Thursday, October 1, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Năm 1/10

Tin Thế Giới

1.
Báo Anh: Trung Quốc tự đóng hàng không mẫu hạm đầu tiên

Reuters ngày 01/10/2015 dẫn nguồn tin tuần san quốc phòng của Anh, IHS Jane’s Defense Weekly loan báo các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc rất có thể đang tự đóng chiếc hàng không mẫu hạm tại cảng Đại Liên, đông bắc Trung Quốc.

IHS Jane’s cho hay một thân tàu không rõ gốc tích hiện đang trong quá trình thi công ngay tại xưởng đóng tàu Đại Liên. Trong thư điện tử trả lời hãng tin Reuters, tuần san nhận định “Chừng nào chưa quan sát được công việc thiết kế boong trên và đường băng thì chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng cho là thân tàu đang đóng là hàng không mẫu hạm. Nhưng tốc độ lắp ráp và sơ đồ phác thảo như hiện nay, cho thấy đây là một thân tàu quân sự”.

Theo tuần san quốc phòng, chiếc tàu này rất có thể là tàu đổ bộ tấn công hay tàu chở trực thăng thế hệ mới. Tuần san cũng lưu ý là xưởng đang thi công thân tàu cũng chính là công xưởng đã thực hiện công tác tân trang và sửa chữa chiếc Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm duy nhất hiện nay của Trung Quốc.

Reuters nhận định, chương trình đóng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc được xem là bí mật quốc gia nên rất ít người được biết đến, mặc dù là báo chí trong nước gần đây có bóng gió loan tin nhiều tàu chiến đang được thi công. Bộ Quốc phòng Mỹ, trong một báo cáo hồi đầu năm cũng đã dự báo là Bắc Kinh có thể đóng thêm nhiều hàng không mẫu hạm trong vòng 15 năm tới.

Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong một báo cáo mà hãng tin Anh có được bản sao hồi tháng 9/2015, cũng cho hay là Trung Quốc đang đóng hai chiếc hàng không mẫu hạm, có cùng kích cỡ với chiếc đang có hiện nay. Đây là chiếc hàng không mẫu hạm thời Xô Viết cũ, có tải trọng 60.000 tấn, đã được tân trang lại.

Tờ Minh Báo (Ming Pao), có trụ sở tại Hồng Kông, đưa tin là Trung Quốc sẽ hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm vào ngày 26/12/2015, nhân sinh nhật lần thứ 122 của Mao Trạch Đông. Nhưng phải đợi thêm 4 năm nữa thì tàu này mới có thể đi vào hoạt động. - RFI
|
|

2.
Cờ Palestine tung bay lần đầu tiên bên ngoài trụ sở LHQ

Cờ Palestine được kéo lên lần đầu tiên tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York cùng với cờ của tất cả 193 quốc gia thành viên. Palestine được công nhận là quan sát viên không phải là thành viên của tổ chức thế giới này, nhưng trong tháng trước Palestine đã được ban cho quyền được treo cờ cùng với các nước thành viên Liên hiệp quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, thắng lợi tượng trưng này diễn ra vào lúc căng thẳng đang sôi sục giữa Palestine và Israel.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày hôm qua đã tham dự lễ thượng kỳ tại Vườn Hồng Liên hiệp quốc. Ông Abbas nói:

“Vào thời điểm lịch sử này trong bước tiến của người Palestine về phía tự do và độc lập, tôi nói với người dân của tôi sống tại bất cứ nơi nào hãy giương cao ngọn cờ Palestine, vì đây là biểu tượng của người Palestine chúng ta.”

Lễ thượng kỳ diễn ra một ít lâu sau khi Tổng thống Abbas đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Trong bài diễn văn này, ông biện minh cho quyền của người Palestine được có quốc gia của riêng mình. Tuy nhiên, tại Palestine, người dân không mấy phấn khởi trước những phát biểu của Tổng thống Abbas.

Ông Amar Khoudaire, một cư dân ở Ramallah, nói:

“Tất cả đều là luận điệu cũ mà chúng tôi đã biết và tôi không nghĩ là bài diễn văn này sẽ giải quyết vấn đề của người dân Palestine.”

Abbas đang mất dần sự ủng hộ của những người Palestine bất mãn vì nhiều năm giữ nguyên trạng với Israel. Các nhà lãnh đạo Hamas tại Gaza kêu gọi nhà lãnh đạo Palestine có một lập trường cứng rắn hơn.

Ông Sami Abu Zuhri, phát ngôn viên Hamas nói:

“Chúng tôi phán xét bài diễn văn này dựa vào việc ông Abbas có quyết tâm như thế nào để thi hành những lời hứa và những loan báo của ông ngưng những thỏa thuận ký kết với quân chiếm đóng Israel. Hamas kêu gọi ông biến bài diễn văn này thành một tình trạng thực tế và thực hiện đoàn kết quốc gia.”

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chống lại việc chính quyền Bờ Tây hòa giải với các nhà lãnh đạo cứng rắn của Dải Gaza. Ông gọi bài diễn văn của ông Abbas tại Liên hiệp quốc là có tính chất khích động.

Một số người Israel nói tổng thống Palestine không là người duy nhất gây xáo trộn trong vùng.

Ông Yaron Sheleg, cư dân Jerusalem, nói:

“Theo ý tôi, cả hai bên đều có lỗi. Rõ ràng là không có lựa chọn nào khác hơn là chờ cho tới khi cả hai bên có được những nhà lãnh đạo có thái độ nghiêm túc.”

Trong năm qua, những vụ đụng độ bạo động giữa Israel và người Palestine đã gây ra những mối lo ngại là sẽ có một cuộc nổi dậy lớn lần thứ ba của người Palestine chống lại Israel. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Nhật trong chiến lược xoay trục Á Châu

Hoa Kỳ hôm nay thực hiện một phần chính của chiến lược xoay trục Á Châu với việc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến Căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật Bản, nơi tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân này dùng làm căn cứ mới. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Yokosuka.

Ngoài mục tiêu phát huy sức mạnh của Mỹ ở Á Châu, việc bố trí chiếc USS Ronald Reagan còn có mục đích chứng tỏ sự ủng hộ cho những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm nới rộng vai trò của quân đội Nhật trong khu vực. Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, với 5.000 binh sĩ và hơn 60 chiếc máy bay, là trọng tâm của chiến lược “xoay trục Á Châu” nhằm chuyển thêm nguồn lực quân sự và ngoại giao của Mỹ sang khu vực có tầm quan trọng chiến lược mỗi ngày một tăng.

Các mối đe dọa không ngừng gia tăng trong khu vực

Những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo trong những vùng biển có tranh chấp và những hoạt động xây đảo nhân tạo mà họ thực hiện hồi gần đây ở Biển Đông đã gặp phải sự chống đối của Philippines và Việt Nam, là hai nước cũng có những yêu sách chủ quyền ở vùng biển này. Bên cạnh đó, những yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển quốc tế, nơi có tuyến vận chuyển của hơn phân nửa lượng hàng hoá mua bán trên thế giới, có thể đe dọa tới quyền tự do hàng hải.

Chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên cũng là một mối quan tâm đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Chiếc USS Ronald Reagan phục vụ như một lực lượng phản ứng nhanh đối với bất kỳ hành vi khiêu khích nào có thể xảy ra trong khu vực. Tàu này cũng điều phối một lực lượng tấn công bao gồm một số lượng khí tài quân sự mỗi ngày một nhiều.

Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Đệ thất Hạm đội, nói “Chúng tôi có những chiếc tàu có khả năng cực kỳ to lớn để chống lại phi đạn đạn đạo, đặc biệt là trong khu vực này của thế giới, nằm ngay phía bên này của vùng biển của Bắc Triều Tiên.”

Ông Aucoin cũng xác nhận những tin tức cho biết Bộ Tư lệnh Đệ tam Hạm đội ở San Diego sẽ nới rộng sự liên lạc với khu vực Tây Thái Bình Dương để phối hợp hoạt động với Đệ thất Hạm đội ở Nhật, trong trường hợp cần thiết.

Tư thế an ninh mạnh hơn của Nhật Bản

Sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Nhật Bản trùng hợp với sự thông qua những luật lệ mới về an ninh giúp cho quân đội Nhật được hành động một cách dễ dàng hơn để bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản và các nước đồng minh.

Tuy đã có thể làm cho những luật lệ mới được thông qua, Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh bảo thủ của ông gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của phe chủ hoà trong nước và những mối lo ngại trong khu vực là Nhật Bản đang quay lại với quá khứ quân phiệt.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ, ông Ray Mabus, hôm nay đã đến dự lễ nghênh đón chiếc USS Ronald Reagan và bày tỏ sự hậu thuẫn cho một vai trò năng động hơn của Nhật Bản để góp phần răn đe những đối thủ chung như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Ông Mabus nói “Chúng tôi nghĩ rằng những biện pháp mới này sẽ tăng thêm chiều sâu của mối quan hệ, sẽ tăng cường mối quan hệ và sẽ làm cho chúng ta cùng nhau trở nên tốt hơn.”

Tuy nhiên, nhà phân tích an ninh của Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo, ông Grant Newsham cho rằng Nhật Bản phải bắt đầu gia tăng chi tiêu quân sự với tỉ lệ 10% trong 5 năm tới để có thể thoát khỏi vai trò thứ yếu trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

Ông nói “Nếu Nhật Bản không tăng mạnh chi tiêu quốc phòng thì luôn có mối nghi ngờ là họ nghiêm túc tới mức nào.”

Ông cũng cho rằng Lực lượng Tự vệ Nhật phải tiến hành thêm những cuộc tập dượt có cường độ cao và hợp nhất với quân đội Hoa Kỳ.

Ông nói “Phương pháp truyền thống là đôi bên huấn luyện song song với nhau và cuối cùng sẽ có một bữa tiệc nướng thịt trong đó đôi bên đều nói họ là những người bạn tốt nhất.”

Ông Newsham cũng cho rằng các lực lượng của Nhật Bản phải dẫn đầu những công tác có thể gặp nguy hiểm thay vì chỉ cung cấp sự hỗ trợ về hậu cần.

Việc tàu sân bay USS Ronald Reagan được bố trí ở Á Châu trong nhiều năm tự nó không phải là một sự gia tăng của nguồn lực quân sự Mỹ trong khu vực. Trong mấy mươi năm qua, Hoa Kỳ lúc nào cũng bố trí một trong mười chiếc hàng không mẫu hạm của mình ở Á Châu.

Tàu USS Ronald Reagan cũng đã cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ cho những khu vực ở Nhật Bản bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần năm 2011. - VOA
|
|

4.
Ít nhất 10 người chết, 20 người bị thương trong vụ xả súng ở Oregon

Một tay súng đã giết chết ít nhất 10 người và làm bị thương 20 người tại một trường cao đẳng cộng đồng ở bang Oregon thuộc Bờ Tây Thái Bình Dương của Mỹ, theo một báo cáo sơ bộ từ cảnh sát của bang.

Hơn 3.000 sinh viên theo học trường Cao đẳng Cộng đồng Umpqua ở thành phố Roseburg, bang Oregon, theo website của trường.

Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ một người mà họ cho là tay súng. Toàn bộ khu vực đã bị phong tỏa.

Chưa rõ động cơ của vụ xả súng là gì.

Các bệnh viện ở khu vực này đang chuẩn bị tiếp nhận và điều trị những người bị thương. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam bị lưu ý tại hội nghị khu vực

Vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam một lần nữa gây chú ý cộng đồng quốc tế tại một hội nghị khu vực của các tổ chức xã hội dân sự Đông Nam Á diễn ra hôm nay ở Thái Lan.

Trọng tâm thảo luận của Hội nghị Khu vực về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng do Forum-Asia phối hợp cùng Ủy ban Luật gia Quốc tế và Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS của người Việt hải ngoại đồng tổ chức trong hai ngày 30/9 và 1/10 tại Bangkok xoay quanh những quan ngại về việc phát huy và bảo vệ tự do tôn giáo-tín ngưỡng tại các nước Đông Nam Á.

Tham gia hội nghị có báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo-Tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt, cùng trên dưới 70 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, thành viên các tổ chức tôn giáo, đại diện từ các cơ quan của Liên hiệp quốc, Ủy ban Liên chính phủ về nhân quyền của ASEAN, Ủy ban ASEAN về Phát huy-Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em, các cơ quan bảo vệ nhân quyền của các nước cùng các cơ quan khác của các chính phủ.

Sự kiện nhằm mở ra một diễn đàn đa phương bàn về các vấn đề đang nảy sinh, những thách thức mà các tổ chức tôn giáo và các nhóm bảo vệ tự do tôn giáo trong khu vực đang gặp phải hầu tìm giải pháp và thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan để cổ súy cho tự do tôn giáo tại Đông Nam Á.

Những chủ đề chính được mang ra bàn thảo bao gồm các luật lệ quản lý hà khắc của nhà nước đối với sinh hoạt tôn giáo và các chính sách đàn áp xâm phạm quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng của công dân.

Trong số các nhân chứng từ trong nước tham gia hội nghị để trình bày thực trạng tôn giáo tại Việt Nam có đại diện của đạo Cao Đài, Tin lành Menonite, và giáo phái Phật giáo Ân Đàn Đại Đạo.

Ngoài ra, những người Việt đang tị nạn tại Thái vì lý do bị đàn áp tôn giáo cũng nhân cơ hội này chia sẻ với đặc phái viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo về tình cảnh họ đã trải qua tại Việt Nam vì niềm tin và các sinh hoạt tôn giáo.

Bà Bùi Ngọc Diện, một nhân chứng đại diện cho giáo phái Ân Đàn Đại Đạo thuyết trình tại hội nghị, cho VOA Việt ngữ biết thông điệp bà mang tới đây:

“Trước hội nghị với các đại diện của các nước Đông Nam Á và báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo-Tín ngưỡng, Heiner Bielefeldt, tôi đã trình bày về vấn đề oan sai của Ân Đàn Đại Đạo ở Việt Nam với 24 người đang bị giam cầm hiện nay chỉ vì hoạt động tôn giáo và thể hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình. Hiện tại ở Việt Nam có nhiều chùa chiền, nhà nước vẫn cho mở các nơi thờ tự tín ngưỡng tôn giáo nhưng thật sự đó chỉ là hình thức. Còn bên trong họ vẫn có một sự ép buộc. Họ lập nên những tổ chức tôn giáo quốc doanh buộc phải theo để nhà nước quản lý dễ dàng hơn. Riêng đối với Ân Đàn Đại Đạo, chúng tôi đã hoạt động từ năm 1969. Sau 1975, họ bắt bớ sách nhiễu chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn hoạt động, tới năm 2012 họ lại tiếp tục bắt bớ thêm lần nữa và nói chúng tôi là ‘âm mưu lật đổ chính quyền’. Đó là một trong những biểu hiện vi phạm điều luật 18 và 19 mà Việt Nam đã ký với quốc tế. Tự do tín ngưỡng tôn giáo là quyền phổ quát, không phải được cho phép mới được thực hiện quyền đó. Họ bắt phải đăng ký hoạt động tôn giáo thì không đúng với luật quốc tế về tín ngưỡng tôn giáo.”

Trong cuộc phỏng vấn ngắn với chúng tôi trước khi mở họp báo tại Câu lạc bộ ký giả nước ngoài ở Thái Lan chiều tối nay, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo-Tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeld, nhận xét tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam không thấy có biến chuyển tích cực.

“Kể từ cuộc họp ở Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đầu năm tới nay, tình hình ở Việt Nam không thay đổi gì tích cực hơn. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng đặc biệt đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập không thuộc nhà nước, dùng luật lệ đặt các tổ chức và sinh hoạt tôn giáo dưới sự kiểm soát, quản lý nghiêm ngặt của nhà cầm quyền.”

Cuối tháng 7 năm ngoái, ông Bielefeld từng sang Việt Nam để tìm hiểu thực tế nhưng ông cho biết đã bị cản trở rất nhiều, không tiếp cận được một số nhà hoạt động, lịch trình làm việc và các cuộc gặp bị quấy nhiễu.

Đáp câu hỏi liệu ông sẽ có thêm các chuyến thực tế sang Việt Nam trong tương lai, đặc phái viên Liên hiệp quốc về Tự do Tôn giáo nói sẽ không có cơ hội đó vì nhà cầm quyền Việt Nam không cho phép ông trở lại sau những tố cáo của ông từ chuyến đi trước.

Đại diện giáo phái Ân Đàn Đại Đạo kỳ vọng hội nghị ở Bangkok về tự do tôn giáo khu vực sẽ góp phần đưa đến những hành động cụ thể giúp mở rộng quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Bà Bùi Ngọc Diện:

“Tôi nghĩ nó sẽ có tác động trực tiếp tới sự nhìn nhận và xem xét của chính quyền Việt Nam một cách đúng đắn, trả lại tự do cho chúng tôi cũng như quyền được tự do tín ngưỡng tôn giáo.”

Điều 70 Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, các cơ sở thờ tự và những nơi sinh hoạt đạo không được nhà nước cấp giấy phép bị đập phá hoặc tín đồ bị sách nhiễu, bắt bớ không phải là những cáo giác hiếm thấy tại Việt Nam.

Giới bảo vệ nhân quyền nói mặc dù Hiến pháp công nhận quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân, nhưng trên thực tế quyền này không được đảm bảo khi mà mọi sinh hoạt tôn giáo phải nằm dưới sự quản lý của nhà nước và Hà Nội không công nhận các tổ chức tôn giáo độc lập.

Hà Nội nói đảng và nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện phát triển tự do tôn giáo nhưng việc thành lập tổ chức tôn giáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. - VOA
|
|

6.
Ùn tắc giao thông, Việt Nam muốn thay thế xe máy bằng tàu điện ngầm

Với các tòa nhà chọc trời và siêu thị mới mọc lên, Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là trở thành một quốc gia hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một phương tiện vận chuyển mà nhiều nước trên thế giới sử dụng: đó là hệ thống tàu điện ngầm.

Sau nhiều năm trì hoãn và tranh luận, Việt Nam hiện nay đang hướng đến hệ thống tàu điện ngầm với việc xây dựng đang được tiến hành ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài chức năng và hiệu quả rõ ràng, với sự xuất hiện của tàu điện ngầm, vị thế của Việt Nam cũng thay đổi.

"Bởi vì chúng tôi là một nước đang phát triển, chúng tôi muốn đạt được những gì chúng tôi nghĩ rằng các nước phát triển cần phải có”, bà Vũ Thị Hằng Hạnh, Phó trưởng khoa Kiến trúc tại trường Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh cho biết.

Bà Hạnh là một nhà tư vấn cho chính quyền thành phố thiết kế đô thị xung quanh các trạm tàu điện ngầm. Bà quan tâm đến những lợi ích thiết thực, nhưng bà cho biết nhiều người Việt Nam coi hệ thống giao thông công cộng công nghệ cao là một dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ của đất nước. Quốc gia Đông Nam Á này được xếp hạng thu nhập trung bình thấp vào năm 2009, với thu nhập bình quân đầu người hiện tại là 2.000 đôla một năm.

Triển vọng giao thông hiện đại cho Việt Nam

Sự xuất hiện của tàu điện ngầm sẽ có thể làm thay đổi hình ảnh các thành phố của Việt Nam, và các vỉa hè nứt vỡ sẽ nhường chỗ cho các cầu thang mới làm dẫn tới tàu điện ngầm. Nó cũng có thể biến đổi những thói quen và thái độ cư dân thành phố. Để tàu điện ngầm hoạt động hữu hiệu, những người đi làm sẽ phải từ bỏ những phương tiện di chuyển cá nhân để sử dụng dịch vụ công cộng.

“Rõ ràng một thành phố hiện đại cần có hệ thống giao thông công cộng bởi vì mọi người cần phải di chuyển”, ông Manfred Boltze, một giáo sư về quy hoạch giao thông và kỹ sư tại Đại học Kỹ thuật Darmstadt ở Đức cho biết. “Có lẽ nó cũng là biểu tượng cho mọi người nhận ra thành phố này đang phát triển đúng hướng”.

Xe máy hay tàu điện ngầm?

Người dân Việt Nam nổi tiếng với sự phụ thuộc của họ vào xe máy ở khắp nơi, nhưng một cuộc hội thảo của Đại học Việt-Đức về quy hoạch đô thị tuần trước đã thảo luận về khả năng sẽ có sự thay đổi quan niệm.

Sẽ rất khó để làm cho mọi người từ bỏ xe máy vì có rất nhiều công việc hàng ngày không thể thiếu xe máy. Xe máy chiếm 80% lượng xe tại Tp. Hồ Chí Minh. Xe máy thường sạch hơn và rẻ hơn so với ô tô, trong khi cũng chiếm không gian ít hơn, do đó người dân có ít lý do để chuyển sang các phương tiện công cộng. Nhưng những người ủng hộ tầu điện ngầm lập luận rằng nếu các nhà hoạch định xây dựng các bến tàu hấp dẫn về mặt tiếp cận và bãi đỗ, thì mọi người sẽ kết hợp cả hai lựa chọn.

Có nhiều ước tính khác nhau nhưng tại Tp. Hồ Chí Minh, người ta tin rằng các phương tiện giao thông công cộng chỉ chiếm 10% so với nhu cầu giao thông. Điều này có thể thay đổi với tàu điện ngầm, trong đó có nhiều nguồn tài trợ từ chính phủ và các nhà đầu tư khác đến từ Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, và Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Nếu tàu điện ngầm khả thi, các quan chức giao thông vận tải và các chuyên gia hy vọng nó sẽ làm giảm ùn tắc, ô nhiễm và tử vong giao thông. Trong một đất nước 90 triệu người và 30 triệu xe máy, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết “thương tích giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người 15-29 tuổi”.

Ô nhiễm là một mối quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam vì công nghiệp hóa đã tạo ra khí thải nhà kính nhiều hơn bao giờ hết, và Việt Nam là một trong những quốc gia có thể bị tác động nặng nề bởi nạn biến đổi khí hậu.

Tắc nghẽn giao thông năm 2020

Liên quan tới vấn đề tắc nghẽn giao thông, ông Nguyễn Văn Nam, giảng viên tại Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng Việt Nam có 3-5 năm để giảm bớt lượng xe cộ trên đường trước khi vấn đề tắc nghẽn giao thông thực sự trở nên nghiêm trọng.

“Tôi nghĩ rằng các phương tiện công cộng tại Việt Nam sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong tương lai, đặc biệt là tàu điện ngầm”, ông Nam nói, “bởi vì nếu các con đường bị tắc nghẽn như hiện nay, nền kinh tế của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”.

Ông cho biết nền kinh tế cần những con đường hiệu quả hơn để không bị mất năng suất – người lao động không mất nhiều thời gian cho việc đi lại, và các công ty không lãng phí thời gian và tiền bạc vào hậu cần.

Tàu điện ngầm chỉ là một phần của mục tiêu tổng thể góp phần làm giao thông trở nên tốt hơn. Những người tham gia giao thông cũng đề nghị Việt Nam mở rộng các tuyến xe buýt, nâng cao tiêu chuẩn khí thải xe máy, khuyến khích xe đạp, xe máy điện, và tăng phí đỗ xe. - VOA

No comments:

Post a Comment