Friday, May 29, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 29/5

Tin Thế Giới

1.
Shangri-La: Quan chức quốc phòng nhóm họp trong lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông --- Sẽ có khẩu chiến --- Lý Hiển Long: Mỹ-Trung 'nên cạnh tranh trong hòa bình'

Các quan chức quốc phòng cấp cao của 26 nước hôm nay tụ tập ở Singapore trong lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Cuộc họp an ninh hàng năm có tên Đối thoại Shangri-La diễn ra vài ngày sau khi bạch thư quốc phòng có tính chất hung hãn của Trung Quốc được công bố và gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ người đứng đầu Ngũ giác đài.

Hội nghị an ninh thường niên ở Singapore khai mạc ngày hôm nay 29/5 và kéo dài cho tới ngày chủ nhật 31/5.

Cuộc họp thường được gọi là Đối thoại Shangri-La được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có bản doanh ở London. Ông Tim Huxley, một nhà nghiên cứu của IISS, nói với đài VOA rằng hội nghị này cho phép các nước thảo luận về vấn đề “làm thế nào để những mối căng thẳng ở Biển Đông có thể được xử lý một cách tốt hơn và làm thế nào để ngăn không cho căng thẳng leo thang.”

Cuộc họp diễn ra trong lúc các nhà phân tích cho biết bạch thư quốc phòng mà Trung Quốc công bố hôm thứ ba vừa qua là một sự cảnh báo mạnh mẽ đối với các nước láng giềng của Trung Quốc ở Á châu và Hoa Kỳ về việc quân đội Mỹ “không ngừng ra sức quấy rối” ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các cơ sở quân sự qui mô lớn tại những bãi cạn mà họ chiếm đóng ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Trong bài diễn văn đọc tại Trân Châu Cảng ở Hawaii một ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hô hào cho “một sự chấm dứt ngay tức khắc và duy trì lâu dài sự chấm dứt" của những hoạt động lấp biển lấy đất của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp và nói rằng quân đội Mỹ “sẽ thỏa mãn” những yêu cầu mỗi lúc một tăng đòi Washington tích cực hoạt động tại khu vực Á châu Thái Bình Dương vì những hành động trên biển của Trung Quốc.

Quyền lợi quốc gia

Trong lúc đáp máy bay tới Singapore, Bộ trưởng Carter cho báo chí biết rằng tuy Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền trong khu vực, “Hoa Kỳ và tất cả các nước khác trong vùng có quyền lợi và quan tâm đối với vấn đề này vì nó liên hệ tới quyền tự do hàng hải, các quyền tự do ở biển cả, quyền không bị cưỡng ép, tuân theo những tiến trình hoà bình và hợp pháp.”

Tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris, mô tả yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “vô lý” khi ông phát biểu tại buổi lễ bàn giao quyền chỉ huy ở Hawaii hôm thứ tư. Vị đô đốc này tuyên bố các lực lượng của Mỹ, nếu được lệnh, sẽ sẵn sàng để “chiến đấu ngay tối hôm nay để bảo vệ các quyền lợi của Mỹ trong vùng Á châu Ấn Độ dương Thái Bình Dương rộng lớn.”

Theo dự liệu, Bộ trưởng Carter và Đô đốc Harris sẽ trình bày chi tiết hơn về các lập trường này khi họ phát biểu tại hội nghị ở Singapore.

Người cầm đầu phái đoàn 18 người của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La là Thượng tướng Hải quân Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội. Theo lịch trình, vị tướng 4 sao này sẽ phát biểu tại hội nghị vào ngày chủ nhật và nhiều người dự kiến ông sẽ khẳng định sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự là có tính chất hoà bình, phù hợp với những điều mà Bắc Kinh đã nói trong những năm trước tại hội nghị thường niên này.

Trong khi đó, những người khác ở Trung Quốc đưa ra những phát biểu có tính chất hung hăng hơn.

Hôm thứ hai, một bài bình luận của tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nói rằng “Nếu chủ trương của Mỹ là Trung Quốc phải ngưng những hoạt động xây dựng này, thì một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi” ở vùng biển mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải.

Hôm nay, một bài tường thuật của tờ Wall Street Journal cho biết Hoa Kỳ phát giác các loại vũ khí của Trung Quốc trên một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở quần đảo Trường Sa. Bài báo nói rằng tuy không tạo ra một mối đe dọa cho tàu thuyền và máy bay của Mỹ trong khu vực, những khẩu đại pháo đó có thể bắn tới một hòn đảo của Việt Nam. Các giới chức Mỹ cho biết Hà Nội đã bố trí các loại vũ khí trên hòn đảo đó.

Theo cảnh báo của một chuyên gia hàng đầu về vấn đề Biển Đông, sẽ có khẩu chiến gay gắt giữa các nước với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại Shangri-La.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, nói với VOA Việt ngữ ông tin rằng diễn đàn an ninh khu vực lần này sẽ trở thành một khẩu đài quyết liệt xoay quanh các hành động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển huyết mạch này, một trận khẩu chiến không khoan nhượng giữa Bắc Kinh với các quốc gia trong khu vực, có hay không có tranh chấp ở Biển Đông. 

“Tôi dự kiến sẽ có những tràng pháo hoa khẩu ngữ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Australia. Họ sẽ gặp nhau trước và sẽ đồng ca cùng một bản nhạc.”

Giáo sư Thayer cảnh báo:

“Trung Quốc sẽ trở thành trọng tâm tại Đối thoại Shangri-La. Phái đoàn quan chức Trung Quốc sẽ phản pháo sau mỗi phần phát biểu của các nước, yêu cầu các nước lắng nghe quan điểm của mình, đưa ra những tố cáo ngược lại, tìm cách đảo ngược tình thế rằng Hoa Kỳ mới chính là thủ phạm khiêu khích bất ổn, là nguyên nhân của mọi vấn đề, và rằng Trung Quốc chỉ có khẳng định chủ quyền mà thôi. Sẽ nảy ra cuộc chiến thông tin tại Đối thoại Shangri-La lần này. Tại diễn đàn an ninh năm ngoái mà tôi cũng có tham gia, phái đoàn Trung Quốc cho rằng lần đó họ bị ‘mai phục’.”

Thượng đỉnh an ninh Châu Á-Thái Bình Dương 2015 lôi cuốn sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế kể cả từ Châu Âu, với các Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Tây Ban Nha, và Đức đều xác nhận sẽ tham gia.

Năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên cử một tướng bốn sao sang tham dự Đối thoại Shangri-La. Tin cho hay đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, dẫn đầu đoàn đại biểu 29 thành viên của Bắc Kinh.

Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đưa quan chức cấp cao hơn so với giới chức dẫn đầu phái đoàn năm ngoái là một chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh hiểu rõ tranh cãi Biển Đông sẽ là vấn đề trọng tâm hàng đầu trong hội nghị lần này và cũng là tín hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã phòng bị sẵn sàng đối đầu với các chỉ trích từ quốc tế liên quan tới các sách lược gây hấn ở Biển Đông.

Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, tối nay sẽ đọc bài diễn văn quan trọng khai mạc 3 ngày thượng đỉnh an ninh do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS chủ trì, với thông điệp chủ yếu kêu gọi các nước đối thoại nhiều hơn để xoa dịu căng thẳng khu vực. Tuy nhiên, các nỗ lực trước đây tại Đối thoại Shangri-La không mang lại mấy kết quả.

Wall Street Journal dẫn lời giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho hay chủ đề chính của các buổi họp khoáng đại sẽ tập trung vào chiến lược an ninh của các cường quốc chính, việc kiểm soát không để căng thẳng leo thang, giải pháp giải quyết mâu thuẫn tích cực hơn, các hình thức hợp tác an ninh mới, xây dựng các liện hệ an ninh với các khu vực khác.

Tiến sĩ Huxley cho biết thêm lần đầu tiên tại đối thoại an ninh Shangri-La, sẽ có một buổi họp đặc biệt tập trung chủ yếu về các quan ngại an ninh của các nước nhỏ.

Wall Street Journal dẫn các nguồn tin ngoại giao cho hay trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, tại Shangri-La năm nay sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ đảm bảo các thủy lộ được rộng mở và quyền tự do hàng hải được duy trì ở Biển Đông.

Dự kiến trong bài phát biểu sáng mai tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Carter sẽ tái xác định lập trường cứng rắn của Mỹ phản đối bất kỳ hoạt động bành trướng chủ quyền nào thêm nữa của Bắc Kinh tại đây.

Trước đó, ông Carter đã khẳng định với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ bất chấp các âm mưu hạn chế quyền tự do hàng hải từ Bắc Kinh tại các khu vực bao quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc mới xây, sẽ tiếp tục hoạt động, cho máy bay-tàu bè đi ngang qua các khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép.

Phát biểu trước thềm Shangri-La, ông Carter nói Mỹ phản đối các hành động quân sự hóa những địa điểm tranh chấp và yêu cầu các nước ngưng xây cất, thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Theo tường thuật của Wall Street Journal, ông Carter cũng đã chỉ thị cấp dưới lên các kế hoạch điều tàu và máy bay tới gần các đảo nhân tạo của Bắc Kinh để thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Mỹ chớ có phát ngôn hay hành động khiêu khích.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh nói quy mô và tốc độ các công trình xây dựng Bắc Kinh đang tiến hành tương xứng với nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc trong tư cách một nước lớn.

Bà Hoa nhấn mạnh chính nhân dân Trung Quốc mới có quyền quyết định cần phải làm gì. 

Trong tháng này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel thông báo với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng trong vòng 1 năm rưỡi qua, Trung Quốc đã tạo ra nhiều đảo nhân tạo nổi lên mặt đất bằng các công trình khai hoang trên và xung quanh những khu vực trước kia từng là các bãi nhỏ trên hay dưới mặt nước.

Ông Russel cho biết ba trong số các bãi đất này lớn hơn hòn đảo tự nhiên rộng nhất trong quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động bồi đất lấp biển tại Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. 

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 28/5 đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ‘chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng’ tại Hoàng Sa-Trường Sa, ‘không có thêm hành động gây phức tạp tình hình.’

Trong phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Thủ tướng Singapore kêu gọi các nước giảm căng thẳng trên Biển Đông, 

Ông Lý Hiển Long nói Mỹ và Trung Quốc cần giữ quan hệ tốt.

“Không nước nào muốn chọn phe giữa Mỹ hay Trung Quốc.”

Sau nhiều tuần cãi vã, Washington và Bắc Kinh một lần nữa căng thẳng hôm thứ Sáu.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Brent Colburn, cùng tới Singapore với Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, nói việc xây đắp của Trung Quốc trên Biển Đông tạo nên “không khí bất trắc”.

Còn Tân Hoa Xã của Trung Quốc nói một số người tham dự Đối thoại Shangri-la “muốn độc quyền việc phát biểu”.

Giữa bầu không khí này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu: “Các tranh chấp biển…có thể và cần được kiểm soát.”

Ông nói Thái Bình Dương “đủ lớn” cho hai cường quốc nhưng không nên được chia thành hai vùng ảnh hưởng.

“Có không gian tại châu Á-Thái Bình Dương cho hai đại cường tham dự và cạnh tranh trong hòa bình, giải quyết vấn đề trong xây dựng,” ông Lý nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đều sẽ phát biểu tại hội nghị.

Hôm thứ Sáu, Đô đốc Tôn Kiến Quốc đã tiếp xúc với người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đô đốc Trung Quốc nói khi gặp phía Việt Nam: “Chúng tôi tin rằng thông qua hợp tác, hai bên sẽ có thể giải quyết tranh chấp Nam Hải.” - VOA, BBC
|
|

2.
Đại hội bầu chủ tịch FIFA diễn ra trong náo loạn --- FIFA, tổ chức mafia

Phiên họp quan trọng để bầu chủ tịch định chế quản lý bóng đá thế giới FIFA hôm nay 29/05/2015, tại Zurich đã diễn ra trong lúc cơn bão bê bối tham nhũng vừa nổi lên chưa ngớt, thì liên tiếp hai sự cố đã diễn ra trong phòng họp khiến đại hội phải tạm ngừng.

Phiên họp buổi sáng sắp kết thúc, cảnh sát Thụy Sĩ nhận được báo động có bom cài trong khu phòng đại hội của FIFA, khiến các đại biểu phải sơ tán gấp và phiên họp bị gián đoạn. Cảnh sát đã có mặt lục soát phòng họp, nhưng không tìm thấy gì. Đầu giờ chiều, giờ địa phương, đại hội đã họp trở lại.

Đe dọa đánh bom được gọi qua điện thoại đến một cơ quan báo chí tại Zurich sáng nay. Cảnh sát Thụy Sĩ cho biết đang mở điều tra về vụ đe dọa đánh bom này.

Đây là sự cố thứ hai trong phiên họp cuối cùng hôm nay. Trước đó hai người biểu tình mang cờ Palestine kêu gọi khai trừ Israel ra khỏi tổ chức, đã gây náo loạn phòng họp. Lực lượng giữ gìn trật tự đã phải mất khá nhiều thời gian để giải tỏa hai người biểu tình xâm nhập đại hội này.

Dự kiến 16 giờ chiều này đại hội mới có thể bước vào bầu cử, mà kết quả hầu như đã có thể đoán trước là đương kim chủ tịch Sepp Blatter sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ 5.

Vụ sáu quan chức cao cấp của FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) bị bắt hôm qua do bị tình nghi tham nhũng, hai ngày trước cuộc bầu cử Chủ tịch khóa mới của tổ chức thể thao hùng mạnh, thu hút nhiều chú ý của báo chí Pháp. Libération chạy hàng tít lớn trên trang nhất: "FIFA Nostra" (tạm dịch là "FIFA Mafia"). Báo La Croix có bài xã luận trang nhất với tựa đề "Bóng đá: Phải chăng một thời đại đang chấm dứt?". Nhật báo thể thao l’Equipe thì chua chát: "các ống cống của FIFA xả ra tràn trề đến mức mà chỉ bịt mũi thì không đủ để ngăn được những thứ mùi ghê tởm xả ra từ cỗ máy điều hành nền bóng đá thế giới".

Hồ sơ chính "Pieds propres, mains sales" (có nghĩa là Chân sạch, tay bẩn) của Libération nhận xét với nỗi ngạc nhiên: "FIFA đã mất uy tín từ lâu, tuy nhiên tổ chức này vẫn được nhiều thế lực chính trị dung thứ.… Nhân cách của Sepp Blatter, 79 tuổi – chủ tịch mãn nhiệm của FIFA – đáng nhẽ đã phải khiến cho các nhà chính trị dân cử giận dữ: ông ta là lãnh đạo của một định chế ngập chìm trong tham nhũng, trọng nam khinh nữ, kỳ thị người đồng tính, phủ nhận nạn phân biệt chủng tộc trong thể thao và nạn nô lệ lao động tại Qatar". Dù vậy, Libération báo trước sẽ khó có gì cản được Chủ tịch mãn nhiệm Sepp Blatter tái đắc cử. Bài "Chân sạch, tay bẩn" chỉ ra bốn "tài" khiến lãnh đạo FIFA người Thụy Sĩ duy trì được uy quyền.

Thứ nhất, để điều khiển được FIFA, "phương pháp của Sepp Blatter" là "trộn lẫn một vẻ ngoài tốt bụng giả tạo với một thái độ thủ đoạn chính trị thực sự", cùng một lúc đưa các đối thủ của mình lên bậc thang thăng tiến, nhưng đồng thời khi họ trở nên quá mạnh so với mình, ông ta loại trừ họ, tiêu diệt họ (theo lời một cựu giới chức FIFA). Thứ hai để bóp nghẹt tiếng nói của Châu Âu, lãnh đạo FIFA đã tranh thủ cảm tình của tất cả các nước nhỏ, khiến ai cũng hy vọng một ngày nào đó được tổ chức Cúp bóng đá thế giới và tin tưởng mình là quan trọng. Cho đến nay, chỉ có liên đoàn bóng đá Châu Âu UEFA – do cựu danh thủ Pháp Michel Platini đứng đầu – là ủng hộ một đối thủ của ông Blatter, hoàng thân Ali, người Jordani, nhưng ứng cử viên này lại không được liên đoàn Ả Rập và Châu Á ủng hộ. Chính liên đoàn bóng đá Châu Âu từng ủng hộ ông Blatter năm 2011, khi tin vào lời hứa sẽ ứng cử lần cuối của lãnh đạo Thụy Sĩ.

"Nghệ thuật" thứ ba khiến Sepp Blatter có được nhiều quyền hành là ông ta điều hành FIFA – với 5,7 tỷ đô la doanh thu - hệt như một doanh nghiệp lớn. Hầu hết người tham gia FIFA đều cảm thấy chịu ơn ông già Noel Blatter: 72% lời lãi được chia cho các bên, quốc gia tổ chức, các đội bóng... Bộ máy hành chính của FIFA với gần 500 nhân viên được hưởng 20% ngân sách. Bản thân ông Chủ tịch một năm cũng nhét túi khoảng vài triệu đô la…

Về nội tình của đế chế FIFA, Le Figaro có bài "Du hành vào hệ thống Blatter, chuyên gia của những màn lừa". Theo Le Figaro, chính nhờ hứa hẹn tăng thêm 250.000 đô la/năm tài trợ cho mỗi liên đoàn bóng đá quốc gia, mà "bố già" FIFA đã được đông đảo ủng hộ, khi bác bỏ đề nghị giới hạn tuổi ứng cử chủ tịch liên đoàn.

Liệu còn tin được FIFA với nhà ảo thuật Blatter ? 

Bất chấp vụ bắt giữ gây chấn động, mở đầu cho cuộc khủng hoảng được coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử của tổ chức này, quyền lực của Blatter dường như không suy chuyển. Theo Le Figaro, ông Blatter sau 17 năm đứng đầu FIFA và sau 40 năm làm việc tại FIFA trên các cương vị khác nhau, đã có được một sự ủng hộ vững chãi tại "vương quốc mặt trời không bao giờ lặn", với 209 tổ chức bóng đá quốc gia thành viên (nhiều hơn cả số lượng thành viên Liên Hiệp Quốc). Sau vụ sáu giới chức cao cấp bị bắt, vì bị cáo buộc tham nhũng, rửa tiền, Sepp Blatter hoàn toàn phủ nhận việc FIFA đang đứng trước nguy cơ uy tín đạo đức sụp đổ. Le Figaro đặt câu hỏi: "Liệu ông Sepp Blatter - bậc thầy của những màn ảo thuật - có đủ tư cách để đại diện cho tính chính đáng mà FIFA đang rất cần, để tìm lại được một cái gọi là uy tín?."

Về vấn đề này, La Croix đưa ra một cái nhìn khác: "có thể là một thời đại đã kết thúc. Cái thời mà những định chế thể thao nắm trong tay tiền tỷ nâng đỡ cho các mạng lưới mua bán lợi ích rất màu mỡ, nhờ ở căn cứ địa ngân hàng tại Thụy Sĩ… Một trùng hợp đáng nói, đó là ngày hôm qua, tại Bruxelles, chỉ vài giờ trước khi phê chuẩn vụ bắt giữ các giới chức FIFA, Thụy Sĩ đã ký một thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu, về việc chấm dứt giữ bí mật ngân hàng đối với các tài khoản của kiều dân Châu Âu tại các nhà băng Thụy Sĩ". Tờ báo Công giáo tỏ ra thận trọng với cảnh báo: "Nhiều yếu tố cho thấy: cuộc chiến chống nạn tiền bẩn đã ghi điểm và nên vui mừng. Nhưng cũng cần phải hết sức thận trọng. Bởi tham nhũng là một quái vật trăm tay nghìn mắt (une hydre) biến hóa khôn lường. Con quái vật ấy biết cách kiếm lợi từ sự tinh vi vô cùng của các hoạt động tài chính, giúp cho nó có được đủ loại phương tiện để ẩn náu khắp nơi trên hành tinh. Đôi khi nó nhận được thiện cảm của công luận. Quá nhiều người hâm mộ bóng đá, tuy nghi ngờ môn thể thao yêu mến của họ đưa đến các hoạt động xấu xa, nhưng vẫn sẵn sàng nhắm mắt bỏ qua". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ loan báo Trung Quốc đã đặt vũ khí trên đảo nhân tạo --- TQ cáo buộc Mỹ gây "hỗn loạn" tại Biển Đông --- Nhật-Châu Âu lên án TQ hung hăng

Hoa Kỳ hôm nay loan báo Trung Quốc đã đặt các hệ thống vũ khí trên một đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.

Các giới chức Mỹ cho hay 2 khẩu pháo tự hành lớn bị Hoa Kỳ phát hiện ít nhất vài tuần trước, càng làm tăng thêm các quan ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các dự án khai hoang lấp biển để phục vụ cho mục đích quân sự.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các giới chức nói rằng dù việc này không đề ra mối đe dọa cho tàu hay máy bay Mỹ nhưng có thể vươn tới các đảo kế cận.

Các giới chức Mỹ cho biết các vũ khí này nằm trong tầm tấn công một hòn đảo mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền nơi mà chính phủ nước này đã trang bị một số loại vũ khí khác nhau.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Brent Colburn, cho hay Hoa Kỳ được thông tin về sự hiện diện của loại vũ khí này nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết vì đây là vấn đề tình báo.

Một phát ngôn nhân tòa đại sứ Trung Quốc khẳng định các hoạt động trên các hòn đảo Trung Quốc chủ yếu là hoạt động dân sự.

Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain nói diễn tiến mới này có thể làm căng thẳng thêm tình hình nhưng không dẫn tới xung đột.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở TPHCM trong chuyến thăm Việt Nam hôm 29/5, ông McCain nói diễn tiến này đáng quan ngại rằng cần phải cho Trung Quốc hiểu rằng các hành động của họ vi phạm luật quốc tế và sẽ bị toàn thế giới lên án.

Ông McCain nói ‘Chúng ta không gây xung đột với Trung Quốc nhưng có thể có một số biện pháp nhất định khiến Trung Quốc phải chùn bước trong các hoạt động kiểu này.’

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh từ chối bình luận về vụ việc, nói rằng không có thông tin về các loại vũ khí vừa kể.

Trả lời báo giới về thông tin liên quan đến việc Trung Quốc điều động vũ khí ra các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Hải Bình, hôm 28/5 cho biết Việt Nam đang theo dõi sát các diễn tiến trong các vùng biển này.

Giới phân tích quân sự ở Châu Á cho rằng việc bố trí các khẩu pháo tự hành trên các đảo vừa xây dường như biểu tượng cho ý định của Trung Quốc hơn là một diễn tiến quan trọng có thể làm nghiêng ngã cân bằng lực lượng.

Các bức ảnh mà máy bay do thám Mỹ chụp được trong thời gian gần đây cho thấy rõ là Trung Quốc đã chuyển vũ khí lên một hòn đảo nhân tạo mà họ đang bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa. Vũ khí này đã đặt một hòn đảo do Việt Nam kiểm soát gần đấy trong tầm bắn.

Theo tiết lộ của một số quan chức cao cấp Mỹ, được nhật báo Wall Street Journal trích dẫn vào hôm qua, 28/05/2015, các phi vụ trinh sát mà Hoa Kỳ mới thực hiện gần các công trình bồi đắp mà Trung Quốc đang thực hiện đã phát hiện được hai cỗ pháo cơ động trên một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Đây là bằng chứng khẳng định mối nghi ngờ được nêu lên trong thời gian qua là Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo nhằm mục tiêu quân sự. Các bức không ảnh đồng thời phản bác lập luận mà Bắc Kinh vẫn liên tục đưa ra gần đây theo đó các công trình họ đang thực hiện ở Biển Đông chủ yếu mang tính chất dân sự.

Một quan chức Mỹ xác định rằng vũ khí mà Trung Quốc đặt trên đảo đó không phải là một mối đe dọa quân sự đối với máy bay hay tàu thuyền của Hoa Kỳ, nhưng hoàn toàn có thể bắn tới các hòn đảo lân cận dưới quyền kiểm soát của các nước khác.

Đảo do Việt Nam kiểm soát bị đe dọa

Một số quan chức khác của Mỹ đã nhận định một cách cụ thể là tầm bắn của các cỗ pháo của Trung Quốc bao trùm một hòn đảo do Việt Nam kiểm soát, từng được Hà Nội trang bị bằng mốt số loại vũ khí. Theo báo Wall Street Journal, cho đến hết ngày hôm qua, chính quyền Việt Nam chưa có bình luận gì về thông tin này.

Tiết lộ về vũ khí Trung Quốc trên một hòn đảo mà họ bồi đắp tại Trường Sa được đưa ra vào lúc chính Bắc Kinh cũng thừa nhận là họ đang chuyển vũ khí đến đảo Hải Nam, vùng lãnh thổ Trung Quốc gần Trường Sa nhất.

Theo ấn bản Anh Ngữ Want China Times của tờ "Vượng báo" (Want Daily) tại Đài Loan vào hôm nay, Tân Hoa Xã ngày hôm qua đưa tin là Quân đội Trung Quốc đã quyết định đưa nhiều loại vũ khí tối tân nhất đến đảo Hải Nam.

Trong số các vũ khí mà quân đội Trung Quốc công khai phô trương tại cảng Tú Anh, thành phố Hải Khẩu (Hai Kou), có chiến đấu cơ J-10, trực thăng chiến đấu hạng nặng WZ-10, xe tăng lội nước hạng nhẹ 63A, xe chở tên lửa chống tăng, xe chỉ huy bọc thép.

Tân Hoa Xã không ngần ngại cho rằng đảo Hải Nam có rất nhiều khả năng trở thành căn cứ quân sự chính của Quân đội Trung Quốc nếu nước này lao vào một cuộc chiến ở Biển Đông, do đó chính quyền muốn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cư dân tại đấy trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. 

Trung Quốc hôm qua 28/05/2015 lên án Hoa Kỳ đe dọa gây "hỗn loạn" tại châu Á-Thái Bình Dương, khi xúi giục các quốc gia đang tranh chấp đối đầu với Bắc Kinh. Đây là sự kiện mới nhất trong cuộc khẩu chiến Mỹ-Trung về Biển Đông.

Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm thứ Tư 27/5 đã yêu cầu "chấm dứt ngay lập tức và dài hạn các hành động bồi đắp của bất kỳ bên nào".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Nếu khu vực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế thế giới bị rơi vào hỗn loạn, liệu có phục vụ cho lợi ích của phía Mỹ?".

Kêu gọi Washington "tránh mọi lời nói và hành động khiêu khích", bà cáo buộc: "Một vài nước tiếp tục khuấy động Biển Đông vì lợi ích riêng tư của họ, đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển của Trung Quốc, trong khi một số khác xúi giục họ hành động".

Chuẩn bị vòng công du châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tuyên bố: "Trước tiên, chúng tôi mong muốn một giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp… Chúng tôi cũng phản đối mọi hành động quân sự hóa các địa điểm liên quan". Đây là chuyến công du thứ hai của ông Carter sau khi lên lãnh đạo Lầu Năm Góc, đi thăm Singapore, Việt Nam, Ấn Độ. 

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh ồ ạt bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo để áp đặt chủ quyền tại Trường Sa. Một số quốc gia cũng đã tiến hành bồi đắp tại những đảo đang trấn giữ, và Hoa Xuân Oánh lên án Hoa Kỳ "cố tình im lặng" đối với các hành động xây dựng trên "các lãnh thổ của Trung Quốc bị chiếm đóng bất hợp pháp".

Bà ta tuyên bố: "Tôi xin nhắc lại rằng quy mô và tốc độ của các công trường xây dựng là tương xứng với các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc, với tư cách một nước lớn. Chính nhân dân Trung Quốc mới quyết định những gì phải làm, không một ai khác có quyền bảo Trung Quốc phải làm gì".

Trong khi đó, Nhật Bản và Liên hiệp Châu Âu hôm nay 29/05/2015 họp thượng đỉnh thường niên tại Tokyo, tập trung vào các thương lượng đang diễn ra về đối tác chiến lược, và một hiệp định tự do mậu dịch đầy tham vọng có thể sẽ được hình thành từ nay đến cuối năm 2015. Hội nghị cũng bày tỏ quan ngại về các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Đoàn đại biểu Liên hiệp Châu Âu (EU) do Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, dẫn đầu. Phái đoàn Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo. Người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini và Ủy viên Thương mại Châu Âu, Cecilia Malmström, cũng tham gia thương thảo.

Hai bên đã bày tỏ mong muốn "đẩy nhanh tiến độ thương lượng" về hiệp định tự do mậu dịch, được đưa ra từ năm 2013. Hiệp định nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng sẽ giúp toàn khối Châu Âu cùng với Nhật Bản chiếm 30% nền kinh tế thế giới và 40% về thương mại toàn cầu.

Châu Âu mong đợi Nhật Bản giảm nhẹ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại (NTB) đang khóa chặt nhiều thị trường Nhật, nhất là về thực phẩm. Đối với Tokyo, một trong những yêu cầu chính là Bruxelles bỏ thuế hải quan đánh vào xe hơi Nhật – một vấn đề nhạy cảm ở Đức, nước sản xuất và xuất khẩu xe hơi quan trọng.

Nếu được hoàn tất trong năm 2015, hiệp định tự do mậu dịch EU-Nhật Bản có thể được ký kết trước Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tokyo hiện đang vất vả thương lượng với Mỹ.

Trong tuyên bố chung, đôi bên cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động hung hăng của Trung Quốc để áp đặt yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bản tuyên bố viết: "Chúng tôi tiếp tục quan sát tình hình tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, quan tâm đến bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng và gây thêm căng thẳng".

Các lãnh đạo EU và Nhật Bản cũng khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các hồ sơ chính như Ukraine trước cuộc xung đột do phe nổi dậy thân Nga gây ra ở miền đông. Thủ tướng Abe dự định thăm Kiev tháng tới, nhân dịp đi dự hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Đức. - VOA, RFI
|
|

4.
Kinh tế Mỹ co cụm hồi đầu năm 2015

Nền kinh tế Mỹ đã co cụm trong 3 tháng đầu năm 2015, giữa lúc thời tiết xấu bất thường tác động tới các hoạt động kinh tế, trong khi giá đồng đôla cao ảnh hưởng tới các sản phẩm sản xuất ở Hoa Kỳ bán ra nước ngoài, và giá dầu thấp có nghĩa là ít tiền đầu tư hơn được đổ vào hoạt động khoan dầu.

Phúc trình do Bộ Thương Mại Hoa Kỳ công bố hôm nay nói rằng GDP đã giảm 7/10 của 1% trong quý đầu năm nay.

Đây là mức điều chỉnh hạ thấp GDP đáng kể so với ước tính ban đầu theo đó kinh tế tăng trưởng đôi chút trong 3 tháng đầu năm. Các giới chức thường xuyên điều chỉnh mức GDP dự đoán một khi có các dữ liệu đầy đủ hơn.

Nền kinh tế Mỹ đã tăng một cách khiêm nhường trong những tháng cuối năm 2014, và nhiều nhà kinh tế nói rằng các dữ liệu hiện nay cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ sớm tăng trưởng trở lại. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ông John McCain làm gì ở Việt Nam?

Trong chuyến thăm hai ngày, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam và một số nhà hoạt động xã hội dân sự.

Trong hai ngày 27/5-28/5, vị thượng nghị sỹ cựu tù nhân trong cuộc chiến Việt Nam cùng đoàn của ông đã hội kiến Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.

Điều đáng chú ý là ông có cuộc tiếp xúc với đại diện phong trào dân sự ở trong nước tại dinh thự của đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội trưa ngày thứ Năm 28/5.

Cùng đoàn với ông McCain là ba vị thượng nghị sỹ khác, các ông bà Jack Reed, Joni Ernst và Dan Sullivan.

Ông Reed là thành viên cao cấp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ mà ông McCain làm chủ tịch.

Tiếp xúc với các vị thượng nghị sỹ Mỹ là các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Chí Tuyến và Luật sư Trần Thu Nam.

Ông Nguyễn Chí Tuyến nói với BBC rằng đoàn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đã đặt nhiều câu hỏi về tình hình phát triển dân chủ, nhân quyền ở trong nước.

"Ông McCain bày tỏ cảm kích về công việc của chúng tôi và hỏi nước Mỹ có thể giúp được điều gì?"

Ông Tuyến nói ông và những nhà đấu tranh có mặt đã bày tỏ mong muốn làm sao để chính quyền Hà Nội phải tôn trọng luật pháp và công ước quốc tế.

"Tuy nhiên việc tiến triển về nhân quyền hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực trong nước và phải do người Việt Nam quyết định."

Ông nói thêm: "Tôi cũng trình bày với phía Mỹ là đối với tôi, quan trọng nhất lúc này là người Việt Nam phải được quyền lập hội nhóm một cách thực tế và hoạt động không bị cản trở, đàn áp, sách nhiễu".

Vấn đề Biển Đông

Trước đó, chiều thứ Tư 27/5 đoàn của ông John McCain đã hội kiến Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và tới thăm Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng, người theo kế hoạch sắp đi thăm Hoa Kỳ, đã dành thời gian đề cập tới chủ đề căng thẳng ở Biển Đông.

Báo Việt Nam nói ông "khẳng định lập trường kiên định của Việt Nam bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trước hết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế... phản đối mọi hành vi coi thường luật pháp quốc tế, phá vỡ hiện trạng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực".

Sau khi thăm Việt Nam, ông John McCain sang Singapore để tham dự Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, nơi ông được trông đợi sẽ chia sẻ quan điểm của mình về chủ đề Biển Đông.

Khi thăm Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông thượng nghĩ sỹ đã thảo luận với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh về đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Ông John McCain là người lâu nay ủng hộ bình thường hóa quan hệ quân sự Mỹ-Việt và việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter sẽ thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày từ 31/5-2/6 tới. - BBC
|
|

6.
Trung Quốc âm mưu gì khi xây đảo ở Biển Đông?

Trung Quốc đang gấp rút xây dựng các đảo đá nhân tạo ở Trường Sa, nơi mà Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền. Trong khi đó, Mỹ dường như ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn phản đối điều này. Mới hôm qua, Bộ trường Quốc phòng Mỹ Ash Carter kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xây dựng ở Biển Đông. Hải Ninh có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại đại học George Mason, về vấn đề này.

Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Xin hỏi ông câu đầu tiên, việc Trung Quốc xây dựng đảo đá ở Trường Sa, rồi cả hải đăng nữa sẽ ảnh hưởng tới tình hình Biển Đông ra sao?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Điều đầu tiên mình thấy là căng thẳng rồi, và chúng ta thấy rất nhiều lời tuyên bố qua lại đặc biệt là nước Mỹ và Trung Quốc. Đấy là tổng quát đấy, về chi tiết thì mình thấy có hai cái điều quan trọng. Thứ nhất là về phương diện chiến lược, thứ hai là về phương diện luật quốc tế và trật tự quốc tế. Về phương diện chiến lược thì mình nhìn thấy có 5 cái hòn đảo, cái đá mà họ xây lên như thế đó là nó nằm ở cái tuyến đường biển rất quan trọng giữa Việt Nam này, Phi La Tân, Brunei, Malaysia. Nếu họ có căn cứ đó thì họ có thể kiểm soát được và chế ngự hoàn toàn cái vùng biển đó làm tuyến đường quan trọng nó block, nó chặn cái đường từ miền biển Hoa Đông xuống Malaca, thành ra đấy là về chiến lược rồi. Nếu họ thành công họ sẽ đạt được ưu thế chiến lược rất là quan trọng.

Thứ hai nói về trật tự quốc tế, hiện tại thì căn cứ số luật quốc tế hiện hành đó, luật quốc tế hiện hành không cho phép những cái đá chìm đó nước nào nhận chủ quyền đá chìm trừ khi đá đó ở trong vùng lãnh hải của mình hay là trong vòng EEZ đấy, tức là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Không cho phép như thế. Nhưng Trung Quốc biến thành đảo, ông ấy biến thành đảo thì có hai chuyện. Thứ nhất là hoặc là ông ấy vi phạm luật quốc tế, hoặc là ông ấy bảo tôi chỉ xây trong phạm vi của tôi thôi, phạm vi đó là gì, là phạm vi đường lưỡi bò. Như vậy có nghĩa là ông ấy tuyên bố đường lưỡi bò, mọi người phản đối nhưng ông ấy thi hành từ từ từ đấy, bây giờ ông ấy làm thế này thì ông từ từ ông biến đường lưỡi bò làm lời tuyên bố thành sự thật và như vậy là về phương diện quốc tế hiện hành thì nó là sai, nhưng mà ông ấy giải thích theo kiểu của ông ấy rằng đây là vòng của ông ấy, ông ấy có quyền xây, ai cũng có quyền xây như xây nhà đó, thì ông ấy làm như vậy mà nếu mọi người chấp thuận thì nhìn như thế này mình thấy là rõ ràng là Trung Quốc đặt ra luật rồi lại thi hành luật đó.

Hải Ninh: Vâng. Thưa ông mới đây còn có thông tin từ một tờ báo Australia rằng Trung Quốc dường như đã đưa vũ khí lên đảo nhân tạo kể trên. Theo ông thì khả năng xung đột là như thế nào?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết là Mỹ thì nói rằng là nếu mà họ xây như vậy đó, mà cái máy bay họ trông thấy thì họ xây những cái đảo quan sát rồi. Đảo quan sát đó thì nó sẽ phải xây căn cứ quân sự để bảo vệ đảo quan sát đó. Đảo quan sát đó nó biết rồi thì nó sẽ phóng cho quân đội của Trung Quốc, và quân đội Trung Quốc sẽ theo dõi máy bay, nó có thể zoom in bắn vào máy bay đó. Thì cái tình trạng máy bay đó rất nguy hiểm. Thì cái chuyện đó là mới trong cái tình trạng gọi là đồn đoán thôi. Nhưng hôm nay nếu mà cái tin đó là tin thật đó, là họ đã quân sự hoá cái đảo thì họ lại tăng cường, tăng thêm cái leo thang thêm cái hành động của họ.

Hải Ninh: Vậy thì khả năng xảy ra xung đột là thế nào?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Khả năng xẩy ra xung dột thì có. Bây giờ thí dụ Ông Cater đó, ngoài cái lời ông tuyên bố hôm nọ, hôm qua ông nói đó ông yêu cầu các quốc gia đều phải liên kết phản đối mạnh, nói rằng Mỹ sẽ có quyền gửi máy bay hay tàu chiến đến bất cứ vùng nào mà luật quốc tế cho phép, mà nếu mà Mỹ giải thích luật quốc tế cho phép ấy thì nó sẽ bay qua địa điểm của ông Trung Quốc và đi tàu trong đó.

Thành ra như vậy ngược lại với Trung Quốc, thế thì bây giờ là ông Trung Quốc ông chống lại chuyện đó, nhưng bây giờ nếu mà có vũ khí ngoài đó thì bây giờ nếu mà có máy bay đi qua rất có thể xảy ra trường hợp accidents, tức là biến cố mình không trù liệu được, tai nạn chẳng hạn, tính lầm chẳng hạn. Thì cái sự xung đột nó rất là lớn, thành ra tôi hôm trước có đọc câu tuyên bố của ông cựu phó giám đốc trung ương tình báo ông nói có triển vọng xảy ra chiến tranh

Hải Ninh: Trong khả năng có thể xảy ra xung đột và chiến tranh như thế, những nước cũng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông phải làm thế nào?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Các nước đó thì chỉ có đánh bom miệng đươc thôi, thực sự họ không có khả năng gì để cản trở cái đó cả, tất cả họ đều phải nhờ Mỹ cả. Thế mà Cái khổ là thế này, nếu mà mình nhìn các ông ấy hành động từ xưa đến nay , nếu các ông đoàn kết lâu thì Trung Quốc đã không tiến mạnh được, bởi vì ông đoàn kết lâu thì Mỹ cũng dính tay vào đó. Các ông ấy theo sự nhận xét riêng của tôi đó thì tôi cảm tưởng các ông ấy muốn free ride đấy, tức là ông ấy chống Trung Quốc thì ông chỉ chống miệng thôi, còn hành động thì các ông ấy không làm, và ông ấy vẫn tiếp tục có quan hệ tốt với Trung Quốc. Thì Mỹ nó bảo you cannot have cake and eat it too, ông ăn hết bánh rồi thì bánh hết chứ còn gì làm bánh nữa, thì cái tình trạng đó tạo ra cái khó khăn như hiện nay.

Hải Ninh: Vậy liệu Trung Quốc có dừng việc xây đảo đá hoặc có cách nào khiến họ dừng việc xây dựng hay không?

G.S. Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết là đã xây rồi, nó thành đảo rồi. Vấn đề là họ có quân sự hoá cái đó không. Quân sự hoá có nghĩ là gì, ngoài vũ khí thì họ có thể xây sân bay, đưa tàu chiến vào. Nếu họ làm như vậy thì họ thay đổi rất mạnh mẽ cái thế chiến lược vùng đó bởi họ sẽ có ưu thế chiến lược kiểm soát Biển Đông, tạo ra áp lực rất mạnh cho những người muốn chống lại, nếu chống lại thì có thể xảy ra chiến tranh

Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. - RFA


No comments:

Post a Comment