Saturday, May 23, 2015

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 23/5

Tin Thế Giới

1.
Iraq chuẩn bị chiếm lại Ramadi từ tay Nhà nước Hồi giáo

Một đoàn xe của các lực lượng Iraq và dân quân Hồi giáo Shia hôm nay bắt đầu di chuyển về hướng Ramadi, thủ phủ của tỉnh Anbar và là nơi bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo chiếm cứ hồi trung tuần tháng này.

Tương lai của tỉnh Anbar rộng lớn ở miền tây Iraq, giáp với Syria, Jordan và Ả rập Saudi, đã trở nên bấp bênh sau một loạt những chiến thắng của Nhà nước Hồi giáo từ trung tuần tháng này.

Quân đội Mỹ cho biết liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện 22 vụ oanh kích ở Iraq trong đêm vừa qua, tập trung vào Ramadi, cứ địa của Nhà nước Hồi giáo ở Mosul, và khu vực gần nhà máy lọc dầu Beiji.

Năm vụ oanh kích của liên minh cũng được thực hiện ở Syria, nơi một quả bom phá huỷ các khẩu súng đại bác phòng không ở cổ thành Palmyra.

Chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã lục soát một viện bảo tàng ở thành phố này sau khi đánh bại các lực lượng chính phủ trong khu vực hôm thứ tư. Ông Maanmoun Abdulkarim, người đứng đầu Cục Cổ vật ở Damascus hôm nay cho biết các cổ vật ở địa điểm này đã được dời đi nơi khác để cất giữ. Trước đây các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã phá huỷ các viện bảo tàng, cho nên sự hiện diện của họ ở Palmyra làm cộng đồng quốc tế quan tâm về số phận của địa điểm nằm trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.

Hôm qua, Nhà nước Hồi giáo đã giành thêm thắng lợi trong lúc tìm cách tiến tới mục tiêu thành lập một quốc gia Hồi giáo ở Iraq và Syria. Họ đã chiếm được cửa khẩu cuối cùng giữa Syria và Iraq từ tay chính phủ ở Damascus, theo tin của Đài Quan sát Nhân quyền Syria.

Cũng trong ngày hôm qua, những kẻ ủng hộ Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm đối với hai vụ nổ bom trên bán đảo Ả Rập nhắm vào các đền thờ của Hồi giáo Shia.

Một nhóm tự xưng là một chi nhánh mới được thành lập của Nhà nước Hồi giáo cho biết họ đã thực hiện một vụ đánh bom ở khu Qatif của Ả rập Saudi giết chết 21 người và làm bị thương hơn 80 người. Một vụ đánh bom thứ nhì gần một đền thờ ở thủ đô Sana’a của Yemen gây thương tích cho 13 người. - VOA
|
|

2.
42 người thiệt mạng trong vụ chạm súng ở Mexico

Các giới chức Mexico cho biết ít nhất 42 người thiệt mạng trong vụ chạm súng giữa những phần tử tội phạm và lực lượng an ninh ở miền tây Mexico, nơi có nhiều vụ bạo động của các băng đảng ma tuý.

Các giới chức nói hầu như toàn bộ những người thiệt mạng trong vụ chạm súng hôm thứ sáu ở tiểu bang Michoacan gần biên giới tiểu bang Jalisco là thành phần tội phạm. Ít nhất 1 cảnh sát viên thiệt mạng trong vụ chạm súng.

Thống đốc tiểu bang Michoacan, ông Salvador Jara, cho biết vụ đụng độ bắt đầu khi lực lượng an ninh chận một chiếc xe khả nghi, khiến những người trên xe nổ súng.

Ông Jara nói rằng vụ này có phần chắc là dính líu tới băng đảng ma tuý Jalisco Thế hệ Mới.

Băng đảng này đã giết hại ít nhất 15 nhân viên cảnh sát trong vài tháng qua và bắn rơi một chiếc trực thăng quân sự ở tiểu bang Jalisco hồi đầu tháng này, giết chết 6 người trên máy bay.

Michoacan và Jalisco là nơi xảy ra một số những vụ bạo động dữ dội nhất trong cuộc chiến chống ma tuý ở Mexico. Cuộc chiến này bắt đầu leo thang năm 2006, khi chính phủ điều động binh lính để chống lại các băng đảng. Hàng vạn người đã thiệt mạng ở Mexico trong gần 10 năm qua trong những vụ đụng độ giữa các băng đảng ma tuý với các lực lượng an ninh. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
New York Times: Bộ Tư pháp nói General Motors 'phạm tội'

Đại công ty xe hơi General Motors (GM) có thể sắp bị phạt một khoản tiền kỷ lục vì không tiết lộ một lỗi về bộ phận đánh lửa trong những chiếc xe của công ty gây ra ít nhất 104 ca tử vong, theo tường thuật hôm thứ sáu của tờ New York Times.

Các nguồn tin của báo này cho biết khoản tiền nộp phạt để giải quyết vụ án vẫn đang trong vòng điều đình, nhưng theo dự liệu sẽ cao hơn khoản tiền 1 tỉ 200 triệu đô la mà công ty Toyota đã trả hồi năm ngoái vì không tiết lộ những sự trục trặc khiến cho xe tăng tốc ngoài ý muốn.

Tờ New York Times nói rằng Bộ Tư pháp đã xác định “sai lầm hình sự” của General Motors khi không tiết lộ những sự trục trặc của bộ phận đánh lửa làm cho động cơ bị tắt một cách đột ngột. Sự trục trặc này và những vấn đề khác đã khiến GM phải thu hồi hơn 30 triệu chiếc xe để sửa chữa hồi năm ngoái.

Theo tờ New York Times, GM đã được yêu cầu từ tháng 5 năm ngoái là phải báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý của chính phủ về những hoạt động nhằm bảo đảm an toàn.

Báo này cũng cho biết các cựu viên chức của GM đang bị điều tra và có thể bị truy tố hình sự. - VOA
|
|

4.
Thượng viện Mỹ ngăn chận dự luật của Hạ viện về hoạt động theo dõi trong nước --- Thượng viện Mỹ trao quyền đàm phán nhanh về tự do mậu dịch cho TT Obama

Thượng viện Hoa Kỳ đã ngăn chận một dự luật của Hạ viện mà nếu được thông qua sẽ chấm dứt việc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) thu thập dữ liệu tổng quát của những cuộc gọi điện thoại trong nước.

Trong cuộc biểu quyết hồi khuya thứ sáu rạng ngày thứ bảy, chỉ có 57 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận trong lúc cần có 60 phiếu thuận để xúc tiến dự luật được Hạ viện thông qua với đa số áp đảo hồi tuần trước.

Dự luật có tên Đạo luật Tự do Hoa Kỳ được Hạ viện thông qua với 338 phiếu thuận và 88 phiếu chống.

Dự luật của Hạ viện đòi hỏi NSA phải có trát của một toà án bí mật về an ninh quốc gia mới có thể thủ đắc những thông tin từ các công ty điện thoại tư nhân về những cú điện thoại trong nước.

Chương trình thu thập dữ liệu qui mô lớn này đã gặp phải sự chỉ trích của những nhà tranh đấu dân quyền sau khi được tiết lộ vào năm 2013 bởi Edward Snowden, cựu nhân viên khế ước của NSA.

Dự luật của Hạ viện nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả phe tự do trong Đảng Dân chủ lẫn phe bảo thủ trong Đảng Cộng hoà và của Tổng thống Barack Obama.

Dự luật này gặp phải sự chống đối kịch liệt của lãnh tụ khối đa số ở Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell.

Chương trình thu thập dữ liệu điện thoại tổng quát được cho phép thực hiện dựa trên Luật Ái quốc Hoa Kỳ, là luật được thông qua không lâu sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ. Hồi đầu tháng này, một toà phúc thẩm liên bang ở New York ra phán quyết cho rằng chương trình này của NSA là bất hợp pháp, nhưng không ban hành án lệnh đòi cơ quan này phải ngưng.

Phần của Đạo luật Ái quốc Hoa Kỳ cho phép thực hiện chương trình của NSA sẽ hết hạn vào ngày 1 tháng 6. Cuộc biểu quyết sáng nay của Thượng viện khiến cho số phận của những qui định then chốt trong đạo luật này trở nên có nhiều bất trắc. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ McConell cho biết Thượng viện sẽ họp lại vào ngày 31 tháng 5, một ngày sớm hơn lịch trình, để tìm cách cứu vãn những qui định then chốt trong Luật Ái quốc.

Bên cạnh đó, hôm qua 22/05/2015, Thượng viện Mỹ đã thông qua một luật trao các quyền hành rộng rãi cho Tổng thống Barack Obama trong việc đàm phán các hiệp định tự do mậu dịch.

Đạo luật này nhằm thiết lập một thủ tục đàm phán nhanh, gọi là TPA, viết tắt của Trade Promotion Authority, theo đó Quốc hội sẽ chỉ có thể thông qua hoặc bác bỏ mọi hiệp định tự do mậu dịch mà chính quyền Obama thương lượng, chứ không được sửa đổi. 

Chính các thượng nghị sĩ Dân chủ, phe của Tổng thống Obama, đã là những người chống đối luật này mạnh nhất, trong khi phe Cộng hòa, hiện chiếm đa số ở cả hai viện Quốc hội, ủng hộ luật này. Nhưng hôm qua, các thượng nghị sĩ Mỹ, với 62 phiếu thuận và 37 phiếu chống đã thông qua luật cho tổng thống Obama quyền đàm phán nhanh các hiệp định tự do mậu dịch. 

Đạo luật này, mà hiện còn phải được đưa ra biểu quyết ở Hạ Viện, đặc biệt sẽ cho phép Tổng thống Obama nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Ông Obama hy vọng sẽ ký được hiệp định này trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông. 

Đạo luật TPA cũng sẽ được áp dụng cho hiệp định tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Liên hiệp châu Âu (TTIP), nhưng hiệp định này phải còn mất nhiều năm mới thương lượng xong. 

Tổng thống Obama hôm qua đã ra thông cáo hoan nghênh kết quả bỏ phiếu ở Thượng viện. Theo Tổng thống Mỹ, cuộc bỏ phiếu này là "một bước quan trọng đến việc bảo đảm là Hoa Kỳ có thể đàm phán và thi hành những hiệp định vững chắc và với những tiêu chuẩn gắt gao". Ông kêu gọi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thuận cho luật TPA giống như Thượng viện. - VOA, RFI
|
|

5.
"Tiếng nói Hoa Kỳ" gặp khó khăn trong cuộc chiến tuyên truyền

Căng thẳng trở lại giữa phương Đông và phương Tây khiến bóng ma chiến tranh lạnh lại quay về cùng với cuộc chiến tuyên truyền. The New York Times cho biết, theo các nghị sĩ, nhà nghiên cứu chính trị và các nhân viên cũ của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America -VOA), thì đài này đang gặp khó khăn đúng vào lúc nước Mỹ đang cần phản công lại nghệ thuật tuyên truyền tinh vi của các nước như Trung Quốc và Nga, cũng như các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ông David Ensor, Tổng giám đốc VOA đã từ chức vào đầu tháng Tư, từng là phóng viên của đài phát thanh quốc gia và các kênh truyền hình ABC News, CNN. Ông được bổ nhiệm năm 2011 để biến đài VOA – được thành lập trong thời kỳ chiến tranh lạnh – thành một phương tiện truyền thông siêu hiện đại. Một số người đã vội xem đây là phiên bản nhà nước của CNN.

Nhưng ngân sách bị cắt giảm, các câu hỏi đặt ra về nhiệm vụ của VOA và việc thiếu giám sát đã hạn chế phạm vi cải cách của tân Tổng giám đốc. Hơn nữa, đa số chương trình của đài VOA lại trùng lắp với các tổ chức khác được Nhà nước tài trợ như Radio Free Europe – Radio Liberty. Rất nhiều yếu tố khiến những người chỉ trích cho rằng Voice of America chậm trễ trong việc đưa tin một số sự kiện thời sự nóng bỏng, và không chống chọi nổi với tuyên truyền của những nước khác, đặc biệt là Nga.

Hôm 15/4, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã họp phiên công khai về vấn đề tuyên truyền của Nga, và về các khó khăn của chính phủ Hoa Kỳ để có thể đối phó một cách hiệu quả. Các chuyên gia và lãnh đạo của VOA cho rằng, vấn đề chính là Quốc hội và Nhà Trắng không xác định rõ ràng vai trò của đài trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Theo một báo cáo dựa trên kết quả phỏng vấn trên 30 chuyên gia ngoại giao, thì các chương trình phát thanh quốc tế của của chính phủ Mỹ cần phải "được quan niệm lại hoàn toàn", làm thế nào để phù hợp với các mục tiêu của chính sách đối ngoại.

Được thành lập năm 1942 trực thuộc Văn phòng Thông tin Chiến tranh, nhiệm vụ nguyên thủy của Voice of America là chống lại tuyên truyền của phe Quốc xã và Nhật. Đài được nhìn nhận là đã đóng góp vào việc chấm dứt chiến tranh lạnh, khi cung cấp các thông tin không bị kiểm duyệt cho các nhà ly khai khối Đông Âu, phản bác lại các tuyên truyền cộng sản tại Liên Xô và các nước chư hầu.

Nhưng theo The New York Times được Courrier International trích dịch, từ đó đến nay VOA đã đi xuống, bị co kéo giữa sự cần thiết phải đưa các thông tin khả tín, và việc ủng hộ chính sách Mỹ. Năm 2013, bà Hillary Clinton lúc đó là Ngoại trưởng, đã tuyên bố Broadcasting Board of Governor (BBG, cơ quan kiểm soát các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ trong đó có VOA) đã "hoàn toàn thất bại về năng lực phổ biến một thông điệp ra thế giới".

Trong kỷ nguyên Facebook và Twitter, một số người còn tự hỏi nếu VOA, với ngân sách khoảng 200 triệu đô la một năm, có mang lại lợi ích gì hay không. Ông Ensor nêu ra một loạt thành công vào thời kỳ ông còn lãnh đạo đài, nhất là số lượng người nghe qua các mạng xã hội và điện thoại di động tăng lên. Bên cạnh đó là các chương trình phát hình mới bằng nhiều thứ tiếng, như tiếng Nga, Ukraine, Iran, tiếng quan thoại, Miến Điện.

Theo các thành viên chính phủ Obama, VOA và các đài khác đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao Mỹ. Ông Richard Stengel, Thứ trưởng phụ trách Ngoại giao và Công vụ nói: "Trước các thử thách mà chúng ta phải đối phó trên nhiều mặt trên, từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo đến Boko Haram, các tổ chức như VOA là một lợi thế đáng kể. Chúng ta phải làm mọi cách để tấn công lại các thông tin của những nhóm này".

Cho dù bị nhiều chỉ trích cũng như một số vụ lãnh đạo VOA và BBG từ chức, những người đứng đầu BBG khẳng định đã tiến hành kế hoạch tăng tốc chuyển đổi sang kỹ thuật số và củng cố hoạt động phản tuyên truyền của VOA.

Nhưng nhiều nghị sĩ không cảm thấy thuyết phục. Ủy ban Ngân sách Hạ viện khuyến cáo giảm tài trợ cho BBG và các mạng lưới trực thuộc cho đến khi có được "những cải cách quan trọng". Các dân biểu muốn đưa ra thêm một dự luật để sửa đổi điều lệ của VOA, ghi rõ là đài phải góp phần hỗ trợ chính sách ngoại giao Mỹ và phản bác tuyên truyền của các nước khác. Dự luật bị các nhà báo của đài chống đối, đã được Hạ viện thông qua năm ngoái nhưng Thượng viện bác.

Dân biểu Cộng hòa Ed Royce của bang California, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đề nghị: "Cần giải quyết các vấn đề của VOA bằng cách làm thế nào để với ngân sách hiện nay, có nhiều nguồn lực tại chỗ hơn. Không cần thiết phải bỏ thêm tiền vào một cơ quan cồng kềnh mà không hiệu quả". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

6.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói chuyện tại Quốc hội VN, kêu gọi tự chế trong tranh chấp Biển Đông --- Mỹ cân nhắc tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp ở Biển Đông

Ông Ban Ki-moon là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đầu tiên nói chuyện trước toàn thể Quốc hội Việt Nam chiều 23/5.

Ông Ban hiện đang ở Hà Nội trong chuyến thăm chính thức lần thứ hai với cương vị tổng thư ký LHQ.

Lần đầu tiên ông tới Việt Nam là vào năm 2010.

Được biết trong buổi nói chuyện bắt đầu khoảng 15:00 giờ chiều giờ Hà Nội tại Quốc hội Việt Nam, ông Ban Ki-moon sẽ đề cập môt số vấn đề liên quan quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ.

Việt Nam đang mong muốn thúc đẩy quan hệ hai bên, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn hỗ trợ của LHQ nhằm triển khai Chương trình Nghị sự Phát triển sau năm 2015, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các chương trình giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước đó, trong các tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam, ông Ban đã đề cập khá nhiều tình hình căng thẳng hiện tại ở Biển Đông.

Ông Ban đã được nghe thông báo về tình hình Biển Đông từ chính các lãnh đạo Việt Nam.

Báo Việt Nam sau đó đưa tin ông nói LHQ "sẵn sàng hỗ trợ nếu các bên liên quan đề nghị" để bảo đảm an ninh, ổn định ở Biển Đông.

Ông nói tại một cuộc họp báo sáng thứ Bảy: ""Tôi thúc giục các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế tối đa, không làm leo thang căng thẳng, cùng đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982; mong các nước Asean và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)".

Trong ngày thứ Bảy, ông Ban Ki-moon đã có gặp gỡ các cán bộ ngoại giao trẻ và sinh viên Học viện Ngoại giao, thăm Trung tâm Gìn giữ hòa bình của LHQ ở Hà Nội trước khi tới Quốc hội.

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm nay 23/5, ông Ban Ki Moon cho biết ông “đã hối thúc các bên liên quan tự chế tối đa để tình hình không leo thang tới mức căng thẳng.” Ông nói thêm rằng “Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại hoà bình.”

Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc phát biểu như vậy vài ngày sau khi hải quân Trung Quốc xua đuổi một chiếc máy bay trinh sát của Mỹ bay trên những bãi cạn ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang ráo riết xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự.

Hôm thứ tư vừa qua, Phó Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã đả kích Trung Quốc về điều ông gọi là “tìm cách tạo ra đất đai có chủ quyền từ những lâu đài trên cát và vẽ lại ranh giới trên biển, làm xói mòn sự tin tưởng khu vực và gây phương hại tới niềm tin của giới đầu tư.”

Bên cạnh đó, giới chức Mỹ loan báo đang cân nhắc gửi tàu chiến và máy bay do thám vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông, sau vụ máy bay do thám của Mỹ mới đây bay bên trên những hòn đảo này, khiến Trung Quốc liên tục phát cảnh báo.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại tá Steven Warren, hôm 21/5 tiết lộ ý định vừa kể của Washington thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Khi được hỏi liệu quân đội Mỹ sẽ tiến vào vùng nhạy cảm này hay không, ông Warren nói hiện tại họ chưa có thông báo nào về những bước tiếp theo nhưng sẽ tiếp tục những chuyến bay thường xuyên của mình.

Sau vụ hải quân Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ ở Biển Đông, Bắc Kinh ngày 21/5 tuyên bố họ “có quyền giám sát vùng không phận và hải phận liên quan để duy trì an ninh quốc gia và tránh những tai nạn hàng hải.”

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, được Bloomberg ngày 22/5 dẫn phát biểu rằng những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến 2 nước Việt-Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn trước đây trong quá khứ.

Trước các diễn tiến mới nhất ở Biển Đông, Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu các nước không làm phức tạp thêm tình hình.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 21/5 kêu gọi tất cả các nước có liên quan đóng góp có trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông. - BBC, VOA


No comments:

Post a Comment