Wednesday, November 8, 2017
Tin Cập Nhật Thứ Ba 7/11
Tin Thế Giới
1.
Mỹ công bố 7/11 Ngày Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản
Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump công bố ngày 7/11 là Ngày Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản.
Thông cáo từ Tòa Bạch Ốc nói ngày 7/11đánh dấu 100 năm kể từ khi cuộc cách mạng Bolshevik nổ ra tại Nga, dẫn tới việc thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) và những thập niên đen tối của chủ nghĩa cộng sản đàn áp, một triết lý chính trị không thích hợp với tự do, thịnh vượng, và nhân phẩm của đời sống con người.
Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh trong thế kỷ qua, các chế độ cộng sản độc tài trên khắp thế giới đã giết chết hơn 100 triệu người và biến vô số người khác thành nạn nhân của tình trạng bóc lột, bạo động, và những sự hủy diệt chưa kể hết.
Các phong trào này, theo Tòa Bạch Ốc, mạo danh sự giải phóng đã tước đoạt một cách có hệ thống các quyền của người dân vô tội được Thượng đế ban cho như quyền tự do thợ phượng, tự do lập hội, cùng nhiều quyền khác nữa.
Dưới chế độ cộng sản, thông cáo nêu rõ, các công dân khao khát sự tự do bị nô dịch hóa bởi nhà nước qua việc sử dụng bạo động, gieo rắc sự sợ hãi, và hăm dọa.
Thông cáo Tòa Bạch Ốc nói ngày hôm nay, chúng ta tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và tất cả những người tiếp tục phải chịu đựng dưới chế độ cộng sản. Trong sự tưởng nhớ và vinh danh tinh thần của những ai đã tranh đấu dũng cảm giúp làm lan tỏa tự do và cơ hội trên khắp thế giới, nước Mỹ tái khẳng định quyết tâm không lay chuyển mang ánh sáng tự do tới với tất cả những ai khao khát một tương lai tươi sáng, tự do hơn.
100 năm trước, từ ngày 6 đến 9/11/1917, Hồng quân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Vladimir Lenin chiếm Cung điện Mùa đông ở Nga và thành lập chế độ cộng sản, khởi đầu một thế kỷ mà trong đó có hơn 100 triệu người bị sát hại bởi lý tưởng này.
Ngày nay, nhiều người vẫn còn là nạn nhân của cộng sản trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc, Lào…
Đàn áp xảy ra tại các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản dưới các hình thức từ diệt chủng như thời Khơ Me Đỏ ở Campuchea hay dưới thời cai trị của Joseph Stalin ở Liên Xô, tiêu diệt văn hóa-trí thức như dưới thời Mao Trạch Đông ở Trung Quốc và nhiều nơi khác nữa kể cả Việt Nam, cho tới bắt bớ tù đày những người bất đồng chính kiến như tại Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc hay Việt Nam.
Trong một sự kiện hôm 6/10 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ‘Lý tưởng cộng sản thất bại đã mang lại sự đàn áp đối với người dân Cuba, chẳng mang lại gì ngoài sự thống khổ chịu đựng ở tất cả mọi nơi khác mà nó hiện diện, tất cả mọi nơi.’
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh ‘Chủ nghĩa cộng sản là quá khứ. Tự do là tương lai.’
Tuyên bố ngày 7/11 là Ngày Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản được Tòa Bạch Ốc đưa ra chỉ 1 ngày trước khi Tổng thống Trump dự kiến thăm chính thức Trung Quốc, đất nước theo chủ nghĩa cộng sản từ năm 1949 tới nay.
NewsWeek dẫn lời một phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc nói rằng tuyên bố này được đưa ra đúng thời điểm để nêu bật cam kết của Mỹ về nhân quyền và tự do.
Trong chuyến công du của Tổng thống Trump tới dự APEC Việt Nam 2017 trong tuần này, cũng xuất hiện nhiều lời kêu gọi cả trong lẫn ngoài nước đề nghị ông Trump thúc đẩy nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam, một trong số các nhà nước cộng sản bị thế giới chỉ trích về hồ sơ nhân quyền. - VOA
|
|
2.
Mỹ-Nhật-Ấn tập trận tại Biển Nhật Bản
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tập trận 3 ngày với một khu trục hạm Nhật Bản và hai chiến hạm Ấn Độ tại Biển Nhật Bản, hải quân Nhật Bản loan báo hôm 7/11.
Cuộc tập trận với 5 chiến hạm tham dự chấm dứt hôm 6/11 diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng cao về những cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên và vào lúc Tổng thống Donald Trump bắt đầu chuyến công du châu Á 12 ngày với Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan, trọng tải 100.000 tấn, có căn cứ tại Nhật Bản, chở theo khoảng 70 máy bay chiến đấu là một chiến hạm hùng mạnh nhất của Hải quân Hoa Kỳ tại châu Á.
Tàu sân bay Reagan sẽ gia nhập với hai tàu sân bay khác tại Tây Thái Bình Dương là USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt để nhắc nhở Bình Nhưỡng về khả năng điều động lực lượng quân sự nhanh chóng của Hoa Kỳ, một giới chức Mỹ nói với Reuters trước đây. - VOA
|
|
3.
Trump: Trung Quốc cần nỗ lực hơn về vấn đề Triều Tiên --- Đón Trump, Trung Quốc ngưng các tour du lịch Triều Tiên
Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc chuyến viếng thăm Seoul vào ngày 8/11 với một bài diễn văn quan trọng về Triều Tiên và sau đó chuyển trọng tâm đến Trung Quốc, nơi ông hy vọng làm áp lực lên Chủ tịch Tập Cận Bình để tăng thêm ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng, các giới chức Mỹ nói.
Diễn văn của Tổng thống Trump tại quốc hội Hàn Quốc diễn ra một ngày sau khi ông dường như có một lập trường cân bằng hơn: đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự toàn diện của Mỹ chống lại Triều Tiên nếu cần, nhưng cũng đề nghị mở ngỏ ngoại giao để “đạt được một thỏa thuận” nhằm chấm dứt cuộc đối đầu hạt nhân.
Trong khi ông Trump không đưa ra giải pháp cụ thể nào để đối phó với thách thức an ninh gay go toàn cầu, ngôn từ hòa dịu hơn của ông đối với Triều Tiên có thể giúp giảm bớt căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng vốn đang đẩy Đông Á đến bờ vực xung đột quân sự.
Việc này trái ngược đáng kể với những đe dọa trước đây của ông Trump là “hoàn toàn hủy diệt” Triều Tiên nếu nước này đe dọa Hoa Kỳ, và những lời lẽ nhục mạ cá nhân ‘lời qua tiếng lại’ với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Những điểm chính ông Trump đưa ra trong chuyến công du châu Á này cho thấy ông có ý định sử dụng bài diễn văn một phần để tương phản “sự vươn mình đáng kể” của Hàn Quốc so với “tình trạng thụt lùi đáng buồn” của Triều Tiên và để thúc đẩy quyết tâm chống lại Triều Tiên, theo như một tài liệu Reuters thấy được. Ông cũng sẽ lên án Bình Nhưỡng về thành tích nhân quyền tồi tệ của Triều Tiên.
Ông Trump sau đó sẽ đến Bắc Kinh để, theo những giới chức cao cấp trong chính quyền, thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình siết chặt hơn nữa đối với Triều Tiên bằng những biện pháp như giới hạn xuất khẩu dầu, hạn chế nhập khẩu than đá và giao dịch tài chánh.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 7/11, ông Trump nói Trung Quốc và Nga, một nước láng giềng khổng lồ khác của Triều Tiên, nằm trong số những nước mà sự hợp tác sẽ rất cần thiết trong việc buộc Triều Tiên kìm chế chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Tập, vừa mới củng cố quyền lực của ông tại Đại hội Đảng Cộng sản, có đồng ý nỗ lực hơn nữa hay không. - VOA
***
Các công ty du lịch có trụ sở tại thành phố Đan Đông sát biên giới Triều Tiên được chỉ thị ngưng các chuyến du lịch đến Bình Nhưỡng, thủ đô Triều Tiên, hai nguồn tin nói với Reuters ngày 7/11, một ngày trước khi Tổng thống Donald Trump đi thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp Tổng thống Trump ngày 8/11, và sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ đứng dầu lịch trình làm việc của hai nhà lãnh đạo. Hoa Kỳ đã làm áp lực để Trung Quốc làm nhiều hơn nhằm kìm chế nước láng giềng và đồng minh của Trung Quốc.
Du lịch là một trong số ít phương cách còn lại để Triều Tiên có được ngoại tệ mạnh, vào lúc Liên hiệp quốc áp đặt những chế tài mạnh mẽ đối với Bình Nhưỡng trong năm qua, ngăn chặn những ngành xuất khẩu chính yếu trong đó có than đá, hải sản và hàng may mặt.
“Điều này không ngờ tới, chúng tôi không nghĩ việc này xảy ra cho tới khi chúng tôi được thông báo ngày hôm nay,” một người điều hành các chuyến du lịch Trung Quốc từ Đan Đông đến Triều Tiên nói.
“Đây là một tin xấu đối với chúng tôi,” ông nói thêm là lệnh đến từ Văn phòng Du lịch Đan Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Hầu hết những công ty du lịch nhận du khách Trung Quốc đến Triều Tiên đều có trụ sở tại Đan Đông, một trung tâm thương mại bên này biên giới Trung Quốc.
Những công ty du lịch có trụ sở tại Đan Đông nhận được chỉ thỉ vào ngày 7/11 là kể từ người 8/11 họ chỉ được phép hướng dẫn du lịch một ngày tại Sinuiju, thành phố mạn bắc của Triều Tiên đối diện với Đan Đông. Đây là nơi ưa thích đối với du khách Trung Quốc với những chuyến đi một ngày.
Những chuyến đi dài hơn đến Bình Nhưỡng và những nơi khác của Triều Tiên bị cấm cho đến khi có lệnh mới, các nguồn tin cho biết.
Nguồn tin nói chính phủ không đưa ra lời giải thích chính thức nào về những thay đổi này.
“Hiện nay mùa du lịch chậm lại, nhưng đây không phải là lý do,” một nguồn du lịch khác có trụ sở tại Đan Đông nói.
“Chắc chắn là việc này có liên hệ đến những chế tài ngày càng tăng đối với Triều Tiên. Chúng tôi phải chờ xem chuyện gì xảy ra khi ông Trump rời Trung Quốc. Có thể họ sẽ nới lỏng những qui định nhưng khó mà nói được. Tất cả đều liên hệ đến căng thẳng ngày càng tăng.”
Viện Hàng hải Triều Tiên, một trung tâm nghiên cứu tại miền Nam, ước lượng là du lịch giúp Triều Tiên thu được 44 triệu đô la hàng năm. Viện này cho biết khoảng 80% du khách nước ngoài đến Triều Tiên là người Trung Quốc.
Trung Quốc nói có hơn 237.000 người Trung Quốc thăm Triều Tiên trong năm 2012, nhưng không công bố con số thống kê trong năm 2013.
Tuy nhiên, lệnh cấm này không ảnh hưởng đến những công ty ở các nơi khác.
“Chúng tôi không nhận được thông báo ngưng các chuyến du lịch đến Triều Tiên,” ông Rubio Chan thuộc công ty Du lịch GLO có trụ sở tại Hong Kong nói.
“Chuyện này có thể là vì chúng tôi có trụ sở tại Hong Kong và chúng tôi làm việc trực tiếp với đối tác tại Bình Nhưỡng.” - VOA
|
|
4.
Nhật sắp phong tỏa tài sản 35 cá nhân, thực thể Triều Tiên
Nhật Bản sẽ phong tỏa tài sản của 35 cá nhân và thực thể Triều Tiên, một động thái nhấn mạnh đến lời hứa của Thủ tướng Shinzo Abe gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng để nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Abe đưa ra tuyên bố này ngày 6/11, cùng ngày ông và Tổng thống Donald Trump đồng ý “100%” là “tất cả những biện pháp đều được cứu xét” khi đề cập đến cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, đài truyền hình NHK loan tin.
Mô tả chuyến công du châu Á của ông Trump là “lịch sử”, ông Abe nói tại một cuộc họp báo tiếp sau hội nghị thượng đỉnh là chặng dừng chân đầu tiên của Trump tại Nhật Bản chứng tỏ sức mạnh của liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản nói thêm là ông và ông Trump “đồng ý làm việc chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và sử dụng mọi phương tiện để gia tăng áp lực lên Triều Tiên.”
Ông Abe cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc củng cố trật tự hàng hải trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực,” và Nhật Bản và Hoa Kỳ đồng ý “củng cố hợp tác” để thực hiện một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương” tự do và rộng mở.
Thủ tướng Nhật Bản dùng một từ tương đối mới mà Tổng thống Trump sử dụng hồi cuối tuần để mô tả châu Á-Thái Bình Dương.
Thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap loan tin là hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý là kỷ nguyên “kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên đã qua rồi.
Kiên nhẫn chiến lược là việc đề cập đến chính sách Triều Tiên của chính quyền Obama đòi hỏi phi hạt nhân hóa là bước đầu tiên để thương thuyết.
Ngày 5/11 ông Trump nói trước cuộc gặp thượng đỉnh với ông Abe là ông vẫn để ngỏ việc gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Full Measure của Sharyl Attkisson.
Một nhà phân tích Mỹ nói hai nhà lãnh đạo cần phải gặp nhau vì cách thức điều hành của chế độ Bình Nhưỡng và những đáp ứng với cuộc khủng hoảng. - VOA
|
|
5.
Philippines nâng cấp đảo trong vùng biển tranh chấp với Trung Quốc
Philippines bắt đầu nâng cấp cơ sở quân sự trên đảo lớn nhất mà Manila đang kiểm soát trong khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm thứ Ba 7/11.
Bộ trưởng Delfin Lorenzana nói một nhà thầu đang xây dựng một đường dốc từ bờ biển lên ở trên đảo Thị Tứ, người địa phương gọi là đảo Pag-asa, là đảo lớn nhất trong 9 đảo mà Philippines đang kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Lorenzana nói: “Dự án xây dựng đang được thực hiện, mặc dù có những lúc bị gián đoạn vì thời tiết, chúng tôi dự trù sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2018. Các dự án xây dựng không thể tiến hành được nếu không có con đường từ bờ biển.”
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nhưng các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Ðài Loan, và Việt Nam cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau trong hải lộ có lượng hàng hóa thương mại trị giá hơn 3 ngàn tỉ đôla qua lại mỗi năm.
Các hình ảnh chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy tàu bè của Trung Quốc ở quanh đảo Thị Tứ. Theo một số nhà bình luận thì đó có thể là một hành động răn đe đối với tuyên bố chủ quyền của Philippines tại đó. Đại sứ Trung Quốc tại Manila tìm cách giảm nhẹ tình tiết đó, và quả quyết rằng nước ông không có mưu đồ xấu nào.
Hai nước từ lâu đã có những bất đồng trên Biển Đông, mặc dù quan hệ giữa hai bên đã nồng ấm đáng kể trở lại dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte, người từng tuyên bố rằng hợp tác làm ăn với Trung Quốc là điều khôn ngoan hơn là chọn cách đánh nhau với một cường quốc có quân đội mạnh vượt trội.
Ông Lorenzana nói rằng đường dốc từ bờ biển là quan trọng và cần thiết để tàu bè của hải quân có thể đưa vật liệu xây dựng đến sửa chữa và nâng cấp phi trường, các công trình cố định và xây một cảng mới trên đảo Thị Tứ cho ngư dân.
Người phát ngôn Arsenio Andolong của Bộ Quốc phòng Philippines nói rằng chính phủ sẽ chi khoảng 25,3 triệu đôla để nâng cấp đảo Thị Tứ.
Quân đội Philippines ủng hộ kế hoạch xây dựng và nâng cấp đảo này. Họ nói rằng Trung Quốc đang xây dựng như vậy trên các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc đã xây 7 đảo nhân tạo, thiết đặt hệ thống rada, súng phòng không và tên lửa trên nhiều đảo. Các chuyên gia phỏng đoán Bắc Kinh sắp sửa triển khai chiến đấu cơ trên các đảo đó. - VOA
|
|
6.
Trung Quốc chạy thử tàu nạo vét khổng lồ --- Philippines tuyên bố lo ngại về tàu nạo vét Trung Quốc
Loan báo của Trung Quốc về một tàu nạo vét khổng lồ có thể dùng để lắp đất xây đảo trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông sẽ gây phẫn nộ tại phần lớn các nước Châu Á cũng như trong chính quyền Mỹ, vào một thời điểm khi diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo hàng đầu trong khu vực.
Bắc Kinh đã bắt đầu chạy thử tàu nạo vét nước sâu lớn nhất châu Á được đặt tên là Thiên Côn Hiệu (Tian Kun Hao), trang mạng của tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc cho biết. Theo bản tin thì chiếc tàu dài 140m có khả năng nạo vét 6.000 mét khối đất một giờ ở độ sâu 35 mét dưới đáy biển.
Tàu này có thể đẩy nhanh việc tạo ra các hòn đảo nhân tạo, một tiến trình sẽ mở rộng quyền kiểm soát trên Biển Đông, nơi mà hầu hết các đảo, đá và thực thể thiên nhiên quá nhỏ bé để có thể phát triển.
Ông Alexander Huang, giáo sư môn nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nói:
"Nhìn từ góc độ ngoại giao, làm như vậy không đành đi một thông điệp tích cực tại thời điểm này. Tôi thực sự không biết tại sao họ làm việc này, bởi vì dựa vào nền văn hoá chiến lược truyền thống của Trung Quốc, làm như vậy không khuyến khích việc thể hiện sức mạnh trong một giai đoạn có nhiều bất định."
Giáo sư Huang nói: "Điều đó có nghĩa là Trung Quốc tự tin hơn nhiều về những gì họ có thể làm, và họ sẽ không màng tới quan điểm của các nước láng giềng, hay các bên quan tâm."
Các hội nghị cấp cao sắp tới
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 90% vùng biển có diện tích 3,5 triệu cây số vuông, chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ gặp nhau vào trung tuần tháng 11 với các đối tác đến từ nhiều nước Đông Nam Á và với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông.
Vấn đề Biển Đông đã bị đẩy sang một bên và ít khi được nhắc đến trong năm qua giữa lúc các nước tranh chấp đối nghịch đàm phán với Trung Quốc về vấn đề viện trợ phát triển và hợp tác hàng hải, kể cả về một bộ Quy tắc Ứng xử nhằm ngăn ngừa các vụ đụng độ trên biển.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngoại giao, các nước gồm cả Trung Quốc, thường xếp sang một bên những hành động gây tranh cãi cho tới sau các cuộc họp cấp cao.
Chẳng hạn, chính phủ Hoa Kỳ đã hoãn việc bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ đô la cho Đài Loan cho tới ba tháng sau khi ông Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng Tư. Nếu không hoãn vụ bán vũ khí, ông Tập đã giận dữ bởi vì Trung Quốc coi đảo Đài Loan tự trị như một phần thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.
Tàu nạo vét TQ sẽ hoạt động ở đâu trước?
Tàu nạo vét Trung Quốc có khả năng đào đất từ một khu vực có diện tích bằng một sân bóng đá sâu một mét nội trong vòng chưa tới một tiếng đồng hồ, theo trang mạng China Daily.
Các nước Đông Nam Á tranh giành chủ quyền với Trung Quốc không có ngân sách hay trình độ chuyên môn của nước này để có thể phát triển các thiết bị cải tạo đất trong các vùng biển sâu.
Trung Quốc trước hết có thể sử dụng tàu nạo vét để lắp đất tại quần đảo Hoàng Sa.
Việc Trung Quốc chạy thử tàu nạo vét có thể gây bực dọc cho Việt Nam bởi vì nước này cũng tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, nhưng không có khả năng bảo vệ nơi này một cách hiệu quả, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói bảy hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát tại quần đảo Trường Sa đã được xây dựng, và như vậy, Hoàng Sa có thể là địa điểm kế tiếp.
Đối nghịch Trung-Việt
Việc xây dựng thêm quần đảo Hoàng Sa sẽ làm xói mòn tuyên bố chủ quyền của Việt Nam cũng như sự hỗ trợ quốc tế cho Hoàng Sa.
Ông nói: "Tôi tin rằng tàu nạo vét là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc cho xây các hòn đảo nhân tạo trong Biển Đông để củng cố vị thế của họ trong khu vực. Nhưng có lẽ Trung Quốc sẽ loan báo tin về tàu nạo vét để tránh trùng ngày với các cuộc họp cấp cao trong tháng này, thay vì là một phần trong một lộ đồ dài hơn để bành trướng sự hiện diện của họ trên biển.”
Tại Việt Nam, ông Tập đã được lên kế hoạch để gặp Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, cũng như Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Những cuộc họp này sẽ cho biết liệu loan báo về tàu nạo vét có tác động gì không.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis có thể cũng sẽ bất bình về tàu nạo vét Trung Quốc, theo ông Huang. Hồi tháng Sáu, ông Mattis nói xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo "phương hại tới sự ổn định của khu vực". - VOA
***
Chính quyền Manila vào hôm qua, 06/11/2017, đã tỏ ý quan ngại trước việc Trung Quốc cho chạy thử chiếc tàu nạo vét mới, và cho biết sẽ theo dõi sát sao hoạt động của chiếc tàu này, cho dù Bắc Kinh đã đảm bảo sẽ đồng phát triển các nơi có tranh chấp với Manila.
Trả lời báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng « chỉ riêng sự hiện diện của chiếc tàu thôi đã là điều đáng quan ngại. Nó đi đâu, rõ ràng là chúng tôi không biết ». Ông Lorenzana cho biết là lực lượng được triển khai ở 9 điểm mà Philippines tranh chấp ở Biển Đông, đã được lệnh theo dõi các động thái của Hải Quân, Tuần Duyên và tàu cá Trung Quốc ở vùng Trường Sa.
Theo ông, phía Philippines cũng thường xuyên cho máy bay tuần tra cho nên sẽ có thể biết hoạt động của chiếc tàu nạo vét được cho là lớn nhất châu Á đó.
Tổng thống Philippines Duterte tuy nhiên vẫn tin tưởng là Trung Quốc sẽ giữ cam kết của ông Tập Cận Bình, là sẽ không xây dựng, phát triển vùng bãi Scarborough Shoal mà Bắc Kinh đã chiếm của Manila.
Theo giới chuyên gia quân sự, chiếc tàu nạo vét mới được Trung Quốc hạ thủy và chạy thử hôm 03/11 mang tên Thiên Côn Hiệu, có kích thước bằng 9 sân bóng rổ.
Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo mà họ bồi đắp nào là phi đạo, nhà kho, hệ thống phòng không. Một số chuyên gia còn dự báo là phi đội chiến đấu cơ đầu tiên sẽ đến Trường Sa trong vài tháng tới đây.
Giới quan sát ghi nhận là việc Trung Quốc cho thử chiếc tàu nạo vét mới diễn ra ngay vào thời điểm hai cuộc họp quốc tế lớn sẽ diễn ra vào tuần tới tại Việt Nam và Philippines, với cả Trung Quốc và Mỹ đều tham dự. - RFI
|
|
7.
Trung Quốc: Một cựu lãnh đạo cao cấp cảnh báo về âm mưu tiếm quyền
Ông Vương Kỳ Sơn, người từng đặc trách chống tham nhũng tại Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo : Phải tăng cường đề cao cảnh giác trước các âm mưu chiếm đoạt quyền hành, xuất phát từ nạn tham nhũng chính trị, hình thức tồi tệ nhất của tham nhũng. Lời cảnh báo đã được đăng hôm nay 07/11/2017 trên tờ Nhân Dân Nhật Báo.
Theo nhân vật đứng đầu cơ quan chống tham nhũng tại Trung Quốc trong 5 năm qua và đã rời khỏi chức vụ sau Đại Hội 19, chiến dịch chống tham nhũng đi xa hơn là việc đơn thuần đánh vào những tài sản tham ô hay các hành vi xa hoa, mà là một cuộc đấu tranh chính trị. Và « tham nhũng chính trị là tham nhũng lớn nhất. »
Đối với ông Vương Kỳ Sơn, nạn tham nhũng chính trị bao gồm việc hình thành những nhóm lợi ích vừa tìm cách chiếm quyền, vừa tổ chức những hoạt động bên ngoài guồng máy đảng để phá vỡ sự thống nhất của đảng.
Trong tình hình đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc tiến hành chiến dịch chống tham nhũng là « ngăn ngừa không cho các nhóm lợi ích này chiếm đoạt quyền lực chính trị và thay đổi tính chất cơ bản của đảng. »
Ông Vương Kỳ Sơn nêu lại những trường hợp các lãnh đạo đã bị kỷ luật, từ Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, cho đến hai viên tướng cao cấp Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, và ông Lệnh Kế Hoạch, cựu bí thư của Hồ Cẩm Đào.
Theo hãng tin Anh Reuters, Vương Kỳ Sơn, một người thân cận với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã từ chức nhân Đại Hội Đảng vừa qua, nhưng một số nguồn tin cho rằng ông có thể sắp đảm nhận một vai trò mới. - RFI
|
|
8.
Tổng thống Donald Trump làm thế giới mất phương hướng
Ông Donald Trump vẫn đang thu hút chú ý của báo chí Pháp với chuyến công du dài ngày ở châu Á và đặc biệt là ngày mai, 8/11, đánh dấu đúng một năm ông đắc cử tổng thống Hoa Kỳ với khẩu hiệu nổi tiếng « nước Mỹ trước tiên ». Nhật báo Công giáo la Croix nhân sự kiện này nhìn lại phong cách và những việc đã làm của người lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới. Tựa trang nhất của La Croix nhận định : « Trump làm thế giới mất phương hướng ».
Xã luận của La Croix viết : Với khẩu hiệu tôn chỉ « America first - Nước Mỹ trước tiên », một năm sau khi đắc cử tổng thống, « Donald Trump đã thành công trong việc làm suy yếu mọi logic của quan hệ đối tác vô cùng cần thiết trong một thế giới bất ổn ». Một năm, Donald Trump cũng đã cho thấy ông là một vị tổng thống với « nguyên tắc hoài nghi ».
La Croix nhắc lại : Trả lời truyền hình Mỹ trước chuyến công du dài 12 ngày tại châu Á, khi phóng viên lưu ý ông là ở bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn còn có nhiều vị trí khuyết chưa bổ nhiệm, nhất là các vị trí cho khu vực châu Á (cho đến giờ vẫn chưa có đại sứ Mỹ ở Seoul), tổng thống Trump đã ngạo nghễ nói : « Ngoại giao Mỹ là tôi, chỉ có tôi ». Ông cũng nhấn mạnh thêm « Tôi là một doanh nhân» vì thế mọi quyết định cuối cùng phải thuộc về cá nhân ông.
La Croix nhận định : Với phong cách lãnh đạo của là một doanh nhân, ông Trump thích tạo mối tương quan lực lượng. Tổng thống Mỹ phủ nhận các mối quan hệ quốc tế đa phương, một phương thức vẫn tồn tại trong hầu hết các tổ chức quốc tế hay định chế tài chính kinh tế. Trong năm 2017, theo ý kiến của ông, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi nhiều tổ chức hay thỏa thuận ngoại giao, thương mại. Lý do chỉ vì ông Donald Trump nhận thấy các tổ chức và thỏa thuận đó chỉ gây bất lợi cho lợi ích trước mắt của công dân Mỹ. Đó là các thỏa thuận TPP ngay ngày đầu bước vào Nhà Trắng tháng Giêng, rồi đến thỏa thuận khí hậu Paris tháng 6, gần đây nhất là rút khỏi Unesco và hôm 13/10 vừa qua ông thông báo có thể không phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran….
La Croix nhận xét : Donald Trump vừa qua hai đêm ở Nhật Bản, ông sẽ còn một đêm ở Seoul trong khi đó mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên liên quan đến Hàn Quốc nhiều hơn cả. Đơn giản là vì tân tổng thống Hàn Quốc, một người ủng hộ đối thoại với Bắc Triều Tiên, không hợp ông Trump lắm.
Sau màn đấu khẩu hiếu chiến trên Twitter với Bắc Triều Tiên và Kim Jong Un, ông Donald Trump lại bất ngờ tuyên bố có thể sẵn sàng gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Theo La Croix, những ngày tới ở Trung Quốc mới là thách thức lớn của tổng thống Trump. Chuyến đi sẽ cho thấy mối ưu tiên thực sự của Mỹ ở châu Á có phải là mối lo ngại sự gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc ? Liệu Mỹ có còn giữ được ưu thế chiến lược ở châu Á ?
Với Trung Quốc, người ta đã thấy những lời nói tiền hậu bất nhất của ông Trump. Khi còn tranh cử tổng thống, ông Trump không ngớt lời mắng nhiếc Trung Quốc « đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ ». Nhưng trên cương vị tổng thống, tiếp chủ tịch Tập Cận Bình tại Florida hồi tháng 4, ông Trump lại ve vãn ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc hết lời. Thế nhưng ba tháng sau ông lại lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc thụ động trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.
La Croix nhấn mạnh : Không ai ở châu Á giải mã được chính sách ngoại giao của Donald Trump. Hơn nữa, « phương pháp » của ông không thể hiện rõ ràng ngay từ đầu với người đối thoại. Chuyên gia Jean-Eric Branaa về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Paris 2 - Assas, đánh giá phương pháp của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ như sau : « Donald Trump thích làm đảo lộn các lá bài . Chính sách của ông ta dựa trên cái gọi là 'nguyên tắc không chắc chắn' ».
Theo nhà phân tích Branaa tổng thống Mỹ chưa hẳn là người khó lường mà ông muốn tỏ cho thấy mình là người không thể hiểu được. Ông làm rối tung vấn đề lên để sao cho thế giới phải chạy theo ông ta và như vậy ông ta làm chủ cuộc chơi.
Thách thức của Mỹ ở châu Á
Vẫn liên quan đến chuyến công du châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump tại châu Á, trên trang « ngôn luận » của nhật báo Le Figaro có bài phân tích « Thách thức nào cho nước Mỹ tại châu Á ? ».
Theo tác giả Renaud Girard, tổng thống Mỹ biết ông có hai thách thức chiến lược phải vượt qua ở châu Á, một ngắn hạn và một dài hạn. Về ngắn hạn, ông phải giải quyết vấn đề đang đặt ra cho nước Mỹ và các đồng minh lịch sử là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là sự gia tăng đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo đến từ Bắc Triều Tiên.
Về dài hạn, ông phải tìm được thỏa hiệp với Trung Quốc, quốc gia đang ngày càng tỏ tham vọng bành trướng trên biển làm tổn hại đến thế thượng phong của hải quân của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á (vốn đã được duy trì từ năm 1945 đến giờ). Đồng thời đà gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc đang gây lo ngại cho nhiều quốc gia nằm bên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tác giả nhận định : Ông Trump khẳng định Hoa Kỳ sẽ không thể chấp nhận thấy Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân. Thế nhưng Hoa Kỳ sắp tới đây sẽ không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận thực tế đó. Tất cả mọi người từ ở Mỹ đến Nhật Bản hay Hàn Quốc đều hiểu rằng một cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên sẽ là thảm họa cho cả Mỹ cũng như cho các đồng minh. Một thách thức khác của ông Trump là làm sao để Nhật-Hàn gạt sang một bên những hiềm khích lịch sử, bắt tay nhau đoàn kết trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Về lâu dài, theo tác giả bài viết, Mỹ sẽ phải chấp nhận phần nào tham vọng lãnh thổ và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhất là khi Bắc Kinh đang cố gắng đẩy Mỹ ra ngoài các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khu vực.
Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố sự hiện diện của Mỹ ở châu Á không còn chính đáng nữa. Trong khi đó tất cả các nước ven biển trong khu vực này đều mong muốn Mỹ trở lại. Tác giả nhận định : Trong mối tương quan Mỹ-Trung, Hoa Kỳ đang bị thiếu chiến lược dài hạn như kiểu « Con đường tơ lụa » mà tập Cận Bình đã vẽ lên. Nhưng Hoa Kỳ lại có những người bạn thực sự ở Đông Á, trong khi Trung Quốc thì không có ai.
Vụ Paradise Papers : vấn đề đạo đức hay kẽ hở của hệ thống ?
Một thời sự khác được các báo Pháp chú ý nhiều là vụ « Paradise Papers » phát lộ một hệ thống cất giấu tài sản để né thuế trên quy mô toàn cầu, liên quan đến hàng trăm quan chức và những nhà tài phiệt, các tập đoàn giầu có nhất thế giới.
Le Monde là tờ báo tham gia vào cuộc điều tra quốc tế này cho nên Paradise Papers là chủ đề lớn phủ kín nhiều trang báo ra hôm nay. Tựa lớn trang nhất của Le Monde nêu con số ấn tượng : 350 tỷ (euro) bí mật trốn thuế. Đây là số tiền mà các quốc gia trên thế giới bị thâm hụt được ước tính từ những khối tài sản được cất giấu nhằm tránh thuế trong vụ Paradise Papers, vừa được 95 hãng truyền thông trên thế giới vừa đồng loạt công bố.
Tuy nhiên theo Le Monde : « Khác với vụ Panama Papers, cuộc điều tra mới này không liên quan mấy đến các hành vi rửa tiền bẩn từ gian lận thuế hay các hoạt động phạm pháp khác (như buôn bán vũ khí, ma túy…). Trong vụ này chỉ là những thao tác tài chính hợp pháp do một đội chuyên gia tiến hành giúp khách hàng trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế dựa trên những kẽ hở của hệ thống quản lý thuế quốc tế ».
Vậy ai là những người tránh thuế ? Cuộc điều tra của le Monde chỉ ra nhiều cái tên thân cận với tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Canada Justin Trudeau, nữ hoàng Anh Elizabeth II và không ít các tập đoàn đa quốc gia giàu có. Những thao tác cất tiền tránh thuế trong hồ sơ Paradise Papers không hề vi phạm luật, nhưng đạo đức và lương tâm của những người muốn lẩn tránh nghĩa vụ thuế là vấn đề cần phải bàn. Chỉ một nhóm nhỏ các công ty và cá nhân khá giả được ưu ái về kinh tế nhưng lại không muốn tuân thủ quy định bình đẳng với những công dân bình thường. Xã luận của Le Monde gọi vụ Paradise Papers là «mặt trái của toàn cầu hóa»
Nga không muốn gây chia rẽ xã hội vì Cách Mạng Tháng 10
Hôm nay đánh dấu 100 năm sự kiện Cách Mạng Tháng 10 Nga. Tuy nhiên, sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu này được « nước Nga của Putin kỷ niệm một cách kín đáo » như ghi nhận của báo Les Echos.
Thông tín viên của Les Echos tại Matxcơva ghi nhận : « Đúng một trăm năm sau cuộc cách mạng Bôn-sê-vích, giờ đây ở nước Nga của ông Vladimir Putin, Lenin vẫn được nhìn nhận tích cực nhưng ông không còn vị thế của người anh hùng dân tộc nữa ».
Thời điểm 1917 giờ đây cũng chỉ là một trong nhiều mốc lịch sử đất nước. Trong tuần lễ này, chính quyền Nga thận trọng không muốn kỷ niệm ồn ào cuộc Cách Mạng Tháng 10 cũng như tôn vinh cha đẻ của nó, V. Lenin. Thậm chí nhiều người có cảm giác là cuộc cách mạng này đang bị lãng quên ở Nga cho dù vẫn có một số hoạt động của các nhà chuyên môn về lịch sử trước thời điểm kỷ niệm.
Chính quyền Nga cho thấy họ có ưu tiên là không muốn gây thêm chia rẽ mới trong xã hội về di sản cách mạng còn gây nhiều tranh cãi này, theo nhận định của Les Echos. - RFI
|
|
9.
Mỹ cắt viện trợ rà phá bom cho Campuchia
Hoa Kỳ sẽ cắt giảm khoản viện trợ trị giá 2 triệu đô la vào năm tới cho cơ quan rà phá bom mìn hàng đầu của Campuchia.
Tổng giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia, ông Heng Ratana nói với hãng Reuters rằng phía Washington không hề đưa ra lý do vì sao cắt nguồn viện trợ này. Ông nghĩ rằng nguyên nhân là vì Mỹ muốn dập tắt tiếng nói chỉ trích của chính phủ Campuchia về những vũ khí hóa học Mỹ đã thả xuống trong chiến tranh. Ông cho biết việc cắt nguồn viện trợ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 300 công nhân viên của Trung tâm. Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen thông báo rằng sẽ đứng ra hỗ trợ dự án này.
Phát ngôn viên của chính phủ Phnom Penh, ông Phay Siphan cho biết Campuchia không quan ngại về vấn đề này.
Trước đó ông Hun Sen đã chỉ trích việc Mỹ ném bom vào lãnh thổ Campuchia trong cuộc chiến Việt Nam. Điều này bị giới chỉ trích cho là nhằm mục đích kích động dân tộc chủ nghĩa trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. - RFA
|
|
Tin Việt Nam
10.
Nga hỗ trợ Việt Nam 5 triệu đôla khắc phục bão Damrey
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho các Bộ trưởng hỗ trợ Việt Nam 5 triệu đôla để khắc phục thiệt hại do bão Damrey gây ra.
Theo hãng thông tấn Tass của Nga, phát biểu trước các phóng viên ngày 7/11, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã chỉ thị các Bộ trưởng hỗ trợ Việt Nam khoản tiền 5 triệu đôla để khắc phục những thiệt hại sau bão Damrey, còn được Việt Nam gọi là bão số 12.
Ông Peskov kêu gọi các nền kinh tế thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam, và nói rằng sáng kiến nhân đạo của người đứng đầu chính phủ Nga sẽ được nhiều nước tiếp bước:
"Tổng thống Putin và nước Nga hy vọng sáng kiến nhân đạo này sẽ được tiếp nối. Các nền kinh tế tham gia hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam trong tuần này hãy thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam bằng các hình thức và trong khả năng có thể."
Quyết định cứu trợ được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Putin với Thủ tướng Dmitri Medvedev, Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Nga Vladimir Puchkov và Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov về tình hình thiệt hại do bão lụt ở Việt Nam gây ra.
Trong cuộc họp, nhà lãnh đạo Nga được báo cáo về những tổn thất nhân mạng và thiệt hại vật chất do bão Damrey gây ra tại Việt Nam trong mấy ngày qua.
Hãng thông tấn Tass còn cho biết một máy bay Il-76 của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, chở theo hàng cứu trợ nhân đạo, đang chuẩn bị cất cánh từ Nga để giúp đỡ người dân vùng bão lụt tại Việt Nam.
Cũng trong cuộc họp báo, đại diện Điện Kremlin cho biết chi tiết về cuộc gặp song phương giữa ông Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại APEC Việt Nam đang được thảo luận.
Là cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất trong hai thập kỷ qua, bão Damrey đổ bộ vào miền Trung Việt Nam đúng vào thời điểm diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC từ ngày 6 đến 11-11 tại thành phố Đà Nẵng.
Giới hữu trách Việt Nam cho hay số người thiệt mạng trong trận bão Damrey thổi vào vùng duyên hải miền trung Việt Nam cuối tuần qua đã lên đến 69 người.
Cơ quan phòng chống thiên tai Việt Nam cho hay 30 người vẫn còn trong danh sách mất tích sau khi bão Damrey quét qua tỉnh Khánh Hòa, gây thiệt hại nặng nề.
Hơn 116.000 nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại do nước lũ dâng tràn. Các đập chứa nước cũng đang bị đe dọa quá sức chứa. - VOA
|
|
11.
Hacker Việt Nam tấn công mạng ASEAN, và các nước trong khu vực
Một nhóm hacker có liên hệ với chính phủ Việt Nam hoặc từng phục vụ các lợi ích của Hà Nội đã đột nhập máy tính của các nước láng giềng và của ASEAN, theo công ty an ninh mạng Volexity.
Hãng tin Reuters trích lời ông Steven Adair, người sáng lập và Giám đốc Điều hành công ty an ninh mạng Volexity, cho biết nhóm hacker này vẫn hoạt động và đã xâm nhập trang web của ASEAN, khi hiệp hội tổ chức một số cuộc họp cấp cao.
Trong tuần này ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Manila của Philippines, quy tụ các nhà lãnh đạo khu vực.
Tháng 5 vừa qua, công ty an ninh mạng FireEye báo cáo nhóm tin tặc còn được gọi là APT32 hay OceanLotus, đang tích cực nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia và các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Khi ấy, công ty FireEye nói các hoạt động của nhóm tin tặc có liên hệ tới "các lợi ích của đất nước Việt Nam."
Ông Adair nói với hãng tin Reuters rằng ông không có cơ sở để xác định ai đứng đằng sau nhóm tin tặc, nhưng cho biết nhóm này có khả năng ngang hàng với các nhóm hacker tiên tiến bị coi là mối đe dọa kéo dài (APT), một thuật ngữ được sử dụng để chỉ các nhóm hacker có sự hỗ trợ của nhà nước.
Ông Adair nói: "Chúng tôi chỉ có thể nói đây là một nhóm tấn công được đầu tư bằng những nguồn lực rất tốt, có khả năng thực hiện một số chiến dịch tấn công đồng loạt."
Các giới chức Việt Nam chưa đưa ra bình luận tức thời nào về việc này. Hà Nội trước đây bác bỏ những cáo buộc về các cuộc tấn công trên mạng đối với các tổ chức, cá nhân, và cho biết sẽ truy tố mọi trường hợp vi phạm.
Ông Adair nói không rõ nhóm này đã đánh cắp bao nhiêu thông tin:
"Chúng tôi không có bất cứ thông tin nào về quy mô dữ liệu bị trộm cắp, nhưng chúng tôi có thể cho quý vị biết quy mô và phạm vi của các trang web mà chúng đã xâm nhập là rất lớn.”
Công ty an ninh mạng Volexity cho biết trong một phúc trình rằng nhóm hacker đã xâm nhập trang web của các bộ, cơ quan chính phủ Lào, Campuchia và Philippines và tải mã độc vào máy tính của các nạn nhân.
Mã độc sau đó sẽ chuyển nạn nhân tới một trang Google yêu cầu cho phép truy cập tài khoản Google của họ. Nếu nạn nhân đồng ý, hacker sẽ truy cập được toàn bộ danh sách địa chỉ liên lạc và email có trong máy tính.
Tại Campuchia, các mục tiêu bị tấn công gồm Bộ ngoại giao, Bộ môi trường, Bộ dịch vụ dân sự và xã hội, cũng như cảnh sát quốc gia. Ở Philippines, nhóm tin tặc xâm nhập vào trang web của lực lượng vũ trang và cả Văn phòng Tổng thống.
Tương tự, ba trang web của Hiệp hội ASEAN, và các trang web của hàng chục nhóm phi chính phủ, các cá nhân và báo chí Việt Nam, cũng là mục tiêu bị tấn công. Nhóm tin tặc còn cài mã độc vào các trang web của một số công ty dầu mỏ Trung Quốc.
Ông Kirt Chanthearith, người phát ngôn cảnh sát quốc gia Campuchia, cho biết trang web của cảnh sát đã bị tấn công khoảng sáu tháng trước nhưng ông không biết thủ phạm là ai.
Các giới chức ở Thái Lan cho biết họ không hề hay biết bất kỳ vụ tấn công nào vào các trang web của chính phủ hoặc cảnh sát.
Tại Manila, ông Allan Cabanlong, giám đốc điều hành của Trung tâm Phối hợp điều tra Tội phạm Mạng, nói không có thiệt hại nào cho các trang web của chính phủ ở Philippines, nhưng nhà chức trách đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa. - VOA
|
|
12.
Dự án khí đốt lớn nhất Việt Nam ở biển Đông trên đà hoàn tất
Dự án khí đốt nhiều tỷ USD của tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ ở Việt Nam đang trên đà hoàn tất vào năm 2019, theo một quan chức hàng đầu của ExxonMobil cho biết hôm thứ Ba 7/11.
Mỏ khí đốt Cá Voi Xanh có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối nằm cách bờ biển miền trung Việt Nam 88 km, trong khu vực biển Đông đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc.
“Chúng tôi tích cực phấn đấu để thúc đẩy việc đầu tư vào dự án lớn nhất ngoài khơi Việt Nam,” Chủ tịch Công ty Phát triển ExxonMobil Liam Mallon nói với một diễn đàn doanh nghiệp bên lề Tuần lễ cấp cao của các lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra ở Đà Nẵng.
Tuy nhiên vào cuối tháng 8, truyền hình nhà nước Việt Nam VTV cho biết dự án khí đốt lớn nhất của Việt Nam với tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Mỹ, có thể bắt đầu vào tháng này.
Theo tin của Reuters ngày 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Exxon Mobil rằng ông hy vọng dự án này sẽ chính thức khởi động vào dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương khi mà Tổng thống Donald Trump và các quan chức khác của Mỹ sẽ có mặt.
Mỏ Cá Voi Xanh lần đầu tiên được công bố bởi Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông John Kerry trong chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng 1 năm nay và dự kiến sẽ bắt đầu cho ra sản phẩm vào năm 2023.
Khí đốt sẽ được hút từ độ sâu 1.500m dưới đáy biển, sau đó được chuyển lên bờ qua 1 đường ống dài 88 km để vận hành 4 nhà máy điện sẽ được xây ở tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam.
Việt Nam đang tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào điện than gây ô nhiễm, để chuyển dần sang các nguồn năng lượng sạch như khí đốt, và các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió.
Trong buổi tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu thế giới tham dự APEC hôm thứ Ba 7/11, VOV trích lời Thủ tướng Phúc nói với ông Mallon rằng “chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong đó có ExxonMobil tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.”
ExxonMobil, theo ChannelNewsAsia, cho biết quyết định đầu tư cuối cùng sẽ được đưa ra vào năm 2019 nhưng mục tiêu nhắm tới là hoàn tất những thương lượng cụ thể vào cuối năm nay.
Ông Mallon nói: “Chúng tôi đã đạt nhiều bước tiến và có những thương lượng cụ thể mà chúng tôi cần hoàn tất.” “Mục tiêu là phải hoàn tất những sự thương lượng đó trước cuối năm nay, hy vọng rằng điều đó sẽ cho phép chúng tôi bước vào ‘giai đoạn kỹ thuật đầu tiên’ của dự án.”
Trung Quốc chưa lên tiếng về dự án này mặc dù Bắc Kinh trước đây đã cảnh cáo các công ty nước ngoài về việc khoan dầu khí trên các vùng biển này.
Một dự án khai thác dầu khác trên biển Đông giữa Việt Nam và công ty Repsol của Tây Ban Nha đã bị đình chỉ trong năm nay vì áp lực từ Bắc Kinh. - VOA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment