Saturday, April 15, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 15/4

Tin Thế Giới

1.
Bắc Triều Tiên dường như phô bày phi đạn mới trong cuộc duyệt binh --- Bắc Kinh muốn Nga giúp làm dịu tình hình Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên phô bày những thứ dường như là phi đạn tầm xa và phi đạn phóng từ tàu ngầm mới nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của lãnh tụ lập quốc Kim Il Sung hôm thứ Bảy, trong khi một đội hàng không mẫu hạm của Mỹ vận hành bằng năng lượng hạt nhân đang tiến về khu vực này.

Những phi đạn này dường như là chủ đề chính của một cuộc duyệt binh rầm rộ. Lãnh tụ Kim Jong Un, cháu trai của ông Kim Il Sung, dành thời gian để chào hỏi tư lệnh của Lực lượng Chiến lược, nhánh giám sát kho phi đạn.

Một cuộc tấn công của Hải quân Mỹ nhắm vào một phi trường ở Syria vào tháng này bằng phi đạn Tomahawk đã khơi lên những nghi vấn về kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Bắc Triều Tiên, nước đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân thách thức các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, và thường xuyên đe dọa hủy diệt Mỹ.

Mặc bộ complet đen và cười nói với các trợ lý của mình, ông Kim Jong Un chủ trì các hoạt động kỷ niệm vào "Ngày Thái Dương" tại Quảng trường Kim Il Sung chính của Bình Nhưỡng.

Không giống như ở một số cuộc duyệt binh trước đó mà ông Kim tham dự, dường như không có sự góp mặt của quan chức cao cấp nào của Trung Quốc, theo tường trình của Reuters. Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên nhưng đã lên tiếng chống lại các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn và ủng hộ các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc hôm thứ Sáu một lần nữa kêu gọi đàm phán để xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Các nhà phân tích vũ khí nói họ tin rằng một số phi đạn được phô bày là những loại phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới.

Bắc Triều Tiên cho biết họ đã phát triển và phóng một phi đạn có thể tấn công vào lục địa Mỹ nhưng giới chức và giới chuyên gia cho rằng Bắc Triều Tiên vẫn mất một khoảng thời gian nữa mới làm chủ được tất cả các công nghệ cần thiết.

"Giai đoạn sơ khởi"

Bắc Triều Tiên phô bày hai loại ICBM mới đựng trong những ống phóng gắn trên xe tải, cho thấy Bình Nhưỡng đang nỗ lực hướng tới một "khái niệm mới" của ICBM, theo lời Melissa Hanham, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, bang California (Mỹ).

"Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên có thói quen khoe những khái niệm mới trong các cuộc duyệt binh trước khi họ thử nghiệm hoặc phóng chúng," bà Hanham nói với Reuters.

"Những thiết kế phi đạn này vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi."

Những phi đạn đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukkuksong (SLBM) cũng được mang ra phô bày. Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên trưng ra những phi đạn này, có tầm bắn hơn 1.000 km, tại một cuộc duyệt binh.

Choe Ryong Hae, một phụ tá thân cận của ông Kim Jong Un, phát biểu trước quảng trường chật cứng người với lời cảnh báo gay gắt nhắm vào Mỹ.

"Nếu Mỹ thực hiện những hành động khiêu khích nhắm vào chúng ta, thì sức mạnh cách mạng của chúng ta sẽ ngay lập tức phản công bằng một cuộc tấn công tận diệt, và chúng ta sẽ đáp lại chiến tranh toàn diện bằng chiến tranh toàn diện và chiến tranh hạt nhân, theo kiểu chiến tranh tấn công hạt nhân của chúng ta." - VOA

***
Trung Quốc mong muốn hợp tác với Nga để « đóng góp vào việc nhanh chóng làm dịu tình hình » Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov tối 14/04/2017 đã đề nghị như trên.

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc được AFP dẫn lại, ông Vương Nghị nói với ông Lavrov : « Mục tiêu chung của hai nước chúng ta là đưa tất cả các bên quay lại bàn hội nghị. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nga để góp phần làm dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên, và cổ vũ các bên liên quan tái lập đối thoại ».

Ông Vương Nghị muốn nói đến các cuộc thương lượng sáu bên (Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ) đã bị bế tắc từ nhiều năm qua. Ông nhấn mạnh : « Ngăn cản nguy cơ xảy ra chiến tranh và hỗn loạn ở Triều Tiên là phù hợp với lợi ích chung » của Bắc Kinh và Matxcơva.

Phó tổng thống Mỹ tới Hàn Quốc và Nhật Bản

Trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng hết sức căng thẳng, phó tổng thống Mỹ Mike Pence bắt đầu chuyến công du châu Á ngày mai, 16/04, nhằm trấn an các đồng minh. Theo AP, ông Pence có nhiệm vụ bảo đảm với Hàn Quốc và Nhật Bản là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hai nước này chống lại sự tấn công của Bắc Triều Tiên.

Trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày, bao gồm hai chặng Indonesia và Úc, trước hết phó tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn, hiện đang là tổng thống lâm thời thay cho bà Park Geun Hye đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng. Ông Pence cũng tiếp xúc với các lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc. Dự kiến thứ Ba 18/4 tới ông sẽ hội kiến thủ tướng Nhật Shinzo Abe và thảo luận về kinh tế với các quan chức cao cấp Nhật Bản.

Về phía Nhật, ngoại trưởng Fumio Kishida hôm nay cho biết vẫn đề cao cảnh giác trước Bắc Triều Tiên, ngay cả sau lễ duyệt binh hoành tráng mà Bình Nhưỡng tổ chức nhằm kỷ niệm 105 năm ngày sinh Kim Nhật Thành. Bắc Triều Tiên còn có thể hành động vào những dịp khác, chẳng hạn ngày thành lập quân đội 25/4. Ông Kishida nói với báo chí, chính phủ Nhật vẫn thường xuyên phối hợp với các đại diện kiều dân Nhật tại Hàn Quốc về các kế hoạch dự phòng. - RFI
|
|

2.
Bom nổ trúng đoàn xe chở người Syria di tản --- Hơn 2.000 di dân được cứu trong một ngày tại Địa Trung Hải

Tin tức cho hay hàng chục người Syria đã thiệt mạng và một số người khác bị thương trong vụ nổ hôm thứ Bảy trúng một đoàn xe buýt chở hàng ngàn người di tản.

Đài quan sát Nhân quyền Syria cho biết vụ nổ trúng vào đoàn xe chở hầu hết là cư dân người Hồi giáo Shia. Nhóm này đang trên đường đi đến Aleppo từ hai ngôi làng Fuaa và Kafraya, sau khi họ đạt được một thỏa thuận di tản để rời khỏi nhà của mình.

Đài truyền hình nhà nước Syria ban đầu cho biết 22 người thiệt mạng trong vụ nổ ở thành phố Rashidin. Đài quan sát Nhân quyền Syria ở Anh thì nói số người chết là 24, và cho biết vụ nổ là do bom xe gây ra.

Hàng ngàn người Syria lánh khỏi bốn thành phố bị bao vây trước đó đã bị mắc kẹt trên đường ở ngoại ô Aleppo một ngày sau khi rời khỏi nhà của họ.

Đường đi của họ đã bị chặn lại bởi lực lượng phiến quân nói rằng các điều khoản của thỏa thuận di tản do Iran và Qatar điều giải vào cuối tháng trước đã không được tuân thủ, theo Đài quan sát Nhân quyền Syria. - VOA

***
Hơn 2.000 di dân tìm cách đến châu Âu đã được vớt khỏi Địa Trung Hải vào ngày thứ Sáu 14 tháng 4 trong một loạt những vụ tiếp cứu gây xúc động với một người thiệt mạng, các giới chức và nhân chứng cho biết.

Một phát ngôn viên của tuần duyên Ý nói 19 vụ tiếp cứu do tuần duyên hay tàu thuyền của các tổ chức phi chính phủ thực hiện đã cứu được tổng cộng 2.074 di dân đi trên 16 xuồng cao su và 3 thuyền gỗ.

Tổ chức Y sĩ Không Biên giới MSF cho biết trong một Twitter là một thiếu niên đã thiệt mạng trên một xuồng cao su và các hành khách khác được tàu Aquarius của tổ chức cứu thoát.

Tổ chức Y sĩ Không Biên giới viết trên Twitter “Biển cả tiếp tục là một nghĩa trang.”

Phát ngôn viên tuần duyên xác nhận là có một người chết nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Tổ chức Y sĩ Không Biên giới nói hai tàu Aquarius và Prudence của tổ chức đã cứu khoảng 1.000 người đi trên 9 chiếc thuyền.

Các người tị nạn vùng vẫy để nổi trên mặt nước sau khi bị trượt khỏi xuồng cao su vào lúc tàu Phoenix đến cứu. Phoenix là chếc tàu cứu nạn của tổ chức Trạm Y tế Ngoài khơi giúp Di dân (MOAS)

Các đoạn video cho thấy các nhân viên cứu nạn nhảy xuống nước ngoài khơi Libya để cứu di dân.

Ông Darrin Zammit Lupi, nhiếp ảnh viên trên tàu Phoenix nói với Reuters “Trong 19 năm tường thuật các câu chuyện về di dân, tôi chưa bao giờ trải qua những việc như ngày hôm nay.”

Ông nói trong một vụ tiếp cứu, tàu Phoenix cứu được 134 người, hầu hết thuộc các quốc gia tiểu vùng-Sahara.

Những người được tàu của MOAS và MSF cứu được chuyển sang các tàu tuần duyên của Ý, đã cứu những di dân khác, chở về các cảng của Ý.

Theo Tổ chức Di dân Quốc tế, trong năm 2017, tính đến nay đã có 32.000 di dân đến châu Âu bằng đường biển, với hơn 650 người thiệt mạng hay mất tích. - VOA
|
|

3.
Hơn 90 người chết trong vụ Mỹ ném bom khổng lồ ở Afghanistan

Các quan chức Afghanistan nói rằng số lượng những kẻ chủ chiến được cho là đã bị hạ sát bởi một quả bom khổng lồ của Mỹ ném xuống hôm thứ Năm đã tăng gần gấp ba lần.

Giới chức cho biết có ít nhất 92 kẻ chủ chiến đã chết trong vụ nổ - tăng lên từ con số 36 người được báo cáo hôm thứ Sáu. Khu vực này vẫn đang được dọn dẹp, vì vậy số người chết có thể tăng lên.

Không có chỉ dấu cho thấy bất cứ thường dân hay nhân viên quân đội nào nằm trong số những người chết.

Tổng thống Ashraf Ghani cho biết lực lượng Afghanistan và Mỹ đã phối hợp chặt chẽ trong vụ ném bom, tuy nhiên người tiền nhiệm của ông đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công này và Mỹ.

Cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai hôm thứ Bảy nói rằng ông đang phát động một chiến dịch nhằm buộc Mỹ phải rời khỏi đất nước của ông vì đã thả thứ vũ khí được gọi là "mẹ của mọi loại bom" lên đất của Afghanistan, gọi đây là một hành động "man rợ" nhằm mục đích thử nghiệm "một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt mới" hơn là nhắm mục tiêu vào những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.

Phủ tổng thống Afghanistan đáp lại chỉ trích hôm thứ Bảy trên tài khoản Twitter chính thức của họ. "Mọi người Afghanistan đều có quyền nói lên suy nghĩ của họ, đây là một đất nước của tự do ngôn luận."

Lực lượng Mỹ thả quả bom khổng lồ GBU-43 dài 9 mét nặng khoảng 10 tấn xuống huyện Achin của tỉnh Nangarhar hôm thứ Năm. Cuộc tấn công được mô tả là một phần trong chiến dịch nhằm tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo Tỉnh Khorasan, chi nhánh địa phương của IS.

Tướng John Nicholson, chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan, hôm thứ Sáu nói rằng các lực lượng của ông đã điều phối cuộc tấn công với chính phủ Afghanistan, "như chúng tôi đã làm kể từ khi bắt đầu các hoạt động này vào đầu tháng Ba."

Ông Nicholson nói tình hình trên thực địa tạo cơ sở chính đáng cho việc sử dụng vũ khí này, là loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất mà quân đội Mỹ từng sử dụng. - VOA
|
|

4.
Chính sách của Nga tại Syria và Afghanistan xung đột với Mỹ

Những cuộc thảo luận đa quốc gia về viễn ảnh an ninh của Afghanistan và hòa giải quốc gia, vòng thứ ba kể từ tháng 12 năm ngoái, đã bắt đầu vào ngày thứ Sáu 14 tháng 4 tại Moscow.

Có 11 nước tham gia thảo luận trong đó có Afghanistan, Trung Quốc, Iran, Pakistan và Ấn Độ. Các quốc gia thuộc Liên bang Sô Viết cũ tại Trung Á được mời tham dự lần đầu tiên.

Hoa Kỳ cũng được mời tham gia các cuộc thảo luận tại Moscow nhưng Washington không tham dự cho rằng Hoa Kỳ không được thông báo trước về nghị trình và không rõ về động cơ của hội nghị.

Chỉ vài ngày sau vụ đón tiếp lạnh nhạt Ngoại trưởng Rex Tillerson tại điện Kremlin theo đó Nga từ chối ngưng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, hai nước Nga Mỹ cũng xung đột về cách thức chống lại Nhà nước Hồi Giáo tại Afghanistan.

Chính sách ngày càng hung hăng của Nga tại Syria và Afghanistan xung đột với những mục tiêu của Mỹ, nhưng các nhà phân tích nói cả hai nước đều cần có mặt trong một cuộc thương thuyết hòa bình.

Ông Victor Mizin thuộc Viện Quốc gia Moscow về Quan hệ Đối ngoại nói với Đài VOA “tôi nghĩ rõ ràng là ngay cả đối với chính quyền của tổng thống Trump, nếu không có sự hợp tác của Nga thì không thể tiến tới hay đạt được kết quả có ý nghĩa nào cả- dù tại Syria hay Afghanistan.”

Tuy nhiên một số nhà phân tích khác nhấn mạnh là sự hợp tác có thể xảy ra ngay cả khi Hoa Kỳ và Nga vẫn giữ vững lập trường riêng về một số vấn đề.

Ông Dmitry Verkhoturov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan Hiện đại nói với Đài VOA “Chắc chắn là luôn luôn có chỗ cho sự hợp tác tại Syria lẫn Afghanistan. Nhưng theo quan điểm của tôi, yếu tố chính của sự hợp tác này là cả hai bên Nga và Mỹ nên công nhận hỗ tương quyền của một quan điểm độc lập, lập trường độc lập, và một chính sách độc lập.”

Ông Charles Kupchan, cựu giám đốc về châu Âu Sự vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Obama nói Tòa Bạch Ốc của ông Trump vẫn còn tìm kiếm chỗ đứng liên quan đến các mối quan hệ với Nga.

Với kinh nghiệm 3 năm phục vụ trong tư cách là một phụ tá đặc biệt của Tổng thống Barack Obama, ông Kupchan nói ổn định các mối quan hệ với Nga là một việc khó khăn.

Ngày thứ Năm 13 tháng 4 Hoa Kỳ đã thả một quả bom khổng lồ không phải bom hạt nhân xuống một khu vực phức hợp của Nhà nước Hồi Giáo tại tỉnh Nangarhar miền đông Afghanistan. - VOA
|
|

5.
Bầu cử TT Pháp: Khoảng cách thu hẹp giữa 4 ứng cử viên dẫn đầu

Hơn một tuần trước ngày mở ra vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp, các cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 14/04/2017 cho thấy cả bốn ứng cử viên đang dẫn đầu đều có cơ hội lọt vào vòng hai, với khoảng cách thu hẹp đáng kể.

Theo cuộc thăm dò của hãng BVA-Salesforce, ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron được 23% ý định bầu, hơn ứng viên cực hữu Marine Le Pen đứng thứ hai chỉ 1%. Trong khi đó hai ứng viên François Fillon, cánh hữu, và Jean-Luc Mélenchon, cực tả, đồng hạng ba, với 20%.

Khoảng cách giữa người đứng đầu với người đứng cuối trong số các ứng viên có triển vọng vào được vòng hai như thế chỉ là 3%, nằm trong phạm vi sai số của cuộc thăm dò là từ 1,4 đến 3,1 điểm, có nghĩa là ai cũng có thể chiếm thứ hạng đầu, cho thấy là kết quả rất khó đoán.

Một cuộc thăm dò khác, của hãng Ipsos-Sopra Sterna, cho thấy khoảng cách thu hẹp tương tự, với ứng cử viên Macron và Le Pen cùng dẫn đầu với 22% ý định bầu, theo sau là Mélenchon (20%) và Fillon (19%). Khoảng cách 3% giữa bốn người dẫn đầu cũng nằm trong phạm vi sai số của cuộc thăm dò.

Theo nhiều cuộc thăm dò, nếu vào được vòng hai, ông Macron sẽ chiến thắng, trong lúc bà Le Pen sẽ bị bại, bất kể đối thủ là ai.

Trong bối cảnh chưa ai bứt phá được như các kết quả cho thấy, các ứng viên vẫn đẩy mạnh vận động.

Fillon tiếp tục bị cáo buộc

Điều đáng nói là những cáo buộc nhắm vào ứng viên cánh hữu François Fillon vẫn tiếp tục được đưa ra. Theo hãng tin Pháp AFP, luật sư Robert Bourgi, người đã biếu ông Fillon các bộ complet sang trọng và đắt tiền vào tối 14/04 đã cáo buộc rằng ông bị ông Fillon, cũng như những người trong phe ứng viên cánh hữu gây sức ép để buộc ông « nói dối » để che giấu cho ông Fillon.

Trả lời phỏng vấn của AFP, ông Bourgi như vậy là đã lập lại lời tố cáo ông đưa ra trước đó với trang mạng thông tin Mediapart.

Cũng hôm qua, trên đài BFMTV/RMC, ứng cử viên Dupont-Aignan, phong trào Nước Pháp Đứng Lên đã nhắc lại lời cáo buộc ông Fillon và một số người trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa là đã tiếp cận ông để yêu cầu ông không ra tranh cử.

Lý do là để ứng viên Fillon không bị chia phiếu. Ông Dupont-Aignan còn khẳng định là ông còn lưu lại các tin nhắn, và một ngày nào đó ông sẽ công bố cho mọi người biết! - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
Chính quyền Trump sẽ không công bố tên khách đến Tòa Bạch Ốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu nói rằng họ sẽ không tiết lộ tên của những người đã đến thăm Tòa Bạch Ốc, chấm dứt một chính sách của Tổng thống Barack Obama vốn được định ra để gia tăng tính minh bạch.

Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Obama đăng danh bạ này lên mạng khoảng ba tháng sau khi các chuyến thăm diễn ra, ngoại trừ những chuyến thăm có tên những người được coi là nhạy cảm hoặc những người có mối quan hệ cá nhân với gia đình Obama.

Nêu ra "những nguy cơ an ninh quốc gia nghiêm trọng và lo ngại về sự riêng tư," chính quyền Trump đã quyết định chấm dứt chính sách này, ngoại trừ trong một số ít tình huống.

Chính quyền Trump cho biết họ sẽ giới hạn việc tiết lộ danh bạ khách đến thăm chỉ ở một số phòng ban cụ thể của Tòa Bạch Ốc, nhưng chỉ thông qua những yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin. Trong số các phòng ban này là Văn phòng Quản lý Ngân sách và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.

Một liên minh gồm ba tổ chức giám sát đã đệ trình đơn kiện lên tòa án liên bang vào đầu tuần này trong một nỗ lực buộc Tòa Bạch Ốc phải công bố danh bạ khách đến thăm.

"Đáng thất vọng thay, người từng hứa hẹn sẽ ‘rút cạn đầm lầy’ lại lùi một bước thật xa khỏi sự minh bạch bằng cách từ chối công bố danh bạ khách đến thăm Tòa Bạch Ốc mà người dân Mỹ đã quen tiếp cận suốt sáu năm qua," theo thông cáo của ông Noah Bookbinder, giám đốc điều hành tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức tại Washington, một trong những nhóm tham gia vụ kiện.

Quyết định này cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Hiệp hội Các Quyền Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU).

Thông báo của Tòa Bạch Ốc chấm dứt mọi suy đoán về việc liệu chính quyền của ông Trump có tiết lộ danh bạ khách đến thăm hay không. Phần trang web của Tòa Bạch Ốc mà chính quyền Obama đưa thông tin này vào đó vẫn để trống kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1. - VOA
|
|

7.
Facebook nhắm mục tiêu vào 30.000 tài khoản giả ở Pháp trước bầu cử

Facebook cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào 30.000 tài khoản giả ở Pháp trước cuộc bầu cử tổng thống của nước này, như một phần trong nỗ lực toàn cầu chống lại thông tin sai lạc.

Công ty này cho hay họ đang cố gắng "giảm sự lan truyền tài liệu được tạo ra thông qua hoạt động không xác thực, bao gồm spam, thông tin sai lạc hoặc các nội dung lừa đảo khác, thường được chia sẻ bởi những người tạo ra tài khoản giả mạo."

Họ nói những nỗ lực của họ "cho phép chúng tôi hành động" chống lại những tài khoản giả ở Pháp và rằng họ đang loại bỏ những trang web có lượng truy cập cao nhất.

Facebook và truyền thông Pháp cũng đang tiến hành những chương trình kiểm chứng sự thật tại Pháp để chống lại thông tin gây ngộ nhận, đặc biệt là quanh chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử tổng thống hai vòng diễn ra từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 7 tháng 5.

Nhà chức trách Châu Âu cũng đã gây áp lực lên Facebook và Twitter để loại bỏ nội dung tuyên truyền cực đoan hoặc những nội dung được đăng tải khác vi phạm luật về phát biều mang tính thù hằn và những luật khác của Châu Âu.

Facebook đã tăng cường nỗ lực chống lại việc lan truyền những tin tức giả tạo và thông tin sai lạc trên dịch vụ của mình vào tháng 12, một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Vào thời điểm đó công ty cho biết họ sẽ tập trung vào những người vi phạm nặng nhất và cộng tác với những người kiểm chứng sự thật bên ngoài và các tổ chức tin tức để lọc tin tức thật khỏi những chuyện bịa đặt.

Facebook đã bị cáo buộc cho phép lan truyền những tin tức sai lạc trong những tháng trước cuộc bầu cử ở Mỹ, điều mà những người chỉ trích nói là có thể đã giúp xoay chuyển kết quả theo hướng có lợi cho Donald Trump. Từ tháng 12, công ty đã mở rộng nỗ lực của mình vượt ra ngoài nước Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

8.
Hai chiến hạm hiện đại của Pháp thăm Việt Nam

Chiến hạm Mistral hiện đại nhất của Pháp cùng với hộ tống hạm Courbet hôm nay 15/04/2017 đến Saigon và lưu lại một tuần lễ tại Việt Nam, trong chương trình hợp tác quốc phòng Việt-Pháp.

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp, tàu đổ bộ Mistral (L9013) và tàu hộ tống Courbet thực hiện chiến dịch hợp tác quân sự « Jeanne d’Arc 2017 ». Hai chiến hạm hiện đại này được triển khai bốn tháng tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ghé thăm các hải cảng ở Việt Nam, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, với một toán quân Anh biệt phái. Thông cáo nhấn mạnh, hoạt động này phản ánh sự cam kết của Pháp về trật tự quốc tế dựa trên cơ sở luật pháp, xúc tiến đối thoại.

Báo chí Việt Nam cho biết, Hải quân hai nước Việt Nam và Pháp sẽ giao lưu và tiến hành tập luyện chung. Chỉ huy đoàn tàu cũng đến chào ban lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và bộ Tư lệnh thành phố.

Bên cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam và bệnh viện 175 sẽ lên thăm bệnh viện dã chiến của Hải quân Pháp trên hai chiến hạm này, để chuẩn bị cho lực lượng quân y tham gia các hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong thời gian tới.

Chuyến thăm của đoàn tàu Hải quân Pháp nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp. Năm ngoái, một chiến hạm chở trực thăng Tonnerre (L9014) thuộc lớp Mistral cũng đã ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam từ ngày 02-06/05/2016.

Trước đó Reuters ngày 17/03/2017 đưa tin, nhằm phô trương sức mạnh quân sự trước Trung Quốc, Pháp sẽ điều chiến hạm Mistral dẫn đầu các cuộc tập trận trên bộ và trên biển ở đảo Tinian, tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận có sự tham dự của quân đội Nhật, Hoa Kỳ, và Anh. Mistral là tàu đổ bộ có trọng tải lớn nhất của Pháp, chỉ sau hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle. - RFI
|
|

9.
Ngoại trưởng Việt Nam sắp tới Washington DC

Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh sắp đến Mỹ vào tuần tới giữa những âu lo của Hà Nội về mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt về mậu dịch song phương.

Báo Người Lao Động cho hay, ông Phạm Bình Minh sẽ đến Mỹ từ ngày 19 đến 23 Tháng Tư, 2017. Tin tức chỉ thấy loan báo chuyến đi của ông Minh “nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước.”

Ông đến Washington vào dịp chính phủ của ông Trump đang rất bận rộn với cuộc chiến ở Syria, Iraq, Afghanistan và sự lấp ló chiến tranh nguyên tử ở bán đảo Triều Tiên, trong khi những vấn đề đối nội, một số chính sách của chính phủ và đảng Cộng Hòa của ông Trump đưa ra không được Quốc Hội thông qua.

Ít nhất, người ta tin trong lịch làm việc của ông ở Washington, có việc mời tổng thống Mỹ đến dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng và thăm Việt Nam cũng như mối quan hệ mậu dịch song phương nằm trên đầu các cuộc nói chuyện của ông với Ngoại Trưởng Rex Tillerson và các viên chức khác của chính phủ Mỹ.

Ông Minh đã gặp ngoại trưởng Mỹ bên lề hội nghị G-20 ở Bonn, Đức, giữa Tháng Hai vừa qua.

Tin tức lúc đó nói rằng ông “khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác toàn diện với Mỹ trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí hai nước cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc ở cấp cao.”

Hà Nội vừa muốn xuất cảng hàng hóa sang Mỹ mỗi ngày một nhiều hơn và được hưởng thuế quan ưu đãi nhưng đồng thời cũng không muốn Mỹ kích thích “diễn biến hòa bình” lật đổ chế độ.

Đây là chuyến đến thủ đô Washington đầu tiên của Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh trong nhiệm kỳ của chính phủ Tổng Thống Donald Trump.

Những ngày vận động tranh cử năm ngoái, ông Trump nhiều hơn một lần cáo buộc một số nước trong đó có Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, đã xuất cảng hàng hóa giá rẻ đủ loại ào ạt sang Mỹ, cướp công việc làm của người người dân nước này. Ông được dân chúng ủng hộ và trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Khi vừa bước chân vào Tòa Bạch Ốc, một trong những việc đầu tiên ông Trump làm là ký tuyên bố rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất nếu hiệp định được thi hành. Hiện Hà Nội vẫn đang cố điều đình với Mỹ cho một thỏa hiệp kinh tế song phương thay thế cho TPP.

Theo các con số của Tổng Cục Thống Kê, năm 2015, kim ngạch thương mại Việt-Mỹ đạt $41.43 tỷ, năm 2016 được hơn $46 tỷ. Sau hơn 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1994), mậu dịch hai chiều đã tăng tới 187 lần. Nếu so sánh với năm 1993, tức một năm trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam thì thương mại tăng tới 668 lần.

Thương mại song phương Việt-Mỹ dự trù sẽ tăng lên đến $57 tỷ vào năm 2020. Hiện nước Mỹ đang là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam. Nếu chính sách thương mại của Mỹ đối với các nước Á Châu, trong đó có Việt Nam thay đổi như ông đe dọa trong thời gian tới sẽ là mối quan ngại rất lớn của Hà Nội.

Đầu Tháng Tư vừa qua, Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius chiều 31 Tháng Ba đến gặp Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang. Dịp này ông Quang đề cập đến bức thư nói Tổng Thống Trump gửi cho ông ta ngày 23 Tháng Hai, “Khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng Việt Nam và các nước trong khu vực đảm bảo hòa bình, thịnh vượng ở Á Châu-Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.”

Dịp này, Đại Sứ Ted Osius cho biết Tổng Thống Trump “đang xem xét việc tham dự Tuần Lễ Cấp Cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng vào Tháng Mười Một tới” nhưng không thấy đề cập gì đến chuyện có thăm viếng Việt Nam hay không.

Chắc hẳn ông Phạm Bình Minh sẽ phải hỏi lại ông Rex Tillerson tuần tới khi hai người gặp nhau ở Washington về khả năng vừa kể. - nguoiviet

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment