Tuesday, October 20, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Ba 20/10

Tin Thế Giới

1.
Nước Anh trọng thể đón Chủ tịch TQ --- Tập Cận Bình thăm Anh Quốc với 30 tỷ bảng Anh hợp đồng --- Indonesia từ chối tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông

Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện bắt đầu các buổi lễ trong bốn ngày thăm Anh Quốc.

Ông Tập có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Anh chiều 20/10 bắt đầu sau 16:00 giờ London.

Chuyến thăm cấp nhà nước bắt đầu bằng lễ tại London trưa thứ Ba tuần này.

Nữ Hoàng Anh cùng Thủ tướng David Cameron đón ông Tập Cận Bình tại khu vực có đội duyệt binh Horse Guards Parade.

Anh Quốc cho bắn đại bác tại London để đón chào 'kỷ nguyên vàng' trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong chuyến thăm ở London và có một ngày tới cả Manchester, ông Tập sẽ chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng tổng số lên tới trên 30 tỷ bảng Anh.

Anh cần tiền Trung Quốc để đầu tư vào các dự án xây cất phía Bắc và một số công trình khác, gồm cả một nhà máy điện hạt nhân và công viên vui chơi.

Chỉ trong ngày thứ Ba 20/10, ông Tập Cận Bình sẽ dự các sự kiện sau:

• Lễ đón khách của Nữ hoàng Anh và Công tước Edinburgh

• Đi xe ngựa dọc đường tới Điện Buckingham

• Đọc diễn văn trước Viện Nguyên lão và Hạ viện Quốc hội Anh

• Gặp Thái tử Charles và Nữ Công tước xứ Cornwall, Công tước Cambridge

• Hội đàm với Thủ tướng Cameron và lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn

• Dự quốc yến

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói Anh Quốc bước vào quan hệ 'chặt chẽ hơn' với Trung Quốc nhưng không ngây thơ.

Ông bác bỏ phê phán rằng Anh Quốc 'hành xử như chó con' trước Bắc Kinh, theo BBC News.

Bộ trưởng Hammond nói đối thoại Anh-Trung sẽ đề cập cả đến nhân quyền.

Trong ngày thứ Tư, ông Tập Cận Bình sẽ thăm trường Imperial College London và hội đàm với ông David Cameron ở Văn phòng Thủ tướng tại Downing Street, London.

Sang ngày thứ Năm, ông Tập sẽ thăm một công ty vệ tinh và dự bữa tối ở Chequers là dinh thự của chính phủ Anh bên ngoài London.

Ông sẽ thăm Đại học Manchester và dự một buổi lễ tại sân bay Manchester trước khi rời Anh vào ngày thứ Sáu.

Trong số những người được cảnh sát London cho biểu tình tại London có con số vài nghìn người ủng hộ Bắc Kinh và một số chống lại chính quyền Trung Quốc gồm phái dân chủ người Hán, các nhà vận động người Tây Tạng và Tân Cương.

Con số người phản đối chuyến thăm, gồm cả các nhà hoạt động nhân quyền người Anh có mặt tại dọc tuyến đường The Mall ở London là khoảng vài trăm, theo Reuters. - BBC

***
Đây là chuyến viếng thăm cấp Nhà nước đầu tiên tại Anh của một người đứng đầu Trung Quốc từ 10 năm nay. Tới Luân Đôn vào ngày 19/10/2015, hôm nay Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du bốn ngày.

Mở đầu ngày làm việc đầu tiên là chuyến du ngoạn trên xe ngựa kéo tới Cung điện Buckingham, gặp gỡ Thủ tướng Anh David Cameron và được long trọng tiếp đón tại nghị viện Anh Westminster. Tại đây ông Tập Cận Bình sẽ có buổi nói chuyện với các nghị sĩ Anh. Mọi việc đều được chuẩn bị chu đáo để "chiều lòng" vị khách quan trọng mà các doanh nghiệp Anh ngóng chờ. Các đây ba năm, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Luân Đôn trở nên nguội lạnh vì Thủ tướng David Cameron đã tiếp đón lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Từ Bắc Kinh thông tín viên RFI Heike Schmidt cho biết cụ thể:

""Vương quốc Anh muốn thể hiện là quốc gia phương Tây cởi mở nhất đối với Trung Quốc. Đó là lựa chọn có tầm nhìn xa và mang tính chiến lược". Trên đây là lời phát biểu của ông Tập Cận Bình trong một buổi phỏng vấn với hãng tin Reuters. Chủ tịch Trung Quốc hoan nghênh các dự án đầu tư của Anh tại Trung Quốc, mà năm ngoái đã tăng thêm 88%. Không một nước nào trong Liên Hiệp Châu Âu có thể làm tốt hơn. 

Tương tự như vậy đối với đầu tư Trung Quốc: Anh Quốc là điểm đầu tư số 1 đối với các doanh nghiệp nước này. Hai lĩnh vực đứng đầu danh sách là nguyên tử và giao thông. Cùng với Pháp, Đức và Nhật Bản, Trung Quốc hiện đang đấu thầu xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền Luân Đôn tới Manchester và Birmingham. Gói thầu dự án lên tới 58 tỉ euro. 

Chính vì thế, Trung Quốc và Anh đang trong giai đoạn "tuần trăng mật", "một kỷ nguyên vàng son" theo như lời ca ngợi của cả hai nước. Một thời kỳ mới nhưng không có chỗ để bàn tới nhân quyền. Theo nhật báo Trung Quốc Global Times, "Dĩ nhiên Anh Quốc tỏ thái độ thiện chí vì những lý do thực tiễn, nhưng điều này cũng cho thấy rằng Trung Quốc hiện là một quốc gia có sức cuốn hút lạ thường đối với các đối tác" muốn vào làm ăn tại quốc gia này".

Hãng tin AFP cho biết tổng trị giá các hiệp định thương mại và đầu tư giữa hai nước lên tới hơn 30 tỷ bảng Anh, tương đương với 40,7 tỷ euro. Những hợp đồng đó cho phép tạo ra khoảng 3.900 việc làm tại Anh Quốc. Dù vẫn chưa có những thông tin cụ thể cho tới nay, nhưng hợp tác song phương sẽ liên quan tới rất nhiều lĩnh vực, trong đó có các ngành công nghiệp sáng tạo, kinh doanh bán lẻ, hay dịch vụ tài chính, hàng không và giáo dục.

Chuyến công du Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra đúng 10 năm sau chuyến đi của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Sau quan hệ bang giao căng thẳng vào năm 2012, Luân Đôn nỗ lực để tái lập quan hệ với Bắc Kinh. Vì, theo chuyên gia kinh tế Rajiv Biswas, thuộc viện IHS Global Insight, dù tăng trưởng kinh tế có chững lại, Trung Quốc vẫn có triển vọng trở thành nền kinh tế số một từ nay tới năm 2027, vượt qua cả Mỹ. - RFI

***
Ít ngày sau đề nghị của Trung Quốc tổ chức tập trận chung với các nước láng giềng Đông Nam, được đưa ra trong cuộc họp với các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia tuyên bố quân đội nước này sẽ không tham gia các hoạt động có thể làm Biển Đông thêm căng thẳng.

Antara, hãng thông tấn chính thức của Indonesia, ngày 20/10/2015, dẫn lời tướng Gatot Nurmantyo, lãnh đạo quân đội Indonesia. Theo đó, Jakarta cam kết duy trì an ninh và ổn định tại Biển Đông, "điều đó có nghĩa là, nếu như có quốc gia nào mời (chúng tôi) tham gia (một hoạt động tập trận) tại Biển Đông, quân đội Indonesia tốt hơn là không nên nhận lời, với mục tiêu duy trì an ninh khu vực".

Trong bản tin này, hãng thông tấn Indonesia nhắc lại: lời mời tập trận chung đã được bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chuyển đến các đồng nhiệm ASEAN trong cuộc gặp không chính thức tại Bắc Kinh hồi tuần trước.

Cũng nhân cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Raycudu đã kêu gọi các nước ASEAN có liên quan và Trung Quốc khẩn trương tổ chức các cuộc tuần tiễu hỗn hợp tại Biển Đông để "duy trì hòa bình và ổn định trong vùng".

Tình hình Biển Đông trong những tháng gần đây trở nên hết sức căng thẳng, với việc Trung Quốc tăng tốc mở rộng nhiều đảo nhân tạo và xây cất nhiều công trình kiên cố tại khu vực Trường Sa, bất chấp phản ứng của các nước láng giềng và quốc tế. Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc mở rộng và xây cất là nơi mà nhiều quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines đòi hỏi chủ quyền. Có nhiều thông tin về việc Hoa Kỳ đang xem xét đưa chiến hạm vào sát các đảo nhân tạo nói trên, thậm chí trong phạm vi "12 hải lý", để khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải theo luật pháp quốc tế, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh.

Ngày 17/10, tại Diễn đàn an ninh Hương Sơn (Xiangshan), còn gọi là Fragrant Hills, lần thứ sáu, do Trung Quốc chủ trì, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein nhắc lại lời kêu gọi tăng tốc quá trình tham vấn để mau chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Nhiều chuyên gia tố cáo Bắc Kinh trì hoãn đàm phán để rảnh tay hành động tại Biển Đông, nơi yêu sách đường chữ U (còn là đường lưỡi bò) của Trung Quốc chiếm đến 80 % diện tích. - RFI
|
|

2.
Bầu cử Canada: đảng Tự do bao dung với di dân thắng lớn

Lãnh đạo đảng bảo thủ Stephen Harper, bị mất ghế thủ tướng sau mười năm nắm quyền. Đảng Tự do cánh trung hữu của ông Justin Trudeau giành được đa số áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội Canada. Thủ tướng tương lai cam kết sẽ rất nhân hậu đối với số phận người Syria tìm đường tị nạn và sẽ quyết tâm chống biển đổi khí hậu.

Thông tín viên Pascale Guericolas, từ thành phố Quebec:

"Thắng lợi của đảng Tự do, chủ yếu là thắng lợi cá nhân của ông Justin Trudeau. Năm nay 43 tuổi ông trở thành một trong những vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Canada. Thân phụ của ông là Pierre Elliot Trudeau từng là thủ tướng Canada trong hai nhiệm kỳ, cũng từng là thủ lĩnh của đảng Tự do và cũng từng giành được một thắng lợi quyết định vào năm 1980 tại vùng Quebec. Từ 30 năm qua, chưa khi nào vùng Quebec lại bầu ra nhiều dân biểu thuộc đảng Tự do như lần này. 

Phát biểu tối hôm qua 19/10/2015, ngay sau khi có kết quả, thủ tướng tân cử Canada, Jusin Trudeau hứa là đến gần với người dân và lắng nghe nguyện vọng của họ. Về phần mình thủ tướng mãn nhiệm Stephen Harper nhìn nhận thất bại và thông báo sẽ từ chức chủ tịch đảng Bảo thủ. 

Justin Trudeau khẳng định ông là một nhà lãnh đạo của tất cả người Canada. Khác với những người tiền nhiệm ông sẽ đưa ra những thay đổi lớn đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao hay trên hồ sơ môi trường. Trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, Justin Trudeau từng cam kết sẽ đón nhận nhiều người tị nạn hơn và nỗ lực trong việc chống biến đổi khí hậu". - RFI
|
|

3.
Thành phố nổi xuất hiện trên bầu trời TQ gây ‘bão’ lý thuyết

Hàng ngàn người ở Trung Quốc cho biết họ đã nhìn thấy một ‘thành phố nổi’ kỳ bí trên bầu trời ở thành phố Phật Sơn và ở tỉnh Giang Tây, một sự kiện khơi ra hàng loạt các lý thuyết giải thích về hiện tượng này.

‘Thành phố ma’ đầu tiên xuất hiện trên các đám mây ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, hôm 17/10. Một số người dân đã chụp được ảnh và quay video sự kiện kéo dài chỉ vài phút này.

Vài ngày sau, người dân ở tỉnh Giang Tây cho biết họ cũng nhìn thấy thành phố kỳ bí tương tự trên bầu trời.

Hàng trăm bài báo và đài truyền hình ở Trung Quốc đã đưa tin về sự kiện này.

Nhiều lý thuyết cũng đã được đưa để giải thích. Các chuyên gia về khí tượng cho đây là hiện tượng ảo ảnh Fata Morgana, được xem là một trong những hiện tượng thiên nhiên kỳ bí nhất thế giới.

Fata Morgana có thể được nhìn thấy trên đất liền hoặc trên biển, liên quan đến biến dạng quang học và hình ảnh đảo ngược của các vật thể ở xa như thuyền, khiến xuất hiện các hình ảnh giống như tòa nhà chọc trời do ảnh xếp chồng liên tiếp lên nhau.

Một số người chứng kiến khác tin rằng họ đã nhìn thấy một vũ trụ song hành.  Trong một nghiên cứu năm 2014, ông Michael Hall của Đại học Griffith và các đồng nghiệp đã đề cập đến một lý thuyết lượng tử dựa trên ý tưởng của sự tương tác giữa các vũ trụ song hành. Nhóm nghiên cứu đề xuất ra rằng các vũ trụ song hành tương tác và ảnh hưởng đến các thế giới xung quanh bằng một lực đẩy huyền ảo.

Tuy nhiên, một số người lại cho đây có thể là một kỹ thuật tiên tiến bí mật mà chính quyền Trung Quốc đang sử dụng để thực hiện một số thí nghiệm.

Trong khi đó, một số người khác nghi ngờ đây là kết quả của Dự án Blue Beam mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khởi sự để mô phỏng một cuộc xâm lược ngoài hành tinh của trái đất hay sự phục sinh lần 2 của Chúa Kitô qua hình ảnh 3D.

Một người xem bình luận trên mạng: “Hãy chú ý xem các tòa nhà có lặp lại 3 lần hay không. Nếu không phải là hình ảnh được xử lý trên máy tính thì có thể là dự án Blue Beam”.

Đây không phải là lần đầu tiên một ‘thành phố ma’ xuất hiện sau các đám mây trên bầu trời Trung Quốc. Hình ảnh một công trình khổng lồ giống như một thành phố với nhà chọc trời cũng đã xuất hiện trên bầu trời ở thành phố Hoàng Sơn vào năm 2011. - VOA
|
|

4.
Khiển trách nhầm, Moscow xin lỗi Paris vì suýt để xảy ra sự cố ngoại giao

Ngày 19/10/2015 một chiếc chiến đấu cơ bay áp sát máy bay của Nga. Trong chuyến bay có Chủ tịch Hạ viên Nga trên đường đến Thụy Sĩ. Moscow triệu Đại sứ Pháp đến bộ Ngoại giao để khiển trách trước khi kiểm chứng chiến đấu cơ bay sát máy bay Nga là của Thụy Sĩ.

Chủ tịch Hạ Viện Nga Serguei Narychkin nằm trong danh sách trừng phạt của Bruxelles. Tháng 7/2015 nhân vật chủ chiến tại Ukraine bị Phần Lan từ chối cấp visa nhập cảnh.

Thông tín viên đài RFI từ Moscow Muriel Pomponne giải thích thêm:

"Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ đã xác định một trong những chiến đấu cơ của mình bay áp sát chuyên cơ của Chủ tịch Hạ viện Nga. Theo giải thích của chính quyền Berne, sự cố đã xảy ra trên lãnh thổ Thụy Sĩ, trong khu vực gần Bienne- cách thủ đô Berne hơn 25 km về phía tây bắc. Có điều bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Pháp tại Moscow lên để bày tỏ "quan ngại sâu sắc" của Nga trước sự cố nói trên. Trong một thông cáo bộ Ngoại giao Nga còn nhấn mạnh "những hành vi như vậy làm lu mờ khả năng chọn Pháp là địa điểm tổ chức các cuộc họp đa phương và các vòng đàm phán".

Không quân Pháp lập tức lên tiếng và cho biết không một chiếc phi cơ nào của Pháp có liên hệ đến sự cố xảy ra nói trên. Tiếp theo đó bộ Quốc phòng và Ngoại giao Pháp cho biết là "lấy làm tiếc" trước việc Moscow triệu Đại sứ Pháp lên để khiển trách. Đồng thời Paris đã "làm việc" với Moscow để làm sáng tỏ vấn đề. Vào cuối ngày hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga thông báo: Paris cho biết "chiến đấu cơ liên quan không phải của Pháp mà là thuộc Không quân Thụy Sĩ. Nga đã xin lỗi Pháp qua kênh ngoại giao"."

Sáng nay 20/10/2015, Đại sứ Nga Alexandre Orlov tại Paris, đã bị triệu lên bộ Ngoại giao Pháp để nghe phản đối. Một là không có chiến đấu cơ nào của Pháp áp sát máy bay Nga. Hai là Moscow đã "dựa theo những thông tin không chính xác" để trách cứ Đại sứ Pháp hôm thứ hai vừa qua. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Tướng hàng đầu Mỹ đến Iraq, thẩm định cuộc chiến chống IS

Chủ tịch Ban Tham Mưu Liên quân Hoa Kỳ, Đại Tướng Joseph Dunford hôm thứ Ba đã gặp người đứng đầu vùng Kurdistan tại Irbil trong khuôn khổ một chuyến đi để đích thân thẩm định tình hình cuộc chiến đang tiếp diễn chống các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo.

Tướng Dunford nói với ông Massoud Barzani rằng Hoa Kỳ và người Kurd “có một kẻ thù chung.”

Các chiến binh người Kurd đã đạt được một số thành công trong nỗ lực đẩy lùi quân Nhà Nước Hồi giáo ra khỏi các khu vực ở miền Bắc Iraq với sự yểm trợ của các cuộc không kích do một liên minh do Mỹ lãnh đạo đã hoạt động trong hơn một năm nay.

Quân đội Iraq và các nhóm dân quân thân chính phủ cũng được sự yểm trợ của các cuộc không kích, đã không đạt được những thành công tương tự tại những khu vực khác của Iraq.

Chuyến đi thăm của Tướng Dunford có phần chắc cũng sẽ bao gồm việc thảo luận về tình hình ở Beiji, nơi mà các binh sĩ Iraq đã giành lại quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu của thành phố hồi tuần trước.

Nói chuyện với các nhà báo tháp tùng ông trong chuyến đi thăm đầu tiên tới Iraq từ khi lên nhậm chức vụ hôm 1/10, Tướng Dunford nói rằng các giới chức Iraq đã trấn an ông rằng họ không yêu cầu Nga tham gia nhóm các quốc gia đang thực hiện các cuộc không kích tại đó.

Các lực lượng Nga đã đánh bom ở Syria trong 3 tuần qua trong một chiến dịch mà họ nói bao gồm mục tiêu nhắm vào các phần tử khủng bố, nhưng Nga đã bị Mỹ và các nước khác chỉ trích là nhắm vào những đối thủ của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad.

Nhiều giới chức Iraq đã tỏ dấu họ sẽ hoan nghênh sự hiện diện của Nga tại Iraq, nhưng Tướng Dunford nói Thủ Tướng Iraq Haider al-Abadi đã không yêu cầu Nga thực hiện các cuộc không kích. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Thủ tướng VN: Biển Đông ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế, xã hội

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu như vậy trước Quốc hội Việt Nam hôm nay, 20/10, trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam còn cho rằng việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông “còn nhiều khó khăn, thách thức”.

Tuy nhiên, phát biểu trình bày báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015 cũng như nhiệm vụ 5 năm tới, ông Dũng tuyên bố “sẽ thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ tổ quốc, tăng cường quốc phòng an ninh”.

Trong 5 năm tới, ông Dũng cho biết chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ tổ quốc, tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và môi trường hoà bình để xây dựng, bảo vệ đất nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

“Các lực lượng quân đội, công an sẽ được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại nhanh ở những lĩnh vực cần thiết”, ông nói.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói thêm: “Hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển sẽ được nâng cao. Nhiệm vụ quốc phòng an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được kết hợp hài hòa, phát triển bền vững kinh tế, xã hội khu vực biên giới và biển đảo”.

“Chính phủ sẽ có chính sách phù hợp để thực hiện một số nhiệm vụ đặc thù về quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để duy trì môi trường hoà bình và bảo vệ chủ quyền quốc gia”, ông Dũng nói. - VOA

No comments:

Post a Comment