Tin Thế Giới
1.
Biển Đông: Mỹ sẽ mở cuộc tuần tra thứ ba gần các đảo tranh chấp
Hãng tin Reuters, trích dẫn một nguồn tin từ Washington, hôm qua, 01/04/2016, cho biết hải quân Mỹ dự trù mở cuộc tuần tra thứ ba vào đầu tháng 4 tới gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông, bất chấp những phản đối của Trung Quốc về hai cuộc tuần tra đầu tiên.
Hiện giờ chưa rõ thời điểm của cuộc tuần tra thứ ba này, cũng như chiếm hạm nào sẽ tuần tra vào khu vực 12 hải lý chung quanh một đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Trong những tháng gần đây, hải quân Hoa Kỳ vẫn tiến hành những chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, đưa tàu đến gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông, để khẳng định quyền lưu thông qua những vùng biển này.
Hiện giờ, đội tàu của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Stennis đang hoạt động ở vùng Biển Đông. Nhưng theo một nguồn tin do Reuters trích dẫn, rất có thể cuộc tuần tra sắp tới sẽ do một chiến hạm nhỏ hơn tiến hành.
Theo dự đoán của các chuyên gia, chuyến tuần tra lần tới sẽ diễn ra gần Đá Vành Khăn (Mischief Rề), đảo tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Đài Loan, đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1995 và đã được Bắc Kinh đắp thành đảo nhân tạo. Đây cũng là nơi mà Trung Quốc đã xây một phi đạo quân sự.
Thông tin về chuyến tuần tra của hải quân Mỹ gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông được đưa ra một ngày sau khi tổng thống Obama tiếp chủ tịch Tập Cận Bình ngày 31/03 bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở Washington. Tại cuộc gặp gỡ này, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố với tổng thống Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh sẽ « kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc » ở Biển Đông.
Mặc dù nói rằng Trung Quốc « tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không » ở Biển Đông, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc lấy cớ tự do hàng hải "để xâm phạm chủ quyền và các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc". - RFI
|
|
2.
Tổng thống Zuma xin lỗi vì tiền sửa nhà
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma xin lỗi người dân Nam Phi trong cố gắng chấm dứt bê bối kéo dài về việc dùng tiền nhà nước xây nhà cho ông.
"Việc này đã gây nhiều bức xúc và xấu hổ, và tôi xin lỗi," ông nói trên truyền hình.
Ông tuyên bố sẽ tuân theo phán quyết của tòa rằng ông phải trả lại tiền chính phủ dùng để nâng cấp căn nhà sang trọng của ông ở nông thôn.
Phe đối lập đã đòi ông từ chức.
Trong bài nói hôm thứ Sáu trên tivi, tổng thống Nam Phi nói ông "không cố tình vi phạm hiến pháp".
Một cơ quan chống tham nhũng hồi năm 2014 nói rằng 23 triệu đôla đã được dùng để xây nhà cho tổng thống ở tỉnh KwaZulu-Natal.
Hai đảng đối lập, EFF và DA đã đưa vụ này ra tòa.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Zuma bị hoen ố vì cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.
Ông được bầu lần đầu năm 2009 và sẽ rời chức vụ năm 2019.
Đảng cầm quyền ANC vẫn ủng hộ ông Zuma.
Sau diễn văn, tổng thư ký của đảng ANC, Gwede Mantashe, gọi đòi hỏi từ chức của phe đối lập là "phản ứng quá đà". - BBC
|
|
3.
Bà Suu Kyi 'quyền như thủ tướng'
Thượng viện Myanmar hôm thứ Sáu đã thông qua dự luật, mở đường để bà Aung San Suu Kyi có vai trò tương đương thủ tướng.
Dự luật được thông qua trong ngày thứ hai của chính phủ mới và sẽ chuyển cho hạ viện thảo luận thứ Hai tuần sau, bất chấp việc quân đội phản đối.
Dự luật này giúp bà Aung San Suu Kyi vượt qua điều khoản hiến pháp của chính phủ quân sự cũ ngăn không cho bà nắm quyền vì hai con bà có quốc tịch nước ngoài.
Theo đó, bà sẽ giữ vị trí "cố vấn nhà nước", bên cạnh việc bà nắm bốn bộ gồm bộ Ngoại giao, Giáo dục, Điện lực-Năng lượng và bộ Văn phòng Tổng thống.
Theo hiến pháp, quân đội nghiễm nhiên nắm một phần tư quốc hội.
Và các nghị sĩ quân đội đã phản đối dự luật, gọi nó là vi hiến.
Họ nói vai trò cố vấn nhà nước nắm giữ quá nhiều quyền lực.
Tuy vậy, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi chiếm đa số ở lưỡng viện nên sẽ không cần sự ủng hộ của quân đội để thông qua dự luật.
Bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố vẫn sẽ cầm quyền thông qua người thân tín là tân Tổng thống Htin Kyaw. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Khủng bố hạt nhân sẽ 'thay đổi thế giới' --- TT Obama: Nỗ lực bảo đảm an toàn cho vật liệu hạt nhân 'chưa kết thúc' --- TT Obama chỉ trích ông Trump về vấn đề hạt nhân
Nguy cơ khủng bố sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công sẽ "thay đổi thế giới của chúng ta" là có thật, Tổng thống Obama cho biết.
Thế giới đã có những bước tiến "vững chắc" chống lại khủng bố bằng hạt nhân, ông nói trong Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington.
Việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tìm cách có được vũ khí hạt nhân là "một trong những đe dọa an ninh toàn cầu" - ông nói thêm.
Hơn 50 quốc gia đã có mặt tham gia hội nghị.
Lãnh đạo các nước đến Washington tham dự thể hiện quan ngại về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và sự vắng mặt của Nga.
Ông Obama quan ngại về việc Nga xây dựng quân đội từ chi phí cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối tham dự hội nghị. Thủ tướng Pakistan Nwaz Sharif hủy không tham dự vì vụ đánh bom thảm khốc ở Lahore. Cả hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Khi hội nghị kết thúc, các lãnh đạo tái khẳng định cam kết chống sự gia tăng vũ khí hạt nhân.
Ông Obama dẫn lại tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên quy mô toàn cầu. Nam Mỹ đã đạt được mục tiêu này, và Trung Âu, Đông Nam Á được trông đợi cũng sẽ đạt được trong năm nay.
"Cùng nhau, chúng ta phải loại bỏ những vật liệu nguy hiểm chết người từ các cơ sở hạt nhân trên toàn thế giới" - Ông Obama nói.
Dù có những bước tiến, ông Obama cho biết khu vực Nam Á và bán đảo Triều Tiên là những khu vực cần nỗ lực nhiều hơn để giải trừ hạt nhân.
Ông Obama nói thế giới không thể "tự mãn" và phải dựa vào nỗ lực giảm tàng trữ vũ khí hạt nhân.
Nguy cơ khủng bố bằng bom hạt nhân
Tổ chức IS đã từng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
"Không nghi ngờ gì thứ những kẻ điên ấy có thể gây ra nếu được chạm tay vào bom nguyên tử hay vật liệu nguyên tử, dĩ nhiên chúng sẽ dùng để giết càng nhiều người càng tốt" - ông nói.
"Cách phòng vệ duy nhất hiệu quả chống lại khủng bố bằng hạt nhân là trước hết bảo đảm những vũ khí đó an toàn để không rơi vào tay kẻ xấu."
Ông Obama ca ngợi thỏa thuận hạn chế hạt nhân với Iran và gọi đây là một "thành công quan trọng". Nhưng các thành viên của Đảng Cộng hòa phê phán thỏa thuận vì nó đã gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran.
"Đây là thành công về mặt ngoại giao và hi vọng trong tương lai chúng ta có thể học hỏi." - Ông nói.
Ông Obama cho biết cho tới giờ Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận. Ông thúc giục sự kiên trì khi quốc gia này đang tái hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Tại hội nghị, ông Obama được hỏi ý kiến về ứng viên tiềm năng cho chức tổng thống mới Donald Trump.
Người dẫn đầu trong Đảng Cộng hòa đã đưa ra ý kiến Nhật và Hàn Quốc nên có vũ khí hạt nhân, một bước đi lệch hẳn khỏi chính sách ngoại giao nhiều thập kỷ qua của Hoa Kỳ.
"Người đưa ra tuyên bố đó không hiểu nhiều về chính sách ngoại giao, chính sách hạt nhân, bán đảo Triều Tiên hay về thế giới nói chung."- Ông Obama nói. - BBC
***
Trong bài diễn văn hàng tuần phát thanh hôm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng “chưa có nhóm khủng bố nào thành công trong việc thủ đắc một cơ cụ hạt nhân hoặc chế tạo một quả bom bẩn sử dụng vật liệu phóng xạ,” nhưng nhóm al-Qaida đã tìm cách làm như vậy.
Ông Obama đọc bài diễn văn tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, nơi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp để bàn về điều mà ông Obama mô tả là “một trong những mối đe dọa lớn nhất cho an ninh toàn cầu – quân khủng bố có vũ khí giết người hàng loạt.”
Ông Obama nói những nỗ lực toàn cầu để ngăn quân khủng bố và những kẻ khác sử dụng vũ khí hạt nhân “chưa kết thúc.”
Ngày hôm qua, khi phát biểu vào lúc bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân ở Washington, ông Obama nói trong 6 năm qua các nhà lãnh đạo thế giới đã đạt được những tiến bộ “đáng kể và có ý nghĩa” để bảo đảm an toàn cho các kho vật liệu hạt nhân.
Ông cho biết những vật liệu đủ để chế tạo 150 quả bom hạt nhân giờ đây đã được an toàn để không lọt vào tay quân khủng bố. Nhưng ông nói thêm rằng kho vũ khí hạt nhân của một số quốc gia đang được nới rộng và số lượng plutonium tồn trữ đang gia tăng.
Ông Obama nói ông và hơn 50 nhà lãnh đạo thế giới họp tại Washington đã đồng ý tăng cường thêm nữa những biện pháp bảo vệ an ninh mạng tại các cơ sở hạt nhân và cải thiện việc chia sẻ tình báo để tiếp tục bảo đảm là những vật liệu nguy hiểm không lọt vào tay các nhóm khủng bố, như nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Ông cho biết hơn 10 nước đã từ bỏ toàn bộ số lượng uranium tinh chế ở mức cao và chất plutonium mà họ từng có trước đây. - VOA
***
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng những phát biểu mới đây của ông Donald Trump -- người đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà, cho thấy ông ấy thiếu hiểu biết về chính trị thế giới.
Ông Obama cho biết như thế hôm thứ 6, khi được hỏi về việc ông Trump nói rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.
Ông Obama nói “Người đưa ra những phát biểu này là người không biết gì nhiều về chính sách đối ngoại hay chính sách hạt nhân hay bán đảo Triều Tiên hay thế giới nói chung.” - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Tín đồ PGHH lại bị đánh đập, hăm dọa
Cản trở tổ chức lễ
Một vài tín đồ Phật giáo Hòa Hảo chủ trương trung thành theo giáo lý của Vị sáng lập Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ hôm qua bị đánh đập, hăm dọa.
Theo thông lệ hôm nay ngày 2 tháng Tư hàng năm là ngày giỗ đức giáo chủ và vào dịp này họ luôn bị ngăn trở bằng những biện pháp mạnh.
Anh Nguyễn Công Thủ, một tín đổ trẻ Phật Giáo Hòa Hảo, là một trong những người bị đánh trong ngày hôm qua kể lại:
“Ngày 1 tháng Tư 2016 chưa tới ngày giỗ của đức Huỳnh Phú Sổ là em bị đánh rồi. Ngày 1 tháng Tư em đi từ nhà em lên nhà vợ sắp cưới của em khoảng 17 kilômét, em định ở lại để sáng ngày 2 tháng Tư là ngày giỗ nhưng em đi chưa tới nơi thì đã bị an ninh chận đánh giữ đường. An ninh chỉ đạo công an giao thông chận xe em lại, công an giao thông đang kiểm tra giấy tờ xe em thì có khoảng ba đến bốn chục an ninh bận sắc phục, có cả công an xã, đứng xung quanh em và cầm máy quay phim quay.
Khi công an giao thông trả giấy tờ xe em rồi bỏ đi, em vừa đề máy chưa chạy thì ông trưởng công an xã Long Điền B thuộc huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, ông đó tên Đực Ba, đứng ngay đầu xe em và đánh thẳng vô mặt em. Khi em té xuống xe thì ngoài sau lưng em có khoảng 5 đến 10 tên an ninh nhảy vào dộng em từ đầu xuống tới chân. Em càng la thì họ càng đánh, lúc em nằm bất tỉnh họ mới ngưng đánh. Em ráng sức leo lên xe, quay đầu xe lại để về nhà thì một an ninh bận thường phục cầm nguyên một bao phân bò chọi thẳng vô mặt em, rồi hai tên an ninh nữa vói theo đánh em nhưng không trúng.
Em chạy xe về nhà khoảng 70 mét thì một tên an ninh của huyện Chợ Mới chạy xe theo, nói là tao sẽ giết mày nếu mày ương bướng đi nữa. Lúc đó mặt em đang sung rất là to, một bên má và tai em bị dộng rất nhiều cái, đang nhức và đau nên em bụm tay lên mặt em. Không ngờ họ tưởng em cầm điện thoại quay phim họ, họ đấm thẳng vô mặt em, họ bảo lấy cái điện thoại không cho nó quay phim. Họ coi em như một con vật, họ cứ đá, đấm rồi dộng thẳng lên người em, vai trái em bị chấn thương bây giờ em dỡ tay lên không được.”
Anh Nguyễn Công Thủ còn cho biết thêm:
“Anh Trần Thanh Giang ở huyện Chợ Mới bị an ninh chọi mắm, ném gạch và hăm dọa , kể cả nhà của ông Võ Văn Bửu cũng như thế.
Hàng năm tới ngày 25 tháng Hai âm lịch thì lúc nào công an cũng vây nhà em trước khoảng ba bốn ngày, không cho ba mẹ em ra khỏi nhà và luôn cả em, em đi đâu thì họ chạy xe theo đến đó. Thì em nghĩ cũng như mọi năm em vẫn lấy xe đi, không ngờ là họ chận đường đánh em như vậy. Lúc em đi lên nhà vợ em là đã có khoảng 100 đến 200 người rồi. Tại nhà em với nhà ông cựu tù nhân lương tâm Võ Văn Bửu và bà Mai Thị Dung gần sát bên nhau. Họ giữ tất cả 4 phía thì rất đông, từ an ninh tỉnh, an ninh huyện, công an xã và cả dân quân tự vệ thì hai đến 300 người là có.”
Được biết cha mẹ của anh Nguyễn Công Thủ , ông Nguyễn Thanh Phong và bà Nguyễn Ngọc Hà cũng là tín đồ PGHH, bị bắt năm 2005 vì tội gây rối trật tự công cộng. Ông Nguyễn Thanh Phong bị 6 năm tù giam, bà Nguyễn Ngọc Hà 4 năm tù giam. - RFA
|
|
6.
Ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước VN
Sáng ngày 2/4/2016, ông Trần Đại Quang, Đại tướng, Bộ trưởng Công an tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Quốc hội, các trang tin trong nước cho biết.
Ông Trần Đại Quang là ứng viên duy nhất được giới thiệu cho chức vụ này.
Báo Người Lao Động công bố kết quả bầu cho vị trí chủ tịch nước: với 483/494 đại biểu có mặt, ông Quang được 452 phiếu đồng ý, chiếm 91,5%, có 29 phiếu không đồng ý, chiếm 5,8%.
Ông Trần Đại Quang đã tuyên thệ nhậm chức tại Quốc Hội sáng ngày 2/4 ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu.
Ông đọc lời tuyên thệ "tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".
Hãng tin Reuters cho biết một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Quang là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng Năm, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Mỹ sau một thập kỷ.
Bình luận với BBC từ Sài Gòn về tân Chủ tịch Nước của Việt Nam và cuộc chuyển giao quyền lực mà Quốc hội khóa 13 của Việt Nam đã đang tiến hành, trong đó có các vị trí tam trụ, TS. Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập và nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam, nói:
"Việc chuyển giao kỳ này không được êm thắm lắm, vì bị dư luận phản ứng, cho là vi hiến, nhưng mà dù sao ngày hôm nay ông Trần Đại Quang cũng chính thức rời bộ sắc phục công an của ông và bước sang một cương vị mới hoàn toàn, đặc biệt một cương vị mang tính chất bộ mặt của nhà nước, bộ mặt của chính thể Việt Nam, đó là vấn đề đối ngoại.
"Mà đã liên quan tới chuyện đối ngoại thì nó không giống như là ngành công an... Nó không giống như thói quen của một số vị công an là nhìn đâu cũng thấy địch, mà ở đây là làm sao dàn xếp để nhân quyền, dân chủ trong nước, vấn đề đối nội trong nước với lại những lợi ích đối ngoại của Việt Nam."
Đối phó khá nhiều
Nhà bình luận nói tiếp: "Mà lợi ích đối ngoại của Việt Nam, sắp tới ông Trần Đại Quang sẽ phải đối phó khá nhiều, tại vì liên quan tới những vấn đề, thứ nhất là vấn đề TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), thứ hai là những định chế vay mượn của nước ngoài như là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á Châu v.v...
"Thứ ba là những khoản viện trợ không hoàn lại ngày càng eo hẹp và thứ tư là vấn đề đầu tư nước ngoài. Nếu như Việt Nam là môi trường bất ổn về kinh tế, bất ổn về chính trị, bất ổn về xã hội, thì đầu tư nước ngoài sẽ giảm.
"Như vậy thì tất nhiên vai trò của Chủ tịch Nước không thể cụ thể như vai trò của Thủ tướng Chính phủ, nhưng mà dù sao, với tư cách là một nguyên thủ quốc gia, trong tình hình Việt Nam chưa có cơ chế nhất thể hóa giữa Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước như Trung Quốc, thì vai trò của ông Trần Đại Quang là thay mặt cho bên Đảng, tức là ông Nguyễn Phú Trọng để đối ngoại.
"Và tôi nghĩ rằng có lẽ ông Quang sẽ cần phải có một lối suy nghĩ mới và trong mấy tháng trước mắt, làm sao nhanh nhất để người ta gác lại trong quá khứ hình ảnh ông ấy đã từng có một thời gian rất dài là công an," TS. Phạm Chí Dũng nói với BBC.
Năm 2011, ông Trần Đại Quang được bổ nhiệm vào cương vị Bộ trưởng Công an. Trước đó, ông từng kinh qua các chức vụ chuyên môn và quản lý, lãnh đạo ở Tổng cục An ninh ở Bộ Công an.
Gần đây, giải thích về sự kiện miễn nhiệm sớm ba chức danh Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng trong kỳ họp này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói không thể chờ tới kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới vào tháng 7 năm nay vì:
"Năm 2016 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, vì vậy phải kiện toàn các chức danh mới này để đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng." - BBC
No comments:
Post a Comment