Saturday, April 22, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 22/4

Tin Thế Giới

1.
G7 kêu gọi tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông --- Kêu gọi ASEAN tập trung về tranh chấp Biển Đông

Ngoại trưởng nhóm nước công nghiệp G7 vừa ra thông cáo chung kêu gọi thực thi phán quyết của Tòa trọng tài Liên hiệp quốc vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong thông cáo, Ngoại trưởng G7 cũng nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ về việc xây dựng các tiền đồn quân sự mới tại các vùng biển tranh chấp cũng như việc đe dọa dùng võ lực trong giải quyết tranh chấp hàng hải.

Nhóm G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh, và Mỹ.

Thông cáo nói G7 xem phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển là căn cứ hữu ích cho các nỗ lực sau này để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách ôn hòa.

Các nước G7 cũng lặp lại cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển, giữ vững cam kết về quyền tự do hàng không-hàng hải và các quyền khác trong việc sử dụng biển phù hợp với luật quốc tế.

G7 nhấn mạnh giải quyết tranh chấp phải bằng công cụ pháp lý và bằng các biện pháp xây dựng lòng tin.

Ngoại trưởng nhóm G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thông cáo G7 cũng khuyến khích các cuộc đối thoại dựa trên luật lệ để theo đuổi một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông hiệu quả.

“Chúng tôi kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử Biển Đông một cách toàn diện,” các nước G7 kêu gọi.

Philippines kỳ vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ hoàn tất được khung sườn Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông trong thời gian Manila giữ chức chủ tịch ASEAN trong năm nay. - VOA

***
Philippines nên nhân cơ hội là chủ tịch ASEAN trong năm nay làm cho công luận chú ý đến các thách thức về an ninh và chính trị cấp thiết nhất, bao gồm những tranh chấp lãnh thổ liên hệ đến nhiều bên, theo lời kêu gọi của Viện Nghiên cứu Stratbase-Albert del Rosario ngày 20/4.

Ông Albert del Rosario là Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ trước đây. Ông đại diện chính phủ Philippines trong việc đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế của Liên hiệp quốc, dẫn đến phán quyết có lợi cho Manila hồi tháng 7 năm 2016.

Chín tháng sau thắng lợi của Philippines tại Tòa án La Haye, chính phủ đã làm việc với các nước châu Á cũng đòi chủ quyền tại Biển Đông để đưa ra một khung làm việc về Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông.

Chủ tịch Viện Stratbase-Albert del Rosario, ông Dindo Manhit, nói “Cho tới nay chính quyền vẫn chưa tận dụng cơ hội để tái khẳng định phán quyết đó và cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phán quyết đối với khu vực và đối với trật tự dựa trên luật lệ mà các nước Đông Nam Á được hưởng.”

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Robe Bolivar, nói giữa các nước ASEAN và Trung Quốc có lòng tin và cam kết mạnh mẽ để đi đến một khung làm việc, đặc biệt khi Philippines là chủ tịch ASEAN.

Bắt đầu vào thứ Tư tuần tới, 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN sẽ họp hội nghị 4 ngày tại Manila.

Trung Quốc tỏ ra quan tâm đến việc hoàn tất khung làm việc cho Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông và đã mời các nước ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh tại Hoa lục ngay sau hội nghị thượng đỉnh Manila.

Khung làm việc hy vọng sẽ mở đường cho Một bộ Quy tắc Ứng Xử có tính ràng buộc, mà qua đó, Trung Quốc sẽ bị ngăn không được quân sự hóa các vùng biển tranh chấp. - VOA
|
|

2.
Tổng thống Philippines lại lên thăm một chiến hạm Nga

Lần thứ hai, chỉ trong vòng bốn tháng, tổng thống Duterte hôm qua, 21/02/2017, đã lên thăm một chiến hạm của Nga để thể hiện mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Manila với Matxcơva.

Trên chiếc tuần dương hạm Varyag của Nga hiện đang ghé thăm cảng Manila, tổng thống Duterte đã chụp hình với các thủy thủ Nga và trước dàn tên lửa của chiến hạm này. Đây là lần thứ tư một chiến hạm của Nga ghé thăm Philippines.

Vào tháng Giêng, hai chiến hạm của Nga đã mở một chuyến « viếng thăm thiện chí » đến Manila và ông Duterte cũng đã lên thăm chiến hạm Nga.

Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 6 năm ngoái, tổng thống Duterte đã rời xa đồng minh truyền thống Hoa Kỳ để xích gần lại Trung Quốc và Nga. Ông Duterte đã cho biết ông dự định mua các thiết bị quân sự từ Nga hơn là từ Mỹ. Tổng thống Philippines cũng dự trù đi thăm Matxcơva vào tháng 5 tới để gặp tổng thống Vladimir Putin.

Trung Quốc phản đối chuyến thăm Thị Tứ của bộ trưởng Quốc phòng Philippines

Về quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã cho biết Bắc Kinh « rất quan ngại và bất bình » về chuyến viếng thăm của bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana với các quan chức quân sự Philippines đến đảo Thị Tứ ( Pag-asa ) hôm qua. Theo ông Lục Khảng, chuyến viếng thăm này « đi ngược lại đồng thuận giữa Manila và Bắc Kinh là giải quyết vấn đề Biển Đông một cách đúng đắn ».

Hôm qua, bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã bay đến đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, để thanh tra các cơ sở trên đảo này, mà một số đang cần gấp rút tu bổ. Ông Lorenzana khẳng định chuyến đi cũng là nhằm xác quyết chủ quyền của Philippines trên khu vực này.

Theo lời ông Lorenzana, khi chiếc phi cơ chở phái đoàn Philippines chuẩn bị đáp xuống phi đạo trên đảo Thị Tứ, phi công Philippines đã nhận được lời cảnh cáo của lực lượng Trung Quốc đóng ở Xu Bi, nói rằng phi cơ Philippines đã « thâm nhập trái phép lãnh thổ Trung Quốc ». Phi công Philippines đã đáp lại rằng máy bay của họ chỉ bay trong không phận Philippines mà thôi. - RFI
|
|

3.
Pence: Mỹ tin TQ sẽ làm nhiều hơn buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng Mỹ tin tưởng một cách thầm lặng là Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn nữa để gây ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Ông Pence phát biểu như vậy hôm thứ Bảy tại Sydney trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.

Cả Mỹ và Úc đều đã gây áp lực lên Trung Quốc để nước này chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc gây ảnh hưởng đến Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Ông Pence nói chương trình phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng "là mối đe dọa đối với sự ổn định và an ninh của khu vực này và có thể là mối đe dọa đối với lục địa Hoa Kỳ..."

Phó Tổng thống Mỹ là quan chức cao cấp đầu tiên của chính quyền Trump đến thăm Úc. Ông nói rằng "tiếp tục phương sách mà thế giới vẫn áp dụng với Bắc Triều Tiên suốt 25 năm qua là không thể chấp nhận được."

Ông Pence cho biết một nhóm hàng không mẫu hạm tấn công do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu, đang tiến về vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, sẽ đến Biển Nhật Bản trong vài ngày tới.

Ông Turnbull cho biết Trung Quốc có thể sử dụng sức ảnh hưởng về kinh tế để buộc Bắc Triều Tiên tuân hành.

Ông Pence cũng khẳng định Mỹ sẽ tôn trọng một chương trình tị nạn gây tranh cãi với Úc mà sẽ tái định cư 1.250 người xin tị nạn tại Mỹ. Tổng thống Trump đã mô tả thỏa thuận người tị nạn này của chính quyền Obama là "ngu ngốc."

Phó Tổng thống Mỹ đang công du trong chặng cuối cùng của chuyến thăm kéo dài 10 ngày đến bốn nước ở Châu Á mà trước đó đã đưa ông tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia. - VOA
|
|

4.
Phe đối lập Venezuela im lặng tuần hành

Phe đối lập Venezuela hôm 22/4 tuần hành trong im lặng để tưởng nhớ hơn mười người thiệt mạng trong ba tuần xảy ra các cuộc biểu tình.

Các cuộc xuống đường nhằm yêu cầu chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro tổ chức các cuộc bầu cử bị trì hoãn bấy lâu nay, cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời.

12 người đã tử vong trong làn sóng biểu tình mới trong tháng này, và phần lớn các vụ đó có liên quan tới các lực lượng an ninh hoặc thường dân vũ trang.

Thêm 8 người bị điện giật chết trong một vụ cướp bóc xảy ra sau một cuộc biểu tình, theo Reuters.

Các thủ lĩnh đối lập đổ lỗi cho các lực lượng an ninh đã mạnh tay đàn áp khi bắt bớ hàng trăm người và trong một số trường hợp, dùng cả hơi cay để tràn vào các bệnh viện và trạm xá.

Trong khi đó, quan chức Đảng Xã hội cầm quyền nói rằng việc người biểu tình ném gạch đá vào cảnh sát cũng như chặn các đường phố gây mất trật tự xã hội nhằm mục đích lật đổ chính phủ.

Tuy nhiên, tin cho hay, cuộc tuần hành ngày 22/4 diễn ra trong im lặng để bày tỏ sự tôn kính đối với người quá cố. - VOA
|
|

5.
Ít nhất 140 binh lính Afghanistan chết trong vụ tấn công của Taliban

Một vụ tấn công tự sát của Taliban nhắm vào một căn cứ quân sự lớn ở miền bắc Afghanistan đã khiến ít nhất 140 người thiệt mạng, chủ yếu là binh lính, làvụ tấn công gây chết người nhiều nhất kể từ năm 2001.

Các nhân chứng cho hay một nhóm gồm 10 kẻ đánh bom tự sát vũ trang dày đặc ngồi trên hai chiếc xe quân đội và cải trang thành binh lính chính phủ đã tấn công đại bản doanh của Quân đoàn Shaheen 209 thuộc Lục quân Quốc gia Afghanistan vào ngày thứ Sáu ở Mazar-i-Sharif, thủ phủ của tỉnh Balkh ở phía bắc.

Các đài truyền hình địa phương trích lời một quan chức an ninh giấu tên và các chính trị gia trong khu vực hôm thứ Bảy nói rằng "ít nhất 140 binh sĩ thiệt mạng trong vụ tấn công vào chiều thứ Sáu ... và ít nhất 100 binh lính cũng bị thương."

Những người sống sót đang được điều trị tại bệnh viện thành phố nói với đài truyền hình địa phương TOLOnews rằng họ tin là nếu "không có sự trợ giúp tay trong" thì những kẻ tấn công không thể nào vào được trung tâm của căn cứ quân sự được phòng thủ dày đặc này.

Theo nhà chức trách địa phương, một nhóm những kẻ tấn công Taliban đã nã đạn vào binh sĩ Afghanistan trong khi họ đang rời khỏi nhà thờ Hồi giáo sau buổi cầu nguyện chiều, trong khi một nhóm khác xông vào một nhà ăn tại khu quân sự trước khi quân đội Afghanistan bao vây và giao chiến ác liệt.

Một phát ngôn viên Taliban, Zabihullah Mujahid, nhanh chóng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, tuyên bố rằng “tới 500 binh lính kẻ thù bị giết và bị thương, kể cả những sĩ quan chủ chốt.”

Ông này cảnh báo rằng cuộc tấn công nhắm vào đại bản doanh của quân đội ở Balkh hôm thứ Sáu là "thông điệp cho tất cả binh lính kẻ thù, cảnh sát, điệp viên và các cơ quan liên quan (của Afghanistan) rằng các hoạt động của Taliban sẽ tàn bạo hơn và đau đớn cho họ."

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, Đại Tá John Thomas, mô tả vụ việc là một "vụ tấn công đáng kể từ lực lượng kẻ địch" và nói rằng "chúng tôi đang giúp đỡ các lực lượng Afghanistan bằng bất cứ cách nào có thể."

Căn cứ quân sự bị tấn công này là nơi sinh sống của hàng ngàn binh lính thường xuyên tham gia vào các hoạt động chống Taliban ở các khu vực phía bắc nhiều bất ổn của đất nước. - VOA
|
|

6.
Nga: Nổ súng ngay trong trụ sở FSB, 3 người chết

Ngày 21/04/2017, một thanh niên đã xông vào văn phòng cơ quan an ninh Nga FSB, tại thành phố Khabarovsk, vùng Viễn Đông Nga, giáp giới Trung Quốc, xả súng giết chết hai người trước khi bị hạ sát. Theo FSB, thủ phạm là một người phần tử tân quốc xã, cực hữu, trong lúc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong một thông điệp bằng tiếng Ả Rập trên mạng xã hội Telegram, đã tự nhận là tác giả vụ tấn công, và nói đến nói đến 3 người chết và nhiều người bị thương.

Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Muriel Pomponne, cho biết rõ hơn về thủ phạm:

'' Kẻ tấn công, Anton Konev, 18 tuổi, mang một khẩu súng tiểu liên và hai súng lục. Dường như người này đã xin vào khai báo điều gì đó để vào bên trong cơ sở FSB, rồi nổ súng giết chết một nhân viên FSB và một người thông dịch, trước khi bị hạ sát.

Dựa trên mã số của các khẩu súng, các nhà điều tra khám phá rằng đây là lô súng từ một câu lạc bộ tập bắn đã bị ăn trộm trước đấy. Người canh gác đã bị giết chết và khoảng 40 khẩu súng bị ăn cắp.

Theo cơ quan FSB địa phương, Anton Konev có liên can đến một nhóm tân Quốc Xã gồm khoảng 15 người và mang tên « Stolz », xuất hiện vào năm 2012. Tài khoản Vkontakte, tương đương với Facebook, của Anton cho thấy người này cùng với một số bạn tập bắn súng cũng như sử dụng bom xăng.

Theo ông Alexandre Verkhovski, thuộc trung tâm SOVA, chuyên nghiên cứu về các phong trào cực đoan, thì các nhóm cực hữu rất phổ biến trước năm 2010 tại vùng phía đông Nga, sau đó đã mất ảnh hưởng, nhưng một thế hệ mới đang xuất hiện.

Có điều là hung thủ Anton Konev khá đặc biệt : theo một số cơ quan truyền thông, từ 2 năm nay, người này đã đến đền thờ Hồi Giáo. Cơ quan FSB không xác nhận tin này.'' - RFI
|
|

7.
Thêm tin tức Nga có kế hoạch làm ‘chệnh hướng bầu cử 2016’

Một cơ quan nghiên cứu của chính phủ Nga, dưới sự kiểm soát của Tổng thống Vladimir Putin, vạch kế hoạch chuyển hướng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có lợi cho ông Donald Trump và phá hoại lòng tin của cử tri về hệ thống bầu cử Mỹ. Ba giới chức đang làm việc và bốn cựu giới chức Mỹ nói với Reuters.

Những người này mô tả hai tài liệu mật của cơ quan nghiên cứu đưa ra khung làm việc và cơ sở hợp lý các cơ quan tình báo Mỹ, đã kết luận là đã có một nỗ lực vượt bực của Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 năm ngoái. Các giới chức tình báo có được tài liệu do Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, trụ sở tại Moscow, soạn thảo, sau cuộc bầu cử.

Viện do một giới chức tình báo quốc ngoại cao cấp của Nga hồi hưu, được văn phòng tổng thống Putin bổ nhiệm, điều hành.

Tài liệu thứ nhất của Viện là một văn bản chiến lược được soạn thảo vào tháng 6 năm ngoái, được luân lưu ở cấp cao nhất trong chính phủ Nga nhưng không đề cập đến cá nhân nào rõ rệt.

Bảy giới chức này nói tài liệu đề nghị Điện Kremlin mở chiến dịch tuyên truyền trên truyền thông xã hội và những hãng tin trên thế giới do nhà nước Nga yểm trợ, khuyến khích cử tri Mỹ bỏ phiếu cho một tổng thống có lập trường mềm mỏng với Nga hơn là chính quyền của Tổng thống Barack Obama.

Bảy giới chức này nói tiếp, tài liệu thứ hai được soạn thảo vào tháng 10 năm ngoái và được phân phối cùng một cách thức, cảnh báo là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Hillary Clinton, chắn chắn thắng cử. Và vì lý do đó, tốt hơn hết đối với Nga là chấm dứt tuyên truyền thiên về phía ông Trump và thay vào đó tăng cường các tin tức liên hệ đến gian lận cử tri để phá hoại tính chính đáng của hệ thống bầu cử Mỹ và làm tổn thương uy tín của bà Clinton trong nỗ lực làm bà thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.

Bảy giới chức Mỹ này cho biết tin với điều kiện ẩn danh vì tình trạng bí mật của tài liệu. Họ cũng từ chối thảo luận làm cách nào Hoa Kỳ có được những tài liệu này. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng từ chối bình luận.

Tổng thống Putin phủ nhận có can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Phát ngôn viên của ông Putin và Viện nghiên cứu của Nga không trả lời khi được yêu cầu bình luận. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
TT Trump ký sắc lệnh xét giảm gánh nặng thuế cho người Mỹ

Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ký một sắc lệnh hôm thứ Sáu, chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét các quy định về thuế đã được áp dụng hồi năm ngoái, nhằm thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông, là giảm bớt gánh nặng thuế cho người Mỹ.

Tổng thống cũng sẽ ký hai bản ghi nhớ, chỉ thị xem xét luật cải cách tài chánh năm 2010 mà các ngân hàng và công ty bảo hiểm nói là cản trở khả năng kinh doanh của họ.

Các bản ghi nhớ chỉ thị xét lại hai phần trong Đạo luật Dodd-Frank, được lập ra để đề phòng cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 tái diễn. Nội dung quy định chi tiết việc các ngân hàng lớn có thể đóng cửa trong thời gian khủng hoảng và cho phép các nhà quản lý tài chính hàng đầu Hoa Kỳ xác định những rủi ro quá mức trong hệ thống tài chính của Mỹ.

Các văn bản chỉ thị Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin duyệt lại các điều khoản chính của Luật thuế và Đạo luật Dodd-Frank, sau đó báo cáo với Tòa Bạch Ốc về các phương thức để cải tiến những quy định này.

Hôm thứ Năm, ông Mnuchin cho biết Bộ Tài chính đang làm việc “ngày đêm” để cải cách thuế và sẽ sớm công bố một kế hoạch đại tu sâu rộng.

Trước đó trong tuần này, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết cuộc cải cách thuế đầu tiên trong nhiều thập kỷ có thể sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, sắc lệnh xem xét thuế mà ông Trump ký cho phép chính quyền của ông xem xét lại luật thuế má, độc lập với Quốc hội. - VOA
|
|

9.
Tuần hành vì Khoa học nhân Ngày Trái Đất

Cuộc Tuần hành vì Khoa học là một sự kiện diễn ra khắp thế giới với hàng ngàn người dự kiến sẽ tham dự trong ngày thứ Bảy, Ngày Trái đất, tại hơn 600 địa điểm bao gồm Seoul, Madrid, London và Cape Town.

Sự kiện chủ đạo sẽ được tổ chức tại thủ đô Washington của Mỹ với các diễn giả và một số gian hàng giáo dục trên Quảng trường Quốc gia, nơi các nhà khoa học, nhà giáo dục và nhà lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ nói về công tác của họ, những chiến lược truyền thông khoa học hữu hiệu và huấn luyện về vận động công chúng.

Ban tổ chức nói rằng sự kiện quốc tế này là bước đầu tiên trong phong trào toàn cầu nhằm công nhận và bảo vệ "vai trò thiết yếu của khoa học trong đời sống hàng ngày, kể cả trong các lĩnh vực như y tế, an toàn, kinh tế và chính phủ."

Họ nói rằng sự kiện này là không mang tính đảng phái và không nhằm chống lại chính quyền Trump hay bất kỳ chính trị gia hoặc đảng nào.

Ngân sách mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị cắt kinh phí cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường mà sẽ loại bỏ 56 chương trình và giảm đáng kể ngân quỹ cho Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển và Hội đồng Tư vấn Khoa học của cơ quan này.

Ngân sách của ông Trump cũng đề xuất cắt giảm khoảng 6 tỉ đôla kinh phí cho Viện Y tế Quốc gia, tổ chức cung cấp ngân quỹ công để tài trợ nghiên cứu y sinh học lớn nhất thế giới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
Biển Đông: Việt Nam dùng Cam Ranh để kết thêm bạn

The Economist tuần này có bài viết mang tựa đề « Việt Nam dùng quân cảng Cam Ranh để kết thêm bạn mới »,với ghi nhận, vịnh Cam Ranh lại hồ hởi đón tiếp các chiến hạm Mỹ.

Tờ báo nhận định, đây có lẽ là cảng nước sâu thiên nhiên tốt nhất Đông Nam Á. Trong thời kỳ đô hộ, Pháp có một hạm đội ở đây. Các tàu Nga sử dụng cảng Cam Ranh trong chiến tranh Nga-Nhật, người Nhật đặt căn cứ ở Cam Ranh trong Đệ nhị Thế chiến, và người Mỹ dùng Cam Ranh là quân cảng chính trong chiến tranh Việt Nam.

Sau khi Mỹ rút quân, và miền Bắc cộng sản chiến thắng, chính phủ của nước Việt Nam thống nhất đã cho Liên Xô thuê căn cứ hải quân tại đây. Nga trả lại Cam Ranh năm 2002, và ngày nay khách du lịch Nga đổ xô đến cảng quốc tế Cam Ranh với các phi đạo do người Mỹ xây dựng, để đến các bãi biển gần đó của Nha Trang.

Hiện nay Việt Nam có vẻ theo chính sách « Ba Không » : không liên minh quân sự, không có căn cứ ngoại quốc và không liên kết với một nước nào để chống lại nước thứ ba.

Dù vậy, bên cạnh căn cứ hải quân Việt Nam ở Cam Ranh, là cơ sở tiếp nhận các tàu quân sự nước ngoài. Trên lý thuyết, đây là vấn đề thuần túy thương mại. Cảng Cam Ranh mở rộng tiếp đón tàu của bất kỳ nước nào muốn chi trả để có được dịch vụ sửa chữa và tiếp nhiên liệu. Nhưng Cam Ranh còn phục vụ cho các mục tiêu chiến lược : gởi một thông điệp thách thức cho bành trướng Trung Quốc, qua việc mở rộng quan hệ quân sự giữa Việt Nam và một nhóm nước ngày càng đa dạng.

Tình cảm chống Trung Quốc ngày càng sâu đậm nơi những người dân Việt bình thường. Việt Nam đã chiến đấu chống lại cả Mỹ và Trung Quốc trong thập niên 70. Nhưng lúc này người Mỹ lại được người dân tiếp đón với thiện cảm, trong khi nhiều người Việt vẫn tin chắc rằng Trung Quốc vẫn luôn âm mưu xâm chiếm lãnh thổ nước mình.

Năm 2014, Bắc Kinh đã cho kéo một giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa, gây ra những vụ bạo động chống Trung Quốc tại Việt Nam. Sau đó đôi bên đã thận trọng tránh gây căng thẳng. Trung Quốc rút giàn khoan đi, còn Việt Nam không ồn ào chỉ trích việc giải quyết tranh chấp song phương, như Bắc Kinh vẫn đòi hỏi. Nhưng đối với Việt Nam, vấn đề căn bản vẫn không thay đổi : làm thế nào một quốc gia nhỏ bé và nghèo nàn có thể tự vệ trước một nước lớn hơn, giàu hơn ?

Philippines dưới quyền ông Rodrigo Duterte đã đi tiên phong trong một giải pháp : rõ ràng là sự đầu hàng. Để đồi lấy đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, ông Duterte đã quyết định không gây áp lực với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Còn Việt Nam thì sử dụng vịnh Cam Ranh, cố gắng làm cách khác : đó là đa dạng hóa.

Từ khi khai trương cơ sở dịch vụ cách đây một năm, Cam Ranh đã đón tiếp 19 tàu từ 10 quốc gia. Trung Quốc và Hoa Kỳ đến nhiều nhất – mỗi nước ba tàu. Nhưng những chuyến viếng thăm khác là từ các nước đã bày tỏ những dạng thức chống đối lại tham vọng bành trướng trên biển của Bắc Kinh, trong đó có Pháp và Nhật Bản. Việt Nam dường như đang nhắc nhở Trung Quốc là họ có được bao nhiêu bạn bè cũng như người tranh chấp, và làm thế nào giám sát được các chiến hạm của họ. - RFI
|
|

11.
Dân Đồng Tâm thả người

Người dân xã Đồng Tâm hôm 22/4 đã thả 19 cán bộ và cảnh sát cơ động, sau khi “thương lượng” với Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.

Các đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy rằng họ cùng ông Chung bước ra ngoài nhà văn hóa nơi họ bị giữ suốt một tuần qua, trong tiếng vỗ tay của người dân.

Cũng có thể nhìn thấy một người mà báo chí trong nước nói là Trung đoàn phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động Phạm Văn Trung chắp tay, cúi đầu nhiều lần hướng về phía nhiều người dân đứng xem.

Việc thả người diễn ra sau khi lãnh đạo thủ đô của Việt Nam cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với người dân trong vụ bắt giữ những người thi hành công lực trên.

Một người dân ở Đồng Tâm cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông Chung còn cam kết sẽ cho điều tra việc sử dụng và quản lý đất ở xã đồng tâm cũng như việc bắt giữ ông Lê Đình Kình cùng những người khác hôm 15/4, khiến vụ việc bùng phát.

Luật sư Trần Vũ Hải, một trong các luật sư được cho là giúp người dân kết nối với chính quyền, sau đó đăng lên Facebook một bản cam kết với chữ ký của ông Chung và nhiều người khác, trong đó nhà lãnh đạo thành phố Hà Nội nói sẽ chỉ đạo sát sao để làm rõ “đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo đúng quy định của pháp luật”.

Người dân hôm đó đã bắt giữ 38 cán bộ xã cũng như cảnh sát cơ động. 2 ngày sau đó, tin cho hay, 15 người được thả và 3 người tự giải thoát.

Sáu ngày sau khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch Chung xuống trụ sở huyện Mỹ Đức để giải quyết vụ việc, nhưng người dân không tới và muốn ông xuống tận xã Đồng Tâm.

Vị lãnh đạo này sau đó tuyên bố sẽ tiếp tục mời người dân tới nói chuyện và hôm 22/4, ông Chung về tận xã Đồng Tâm rồi sau đó là thôn Hoành, nơi một nhóm thi hành công lực bị giữ một tuần qua.

Trên trang Facebook, nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang viết: "... Sự việc tạo một tiền lệ cho quan hệ nhân dân và chính quyền: Đối thoại, không đối đầu bạo lực. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quan chức đến gặp dân “nói chuyện đàng hoàng, người lớn với nhau”, không có màn hống hách quát tháo, không có thái độ răn dạy, “giải thích đường lối” cho dân..."

Nhà báo tự do này cũng viết thêm rằng "câu chuyện Đồng Tâm cho thấy trình độ của nền báo chí Việt Nam đang ở mức nào".

"Việc một quan chức cấp cao như ông Nguyễn Đức Chung đến gặp dân để đối thoại là chuyện cực kỳ bình thường và là việc phải làm của một chính trị gia bình thường trong một đất nước bình thường. Nhưng một số đông đảo nhà báo đã vẽ nó thành hành động anh hùng của một anh hùng. Ít nhất họ cũng biến ông Chung thành một tiên ông trong mắt dân chúng", bà Trang viết. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment