Tin Thế Giới
1.
Lực lượng Iraq tiến vào trung tâm Mosul
Các lực lượng Iraq được Hoa Kỳ hậu thuẫn đã bắt đầu một cuộc hành quân mới tiến về trung tâm thành phố Mosul trong nỗ lực chiếm lấy các khu vực vẫn nằm trong tay các chiến binh Nhà nước Hồi giáo.
Các quan chức quân sự Iraq hôm Chủ Nhật cho biết họ chiếm nhiều ngôi làng ở phía tây Mosul trong khi họ tiến về khu phố cổ của thành phố.
Do thời tiết xấu trong những ngày gần đây, cuộc tấn công đã bị trì hoãn.
Hàng ngày, hàng ngàn thường dân chạy nạn khỏi các cuộc giao tranh.
Kể từ khi chính phủ bắt đầu tiến quân vào phía tây thành phố Mosul vào ngày 19/2, các chỉ huy Hoa Kỳ và Iraq cho biết các phiến quân IS kháng cự quyết liệt, lực lượng cực đoan IS tìm cách duy trì kiểm soát khu vực đô thị trọng yếu cuối cùng của chúng ở Iraq.
Các binh lính liên minh do Mỹ đứng đầu chính thức triển khai với vai trò là cố vấn và chuyên gia nhằm hỗ trợ các lực lượng Iraq trong cuộc tấn công vào thành phố Mosul.
Các lực lượng Iraq đã tái chiếm phía đông Mosul vào đầu năm nay, sau một cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 17/10. - VOA
|
|
2.
Liệu Mỹ có tạm dừng chương trình phòng thủ tên lửa ở Ba Lan?
Những động thái gần đây của Nga lại làm cho kế hoạch về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Hoa Kỳ và NATO trở thành tâm điểm chú ý. Nhưng đang có sự bất đồng về việc nên nhìn nhận những động thái đó như thế nào, cũng như nên có mức độ phản ra sao.
Trong khi một số nhà hoạch định chính sách cổ súy cho việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa để trấn an các đối tác NATO, những người khác muốn tạm dừng chương trình trước khi một địa điểm mới được xây dựng ở Ba Lan, coi đó như một biện pháp xuống thang căng thẳng leo với Nga.
Theo ông Tomas Karako thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, việc Nga triển khai tên lửa hành trình hồi tháng 2, vi phạm một hiệp ước đã có trong 30 năm, đồng nghĩa là kế hoạch phòng thủ tên lửa cần phải tiếp tục tiến hành.
Ông Karako nói: "Tôi nghĩ rằng sẽ rất sai lầm khi tạm dừng kế hoạch phòng thủ cho Ba Lan và những nơi khác vào lúc này. Chúng ta phải tiếp tục làm đúng kế hoạch, và triển khai địa điểm Redzikowo ở Ba Lan. Tôi cũng nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục điều chỉnh năng lực để đối mặt với các mối đe dọa khác".
Trong khi đó, theo ông Joseph Cirincione, chủ tịch Quỹ Ploughshares, hiện nay thỏa thuận hạt nhân Iran đang được thực thi, do đó, không còn lý do về phòng vệ trước một cuộc tấn công của Iran, và tương tự như vậy, không nên tiếp tục thiết lập các địa điểm phòng thủ tên lửa.
Ông Cirincione nói: "Người ta có thể tạm dừng chương trình lúc này. Nếu chúng ta tiếp tục, nó sẽ chia rẽ liên minh NATO, vì Nga sẽ nói ‘Hãy nhìn xem, chương trình này chỉ nhắm vào Nga thôi'. Đừng giúp Nga chia rẽ liên minh NATO. Hãy tạm dừng chương trình".
Ông John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho biết Nga đang thử thách chính quyền mới của ông Trump với việc triển khai tên lửa hành trình có đầu đạn hạt nhân, và theo ông điều này đòi hỏi phải có một "sự đáp trả có ý nghĩa".
Tổng thống Donald Trump đã nói ông sẽ nêu lên vấn đề triển khai tên lửa bất cứ khi nào ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. - VOA
|
|
3.
Hàng không mẫu hạm Mỹ thể hiện ‘cam kết’ ở Biển Đông
Thiếu tướng James Kilby, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ gồm một hàng không mẫu hạm và nhiều tàu chiến ở Biển Đông, được dẫn lời nói rằng nói cuộc tuần tra này không phải để chứng tỏ sức mạnh mà để thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Chúng tôi muốn tái khẳng định với các bạn hữu và đồng minh về niềm tin của chúng tôi đối với việc tuần tra tự do hàng hải và hoạt động an ninh mà chúng tôi luôn thực hiện”, ông Kilby được Reuters trích lời nói hôm 3/3.
Vị chỉ huy này nói thêm: “Chúng tôi đã hoạt động như vậy trong quá khứ, và chúng tôi sẽ hoạt động cả trong tương lai. Chúng tôi đã chứng tỏ rằng các vùng lãnh hải quốc tế là nơi mà ai cũng có thể qua lại”.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson hiện diện tuần tra ở Biển Đông kể từ ngày 19/2, trong khi có các quan ngại về chuyện liệu Mỹ có tiếp tục thể hiện sức mạnh ở khu vực dưới chính quyền của Tổng thống Trump, vốn nghiêng về chương trình nghị sự tập trung vào Hoa Kỳ.
Trong một diễn biến khác liên quan, Bộ trưởng quốc phòng cùng hai thành viên chính phủ Philippines hôm 4/3 đã lên hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson theo lời mời của hải quân Mỹ.
Tờ Washington Post nhận định rằng chuyến thăm cho thấy sự tiếp xúc cấp cao giữa quan chức Philippines và quân đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte “dọa” sẽ giảm bớt sự hợp tác với các lực lượng Mỹ trong khi ngả về Trung Quốc và Nga.
Phía Bắc Kinh chưa có phản ứng tức thời về chuyến thăm USS Carl Vinson của quan chức đứng đầu lực lượng quốc phòng Philippines, nhưng Trung Quốc từng phản đối Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông. - VOA
|
|
4.
Trung Quốc không tiết lộ cụ thể chi tiêu quốc phòng 2017 --- Trung Quốc đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2017
Trung Quốc hôm 5/3 tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm nữa cho quân đội, trong đó có việc củng cố phòng thủ hàng hải và hàng không, nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, nhưng trong một động thái mà Reuters nói là hết sức bất thường, Bắc Kinh không cung cấp con số chi tiêu cụ thể cho năm 2017, dù cam kết sẽ minh bạch.
Phát ngôn viên của quốc hội, bà Phó Oánh, hôm 4/3 cho biết rằng chi tiêu quốc phòng cho năm nay sẽ tăng khoảng 7%, tức chiếm khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội, tỷ lệ giống với những năm trước.
Tuy nhiên, mục tiêu chi tiêu quốc phòng thực tế cho năm 2017 không được đưa ra trong công bố ngân sách của Trung Quốc trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên hôm 5/3, như từng làm trong những năm trước.
Chính phủ Trung Quốc chỉ nói trong báo cáo ngân sách “sẽ hỗ trợ nỗ lực tăng cường cải tổ quốc phòng và các lực lượng vũ trang”, theo Reuters, mà không nói rõ.
Tân Hoa Xã, hãng tin nhà nước Trung Quốc, không đăng tải về con số. Bộ Quốc phòng và phát ngôn viên của quốc hội không phản hồi tức thời trước đề nghị bình luận.
Trung Quốc từng nhiều lần nói sẽ minh bạch hóa về chi tiêu quốc phòng, nhưng chưa rõ lý do vì sao con số chi tiêu cho năm 2017 lại không được công bố.
Việc Trung Quốc củng cố quốc phòng đã gây lo ngại khắp khu vực, nhất là khi Bắc Kinh có những hành động tăng cường chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết rằng Bắc Kinh sẽ “củng cố phòng thủ hàng hải và hàng không” với mục đích rằng “chủ quyền, an ninh và các quyền lợi phát triển được bảo vệ một cách quyết liệt và hiệu quả”. - VOA
***
Hàng ngàn đại biểu từ khắp Trung Quốc đã tập trung tại Bắc Kinh hôm Chủ Nhật để tham dự phiên họp quốc hội hàng năm tại Đại lễ đường Nhân dân.
Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với các đại biểu rằng Trung Quốc mong muốn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5 % GDP trong năm 2017.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí - một trong những vấn đề nổi cộm nhất của đất nước.
Năm ngoái, Trung Quốc ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% -7% và thực tế đạt được 6,7%, đây là mức tăng trưởng chậm nhất trong vòng 26 năm qua.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng chậm như thế vì phải đối phó với những lo ngại về mức nợ công cao. - VOA
|
|
5.
Pháp: Bị chiến hữu bỏ rơi, ứng viên François Fillon huy động cử tri
Bị tư pháp bao vây và một bộ phận trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hoà thúc giục bỏ cuộc, ứng cử viên François Fillon kỳ vọng vào lực lượng quần chúng. Vào lúc nhóm trung thành huy động một cuộc biểu dương sức mạnh vào chiều Chủ nhật 05/03/2017, thì bà Penelope Fillon kêu gọi chồng « tiếp tục chiến đấu ».
Theo AFP, số người tham dự cuộc biểu tình vào chiều nay tại quảng trường Nhân Quyền, đối diện với tháp Eiffel, Paris, sẽ cho phép đo lường được uy tín của ứng cử viên cánh trung hữu. Ban tổ chức hy vọng tập hợp được 45 000 người.
Chiều hôm trước, trong một buổi vận động tranh cử ở ngoại ô Paris, ông François Fillon tuyên bố nếu đắc cử sẽ hủy bỏ chính sách làm việc 35 giờ mỗi tuần và ông kêu gọi cảm tình viên « đừng để bị hù dọa, đừng bao giờ đầu hàng, đừng bao giờ bỏ cuộc ».
Đây cũng là nội dung bài trả lời phỏng vấn của bà Penelope Fillon dành cho nhật báo Chủ nhật Journal Du Dimanche. Bị tố cáo là làm trợ lý ảo cho chồng lúc ông Fillon còn là dân biểu, bà Penelope Fillon khẳng định đã cung cấp tất cả bằng chứng cho thẩm phán trong giai đoạn 2012-2013, nhưng thiếu những dữ kiện trước năm 2007, vì không lưu trữ.
Vào lúc phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố và bị đảng bỏ rơi, ứng cử viên Franç ois Fillon có thể tìm được điểm tựa vững chắc từ người vợ của ông. Phu nhân của ứng cử viên trung hữu xác quyết với Journal Du Dimanche rằng François Fillon, chồng của bà « là một nhà chính trị can đảm, chỉ có ông ấy xứng đáng làm tổng thống Pháp » và bà đã khuyên ông « tiếp tục đến cùng bất kể khó khăn trở lực từng ngày ». Tuy nhiên, bà nói thêm, quyết định sau cùng là tùy ông ấy.
Tổng số cộng sự viên và dân biểu bỏ rơi ông Fillon đã lên đến 200. Chiều nay, bộ chính trị của đảng Những Người Cộng Hoà sẽ có một cuộc họp để « thẩm định tình hình ».
Ứng cử viên phe cực hữu Marine Le Pen cũng đứng trước nguy cơ bị truy tố với tội danh lạm dụng công quỹ. Nhưng khác với François Fillon, bà Marine Le Pen từ chối trình diện thẩm phán điều tra. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Ông Trump đòi điều tra về cáo buộc ông Obama lạm quyền --- Cựu quan chức tình báo Mỹ bác bỏ cáo buộc ‘nghe lén’
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ nhật yêu cầu các tiểu ban giám sát tình báo quốc hội điều tra xem liệu chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã lạm dụng quyền hạn điều tra của họ hay không trong vài tuần ngay trước cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái, khi họ điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói: "Các báo cáo liên quan đến những cuộc điều tra nhiều khả năng có động cơ chính trị ngay trước cuộc bầu cử năm 2016 là rất đáng lo ngại".
Không đưa ra bất kỳ bằng chứng gì, ông Trump hôm thứ Bảy đã cáo buộc rằng ông Obama đã nghe trộm điện thoại tại trụ sở Trump Tower của ông ở New York trong khoảng một tháng ngay trước cuộc bầu cử tháng 11, một cáo buộc mà một phụ tá của cựu tổng thống bác bỏ, nói rằng điều đó "hoàn toàn sai".
Tân tổng thống, người thuộc đảng Cộng hòa, đã bắt đầu ngày Chủ nhật với nhiều lời lăng mạ trên Twitter nhằm vào những người của đảng Dân chủ đối lập và ông Obama.
Ngay sau bình minh, ông Trump viết trên Twitter từ dinh thự của ông ở Florida ven biển Đại Tây Dương. Ông đặt câu hỏi liệu có đúng là Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ đã không cho phép Cục Điều tra Liên bang “truy cập để kiểm tra máy chủ hoặc thiết bị khác sau khi biết nó đã bị hack? Liệu điều đó có thể hay không?"
Ông đề cập đến cuộc điều tra trên diện rộng đang diễn ra hiện nay xem xét các chi tiết của kết luận của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ nói rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử với nỗ lực giúp ông Trump đánh bại đối thủ của ông bên đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Sau nhiều tuần gièm pha phát hiện này, ông Trump đã miễn cưỡng công nhận nó trước ngày nhậm chức hồi tháng 1. Nhưng hiện nay FBI và một số ủy ban của Quốc hội đang trong quá trình điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử, và xem xét một số cuộc tiếp xúc giữa các phụ tá của ông Trump và các quan chức Nga trước và sau khi cuộc bầu cử. - VOA
***
Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump về chuyện bị nghe lén trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
Ông James Clapper nói với chương trình “Meet the Press” của kênh truyền hình NBC hôm 5/3 rằng ông không không hay biết một lệnh nào của tòa án về việc theo dõi Tháp Trump ở New York.
“Không có hành động nghe lén nào đối với tổng thống, tổng thống đắc cử khi đó, hay khi ông làm ứng viên, hay đối với chiến dịch tranh cử của ông ấy”, ông Clapper nói.
Ông Trump hôm 4/3 cáo buộc cựu Tổng thống Barack Obama ra lệnh nghe lén tỷ phú bất động sản này, nhưng đương kim lãnh đạo Mỹ không đưa ra bằng chứng nào.
Một phát ngôn viên của ông Barack Obama sau đó đã lên tiếng bác bỏ. “Không ai, cả Tổng thống Obama hay bất kỳ quan chức Nhà Trắng nào, từng lệnh theo dõi bất kỳ công dân Mỹ nào. Mọi gợi ý trái ngược với điều đó đều sai trái”, ông Kevin Lewis nói trong một tuyên bố.
Trước đó, cựu cố vấn của ông Obama, Ben Rhodes, cũng mạnh mẽ phản bác cáo buộc của ông Trump.
“Không một tổng thống nào có thể ra lệnh thực hiện nghe lén. Những giới hạn đó hiện hữu để bảo vệ các công dân khỏi những người như ông đấy,” ông Rhodes viết trên Twitter.
Trong một đoạn tweet, ông Trump nói rằng việc nghe lén xảy ra tại Tháp Trump ở New York nhưng “không tìm thấy gì”.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 5/3, Tổng thống Donald Trump yêu cầu các tiểu ban giám sát tình báo quốc hội điều tra xem liệu chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã lạm dụng quyền hạn điều tra hay không, trong vài tuần ngay trước cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái, khi điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
7.
Biểu tình hôm 5/3 'không như mong đợi' --- Biểu tình đòi Formosa rút khỏi Việt Nam
Linh mục được cho là phát động cuộc biểu tình toàn quốc hôm 5/3 nói với BBC về "hiệu ứng không như mong đợi" trong lúc một nhà hoạt động nói ông không đồng tình vì "những lời kêu gọi vu vơ".
Sáng 5/3, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy biểu tình diễn ra tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vinh, TP Hồ Chí Minh...
Trước đó, trên mạng xã hội có lời kêu gọi biểu tình mọi Chủ Nhật và ngày nghỉ suốt năm 2017, bắt đầu từ hôm 5/3/2017 được cho là phát xuất từ Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, một cựu tù nhân chính trị.
Nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam nói với BBC: "Cuộc biểu tình yêu cầu đóng cửa Formosa diễn ra sáng 5/3 tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, quận 1, TP Hồ Chí Minh được khoảng 10 phút thì bị chính quyền can thiệp."
"Khoảng 100 người tham gia sự kiện này."
"Họ cầm biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu: "Formosa cút khỏi Việt Nam, Yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa..."
"Tôi chứng kiến những người bị bắt lên xe buýt, đưa đi."
Còn tại Hà Tĩnh, nhà hoạt động Paulus Lê Văn Sơn cho biết: "Đến 11:20, người dân vẫn đang tọa kháng tại trước cổng công ty Formosa. An ninh, công an, cảnh sát cơ động được bố trí dày đặc và khắp nơi."
Cũng có ý kiến trên mạng xã hội hôm 5/3 về việc xuất hiện một số hình ảnh, clip biểu tình được cho là đã diễn ra hồi năm ngoái và được đăng tải lại nhằm "gây nhiễu thông tin".
'Vấn đề tế nhị'
Hôm 5/3, trả lời BBC từ Nhà Hưu dưỡng Tổng Giáo phận Huế, Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý nói: "Tôi xác nhận mình là người thay mặt cho Tập Hợp Quốc Dân Việt kêu gọi biểu tình ôn hòa đồng loạt toàn quốc mỗi Chủ nhật từ hôm 5/3."
"Vì một số vấn đề tế nhị nên tổ chức này tạm thời ẩn danh, chưa thể ra mặt."
"Nhưng tôi không phải là người điều hành khối người này."
"Bản thân tôi hôm nay cũng không tham dự biểu tình được do đã bị chặn lại, không cho ra khỏi sân Nhà Hưu dưỡng từ hôm qua."
"Chính quyền cho người chặn xe, giật cờ ngũ sắc, biểu ngữ chống Trung Quốc và có hai viên công an đến 'thăm' tôi từ 6:00 đến 12:00 hôm nay tại Nhà Hưu dưỡng."
Linh mục cũng nói thêm: "Có thể hôm nay cuộc biểu tình không diễn ra đông đảo như mong đợi nhưng dân tộc Việt Nam không còn lựa chọn nào khác."
"Dù thất bại, khó khăn bước đầu nhưng tôi rằng những cuộc biểu tình lần tới sẽ tập hợp người dân trên toàn quốc đông hơn."
'Dối trá có chủ đích'
Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói: "Tôi tôn trọng quyền biểu tình của tất cả mọi người nhưng không đồng tình với lời kêu gọi biểu tình vu vơ từ hôm 5/3 từ những người ẩn mặt, mượn lời cha Lý đưa ra."
"Là một người từng gánh chịu đàn áp, bắt bớ do đi biểu tình, tôi thấy biểu tình ở Việt Nam rất phức tạp."
"Nếu không có người tổ chức công khai chịu trách nhiệm, không có kế hoạch rõ ràng thì những người tham gia có nguy cơ không được bảo vệ khi bị hành hung, câu lưu."
"Tôi cũng không chấp nhận ai đó sử dụng phong trào đấu tranh cho những lợi ích đằng sau của những nhóm nào đó."
"Nếu ai đó nói những giáo dân miền Trung biểu tình hôm nay là làm theo lời kêu gọi biểu tình nêu trên thì đó là sự nhập nhằng, đánh đồng."
"Do biểu tình là công việc thường xuyên của giáo dân và họ không cần ai kêu gọi."
"Còn về việc một số hình ảnh, clip biểu tình cũ xuất hiện trong ngày 5/3, theo tôi đấy là sự dối trá có chủ đích."
"Những người làm việc này hẳn muốn lừa dối đám đông, khiến người ta mất niềm tin vào phong trào đấu tranh."
"Dù sao thì tôi vẫn tin rằng qua sự việc đáng tiếc hôm nay, người dân sẽ rút ra kinh nghiệm cho những lần biểu tình về sau." - BBC
***
Hưởng ứng lời kêu gọi đồng loạt biểu tình phản đối Formosa, sáng Chủ Nhật 05/03/2017 người dân Việt Nam tại nhiều nơi đã xuống đường tuần hành, với các khẩu hiệu yêu cầu Formosa rút khỏi Việt Nam.
Tại Nghệ An, tin cho hay hàng ngàn tín hữu Công giáo thuộc hai xứ Phú Yên và Mành Sơn ngay từ sáng đã tuần hành bằng xe máy sang hiệp thông với đồng đạo tại xứ Song Ngọc. Linh mục Đặng Hữu Nam cho Đài Á Châu Tự Do biết:
"Sáng nay sang đến Song Ngọc chúng tôi dâng lễ hiệp thông cầu nguyện cho công lý hoà bình. Sau thánh lễ chúng tôi xuống đường tập trung tại xã Quỳnh Ngọc độ hơn 5.000 người, biểu tình kêu gọi Fornosa cút khỏi Việt Nam. Sau đó chúng tôi chia tay nhau và về đến nhà cách đây khoảng 5 phút. Trên đường đi cũng có rất nhiều an ninh sắc phục cơ động an ninh chìm nhưng không cản trở".
Cũng trong sáng Chủ nhật, gần 1.000 người dân giáo xứ Đông Yên tại Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh tập trung trước cổng nhà máy gang thép Formosa, yêu cầu công ty Formosa rút khỏi việt Nam. Một phụ nữ tham dự cuộc tuần hành chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại:
“Bà con tự giác và lời kêu gọi toàn nước phải đứng dậy ngày 5/3 nên bà con thúc giục nhau đứng dậy. Hiện tại bà con đang ở giữa cổng công ty Formosa và bà con đang đọc kinh và cầu nguyện. An ninh không đàn áp, công an xã thì rải rác, còn cơ động thì đứng trong công ty còn dân ở phía ngoài”.
Tại Sài Gòn vào lúc 7:45 sáng khoảng gần 200 người chia thành nhiều nhóm đã có mặt trước khuôn viên Nhà thờ Đức Bà. Một nhóm chừng vài chục người hô to những khẩu hiệu yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam, sau đó đã bị giải tán ngay lập tức bởi an ninh và cảnh sát chìm. Một số người tiếp tục biểu tình bằng cách ngồi xuống và hô tô bằng tiếng Anh ‘Formosa gets out’ và hát bài ‘Trả lại đây’.
Lực lượng chức năng dùng loa phóng thanh kêu gọi mọi người giải tán. Cuộc biểu tình diễn ra ngắn ngủi vì bị đàn áp. Một số người bị bắt đưa lên xe và các nhóm tham gia bị giải tán. Một bạn trẻ có mặt tại chỗ cho biết:
“Nhóm bên em họ bắt khoảng 20 nguòi đưa lên xe buýt, họ đàn áp rất dã man”.
Tại Biên Hoà, Đồng Nai cũng có một số nhóm xuống đường với khẩu hiệu kêu gọi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Trong khi đó tại Hà Nội, nhiều nhà tranh đấu bị an ninh chốt chặn không cho ra khỏi nhà. Blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết ông cũng dự định xuống đường nhưng bị an ninh ngăn chặn ngay từ rất sớm:
“Nó chặn không biết từ bao giờ. Sáng nay ra nó đứng đầy ở đấy, chú định xuống đường nhưng canh thì sao đi được”.
Tình trạng ngăn chặn cũng xảy ra ở Sài Gòn. Tin ghi nhận lực lượng cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông được triển khai rất đông, ngăn chận các ngã đường vào trung tâm thành phố, khiến một số người muốn tham gia biểu tình nhưng không thể vào được. - RFA
Link:
http://bit.ly/2kWPNo9
No comments:
Post a Comment