchan, giám đốc cấp cao đặt tránh các vấn đề châu Âu của Tòa Bạch Ốc, nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận cả hai lãnh vực -- tăng cường hợp tác xuyên Ðại tây dương và những gì mà các nước châu Âu có thể làm để phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan trong nước và giữa các nước với nhau.”
Các cuộc họp cũng sẽ bàn về tình trạng của lệnh ngưng bắn tại Syria và việc thực thi thỏa thuận Minsk giữa Ukraine và các phần tử đòi ly khai thân Nga.
Tổng thống Obama cũng dự trù sẽ bày tỏ ủng hộ cho một thỏa thuận giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết làn sóng di dân và người tị nạn từ Syria và những nước chiến tranh và bạo động khác.
Hai nhà lãnh đạo cùng với các đồng sự Anh, Pháp và Italia sẽ hội đàm trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO theo trù liệu sẽ diễn ra vào tháng 7 tại Warsaw.
Ông Kupchan nói: “Tổng thống Obama sẽ bàn về nghị trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh và tầm quan trọng của NATO giải quyết những thách thức, cả ở mạn đông lẫn mạn nam.”
Tổng thống Obama sẽ kết thúc chuyến thăm Đức vào thứ Hai bằng phát biểu nói về viễn ảnh quan hệ Mỹ-Âu. - VOA
|
|
2.
Bắc Hàn tuyên bố phóng thành công phi đạn từ tàu ngầm
Bắc Triều Tiên tuyên bố vụ phóng thử nghiệm phi đạn đạn đạo từ tàu ngầm, gọi tắt là SLBM, hôm thứ Bảy là một “thành công lớn,” trong khi Nam Triều Tiên gọi đó là một thất bại. Tuy nhiên các nhà phân tích quân sự xem vụ phóng phi đạn là một “thành công trong thất bại.”
Tuyên bố của Bắc Triều Tiên thông qua hãng thông tấn nhà nước KCNA rằng Bình Nhưỡng giờ đây có thêm một phương tiện nữa để “tấn công bằng hạt nhân” dường như là một sự phóng đại về khả năng quân sự.
Nhận định của tham mưu trưởng ủy ban hỗn hợp Nam Triều Tiên cho thấy những hạn chế hiện nay trong chương trình phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Seoul nói phi đạn được phóng thử hôm thứ Bảy chỉ bay được 30 kilômét và rơi xuống biển, so ra quá ngắn đối với một phi đạn tầm trung phải bay được khoảng 300 kilômét. Một nguồn tin của chính phủ ở Seoul nói rằng động cơ của phi đạn đã bị hỏng sau khi được phóng đi.
Bắc Triều Tiên được cho là đang ở thời kỳ đầu của chương trình phát triển khả năng phi đạn đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm. Bình Nhưỡng đã ba lần phóng thử phi đạn loại này hồi năm ngoái.
Cả ba lần đó đều được xem là thất bại, mặc dù hãng tin KCNA tuyên bố ngược lại, còn các nhà phân tích nói rằng các video đã được chỉnh sửa để cho thấy các vụ phóng đó thành công.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng mỗi lần phóng phi đạn, Bình Nhưỡng khắc phục những lỗi của lần trước, và ngày càng tiến gần đến việc phát triển một khả năng mới, nguy hiểm có thể tấn công các nước thù địch trong khu vực và thậm chí có thể nhắm đến các mục tiêu trên đất Mỹ. - VOA
|
|
3.
Người biểu tình Ai Cập dọa chống lại tổng thống
Những người chống đối, trước đó đã tham gia các cuộc biểu tình hiếm có hôm 15 tháng 4 bày tỏ tức giận đối với quyết định Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi tặng hai hải đảo không người ở Hồng Hải từng được xem là của Ai Cập cho Ả Rập Xê-út, thề quyết sẽ tổ chức những cuộc biểu tình ngồi lì lớn vào thứ Hai để đánh dấu Ngày Giải phóng Sinai.
Một nhóm các luật sư phổ biến danh sách 59 người bị bắt giữ. Họ nói hữu trách Ai Cập bắt giữ mấy mươi người trước các cuộc biểu tình dự trù diễn ra vào thứ Hai.
Các vụ bắt giữ diễn ra từ hôm thứ Năm trong các vụ khám xét quán cà phê và nhà riêng tại thủ đô Cairo.
Các nhà phân tích: sự ủng hộ dành cho ông el-Sissi có thể giảm
Mặc dù không có nhà quan sát nào nói rằng Ai Cập có thể rơi trở lại tình trạng hỗn loạn đã gây rúng động trên cả nước và dẫn đến cuộc cách mạng mùa xuân năm 2011, lật đổ ông Hosni Mubarak, việc người biểu tình sẵn sàng chống đối chính phủ với số người đông đảo bất chấp lệnh cấm biểu tình càng cho thấy công chúng ngày càng bất mãn với ông el-Sissi.
Những người biểu tình cũng gợi ý rằng các đối thủ của ông el-Sissi – những người theo phái tự do và những người Hồi giáo – bất đầu bất chấp sợi hãi đối với chế độ được quân đội hậu thuẫn.
Những cuộc biểu tình quy mô lớn dường như biến mất trên đường phố sau khi các lực lượng an ninh hồi tháng 8 năm 2013 đã giết chết gần một ngàn người biểu tình, phần lớn là người Hồi giáo. Họ biểu tình phản đối quân đội đã lật đổ ông Mohammad Morsi của Huynh đệ Hồi giáo, tổng thống dân cử vào lúc đó.
Sợ hãi đã tan biến trong các cuộc chống đối và biểu tình ngồi lì ngày 15 tháng 4 đã lan tra 17 trong tổng số 27 khu vực hành chánh trên cả nước. Đa số các cuộc biểu tình có quy mô nhỏ, ngoại trừ ở Cairo và Alexandria, nơi hàng ngàn người đã xuống đường và hô khẩu hiểu “Ra đi” -- từ này đã được sử dụng trong các cuộc biểu tình chống ông Mubarak.
Tặng 2 hải đảo làm tăng sự tức giận trong công chúng
Việc chuyển chủ quyền hai đảo Tiran và Sanafir cho Ả Rập Xê-út, một đồng mịnh đáng tin cậy của ông el-Sissi, đã làm cho các cuộc biểu tình mang một tinh thần mới, khiến những người theo chủ trương tự do và những người Hồi giáo kết hợp với nhau quanh vấn đề nóng này.
Chính phủ có vẻ bất ngờ trước sự phẫn nộ của công chúng gia tăng. Hai hải đảo được Ả Rập Xê-út trao cho Ai Cập năm 1950 – lúc đó Ả Rập Xê-út sợ Israel xâm chiếm các hải đảo đó.
Người biểu tình cho rằng hình như ông el-Sissi trao hai hải đảo này để lấy tiền, do ông el-Sissi loan báo trao hai hải đảo này khi Quốc vương Salaman của Ả Rập Xê-út đang ở Cairo. Quốc vương Salaman loan báo nhiều tỉ đôla đầu tư, và tất cả những chương trình đó nhằm hậu thuẫn cho chính phủ của ông el-Sissi. - VOA
|
|
4.
Tập Cận Bình: Đảng phải đóng vai trò lãnh đạo trên cả tôn giáo
Các nhóm tôn giáo Trung Quốc phải tuân theo những quyết định phi tôn giáo của đảng Cộng Sản. Ngày 23/04/2016, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu như trên trong một cuộc họp báo quan trọng về tôn giáo dành cho truyền thông nhà nước, trong khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát các tổ chức xã hội dân sự và nhà thờ.
Buổi họp báo được tổ chức để tổng kết hai ngày làm việc với các thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc. Tân Hoa Xã trích phát biểu của ông Tập Cận Bình trước các quan chức cao cấp của đảng, cho biết: "Các nhóm tôn giáo phải tuân theo sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc".
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh các đảng viên phải là "những người theo chủ nghĩa Mác vô thần kiên trung" và kêu gọi họ "kiên quyết bảo vệ chống xâm nhập từ nước ngoài thông qua các thủ đoạn tôn giáo… Chúng ta nên hướng dẫn và giáo dục các nhóm và tín đồ tôn giáo với các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa".
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh là những nỗ lực như vậy cần được duy trì, đồng thời ông kêu gọi tiếp tục "hợp nhất học thuyết tôn giáo với văn hóa Trung Quốc".
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định: "Các chính sách và lý thuyết về tôn giáo của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã được chứng minh là đúng thông qua thực hành trong quá khứ".
Tại Trung Quốc có hàng trăm triệu tín đồ Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Đảng Cộng Sản tìm cách « định hướng » các tín đồ, trong khi lại đàn áp các nhóm tôn giáo không chính thức.
Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012, chính quyền Trung Quốc đã có đường lối cứng rắn hơn với xã hội dân dự và tôn giáo.
Tại tỉnh Chiết Giang (phía đông Trung Quốc), trong những năm gần đây, các quan chức địa phương đã cho tiến hành phá hủy nhà thờ hoặc dỡ bỏ cây thánh giá bên ngoài. Theo thống kê của các nhóm bảo vệ nhân quyền, hàng trăm giáo xứ đã bị ảnh hưởng.
Còn tại vùng Tân Cương, nơi tập trung chủ yếu người Hồi Giáo, các nhóm nhân quyền và người dân địa phương đã phản ánh là quyền tự do tín ngưỡng bị thắt chặt với các lệnh cấm hoặc hạn chế thi hành các nghi thức Hồi Giáo như mùa chay Ramadan hay để râu dài. Còn Bắc Kinh luôn tuyên bố là đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố từ tư tưởng cực đoan ở Tân Cương. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Máy bay năng lượng mặt trời băng qua Thái Bình Dương đến California
Một máy bay dùng năng lượng mặt trời hôm thứ Bảy đã bay đến bờ Thái Bình Dương của bang California sau khi bay qua chặng nguy hiểm nhất trong hành trình vòng quanh thế giới – chặng bay 56 giờ đồng hồ vượt Thái Bình Dương.
Chặng bay này nguy hiểm vì không có chỗ nào để hạ cánh khẩn cấp trên suốt tuyến bay.
Chiếc Solar Impulse 2 bay qua Cầu Golden Gate ở San Francisco trong niềm vui mừng của những người chứng kiến, và tiếp đến đã đáp xuống phi trường Moffett Airfield ở Silicon Valley.
Phi công Bertrand Piccard nói đáp xuống Silicon Valley sẽ giúp kết nối hành trình vòng quanh thế giới của chiếc máy bay với tinh thần tiên phong của khu vực này.
Nói chuyện được trực tiếp bằng video từ chiếc Solar Impulse 2, ông Piccard nói: “Qúy vị có thể nào tưởng tượng được việc bay qua Cầu Golden Gate trên một máy bay dùng năng lượng mặt trời, giống những tàu bè đã đi qua mấy thế kỷ qua? Nhưng chiếc máy bay không gây ra tiếng động, và không làm ô nhiễm.”
Solar Impulse 2 bay với tốc độ rất chậm là 45 kilômét một giờ, và tốc độ đó tăng lên gấp đôi khi cường độ của ánh sáng mặt trời mạnh nhất.
Lịch trình tiếp theo của chiếc Solar Impulse 2 là sẽ bay băng qua nước Mỹ đến New York, kế đến sẽ vượt Ðại tây dương để đến châu Âu hoặc Bắc Phi, rồi đến Abu Dhabi, nơi chiếc máy bay xuất phát và tháng 3 năm 2015.
Chiếc Solar Impulse 2 làm bằng sợi carbon có một chỗ ngồi, có sải cánh dài 72 mét, tức dài hơn sải cánh của chiếc Boeing 747, và có trọng lượng khoảng bằng một chiế xe hơi. 17.000 tế bào quang điện trên cánh máy bay thu năng lượng mặt trời và nạp vào bình điện.
Hai phi công Piccard và Andre Borschberg người Thụy Sĩ đã phát binh và thực hiện dự án này. Hai ông thay nhau bay mỗi chặng trong hành trình lịch sử này.
Hai ông nói họ muốn chứng minh rằng chúng ta có thể đạt được các nguồn năng lượng thay thế và công nghệ mới mà một số người cho là không thể nào làm được. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Biển Đông: Bắc Kinh khoe đồng thuận với Lào, Cam Bốt và Brunei
Trung Quốc ngày 24/04/2016 đã phô trương kết quả mà ngoại trưởng Trung Quốc vừa đạt được nhân chuyến ghé thăm ba nước Đông Nam Á : Lào, Cam Bốt và Brunei. Theo Bắc Kinh, cả ba nước vừa kể đều đã đồng ý với Trung Quốc rằng Biển Đông không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, cho nên không được để cho hồ sơ này ảnh hưởng đến quan hệ ASEAN-Bắc Kinh.
Trong một bản thông báo, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã trích lời ngoại trưởng Vương Nghị, phát biểu với nhà báo vào hôm qua tại Vientiane, theo đó thì Trung Quốc đã đạt được một « đồng thuận quan trọng » với Lào, Cam Bốt và Brunei.
Đó là việc các nước trên đều cho rằng Biển Đông không phải là một vấn đề tranh chấp giữa Hiệp Hội Đông Nam Á với Trung Quốc, và không nên để cho hồ sơ đó tác động đến quan hệ giữa Bắc Kinh và ASEAN.
Đài truyền hình Trung Quốc CCTV còn cho biết thêm là ngoại trưởng Trung Quốc còn nhắc đến một số đồng thuận khác chẳng hạn như việc các bên đồng ý là tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết bằng đối thoại song phương giữa các nước liên quan trực tiếp, cũng như việc các nước bên ngoài khu vực "nên đóng một vai trò xây dựng thay vì ngược lại".
Tất cả những điểm được nêu lên bên trên đều thể hiện lập trường của Trung Quốc, đặc biệt là quan điểm luôn luôn được Bắc Kinh nêu bật là chống lại việc đưa hồ sơ Biển Đông ra trước các diễn đàn đa phương, kể cả ra trước ASEAN, như yêu cầu của các nước có tranh chấp với Trung Quốc, nhất là Philippines và Việt Nam.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, việc Cam Bốt ủng hộ Trung Quốc không đáng ngạc nhiên, vì cho đến nay, Phnom Penh đã nổi tiếng là luôn đi theo Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, thậm chí sẵn sàng phá hỏng Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN vào năm 2012 khi Cam Bốt làm chủ tịch khối Đông Nam Á, để khỏi làm phiền lòng Trung Quốc. - RFI
No comments:
Post a Comment