Tin Thế Giới
1.
Bắc Hàn hành quyết Bộ trưởng Quốc phòng và 3 quan chức cấp cao khác
Các giới chức tình báo Nam Triều Tiên nói rằng Bắc Triều Tiên mới đây đã hành quyết Bộ trưởng Quốc phòng và 3 quan chức cấp cao khác. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA từ Seoul tường trình rằng tin về vụ dường như là hành quyết công khai này là tin mới nhất về những vụ thanh trừng các nhân vật cao cấp công khai này tại Bình Nhưỡng gây quan ngại về sự ổn định của chế độ Kim Jong Un. Thông tín viên VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.
Trong cuộc họp kín của một ủy ban quốc hội hôm nay, Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên nói với các nhà lập pháp rằng Bộ trưởng Bộ Quân lực Bắc Triều Tiên Hyon Yong Chol dường như đã bị hành quyết tại Bình Nhưỡng hồi cuối tháng Tư.
Tin cho hay vụ hành quyết tướng lãnh cấp cao này đã bị xử bắn bằng súng phòng không trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Bất trung, bất phục tùng và cụ thể là ngủ gục trong một sự kiện quân sự có Lãnh tụ Tối cao Kim Jong Un tham dự được viện dẫn là những lý do nhân vật này bị hành quyết.
Ba quan chức khác bị hành quyết
Cơ quan gián điệp của Seoul nói rằng 3 quan chức cấp cao khác cũng bị hành quyết, trong đó có ông Ma Won Chun. Ông này là kiến trúc sư trưởng của hạ tầng cơ sở mới và năm ngoái đã được chụp ảnh đứng cạnh lãnh tụ Kim Jong Un tại lễ khánh thành một công viên giải trí mới ở Bình Nhưỡng.
Đây là diễn biến mới nhất của một số vụ thanh trừng được báo cáo đã diễn ra kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền sau cái chết của thân phụ vào năm 2011.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Lim Byong-chul nói rằng Seoul đang theo dõi sát tình hình ở miền bắc.
Giới chức này nói rằng chính phủ ở Seoul nhận thấy Bắc Triều Tiên đang quảng bá việc củng cố quyền lãnh đạo duy nhất của ông Kim Jong Un bằng cách tạo ra một bầu không khí khiếp sợ thông qua những vụ hành quyết. Nhưng ông Lim nói rằng Seoul đang chú ý hình thức chính trị gây khiếp sợ này sẽ tạo ảnh hưởng lên hệ thống của chế độ Bắc Triều Tiên như thế nào về lâu về dài.
Bởi vì Bắc Triều Tiên là một chế độ độc tài, một xã hội khép kín, nơi mà truyền thông báo chí bị kiểm soát gắt gao, cho nên rất khó có thể kiểm chứng độc lập được những khẳng định của Seoul rằng những vụ hành quyết đã diễn ra và xác định liệu có một sự tranh giành quyền lực thực sự hay có một sự bất ổn bên trong chế độ của ông Kim Jong Un hay không.
Ông Kim Yong-hyun, một giáo sư nghiên cứu về Bắc Triều Tiên của Đại học Dongguk ở Seoul nói rằng những vụ thanh trừng hồi gần đây, ít nhất trong ngắn hạn, dường như cũng giúp cho ông Kim Jong Un củng cố quyền lực.
'Chiến thuật gây sốc'
Giáo sư Kim nói rằng rất khó có thể xem chế độ của ông Kim Jong Un là bất ổn trong tiến trình này, nhưng có thể thẩm định rằng đây là một cách để đưa quyền lực của ông Kim Jong Un đối với quân đội thông qua những chiến thuật gây kinh động.
Giáo sư Kim nói rằng trước khi bị thành trừng trong vai trò là bộ trưởng quốc phòng, tướng Hyon Yong Chol là một cố vấn quân sự thân cận của lãnh tụ trẻ tuổi Bắc Triều Tiên.
Tháng trước, cơ quan gián điệp Nam Triều Tiên nói rằng 15 quan chức cấp cao đã bị hành quyết trong năm nay như là một hình phạt vì dám thách thức quyền lực của lãnh tụ Kim Jong Un.
Hồi năm 2013, lãnh tụ Bắc Triều Tiên đã hành quyết người dượng đồng thời là cố vấn của ông – ông Jang Song Thaek, và một số quan chức thân cận với ông, vì đã âm mưu lật đổ nhà nước, như hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên loan tin. - VOA
|
|
2.
Phó tướng của IS 'bị giết' ở miền bắc Iraq
Người đứng vị trí lãnh đạo thứ nhì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị giết chết trong một cuộc không kích của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu ở miền bắc Iraq, Bộ Quốc phòng Iraq nói.
Abdul Rahman Mustafa Mohammed, còn được biết đến với cái tên Abu Alaa al-Afri, đang ở trong một thánh đường Hồi giáo tại Tal Afar khi bị tấn công, phát ngôn nhân, Chuẩn tướng Tahsin Ibrahim nói.
Hiện thông tin chưa được quân đội Hoa Kỳ cũng như truyền thông của IS xác nhận.
Trong những tuần gần đây, đã có những tường thuật chưa được kiểm chứng nói Afri đã tạm thời nắm quyền chỉ huy các chiến dịch của IS.
Các lực lượng an ninh Iraq nói rằng lãnh đạo Abu Bakr al-Baghdadi của IS đã mất khả năng lãnh đạo sau khi bị tấn công bằng không kích ở miền bắc Iraq hồi tháng Ba.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ treo thưởng 7 triệu đôla cho ai cung cấp thông tin về Abdul Rahman Mustafa al-Qaduli, người mà các nguồn tin Iraq xác định chính là Afri.
'Video'
Tướng Ibrahim nói với BBC rằng ông Afri đã bị giết chết cùng hàng chục tay súng khác đang họp cùng ông này tại thánh đường al-Shuhada ở quận al-Ayiadiya ở Tel Afar.
Thành phố này, thuộc tỉnh Nineveh ở miền bắc, đã bị IS chiếm giữ từ tháng Sáu 2014.
Vị tướng không nói rõ nước nào đã tiến hành vụ không kích, nhưng Hoa Kỳ là nước chịu trách nhiệm chung cho chiến dịch hoạt động rộng khắp, bắt đầu từ tháng Tám năm ngoái.
Bộ Quốc phòng đã công bố đoạn video được cho là quay cảnh không kích.
Một nữ phát ngôn nhân của Ngũ giác đài nói đã xem các tường thuật trên truyền thông nhưng không xác nhận nội dung các tường thuật đó là chính xác hay không.
Phóng viên BBC Ahmed Maher tại Baghdad nói nếu cái chết của Afri được xác nhận thì đó sẽ là một cú đánh mạnh giáng vào IS, vốn đã bị tổn thất nặng trong những tháng gần đây. BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Các TNS Mỹ thảo luận việc gia hạn thỏa thuận hạt nhân với TQ
Một nhóm thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã dự cuộc điều trần của các giới chức hàng đầu về an ninh hạt nhân nói về “những rủi ro và thuận lợi” của việc gia hạn một hiệp ước về hợp tác điện hạt nhân hòa bình với Trung Quốc. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã gặp 2 chuyên gia hồi hôm qua, 1 ngày sau khi mở cuộc họp kín với nhiều giới chức chính quyền để thảo luận về việc gia hạn thêm 30 hiệp ước song phương vừa kể. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke tường thuật.
Các giới chức chính quyền nói công cuộc hợp tác Mỹ-Trung trong khu vực năng lượng, kể cả năng lượng hạt nhân, vẫn đem lại lợi ích tốt nhất cho Hoa Kỳ.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Thomas Countryman giải thích:
“Chúng tôi tin rằng những lợi ích về sách lược, cấm phổ biến, kinh tế và môi trường của hiệp ước này chứng tỏ rằng tiếp tục công cuộc hợp tác về hạt nhân với Trung Quốc là có lợi ích tốt nhất cho chúng ta.”
Hiệp ước được gia hạn với Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh mua thêm các lò phản ứng hạt nhân và thêm kỹ thuật hạt nhân của Hoa Kỳ. Một phần của việc ấy sẽ giúp Trung Quốc phát triển khả năng tái chế biến phutonium từ nhiên liệu đã qua sử dụng và, theo một số chuyên gia, có thể giúp sản xuất các tàu ngầm chạy êm hơn và khó phát hiện hơn.
Các nhà lập pháp cho rằng hiệp ước năm 1985 cần phải được duyệt lại để bảo đảm rằng Trung Quốc không đưa kỹ thuật hạt nhân do Hoa Kỳ thiết kế vào các chương trình quân sự của họ, hoặc bán cho một nước khác.
Thượng nghị sĩ Bob Corker của đảng Cộng hòa, đại diện tiểu bang Tennessee, lập luận:
“Tôi nghĩ có những quan ngại cho rằng Trung Quốc đang làm rất nhiều thứ không theo đúng tinh thần của hiệp ước năm 1985 và việc gia hạn hiệp ước này, do đó tôi đoán là có thể phải có một số điều kiện đi kèm với việc gia hạn hiệp ước vì những mối quan ngại đó.”
Người ta e ngại về các nhà kinh doanh tư nhân nhiều hơn là các công nghiệp quốc doanh, theo nhận định của Thượng nghị sĩ David Purdue trong đảng Dân chủ, đại diện bang Georgia:
“Chính các doanh gia, những người làm doanh nghiệp độc lập phát đạt khắp Trung Quốc mới là mối quan ngại, và tôi nghĩ rằng trách nhiệm của Trung Quốc theo hiệp ước này là bảo đảm rằng họ theo dõi việc ấy. Và đó là điều tôi đặt hy vọng vào hiệp ước này.”
Một chuyên gia về an ninh hạt nhân của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nói rằng việc gia hạn theo đề nghị bao gồm những điều khoản giảm thiểu những rủi ro của việc phổ biến hạt nhân.
“Và nó cam kết cả hai bên, Hoa Kỳ và Trung Quốc, phải thực hiện việc huấn luyện kiểm soát xuất khẩu cho tất cả các thực thể Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Các giới chức năng lượng Hoa Kỳ cảnh báo rằng việc ngăn chặn hiệp ước có thể cắt mất của giới cung ứng Hoa Kỳ một thị trường quan trọng và gây thiệt hại cho công nghiệp hạt nhân dân dụng của Hoa Kỳ. - VOA
|
|
4.
Hoa Kỳ có thể đưa chiến đấu cơ và chiến hạm đến Biển Đông
Lầu Năm Góc đang xem xét phương án gởi chiến đấu cơ và chiến hạm của Mỹ đến vùng Biển Đông để bảo đảm quyền tự do lưu thông tại vùng này, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy nhanh việc bồi đắp mở rộng các đảo đang tranh chấp.
Theo hãng tin Reuters, một quan chức Mỹ, xin được miễn nêu tên, hôm qua, 12/05/2015, cho biết là bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã đề nghị nghiên cứu nhiều phương án khác nhau, trong đó có phương án gửi các chiến hạm và chiến đấu cơ đến khu vực cách những bãi đá mà Trung Quốc đang bồi đắp ở Biển Đông chưa tới 12 hải lý (22 km).
Quan chức này cho biết, Hoa Kỳ đang nghiên cứu cách thức bảo đảm tự do lưu thông trong một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới. Nhưng ông nói thêm là mọi phương án đều phải có sự chấp thuận của Nhà trắng.
Trước đó, tờ The Wal Street Journal cũng đã loan tin bộ trưởng Carter đã yêu cầu nghiên cứu các phương án khác nhau, trong đó có việc đưa chiến hạm và chiến đấu cơ đến Biển Đông. Nhưng hiện giờ cả Lầu năm góc lẫn Nhà trắng đều chưa bình luận về thông tin nói trên.
Theo nhận định của Reuters, việc triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ sẽ là một hành động thách thức trực tiếp nỗ lực của Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực có tranh chấp.
Việc triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ trên thực tế nằm trong khuôn khổ các chiến dịch thường xuyên của quân đội Mỹ nhằm bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải trên thế giới. Năm ngoái các chiến dịch đã được thực hiện đối với 19 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ được thực hiện đối với các đảo nhân tạo của quần đảo Trường Sa.
Phản ứng về thông tin nói trên, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc ở Washington hôm qua tuyên bố Bắc Kinh có "chủ quyển không thể tranh cãi được" trên quần đảo "Nam Sa" (tên Trung Quốc gọi Trường Sa). Ông tuyên bố rằng công trình bồi đắp, cải tạo đảo của Trung Quốc là "hợp lý và hợp pháp". Phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc còn gián tiếp yêu cầu Hoa Kỳ "không đứng về phe nào" trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông và "không làm gia tăng căng thẳng" trong khu vực này. - RFI
|
|
5.
Xe lửa Amtrak trật đường ray gần Philadelphia, 6 người thiệt mạng
Thị trưởng Philadelphia Michael Nutter cho hay 6 người đã thiệt mạng khi một đoàn tàu chở khách bị trật đường ray bên ngoài thành phố này vào khuya thứ ba 12/5.
Nhiều đơn vị khẩn cấp đã đến hiện trường khi chuyến tàu Amtrak chở ít nhất 243 hành khách và nhân viên bị trật đường ray trên chuyến đi từ thủ đô Washington đến thành phố New York. Thị trưởng Nutter cho biết 6 toa xe và đầu máy tàu bị ảnh hưởng trong tai nạn mà ông mô tả với các phóng viên là một “sự hỗn loạn cực kỳ khủng khiếp.”
Hơn 200 nhân viên cứu hỏa và cảnh sát đã đến hiện trường tai nạn lúc trời tối với các đèn pha để đi tìm các hành khách có thể bị kẹt trong đống đổ nát. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy nhiều hành khách người dính đầy máu. Có 6 người bị thương nặng.
Một trong các hành khách là cựu dân biểu Mỹ Patrick Murphy, đã chụp được hình ảnh đống đổ nát và công tác cứu hộ và gửi đi bằng Twitter.
Amtrak là dịch vụ xe lửa chở khách toàn quốc được chính phủ tài trợ, đã hủy bỏ dịch vụ giữa Washington và New York. Ủy ban An toàn Giao thông Toàn quốc cho hay một toán điểu tra sẽ đến nơi xảy ra tai nạn trong sáng thứ tư để bắt đầu một cuộc điều tra chính thức. Cơ quan Quản lý Đường sắt Liên bang cho hay đã gởi ít nhất 8 điều tra viên đến hiện trường.
Amtrak nói hiện chưa biết nguyên do tai nạn và cũng đang mở cuộc điều tra. Cơ quan đã đưa đèn đến hiện trường trong đêm vào lúc nhân viên xem xét đống đổ nát.
‘Giống như ai đã đạp thắng”
Một nhân viên của hãng tin AP, ông Paul Cheung, đi trên chuyến tàu và cho biết ông đang xem Netflix khi tàu bắt đầu chạy chậm lại, giống như ai đó đã đạp thắng…Rồi bỗng dưng người ta thấy mọi thứ bắt đầu lắc. “Và có thể thấy đồ đạc của mọi người bay qua đầu.”
Ông Cheung cho biết một hành khách khác đã hối ông bỏ chạy từ đằng sau toa, và ông đã làm như thế. Ông nói ông nhìn thấy hành khách tìm cách chạy thoát qua cửa sổ các toa tàu bị nghiêng về một bên.
Cô Gaby Rudy, 18 tuổi, từ Livingston, New Jersey, từ trường Đại học George Washington đi về nhà khi xảy ra vụ trật đường rầy. Cô cho biết cô sắp ngủ khi tàu bỗng nhiên “trật ra khỏi đường rầy.”
Mấy phút sau là kính vỡ tung tóe và khói bốc ra, theo lời kể của cô Rudy, người bị thương nhẹ. Cô nói, “Họ bảo chúng tôi chạy xa khỏi tàu trong trường hợp một chuyến khác đến nơi.”
Một hành khách khác, ông Daniel Wetrin, nằm trong số hơn một chục người được đưa đến một ngôi trường tiểu học ở gần đấy.
Ông kể, “Tôi nghĩ việc tôi ra khỏi được tàu gần như là một chuyện siêu nhiên bởi vì nhiều người không thoát ra được. Tôi bước ra khỏi đó như là mình đang đóng phim. Có nhiều người đứng quanh, những người mặt mũi máu me. Nào là người, bàn ghế, tung tóe khắp toa xe…dây điện bị oằn xuống khi bước ra khỏi tàu.”
Cảnh sát bao quanh địa điểm tại nạn, ở Port Richmond, một khu vực lao động, và dân chúng được lệnh tránh xa đoàn tàu.
Đường sá quanh địa điểm tai nạn đã bị phong tỏa. Hàng trăm nhân viên cứu hỏa bao quanh các toa tàu, đưa người ra.
Khu vực xảy ra vụ trật đường rầy gọi là Frankford Junction và có một khúc quanh lớn. Khu này cách không xa nơi đã xảy ra vụ trật đường ray gây nhiều chết chóc nhất vào năm 1943. Đó là tai nạn chuyến tàu The Congressional Limited, đi tù Washington đến New York, làm 79 người thiệt mạng. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
6.
Nhật Bản tăng cường hợp tác hàng hải với Việt Nam, Philippines
Philippines và Nhật Bản tổ chức các cuộc diễn tập hải quân hỗn hợp đầu tiên ở Biển Đông hôm thứ Ba, và cũng trong thời gian này, lực lượng tuần duyên Nhật Bản làm việc với Việt Nam, trong bối cảnh Tokyo đẩy mạnh việc củng cố các quan hệ hành hải với hai nước đối đầu mạnh mẽ nhất với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Hãng tin Reuters hôm 12 tháng Năm tường thuật rằng các động thái vừa kể diễn ra tiếp theo sau một bài diễn văn của Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi năm ngoái, trong đó ông cam kết sẽ giúp Đông Nam Á duy trì quyền tự do hàng hải, và tự do sử dụng vùng trời ở Biển Đông.
Tham gia cuộc diễn tập Nhật- Philippines có hai tàu khu trục của Nhật, là tàu JS Harusame và tàu JS Amigiri, và một tàu chiến Philippines, tàu BRP Ramon Alcaraz.
Cuộc diễn tập về an toàn hàng hải có mục đích chuẩn bị cho các cuộc đụng độ, và diễn ra tại một địa điểm trong Biển Đông nằm về hướng Tây thủ đô Manila.
Bản tin của Gulf News cho biết địa điểm tập trận ở gần bãi cạn Scarborough, nơi mà các tàu Philippines và Trung Quốc đã đối đầu nhau trước đây trong vụ đụng độ kéo dài khiến căng thẳng tăng cao giữa hai nước này.
Chuẩn Đô đốc Jesus Millan, Tư lệnh Hải quân Philippines, nói khu vực này, giữa Vịnh Manila và Vịnh Subic, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.
Hãng tin Reuters nói rằng trong khi mục đích cuộc diễn tập sẽ không làm Bắc Kinh lo lắng, bởi vì Trung Quốc đã từng tham gia các cuộc diễn tập tương tự với Hoa Kỳ, sự hiện diện của các tàu hải quân Nhật Bản trong Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang ngày càng chú ý hơn tới cuộc tranh chấp trong vùng biển này.
Tokyo đang muốn đánh đi một tín hiệu ngầm, không có tính cách khiêu khích, tới Bắc Kinh, rằng dù cho Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để tìm cách bành trướng ảnh hưởng trong khu vực, các nỗ lực này cũng có giới hạn của chúng, và các quốc gia trong vùng quyết tâm kiềm chế ý đồ đó. - VOA
No comments:
Post a Comment