Tin Thế Giới
1.
Vấn đề Bắc Hàn và Biển Đông trong cuộc hội kiến Mỹ-Trung
Những phát biểu cứng rắn nhưng mơ hồ về Bắc Triều Tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần này làm dấy lên những đồn đoán rộng rãi rằng ông Trump có thể theo đuổi một sự thay đổi quan trọng về mặt chính sách sẽ dẫn đến một cuộc mà cả quy mô với Bắc Kinh, hoặc bắt đầu một cuộc chiến tranh phủ đầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của London hôm Chủ Nhật, ông Trump tuyên bố nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, "thì người Mỹ chúng ta sẽ giải quyết". Ông lưu ý về "ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên" và cảnh báo rằng Bắc Kinh nếu Bắc Kinh không giúp giải quyết vấn đề Bắc Hàn đạt tiến bộ nhanh chóng về khả năng sản xuất hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, thì điều đó "không tốt cho bất cứ ai".
Chặn lại chương trình hạt nhân của BắcTriều Tiên và ngăn không cho chính phủ của ông Kim Jong Un sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một vũ khí có khả năng tấn công vào đất liền của Hoa Kỳ, dự kiến sẽ là một vấn đề chính mà ông Trump và ông Tập sẽ mang ra thảo luận khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago của tổng thống Mỹ ở bang Florida vào ngày thứ Năm tới đây.
Ngoại Trưởng Tillerson và BTQP Mattis
Các chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tới thăm khu vực đã giúp Washington trấn an giới lãnh đạo tại Bắc Kinh, Tokyo và Seoul rằng Washington sẽ tiếp tục đặt vào hàng ưu tiên cao việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực với Bình Nhưỡng, buộc họ phải thay đổi hành vi và từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và đảm bảo an ninh.
Ngoài ra, một báo cáo an ninh quốc gia mới đây của Hoa Kỳ về chính sách Bắc Triều Tiên nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên Bắc Kinh bằng cách nhắm mục tiêu vào nhiều ngân hàng và các công ty của Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên.
Ít người nghĩ rằng trong cuộc gặp đầu tiên, ông Trump và ông Tập sẽ đạt được một bước đột phá đáng kể về vấn đề Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh từ lâu không muốn làm bất cứ điều gì gây bất ổn cho chế độ miền Bắc, bởi vì nếu có bất ổn thì hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ vượt qua biên giới vào lãnh thổ Trung Quốc.
Một số vấn đề khác cũng được đưa vào nghị trình làm việc của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, chẳng hạn như giảm thiểu các động thái quân sự có tính cách gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh hải, một ưu tiên khác là thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, một vấn đề lớn mà ông Trump đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử.
Một cuộc mặc cả lớn
Tuy nhiên xét chính quyền ông Trump luôn nhấn mạnh rằng tất cả mọi sự lựa chọn sẽ được đưa ra, không loại trừ giải pháp nào, để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, có tin đồn đoán cho rằng ông Trump có thể mưu tìm một thỏa thuận nhiều tầng lớp với ông Tập, sẽ bao gồm các vấn đề thương mại và an ninh khu vực.
Ông Bong Young-shik thuộc Viện Yonsei ở Seoul nhận định:
"Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Washington có sẵn sàng và có chịu đưa ra một số bước nhượng bộ, đủ để có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi về cơ bản những tương tác với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hay không.”
Ông Bong nói có lẽ Washington sẽ cần một phần nào đó, ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Đài Loan, đồng thời hạn chế bớt những lời chỉ trích nhắm vào thành tích nhân quyền của Trung Quốc, để khích lệ nước này ra hành động quyết liệt hơn chống lại Bắc Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Time, ông Trump nói: "Thương mại là động lực" mà Mỹ sẽ sử dụng trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc.
Được hỏi về một “cuộc mặc cả lớn" trong đó Trung Quốc sẽ gây áp lực với Bình Nhưỡng để đổi lấy lời hứa của Mỹ sẽ rút quân ra khỏi bán đảo Triều Tiên, tờ báo trích lời ông Trump nói rằng: "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ đứng ra giải quyết. Tôi chỉ có thể cho quý vị biết vậy thôi."
Giải pháp quân sự
Những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump và những bình luận của các quan chức trong chính quyền của ông cũng làm dấy lên những đồn đoán rằng ông Trump có thể ủng hộ giải pháp sử dụng vũ lực để giải quyết các mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Trong chuyến viếng thăm Seoul hồi gần đây, ông Tillerson tuyên bố nếu Bắc Triều Tiên leo thang "mối đe dọa về chương trình vũ khí của họ đến mức mà chúng tôi tin là cần có hành động quân sự, thì giải pháp đó sẽ được cứu xét".
Ông James Nolt, một nhà phân tích kinh tế chính trị quốc tế thuộc Viện Chính sách Thế giới, lo ngại rằng các giới chức có lập trường diều hâu trong chính quyền Trump có thể cứu xét việc phát động một cuộc tấn công phủ đầu để chặn Bắc Triều Tiên phóng đi một phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM), giải pháp quân sự đó được coi là một mố rủi ro có thể chấp nhận được để giữ gìn an ninh của Hoa Kỳ.
Nhà phân tích Nolt nhận định:
"Tôi nghĩ đó là một hành động có khả năng xảy ra bởi vì hành động này không nhất thiết phải giống như chiến tranh. Có thể đó là một phản ứng tương đối hợp lý trước một mối đe doạ, nhưng chắc chắn là nhìn từ quan điểm Bắc Hàn, thì hành động đó có tính cách ‘khiêu khích cao độ’.”
Nhiều người tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng một cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ không chấm dứt mối đe doạ hạt nhân vì nhiều cơ sở hạt nhân và phi đạn của nước này được giấu trong các hầm bí mật dưới lòng đất.
Và tệ hại hơn, theo các nhà phân tích, một cuộc tấn công của Mỹ có thể đẩy Trung Quốc và toàn bộ khu vực rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, có thể giết chết hàng triệu con người. - VOA
|
|
2.
Nổ ga tàu điện ngầm St Petersburg: 10 người chết
Vừa xảy ra hai vụ nổ ở các ga tàu điện ngầm tại thành phố St Petersburg của Nga, theo truyền thông Nga.
Con số thương vong chưa được xác nhận nhưng được nói là ít nhất 10 người thiệt mạng.
Người đứng đầu Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga nói vụ nổ xảy ra trên chuyến tàu chạy giữa ga Sennaya Ploshchad và ga Đại học Công nghệ (Tekhnologichesky Institut).
Ủy ban nói một thiết bị nổ sau đó đã được tìm thấy và đã được tháo gỡ an toàn tại một nhà ga khác, Ploshchad Vosstaniya.
Các tường thuật ban đầu nói đã xảy ra hai vụ nổ, một ở ga Sennaya Ploshchad và một ở ga Tekhnologichesky Institut.
Điều tra viên cao cấp Svetlana Petrenko nói với truyền thông Nga rằng việc người lái tàu quyết định tiếp tục đi về ga sau khi có vụ nổ đã giúp cứu sống được nhiều người, bởi nó cho phép việc cứu hộ diễn ra nhanh chóng hơn.
Con số thương vong mà giới chức đưa ra từ lúc xảy ra vụ việc tới giờ liên tục có thay đổi.
Trong thông tin cập nhật nhất, Bộ trưởng Y tế Veronika Skvortsova nói 10 người tử vong, trong đó có bảy người thiệt mạng tại chỗ, một trên xe cứu thương, và hai tại bệnh viện; 37 người khác bị thương.
Toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm của St Petersburg hiện đã bị đóng. Giới chức metro tại thủ đô Moscow nói họ đang áp dụng thêm các biện pháp an ninh sau những gì mới diễn ra.
Thiết bị nổ
Ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy một toa tàu điện ngầm với cửa bị nổ tung và bên trong bị phá hủy. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra nổ.
Andrei Przhezdomsky, người đứng đầu Ủy ban Chống Khủng bố Quốc gia Nga, nói đây có thể do một "thiết bị nổ chưa được nhận dạng".
Người phát ngôn cho cơ quan công tố Nga thì bình luận đây là "hành động khủng bố".
Các hãng tin cũng nói Tổng thống Vladimir Putin đã được thông báo về vụ này. Ông Putin tuyên bố rằng nhà chức trách đang điều tra mọi khả năng, kể cả khủng bố.
Ông nói tại cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko: "Tôi đã nói chuyện với lãnh đạo cơ quan an ninh và họ đang nỗ lực tìm ra nguyên nhân gây nổ."
Ông Putin ở St Petersburg vào lúc sáng nhưng sau đó đã rời thành phố.
Tăng cường an ninh
Interfax nói ít nhất 20 người bị thương và trong một vụ kẻ tấn công đã dùng thiết bị nổ có nhiều mảnh kim loại.
Russia Today trong khi đó cho biết khoảng 50 người bị thương.
Andrey Kibitov, người phát ngôn của chính quyền thành phố St Petersburg, nói có 41 xe cứu thương tại hiện trường.
Ga Tekhnologichesky Institut nằm trên hai tuyến metro số 1 và 2, được khai trương làm hai giai đoạn vào các năm 1955 và 1961.
Ga Sennaya Ploschad là ga tiếp theo trên tuyến số 2, khai trương năm 1963.
Tất cả các ga metro của St Petersburg đều đóng cửa, theo kênh Russia Today. Tổng cộng có 5 tuyến metro ở thành phố lớn thứ hai này của Nga, phục vụ hai triệu hành khách mỗi ngày.
Hệ thống giao thông công cộng ở Nga đã bị tấn công trong quá khứ. Năm 2010, ít nhất 38 người thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết ở metro Moscow.
Năm 2009, một quả bom phát nổ trên tàu cao tốc từ Moscow đi St Petersburg, làm 27 người chết và 130 người bị thương.
Cả hai vụ này sau đều có các nhóm Hồi giáo nhận trách nhiệm. - BBC
|
|
3.
Tàu khu trục Mỹ ghé Vịnh Subic của Phillipines --- Mỹ điều thêm 2 khu trục hạm đến tuần tra Biển Đông
Một tàu khu trục có phi đạn dẫn đường của Mỹ đang làm nhiệm vụ trên Biển Đông thả neo tại Vịnh Subic của Philippines hôm qua.
Tàu USS Fitzgerald của hãng vận tải Mỹ Strike Group 5 đã ghé cảng Subic một lát trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân chung tại Hàn Quốc.
“Thủy thủ đoàn trong chặng dừng chân này sẽ tiến hành một số sửa chữa nhỏ với sự hỗ trợ từ các công ty của Philippines”, sứ quán Mỹ cho tờ Phillipine Star biết.
“Tàu khu trục lớp Arleigh Burke tới Vịnh Subic nhấn mạnh sự liên kết mạnh mẽ giữa người dân và quân đội hai nước Mỹ-Philippines", Đại sứ quán Hoa Kỳ nói thêm.
Hải quân Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện của mình ở Biển Đông nhằm kiểm soát các vùng biển tranh chấp sau khi có báo cáo rằng Trung Quốc đang định đặt một trạm quan trắc tại bãi cạn Panatag.
Nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, bãi cạn Panatag là một tuyến đường sống còn đối với các lợi ích quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ bởi vì đây là khu vực chiến lược cho các hoạt động hàng hải dân sự và quân sự cũng như các chuyến bay qua biển Đông và Thái Bình Dương.
Các nhà phân tích quân sự và quốc phòng từ lâu đã cảnh báo rằng nếu không kiểm soát các kế hoạch của Trung Quốc ở bãi cạn Panatag sẽ dẫn đến một sự thay đổi lớn về an ninh hàng hải ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. - VOA
***
Trước lúc hai lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau tại Florida, hai khu trục hạm thuộc Hạm Đội 3 của Hải Quân Mỹ đã rời cảng San Diego hôm 31/03/2017, trực chỉ khu vực Biển Đông. Hai chiến hạm này sẽ tăng cường cho nhóm tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, cũng thuộc Hạm Đội 3, đang hoạt động trong vùng.
Theo ghi nhận của nhật báo San Diego Union Tribune tại cảng San Diego (California, Hoa Kỳ), nơi Hạm Đội 3 đặt tổng hành dinh, hai chiếc tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường USS Sterett và USS Dewey đã được phái qua hoạt động trong vòng 4 tháng tại khu vực tây Thái Bình Dương, bao gồm cả vùng Biển Đông.
Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, khi đến nơi, hai khu trục hạm này có thể phối hợp hoạt động với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson thuộc Hạm Đội 3, vốn đã được được điều đến hoạt động trong vùng từ tháng Hai vừa qua.
Tờ báo đặc biệt nhắc lại rằng, thông thường, trong sáu thập kỷ qua, khu vực phía tây Thái Bình Dương thuộc quyền quản lý của Hạm Đội 7, trong lúc Hạm Đội 3 phụ trách phần phía đông. Nếu tàu của Hạm Đội 3 vượt qua lằn ranh phân chia hai khu vực, thì lập tức quyền điều động các chiến hạm này được trao cho Hạm Đội 7.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, Hải Quân Mỹ đã bắt đầu áp dụng chiến thuật mới, cho phép tàu của Hạm Đội 3 khi hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương, vẫn tiếp tục nằm dưới quyền chỉ huy của bộ tư lệnh hạm đội đặt tại San Diego. Quy định mới này cho phép Mỹ tăng cường sức mạnh Hải Quân trong vùng vì có thể phối hợp uy lực của cả hai Hạm Đội 3 và 7 nhằm đối phó với Trung Quốc khi cần thiết.
Ngay từ năm 2016, Hạm Đội 3 đã từng phái tàu đến hoạt động ở Biển Đông, cụ thể là chiếc khu trục hạm USS Decatur đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng. - RFI
|
|
4.
Mỹ sưởi ấm quan hệ với Ai Cập
Sau 4 năm căng thẳng, Washington cải thiện quan hệ với Cairo. Tiếp tổng thống Ai Cập, tướng Abdel Fattah al Sissi tại Nhà Trắng ngày 03/04/2017, lãnh đạo Hoa Kỳ Donald Trump tránh đề cập đến hồ sơ nhân quyền. Theo thông tín viên đài RFI từ Washington, đây là một sự thay đổi ngoạn mục trong chính sách của Washington với Cairo.
"Tướng al Sissi là một trong số các lãnh đạo trên thế giới nóng lòng chờ đợi Barack Obama rời khỏi chính quyền. Tổng thống Mỹ mãn nhiệm đã không tiếp nguyên thủ Ai Cập tại Washington. Thậm chí ông Obama đã có lúc còn ngưng cấp vũ khí của Hoa Kỳ cho Cairo. Đây là một khoản trợ giúp mang tính chiến lược, lên tới 1,3 tỷ đô la một năm. Bên phía đảng Dân Chủ đã viện cớ chính quyền của tổng thống al Sissi ‘trắng trợn vi phạm nhân quyền’ khi đưa ra quyết định nói trên.
Đến Washington lần này, dường như tổng thống al Sissi đang hy vọng ông Trump sẽ khoan dung hơn trên vế nhân quyền. Lãnh đạo hai nước đã từng tiếp xúc với nhau một lần bên lề cuộc họp tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Ông Donald Trump hài lòng trước việc tổng thống Ai Cập điều hành đất nước một cách nghiêm khắc. Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ông Trump đã từng nêu thí dụ cụ thể của Ai Cập trong chính sách chống khủng bố.
Ngoài những điểm đồng thuận giữa hai nguyên thủ, như giải thích của phát ngôn viên Nhà Trắng, không ai biết rõ đôi bên sẽ trao đổi với nhau những gì. Cũng không ai biết là trong các cuộc trao đổi riêng, tổng thống Mỹ liệu sẽ có đòi đồng nhiệm Ai Cập đóng góp tài chính nhiều hơn vào cuộc chiến chống khủng bố hay không. Đây là điều Donald Trump vẫn thường tuyên bố trước công chúng". - RFI
|
|
5.
Bầu cử tổng thống Ecuador: Ứng viên cánh tả Lenin Moreno chiến thắng khít khao
Tại Ecuador, ứng cử viên của liên minh cánh tả là Lenin Moreno hôm nay chính thức giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử tống thống hôm qua 02/04/2017 với tỉ số khít khao, sau khi các cuộc thăm dò cho những kết quả trái ngược gây ra một số vụ đụng độ giữa những người ủng hộ đôi bên.
Ứng viên ôn hòa của Alliance Pais (Liên minh Tổ quốc) đạt được 51,12% tổng số phiếu. Như vậy ông Lenin Moreno, 64 tuổi, bị liệt hai chân sau một vụ tấn công vũ trang năm 1998, sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Ecuador di chuyển bằng xe lăn. Ứng cử viên cánh hữu Guillermo Lasso của phong trào Creo (Tạo ra cơ hội), 61 tuổi cho biết sẽ phản đối kết quả nếu thấy có dấu hiệu gian lận.
Từ Quito, thông tín viên RFI Eric Samson tường thuật chi tiết :
"Trong vài tiếng đồng hồ, người dân Ecuador đã trải qua nhiều cảm xúc trái ngược lẫn nhau. Một cuộc thăm dò cho biết ông Guillermo Lasso cao hơn 6 điểm, nên ông nhanh chóng tuyên bố chiến thắng. Những người ủng hộ ông bèn nhanh chóng ăn mừng trên các đường phố Ecuador, cho đến lúc kết quả chính thức sau khi kiểm 94% số phiếu được công bố, làm thay đổi cục diện. Tại Quito, đến lượt ứng cử viên cánh tả Lenin Moreno tuyên bố giành thắng lợi.
Ông nói : « Cuộc cách mạng tiếp diễn, chắc chắn là sẽ tiếp diễn, nhưng phương pháp sẽ thay đổi. Chúng ta bước vào một thời kỳ mà xung đột sẽ giảm xuống, một thời kỳ nhiều khoan dung hơn. Chúng ta có những con số hoàn toàn được khẳng định các đồng chí ạ, ta đã thắng trong kỳ bầu cử tổng thống này ».
Sự việc trở nên phức tạp hơn khi vào cuối buổi tối, tổ chức Tham dự Công dân loan báo một cuộc kiểm đếm nhanh 99,3% số phiếu cho thấy hai ứng cử viên gần như thủ hòa với tỉ lệ cách biệt chỉ có 0,6%. Tại Guayaquil, thành phố lớn nhất nước, các vụ đụng độ xảy ra trên con đường gần Ủy ban bầu cử quốc gia trong khi ở thủ đô Quito, những người ủng hộ ông Lenin Moreno mừng chiến thắng trước trụ sở của đảng Liên minh Tổ quốc ».
Chiến thắng của ông Lenin Moreno, người sẽ duy trì mục tiêu « chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 » của tổng thống tiền nhiệm Rafael Correa, sẽ tăng thêm sức mạnh cho cánh tả châu Mỹ la-tinh, vốn đang suy sụp sau khi Achentina, Brazil và Pêru ngã sang cánh hữu. Người sáng lập WikeLeaks, Julian Assange cũng có thể thở phào nhẹ nhõm, vì ông Guillermo Lasso tuyên bố nếu đắc cử sẽ không để cho ông Assange tiếp tục tị nạn tại đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn, nơi ông nương náu từ tháng 6/2012 đến nay.
Tân tổng thống của đất nước dầu lửa đang nợ nần sẽ phải đối đầu với tình hình kinh tế sa sút và sự chống đối của phe đối lập bị thua sát nút. Nhà kinh tế, tổng thống mãn nhiệm Rafael Correa dự định sẽ sang quê vợ ở Bỉ sinh sống và giảng dạy, đã dùng nguồn lợi dầu lửa để hiện đại hóa Ecuador và giảm bớt bất bình đẳng xã hội, nhưng ông bị trách cứ là đã quá lãng phí và thường xuyên kình địch với giới kinh doanh, truyền thông, các tập đoàn đa quốc gia. - RFI
|
|
6.
Lotte quyết duy trì hoạt động tại Trung Quốc
Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc bất chấp những căng thẳng ngoại giao liên quan đến việc Hàn Quốc triển khai một hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ, giám đốc điều hành Lotte tuyên bố ngày 3/4, bác tin đồn rằng Lotte muốn rút khỏi Trung Quốc.
Nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục cửa hàng bán lẻ của Lotte sau các cuộc kiểm tra nhằm tăng áp lực lên tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc sau khi Lotte đồng ý giao đất để lắp đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ bên ngoài Seoul.
Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ nói rằng hệ thống này được thiết kế để ngăn chặn mối đe dọa phi đạn của một Bắc Triều Tiên có trang bị võ khí hạt nhân, nhưng Bắc Kinh cho rằng hệ thống radar của THAAD có thể nhắm tới Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi tẩy chay Lotte nhằm phản ứng với việc triển khai THAAD.
“Đã 20 năm kể từ khi Lotte bước vào thị trường Trung Quốc ... Chúng tôi tin rằng thị trường Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn cần đầu tư, lãnh đạo cao cấp của Lotte, Hwang Kag-gyu, cho biết.
Truyền thông Hàn Quốc kể cả hãng thông tấn Yonhap nêu khả năng có thể Lotte sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc trước làn sóng phản ứng dữ dội đối với tập đoàn này.
Lotte chưa vạch ra kế hoạch đương đầu với khó khăn ngoài việc chờ mọi sự trôi qua.
Tháng trước, một tấm biển bằng Hoa ngữ ghi dòng chữ “Chúng tôi hiểu các bạn, và chúng tôi chờ đợi” được đặt trên bảng hiệu của cửa hàng Lotte ở Seoul.
75 trong số 99 siêu thị Lotte ở Trung Quốc đã bị chính quyền Trung Quốc đóng cửa tính đến ngày ngày 2 tháng 4, một phát ngôn viên của Lotte cho Reuters biết. Lotte Mart báo cáo doanh số bán hàng ở Trung Quốc năm ngoái là 1.13 nghìn tỷ won (1,01 tỷ đô la Mỹ).
Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất của Lotte và đã tạo ra khoảng 3 nghìn tỷ won trong năm 2016. Đây là một trong bốn thị trường chiến lược của Lotte cùng với Việt Nam, Nga và Indonesia mà tập đoàn đang chú trọng trong khi tăng trưởng bán lẻ ở thị trường nội địa Hàn Quốc chậm lại.
Các hãng hàng không và các hãng du lịch Hàn Quốc cũng đã trải qua các chiến thuật phân biệt đối xử từ Trung Quốc. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Con rể của ông Trump Jared Kushner thăm Iraq
Một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc cho biết ông Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của Tổng thống Donald Trump, đang có mặt ở Iraq.
Hôm Chủ Nhật quan chức này cho hay ông Kushner lên đường cùng với Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu Trưởng Liên quân Hoa Kỳ.
Các chi tiết về chuyến đi thăm Iraq của ông Kushner không được công bố tức thời, tuy nhiên chiến dịch quân sự chống các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Iraq có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo đã tiến hành các cuộc không kích hỗ trợ cho quân đội Iraq chống lại các phần tử thánh chiến.
Ông Kushner, cũng như nhạc phụ của ông, không có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ trước đây. Tuy vậy, ông Kushner đã nhanh chóng trở thành một trong những người quyền lực nhất ở thủ đô Washington.
Kushner kết hôn với ái nữ Ivanka của Tổng thống Trump. - VOA
|
|
8.
Dân biểu Chaffetz yêu cầu ông Flynn hoàn trả chục ngàn tiền lãi
Một nhà lập pháp cấp cao của Hoa Kỳ nói ông sẽ tìm cách buộc cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump phải trả lại "hàng chục ngàn đô la" vì đã đại diện cho các lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây, ngay cả khi ông nắm giữ một vai trò quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.
Tướng hồi hưu Michael Flynn từng giữ vị trí cố vấn an ninh hàng đầu tại Tòa Bạch Ốc trong vỏn vẹn 24 ngày trước khi bị ông Trump bãi nhiệm hồi tháng Hai vì lý do ông Flynn đã nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence và nhiều người khác về các cuộc tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Washington trong những tuần trước khi ông Trump lên nắm quyền.
Tuy nhiên, những món tiền mà ông Flynn nhận vì đã đóng vai trò đại diện cho các lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mới được tiết lộ từ hồ sơ khai thuế của ông và thông tin do các nhà điều tra tại Quốc hội thu thập được. Các tài liệu cho thấy ông Flynn đã nhận tổng cộng 500.000 đô la hồi năm ngoái để đại diện cho các lợi ích của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong một vụ tranh chấp với chính phủ Mỹ, ngoài ra ông còn được trả khoảng 70.000 đô la tiền thù lao do các tổ chức liên quan đến Nga thanh toán.
Trong các hình thức thanh toán tiền bạc mà Nga dùng để trả cho ông Flynn có một chuyến đi Moscow năm 2015, để kỷ niệm 10 năm kỷ niệm sự thành lập của mạng lưới truyền hình Nga Russia Today. Dịp này, ông Flynn được sắp xếp ngồi gần Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dạ tiệc gala.
Dân biểu Jason Chaffetz, thành viên cao nhất của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Hạ viện Giám sát Chính phủ, hôm thứ Hai cho hay ông sẽ yêu cầu Văn phòng Chính phủ giám sát trách nhiệm giải trình xem xét các khoản tiền đã trả acho ông Flynn.
Ông Chaffetz nói: "Hình phạt dựa trên tiền lệ mà ông Flynn có phần chắc sẽ phải hoàn trả tất cả số tiền mà ông ấy đã nhận.”
Ông Flynn là trọng tâm trong các cuộc điều tra do Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI và các ủy ban tình báo tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ tiến hành. Các cơ quan này đang điều tra những kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng Nga đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái nhằm giúp ông Trump thắng cử. FBI nói họ đang điều tra xem liệu các trợ lý của ông Trump có cấu kết với các điệp viên Nga để tăng cơ hội trúng cử của ông Trump ta hay không.
Tuần trước, ông Flynn yêu cầu được miễn tố trước khi ra khai chứng trước Quốc hội về những sự tiếp xúc của ông với các lợi ích của nước Nga. Nhưng yêu cầu của ông bị bác bỏ, các nhà lập pháp nói rằng hãy còn quá sớm trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ để có thể xác định liệu họ có cần cấp quyền miễn tố đối với bất kỳ nhân chứng nào hay không. - VOA
|
|
9.
Tổng thống Trump hiến tặng lương cho Công viên Quốc Gia
Tổng thống Donald Trump, một tỷ phú bất động sản trước khi ra tranh cử chính trị, đã quyết định hiến tặng tiền lương ba tháng đầu năm nay của mình trị giá 78,333 đô la cho Dịch vụ Công viên Quốc Gia, theo loan báo từ Tòa Bạch Ốc ngày 2/4.
Thời tranh cử, ông Trump từng hứa nếu trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc, ông sẽ hiến tặng toàn bộ số tiền 400,000 đô la lương năm của Tổng thống.
"Chuyện nhỏ đối với tôi", ông Trump tuyên bố hồi tháng 9 năm 2015.
Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, cơ quan trông coi 417 công viên quốc gia, đền đài và các địa điểm khác, cho biết ông hết sức "phấn khích" với quyết định của Trump. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
10.
Biển Đông: Chiến lược tàu cá của Việt Nam tại bãi Scarborough
Sự vụ bắt nguồn từ một tin ngắn Twitter của ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ (US Naval War College) ngày 25/03/2017, trong đó ông ghi nhận « vô số tàu đánh cá và hải cảnh Việt Nam hiện diện ngay vào lúc này » tại khu vực bãi Scarborough Shoal Biển Đông. Căn cứ vào thông tin này, trên trang mạng The Interpreter của Viện Nghiên Cứu Lowy tại Úc, chuyên gia Euan Graham đã cho rằng sự kiện trên có thể phản ánh một chiến lược mới của Việt Nam nhằm thúc đẩy việc tôn trọng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016.
Thông tin về sự hiện diện của đông đảo tàu cá Việt Nam tại khu vực Scarborough phía bắc Biển Đông đã được giáo sư Ryan Martinson loan báo dựa trên các tín hiệu tự động cảnh báo AIS mà các chiếc tàu phát đi, cho thấy vị trí của con tàu trên bản đồ.
Căn cứ vào các tín hiệu đó, ông đã phác họa ra một sơ đồ cho thấy hơn một chục chiếc tàu Việt Nam với tên và số hiệu trong khu vực bãi Scarborough, thậm chí có chiếc mang tên Linh 78 hôm 24/03, neo đậu ngay cạnh bãi ngầm này, cách tàu Ngư Chính (Yu Zheng) 312 của Trung Quốc không xa.
Đối với chuyên gia Úc Euan Graham, thông tin mà giáo sư Martinson tiết lộ là một dấu hiệu nhắc nhở rằng "những ai đã khai tử phán quyết tháng 7 năm ngoái về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye cần phải chú ý quan sát tình hình bãi Scarborough".
Ông Euan Graham nhắc lại rằng bãi Scarborough là đối tượng một cuộc tranh chấp song phương giữa Philippines-Trung Quốc, và rất xa Việt Nam. Thế nhưng trong phán quyết của mình, Tòa Trọng Tài La Haye ở đoạn 807, đã tuyên bố rằng bãi này là ngư trường truyền thống của ngư dân nhiều nước, trong đó có Philippines, Trung Quốc (kể cả Đài Loan) và Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Úc, khi cho tàu cá và tàu chấp pháp biển của mình đến tận bãi Scarborough xa xôi, Việt Nam đã khéo tranh thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye. Bằng cách khẳng định quyền đánh cá truyền thống của mình, Việt Nam đã mặc nhiên biến mình thành một bên thứ ba trong một phán quyết vốn chỉ liên quan đến hai nước Philippines và Trung Quốc.
Điều đáng nói trong động thái này, theo ông Graham, là "sự can thiệp của một bên thứ ba cho phép duy trì sức sống cho phán quyết La Haye bằng cách quốc tế hóa vấn đề, đồng thời khiến cho Bắc Kinh và Manila gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thỏa hiệp với nhau mà không tôn trọng quyền lợi của Việt Nam tại Biển Đông".
Nhà nghiên cứu Úc cho rằng Manila mới đây đã loan báo một cơ chế phối hợp song phương với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, sẽ bắt đầu vào tháng Năm tới đây, và điều đó có thể đã khiến cho Việt Nam quan ngại. Đối với chuyên gia Graham, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rất có thể là không hoan nghênh sự can dự của Việt Nam vào vấn đề Scarborough, vì làm cho vấn đề phức tạp thêm vào lúc Manila đang cố xích lại gần Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo ông Graham, Việt Nam chắc chắn cũng nhận thức rõ được là lúc này không nên tự cô lập mình bằng cách khiến cho đồng minh trên tuyến đầu trong mặt trận Biển Đông bất binh, nhất là vào lúc Philippines lại làm chủ tịch ASEAN và chủ trì cuộc đàm phán với Trung Quốc về một bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông.
Do vậy, chuyên gia Úc cho rằng rất có thể là Việt Nam đã có tham khảo Philippines trước khi hành động, và Manila đã ngấm ngầm đồng ý để có thêm thượng phong trước khi đàm phán với Bắc Kinh. Nhìn dưới ống kính đó, sự xuất hiện của ngư dân Việt Nam ngoài khơi bãi Scarborough Shoal là một cách đầy sáng tạo để giành lại thế chủ động bị mất vào tay Trung Quốc kể từ tháng 7 năm ngoái.
Nếu Trung Quốc bị buộc phải tuân thủ với phán quyết La Haye về Scarborough Shoal, bằng cách cho phép Việt Nam đánh bắt cá tại đấy (điều mà Bắc Kinh đã từng làm, kể cả trong năm 2012), Hà Nội có thể không chỉ giúp ngăn chặn việc bồi đắp thêm một hòn đảo nhân tạo mới, mà còn có thể mở rộng tiền lệ này qua trường hợp Trường Sa và Hoàng Sa, nơi việc ngư dân Việt Nam bị sách nhiễu từ lâu nay là một mối quan tâm lớn của Việt Nam.
Tóm lại, Euan Graham kết luận, sự xuất hiện của một đội tàu cá Việt Nam gần một trong những điểm nóng xa xôi nhất của vùng Biển Đông không đơn thuần là để đánh bắt cá. Mục tiêu pháp lý và ngoại giao của Hà Nội sâu xa hơn. Cần xem Trung Quốc phản ứng ra sao, nhưng rõ ràng là phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vẫn phát sinh tác dụng. - RFI
|
|
11.
Việt Nam bị nêu trong danh sách 'gian lận thương mại' của Trump
Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia 'gian lận thương mại' vừa bị Tổng thống Hoa Kỳ ký lệnh hành pháp hôm 31/03.
Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các quốc gia trong danh sách này còn có Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Mexico, Ireland, Ý, Canada.
Lệnh của ông Donald Trump nhằm xem xét lại "lý do và thủ phạm" gây thâm hụt thương mại lên tới hơn 500 tỷ USD mỗi năm với 16 quốc gia, trong đó lớn nhất là Trung Quốc.
Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Hoa Kỳ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida tuần này.
Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cảnh báo Bắc Kinh, dù Washington nhấn mạnh lệnh của Tổng thống Trump không tập trung cụ thể vào bất kỳ một quốc gia nào.
Bản thân ông Trump không tiếc lời chỉ trích các nền kinh tế nói trên.
"Họ là những kẻ lừa đảo. Từ giờ trở đi, những ai phá luật sẽ phải chịu hậu quả và sẽ có những hậu quả nghiêm trọng," Tổng thống Trump nói mà không nhắc tên bất kỳ nước nào.
Phát biểu tại Phòng Bầu Dục hôm 31/03/2017 sau khi ký sắc lệnh, ông nói:
"Hàng nghìn nhà máy bị đánh cắp đi khỏi đất nước chúng ta, nhưng những người Mỹ không có tiếng nói nay đã có tiếng nói của họ trong Tòa Bạch Ốc. Chính quyền của tôi sẽ chấm dứt các vụ trộm cắp sự thịnh vượng của Hoa Kỳ. Chúng ta sẽ bảo vệ nền công nghiệp của mình và tạo ra sân chơi bình đẳng cho người lao động Mỹ."
Lệnh này cũng sẽ khởi động cuộc điều tra "từng quốc gia một, từng sản phẩm một" trong 90 ngày, theo Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
Điều tra sẽ truy tìm chứng cứ cho thấy có "lừa đảo", các hành vi sai phạm, thỏa thuận thương mại không đúng cam kết, thi hành lỏng lẻo, sai lệch về tiền tệ và "những giới hạn gây phiền nhiễu của Tổ chức Thương mại Quốc tế", trang Investvine dẫn lời.
'Bán phá giá'
Trang USA Today trích lời ông Peter Navarro, cố vấn thương mại cao cấp của tổng thống, nói đây là phần "cực điểm" trong lời hứa mang lại công việc cho người Mỹ được đưa ra từ chiến dịch tranh cử của ông Trump.
"Hôm nay, đây là khởi đầu của việc thực hiện những lời hứa đó một cách vĩ đại," tiến sỹ Navarro nói.
Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sean Spicer nói nhiều quốc gia "bán phá giá hàng hóa giá trị thấp" vào thị trường Hoa Kỳ, khiến doanh nghiệp nội địa "không thể" cạnh tranh với mức "giá rẻ giả tạo".
"Vấn đề này đặc biệt xuất hiện ở những quốc gia mà chính quyền trợ cấp xuất khẩu hàng hóa sang đất nước chúng ta. Vậy, để ngăn cách làm này, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ có cơ chế đánh giá cách giao dịch kiểu này và áp dụng hình phạt tài chính, được gọi là thuế chống trợ cấp, khi cơ quan này xác định có xảy ra tình trạng bán phá giá độc hại," Financial Timedẫn lời ông Spicer nói.
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ lớn nhất với Trung Quốc (347 tỷ USD), Nhật Bản 68,9 tỷ USD; với Việt Nam, con số này là 32 tỷ USD.
Bộ trưởng Wilbur Ross giải thích thêm, con số thâm hụt thương mại không hoàn toàn do các thỏa thuận thiếu công bằng hay gian lận mà còn do lượng nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ, hoặc việc buộc phải nhập khẩu một số sản phẩm Hoa Kỳ không sản xuất, Investvine viết.
Dự kiến vấn đề này cũng sẽ được đưa vào lịch trình trong cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida sắp tới. - BBC
|
|
12.
Đề nghị cách chức ông Võ Kim Cự?
Báo Pháp luật TP HCM cho hay cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự bị đề nghị cách chức Bí thư Đảng Đoàn và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vì vụ Formosa.
Ông Cự, ngoài vị trí Bí thư, còn từng làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, nơi có dự án của tập đoàn Formosa Đài Loan.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN hồi tháng Hai kết luận ông có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật vì liên quan tới vụ Formosa xả thải gây thảm họa môi trường ở Hà Tĩnh hồi năm ngoái.
Ủy ban Kiểm tra nói ông "đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh".
Ông đã từ tỉnh chuyển ra Trung ương làm việc tại Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ 10/2015.
Từ tháng 11/2016, ông Võ Kim Cự đã bị Đảng Cộng sản "kiểm tra sai phạm".
Pháp luật TP HCM dẫn nguồn không nêu tên nói "Đảng ủy khối cơ quan trung ương tuần trước đã bỏ phiếu với tỷ lệ lớn đề nghị kỷ luật cách chức với ông" Võ Kim Cự.
Ông Cự còn phải kiểm điểm ở các tổ chức đảng mà ông từng sinh hoạt, bao gồm cả Hà Tĩnh và Liên minh Hợp tác xã.
Chưa rõ điều gì xảy ra với tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự nếu như ông bị cách chức.
Hiện ông vẫn là đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.
6/4 là ngày đánh dấu sự cố môi trường biển miền Trung một năm trước.
Tại họp báo Chính phủ chiều 3/4, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói "bốn tỉnh miền Trung đã thực hiện rất nghiêm túc vấn đề kê khai, chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chịu thiệt hại" trong sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Tuy nhiên cùng ngày 3/4, tại Lộc Hà, Hà Tĩnh đã xảy ra biểu tình đông người phản đối chính quyền địa phương. Một trong những điểm người biểu tình khiếu nại là họ không nhận được tiền bồi thường thiệt hại như đã cam kết.
Ông Mai Tiến Dũng nói theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì "Formosa có 53 lỗi, đến nay họ đã khắc phục được 51 lỗi".
"Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, khi nào Formosa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động an toàn, không để xảy ra sự cố thì cho phép hoạt động." - BBC
|
|
13.
Chính quyền Lộc Hà, Hà Tĩnh đồng ý đối thoại với dân về Formosa
Một cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn ngư dân đã diễn ra trong ngày 3/4 ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh và kết thúc trong ôn hòa. Cuộc biểu tình đã buộc chính quyền địa phương phải đối thoại với người dân về những vấn đề liên quan đến vụ ô nhiễm Formosa.
Anh Ngọc Hướng, một người dân địa phương tham gia biểu tình, cho VOA biết người dân 2 xã Thạch Kim và Thạch Bằng đã tràn vào trụ sở ủy ban nhân dân huyện từ sáng cho đến chiều.
Biểu tình bắt đầu ở Thạch Bằng trong những ngày cuối tháng 3 và tiếp tục cho đến bây giờ. Nhưng cuộc biểu tình ngày 3/4 có quy mô lớn hơn hẳn. Các nguồn tin địa phương tường trình rằng người dân vẫn tiếp tục đòi được đền bù thỏa đáng sau vụ ô nhiễm vị quy trách cho công ty Formosa, nhưng ngoài ra họ còn đòi chính quyền trả lời về cáo buộc rằng công an đã đánh đập dân và một số nhà hoạt động vào đêm hôm trước, tức mồng 2/4, và đã có những hành vi bôi nhọ các vị linh mục và giám mục Giáo phận Vinh.
Hãng Formosa của Đài Loan hồi năm ngoái đã gây ô nhiễm ven biển 4 tỉnh miền trung Việt Nam trong quá trình hoàn thiện một nhà máy thép lớn ở Hà Tĩnh. Hãng đã nhận trách nhiệm và bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.
Trong nửa cuối năm 2016 đến nay, chính quyền Việt Nam chi trả bồi thường cho những người dân bị thiệt hại. Nhưng đã xảy ra hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ ở Hà Tĩnh và Nghệ An, vì hàng chục nghìn người cho rằng cách tính toán bồi thường không thỏa đáng.
Trong cuộc biểu tình hôm 3/4 ở huyện Lộc Hà, anh Hướng và nhiều người địa phương ước tính lúc cao điểm có khoảng 7.000 người quanh khu vực nơi đặt trụ sở ủy ban. Hai phần ba số người biểu tình là giáo dân.
Khi người dân tràn vào trụ sở, cán bộ và nhân viên ủy ban đã rời đi. Một số người mô tả “trụ sở huyện đã thất thủ”.
Các nguồn địa phương cũng cho hay chính quyền đã cử hàng nghìn nhân viên công an, an ninh đến khu vực, nhưng không có hành động đàn áp, bắt bớ.
VOA không có điều kiện để kiểm chứng tất cả các thông tin này.
Mặc dù không có đụng độ giữa người biểu tình với công an, song theo anh Hướng, một người đàn ông bị nghi là nhân viên công an mặc thường phục đã trà trộn vào đám đông người biểu tình, dường như có ý định gây rối. Người này đã xô xát với người biểu tình và ông ta đã bị thương.
Đến gần chiều tối, đại diện chính quyền huyện hứa họ sẽ gặp gỡ, đối thoại với dân, và cuộc biểu tình kết thúc trong ôn hòa. Anh Hướng cho biết thêm:
“Có bà chủ tịch hội đồng nhân dân huyện và một người đại diện cho ủy ban huyện đứng ra nói ngày mai [4/4] sẽ ra gặp gỡ bà con. Họ chỉ nói là ra gặp gỡ và trả lời về những vụ việc trên. Thực ra diễn biến trong ôn hòa, nên chỉ có người công an giả dạng côn đồ bị đánh đập. Còn về bà con, mọi người đều không thiệt hại gì về tài sản cũng như thân thể”.
Một nguyên nhân khác làm đông đảo người dân kéo nhau đi biểu tình là vì đêm 2/4 một số người bị nghi là nhân viên an ninh nhà nước mặc thường phục đã gây sự, hành hung một số thanh niên ở xã Thạch Bằng.
Trong số các thanh niên này, có hai nhà hoạt động nhân quyền là Bạch Hồng Quyền, thành viên phong trào Con Đường Việt Nam, và Hoàng Đức Bình, thuộc tổ chức Phong trào Lao Động Việt. Anh Quyền có mặt trong đoàn biểu tình hôm 3/4 kể lại sự việc với VOA:
“Tối hôm qua [2/4], chúng tôi đi cà phê thì có một số công an thường phục họ gây sự với chúng tôi. Đầu tiên họ chặn xe, sau đó họ gây rối. Một tên công an huyện Lộc Hà họ nhảy vào họ đánh chúng tôi. Có một người tên là Giáp, công an xã Thạch Bằng, họ nổ súng họ bắn vào chúng tôi. Hôm nay, người dân xã Thạch Bằng cũng như Thạch Kim kéo ra ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà để yêu cầu chủ tịch UBND huyện Lộc Hà giải quyết việc công an nổ súng vào dân tối hôm qua”.
Anh Quyền nói vụ nổ súng không làm ai bị thương, nhưng những người bị nghi là công an đã “đạp”, “ném đá” và “chém bằng dao” làm anh và ít nhất 9 người dân khác bị thương.
Hầu hết báo chí chính thống của Việt Nam chưa đưa tin về những diễn biến này. Tối 3/4, trang nongnghiep.vn đăng một bài với tít “Cần xử lý nghiêm các đối tượng bao vây trụ sở huyện Lộc Hà”.
Trong bài báo, ông Lê Trung Phước, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà xác nhận “hàng trăm người dân” đã kéo đến “vây trụ sở UBND huyện”. Ông cho rằng việc làm đó đã “cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước” cũng như “ảnh hưởng” đến an ninh trật tự xã hội.
Bài báo dẫn lời vị chủ tịch UBND huyện nói rằng việc làm của người biểu tình là “vi phạm pháp luật”. Ông Phước nói thêm: “Chúng tôi đã … đề nghị lực lượng công an điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng liên quan”.
Ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An lân cận, từ năm ngoái đến nay đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn của những ngư dân bị thiệt hại do vụ Formosa. Người dân không chỉ đòi đền bù thỏa đáng mà còn yêu cầu Formosa phải đóng cửa. - VOA
|
|
14.
Nông dân trồng dưa lại mắc bẫy Trung Quốc
Nuôi heo xuất sang Trung Quốc, Trung Quốc không ăn heo Việt, nông dân khóc. Trồng chuối bán cho Trung Quốc, Trung Quốc bỏ chuối Việt, nông dân khóc. Trồng thanh long xuất sang Trung Quốc, Trung Quốc không thèm nhập thanh long, nông dân khóc. Trồng dưa hấu bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc, Trung Quốc ngưng mua dưa, nông dân khóc…
Có hàng trăm chuyện nông dân Việt Nam khóc vì Trung Quốc và dường như những chuyện này lặp đi lặp lại nhiều lần. Lần này, dưa hấu ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi bị bỏ thối trên ruộng bởi không có người mua. Người nông dân thêm một lần nữa điêu đứng, khổ sở vì Trung Quốc.
Bà Hiệp, nông dân trồng dưa hấu ở xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi chia sẻ với VOA: “Trước đây mấy năm thì làm xuất khẩu đi Trung Quốc nhưng năm nay sao không thấy ai tới mua. Làm lỗ nhiều lắm, vốn thì nhiều mà bán dưa thì rẻ, bán không được.”
Một nông dân khác trong xã tên Thiên cho biết: “Dưa thì rẻ mà vận chuyển rất khó khăn. Nếu như dưa được 4 ngàn, 5 ngàn thì còn thuê người vận chuyển xe cọc cạch, mượn người hái, khiên. Ví dụ như một sào thì mượn người hái, khiên lên đường cái, xe lên đường cái từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng rồi. Giờ dưa có 1 ngàn đồng thì lỗ tiền công lái. Giờ nó chín vậy nhưng người ta bỏ chứ hái ra bán không đủ tiền công, làm sao họ hái được.”
Với giá dưa 1000 đồng trên một ký lô và chuẩn dưa phải từ 5 ký lô trở lên, phải tròn trịa, chín mọng và hạt giống Thái Lan thì thương lái mới chịu mua xuất sang Trung Quốc. Với giá chỉ còn bằng 15% so với năm trước, người nông dân phải chịu thua lỗ, lâm nợ. Trong khi đó giá xăng chạy bơm nước, giá giống, phân, thuốc tăng vùn vụt.
Ông Thiên nói: “Thường thường thì bán cho thương lái Trung Quốc thì chủ yếu. Như năm ngoái nó ăn mạnh, nhưng mà năm nay, đầu mùa giờ thì nó ăn có mấy xe rồi nó không ăn nữa. Giờ mình phụ thuộc Trung Quốc, nó không ăn thì mình chịu luôn chứ. Nội địa thì họ mua có 1 ngàn đồng thì không đủ tiền vốn.”
“Vốn thì bỏ ra khoảng 4 chục triệu rồi đó. Giờ nếu họ mua một ngàn một ký thì thu được có năm, ba triệu gì thôi. Lỗ nhiều, rồi còn lỗ công,” bà Hiệp than thở.
“Như tôi là 4 héc ta. Đầu tư một trào khoảng 4 triệu đồng. Nhưng giá dưa hiện tại thì một trào lỗ 3 triệu, nhưng tui tới 4 héc nên giờ tui thiếu nợ ngân hàng một trăm mấy chục triệu. Như khu vực này không đã 400 héc ta, 500 héc ta rồi. Kêu người bán nhưng người ta đến rồi bỏ đi, không mua,” ông Thiên tiếp lời.
Ông Hai, nông dân trồng dưa ở Tịnh Hiệp, tỏ ra ngán ngẩm: “Năm ngoái bán được nên năm nay tôi trồng. Trời thì khô hạn, nước khô hạn, không đủ tưới nên dưa có 4 ký thôi nhưng hàng họ lấy 5 ký. Nhưng bà con hiện giờ đã bỏ bởi hai phần dưa thu được một phần, vậy nên thâm nợ nhà nước, không có tiền trả. Mong Chính phủ, bà con ủng hộ người ly cà phê để mua giúp chúng tôi, để tạo điều kiện sinh sống, nuôi con ăn học.”
Chuyện trái dưa hấu chỉ là một trong hàng núi chuyện mà người nông dân vấp phải cái bẫy giá cao, tiêu thụ mạnh của Trung Quốc. Và chơi với Trung Quốc, bao giờ cũng có tính đánh bạc, đỏ đen: được ăn cả, ngã về không. Và lần này dưa hấu lại ngã về không. - VOA
|
|
15.
Facebooker Ong Thế Quyên bị câu lưu
Facebooker có tên Ong Thế Quyên, người cầm biểu ngữ có hàng chữ “Sinh viên Việt Nam – Đòi tự do biểu tình cho tương lai” đăng tải trên trang cá nhân, bị bắt giữ tại công an Quận 12 từ khuya ngày 2 tháng 4. Theo lời bà Thu Nguyệt, một nhà đấu tranh có mặt tại công an phường Thạnh Lộc, quận 12 vào chiều tối ngày 3 tháng tư cho biết một số nhà hoạt động tập trung ở công an phường Thạnh Lộc, quận 12 để đòi người.
Theo lời bà Thu Nguyệt, nguồn tin Ong Thế Quyên bị bắt được đưa ra bởi nhà đấu tranh Phạm Thanh Nghiên:
“Phạm Thanh Nghiên có nói hồi khuya em nó có nhắn tin, nói là bị bắt về Quận 12, công an bắt mở Facebook ra và đọc được những tin nhắn rồi. Anh em tập trung ở đây khoảng chục người. Từ lúc 2g30 chiều, công an rất đông, an ninh, dân phòng…đứng từ ngã tư nên không thể vào được. Đi đòi người phải biết nguyên do bị bắt vì điều gì, giơ biểu ngữ hay điều gì thì mới dám vào hỏi thăm, mới có thể nhờ luật sư. Chúng tôi chỉ biết ngồi ở gần đây thôi. Công an vẫn đang đứng đầy ở đây.”
Hiện tại trang Facebook cá nhân của Ong Thế Quyên vẫn còn hoạt động. Trên đó, nội dung cuối cùng là vào ngày 2 tháng 4, hình ảnh người được cho là Ong Thế Quyên đang cầm biểu ngữ có dòng chữ “Sinh viên Việt Nam – Đòi tự do biểu tình cho tương lai” đứng trước trường Đại học Bách Khoa, cùng với lời viết: Các em hãy mau mau thức tỉnh và đứng lên đòi quyền lợi cho tương lai của chính mình.
Tại sao lại là ĐH Bách Khoa? Vì nơi đây là nơi sản sinh ra nhiều anh chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, sự nghiệp của mình vì tương lai của dân tộc, của Đất Nước. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment