Sunday, April 3, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 3/4

Tin Thế Giới

1.
Azerbaijan tuyên bố ngừng bắn trong cuộc giao tranh với Armenia

Azerbaijan hôm Chủ nhật tuyên bố đơn phương ngừng bắn tại khu vực Nagorno-Karabakh của các phần tử đòi tự trị sau các cuộc giao tranh với các lực lượng Armenia hôm thứ Bảy làm hơn 30 binh sĩ thiệt mạng, và cả hai bên đều loan tin đã xảy ra thêm các cuộc giao tranh trong đêm.

Bạo động nổ ra hôm thứ Bảy là vụ lớn nhất ở Nagorno-Karabakh kể từ năm 1994 khi Armenia và Azerbaijan chấm dứt chiến tranh giành lãnh thổ tại khu vực nay là một phần của Armenia nhưng nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Azerbaijan.

Hai nước tách nhau bởi một vùng trái độn phi quân sự, nhưng bên nào cũng tố cáo đối phương vi phạm vùng phi quân sự.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm Chủ nhật ra thông báo trích lời nhà lãnh đạo nước này nói rằng ông ủng hộ đồng minh Azerbaijan "đến cùng" trong cuộc tranh chấp với Armenia.

Ông Erdogan nói như vậy với một phóng viên Azerbaijan trong khi ông đang đi thăm Hoa Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với Armenia năm 1993. Hai nước có những tranh cãi tồn đọng về việc trong Thế chiến thứ I 1,5 triệu người Armenia bị giết hại trong một cuộc diệt chủng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng con số đó được thổi phồng và đó không phải là diệt chủng.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lên tiếng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trong vụ Nagorno-Karabakh. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc: Hoàn Cầu Thời Báo tiếp tục thách thức Tập Cận Bình

Cuộc đọ sức giữa một bộ phận giới truyền thông nhà nước Trung Quốc với lãnh đạo Tập Cận Bình vẫn tiếp diễn, bất chấp trấn áp. Theo báo Los Angeles Times, hôm 31/12/02016, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một lần nữa lên tiếng chỉ trích tính chất khắc nghiệt của hệ thống kiểm duyệt hiện hành tại nước này.

Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo, nổi tiếng với quan điểm dân tộc nghĩa cứng rắn, đã đưa một bình luận lên mạng Vi Bác (Weibo, đươc coi là « Twitter » của Trung Quốc) khẳng định chính quyền đã dựa quá nhiều vào hệ thống tường lửa để ngăn chặn người Trung Quốc truy cập hàng nghìn trang mạng. Bình luận nói trên đã bị xóa ngay sau đó. Hồi tháng trước chính tổng biên tập báo này đã có một phát biểu trên Vi Bác, kêu gọi chính quyền « nên để ngỏ cho các quan điểm phản biện, tư vấn hay khuyến khích việc phê phán mang tính xây dựng ». 

Trong thời gian vừa qua, khá nhiều nhân vật nổi tiếng của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, một doanh nhân thế lực (ông Nhậm Chí Cường/Ren Zhiqiang), một đại biểu Quốc Hội (ông Giang Hồng/Jiang Hong) cũng có nhiều bình luận, phàn nàn về việc chính quyền của chủ tịch Tập Cận Bình đã « đi quá xa trong việc bóp nghẹt các tiếng nói phê phán » (nhận định trong bài « Some Prominent Chinese are chafing against censorship/Một số nhân vật nổi tiếng tại Trung Quốc thách thức kiểm duyệt », báo The Los Angeles Times, ngày 31/03/2016).

Sau vụ bài phỏng vấn đại biểu Quốc Hội Giang Hồng trên tờ Tài Tân/Caixin, chuyên về kinh tế, tài chính, bị gỡ bỏ đầu tháng 3/2016, nhà báo Hồ Thư Lập (Hu Shuli), người phụ trách cuộc phỏng vấn, đã đăng bình luận phản đối trên trang nhà của tờ báo này. Bình luận cũng bị cơ quan kiểm duyệt xóa bỏ. - RFI
|
|

3.
Chiến hạm Nhật Bản thăm quân cảng Subic bay của Philippines

Như đã thông báo, ngày Chủ nhật 03/04/2016, hai khu trục hạm và một tầu ngầm Nhật Bản cập bến quân cảng Subic Bay của Philiippines, nhìn ra Trường Sa nơi Trung Quốc tranh đoạt chủ quyền gây lo ngại cho toàn thế giới.

Theo AFP, tầu ngầm Oyashio cùng với hai khu trục hạm JS Arike và JS Setogiri của Nhật đã neo bến Subic, một quân cảng chiến lược của Philippines, cách khu vực bị Trung Quốc lấn chiếm và xây một loạt đảo nhân tạo 125 hải lý.

Cử chỉ liên đới của hải quân Nhật Bản được Manila hết sức tán dương. Theo phát ngôn viên hải quân Philippines, Lued Lincuna, chuyến thăm viếng này « biểu lộ hành động yểm trợ hoà bình, ổn định trong khu vực và thắt chặt quan hệ hợp tác trên biển giữa các quốc đảo láng giềng ».

Theo phóng viên của AFP có mặt tại chỗ, khu trục hạm JS Arike trang bị trực thăng săn tàu ngầm. Chuyến thăm viếng của hải quân Nhật diễn ra một ngày trước cuộc tập trận Mỹ-Phi.

Manila tìm kiếm hậu thuẫn từ Washington và Tokyo để đương đầu với tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Philippines được Hoa Kỳ và Nhật Bản trợ giúp cải tiến quân đội trong những năm gần đây. Tháng Hai vừa qua, Tokyo đã chấp thuận cung cấp cho Manila ra-đa và máy bay trinh sát săn tầu lặn.

Tiếp tục hành trình, hai khu trục hạm Nhật Bản sẽ đến Cam Ranh, Việt Nam. - RFI
|
|

4.
Động đất 6,9 độ ngoài khơi Vanuatu

Một trận động đất mạnh xảy ra ngoài khơi của đảo quốc Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương, nhưng không có tin tức về sóng thần hay những thiệt hại nghiêm trọng.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho hay trận động đất mạnh 6,9 độ xảy ra hôm Chủ nhật ở độ sâu 35 kilômét, cách cảng Port-Olry của Vanuatu 80 kilômét về hướng bắc.

Vanuatu nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương nơi thường xảy ra động đất. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Có sự bài Hồi giáo trong vận động tranh cử ở Mỹ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khánh thành một đền thờ Hồi giáo do người Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ gần thủ đô Washington hôm thứ Bảy. Ông bày tỏ hy vọng rằng đền thờ này sẽ góp phần xóa bỏ sự bất dung chấp và bài Hồi giáo mà ông thấy ở một số ứng cử viên tổng thống Mỹ.

Tổng thống Erdogan không xác định ứng cử viên nào, nhưng trong mấy tuần lễ gần đây ứng cử viên đang dẫn đầu bên Ðảng Cộng hòa của Mỹ Donald Trump kêu gọi cấm người Hồi giáo vào Mỹ, trong khi ứng cử viên Ted Cruz cũng kêu gọi cảnh sát tăng cường tuần tra các khu vực người Hồi giáo trên cả nước.

Ông Erdogan nói "hoàn toàn không thể chấp nhận" việc quy tất cả các cuộc tấn công khủng bố ở phương Tây cho Hồi giáo. Ông nói thêm rằng những các cuộc tấn công khủng bố mới đây ở Brussels và Paris không thể so sánh được với bạo động do các phần tử chủ chiến gây ra trên đất nước của ông và ở Pakistan.

Các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện bốn vụ đánh bom lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 9 tháng qua, giết chết 150 người.  

Chính phủ Ankara cũng chống một nhóm nổi dậy người Kurd – nhóm đã tuyên bố giết chết 40.000 người kể từ năm 1984.

Tổng thống Erdogan đến Mỹ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân do Tổng thống Barack Obama chủ trì, mặc dù ông không họp riêng với Tổng thống Obama. Ông đã họp riêng với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Obama chỉ trích hành động đàn áp tự do báo chí của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù gọi Thổ Nhĩ Kỳ là "một đối tác then chốt" trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, Tổng thống Obama nói rằng đàn áp báo chí là việc "có thể dẫn Thổ Nhĩ Kỳ đến con đường gặp nhiều rắc rối."

Chuyến thăm của ông Erdogan đến Mỹ cũng gây ra nhiều tranh cãi.  

Trước khi ông xuất hiện tại Viện nghiên cứu Brooking ở Washington hôm thứ Năm, nhóm tùy tùng an ninh của ông đã đụng độ với những người biểu tình và các phóng viên báo chí bên ngoài địa điểm này.  

Trật tự đã được vãn hồi sau khi sau khi chủ tịch Viện Brooking yêu cầu cho phép các phóng viên báo chí đưa tin về cuộc nói chuyện. - VOA
|
|

6.
Nói người tị nạn Việt ‘bắt trộm chó, mèo’, ứng viên Mỹ bị chỉ trích

Một ứng viên thượng nghị sĩ Mỹ ở tiểu bang Oregon đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi có những phát biểu mà người Mỹ gốc Việt coi là "thiếu nhạy cảm" và "phân biệt chủng tộc".

Trong một diễn đàn dành cho các ứng viên chạy đua để thay thế một thượng nghị sĩ thuộc phe Dân chủ, ông Faye Stewart cùng một số ứng cử viên khác được hỏi về việc nước Mỹ nên xử lý ra sao làn sóng người Syria tị nạn rời bỏ đất nước.

Ông Stewart đề cập tới các vấn đề ở thành phố Portland sau khi người tị nạn Việt Nam tới đó.

Ứng viên này cho rằng làn sóng người tị nạn khi ấy “gây ra một vấn đề hết sức lớn vì văn hóa và lối sống của họ không tương đồng với chúng ta”.

Ông Stewart nói thêm rằng một số người tị nạn “gây hỏa hoạn" trong căn hộ của mình vì không biết làm sao để sưởi ấm nhà, và “khi họ cần thứ gì đó để ăn, họ làm theo bản năng trộm chó và mèo, các vật nuôi, của những người khác”.

Hãng tin AP dẫn lời Nhu Le, một điều phối viên quan hệ công chúng của Hội sinh viên Mỹ gốc châu Á – Thái Bình Dương của Đại học Oregon nói rằng các bình luận của ông Stewart làm cho người ta có cảm giác người Mỹ gốc Việt “vô nhân đạo và man rợ”.

Trong khi đó, Duy Chi Nguyen, chủ tịch của một tổ chức giám sát các hội sinh viên Việt Nam tại 10 đại học ở Oregon và Washington, nói rằng lời phát biểu của ứng viên Stewart mang tính “phân biệt chủng tộc”.

Sau khi vấp phải nhiều chỉ trích, ứng viên thượng nghị sĩ nói rằng ông sử dụng ví dụ mà ông nghe từ một người bạn từng sống ở Portland để nói rộng ra rằng Hoa Kỳ cần phải cẩn trọng không gây ra một tình thế tệ hơn khi tìm cách giúp đỡ người tị nạn.

Ông nói ông đã “sai lầm”, và có lẽ nên nêu ý kiến của mình “theo một cách khác”.

Ngoài ông Stewart, còn có ba ứng viên khác tham gia vào cuộc chạy đua trở thành thượng nghị sĩ Mỹ đại diện tiểu bang Oregon.

Cuộc bầu cử sơ bộ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/5. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Nhà văn Phạm Thành bị an ninh triệu tập

Một nhà văn, nhà báo và cựu phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam nói ông đã bị an ninh Việt Nam triệu tập "làm việc" lần thứ tư vì có thể bị ghép vào điều 258 Bộ luật hình sự.

Nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe cho hay giấy triệu tập của an ninh điều tra, công an Thành phố Hà Nội với ông viết ''nội dung liên quan đến tin báo của Hội nhà văn và công ty điện toán, truyền số liệu'.

Trả lời BBC Tiếng Việt từ Hà Nội hôm 03/4/2016, ông Thành cho hay ông được mời lần thứ tư để "làm việc về nội dung liên quan đến tin báo của Hội Nhà văn và công ty VNPT" về "20 bài báo ký tên Bà Đầm Xòe Phạm Thành, đó là những bài báo đăng từ năm 2012, 2013.

"Năm 2014 thì họ triệu tập tôi lên làm việc, thì từ năm 2014 đến giờ họ liên tục triệu tập."

Ông nói với những bài báo bị thu thập, ông nghĩ mình "có khả năng" bị ghép vào vi phạm điều 258, điều 88 như Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh hay blogger Trương Duy Nhất.

Điều 258 Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam quy định:

"Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm."

Một phần nội dung khiến ông bị triệu tập theo ông có thể liên quan đến tiểu thuyết " Cò hồn xã nghĩa" mà ông viết.

Ông nói với BBC:

"Tác phẩm này tôi chính thức gửi Hội nhà văn dự thi. Tôi cũng chưa xuất bản gì mà chỉ in vài bản để tặng bạn bè". Ông nói ông đã bị "Hội Nhà văn tố cáo".

Quyển tiểu thuyết của ông được đăng tải trên mạng từ năm 2014. Tuy nhiên, ông Thành chưa xuất bản cuốn sách tại Việt Nam.

Ông Thành mô tả tác phẩm là "khái quát giai đoạn Cộng sản Việt Nam đã mang học thuyết Marx - Lenin về với những chiêu bài làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" và "làm cho dân miền Bắc đến chỗ đau đớn khổ sở, đạo đức bị suy đồi".

Ông cho biết quyển sách của mình mang "bóng hình các lãnh đạo" và "đậm đặc nhất là nhân vật lãnh tụ cộng sản vĩ đại nhất của Việt Nam là ông Hồ Chí Minh, là người cầm trịch để mang ánh sáng Marx - Lenin về, người cầm trịch cải cách ruộng đất...". Ông gọi tác phẩm của mình là "bi hài kịch".

Ông Thành cáo buộc Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Việt Nam đã "tố cáo" ông vì tác phẩm này.

Tự ứng cử

Ông Phạm Thành là chủ một blog tên Bà Đầm Xòe, bàn luận về các vấn đề chính trị xã hội tại Việt Nam.

Trong đợt bầu cử đại biểu quốc hội 2016, ông Thành tuyên bố tự ứng cử.

Ông nhận định: "Không như một số ứng viên khác, về thủ tục địa phương không gây khó khăn gì cho tôi."

Nhưng ông Thành tin rằng ông cũng sẽ bị "đấu tố" - theo cách mà các ứng cử viên tự do gọi việc họ bị tấn công bằng các ý kiến tại hội nghị cử tri địa phương.

Ông Thành cho biết:

"Mặt Trận tổ quốc phường mời tôi ra hỏi có yêu cầu gì không để chuẩn bị lấy ý kiến cử tri. "

"Tôi đề nghị có một trợ lý giúp việc tôi, những câu hỏi bà con hỏi tôi quên thì người trợ lý nhắc.

"Thứ hai, đây là việc làm công khai minh bạch, nên người giúp việc tôi sẽ chụp ảnh, ghi âm tất cả ý kiến cử tri. Thì họ không đồng ý việc đó.

"Luật không cấm những việc này. Nếu họ không đồng ý, tôi sẽ tuyên bố ngưng không tham gia tranh cử nữa," ông Thành nói với BBC Tiếng Việt.

Thời gian ông Thành được an ninh Việt Nam triệu tập theo ông cho biết cũng nằm trong những ngày cuối cùng trước khi hết hạn lấy ý kiến cử tri ngày 12/4.

Ông Thành cho hay ông sẽ làm việc với cơ quan an ninh điều tra vào thứ Hai 4/4, trước đó, ông bị cấm xuất cảnh từ tháng 12/2015.

BBC chưa có điều kiện kiểm chứng các cáo buộc của ông Phạm Thành đối với các cơ quan, tổ chức mà ông đề cập như Hội nhà văn Việt Nam, hay Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Việt Nam. - BBC

No comments:

Post a Comment