Tin Thế Giới
1.
Tillerson: ‘Không thể tiếp tục kiên nhẫn với Bắc Hàn’
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói chính sách "kiên nhẫn chiến lược " đối với Bắc Triều Tiên đã chấm dứt, và hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng là "một giải pháp".
Phát biểu mạnh mẽ ở Seoul hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói "Bắc Triều Tiên phải hiểu rằng cách duy nhất để có một tương lai an ninh và thịnh vượng về mặt kinh tế là phải từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác."
Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, ông Tillerson cho biết là "một loạt khả năng toàn diện" đang được tạo ra để đối phó với quốc gia bị cô lập này.
Hàn Quốc là quốc gia thứ hai trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Tại Tokyo hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Tillerson nói: "Rõ ràng là chúng ta cần có một cách tiếp cận khác" sau 20 năm các nỗ lực ngoại giao thất bại, không ngăn được Bắc Triều Tiên sản xuất vũ khí hạt nhân.
Chặng cuối cùng trong chuyến Á du của ông Tillerson là Trung Quốc, chương trình nghị sự của ông tại đây bao gồm một cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ hôm thứ Năm nói rằng Trung Quốc đóng một vai trò rất quan trọng trong nỗ lực khuyến khích Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và cho biết ông đã khuyến khích Trung Quốc thực thi đầy đủ các biện pháp chế tài của LHQ nhằm gây áp lực lên chính phủ Bắc Triều Tiên.
Là nơi quân đội Hoa Kỳ trú đóng và nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ để tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Bắc Triều Tiên. Một thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cho biết, 3 đồng minh đã tiến hành các cuộc tập trận hôm thứ 4 trên biển phía đông bán đảo Triều Tiên và phía bắc của Nhật Bản để củng cố khả năng tương tác.
Các cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Tillerson với chủ tịch Trung Quốc sẽ là nền tảng cho một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 ở Florida.
Chỉ có một phóng viên duy nhất, cô Erin McPike của báo mạng Independent Journal Review được tháp tùng ông Tillerson trong chuyến công du này. Thông thường có cả một đoàn phóng viên tháp tùng ngoại trưởng Hoa Kỳ trong các chuyến công du của ông. - VOA
|
|
2.
Đài Loan 'đủ sức' bắn phi đạn vào Trung Quốc
Lần đầu tiên Đài Loan tuyên bố công khai là đảo này có khả năng phóng phi đạn đến Trung Quốc trong lúc chính phủ công bố một phúc trình quốc phòng quan trọng hôm 16/3 cảnh báo về nguy cơ xâm lược ngày càng cao từ Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn xem Đài Loan như một phần lãnh thổ có thể sáp nhập lại bằng vũ lực nếu cần. Đài Loan là một đảo tự trị kể từ khi hai bên tách rời sau cuộc nội chiến năm 1949.
Các mối quan hệ giữa hai bên đã tệ hại hơn kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn lên cầm quyền vào năm ngoái.
Đọc bản phúc trình được soạn thảo 4 năm một lần, trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Feng Shih-kuan trả lời “Có” khi được một nhà lập pháp hỏi rằng Đài Loan có khả năng bắn vào Hoa lục hay không.
Nhà lập pháp Wang Ting-yu nói với thông tấn xã AFP “Đây là lần đầu tiên Bộ quốc phòng xác nhận điều này” rằng phi đạn của Đài Loan có thể bay hơn 1.500 kilômét.
Trong quá khứ, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã sản xuất phi đạn hành trình nhưng chưa bao giờ công khai khả năng của phi đạn.
Phúc trình vừa kể cũng cam kết củng cố mặt trận quân sự để bảo vệ Đài Loan.
Trung Quốc có hơn 1.500 phi đạn nhắm vào Đài Loan, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.
Quân đội của Đài Loan khoảng 200.000 binh sĩ chỉ bằng một phần nhỏ của đội quân 2,3 triệu quân của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan hy vọng nâng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP vào năm sau, nghĩa là cao hơn so với 2% năm nay và cũng là phần ngân sách cao nhất dành cho quân đội trong 10 năm.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền, Bắc Kinh siết mọi liên lạc chính thức với Đài Bắc và gia tăng các cuộc tập trận gần Đài Loan tiếp sau cuộc điện đàm giữa bà Thái với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hoa Kỳ là đồng minh hùng mạng nhất của Đài Loan và là nguồn cung cấp vũ khí chính, dù hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức sau khi Washington chuyển sang công nhận Bắc Kinh vào năm 1979. - VOA
|
|
3.
THAAD sắp tới Hàn Quốc
Radar băng tần X, yếu tố cốt lõi trong hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ sắp tới Hàn Quốc, hãng tin Yonhap dẫn lời giới chức quân sự ngày 16/3.
Một giới chức quân sự Hàn Quốc không muốn nêu tên cho hay radar băng tần X không tới trong ngày 16/3 nhưng sẽ sớm được chuyển giao cho Hàn Quốc.
Trước đó, đài địa phương KBS của Hàn Quốc đưa tin radar AN/TPY-2 sẽ tới căn cứ không quân Osan vào sáng ngày 16/3, nhưng một giới chức thuộc Tư lệnh Lực lượng Phối hợp (CFC) nói với Tân hoa xã rằng không thể xác nhận tin đó.
Giới chức CFC cho biết dù các thành phần khác của THAAD, kể cả radar băng tần X, có tới Hàn Quốc thì cũng sẽ không được loan báo công khai vì các bí mật vận hành.
Hôm 6/3, hai bệ phóng di động và một phần các thiết bị của THAAD đã được bàn giao tới căn cứ không quân Osan và được đưa tới một căn cứ khác.
Hệ thống THAAD bao gồm 6 bệ phóng di động, 48 phi cơ nghênh cản, một radar băng tần X, và một đơn vị điều khiển. Các thành phần này dự kiến sẽ lần lượt được đưa tới Hàn Quốc từng phần một.
Nhiều nhà quan sát cho rằng với THAAD, Hàn Quốc sẽ bước vào mạng lưới phòng thủ phi đạn của Mỹ tại Đông Bắc Á để kiềm chế Nga và Trung Quốc.
Cả Trung Quốc lẫn Nga đã mạnh mẽ phản đối hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ tại Hàn Quốc vì cho rằng việc này sẽ phá vỡ cân bằng chiến lược khu vực và đe dọa lợi ích an ninh của Moscow và Bắc Kinh.
Radar băng tần X thuộc THAAD có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ của Nga và Trung Quốc. - VOA
|
|
4.
Philippines sắp củng cố các cơ sở quân sự ở Biển Đông --- Biển Đông: Trung Quốc "bứng chốt" Philippines bằng đôla
Philippines ngày 17/3 tuyên bố sẽ củng cố các cơ sở quân sự trên các đảo và bãi cạn tại Biển Đông và loan báo kế hoạch sơ khởi xây một cảng mới và lát lại một đường băng có sẵn.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana theo lịch lẽ ra đi thanh sát một tiền đồn trên đảo Thị Tứ, một trong những đảo tranh chấp trong quần đảo Trường Sa, nhưng chuyến đi của ông bị hủy bỏ vì “vấn đề an toàn” và thay vào đó, ông đến một căn cứ quân sự. Tại đây, ông loan báo những kế hoạch phát triển.
Phát biểu với binh sĩ nhân lễ kỷ niệm năm thứ 41 của Bộ Chỉ huy Miền Tây, ông Lorenzana nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ xây một đường băng, một cảng và một cầu tàu cho tàu bè của chúng ta.”
Đảo Thị Tứ gần với bãi Subi, một trong bảy đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc bị tố cáo có các hành động quân sự hóa với phi đạn đất đối không và những vũ khí khác nữa.
Philippines đã tranh chấp với Trung Quốc trong nhiều năm về Biển Đông, nhưng quan hệ song phương dường như được cải thiện dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết ông Duterte đã chấp thuận nâng cấp các cơ sở không chỉ trên đảo Thị Tứ mà còn trên 8 thực thể khác ở Biển Đông mà Philippines chiếm đóng.
Một tướng lãnh cao cấp Philippines cho biết quân đội đã ngăn một chuyến thăm dự trù của nhóm các nhà lập pháp tới đảo Thị Tứ ngày 16/3 vì quan ngại rằng Trung Quốc sẽ phản ứng.
Có khoảng 110 ngư dân sống trên đảo Thị Tứ. - VOA
***
Chiến thuật "vết dầu loang" của Bắc Kinh tại Biển Đông
Với tựa "Tiền Trung Quốc đổ bộ vào Philippines", Bắc Kinh muốn nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN, thông báo sáng kiến « liên vùng » số một : lập một khu vực bảo tồn thiên nhiên ở Biển Đông sau khi đưa Manila vào vòng kim cô. Trên đây là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.
Theo nhà báo Michel De Grandi, từ sau chuyến công du của tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 10/2016, doanh nghiệp Trung Quốc cam kết nhập khẩu ít nhất 1,7 tỷ đôla hàng hóa Philippines trong năm nay 2017, theo thông báo của sứ quán Trung Quốc ở Manila. Thỏa thuận ký kết hôm thứ Tư bao gồm những mặt hàng mà Philippines sản xuất từ trái cây cho đến hải sản và hóa chất. Trừ phi có thay đổi đột ngột, thỏa thuận thương mại trên đây là tầng thứ nhất của hỏa tiễn nhiều tầng. Bước tiếp nối là Trung Quốc đầu tư xây dựng hạ tầng kiến trúc cũng như cung cấp vũ khí cho hải đảo vốn từ trước đến nay vẫn kình chống Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông.
Từ khi đắc cử tổng thống Philippines, luật sư hay gây tranh cãi Duterte không ngừng « xoay trục », thẳng thừng tuyên bố « giã biệt ông bạn Obama », bỏ đồng minh Washington để chọn Trung Quốc. Nhưng để kết thân với Bắc Kinh, tổng thống Duterte tỏ ra bớt xác quyết trên hồ sơ tranh chấp biển đảo cho dù phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye nghiêng về Philippines.
Thật ra, thời trước tổng thống Duterte, Trung Quốc đã là bạn hàng thứ hai của Philippines. Theo nhận định của Les Echos, khi kéo được Philippines vào vòng ảnh hưởng, Trung Quốc đã đánh được một mẻ lưới to trong lĩnh vực ngoại giao. Sau Philippines, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn mở rộng địa bàn kiểm soát đến các thành viên khác của ASEAN. Bắc Kinh, muốn nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (08/08/1967), thông báo sáng kiến « liên vùng » tại Biển Đông, nơi Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên 90% diện tích. Theo giải thích của Trung Quốc, sáng kiến đó là lập « khu bảo tồn thiên nhiên » để các bên (?) đều có lợi. - RFI
|
|
5.
TQ 'đặt trạm theo dõi môi trường trên bãi cạn Scarborough
Trung Quốc trong năm nay sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị để đặt một trạm theo dõi môi trường tại Bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc gọi là Bãi cạn Hoàng Nham, ở Biển Đông, hãng tin Reuters đưa tin.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh hai thượng nghị sỹ Hoa Kỳ mới đây đưa dự luật đòi áp lệnh trừng phạt đối với các hoạt động của Bắc Kinh tại vùng biển có tranh chấp.
Hồi tháng trước, một bộ trưởng của Philippines nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết với người tương nhiệm Philippines là sẽ không xây dựng các cấu trúc trên bãi đá mà cả hai quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền, nhưng phía Trung Quốc nói những bình luận này là "khó tin và đáng tiếc".
Trung Quốc hồi 2012 đã chiếm bãi cạn, nằm tại đông bắc quần đảo Trường Sa, tây bắc Philippines, và không cho ngư dân Philippines ra vào khu vực.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte tới thăm Trung Quốc hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã cho phép các ngư dân trở lại ngư trường truyền thống để đánh bắt cá.
Hồi trong tuần, Tiêu Tiệp, thị trưởng của khu vực mà Trung Quốc gọi là Thành phố Tam Sa, nói rằng Trung Quốc có kế hoạch bắt đầu công tác chuẩn bị trong năm nay, nhằm xây dựng các trạm theo dõi môi trường ở một số hòn đảo, trong đó có Bãi cạn Hoàng Nham.
Việc xây dựng các trạm theo dõi tại đây và tại năm đảo khác thuộc vùng biển chiến lược nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong năm 2017, ông Tiêu nói.
Ngoài trạm ở Bãi cạn Hoàng Nham, các trạm khác sẽ được đặt trên các thực thể tại Quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát kể từ 1974 sau khi chiếm hết các phần do Việt Nam quản lý, hãng tin AP dẫn lời ông Tiêu nói với Hải Nam Nhật báo.
Các trạm theo dõi cùng với các bến đậu tàu và các cơ sở hạ tầng khác sẽ là một phần trong nỗ lực phục hồi và chống xói mòn cho đảo, theo ông Tiêu.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines Charles Jose từ chối bình luận và nói nước này đang tìm cách xác minh các tường thuật trên.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Bắc Kinh
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Bảy 18/3 tới Bắc Kinh trong chuyến thăm hai ngày. Dự kiến chủ đề Biển Đông sẽ nằm cao trong nghị trình làm việc của ông.
Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây cất các đảo nhân tạo trên Biển Đông và xây dựng các cơ sở quân sự trên đó, đồng thời tỏ ý quan ngại các cơ sở này có thể được dùng để hạn chế việc tự do đi lại.
Trong tuần rồi, các thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Marco Rubio và Ben Cardin đề xuất Luật Trừng phạt tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo đó cấm cấp chiếu khán cho các cá nhân Trung Quốc có đóng góp vào việc xây dựng, phát triển các dự án ở hai vùng biển này.
Đề xuất cũng có nội dung áp lệnh trừng phạt lên các tổ chức tài chính nước ngoài "cố ý thực hiện hoặc tạo điều kiện cung cấp giao dịch tài chính lớn cho các tổ chức, cá nhân bị trừng phạt" nếu như Trung Quốc tăng cường hoạt động tại Bãi cạn Hoàng Nham và có các hoạt động khác.
Trung Quốc đã mạnh mẽ phản đối đề xuất trên, điều mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói là vi phạm luật quốc tế và các quy tắc trong quan hệ quốc tế. - BBC
|
|
6.
Không kích ở bắc Syria, 42 người chết
Một cuộc không kích nhắm vào một đền thờ Hồi giáo ở bắc Syria đã giết chết 42 người và làm nhiều người bị thương, theo Đài quan sát Nhân quyền Syria.
Đài quan sát có trụ sở tại London cho biết họ không thể xác định máy bay của lực lượng nào đã tiến hành cuộc đột kích hôm thứ Năm ở quận Jennah, tỉnh Aleppo.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết đã thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào một cuộc họp của al-Qaeda gần một đền thờ Hồi giáo ở miền bắc Syria. Đại tá John J. Thomas, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Miền Trung Hoa Kỳ nói rằng: "Chúng tôi không nhắm tấn công một đền thờ Hồi giáo, mục tiêu của chúng tôi là tòa nhà nơi đang diễn ra cuộc họp, cách nhà thờ khoảng 15 mét. Đền thờ Hồi giáo vẫn còn đó."
Quân đội Syria và Nga cũng tiến hành các cuộc không kích trong khu vực này.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria nói rằng đền thờ Hồi giáo lúc đó rất đông người cầu nguyện và tham gia thánh lễ buổi tối.
Tổ chức này cho biết hơn 100 người bị thương, nhiều người còn bị kẹt trong các đống đổ nát của đền thờ Hồi giáo bị sập.
Đại tá Thomas nói:
"Chúng tôi sẽ xem xét bất kỳ cáo buộc nào về số thương vong nơi thường dân liên quan đến cuộc tấn công này. Chúng tôi coi đây là một vấn đề quan trọng."
Cuộc không kích xảy ra một ngày sau khi diễn ra các cuộc tấn công tự sát tại thủ đô Damascus, giết chết ít nhất 30 người, đúng 6 năm từ khi cuộc xung đột Syria khởi sự.
Cuộc nội chiến đã giết chết 400,000 người, làm bị thương hơn 1 triệu người, và buộc phân nửa dân số Syria phải dời cư. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Tillerson và chuyến đi vạch lộ đồ quan hệ Mỹ-Trung
Vấn đề thương mại đầy gai góc sẽ là chủ đề chính mà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi ông đến thăm Bắc Kinh vào thứ Bảy và Chủ nhật này. Tổng thống Donald Trump từng thẳng thừng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong giao thương và nhiều chính sách khác của Trung Quốc, do đó lấp đầy hố sâu ngăn cách sẽ không dễ dàng.
Chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson với chặng dừng chân cuối tại Bắc Kinh được xem là một bước quan trọng trong việc vạch ra một lộ đồ cho quan hệ tương lai giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Tillerson sẽ gặp gỡ các giới chức Trung Quốc để thảo luận về những phương cách hai bên có thể vạch ra một đường hướng để tiến tới trong lĩnh vực thương mại và những vấn đề then chốt khác.
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Susan Thornton cho biết:
"Chúng tôi mong muốn có thể theo đuổi một cuộc thảo luận có tính xây dựng với Trung Quốc để cho phép hai bên tiến đến giải quyết những lãnh vực đang gặp khó khăn và đạt tiến bộ trong các vấn đề quan trọng giữa hai bên."
Trong chiến dịch vận động tranh cử của ông, Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong các hoạt động giao thương, ông đe dọa sẽ tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, và tuyên bố sẽ xếp hạng Trung Quốc như nước thao túng tiền tệ.
Những lời đe doạ đó chưa được thực hiện, và từ khi Tổng thống Trump điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc hồi tháng trước, quan hệ giữa hai bên có dấu hiệu đang tiển triển theo chiều hướng tích cực.
Bất chấp điều mà các giới chức Bắc Kinh gọi là cảm giác lạc quan về các mối quan hệ song phương và những lời hứa của Trung Quốc lặp lại cam kết sẽ mở cửa rộng hơn để cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc, những lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại và xích mích vẫn tồn tại ở Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc nói:
"Chúng tôi không muốn thấy bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào nổ ra giữa hai nước. Điều đó sẽ không làm cho giao thương giữa hai bên công bằng hơn. Hy vọng của phía Trung Quốc chúng tôi là bất kể trở ngại nào mà mối quan hệ này sẽ vấp phải, chúng tôi mong rằng nó sẽ vẫn tiếp tục tiến tới trong chiều hướng tích cực."
Trên các đường phố ở Bắc Kinh, nhiều người tỏ thái độ hoài nghi về chiều hướng của các mối quan hệ song phương, nhưng cũng có nhiều người tin rằng hai bên sẽ tìm được cách để tránh những mâu thuẫn, xích mích.
Ông Chen, một cư dân Bắc Kinh, nói: Miễn là hai bên tìm được những cách thức hòa bình để bảo vệ các lợi ích của mình, hai bên chắc chắn sẽ cùng tiến lên."
Một cư dân Bắc Kinh khác, tên Yuan, nói: "Chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn, xích mích trong quan điểm của mỗi bên về thương mại và tài chánh, nhưng đó là lẽ thường tình."
Các nhà phân tích nói đó là điều bình thường trong bối cảnh những lợi ích to lớn của hai nền kinh tế, nhưng đẩy mạnh nghị trình của Tổng thống Trump đặt nước Mỹ lên trên hết trong khi duy trì các mỗi quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc đi theo đúng hướng, cũng mang lại nhiều yếu tố bất định mới. - VOA
|
|
8.
TT Trump và bà Merkel gặp nhau tại Bạch Ốc
Hôm nay, thứ Sáu 17/3, Thủ tướng Đức và Tổng thống Hoa Kỳ gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc.
Theo lịch trình ban đầu, bà Angela Merkel và ông Donald Trump lẽ ra gặp nhau sớm hơn trong tuần, nhưng hai nhà lãnh đạo thế giới đã phải hoãn cuộc gặp vì cơn bão tuyết ở bờ biển phía Đông Hoa Kỳ.
Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump giành thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Trước cuộc bầu cử, ông Trump nói quyết định của bà Merkel nhận người tị nạn là một "sai lầm thảm khốc" và ông cáo buộc rằng bà đang "hủy hoại nước Đức".
Ông Trump còn đề nghị các nước NATO phải trả nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của họ.
Bà Merkel, một nhân vật có thế lực đáng kể tại Châu Âu, từng phê bình lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump đối với người tị nạn và nhập cư. Lệnh cấm này đã bị các tòa án Hoa Kỳ chặn lại.
Tuy nhiên trong cuộc gặp ở Phòng Bầu dục,, các nhà phân tích chính trị tin rằng ông Trump có thể tham khảo ý kiến của bà Merkel về cách tốt nhất để đối phó với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bà Merkel đã từng đương đầu với nhà lãnh đạo Nga gây nhiều tranh cãi này, trong khi ông Trump lại ca ngợi ông Putin – gây kinh ngạc cho các nhà lập pháp thuộc cả đảng Cộng hòa và cả đảng Dân chủ tại Hoa Kỳ. - VOA
|
|
9.
Tòa Bạch Ốc khăng khăng Obama nghe lén điện thoại --- Ủy ban Tình báo Thượng viện bác bỏ việc Trump bị nghe lén
Tòa Bạch Ốc vẫn tiếp tục bênh vực Tổng thống Donald Trump khi ông một mực khẳng định rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe trộm điện thoại của ông tại tòa tháp Trump ở New York.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer phải đối mặt với đông đảo phóng viên tham gia họp báo muốn biết lý do tại sao ông Trump vẫn quả quyết việc nghe lén điện thoại tại toà tháp Trump là điều thật sự xảy ra, bất chấp các nhà lập pháp hàng đầu thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện đều khẳng định chuyện đó không hề xảy ra.
Ông Spicer nói Tổng thống Mỹ khẳng định đây là điều đã xảy ra. Ông tố cáo các nhà báo là "diễn giải sai lệch" những gì diễn ra trong ủy ban Thượng viện, ông nói thêm rằng Quốc hội Hoa Kỳ vẫn chưa được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan về việc nghe trộm.
Thế nhưng hai thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện, là ông Richard Burr của đảng Cộng hòa và Mark Warner của đảng Dân chủ đã tuyên bố rằng "dựa trên thông tin có được, “chúng tôi không thấy có dấu hiệu cho thấy tòa tháp Trump là đối tượng giám sát bởi bất kỳ yếu tố nào Chính phủ Hoa Kỳ trước hoặc sau ngày bầu cử 2016."
Hôm thứ tư, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes, người của đảng Cộng hòa và ủng hộ Trump, nói tại một cuộc họp báo về cáo buộc nghe trộm của Trump rằng "chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự việc đã xảy ra ... Tôi không nghĩ có một kẻ nghe trộm nào ở tòa tháp Trump".
Dân biểu Adam Schiff, lãnh đạo đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng đồng ý với dân biểu Nune:
"Cho đến nay, tôi không thấy có bằng chứng nào để hậu thuẫn lời tố cáo của Tổng thống Trump rằng vị Tổng thống tiền nhiệm đã nghe trộm điện thoại của ông và các cộng sự tại tòa tháp Trump. Cho đến nay chúng tôi thấy lời cáo buộc ấy không có bất kỳ cơ sở sở nào.
Hai nghị sĩ Nunes và Schiff cho biết họ đang chờ cho tới ngày thứ Hai để nhận thông tin từ Bộ Tư pháp để xem liệu cơ quan này có biết tới bất kỳ lệnh nào của tòa án bật đèn xanh để thực hiện vụ nghe trộm ở tòa tháp Trump hay không.
Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu Quốc hội tiến hành điều tra sau khi ông Trump đưa ra lời tố cáo của ông. - VOA
***
"Không có dấu hiệu" chứng tỏ tòa nhà Tháp Trump (Trump Tower) bị chính phủ Hoa Kỳ theo dõi, kể cả trước lẫn sau khi bầu cử, một ủy ban Thượng viện nói.
Tuyên bố của Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng Viện, bác bỏ tố cáo của ông Trump theo đó nói điện thoại của ông đã bị nghe lén.
Ông Trump trước đó nói rằng người tiền nhiệm, Tổng thống Barack Obama, đã nghe lén Tháp Trump trong quá trình tranh cử.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói ông Trump vẫn không thay đổi quan điểm.
"Ông ấy vẫn giữ nguyên quan điểm," ông Spicer nói trong buổi họp báo hôm thứ Năm 16/3.
Vị thư kí báo chí không chấp nhận báo cáo của Ủy ban Tình báo, nói "đó không phải kết quả thu được."
Ông Spicer trích dẫn một tường thuật vô căn cứ của Fox News theo đó nói ông Obama đã tránh né luật Mỹ bằng cách yêu cầu GCHQ của Anh, cơ quan chuyên thu thập tin tức tình báo từ các hoạt động thông tin liên lạc trên toàn cầu, theo dõi ông Trump, một cáo buộc mà GCHQ nói là "hoàn toàn nực cười".
Nhiều quan chức Quốc Hội cũng bác tố cáo nghe lén
Ông Burr là một trong số các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa bác bỏ tố cáo nghe lén.
"Dựa trên những thông tin đã có, chúng tôi không thấy dấu hiệu chứng tỏ Tháp Trump bị bất cứ đơn vị nào thuộc chính phủ Mỹ theo dõi kể cả trước và sau Ngày Bầu cử 2016," ông Burr nói trong một tuyên bố chung với phó chủ tịch ủy ban, Thượng nghị sĩ Mark Warner.
Trước đó cũng cùng ngày 16/3, Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan cũng nói "không hề có vụ nghe lén nào".
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện Devin Nunes, thành viên Cộng hòa, cũng nói hôm thứ Tư rằng ông không tin là "có chuyện nghe lén ở Tháp Trump".
Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm ông Trump đổi ý; ông nói với Fox News hôm thứ Tư rằng "vụ nghe lén đã lấy được rất nhiều thứ."
Ông cũng tỏ ý rằng các tin tức chi tiết về cáo buộc nghe lén sẽ được tiết lộ trong vài tuần tới.
"Việc nghe lén được thực hiện đối với rất nhiều thứ khác nhau. Tôi tin là quý vị sẽ thấy một số điều thú vị trên tin tức trong hai tuần tới," ông Trump nói trong một buổi phỏng vấn tối thứ Tư.
Ông Trump đồng tình với những bình luận của thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer, người nói rằng khi tổng thống nói "nghe lén" là muốn nói tới việc "giám sát và những hành vi theo dõi khác".
Nhà Trắng hiện vẫn chưa đưa ra những bằng chứng nào cho lời cáo buộc của tổng thống, và thay vào đó yêu cầu Quốc hội hãy kiểm chứng lại cáo buộc như một phần điều tra về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm ngoái.
Các giới chức sau đây tuyên bố không hề có bằng chứng nghe lén:
Cựu tổng thống Barack Obama
Giám đốc FBI James Comey
Cựu Giám Đốc Tình báo quốc gia James Clapper
Cựu Giám Đốc CIA John Brennan
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hòa Devin Nunes
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện John McCain
Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan
Cựu Chánh Văn Phòng Phủ Tổng thống Denis McDonough. - BBC
|
|
10.
Thử thách mới cho YouTube và Facebook?
Các mạng xã hội như YouTube và Facebook dường như đang gặp thử thách mới khi chính phủ một số nước đưa ra yêu cầu phải kiểm soát nội dung do người sử dụng đưa lên.
Tại Anh, chính phủ và một số hãng như báo The Guardian, kênh truyền hình Channel 4 và hãng truyền thông BBC đã ngừng quảng cáo trên YouTube vì quan ngại những quảng cáo của họ xuất hiện trong những video có nội dung "không phù hợp" trên kênh này.
Văn phòng Nội các muốn Google Inc., công ty mẹ của YouTube, đảm bảo rằng các thông điệp mà chính phủ muốn đưa ra, sẽ phải được hiển thị "một cách an toàn và phù hợp".
Trong khi đó, chính phủ Pakistan nói họ yêu cầu Facebook giúp điều tra những "nội dung có tính phỉ báng" do người Pakistan đưa lên mạng xã hội này. Hồi đầu tuần này Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif lên tiếng ủng hộ việc trấn áp trên diện rộng những nội dung mang tính phỉ báng trên mạng xã hội.
Ở Việt Nam, từ tháng Hai, chính phủ thực hiện chiến lược mới để gây sức ép với các doanh nghiệp hoạt động trong nước, đồng thời với YouTube và Facebook để đòi gỡ bỏ những clip có nội dung 'độc hại' chống nhà nước. Kết quả là nhiều thương hiệu lớn trong nước và quốc tế ở Việt Nam đã cam kết tạm ngừng quảng cáo trên YouTube.
Gây áp lực thông qua hoạt động quảng cáo
Chuyện các chính phủ phàn nàn với Google và Facebook về những nội dung được phát hành trên mạng không phải là điều mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng hiếm khi có một nhà nước gây sức ép với họ qua những doanh nghiệp đặt quảng cáo như trường hợp ở Việt Nam.
Liên minh Internet Á Châu (Asia Internet Coalition), là tổ chức mà cả YouTube và Facebook đều là thành viên, nói Việt Nam và các doanh nghiệp đã hưởng lợi rất nhiều nhờ tiếp cận Internet.
"Điều tối quan trọng cho Chính phủ Việt Nam là bảo vệ tính chất mở của mạng internet, và xây dựng những điều khoản phù hợp để khuyến khích đầu tư và ủng hộ cải tiến," hãng Reuters dẫn lời ông Jeff Paine, giám đốc điều hành của tổ chức này.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chiều 16/3 yêu cầu các doanh nghiệp, thương hiệu lớn ngừng quảng cáo trên YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác cho đến khi các hãng này tìm được giải pháp để chặn được những clip có nội dung "độc hại" chống nhà nước.
Đại diện các doanh nghiệp có quảng cáo trên Youtube như Vinamilk, Vietnam Airlines, Unilever, Honda, Ford... đã cam kết sẽ tạm ngừng quảng cáo trên YouTube và Facebook cho đến khi các mạng này tìm được giải pháp để xử lý tình trạng này, hãng tin Reuters cho hay.
Các quảng cáo trên YouTube được một hệ thống máy tính chọn qua thuật toán để hướng vào nhóm khán giả thích hợp. Các công ty đăng quảng cáo thường không biết hoặc không có kiểm soát trực tiếp về những video clip mà các quảng cáo xuất hiện kèm.
Theo con số của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho đến ngày 15/3, có hơn 8.000 clip có nội dung 'phản động' với 500 triệu lượt xem trên YouTube, nhưng Google mới chỉ chặn, không cho 42 clip xuất hiện ở thị trường Việt Nam thay vì gỡ bỏ hoàn toàn. Những clip này vẫn có thể tiếp cận được từ nước ngoài.
"Hôm nay chúng tôi kêu gọi tất cả các doanh nghiệp không tiếp tay cho họ nhận phí quảng cáo của các hãng để chống lại chính phủ Việt Nam," Bộ trưởng Tuấn được truyền thông dẫn lời nói tại cuộc họp.
"Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả người sử dụng Internet lên tiếng với Google và Facebook để ngăn chặn những nội dung độc hại, bôi nhọ vi phạm pháp luật Việt Nam trên môi trường trực tuyến."
Thư phản hồi chính thức Google gửi các cơ quan truyền thông có đoạn viết: "Chúng tôi có những chính sách rõ ràng đối với yêu cầu gỡ bỏ video của các chính phủ trên toàn thế giới. Chúng tôi dựa vào các chính phủ để thông báo cho chúng tôi những nội dung mà họ cho là bất hợp pháp bằng thủ tục chính thức. Nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ hạn chế những nội dung này sau khi xem xét kỹ lưỡng."
Facebook hiện chưa có phản hồi. - BBC
|
|
Tin Việt Nam
11.
Việt Nam 'tự vệ' trước thép Trung Quốc
Bộ Công Thương Việt Nam vừa loan báo sẽ tăng mạnh mức thuế áp đặt trên thép nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Đây là một trong những “biện pháp tự vệ tạm thời” mà Việt Nam liên tục đưa ra trong thời gian gần đây để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, sau đánh giá cho thấy thép giá rẻ và thép dài Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, gây ra những thiệt hại không thể khắc phục cho Việt Nam.
Số liệu của Bộ Công thương cho biết chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu thép chủ yếu từ Trung Quốc lên tới hơn 1,53 triệu tấn, tăng 7,6% về số lượng và 61,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, sắt thép phế liệu được xếp vào diện bị kiểm soát gắt gao, nhưng do chi phí nhập sắt thép phế liệu vào Việt Nam rẻ hơn mua phôi luyện thép, nên mặt hàng này vẫn chiếm khối lượng lớn nhập khẩu. Ước tính mỗi ngày có hơn 10.000 tấn sắt thép phế liệu được nhập vào Việt Nam.
Ngoài ra, các chủng loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị nghi ngờ khai man để trốn thuế.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Việt Nam, cho biết: “Thép Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam với quy mô rất lớn. Trong đó có hiện tượng người ta kê khai không chính xác, thí dụ một số thép có hàm lượng chất Bo rất thấp, nhưng họ khai đó là thép hợp kim cao cấp nên trốn được thuế. Vì vậy nên các doanh nghiệp thép của Việt Nam chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng”.
Chính vì vậy, một trong những "biện pháp tự vệ” mà Việt Nam đưa ra là xác định rõ các loại thép và đánh thuế thích hợp.
Theo thông báo của Bộ Công thương, bắt đầu từ ngày 22/3, Việt Nam sẽ áp dụng tăng thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép nhập vào Việt Nam là 21,3% (so với mức trước đây chỉ từ 4,64 – 6,78%) và với thép dài là 13,9%.
Vietnamnet cho biết quyết định tăng thuế được Thủ tướng Việt Nam ban hành sau một cuộc điều tra kéo dài của Bộ Công thương, bắt đầu từ ngày 25 tháng 12 năm 2016, sau những than phiền của các nhà sản xuất thép trong nước. Các công ty tư nhân Việt Nam nói các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang bán phá giá với giá thấp hơn giá trị thực tế, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng.
Sản lượng thép dư thừa của Trung Quốc trong những năm gần đây đã dẫn đến những cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước châu Âu. TS. Lê Đăng Doanh nói vì vậy, việc Trung Quốc tận dụng láng giềng Việt Nam để tiêu thụ thép dư thừa cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế của Việt Nam đánh giá các biện pháp tự vệ của Việt Nam hiện nay là vẫn còn quá “hiền” và “chậm”.
Ông nhận xét: “Việt Nam cho đến nay đã hội nhập rất sâu, tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do. Nhưng các biện pháp phòng vệ của Việt Nam còn thấp và ít được vận dụng”.
TS. Lê Đăng Doanh cũng nhắc nhở một khi Việt Nam áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, thì doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ “luật chơi” đã định cho các nước khác.
“Đấy là điều mà Việt Nam phải chuẩn bị và cân nhắc kỹ trước khi áp dụng các biện pháp này, thí dụ như tăng tiêu chuẩn về độ vệ sinh an toàn thực phẩm, hàm lượng các hóa chất hoặc các yêu cầu khác”, TS. Lê Đăng Doanh nói thêm.
Theo Vietnamnet, sau khi Việt Nam thông báo áp dụng biện pháp tự vệ, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bày tỏ bất bình với mức thuế cao và nói rằng mức giá của họ là công bằng và không hề vi phạm luật thương mại. Theo các doanh nghiệp Trung Quốc, vấn đề bắt nguồn từ nhu cầu thấp, sự yếu kém của kinh tế toàn cầu và các sản phẩm kém chất lượng. - VOA
|
|
12.
Việt Nam 'không cho phép' tưởng niệm Trận Long Tân
Chính phủ liên bang Úc ngày 17/3 xác nhận năm nay sẽ không có lễ tưởng niệm chính thức tại Bia Thánh Giá Long Tân, sau khi chính quyền Việt Nam quyết định không dỡ bỏ lệnh cấm hạn chế đi vào khu vực đã diễn ra trận đánh Long Tân giữa binh sĩ Úc và lính Bắc Việt cách đây gần 51 năm.
Tuy nhiên, một nhóm nhỏ người Úc sẽ được phép đến thăm khu vực vào ngày 25/4, là ngày ANZAC ở Úc, với điều kiện không có truyền thông đi theo. Ngày ANZAC là ngày lễ kỷ niệm chiến dịch quân sự lớn đầu tiên của liên quân Úc và New Zealand. Đây được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của Úc.
Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh Úc Dan Tehan khuyên các công dân Úc muốn đến Long Tân nên cân nhắc lại kế hoạch du hành cho phù hợp. Ông nói: “Chính phủ [Úc] tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam để có được một kết quả có lợi cho cả hai nước”.
Ông nói thêm rằng: “Mặc dù thất vọng, nhưng chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam trong tư cách một quốc gia có chủ quyền, được quyết định về các lễ kỷ niệm tổ chức trên đất nước mình”.
Ông Dan Tehan ngỏ lời cám ơn Việt Nam đã cho phép một nhóm người Úc đến Long Tân và cho biết sẽ bàn thảo với các cựu chiến binh và công chúng Úc về những thay đổi này.
Năm ngoái, Việt Nam cũng ra quyết định hủy bỏ vào phút chót một chương trình kỷ niệm quy mô của Úc tại Long Tân nhân kỷ niệm 50 năm trận chiến, một động thái mà báo giới Úc miêu tả là một “thảm họa ngoại giao” đã khiến nhiều cựu chiến binh Úc thất vọng và nổi giận.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull lúc đó nói Việt Nam đã “xem thường” các cựu chiến binh khi không cho phép họ đến làm lễ tưởng niệm.
Quyết định hủy bỏ được đưa ra sau 18 tháng thương thảo giữa hai chính phủ Việt Nam và Úc. Lý do mà phía Việt Nam đưa ra là tính nhạy cảm của khu vực Bia Thánh Giá Long Tân.
Trận chiến Long Tân diễn ra vào ngày 18 tháng 8 năm 1966. 108 binh sĩ Úc và 2.500 lính Bắc Việt đối đầu nhau tại đồn điền cao su Long Tân ở tỉnh Phước Tuy. 18 binh sĩ Úc và khoảng 245 lính Bắc Việt đã thiệt mạng trong trận chiến được xem là gây thương vong nặng nề nhất cho quân đội Úc trong thời chiến tranh Việt Nam.
Lễ tưởng niệm trận chiến Long Tân được Úc tổ chức vào ngày 18 tháng 8 hàng năm. Kể từ năm 1989, hoạt động này bắt đầu được người Úc thực hiện tại Long Tân, Việt Nam. - VOA
|
|
13.
Formosa tăng đầu tư vào nhà máy thép Vũng Áng
Tập đoàn Nhựa Formosa của Đài Loan sẽ tăng thêm đầu tư khoảng 350 triệu USD vào một dự án thép ở Việt Nam vốn bị trì hoãn sau thảm họa môi trường.
Hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Trương Phục Ninh, Phó chủ tịch Điều hành nhà máy Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh nói họ sẽ tăng vốn lên 346 triệu USD trong dự án trị giá 10,7 tỷ USD.
Khoản tăng vốn mới sẽ được đầu tư cho các biện pháp bảo vệ an toàn cho môi trường tốt hơn, tăng vốn lưu động, mua vật liệu và xây dựng…, ông Trương nói với Reuters.
Trong khi đó truyền thông trong nước vào hôm thứ Sáu dẫn lời một quan chức của tỉnh nói Formosa Hà Tĩnh đã đề nghị tăng vốn đầu tư.
Công ty này đã trả 500 triệu USD tiền bồi thường cho thảm họa môi trường vốn giết chết hơn 100 tấn cá và tàn phá môi trường, làm mất việc làm và gây hại tới nền kinh tế của bốn tỉnh tại miền trung Việt Nam.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp an toàn môi trường để hoàn tất vào cuối tháng Ba," ông Trương trả lời qua điện thoại. "Cho đến nay, nhóm thanh tra của chính phủ đã có phản hồi tích cực về các tiến bộ của chúng tôi."
Các biện pháp này bao gồm một hệ thống sẽ được xây dựng cùng với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh nhằm theo dõi nước thải và khi thải, và một bể sinh thái để lọc bỏ chất độc trong nước trước khi thải ra biển.
Formosa Hà Tĩnh cũng đã được yêu cầu bắt đầu dùng hệ thống lọc khô và phải hoàn thành công việc trước 30/06/2019.
Hệ thống làm nguội than cốc ướt, vốn dùng nước làm mát, được coi là gây ô nhiễm nhiều hơn vì nó tạo ra nhiều nước thải hơn và chứa các hợp chất bao gồm cyanide, được cho là là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới thảm họa môi trường.
Formosa Hà Tĩnh cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam đối với kế hoạch dự phòng về rò rỉ dầu, ngoài việc chuẩn thuận các biện pháp cải tiến an toàn môi trường sẽ được hoàn tất trong tháng này.
Sau đó, công ty hy vọng sẽ được phê duyệt để vận hành thử lò nấu thép, một bước quan trọng trước khi nó có thể bắt đầu sản xuất thương mại, dự kiến sẽ bắt đầu trong Quý IV khi có sự chấp thuận của Hà Nội.
"Chúng tôi nhớ những bài học chúng tôi đã trải nghiệm và chúng tôi đang triển khai công việc của mình," ông Trương nói. - BBC
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment