Wednesday, October 14, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Tư 14/10

Tin Thế Giới

1.
IS và al Nosra kêu gọi tấn công thánh chiến nhắm vào Nga --- Nga sa lầy: Cơ hội cho một giải pháp chính trị với Syria

Đều là mục tiêu của các cuộc không kích Nga tại Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận al-Nosra, trong những nhóm nổi dậy chống Damas, đã kêu gọi mở các cuộc tấn công thánh chiến trên đất Nga để trả thù sự can thiệp trực tiếp của Moscow vào cuộc xung đột Syria.

Trong một đoạn băng ghi âm phát trên mạng internet hôm qua Abou Mohamed al-Adnani, phát ngôn viên của IS khẳng định "Nga sẽ thất bại tại Syria" đồng thời nhân vật này kêu gọi "người Hồi giáo ở bất kỳ đâu hãy tiến hành thánh chiến chống lại người Nga và người Mỹ", trước cuộc thập tự chinh chống lại người Hồi giáo hiện nay.

Cũng trong đoạn ghi âm nói trên, phát ngôn viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã khẳng định nhân vật số 2 của tổ chức này là Fadel Ahmad al-Hayali đã thiệt mạng trong một vụ tấn công của không quân Mỹ tai Irak hồi tháng 8 vừa qua.

Cùng ngày hôm qua Mặt trận al-Nosra, một nhóm nổi dậy thuộc chi nhánh al Qaida đang chiến đấu chống Bachar al-Assad, đã cho phổ biến một đoạn ghi âm, trong đó thủ lĩnh của al-Nosra, Abou Mohamed al-Joulani kêu gọi các chiến binh thánh chiến của vùng Kavkaz mở chiến dịch tấn công trả đũa vào nước Nga.

Trong khi đó tại Syria, trong vòng 24 giờ qua, phi cơ Nga tiếp tục tiến hành các cuộc không kích với cường độ ngày càng cao. Theo bộ Quốc phòng Nga, trong một ngày hôm qua, không quân Nga đã tấn công 80 mục tiêu tại Syria.

Do can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria để hỗ trợ cho chế độ Bachar al Assad, Nga giờ đây là kẻ thù của các nhóm nổi dậy tại Syria cũng như IS.

Hôm qua hai quả đạn rốc-két bắn từ ngoại ô Damas rơi vào giữa sứ quán Nga tại Damas. Rất may không có thương vong nào trong vụ tấn công này. - RFI

***
Nga không kích tại Syria, ngày 30/09/2015, mở màn cho một cuộc chiến không hứa hẹn nhiều triển vọng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga sẽ bị sa lầy trong xung đột. Phương Tây, bị động với chiến dịch can thiệp Nga, chỉ có thể tham gia vào một giải pháp chính trị, một khi Nga chấp nhận đối diện với thực tế và hành xử có trách nhiệm. Trên đây là ghi nhận của nhiều nhà quan sát.

Không chỉ dùng phi cơ không kích "quân khủng bố", Moscow đã cho bắn hàng chục hỏa tiễn từ biển Caspian, cách Syria khoảng 1.500 km. Đây là một "thông điệp chính trị và chiến lược hết sức nghiêm trọng", theo nhận định của ông Thomas Gomart, giám đốc Viện quan hệ quốc tế Pháp (Ifri), được AFP trích dẫn. Trong thế bị động, phản ứng của Hoa Kỳ và các đồng minh dừng ở chỗ cáo buộc Moscow cố làm mọi cách để bảo vệ chế độ Bachar al-Assad, và cảnh báo sẽ có thêm nhiều tổn thất thiệt mạng.

Cũng như tại Gruzia năm 2008, hay Ukraine năm 2014, trong khủng hoảng Syria, lập trường của Phương Tây là tránh đụng độ với Nga. Trên chiến trường Syria hiện nay, có một sự phân định bất thành văn. Hai bên Nga và liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt, mỗi bên tự khẳng định "vùng ảnh hưởng riêng": khu vực của Nga là tại miền tây Syria, căn cứ địa của chế độ Bachar al-Assad, còn miền đông Syria, liên quân tiếp tục hỗ trợ quân nổi dậy không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Nguy cơ phe nổi dậy ôn hòa chạy theo IS

Chiến dịch quân sự của Nga không mang lại nhiều triển vọng lạc quan. Theo nhà phân tích Julien Barnes-Dacey, thuộc viện tư vấn chính sách đối ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations), có trụ sở tại Luân Đôn, Moscow có một "trách nhiệm nặng nề" trong cuộc khủng hoảng tại Syria, bởi chiến dịch không kích mà Nga đang tiến hành có thể khiến một bộ phận "phe nổi dậy ôn hoà" đầu quân cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), làm bùng lên không khí bạo lực thánh chiến Hồi giáo nói chung.

Theo chuyên gia viện tư vấn chính sách đối ngoại Châu Âu, Moscow có thể đóng vai trò tích cực cho việc giải quyết khủng hoảng bằng cách gây áp lực, buộc chính quyền Assad chấm dứt việc thả thuốc nổ, gây thiệt hại ghê gớm cho dân thường, và tạo điều kiện cho "các trợ giúp nhân đạo" đến được với người dân.

Chiến dịch can thiệp tại Syria, một chiến dịch quân sự ngoài biên giới đầu tiên của Moscow sau 1979, cho phép Nga trở lại vị trí trung tâm trong cục diện chính trị quốc tế. Kịch bản lạc quan nhất đối với Nga có thể xảy ra là chế độ Bachar al-Assad sẽ được củng cố, qua đó Nga giữ vững được lợi ích chiến lược tại khu vực, và đứng trên thế mạnh trong các thương lượng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không có gì bảo đảm là Moscow sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này.

Cuộc chiến Nga - Chechnya lần thứ ba

Ngay sau khi Nga mở màn chiến dịch không kích tại Syria, truyền thông nói nhiều đến một "cuộc chiến tranh Thế giới thứ Ba" có thể đã bắt đầu. Nhưng có một "cuộc chiến thứ ba khác" ít được để ý hơn, đó là xung đột tái diễn giữa Nga và người Chechnya, sau hai cuộc chiến tranh 1994-1996 và 1999. Cuộc chiến thứ hai sau đó đã lan sang nhiều nước cộng hòa tự trị thuộc vùng Kavkaz, với nhiều dân cư theo đạo Hồi.

Theo AFP, tấn công vào vị trí của lực lượng Al-Norsa tại Lattaquié, Alep, Idleb, không quân Nga đã nhắm vào hàng nghìn chiến binh gốc Chechnya, và Kavkaz nói chung. Khu vực phía bắc Syria, cũng là nơi tập hợp nhiều cộng đồng thiểu số gốc Kavkaz, định cư tại đây từ 1870-1880, do chiến tranh Nga-Thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố: cần phải "đánh nhanh, tiêu diệt các chiến binh, quân khủng bố trên các vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát, và không đợi chúng xâm nhập vào đất nước chúng ta". Can thiệp quân sự khẩn cấp của Nga vừa diễn ra phải chăng là để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố ngay trên đất Nga ?

Phương Tây chờ đợi thái độ thực tế của Tổng thống Nga, một khi việc sử dụng vũ lực ồ ạt không đạt được hiệu quả. Theo nhà nghiên cứu Pháp Camille Grand, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược (FRS), Paris, sa lầy trên chiến trường, lúc đó chắc chắn ông Putin sẽ tìm cách thương lượng, giống như với cuộc xung đột tại miền đông Ukraine trước đây. Một số chuyên gia khác cho rằng, trong trường hợp này, kinh nghiệm đàm phán về hạt nhân Iran vừa qua, với phương thức 5+1, sẽ tỏ ra rất hữu ích. - RFI
|
|

2.
Nhật tham gia cuộc thao dượt hải quân Mỹ-Ấn

Hoa Kỳ và Ấn Độ tiến hành những cuộc diễn tập hải quân hàng năm để rèn luyện kỹ năng, nhưng năm nay trong đội tàu gồm những chiếc hàng không mẫu hạm, khu trục hạm và tuần dương hạm tập trận gần cảng Chennai ở Ấn Độ còn có một chiến hạm của Nhật Bản. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Pasricha gởi về bài tường thuật sau đây.

Ấn Độ đã đồng ý bao gồm Tokyo trong cuộc diễn tập hải quân hàng năm với Hoa Kỳ, có tên Malabar, 8 năm sau khi New Dehli nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc để giới hạn cuộc tập trận này dưới hình thức song phương khi diễn ra ở Ấn Độ dương. Cuộc tập trận này thỉnh thoảng có sự tham gia của Nhật, nhưng chỉ khi nào các cuộc thao dượt diễn ra ở Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc bao gồm Nhật Bản trong cuộc tập trận năm nay là một bước ngoặt quan trọng cho việc tăng cường quan hệ đối tác an ninh giữa 3 quốc gia này. Họ cũng cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định làm ngơ những mối quan tâm trước đây về sự nhạy cảm đối với Trung Quốc để xích lại gần hơn với Washington và các nước đồng minh của Mỹ.

Ông Jeff Smith, một chuyên gia Nam Á của Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ ở Washington, quan điểm của Ấn Độ đã thay đổi.

"Có lẽ Trung Quốc chỉ tôn trọng sức mạnh, và thay vì có thái độ rụt rè đối với họ, hoặc thực hiện những quyết định chỉ với mục đích không khiêu khích Trung Quốc, chúng ta nên tập trung vào việc tăng cường sức mạnh của chính mình và của các đối tác của mình."

Sự tham gia của Nhật Bản vào cuộc diễn tập Malbar ở Ấn Độ dương có phần chắc không phải là một việc chỉ xảy ra một lần. Nhiều người dự kiến một loan báo sẽ được công bố về sự thu nhận vĩnh viễn đối với Tokyo để biến cuộc tập trận trên biển này thành một hoạt động phô diễn sức mạnh hải quân ba bên.

Sự tăng cường hợp tác quân sự giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản diễn ra trong lúc những hoạt động trên biển của Trung Quốc mỗi ngày một hung hãn hơn, làm nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông. Ngoài ra, New Dehli cũng quan tâm về những cố gắng của Bắc Kinh để nới rộng sự hiện diện của họ ở Ấn Độ Dương.

Ông Bharat Karnad, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Dehli, cho biết như sau.

"Để tìm cách kéo dãn Trung Quốc ở hai đầu, chúng ta nên có những cuộc tập trận 3 bên và tăng cường khả năng hoạt động chung của 3 nước và những thứ khác. Đó là một việc quan trọng khi xảy ra khủng hoảng và cũng để đánh đi một thông điệp cho Trung Quốc là trong trường hợp xảy ra xung đột họ sẽ bị kéo dãn rất nhiều về mặt quân sự tại hai đầu của châu Á."

Các nhà phân tích cho rằng việc New Dehli xích lại gần hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản về mặt quân sự phát xuất từ những thực tế mới trong tình hình an ninh ở các nước xung quanh.

Trong vài năm qua, Ấn Độ đã theo dõi với sự lo âu trong lúc Trung Quốc giúp Sri Lanka và Pakistan xây dựng hải cảng và thực hiện những cử chỉ để tìm cách lôi kéo Maldives. Việc tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Sri Lanka và cảng Gwadar ở Pakistan trong năm qua đã làm cho Ấn Độ cảm thấy hết sức lo ngại.

Ông Sujit Dutta, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Jamia Millia ở New Dehli, cho biết như sau.

"Trong một hoặc hai năm qua, Trung Quốc đã trở nên chủ động hơn xét về mặt chiến lược. Mối quan hệ của họ với Pakistan không ngừng được nâng cấp. Họ đang xây một căn cứ quân sự quan trọng ở Gwadar. Họ đang cung cấp cho Pakistan những tiếp liệu quân sự với khối lượng khổng lồ. Thực tế là như vậy."

Khi được hỏi về việc Nhật Bản tham gia cuộc tập trận Malabar ở Ấn Độ dương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh có quan hệ tốt với cả Ấn Độ lẫn Hoa Kỳ và hy vọng những hoạt động của họ sẽ đóng góp cho ổn định khu vực.

Tuy đồng ý để cho Nhật Bản tham gia, nhưng Ấn Độ vẫn chưa từ bỏ sự hạn chế cố hữu là không biến cuộc thao dượt Malabar thành một hoạt động đa phương.

Australia không được bao gồm trong cuộc tập trận năm nay, tuy đã yêu cầu. Cả Australia lẫn Singapore, cùng với Nhật Bản đã tham gia cuộc tập trận Malabar năm 2007. Diễn tiến đó đã làm cho Trung Quốc rất tức giận. - VOA
|
|

3.
Đức Giáo Hoàng xin lỗi về các vụ tai tiếng mới đây của Giáo hội

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa lên tiếng xin lỗi trong một dịp hiếm thấy, cho dù không được rõ ràng, về những tai tiếng trong Giáo hội Công giáo La Mã, sau nhiều vụ bê bối lớn liên quan đến giáo hội hoặc các tu sĩ.

Phát biểu tại Rome khi khai mạc buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói nhân danh giáo hội, Ngài xin được tha thứ "cho những tai tiếng hồi gần đây đã gây thương tổn cho Giáo hội La Mã và Vatican."  

Ngài không nói chi tiết về những tai tiếng nào. Ngài nói thêm "Tai tiếng xảy ra là chuyện không thể tránh được, nhưng thật không may cho kẻ đã gây ra chúng."

Phát biểu của Đức Giáo Hoàng nhận được sự tán thưởng, nhưng cũng mơ hồ về những tai tiếng cụ thể nào ngài muốn nói đến. Vatican không trả lời những câu hỏi về việc Đức Giáo Hoàng muốn ám chỉ gì.

Hôm 3 tháng 10, trước ngày Đức Giáo Hoàng khai mạc một hội nghị về các vấn đề gia đình, một đức ông của Vatican đã công khai tuyên bố là người đồng tính, giới thiệu người bạn trai đồng tính của ông với truyền thông báo chí, và cực lực phản đối quan điểm của Giáo hội về quan hệ đồng tính.

Vài ngày sau đó, thị trưởng Rome, ông Ignazio Marino, đã từ chức vì một vụ tai tiếng liên quan đến những chi tiêu cá nhân của ông và những lo ngại rằng thành phố đang bị khó khăn về tài chánh sẽ không chuẩn bị đầy đủ để đón một lượng lớn du khách dự kiến sẽ đến Rome để dự Năm toàn xá của Đức Giáo Hoàng bắt đầu vào tháng 12.

Trong mầy tuần lễ gần đây, Đức Giáo Hoàng đã công khai chê trách ông Marino, và gợi ý với các phóng viên báo chí khi ngài đến thăm thành phố Philadelphia của Mỹ rằng vị thị trưởng đáng lẽ ra không nên du hành đến thành phố này hồi đầu năm nay. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ tranh luận về Syria, TQ

Trong cuộc tranh luận đầu tiên tối thứ ba, các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ đề cập khá nhiều về vai trò của quân đội Mỹ và Nga ở Syria khi họ bàn về các vấn đề chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, có một ứng viên đã tuyên bố Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lớn nhất” đối với Hoa Kỳ. Thông tín viên Chris Hannas của đài VOA tường thuật.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã hô hào cho việc thiết lập một vùng cấm bay ở Syria như một cách để giúp thúc đẩy Nga, đồng minh của Syria, hợp tác với các nước khác trong khu vực nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị. Bà cho rằng Mỹ phải mạnh mẽ chống lại điều mà bà gọi là những “hành động hiếp đáp” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bà nói “Tôi nghĩ rằng cũng có một điều quan trọng là Hoa Kỳ phải làm cho ông Putin hiểu rõ là chúng ta không chấp nhận việc ông ấy tới Syria để tạo thêm hỗn loạn, ném bom vào người dân để giúp cho ông Assad, và chúng ta không thể đạt mục tiêu nếu chúng ta không nắm giữ một vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn. Đó là điều mà tôi muốn hô hào.”

Thượng nghị sĩ Bernie Sander của tiểu bang Vermont cho biết ông tin là ông Putin sẽ phải hối hận về những hành động của Nga mới đây ở Syria và đã hối hận về những gì đã làm ở Crimea và Ukraine.

Ông Sanders nói “Tôi nghĩ rằng những gì mà ông ấy đang làm hiện nay là để giữ thể diện. Nhưng tôi nghĩ rằng khi người Nga bị giết ở Syria, và khi ông ấy bị sa lầy, tôi nghĩ rằng người dân nước Nga sẽ nói với ông ấy là nên rút quân về nước và bắt đầu làm việc chung với Mỹ để giải quyết tình hình hiện nay.”

Ông Sanders cũng cho rằng thiết lập vùng cấm bay ở Syria sẽ tạo ra một tình huống rất nguy hiểm, có thể tạo ra nhiều vấn đề. Ông nói rằng Hoa Kỳ không nên phái binh sĩ tác chiến trên bộ tới Syria – một việc mà Tổng thống Obama và bà Clinton cũng không tán thành.

Ông Sanders nói “Chúng ta nên giúp thiết lập một liên minh của các nước Ả Rập, những nước sẽ dẫn đầu nỗ lực này.”

Trong các cuộc thăm dò, Cựu Thống đốc Martin O’Malley của tiểu bang Maryland tụt hậu rất nhiều so với người dẫn đầu là bà Clinton và người có tỉ lệ ủng hộ nhiều thứ nhì là ông Sanders. Ông O’Malley hôm qua cho biết thiết lập một vùng cấm bay vào lúc này là sai lầm vì các máy bay Nga đang hoạt động trong khu vực có thể dẫn tới một vụ việc ngoài ý muốn và làm cho tình hình leo thang.

Binh sĩ Mỹ chiến đấu ở nước ngoài

Tổng thống Obama nhậm chức năm 2009 với cam kết chấm dứt các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Trong lúc binh sĩ Mỹ vẫn có mặt tại hai nước này với vai trò cố vấn và tác chiến, hầu hết các ứng viên đã bày tỏ sự dè dặt đối với việc phái binh sĩ Mỹ ra nước ngoài.

Cựu thượng nghị sĩ Lincoln Chafee của tiểu bang Rhode Island gọi “tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông” là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia và cho rằng việc này đã bắt đầu với việc Hoa Kỳ tiến quân vào Iraq.

Ông nói “Chúng ta phải chấm dứt những cuộc chiến tranh này. Chúng ta phải có một động năng mới.”

Thượng nghị sĩ Sanders gọi chiến tranh Iraq là sự sai lầm về chính sách đối ngoại lớn nhất của nước Mỹ, trong khi ông O’Malley nói rằng đó là một trong những sai lầm tệ hại nhất. Ông Sanders cũng cho biết ông không ủng hộ việc Mỹ thực hiện hành động đơn phương và sẽ dựa vào những nỗ lực liên minh khi nước Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ bị đe dọa. Ông O’Malley cho rằng hành động quân sự phải là “lựa chọn sau chót” của một vị tổng thống.

Mối đe dọa Trung Quốc

Cựu thượng nghị sĩ Jim Webb của tiểu bang Virginia đặc biệt chú trọng tới vấn đề Trung Quốc và nói rằng mối đe dọa chiến lược lớn nhất mà Hoa Kỳ đối mặt là xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông nói “Chúng ta cần phải làm như vậy vì sự xâm lấn của họ trong khu vực. Chúng ta cần phải làm như vậy vì cách thức đối xử của họ đối với người dân của chính nước họ.”

Ông hứa, nếu đắc cử, chính phủ ông sẽ “làm những việc gì đó” về vấn đề được cho là các công ty Mỹ và các cá nhân ở Mỹ bị tin tặc tấn công, cũng như vụ tranh chấp ở Biển Đông -- nơi Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau.

Ông nói “Các ông không làm chủ Biển Đông. Các ông không có quyền tiến hành chiến tranh mạng nhắm vào hàng chục triệu công dân Hoa Kỳ.”

Biến đổi khí hậu

Ông Webb cũng nêu nghi vấn về sự hữu hiệu của một thoả thuận mà Hoa Kỳ và Trung Quốc loan báo cách nay một năm về những nỗ lực giảm thiểu khí thải. Ông cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu cần có một giải pháp toàn cầu.

Ông nói “Cái gọi là những hiệp định mà chúng ta có với Trung Quốc là có tính chất ảo tưởng khi xét tới những đòi hỏi cấp thời đối với bản thân chính phủ Trung Quốc. Do đó chúng ta nên giải quyết vấn đề này theo đường lối quốc tế, và như thế, chúng ta sẽ thật sự có được một cách thức để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.”

Bà Clinton không tán đồng sự đánh giá của ông Webb về hiệp định với Trung Quốc, nhưng bà nói rằng sẽ không có một nỗ lực có hiệu quả để chống biến đổi khí hậu nếu không có sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ.

Bà nói “Tôi tin rằng hiệp định song phương mà Tổng thống Obama đạt được với Trung Quốc là quan trọng. Bây giờ, chúng ta cần tiến xa hơn nữa, và sẽ có một hội nghị quốc tế vào cuối năm nay, và chúng ta phải tìm cách có được những cam kết có thể kiểm chứng để chống biến đổi khí hậu từ tất cả các nước tham dự hội nghị.”

Thượng nghị sĩ Sanders cũng nhấn mạnh đến việc các nước khác, kể cả Nga, cần phải thực hiện những biện pháp chống biến đổi khí hậu. Ông gọi đây là “một vấn đề đạo đức” và có tính chất hệ trọng đối với tương lai của Trái đất. - VOA
|
|

5.
Mỹ khẳng định quyền hiện diện ở Biển Đông

Trong một động thái rõ ràng để phản bác Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tái khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Ông Carter nói:

“Chúng tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chúng tôi sẽ điều máy bay, tàu bè và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ thực thi các quyền đó vào những thời điểm và tại những địa điểm do chính chúng tôi quyết định, sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào, dù là ở Bắc Băng Dương hay trên các tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại quốc tế khắp nơi trên thế giới, hay tại Biển Đông.”

Ông Carter đưa ra tuyên bố vừa kể trong một cuộc họp báo hôm thứ ba, và nói thêm rằng Biển Đông không phải và không thể là một ngoại lệ trong chính sách đó của Hoa Kỳ.

Hôm thứ Sáu vừa rồi, Trung Quốc đánh đi thông điệp dường như nhắm trực tiếp vào Hoa Kỳ, cảnh cáo các bên khác chớ có "hành động khiêu khích" ở Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh sẽ "không bao giờ cho phép bất cứ nước nào xâm phạm lãnh hải và không phận của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa".

Bắc Kinh đưa ra lời cảnh cáo đó sau khi tin cho hay Mỹ đang cân nhắc việc điều tàu chiến tới gần vùng biển quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Mỹ có thể gia tăng hoạt động trong vùng biển tranh chấp

Được hỏi về thông tin này hôm qua, Bộ trưởng Carter không xác nhận mà cũng không phủ nhận ý định của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên ông nói rằng “những sự bất định và các hoạt động quân sự ráo riết trong Biển Đông đã có tác động, là khiến Mỹ siết chặt hợp tác hàng hải với nhiều quốc gia trong khu vực”.

Ông Carter nói các nước lớn trong khu vực yêu cầu ‘tương tác nhiều hơn” với Hoa Kỳ, và Hải quân Mỹ và Washington “có quyết tâm đáp ứng những yêu cầu đó.”

Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc là nước đòi chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn nhất trên tuyến hàng hải có nhiều tàu bè qua lại này.

Bắc Kinh đã xây dựng một chuỗi các đảo nhân tạo và gần đây đã hoàn thành hai đường băng có khả năng được dùng cho các máy bay quân sự.

Tuy không phải là một bên tranh giành chủ quyền tại vùng biển này, Mỹ hối thúc tất cả các bên trong cuộc tranh chấp ngưng chỉ tất cả các hoạt động cải tạo đất, và chấm dứt việc quân sự hoá các cơ sở tại đây.

Ông Carter lên tiếng giữa lúc ông và Ngoại trưởng John Kerry kết thúc các cuộc tham khảo ý kiến với các vị tương nhiệm Australia về một loạt vấn đề.

Lập trường của Australia 

Trong một tuyên bố chung sau Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Úc-Mỹ (AUSMIN) hai nước đã bày tỏ "quan ngại" về hoạt động cải tạo đất và các dự án xây dựng của Trung Quốc hồi gần đây ở Biển Đông. Hai nước kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. 

Ngoại Trưởng Kerry nói: "Bất kể một nước lớn tới đâu, nguyên tắc phải rõ ràng. Phải tôn trọng các quyền của tất cả mọi quốc gia khi nói tới luật hàng hải." 

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói lập trường của Australia về khu vực có tranh chấp này giống như lập trường của Hoa Kỳ.

Bà kêu gọi các bên tranh chấp không nên hành động "đơn phương" hay theo cách có thể làm leo thang căng thẳng. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Phi công VN bị câu lưu ở Nhật vì mua hàng không trả tiền

Một phi công của Hãng Hàng Không Việt Nam bị giữ lại ở Nhật Bản hồi tuần trước trong khi tìm cách đưa hàng chưa thanh toán tiền ra khỏi một cửa hiệu ở địa phương, theo một nguồn tin hiểu rõ nội vụ cho biết hôm thứ Ba.

Người đàn ông chưa được tiết lộ danh tính là một phi công phụ thuộc phi hành đoàn của phi cơ Airbus A330 của Hãng Hàng Không Việt Nam.

Phi công 56 tuồi trong cuộc đã bị cảnh sát Osaka câu lưu hôm 6/10, sau khi bị bắt quả tang với những món hàng chưa trả tiền, khi ông rời một cửa hiệu gần khách sạn nơi phi hành đoàn đang tạm trú.

Được biết người đàn ông này đã bay đến Osaka từ thành phố HCM trong cùng ngày.

Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam hôm qua nói rằng họ chưa được Vietnam Airlines báo cáo về số phận của viên phi công phụ.

Cục Hàng Không Dân dụng nói trên trang web của họ rằng vấn đề này không liên quan gì tới các hoạt động của cơ quan.

Cơ quan này cho hay Hãng Hàng Không Việt Nam đang làm việc với giới thẩm quyền Nhật Bản để giải quyết vấn đề này. - VOA

No comments:

Post a Comment