Sunday, October 18, 2015

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 18/10

Tin Thế Giới

1.
Tập Cận Bình: Chủ quyền bất khả xâm phạm của Trung Quốc tại Biển Đông --- Báo đảng TQ: Ngăn Mỹ "xâm nhập" Trường sa

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters trước chuyến công du Anh Quốc 4 ngày, kể từ ngày 19/10/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định lại chủ quyền của Bắc Kinh đối với các quần đảo và bãi đá tại Biển Đông.

Vào lúc Trung Quốc liên tục bị tố quân sự hóa các đảo nhân tạo thuộc khu vực đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, với mục đích bành trướng tại Biển Đông, biến vùng biển này thành "của riêng", hay "tước đoạt quyền tự do lưu thông" trên vùng biển mà Bắc Kinh gọi là "Biển Nam Trung Hoa", trong một cuộc trả lời dành riêng cho Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố:

"Các đảo và bãi đá ở biển Nam Trung Hoa là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ lâu đời do tổ tiên của người Trung Quốc để lại. Nhân dân Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ một ai vi phạm chủ quyền, quyền và quyền lợi của Trung Quốc trong vùng biển này. Hành động của Trung Quốc tại vùng biển Nam Trung Hoa là chính đáng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ".

Lãnh đạo Trung Quốc nói thêm Bắc Kinh chưa bao giờ có những hành vi bành trướng, lấn chiếm hải đảo, do đó, những cáo buộc Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ và các vùng biển của các quốc gia láng giềng, là "không có cơ sở".

Trung Quốc khẳng định chủ quyền với hơn 80 % diện tích Biển Đông. Bắc Kinh đang ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa. Các hành vi này không chỉ gây lo ngại cho các nước trong khu vực, đứng đầu là Philippines, Việt Nam, mà còn khiến Hoa Kỳ bực mình vì đe dọa trực tiếp đến những lợi ích cốt lõi của Mỹ tại Châu Á. - RFI

***
Vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "cứng rắn" tại Biển Đông, Hoàn Cầu Thời Báo kêu gọi quân đội Trung Quốc "chuẩn bị đối đầu" với kế hoạch của hải quân Mỹ áp sát 12 hải lý các "tiền đồn" của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền truyền thống của Việt Nam và Philippines.

Báo mạng Đài Loan Want China Times ngày 18/10/2015 cho biết trong một động thái “võ mồm”, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc kêu gọi hải quân và không quân phải chuẩn bị "đương đầu với hành động gây chiến" của Mỹ.

Trong những ngày qua, truyền thông quốc tế loan báo là hải quân Mỹ sẽ áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng tại Biển Đông để "phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc". Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương Harry B Harris Jr cũng cho biết đề nghị cho chiến hạm tiến sát 12 hải lý đã được đệ trình Bộ Quốc phòng và Tổng thống Obama.

Theo tờ báo thuộc xu hướng diều hâu của đảng Cộng sản Trung Quốc thì những quyết định này là hành động "khiêu khích". Dưới danh nghĩa bảo vệ "quyền tự do lưu thông" tại biển Nam Trung Hoa, Hoa Kỳ gây sự để áp đặt vị thế siêu cường. Do vậy, theo Hoàn Cầu Thời báo, Trung Quốc phải ngăn chận không cho tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ "tự do" hoạt động trên biển và trên không gần các tiền đồn của Trung Quốc.

Dường như để tìm cách biện minh trước cho trường hợp khai chiến, Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng Trung Quốc phải "quân sự hoá" các đảo nhân tạo, gửi chiến hạm phòng vệ. Trong trường hợp "Mỹ gia tăng nhịp độ xâm nhập" thì phải đưa thêm đại pháo và tên lửa chiến lược ra đối đầu. - RFI
|
|

2.
Ai Cập bầu cử quốc hội sau thời gian dài trì hoãn

Cuộc bầu cử quốc hội được trông chờ rất lâu vừa khởi sự hôm nay, Chủ nhật, tại một nửa số tỉnh thành của Ai Cập, trong lúc chính phủ tiếp tục hoàn thành lộ đồ dân chủ tiếp theo sau vụ Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ.

Đợt một của cuộc bầu cử diễn ra tại 14 tỉnh thành trong ngày Chủ nhật và thứ Hai. Phần còn lại sẽ đi bỏ phiếu vào đầu tháng 12 tới. Người Ai Cập ở nước ngoài đã có thể bỏ phiếu trước hôm thứ Bảy.

Tổng thống hiện tại của Ai Cập, ông Abdel Fattah el-Sissi đã lãnh đạo nỗ lực năm 2011 lật đổ ông Morsi, tổng thống được bầu chọn dân chủ đầu tiên của nước này. Tiếp đến, một chính phủ chuyển tiếp do quân đội hậu thuẫn hình thành với hứa hẹn một hiến pháp mới và bầu cử tổng thống và quốc hội.

Hiến pháp mới được chấp thuận vào tháng giêng năm 2014 và ông Sissi được bầu làm tổng thống 4 tháng sau đó. 

Ai Cập không có quốc hội kể từ tháng 6 năm 2012 khi một tòa án giải tán cơ quan lập pháp này, lúc đó do đảng Huynh đệ Hồi giáo của ông Morsi chiếm thế áp đảo.

Nhóm Huynh đệ Hồi giáo nay đã bị đặt ngoài vòng pháp luật và bị coi là một tổ chức khủng bố.

Các đảng phải chính trị bị đặt ra bên lề cuộc bầu cử quốc hội bị trì hoãn lâu nay, với ba phần tư số ghế được dàn xếp cho các ứng cử viên độc lập. 

Các nhà phân tích dự đoán cơ quan lập pháp mới này sẽ về phe với ông Sissi sau khi chính phủ của ông đã đàn áp phong trào Huynh đệ Hồi giáo và các nhân vật đối lập, để lại rất ít chọn lựa cho cử tri. - VOA
|
|

3.
Bão Koppu tiến vào Philippines

Koppu, trận bão mạnh, di chuyển chậm vào miền bắc Philippines sáng sớm  Chủ nhật, làm đổ đường dây điện. Gió mạnh và mưa lớn có thể kéo dài đến thứ Tư, nhiều hơn một ngày so với dự báo ban đầu.

Chưa có báo cáo về thương vong khi bão Koppu ập vào thị trấn duyên hải Casiguran, tỉnh Aurora sáng Chủ nhật.

Các chuyên gia khí tượng nói rằng bão Koppu sẽ tiếp tục thổi trong khu vực đảo Luzon trong vài ngày tới do ảnh hưởng của các khu vực áp suất cao ở phía bắc và một cơn bão khác ở tây bắc Thái Bình Dương.

Dư báo trận bão sẽ trút xuống khoảng 600 millimét nước mưa trong những ngày tới.

Ông Alexander Pama, lãnh đạo cơ quan phòng chống thiên tai, nói rằng bão Koppu di chuyển rất chậm, và chính phủ "cảnh báo mạnh" cư dân khu vực Crodillera nên sơ tán để tránh bão, nhất là các làng có nhiều nguy cơ bị đất chuồi và lũ quét.

Giới hữu trách hủy các chuyến bay và chính quyền địa phương đã bắt buộc người dân trong ở các khu vực ven biển và dọc bờ sông thường bị đất chuồi và lũ quét phải sơ tán để tránh tối đa thương vong.

Trận bão đã giảm nhẹ sức gió xuống còn 185 kilômét/giờ.

Các chuyên gia khí tượng nói đe dọa lớn nhất là mưa dẫn đến lũ lụt, đất chuồi, và bão nổi lên mạnh.

Bão Koppu theo dự báo không tiến thẳng vào khu vực thủ đô Manila, mà có thể chỉ quét qua vùng cực bắc của đảo Luzon.

Mỗi năm trung bình có 20 trận bão thổi vào Philippines, trong đó có những trận bão gây nhiều thiệt hại và chết người. - VOA
|
|

4.
Thủ tướng Đức đến Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn làn sóng tị nạn Syria

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến Istanbul ngày 18/10/2015. Cuộc chiến tại Syria, làn sóng tị nạn và khủng bố giết chết hơn 100 người biểu tình cách nay 8 hôm tại Ankara là những chủ đề được lãnh đạo Đức-Thổ thảo luận.

Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác không thể thiếu trong hồ sơ khủng hoảng Syria. Ankara đặt điều kiện đòi Liên Hiệp Châu Âu cấp cho 3 tỷ euro. Đối thoại với Tổng thống Erdogan là chuyện không tránh được nhưng một phần công luận Đức e ngại Thủ tướng nhượng bộ "ác quỷ" đổi lấy thỏa thuận hợp tác. Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut phân tích:

Chúng ta còn có thể bàn chuyện làm ăn với hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Nhật báo bình dân Bild Zeitung tổng hợp một cách gợi hình tâm trạng chung của người dân Đức vào lúc Thủ tướng Angela Merkel chuẩn bị lên đường vào ngày Chủ Nhật hôm nay. Thủ tướng Đức không có quan hệ thân thiết gì với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhưng bà bị áp lực rất mạnh.

Nước Đức hiện đang phải đối phó với làn sóng tị nạn nhập cư khổng lồ mà phần lớn đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Merkel không ngừng tuyên bố là không thể giải quyết khủng hoảng tị nạn, bằng hàng rào bao quanh nước Đức mà phải giải quyết ngay trong khu vực.

Nói cụ thể là Châu Âu sẽ viện trợ tài chính giúp cải thiện đời sống của người tị nạn Syria hiện tạm cư ở Thổ Nhĩ Kỳ để họ không tìm cách sang Châu Âu. Chuyến viếng thăm của Thủ tướng Angela Merkel diễn ra vào lúc Thổ Nhĩ Kỳ sắp bầu cử quốc hội. Bà bị công luận Đức chỉ trích là chọn thời điểm không đúng lúc, có thể bị Tổng thống Erdogan khai thác để trục lợi chính trị.

Người Đức đặt câu hỏi về những thỏa hiệp chính trị mà bà Merkel phải chấp nhận để thuyết phục ông Erdogan.

-Công nhận Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia đáng tin cậy trong khi vấn đề người Kurdistan bị đàn áp vẫn đang gây tranh luận tại Đức (kẻ bênh người chống Ankara).

- Hoặc chấp thuận cấp visa nhập cảnh dễ dàng cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong khi cộng đồng này đã rất đông đảo tại Đức.

- Hay là mở lại tiến trình đàm phán cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay, Thủ tướng Merkel vẫn gạt bỏ viễn cảnh này. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp Thủ tướng Israel, Tổng thống Palestine --- Ngoại trưởng Kerry thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ tại UNESCO

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry hôm Chủ nhật cho hay ông sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong tuần này ở Đức, và sau đó sẽ họp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, giữa lúc tình trạng xung đột đẫm máu giữa Israel và người Palestine đã kéo dài hơn 2 tuần lễ.

Bạo động tăng mạnh hôm thứ Bảy giữa các thiếu niên Palestine và cảnh sát Israel ở thị trấn bị chiếm đóng Hebron thuộc Khu Bờ Tây và ở Jerusalem. 

Cảnh sát cho hay ít nhất 4 người Palestine sử dụng dao, trong đó có một thiếu nữ 16 tuổi, bị thiệt mạng trong các vụ bạo động. Giới hữu trách cho hay nhiều nhân viên an ninh Israel bị thương trong các vụ tấn công.

Ít nhất 40 người Palestine và 7 cảnh sát viên Israel đã thiệt mạng trong những ngày bạo động vừa qua mà các giới chức Palestine quy cho một phần do có nhiều người Do Thái hơn đến khu vực linh thiêng Đông Jerusalem nơi người Hồi giáo có đền thờ Al-Aqsa mà người Do Thái gọi là Núi Đền. 

Israel kiên quyết bác bỏ cáo buộc của người Palestine rằng Israel có mưu đồ chiếm địa điểm linh thiêng này.

Tổng thống Obama lo ngại về tình hình bạo động

Tổng thống Barack Obama hôm thứ Sáu kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực tránh những ngôn từ có thể xúi giục "bạo động, phẫn nộ hay hiểu lầm."

Ông Obama nói tùy thuộc vào Israel và người Palestine quyết định liệu có nối lại tiến trình hòa đàm được Mỹ hậu thuẫn đang bế tắt hay không. Ông nói: "Tôi cho rằng điều đó tùy thuộc vào các bên, và chúng tôi sẵn sàng trợ giúp khi cảm thấy họ có thể khởi sự lại một mối quan hệ mang tính xây dựng hơn."

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp

Các giới chức Israel và Palestine hôm thứ Sáu đã đỗ lỗi cho nhau về tình hình bạo động gia tăng tại một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Đại sứ Palestine Riyad Mansour dùng cuộc họp đó để kêu gọi quốc tế bảo vệ cho người Palestine tại các lãnh thổ bị Israel chiếm đóng, và lên án Israel là "tàn bạo".

Đại sứ Israel Danny Dannon nói Palestine xúi giục bạo động phải chịu trách nhiệm về tình hình bạo động leo thang đó.

Pháp cho biết họ đang chuẩn bị một dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an và sẽ kêu gọi các bên bình tĩnh và duy trì hiện trạng ở địa điểm linh thiêng ở Đông Jerusalem. - VOA

***
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry vận động để Hoa Kỳ được bầu lại vào hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn Hoá Liên Hiệp Quốc UNESCO. Ông hứa sẽ làm việc với Quốc hội để xác nhận cấp lại ngân quỹ sau khi Washington ngưng đóng góp tài chánh để phản đối việc người Palestine được kết nạp thành viên đầy đủ của tổ chức này.

Hoa Kỳ và Israel vào năm 2013 đã mất quyền biểu quyết ở cơ quan Liên hiệp quốc 195 thành viên có trụ sở ở Paris này, hai năm sau khi các nước này quyết định ngưng đóng góp ngân quỹ cho UNESCO.

Nhưng Washington vẫn là một thành viên trong bang chấp hành trông coi vệc quản lý chung của cơ quan Liên hiệp quốc này. 

Trong phát biểu hôm nay, Ngoại trưởng Kerry kêu gọi bầu lại cho Hoa Kỳ vào tổ chức này trong tháng 11 mặc dù Mỹ còn thiếu hàng chục triệu đôla chưa góp cho tổ chức này.

"Hoa Kỳ có những đóng góp to lớn cho công việc của UNESCO, và tôi bảo đảm với qúy vị rằng cam kết của chúng tôi với tổ chức này chưa bao giờ mạnh hơn như vậy," ông Kerry phát biểu tại trụ sở của UNESCO ở Paris.

"Tôi biết một số trong quý vị lo ngại, đặc biệt là liên quan đến những hạn chế trong đóng góp ngân quỹ - nhưng điều quan trọng cần phải lưu ý rằng ngay cả việc những hạn chế đó tồn tại, Mỹ giữ một vai trò trọng yếu trong việc thăng tiến những mục tiêu của UNESCO."

Trước khi ngưng hỗ trợ tài chánh cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc này, Hoa Kỳ đóng góp đến 22% ngân sách hàng năm cho tổ chức này. Hiện tại, Mỹ đang thiếu 300 triệu đôla chưa góp cho UNESCO.

Luật của Mỹ cấm đóng góp ngân quỹ cho các tổ chức quốc tế nào công nhận nhà nước Palestine. Chính quyền Obama đã không thuyết phục được Quốc hội nối lại việc cấp ngân quỹ cho UNESCO trong mấy năm qua.

Ngoại trưởng Kerry đặt ra những nỗ lực chống khủng bố, và loan báo rằng Hoa Kỳ sẽ giúp UNESCO phát động một sáng kiến giáo dục "để trang bị cho giáo viên và học sinh những kiến thức và giá trị khuyến kích lòng bao dung, đoàn kết và chống chủ nghĩa cực đoan bạo động."

Ngoại trưởng Kerry hứa Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho các lãnh vực như các di sản thế giới bị các nhóm cực đoan phá hoại, an toàn cho ký giả và vấn đề môi trường. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Phát triển Phú Quốc là chủ trương Trung ương’

Tân Bí thư Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nghị, nói Trung ương “sắp ra quyết định” để huyện đảo Phú Quốc phát triển theo mô hình đặc khu kinh tế.

Ông Nghị, người vừa được bầu làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang, được báo Thanh Niên dẫn lời mô tả điều ông gọi là “Phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế là chủ trương của Trung ương.

Ông Nghị, con trai cả của Thủ tướng Dũng vốn từng ngồi ghế Bí thư Tỉnh ủy và là cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Kiên Giang, nói “Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo xây dựng đề án và trình các cấp có thẩm quyền của Trung ương xem xét.

“Phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu có thể nói đây sẽ là mũi đột phá của tỉnh Kiên Giang.

“Sắp tới, khi có quyết định chính thức từ Trung ương, tỉnh sẽ có những chỉ đạo thực hiện cụ thể để đảm bảo thực hiện tốt theo những mục tiêu đề án đặt ra,” ông Nghị nói.

Bình luận của ông Nguyễn Thanh Nghị, bí thư trẻ nhất nước hiện nay, tái khẳng định chủ trương của cựu Bí thư tỉnh Kiên Giang Trần Minh Thống đưa ra mới đây.

Ông Thống được TTXVN dẫn lời vào hôm 15/10/2015 rằng phát triển Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế là một trong ba “khâu đột phá” mà tỉnh đã xác định.

Ông Thống nói tỉnh Kiên Giang đang “phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ xây dựng hoàn thiện đề án đặc khu kinh tế Phú Quốc, xây dựng thể chế, chính sách thu hút đầu tư chiến lược, có hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực với ba trụ cột chính là “công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính, ngân hàng và kinh tế biển.”

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ông Huỳnh Kim Giang, hồi tháng Tám năm nay cho biết tính đến cuối tháng 7-2015, Phú Quốc thu hút 196 dự án đầu tư trên đảo.

“Có 136 dự án đang triển khai, với tổng diện tích 5.110 ha, tổng vốn đăng ký hơn 144.000 tỉ đồng, tập trung phần lớn vào lĩnh vực du lịch.

"Các tập đoàn như Vingroup, Sun Group và một số nhà đầu tư lớn đã, đang thi công xây dựng những chuỗi khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí trong đó phải kể đến khu Vinpearl Phú Quốc tại Bãi Dài, xã Gành Dầu quy mô hơn 300 ha, tổng vốn đầu tư trên 1 tỉ USD. Đây là dự án du lịch lớn nhất ở Phú Quốc tính đến thời điểm này."

Ông Giang cho biết thêm Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang xúc tiến dự án vườn bách thú hoang dã diện tích 500 ha nằm trên địa bàn 2 xã Gành Dầu và Cửa Cạn quy mô lớn thứ 2 trên thế giới, với các loài động vật, thực vật đặc trưng của khắp châu lục trên thế giới cũng như ở trong nước.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vào cuối tháng Sáu năm nay cho biết ông đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép làm thí điểm dự án mà ông mô tả là “nhượng quyền khai thác” sân bay Phú Quốc và rằng sân bay này “ không phải là thứ để bán”.

Lời giải thích được đưa ra trong chương trình ‘Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời’ tối 28-6.

“Tôi xin được nói lại đây không phải là bán sân bay Phú Quốc, mà đây là một hình thức chuyển nhượng kết cấu hạ tầng hàng không đã được quy định trong Luật và các văn bản hướng dẫn.

“Thực ra, trên thế giới hay trong khu vực thì họ làm lâu rồi nhưng đối với nước ta là việc mới. Do đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép làm thí điểm,” ông Đinh La Thăng nói. - BBC

No comments:

Post a Comment