Tuesday, April 11, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 11/4

Tin Thế Giới

1.
G7 không đồng thuận về việc trừng phạt Nga

Khối các nước công nghiệp phát triển, G7, không đạt được sự nhất trí đối với đề xuất của Anh theo đó muốn áp các lệnh trừng phạt lên Nga sau vụ tấn công bằng chất hóa học chết người mà phương Tây nói do đồng minh của Nga là Syria thực hiện.

Ngoại trưởng Italy nói khối này không muốn dồn Nga vào chân tường và muốn chọn giải pháp đối thoại.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã rời kỳ họp G7 tại Italy để sang Nga thảo luận tình hình.

Ông nói tổng thống Syria không thể đóng bất kỳ vai trò nào trong tương lai nước này.

Kỳ họp của khối G7 diễn ra tại thành phố Lucca của Ý, sau vụ tấn công bằng hóa chất hồi tuần trước vào thị trấn Khan Sheikhoun do các phiến quân Syria nắm giữ đã khiến cho 89 người thiệt mạng.

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba xác nhận rằng chất độc thần kinh sarin đã được sử dụng trong vụ đó.

Syria bác bỏ việc họ tiến hành vụ tấn công, nhưng Hoa Kỳ sau đó đã thực hiện một cuộc oach tạc trả đũa bằng cách phóng 59 hỏa tiễn tuần du vào một căn cứ không quân của Syria.

Kỳ họp kéo dài hai ngày của các bộ trưởng khối có mục đích tìm ra cách tiếp cận trong vấn đề Syria trước khi ông Tillerson đi Moscow.

Nhưng đã có những phân rẽ khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đề xuất áp lệnh trừng phạt đối với các nhân vật quân sự của Syria và của Nga liên quan tới vụ tấn công hóa học.

Phóng viên chuyên về ngoại giao của BBC James Robbins nói ông Johnson đã hy vọng là có thể giành được ít nhiều ủng hộ, nhưng thông cáo mà khối G7 đưa ra không nhắc gì tới việc trừng phạt.

Ngoại trưởng Ý Angelino Alfano nói các bộ trưởng muốn thảo luận với Nga.

Ông Johnson bác bỏ những bình luận nói ông đã thất bại, và nói sự ủng hộ đối với việc áp lệnh trừng phạt sẽ được đưa ra nếu như có thêm bằng chứng về vụ tấn công hóa học.

Một điểm có vẻ như được cả khối nhất trí là tương lai của ông Assad.

Ông Tillerson tóm tắt rằng: "Điều rõ ràng với tất cả chúng ta là sự trị vì của gia đình Assad đang đi đến hồi kết."

Ông cũng giành được sự ủng hộ đối với việc Mỹ tiến hành vụ tấn công trả đũa, điều mà ông gọi là "cần thiết, vì lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ". - BBC
|
|

2.
Tillerson đi Moscow, trắng tay trong vấn đề trừng phạt Nga, Syria --- Trump-Putin: Tuần trăng mật đã chấm dứt

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đến Moscow hôm thứ Ba nhưng không có nhiều công cụ trong tay như Washington và London từng hy vọng để nỗ lực thuyết phục Nga từ bỏ chế độ Bashar al Assad ở Syria.

Hội nghị ngoại trưởng G7 hôm thứ Ba tại Lucca, Italy, không thống nhất được các lệnh trừng phạt chọn lọc nhằm vào giới quân sự Nga và Syria, với lập luận rằng trước hết cần phải có cuộc điều tra xác nhận phe nào ở Syria đã sử dụng vũ khí hóa học đánh vào thường dân.

Phát biểu với các phóng viên khi chuẩn bị đi Moscow, nơi ông sẽ đưa ra tối hậu thư, Tillerson nói: "Chúng tôi không thể để điều này xảy ra lần nữa. Chúng tôi muốn làm dịu nỗi thống khổ của người Syria. Nga có thể góp phần vào tương lai đó và đóng một vai trò quan trọng. Hoặc Nga có thể duy trì liên minh với nhóm này, song chúng tôi tin rằng việc đó sẽ không phục vụ lợi ích dài hạn của Nga".

Vụ tấn công hóa học đã khiến cho thế giới lên án cũng như dẫn đến một cuộc tấn công tên lửa của Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt trong cách tiếp cận của chính quyền ông Trump đối với cuộc xung đột đã kéo dài 6 năm tại Syria.

Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, và Thủ tướng Anh, Theresa May, đã nhất trí sẽ gây sức ép để Nga tách ra khỏi ông Assad sau vụ tấn công bằng hóa chất với dự định áp dụng các biện pháp trừng phạt chọn lọc, nhưng hai quốc gia hàng đầu G7 là Đức và Ý đều không đồng ý.

Về phần mình, ông Putin hôm thứ Ba kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra về vụ tấn công hồi tuần trước. Không đưa ra chi tiết, ông cũng nói rằng Nga đã nhận được thông tin tình báo về những mưu đồ "khiêu khích" bằng cách sử dụng vũ khí hóa học để đổ lỗi cho chính phủ Syria.

Quyết định của các ngoại trưởng G7 ở Ý giờ đây đồng nghĩa là viễn cảnh trừng phạt trở nên mờ nhạt. Tiến trình thực hiện một cuộc điều tra sẽ kéo dài và phức tạp, đòi hỏi phải có một nghị quyết của LHQ và sự đồng ý của chính phủ Assad để các thanh sát viên vũ khí được tiếp cận các địa điểm bên trong phần lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của ông Assad trước khi xác định được ai chịu trách nhiệm và có phải là người Nga hay không.

Vào lúc tình hình biến chuyển nhanh chóng liên quan đến cách tiếp cận của Mỹ về vấn đề Syria, ông Tillerson nói rõ rằng Washington hy vọng Assad sẽ không phải là một thành phần trong tương lai của Syria. Ông nói với các bộ trưởng ở Lucca rằng cuộc tấn công tên lửa của Mỹ hồi tuần trước là cần thiết, đó là vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, và nó cho thấy chính quyền ông Trump chưa dừng lại đối với ông Assad. - VOA

***
Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng bênh vực tổng thống Nga Vladimir Putin trên báo chí Mỹ. Khi ông đắc cử tổng thống, báo chí chính thức ở Nga đã hết lời khen ngợi nhà tỷ phú New York.

Thế nhưng, sau vụ oanh kích của Hoa Kỳ vào Syria tuần trước, giọng điệu báo chí thân Putin đã thay đổi hẳn. Họ chỉ trích ông Trump « không có chút kinh nghiệm nào về chính trị quốc tế », « chỉ biết hành động theo cảm tính chứ chẳng biết suy xét gì ».

Đọc những lời chỉ trích nói trên, người ta có cảm tưởng là quan hệ Mỹ-Nga đang trở lại giống như thời tổng thống Obama. Sự thay đổi giọng điệu đó diễn ra vào lúc ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ đến Matxcơva ngày 11/04, chủ yếu để bàn về hồ sơ Syria với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov.

Điện Kremlin đã hy vọng rằng với tổng thống Trump, Hoa Kỳ sẽ hành động chung với Nga để chống các lực lượng khủng bố ở Syria và đây sẽ là một điểm khởi đầu tích cực cho hợp tác giữa hai nước trong tương lai trên hồ sơ Syria, cũng như trên những vấn đề khác.

Nhưng hy vọng này nay đã tan thành mây khói sau vụ oanh kích của Mỹ vào Syria để đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, mà chế độ Damas bị cáo buộc là thủ phạm, khiến 87 người chết. Bản thân ngoại trưởng Tillerson cuối tuần qua đã chỉ trích Nga, do « đồng lõa »hoặc do « bất tài », đã không ngăn chận vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào thường dân.

Hôm qua, Hoa Kỳ cũng đã khẳng định rằng Nga đã biết trước là sẽ có một vụ tấn công hóa học ở Syria, tuy hiện chưa có bằng chứng là Matxcơva có can dự vào vụ này.

Cho tới nay Nga vẫn khẳng định là chế độ Damas không hề sử dụng vũ khí hóa học, mà khí độc đã lan ra sau khi một kho chứa vũ khí hóa học của lực lượng nổi dậy bị trúng bom. Trong bối cảnh như vậy, cuộc họp ngày 12/04/2017 giữa hai ngoại trưởng Mỹ Nga ở Matxcơva sẽ khó đạt được thỏa thuận.

Căng thẳng Mỹ-Nga trên hồ sơ Syria chắc sẽ còn kéo dài, bởi vì hôm qua, Hoa Kỳ đã cảnh cáo sẽ oanh kích lần nữa nếu chế độ Damas mở các cuộc tấn công mới bằng vũ khí hóa học vào thường dân Syria. Trong khi đó, Nga cùng với Iran, một đồng minh khác của Damas đã đe dọa sẽ có « phản ứng quyết liệt » với mọi cuộc tấn công mới vào Syria. Nói cách khác, họ sẵn sàng đáp trả Hoa Kỳ bằng quân sự.

Sau vụ oanh kích của Mỹ vào Syria, Nga cũng loan báo đã đình chỉ thi hành thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc ngăn ngừa các sự cố giữa phi cơ hai nước trên không phận Syria. Matxcơva và Washington đã ký thỏa thuận này vào tháng 10/2015, vài tuần sau khi Nga khởi động chiến dịch can thiệp vào Syria để hỗ trợ cho chế độ Bachar al-Assad.

Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đang gia tăng áp lực để buộc Putin ngưng yểm trợ cho chế độ Bachar al-Assad. Nhưng vụ oanh kích của Mỹ vào Syria dường như đã khiến cho Matxcơva càng nghiêng hẳn về phía Damas. Hơn nữa, sau vụ oanh kích nói trên, Nga lại càng khó mà thay đổi thái độ với chế độ Bachar al-Assad, vì sợ sẽ bị xem là hành động dưới áp lực của Mỹ. Tóm lại, vì hồ sơ Syria mà « tuần trăng mật » giữa tổng thống Trump và tổng thống Putin có lẽ đã chấm dứt. - RFI
|
|

3.
TT Trump: Bắc Hàn 'muốn sinh sự' khi phát triển vũ khí hạt nhân --- Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng tiến hành "chiến tranh" với Mỹ

Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, tuyên bố hôm thứ Ba rằng "Bắc Triều Tiên đang muốn sinh sự" với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và ông đề nghị Trung Quốc giúp kiềm tỏa Bắc Hàn.

Ông Trump viết trên Twitter rằng "nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ, điều đó sẽ rất tuyệt vời. Nếu không, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề mà không cần họ!"

Ông Trump không nói chi tiết về những hành động mà Hoa Kỳ có thể thực hiện.

Ông Trump cho hay đã nói với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, trong cuộc họp thượng đỉnh hồi tuần trước rằng một thỏa thuận thương mại giữa Bắc Kinh với Washington "sẽ tốt hơn" dành cho Trung Quốc "nếu họ giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên!"

Trung Quốc là nhà tài trợ chính cho Bắc Triều Tiên, với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ mô tả Bắc Kinh là "đồng minh quan trọng nhất, đối tác thương mại lớn nhất, và nguồn lương thực, vũ khí và năng lượng chính của Bắc Triều Tiên".

Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng mệt mỏi vì các cuộc thử tên lửa liên tiếp của Bắc Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cũng như 5 cuộc thử hạt nhân. Một số nhà phân tích tin rằng Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ sáu.

Ông Trump cuối tuần trước cho điều một nhóm tàu tấn công của Hải quân Hoa Kỳ tới vùng biển bắc Thái Bình Dương gần Bắc Triều Tiên, gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Bắc Triều Tiên thì nói cuộc tấn công tên lửa của Mỹ hồi tuần trước vào Syria là minh chứng cho việc Bình Nhưỡng thực hiện chương trình phát triển hạt nhân vì lo ngại về một cuộc tấn công của Hoa Kỳ. - VOA

***
Ngày 11/04/2017, Bình Nhưỡng đã lên án Hoa Kỳ điều đội tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên và tuyên bố sẵn sàng tiến hành « chiến tranh » với Mỹ vào lúc căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Vào cuối tuần qua, Washington loan báo là đội tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ đi đến vùng bán đảo Triều Tiên, trong khi ban đầu đội tàu này dự kiến ghé cảng nước Úc.

Quyết định triển khai hàng không mẫu hạm Carl Vinson được loan báo trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa mở chiến dịch không kích vào Syria, cho nên đây được xem là hành động của chính quyền Donald Trump nhằm biểu dương lực lượng với chế độ Kim Jong Un. Cách đây khoảng hơn một tuần, tổng thống Trump từng tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng can thiệp « một mình » để giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên, nếu Bắc Kinh không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng này.

Ngày 11/04/2017 một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, được hãng tin chính thức KCNA trích dẫn, đã lên án việc triển khai « điên rồ » tàu sân bay của Mỹ nhằm « xâm chiếm » Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Phát ngôn viên này tuyên bố là Bình Nhưỡng sẵn sàng hành động, « cho dù Hoa Kỳ muốn chiến tranh kiểu gì ».

Theo lời cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, tướng McMaster, ông Trump đã yêu cầu các cố vấn của ông chuẩn bị toàn bộ các phương án để ngăn chận chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.

Nhiều nhà quan sát nghĩ rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị một vụ thử nghiệm hạt nhân thứ sáu, có thể được tiến hành vào dịp sinh nhật thứ 105 của Kim Nhật Thành, người khai sinh chế độ Bắc Triều Tiên. Về phía Hàn Quốc, thủ tướng kiêm tổng thống lâm thời Hwan Kyo Ahn hôm nay cũng đã cảnh báo về nguy cơ Bình Nhưỡng có hành động « khiêu khích nghiêm trọng » có thể xảy ra vào dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội Bắc Triều Tiên 25/04.

Hôm qua, đặc sứ Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên Vũ Đại Vĩ đã hội đàm với đồng nhiệm Hàn Quốc về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Theo Seoul, đại diện của hai nước đã đồng ý là cần có những biện pháp « mạnh » trong trường hợp Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.

Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đang dàn xếp một cuộc họp trong tháng này để bàn về hồ sơ Bắc Triều Tiên. - RFI
|
|

4.
Nhà Nước Hồi Giáo chỉ còn nắm 7% lãnh thổ Iraq

Phát ngôn nhân quân đội Iraq cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo mất dần đất ở Iraq và hiện đang kiểm soát chưa đến 7% diện tích đất nước.

Chuẩn tướng Yahya Rasool cho hay IS giờ đây kiểm soát một diện tích chưa bằng 1/4 những vùng đất mà chúng nắm giữ ở thời kỳ đỉnh cao là mùa Hè 2014. Vào thời điểm đó, nhóm Thánh Chiến kiểm soát hơn 40% Iraq.

Ông Rasool phát biểu: "Tính đến ngày 31/3, IS chỉ nắm giữ 6,8% lãnh thổ Iraq".

Nhóm IS chiếm Mosul vào tháng 6/2014, trước khi mở rộng phạm vi kiểm soát ở khu vực, chiếm một diện tích lớn ở Iraq và Syria. Kể từ đó, các lực lượng liên minh tiễu trừ các phần tử chiến đấu IS khỏi nhiều thành phố và thị trấn. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
TT Trump đang quay về với chính sách ‘can thiệp’ thế giới?

Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, tuần trước ra lệnh oanh kích trừng phạt Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, vì bị nghi đã tấn công bằng vũ khí hóa học vào một khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria.

Tuần này, ông Trump tái bố trí một nhóm hàng không mẫu hạm tấn công để gửi thông điệp tới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un.

Những động thái này khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu có phải ông Trump đang xa rời chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết," để trở lại lập trường chính thống hơn?

Chỉ một tuần trước, ông Trump còn lặp lại lời hứa đã nói hàng trăm lần khi vận động tranh cử.

Tổng thống Trump nói: "Tôi không phải là, và tôi không muốn làm tổng thống của thế giới. Tôi là tổng thống của Hoa Kỳ, và từ bây giờ trở đi sẽ là nước Mỹ trên hết".

Nhưng trong một tuần kể từ thời điểm đó, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump gặp thách thức bởi các vấn đề từ những nơi khác trên thế giới.

Tại Syria, một vụ tấn công nghi là bằng vũ khí hóa học đã khiến ông Trump tiến hành oanh kích vào chính phủ của ông Bashar al-Assad, kéo Hoa Kỳ vào sâu thêm trong cuộc nội chiến kéo đẫm máu dài đã 6 năm qua.

Tại châu Á, nhóm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đi về phía Bắc Triều Tiên.

Đó là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong Un.

Và ở Tòa Bạch Ốc là việc sắp xếp lại nhân sự.

Ông Trump đã đưa Steve Bannon, vị cố vấn trưởng có đầu óc dân tộc chủ nghĩa, ra khỏi vị trí hàng đầu trong Hội đồng An ninh Quốc gia.

Những động thái này được nhiều người trong giới làm về chính sách đối ngoại ca ngợi. Trong số họ, một vài người phân vân: liệu có phải ông Trump đang hướng đến một chính sách đối ngoại mang tính can thiệp nhiều hơn không?

Nhưng ông Jim Carafano, người từng làm việc trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump, cho rằng sẽ sai lầm khi nhìn sự việc theo cách đó.

Ông James Carafano, thuộc Quỹ Heritage, một tổ chức khuynh hướng Cộng Hòa, nói: "Tôi không nghĩ đó là chính sách đối ngoại can thiệp. Điều tổng thống thể hiện là sự sẵn sàng can thiệp khi lợi ích của Hoa Kỳ bị thúc ép".

Nói qua Skype, ông Carafano nhận xét rằng đó là sự tương phản với Tổng thống Barack Obama, người đôi khi không muốn sử dụng vũ lực trên thế giới.

Và cũng khác ông George W. Bush, người bị cáo buộc can thiệp quá nhiều.

Về phần mình, các quan chức chính quyền ông Trump nói cuộc oanh kích vào Syria không thể hiện cho việc áp dụng trở lại chính sách đòi thay đổi chế độ.

Cũng nói chuyện qua Skype, ông P.J. Crowley, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thời ông Obama, nói đó là điều khôn ngoan.

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Philip J. Crowley nói: "Tổng thống Trump được bầu lên để giải quyết các vấn đề ở Mỹ. Người ta không bầu ông lên để giải quyết các vấn đề ở Syria. Và đó là lý do vì sao Tòa Bạch Ốc rõ ràng phát đi tín hiệu rằng mặc dù tổng thống sẵn lòng có hành động quân sự, song ông sẽ vẫn rất hoài nghi về việc làm cho Hoa Kỳ dính líu sâu vào một cuộc nội chiến mà không có giải pháp quân sự nào cho nó cả".

Thư ký Báo chí Sean Spicer cho biết những động thái của tuần vừa qua đã bị giới truyền thông "thổi phồng", và các tin tức về việc cải tổ nhân sự ở Tòa Bạch Ốc là không chính xác: "Nơi duy nhất đang có cải tổ ngay bây giờ chính là Washington". - VOA
|
|

6.
Vụ lôi khách ra khỏi United Airlines gây phẫn nộ

Mạng xã hội phẫn nộ trước đoạn băng cho thấy một người đàn ông bị lôi ra khỏi ghế và và kéo lê trên lối đi trong chuyến bay từ Chicago đến Louisville của hãng hàng không United Airlines đêm 9/4 do thiếu ghế.

Giám đốc điều hành United Airlines nói nhân viên của mình đã "tuân theo các thủ tục đã được thiết lập" trong vụ việc, và thấy "giận dữ khi xem và nghe về những gì đã xảy ra".

Trong lá thư gửi cho nhân viên do truyền thông Mỹ đăng tải, ông Oscar Munoz cũng nói hành khách "gây cản trở và hung hãn". Trước đó hãng hàng không nói đang thực hiện điều tra vụ việc.

Ban đầu, danh tính của hành khách trên chưa được xác định, tuy nhiên một người ngồi cạnh ông nói với chương trình 5Live của BBC rằng "ông ta gốc từ Việt Nam, sống ở Louisville được 20 năm, cả ông và vợ cùng là bác sỹ".

Tiếp theo đó, một tờ báo tại Anh và một số báo Mỹ nói đây là ông David Đào, "bác sỹ 69 tuổi, người từ Việt Nam" và đi cùng vợ là Teresa.

Hình ảnh người đàn ông gốc châu Á bị kéo khỏi ghế và lôi khỏi máy bay được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và nhiều ý kiến bày tỏ phẫn nộ, thậm chí kêu gọi tẩy chay hãng United Airlines.

Chuyến bay hôm Chủ nhật kín người ngồi và hãng hàng không đề xuất đền bù cho bốn hành khách để nhường ghế cho nhân viên của mình.

Cách đây chưa lâu, hãng United Airlines cũng chịu nhiều chỉ trích khi cấm hai cô gái mặc quần leggings lên máy bay.

Tại sao thiếu ghế?

Việc thiếu ghế trên các chuyến bay thường xuyên xảy ra.

Những ghế trống khiến các hãng hàng không thiệt hại về tài chính, do đó họ bù lại lượng hành khách bỏ lỡ chuyến bay bằng cách bán thêm nhiều vé dự trù.

Trong trường hợp này, vấn đề nảy sinh do United Arlines đã quyết định vào phút chót để bốn nhân viên của họ lên chuyến bay đi họp gấp và cần cắt ghế của bốn hành khách thay vào đó.

Khi xảy ra vấn đề thiếu ghế, bước đầu tiên là đề nghị hành khách chịu thực hiện chuyến bay sau để đổi lại khoản bồi hoàn thiệt hại.

Hôm 9/4, các hành khách được đề nghị mức 400 đôla kèm một đêm khách sạn và vé đi chuyến bay chiều 10/4.

Khi không có ai chấp nhận đề nghị này, khoản tiền tăng lên 800 đôla. Vẫn không ai chịu, vì vậy một người quản lý lên máy bay và thông báo rằng bốn hành khách sẽ được chọn để rời khỏi chuyến bay.

Việc chọn người phải xuống máy bay dựa trên nhiều yếu tố, nhưng những người bay thường xuyên và hành khách mua vé với giá cao hơn được ưu tiên ở lại, phát ngôn viên của United khẳng định.

Theo các nhân chứng, người đàn ông khước từ việc ra khỏi máy bay cho biết ông là một bác sĩ và ông có hẹn khám bệnh ngày hôm sau, dù điều này chưa được xác nhận.

Một nhân chứng nói rằng người đàn ông "rất lo lắng" về khả năng phải nhường ghế và định gọi luật sư của ông ta.

Người quản lý hãng hàng không nói với ông rằng sẽ gọi an ninh nếu ông ta không tuân thủ.

Các nhân viên an ninh đến trao đổi với người đàn ông, sau đó người này bị kéo lê khỏi chỗ ngồi của mình với gương mặt đầy máu. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

7.
Amnesty: VN thi hành án tử nhiều thứ ba thế giới

Dù thi hành án tử vẫn là bí mật tại Đông Nam Á nhưng số liệu mới được công bố cho thấy tình trạng đáng quan ngại trong việc áp dụng án tử tại Việt Nam, đặt nước này lên hàng thứ ba thế giới, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Cũng giống như Trung Quốc, Amnesty International nói Việt Nam tiếp tục coi số liệu các vụ tử hình là bí mật quốc gia.

Tuy nhiên, theo bản phúc trình mà tổ chức này mới công bố thì thông tin mới có được trong năm nay cho thấy các vụ tử hình ở Việt Nam đã được thực hiện với tỷ lệ cao hơn so với những gì người ta vẫn nghĩ.

Chỉ riêng trong tháng Hai 2017, truyền thông Việt Nam công bố số liệu của Bộ Công an theo đó nói đã có 429 người bị tử hình trong thời gian từ tháng Tám 2013 cho tới tháng Sáu 2016, tức là trung bình 147 trường hợp mỗi năm. Không có số liệu cụ thể cho từng năm.

"Điều này khiến Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba, nếu tính trong thời gian ba năm liên tiếp, trong bảng xếp hạng các nước thi hành án tử nhiều nhất thế giới," Phó giám đốc Amnesty Internation James Lynch được hãng tin Úc Australian Associated Press dẫn lời, chỉ sau Trung Quốc và Iran.

Tại vùng Đông Nam Á, ngoài Việt Nam thì Malaysia và Philippines cũng là các nước khiến thế giới quan ngại về sự minh bạch trong việc thi hành án tử.

Nếu chỉ dựa trên các số liệu chính thức, thì số vụ tử hình trên thế giới trong năm 2016 được ghi nhận giảm 37% so với năm trước đó, tổ chức Ân xá Quốc tế nói. Có tổng số 1.032 vụ tử hình so với mức 1.634 hồi năm 2016, chủ yếu là do tỷ lệ giảm mạnh tại Iran và Pakistan, theo số liệu được Amnesty International công bố hôm thứ Ba.

Các vụ xử tử diễn ra tại Trung Quốc được cho là nhiều hơn tổng số các vụ ở các nước khác, nếu dựa trên các số liệu được công bố. - BBC
|
|

8.
Nhiều vệt nước đỏ lại xuất hiện gần Formosa

Chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Việt Nam chính thức bật đèn xanh cho Công ty thép Formosa đi vào vận hành lò cao, thì có nhiều vệt nước đỏ xuất hiện trong khu vực, một số người dân địa phương cho BBC biết.

Ông Phạm Xuân Kỷ, một ngư dân làng Đông Yên, thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nói từ hôm 10/4 khi ông ra đánh bắt trong khu vực thì thấy xuất hiện nhiều vệt nước đỏ.

Ông Kỷ cho biết trước giờ vẫn thấy các dòng nước đỏ, nhưng đều là dòng nhỏ, rải rác trong khu vực.

Tuy nhiên từ ngày 10/4 thì thấy xuất hiện nhiều hơn, theo ông Kỷ.

Hôm 11/4, các vệt nước này đã tập trung dạt vào bờ biển thị xã Kỳ Anh.

Ông Nguyễn Đình Lộc, một người dân khác trong vùng cũng cho biết: "Vệt nước đó kéo dài mười mấy cây, chảy từ chảy từ cảng Sơn Dương, khu vực của Formosa đổ về."

"Dọc theo dải nước đó, xuất hiện nhiều cá chết," ông Lộc nói thêm.

Ông cũng cho hay đã liên hệ với Sở Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Tài Nguyên Môi Trường và UBND Thị xã Kỳ Anh, nhưng "không thấy cơ quan chức năng nào xuống làm việc."

"Tôi gọi thì họ bảo cảm ơn, sẽ xem xét báo cáo nhưng không thấy ai xuống điều tra. Chắc họ thấy chuỵện này quá bình thường. Họ chẳng quan tâm nữa."

Ông Kỷ khẳng định vệt nước đỏ này là từ Formosa, vì "nước trong khu vực của Formosa đều đỏ hết."

Những người dân sống trong xã Đông Yên nói nhà máy thép "Formosa chưa bao giờ ngừng hoạt động". Chỉ cần nhìn vào các cột khói, họ nói có thể biết khi nào Formosa đang hoạt động và ở mức độ nhiều, ít ra sao.

"Mấy ngày trước tôi đếm thấy có ba cột khói, bây giờ đã là 4, 5 cột," ông Kỷ cho biết.

Hôm 4/4, giới chức tuyên bố Formosa Hà Tĩnh đã "đạt các yêu cầu của Bộ Tài nguyên Môi trường để đưa lò cao đi vào vận hành", tuy nhiên nhà máy thép vẫn cần sự cho phép từ Chính phủ trước khi đưa lò cao vào vận hành.

Một năm trước, vụ tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa với vốn đầu tư chính của Đài Loan nhưng dùng nhiều nhân công Trung Quốc bị tố cáo xả thải gây nhiễm độc môi trường biển miền Trung Việt Nam.

BBC đã cố gắng liên hệ qua điện thoại với ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN MT Hà Tĩnh nhưng ông cáo bận vì đang họp còn ông Lê Anh Đức, Giám đốc Trung Tâm Quan Trắc và Kỹ Thuật Môi trường nhưng ông không trả lời câu hỏi của BBC.

Hôm 05/04, báo điện tử của tỉnh Hà Tĩnh có bài phê phán các cuộc biểu tình mới nhất phản đối Formosa.

"Theo số liệu thống kê, kể từ sau sự số môi trường biển đến nay, đã xảy ra hàng chục vụ tuần hành, tụ tập đông người. Hoạt động này diễn ra bài bản, có tổ chức.

"Từ việc hàng chục người kéo lên Quốc lộ 1A mang theo gậy gộc, lưới, đá để gây rối, đến việc hàng nghìn người tụ tập trước cổng công ty Formosa hay vào trong trụ sở chính quyền huyện đều được chuẩn bị một cách chu đáo, bài bản."

"Và, khi các cuộc tuần hành diễn ra thì tất cả các hoạt động ấy đều được tung lên mạng xã hội, mang tính kích động, cổ súy, bác bỏ tất cả những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khắc phục sự cố; bôi nhọ và hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương."

Còn về 'sự cố môi trường', tờ báo của chính quyền Hà Tĩnh viết:

"Vẫn biết rằng, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung đã để lại bài học đắt giá về công tác quản lý môi trường, nhưng qua đó, Đảng và Nhà nước ta đã có thêm kinh nghiệm về việc nhìn nhận, đánh giá, giải quyết, xử lý những "điểm nóng" về môi trường, không ngừng nỗ lực tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi để vừa đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn bảo đảm giữ gìn, bảo vệ được môi trường trong mọi tình huống."

Trong tháng 3 vừa qua, tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan sẽ tăng thêm đầu tư khoảng 350 triệu USD vào một dự án thép ở Việt Nam vốn bị trì hoãn sau thảm họa môi trường năm trước.

Reuters dẫn lời ông Trương Phục Ninh, Phó chủ tịch Điều hành nhà máy Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh nói họ sẽ tăng vốn lên 346 triệu USD trong dự án trị giá 10,7 tỷ USD. - BBC

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment